Phía sau trang sách

Nghiệt tử: Bài ca khát sống

Tất cả đau thương cứ rơi lả tả như trận mưa không dứt tỏa xuống từ công viên này.

Published

on

Chi tiết tác phẩm

“Tớ sẽ cho cậu thấy, tớ thực sự đang sống trong một vở kịch như thế nào” – đấy là câu thoại mà Tiểu Ngọc nói cùng Thanh trong bản chuyển thể điện ảnh của Nghiệt tử vào năm 2003. Và quả thật cũng đúng như vậy, bằng quyển tiểu thuyết này, Bạch Tiên Dũng đã âm thầm dựng lên một sân khấu lớn, tuyển chọn diễn viên và cứ thế action không cần kịch bản. Vốn dĩ chẳng cần một dòng chữ nào bởi họ đang sống như chính là mình, phơi bày ra trước thế giới rộng lớn bản chất thật nhất của mình, kể câu chuyện đời mình. Họ là đội quân những bóng ma lang thang vô định trong từng mét vuông sân khấu, phê pha tận hưởng từng khoảnh khắc vẻ vang hay đớn đau, và tất cả được Bạch Tiên Dũng ghi lại dưới con mắt lành nghề vừa mang vẻ tinh tế, nhưng cũng đồng thời, thật đến tan nát cõi lòng. Với Nghiệt tử, ông không hẳn cho thấy cái tréo ngoe cùa những con người vốn được coi như một trò đùa của tạo hóa, mà ngay cả những người tưởng như bình thường nhất, những người con theo đúng ý định của Adam và Eva nhất, cũng đồng thời mang trong mình cái gen tréo ngoe mà hễ sinh ra là kiếp con người, ai rồi cũng sẽ nếm mật nằm gai.

Nghiệt tử như cơn đồng sàng dị mộng rất khó tiêu hóa, khi một bên là đời sống bên ngoài ở Công viên Mới, một bên là những thẳm sâu bên trong mỗi nhân vật. Lấy câu chuyện của Thanh làm mạch sườn chính, Bạch Tiên Dũng tạo ra ban đầu một sự tiếp cận vô cùng tuần tự. Một thanh niên đang tuổi nổi loạn bùng cháy những khát khao yêu đương hừng hực tuổi trẻ, nhưng hà khắc ở chỗ, tình yêu ấy chưa bao giờ được chấp nhận bởi những phụ huynh vẫn tin lí tưởng của mình trên hết, và một xã hội dẫu được Tây hóa từ rất lâu như Đài Loan vẫn phải chào thua. Những đứa trẻ một khi đã như những con thiêu thân lao đầu vào thứ tình cảm ấy, đều có một số phận không mấy êm đẹp. Như lời lão Quách từng nói khi mở tập ảnh Bầy chim Thanh xuân rằng: “Chính dòng máu trong người đã thôi thúc chúng bây, chúng bây là lũ nhóc hoang dại sinh ra trên hòn đảo này, giống như bão tố và động đất trên đảo. Chúng bây là bầy chim non đã mất đi tổ ấm. Giống như bầy chim én bay vượt đại dương, chỉ biết gồng mình bay về phía trước, rồi sẽ bay đến nơi đâu chúng bây cũng không biết được.”

Ở đó tồn tại một vương quốc nơi những con người lạc loài như họ hàng ngày vẫn tề tựu về như chốn dung dưỡng tâm hồn. Đó là một vương quốc không phân giàu nghèo, sang hèn, già trẻ hay mạnh yếu, mà đó là chốn thỏa bày, là nơi hợp nhất những sự tuyệt vọng như hai dấu trừ của môn đại số, để rồi từ đó bật lên là những cảm thông, là sự chia sẻ qua hết ngày dài đoạn tháng. Từ Công viên Mới ấy, Bạch Tiên Dũng tỏa ra nhiều ngã, sử dụng những câu chuyện nhỏ như nét chấm phá gợi lên đôi chút thương đau. Về anh thầy giáo thể dục, về cậu thiếu niên nhảy cầu Đạm Thủy, về cậu bé vẫn mãi trông chờ người tình nước Mỹ của mình đến mức hóa rồ hay cả chuyện tình ly kì của Phượng,… Tất cả đau thương cứ rơi lả tả như trận mưa không dứt tỏa xuống từ công viên này.  Chật chội, ám ảnh và đè nén như những thước phim đặc tả cái cô đơn đậm chất Hongkong của Vương Gia Vệ bằng những khung hình chật hẹp, Bạch Tiên Dũng cũng phả vào đây thứ hơi nghẹn đắng ứ đầy ở cổ: “Thứ mà tất cả chúng tôi đều có, là những tấm thân bị dục vọng thiêu đốt đến tột cùng đau đớn, là những trái tim cô đơn đến cuồng dại. Những trái tim cô đơn đến cuồng dại ấy, cứ đến lúc nửa đêm, lại như một bầy mãnh thú phá tan hoang tù ngục giam cầm, nhe nanh múa vuốt, gầm gừ bắt đầu cuộc sục sạo săn tìm. Dưới bóng hắt của vầng trăng đỏ bầm, chúng tôi như lũ con bệnh mộng du, mỗi kẻ giẫm lên một chiếc bóng, bắt đầu cuộc truy tìm cuồng nhiệt vòng quanh hồ hoa súng không ngừng không nghỉ, luân hồi bất tận, theo đuổi cơn ác mộng khổng lồ ngập ngụa yêu thương và dục vọng.”

