Chuyện người cầm bút
Jon Fosse: “Bản thân văn học biết nhiều thứ hơn lý thuyết văn học”

Chuyện người cầm bút
Nguyễn Hoàng Mai: “Sứ đoàn Iwakura” là duyên lành của tôi với Phương Nam Book
Khi dịch sách, tôi đã học hỏi được nhiều về sự dẫn dắt, sắp xếp bố cục logic của Ian Nish – một chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử người Anh – người đã dành phần lớn cuộc đời mình để cống hiến cho việc nghiên cứu lịch sử quan hệ ngoại giao của Nhật Bản.

Sứ đoàn Iwakura là tác phẩm nghiên cứu về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị dưới góc nhìn của người phương Tây. Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về Sứ đoàn Iwakura, Bookish đã có cuộc phỏng vấn với nhà văn Nguyễn Hoàng Mai – đồng dịch giả của quyển sách.
Nguyễn Hoàng Mai là tác giả của hai tác phẩm đầy cảm xúc về tuổi trẻ: Đung đưa trên những đám mây (tiểu thuyết, 2018), Bây giờ mình đi đâu (tập truyện ngắn, 2019). Hiện nay, cô đang sinh sống và làm việc tại Tokyo. Tuy đã xa Việt Nam nhiều năm, Hoàng Mai vẫn đọc và thường xuyên theo dõi tình hình văn chương nước nhà. Sứ đoàn Iwakura là tác phẩm dịch thuật đầu tiên của Nguyễn Hoàng Mai được Phương Nam Book xuất bản.

Những tác phẩm văn học của Nguyễn Hoàng Mai thường có chủ đề tập trung vào nỗi cô đơn, tình yêu, suy tư về cuộc đời của người trẻ; vậy nguyên nhân nào khiến bạn quyết định dịch tác phẩm Sứ đoàn Iwakura do học giả Ian Nish biên soạn – đặc biệt là khi tác phẩm sử học này lại có sự khác biệt khá xa với chủ đề bạn thường sáng tác trong văn học?
Năm 2018, tôi vẫn là nghiên cứu sinh thuộc trường Đại học Soka (Soka University, Tokyo, Nhật Bản) khi đó vừa hoàn thành xong tập truyện mới, đang trong giai đoạn “giải lao”. Thời điểm ấy, tôi đã may mắn được một biên tập viên của Phương Nam Book mời tham gia dịch thử những cuốn sách sẽ ra mắt trong đợt kỷ niệm Minh Trị Duy Tân 150 năm.
Trong những cuốn sách tôi được giới thiệu, có tác phẩm Sứ đoàn Iwakura do học giả Ian Nish biên soạn. Thật trùng hợp, tôi cũng đang nghiên cứu về văn học thời kỳ Minh Trị, có tìm hiểu về Sứ đoàn Iwakura. Về chuyến đi lịch sử này, vốn được xem như dấu mốc quan trọng trong công cuộc Duy Tân Minh Trị, thường được ví như chuyến du hành của Columbus hay “Tây du ký” thời hiện đại để tìm hiểu, quan sát thế giới mới. Những nhà tri thức tiêu biểu thời Minh Trị đã vượt biển ra đi với sứ mệnh vẽ nên Nhật Bản, cùng vận mệnh Châu Á tương lai. Sau khi tìm hiểu, tham khảo ý kiến từ các giáo sư ở trường đang học, tôi càng chắc hơn về những giá trị đặc biệt cuốn sách sẽ mang lại cho độc giả Việt Nam.
Là một người viết trẻ, tôi vẫn đi trên con đường sáng tác tiểu thuyết, truyện ngắn hư cấu riêng. Nhưng thời điểm ấy, với những lý do như vậy, tôi đã cố gắng để không bỏ lỡ “duyên lành” được góp phần chuyển ngữ cuốn sách đặc biệt như thế.

Hoàng Mai dịch Sứ đoàn Iwakura từ tiếng Anh hay tiếng Nhật? Mai có thể chia sẻ một chút về quá trình dịch và hoàn thành cuốn sách để độc giả hiểu hơn được không?
