Phía sau trang sách

Một Holocaust khác lạ của Georges Perec

Published

on

Là một trong những thành viên của nhóm văn chương tiên phong OuLiPo với những sáng tạo về mặt hình thức, cùng Italo Calvino và Raymond Queneau, Georges Perec là một tác giả có sự đổi mới về nghệ thuật viết. Trong đó W, hay Ký ức tuổi thơ ra mắt vào năm 1975 được coi là một trong những tác phẩm vô cùng đỉnh cao.

Những thử nghiệm văn chương

Xưởng Văn Chương Tiềm Tàng hay OuLiPo là nhóm nhà văn và nhà toán học chủ trương đổi mới, cách tân nghệ thuật. Có thể kể đến Italo Calvino với Lâu đài của những số phận giao thoa, khi kết hợp giữa văn chương và bài tarot hay Perec với cuốn tiểu thuyết Đồ vật từng giành giải Renaudot, khi nội dung cuốn sách chỉ được tạo thành từ việc liệt kê đồ vật thường ngày. Ông cũng có một tác phẩm hơi hướng trinh thám mà toàn văn bản không có chữ “e”. W, hay ký ức tuổi thơ cũng nằm trong xu hướng này.

Cuốn sách gồm 2 mạch truyện, một là tự truyện của chính tác giả về cuộc đời mình trước, trong và sau Thế chiến thứ II. Mạch truyện còn lại là sản phẩm thiên về tưởng tượng, khi Perec tạo ra hòn đảo tên là W, nơi cư dân trên đảo sống như một làng thể thao của thế vận hội Olympic. Có thể nhận thấy những nét chấm phá về xu hướng phản địa đàng (dystopia) ở nơi chốn này. Cả 2 câu chuyện được đặt xen kẽ và phản ánh nhau bằng những khoảng trống đã được xây dựng một cách khéo léo.


Về mặt từ ngữ, W không phải là một cái tên đến thật ngẫu nhiên. Cũng như cấu tạo, nó được tạo thành từ 2 chữ V đính kết vào nhau, và 2 chữ V lại được tạo thành từ một chữ X được cắt ngang ra, mà trong tiếng Pháp nó cũng có nghĩa là giá cưa gỗ. Nếu ta thêm thắt một vài chi tiết ở chữ X này, nó sẽ biến thành biểu tượng chữ vạn (卐), và rồi phân rã thành một ngôi sao đính kết trên chính ve áo của người Do Thái (✡). Như vậy về mặt cấu tạo, vùng đất mà Perec đã tưởng tượng ra chính là dấu chỉ cho những gì ông đã trải qua, những gì ông không còn nhớ và cả những gì giờ được vay mượn.

Như ở đầu sách trong những văn bản có tính tự truyện ông đã viết rằng: “Tôi không có ký ức tuổi thơ. Cho đến năm tôi gần mười hai tuổi, tiểu sử của tôi chỉ có vài dòng: tôi mất cha năm bốn tuổi, mất mẹ năm sáu tuổi; tôi sống qua thời chiến tranh trong các khu nội trú khác nhau ở Villard-de-Lans. Năm 1945, vợ chồng chị ruột của cha tôi đã nhận nuôi tôi”. Việc không có mối nối nào đối với ký ức rồi sẽ biến thành một sự đứt gãy, và rồi những gì mà nhà văn làm đó là lấp vào khoảng trống rất nhiều trải nghiệm mình đã chứng kiến, lấy nó từ nơi người khác, và rồi biến nó thành ra của mình hoặc làm một việc hoàn toàn mới mẻ đó là sáng tác.


Trong những đoạn văn mang tính tự truyện được viết ngập ngừng và đầy khoảng trống, nhịp độ của riêng Perec cũng cho ta thấy được sự hoài nghi của bản thân ông. Cũng như W.G.Sebald quẩn quanh bên một nhà ga mà không thể nhớ cái tên Austerlitz tưởng rất quen thuộc là từ đâu ra, Perec cũng thế. Ông viết ký ức lớn nhất mà mình có được là vào năm 1942, ở nhà ga Lyon, khi mẹ mua cho ông một cuốn truyện tranh và rồi thấy bà vẫy chiếc mùi soa màu trắng ở nơi sân ga lúc tàu khởi hành. Cả 2 nhà văn đều được gửi đi trên những toa tàu dành cho trẻ con, để tránh diễn biến phức tạp có thể xảy ra, từ đó nhà ga như chốn lưu lạc của những linh hồn, để họ mãi tìm và rồi tuyệt vọng.