Thế nhưng ở đó không chỉ là những thiêu đốt của dục vọng thấp hèn, mà ngoài ánh sáng, họ vẫn là những con người hàng ngày quay cuồng với cõi nhân gian. Bạch Tiên Dũng rõ ràng không quá cố gắng khi chỉ khai thác cái sầu thảm hay duy bi kịch, mà ông đạt đến trạng thái cân bằng và sau đó dùng nó làm chiếc đòn bẩy như niềm tiếc nuối cho những tháng ngày đã qua. Hình ảnh cậu em của Thanh không chỉ xuất hiện trong tác phẩm như cách để làm dài thêm, mà đó là cách con người họ sống, là kí ức đẹp và sự xót thương. Hay Tiểu Ngọc với giấc mơ Nhật đi tìm người cha lừa dối mẹ mình, không biết mặt mũi ông sao, chỉ biết tên họ dẫu cho Nakajima trăm ngàn phổ biến ấy biết có thật không? Chuột và người anh Qụa, dẫu có bị hành hạ vô cớ hay đánh đến mềm rũ người, cậu ta vẫn cười hề hề sau mỗi trận đánh, vì sống với Qụa đã quá quen rồi!? Hay như Ngô Mẫn, cậu trai mềm yếu từng cắt tay mình vì một người đàn ông cho cậu giấc mơ về cuộc sống tưởng quá êm đềm: “Cậu không biết phòng tắm nhà anh Trương thích đến mức nào đâu, toàn bộ lát gạch men màu xanh lam, đến bồn tắm cũng màu xanh nốt… Tớ chưa bao giờ nhìn thấy cái bồn tắm nào đẹp đến thế, bên trên bồn tắm có van gas, mở vòi là nước nóng chảy ra ào ào. Tớ xả đầy một bồn nước nóng, ngâm mình trong đó, không muốn bước chân ra ngoài nữa, cứ ngâm đến khi cả người đỏ au lên… Lần đầu tiên trong đời tớ được tắm thỏa thích đến thế”. Tất cả bọn họ đều là những người rất ư bình thường, đều có gia đình, những mối quan hệ, đã từng hay đang mơ ước thứ này thứ khác, những thứ giản đơn… Bạch Tiên Dũng từ đây lại gợi một sự cân bằng, dẫu cho sai khác một mặt nào đó, họ vẫn là những sinh thể dưới ánh mặt trời, khát khao yêu thương, đam mê cả thế giới này. Từ một tác phẩm tưởng như viết riêng cho một cộng đồng người, Nghiệt tử lại như tiếng nói nhân sinh cho mọi con người như lời thiết sống.

Nghiệt tử mang trong lòng mình dáng dấp một tác phẩm lớn. Nói thế, bởi Nghiệt tử vô cùng toàn diện, khi không những phác họa thành công những nhân-vật-chính của mình, mà đồng thời, nó còn gom cả xã hội ôm vào trong mình, thành sự phản ánh hai chiều đầy đủ giác quan, nghe-nhìn-cảm nhận. Đó là cha của Lý Thanh, người cha suốt cả một đời chinh chiến nhưng không may bị bắt làm tù binh, để rồi sau đó không còn lại gì: chức tước, danh lợi, địa vị,… Là mẹ Lý Thanh, người đàn bà trẻ khi mới 19 đã lấy cha anh, lúc ấy 45 để rồi sau này say đắm bản tính nghệ sĩ cuốn gói đi xa bỏ mặc cả hai người con. Như chính cái tên dãi dầu của chị – Hoàng Lệ Hà, những năm cuối đời là những kí ức vô cùng muốn quên. Hoảng loạn, cuồng nộ như cơn bão lớn, Thanh viết: “Mẹ tôi suốt đời không ngừng trốn chạy, phiêu bạt, kiếm tìm, để đến cuối cùng phải nằm liệt trên chiếc giường chồng chất những chăn bông chua loét mồ hôi, chụp kín trong cánh màn nhem nhuốc, bệnh độc đầy người, thoi thóp hơi tàn chờ chết.” Là mẹ Tiểu Ngọc, người đàn bà phốp pháp phấn son lem luốc, trót đem lòng tin người đàn ông Nhật để rồi khổ sở cả đời. Là Lệ Nguyệt, người đàn bà đẹp, nhưng quá đa cảm tin vào tình yêu,… Mỗi một người họ đều như những con mồi ngon của thứ thời cuộc ủ men quá độ, đều là những thân những kiếp của loài côn trùng khoác lên trên mình bộ cánh đẹp đẽ, nhưng nào biết rằng họ đang dấn bước vào trong khu rừng của loài nắp ấm, chỉ tiến quá gần, rồi sẽ tiêu tan.

