Top sách hay

“Lối thoát” mùa dịch: Các nhà văn đọc gì?

Published

on

Từ Hilary Mantel đến Kazuo Ishiguro, từ Curtis Sittenfeld đến Sebastian Barry: các tác gia nổi tiếng đọc gì để tìm kiếm chút an ủi giữa mùa dịch?

1. Kazuo Ishiguro

Tác giả của Mãi đừng xa tôi, Cảnh đồi mờ xám, Dạ khúc, Gã khổng lồ ngủ quên.

The Fortnight in September (Trong hai tuần tháng Chín) của RC Sherriff là cuốn tiểu thuyết tuyệt vời nhất, cho tôi niềm tin tích cực nhất mà tôi có thể nghĩ ra ngay bây giờ. Được xuất bản vào năm 1931, đây là cuốn tiểu thuyết tinh tế và sắc sảo, kể về một gia đình trung lưu bình thường đến từ phía nam London đang chuẩn bị đi du lịch và tận hưởng kỳ nghỉ hè khiêm tốn của họ ở Bognor Regis. Ở một cấp độ hoàn toàn không quá kịch tính, Sherriff đã điều chỉnh tiêu chuẩn của chúng ta khi đánh giá về những gì hứng khởi hay chán ngán, tận đến khi ta hoàn toàn thấu hiểu được những thăng trầm cảm xúc của gia đình này. Sherriff không kẻ cả, ông cũng không cố tán tụng họ quá lố. Ông tôn trọng họ vì những lý do hoàn toàn chính đáng – vì sự đứng đắn bản năng họ dành cho nhau và dành cho những người họ gặp; và cho cả cách thức họ hành động như một gia đình hạnh phúc một cách vô tư lự – có lẽ là vô thức, bất chấp sự bất an và thất vọng tồn tại trong lòng mỗi người. Kỳ nghỉ tuyệt vời bên bờ biển nước Anh vào thời vàng son và những phẩm giá đẹp đẽ được tìm thấy trong cuộc sống hàng ngày hiếm khi nào được ghi lại một cách tinh tế hơn thế.

2. Hilary Mantel

Tác giả của Lâu đài sói.

Những phụ nữ áo đen (The Women in Black) không phải là một tiêu đề tươi vui gì mấy. Những nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này không phải đang để tang; họ là những nữ nhân viên bán hàng trong cửa tiệm bách hóa những năm 1950 ở Sydney. Cuốn sách là câu chuyện về sự trưởng thành. Như cách một trong những nhân vật chia sẻ với ta: “Một cô gái thông minh là điều tuyệt vời nhất của Đấng tạo hóa.” Tác giả cuốn sách qua đời năm 2006, và những năm tháng ẩn dật cuối đời của bà đã bị bệnh tật tàn phá, nhưng bà vẫn gắng gượng, thông minh và hài hước, bà có thể viết về tuổi trẻ với sự ngọt ngào xuyên thấu tâm can mà không có chút điềm gở tang tóc nào. Cuốn sách này như viên ngọc quý – là một trong số ít ỏi những cuốn sách tôi biết sẽ mang đến niềm vui trong từng câu chữ, hoàn toàn không có sự hiện diện của thói thao túng cảm xúc hay đa cảm và ủy mị.

3. Mark Haddon

Tác giả của Bí ẩn con chó lúc nửa đêm Bùm.

Tôi không tìm kiếm sự an ủi từ tiểu thuyết, thay vào đó, tôi chủ yếu xem phim truyền hình và phim tài liệu. Trong những thời điểm đặc biệt khó khăn, tôi tìm đến thuốc an thần và một playlist “khẩn cấp” trên iTunes. Tôi đọc tiểu thuyết để kích thích trí tưởng tượng, để hiểu biết về cuộc đời và suy nghĩ khác, để tìm thấy ngôn ngữ được sử dụng theo những cách thức lý thú mới. Tuy nhiên, tôi dễ mềm lòng với tiểu thuyết thời Victoria. Các cốt truyện vừa cường điệu mà vừa êm ái, các cú pháp và nhịp điệu – ngôn ngữ được viết bởi những người có nhiều thời gian để viết, dành cho những độc giả có nhiều thời gian để đọc, hoặc thực sự nghe. Eliot, Dickens, Gaskell, Brontës, Wilkie Collins, Trollope… ai cũng được ngoại trừ Đồi gió hú (tại sao chúng ta bị cuốn hút quá lâu bởi một kẻ lạm dụng tình dục thích siết cổ chó?). Tôi vừa bắt đầu đọc Bí mật của quý bà Audley (Lady Audley’s Secret) của Mary Elizabeth Braddon, và cho đến nay rõ ràng tôi vẫn rất vừa ý.

