Nhà thơ người Pháp Paul Valéry đã từng bày tỏ niềm ngưỡng
mộ lớn lao đối với toán học, rằng: “Tôi tôn thờ môn học tuyệt đẹp này và tôi chẳng
hề bận tâm khi tình yêu của tôi mãi không được hồi đáp.” Valéry đâu phải cây
bút duy nhất trao lòng nhiệt tâm ấy cho toán học – cũng như có nhiều kẻ si mê
toán học trong thế giới văn chương, vì vậy tồn tại nhiều người yêu văn chương
trong thế giới toán học dù bức tường gạch đồ sộ dường như chắn ngang giữa hai
ngành. Nhìn thoáng qua, toán và văn không có sự tương hỗ như những môn khác và
cho đến nay chưa có ai thành công trong cả hai lĩnh vực, song vài lực từ bí ẩn
đã kéo chúng lại với nhau. Vấn đề đặt ra là: Bức tường gạch đó bao hàm những
gì; cái gì tạo nên lực từ kia?
Toán học thường được phân loại là một môn khoa học, nhưng tôi không nghĩ nó chỉ có thế. Tôi thừa nhận rằng toán học gánh vác một phần các lĩnh vực của khoa học vật lý, và bản thân điều đó được củng cố bởi sự tương tác giữa chúng, tuy nhiên các khám phá toán học vẫn ra đời bất chấp khả năng ứng dụng hay tiện ích của chúng đối với thế giới vật lý. Toán học tiến hóa thuần túy cho chính mình, với đóng góp lớn nhất trong địa hạt này là những lý thuyết mà áp giá trị vào vẻ đẹp thông qua sự lô-gích. Một học thuyết được tạo ra cho các mục đích khác ngoài bản thân nó thì thiếu đi vẻ đẹp tự nhiên. Điều huyền diệu chính là khi một học thuyết vĩ đại sở hữu vẻ đẹp nội tại đã vượt qua chủ thể và tìm thấy sự khả dụng trong các lĩnh vực khác.
Toán học tiến hóa thuần túy cho chính mình, với đóng góp lớn nhất trong địa hạt này là những lý thuyết mà áp giá trị vào vẻ đẹp thông qua sự lô-gích.
Việc sử dụng ngôn từ để miêu tả cái chất thanh nhã cốt
lõi của một định lý là bất khả thi. Điều này hết sức trừu tượng và phức tạp.
Tôi chỉ có thể mô tả nó tựa như một khúc nhạc tuyệt hảo mà mỗi nốt nhạc không
thể thay thế được hay như một bài thơ haiku trong đó chẳng âm tiết nào có thể đổi
thay. Vẻ đẹp tôi đang nhắc tới trông
giống như sức căng tinh tế gắn kết các khía cạnh của một tác phẩm nghệ thuật lại;
một sự yên bình mỏng manh thắt chặt vẻ hoàn mỹ của nó. Và vì vậy cái lực từ đã
hút nghệ thuật – và cũng chính là văn chương – về phía toán học chính là vẻ đẹp
tôn quý trong lô-gích thuần túy của nó.
Gần ba mươi năm trước tôi đã viết một cuốn sách về những
trải nghiệm của tôi khi sống ở Mỹ, và kể từ đó tôi có nhiều cơ hội làm việc
cùng các chuyên gia văn học và viết những tiểu luận ngoài lề chuyên ngành của
mình. Tôi cảm thấy thoải mái từ lần đầu đặt bút viết bởi tôi coi văn chương và
toán học như những loại hình nghệ thuật tương đồng. Bên cạnh đó, lớn lên cùng với
cha mẹ đều là nhà văn, từ lâu tôi đã nghĩ viết lách giống như là bản năng tự
nhiên của con người. Nói ngắn gọn, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ gặp thách thức.