Ở những đoạn khác, Perec cũng đã cài cắm cho ta thấy được vì sao ông lại mang theo ý tưởng tạo ra vùng đất hư cấu của bản thân mình. Trong khi sự khuyết thiếu trong tiểu sử khiến ông an lòng một thời gian dài, thì khi càng lớn, sự khô khan khách quan và hiển lộ trong suốt ngày càng làm ông khó mà chịu nổi. Từ đó ông bắt đầu quan sát. Ông nhớ một cách rõ ràng mình đến với Chúa tận tụy ra sao, ông biết mình đã nhận vơ “di sản” một vụ tai nạn từ người anh họ khiến cho cánh tay bị gập ra sau đặc biệt thế nào… Ông cũng chỉnh sửa những dòng tự truyện mà mình đã biết cách đó vài năm, dù những chú thích cũng không được chắc là hoàn toàn đúng. Chính trong sự quanh quẩn đó, hình ảnh những con người đặc biệt bắt đầu hiện ra, đưa ông vào chốn W tương đối đặc biệt.

Ký ức là hòn đảo tâm trí

W theo đó là một hòn đảo mà tại nơi đây thể thao là quan trọng nhất. Trong khi những người già, phụ nữ, trẻ em bị co cụm trong một khu riêng, thì phần lớn đảo được dành cho những thanh niên đang tuổi trưởng thành. Ở đó gồm có nhiều làng, mỗi làng sẽ cử ra những thành viên riêng lẻ để thi đấu đối kháng với nhau, có khi ở quy mô nội bộ, có khi là 2 làng liên kế, và cũng có khi là những hội lễ như Olympic nơi mà tất cả đều đấu với nhau. Ở đó có các môn như chạy đua nước rút, vượt chướng ngại vật, phóng lao, ném lao cũng như nhiều môn tổng hợp…

Theo Perec viết, “không xã hội loài người nào có thể cạnh tranh được với W”, bởi việc sáng tạo nên nó như được hình thành từ những chủng tộc người Aryan thượng đẳng mà Hitler đã từng một lần ôm mộng bá chủ. Struggle for life là luật ở đây, nơi chỉ chiến thắng và những thành tích mới là quan trọng, còn việc thua cuộc sẽ đưa người ta đi vào cái chết. Khán giả có thể ca ngợi những người chiến thắng, nhưng sẽ không tha cho kẻ bại trận. Chỉ một tiếng kêu đòi hỏi hành hình, điều đó cũng có nghĩa là cái chết đến từ Trung Cổ đang chờ đợi họ.

Nhưng cũng nực cười như một xã hội không có công bằng, trong thứ thiết chế tưởng được kết cấu với các lề luật được quy định trước, thì sự bất công mới luôn là thứ được giới chóp bu ham thích ban phát. Những người thắng cuộc sẽ được ban phát những món ăn ngon và thức rượu quý mà họ không có, để rồi nếu không sáng suốt, họ sẽ thất bại vào ngày hôm sau và rồi bị tước tất cả danh dự. Ở xứ W không có tuyệt đối, chỉ có tương đối. Một người có thể có hết tất cả vào ngày hôm nay, nhưng rồi hôm sau sẽ lại mất cả.

Mua Sách - W hay là ký ức tuổi thơ - Nhã Nam Official tại FishingBook | Tiki

Phụ nữ ở đây chiếm một số lượng vô cùng ít ỏi. Khi sinh nở, chỉ một bé gái là được giữ lại trên 5 bé trai. Vào các ngày lễ chiến thắng, họ bị thả ra như những “thỏ sắt” trong trận đua chó mà phía sau là những vận động viên sẽ cưỡng hiếp họ. Cũng như Chuyện người tùy nữ của Margaret Atwood, giới nữ ở nơi chốn này chỉ được sinh ra dùng cho sinh sản. Những người đàn ông vì những tham vọng cũng như giải phóng cơn khát dục tình, sẽ làm hại nhau bằng đủ mọi cách, từ liên minh, gian lận cho đến giết người, mà dĩ nhiên thế mạnh luôn luôn thuộc về những người mạnh nhất.

