Trà chiều

Tôi là một cây cầu

Một chiếc cầu nếu tồn tại độc lập thì tự thân nó không có giá trị. Nó chỉ có giá trị dựa trên nhu cầu di chuyển của những người muốn sử dụng nó. Khi nhu cầu đó kết thúc, người sử dụng đã đi đến bờ bên kia thì nó không còn giá trị nữa.

Published

on

Trước khi chính thức đặt tay lên bàn phím để gõ những dòng này, trên thực tế, tôi đã suy nghĩ về những gì mình sẽ viết từ rất lâu trước đó, có lẽ từ nhiều tháng trước cũng không chừng. Hơn nữa, tôi cũng suy nghĩ mình sẽ viết bằng thứ tiếng nào. Tôi muốn viết bằng tiếng Nhật để tập làm quen lại với cảm giác đặt câu trong tiếng Nhật. Tôi cũng muốn viết bằng tiếng Anh chỉ đơn giản vì nhớ. Nhưng quả nhiên là tình trạng thiếu ngủ nhiều ngày khiến tôi không thể cưỡng lại thôi thúc viết bằng tiếng Việt như mọi năm để đỡ mệt mỏi, cũng là để thư giãn.

Khoảng thời gian ba tháng học lại tiếng Nhật liên tục vừa qua, mỗi ngày học hơn 8 tiếng, sử dụng tiếng Anh ít đi, tiếng Nhật nhiều hơn khiến tôi nhận ra hình như tôi yêu tiếng Anh nhiều hơn tôi tưởng. Một tháng đầu tiên khi mới ôn luyện lại tiếng Nhật, tôi cảm giác giống như một người bị mất kí ức đang tìm lại những mảnh rời rạc để chắp ghép. Khi ấy, sự bỡ ngỡ và bẽ bàng vì mình đã quên khá nhiều kiến thức cũ xâm chiếm lấy tôi, nhưng đồng thời cũng có một chút cảm giác quen thuộc, một làn hơi ấm từ quá khứ len lỏi vào trong tâm trí, dường như thấm sâu xuống các rãnh ghi nhớ trong não tôi, lưu lại ở đó mùi hương nhẹ nhàng trong thoáng chốc, không trì tục quá lâu nhưng dai dẳng – có lẽ giống như mùi hương từ các que giấy lưu lại mẫu nước hoa thường được các nhân viên cửa hàng phát cho khách vãng lai để tiếp thị; tôi thường tiện tay ép các que giấy ấy vào trong những cuốn tập, sổ hay sách có trong ba lô của mình ở thời điểm ấy để lưu giữ – tôi nghĩ nó là trú sở thích hợp nhất cho loài sinh vật giấy mảnh mai, mong manh và có số phận hơi éo le khi thử suy nghĩ và gán ghép cho nó một câu chuyện: bản thân nó tuy chứa đựng dư hương của một thứ thường được bày bán trong các cửa hàng cư tọa tại những cao ốc sang trọng với giá trị thường tính bằng triệu đồng trở lên nhưng chính nó thì lại miễn phí, có vòng đời ngắn hạn: nhanh chóng được trao vào tay người sau khi trở thành điểm dừng chân tạm thời cho vài giọt nước hoa, và cũng rất nhanh chóng mất đi giá trị sau khi mùi hương mấy triệu đồng ướm trên người nó bay đi mất, rồi nó lại kết thúc đời mình trong sọt rác. Tôi vừa cố gắng thử thách chính mình, những người có thể đọc được những dòng này, đồng thời là chính tôi của sau này khi tìm đọc lại những dòng này bằng cách viết một câu so sánh thật dài ở phía trên, cho phép mình đi một đường vòng thật xa khỏi luận ý có-vẻ-như-là-chính. Có lẽ, vì trong vô thức, đôi khi tôi cũng có cảm giác mình giống như những tờ giấy lưu mẫu thử nước hoa đó. Dù đã có đôi lúc, tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc vì có mặt trên cuộc đời này, có thể làm được một số việc mà ở thời điểm ấy, tôi cảm thấy là có giá trị; nhưng không hiểu sao, từ trong thâm tâm, tôi luôn cảm thấy (tôi đã dùng từ “cảm thấy” đến ba lần trong cùng một câu, lỗi lặp lại này là tối kị khi viết văn, và nếu như được trao cương vị biên tập viên, không phải người viết, đứng trên quan điểm của mình, tôi buộc sẽ phải thay đổi từ “cảm thấy” ở lần lặp lại thứ hai, thứ ba thành những động từ tương tự khác để câu văn có sự đa dạng, phong phú hơn, đem lại cảm giác trơn tru, liền mạch cho người đọc. Thế nhưng, bằng việc phân thân và tự kiểm định lại câu mình viết dưới cương vị biên tập viên rồi để trong ngoặc đơn chú thích, mở rộng thêm nghĩa như thế này, trên thực tế thì tôi đã khiến cho từ “cảm thấy” được lặp lại đến sáu lần. Phải sáu lần không? Tôi có đếm sót lần nào không nhỉ? Cũng có thể, thực tế tôi đang muốn thực hành trò chơi với dấu ngoặc đơn trong đoạn văn bằng cách viết nó dài quá mức cho phép. Nếu là tôi của trước đây, tôi sẽ tìm cách xóa dấu ngoặc đơn tôi vừa viết ở trên, ngay sau chữ “cảm thấy” và làm cách nào đó để cho nội dung của những gì mình viết trong đoạn ngoặc đơn này liền lạc với phần bên ngoài như thể dấu ngoặc đơn ấy chưa bao giờ xuất hiện trên cuộc đời này. Nhưng tôi của bây giờ lại cho phép mình làm việc này. Đây cũng chẳng phải là lối viết gì đặc biệt. Có thể gọi nó là trò chơi mà tôi nhớ rằng Milan Kundera đã thực hành rất nhiều, hình như trong cuốn Đời nhẹ khôn kham có đôi chỗ ông tự viết về việc viết như thế này, xen giữa các phân đoạn miêu tả tình tiết câu chuyện và tâm lí nhân vật. Nhưng tôi chẳng có ý niệm gì về metafiction khi cố tình viết như thế này mà không sửa chữa. Chỉ đơn thuần là tôi đã quá mệt mỏi. Mệt mỏi với chính bản thân mình và mệt mỏi với việc sửa chữa. Mà cuộc đời thì có bao giờ cho ta sửa sai những điều ta vừa làm bằng cách quay lại quá khứ, thu hồi việc mình vừa làm đâu. Ta chỉ có thể sửa sai ở những lần tiếp theo, hoặc nếu vẫn muốn sửa sai lầm cũ thì ta làm một hành động mới với kết quả mà ta nghĩ rằng sẽ tốt hơn để bồi vào ảnh hưởng của sai lầm cũ, giống như là thêm một dấu cộng vào kết quả âm của phép tính trước đó, nếu may mắn vừa đủ thì ta sẽ được con số 0 cân bằng lại mọi thứ, nếu may mắn hơn nữa thì ta có một con số dương. Bởi vì cuộc đời không thể thu hồi được hành động, không thể đi lùi mà chỉ có thể tiếp tục tiến lên, từ những sai lầm của quá khứ mà làm tiếp các hành động mới ở phía trước để sửa sai nên tôi trộm nghĩ rằng tại sao văn chương, hoặc đơn giản hơn là một văn bản thường nhật trong đời sống mình viết lại không thể có khả năng đó. Chẳng có câu văn nào là viết sai hay đi chệch khỏi ý chính. Ta không thể xóa bỏ nó. Ta chỉ có thể lưu lại nó ở đó, tiếp tục viết để làm mọi thứ có vẻ như đã sai ở trước đó trở thành hợp lí về sau. Giống như Herbie Hancock trong một video trên Master Class về Jazz, chẳng có nốt nhạc nào là đánh sai trong Jazz cả, nếu như bạn vô tình đánh một nốt mà bạn nghĩ là sai khi đàn Jazz thì không cần phải hoảng loạn, không cần dừng lại, đàn lại đoạn ấy để sửa sai, việc của bạn là cứ tiếp tục đàn thêm những nốt phụ họa khác quanh nốt mà bạn nghĩ là đã đàn sai, khi nó được điểm trang trong một quần thể gồm những yếu tố phù hợp với nó, nó sẽ tìm được nhịp cầu để quay về phần còn lại của bản nhạc, khi đó nó không còn lạc quẻ nữa, nốt sai trở thành đúng vì nó đã tìm được sự hợp lí của nó. Tôi cũng đang viết những dòng này với tâm niệm như thế. Tôi không bôi bôi xóa xóa và viết lại như trước nữa. Tôi cứ viết dù những gì diễn ra trong ngoặc đơn này có vẻ đang đi khá xa luận ý ban đầu của tôi; trên thực tế, quả thật nó đang dần dẫn về những ý cốt lõi mà tôi muốn lưu giữ cho nhiều năm sau này khi đọc lại. Tuy nhiên, một đứa trẻ dù quyến luyến tử cung ấm áp trong lòng mẹ như thế nào rồi cũng sẽ có lúc phải bước ra khỏi thế giới an toàn đó để đón những ánh sáng đầu tiên của cuộc đời; những câu văn trong ngoặc đơn này cũng vậy. Đã đến lúc đóng lại dấu ngoặc đơn dài dằng dặc, cứ trì hoãn việc kết thúc nhiệm vụ của nó để quay trở lại đoạn văn chính bên ngoài trần trụi, không có một dấu nào che thân) mình không khác gì những tờ giấy đó: việc trở thành nơi cư trú tạm thời cho một thứ giá trị không khiến chính nó trở nên có giá trị hơn. Và khi thứ giá trị đó bay mất – một vật chứa như nó lại trở thành thứ vô giá trị.

Trong những năm qua, tôi đã nhiều lần suy nghĩ về hình ảnh này: chiếc cầu. Hình như vai trò của tôi trong cuộc sống chỉ đơn giản là một chiếc cầu. Một chiếc cầu nếu tồn tại độc lập thì tự thân nó không có giá trị. Nó chỉ có giá trị dựa trên nhu cầu di chuyển của những người muốn sử dụng nó. Khi nhu cầu đó kết thúc, người sử dụng đã đi đến bờ bên kia thì nó không còn giá trị nữa. Điều này không mang hàm ý tiêu cực hay tích cực, nó chỉ là sự nhìn nhận trung tính không chứa nhiều cảm xúc của tôi. Trước đây, tôi từng mong muốn những người đã đi qua cầu sẽ lưu lại đó lâu hơn, để nhìn ngắm dòng nước hay vực thẳm bên dưới cầu – đó cũng là lí do ban đầu khiến cây cầu được sinh ra, sự cản trở và bóng tối là tiền đề của nó. Nhưng cây cầu có mặt là để được đi qua, không phải là để được lưu lại. Mỗi người đều có một hành trình với những con đường và những trạm dừng chân khác nhau, đến một lúc nào đó, những ngã rẽ xuất hiện thì sự chia cách là điều không thể tránh khỏi. Vậy nên, vấn đề không phải là việc lưu lại ngắn hay dài, để tình cờ trùng một quãng đường trên những hành trình khác nhau đã là điều may mắn. Hiểu được điều ấy, tôi hầu như đã không còn cảm xúc tiêu cực về việc này nữa. Tôi trân trọng và biết ơn mọi luồng di chuyển đến và đi trong cuộc đời mình. Có một luồng di chuyển đến, tôi hạnh phúc. Có một luồng di chuyển đi, tôi cũng hạnh phúc. Dù như thế nào cũng hạnh phúc giống như một cây cầu. Không cố gắng mời gọi người đến, cũng không cố gắng níu kéo người đi. Cứ đơn thuần nằm ở đó, tồn tại, đôi khi không cần đến cả đam mê – đấy cũng đã là sống. Những tháng qua, đôi lúc sự mệt mỏi trong tâm trí tôi lên đến cực đỉnh, và rồi sau đó là những điểm chùng, tôi lại càng thấm nhuần hơn suy nghĩ này: có khi chẳng cần làm nghệ thuật hay làm những điều mình nghĩ là to tát nữa, cứ làm những điều nhạt nhẽo bình thường hằng ngày nhưng thực sự tận hưởng khoảnh khắc nó trôi qua thì cũng đã là sống rồi. Thế nên, tôi thực sự rất thích phim Soul, tôi ngỡ ngàng và rồi ấm lòng, xúc động trước cách bộ phim xử lí vấn đề. Tôi đã xem trailer của Soul từ rất sớm. Hình như từ những tháng đầu năm nay, vào tầm tháng ba hoặc tháng tư. Ngay từ poster và trailer, tôi đã có cảm tình với phim, đã có dự cảm phim sẽ rất hay, hoặc chí ít sẽ đem lại cảm giác dễ chịu khi xem. Ban đầu, hình như phim dự định khởi chiếu vào mùa hè, tầm tháng năm hoặc tháng sáu. Nhưng rồi vì dịch mà cũng như bao phim khác, Soul nhiều lần dời lịch khởi chiếu. Tuy nhiên, sự chờ đợi này quả là xứng đáng. Như nhiều người đã nhận xét: một cái kết đẹp đối với những tâm hồn yêu điện ảnh cho một năm nhiều biến động như năm nay. Vậy nên, tôi sẽ tiếp ý bằng một câu không liên quan lắm với cái kết đẹp này: tôi là một cây cầu hạnh phúc.