Một điểm rất đáng chú ý ở Nghiệt tử là nó không hề chứa đựng một phút giây nào của những đặc tả ham muốn thể xác. Việc chối từ một mặt tối quan trọng của những tiểu thuyết mô tả bản chất con người của Bạch Tiên Dũng rõ ràng là một ca lạ. Vì như từ trước đến nay, sex trong văn chương vẫn luôn được coi như một thành tố vừa đi sâu vào lòng bản chất, vừa như một lối hướng theo thị hiếu đọc giả. Nói sex trong văn chương châu Á vẫn chưa rộng đường, còn hơi tế nhị cũng chưa hẳn đúng; vì Trương Ái Linh cùng Sắc, Giới hay bộ phim chuyển thể của Lý An sau này đã như một sự phản hồi. Chuyển từ những cảnh tính dục sang những mô tả tình cảm vô cùng thần sầu, mối quan hệ cha – con trong Nghiệt tử là chi tiết cá nhân nhất mà Bạch Tiên Dũng mang vào. Giữ Vương Quỳ Long như nhân vật mang chính hình dáng chính mình, ông khắc sâu vào lòng độc giả thế đối lập tư tưởng giữa những cánh chim hoang dã và người cha của họ. Cụ Phó Sùng Sơn, Vương Thượng Đức và cha Lý Thanh là ba người được ông khắc họa cùng chung một khuôn, như đại diện cho những con người cứng cỏi nhất của thời bấy giờ, khi từng chinh chiến, giữ chức vụ cao và hơn hết, là những kỳ vọng lớn lao vào con trai họ. Trong khi Phó Vệ, Vương Quỳ Long và Lý Thanh, lại là ba con chim hoang dã không chịu khuất phục, lao mình vào lửa không màng kết cục. Sự kình chống tư tưởng giữa mỗi người họ giống như cách nhìn của xã hội Đài Loan lúc bấy giờ, nhưng trong trường hợp này, còn hơn thế nữa, khi nó còn là bộ mặt, còn là thanh danh. Kết cục là cái chết tự kết liễu mình của Phó Vệ, là sự thù hằn không bao giờ nguôi của Vương Thượng Đức và nỗi nhớ nhà nhưng đành bất lực của Lý Thanh. Tất cả xoay vòng thành một hỗn thế, đầy đủ hết mọi xúc cảm: hối hận, căm tức, phẫn nộ, đau khổ,… Nhưng rồi ông lại thắp lên ánh sáng sau đường hầm tối, khi rồi nhìn lại, cụ Phó dang tay cứu giúp những đứa trẻ trong công viên Mới, hay một lần khác ông ngồi trầm ngâm dưới hương ngải tiên vào ngày giỗ của con trai mình. Chi tiết Vương Quỳ Long chất vấn cụ Phó vì sự lạnh lùng của cha mình, để rồi nhận lại câu nói: “Ông ấy không nỡ gặp con… Đến nhắm mắt rồi cũng không nỡ gặp con…”, hay giọt nước mắt của cha Lý Thanh và tiếng gào thét khan đặc gọi cậu quay lại ở bản điện ảnh, tất cả đã như một câu trả lời.

Đài Loan những năm 70 chìm trong bầu không khí ngột ngạt của nền kinh tế chuyển mình, rón rén bước chân trở thành một trong bốn con rồng châu Á, giống như lời Bạch Tiên Dũng mô tả một con ngõ nhỏ: “Trong con ngõ số 125 đường Nam Kinh Đông, quán ăn, nhà hàng san sát. Đầu ngõ là Phượng Thành, một nhà hàng chuyên món Quảng Đông rất đắt khách […] Sát bên cạnh là một nhà hàng Nhật Bản tên là Mai Uyển, tiếp nữa là quán thịt nướng Hàn Quốc Arirang, đối diện với Arirang là nhà hàng Âu Golden Angel.” Một cách gần giống với Us của đạo diễn Jordan Peele, ở đâu đó trong đêm trường tăm tối, cả một cộng đồng mới đã dần thành hình. Nhưng khác với nhóm những người song trùng đầy những hận thù của Red, cộng đồng những con chim hoang dại tập hợp ở đây chỉ với một mục đích duy nhất, khát khao sống. Đọc Nghiệt tử, ta thấy họ cũng như những con người khác, cũng mong manh trước những thân phận, nhưng cũng mạnh mẽ đứng lên trước những khó khăn. Nghiệt tử là một tác phẩm lớn, khi nó không chỉ khắc họa sự lênh đênh của những con người bị tạo hóa trêu đùa, mà nó còn như nét màu hoàn thiện bức tranh nhân quần đầy chuyển động, cạnh đó là một xã hội Đài Loan thu nhỏ với nhịp sống về đêm vô cùng nhộn nhịp, là chốn vui chơi lạc thú bên cạnh những thân xác rã rời. Với Nghiệt tử, Bạch Tiên Dũng đã tự đưa mình vào hàng ngũ những cây bút ngoài Đại Lục vô cùng tài hoa, bên cạnh những Kim Dung, Trương Ái Linh, Lưu Dĩ Sưởng,… từng làm nức lòng xứ Cảng Thơm biết bao thế hệ.