Sứ đoàn Iwakura dịch từ nguyên tác tiếng Anh The Iwakura Mission in America & Europe: A New Assessment của học giả người Anh Ian Nish, với đóng góp của các học giả khác. Tôi cùng Nguyên Tâm chuyển ngữ từ tiếng Anh, đồng thời tham khảo các nguồn tài liệu từ tiếng Nhật. Trong quá trình dịch, đôi lúc tôi gặp khó khăn, thiếu tự tin, bởi những từ ngữ mang tính học thuật, khi đó tôi đã cố gắng đối chiếu giữa cả bản tiếng Anh lẫn tiếng Nhật, tham khảo thêm lời giải đáp từ những giáo sư trong trường, cũng như tham khảo thêm tài liệu từ những nguồn khác để tìm được cách dịch phù hợp. Tôi và đồng dịch giả đã trao đổi, thống nhất những thuật ngữ, để bảo đảm nội dung cuốn sách được mạch lạc.
Vì dịch covid, việc ra mắt sách chậm đến 3 năm nhưng cũng vừa hay đúng vào dịp Nhật Bản – Việt Nam kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 150 năm chuyến đi của Sứ đoàn Iwakura. Trộm nghĩ, cũng giống như cái duyên, cái kết đẹp cho quá trình cố gắng nỗ lực của nhiều người tâm huyết với lịch sử thời Minh Trị vậy. Qua đây tôi cũng cảm ơn các biên tập viên giàu kinh nghiệm của Phương Nam Book, đặc biệt là anh Huỳnh Duy Lộc, đã góp phần đưa cuốn sách đến tay bạn đọc một cách chỉn chu nhất.

Sau khi dịch Sứ đoàn Iwakura, với những hiểu biết cặn kẽ hơn về thời Minh Trị, Mai có hứng thú sáng tác thể loại văn học dã sử nói chung, cũng như về thời Minh Trị nói riêng không?
Tôi thích lịch sử Nhật Bản cũng như lịch sử Việt Nam, thế giới nói chung. Nghiên cứu về lịch sử là tìm về những bài học, những giá trị phục vụ cho hiện tại, vẽ nên tương lai.
Lịch sử nước Nhật nói chung và lịch sử thời Minh Trị nói riêng còn nhiều điều để lật lại, để khai thác. Lịch sử Việt Nam cũng có những câu chuyện rất hay. Từ nhỏ, tôi đã thích những câu chuyện dã sử có đan xen những yếu tố huyền ảo, không chỉ về tình yêu mà còn mang lại ý nghĩa thời đại sâu sắc. Sau khi dịch cuốn Sứ đoàn Iwakura, tôi vẫn suy nghĩ, tìm hiểu về đề tài ấy.
Sứ đoàn Iwakura là tác phẩm đầu tiên mà Mai thực hiện công việc chuyển ngữ sau một thời gian dài sáng tác văn học. Từ việc dịch, bạn có suy tư gì về việc viết trong quá trình làm việc với tác phẩm này không?
Tôi nghĩ, sáng tác văn học là một công việc cô đơn, cần sự đào sâu vào bản ngã, thế giới của chính mình, còn làm một dịch giả thì không thể thỏa mãn bản ngã của người dịch mà cần sự chuẩn xác, tính cẩn trọng cao. Tuy nhiên, viết văn, dịch sách lại gặp nhau ở điểm chung: cần sự uyển chuyển trong câu từ tiếng Việt. Để có được điều này, dịch giả phải không ngừng học hỏi, bổ sung vốn từ vựng, trong quá trình chuyển ngữ phải lựa chọn được những từ ngữ sao cho phù hợp nhất.
Khi dịch sách, tôi đã học hỏi được nhiều về sự dẫn dắt, sắp xếp bố cục logic của Ian Nish – một chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử người Anh – người đã dành phần lớn cuộc đời mình để cống hiến cho việc nghiên cứu lịch sử quan hệ ngoại giao của Nhật Bản.