Thế nhưng trong quá trình viết tôi đã đương đầu với hàng đống trở ngại. Tôi bắt
đầu nhận ra có những điểm khác biệt căn bản giữa toán học và văn chương. Thật
khó để đối mặt với việc trở thành một nhà văn trong khi cũng muốn thành nhà
toán học. Song viết lách cho tôi một phần thưởng: Tôi được tận tay trải nghiệm
những gian truân mà cha mẹ đã bí mật đối mặt với tư cách nhà văn. Tôi bắt đầu
đánh giá lại những khó khăn của mình trong tương quan với họ.
Khía cạnh khổ sở nhất khi trở thành nhà toán học là phải liên lục nghiền ngẫm một vấn đề mà không có bất kỳ tiến triển rõ ràng nào. Tôi có thể hiến mình cả ngày lẫn đêm cho bài toán trước mắt mà chẳng hề tìm ra cách giải trong nhiều tuần hoặc thậm chí vài tháng. Thời gian đầu nghiên cứu thường hay trôi đi mà không có sự trì trệ nào nghiêm trọng; suốt thời gian ấy tôi đi từ ý tưởng này đến ý tưởng khác. Nhưng một khi giếng ý tưởng đã cạn, tôi phải cam chịu sự kiệt lực đen tối nhất. Một sức ép vô hình đọng xuống người tôi; mối âu lo ấy làm tôi nghẹt thở. Có lần tôi gác lại mọi thứ trong gần sáu tháng để làm luận văn. Tôi ngày đêm ngẫm nghĩ về chuyện đó, ngay cả trong mơ. Cuối cùng tôi rời Tokyo rồi đi du lịch Gamagori, Inuyama, Kujukuri, và hồ Irako, nhưng mấy cái định kiến của tôi chẳng chịu buông tha. Nó lùng sục tôi khắp mọi nơi: tại nhà trọ, trong công viên, trên trường kỷ, trên lỗ châu mai một lâu đài cổ, bên bờ hồ, trên bãi biển,… Sau sáu tháng, tôi đổ bệnh. Tôi nhượng bộ thử thách rồi kết thúc hành trình của mình. Cuối cùng tôi chẳng có tiến triển gì và bị rút cạn sinh lực.
Song một nhà văn, ngồi suốt ngày đêm bên bàn làm việc sẽ
tạo ra đôi chút tiến triển, một vài nét vẽ nguệch ngoạc trên giấy. Bất luận
nhanh hay chậm, anh ta có thể nhận ra trang giấy từ từ ken đầy chữ nghĩa. Quá
trình sáng tạo của anh ta trở nên hữu hình và nó an ủi anh; anh ta được khích lệ
để tiếp tục. Cha tôi thường để lộ ra những biểu hiện đau khổ tột cùng, và đó là
lúc ông không thể tự mình ngồi vào bàn làm việc, lúc ông không thể viết tiếp. Ông
thiếu đi nguồn khích lệ nếu không cho ông nhìn thấy những bản thảo thô ráp của
chính mình. Khi bắt đầu một cuốn tiểu thuyết mới, tâm trạng ông ấy tồi tệ trong
hơn một tuần. Chỉ đến khi đã làm nóng người đủ để làm việc, dần dần ông sẽ trở
lại với bản chất hòa nhã tự nhiên của chính ông.
Cha tôi thường hay nói rằng phần chật vật nhất của tác phẩm là đoạn mở đầu. Ông gọi nó là “cơn đau đẻ của sự sáng tạo.” Đối với các nhà toán học cũng vậy, phần đầu tiên là cam go nhất, khi ai đó phải chưng cất từ thứ chất lỏng của những ý nghĩ hỗn mang thành cốt lõi của một ý tưởng. Viết chuyên luận thì dễ dàng hơn. Ngay cả một nhà toán học sung mãn cũng dành không quá một tháng mỗi năm để viết tất cả các nghiên cứu của mình. Những gì chúng ta phải chịu đựng là một chuỗi không-bao-giờ-kết-thúc của “cơn đau đẻ.”
