Chuyện người cầm bút

Kazuo Ishiguro: Lộ trình đọc cho người mới bắt đầu

Published

on

Nhà văn người Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro là một trong những tác giả Anh ngữ được giới chuyên môn đánh giá cao nhất hiện nay: cây bút 68 tuổi này đã hai lần được vinh danh trên tạp chí Granta chuyên đề Những tiểu thuyết gia trẻ nổi bật nhất ở Anh năm 1983 và 1993; và sau đó, hành trang của ông lần lượt có thêm giải Booker, Nobel, và tước hiệp sĩ.

Đối diện với văn nghiệp đồ sộ của Kazuo Ishiguro, hẳn không ít người băn khoăn nên bắt đầu đọc từ tác phẩm nào trước. Bài viết dưới đây được dịch từ The Guardian sẽ cung cấp cho người đọc một lộ trình hợp lí để khám phá thế giới của Kazuo Ishiguro.

Điểm xuất phát

Hai cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Ishiguro là Cảnh đồi mờ xámMột họa sĩ phù thế đều có mối liên hệ trực tiếp đến gốc gác Nhật Bản vốn ít nhiều đã trở nên xa lạ với nhà văn – gia đình ông chuyển đến nước Anh khi ông mới năm tuổi và ông không về thăm lại Nhật Bản trong suốt gần 30 năm, dù đến thời điểm đó ông đã là một tác giả có tiếng tăm. Cả hai cuốn tiểu thuyết đều khai thác góc nhìn của Ishiguro về những con người chiêm nghiệm lại cuộc đời mình trong nỗi hoang mang, tiếc nuối, để lại cho độc giả nhiều suy ngẫm.

Cả hai đều là tác phẩm chất lượng, cuốn sau có sự cải thiện so với cuốn đầu tiên, nhưng chính ở cuốn tiểu thuyết thứ ba cũng có cùng chủ đề mới thực sự đúng nghĩa là điểm khởi đầu để tiếp cận văn nghiệp của ông: tiểu thuyết Tàn ngày để lại.

Tàn ngày để lại kể câu chuyện về Stevens – một quản gia người Anh với tất cả mọi hàm nghĩa của từ này: tận tụy, chỉn chu, trung thành, và trên hết, luôn luôn có một ý thức mãnh liệt về phẩm giá nghề nghiệp. Mong muốn cải thiện chất lượng phục vụ tại dinh thự và chấm dứt những sa sút hiện tại, Stevens dấn thân vào một cuộc hành trình đi qua Miền Tây nước Anh. Mỗi chặng trên cuộc hành trình mở ra một cánh cửa nối về quá khứ, và dần dà hành trình ấy làm hé lộ những mất mát và nuối tiếc theo sau những ảo tưởng của một đời người.

Lạ lùng thay, Tàn ngày để lại vừa bi vừa hài, “vừa đẹp đẽ vừa tàn nhẫn,” như lời nhận xét của Salman Rushdie. Tác phẩm này đã thắng giải Booker và bản phim chuyển thể với sự góp mặt của ngôi sao Anthony Hopkins và Emma Thompson cũng được đánh giá là thành công khi có đến tám đề cử Oscar.

Ishiguro thừa nhận rằng ông đã viết cùng một cuốn tiểu thuyết đến những ba lần, để ngày càng tiệm cận hơn đến điều ông muốn truyền tải. Kết quả là một cuốn sách hoàn hảo về mọi mặt đã ra đời.

Chặng thử thách

Sau khi đã đạt được thành công với chủ đề vừa nêu trên, ở cuốn tiểu thuyết kế tiếp, nhân vật chính của Ishiguro không phải là một người nhìn về quá khứ nữa, mà đang ở giữa nguồn cơn hoang mang. Tiểu thuyết The Unconsoled kể về nhạc công Ryder, anh đến một vùng nào đó ở trung tâm châu Âu để tham dự một buổi hòa nhạc, nhưng rồi mọi thứ xung quanh anh lại biến hóa khôn lường. Nếu so sánh với ba tác phẩm đầu tiên của Ishiguro thì có thể nhận thấy cuốn tiểu thuyết này vận hành theo nguyên tắc của một giấc mơ vì thời gian, không gian và nhân dạng thường xuyên thay đổi. Những người đầu tiên đọc quyển sách này đã phải thất kinh, James Wood – cây bút phê bình của tờ The Guardian cũng nằm trong số đó – nhận xét rằng quyển sách này đã “tự mở ra một thể loại tồi tệ”. Nhưng đây cũng chính là tác phẩm thể hiện rõ ràng nhất quan điểm sâu sắc của Ishiguro về việc không ai trong chúng ta thực sự biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu; điều đó khiến nó càng mang dáng dấp của một kiệt tác hơn, với bầu không khí Kafka thời đương đại.

