Phía sau trang sách

Giành lại không khí sạch: Chỉ ngu ngơ mới biết cười

Giành lại không khí sạch phổ quát, lý thú nhưng đầy gần gũi về cách chúng ta sống, cách ta đối xử với mẹ thiên nhiên, với bầu khí quyển; để thông qua đó, lựa chọn hành động của mỗi một người là rất vô cần thiết.

Published

on

London. Thập niên 1890s. “Họ lái xe giữa những hàng rào cây táo gai và cây phỉ, dọc theo những con đường ngoằn ngoèo giữa rừng cây sồi, bạch dương và thủy tùng nhô cao. Philip đã cảm nhận được sự thay đổi trong không khí khi đoàn tàu chạy ra khỏi dãy nhà ở London. Ở nơi này, ta có thể nhìn thấy cái rìa của làn khói ám đen ấy. Ở đây, nó không tệ như bầu không khí đen đặc đầy mụi than và hóa chất nóng chảy tràn từ các ống khói nhô cao và lò nung gốm ở Burslem. Phổi cậu căng tức và quá mệt mỏi. Olive và Tom không coi không khí trong lành là điều hiển nhiên. Họ thốt lên một cách đầy trịnh trọng về việc làm sao để thoát ra khỏi bụi bẩn. Philip cảm thấy nhơ bẩn khắc sâu trong cậu”. [1]

London. 2018. “Qua việc không hành động một cách khẩn trương và hiệu quả nhất có thể, cũng như không thực hiện mọi biện pháp có thể để làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và gia tăng tuổi thọ, chính phủ Anh Quốc đã thất bại trong việc hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ tính mạng, sức khỏe và sự phát triển của trẻ em trong phạm vi và quyền hạn của mình”. [2]

*

Kể từ khi A. S. Byatt làm cuộc khảo cứu ngược về lịch sử thời hậu Victoria cho đến khi chính quyền Trump bỏ lơ hoàn toàn hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, đã hơn 120 năm trôi qua, thế nhưng, những bóng đen ám khói, những thần chết vẫy gọi vẫn không ngừng nhe nanh múa vuốt trước số phận con người. Tự trong bản chất, khả năng kháng cự và nhận biết hiểm nguy đã tắt lịm đi theo dòng thời đại; từ hư vô khi loài homo sapiens thận trọng dùng lửa, đến thời 4.0 của Internet, của AI hay machine learning thì loài homo deus ấy cũng “tiến hóa” hơn hẳn, khi không sợ lửa, sợ khói và hẳn nhiên không còn sợ cả không khí mà chúng hít phải.

Là một bước tiến hay bước đường lùi? Chẳng ai biết được. Chỉ biết không khí thời còn là sapiens đã trôi rất xa từ khi trở thành giống loài deus. Với Giành lại không khí sạch, Tim Smedley như gã chép sử bơ vơ hiu quạnh ở thời chuyển tiếp, ghi trên đất sét sa thạch một bản tóm lược bầu không khí này, để loài deus hàng triệu năm sau vẫn còn biết được từng bước diễn tiến của bầu không khí thủa còn bốn biển năm châu. Nhưng đến cuối cùng, điều gì đã khiến chúng tệ như thế? Những kẻ giấu mặt, làn khói mong manh và hơn 18.000 người chết mỗi ngày vì không khí ô nhiễm?

Màn khói mù ở Bắc Kinh, nơi tỉ lệ ô nhiễm hạt nhỏ cao gấp 40 lần so với mức tiêu chuẩn an toàn quốc tế.

NHỮNG SỰ THẬT MÔI TRƯỜNG KHÓ CHỊU

Tim Smedley mở đầu Giành lại không khí sạch bằng một trong những mệnh đề vô cùng quen thuộc khi nhắc đến các vấn đề về phát triển bền vững, rằng anh chỉ quan tâm đến chúng khi con cái mình chào đời. Dễ thấy, không khí ô nhiễm như tên sát nhân mang bộ áo giáp vô hình trong tiểu thuyết của H. G. Wells – chúng tàng hình, khó nhận biết nhưng đầy hiểm nguy. Người trưởng thành dường như luôn mang trong mình những tập ý niệm đầy tính trẻ thơ, mà niềm tin về bầu không khí trong lành của 10 hay 20 năm trước chưa hề biến đổi là một trong số đó. Chỉ cho đến khi những chuyển giao thế hệ, những sợi dây liên kết đậm tính máu mủ ruột rà một lần xuất hiện, thì kể từ đó ta mới chú ý để rồi nhận ra cái áo giáp ấy không hề kiên cố như ta vẫn nghĩ.