4. Curtis Sittenfeld

Tác giả của Phu nhân nước Mỹ (American Wife) Rodham – Sẽ ra sao nếu Hillary đã rời bỏ Bill Clinton? (Rodham: What If Hillary Hadn’t Married Bill).

Alice Munro luôn là nhà văn yêu thích của tôi kể từ lần đầu tiên tôi đọc một tập truyện của bà hồi 30 năm trước, khi tôi còn là một thiếu nữ. Một cách tuần tự, đôi khi thứ gì đó trong cuộc sống nhắc nhở tôi về những câu chuyện của bà, và tôi lập tức đọc lại chúng. Khi đó, tôi đã bị ấn tượng bởi sự phong phú trong cốt truyện và sự phức tạp của các nhân vật, của cảm xúc và của các mối quan hệ giữa họ. Mặc dù các truyện ngắn của bà không phải một dạng tự-nâng-cao-tinh-thần, nhưng sự sáng suốt của chúng bằng cách nào đó làm tôi yên tâm. Hơn một lần tôi từng nghĩ: Nếu tôi bắt đầu mỗi ngày bằng cách đọc một câu chuyện của Alice Munro thay vì nhìn vào Twitter, tôi sẽ tốt hơn rất nhiều. Nhưng có một sự thật rằng: Tôi chưa từng thử. Nhưng có lẽ rồi cuối cùng tôi sẽ làm được. Trong khi đó, không có giờ nào trong ngày là không phù hợp cho việc đọc một câu chuyện của Munro, và không có câu chuyện nào của Munro là không hợp lí cả. Thế sao không bắt đầu với Ghét, thân, thương, yêu, cưới?

5. David Mitchell

Tác giả của Bản đồ mây, Đồng hồ xương và sắp tới là Utopia Avenue.

Bộ ba ngời sáng Eagle of the Ninth (Đại bàng của lữ đoàn 9) của Rosemary Sutcliff lấy bối cảnh vùng Anh thuộc La Mã thời cổ, đều hướng về một điểm chung. Tại sao tôi lại nói bộ ba này thú vị? Đầu tiên, Sutcliff là một nhà văn với sự thấu hiểu thời đại xuất sắc theo chủ nghĩa cổ điển, có đôi mắt của một nhà thơ khi ngắm nhìn thiên nhiên, và khả năng phán đoán tình tiết quỷ quái. Các tiểu thuyết thuộc thể loại này không thể không thú vị được. Thứ hai, bộ ba ca ngợi khả năng chịu đựng và chống lại tình huống khắc nghiệt của con người. Sutcliff đã sử dụng hình tượng chiếc xe lăn, và hình tượng anh hùng của bà đi kèm với những khiếm khuyết để chiến thắng của họ trở nên hoành tráng hơn. Thứ ba, những cuốn sách lấy bối cảnh thời cổ đại luôn khôi phục niềm tin của tôi vào sự trường tồn của nhân loại. Đại dịch, thiếu thốn, những kẻ gây rối trên ngai vàng và lo sợ tận thế không có gì mới. Tuy nhiên, mặt trời sẽ luôn soi sáng. Khi Covid-19 chỉ còn là quá vãng, bạn có thể đến Reading Museum để thăm Đại bàng Silchester bằng đồng đã truyền cảm hứng cho những cuốn sách bậc thầy này. Nó tồn tại từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên và duy trì quyền lực một cách tuyệt đối.

6. Sebastian Barry

Tác giả của Bên kia những ngày kết thúc (Days Without End) Hàng ngàn mặt trăng (A Thousand Moons).