Tiểu thuyết ở giai đoạn hậu Nobel

Khi thắng giải Nobel năm 1948, nhà thơ TS Eliot từng phát biểu rằng: “Giải Nobel là một tấm vé tiễn người ta đến thẳng huyệt mộ của mình. Chẳng có ai làm thêm được gì cả sau khi nhận giải.” Ishiguro thắng giải Nobel Văn chương năm 2017; lúc đó, ông đã viết một bài diễn văn nhận giải dễ thương, khiêm tốn có nhan đề là My Twentieth Century Evening and Other Small Breakthroughs (Tạm dịch: Buổi xế chiều trong thế kỉ thứ hai mươi của tôi và những bước đột phá nho nhỏ khác). Năm kế tiếp sau đó, ông được phong tước hiệp sĩ.

Tiểu thuyết Klara and the Sun (Tạm dịch: Klara và Mặt trời) xuất bản năm 2021 không có dấu hiệu nào cho thấy rằng Ishiguro đã trở thành một người hữu danh vô thực hay một nhà hiền triết đạo mạo. Người kể chuyện lần này (toàn bộ tiểu thuyết của Ishiguro đều được viết ở ngôi thứ nhất) là Klara, một AI hoạt động dựa trên nguồn năng lượng mặt trời, cô ngây thơ nhưng trung thành, được mua về để dốc hết lòng chăm sóc cho một cô bé. Giống như những tác phẩm khác của Ishiguro, tiểu thuyết này cũng có văn phong trung tính, điềm tĩnh, không bao giờ đi thẳng vào những sự kiện được đề cập; tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể cảm nhận rõ những sự kiện ấy và thấy đau lòng. Một lần nữa, nó tạo ra dư chấn theo lối khác thường mà không một tiểu thuyết gia nào làm được ngoài Ishiguro.

Nếu như bạn chỉ có thể đọc một tác phẩm, đó sẽ là…  

Thoạt đọc qua nội dung, tiểu thuyết Mãi đừng xa tôi có vẻ như thuộc thể loại khoa học viễn tưởng: tác phẩm kể về những bản sao vô tính, được tạo ra chỉ với mục đích duy nhất là để hiến tạng cho đến chết. Tuy nhiên, câu hỏi cốt lõi được đặt ra là tất cả chúng ta phải chọn cách sống như thế nào khi đều biết rằng thời gian của ta là giới hạn và không ai thoát được án tử.

Kathy, Ruth và Tommy xuất thân từ một ngôi trường đặc biệt: trường nội trí Hailsham. Những con người ở đó đều có chung một số phận được định đoạt. Họ chấp nhận số phận, nhưng vẫn khát khao trì hoãn. Với giọng điệu bình thản như mặt biển sóng ngầm, câu chuyện kể về một hiện thực đáng sợ diễn ra trong một thế giới “giả tưởng”, nhưng cũng không xa lắm thế giới “thật tưởng” mà chúng ta đang sống. Câu chuyện ám ảnh chúng ta bởi tiếng kêu đau đớn đến xé lòng về tình yêu và hạnh phúc. Nó buộc chúng ta phải suy nghĩ lại về giá trị Người của chính mình.

Hoàng Đức Nhiên dịch

Click to comment

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chuyện người cầm bút

Elvis Phương: Âm nhạc là sự lựa chọn duy nhất của tôi từ năm 16 tuổi

Ở tuổi này mà Elvis Phương còn nhớ và thuộc gần 100 bài hát thì cuộc đời, kỉ niệm của chính mình làm sao mà quên được.

Published

on

By

Dòng đời là những trang viết trải lòng của danh ca Elvis Phương về chính cuộc đời mình. Hơn 60 năm ca hát, Elvis Phương đã trải qua nhiều thăng trầm để được thành danh và đứng vững trên sân khấu cho đến tận ngày nay. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những tâm tư của danh ca Elvis Phương xoay quanh Dòng đời, Bookish đã có buổi phỏng vấn độc quyền với nam danh ca.

Trong quyển hồi ký Dòng đời, Elvis Phương có nhắc đến việc cha mình cấm cản đi theo nghiệp ca hát. Vậy đến thời điểm nào, cha ông nguôi ngoai và chấp nhận việc ông theo đuổi ước mơ ca hát?

Hai năm sau khi Elvis Phương bị ba mình đuổi ra khỏi nhà thì một buổi tối sau khi đi hát xong, lúc trở về nhà nơi Elvis Phương đang mướn và ở cùng với ban nhạc thì thấy má của Elvis Phương ngồi sẵn trong nhà và bà nói: “Ba nói nhớ Phương và muốn con về nhà.” Thế là được trở về nhà. Vui sướng vô cùng vì biết rằng mình sẽ được tiếp tục hát để theo đuổi ước mơ dù má chả nói những điều như mình đã tự nghĩ nhưng cho trở về nhà là chắc cho đi hát rồi…

Được biết, ông là ca sĩ đầu tiên về nước, thời gian đầu, Elvis Phương nhận được tình cảm, sự đón nhận từ khán giả như thế nào? Ông có thể chia sẻ kỷ niệm ấn tượng với khán giả khi về Việt Nam?