Và điểm yếu đầu tiên của bộ đồ ấy mà Tim “vô tình nhìn thấy” là ở những tít báo bán chạy hàng ngày ở Anh. Có thể nói ở thời đại mở, nơi thông tin tràn ngập và được thu gom như những vụ mùa bội thu, thì mạng xã hội đóng vai trò vô cùng trọng yếu cho những cuộc vạch trần. Nếu trước đó Trung Quốc từng xóa trắng những dấu hiệu ô nhiễm không khí đầu tiên bằng cách yêu cầu Đại sứ quán Mỹ – nơi gắn những cảm biến không khí nhằm phục vụ cho nhân viên của mình – ngưng đăng trên tài khoản Twitter những số liệu cảnh báo; thì chính quyền Delhi của Ấn Độ cũng tương tự thế, khi phủ nhận hoàn toàn ảnh hưởng của nền ô nhiễm đối với sức khỏe, hay càng vô lý hơn nữa khi một mực cho rằng ô nhiễm môi trường chỉ do khí tượng. Thế rồi rốt cuộc, liệu những che giấu của chính phủ về vấn đề này nhằm mục đích gì hay cốt lõi của chúng nhằm phục vụ ai?

Đội tuyển cricket Sri Lanka có triệu chứng nôn mửa, khó thở vì không khí ô nhiễm khi thi đấu tại New Delhi (Ấn Độ) dù đã đeo mặt nạ chống ô nhiễm.

Với một câu hỏi nửa gây khó chịu, nửa gây tò mò, Smedley với vị thế là một nhà báo độc lập không bị tác động bởi lợi ích nhóm hay bởi đảng phái chính trị đã có cái nhìn khách quan, tổng hợp và thấu suốt về toàn bộ vấn đề này. Lần ngược trở về thời Đại sương mù London năm 1952 đến ngày tận thế năm 2013 của chính quyền Bắc Kinh, ta thấy quan hệ rường cột về mặt kinh tế luôn luôn phủ khắp vấn đề môi trường.

Đứng trước làn đại sương mù năm 1952 bởi than sưởi mùa đông cùng với hiệu ứng nghịch nhiệt, thay vì hành động dứt khoát và thật nhanh chóng, Churchill lại cho rằng cần xem xét thêm quy mô rộng lớn của nền kinh tế trước tác động nhỏ (hay không đáng kể) về mặt môi trường. Sự im lặng của người đứng đầu ở các chính phủ cũng như xung đột lợi ích của rất nhiều bên chỉ biến công dân thành những đàn cừu mặc người chăn thả; để rồi từ đó kết hợp với lối “bế quan tỏa cảng” ở mạng Internet mà Trung Quốc tha hồ o bế, cấm luôn Twitter hay Ấn Độ còn phũ hơn thế, một mực cho rằng khói bụi độc hại tương ứng với khi hút hơn 50 điếu thuốc một ngày vẫn còn chưa tệ bằng cuộc tuyệt diệt thảm họa Pol Pot.

Hơn thế nữa, sự bao che của chính phủ đối với hãng Volkswagen trong việc sản xuất thiết bị triệt tiêu khí thải trong bài thử nghiệm trở thành bê bối không thể dung tha. Dĩ nhiên ta dễ mà suy ra rằng, Volkswagen trong trường hợp này chỉ như anh cả đứng mũi chịu sào, mà trong khu phức hợp chịu trách nhiệm tầm soát ô tô ấy, có hàng tá hàng tá thương hiệu từ Fiat, Subaru đến Peugeot hay Renault. Nực cười hơn nữa khi scandal đã lở vỡ ra, thì chính Volkswagen đã vay một khoản 400 triệu euro từ Ngân hàng đầu tư châu Âu nhằm để phát triển động cơ tuân thủ tiêu chuẩn phát sinh khí thải ngày càng nghiêm ngặt!? Đi suốt đi lui như một vòng luẩn quẩn, và dĩ nhiên, con người luôn là trung tâm toàn bộ mọi thứ.

Thế nhưng cũng không hẳn thế. Một ưu điểm khác của Giành lại không khí sạch là Tim Smedley đã đứng dưới một vai trò của người quan sát – người xin đi lại từ đầu – để đến với những khái niệm thật cơ bản nhất, thật ngọn nguồn nhất; mà một trong số đó là bản chất của tên sát nhân vô hình – ở đây xin được tạm gọi là PM2.5. Dĩ nhiên trong một đám khói ta vẫn hít vào luôn luôn chứa đựng những loại khí khác mà có thể là NOx, VOC, SO2, CO2,… Chúng có thể từ trong vòm cây hoặc từ việc đốt rơm rạ (VOC), cũng có thể là từ núi lửa hoặc đốt nhiên liệu hóa thạch (SO2). CH4 và NH3 thì từ hoạt động chăn nuôi nông nghiệp để lý giải vì sao nước tiểu bò vẫn có thể gây ra ô nhiễm còn O3 từ trong những sự kết hợp giữa NOX với VOC trong ánh sáng. Những cặp tác nhân đều chứa đựng yếu tố tự nhiên và yếu tố người, dĩ nhiên con người luôn luôn phá vỡ và nghiêng cán cân về phía bên mình.