Toán học là công việc tất-cả-hoặc-không-có-gì: hoặc là người có thể chứng minh định lý hoặc không thể. Không có vùng xám. Người ta không thể “gần như chứng minh” hay “gần như giải quyết” bất cứ điều gì. Không được phép thỏa hiệp. Học thuyết trọn vẹn buộc phải miễn trừ hết những nhập nhằng. Không gì ngoài sự tuyệt đối – và do đó là cái đẹp – thứ bằng chứng có giá trị liên thành đối với toán học. Tuy nhiên trong văn chương, chẳng phải chuyện gì to tát khi mọi thứ được giải thích. Thực tế, không gian dành sức tưởng tượng của độc giả vẫn luôn bỏ ngỏ. Từ đó có thể nhận thấy rằng văn chương linh động hơn, bằng cách nào đó dễ xử lý hơn toán học. Thế nhưng tôi nghĩ rằng việc căn phòng ấy chứa bất cứ thứ gì ngoại trừ những điều xuất hiện trong câu chuyện có thể gây bất an cho nhà văn.
Toán học là công việc tất-cả-hoặc-không-có-gì: hoặc là người có thể chứng minh định lý hoặc không thể. Không có vùng xám.
Không nhà văn nào hoàn toàn tự tin vào câu chuyện của mình, bất luận đã bao nhiêu lần anh ta hiến dâng bản thân cho tác phẩm, bất luận anh ta sắp xếp và thay đổi nó bao nhiêu chăng nữa. Trường hợp của tôi, tôi không thể nào bàn giao bản thảo của mình cho biên tập viên trừ phi có ai đó khác rà soát lại trước. Người rà soát ấy thường là thành viên gia đình tôi, vì vậy khi đáng lý phải cảm thấy thư giãn, thì tôi cứ lo sợ bị phê bình vì chừa lại chút ít mập mờ trong phần nào đó. Tôi nhớ cha cũng lo lắng về những phản ứng ban đầu đối với thành quả của ông, đặc biệt suốt vài ngày đầu tiên sau khi ông nộp bản thảo, ngay cả khi ông đã trở thành một nhà văn có uy tín. Nhưng một khi biên tập viên đưa ra phán quyết tán thành, ông nhe răng cười như con nít, xóa tan mọi lo lắng, rồi nói, “Thấy chưa? Tôi đã viết nó đấy!” Đó chính là Jirō Nitta1!
Trong toán học, không ai bảo đảm rằng chắc chắn bạn sẽ đạt
được thành tựu nào đó sau một thời gian dài phấn đấu. Nếu như nỗ lực chứng minh
định lý vuột ra khỏi khuôn khổ toán học hiện đại hoặc vượt quá nguồn lực toán học,
thì nó sẽ không bao giờ được chứng minh, bất kể anh ta đầu tư biết bao công sức.
Tệ hơn nữa là khi định lý mà anh ta dồn hết tâm huyết trong thời gian dài để chứng
minh, cuối cùng lại sai lầm không thương tiếc. Nỗi lo về kết quả bấp bênh đó có
thể dâng lên thành sự kinh hãi điếng người, dần dà nó hủy đi tham vọng của nhà
toán học. Đỉnh điểm, anh ta phải chịu đựng áp lực từ giới học thuật. Một nhà
toán học do đó phải là một người nhẫn nại và can đảm. Cá nhân tôi không phải
khi nào cũng đủ sức chịu đựng nỗi khiếp đảm từ trong thâm tâm và áp lực đến từ
bên ngoài, và buộc phải từ bỏ một số dự định trong quá khứ.
Tôi có biết một nhà toán học đã trải qua khó khăn rất lớn
để tạo ra một tác phẩm thiên tài xuất chúng. Giáo sư S. hiện làm việc tại MIT2,
song ông đã từng gắn bó với Đại học Michigan với tư cách là một trợ lý giáo sư.