Elvis Phương là một trong những ca sĩ về nước rất sớm; từ 1996 rồi 1998 để quay hai cuốn video nhưng mãi đến 2000 mới được hát live lần đầu vào ngày 20 và 21 tháng 5 năm 2000. Cả hai đêm hát đều sold out nhưng điều đáng nói nhất là tình cảm của khán thính giả dành cho Elvis Phương là động lực duy nhất khiến Elvis Phương quyết định mua nhà để được ở lâu dài và mãi đến tận hôm nay. Elvis Phương nhớ và nhớ rất rõ dư âm của hai đêm hát tại nhà hát Bến Thành lúc đó và sự yêu thương của khán thính giả đã làm Elvis Phương choáng ngợp sung sướng; có nhiều gia đình cả ba thế hệ đều đi xem Elvis Phương hôm đó. Sự bày tỏ lòng yêu thương của khán thính giả là một kỉ niệm đẹp cho lần trở về đầu tiên và được hát tại Việt Nam của Elvis Phương.

Ông từng mổ tim, cơn thập tử nhất sinh vào năm 1998, lúc đó ông cũng đã 53 tuổi. Nhưng tại sao, ông không lựa chọn cuộc sống an dưỡng mà tiếp tục sự nghiệp ca hát, hầu như ngày nào cũng đi hát?

Đối với Elvis Phương hát cũng giống như thở và mình phải cần thở mới được sống. Đúng vào tháng 5 năm 1998 Elvis Phương đã trải qua một cuộc giải phẫu tim phải nói là thập tử nhất sinh lúc đó. Elvis Phương đúng 53 năm tuổi mà dòng họ của mình từ ông nội, đến ba và người chú – em của ba – đều mất vào tuổi 53.

Phải nói là cuộc giải phẫu mười phần nguy hiểm nhưng khi được bình phục. Elvis Phương cảm thấy mình như được hồi sinh và niềm khao khát được hát lại cháy bỏng như những ngày đầu… Thế là hát và hát mãi đến tận bây giờ. Sự lựa chọn duy nhất của Elvis Phương từ lúc 16 tuổi đến ngày hôm nay: còn sống là còn hát.  

Sự nghiệp ca hát hơn 62 năm - một quãng đường dài và đồ sộ, khi viết cuốn hồi ký Dòng đời, làm sao ông có thể nhớ lại hết chi tiết cụ thể chuyện nhiều năm đã qua, sau đó xây dựng cấu trúc nội dung mạch lạc, tường thuật cho độc giả?

Elvis Phương không những nhớ một chuyện, mà cả trăm, cả nghìn câu chuyện. Vợ Elvis Phương hay đùa “phải chi Bố nhớ và giữ được tiền như những câu chuyện của đời Bố dù bao nhiêu năm đã trôi qua thì tốt biết mấy.”

Tài liệu và hình ảnh thì còn giữ được nhiều vô số kể. Bây giờ những lúc rảnh rỗi ngoài giờ đi hát thì Elvis Phương lại viết, lại ghi lại. Viết ra để làm gì? Chỉ biết viết vì kỉ niệm cả một đời đi hát thì nhiều quá; có những điều càng nhớ và viết ra thì thấy thú vị vô cùng. Ở tuổi này mà Elvis Phương còn nhớ và thuộc gần 100 bài hát thì cuộc đời, kỉ niệm của chính mình làm sao mà quên được.

Cuộc đời của ông trải qua nhiều thăng trầm. Khi viết xong quyển hồi ký Dòng đời và nhìn lại tất cả một cách hệ thống, ông cảm nhận điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống và sự nghiệp của mình? Chặng đường nào đối với ông là đáng nhớ nhất?

Đáng nhớ nhất là phải nhớ tất cả, vì cuộc đời ca hát của Elvis Phương thật là có quá nhiều thăng trầm. Đọc đi đọc lại Dòng đời, Elvis Phương vẫn thấy, vẫn cảm nhận trong cuộc sống và sự nghiệp của mình, tất cả những chặng đường đã trải qua đều quan trọng.

Có thăng, có trầm mới có Elvis Phương ngày hôm nay. Elvis Phương chưa bao giờ cảm thấy là mình không muốn hát và còn hát thì còn nhớ. Nhớ tất cả để cảm thấy cuộc đời mình còn thật nhiều may mắn. Điều gì cần nhớ thì phải nhớ thôi. Nhất là âm nhạc và những bài hát đã đi theo mình cả cuộc đời…

Cảm ơn những chia sẻ chân tình từ danh ca Elvis Phương. Chúc ông có thật nhiều sức khỏe dồi dào để tiếp tục thăng hoa với âm nhạc.

Danh ca Elvis PhươngMC Minh Đức tại buổi giao lưu, ra mắt sách Dòng đời ngày 9.9.2023
Danh ca Elvis Phương kí tặng bạn đọc tại buổi giao lưu, ra mắt sách Dòng đời ngày 9.9.2023
Đọc bài viết

Chuyện người cầm bút

Lê Nguyễn Nhật Linh: Chiến thắng vẻ vang nhất là khi ta vượt qua chính mình

Việc gì mình muốn làm thì hãy làm và làm với lòng nhiệt huyết hết sức có thể, đừng chờ đợi kết quả vì nhiều khi kết quả còn hơn cả mong đợi của mình. Có lòng, dốc sức thì sẽ được toại nguyện.