Trong số những hợp chất trên, PM2.5 là vô cùng nhỏ so với kích thước của một cọng tóc và có khả năng vô hiệu hóa toàn bộ khả năng cản bụi ở những cơ quan vốn dĩ sinh ra cho công việc này. Nan giải ở chỗ, ta không thể nào giải quyết toàn bộ vấn đề. Bởi khi giảm xuống nồng độ NOx thì NO2 sẽ liền tăng lên; tương tự như thế, khi giảm PM20 lập tức PM kích thước nano sẽ lại chiếm chỗ. Chì, PM, mất cân bằng oxy gây nên hệ quả không thể không thấy ở ngay trước mắt, để mà nói ra chỉ như sấm truyền cho một cuộc sống đã đến hồi kết, với mất trí nhớ, suy tim, đột quỵ, ung thư, máu không đông, Parkinson, thiếu máu cục bộ và hàng hà sa số những căn bệnh khác.

NHỮNG VÙNG SÁNG ẢM ĐẠM

Nói thế cũng không có nghĩa mọi việc chỉ đang lao đi xuống dốc không thấy đường ra. Trong khi các giải pháp về điện khí hóa đang được cân nhắc và những sản phẩm đầu tiên đã được thành hình; thì kể từ khi sự kiện Olympic Bắc Kinh 2008 đến nay, ngày tận thế vì không khí ô nhiễm đã được khắc phục rõ rệt, với hàng tá những giải pháp như công khai chỉ số môi trường, tái tạo những vành đai xanh hay đóng cửa hoàn toàn những nhà máy nhiệt điện than, sản xuất thép dù cho chưa đi vào hoạt động, mới vừa hoạt động hay đã từng hoạt động… Những chính sách mạnh tay của chính quyền Trung Quốc đã cho thấy cách đối đầu đối với khủng hoảng vô cùng trực diện.

Hơn thế nữa, khi Trump phủ nhận hoàn toàn hiệp ước Paris (chắc hẳn ai đó đã cho ông uống thứ thuốc Dylar của DeLillo trong Tạp âm trắng để mà chế ngự được nỗi sợ chết) thì vé miễn thi hành luật của California đã như ống phễu ngày càng tăng thêm tiêu chuẩn phát thải khí thải. Cùng lúc đó, Paris triển khai hệ thống Velib – xe đạp cho thuê, ngày không xe hơi, tăng lên số lượng làn cho xe đạp hay việc dán nhãn mức độ xả thải, cấm diesel đến năm 2025… đã biến Paris thành nơi đáng đến. Không dừng ở đó, Tesla, BMW, Volvo… cũng đang phát triển phương tiện hoàn toàn bằng điện, mà pin lithium-ion sử dụng cho loại xe này và cách xử lý sau khi hết hạn cũng là vấn đề hết sức nan giải.

Mặt khác, dịch vụ dùng chung xe điện Maas ở Phần Lan đã đại diện cho câu slogan “xe điện hoàn toàn tuyệt vời, nhưng ít xe điện hơn càng tuyệt vời hơn”. Hệ thống BRT ở Mexio, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran cũng đã mang đến lợi ích đáng kể. Thêm vào đó, Stefano Boeri – kiến trúc sư người Ý với lối kiến trúc rừng thẳng đứng ở những tòa nhà bê tông cốt thép – đã góp tính thiên nhiên vào cảnh quan thành phố. Thế nhưng xung đột văn hóa vẫn luôn còn đó, khi  Leban không có dịch vụ công cộng, giao thông Delhi tuân theo đẳng cấp, thói quen tắm hơi ở Hà Lan, tiệc nướng ngoài trời ở Úc hay dịp bắn pháo hoa vào lễ Diwali… Tất cả cho thấy giải quyết ô nhiễm không khí không khi nào là công việc dễ dàng.

*

Với Giành lại không khí sạch – Sự khởi đầu và kết thúc của ô nhiễm khí quyển, Tim Smedley bằng một khởi đầu vô cùng cơ bản đã khái quát hóa một trong những vấn đề rất đáng quan ngại mang tính toàn cầu. Từ những khởi đầu với các khái niệm vô cùng cơ bản đến cuộc vạch trần những mối xung đột trong việc giải quyết ô nhiễm không khí, từ lời cảnh báo đủ thứ căn bệnh đến những điểm sáng của sự nỗ lực; Giành lại không khí sạch phổ quát, lý thú nhưng đầy gần gũi về cách chúng ta sống, cách ta đối xử với mẹ thiên nhiên, với bầu khí quyển; để thông qua đó, lựa chọn hành động của mỗi một người là rất cần thiết. Rất đáng trải nghiệm.

Hết.

