Chuyện người cầm bút
Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi: Biến mất cũng có thể là một điều rất đẹp
Chuyện người cầm bút
Băng: Hành trình lạc lối trong thế giới hậu tận thế
Tiểu thuyết Băng của tác giả Anna Kavan là một câu chuyện giả tưởng độc đáo, kể về mối tình tay ba tuyệt vọng đan xen với bối cảnh hậu tận thế ảm đạm do thảm họa sinh thái và chính trị gây ra.
Băng không tuân theo lối kể chuyện truyền thống. Thay vào đó, Kavan sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ và biểu tượng để dẫn dắt người đọc vào thế giới nội tâm của các nhân vật. Cuốn sách mang đến cho người đọc trải nghiệm đầy ám ảnh, khơi gợi những suy tư về bản chất con người và tương lai của thế giới. Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về Băng, Bookish đã có cuộc phỏng vấn với Tâm Anh – dịch giả của quyển sách.
Băng là một tác phẩm không viết theo lối tuyến tính thông thường. Điều này có khiến bạn gặp phải khó khăn nào trong quá trình dịch tác phẩm sang tiếng Việt không? Nếu có thì bạn đã vượt qua được bằng cách nào?
Khó khăn lớn nhất là ban đầu chính mình cũng thấy tương đối hoang mang, không nắm bắt được câu chuyện. Đến khoảng một phần ba sách rồi nhưng mình không thực sự hiểu tác giả muốn nói về điều gì. Thật tình cờ, khoảng thời gian ấy mình tham dự một buổi giao lưu trực tuyến với dịch giả Trần Nguyên của tác phẩm Bà Dalloway. Trong phần thảo luận, dịch giả An Lý đặt một câu hỏi liên quan đến bút pháp unreliable narrator, tạm dịch là người kể chuyện không đáng tin cậy. Lần đầu tiên mình nghe thấy khái niệm này, nhưng không cần viện đến định nghĩa hay tra cứu thêm, ngay khoảnh khắc đó trong đầu mình như reo vang “Eureka!” Đây chính là cách mình tiếp cận phần còn lại của tác phẩm. Mình không còn quá áp lực chú tâm vào việc lần theo một cốt truyện mạch lạc, mà tự đặt mình vào vị trí người lắng nghe một câu chuyện mơ hồ, đứt quãng, không nhân quả, không đầu cuối của nhân vật tường thuật dường như đã đạt đến đỉnh cao của thuật thao túng tâm lý ở chỗ anh ta đánh lừa được cả chính bản thân. Từ đây, mình đọc hiểu tác phẩm dễ dàng hơn và cảm giác thoải mái hơn với việc chuyển ngữ sang tiếng Việt. Dĩ nhiên đây chỉ là cách tiếp cận tác phẩm của riêng mình, và mình chắc chắn rằng còn rất nhiều cách phân tích Băng khác không chỉ của các nhà phê bình, nghiên cứu mà của từng độc giả. Nhưng điều mình đúc kết được là người dịch cần hiểu và có cảm giác thân thuộc với tác phẩm.
Trong bức tranh hậu tận thế mà tác giả đã khắc họa, điều gì khiến bạn cảm thấy ấn tượng nhất? Đồng thời, có điều gì khiến bạn cảm thấy gần gũi với bối cảnh hiện đại ngày nay và lo sợ rằng viễn cảnh trong Băng cũng sẽ sớm xảy đến với nhân loại không?
Mình rất thích những đoạn mô tả “băng” trong tác phẩm, đây dường như là một nhân vật còn sinh động hơn “cô gái”. Tuy nhiên hiện tượng băng tràn đi khắp nơi có lẽ trái ngược với biến đổi khí hậu ngày nay – ấm lên toàn cầu dẫn đến băng tan. Dẫu vậy, mình nghĩ chi tiết này trong sách và tình trạng biến đổi khí hậu thực tế chia sẻ nhiều điểm chung: tác động quy mô toàn cầu và sức ảnh hưởng đến mọi người, không ai tránh được, song chịu thiệt thòi nhất sẽ là những nhóm người yếu thế. Mình nghĩ tác giả cố tình chọn chi tiết ngược với thực tế để câu chuyện không bị trói buộc trong lớp nghĩa duy nhất về biến đổi khí hậu mà đa tầng nghĩa, giàu tính khái quát hơn.