Khi ở Michigan, ông tự thách thức bản thân giải quyết một bài toán cổ điển đặc
biệt khó, một bài toán đã bị bỏ hoang trong nhiều thập kỷ bởi các nhà toán học
khác. Tâm huyết của ông ấy đối với bài toán lớn đến nỗi ông đã không viết được
luận văn người ta trông mong ở mình và vì thế bị sa thải khỏi vị trí tại trường
đại học. Nhưng không lâu sau đó, ông đã tìm ra một giải pháp đột phá cho bài
toán này, một giải pháp ngoạn mục đến nỗi một số vấn đề liên quan cũng bắt đầu
được giải quyết. Như thể sự im lặng tuyệt đối đã bị xáo động. Bằng thành quả của
mình, Giáo sư S. được mời vào ghế giáo sư toàn thời gian tại MIT. Song đây là
trường hợp hiếm hoi. Hầu hết các nhà toán học sẽ không đủ tự lực lẫn tự tin để
mạo hiểm công việc vào một mục tiêu mơ hồ như vậy.
Mặt khác, nhà văn có mục tiêu rõ ràng hơn, miễn là họ cống hiến hết mình cho tác phẩm. Biết thế nên tôi có thể hoàn tất công việc trong chừng mực năng lực đủ đáp ứng và khích lệ bản thân. Chuyện là thế, tuy nhiên trong văn chương thời hạn là rào cản, nhất là khi viết cho tạp chí hay mục báo. Tính khí cha tôi thay đổi thất thường tùy vào việc ông đang viết tiểu thuyết cho chính mình hay cho một câu chuyện trên báo. Ông luôn tràn đầy nhiệt tình bất kể công việc là gì, song khí thế dường như khác nhau trong mỗi trường hợp: Ông bị thúc giục bởi sự cấp bách nội tại khi viết tiểu thuyết, nhưng lại cam kết với cái gì đó ngoài lề khi viết cho báo chí. Đôi khi chỉ đơn giản là ông không thể tiếp tục viết báo, ông ám ảnh, sợ hãi rằng bằng cách nào đó ông sẽ khiến tòa soạn thất vọng. Ngay cả gia đình cũng không xoa dịu được nỗi lo trong ông. Một cảnh tượng in sâu vào đầu tôi đó là khi cha tôi lên gác mà không nói lời nào. Quan sát bóng lưng ông trong bộ kimono cũ quá khổ, tôi học được rằng những nhà văn luôn luôn vật lộn với hạn chót; họ thà đón đầu còn hơn làm nô lệ cho chúng.
Đặc trưng định hình áp lực của một nhà toán học là nỗi lo sợ rằng anh ta sẽ chẳng tạo ra được thành quả gì, thậm chí sau khi đau “cơn đau đẻ.” Về phía nhà văn, đó là sức ép phải hoàn thành tác phẩm trong thời hạn nhất định. Điểm chung của cả hai phía là phải đấu tranh để được ngủ mà không âu lo. Khi bị ám ảnh bởi một bài toán, tôi giải nó cả khi tôi mơ. Đôi lúc cảm hứng lóe lên ập thẳng tới tôi đương lúc trên giường. Nhà toán học người Pháp Jules-Henri Poincaré3 từng kinh qua nhiều điều tương tự, và nghe nói hầu hết các ý tưởng đến với ông theo cách này được chứng minh là hợp lý. Không may thay, trường hợp của tôi, chín trên mười ý tưởng không đáng để theo đuổi. Cái còn lại kia, tuy thế, được sử dụng ngay tức khắc và thậm chí có thể mang lại lời giải đúng đắn. Thế là tôi luôn có một cuốn sổ ghi chú trên giường và với lấy chúng ngay khi lời thì thầm của ý tưởng lọt vào đầu tôi. Còn một lý do nữa cho việc này: nếu tôi không chuyển ý tưởng mới ra giấy, tôi sẽ không kiềm giữ được bản thân bình tĩnh và quay lại giấc ngủ.
Đặc trưng định hình áp lực của một nhà toán học là nỗi lo sợ rằng anh ta sẽ chẳng tạo ra được thành quả gì, thậm chí sau khi đau “cơn đau đẻ.” Về phía nhà văn, đó là sức ép phải hoàn thành tác phẩm trong thời hạn nhất định.