Thật kỳ lạ khi vẫn còn một cuốn sách phù hợp cho thời điểm này, mặc dù nó đã được viết cách đây 2.000 năm. Suy tưởng của Marcus Aurelius bằng cách nào đó rất hiện đại, và chắc chắn phù hợp ngay cả lúc này. Thật vậy, ông đã cảnh báo việc chống lại những tham chiếu vô ích cả về quá khứ lẫn tương lai, ông luôn cố gắng giữ thăng bằng trong hiện tại. Ngoài ra, ông khuyên chúng ta không nên chống lại bất hạnh, mà nên sử dụng bản thân và tất cả những gì vốn có để đương đầu với chúng. Tôi không biết ông có hiện thực hóa những lời ông khuyên được không. Trong suốt những năm tại vị của mình với tư cách một hoàng đế La Mã, bệnh dịch đã bùng phát qua khắp đế chế. Triết lý của ông về những rắc rối luôn không thay đổi; chúng như những dấu chỉ của sự sống. Các vũ khí chống lại chúng là điều nhã nhặn và lòng trắc ẩn, là thực hiện những gì đáng thuộc về mình. Sự thoải mái của Aurelius nằm ở sự chắc chắn và bình tĩnh, và khi đọc, các dòng chữ ấy như đang thì thầm vào tai bạn. Nếu ông có một hậu duệ, đó chỉ có thể là Churchill.

Hết.

minh. lược dịch.

Bài viết gốc được đăng tại The Guardian. Ảnh minh họa đầu bài: Lehel Kovács.

*

Có thể bạn sẽ thích?



Book trailer

HÃY KỂ TÔI NGHE SỰ THẬT VỀ TÌNH YÊU- Những RED FLAG điển hình qua 13 câu chuyện trị liệu cặp đôi

Published

on

By

Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu – tác phẩm nghiên cứu vừa được Phương Nam Book phát hành – của nhà trị liệu tâm lý Susanna Abse là một chuyến du hành đầy mê hoặc vào thế giới nội tâm phức tạp của tình yêu và các mối quan hệ.

Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu xoay quanh chủ đề muôn thuở: tình yêu đôi lứa. Ngay từ những trang đầu tiên, Susanna Abse đã khẳng định một cách dứt khoát: Tình yêu đôi lứa là trọng tâm của đời sống con người. Bằng chứng là dù xã hội có phát triển hiện đại đến đâu, dù khoa học kỹ thuật có tiến xa đến nhường nào, thì bản năng khao khát kết nối, tìm kiếm một nửa yêu thương vẫn luôn hiện hữu trong mỗi con người. Chúng ta sinh ra là để yêu và được yêu.

Bóc trần từng lớp mặt nạ của tình yêu để đối diện với sự thật

Chúng ta đều biết rằng tình yêu không chỉ có màu hồng lãng mạn. Song hành cùng những cảm xúc thăng hoa, hạnh phúc, tình yêu cũng ẩn chứa muôn vàn góc khuất, những tổn thương, thất vọng và cả những nỗi sợ hãi khó gọi tên.

Với kinh nghiệm hơn 35 năm làm việc trong lĩnh vực tâm lý trị liệu, chứng kiến vô số những cuộc tình đến rồi đi, Susanna Abse nhận ra rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn đến những mâu thuẫn, rạn nứt trong tình yêu đôi lứa phần lớn đều bắt nguồn từ những tổn thương thời thơ ấu, những khuôn mẫu nội tâm đã ăn sâu vào tiềm thức và chi phối cách chúng ta nhìn nhận bản thân, nhìn nhận tình yêu và cách chúng ta tương tác với người bạn đời của mình.

Trong tác phẩm Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu, Susanna Abse đã thuật lại nhiều câu chuyện được lấy cảm hứng từ chính những bệnh nhân bà từng tiếp xúc. Mỗi câu chuyện như một mảnh ghép, góp phần phác họa bức tranh đa sắc màu về đời sống hôn nhân, phơi bày những tổn thương thầm kín và cả những khao khát thầm lặng của mỗi cá nhân. Tất cả đều như phản chiếu một ai đó trong chính chúng ta, những con người đã từng vấp ngã, lạc lối trên con đường đi tìm hạnh phúc.

Khi truyện cổ tích gặp gỡ phân tâm học

Ngay từ mặt cấu trúc, tác phẩm Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu đã toát lên sự sáng tạo độc đáo, khác biệt. Mỗi chương trong sách đều lấy cảm hứng từ một câu chuyện cổ tích hay thần thoại quen thuộc, trở thành lăng kính để tác giả phân tích những khía cạnh khác nhau của tình yêu. Cách tiếp cận này không chỉ tạo sự gần gũi, dễ hiểu mà còn khơi gợi nhiều suy ngẫm sâu sắc.