Không thể không thấy hòn đảo W chính là mô hình thu nhỏ của trại diệt chủng mà mẹ Perec đã từng bước vào rồi nằm mãi lại. W hay là chữ X được tái định hình trở thành bàn xẻ sinh mạng con người. Việc bỏ tên riêng ở xứ W và được thay bằng một hệ thống các quy tắc phức tạp chẳng phải là việc xóa bỏ danh tính của người Do Thái, xăm lên tay họ những dãy số dài rồi nó sẽ trở thành dấu chỉ của họ đó sao. Và cũng chẳng phải việc đánh dấu những chữ W lên lưng áo khoác của những người trưởng thành cũng tương tự với ngôi sao sáng chói mà những người Do Thái sẽ phải đeo trên ngực mình? Những người phụ nữ bị lạm dụng, những người đàn ông phải luôn chiến đấu giành giật sự sống… để đến cuối cùng họ bị giáng cấp, và chỉ là một trò chơi của giới chóp bu nắm giữ quyền lực.

Như vậy hòn đảo W chính là nỗ lực mà Perec cố gắng thấu hiểu về cuộc đời của mẹ mình, kể từ thời điểm chiếc khăn mùi xoa được vẫy giữa nơi nhà ga Lyon là ấn tượng cuối cùng mà ông sở hữu. Ở đó “những vận động viên ném tạ mà những quả tạ của họ là những cục sắt cùm chân, những vận động viên nhảy cao với cổ chân đeo xích, những vận động viên nhảy xa ngã huych xuống chiếc hố chứa đầy nước phân bón”. Tất cả vô nghĩa, tất cả cuồng loạn và chỉ hướng về một xã hội tàn nhẫn, bạo lực và cũng là nơi cả nhân loại này không còn là người.

Bằng tài năng sáng tạo và những cách tân trong nghệ thuật viết, Georges Perec đã viết nên một cuốn sách thuộc dòng Holocaust khác lạ và ấn tượng. Chính việc tưởng tượng ra vùng đất W hoàn toàn hư cấu, mang chất phản địa đàng đã tạo nên nét đặc biệt cho tác phẩm này, thêm phần đả kích cũng như châm biếm sự mất nhân chính, tạo nên tiếng nói vô cùng mạnh mẽ.

Phía sau trang sách

Cánh cửa mở vào nội tâm của Maupassant

Published

on

By

Cùng với Chekhov, Guy de Maupassant từ lâu đã được suy tôn là “bậc thầy của thể loại truyện ngắn”. Điều này không chỉ bởi văn phong độc đáo, mà còn nằm ở sự đa dạng về thể loại. Trong đó Horla và những truyện ngắn khác ra mắt gần đây chính là minh chứng cho nhận định này.

Tuy chỉ viết trong vỏn vẹn có 4 thập kỷ, nhưng những di sản mà Maupassant để lại là tương đối lớn. Ông nổi tiếng nhất với các tiểu thuyết cũng như truyện ngắn mang tính hiện thực, hài hước, lãng mạn, như những tập truyện Sáng trăng, Nơi nhà người bạn

Nhà văn nổi tiếng Guy de Maupassant

Nhưng ít người biết ông cũng bén duyên với thể loại kinh dị, và nó cũng truyền cảm hứng cho nhiều tác giả sau này, trong đó có H.P.Lovecraft với Lời hiệu triệu của Cthulhu. Vừa mới ra mắt trong thời gian qua, Horla và những truyện ngắn khác tập hợp 5 tác phẩm có màu sắc kinh dị, siêu nhiên, được Maupassant viết trải dài từ năm 1875 – 1890.