Hãy quay trở lại những tờ giấy tiếp thị lưu hương nước hoa. Chẳng phải bản thân nó cũng giống như những cây cầu hạnh phúc? Nhiệm vụ của nó là kết nối những khách hàng tiềm năng với hương thơm từ những lọ nước hoa mà họ có thể sở hữu sau đó hoặc không. Và trên thực tế, trong trải nghiệm của tôi, thời gian nó lưu lại cũng không phải quá ngắn ngủi. Khi bắt đầu kẹp những tờ giấy vào trong sổ, sách, tôi nhận ra mùi hương của nó đã lan vào các sinh thể mới chứa chấp nó. Việc ở bên trong và bị một thứ khác chèn ép trên thực tế không rút ngắn sự tồn tại của nó mà mối cộng sinh này còn khiến cho sự tồn tại của cả hai được kéo dài hơn, hoặc thêm phần hương sắc. Kể cả khi bản thân những tờ giấy đã hết mùi hương, để lại trên bàn học chỉ khiến quang cảnh thêm lộn xộn và tôi buộc phải vứt hết chúng vào thùng rác thì những sổ, những sách vẫn còn lưu lại rất lâu sau đó. Tôi nghĩ, trên cương vị của những tờ giấy lưu nước hoa, nó cũng đã hạnh phúc. Dù mạnh mẽ hay độc lập, hay đã quen với cô đơn như thế nào, không ai có thể tự mình tồn tại riêng lẻ được. Vì vậy, tìm sự tồn tại của mình dựa trên những sự tồn tại khác không phải là điều gì quá bạc nhược. Những sự tồn tại đều phải cộng sinh với nhau trong khoảng thời gian dài hay ngắn. Chỉ là đừng quá mong cầu, cũng đừng quá tiếc nuối một mối cộng sinh nào đến hoặc đi. Ồ, tuy là khác cách diễn đạt nhưng tôi đã viết cùng một ý đến hai lần rồi. Về cây cầu. Về tờ giấy lưu hương nước hoa. Chúng khác mà hóa ra giống nhau ở ý nghĩa này – một thứ tôi tự gán ghép cho chúng.

Quay trở lại vấn đề ngôn ngữ, tiếng Nhật, tiếng Anh và tiếng Việt. Lần này tôi sẽ cố gắng viết một cách rành mạch và lưu loát để chốt hạ vấn đề khi thời gian không còn nhiều nữa.

Đầu tiên là tiếng Nhật.

Sau trải nghiệm một tháng học tiếng Nhật liên tục từ thứ hai đến thứ sáu, mỗi ngày từ 8 tiếng đồng hồ trở lên (nếu tính luôn cả thời gian tự học ở nhà), tôi bắt đầu tìm lại được cảm giác thân thuộc, thoải mái, những kí ức ngôn ngữ ùa về nhanh hơn tôi tưởng tượng. Và tôi nhớ đến câu chuyện của một cô giáo từng dạy tôi tiếng Nhật trước đây. Khi ngẫm lại, tôi ngạc nhiên vì thấy bây giờ mình cũng đang rơi vào hoàn cảnh giống cô ngày xưa. Cô kể rằng ngay sau khi được N2 (thời điểm đó là 2kyu), vì một lí do nào đó, dòng đời xô đẩy, cô đã không làm công việc liên quan đến tiếng Nhật, không sử dụng tiếng Nhật một thời gian dài. Tôi nhớ là khoảng ba hay bốn năm. Sau đó, cô bỗng cảm thấy nhớ tiếng Nhật và muốn làm công việc liên quan đến tiếng Nhật. Nhưng rồi khi thử đụng lại tiếng Nhật, cô hoang mang và đau buồn nhận ra dù trước đó mình đã học tiếng Nhật rất lâu, đã được N2 mà mấy năm không đụng đến, bây giờ hình như cô không còn nhớ gì nữa, chỉ nhớ được những kiến thức rất cơ bản, mọi thứ cứ như mới, đầu óc cô hoàn toàn trống rỗng. Thế rồi cô quyết định phải cấp tốc khôi phục lại tiếng Nhật trong thời gian ngắn. Cô theo học một khóa cấp tốc tiếng Nhật từ trình độ cỡ N4, học cả tuần từ thứ hai đến thứ sáu, từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối. Ban đầu, cô sợ mình sẽ mất nhiều thời gian hơn để khôi phục lại kiến thức cũ từ N4 – N2, nhưng không ngờ chỉ sau khoảng hai hoặc ba tháng, cô đã gần như nhớ lại toàn bộ. Sau đó, khoảng thời gian còn lại cô học N1, tôi không nhớ cụ thể là bao lâu nhưng có lẽ ít hơn sáu tháng, cô đã thi và đậu N1. Cô là một trong số những người tôi ngưỡng mộ khi còn học tiếng Nhật ngày xưa bởi sự nghiêm túc và tận tâm, phát âm chuẩn và kiến thức đồ sộ. Cô kể ra câu chuyện đó rồi kết luận rằng: “Tôi tưởng rằng mình đã quên. Tưởng mọi công sức ngày xưa mình từng học đổ sông đổ bể hết rồi, mình phải học lại từ đầu. Nhưng hóa ra là nó vẫn ở đó. Đúng là do ngày xưa tôi đã rất cố gắng chăm chỉ nên nền tảng vẫn còn đó. Dù có phải học lại từ đầu thì vẫn nhanh và chỉ cần khơi gợi một chút là nhớ rất nhiều. Vậy nên, khi các bạn học một ngoại ngữ gì đó, hãy cố gắng học đến trình độ trung – thượng cấp của nó. Nếu dòng đời xô đẩy hoặc vì lí do gì đó mà bạn không làm công việc liên quan đến tiếng Nhật được sau khi học xong giống như tôi ngày đó thì hãy cố gắng học lên đến N2, lấy được bằng N2 cái đã rồi muốn nghỉ thì nghỉ. Nếu được N2 rồi thì dù bạn bỏ tiếng Nhật lâu như thế nào, sau này cần dùng lại cho công việc, chỉ cần ôn luyện liên tục từ sáng đến tối trong vòng hai, ba tháng như tôi ngày đó là hồi phục được ngay. Còn nếu các bạn chỉ mới học đến trình độ N4, N3 mà nghỉ giữa chừng thì cái nền xây không vững, sau này học lại sẽ rất khó, như là học mới từ đầu luôn. Hãy tin lời tôi và hãy cố gắng học đến trình độ N2 nhé, lấy được bằng N2 nhé.”

Khi cô kể câu chuyện ấy, cô kể rất chân thành và từng câu từng từ cô kể, kết luận ấy thấm sâu vào lòng tôi. Thời điểm cô kể câu chuyện này là lúc cô đang dạy chúng tôi học N3. Sau đó, tôi thi rớt N3 nên cũng có phần hơi nản. Nhưng tôi là một người hiếu thắng, tôi thẳng thắn thừa nhận điều này. Mặc dù tính hiếu thắng này theo luân lí thông thường là không tốt, và chính tôi cũng đã thấy những hệ quả tiêu cực của nó qua các lần tự nhiên có động lực rồi cố gắng đến đổ bệnh, nhưng tôi vẫn muốn giữ lại sự hiếu thắng này như một ngọn lửa giúp tôi sống ngày qua ngày. Nhờ sự hiếu thắng đó mà tôi đã đậu được trường đại học với ngành mình mong muốn, dù rằng khi biết tin đậu thì cơ thể cũng tôi cũng đã rã rời và mang đủ thứ bệnh, tôi nhớ rằng di chứng đau ở bên bả vai trái do ngồi học quá lâu đó hình như kéo dài âm ỉ đến gần một năm. Và ngẫm lại chuyện quá khứ, tôi mới thấy là nhờ sự hiếu thắng đó mà mình đã đậu N2. Khi rớt N3, một số thầy cô bảo là cứ cố gắng lấy N3 trước đã, học lại kiến thức N3 cho vững rồi hẵng hướng tới N2. Một số thầy cô lại có ý kiến khác, rằng dù gì cũng quá nhiều người có N3 rồi nên thôi cứ học lên tiếp N2 ở trường rồi tự ôn lại N3 ở nhà, đến khi thi thì thi N2 luôn. Tôi cũng phân vân giữa hai luồng ý kiến này. Là người hiếu thắng, nghĩ đến chuyện tốn tiền học lại N3, thi lại N3, tôi có phần nản, tôi sợ sự nản đó sẽ khiến tôi bỏ tiếng Nhật giữa chừng. Rồi tôi nhớ lại câu chuyện của cô giáo và quyết định rớt N3 thì kệ, mình học lên N2 và cố gắng lấy bằng N2 luôn. Kết quả sau đó là tôi hai lần thi rớt N2, đến lần thứ ba mới đậu. Hồi tưởng lại tôi vẫn còn nhớ cảm giác hạnh phúc, bồi hồi, xúc động của mình khi đó. Thế nhưng cũng vì một số lí do, tôi đã rơi vào hoàn cảnh giống như cô: bỏ tiếng Nhật nhiều năm không sử dụng. Vào tháng 9 năm nay, khi quyết định học lại tiếng Nhật (đúng hơn là ôn lại), thời gian ban đầu tôi đã có chút buồn bã, phiền não, cảm thấy 5 năm trời học tiếng Nhật ngày xưa của mình thế là vứt đi hết, thật công cốc, thật lãng phí. Nhưng quả thật, lời cô nói ngày xưa không sai chút nào. Đến thời điểm này, sau ba tháng học tiếng Nhật liên tục 8 tiếng mỗi ngày, tôi đã dần lấy lại sự tự tin, cảm giác quen thuộc, một khối lượng kiến thức ngày xưa như nước chảy bỗng nhiên ùa về. Có những từ, những điểm ngữ pháp tôi nghĩ mình đã quên nhưng hóa ra vẫn còn nhớ, chỉ cần khơi lại một thứ quen thuộc là tôi có thể nhớ đến ba, bốn thứ khác xoay quanh nó nữa. Hóa ra nó vẫn nằm ở đó, tự tôi lấy ra thì không được nhưng có ai đó khơi gợi một chút thì tôi sẽ nhớ lại nó, nhớ lại những dữ liệu ở các hộc tủ kế bên nó. Cách đây ba tháng, tôi đã nghĩ rất chắc chắn rằng vào tháng bảy năm sau, tôi sẽ thi lại N2, chỉ cần lấy lại trình độ N2 là mừng rồi. Nhưng bây giờ tôi lại nghĩ khác, nhớ đến câu chuyện của cô cùng việc hằng ngày chứng kiến bạn bè xung quanh mình học hành chăm chỉ, quyết tâm cao độ ra sao, tôi bỗng có thêm nguồn động lực và được truyền cảm hứng, mục tiêu của tôi thay đổi theo hướng mà tôi của ba tháng trước đây không dám nghĩ tới: tôi sẽ đặt mục tiêu là N1, vào tháng bảy năm sau, tôi sẽ thi N1. Tôi sẽ cố gắng nỗ lực hết sức cho kì thi này. Chỉ cần nghĩ đến N1 – một mục tiêu khó khăn hơn như thế, tôi bỗng nhiên cũng có động lực học nhiều hơn. Quả thực, học một ngoại ngữ thông dụng ở nơi mình đang sống đúng là không bao giờ thừa. Tôi thấy biết ơn mình của ngày xưa đã nỗ lực học tiếng Nhật như thế, biết ơn mình trong quá khứ đã có được N2 để bây giờ cảm thấy đỡ bơ vơ, luôn biết là mình có một chiếc phao cứu sinh ở đó. Còn bây giờ thì nhắm đến N1 thôi nào.