Có lẽ viễn cảnh trong Băng sẽ không xảy ra, ít nhất là trong tương lai gần. Nhưng mình lo lắng rằng chúng ta sẽ không hành động kịp thời để ngăn chặn các thảm họa khí hậu mà khoa học đã cảnh báo nhiều thập kỷ qua.
Bạn tâm đắc nhất điều gì về văn phong của Anna Kavan, cũng như cách tác giả xây dựng câu chuyện?
Mình có cảm giác gắn bó và kết nối kỳ lạ với “cô gái” – nhân vật nữ được kể từ góc nhìn của người nam. Mình nghĩ ngôi kể và góc nhìn này đã khắc họa rất tốt cái theo mình cảm nhận là tính nam độc hại. Không khí vô định mất phương hướng ban đầu khiến mình chật vật về sau khi nghĩ lại, chính là điểm khiến cho tác phẩm hấp dẫn đối với mình – chỉ trong những lần đọc đi đọc lại và suy ngẫm về sau, mình mới càng hiểu hơn những điều mà trước đó chưa mảy may thoáng qua tâm trí mình.
Việc câu chuyện này không có một nhân vật nào được đặt tên mang lại cho bạn cảm giác gì khi dịch?
Cũng như lối kể không tuyến tính, đó là cảm giác mơ hồ mất định hướng. Và mình nghĩ đây là chủ đích của tác giả. Một người bạn của mình gần đây đọc sách cũng nói đến điểm này, và rằng bạn ấy cảm nhận như thể có hai nhân vật hóa ra chính là một (các bạn đọc sẽ rõ mình sợ tiết lộ mất).
Bạn có gặp phải những từ hoặc cụm từ nào trong bản gốc khiến bạn cân nhắc rất kỹ lưỡng khi dịch không? Ví dụ, có cụm từ hay câu văn nào có thể hiểu theo nhiều nghĩa hay không?
Có một điểm là xuyên suốt cuốn sách tác giả dùng rất nhiều tính từ “white” – trắng, tuy nhiên nếu chỉ dịch đơn thuần là “trắng” trong tiếng Việt thì đôi khi vừa không nhịp nhàng, thuận tai, lại vừa như thiếu đi nét nghĩa nào đó. Do đó trong một số trường hợp mình có cân nhắc và mượn đến một số sắc thái trắng trong tiếng Việt mà mình nghĩ là phù hợp để dịch tính từ “white”. Còn về cụm từ làm khó mình thì cũng có kha khá, đa số mình đều tham khảo nhiều từ điển Anh-Anh lẫn Anh-Việt để tìm nét nghĩa tương đương nhất. Rất nhiều chỗ tra theo từng từ đơn lẻ sẽ bị sai nghĩa, vì phải tra cứu đúng cả cụm từ (ngữ) mới ra nghĩa chính xác.
Một chia sẻ thực lòng là dịch cuốn này mình còn rất non tay nên bản dịch sau cuối trên tay độc giả hiện nay cũng có sự trợ giúp biên tập, hiệu đính của một dịch giả uy tín. Bản thân mình trong quá trình dịch đã tự học được rất nhiều và khi đối chiếu với bản thảo dịch đã biên tập lại càng học thêm được nhiều điều hơn. Mình hy vọng nhờ được biên tập kỹ lưỡng như vậy nên cuốn sách xuất bản là một bản dịch trọn vẹn, hoàn thiện, cho độc giả một trải nghiệm đọc xứng đáng.
Bạn có lời nhắn nhủ nào cho những ai muốn đọc/ sắp sửa đọc tác phẩm này không? Chẳng hạn như, trước khi đọc cần phải chuẩn bị một tâm thế ra sao để việc thưởng thức tác phẩm được diễn ra trọn vẹn nhất?