Lúc tôi đang ở giữa nghiệp viết, những dòng tôi viết ban
ngày trở lại với tôi trong những giấc mơ. Nếu trong mơ tôi bắt gặp cách thức
hoàn hảo để diễn tả một dòng mà tôi không thể với tới đương lúc tỉnh táo, tôi
liền thức giấc và ghi chép. Đối với nghề viết lách, bảy trên mười ý tưởng đến với
tôi trong mơ hóa ra lại tốt, một tỷ lệ khá hơn đáng kể so với số ý tưởng truyền
cảm hứng toán học. Tôi không biết tại sao lại như vậy. Có lẽ những
suy-nghĩ-trong-mơ không hàm chứa lô-gích mà là thứ cảm thức mỹ học thích hợp
cho sáng tạo văn chương hơn so với toán học. Tuy nhiên, ta không thể lờ đi thực
tế rằng một phần mười nguồn cảm hứng toán học xảy ra trong những nhà máy giấc mơ
(hoặc mười phần mười trong trường hợp Poincaré.) Tôi muốn nói sự nhạy cảm thẩm
mỹ là một tố chất trọng yếu trong toán học cũng tương tự như trong văn chương.
Có gia đình gồm những nhà văn và bản thân là nhà toán học,
tôi nghĩ tôi ý thức tốt về những gì họ nói khi tôi bắt đầu bước chân vào cả hai
lĩnh vực. Song tôi đã quá lạc quan. Mặc dù cả văn và toán đều liên quan đến sự
sáng tạo và cả đánh giá vẻ đẹp lẫn sự hài hòa, phương pháp luận của chúng đối lập
nhau. Toán học dựa trên lô-gích phổ quát được đeo đuổi bởi bản năng và tính nhạy
cảm thẩm mỹ của nhà toán học, trong khi văn học đòi hỏi sự độc đáo và nhạy cảm
với chữ nghĩa. Vì vậy, vài ngày sau khi làm việc với toán, tôi chẳng thể tạo ra
bất cứ thứ văn nào, và ngược lại. Tôi cần chút thời gian để nhảy từ chế độ này
sang chế độ khác và trong thời quá độ ấy, mọi thứ lặp đi lặp lại và tôi tiêu tốn
hàng đống thời gian trong bứt rứt. Thật lãng phí thời gian tột độ, song tôi gần
như chẳng có khả năng chiếm đóng cả hai địa hạt cùng lúc. Có lẽ chỉ mình tôi đổ
lỗi cho cái hệ thống bất toàn ấy, nhưng tôi không nghĩ nó đơn giản như vậy.
Theo tôi, bản chất của mọi thứ văn chương, bất kể nó mang
hình hài gì, là sự hiện thực hóa đời sống trần thế của chính ai đó. Không có ý
niệm về cái chết, hầu như tất cả khổ đau, tuyệt vọng và cô đơn của chúng ta rồi
sẽ tiêu vong. Nếu chúng ta là phượng hoàng với cuộc sống bất diệt, ta chẳng bao
giờ trải qua chuỗi ngày đen tối hay trái tim tan vỡ, tuyệt nhiên ta cũng chẳng
có khả năng vui mừng hay khoái cảm – tất cả chúng là những thành phần trọng yếu
trong văn chương.