Ngô Thuận Phát

Chú thích:

  1. Truyện trẻ con – A. S. Byatt.
  2. Báo cáo của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

*

Những bài viết về Giành lại không khí sạch:


Phía sau trang sách

Đời sống thật đẹp, thật buồn nhưng đầy mong manh

Published

on

By

Được Amazon và hàng nghìn độc giả Goodreads bình chọn là cuốn sách hư cấu hay nhất của năm 2022, Ngày mai Ngày mai và Ngày mai nữa từ tác giả Gabrielle Zevin là một bản hùng ca về tình bạn, tình yêu và tuổi trẻ, được viết thông qua những trò chơi điện tử cuốn hút và đầy độc đáo.

Tác phẩm xoay quanh 3 nhân vật chính gồm Sam Masur, Sadie Green và Marx Watanabe. Trong khi Sam và Sadie đã quen biết nhau từ khi rất nhỏ, nhưng vì một hiểu lầm ngờ nghệch từ tuổi ấu thơ mà họ cắt đứt liên hệ và không còn nhìn thấy nhau; thì hơn 10 năm sau, vào một ngày tháng 12 lạnh giá, Sam vô tình nhìn thấy Sadie, từ đó nối lại mối quan hệ xưa. Lúc này họ đã trưởng thành và đang đứng trước cánh cửa cuộc đời. Với sự tham gia của Marx – bạn thân của Sam – cả 3 đã thiết lập nên một đế chế trò chơi điện tử của riêng mình, nhưng cũng từ đó mà những diễn biến tình cảm bắt đầu phức tạp và khó đoán hơn.

Câu chuyện giữa những tri kỷ

Ở đây cảm xúc giữa những tri kỷ đã được nữ tác giả thể hiện một cách đặc biệt. Đó là Sam và Sadie, những đứa trẻ bị tổn thương từ nhỏ, người tìm thấy được những sự ủi an qua người còn lại. Nếu Sam có một cuộc đời không thể tệ hơn: mẹ qua đời từ sớm, lâm vào nghèo túng vì không muốn ông bà ngoại lo, cha bỏ đi, bị phân biệt vì nguồn gốc xuất thân cũng như chân cẳng bị tật… thì Sadie tuy đến từ một gia đình thượng lưu ở khu Beverly Hill xa hoa, thế nhưng ngay từ rất nhỏ cô đã không hưởng được sự trọn vẹn từ cha mẹ mình, bởi người chị Alice bị bệnh ung thư đã cướp hết những sự quan tâm… Bằng sự tình cờ hay một sắp đặt nào đó của số phận, họ đã gặp gỡ và rồi kết nối thông qua các tựa game xưa.

Bìa sách Ngày mai, ngày mai và ngày mai nữa. Ảnh: Bookish

Cho đến một thập kỷ sau, vẫn Sam đau khổ, bị cái chân hành hạ với một tình cảm không thốt thành lời, gặp lại Sadie giờ đang chìm trong một cơn khủng hoảng về mối quan hệ mà cô có với một người đàn ông đã có gia đình… Cả 2 đã cùng nhau thực hiện tựa game Ichigo về một đứa bé rời xa vòng tay cha mẹ ngay từ rất sớm, nhưng đó cũng là một phiên bản khác về 2 người họ - những người đã phải tự mình tìm lối đi riêng trong một thế giới đầy nhẫn tâm và bóng tối. Chính 2 tâm hồn sáng bừng trong đêm đã cứu rỗi nhau và giải thoát nhau, bởi họ hiểu nhất người kia cần gì, và tình cảm ấy cũng là bất khả thốt lên thành lời.

Vì vậy cho đến cuối cùng thì 2 người họ không đến gần hơn cũng không xa hơn, nhưng luôn hiện diện khi người còn lại một khi cần chúng. Bởi lẽ “chính trái tim - đúng hơn là phần ý thức con người thể hiện qua trái tim - mới là điều bí ẩn”, cho nên không phải tình yêu hay là tình bạn, mà chính sợi dây của sự thấu hiểu cũng như đồng cảm đã kết nối họ lại cùng với nhau. Bởi như Sadie đã sớm nhận ra: “Người ta tạo ra mô hình thủy tinh của những thứ đang héo tàn, rồi đem chúng trưng bày trong viện bảo tàng. Nhân loại thật lạ kỳ, nhưng đồng thời thật đẹp đẽ. Mà cũng thật mỏng manh”.