Tiếp theo là tiếng Anh.
Thời gian sắp hết nên có lẽ tôi cũng không viết các phần còn lại quá dài nữa.

Ngày xưa, tôi học tiếng Nhật lúc chưa có thói quen viết trên mạng xã hội bằng tiếng Anh. Vậy nên việc học tiếng Nhật không khiến tôi nhớ tiếng Anh. Tiếng Anh ngày xưa với tôi là một ngôn ngữ yêu thích nhưng không có cảm giác thân mật, thoải mái. Từ năm 2014, để hạn chế việc thường xuyên viết dài dòng kể lể tâm trạng trên mạng xã hội, tôi quyết định sẽ viết tiếng Anh bất cứ khi nào mình muốn đăng một status gì đó trên Facebook. Khi đó, tôi nghĩ việc này sẽ giúp tôi vừa luyện được tiếng Anh vừa hạn chế bản thân đăng quá nhiều status lên mạng xã hội với dung lượng quá dài vì đơn giản là viết tiếng Anh sẽ không cho tôi có cảm giác thoải mái như viết tiếng Việt, tôi sẽ không thể kể lể nhiều, phải viết ngắn vì cứ vừa viết vừa tra từ điển thì rồi cũng mất hứng viết dài. Một năm đầu tiên, việc viết bằng tiếng Anh quả thực rất khó khăn với tôi và cũng tỏ ra hiệu quả trong việc hạn chế tật kể lể, than thở dông dài của tôi trên mạng xã hội – một điều mà ngày nay tôi thấy quả thực rất không cần thiết nữa, tôi của ngày xưa không làm được, cứ buông những lời dông dài ở nơi đây, còn tôi của bây giờ thì có lẽ đã làm được rồi. Nhớ lại một năm đầu tiên khi viết tiếng Anh, tôi ép mình là dù buồn thế nào thì cũng phải viết bằng tiếng Anh, kể lể nỗi buồn đó ra bằng tiếng Anh. Một năm đó, tôi vẫn còn bị mắc lỗi cứ nghĩ sẵn câu tiếng Việt trong đầu trước rồi dịch sang tiếng Anh và sau đó, từ nào không biết thì tra từ điển nếu như đang gõ trên máy tính. Việc đó khiến tôi phải tra từ điển liên tục, khi tra xong, viết xong thì nỗi buồn hoặc hứng để kể về nỗi buồn đó cũng đã qua đi. Tuy nhiên về sau, có một số lần tôi buồn đến mức không thể chịu được đến giây phút mở máy tính ra để viết, tôi phải mở điện thoại và viết ngay lập tức. Viết trên điện thoại có hạn chế là không thể vừa viết vừa tra từ điển thoải mái như trên máy tính, tôi sợ vài thao tác nhầm khi cố mở app từ điển để dò tìm từ là sẽ mất hết nội dung mình viết. Những khi đó, tôi đã phải rất cố gắng kiềm nén để không viết tiếng Việt. Những lần ấy, tôi nhớ là có khi mình đã khóc nhưng vẫn tự nhủ thôi mình viết tiếng Anh đi, để đỡ phải kể lể dài dòng. Và những khi viết trên điện thoại, tôi bắt đầu không tra từ điển nữa, thay vì tư duy bằng tiếng Việt một tính từ rất hoa mĩ để diễn tả nỗi buồn của mình rồi nghĩ ngược lại tiếng Anh là từ nào và tra từ điển chọn từ, tôi cố gắng viết luôn những từ đơn giản bằng vốn tiếng Anh ít ỏi của mình để có thể diễn đạt được ý cơ bản nỗi buồn của mình. Ban đầu, khi viết bằng tiếng Anh, tôi đã viết rất ngắn, nhưng tôi không ngờ những lần buồn quá chịu không nổi rồi cố gắng viết bằng tiếng Anh trên điện thoại mà không dò từ điển hóa ra đã dần giúp tôi quen thuộc với việc viết tiếng Anh hơn và dẫn đến việc tư duy thẳng bằng tiếng Anh trong đầu luôn nữa. Khi bắt đầu viết một status nào với ý nghĩ là sẽ viết bằng tiếng Anh, tôi bật luôn công tắc tiếng Anh trong đầu và cứ thế viết. Từ nào phức tạp để diễn tả tâm trạng, cảm nghĩ sâu thẳm trong lòng mà tôi không biết đích xác tiếng Anh là từ nào, tôi sẽ lách bằng cách dùng những từ đơn giản, miêu tả thêm vài câu cho dông dài để cuối cùng vẫn thể hiện được suy nghĩ, cảm xúc mình mong muốn mà không cần phải tìm một từ tiếng Anh nào đó tương ứng với từ tiếng Việt. Thế rồi độ dài khi tôi viết bằng tiếng Anh tăng dần. Từ những status 100 – 200 chữ, thành 300 – 400 chữ, rồi 1000 chữ. Đến một lúc, tôi nhận ra thì thấy là khi buồn, tôi đã viết kể lể bằng tiếng Anh cũng dài không khác gì khi tôi viết tiếng Việt rồi, có những bài lên đến 7, 8 trang A4. Trong vòng 6 năm vừa qua viết tiếng Anh liên tục gần như 80% những gì đăng trên Facebook, không biết từ lúc nào đó, tiếng Anh đã trở thành một môi trường thân quen, thoải mái, dễ chịu cho tôi rút xả nỗi buồn, nó không còn khiến tôi thấy hạn chế hay bất tiện nữa. Rốt cuộc, việc dùng tiếng Anh để hạn chế kể lể dông dài nỗi buồn của tôi chẳng những không thành công mà hình như ngược lại, nó còn khiến tôi khi viết bằng tiếng Việt, lại viết còn dài hơn hẳn trước đây. Kể cả trong tiếng Việt, tôi bắt đầu có xu hướng không dùng những tính từ phức tạp nữa mà dùng những từ đơn giản nhưng lại tìm cách liên kết những từ, hình ảnh, đơn giản khác lại với nhau sao cho vẫn diễn tả được tính từ phức tạp đó (mà tôi đã quên mất không nhớ nó là tính từ gì nữa rồi). Ngày xưa, tôi đã mơ hồ nhận ra, việc viết bằng tiếng Anh nhiều chắc chắn sẽ có chút ảnh hưởng nào đó khi tôi viết tiếng Việt. Nhưng ngày ấy, tôi không thể diễn tả rõ nó là như thế này. Bây giờ thì tôi đã nhận thấy rõ ảnh hưởng của nó là như thế. Tôi không muốn kết luận đơn giản đây là việc có lợi hay không có lợi. Với nhiều người đọc trong tiếng Việt, đây có lẽ là một điểm trừ. Sự đơn giản, ngắn gọn, súc tích luôn có vẻ đẹp của nó. Tôi cũng thích điều ấy. Nhưng thực lòng thừa nhận, không tự đánh lừa bản thân thì tôi cũng thích sự dài dòng này nữa, mặc dù tôi hay tự phê phán tính dài dòng của mình khi viết. Tôi của những năm về trước sẽ tự trách móc bản thân mình và tuyệt đối ngả lòng vòng những góp ý của người khác về việc viết ngắn lại. Viết ngắn lại là việc tôi đã từng thử bằng cách viết tiếng Anh và thất bại, thậm chí còn làm tô đậm hơn sự dài dòng khi viết bằng tiếng Việt, giống như cá được về với nguồn nước thủy tổ ban đầu của nó còn bơi mạnh mẽ hơn nữa. Ngày xưa, tôi trách mình nhiều lắm. Nhưng bây giờ, tôi càng thấm nhuần hơn chân lí không có điều gì là tuyệt đối (kể cả chính mệnh đề không có điều gì là tuyệt đối thực ra cũng là tương đối luôn, nghĩa là vẫn có điều có thể chấp nhận nó ở mức tuyệt đối – thế là ta tự rơi vào vòng mâu thuẫn không dứt). Tôi biết viết dài là bầu khí quyển của tôi và mỗi người có một bầu khí quyển sống khác nhau. Vậy nên, tôi chấp nhận sự dài dòng này như chấp nhận chính bản thân mình mà không cần sự cho phép của người khác nữa. Dù sao, trong suốt một năm, tôi cũng không viết dài như thế này nhiều lần mà chỉ viết vài lần trong những dịp đặc biệt; ngày thường, tôi nén lại, không nói, không viết; tôi muốn giữ vai trò lắng nghe hơn là nói. Nếu việc nghe của tôi giúp ích cho người khác thì tôi thích lắng nghe hơn. Có lẽ vì tích tụ lâu ngày, chỉ cho phép mình một năm trải lòng vài lần vào những dịp đặc biệt nên tôi mới viết dài như thế này, như một cơn thác lũ mà đôi lần, khi tôi đọc lại những gì mình viết vào dịp đặc biệt của những năm trước, chính tôi cũng choáng ngợp. Nhưng một lần nữa, tôi cũng lại biết ơn sự dài dòng này. Nhờ đó mà những lần đọc lại về sau, tôi nhớ rõ mình trong quá khứ từng tâm niệm điều gì, nhận ra sự thay đổi của những điều trước đây mình cho là quan trọng nhưng bây giờ không quan trọng nữa và ngược lại. Đôi khi, tôi thấy quá cô đơn, không có ai để trò chuyện, hoặc không muốn làm phiền ai, tôi sẽ đọc lại những dòng như thế này mình từng viết trong quá khứ và có cảm giác như tìm được một người bạn tâm giao, rất hiểu mình, an ủi và động viên mình. Người duy nhất không thể làm tổn thương chính mình thực ra là chỉ có bản thân mình trong quá khứ thôi. Cái con người đã sống trong quá khứ và chết vào hôm nay thực ra sẽ không chết nếu tâm tư được lưu lại bằng văn bản rõ ràng; nhờ cách đó, tôi luôn có sẵn một người bạn trong quá khứ để đối thoại mà không làm phiền đến ai. Đó là với những loại văn bản như thế này, còn đối với các văn bản quan trọng, đơn cử như những sáng tác văn chương, thực ra ta vẫn luôn có thể biên tập lại. Đối với tôi, viết dài rối cắt ngắn sau vẫn luôn dễ hơn là viết ngắn ra ngay từ đầu. Chất liệu phải nên tuôn ào ạt, bày biện ra thành vóc dáng trước mắt rồi chỉnh sửa sau sẽ dễ hơn là bóp nắn khối đất sét vô hình trong đầu. Với tôi là như thế. Thực ra, tôi không phải là người quá giỏi tưởng tượng và làm việc với những hình dung thuần túy trong đầu. Cứ phải tuôn ra ào ạt trước để có nguyên liệu thô cái đã.