Published

on

Sáng ngày 27.8, tại Đường Sách TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi giao lưu cùng tác giả Lê Nguyễn Nhật Linh – chị đã có ba tựa sách do NXB Trẻ phát hành được tái bản nhiều lần: Đến Nhật Bản học về cuộc đời, Nín đi con, Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi.  

Nhắc đến Lê Nguyễn Nhật Linh, bạn đọc hẳn sẽ thường nhớ đến tác phẩm Đến Nhật Bản học về cuộc đời của chị. Quyển sách này đến nay đã đạt đến con số gần 30.000 bản in. Bên cạnh đó, chị Lê Nguyễn Nhật Linh còn là một nhà thiết kế kim hoàn rất thành công.

Quyết tâm trở thành người tốt vì đã được gặp nhiều người tốt

Tại buổi giao lưu, Nhật Linh không chỉ chia sẻ về những trải nghiệm xoay quanh tập tản văn Đến Nhật Bản học về cuộc đời mà còn có những chia sẻ sâu sắc về cuộc sống, tâm lý, con đường lập nghiệp và sáng tác. Một số bạn đọc đến tham dự tại buổi giao lưu chia sẻ rằng những dòng chị viết cả trên sách lẫn trên mạng xã hội đã đem lại những giá trị tích cực, trở thành nguồn động viên lớn với những ai đang trải qua giai đoạn khó khăn trong cuộc đời.

Ở phần chia sẻ những cảm nhận về nước Nhật, Nhật Linh cho biết, đối với chị, năng lượng của nước Nhật là hòa khí. Năm 16 tuổi, lần đầu tiên đến Nhật, chị đã có một ước mơ và quyết tâm: chị muốn mình trở thành người tốt vì đã gặp được rất nhiều người tốt ở Nhật; tuy có những người chị chỉ có cơ hội được gặp họ một lần, nhưng chị vẫn nhớ mãi sự tử tế và ấm áp ở họ. Giai đoạn ấy, chị đã dốc hết lòng phấn đấu vì: “Khi đại diện cho một quốc gia đến một quốc gia khác, bạn sẽ muốn nỗ lực cố gắng nhiều hơn; bởi lẽ khi đó, sự phát triển của bản thân sẽ trở thành sự phát triển của quốc gia.”

Trước câu hỏi tại sao những trang viết của Nhật Linh chắt lọc rất nhiều trải nghiệm sâu sắc về cuộc sống, có phải là do cuộc đời chị đã quá chông chênh, Nhật Linh chia sẻ rằng sự chông chênh đó không phải là câu chuyện của riêng chị. Bất cứ một người trẻ tự lập nào bước vào hành trình cuộc đời thì con đường đều sẽ có ít nhiều chông gai. Bản thân chị đã từng có những cột mốc nghĩ rằng mình trầm cảm. Vào năm đầu tiên học đại học, khi phải xa cha mẹ, quê hương – sự thay đổi môi trường đột ngột khiến chị chông chênh. Giai đoạn thứ hai là khi chị đi du học ở nước Nhật. Đây cũng là sự thay đổi môi trường nhưng ở mức độ tàn khốc hơn. Sự mất thăng bằng thường xuyên khiến chị cạn kiệt về năng lượng. Bây giờ – khi đã vượt qua và nhìn lại thời điểm đó – chị nhận ra rằng mỗi độ tuổi có một áp lực khác nhau và ta phải chiến đấu với nó. Nếu muốn sống một cuộc đời như mơ thì phải nỗ lực, mà bản thân sự nỗ lực vốn dĩ đã không phải là một điều đơn giản. “Khi chúng ta chiến đấu với chính mình và chiến thắng thì đó mới là chiến thắng vẻ vang nhất,” chị chia sẻ.  

Có lòng, dốc sức thì sẽ được toại nguyện

Bên cạnh Đến Nhật Bản học về cuộc đời, Lê Nguyễn Nhật Linh còn có một tác phẩm khác cũng đặc biệt không kém là Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi với đề tài về trầm cảm. Chị Linh cho rằng khi phải thường xuyên ở trong tình trạng không ai hiểu mình, người ta sẽ dễ mắc bệnh trầm cảm. Bất kì ai cũng có thể rơi vào giai đoạn phải đối mặt với cảm giác không được thấu hiểu này. Nguyên nhân chỉ đơn giản là vì ta không thể chia sẻ với người khác. Khi cứ để tình trạng này tiếp diễn thì nếu ở mức độ nhẹ nhàng, ta sẽ thấy nó chỉ là một khối đá; còn nếu ở mức độ nặng nề, nó sẽ trở thành khối u. Và nếu không tìm cách thay đổi, ta sẽ rơi xuống đáy. Mỗi người lại có một cái đáy khác nhau. Ta phải luôn quan sát những cảm xúc của bản thân để ý thức được rằng những điều ấy có ổn không.