Trí tưởng tượng phong phú

Trong tập truyện Horla và những truyện ngắn khác, bạn đọc có thể thấy rõ 2 giai đoạn mà Maupassant tiến hành tiếp cận thể loại kinh dị. Trong 3 truyện ngắn được viết sớm nhất là Bàn tay bị lột da (1875), Hắn? (1883) và Nỗi sợ (1884), ta đơn thuần thấy đây là một tác phẩm ẩn chứa yếu tố siêu nhiên mà vị tác giả cố gắng khai thác.

Chúng đơn giản xoay quanh những nỗi ám ảnh mà các cá nhân yếu bóng vía hay là nhạy cảm thường cảm nhận được. Chẳng hạn như trong truyện Hắn?, một người đàn ông vì bị ám ảnh bởi một bóng ma trong căn phòng của mình mà đã cưới lấy một người vợ mới, hay ở Nỗi sợ, chỉ vì trên tuyến tàu lửa khi nhìn thấy có 2 người đàn ông xuất hiện trong khu rừng vắng, mà nhân vật chính bỗng dưng cảm thấy trong mình trỗi dậy nỗi sợ chỉ vì không thể lý giải được động cơ của câu chuyện ấy…

Horla và những truyện ngắn khác là tác phẩm mới từ Maupassant

Đây đều là các nhân vật hoàn toàn tỉnh táo, họ nhận thức được những gì xảy ra và khó có thể nói họ có vấn đề riêng về tâm lý. Và vì tính hiện thực đó, Maupassant qua các tác phẩm cũng gửi gắm được bài học của mình. Chẳng hạn trong truyện Bàn tay bị lột da, thông qua nhân vật Pierre B. – một sinh viên trường luật, người xuất thân từ một trong những gia đình danh giá nhất xứ Normandie – ông đã cho thấy chỉ vì chính thói hư vinh cũng như trưởng giả mà y đã mạo phạm đến một phần thân thể của vị phù thủy, từ đó phải chịu cái chết có phần đau đớn.

Hay trong Nỗi sợ, Maupassant cũng khẳng định “cùng với những điều siêu nhiên, nỗi sợ hãi đích thực đã biến mất khỏi hành tinh này, bởi con người ta chỉ thực sự sợ những gì nằm ngoài tầm hiểu biết của mình”. Câu nói này như đại diện cho tất cả những gì ông muốn nhắm tới, về sự nhỏ bé và đầy mông muội của con người với những kỳ bí chưa được lý giải.

Như vậy những tác phẩm này đều được viết bởi một Maupassant khách quan, đứng ở bên ngoài, từ đó đưa ra những lời lý giải hoàn toàn hợp lý. Thế nhưng ở 2 truyện sau là Horla viết năm 1887 và Ai mà biết được? viết năm 1890, thì ta lại thấy có phần ngược lại, khi chính nhà văn dường như không thể thoát được cái bóng của bản thân mình.

Bi kịch của Maupassant

Hai truyện ngắn này có được điểm chung khi nhân vật chính đều là người đàn ông rơi vào loạn trí. Nhân vật chính này đã từng không dưới một lần thừa nhận chính mình như có đến 2 bản thể cùng nhau tồn tại. Một bên kêu gào giữ lại lý trí, trong khi phía còn lại đòi hỏi rất nhiều hành động mang tính tàn phá.

Sự chia đôi này gợi ta nhớ đến trường hợp của bác sĩ Jekyll và ông Hyde tương đối kinh điển trong tác phẩm nổi tiếng của Stevenson. Như vậy chủ đề của Maupassant đã chuyển từ những nỗi sợ tương đối hữu hình thành ra vô hình và khó lý giải, khi được bao bọc bởi những vấn đề có liên quan đến thần kinh cũng như tinh thần.

Tình tiết của những câu chuyện cũng khó nắm bắt. Ở Ai mà biết được?, đó là một người gần như điên loạn bởi sự xuất hiện và rồi biến mất của những vật dụng ngay trong nhà mình một cách liên tục. Còn ở Horla, đó là một sinh vật gần như trong suốt, thứ được nuôi sống bằng sữa và nước, luôn luôn theo dõi vật chủ mà nó bám theo, từ đó khiến họ “sống không bằng chết”.