Mười ba chương sách tựa như mười ba thước phim ngắn, lần lượt phác họa thế giới nội tâm của những cặp đôi đang vật lộn với những biến cố, thử thách trong tình yêu. Ta bắt gặp hình ảnh những bậc cha mẹ tự tay phá hủy rồi lại miệt mài xây dựng ngôi nhà rơm của mình, hay cô bé Khăn Đỏ cứ nhất quyết bảo vệ con sói đội lốt cừu, nàng Rapunzel khao khát tình yêu nhưng lại tự giam cầm trong chính tòa lâu đài cô độc của mình... Mỗi câu chuyện là một lăng kính soi rọi những vòng lặp hành vi, những bế tắc, những nỗi đau và khát khao yêu thương ẩn giấu sâu thẳm bên trong mỗi con người.

Từ đó, Susanna Abse đã không ngần ngại đưa người đọc đối diện với những góc tối, những mặt trái trong tình yêu như: sự phản bội, lừa dối, sự ích kỷ, chiếm hữu... Tuy nhiên, thay vì đánh giá hay phán xét, Abse lại dùng sự thấu hiểu, cảm thông để giúp người đọc nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và nhân văn hơn.

Hành trình khám phá bản thân và nghệ thuật yêu thương

Tác phẩm Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu còn là câu chuyện về chính Susanna Abse, về hành trình trưởng thành của bà trong suốt hơn 30 năm làm nghề trị liệu tâm lý đầy thử thách. Bà không ngần ngại chia sẻ những lúng túng, sai lầm non nớt thời mới vào nghề, hay cả những giằng xé nội tâm, những cảm xúc cá nhân khó tránh khỏi khi đối diện với những hoàn cảnh, những mảnh đời khác nhau. Chính sự chân thành, dám bộc lộ ấy đã phá vỡ bức tường vô hình giữa nhà trị liệu và bệnh nhân, để từ đó, ta thêm tin tưởng vào quá trình trị liệu, hiểu rõ hơn về bản chất của sự đồng hành, thấu cảm trong hành trình chữa lành.

Bên cạnh đó, tác giả còn bộc bạch rằng bà không có ý định đưa ra những lời khuyên hạnh phúc sáo rỗng hay các giải pháp nhanh chóng, tức thời; bởi lẽ từng cá thể, từng cặp đôi không phải là những bản sao giống nhau để tuân theo một công thức chung nào đó. Thay vào đó, thông qua những câu chuyện, những chiêm nghiệm của bản thân, bà khích lệ sự tự vấn, thôi thúc người đọc dám đối diện với chính mình, đánh giá lại những mối quan hệ xung quanh với cái nhìn thấu đáo và bao dung hơn.

Dù tập trung chủ yếu vào tình yêu đôi lứa, nhưng những bài học từ Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu hoàn toàn có thể áp dụng cho nhiều dạng kết nối khác, chẳng hạn như tình bạn, tình cảm gia đình. Tác giả nhấn mạnh rằng chính sự chấp nhận những khiếm khuyết, yếu đuối của bản thân và người khác mới là chìa khóa cho một mối quan hệ bền vững. Ta nhận ra rằng, không chỉ tình yêu đôi lứa, mà bất kỳ mối quan hệ nào cũng cần sự vun đắp, chăm sóc và thấu hiểu lẫn nhau.

Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu để lại trong lòng người đọc nhiều dư âm khó tả. Đó là sự đồng cảm sâu sắc với những thân phận, những mảnh đời trong truyện. Đó là nỗi trăn trở, băn khoăn về bản chất của tình yêu, về cách ta yêu thương và vun vén hạnh phúc. Trên hết, đó là lời nhắc nhở rằng tình yêu là hành trình khám phá vô tận và chính sự không hoàn hảo mới khiến nó trở nên đẹp đẽ, đáng trân trọng.

Trích đoạn

“Trên hành trình khám phá các mối quan hệ yêu đương, có hai khía cạnh về ‘sự thật’ giữa một cặp đôi rất cần phải đặt ra nghi vấn: sự thật thứ nhất liên quan đến việc đối diện với cảm xúc của chính mình và tri nhận trải nghiệm của bản thân; cái thứ hai liên quan đến việc đối diện với cảm xúc của đối phương và thấu hiểu trải nghiệm của họ.”