Thời gian tới, Mai có dự định tiếp tục dịch sách không? Mai có thể chia sẻ những dự định sắp tới của mình trên con đường viết lách?
Sau khi thử sức với đề tài nghiên cứu lịch sử, thì tiếp theo tôi mong muốn được dịch những cuốn sách thể loại sở trường của mình là: tiểu thuyết, truyện ngắn, mong được giới thiệu những tác phẩm đoạt giải thưởng uy tín của văn học Nhật như giải Akutagawa, Naoki… đến với độc giả.
Tôi cũng đang trong quá trình tự trau dồi vốn ngoại ngữ, tiếp thu nhiều nguồn tác phẩm, tư liệu văn học nước ngoài để có thể viết những cuốn sách hay nhất trong khả năng mình. Hiện tại tôi đang viết một cuốn sách với chủ đề âm nhạc đường phố cùng với một người bạn thuộc thế hệ Gen Z cũng là ca sĩ nhạc sĩ, và một cuốn sách về chữa lành tâm trí. Hy vọng những dự án này sẽ hoàn thành tốt đẹp, có duyên được ra mắt bạn đọc trong thời gian tới.
Cảm ơn Mai đã dành thời gian trò chuyện với Bookish, chúc bạn sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai.
Chuyện người cầm bút
Phạm Công Luận và những tâm tình về “Hồi ức Phú Nhuận”
Cho dù “Hồi ức Phú Nhuận” không phải là sách biên khảo nhưng cũng cần được sắp xếp tương đối mạch lạc theo từng nhóm nội dung để độc giả dễ theo dõi, để có cái nhìn từ khái quát đến từng lãnh vực, sau đó đọng lại là những tâm tình của người sống ở đó.

Hồi ức Phú Nhuận tập hợp những bài viết của nhà báo Phạm Công Luận về dòng chảy thời gian đi qua một vùng đất bằng việc sưu tầm và ghi lại những hồi ức tản mạn không chỉ của riêng tác giả – một người sinh ra, lớn lên và gắn bó với Phú Nhuận, mà còn từ lời kể của nhiều cư dân nơi đây qua các thế hệ.
Trong bài phỏng vấn này, Bookish sẽ giúp bạn đọc khám phá quá trình nhà báo Phạm Công Luận đã tái hiện một Phú Nhuận từ cổ chí kim qua từng trang sách trong Hồi ức Phú Nhuận diễn ra như thế nào, cũng như những khó khăn mà anh phải đối mặt. Hãy cùng tìm hiểu bạn nhé.
Trong quá trình thực hiện Hồi ức Phú Nhuận, anh có gặp phải những khó khăn nào khi tìm ý tưởng, nguồn tư liệu, hay nhân vật để phỏng vấn không? Nếu có, anh đã vượt qua những khó khăn đó bằng cách nào?
Viết sách tư liệu luôn có những thách thức từ việc ý tưởng tổ chức cho đến tập hợp tài liệu, cuốn Hồi ức Phú Nhuận cũng vậy. Cần có những ý tưởng cốt lõi từ cách tổ chức các chương mục cho đến thể hiện từng bài. Ở từng đề tài, nếu không tìm ra nhân chứng để phỏng vấn hoặc tài liệu hay thì dễ đi vào bế tắc. Khi gặp trường hợp đó, tôi xếp lại, khai triển một bài viết khác và lúc nào đó sẽ quay lại đề tài cũ khi thấy đã có những thứ cần thiết để viết nó ra.

Bài viết nào trong Hồi ức Phú Nhuận khiến anh tâm đắc nhất? Anh có thể chia sẻ lí do tại sao không?
Có hai dạng bài tôi cảm thấy tâm đắc trong cuốn này.
Một là những bài tôi tìm được tư liệu hay, viết được những đề tài hầu như không ai viết về, mà lâu nay bản thân tôi luôn thắc mắc: bài viết về gốc gác của chợ Ga, về nhà hàng bò bảy món Ánh Hồng nổi tiếng khắp Sài thành một thời, về xóm cô đầu ở Phú Nhuận trước 1945, về đất Phán Hùng trong đường Cô Giang v.v...