Maupassant và những ám ảnh tâm trí của bản thân mình

Theo Charlotte Mandell – dịch giả của truyện ngắn này cho nhà xuất bản Melville House, thì “horla” là từ ghép của “hors” (“bên ngoài”), và “la” (“ở đó”). Vì vậy “horla” có nghĩa là “người ngoài cuộc”, “người bên ngoài”, và có thể được dịch theo nghĩa đen là “cái gì ở ngoài đó”. Thế nhưng cũng có những lý giải khác, khi nhiều người xem đây là một sự kết hợp của cụm “hors-la-loi” (tức “ngoài vòng pháp luật”) và “horsain” (có nghĩa là “thứ lạ lùng”).

Thế nhưng dù có là gì, thì Maupassant như đang cảm nhận những nỗi ám ảnh đến từ sâu hơn và khó lý giải hơn. Xét về bối cảnh của chính tác giả, thì những truyện này tương đối trùng khớp với thời kỳ mà ông có những dấu hiệu đầu tiên của chứng điên loạn, khi ông xuất hiện nhân cách kép và ngày càng gặp nhiều ảo giác do bệnh giang mai. Một năm sau đó, vào năm 1891, ông có dấu hiệu của chứng hoang tưởng.

Có thể là bởi xuất phát từ những trải nghiệm chính ông kinh qua, nên 2 truyện này trở nên chân thật và đầy ám ảnh đối với người đọc. Nếu được viết từ một người tỉnh táo, thì đây chính là tài năng của sự tưởng tượng. Nhưng với Maupassant thì đó là nỗi đau và sự sợ hãi mà bản thân ông mong muốn giải bày thông qua việc viết.

Như vậy đi từ mục đích sáng tạo ở buổi ban đầu, Maupassant dần dần chuyển sang hành động kể lại điều đã trải qua, và làm sáng tỏ chứng bệnh tâm lý mà thời kỳ đó còn bị che khuất bởi những định kiến mà những quan điểm mang tính thủ cựu. Có thể nói Horla và những truyện ngắn khác không chỉ mở ra cánh cửa khám phá một Maupassant rất khác, mà có thể nói cũng đã góp phần giúp ta hiểu được những gì đã từng xảy đến với một trong những nhà văn lớn của nhân loại.

Anh Đoàn

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Tư duy tích cực tạo thành công: Chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng

Published

on

Tác phẩm Tư duy tích cực tạo thành công của Napoleon Hill và William Clement Stone là một cẩm nang hữu ích cho bất kỳ ai muốn đạt được thành công trong cuộc sống. Cuốn sách không chỉ cung cấp những nguyên tắc và chiến lược hiệu quả để phát triển bản thân mà còn truyền cảm hứng giúp người đọc có một thái độ tích cực hơn trong cuộc sống.

Tư duy tích cực tạo thành công là một tác phẩm kinh điển về chủ đề phát triển bản thân, đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới kể từ khi xuất bản lần đầu tiên vào năm 1959, khẳng định vị trí là một trong những tác phẩm self-help bán chạy nhất mọi thời đại. Cuốn sách vén màn bí mật về sức mạnh của tư duy tích cực, giúp người đọc khai phá tiềm năng bản thân và đạt được những thành tựu phi thường trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Tìm kiếm hình mẫu thành công làm ngọn đuốc soi sáng

Để có thêm động lực và định hướng rõ ràng cho bản thân, tác giả gợi ý rằng người đọc có thể xây dựng cho riêng mình một hình mẫu thành công từ những câu chuyện về người thật, việc thật trong sách báo. Khi dành thời gian tìm hiểu về hành trình của họ, những khó khăn họ đã trải qua và cách họ vượt qua những thử thách đó, ta sẽ có thể biến kinh nghiệm của họ trở thành ngọn đuốc soi sáng cho con đường của chính mình.