***

“Jung rất thông thái – là một nhà trị liệu tâm lý, tôi học được rằng tất cả các trải nghiệm của ta được định hình và ngập tràn dấu vết bởi những trải nghiệm trong quá khứ. Chúng ta tiếp cận mỗi một sự kiện hay mối quan hệ mới với tâm thế đầy định kiến – ta không bao giờ thoát khỏi những ảnh hưởng này; bất kể ta có ảo tưởng rằng mình là một chứng nhân khách quan và công minh với cuộc đời mình, nhưng thực tế không phải vậy. Quá khứ luôn sống trong hiện tại.

Nhận xét của báo chí

“Một cuốn sách lôi cuốn, thiết thực và nhân văn về những nỗi đau và hy vọng trong các mối quan hệ.”

Alain de Botton, Tácgiả nhiều đầu sách nổi tiếng về triết học thường thức

“Cuốn sách nên có trong tủ sách của bất kỳ ai muốn hiểu sâu hơn về những cung bậc cảm xúc trong tình yêu – từ khi say đắm đến lúc chia lìa.”

Philippa Perry, Nhà tâm lý trị liệu

“Mỗi trang sách đều mang đến cho tôi những kiến thức mới mẻ về con người, về các mối quan hệ và cuối cùng là về chính mình.”

Annalisa Barbieri, Nhà báo củatờ The Guardian      

Về tác giả

Susanna Abse

• Nhà trị liệu phân tâm học, với hơn 35 năm kinh nghiệm trong công tác trị liệu cá nhân, cặp đôi và phụ huynh.

• CEO của tổ chức thiện nguyện Tavistock Relationships (2006 - 2016).

• Chủ tịch Hội đồng Phân tâm học Anh (2018 - 2021).

• Tác giả của nhiều ấn phẩm về trị liệu cặp đôi, phương pháp nuôi dạy con, chính sách gia đình; cùng nhiều bài báo về các vấn đề chính trị và xã hội cho Guardian, New StatesmanOpen Democracy.

• Người dẫn chương trình “Britain on the Couch” năm 2019 trên kênh Channel 4 News.

• Đồng biên soạn The Library of Couple and Family Psychoanalysis của Routledge Books và là thành viên quản trị của Bảo tàng Freud ở London.

Đọc bài viết

Book trailer

5 tựa sách cho ngày hè nhàn rỗi

Published

on

By

5-tua-sach-cho-ngay-he-nhan-roi

Từ những cuốn sách phơi bày hậu chứng chiến tranh cho đến những cuốn tiểu thuyết ghi lại thân phận nhỏ bé, mong manh, trôi dạt của con người... Các tác phẩm sau là lựa chọn tuyệt vời cho một ngày hè nhàn rỗi, để tìm thêm lại những phong vị mới.

Đuổi theo ánh sáng – Oliver Stone

Là biên kịch và đạo diễn từng 3 lần đoạt giải Oscar với những tác phẩm nổi tiếng như Express Midnight, Scarface, Salvador, Platoon... cũng như những người ngoại đạo, hành trình vươn đến đỉnh cao trong môn nghệ thuật thứ 7 của Oliver Stone luôn không dễ dàng. Đuổi theo ánh sáng là cuốn hồi ký được ông chắp bút, đưa ta đi từ những ngày đầu tiên ở nước Mỹ huyền diệu, đến tuổi trưởng thành nhiều mới mẻ trong chiến tranh Việt Nam và hành trình nếm mật nằm gai để vươn đến hào quang của Hollywood.

Trong cuốn sách này, ta sẽ thấy bên cạnh một cái tên được ngợi ca cũng là một con người bất toàn, mắc nhiều tội lỗi và cũng có lúc tưởng chừng buông xuôi. Thế nhưng chính quyết tâm, nỗ lực và sức mạnh nội tại đã giúp cho ông vẫn luôn duy trì tình yêu với quỹ đạo đời mình. Đó cũng là một bài học xoay quanh thông điệp luôn luôn vươn lên, từ đó tìm thấy ý nghĩa cho cuộc đời mình.