Mình nghĩ với hầu hết các tác phẩm chứ không riêng gì Băng, ta có thể cứ thế bắt đầu đọc và thả mình theo câu chuyện, nếu cần tra cứu thông tin bổ trợ thì tìm kiếm thêm sau. Tuy nhiên nếu cảm giác đọc mà hoang mang không hiểu, không nắm bắt được, mình thường sẽ tìm đến các bài viết, thường là các bình luận trên The New Yorker, The New York Times hoặc một trang gần gũi hơn, tổng hợp nhiều ý kiến như Goodreads, đọc qua một số ý chính về cách tiếp cận tác phẩm, sau đó thử áp dụng vào cuốn sách mình đang đọc. Với riêng Băng, mình nghĩ các bạn đừng quá chú trọng đến cốt truyện hay một thông điệp nào. Mình cảm giác chỉ đến khi đọc xong và ngẫm lại, đọc đi đọc lại nhiều lần nữa, trong mình mới ngờ ngợ được những gì tác giả muốn nói (với một độc giả là mình, còn với người khác có lẽ bà lại nói điều khác).
Cảm ơn Tâm Anh vì đã mang đến cho Bookish một buổi trò chuyện ý nghĩa. Chúc bạn luôn thành công và gặt hái nhiều thành tựu trong tương lai.
Chuyện người cầm bút
Hạ Nhiên: Dịch “Trái tim thông tuệ” đã truyền cho tôi nhiều cảm hứng sống
Trái tim thông tuệ (do Phương Nam Book phát hành) của tác giả Jack Kornfield là một tác phẩm đặc sắc khi ứng dụng tâm lý học Phật giáo để hướng dẫn người đọc cách tự chữa lành. Được nhiều bạn đọc đón nhận, tác phẩm đã tái bản lần thứ nhất vào năm 2023.
Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về Trái tim thông tuệ, Bookish đã có cuộc phỏng vấn với dịch giả Hạ Nhiên về quá trình chuyển ngữ tác phẩm này.
Trái tim thông tuệ là góc nhìn của Jack Kornfiled – một tác giả phương Tây nổi tiếng – về tâm lý học Phật giáo của phương Đông. Có quan điểm nào của tác giả khiến bạn thấy thú vị vì đó là góc nhìn của người phương Tây về phương Đông không?
Thực ra, cuốn sách là sự kết hợp góc nhìn của cả Đông lẫn Tây. Jack Kornfield là tiến sĩ chuyên ngành tâm lý học và phương pháp trị liệu phương Tây. Đồng thời, nhiều năm tu tập ở các tu viện châu Á đã giúp ông thấm nhuần những giáo lý Phật giáo căn bản và thu về những trải nghiệm tâm linh quý giá. Ông cố gắng giải thích những kinh điển nhà Phật cho người dân phương Tây bằng cách thức gần gũi, dễ hiểu; dùng những quan điểm và thực hành Phật giáo này để khắc phục hạn chế của tâm lý học lâm sàng vốn tập trung vào bệnh lý và chữa trị bằng thuốc men, giúp chúng ta nhìn xuyên qua lớp vỏ tối tăm bên ngoài của những triệu chứng và tìm về bản chất thiêng liêng, cao đẹp của mình, bằng cách nâng cao hiểu biết, thực hành và rèn luyện nội tâm. Sự kết hợp ấy không chỉ giải quyết nhu cầu giúp người gặp khó khăn tâm lý trở lại bình thường, mà còn hơn cả thế, giúp họ thấu hiểu và nuôi dưỡng tiềm năng phát triển cao nhất của mình và góp phần thay đổi cuộc sống xung quanh.
Phân đoạn nào khiến bạn tâm đắc nhất khi dịch Trái tim thông tuệ? Bạn có thể chia sẻ lí do tại sao bạn thích phân đoạn đó không?