Để tháo gỡ cảm giác đó, chị Linh cho rằng rất khó đúc kết thành vài từ khóa ngắn gọn. Mỗi chúng ta là những thế giới khác nhau. Có những người chỉ vài ngày thôi là đã đi qua được một biến cố. Nhưng có những người lại mất cả vài tháng, hay thậm chí là vài năm. Không có một công thức chung nào cả, nhưng nếu chúng ta cố gắng giữ ý thức thấu hiểu bản thân thì sẽ tìm được cách tháo gỡ. Bước đầu tiên là phải đặt câu hỏi cho bản thân – đây là một hình thức tự trò chuyện với chính mình để tìm giải pháp. Nếu như đến chính ta còn không muốn nói chuyện với ta thì làm sao có thể trông mong người khác sẽ đến giúp ta giải quyết vấn đề.

Hãy đặt thật nhiều câu hỏi khi chúng ta mắc kẹt trong những vấn đề của bản thân. Nhưng cách đặt câu hỏi rất quan trọng. Khi biết cách đặt câu hỏi đúng thì ta mới có thể tìm được câu trả lời then chốt. Những câu hỏi nên có sự cân bằng giữa lí trí và cảm xúc; nếu là chuyện liên quan đến người khác thì cần tránh suy diễn mà cố gắng trực tiếp hỏi đối phương. Khi đã đến cái đích của sự rõ ràng, ta sẽ tránh được tình trạng rối tung rối mù. Sau đó là đến giai đoạn quyết định. Mọi quyết định của chúng ta đều có thể sai và đúng, không thể lúc nào cũng đúng được. Nhưng nếu đã quyết định sai thì hãy cố gắng học nhiều nhất từ cái sai đó. Quá trình này sẽ giúp ta hiểu được nhiều hơn về bản thân. Và một khi đã hiểu bản thân, ta sẽ có thể học được cách hiểu và giúp đỡ người khác.

Cuối buổi giao lưu, Nhật Linh bật mí rằng Đến Nhật Bản học về cuộc đời sẽ được dịch sang tiếng Nhật, dự kiến xuất bản ở Nhật vào cuối năm nay. Chị cũng đưa ra lời khuyên cho những bạn trẻ từ kinh nghiệm nghề nghiệp của mình rằng: “Việc gì mình muốn làm thì hãy làm và làm với lòng nhiệt huyết hết sức có thể, đừng chờ đợi kết quả vì nhiều khi kết quả còn hơn cả mong đợi của mình. Có lòng, dốc sức thì sẽ được toại nguyện. Nếu không đặt trái tim mình vào công việc đã lựa chọn mà chỉ làm hời hợt qua loa thì sẽ không có kết quả như ý.”

Hoàng Đức Nhiên

Đọc bài viết

Chuyện người cầm bút

Tùng Lam và những suy tư về quá trình dịch “Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm”

Còn biết chơi đùa nghĩa là không cô đơn. Khoảnh khắc cô bé ngừng chơi khi vừa lớn lên mới chính là lúc cô đơn ập đến. Không còn ai lắng nghe cô, ngay cả những người bạn vô tri vô giác; thế giới mất đi lớp màn lung linh của trí tưởng tượng và phơi ra những gì trần trụi nhất.

Published

on

By

Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm – tiểu thuyết đầu tay của nhà thơ Lê Thị Diễm Thúy về đề tài đời sống người Việt thời hậu chiến trong quá trình hội nhập tại đất Mỹ – là một tác phẩm giàu chất thơ với nhiều suy tư, có thể gây không ít khó khăn cho bất kì ai muốn chuyển ngữ. Chính vì thế, Bookish đã có cuộc trò chuyện với dịch giả Tùng Lam – người chuyển ngữ tiểu thuyết Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm sang tiếng Việt – để độc giả hiểu rõ hơn câu chuyện hậu trường của người dịch khi làm việc với tác phẩm này, cũng như những quan niệm về dịch thuật nói chung.

Trong quá trình dịch tác phẩm Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm sang tiếng Việt, bạn có gặp phải khó khăn nào không?

Không. Tôi chả gặp khó khăn nào. Tôi chỉ mở file dịch ra, ngủ vài ba giấc dậy là mọi thứ tự đâu vào đấy. Uớc gì tôi có thể trả lời như thế.

Với tôi, chuyện dịch dọt, dù là một cuốn tiểu thuyết như Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm hay một cuốn non-fiction tưởng đơn giản, đều khó. Cái khó không nằm cụ thể trong một đoạn văn, hình ảnh mà nó nghênh đón người dịch ngay từ câu đầu tiên, chữ đầu tiên – cho đến hết cuốn sách. Tôi cảm giác hành động dịch là quá trình giải mã liên tục các con chữ.

Bình thường, khi chúng ta giải quyết được một vấn đề, não sẽ bắn pháo bông các hormone tạo cảm giác dễ chịu. Con người đa số đều nghiện ngập cảm giác này. Và tôi ngờ rằng dịch giả là đám nghiện nặng nhất, chính thế mà họ lao vào đánh vật liên miên với chữ để nhận lại phần thưởng sinh hóa. Nếu không, ai dại gì đâm đầu vào cái nghề bèo bọt này?