Bên cạnh đó, người đọc còn có thể chọn một bức ảnh có ý nghĩa đặc biệt với mình để đặt câu hỏi khi nhìn bức ảnh đó rồi lắng nghe câu trả lời từ chính tâm thức bật ra. Bức ảnh ấy có thể là hình ảnh về mục tiêu ta muốn đạt được, về một giá trị sống mà ta trân trọng, hoặc đơn giản là một khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống. Chẳng hạn, nếu người đọc muốn mua nhà nhưng chưa có đủ tài chính thì có thể chọn bức ảnh về một mái ấm khang trang để ngắm nhìn và tự đặt câu hỏi rằng mình phải làm gì để đạt được số tiền sở hữu căn nhà đó. Không phải lúc nào câu trả lời cũng đến ngay lập tức, nhưng việc cụ thể hóa mục tiêu bằng một hình ảnh rõ ràng sẽ giúp người đọc tăng cường ý chí nỗ lực.

Ngoài ra, niềm tin chính là nguồn động lực mạnh mẽ giúp mỗi người vượt qua mọi khó khăn và chinh phục mục tiêu. Trong Tư duy tích cực tạo thành công, có một công thức thường được lặp lại nhiều lần để người đọc ghi nhớ là: “Khi con người người nghĩ đến và tin tưởng vào điều gì, họ sẽ có thể đạt được điều đó với thái độ tích cực.” Đây cũng là một biện pháp tự truyền cảm hứng.

Hai mặt của tình thế bức bách: Thành công hay tội ác?

Tư duy tích cực tạo thành công nhấn mạnh tầm quan trọng của tính lương thiện trong hành trình chinh phục thành công. Cuốn sách khẳng định rằng thành công đích thực không chỉ dựa trên kết quả mà còn phải dựa trên phương tiện đạt được kết quả đó. Một người có thể đạt được thành công bằng mưu mô, thủ đoạn, nhưng đó chỉ là thành công giả tạo, thiếu bền vững và không mang lại hạnh phúc thực sự.

Ngoài ra, tác giả cũng bàn về vai trò của tình thế bức bách: nó như một con dao hai lưỡi, có thể đưa con người đến đỉnh cao thành công hoặc vực sâu tội ác. Tình thế bức bách là phép thử cho bản lĩnh, đạo đức và thái độ của mỗi cá nhân. Khi đó, thành công hay thất bại đều tùy thuộc vào thái độ:

Thái độ tích cực: Khi đối mặt với nghịch cảnh, người có thái độ tích cực sẽ biến nó thành cơ hội để học hỏi, rèn luyện và phát triển bản thân. Họ kiên trì nỗ lực, tìm kiếm giải pháp sáng tạo và không bao giờ bỏ cuộc. Nhờ vậy, họ có thể vượt qua mọi khó khăn và gặt hái thành công.

Thái độ tiêu cực: Ngược lại, người có thái độ tiêu cực sẽ dễ dàng gục ngã trước nghịch cảnh. Họ chìm trong lo âu, sợ hãi, nghi ngờ bản thân và tìm kiếm lối thoát bằng những hành vi sai trái. Hậu quả là họ đánh mất bản thân, vướng vào vòng xoáy tội ác và tự hủy hoại cuộc đời.

Từ đó, cuốn sách đưa ra hai công thức đơn giản nhưng đầy ý nghĩa:

Tình thế bức bách + Thái độ tích cực = Thành công
Tình thế bức bách + Thái độ tiêu cực = Tội ác.

Cân bằng cảm xúc, rèn luyện tư duy và đặt mục tiêu hiệu quả

Cảm xúc và lý trí đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, mỗi người cần học cách cân bằng hai yếu tố này để đưa ra những quyết định sáng suốt. Đôi khi, ta cũng nên lắng nghe tiếng nói con tim và hành động theo những gì mình mong muốn. Chẳng hạn, khi phải lựa chọn giữa một công việc ổn định và theo đuổi đam mê, ta cần cân nhắc kỹ lưỡng cả hai yếu tố cảm xúc và lý trí: ta thường dùng lý trí để đánh giá khả năng thực tế của bản thân, nhưng cũng đừng quên lắng nghe tiếng nói con tim.

Bên cạnh đó, tác giả cho rằng mỗi ngày, chúng ta chỉ cần dành 1% thời gian để nghiên cứu, suy nghĩ, lập kế hoạch là đã có nhiều cơ may tạo ra sự khác biệt để vươn đến thành công. Theo ước tính, một ngày có 1440 phút, 1% sẽ tương ứng với 14 phút. Trong 14 phút đó, nếu ta chú tâm suy nghĩ kế hoạch cho những gì mình muốn làm, ta sẽ dần hình thành được thói quen có thể suy nghĩ sáng tạo mọi lúc, mọi nơi: khi rửa chén, lúc ngồi trên xe bus, hay thậm chí là khi đang tắm.