Có một câu trong sách mình rất thích và từng in ra dán ở bàn làm việc một thời gian dài. Đó là câu Ta thấy ngươi, Mara (nguyên văn: I see you, Mara). Ở đầu chương 14, tác giả kể lại quá trình học cách thấu hiểu, làm lành với nỗi sợ hãi và cơn giận của mình, những nỗi đau đã tích tụ trong ông suốt thời thơ ấu sống với người cha bạo hành. Từ trải nghiệm cá nhân sâu sắc ấy, ông viết:
“Tôi khám phá ra rằng tất cả chúng ta đều có bên trong mình một ngài thẩm phán và bồi thẩm đoàn nội tâm, Bức Màn Sắt và cảnh sát. Bên trong chúng ta cũng có Taliban và những chốn lưu vong. Đôi khi tôi cảm thấy mình như Đức Phật ngồi dưới gốc cây bồ đề, khi Ngài đối mặt với ma quỷ bên trong chính mình trong hình dạng của Mara.”
Tiếp đó, Jack Kornfield kể lại tích Đức Phật chiến thắng Mara trước khi thành đạo. Để ngăn cản Đức Phật thực hiện mục tiêu này, Mara đã lần lượt mang đến các thử thách cho Ngài, từ những người phụ nữ xinh đẹp nhất đến đội quân ma quỷ hung tợn. Mỗi lần như thế, Đức Phật chỉ ngồi im bất động, an trú trong tình yêu thương và lòng từ bi sâu sắc. Ngài nói “Ta thấy ngươi, Mara”, và mọi gươm đao biến thành cánh hoa rơi rụng dưới chân Ngài.
“Cuối cùng, Mara tấn công Đức Phật bằng sự nghi ngờ: ‘Ngươi nghĩ ngươi là ai? Ngươi có quyền gì để ngồi đây và tìm về giác ngộ?’. Lúc này, Đức Phật đặt một tay lên mặt đất và nói, ‘Đất là chứng nhân của ta’. Và với cử chỉ này của Ngài, nữ thần đất đã xuất hiện và làm chứng cho sự kiên nhẫn, cống hiến, tính trung thực, lòng từ bi, sự rộng lượng và trí huệ mà Đức Phật đã chuẩn bị nhiều đời kiếp để giác ngộ vào đêm nay. Từ mái tóc của nàng tuôn ra cơn lũ lụt cuốn trôi đi quân đội của Mara.”
Khi dịch nội dung này mình đã rất xúc động, đồng cảm và được truyền cảm hứng. Mình nhìn thấy bản thân trong đó, từng yếu ớt, bối rối trong sợ hãi và buồn giận, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn một năng lực vô cùng mạnh mẽ – quyền tự do lựa chọn để vượt lên ngoại cảnh và đạt được bình yên trong tâm hồn.
Trong quá trình dịch tác phẩm Trái tim thông tuệ, bạn có gặp phải khó khăn nào khi chuyển ngữ không? Bạn đã vượt qua bằng cách nào?
Vào thời điểm đó, Trái tim thông tuệ là cuốn sách nặng ký với mình, vì sách dày và đề tài tâm linh xa lạ đối với một người trẻ. Do đó, mình đã gặp không ít khó khăn trong việc tra cứu, diễn đạt và theo dõi xuyên suốt cả tác phẩm để đảm bảo tính thống nhất. Mình đã làm việc tập trung, nhiều giờ liền mỗi ngày. May mắn sao, nội dung sách lôi cuốn khiến mình quên đi mệt mỏi. Một điều đặc biệt nữa là mình đã thực hành rất nhiều bài tập trong sách. Việc này giúp mình hiểu sâu hơn tinh thần, thông điệp mà tác giả gửi gắm, cũng như tự kiểm chứng hiệu quả của các bài thực hành. Nó thật sự có hiệu quả đối với mình.
Mỗi người sẽ có một định nghĩa khác nhau về “trái tim thông tuệ”. Định nghĩa về “trái tim thông tuệ” của bạn là như thế nào? Định nghĩa đó có thay đổi gì so với trước và sau khi bạn dịch xong Trái tim thông tuệ không?