Hết.

Ngô Thuận Phát


Xem tất cả những bài viết của Ngô Thuật Phát tại đây.


Bài viết có chủ đề liên quan



Click to comment

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Phía sau trang sách

Trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình với Metahuman – Siêu nhân loại

Published

on

By

Những khi nhìn lại chính bản thân mình, những điều đã hoàn thành lẫn những điều còn dở dang, nếu đâu đó trong bạn xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực về chính mình, có lẽ tác phẩm Metahuman – Siêu nhân loại của bác sĩ Deepak Chopra sẽ giúp bạn điều chỉnh lại suy nghĩ ấy, để thấy rằng tiềm năng của con người là vô hạn.

Có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao những phim hài lãng mạn dù lặp lại các kiểu mô típ quen thuộc về câu chuyện, nhân vật thường vẫn dễ dàng thu phục được công chúng? Trong Metahuman – Siêu nhân loại, Deepak Chopra – tác giả người Ấn Độ từng được tạp chí Time vinh danh là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất ở thế kỉ 20 – đã có cách lí giải vô cùng thuyết phục dựa trên cơ chế tâm lí, ý thức về hiện thực của con người.

Dòng phim hài lãng mạn thường kể câu chuyện về một anh chàng hay cãi nhau với một cô nàng, để rồi cuối phim anh mới nhận ra cô chính là tình yêu đích thực của đời mình. Chopra cho rằng tất cả chúng ta đều yêu thích khoảnh khắc giác ngộ của nhân vật trong phim: “Giờ tôi đã hiểu rồi. Đó là người tôi yêu.”

Chính vì thực tại ta đang sống là một thứ khó hiểu, khó nắm bắt nên ta lại càng tìm được nhiều niềm vui khi chứng kiến nhân vật có thể hiểu được một vấn đề nan giải, thấy được sự thật bấy lâu nay cứ chìm khuất trong lớp sương mờ trước mắt anh hay cô ta. Và tác phẩm Metahuman – Siêu nhân loại cũng có thể mang đến cho người đọc niềm vui tương tự khi lần lượt giải mã nhiều vấn đề về hiện thực ta đang sống.

Những giới hạn của bản thân không phải là điều tiêu cực như bạn nghĩ

Deepak Chopra

Chúng ta vẫn thường quen thuộc với quan niệm thế giới chia làm hai phần gồm: vật chất và ý thức. Từ đây, hình thành hai trường phái triết học chủ đạo là duy vật và duy lí. Nhưng trong Metahuman – Siêu nhân loại, Deepak Chopra đã định nghĩa lại về thế giới. Ông cho rằng thế giới chỉ có duy nhất một thứ là ý thức, và vật chất cũng là do ý thức tạo nên. Vật chất, hay những gì chúng ta nghĩ là rắn chắc, bền vững, khó thay đổi – bao gồm cả cơ thể, tâm trí và những tiềm năng của chúng ta – kì thực đều là do ý thức quyết định. Vì thế, chừng nào ý thức còn muốn tiếp tục điều chỉnh, chừng đó tiềm năng của con người còn vô hạn và có thể mở rộng đến khôn cùng.

Nhưng trong cuộc sống hằng ngày, giới hạn an toàn lại là thứ khiến chúng ta thấy thoải mái, đồng thời đây cũng là cơ chế để bảo vệ con người. Chopra lấy ví dụ nếu một người muốn trở thành họa sĩ, anh tham dự một lớp học mĩ thuật. Giả sử lớp học đó có thể cho anh xem hết tất thảy mọi bức tranh đã được vẽ trong lịch sử nhân loại, cảm thấu được vẻ đẹp của từng bức thì khả năng cao là sau khi học xong, anh sẽ không thể vẽ được nữa. Ở đây, chính giới hạn về hiểu biết mĩ thuật có thể lại là động lực khiến người họa sĩ muốn sáng tạo.

Như vậy, bản thân sự giới hạn không phải là một điều tiêu cực. Nó chỉ tiêu cực khi bị cố định trong một cái khuôn. Ngược lại, nếu ta biết được giới hạn nhưng vẫn có nhận thức rằng biên độ của giới hạn có thể thay đổi thì tiềm năng của con người sẽ không ngừng mở rộng.