Với cách viết chân thành, gần gũi, đan kết với nhiều hình tượng, cảnh huống được lấy ra từ các thần thoại cũng như tác phẩm văn chương, phim ảnh nổi tiếng... Đuổi theo ánh sáng không chỉ đơn thuần là một cuốn hồi ký, mà cũng đồng thời là một tác phẩm văn xuôi hấp dẫn về một thời đoạn của tuổi trẻ lạc lối và tuổi trưởng thành không ngừng bỏ cuộc. Một tác phẩm vượt ra khỏi biên giới thể loại để mang đến câu chuyện phổ quát và thông điệp ý nghĩa cho những cá nhân vẫn đang chật vật trên con đường sự nghiệp của bản thân mình.

Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm – Le Thi Diem Thuy

Thuộc thế hệ thứ 2 của những cây bút “di dân”, Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm tuy có dung lượng tương đối khiêm tốn, nhưng nội dung mà nó truyền tải lại vô cùng lớn về mặt cảm xúc cũng như ấn tượng đến từ người đọc. Đó là hành trình tìm lại cội nguồn, xác định bản lai diện mục của một cá nhân với lai lịch “dị thường” qua thứ văn chương đẹp đẽ, thơ mộng với nhiều hình ảnh ám ảnh nối nhau cho đến vô cùng. Le Thi Diem Thuy sở hữu ma thuật của từ ngữ, để nhào nặn nó thành những ấn tượng không thể nào phai.

Cõi người và thân phận ấy cũng mong manh như con bướm suốt đời lưu cữu trong thứ thủy tinh trong suốt và nhìn thấu được. Kiếp người di dân cũng mãi tạc ghi vào mã gene mình ám ảnh về nước, dẫu là cái hồ trong khu dân cư hay thứ nước biển mặn chát của những con thuyền lênh đênh trên biển... thì cũng hình thành ở họ nỗi sợ nguyên thủy về số phận mình và thân phận mình giữa dòng chìm nổi. Le Thi Diem Thuy nắm bắt được chúng một cách tinh tế, và dàn trải ra giữa các trang viết một cách chân thành mà không lên gân.

Về mặt văn chương, Le Thi Diem Thuy cùng Ocean Vuong là 2 nhà văn đại diện cho khả năng nắm bắt được từng khoảnh khắc và cấp đông nó cho đến vĩnh cửu. Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm hay Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là các tác phẩm có nhiều tầng nghĩa, làm xúc động cả những ký ức cá nhân hay nỗi đau cộng đồng. Và sức ám ảnh ấy sẽ lại khởi đầu mỗi khi những dòng chữ đầu tiên hiện ra và người đọc bị cuốn theo dòng nước ấy.

Những kẻ tuyệt vọng – Minh Tran Huy

Văn chương di dân khắc ghi trong lòng người đọc rất nhiều ấn tượng xoay quanh chủ nghĩa hiện thực, thế nhưng với Minh Tran Huy, cô đã làm điều đó một cách văn chương và vị nghệ thuật đến không ngờ đến. Ở Những kẻ tuyệt vọng ta sẽ không tìm thấy những gia đình tan nát của các thuyền nhân, ta cũng không thấy những chật vật hòa nhập với cuộc sống mới một cách hiển hình... mà thay vào đó là sự giao hòa của những tâm thức với các câu chuyện mang tính đại diện khác lạ.

Cuốn sách kể về chuyện tình vô cùng tươi đẹp của Lise và chàng Louis đầy những khát khao nhưng hành trình đến được với nhau cũng đã trải qua không ít khó khăn cũng như thách thức. Từ Việt Nam đến những lâu đài nước Pháp, từ những công viên bên bờ sông vắng lặng đến tàn tích lâu đài của thời Trung cổ... Cuốn sách xé toạc những đường biên không – thời gian để mang đến một tác phẩm lạ lẫm, thách thức, không ngừng chờ được giải đáp.

Điều ta tìm thấy trong tiểu thuyết này là sự giao thoa của Đông với Tây, của quá khứ với hiện đại, của Á và Âu trong sự tương đồng và phát triển thêm từ Trọng Thủy – Mỵ Châu đến Tristan - Iseult, hay bộ tứ Tấm Cám – Lọ Lem – Bạch Tuyết – Công chúa ngủ trong rừng.... Mang đậm màu sắc của Angela Carter trong không khí Gothic được phối trộn với trọng tâm di dân, đây là cuốn tiểu thuyết được đẩy đến đường biên của những thể nghiệm, đòi hỏi một sự truy tầm giá trị sâu xa hơn việc thưởng thức. Có thể nói Minh Tran Huy đã viết nên một tác phẩm ấn tượng, độc đáo và không thể quên.