Tác giả Gabrielle Zevin

Cũng chính vì thế mà dẫu cho Sam lỡ mất bao lần xác nhận tình cảm của mình dành cho Sadie, hay cũng đồng thời là phía ngược lại, thì ta luôn biết họ vẫn ở đó và dành cho nhau. Như Sam từng nói: “Chấp nhận chơi với ai đó mang tới rủi ro không nhỏ. Nó đồng nghĩa với cho phép bản thân mở lòng, phơi bày tất cả, chấp nhận bị tổn thương”. Cả 3 con người trong cuốn sách này dù phải trải qua những lần đau khổ cũng như niềm vui, những sự bội phản cũng như trung thành… thế nhưng họ luôn tìm thấy ở nhau một sự an ủi. Đó là tình cảm mà những tri kỷ dành riêng cho nhau, được thử thách qua tuổi trẻ, sự bồng bột, thành công lẫn thất bại, để từ đó mà họ nhận ra mình không chọn nhầm người.

Vì vậy Ngày mai, Ngày mai và Ngày mai nữa là một tác phẩm thật đẹp, thật buồn và đầy mong manh. Bởi tình cảm giữa bộ 3 ấy không phải là thứ mà ai trên cuộc đời này cũng tìm thấy được. Nó ủi an, xoa dịu những độc giả cảm thấy cô đơn trên hành trình của bản thân mình, nhưng cũng đồng thời cho ta sức mạnh và sự an yên để nhìn lại những mối quan hệ bản thân đã có. Có thể mọi thứ ta đã xác lập trong cuộc đời này đã từng có tên, nhưng chính qua cuốn tiểu thuyết, ta lại thấy nó muôn hình muôn vẻ và rất huy hoàng.

Từ giả lập đến đời thực

Và cũng có thể vì lý do này mà tựa sách cũng như cấu trúc đã được xây đắp từ những trò chơi điện tử, bởi một trò hay dẫu là rất khó nhưng rất công bằng, còn cuộc đời thực sẽ luôn bất công. Và cũng bởi chính những sự đẹp đẽ, mong manh và dễ chịu ấy nó khiến người ta muốn sống thêm ngàn lần nữa, để ta sẽ có vô hạn lần tái sinh, vô hạn lần sửa sai và sau ngày mai lại là ngày mai và ngày mai nữa. Nó là vòng lặp sẽ không bao giờ có thể khép lại, bởi khi càng đi ta càng khám phá thêm nhiều điều nữa, bởi không có thất bại nào là vĩnh cửu cả, và chẳng có gì là vĩnh cửu hết.

Một điều không thể phủ nhận là thành công của Ngày mai, Ngày mai và Ngày mai nữa nằm ở chủ đề phổ quát cũng như phương tiện mà chính từ đó nữ tác giả Gabrielle Zevin bám vào rất vững. Đối với thế hệ gen X hoặc gen Y, những trò chơi như Super Mario, Final Fantasy, Donkey Kong… đã là tuổi thơ của bản thân họ. Ở giai đoạn ấy họ có được những người bạn – những cộng sự mà mục tiêu duy nhất là cùng nhau vượt qua vô vàn thách thức cũng như khó khăn mà các trò chơi mang đến. Thông qua điều đó mà phần đông độc giả cũng tìm lại mình, và thấy một mẫu nào đó của chính bản thân trong các nhân vật.


Ngoài ra chủ đề của cuốn tiểu thuyết cũng rất phổ quát, khi nói về tuổi trẻ, tình bạn, tình yêu, hoài bão và sự nỗ lực. Cũng như nhiều tác phẩm của Hanya Yanagihara hay Sally Rooney, ở cuốn sách này, thất bại cùng với thành công luôn song hành nhau, và thế hệ Millennials chính là độ tuổi cảm nhận được mình một cách rõ nhất. Gabrielle Zevin không hồng hóa hay tiến hành làm các nhân vật trở nên hoàn hảo, mà chính sự bất toàn, đầy rẫy khiếm khuyết… khiến cho độc giả cảm thấy chính bản thân họ cũng từng trải qua những giai đoạn ấy.

Ngoài điều đó ra thì tác phẩm này cũng đã đề cập một cách phong phú đến những vận động của xã hội ngoài kia. Đó là một thời của phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, phân biệt giai cấp. Khi đến gần mốc của ngày hiện tại, ta sẽ lại thấy những chỉ dấu của chiếm dụng văn hóa hay sự phụ thuộc một cách quá mức vào không gian mạng… Ở bất kỳ đâu ta cũng dễ thấy một sự quá khích và thiếu thấu hiểu của chính con người. Nhưng qua rất nhiều nhân vật đã sống cùng nhau một đời trọn vẹn, mà những mất mát và thiếu sót này cũng được lấp đầy, để không một ai sẽ phải sống trong một thế giới thực nhưng vẫn mơ về những không gian ảo mà ở nơi đó họ được là mình.