Ngoài ra, đặt mục tiêu là bước đầu tiên và quan trọng nhất trên kế hoạch chinh phục thành công. Mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn tập trung nỗ lực, đưa ra quyết định sáng suốt và duy trì động lực để đạt được ước mơ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách đặt mục tiêu hiệu quả. Dưới đây là bốn điều quan trọng cần ghi nhớ khi đặt mục tiêu:

1. Viết mục tiêu ra giấy: Khi viết mục tiêu ra giấy, bạn sẽ buộc bản thân phải suy nghĩ cẩn thận về những gì mình muốn đạt được. Việc này giúp bạn tập trung và ghi nhớ mục tiêu tốt hơn.

2. Đặt mốc thời gian: Mốc thời gian giúp bạn chia mục tiêu lớn thành những mục tiêu nhỏ hơn, dễ quản lý hơn. Việc này giúp bạn có động lực để hoàn thành từng bước và tiến đến mục tiêu cuối cùng.

3. Đặt tiêu chuẩn thật cao: Khi đặt tiêu chuẩn cao, bạn sẽ buộc bản thân phải nỗ lực hết mình và phát huy tiềm năng tối đa.

4. Đặt mục tiêu cao: Mục tiêu cao sẽ giúp bạn có tầm nhìn xa và thúc đẩy bạn không ngừng phát triển.

Nhìn chung, Tư duy tích cực tạo thành công đã mang đến cho người đọc những bài học quý giá về sức mạnh của tư duy tích cực trong việc gặt hái thành công và hạnh phúc. Hãy nhớ rằng, thành công không phải là đích đến mà là hành trình. Hành trình chinh phục thành công bắt đầu từ việc nuôi dưỡng tư duy tích cực. Ta cần tin tưởng vào bản thân và những điều kỳ diệu mà cuộc sống có thể mang lại. Từ đó, ước mơ sẽ thành hiện thực bằng chính những hành động mà ta lựa chọn ngay từ hôm nay.

Hoàng Đức Nhiên

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Tình yêu đích thực từ góc nhìn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Published

on

Trong vô vàn những định nghĩa về tình yêu, quan điểm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh về “tình yêu đích thực” được trình bày trong cuốn tiểu luận True Love đã mang đến một sự giản dị, mộc mạc nhưng lại ẩn chứa sức mạnh lay động tâm hồn sâu sắc.

Tình yêu là một trong những chủ đề muôn thuở của nhân loại, luôn ẩn chứa sức hút mãnh liệt và khơi gợi những cảm xúc dạt dào. Nhưng không phải ai cũng hiểu được bản chất của tình yêu. Trong True Love, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã kể lại câu chuyện Thiếu phụ Nam Xương, rồi từ đó rút ra một kết luận mà thoạt nghe sẽ có vẻ vô cùng đơn giản nhưng càng ngẫm nghĩ thì ta càng thấy sự đơn giản ấy chính là vẻ đẹp của minh triết.

Thông điệp ý nghĩa từ ba câu khẳng định trong tình yêu

Đối với thầy, câu chuyện Thiếu phụ Nam Xương có kết cuộc đau lòng là vì người chồng đã không chịu lắng nghe người vợ, anh cứ gạt phăng lời vợ nói, cơn nóng giận đã che mờ tình yêu và cả lí trí. Vợ anh cũng đã không cố gắng hơn để giải thích rõ ràng cho anh hiểu. Chính vì vậy, cả hai người đều không thực sự hiện diện khi ở trước mặt đối phương, họ ở đó nhưng không thực sự ở đó, mà ở trong khoảnh khắc khác, trong những chiều không gian khác. Bi kịch của họ đơn giản chỉ là như thế.