Khát khao cây cỏ - Michael Pollan

Từ trước đến nay, trong các tác phẩm nghiên cứu, con người luôn chứng minh mình là chủ nhân của mọi thứ, là đối tượng tác động, là tác nhân chủ chốt... Nhưng với Khát khao cây cỏ, Michael Pollan đã thực hiện điều ngược lại, khi đặt ra một câu hỏi vô cùng thách thức, rằng thực vật nghĩ gì về ta, liệu con người có thật là phía nắm chuôi, quyết định mọi thứ cho giống loài vốn được ngầm hiểu là không có trí thông minh hay nhạy bén này?

Câu hỏi nói trên đã được giải đáp qua 4 phần lớn xoay quanh loài táo, tulip, cần sa và khoai tây, gắn với khát khao vị ngọt, vẻ đẹp, niềm hứng thú và sự an toàn. Từ các rừng táo ở nước Mỹ đến các thùng container trồng cần sa nhân tạo ở Amsterdam, từ ngày hiện tại trong công nghệ biến đổi gen ở khoai tây cho đến nhiều thế kỷ trước khi cơn sốt tulip vẫn còn là thứ gì đó cực kỳ bùng nổ... Pollan từng bước dẫn ta vào mạng lưới gắn kết đặc biệt, để biết con người xét cho đến cùng chỉ là một cực của các mối quan hệ, trong tính chủ động cũng như bị động.

Những câu chuyện về Johnny Hạt Táo, đặc tính có kế hoạch theo trường phái Apollo hay hoang dã của Dionysus... đã đưa người đọc không chỉ lướt qua lịch sử mà các loài cây gắn liền, mà cũng đồng thời là một biên niên sử về các khao khát và niềm đắm say của nhân loại này. Có thể xem đây là một tác phẩm rực rỡ, bao quát và choáng ngợp về mối gắn kết giữa con người cùng tự nhiên.

Con đường thủy vào Trung Hoa - Milton Osborne

Những ngày gần đây câu chuyện xoay quanh sông Mekong bỗng nóng trở lại trong việc xây dựng kênh đào Phù Nam và những được – mất sau đó. Chính điều này cũng đưa ta về lại với quá khứ của hơn 100 năm trước, khi những người Pháp tiên phong đã cố gắng tìm con đường thủy cho việc giao thương nối liền từ điểm tận cùng đổ ra biển Đông trên đất An Nam với thượng nguồn từ dãy Himalaya ở nơi đầu mút Trung Quốc.

Con sông hùng vĩ phần nào dự báo tầm vóc của cuộc thám hiểm, và quả đúng như thế, những gì được Milton Osborne kể lại có thể được xem như một bằng chứng lịch sử, nhưng cũng có thể quan niệm đó là một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu nói gót những Thuyền trưởng Corcoran hay tác phẩm của Conrad danh tiếng... Những khó khăn, thách thức; sự thịnh vượng, trù phú nhưng cũng nguy hiểm chết người của miền nhiệt đới... cho ta thấy rằng con đường khai sáng của nơi mẫu quốc chưa khi nào là dễ, chưa cần bàn đến niềm tin, ý dân hay là những thứ thuộc về tư tưởng.

Bằng việc khai thác nguồn sử liệu phong phú và cách kể chuyện cuốn hút, Con đường thủy vào Trung Hoa là một tác phẩm đáng đọc, nên đọc, để biết về những khó khăn của con đường khai sáng văn minh, cũng như sự huyền diệu của miền nhiệt đới từ trăm năm trước hay trăm năm sau vẫn mãi như vậy.

Đọc bài viết

Top sách hay

Ngày hội đọc sách 2024: Top 5 tựa sách đáng đọc của những chủ nhân giải Nobel Văn học

Published

on

Giải Nobel Văn học là giải thưởng cao quý đối với người theo nghiệp văn chương và các tác phẩm đoạt giải thưởng sẽ là những cuốn sách nên-đọc-một-lần trong đời.

05 tác phẩm này được Nhà Sách Phương Nam lựa chọn kỹ lưỡng, như một gợi ý để bạn đọc dễ dàng tìm đến những tác phẩm đỉnh cao.