Vậy là tôi đã viết xong ý về tiếng Anh và tiếng Việt, hoặc nếu thực sự chưa xong hết thì tôi cũng không còn hơi sức để viết nữa vì đã quá mỏi tay khi gõ liên tục sáu tiếng đồng hồ (lúc bắt đầu là đúng bảy giờ tối, bây giờ đã là một giờ sáng, qua mất thời khắc giao thừa mà tôi vốn đã định sẽ dừng lại tại thời điểm đó). Nhưng trước khi kết thúc hẳn, tôi vẫn muốn chốt thêm vài ý sau cùng còn dở dang nữa. Việc tôi cảm thấy mình giống như tờ giấy tiếp thị nước hoa không hẳn chỉ vì bản thân cũng cảm thấy mình giống cây cầu. Lí do còn nằm ở câu so sánh dài dòng ngay từ đầu đã là điểm khởi nguồn cho một chuỗi lê thê sau đó: ngôn ngữ. Đối với tôi, tiếng Anh và tiếng Nhật không phải là ngoại ngữ, mà là ngôn ngữ. Tôi thích gọi nó là ngôn ngữ hơn là ngoại ngữ, vì đó là một từ trung tính, khách quan hơn, không phân biệt trong ngoài. Hơn nữa, trong lòng tôi, ba ngôn ngữ này ở một vị trí như nhau, là thứ không thuộc về tôi, là thứ tôi không hẳn ở bên ngoài nhưng cũng không hẳn ở bên trong, là mùi hương nước hoa tôi muốn lưu giữ trong trí não như tờ giấy phẳng lì, nhỏ bé, dễ rách ấy. Tờ giấy được tẩm mùi hương nước hoa thì khó mà nói hương thơm đó đã trở thành một tính chất của tờ giấy, nhưng cũng khó mà nói tờ giấy hoàn toàn không liên can gì đến mùi hương nó lưu trữ, dù là kể cả sau khi mùi hương đó không còn nữa. Trong tình thế này, tờ giấy vừa ở bên trong vừa bên ngoài tập hợp các chủ sở hữu của mùi hương đó. Với tôi, ngôn ngữ cũng vậy. Không chỉ tiếng Anh, tiếng Nhật mà cả tiếng Việt, không sử dụng lâu ngày sẽ quên hoặc rất hoài niệm, không có chuyện nó tuyệt đối thuộc về mình dù qua bao biến động vật đổi sao dời như thế nào. Cũng vì thế, tôi mới hình dung chi tiết hơn sắc thái, vóc dáng nỗi cô đơn của mình. Cô đơn có lẽ không phải là một tính từ chính xác để diễn tả vì nó gợi nhiều nỗi buồn. Cảm giác của tôi không hẳn là như thế. Đôi khi, chỉ đơn thuần là trôi bồng bềnh không có điểm tựa, giữa các ngành nghệ thuật, giữa những bản dạng giới khác nhau, và giữa những ngôn ngữ khác nhau – thứ cơ bản nhất để nói lên nỗi lòng của mình. Tôi không thuộc về bất cứ đâu cả. Như tờ giấy trắng đó, đón hương thơm bay đến, và cũng nhẹ nhàng tiễn hương bay đi, không chút níu kéo. Tôi có thể giống như lời một người bạn trước đây từng nói với tôi rằng: mãi mãi không chuyên sâu bất cứ thứ gì, trình độ với mọi thứ dừng lại như một đứa trẻ, mãi mãi ở cấp độ vỡ lòng. Tôi đã từng buồn với những lời nhận xét tương tự như thế vì chính bản thân tôi cũng suy nghĩ nhiều về việc này và thấy đó là một tội lỗi. Nhưng ở thời điểm này, dẫu cho điều đó là sự thật, tôi cũng không buồn bã nữa. Tôi vẫn luôn nghĩ cái hay của một đứa trẻ là có thể thấy sự tươi mới trong bất kì điều gì. Vì cho có nhiều trải nghiệm nên nó sẽ không đánh đồng mọi sự vật xảy ra nếu nằm trong nhóm A thì sẽ dẫn đến hệ lụy sau đó như thế nào nằm trong nhóm B. Nó không có sự mặc định đó để tiện rút ra kết luận nhanh chóng. Trong thế giới của nó, mọi thứ đều có thể. Nó là một điều hay nhưng cũng là thứ khiến nó đau đớn không ngừng vì những sai lầm, mất mát sau đó. Ngay từ đầu, nếu một đứa trẻ học theo những định nghĩa của người lớn về thế giới, có thể nó sẽ ít phải chịu tổn thương; nhưng thực ra, nếu chưa từng trải nghiệm mọi thứ với sự ngây thơ hoàn toàn để rồi đổ vỡ, nó sẽ không bao giờ có cảm giác vững vàng về hiện thực đang tồn tại dưới đôi chân của nó. Sẽ là một sự chông chênh khác khi đứng trên hiện thực tạo ra từ kinh nghiệm của những người khác, dù đó là thứ kinh nghiệm đúng đắn. Vậy nên, nếu có phải là một đứa trẻ, nếu phải ở trình độ sơ cấp với bất cứ mọi điều, tôi không còn cảm thấy đó là việc quá kinh khủng nữa. Tôi chấp nhận điều này. Chẳng phải vì tôi đã tìm được chân lí nào đó làm nền móng vững chắc. Chỉ đơn thuần là tôi đã quá mệt mỏi. Và tôi cũng dần thay đổi suy nghĩ về các cụm khái niệm như đam mê, thành công, thất bại. Có lẽ, chẳng ai sinh ra muốn mình là người thất bại. Nhưng nếu tất cả mọi người đều thành công theo đúng những gì chuẩn mực mà xã hội định nghĩa, khi đó họ không còn cảm thấy mình đang thành công nữa, sự thành công trở thành một sự bình thường mới. Nếu như nỗi buồn là thứ cần có để cảm nhận hạnh phúc, vậy thì thất bại cũng là một thứ tương tự để cảm nhận thành công. Người thất bại cũng có vai trò trong xã hội: họ là tấm gương để người thành công nhìn vào biết mình đang thành công, những người thất bại khác nhìn vào họ cũng đỡ thấy bơ vơ, các bài viết hay sách self-help, dạy làm giàu có thêm ví dụ cụ thể minh họa để khuyến cáo người xem không làm theo lối sống của người thất bại… Và có thể còn nhiều đóng góp khác nữa mà tôi chưa liệt kê đủ hay nhớ ra hết. Nếu vậy thì việc tôi là người thất bại cũng không phải điều gì quá hệ trọng. Viết những dòng này lại khiến tôi nhớ đến “Soul”.

Tôi lại nhớ đến cái tên quán là “Half Note” trong Soul. Mỗi người xem có thể sẽ có một diễn giải khác nhau về cái tên này. Nhưng với tôi, Half Note không phải là nốt nhạc nửa vời, chẳng đi đến đâu. Ngay từ lần đầu tiên, khi nhìn thấy tên quán lướt qua trước mắt, tôi đã rất thích cái tên này vì liên hệ nó với Jazz. Ở những bài nhạc dựa trên điệu thức trưởng, thứ tự nhiên thì thông thường dễ tạo cho người nghe cảm giác trọn vẹn bởi nó có đến năm vị trí giữa hai note có khoảng cách là một cung (tone) và chỉ có hai vị trí có khoảng cách là nửa cung (semi-tone). Nhưng điều tinh túy và cốt lõi của Jazz chính là ở nửa cung, không phải một cung (tôi đã từng đọc hay xem video ở đâu đó, có ai nói như thế). Những hợp âm hoặc giai điệu của Jazz tạo tension liên tục từ nửa cung để giải quyết về vị trí ổn định, cứ bất ổn rồi ổn định, và lại bất ổn rồi ổn định. Quãng hai thứ (nửa cung) không phải là một quãng dễ chịu, những bài nhạc không phải Jazz, Blues thường tránh giai đi quãng hai thứ quá nhiều, có một số bài còn không có quãng hai thứ. Nhưng rồi giai điệu của Jazz cho ta thấy quãng hai thứ có thể nghe lạ lẫm và hay vô cùng nếu tìm được cách thích hợp giải quyết nó sau đó. Nửa cung (semi-tone) chính là một trong những đặc trưng cơ bản trong Jazz. Tên quán Jazz trong Soul không phải là Half Tone mà là Half Note, tuy nhiên tôi nghĩ rằng có lẽ ý nghĩa cũng tương tự. Khoảng năm, sáu năm về trước, khi mới bắt đầu tự tìm hiểu sơ về Jazz qua YouTube, tôi nhớ rằng ý nghĩa về semi-tone trong Jazz có khiến tôi đôi phần xúc động. Chính nhờ thêm các note semi-tone này (b3, b5, b7 – còn gọi là Blues Note) mà âm nhạc được mở rộng hơn, tự do hơn, phóng khoáng hơn, nếu chỉ chơi trưởng thứ tự nhiên và lâu lâu có rải rác thêm vài note ngoài điệu thức thì vẫn còn chút bó hẹp. Nhưng không chỉ có b3, b5, b7, về note giai điệu thì thực ra với Jazz, mọi thứ đều được phép, miễn là tìm ra cách giải quyết phù hợp này sau đó. Tôi nghĩ tên quán trong “Soul” chính là thể hiện tinh thần này. Và cả bộ phim cũng đề cao sự phóng khoáng đó. Nếu không có một đam mê đặc biệt, hay mục tiêu cụ thể thì trước tiên cứ sống, hoặc tồn tại cũng được, cứ đơn giản là đi từ note này sang note khác, không quá khắt khe và sửa sai bằng cách đi tiếp.

Giống như nửa cung, sự dở dang không hẳn là một điều tiêu cực. Nó là tiếng gọi ta tiếp tục cất bước. Tuy vậy, tiếng gọi này không mang sự thúc ép cưỡng cầu bí bách. Nó chỉ là một lời gợi ý nhẹ nhàng. Đôi khi, cứ mắc kẹt lại ở quãng hai thứ đó, ở nửa cung đó cũng là một điều hay. Giống như hai nốt nhạc mở đầu của bản Fur Elise cứ ngân nga mãi, lắng đọng trong khoảnh khắc đó, không thể kết thúc. Giống như điều Josee thường tự nhủ:

“Dù đôi lúc, em ước mình có thể cùng anh đến những nơi tận cùng xa xôi nhất; đôi lúc, em lại chỉ muốn mình cứ bị mắc kẹt mãi như thế này.”

Kodaki

Click to comment

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trà chiều

Trịnh Công Sơn nói gì về tình yêu?

Published

on

By

Có lẽ với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tình yêu là một nỗi niềm đau đáu. Đó không chỉ là chủ đề lớn trong các sáng tác của ông mà còn là nguồn cảm hứng sống vô tận: "Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá Đời."

Tình yêu, với Trịnh Công Sơn, là diễm tình. Trước hết là phải đẹp, đẹp trong từng lời bội bạc, bước chân quay gót, trong dở dang và tan vỡ. Sẽ có không mối tình rách rưới hay nhầy nhụa, sẽ không có mối tình than khóc lâm ly, sẽ không có luôn cả đau khổ, hoặc nếu có chăng nữa thì đó là nỗi đau khổ đã đành, đã sẵn, và cần được siêu sắc nuôi dưỡng cái giống nòi tình. _ Bửu Ý _ Trích Tâm Tình Với Trịnh Công Sơn

Nhân một ngày tháng hai, khi sắc xuân vẫn đang ướp đầy trong lộc non và tình yêu thì đượm chín trong lòng người, hãy cùng Bookish quay ngược thời gian, trở về mùa xuân năm 1998 và đọc lại những tâm tư rất thân phận của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về tình yêu.

"Đành vậy với tình yêu."

Trịnh Công Sơn - Xuân 98

Cho đến cuối thế kỷ này, khi mà những khám phá khoa học đã bóc trần mọi lớp vỏ huyễn hoặc của thế giới quanh ta thì con người vẫn tiếp tục hồn nhiên chất vấn mình và chất vấn nhau: Tình yêu là gì? Tình yêu có thật hay không? Bao nhiêu thế kỷ qua đi và tình yêu cũng thay hình đổi dạng. Đắm chìm vào những cuộc vong thân ngoạn mục, tình yêu đã hoá thân và theo từng thời kỳ, mang những khuôn mặt khác.