Không chỉ quá khứ, tương lai; hiện tại cũng là thứ không thể nắm bắt

Phần lớn chúng ta có một quan niệm phổ biến rằng: “Tương lai, quá khứ là thứ chúng ta không thể nắm bắt. Tương lai thì chưa đến. Quá khứ thì đã qua. Chỉ có hiện tại là thứ duy nhất ta có thể nắm bắt được.” Quan niệm này có lẽ hợp lí đến nỗi không nhiều người trong chúng ta đặt nghi vấn về tính đúng đắn của nó, hay thử tự một lần phản biện lại.

Tuy nhiên, Deepak Chopra lại có suy nghĩ hoàn toàn khác biệt về vấn đề này. Ông cho rằng không chỉ tương lai và quá khứ, ngay cả hiện tại – mà ta nghĩ là mình đang sống trong nó – cũng là thứ khó nắm bắt. Bởi lẽ, hiện tại cũng giống như sự im lặng. Khi bạn cất lời, sự im lặng biến mất; tương tự, khi bạn có nhận thức về hiện tại dù là dưới dạng hình ảnh, cảm xúc, hay suy nghĩ, nó cũng đã biến mất ở khoảnh khắc ấy, nhường chỗ cho một hiện tại khác ở ngay sau đó. Vì vậy, nếu nói rằng thực tại là thứ có thể nắm bắt thì chẳng khác nào nói là bạn có thể biết trước suy nghĩ tiếp theo của mình.

Phản biện này có lẽ cũng là tư duy nền tảng cho khái niệm về thực tế ảo được trình bày trong sách. Thực tế mà chúng ta đang sống, ta nghĩ rằng đó là một thực tế vững chắc, được kết cấu dựa trên những nhu cầu đầu tiên về vật chất, sau đó là tinh thần – thực tế ấy, hóa ra lại không vững chắc như ta nghĩ. Rất có thể, đó chỉ là một thực tế do ý thức, nhu cầu của chúng ta tạo ra, thứ mà Chopra gọi rằng đó là thực tế ảo. Để vươn đến tầm vóc siêu nhân loại, ta phải học cách vượt qua thực tế ảo ấy, hướng đến một thực tế thật – đó chính là thứ thực tế mà tác giả gọi là siêu hiện thực.

Trong Metahuman – Siêu nhân loại, Deepak Chopra không cố gắng áp đặt độc giả phải đồng thuận quan điểm của mình. Ông luôn đưa ra nhiều ý kiến, quan điểm đối lập từ những học giả, các nguồn kiến thức khác nhau về cùng một vấn đề để người đọc có thể rộng đường tư duy, tiếp nhận nhiều luồng tư tưởng, tự lựa chọn đáp án cho những câu hỏi cá nhân của chính mình. Thông qua đó, Deepak Chopra cung cấp một cách nhìn khác về hiện thực, giúp mỗi người chúng ta xua tan lớp sương ảo ảnh do tự thân tạo ra từ những định kiến, trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Nguồn: L'Officiel

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Thành phố những lục địa bay: Khi Đà Lạt không là Đà Lạt

Published

on

By

Đà Lạt luôn là điểm dừng chân lí tưởng cho những tâm hồn yêu cái lạnh. Nếu không thể đến Đà Lạt ngay lúc này, quyển sách Thành phố những lục địa bay – tác phẩm viết về Đà Lạt mới nhất của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo để người đọc tận hưởng không khí Đà Lạt ngay tại nhà.

Dù tuổi thơ gắn liền với quê hương Ninh Thuận và chỉ đến Đà Lạt khi trở thành sinh viên Văn khoa Đại học Đà Lạt, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã dành cho Đà Lạt một tình yêu tha thiết với nhiều tác phẩm ghi dấu trong lòng bạn đọc như: Đà Lạt, một thời hương xa; Đà Lạt, bên dưới sương mù; Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách Lần này trở lại với Thành phố những lục địa bay, anh tiếp tục viết về Đà Lạt với nhiều khám phá, tìm tòi mới trong nghệ thuật kể chuyện.

Vẻ đẹp thành phố sương mù hiện ra trong sự mơ hồ của chữ “và”

Trong lối tường thuật của Thành phố những lục địa bay, Nguyễn Vĩnh Nguyên đặt rất nhiều ý nghĩa trong chữ “và”. “Và” không chỉ là sự bao hàm giữa cái này và cái kia. “Và” còn có thể vừa mang ý nghĩa liệt kê, vừa mang ý nghĩa đồng thời. Chính vì vậy, những chi tiết nối liền bằng “và” theo cách Nguyễn Vĩnh Nguyên sử dụng cho người đọc cảm giác chúng có thể lần lượt xuất hiện, hoặc song song tồn tại. Sương mù hay chính bản thân Đà Lạt dường như đã trở thành một câu văn có cấu trúc gắn kết bởi chữ “và”. Ngay từ lời ghi chú ngắn ở đầu truyện, tác giả đã dụng công viết những câu văn có sự xuất hiện của nhiều chữ “và” để tạo ra cảm giác mơ hồ về ranh giới. Ta hãy thử khảo sát một vài trường hợp.