Hai là những bài được viết với nhiều cảm xúc, hầu hết nằm trong phần ôn chuyện xưa, về ẩm thực và về những con hẻm.
Hồi ức Phú Nhuận được chia thành 9 phần (8 phần nội dung chính và 1 phần phụ lục) để bao quát những khía cạnh khác nhau trong đời sống Phú Nhuận. Từ khi bắt đầu viết sách, anh có hình dung trước là sách sẽ có 9 phần với các chủ đề như thế để lên kế hoạch viết không hay anh viết bài trước rồi trong quá trình tập hợp lại bài viết cho cuốn sách, anh mới chia bài viết theo chủ đề? Theo anh, phương pháp nào đem lại nhiều hiệu quả hơn?
Cuốn sách này, cho dù không phải là sách biên khảo nhưng cũng cần được sắp xếp tương đối mạch lạc theo từng nhóm nội dung để độc giả dễ theo dõi, để có cái nhìn từ khái quát đến từng lãnh vực, sau đó đọng lại là những tâm tình của người sống ở đó. Dù ban đầu đã có ý định sắp xếp một cách tương đối, khi viết tôi chọn những đề tài mình có hứng thú hoặc có tư liệu hay để viết trước. Sau một thời gian, tôi rà soát lại từng phần nội dung và tiến hành bù đắp những chỗ còn thiếu bằng những bài khác. Có thể cách của tôi không đúng bài bản nhưng ít ra nó giúp tôi duy trì được cảm hứng để viết một cuốn sách khá “lắm chuyện” như vầy.

Trong Hồi ức Phú Nhuận, có những bài viết kể về các con đường, quán ăn và tiệm cà phê hiện đã không còn tồn tại. Vậy anh tìm kiếm và ghi lại những thông tin này bằng cách nào? Làm sao để anh cân bằng tính trung thực và chi tiết khi tái hiện những ký ức trong Hồi ức Phú Nhuận?
Tôi sống ở Phú Nhuận từ nhỏ đến nay nên không quá khó khăn để nhận diện những gì từng tồn tại và mất đi trong hơn nửa thế kỷ qua. Bên cạnh đó, còn có những nhân chứng chung quanh tôi, họ có thể kể về những quán xá họ từng lui tới, ăn uống ở đó hay về những gì đã xảy ra từ rất lâu trên một con đường. Trang “Phú Nhuận ngày xưa” trên Facebook do tôi lập ra, là nơi tập hợp những người từng hay đang gắn bó với vùng đất này cũng góp phần cung cấp cho tôi tư liệu về các quán, các nhà hàng trong quận, bên cạnh những câu chuyện ở lãnh vực khác.
Đã là hồi ức thì có “nhớ nhớ, quên quên” không tránh khỏi thiếu sót, tôi hạn chế tối đa điều đó bằng cách đối chiếu với các ý kiến khác nhau trên trang “Phú Nhuận ngày xưa” về một sự kiện, đưa ra trước cộng đồng để hỏi ý kiến và gửi bản thảo cho một số người quen nhờ xem giúp và phát hiện lỗi nếu có. Sau khi ra sách, tôi vẫn tiếp tục theo dõi dư luận để nếu cần thì đính chính hay chỉnh sửa sau.
Hồi ức Phú Nhuận vừa có hình ảnh tư liệu, vừa có tranh minh họa của họa sĩ Phạm Công Tâm. Đâu là tiêu chí để anh quyết định lựa chọn giữa hình ảnh hay tranh minh họa cho một bài viết?
Việc chọn tranh hay ảnh minh họa cho phù hợp bài vở nằm trong góc nhìn từ nghề báo của tôi. Hầu hết bài trong sách được minh họa bằng ảnh, nhất là bài tài liệu. Bên cạnh đó có một số bài được minh họa bằng tranh màu nước, do không có ảnh đủ thể hiện được nội dung và còn giúp trang sách mềm mại hơn, đẹp hơn.