Nhà Sách Phương Nam xin điểm danh 5 tác phẩm tiêu biểu, do Phương Nam Book phát hành, từ 5 tác giả nổi tiếng là những chủ nhân giải Nobel Văn học. Đặc biệt, 5 tác phẩm của những tác giả đoạt giải Nobel văn học đang được giảm giá đậm sâu trong chương trình Ngày Hội Đọc Sách – Enjoy Reading More.

1. Vỡ Tổ - Rabindranath Tagore

Cuốn tiểu thuyết ngắn Vỡ Tổ của tác giả Rabindranath Tagore ra mắt lần đầu năm 1901 và được đăng nhiều kỳ trên tờ tạp chí Bharāti. Năm 1909, ông đưa truyện này vào một tập truyện ngắn chọn lọc, và năm 1926, lần đầu tiên ‘Vỡ Tổ’ có mặt trong tuyển tập chính thức các tiểu thuyết ngắn của ông. Đây là một trong những tác phẩm hư cấu hay nhất của Rabindranath Tagore.

Cuốn truyện lại càng nổi bật hơn nữa vì lần đầu tiên nó xuất hiện bằng tiếng Bengal tại một thời điểm mà truyện ngắn hiện đại như một hình thức văn học đặt ra những câu hỏi sâu xa mà không nhất thiết đưa ra câu trả lời, một thể loại tương đối mới cả ở Ấn Độ lẫn phương Tây. Trong lúc đó, tiếng Bengal đang có nguy cơ thất bại trong cuộc đấu tranh để được thừa nhận như một phương tiện ngữ ngôn văn học nghệ thuật nghiêm túc.

2. Nắng Tháng Tám - William Faulkner

Dù biết rằng trong bóng tối mọi sự đều có thể, từ những nỗi ham muốn bí ẩn đến những tội lỗi khó thú nhận, và ngay cả những tội ác hung hãn, Faulkner vẫn thường để cho bi kịch bao giờ cũng thắt nút và gỡ nút giữa ban ngày, và vào mùa hè, tức tháng sáu, bảy, tám hay bắt sang tháng chín một chút.

Đọc Nắng Tháng Tám (William Faulkner) sẽ thấy rõ thiên nhiên và mặt trời tác động gần như định mệnh lên các nhân vật của ông, những con người sống một đời sống quẩn quanh ở miền nam nước Mỹ.

3. Kinh Cầu Nguyện Kaddis Dành Cho Đứa Trẻ Không Ra Đời - Kertész Imre

Mở đầu "Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời" (Kertész Imre) là một chữ: "Không" và chữ đó cứ trở đi trở lại da diết, dai dẳng suốt toàn bộ cuốn sách, tạo ra sự lôi cuốn kỳ lạ, như một tứ thơ, với ý nghĩa cho dù cuộc đời bi thương đến mấy thì nó vẫn rất nên thơ.

"Việc luôn nói không của Kertész Imre không có nghĩa là một thái độ bi quan mà là sự phản kháng, tự phủ nhận - ý thức cao nhất của người trí thức…"

4. Những cảnh đời tỉnh lẻ - J.M.Coetzee

Vẫn lối hành văn giản dị mà chất chứa sức nặng của cả cuộc đời, nhà văn đoạt giải Nobel Văn học 2003 - J. M. Coetzee mang đến cho độc giả những áng văn chao đảo giữa thực tại và hư cấu.

Bộ ba tiểu thuyết ‘Những cảnh đời tỉnh lẻ‘ là một bức chân dung hài hước mà đau đớn về cuộc đời người nghệ sĩ, dưới ngòi bút của một trong những nhà văn vĩ đại nhất thế giới.

5. Người đẹp ngủ mê - Kawabata Yasunari 

Trong tác phẩm ‘Người đẹp ngủ mê’, Kawabata nhận định: “Trên thế gian không có gì cao quý bằng con người. Trong loài người không có gì vinh dự bằng thân thể trong trắng của người nữ. Tuy nhiên, để chiếm đoạt, sở hữu nó, người ta phải phá hủy sự trinh khiết đó”.

‘Người đẹp ngủ mê’ (Kawabata Yasunari) chính là thứ cảm giác không thể nhầm lẫn mách bảo ta rằng Kawabata đã khéo léo sử dụng vẻ đẹp của ngôn từ cần thiết cho tác phẩm. 

Đọc bài viết

Cafe sáng