Có khi “và” đảm nhận nhiệm vụ liệt kê hai chức năng đồng thời tồn tại:
“Mặt nước cất giữ trong nó những bí mật bị vùi chôn và trang sức cho thành phố một vẻ mơ màng hư ảo. 

Có khi “và” là một trạng thái ở giữa như cách tác giả mô tả tầm nhìn của một người khi quan sát hồ nước chìm trong sương mù.
“Hồ, vì thế nằm giữa cái thấy và không thấy.”

Đôi khi, “và” còn mang nghĩa không hẳn là “cái này”, cũng không hẳn là “cái kia” như trong câu văn sau đây:
“Còn thi sĩ, anh là kẻ đã đến đây vào Thời đại Buồn nôn với sự thơ mộng và giả thơ mộng được vẽ vời và phóng đại.”

Như vậy ở đây, Đà Lạt hiện ra là một thành phố vừa thơ mộng, vừa không hẳn thơ mộng. Chính vì không có tính chất nào vẹn toàn thuộc về chủ thể – chủ thể ở đây có thể hiểu là cả một thành phố –  nên mới cần có nhiều chữ “và”. “Và” như một phương thức để khẳng định thành phố luôn mang trong mình từng tính chất đã được liệt kê, nhưng đồng thời cũng không hoàn toàn nắm giữ trọn vẹn bất kì tính chất nào. Chính vì lẽ đó, tác giả đã đưa ra nhận định chung về hình ảnh Đà Lạt được tái hiện trong Thành phố những lục địa bay là: “Đà Lạt chính là Đà Lạt. Nhưng Đà Lạt cũng không là Đà Lạt.”  

Trò chơi giữa có và không khiến người đọc say mê

Những chuỗi truyện trong Thành phố những lục địa bay cho người đọc thấy một điều rằng: Sự thật và giai thoại luôn đan xen lẫn nhau về cùng một đối tượng. Ở tác phẩm này, hồ nước chính là khởi nguồn cho mọi sự nhòa lẫn, bất phân định về ranh giới.

Có lẽ, tác giả chọn hồ làm đối tượng để khởi đầu tác phẩm cũng vì hồ là thứ có thể phản chiếu như gương, tạo ra phiên bản thứ hai của thế giới, tạo ra lằn ranh giữa thực và ảo. Hiểu theo cách đó, ta có thể thấy rằng hồ cũng có nhiệm vụ tương tự như chức năng ngữ pháp của chữ “và” trong cấu trúc câu. Nếu “và” là cầu nối trên câu chữ thì “hồ” chính là một phóng chiếu sang hình ảnh của “và”, là sự gắn kết giữa những miền “thực” và “ảo” trong tác phẩm. Và vì vậy, với tác giả, hồ là: “Một thứ nước đôi, không chắc hư cấu, cũng chẳng hiện thực.” 

Hầu hết những con người xuất hiện trong tác phẩm đều vô danh, họ chỉ được gọi bằng các chức danh nghề nghiệp như: thi sĩ, nhà nhân học, quy hoạch gia, chàng nhạc sĩ, nhà thám hiểm, ngài khâm sứ, đan sĩ, hoàng đế, nhà biên khảo, nhà văn… Bằng cách đó, con người hòa vào những địa danh vốn cũng không được đặt tên riêng trong tác phẩm như: Hồ, Suối, Thác, Đồi, con đập…

Giữa những mơ hồ về thân phận của con người và nơi chốn, nước – một “nhân vật” vô danh khác trong tác phẩm – lại nổi lên như một đối tượng dẫn lối cho tất cả mọi thứ. “Nước đã xuyên qua vách ngăn của da thịt, để con người trở nên trong suốt và tự do.” Có lẽ vì thẩm thấu được mọi thứ nên nước dường như là phương tiện duy nhất có thể xuyên qua vách ngăn phân định giữa thực và ảo được tạo ra bởi những lớp sương mù – vốn cũng là thứ thoát thai từ nước mà thành.

Và theo dòng chảy của nước, trò chơi giữa có và không trong Thành phố những lục địa bay cứ thế diễn ra khoan thai, chậm rãi, nhưng nhiều day dứt. Tuy nhiên, dẫu có nhiều màn sương mơ hồ được giăng ra, người đọc cũng sẽ khó mà hoặc thậm chí là không muốn thoát ra khỏi thứ khiến mình đang băn khoăn ấy. Bởi lẽ, bằng chính việc không chối bỏ sự mơ hồ, dần dần ta sẽ nhìn rõ được mọi thứ. Thành phố những lục địa bay chính là một cái nhìn thấu suốt về Đà Lạt giống như thế.

Nguồn: L'Officiel

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Tiếng Kiều đồng vọng: Thế giới như một khoảng không chật hẹp

Published

on

By

Sự tổn thương sẽ mang lại những tia lấp lánh cho con người trưởng thành dường như chưa bao giờ là bài học cũ kĩ. Tiểu thuyết Tiếng Kiều đồng vọng (tên cũ Mưa ở kiếp sau) của Đoàn Minh Phượng chính là tiếng vọng đến từ một cuộc đời như thế.