Vì thế có thể nói rằng Ngày mai, Ngày mai và Ngày mai nữa là một cuốn sách dành cho mọi người, nơi người ta có dịp nhìn lại, được luyến nhớ quá khứ cũng như tìm thấy được sự đồng cảm dù là thất bại hay sự thành công của những ngày này. Bằng cách viết nhẹ nhàng, điềm tĩnh, các nhân vật tự mình bộc lộ hoặc cho thấy được những cá tính riêng thông qua góc nhìn của phía đối diện, từ đó mà phía độc giả có dịp khám phá và tự nhìn lại những ngày đã qua, với những con người mà họ đã là một phần đời mình.

Đọc sách hay, gửi ngay bài review cho Bookish.vn

Bạn đọc sách và muốn chia sẻ những cảm nhận, hãy viết review và gửi đến chúng tôi. Bookish.vn có chuyên mục “Phía sau trang sách” – nơi đăng tải review sách do bạn đọc gửi đến email: truyenthong@pnc.com.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.
Đọc bài viết

Phía sau trang sách

‘Lập trình hạnh phúc’ để sống tích cực

Published

on

Sách nêu nhiều phương pháp dễ thực hành để phát triển cảm giác cân bằng, ổn định, nhận thức giá trị bản thân và đạt được sự bình an nội tâm.

Tiến sĩ Rick Hanson là nhà tâm lý học, thành viên cao cấp của Trung tâm Khoa học Greater Good, thuộc Đại học California, Berkeley, Mỹ. Ông từng diễn thuyết tại NASA, Google, Oxford, Harvard, và giảng dạy tại các trung tâm thiền định trên toàn thế giới.

Các cuốn sách NeurodharmaResilientBuddha’s BrainJust One ThingMother Nurture của ông đã được xuất bản bằng 29 ngôn ngữ, với 900.000 bản tiếng Anh. Một trong số những tựa sách nổi bật của ông không thể không nhắc đến Hardwiring Happiness (Lập trình hạnh phúc).

Dựa trên nền tảng khoa học về bộ não, tiến sĩ Rick Hanson - tác giả có lượng sách bán chạy nhất New York Times - đã viết tác phẩm thiết thực với nhiều phương pháp dễ thực hành để phát triển cảm giác cân bằng, ổn định, nhận thức giá trị bản thân và đạt được sự bình an nội tâm.

Bìa sách Lập trình hạnh phúc, tác giả Rick Hanson, Ph.D.

Sức mạnh nội tại chúng ta cần để có thể sống khỏe mạnh, đương đầu nghịch cảnh và thành công được xây dựng từ cấu trúc não bộ.

Trong quá trình tiến hóa, não bộ buộc phải tự hình thành cơ chế phòng vệ để thích nghi, khiến nó trở thành cái băng dính đối với trải nghiệm xấu nhưng lại trở nên trơ lì với trải nghiệm tích cực.

Dần dần, điều đó khiến chúng ta cảm thấy lo lắng, buồn bực và dẫn tới sức khỏe thể chất và tinh thần bị kiệt quệ không cần thiết.

“Tôi sẽ chỉ cho bạn cách biến khoảnh khắc tốt đẹp thành một bộ não vĩ đại, tin tưởng vào giá trị bản thân và cảm giác được quan tâm. Đây chẳng phải những giây phút đáng giá triệu đô gì cả. Chỉ đơn giản là cảm giác dễ chịu khi mặc vào chiếc áo len ưa thích, thưởng thức một tách cà phê, cảm nhận sự ấm áp từ người bạn, hài lòng sau khi hoàn thành một nhiệm vụ, hay là cảm nhận được tình yêu từ người bạn đời”, trích cuốn sách.

Trong nhịp sống hối hả thường nhật, lần cuối cùng bạn ngừng lại chỉ mười giây thôi để cảm nhận và hưởng thụ một vài khoảnh khắc tích cực hiện diện cả trong những ngày điên cuồng nhất là khi nào?

Nếu bạn không nán lại tận hưởng một vài giây và sống với trải nghiệm này, nó sẽ lướt qua như gió lùa qua cây, khoan khoái chốc lát nhưng không để lại chút giá trị gì.

“Vun trồng hạnh phúc là một trong các kỹ năng quan trọng nhất mà một người cần được học. May mắn thay, không khó cho ta biết cách tưới tắm và nuôi dưỡng các hạt mầm quý giá này, những điều đã có sẵn trong ý thức của ta.

Quyển sách này cung cấp các bước thực hành đơn giản và dễ đạt được, giúp ta chạm vào sự bình yên và niềm vui vốn là quyền lợi bẩm sinh của mỗi một con người”, thiền sư Thích Nhất Hạnh viết.