Trước khi dịch Trái tim thông tuệ, dù chưa có một khái niệm cụ thể nào, mình vẫn luôn cảm nhận được tiếng nói của trái tim. Trái tim là người bạn tốt, cổ động viên nhiệt thành và người tư vấn thông thái cho mình khi cần. Cuốn sách đã giúp mình củng cố cảm nhận này và đúc kết được rằng, trái tim thông tuệ là một trái tim hiền hòa, sáng tỏ về bản thân, cuộc sống và tràn đầy yêu thương. Mang trong mình một trái tim thông tuệ không có nghĩa là bạn yếu đuối, mà ngược lại, vô cùng mạnh mẽ, cởi mở và tự do.
Khi biết tin Trái tim thông tuệ được tái bản, bạn có những suy nghĩ và cảm xúc như thế nào?
Mình rất hạnh phúc, biết ơn bạn đọc đã yêu quý tác phẩm. Đồng thời, mình cũng cảm ơn đội ngũ Phương Nam đã nỗ lực để cuốn sách tiếp tục được lưu hành. Trái tim thông tuệ đã giúp ích cho mình rất nhiều, và mình mong rằng nó cũng sẽ mang lại lợi lạc cho những ai đang cần đến.
Thời gian tới, Hạ Nhiên có dự định tiếp tục dịch sách không? Bạn có thể chia sẻ những dự định sắp tới của mình trên con đường dịch thuật không?
Dịch thuật là một công việc ý nghĩa, đòi hỏi cả tâm lẫn tầm. Mình muốn dành thời gian để đọc và trau dồi nhiều hơn, để có thể mang lại những bản dịch giá trị cho mọi người trong tương lai.
Cảm ơn Hạ Nhiên vì đã dành thời gian cho một cuộc chia sẻ sâu với Bookish. Chúc bạn luôn có thật nhiều sức khỏe, thành công, hạnh phúc trên con đường tương lai.
Chuyện người cầm bút
Nguyễn Hoàng Mai: “Sứ đoàn Iwakura” là duyên lành của tôi với Phương Nam Book
Khi dịch sách, tôi đã học hỏi được nhiều về sự dẫn dắt, sắp xếp bố cục logic của Ian Nish – một chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử người Anh – người đã dành phần lớn cuộc đời mình để cống hiến cho việc nghiên cứu lịch sử quan hệ ngoại giao của Nhật Bản.
Sứ đoàn Iwakura là tác phẩm nghiên cứu về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị dưới góc nhìn của người phương Tây. Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về Sứ đoàn Iwakura, Bookish đã có cuộc phỏng vấn với nhà văn Nguyễn Hoàng Mai – đồng dịch giả của quyển sách.
Nguyễn Hoàng Mai là tác giả của hai tác phẩm đầy cảm xúc về tuổi trẻ: Đung đưa trên những đám mây (tiểu thuyết, 2018), Bây giờ mình đi đâu (tập truyện ngắn, 2019). Hiện nay, cô đang sinh sống và làm việc tại Tokyo. Tuy đã xa Việt Nam nhiều năm, Hoàng Mai vẫn đọc và thường xuyên theo dõi tình hình văn chương nước nhà. Sứ đoàn Iwakura là tác phẩm dịch thuật đầu tiên của Nguyễn Hoàng Mai được Phương Nam Book xuất bản.
Những tác phẩm văn học của Nguyễn Hoàng Mai thường có chủ đề tập trung vào nỗi cô đơn, tình yêu, suy tư về cuộc đời của người trẻ; vậy nguyên nhân nào khiến bạn quyết định dịch tác phẩm Sứ đoàn Iwakura do học giả Ian Nish biên soạn – đặc biệt là khi tác phẩm sử học này lại có sự khác biệt khá xa với chủ đề bạn thường sáng tác trong văn học?
Năm 2018, tôi vẫn là nghiên cứu sinh thuộc trường Đại học Soka (Soka University, Tokyo, Nhật Bản) khi đó vừa hoàn thành xong tập truyện mới, đang trong giai đoạn “giải lao”. Thời điểm ấy, tôi đã may mắn được một biên tập viên của Phương Nam Book mời tham gia dịch thử những cuốn sách sẽ ra mắt trong đợt kỷ niệm Minh Trị Duy Tân 150 năm.