Tiếng Kiều đồng vọng kể về cuộc đời của Mai. Mai sinh ra và lớn lên với mẹ Liên ở Hà Nội. Từ nhỏ, cô không biết cha mình là ai và luôn mong muốn được gặp cha. Cơ hội cuối cùng cũng đến khi dì Lan – em gái của Liên từ Huế vào Hà Nội thăm hai mẹ con đã tiết lộ cho Mai địa chỉ của cha Mai ở Sài Gòn. Từ đây, Mai phải lựa chọn rời xa tổ ấm để lên nơi phồn hoa đô thị nhiều cạm bẫy dối trá với ước vọng được đón nhận tình yêu thương từ cha mà bấy lâu cô thiếu thốn.

Trưởng thành từ sự tổn thương

Ảnh: Facebook Tao Đàn

Thông qua hành trình tìm cha của Mai, ta còn thấy xuất hiện một hành trình khác, cũng quan trọng không kém: hành trình tìm lại bản ngã của chính cô - một người luôn bị mắc kẹt trong những câu hỏi thuộc về quá khứ. Có lẽ, khi người ta bắt đầu học cách đưa ra câu trả lời cho những nghi vấn trớ trêu mà số phận đặt ra, dù tiếng vọng cuối cùng chưa hẳn là một đáp án tiệm cận nhất với sự thật thì rốt cuộc, ta cũng dần tiến đến sự trưởng thành bản ngã - thời khắc cái tôi cá nhân phải tự phá vỡ vỏ trứng bảo bọc an toàn tưởng chừng vững chắc như một thành trì nhưng hóa ra lại chỉ mong manh như một làn sương dệt từ những mơ hồ bất quyết. Chỉ khi thành trì ấy sụp đổ, làn sương ấy lùi lại phía sau con người vừa bước ra từ sự tổn thương, chính khi ấy ta mới có thể nhìn rõ hơn thế giới với trọn vẹn hương sắc của nó. Tiếng Kiều đồng vọng chính là tiếng vọng đến từ một cuộc đời như thế. Sự tổn thương sẽ mang lại những tia lấp lánh cho con người trưởng thành dường như chưa bao giờ là bài học cũ kĩ.

Nội dung cơ bản của Tiếng Kiều đồng vọng có nhiều yếu tố tương tự với bộ phim Hạt mưa rơi bao lâu do Đoàn Minh Phượng làm đạo diễn và biên kịch, sản xuất năm 2005. Cả hai người con trong tác phẩm này đều không rõ cha mình là ai, đều tự thân tìm hiểu câu chuyện quá khứ vì cùng có người mẹ trung thành tuyệt đối với sự im lặng. “Những kỷ niệm khác nằm trong niềm im lặng của mẹ tôi, niềm im lặng dài hai mươi hai năm, dài bằng đời tôi và nửa đời của mẹ.” Mai đã từng cảm thán như thế về sự im lặng của mẹ. Im lặng là một từ khóa quan trọng, được lặp lại nhiều lần trong Tiếng Kiều đồng vọng. Bản thân Hạt mưa rơi bao lâu cũng có tên phim trong tiếng Anh là Bride of Silence. Như vậy, có thể thấy rằng, sự im lặng hay thân phận của người phụ nữ bị mất tiếng nói trong xã hội là chủ đề có sức ám ảnh lớn với tác giả Đoàn Minh Phượng. Khi những người con sống dưới cái bóng im lặng của người mẹ, họ càng có thôi thúc mạnh mẽ hơn trong việc đi tìm câu trả lời cho một quá khứ bất minh. Thoát khỏi sự im lặng, tự cất lên tiếng nói cho chính mình – đó là một trong những bước đầu tiên để trưởng thành, như cách Mai đã dứt khoát nói với mẹ vào ngày cô rời đi rằng: "Con hai mươi hai tuổi, con trưởng thành đã bốn năm rồi mẹ."

Nước bao bọc kí ức để tiếng nói được cất lên

Ảnh: Facebook Tao Đàn

Mưa ở kiếp sau (tên cũ của Tiếng Kiều đồng vọng) là một tiêu đề gợi hình; trong khi đó, Tiếng Kiều đồng vọng lại là một tiêu đề gợi âm. Thử tìm cách lí giải sự thay đổi này, ta sẽ nhận ra một số điều thú vị.

Ở phần mở đầu tác phẩm, Đoàn Minh Phượng có trích dẫn lời bài hát Within you, Without you của nhóm The Beatles do George Harrison sáng tác với phần lời như sau:

“Ngày sẽ đến khi em nhận ra chúng ta đều là nước.
Cuộc đời trôi bên trong em và bên ngoài em...”

Câu gốc bài này trong tiếng Anh là:

“And the time will come when you see we're all one.
And life flows on within you and without you.”