Tình yêu cuối thế kỷ này không còn mộng mị nữa. Những giấc mơ hão huyền đã ra đi. Con người đến với tình yêu bằng một ngôn ngữ khác. Có một thứ hình bóng của mộng du len lỏi vào giữa cái điều mà người ta gọi là tình yêu. Và cứ thế người ta lao vào cái điều "tưởng như" ấy một cách đồng bóng và đánh mất dần cái hồn phách thơ mông của những ngày đã xa xưa.

Đừng bao giờ nói một lời có tính cách khẳng định về tình yêu. Mới ngày hôm qua là như thế hôm nay đã khác rồi. Tình yêu tưởng vĩnh viễn ra đi mà không ra đi. Tình yêu vờ như ở lại mà không ở lại. Kể lại một chuyện tình thường khi là kể lại một cái gì đã mất. Nhưng cũng không hiếm những trái tim lạc hướng bỗng một hôm lại ngoạn mục quay về. Không thể nói nhiều về tình yêu mà không mắc lỗi lầm. Cứ để nó yên ở một vị trí nào đó và nhìn ngắm, quan sát hoặc chờ đợi. Tình yêu là bất khả tư nghì.

Không ai điên gì mà tự xưng mình là kẻ biết rõ về tình yêu nhất. Đau khổ cả trăm lần vẫn cứ là một đứa trẻ thơ trong tình yêu. Tình yêu có lẽ là lời nói dối uyên thâm nhất của trái tim. Một trái tim kim cương không tì vết, không thách thức nhưng ngạo nghễ và thích đùa. Một thứ đùa cợt làm bằng bi hài kịch và trên sân khấu của cuôc hành trình đã làm nổ tung ra những cơn thịnh nộ của núi lửa hoặc của những mùa băng rã tuyết tan.

Dù thế nào cũng đừng phỉ báng tình yêu bởi nghĩ cho cùng nó vẫn là nguồn an ủi duy nhất. Nó là trò chơi dối trá cần thiết và qua nó chỉ có con ngưòi mới hiểu được thế nào là đau khổ để rồi có lúc phải thốt lên: Tôi buồn quá....

Tình yêu không có thắng bại. Ở đây không phải đấu trường mặc dù vẫn có những vết thương. Thậm chí đôi khi còn mang đến những cái chết, những cái chết không báo trước nhưng cũng nhuốm đầy đủ màu sắc tai ương, của một kiếp nạn. Những cái chết như thế không còn mới mẻ gì nữa, chỉ đủ gây ngạc nhiên thoáng qua để có dịp nhắc nhở lại một thời kỳ vàng son của triều đại lãng mạn. Thế nhưng ở đâu đó trên các vỉa hè trong lòng các đô thị, nhất là dưới ánh đèn mờ tỏ ở các ngoại ô, tiếng xì xào vẫn cứ vang lên như một ngọn gió xót thương qua các đền thờ của ảo giác. Đó cũng là lời tôn vinh phù phiếm nhằm làm thăng hoa tình yêu hầu khôi phục lại một thứ lòng tin đã bị đánh mất.

Nếu có dịp chạm vào tình yêu thì hãy thử mượn một cỗ xe chở lòng bất kính đến trước. Có thể không hẳn là lòng bất kính mà một cái gì đó gần với sự thờ ơ, lãnh đạm hoặc một phương cách lịch sự bóng bẩy phường tuồng. Đó là lá chắn cần thiết, một thứ bùa hộ mạng để chống đỡ những mũi dao vô đạo có thể gây thương tích bất ngờ trên lòng tự trọng.

Tình yêu hình như không di chuyển trên một mặt phẳng. Nó thường dẫn người trong cuộc đi qua những nơi chốn không hề dự phòng trước. Thế rồi một hôm bỗng dưng mọi chuyện cứ lệch lạc hẳn đi và người trong cuộc thấy mình không còn là mình nữa. Như trong mùa biển động, những con sóng dữ tha hồ nhảy múa và nó rút dần tinh lực của con người.

Có những kẻ thấy được thiên đường. Có những kẻ thấy được địa ngục. Và có không ít những kẻ bị chọc mù đôi mắt khi đi qua tình yêu. Những giấc mơ hồng, những ác mộng đen. Đôi khi có những cái bóng vô hồn ngoan ngoãn tới lui trong không gian vô hình của những câu thần chú. Khi nhóm lửa đốt lòng mình trên những mê hoặccủa lời thề nguyền thì lúc ấy chỉ còn âm binh nói chuyện với âm binh. Giấy vàng bạc bay lả tả phủ hết con đường tỉnh thức để mở ra một cõi đời son phấn ngào ngạt hương hoa mơ mơ, tỉnh tỉnh, muội muội, mê mê nhưng đầy một thứ lạc thú riêng tư, một cõi trời bay bổng.

Chấp nhận tình yêu là chấp nhận một thứ có có, không không, đùa đùa, thật thật. Nó vô hình tướng nhưng làm rã tan hồn phách. Không có nó thì đời sống không biết sẽ tẻ nhạt đến dường nào. Thôi thì đành có nó vậy.

Đọc bài viết

Trà chiều

Goodnight Mommy: Tiếng hát ru từ bóng tối điêu linh

Published

on

By

Dù không phải là người xem nhiều phim kinh dị, Ich seh, Ich seh (Goodnight Mommy) vẫn là phim khá dễ đoán và không có nhiều sáng tạo với tôi. Tôi nghĩ rằng có lẽ những ai đã từng xem qua A tale of two sister (2003) của đạo diễn Kim Jee Won đều sẽ cảm thấy Ich seh, Ich seh không mới. Twist lớn nhất của phim là việc Lukas đã chết được tiết lộ rất rõ ràng qua những hình ảnh ngay từ đầu phim.

Cái chết được thông báo một cách tinh tế

Ich seh, Ich seh mở đầu bằng tiếng hát ru của một dàn hợp ca trong nền màn hình vẫn còn tối. Khung hình dần sáng và chúng ta thấy được những em bé đang đứng hát, chúng ta biết đây là những hình ảnh trong một chương trình truyền hình. Màn hình dần chuyển sang tối và lại chuyển sáng với khung cảnh đồng lúa ngô quay từ trên cao, hai anh em sinh đôi chạy rượt đuổi, len lỏi qua những bụi cây. Phim dành khá nhiều thời gian cho cảnh hai anh em nhún nhảy trên một mảnh đất nứt nẻ, có độ xốp và độ đàn hồi cao. Sau đó, hai cậu chạy đến một cửa hầm, một cậu vào hầm trong lúc một cậu đứng ngắm nhìn bụi cây. Tại đây, bộ phim xuất hiện câu thoại đầu tiên khi cậu bé đứng ngắm bụi cây không thấy người anh em còn lại của mình đâu, cậu chạy đến trước cửa hầm gọi lớn: “Lukas, Lukas, Lukas…” Chúng ta biết cậu bé đã đi qua cửa hầm là Lukas. Sau khi gọi tên Lukas rất nhiều lần nhưng không nhận lại được bất kì sự hồi âm nào, cậu bé còn lại đứng tần ngần trước cửa hầm rất lâu. Đây là một cảnh trung với hình ảnh cậu bé nhỏ nhoi, đơn độc trước cửa hầm đen tối choán cả khung hình. Cảnh này diễn ra có lẽ chừng 7, 8 giây – một thời gian dừng lại đủ lâu để ta nhận thấy ắt hẳn phải có dụng ý. Và rồi cậu bé còn lại đi qua cửa hầm, màn hình tối đen hoàn toàn, chúng ta có thể nghe được tiếng gì đó tựa như tiếng tàu chạy trên đường ray rất nhỏ.

Màn hình lại chuyển sáng và chúng ta thấy khung cảnh một cậu bé sinh đôi nằm trên tấm ván đen đang lướt chầm chậm giữa hồ. Đó là một cảnh toàn. Mặt hồ rất trong và tấm ván rất đen đến nỗi ta không thể thấy được lằn ngăn cách giữa cậu bé đang nằm trên tấm ván và bóng hình cậu bé phản chiếu dưới nước. Ta cảm thấy như hình và bóng của cậu bé dính liền với nhau mà không có sự phân chia giữa tấm ván và mặt nước. Qua thị giác, ta cảm thấy như thể đang có hai cậu bé; nhưng thực chất, bằng lí trí ta biết là chỉ có một cậu bé. Đến đây, tôi đã hiểu là có một cậu bé chết rồi, có thể đó là Lukas và cậu chết ngay thời điểm đi qua cửa hầm hoặc trong giây phút nào đó khi cậu bé còn lại đứng tần ngần trước cửa. Cửa hầm mà từ bên ngoài chúng ta không nhìn thấy bất cứ thứ gì như tượng trưng cho cánh cửa dẫn đến địa ngục, là cầu nối giữa sự sống và cái chết. Hình ảnh cậu bé nằm trên mặt hồ khiến hiện thực như có gì đó sai lệch giữa hình và bóng, giữa thực tế và ảo ảnh đã đưa ra gợi ý khá rõ ràng cho người xem: cậu bé còn lại giờ đây đã đơn độc nhưng vẫn tìm được sự kết nối với người đã chết, hai cậu không thể tách rời nhau như hình với bóng. Lúc này, tôi nghĩ thầm trong đầu với sự thán phục rằng phim thật tinh tế, chỉ bằng những hình ảnh đơn giản như thế đã đủ khiến người xem hiểu được có một trong hai cậu bé chết rồi. Ich seh, Ich seh mở đầu thật hứa hẹn và tôi đã chờ đợi bộ phim làm được nhiều hơn thế.

Với những ai chưa đoán ra thông tin Lukas đã chết, bộ phim cũng cung cấp rất nhiều gợi ý cho người xem trước khi việc này được tiết lộ rành mạch qua lời người mẹ ở cuối phim. Gần nửa đầu phim, chúng ta chỉ toàn nghe cậu bé còn lại gọi tên Lukas. Cái tên Lukas được gọi lên liên hồi rất nhiều lần, chúng ta biết được tên Lukas từ rất sớm trong khi chúng ta không biết tên cậu bé còn lại, mãi đến gần giữa phim, chúng ta mới biết cậu bé còn lại tên là Elias. Đây là một dụng ý rõ ràng. Thông thường, những gì được gọi đến nhiều hơn là những gì đã mất đi và chúng ta gọi nó với sự hối tiếc. Con người là thế, luôn trân trọng những gì đã mất và mấy ai nhận ra cái chưa mất đi cũng đáng trân trọng không kém. Chi tiết này phần nào đó tương tự như thế. Ngoài ra, còn một chi tiết nữa dễ nhận ra hơn là Lukas không bao giờ trực tiếp nói điều cậu muốn nói với bất kì ai ngoại trừ Elias. Khi chỉ có cậu và Elias, cậu sẽ trò chuyện bình thường. Nhưng khi có người ngoài xen giữa cậu và Elias, cậu sẽ chỉ trao đổi với Elias; khi muốn nói bất kì điều gì với người ngoài, cậu sẽ nói nhỏ qua tai Elias, sau đó Elias nói lớn lại cho người kia biết. Trong phim, ngoài những cảnh trò chuyện với người mẹ mà một số người xem có thể bị đánh lừa việc bà lờ Lukas đi là do đang giận cậu thì chúng ta còn có những cảnh sau để thấy rõ điều này: cảnh hai anh em chạy đến nhà thờ và nói chuyện với người thanh niên đang quét dọn ở đây, cảnh hai anh em đối phó với người của hội chữ thập đỏ.

Tôi đã đọc qua một số ý kiến bình luận của khán giả xem phim tại IMDB, trang web của Roger Ebert, trang Rotten Tomatoes và nhận ra là có rất nhiều người cũng đoán biết trước việc Lukas đã chết qua những phút đầu tiên của phim hoặc qua một số chi tiết cứ lặp đi lặp lại suốt phim. Vì vậy, họ không cảm thấy bất ngờ khi người mẹ tiết lộ việc này ở hồi ba của phim. Có một số khán giả thậm chí còn bình luận rằng việc Lukas đã chết thậm chí không thể xem là twist của phim. Nếu dụng ý của Franz và Fiala là để chi tiết này làm twist thì tôi cho rằng đây là thất bại vì rất nhiều người đã đoán ra việc này từ sớm; tôi đã chờ đợi cú twist phải là một điều khác, hoặc ngược lại với những gì tôi đã dự đoán. Cũng có khả năng, Franz và Fiala không muốn tạo kịch tích qua tình tiết này mà chỉ muốn người xem tập trung vào câu chuyện nên họ không quan trọng liệu người xem có đoán được quá sớm hay không.