Nói riêng về cái khó trong lúc dịch Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm, đó là chọn giọng. Sách được kể qua lời một thuyền nhân theo chân cha đến Mỹ lúc 6 tuổi cho đến khi cô 16 tuổi. Làm sao diễn tả được sự ngây thơ của một cô bé thích trò chuyện với đồ vật nhưng đã già trước tuổi vì sớm lìa quê hương, vì thấy cha hằng đêm nhỏ nước mắt trên xứ lạ nhưng “chẳng ích lợi gì”? Làm sao diễn tả được cái giọng cứng cỏi nhưng đầy âu sầu của cô thiếu nữ lớn lên chứng kiến cuộc đời bế tắc của cha mẹ – hai kẻ ngoại cuộc trên đất Mỹ, và cuộc đời ấy, có thể lắm, cũng là của cô?

Tôi không biết mình đã thành công bao nhiêu phần trăm trong việc chọn giọng này, đáp án có lẽ nhường lại cho người đọc.

Dịch giả Tùng Lam

Có những từ hoặc cụm từ đặc biệt nào trong bản gốc khiến bạn gặp thử thách khi dịch mà bạn muốn chia sẻ không? Ví dụ như, có một cụm từ hay một câu văn có thể hiểu theo hai hay nhiều nghĩa.

Tôi thấy Lê Thị Diễm Thúy không phải người thích chơi đùa với chữ theo kiểu bày ra một mâm tú hụ các trò chơi chữ có thể hiểu theo nhiều cách. Sự đa nghĩa của tác phẩm được thể hiện trên bình diện toàn văn bản, thay vì trên đơn vị từ/cụm từ. Duy có tựa đề của phần 2 tác giả đặt là “Palm”, vừa có nghĩa “lòng bàn tay”, vừa có nghĩa “cây cọ”.

Trong tòa chung cư gia đình nhân vật tôi sống ở Mỹ có một hồ bơi. Mẩu biển cả bé tẹo này là lời gợi nhắc cả gia đình về đại dương quê hương nơi làng chài ven biển họ đã bỏ lại sau lưng. Tuy nhiên, một hôm, người chủ nhà đã cho lấp hồ bơi và đem đến một vật được quấn kín bằng bọc nilon đen – bên trong là một cây cọ non thấp tè. Còn lòng bàn tay mình là thứ nhân vật tôi hay ngắm nhìn trong bóng tối. Qua cái nhìn trân trân của cô, những đường chỉ tay trong lòng bàn tay hóa thành dòng sông, đường hầm, con mương, rễ cây.

Tôi dịch “Palm” thành “Lòng bàn tay và cây cọ” nhưng không ngừng băn khoăn về ý nghĩa tác giả gửi gắm trong từ ngữ này. Có khi nào tác giả muốn nói: Cái vật được đem đến đặt giữa nơi từng là hồ bơi, khi mở ra, là một lòng bàn tay? Hay khi nhân vật tôi trân trân nhìn lòng bàn tay mình trong bóng tối, cô thấy, nó hóa ra là một cây cọ? Ý tác giả có phải thế không, tôi không biết.

Lê Thị Diễm Thúy là một nhà thơ nên từ cấu trúc kể chuyện của tác phẩm này cho đến văn phong đều tràn ngập chất thơ. Chính vì vậy, người dịch tác phẩm này có lẽ không chỉ đối diện với việc phải dịch tác phẩm sao cho hay, giữ gần trọn vẹn tinh thần của văn bản gốc mà còn là làm sao để giữ được nhịp điệu và chất thơ trong câu văn. Đối với tôi, bản dịch Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm của bạn đã đáp ứng được tiêu chí vừa dịch hay vừa dịch ra được chất thơ. Có nhiều đoạn văn dịch rất bay bổng mà vẫn có vần điệu, nhịp điệu. Bạn đã làm cách nào để giải được bài toán dịch thuật đầy thách thức như thế trong Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm? Bạn có phải là một người yêu mến thơ và trước đây đã từng dịch thơ rồi nên mới cảm được chất thơ trong tiểu thuyết của Lê Thị Diễm Thúy và dịch tốt như thế không?

Tôi đọc thơ theo kiểu cầm chừng và chỉ có dịch thơ thẩn thôi.

Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm là một tác phẩm nặng suy tư và giàu chất thơ – hai yếu tố khiến tôi vô cùng tận hưởng quá trình dịch quyển sách này, vì tôi cũng là tạng ưa tư lự và bay bướm. Nhưng sẽ có những người thích lối hành văn thô ráp, chân phương hơn. Và tôi nghĩ cách viết nào cũng đặt ra thách thức cho người dịch.

Để chuyển tải bản dịch gần sát nhất với tinh thần bản gốc, tôi nghĩ dịch giả phải sở hữu một kho từ vựng biến hóa khôn lường, lúc đó dịch kiểu bay trên trời cũng được mà dịch kiểu đi dưới đất cũng xong. Phần đầu cuốn sách này, tôi được một dịch giả lâu năm góp ý tỉ mỉ về cách diễn đạt và dùng từ. Để dịch cụm “faceless and nameless”, cô đề xuất “vô nhân dạng, vô danh tính” làm tôi cứ xuýt xoa mãi. Làm sao có thể nghĩ được cách dịch hay tuyệt diệu như thế chứ.