Sau Hồi ức Phú Nhuận, kế hoạch sáng tác tiếp theo của anh là gì? Anh có dự định viết thêm về Phú Nhuận hoặc những quận khác không?
Cho dù Phú Nhuận vẫn còn nhiều điều hay để khám phá và chia sẻ, tôi chưa có ý định viết tiếp ở dạng một cuốn sách mà sẽ dành thời gian cho những đề tài khác.
Tôi vừa viết xong bản thảo cuốn sách về Chợ Lớn, một khu vực đô thị không nhiều người phía Sài Gòn có điều kiện tiếp cận theo chiều sâu. Cuộc sống ở đó, với đa số là di dân người Hoa có những đặc thù riêng, rất thú vị để tìm hiểu. Qua cuốn này, tôi mong có thể phản ánh được một phần nhỏ đời sống, tâm tình, sinh hoạt của vài thế hệ người sống trong Chợ Lớn trong gần trăm năm qua. Đó là một nơi mà một số nhà văn, ký giả nước ngoài như Gontran de Poncins, Georges Ribon hay Kermendec... đã đến và ở lại một thời gian để viết những bài báo và cuốn sách thật lý thú.
Cảm ơn tác giả Phạm Công Luận vì đã dành thời gian cho một cuộc chia sẻ sâu với Bookish. Chúc anh luôn thành công với những dự án trong tương lai.
Chuyện người cầm bút
Đọc gì để hiểu Seoul?

Han Kang lớn lên ở Seoul, Hàn Quốc và cô gọi nó là một thành phố trải qua “nghìn năm khuynh biến”. Bài viết sau đây là những gợi ý từ nhà văn Hàn Quốc đầu tiên thắng giải Man Booker Quốc tế cho cuốn “Người ăn chay” để hiểu hơn nữa quê hương của mình.
Seoul là một siêu đô thị với dân số gần 10 triệu người và được phát âm giống như “linh hồn” (soul). Có lúc tôi như bất lực không thể chịu nổi quy mô và tốc độ thay đổi của nó, nhưng cuối cùng thì cũng đã tìm được một góc yên tĩnh và tiếp tục sống ở thành phố này.
Mặc dù thoạt nhìn khá là hiện đại, nhưng Seoul lại có lịch sử tương đối lâu đời. Dân cư lần đầu tập trung tại đây cách đây đã 6.000 năm. Qua nhiều thế kỷ, thành phố dần dần trở thành trung tâm của các triều đại cai trị khu vực và hiện vẫn là thủ đô của Hàn Quốc hiện đại.
Nói cách khác, thành phố tồn tại dưới lớp thời gian dày đặc. Tin tức về các dự án xây dựng đôi khi hay bị dừng lại sau khi đào bới rồi phát hiện ra công trình thoát nước từ nghìn năm trước, hay món đồ sứ có niên đại hàng trăm năm tuổi… là lời nhắc nhở về chính điều đó.
Khi đi ngang qua những tấm bia đá của những tòa nhà cũ bị phá hủy trong thời Nhật Bản chiếm đóng từ năm 1910 - 1945, hay cuộc chiến tranh ý thức hệ tàn khốc từ năm 1950 - 1953, tôi thấy những chung cư mới vẫn được xây dựng xen kẽ vào đó…
Những năm 1960, chúng dần phát triển thành những tòa nhà cao tầng rực rỡ với ánh đèn hàng đêm. Những cảnh quan xung đột, chồng chéo, hội tụ này tạo nên bản giao hưởng riêng của thành phố này. Không có gì ngạc nhiên khi nhiều tác phẩm văn học hoặc nghệ thuật được tạo ra ở đây đều chứa đựng những cảm xúc sâu sắc.
Những cuốn sách nào để tận hưởng các lớp thời gian trong thành phố này?