Văn chương bị ràng buộc sâu sắc với ý niệm về cái chết và các nhà văn chủ tâm lẫn vô thức thêu dệt sợi dây số mệnh con người vào câu chuyện của họ. Những kiệt tác như Genji Monogatari, Turezuregusa và Oku-no-Hosomichi4 đều khảo cứu đời sống nhân gian sớm nở tối tàn. Việc ai đó có những nhận thức trần thế như vậy cũng được thấy trong văn học đương đại. Thực tế, với sự quan sát kỹ lưỡng, ngay cả những mô tả xuềnh xoàng nhất cũng tiết lộ sự thấu hiểu của nhà văn về đời người hữu hạn. Trong tiểu thuyết Takeda Shingen của mình, cha tôi đã viết nên một phân cảnh miêu tả cuộc hành binh của đội quân Takeda băng qua một cây cầu hướng tới khu vực Kanto. Khi đoàn quân đến được Kanto, một chiến binh nhà Takeda, kẻ trước đây chưa từng rời khỏi quê hương Koshu, lẩm bẩm, “Không có đá ở đây.” Một nhà phê bình ngợi ca đây là ví dụ về độ chính xác khoa học trong tả cảnh của nhà văn. Tôi nhớ cảm giác chán ngán gây ra bởi cái nhận xét đó. Tôi dám chắc cha tôi có nhiều hàm ý hơn là quan sát địa chất. Tôi cảm thấy ông muốn phác họa chiến binh như một người đàn ông bị sốc bởi nỗi nhớ quê mãnh liệt và bất chợt, gởi gắm con tim mình vuột xa khỏi cảnh vật xung quanh. Bình nguyên Kanto bằng phẳng khiến anh ta hoài niệm về sỏi đá vùng Koshu; anh nhớ ngọn núi, con sông, thung lũng, và rồi khi cơn gió lướt qua, ánh sáng chiếu rọi quê hương anh. Anh nhớ gia đình mình đã bỏ lại. Khoảnh khắc ấy, trí tưởng tượng của anh vượt xa việc so sánh hai dạng địa hình. Thực tế, người lính phải đối mặt với sự nhỏ bé, chóng tàn và quạnh hiu của đời mình tương phản với phẩm cách bất diệt của tự nhiên. Vài chữ nhỏ nhoi được một người lính thốt ra thật khéo truyền tải nỗi ám ảnh của tác giả về cái chết của chính mình.
Hãy tưởng tượng một xứ sở xa lạ trải dài bất tận trước mắt
bạn, một quân đoàn khổng lồ những chiến binh diễu qua xứ ấy trên những con chiến
mã, và một người lính giữa binh đoàn đó tự gói mình trong nỗi cô đơn. Với điều này,
bạn dõi theo tiến trình quan sát của nhà văn: từ một cái nhìn xa xăm, chuyển
vào chính diện, liền sau là một pô cận cảnh, và đạt đến một cái nhìn sâu sắc về
mặt tâm lý. Theo cách ấy, cha tôi ngụ ý sự thức tỉnh triết học tinh tế ở một
người lính vô danh. Ông có sở trường gợi lên nỗi u sầu, cảm thức Wabi5,
và sự bình yên của cuộc đời bằng những cảnh quan đối nghịch hùng vĩ. Tôi tin rằng
đó là những điều đánh vào trái tim độc giả.
Cả nhà văn lẫn nhà toán học đều khát khao sự vĩnh cữu, điểm
khác biệt giữa họ là người trước mưu cầu nó trong cuộc đời chính mình trong khi
kẻ sau tìm kiếm nó bên ngoài đời sống cá nhân riêng lẻ. Khi một nhà toán học
khám phá chân lý phổ quát, anh ta buộc phải từ bỏ nội tâm hỗn loạn của mình. Chẳng
nhà toán học nào lại tốn thời gian cho những ẩn ý đa cảm của đời người hữu hạn,
tuy thế anh ta có thể đặt ra giả thuyết về tính vô hạn của chân lý. Các nhà
toán học vượt lên trên thế giới; thời gian không dính dáng tới họ. Họ làm đầu
óc thích ứng với cái trạng thái mà vượt quá những động lực không-thời gian của
thế giới vật chất. Họ bùng cháy cùng lòng sùng kính cái trạng thái ấy; bằng
không sẽ chẳng có chân lý nào được khám phá.
Hẳn là bây giờ bạn đã hiểu được lý do tại sao phải tốn
quá nhiều thời gian để vượt qua cầu nối giữa toán và văn. Nó không chỉ liên
quan đến kỹ thuật của từng lĩnh vực, mà là một sự chuyển đổi toàn diện về chất
trong tâm hồn. Tôi vẫn chưa phải là bậc thầy chuyển đổi sao cho thật suôn sẻ.