Trong những cuốn sách tôi được giới thiệu, có tác phẩm Sứ đoàn Iwakura do học giả Ian Nish biên soạn. Thật trùng hợp, tôi cũng đang nghiên cứu về văn học thời kỳ Minh Trị, có tìm hiểu về Sứ đoàn Iwakura. Về chuyến đi lịch sử này, vốn được xem như dấu mốc quan trọng trong công cuộc Duy Tân Minh Trị, thường được ví như chuyến du hành của Columbus hay “Tây du ký” thời hiện đại để tìm hiểu, quan sát thế giới mới. Những nhà tri thức tiêu biểu thời Minh Trị đã vượt biển ra đi với sứ mệnh vẽ nên Nhật Bản, cùng vận mệnh Châu Á tương lai. Sau khi tìm hiểu, tham khảo ý kiến từ các giáo sư ở trường đang học, tôi càng chắc hơn về những giá trị đặc biệt cuốn sách sẽ mang lại cho độc giả Việt Nam.
Là một người viết trẻ, tôi vẫn đi trên con đường sáng tác tiểu thuyết, truyện ngắn hư cấu riêng. Nhưng thời điểm ấy, với những lý do như vậy, tôi đã cố gắng để không bỏ lỡ “duyên lành” được góp phần chuyển ngữ cuốn sách đặc biệt như thế.
Hoàng Mai dịch Sứ đoàn Iwakura từ tiếng Anh hay tiếng Nhật? Mai có thể chia sẻ một chút về quá trình dịch và hoàn thành cuốn sách để độc giả hiểu hơn được không?
Sứ đoàn Iwakura dịch từ nguyên tác tiếng Anh The Iwakura Mission in America & Europe: A New Assessment của học giả người Anh Ian Nish, với đóng góp của các học giả khác. Tôi cùng Nguyên Tâm chuyển ngữ từ tiếng Anh, đồng thời tham khảo các nguồn tài liệu từ tiếng Nhật. Trong quá trình dịch, đôi lúc tôi gặp khó khăn, thiếu tự tin, bởi những từ ngữ mang tính học thuật, khi đó tôi đã cố gắng đối chiếu giữa cả bản tiếng Anh lẫn tiếng Nhật, tham khảo thêm lời giải đáp từ những giáo sư trong trường, cũng như tham khảo thêm tài liệu từ những nguồn khác để tìm được cách dịch phù hợp. Tôi và đồng dịch giả đã trao đổi, thống nhất những thuật ngữ, để bảo đảm nội dung cuốn sách được mạch lạc.
Vì dịch covid, việc ra mắt sách chậm đến 3 năm nhưng cũng vừa hay đúng vào dịp Nhật Bản – Việt Nam kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 150 năm chuyến đi của Sứ đoàn Iwakura. Trộm nghĩ, cũng giống như cái duyên, cái kết đẹp cho quá trình cố gắng nỗ lực của nhiều người tâm huyết với lịch sử thời Minh Trị vậy. Qua đây tôi cũng cảm ơn các biên tập viên giàu kinh nghiệm của Phương Nam Book, đặc biệt là anh Huỳnh Duy Lộc, đã góp phần đưa cuốn sách đến tay bạn đọc một cách chỉn chu nhất.
Sau khi dịch Sứ đoàn Iwakura, với những hiểu biết cặn kẽ hơn về thời Minh Trị, Mai có hứng thú sáng tác thể loại văn học dã sử nói chung, cũng như về thời Minh Trị nói riêng không?
Tôi thích lịch sử Nhật Bản cũng như lịch sử Việt Nam, thế giới nói chung. Nghiên cứu về lịch sử là tìm về những bài học, những giá trị phục vụ cho hiện tại, vẽ nên tương lai.
Lịch sử nước Nhật nói chung và lịch sử thời Minh Trị nói riêng còn nhiều điều để lật lại, để khai thác. Lịch sử Việt Nam cũng có những câu chuyện rất hay. Từ nhỏ, tôi đã thích những câu chuyện dã sử có đan xen những yếu tố huyền ảo, không chỉ về tình yêu mà còn mang lại ý nghĩa thời đại sâu sắc. Sau khi dịch cuốn Sứ đoàn Iwakura, tôi vẫn suy nghĩ, tìm hiểu về đề tài ấy.