Mầm mống bạo lực của Elias đến từ đâu?

Ich seh, Ich seh có cấu trúc đảo chiều khá thú vị: nửa đầu phim được kể với góc nhìn của hai đứa trẻ mang không khí kinh dị, nửa cuối phim được kể với góc nhìn của người mẹ mang không khí hiện thực. Nửa đầu phim có thể sẽ khiến khán giả đồng cảm, thương hai anh em sinh đôi và căm giận người mẹ, nửa cuối phim có thể sẽ khiến khán giả có cảm xúc ngược lại. Tôi nghĩ có lẽ Franz và Fiala sẽ mong muốn khán giả đồng cảm với cả hai bên sau khi bộ phim kết thúc. Tuy nhiên, tôi không thể nào đồng cảm với hai cậu bé sinh đôi. Với tôi, phim đã xây dựng thất bại mặt tâm lí của hai đứa trẻ và chỉ thành công với người mẹ. Khi phim kết thúc, có lẽ rất nhiều người sẽ nhận ra thông điệp cảnh tỉnh về tình trạng thờ ơ, thiếu sự quan tâm, thấu hiểu giữa bố mẹ và con cái được thể hiện khá rõ ràng. Tuy nhiên, thông điệp của Ich seh, Ich seh sẽ có sức mạnh hơn nếu như phim khiến người xem đồng cảm với hai anh em sinh đôi hơn, đặc biệt là với Elias. Dưới đây, tôi sẽ phân tích một số điểm yếu hoặc bất hợp lí trong cách xây dựng tâm lí của hai đứa trẻ.

Khi phim kết thúc, người xem có thể hiểu rằng do cú sốc tinh thần về cái chết của Lukas đã khiến Elias bị mắc bệnh tâm thần, cậu không kiểm soát được những ảo ảnh và hành vi bản thân; vì vậy, hành động tra tấn và giết mẹ ở cuối phim của cậu là hoàn toàn có thể cảm thông. Nhưng tôi vẫn cảm thấy cậu không đáng để cảm thông bằng người mẹ. Ngay từ đầu, phim đã cho người xem thấy tâm lí không bình thường của hai đứa trẻ qua sở thích kì lạ: sưu tầm những con rệp và bỏ vào trong chiếc hộp chứa đất, giả định rằng đó là môi trường sống của con rệp. Hai cậu bé đặt chiếc hộp này ngay trong phòng ngủ. Tôi không kì thị những người yêu côn trùng nhưng xét trên bình diện chung, những đứa trẻ thường sẽ không có sở thích này. Rõ ràng, qua việc chọn cho hai đứa bé sở thích hơi khác biệt với số đông, Franz và Fiala đã ngầm gieo vào tiềm thức khán giả rằng hai cậu bé này có sự lập dị. Tôi sẽ không đánh đồng sở thích với tính lập dị chỉ với chi tiết này, nhưng Franz và Fiala không dừng ở đây. Hình ảnh con rệp lặp đi lặp lại xuyên suốt phim; trong đó, có hai hành động trong giấc mơ của Elias đáng chú ý là: việc cậu để con rệp bò lên người mẹ cậu rồi chui tọt vào miệng bà, việc cậu rạch bụng mẹ và rất nhiều con rệp bò ra từ bụng bà. Tuy rằng, hai hành động này chỉ diễn ra trong giấc mơ và lại vào thời điểm mẹ cậu còn băng kín khuôn mặt, cậu nghi ngờ đó không phải là mẹ nhưng chúng ta có thể thấy nó ẩn chứa sự gian ác, mầm mống của bạo lực ngay trong tiềm thức cậu. Hai hành động ấy rất khác với cách hành xử bình thường của trẻ con khi nghĩ rằng một người lạ nào đó đang giả dạng mẹ chúng. Nếu một đứa trẻ không có mầm mống bạo lực, cách xử sự của chúng có thể khác nhau tùy theo tính cách nhưng việc làm tổn thương đến người khác không phải là việc đầu tiên chúng nghĩ đến. Phản ứng thông thường của chúng sẽ là khóc thét lên, nhưng ở đây, Elias đã đủ lớn để kiềm chế cảm xúc nên phương án này bị loại bỏ. Phương án thích hợp hơn là dò hỏi những người thân khác về người xa lạ đó. Tôi nghĩ Elias hoàn toàn có thể gọi điện hỏi bố hoặc bất cứ người thân, họ hàng nào trong gia đình về mẹ cậu, về lần cuối cùng họ nhìn thấy mẹ cậu và có thể một ai đó sẽ biết được ý định phẫu thuật thẩm mĩ của bà rồi nói lại cho cậu biết. Nhưng bộ phim đã bỏ qua phương án đó, hoặc Elias không thể nghĩ đến cách nào khác hơn để tìm người mẹ thật ngoài việc tra tấn người mà cậu nghĩ là mẹ giả. Như vậy, rõ ràng mầm mống bạo lực đã có trong cậu. Mầm mống ấy từ đâu ra? Có phải mẹ cậu đã gieo vào cho cậu không? Nếu đúng là mẹ cậu đã gieo vào cho cậu thì bộ phim thành công trong việc phản ánh thông điệp sự vô tâm của các bậc phụ huynh dẫn đến hành vi bạo lực của con cái. Thế nhưng, ta hãy thử khảo sát lại một số tình tiết trong phim để xem có đúng là mẹ cậu đã gieo vào cậu sự bạo lực không.

Ở đầu phim, mẹ cậu đã đưa ra một số qui tắc cho cậu: phải đóng kín rèm vào ban ngày; mẹ sẽ luôn ở trong phòng, khi có việc gì cần, cậu phải gõ cửa trước khi vào; nếu có khách đến nhà tìm mẹ thì bảo rằng mẹ không có nhà; không đi chơi quá xa ngoài khu vực nhà; không để bất cứ động vật nào trong nhà. Vì những qui tắc này, cậu bắt đầu nghi ngờ rằng người đang bó băng kín mặt nói chuyện với mình không phải là mẹ, bởi với cậu: “Trước đây, mẹ luôn dịu dàng và chăm sóc mình, mẹ chẳng có bất kì đòi hỏi nào vô lí. Mẹ không cấm mình để động vật trong nhà. Người này không phải là mẹ mình.” Như vậy, trước đây, người mẹ này không đối xử bạo lực với cậu; có thể như bao người mẹ khác, bà sẽ chỉ trừng phạt cậu một cách nhẹ nhàng khi cậu có sai phạm; dù là thế nào thì suy nghĩ đó của cậu cũng đồng nghĩa với việc bà không gieo vào cậu bất cứ kí ức tồi tệ nào trước đây. Vì mẹ đã từng đối xử rất tốt với Elias nên Elias nghi ngờ khi bà có biểu hiện thay đổi. Trong những qui tắc bà đặt ra cho Elias, chỉ có hai qui tắc ảnh hưởng trực tiếp đến cậu: “không đi chơi quá xa ngoài khu vực nhà” và “không để bất cứ động vật nào trong nhà”; những qui tắc còn lại đều không có gì quá đáng. Tại sao bà không cho Elias đi chơi quá xa ngoài khu vực nhà? Bởi bà sợ cậu sẽ lại gặp tai nạn và qua đời như Lukas, đây là tâm lí rất dễ đồng cảm với người mẹ vừa mất đứa con. Tại sao bà không cho Elias để bất cứ động vật nào trong nhà? Tôi nghĩ rằng bộ phim đã tiết lộ câu trả lời cho câu hỏi này thông qua một chi tiết ẩn dụ ở đầu phim. Đó là cảnh Elias đánh răng trong nhà tắm, cậu nhìn thấy một con rệp đang bò trên vách tường nhà. Khuôn hình trong cảnh này dừng lại rất lâu ở hình ảnh con rệp từ từ bò lên cao và khi đến mé vách tường, do không giữ được thăng bằng, nó rớt xuống. Một lần nữa, đây là hình ảnh ám chỉ có người đã chết. Sau đó, chúng ta biết rằng hai anh em Lukas và Elias có sở thích sưu tập những con côn trùng, những con rệp. Như vậy, quay ngược lại hình ảnh trước đó, có thể Franz và Fiala đã cho chúng ta gợi ý về nguyên nhân cái chết của Lukas: cậu đi qua đường hầm đó, nhìn thấy một côn trùng đẹp đẽ, cậu đã chết khi cố gắng lấy con côn trùng đó, có thể là do ngã trên vách núi hoặc bị một đoàn tàu đâm phải. Nếu tạm chấp nhận giả thuyết này, ta sẽ thấy rất hợp lí khi mẹ - vốn cũng là một người yêu động vật lại cấm Elias để động vật trong nhà vì bà nghĩ rằng đó là nguyên nhân khiến Lukas chết đi. Như vậy, những qui tắc người mẹ đưa ra đều hợp lí, không có gì quá đáng, bà cũng không gieo mầm mống bạo lực trước đó cho Elias. Thế thì, trong khoảng thời gian bà băng kín mặt sau khi trở về từ cuộc phẫu thuật thẩm mĩ, bà có đối xử điều gì tàn nhẫn đến mức không thể chấp nhận được với Elias chăng? Khi suy nghĩ lại, chúng ta có thể thấy hành động tàn ác nhất của bà là việc đã đổ những con rệp của Elias vào bể nước cậu ngâm con mèo khi nghĩ rằng mẹ cậu đã giết mèo của cậu. Vậy bà có giết mèo của Elias không? Bộ phim không cho chúng ta thấy rõ điều này nhưng dựa trên phân tích từ những chi tiết trong phim, tôi cho rằng bà không giết mèo của cậu. Bởi vì bà đã nói rằng bà không thích để động vật trong nhà nên nếu bà giết mèo, bà hoàn toàn có thể đem xác mèo vứt ở bờ hồ gần nhà hoặc chôn ở một nơi nào đó trong rừng. Với tâm lí của một người nội trợ, dù đang tuyệt vọng và giận dữ thế nào, tôi chắc rằng bà cũng không quên việc này bởi để xác mèo trong nhà mà không phát hiện sớm sẽ bốc ra mùi rất hôi thối. Tâm lí người bất ổn không thể nào chịu nổi thứ mùi xú uế đó. Do đó, tôi cho rằng con mèo đã chết vì một nguyên nhân nào đó khác. Elias đã bị sự nghi ngờ và thù hận làm mù quáng. Thay vì hỏi trực tiếp mẹ, cậu lại chọn cách khiêu khích bà bằng việc ngâm xác mèo trong bể nước và đặt trước phòng khách. Rõ ràng, đây cũng là cách cư xử biểu hiện tâm lí bất thường trong nội tại, trẻ em bình thường không cư xử như thế.

Qua phân tích khi khảo sát lại bộ phim, ta có thể thấy người mẹ không làm gì quá đáng với Elias khi bà băng kín mặt, bà chỉ nổi giận và gắt gỏng với cậu – điều này hoàn toàn có thể chấp nhận được vì bà cũng là người đang suy sụp tâm lí vì tai nạn của Elias, vụ li hôn với chồng; còn trước đó, bà vốn đối xử tốt với Elias. Như vậy, mầm mống bạo lực trong cậu thực tế không phải từ bà mà chúng ta chỉ có thể tạm chấp nhận đó là thứ bẩm sinh trong cậu, minh chứng là hành động của cậu trong những giấc mơ, sở thích và cách giải quyết vấn đề kì quặc của cậu bên ngoài; đó có thể là bản chất của cậu trước cả khi Lukas mất.