Dịch giả Tùng Lam

Đề tài của cuốn tiểu thuyết này có lẽ sẽ không gần gũi với phần lớn người trẻ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam sau chiến tranh khi viết về đời sống người Việt tha hương. Là một người trẻ thuộc thế hệ 9x, làm sao bạn có thể hòa vào tâm tư, tình cảm, cũng như những chi tiết về đời sống của nhân vật để có thể dịch được Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm giàu cảm xúc như thế?

Thứ nhất, tôi nghĩ hầu hết người mê chữ đều có một sự nhạy cảm nhất định. Sự nhạy cảm đó cho phép họ đọc/nghe về hoàn cảnh của người khác và ngay lập tức nảy sinh đồng cảm, dù họ chưa từng sống qua hoàn cảnh đó bao giờ. Tôi nghĩ mình có chút nhạy cảm đó khi đọc Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm và những cuốn sách khác về thuyền nhân Việt Nam.

Thứ hai, dù không phải một người Việt tha hương nhưng tôi chia sẻ chút nào đó cảm giác ngoại cuộc của các nhân vật trong sách. Từng là một cô bé tỉnh lẻ lên thành phố trọ học, thời gian đầu tôi nếm đủ mùi chua chát vì sự khác biệt của mình: quần áo, chất giọng, lối suy nghĩ. Nỗi lạc loài khủng khiếp vì tự mình nhận thấy mình khác biệt và vì cái cách người khác nhìn mình làm tô đậm thêm sự khác biệt ấy: “Mày không thuộc về nơi này”.

Ngoài ra, một phần lớn trong Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm là hồi ức về ngôi nhà thơ ấu của nhân vật tôi ở một làng chài ven biển Việt Nam. Ngôi nhà đó, làng chài đó như bước thẳng ra từ trang sách để nhập vào ngôi nhà của tôi, làng chài của quê tôi ở một tỉnh miền Trung. Ngôi nhà lấm lem bụi đất với lũ gà chạy lục tục trong sân, những con tàu nằm dài trên bãi, thuyền câu mực với những ngọn đèn lấm chấm trong đêm, những người chết biển, những đám ma bên huyệt mộ đào sẵn, những vỏ sò, những con ốc… Tôi thấy tuổi thơ mình trong những trang sách này.

Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm có cấu trúc truyện kể theo lối phi tuyến tính, năm phần trong tiểu thuyết hầu như không phải theo kiểu mở đầu của phần sau tiếp nối kết thúc của phần trước về mặt sự kiện. Đôi khi, sự kết nối vẫn có nhưng lại nằm trong tâm thức mơ hồ của nhân vật; thậm chí, trong cùng một phần truyện, nhân vật có thể di chuyển tâm tư qua nhiều chiều không gian và thời gian khác nhau, lúc thì ở Việt Nam, lúc thì ở Mỹ; lúc thì ở giai đoạn tuổi thơ, lúc thì ở tuổi trưởng thành; lúc thì là câu chuyện về mối quan hệ giữa con gái và cha mẹ, lúc thì là hồi ức về chuyện tình giữa cha mẹ trong thời chiến. Mỗi một lần nhân vật dịch chuyển tâm tư như thế đều có sự khác biệt trong bối cảnh, thoại, văn mạch. Trong lúc dịch, bạn có thấy khó khăn khi phải di chuyển liên tục theo nhân vật như thế không? Có bao giờ bạn cảm thấy bị hụt hơi trong mạch tâm tư của nhân vật và làm cách nào, bạn tạo ra sự thống nhất cho cả một đoạn văn dịch, hay một phần truyện, hay rộng hơn là toàn bộ tiểu thuyết này?

Tôi nghĩ cấu trúc truyện đã mô phỏng thành công cấu trúc tâm lý tự nhiên của con người, vì chúng ta có bao giờ suy nghĩ một cách tuyến tính, đúng không? Tâm trí chúng ta như con khỉ chuyền cành liên tục, nhảy từ hiện tại về quá khứ đến tương lai, mừng vui rồi khấp khởi rồi tiếc nuối, nghĩ chuyện mình đến chuyện người, chuyện nhân tình thế thái.

Một cấu trúc truyện như Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm tôi nghĩ có thể làm khó độc giả hơn là dịch giả nếu họ đọc không cẩn thận. Là người dịch, tôi có xa xỉ để nghiền ngẫm rất lâu một đoạn văn, nâng lên đặt xuống ý nghĩa của một hình ảnh cho đến khi thỏa mãn – do đó nhiều khả năng hiểu được ý đồ của tác giả.

Dù “nhảy cóc” qua nhiều chiều không gian và thời gian nhưng lời kể xuyên suốt sách thuộc về một nhân vật duy nhất, vì thế Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm vẫn “nhẹ đô” hơn rất nhiều so với, chẳng hạn, The Sound and the Fury của William Faulkner. Chuyện của Faulkner được kể từ ba điểm nhìn của ba anh em trong một gia đình, trong đó có một người tâm thần, vì thế không dễ tìm được sợi dây kết nối (dù có phần mơ hồ) như trong Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm. Tôi nghĩ nếu dịch cuốn của Faulkner, tôi chỉ có nước khóc thét.