Theo ZNews

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

‘Chiến binh Zulu’: Âm mưu muôn trùng

Published

on

By

Đoạt giải Grand Prix danh giá dành cho văn học trinh thám vào năm 2008, cũng như đã được chuyển thể thành phim điện ảnh với sự tham gia của Orlando Bloom, Forest Whitaker… tác phẩm Chiến binh Zulu của nhà văn Pháp - Caryl Férey không chỉ đơn thuần là một tác phẩm điều tra – phá án, mà còn phơi bày hiện trạng nhức nhối của một Nam Phi đầy rẫy chia rẽ.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Férey nổi danh với tiểu thuyết đen (roman noir) và có bối cảnh nước ngoài. Vì vậy đặc trưng của Chiến binh Zulu nói riêng và các tác phẩm khác nói chung là sự không khoan nhượng trong mạch truyện, song hành cùng đó là tính thời sự cũng được khai thác cho đến tận cùng. Theo dõi tiểu thuyết, độc giả không chỉ hồi hộp với quá trình suy luận, phá án, mà còn đồng thời có được cơ hội tiếp cận với các bối cảnh cũng như không gian tương đối đặc biệt của đất nước này.


Lấy mốc thời gian những năm đầu tiên của thế kỷ 21 và bối cảnh Nam Phi, tác phẩm xoay quanh một loạt những vụ án mạng diễn ra liên tiếp nhưng có liên hệ mật thiết với nhau. Đó là nạn nhân của loại ma túy được pha chế mới chưa từng biết đến, trong khi các thi thể được tìm thấy không còn vẹn nguyên và khó nhận diện. Trong đó Ali Neuman – cảnh sát trưởng Cape Town và 2 cộng sự Dan Fletcher và Brian Epkeen, đã bước chân vào quá trình khám phá bộ máy đằng sau, từ đó lật mở bí ẩn vẫn còn che giấu. Liệu ai đứng sau những âm mưu này? Và đâu chính là mục đích của loại thuốc mới?

Cốt truyện nghẹt thở

Có thể thấy Férey đã rất thành công trong việc lựa chọn bối cảnh đặc biệt để khai thác. Đó là Nam Phi hậu Apartheid những tưởng vấn nạn phân biệt chủng tộc đã không còn nữa, thế nhưng hóa ra nó vẫn lơ lửng trong bầu không khí bởi những ân oán chưa được giải quyết. Tình trạng “chân trong chân ngoài” của đất nước này là một “cú hích” tương đối đặc biệt, từ đó tạo ra tầng tầng lớp lớp ngụy trang cho những động cơ cũng như mục đích đã được khéo léo giữ lại cho đến sau cùng.

Thế giới nhân vật trong cuốn tiểu thuyết có nhiều lý do để thiết lập nên động cơ của mình. Đó có thể là rất nhiều ẩn ức của người bị hại, khi thế hệ trước chịu nhiều bất công, và sự tồn tại cũng như hiện diện cho đến giờ đây của thế hệ sau chỉ là trả thù. Ali Neuman vốn là cá thể như thế. Khi còn rất nhỏ, anh đã chứng kiến anh trai cũng như bố mình bị sát hại một cách tàn bạo khi họ tham gia vào lực lượng phản đối Apartheid. Từ nỗi đau ấy, anh và mẹ mình đã phải rời bỏ quê cũ, thay đổi họ tên, để sống những ngày tháng tới mà nỗi ám ảnh không thôi bám riết.

Orlando Bloom trong phim chuyển thể

 Đó cũng là người mà sự báo thù mang tính hội nhóm cũng được bắt đầu, khi Uỷ ban Hòa bình và Hòa giải bởi tham nhũng, quan liêu đã không xét xử một cách công bằng những tên tội phạm. Trước tình thế đó, những người đã chịu tổn thương đã tụ họp lại, tự mình giải quyết những món “nợ máu” mà cả chính phủ và nền công chính đã không thực thi. Từ một cá nhân cho đến tập thể, tiếng nói yếu hèn giờ đây nổi dậy, bắt đầu khiến cho Nam Phi dần dần rung chuyển.

Nhưng không chỉ có những cá thể bị dồn nén, mà sự điên cuồng cũng như bạo tàn cũng sẽ đến từ những kẻ thù cũ – những tên đã duy trì chế độ Apartheid khủng khiếp, bỗng chốc thấy mình đã bị phế truất và không hài lòng – tiến hành lên các kế hoạch trả đũa lại một Nam Phi “cất cánh” đi lên. Chính những mũi dùi nói trên đã được Férey sử dụng và đan cài ấn tượng, khiến cho cuốn sách trở nên linh hoạt, phong phú, chồng chéo bí ẩn, và mỗi một chương đều sẽ mang đến những điều mới lạ.

Ngoài những vấn đề có liên quan đến động cơ ngấm ngầm, việc Nam Phi là một đất nước đậm đà bản sắc với nhiều chủng người cũng là một đặc điểm tốt đã được khai thác. Trong đó những phong tục dân gian, những điểm xuyết truyền thống được ông sử dụng đặc biệt ấn tượng. Cũng như Dolores Redondo, Michel Bussi hay những tác giả chủ ý sử dụng bối cảnh, Férey đã biến Chiến binh Zulu thành một tụ điểm của những mâu thuẫn ngày càng phức tạp và không dễ đoán.