Sứ đoàn Iwakura là tác phẩm đầu tiên mà Mai thực hiện công việc chuyển ngữ sau một thời gian dài sáng tác văn học. Từ việc dịch, bạn có suy tư gì về việc viết trong quá trình làm việc với tác phẩm này không?
Tôi nghĩ, sáng tác văn học là một công việc cô đơn, cần sự đào sâu vào bản ngã, thế giới của chính mình, còn làm một dịch giả thì không thể thỏa mãn bản ngã của người dịch mà cần sự chuẩn xác, tính cẩn trọng cao. Tuy nhiên, viết văn, dịch sách lại gặp nhau ở điểm chung: cần sự uyển chuyển trong câu từ tiếng Việt. Để có được điều này, dịch giả phải không ngừng học hỏi, bổ sung vốn từ vựng, trong quá trình chuyển ngữ phải lựa chọn được những từ ngữ sao cho phù hợp nhất.
Khi dịch sách, tôi đã học hỏi được nhiều về sự dẫn dắt, sắp xếp bố cục logic của Ian Nish – một chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử người Anh – người đã dành phần lớn cuộc đời mình để cống hiến cho việc nghiên cứu lịch sử quan hệ ngoại giao của Nhật Bản.
Thời gian tới, Mai có dự định tiếp tục dịch sách không? Mai có thể chia sẻ những dự định sắp tới của mình trên con đường viết lách?
Sau khi thử sức với đề tài nghiên cứu lịch sử, thì tiếp theo tôi mong muốn được dịch những cuốn sách thể loại sở trường của mình là: tiểu thuyết, truyện ngắn, mong được giới thiệu những tác phẩm đoạt giải thưởng uy tín của văn học Nhật như giải Akutagawa, Naoki… đến với độc giả.
Tôi cũng đang trong quá trình tự trau dồi vốn ngoại ngữ, tiếp thu nhiều nguồn tác phẩm, tư liệu văn học nước ngoài để có thể viết những cuốn sách hay nhất trong khả năng mình. Hiện tại tôi đang viết một cuốn sách với chủ đề âm nhạc đường phố cùng với một người bạn thuộc thế hệ Gen Z cũng là ca sĩ nhạc sĩ, và một cuốn sách về chữa lành tâm trí. Hy vọng những dự án này sẽ hoàn thành tốt đẹp, có duyên được ra mắt bạn đọc trong thời gian tới.
Cảm ơn Mai đã dành thời gian trò chuyện với Bookish, chúc bạn sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai.
-
Cafe sáng4 months ago
Khai trương hai Nhà Sách Phương Nam tại Nha Trang và thành phố Hồ Chí Minh
-
Cafe sáng3 months ago
SUMMER BIG SALE 2024- Đến Nhà Sách Phương Nam mua sắm và vui chơi cực đã!
-
Book trailer1 month ago
Kể chuyện hay là chết: Khám phá bí mật để kết nối, thuyết phục và tạo dựng ảnh hưởng
-
Top sách hay5 months ago
Ngày hội đọc sách 2024: Top 5 tựa sách đáng đọc của những chủ nhân giải Nobel Văn học
-
Book trailer3 months ago
5 tựa sách cho ngày hè nhàn rỗi
-
Cafe sáng1 month ago
KOMO+ (KOMO PLUS) – ỨNG DỤNG KHÁCH HÀNG THÂN THIẾT CỦA HỆ SINH THÁI PHƯƠNG NAM
-
Cafe sáng2 months ago
Phương Nam “bắt tay” hợp tác chiến lược cùng Yamaha Music Việt Nam- trực thuộc Tập đoàn sản xuất Nhạc cụ lớn nhất thế giới.
-
Book trailer3 months ago
Ôm giữ không gian – Nghệ thuật yêu thương không phán xét