Thông qua đó, có thể thấy tác giả đã có dụng ý khi thay “one” bằng “nước”. Nước rõ ràng là một hình ảnh rất quan trọng với Đoàn Minh Phượng trong tác phẩm này vì bản thân “mưa” ở tiêu đề cũ cũng là một yếu tố thuộc nước. Vậy dưới ngòi bút của tác giả, nước mang ý nghĩa gì?

“Một câu chuyện không có lời giống như một cơn mưa không có giọt nước từ trời. Tôi sẽ đi tìm lời cho những gì tôi biết.”

Như vậy, nước trong tác phẩm này tượng trưng cho “lời,” cho kí ức – là điều Mai luôn tìm kiếm, đồng thời cũng là điều bao bọc Mai như cách cô ví von: “Tôi còn là loài cá đầu to nằm còng queo trong lòng đại dương chật hẹp, trong bụng của người mẹ chửa hoang.” Vì “sự im lặng” của mẹ Mai là nguồn cơn khởi phát cho hành trình của Mai nên có thể xem như “nước” – một  hiện thân của “lời” – chính là đích đến, đồng thời là phương tiện để Mai hiện thực hóa mục tiêu của mình.

Do đó, so với Mưa ở kiếp sau, Tiếng Kiều đồng vọng là một tiêu đề thể hiện sự chuyển biến tích cực. Mai không còn chờ “mưa”/ “lời giải đáp” ở kiếp sau nữa, cô tìm nó ngay trong kiếp này để cất lên thành một tiếng vọng, phá tan sự im lặng của mẹ cô, của những phận nữ nhi bị mất đi tiếng nói ở thế hệ trước.

Một giọng văn mềm mại nhưng ngầm cuộn sóng bên trong

Tiếng Kiều đồng vọng vẫn kể chuyện theo lối tuyến tính, nhưng khi trình bày các sự kiện diễn ra trong cái khuôn đó, Đoàn Minh Phượng vẫn cho phép dòng tự sự của nhân vật chảy miên man tự do, đi đi về về giữa quá khứ và hiện tại. Chính vì thế, dòng chảy tâm thức của nhân vật tuy được giọng văn mềm mại dẫn dắt nhưng vẫn ngầm cuộn sóng bên trong bởi lẽ chỉ cần rẽ qua một bước ngoặt nhỏ, sự kiện đau lòng nào đó trong quá khứ lại đột ngột ập đến; hoặc ngược lại, khi đang đắm chìm trong hồi tưởng êm đềm, bất thình lình hiện thực phũ phàng xâm chiếm và hủy hoại ta. Người đọc như bước đi trong mê cung, chỉ có thể tri nhận thế giới như một khoảng không chật hẹp trước mắt, không thể biết điều gì sẽ chờ đợi mình trong ngã rẽ kế tiếp.

Ở một thế giới mơ hồ thì những cái tên - vốn dĩ là phép định danh chống lại sự mơ hồ - càng được Đoàn Minh Phượng dụng công để có thể hòa quyện trong bầu không khí hư ảo. Ta có thể thấy tác giả không vội vàng giới thiệu tên họ, lai lịch đầy đủ của nhân vật ngay từ đầu theo lối kể chuyện tiểu sử quen thuộc. Nhân vật hiện lên thoạt tiên với những tâm tư, cuộc sống ập ngay trước mắt độc giả. Những thông tin bên lề sẽ đến sau. Mãi đến chương bốn, trong đoạn đối thoại với mẹ, người đọc mới biết nhân vật chính tên Mai. Nếu để ý kĩ, ta sẽ thấy hầu như những nhân vật trong truyện đều có tên gắn với một loài hoa: Mai, Liên, Lan, Quỳnh... Và Chi - một nhân vật đặc biệt trong tác phẩm này thì tên cô lại có nghĩa là “cành”, không phải là loài hoa đích thực mà có thể là cành cho bất cứ loài hoa nào.  

Những giấc mơ cũng là một yếu tố quan trọng trong Tiếng Kiều đồng vọng. Thông qua đó, Đoàn Minh Phượng xây dựng một thế giới tổn thương, quái lạ với những buổi tiệc kì dị của giới nhà giàu, có phần nào đó mang không khí tương đồng buổi tiệc của hội kín quí tộc mà Stanley Kubrick đã đặc tả rất kĩ lưỡng trong phim Eye Wide Shut (1999).

Sống trong thế giới hiện đại, những cô Kiều dưới ánh sáng thị thành dường như không còn giữ nổi tâm trí tỉnh táo. Họ hồ như đều có chung một dòng máu điên loạn và chỉ biết lặng nhìn dòng chảy ấy trôi qua nhiều kiếp người. Vì vậy, tiếng kêu của họ có thể không đứt ruột như người xưa do nỗ lực chôn vùi cảm xúc, nhưng lại trở thành những tiếng vọng được cộng hưởng vào nhau nên còn mãi ngân nga rất lâu sau khi Tiếng Kiều đồng vọng đã kết thúc.

Đọc bài viết

Cafe sáng