Lối viết không khoan nhượng

Được đánh giá là tác phẩm thành công nhất của Caryl Férey, Chiến binh Zulu có nhiều lý do để nó xứng đáng với danh xưng này. Theo đó Férey không chỉ tạo ra motif kinh điển: nạn nhân xuất hiện, cảnh sát điều tra, tội phạm bị bắt; mà ngay tại đây ông đã khuấy động cả mạch truyện lên, để không một ai là an toàn cả. Không chỉ nạn nhân mà người truy tìm công lý cũng không có gì là được đảm bảo, từ đó cốt truyện bắt đầu rối ren để chính độc giả cũng thấy hoang mang khi những rường cột đạo đức và chân lý không còn bền vững.

Nam Phi những năm 2000 không chỉ giằng xé bởi những phe phái với sự trả thù khác nhau, mà còn suy yếu bởi các băng đảng được trang bị vũ khí hạng nặng, bởi những khu vực của người di dân, cũng như dịch AIDS liên tiếp hoành hành… Chính sự biến động trong các khayelitsha - "ngôi nhà mới" - hình mẫu đô thị có sự kiểm soát theo kiểu Nam Phi với trẻ em, người nhập cư và nghèo đói chen chúc sinh sống… đã làm ra một mạng lưới tội phạm phức tạp, từ gốc đến ngọn. Như vậy từ một vụ án giết người liên hoàn, cuốn sách trở nên hỗn loạn với băng đảng ngầm, nỗi đau lịch sử cũng như là sự nguy hiểm lan tràn khắp nơi. 


Điều này tạo cho tác phẩm một “bộ áo” lớn, khi nó không còn là câu chuyện riêng của một dân tộc, mà có liên kết đến cả thế giới và những nước khác. Điều này gợi nhắc đến một tác phẩm đoạt giải Renaudot khác của Pháp là Vận hành hỗn mang, khi những tội phạm xuyên quốc gia rồi cũng sẽ thành xương sống chính cho toàn tác phẩm. Từ đó có thể thấy rằng theo cả chiều dọc cũng như chiều ngang, Caryl Férey liên tục khai thác được những “điểm nóng”, với những âm mưu và nhiều nhóm người hóa ra có sự liên kết, và không dễ dàng để giải mã được một cách phiến diện.

Tính “noir” trong cuốn tiểu thuyết cũng được thể hiện ở những chi tiết không hề khoan nhượng, về tội ác cũng như hình ảnh mang sức ám ảnh. Férey cũng không thuộc lớp nhà văn bám theo chủ nghĩa nhân vật hay chủ nghĩa anh hùng, khi người tốt chiến thắng, kẻ xấu bị trừng phạt, mà tác phẩm này rất đời, rất thực, khi ai rồi cũng có thể trở thành nạn nhân cho câu chuyện này, và không một ơn gọi nào có thể giúp họ thoát ra theo kiểu cổ tích. Cũng chính điều này là một lý do khiến cho tác phẩm phù hợp với việc chuyển thể, bởi hiệu ứng về mặt hình ảnh và sức ám ảnh là tương đối lớn, đánh mạnh vào trong tâm lý người xem, người đọc.

Tác giả Caryl Férey

Cũng như những khía cạnh khác, yếu tố tình cảm cũng được Férey gửi gắm một cách vừa vặn. Chúng không sến sẩm mà lại làm nền một cách hoàn hảo cho câu chuyện chung và nhân vật chính. Ali và mẹ mình, Dan và vợ Claire, Brian và vợ cũ Ruby hay con trai David… tất cả đều hướng đến một mục đích là bình thường hóa những cảnh sát này. Họ có những niềm đau riêng, có người thất bại trong hôn nhân, có người tin vào những điều tươi sáng… Nhưng khi đã là con người, họ cũng có hỉ nộ ái ố, và cho đến cuối công lý cũng được thực thi, nhưng không phải nhờ bộ máy quan liêu, mà là nỗ lực của từng người một. Nó như một tiếng thở dài cho thấy công lý là một trò đùa, còn sự bất công vẫn còn đầy khắp.

Từ những điều trên có thể thấy rằng bằng cách chọn lựa bối cảnh tương đối đặc biệt, cũng như phương pháp khai thác từ gần đến xa, từng xa đến gần rất nhiều chồng lớp… mà Caryl Férey đã làm nên cuốn tiểu thuyết hấp dẫn, cuốn hút, cũng như mang tính cảnh báo cho ngày hiện tại về một Nam Phi còn nhiều chia rẽ cũng như biến động. Một cuốn trinh thám – tội phạm không nên bỏ qua, mà thông qua đó, ta cũng hiểu thêm về một đất nước và những ẩn giấu nó mang theo mình. 

Đọc bài viết

Cafe sáng