Đó là một trong những cuốn sách hấp dẫn nhất thời thơ ấu của tôi, Tam Quốc Di Sự có niên đại hàng nghìn năm, được nhà sư Phật giáo Il Yeon (Nhất Nhiên) biên soạn vào thế kỷ 13, dưới triều Goryeo. Nó bao gồm những câu chuyện kỳ quái, siêu nhiên như những vị vua được sinh ra từ quả trứng, một cây sáo thần có thể ru ngủ những cơn bão lớn…
Ngoài ra Những chuyện kỳ lạ của một nhà sư gồm 5 câu chuyện từ đầu triều đại Joseon, bắt đầu vào cuối thế kỷ 14, cũng rất hấp dẫn. Các nhân vật nam trong cuốn sách này dành ra vài ngày với những hồn ma của những người phụ nữ duyên dáng mà họ yêu, và sống phần đời còn lại trong cô độc và đau buồn.
Câu chuyện về Hong Gildong cũng từ triều đại Joseon cũng là một lựa chọn tốt. Gildong sinh ra trong một gia đình quý tộc nhưng không thể nhận cha ruột vì địa vị thấp kém của mẹ mình. Chịu đựng sự phân biệt đối xử, anh đã trở thành một tên trộm, phân phát của cải lại cho người nghèo. Cuốn sách từ lâu được coi là tác phẩm của Heo Gyun - một nhà tư tưởng tiến bộ, người đã bị xử tử vì tội phản quốc vào thế kỷ 17, nhưng các câu hỏi về quyền tác giả của nó đã được đặt ra suốt thời gian dài trong giới học thuật.
Để mô tả gần đây hơn về quá khứ của Seoul, thì cuốn hồi ký Ai đã ăn hết những cây Sing-a ngày ấy? của Park Wan-suh đề cập từ những năm 1930 - 1950 tương đối lý lí thú. Sau khi bắt đầu với những ký ức tuổi thơ lấp lánh ở Kaesong - nay thuộc Bắc Triều Tiên - câu chuyện chuyển sang Seoul giữa Chiến tranh Triều Tiên. Thành phố vắng tanh, hầu hết người dân chạy trốn trong sợ hãi, nhưng gia đình Park chọn ở lại để chăm sóc cho người anh trai ốm yếu của cô. Đoạn kết, nơi cô ấy nhìn ra những con phố cực kỳ yên tĩnh và quyết tâm viết về tất cả những thử thách này vào một ngày nào đó, thật sự hấp dẫn.
Tôi nên đọc gì trước khi đến Seoul?
Tác phẩm của các nhà thơ hiện đang sống ở Seoul. Nếu bạn ngẫu nhiên mở ra và đọc các bộ sưu tập như Tôi ổn, tôi là con lợn, Điện thoại vào buổi ban trưa của Lee Jangwook, Mười lăm giây không sầu muộn của Shim Bo-seon, Cố lên nàng thơ của Kim Yi-deum hoặc Đẹp và vô dụng của Kim Min Jeong thì bạn có thể có được cảm giác chung về Seoul.
Tương tự như vậy, các tuyển tập truyện ngắn sẽ đưa ra ví dụ về các khía cạnh khác nhau của cuộc sống ở đây. Chẳng hạn Chú thỏ bị nguyền rủa của Bora Chung, Tình yêu ở thành phố lớn của Sang Young Park hay Nụ cười của Shoko từ Choi Eunyoung.
Các tiểu thuyết như Về nhà với mẹ của Kim Hye-jin, Tháng năm rực rỡ của Ae-ran Kim, và Your Republic Is Calling You của Kim Young-ha cũng là những lựa chọn tốt.
Những cuốn sách nào có thể cho tôi thấy những khía cạnh khác của thành phố này?
Một trăm cái bóng của Hwang Jungeun lấy bối cảnh ở Euljiro, một khu vực đặc trưng sầm uất với đầy cửa hàng thiết bị chiếu sáng. Cuốn tiểu thuyết kể về một người đàn ông và một người phụ nữ làm việc trên những con phố và rồi quen nhau. Sau đó họ đã thảo luận về một diễn biến siêu nhiên kỳ lạ: Bóng tối của những con người bị gạt ra ngoài lề xã hội bắt đầu “nổi lên”. Một khi con người đi theo những cái bóng này, họ sẽ lập tức mất mạng. Những nỗ lực tinh tế của cặp đôi để đồng hành cùng nhau, mỗi người cẩn thận đảm bảo rằng cái bóng của người kia không phủ lên trên của người còn lại, để lại ấn tượng lâu dài.