Dịch giả Tùng Lam

Nhân vật “tôi” trong Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm có những trò chơi khá thơ mộng và cô đơn khi còn nhỏ như: trò chuyện với thú thủy tinh và con bướm mắc kẹt trong dĩa, nhìn bầu trời và tưởng tượng những hình ảnh, tự tạo hình với bàn tay của chính mình… Bạn có thể chia sẻ những trò chơi tuổi ấu thơ mà bạn yêu thích không? Và những trò chơi trong kí ức của bạn có chút cộng hưởng nào với trò chơi của nhân vật “tôi” khi bạn dịch không? Giả sử bạn có thể gặp nhân vật “tôi” khi cô bé còn nhỏ, và thậm chí ngay lúc cô bé đang chơi những trò chơi cô đơn đó, bạn có muốn nói hay chia sẻ điều gì với cô bé không? 

Lúc nhỏ tôi cũng hay chơi với bóng bàn tay mình trên vách tường, tạo hình bàn tay thành con thỏ, đại bàng… Mẹ luôn rầy tôi mỗi lúc tôi giỡn với bóng như thế. Trong Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm, nhân vật tôi cũng nhảy nhót với cái bóng của mình và bị má la. Người lớn luôn đầy những lời răn đe như thế đúng không?

Tôi cũng từng nói chuyện với chó, mèo, gấu bông và tưởng tượng đủ thứ quái gở trên đời. Tôi nghĩ hầu như đứa con nít nào cũng vậy. Nhưng vì đã đi qua thời trẻ nhỏ một thời gian, lúc ban đầu khi thấy nhân vật tôi chơi những trò như thế, tôi nghĩ cô bé cô đơn. Vì không được ai lắng nghe nên phải trò chuyện với đồ vật, vì thế giới thực quá tàn khốc nên phải chui vào vùng đất tưởng tượng.

Nhưng nghĩ lại tôi thấy mình nhầm. Còn biết chơi đùa nghĩa là không cô đơn. Khoảnh khắc cô bé ngừng chơi khi vừa lớn lên mới chính là lúc cô đơn ập đến. Không còn ai lắng nghe cô, ngay cả những người bạn vô tri vô giác; thế giới mất đi lớp màn lung linh của trí tưởng tượng và phơi ra những gì trần trụi nhất. Những người lớn bị tước khả năng chơi đùa và niềm hy vọng vào điều không tưởng mới chính là những kẻ cô đơn khủng khiếp.

Nếu bây giờ tôi gặp cô bé, tôi sẽ răn đe cô – như một người lớn chính hiệu: “Hãy chơi khi còn có thể đi”. Nhưng như vậy thì ác với một đứa con nít quá, phải không?

Một trong những chủ đề chính của Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm là hành trình truy tìm danh tính của mỗi người. Trong lúc dịch tác phẩm này, bản thân bạn có đối diện với cuộc truy tìm danh tính trong lĩnh vực mình yêu thích là văn chương, dịch thuật; hay xa hơn là trong cuộc đời không? Và nếu có, quá trình dịch Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm có phần nào giúp bạn tiệm cận hơn với câu trả lời bạn luôn mong mỏi tìm kiếm không?

Tôi nghĩ ai sống trên đời cũng đều trải qua hành trình truy tìm danh tính của chính mình, dù họ có nhận thức được hay không. Có những hành trình khốc liệt hơn những hành trình khác.

Danh tính của tôi gắn liền với con chữ: đọc-viết-dịch. Nhưng mới cách đây vài năm, tôi chưa biết dịch và viết cũng không ra gì. Lúc đó thấy khủng hoảng lắm, cảm giác mình chẳng có giá trị gì, chẳng biết làm gì. Nhưng nói gì thì nói, đây vẫn chỉ là cuộc truy tìm danh tính trong công việc. Có những người, như nhân vật trong bộ phim tài liệu Đi tìm Phong, phải đi tìm bản dạng giới của mình; nhân vật trong Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm đi tìm gốc gác, di sản, nơi mình thuộc về. Những cuộc truy tìm đó, tôi nghĩ, đắng đót nhọc nhằn hơn nhiều.

Bạn có thể chia sẻ với Bookish những dự định tương lai của bạn trong văn chương và dịch thuật không?

Tôi vẫn sẽ dịch đến chừng nào bị người đọc ném đá đến chết vì làm ra một thảm họa dịch thuật (hy vọng ngày đó không đến). Thường tôi không kén chọn, nhà xuất bản giao cuốn nào tôi dịch cuốn ấy, đúng theo kiểu “nhạc nào cũng nhảy, cuốn nào cũng chơi”. Tôi không mong kiếm chác tiền bạc hay danh tiếng trong ngành này, chỉ là càng thêm tuổi, tôi càng trở thành một người lớn chán ngắt, khó tìm thấy niềm vui trong đời. Và dịch thuật là một trong những điều hiếm hoi còn làm tôi thấy vui thú (bên cạnh chân gà ngâm xì dầu).

Cảm ơn Tùng Lam vì đã dành thời gian cho một cuộc chia sẻ sâu với Bookish. Chúc bạn luôn thành công, hạnh phúc trên con đường tương lai.

Đọc bài viết

Cafe sáng