Từ đó, Thiền sư Thích Nhất Hạnh rút ra kết luận là tình yêu thực sự chỉ đơn giản nằm gói gọn trong ba câu sau đây: “Anh ở đây. Em ở đây. Và anh ở đây vì em.” (I’m here. You’re here. And I’m here for you.)

Câu khẳng định đầu tiên mang hàm ý rằng anh đang ở đây ngay giây phút này khi đối diện với em, bằng trăm phần trăm con người anh, không hề có sự tản mác, phân mảnh đi bất cứ nơi đâu. Một điều tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra trong cuộc sống bộn bề lo toan này, việc một người có thể tập trung hoàn toàn tinh lực của mình khi đối diện trước một người mà không bị vướng bận tâm trí bởi điều gì khác cũng thật khó khăn.

Câu khẳng định thứ hai là sự tiếp nối ý từ câu đầu tiên. Anh ở đây, và em cũng đang ở đây. Anh ghi nhận sự tồn tại của em, em ghi nhận sự tồn tại của anh. Vì em cũng đang ở đây cùng anh trong giây phút này nên em không cô đơn, em không tản mác, em không phân mảnh.

Câu khẳng định cuối cùng là một sự quả quyết mạnh mẽ: Anh ở đây, anh dành hết trăm phần trăm sự tồn tại của mình ở đây là vì chính em, không vì ai khác cả. Vậy nên, em có thể yên tâm mà thổ lộ tất cả mọi điều với anh, vì trong giây phút này, hai ta đều cùng hiện diện.

Thông qua đó, ba câu khẳng định này có thể diễn dịch lại thành thông điệp phổ quát như sau:

“I’m here”: Khẳng định sự hiện diện trọn vẹn của bản thân, tập trung toàn bộ sự chú ý và tinh thần vào người mình yêu thương. Trong cuộc sống bận rộn, việc dành trọn vẹn tâm trí cho đối phương là điều không dễ dàng, nhưng lại vô cùng quan trọng để xây dựng một mối quan hệ bền vững.

“You’re here”: Ghi nhận sự tồn tại của đối phương, trân trọng và thấu hiểu cảm xúc, suy nghĩ của họ. Khi cả hai cùng “ở đây”, họ sẽ cảm nhận được sự kết nối sâu sắc, chia sẻ và đồng hành trong từng khoảnh khắc.

“And I’m here for you”: Thể hiện sự cam kết, dành trọn vẹn tình yêu và sự quan tâm cho người mình yêu thương. Lời khẳng định này mang đến sự an toàn, tin tưởng và là động lực để cả hai cùng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Ba câu khẳng định tưởng chừng đơn giản nhưng lại là chìa khóa cho một tình yêu đích thực. Khi cả hai cùng thực hiện được điều này, họ sẽ tạo dựng được một mối quan hệ bền chặt, hạnh phúc và viên mãn.

Chìa khóa cho một mối quan hệ tốt đẹp

Để thực sự “ở đây”, mỗi người cần học cách chánh niệm, tập trung vào hiện tại, gạt bỏ những lo toan, phiền muộn và dành trọn vẹn sự chú ý cho đối phương. Khi ta thực sự “ở đây”, ta sẽ cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp của người mình yêu thương, thấu hiểu những cảm xúc và suy nghĩ của họ. Tình yêu đích thực không chỉ là những khoảnh khắc lãng mạn, mà còn là sự cam kết và hy sinh cho nhau. Khi yêu thương ai đó, ta sẵn sàng dành thời gian, tâm sức và cả những hy sinh để cùng nhau xây dựng hạnh phúc.

Giao tiếp là yếu tố quan trọng trong bất kỳ mối quan hệ nào. Lắng nghe cởi mở và thấu hiểu là cách để hai người kết nối tâm hồn, chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ và vun đắp tình cảm ngày càng sâu sắc.

Tình yêu đích thực không phải là điều viển vông hay khó kiếm tìm. Nó ẩn chứa trong chính những khoảnh khắc bình dị của cuộc sống, chỉ cần ta biết trân trọng và gìn giữ. Ba câu khẳng định của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về cách để vun đắp và nuôi dưỡng một tình yêu thương bền chặt, viên mãn.

Hoàng Đức Nhiên

Đọc bài viết

Cafe sáng