Bạn muốn giới thiệu những điểm đến văn học nào?
Bắt đầu bằng chuyến viếng thăm nhà của Yi Sang, người sinh năm 1910 và được đào tạo thành kiến trúc sư trước khi trở thành một nhà văn tiên phong sáng chói và qua đời ở tuổi 27 vì bệnh lao. Ông từng được in một tập sách là Tuyển tập Yi Sang bao gồm những bài thơ, truyện ngắn, tiểu luận và tranh minh họa đặc sắc, kèm theo những bài tiểu luận sâu sắc của các dịch giả.
Mặc dù không gian trưng bày các tác phẩm của người nghệ sĩ có diện tích khiêm tốn nhưng nó mang lại những khoảnh khắc tiếp xúc đặc biệt cho những người đã quen thuộc với hành trình ngắn ngủi, dũng cảm của ông từ thời thơ ấu, lúc được nhận nuôi cho đến giây phút cuối đời,
Từ địa điểm này nên tiếp tục đi lên, men theo con hẻm dốc thoai thoải dẫn đến địa điểm là một trong những khu nhà trọ của nhà thơ Yoon Dong-ju. Yoon bị bắt trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng và cũng là thời bị áp bức dữ dội ở Hàn Quốc. Ông chết trong tù vào tháng 2 năm 1945, năm cuối cùng của chế độ nói trên, ở tuổi 28. Nhiều người ở Hàn Quốc, bao gồm cả một số nhà sử học, tin rằng cái chết của ông có thể là kết quả của các thí nghiệm y học trên cơ thể người do quân đội Nhật Bản tiến hành.
Lên đồi thêm 5 phút nữa, bạn sẽ bước vào một thung lũng yên tĩnh, nơi thỉnh thoảng tôi nhúng tay vào làn nước trong vắt, lạnh lẽo của dòng suối giống như cậu bé Yoon rửa mặt mỗi sáng. Nước chạm vào tay tôi không giống như nước chạm vào bàn tay ông nhiều chục năm trước, nhưng lại mang đến cảm giác gần gũi.
Yoon là nhà thơ yêu thích của tôi khi tôi còn học cấp hai. Tôi đặc biệt thích bài thơ Tám Phước Lành của ông. Ông nghĩ gì khi viết “Phúc cho những ai than khóc” tám lần, và rồi kết thúc bằng câu “Họ sẽ đau buồn mãi mãi” sau khi để lại một dòng trống, im lặng chứ?
Dịch từ The New York Times.
-
Top sách hay3 weeks ago
Tiểu thuyết kinh dị “Tết ở làng Địa Ngục” cán mốc 4.000 bản trong lần đầu xuất bản
-
Trà chiều4 months ago
Trauma Bonding: Những soi chiếu từ văn học nghệ thuật để chiêm nghiệm cho cuộc đời
-
Trích đăng3 months ago
Nhà hàng bò bảy món Ánh Hồng danh tiếng Sài Thành
-
Cafe sáng2 months ago
Đón chào diện mạo mới của Nhà sách Phương Nam tại Lotte Center Hà Nội với nhiều ưu đãi hấp dẫn
-
Book trailer5 months ago
Khám phá Sài Gòn và Đà Lạt qua hai tập tranh ký họa đẹp lung linh
-
Book trailer5 months ago
Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm: Nỗi niềm của những kẻ lạc loài
-
Book trailer5 months ago
Kế thừa cảm xúc: Hành trình thoát khỏi vòng lặp của nỗi đau
-
Chuyện người cầm bút3 months ago
Lê Nguyễn Nhật Linh: Chiến thắng vẻ vang nhất là khi ta vượt qua chính mình