Người mẹ đáng thương

Về người mẹ, tôi đã có dự cảm mơ hồ rằng bà chính là mẹ thật của hai anh em ngay từ cảnh bà chơi trò đoán nhân vật/đồ vật được dán trên trán với Elias. Nhìn cách bà chơi với con, nhẫn nại hỏi và đoán, cách bà mỉm cười và ánh mắt của bà, tôi không hề cảm thấy rằng đây là một người xa lạ đang cố lẻn vào nhà với mục đích xấu. Sau đó, trong phim có một cảnh quay đằng sau lưng bà, chúng ta có thể thấy dáng người bà ngồi trên giường rất cô đơn, đôi vai run run. Tiếp theo là cảnh bà đứng trước gương, ngắm nhìn mình trong gương, làn gió từ khung cửa sổ đang mở khiến chiếc áo ngủ mỏng manh bà mặc bay phất phơ. Đây cũng là cảnh được sử dụng trong trailer phim. Tôi có thể hiểu vì sao người ta chọn cảnh này bỏ vào trailer. Đơn giản là hình ảnh một người phụ nữ quấn băng kín, đứng trước gương trong chiếc váy mỏng phất phơ như thế rất dễ đem lại cảm giác kì dị và chút sợ hãi. Tuy nhiên, khi xem cảnh này trong mạch phim, tôi lại cảm thấy đây là một cảnh rất buồn. Hình ảnh đó thể hiện sự cô đơn, tâm trạng hoang mang, lạc lõng của người mẹ. Bà không tìm được sự kết nối với ai, bà không biết bày tỏ nỗi lòng của mình như thế nào, bà chỉ biết đứng trước gương, đối diện với chính mình, và có thể bà cũng đang thấy xa lạ với chính mình trong khuôn mặt quấn băng đó. Ngay từ cảnh ấy, tôi đã chắc chắn đó không phải là bất cứ linh hồn ma quỉ nào đang chiếm ngự cơ thể bà, chẳng có linh hồn tà ác nào nhập vào vật chủ rồi lại ngắm nhìn vật chủ trong gương như thế. Đó chính là bà. Còn giả thiết một người lạ phẫu thuật và đóng giả làm bà ư? Cũng không thể. Giả sử có một người đã giết bà hoặc giấu bà ở nơi nào đó vì muốn chiếm lấy căn nhà hay vì mục đích nào khác, người ấy không cần phải dụng công phẫu thuật cả khuôn mặt và ở trong nhà lâu như thế, lại đặt rất nhiều bánh pizza đủ dùng cho cả năm, chưa kể là còn phải cố gắng giả giọng nói – một thứ vốn chẳng dễ dàng chút nào. Những việc này quá tốn công sức trong khi người đó có thể chỉ đơn giản là quấn băng, mặc áo của người mẹ rồi trở về nhà giống như vừa trải qua đợt phẫu thuật và sau đó chỉ cần giết luôn cậu bé Elias, hoặc đơn giản hơn là đánh thuốc mê, trói và nhốt cậu ở đâu đó rồi hoàn thành việc mình muốn làm. Như vậy, giả thuyết có một người lạ giả làm bà cũng rất khó có thể xảy ra, bà chỉ có thể là mẹ thật của hai đứa trẻ.

Vì tôi đã đoán ra hai chi tiết quan trọng nhất sẽ được tiết lộ ở nửa sau phim như thế nên tôi rất mong mình đã đoán sai, bộ phim sẽ khác đi, hoặc sẽ là điều gì đó bất ngờ và xúc động mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, rốt cuộc tôi đã dự đoán đúng hai chi tiết này. Vì vậy, tôi chỉ còn bất ngờ cách cư xử tàn nhẫn của cậu bé Elias với mẹ. Như những gì tôi đã phân tích ở trên, sự bạo lực đó phần lớn là bản năng của Elias, không phải do sự vô tâm của người mẹ. Đạo diễn Bá Vũ có nói rằng: “Dù các bậc phụ huynh đối xử với con cái tốt như thế nào, chỉ cần thử một ngày hay một khoảng thời gian đối xử khác đi với con, tệ hơn với con rồi sẽ thấy con mình cũng thay đổi cách đối xử với mình, cũng sẽ đối xử tệ lại với mình vì trẻ con rất dễ học từ xung quanh, rất dễ bị lây nhiễm cái xấu.” Tôi không hoàn toàn phản đối ý kiến này của anh. Tuy nhiên, ý kiến này vẫn có phần áp đặt và không thực sự đầy đủ. Ở đây, anh nhấn mạnh khả năng dễ học hỏi và lây nhiễm của đứa trẻ nhưng lại quên mất rằng trẻ con vốn rất nhạy cảm, chúng đặt nhiều tình thương cho cha mẹ nên dễ giận dỗi khi họ không đối xử tốt với chúng dù chỉ là một chút, nhưng đồng thời chỉ cần họ tỏ thái độ ăn năn, chúng cũng sẽ rất dễ tha thứ bởi đó là người chúng yêu thương.

Vào nửa đầu phim, tôi đã rất cảm động trước tình cảm Elias dành cho mẹ. Cậu đặt bức hình mẹ trong phòng, luôn nhìn bức hình ấy và cầu nguyện mẹ sớm quay trở về với cậu. Tuy nhiên, vào hồi cuối của phim, tôi nhận ra tình yêu đó của cậu chỉ là sự ích kỉ. Nếu cậu thực sự yêu mẹ, giây phút cậu lắng nghe mẹ nói phải nhiều hơn, giây phút cậu đấu tranh mâu thuẫn nội tâm phải nhiều hơn, cậu phải phần nào đó cảm nhận nỗi đau của mẹ mà chùng tay nhiều hơn. Trong phim, cậu cũng có những giây phút dừng lại suy nghĩ nhưng nó vẫn quá ít, quá yếu ớt trước sự nghi ngờ mù quáng và cái ác trong cậu. Đạo diễn Bá Vũ luôn nhấn mạnh lỗi của người mẹ, anh nói rằng: “Người mẹ quá vô tâm khi ngay cả bài hát con mình yêu thích nhất cũng không nhớ được. Vì vậy mới dẫn đến bi kịch gia đình như thế. Giá mà bà chịu ngồi xuống nói chuyện với con một chút thay vì đặt ra những qui luật hà khắc và mắng mỏ con như thế thì có thể mọi chuyện đã được cứu vãn.” Anh nhấn mạnh lỗi của người mẹ hơn là lỗi đứa con. Tuy vậy, anh quên mất rằng nếu người mẹ đó quá vô tâm thì làm sao cậu bé ấy lại luôn muốn tìm người mẹ dịu dàng trước đây của mình như thế. Rõ ràng, trong tâm lí của Elias, mẹ cậu đã từng là người rất tốt và bà chỉ trở nên xấu xí trong mắt cậu kể từ khi bà lờ đi sự tồn tại của Lukas – vốn đã chết và được tái tạo lại bằng sự tiếc thương của cậu. Với một người không đối diện nổi thực tế, để bảo vệ thế giới ảo tưởng do mình tự tạo ra, người đó sẽ tránh xa bất cứ ai có nguy cơ hủy diệt thế giới đó. Khi Lukas vừa mới mất, vì tự trách móc lỗi lầm do mình gây ra, Elias đã tưởng tượng rằng Lukas còn sống. Tôi nghĩ rằng khi ấy, mẹ cậu vẫn chăm sóc Elias như trước đây nhưng vì cậu cứ một mực trách móc việc bà vô tình với Lukas, bà quá mệt mỏi bởi bản thân cũng đang rất đau đớn nên đã tạm thời bỏ lơ cậu. Và từ trách móc chính mình, để không phải quá ray rứt, trong vô thức Elias chuyển sự trách móc sang người mẹ: lỗi là bà đã quá vô tâm. Có thể rất nhiều người sẽ có chung ý kiến như anh Bá Vũ, sẽ trách móc người mẹ rằng không quan tâm con mình nhiều hơn, không hỏi han con mình nhiều hơn nhưng có bao giờ họ tự hỏi rằng tại sao không phải ngược lại, tại sao Elias không quan tâm đến mẹ nhiều hơn, không hỏi han mẹ nhiều hơn sau tai nạn đó. Nếu như Elias quan tâm đến mẹ nhiều hơn, cậu cũng đã biết được nỗi phiền muộn của mẹ, biết được việc bà đi phẫu thuật thẩm mĩ. Những ai trách móc người mẹ có bao giờ nghĩ rằng bà đã dịu dàng với con mình quá đủ rồi, bà đã chịu đựng quá đủ rồi không? Bà vừa phải gánh lấy nỗi đau mất một đứa con, vừa li dị chồng và đứa con còn lại cũng chẳng cảm thông với bà, chỉ mãi sống trong thế giới ảo tưởng do nó tự dựng lên. Đau lắm chứ. Rất đau. Và bà phải một mình gánh lấy tất cả. Một số người có thể nói rằng không thể trách cậu bé được vì cậu bé còn nhỏ, làm sao hiểu được những chuyện như thế này, rằng phản ứng bình thường của trẻ con là như thế. Nhưng như tôi đã viết, đứa trẻ nào cũng có sự nhạy cảm của nó và khi thực sự yêu thương cha mẹ, chúng sẽ dễ dàng nhận ra nỗi đau của họ.

Một đứa trẻ khác

Việc Ich seh, Ich seh khai thác mối quan hệ giữa người mẹ và con trai, trong đó vì một nguyên nhân nào đó, người mẹ đối xử lạnh lùng với con khiến tôi nhớ đến một phim cũng khai thác mối quan hệ tương tự là L'enfant d'en haut (2012) của đạo diễn Ursula Meier. Người mẹ trẻ trong phim này cũng đối xử rất lạnh lùng với con trai mình. Cô sinh ra cậu trong sự bồng bột của tuổi trẻ với mối tình chớp nhoáng nên cậu không có cha. Cậu sống chung nhà với cô nhưng cô không cho phép cậu gọi mình là mẹ mà phải gọi là chị kể cả khi ở nhà hay ra bên ngoài. Cô thờ ơ, không quan tâm đến cậu, không chăm sóc cho cậu và vẫn tiếp tục buông thả mình với những người đàn ông khác. Nhiều lúc, cô lên xe của một người đàn ông xa lạ và đi cả hàng tuần không trở về nhà. Cậu rất cô đơn, không có được tình thương lẫn vật chất, cậu phải ăn trộm những dụng cụ trượt tuyết của khách du lịch rồi bán lại cho những người khách khác để lấy tiền sinh sống. Mẹ của cậu đôi khi trở về nhà sau khi đã tiêu hết tiền và không ngại ngần lấy số tiền ít ỏi cậu cướp được từ việc ăn trộm để tiếp tục sống những ngày tháng chìm trong men rượu. Như thế đã quá tệ bạc nhưng vẫn chưa đủ: mẹ cậu hay là chị cậu, chưa một lần cho cậu ngủ chung giường, chưa một lần ôm cậu vào lòng khi ngủ. Vậy cậu có thù hận mẹ, có ý định chạy trốn khỏi mẹ, có ý định không cho mẹ tiền nữa, có ý định tra tấn mẹ để mẹ sợ hay thậm chí là giết mẹ như Elias không? Cậu hoàn toàn có thể đối xử tệ với mẹ như cách mẹ đã đối xử tệ với cậu. Ở cậu, mầm mống bạo lực vì bị đối xử tệ bạc mà mẹ đã gieo vào thậm chí còn rõ rệt hơn rất nhiều lần Elias. Nhưng không, cậu đã không chọn cách làm như Elias, cậu thậm chí còn không đối xử bạo lực với mẹ. Cậu cũng quan sát và bắt chước hành vi của người lớn nhưng theo một cách khác. Cậu nhận thấy rằng những người đàn ông muốn ngủ chung với mẹ thì phải trả tiền cho mẹ. Thế là, khi cậu quá cô đơn, khi cậu chỉ muốn được một lần ngủ chung giường với mẹ, cậu đã hỏi mẹ rằng cậu cần phải trả bao nhiêu tiền cho việc đó. Người mẹ ra một mức và cậu trả. Vì ngạc nhiên với cách hành xử của con trai mình, người mẹ nâng mức giá cao hơn mà cô nghĩ rằng cậu không thể trả được. Thế nhưng, cậu vẫn trả. Nhìn cách cậu cố gắng moi những đồng bạc lẻ từ những túi quần của mình để tập hợp cho đủ số tiền mà mẹ yêu cầu khiến tôi thấy đau lòng và vô cùng yêu mến cậu. Tôi đã rất muốn khóc ở cảnh ấy. Cuối cùng, người mẹ ấy vẫn nhận số tiền và cậu được ngủ chung với mẹ. Rất lâu rồi cậu mới được ngủ chung với mẹ. Đó là một cảnh ban đầu có vẻ tàn nhẫn nhưng sau đó lại vô cùng ấm áp vì chúng ta vừa nhìn thấy được tình yêu dành cho mẹ của cậu, vừa nhìn thấy được mẹ cậu cũng đã bắt đầu nhận ra tình yêu đó, có chút ăn năn và hối lỗi. Simon-tên cậu bé ấy, cũng không phải là một người quá lớn để nói rằng đã phát triển đầy đủ về mặt nhận thức, đã trưởng thành để thông cảm và hiểu chuyện hơn Elias, thực chất cậu ấy cũng chỉ là một đứa trẻ bằng tuổi với Elias.