Thỉnh thoảng tôi thấy nghe nhạc giúp ích khi tôi dịch chuyển từ tư duy toán học
sang lối suy nghĩ của một nhà văn. Nhưng không phải nhạc nào cũng làm được. Tôi
cần cái gì đó giống như những bản dân ca ngày xưa chạm đến cảm xúc của mình hơn
là những kiệt tác cổ điển của Bach hay Mozart. Tôi ước một thứ thuốc tiên cho sự
biến đổi này, hoặc giá tôi là một nhẫn giả thần tốc chứ không phải là chú cừu vụng
về, cứ nấn ná trên cây cầu nối giữa toán học và văn chương. Sau đó nữa, một phần
trong tôi từ chối thừa nhận rằng có thể có thứ thuốc như vậy. Rốt cuộc, tôi vẫn
ở trên cây cầu ấy, đi thế này hay bước thế kia, ngập ngừng giữa hai bên, chẳng
đến được bờ sông phía nào. Tuy vậy, dường như tôi đang tận hưởng điều đó.
Hết.
Masahiko Fujiwara là nhà toán học và tiểu luận. Sinh ra ở Mãn Châu và lớn lên ở Tokyo, ông lấy bằng Tiến sĩ Toán học tại Đại học Tokyo. Sau khi làm việc tại Đại học Colorado và Đại học Cambridge, ông trở thành giáo sư toàn phần Đại học Ochanomizu, Tokyo. Fujiwara đã giành giải thưởng Câu lạc bộ tiểu luận Nihon cho tác phẩm đầu tay Wakaki Sugakusha no America năm 1977 và từ đó nhiều tác phẩm được xuất bản, bao gồm cả cuốn sách bán chạy nhất năm 2005 Kokka no Hinkaku với hơn hai triệu bản tiêu thụ tại Nhật. Cha ông – Jirō Nitta là tiểu thuyết gia đoạt giải Naoki và mẹ ông – Tei Fujiwara là một tác giả có sách bán chạy.
Chú
thích:
- Tên người cha của tác giả.
- Học viện công nghệ Massachusetts, là một viện đại học nghiên cứu tư thục ở thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Hoa Kỳ. MIT nổi tiếng nhờ hoạt động nghiên cứu và giáo dục trong các ngành khoa học vật lý, kỹ thuật, cũng như trong các ngành sinh học, kinh tế học, ngôn ngữ học, và quản lý.
- Là một nhà toán học, nhà vật lý lý thuyết, và là một triết gia người Pháp.
- Những tác phẩm văn học xuất sắc của Nhật Bản thời Edo.
- Wabi-sabi là một thuật ngữ đại diện cho thẩm mỹ Nhật Bản và một thế giới quan của văn hoá Nhật Bản, tập trung vào việc chấp nhận tính phù du và sự không hoàn hảo. Wabi ban đầu tham chiếu đến sự cô độc sống giữa thiên nhiên, xa khỏi xã hội con người; sabi mang nghĩa là “lạnh”, “nghiêng” hoặc “sự héo tàn”. Khoảng thế kỷ thứ 14, những ý nghĩa này bắt đầu thay đổi, mang hàm nghĩa tích cực hơn. Wabi hiện tại bao hàm sự tinh giản hoá, tươi mát hoặc tĩnh lặng một cách mộc mạc, hoặc sự sang trọng được giảm bớt đi, và có thể sử dụng với cả đối tượng tự nhiên và nhân tạo. Nó cũng có thể tham chiếu đến những đường nét lỗi hoặc dị thường phát sinh trong quá trình xây dựng, thứ tạo nên sự độc đáo và sang trọng cho đối tượng. Sabi là vẻ đẹp hoặc sự tĩnh lặng tới theo thời gian, khi sự tồn tại của đối tượng và sự vô thường của nó được chứng thức bởi lớp gỉ sét (hoặc lớp ngả màu do thời gian và không khí tác động) và lớp bên ngoài của nó, hoặc ở bất kì sửa chữa nào có thể nhìn thấy.
3V dịch.
Bài viết gốc được thực hiện bởi Masahiko Fujiwara, đăng tại Asymptote Journal.
Hình ảnh minh họa đầu bài được thực hiện bởi Kevin Kunstadt.
Những bài viết có cùng chủ đề
Pingback: Nghịch lý trong việc thi văn và đọc văn bản văn học của chúng ta – Bookish
Pingback: “Tại sao cậu lại viết văn?” – Bookish