Cảnh trong phim L’Enfant d’en haut

Thông qua việc dẫn chứng lại tình tiết ấy trong phim L'enfant d'en haut, tôimuốn nhấn mạnh thêm lần nữa rằng mầm mống bạo lực là thứ bẩm sinh trong Elias nên cậu mới có thể tàn nhẫn với mẹ như thế, không tin tưởng mẹ như thế, không lắng nghe mẹ như thế khi mẹ cậu chỉ vừa đối xử lạnh lùng với cậu một chút. Cậu là một đứa trẻ quá ích kỉ và thiếu sự cảm thông. Sự ích kỉ này có thể đến từ việc trước đây mẹ cậu đã quá nuông chiều cậu khiến cậu chỉ biết nghĩ cho bản thân, chỉ biết mỗi mình đau mà không để ý đến nỗi đau của mẹ. Một mối quan hệ muốn tốt đẹp, dù là bất cứ mối quan hệ nào, kể cả mối quan hệ giữa mẹ và con cũng cần phải có sự cố gắng của cả hai phía. Trong Ich seh, Ich seh, tôi có thể thấy được sự cố gắng của người mẹ, tôi hoàn toàn cảm thông với bà. Nhưng còn về phía Elias, như những gì ở trên tôi đã phân tích, tôi hoàn toàn không thể đồng cảm với cậu bé chút nào. Thậm chí, tôi còn rất ghét cậu bé. Với tôi, cậu là người lập dị, ích kỉ, tàn nhẫn bẩm sinh. Ở cảnh Elias hành hạ mẹ mình, cậu đeo một chiếc mặt nạ tương tự với hình mẫu các chiến binh ta vẫn hay thấy trong các phim siêu anh hùng. Qua đó, người xem cũng có thể ngầm hiểu mầm mống bạo lực trong cậu còn xuất phát từ những bộ phim siêu anh hùng cậu xem trên truyền hình. Thế nhưng với tôi, đây là một chi tiết pay off khá gượng ép bởi không có set up ở phía trước. Rõ ràng ngay từ đầu phim, chúng ta thấy chương trình cậu xem là một chương trình ca nhạc, radio cậu vẫn hay nghe cũng không đề cập gì đến bạo lực. Nếu như ngay từ đầu, bộ phim có thêm cảnh mẹ cậu không quan tâm gì đến việc cậu xem truyền hình như thế nào, bên cạnh việc xem chương trình ca nhạc, cậu cũng đã chăm chú xem những phim bạo lực – trong đó có phim mà nhân vật đeo mặt nạ giống như cậu đeo ở cuối phim xuất hiện. Khi sửa lại như thế, cảnh cậu đeo mặt nạ cuối phim tra hỏi mẹ sẽ tự nhiên và không gượng ép; hơn nữa, thông điệp về sự vô tâm của bậc cha mẹ ảnh hưởng thế nào đến con cái sẽ được nhấn mạnh hơn, hợp lí hơn.

Vì những yếu tố thừa và thiếu đó, thông điệp bộ phim đã không thực sự tác động đến tôi nhiều. Đó là thứ thông điệp tôi nhận ra bằng lí trí nhưng về mặt cảm xúc và câu chuyện, bộ phim không xây dựng đủ nền tảng tâm lí nhân vật vững chắc để tôi hoàn toàn thẩm thấu được sức nặng của thông điệp ấy bằng cả lí trí và cảm xúc. Với riêng tôi, đây là thất bại của phim. Tôi cho rằng lí do của thất bại này là vì Ich seh, Ich seh đã khiến tôi đồng cảm với người mẹ nhiều hơn Elias. Lẽ ra, để thông điệp đó được nhấn mạnh, sự đồng cảm này phải chia đều cho cả hai nhân vật, thậm chí còn phải khiến người xem đồng cảm với Elias nhiều hơn là người mẹ thì việc truyền tải thông điệp trọn vẹn mới thành công. Hơn nữa, bộ phim cần phải xây dựng một số tình tiết khác đi đôi chút, nên cho Elias bớt lập dị một chút, nên để cho mầm mống bạo lực của Elias xuất phát từ người mẹ rõ rệt hơn, không nên để bất cứ chi tiết nào khiến khán giả có cảm tưởng mầm mống bạo lực trong cậu là thứ bẩm sinh. Với tôi, kịch bản phim đã xây dựng tâm lí Elias rất một chiều và khiên cưỡng. Tôi không bị thuyết phục bởi diễn biến tâm lí của cậu, tôi cảm thấy rõ ràng sự cố tình sắp đặt của Franz và Fiala bắt cậu phải hành động như thế này, như thế kia để bộ phim được diễn ra như những gì chúng ta đã biết.

Một kết thúc giả định

Qua những phân tích về một số điểm yếu và bất hợp lí trong cách xử lí kịch bản phim theo góc nhìn của tôi, tôi nghĩ ra một phương án sửa kịch bản ở đoạn cuối để khắc phục những điểm tôi đã nêu ở trên. Chúng ta vẫn giữ lại cơ bản nội dung phim cho đến cảnh cậu bé bôi keo dán sắt vào miệng mẹ rồi sau đó dùng kéo cắt để cố tách hai môi bà ra và bà bị chảy máu. Với tôi, sự bạo lực ở đây đã đủ, cần phải dừng lại. Sau đó, Elias sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn với ảo ảnh Lukas mà cậu đã tạo ra bởi những lời gào thét của mẹ, những giọt nước mắt của mẹ, nỗi đau thể xác của mẹ dần tác động đến cậu; có thể cậu sẽ tin hoặc không tin người đó là mẹ mình nhưng qua việc chứng kiến hậu quả của những gì mình đang làm sẽ đánh thức lương tri cậu, cậu nhớ lại những ngày mẹ đã từng đối xử tốt với mình. Lukas đương nhiên không dễ dàng bị Elias thuyết phục chỉ với vài lời nói đơn giản. Elias cố giành lấy cây kéo từ tay của Lukas để cắt dây trói cho mẹ nhưng không được. Thế là, cậu và Lukas tự đánh nhau nhưng thực chất là Elias đang tự vật lộn với chính mình, đang tự đánh nhau với chính mình. Khi nhìn thấy cảnh tượng đó, người mẹ vì cố ngăn cản Elias tự làm tổn thương bản thân mình mà đã bảo cậu dừng lại đi, đừng đánh nhau với Lukas nữa, Lukas đã không còn sống, cậu chỉ đang tự làm tổn thương mình thôi. Elias dù muốn bảo vệ mẹ nhưng cậu vẫn không chấp nhận việc Lukas đã chết, cậu vẫn tiếp tục thấy hình ảnh Lukas và cuối cùng Lukas đâm cậu, hay cậu tự đâm chính mình bằng chiếc kéo. Cậu rút kéo ra khỏi người và cắt dây cởi trói cho mẹ. Trước khi nhắm mắt, cậu vẫn nhìn thấy hình ảnh Lukas đang đứng nhìn cậu. Cậu mỉm cười và trút hơi thở cuối cùng. Trong sự đau đớn vì lại bị mất người con còn sót lại, mẹ cậu hóa điên, bà tự sát. Cuối cùng vẫn là cảnh ba mẹ con đoàn tụ ở cánh đồng lúa ngô.

Tôi nghĩ rằng khi sửa lại một chút kịch bản ở đoạn cuối như thế, khán giả sẽ đồng cảm nhiều hơn với Elias, cảm xúc bộ phim mang đến sẽ mạnh mẽ hơn nên thông điệp đến với người xem cũng tự nhiên hơn, không phải là thứ gượng ép bằng suy nghĩ của lí trí. Đây cũng là điểm khiến Ich seh, Ich seh thua xa A tale of two sister về mặt tác động đến cảm xúc dù hai bộ phim có nội dung tương tự nhau. Với tôi, Ich seh, Ich seh nên được làm như một phim tâm lí hơn là phim kinh dị bởi khi đó, tâm lí nhân vật sẽ được đào sâu hơn khiến câu chuyện trở nên thuyết phục hơn. Điểm đáng tiếc nhất của Ich seh, Ich seh là đã xây dựng hình ảnh người mẹ thành công nhưng lại quá sơ sài và gượng ép trong việc khắc họa tâm lí của Elias vốn phải phức tạp  hơn, có chiều sâu hơn, tinh tế hơn; vì không làm được những điều đó, sự tra tấn của cậu ở cuối phim mang vẻ ngoài giống như sự phi lí của cái ác nhiều hơn là sự bộc phát những ẩn ức vì đã phải kiềm nén quá lâu do yếu tố môi trường và tâm lí. Có lẽ đây cũng chính là lí do bộ phim không được lọt vào vòng đề cử chính thức ở hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc nhất của giải Oscar. Tôi cảm thấy điều này hoàn toàn hợp lí.

Kết luận

Đạo diễn David O. Russell từng nói rằng: “Rất nhiều bộ phim hay ẩn chứa nhiều bộ phim hay khác bên trong chúng.” Ich seh, Ich seh cũng ẩn chứa rất nhiều bộ phim hay bên trong nhưng đáng tiếc bản thân chính nó lại không phải là phim hay. Ich seh, Ich seh chỉ hay phân nửa đầu phim. Kể từ sau cảnh hai cậu bé bị linh mục đưa về nhà, bộ phim đã mất đi vẻ đẹp và sự tinh tế ban đầu bằng biện pháp đẩy mạnh kịch tích và thúc ép tâm lí khiên cưỡng. Có lẽ, Ich seh, Ich seh là cách tiếp cận ngập ngừng của Franz và Fiala khi phải lựa chọn kể lại câu chuyện này theo hướng kinh dị hay tâm lí. Dù đa phần các hệ thống xếp Ich seh, Ich seh vào nhóm phim kinh dị (Horror) nhưng IMDB xếp thể loại phim là Drama, Mystery, Thriller. Tôi hoàn toàn đồng tình cách sắp xếp này. Với tôi, Ich seh, Ich seh không phải là phim kinh dị không đáng sợ mà là phim tâm lí đen tối còn hơi non, thiếu chút nữa đã có thể chạm đến điểm sâu mà lẽ ra nó cần chạm đến. Vì vậy, tôi phải nói Ich seh, Ich seh không hay trong cảm giác rất tiếc nuối.

Điểm đánh giá: 7/10
Kodaki

Đọc bài viết

Trà chiều

Tiếng vọng từ tường đá như một câu thơ xanh xao, u buồn

Published

on

By

Tiếng vọng từ tường đá (Voice from the Stone) là phim kinh dị tâm lí không quá câu nệ vào việc tạo ra sự hồi hộp, căng thẳng – vốn là cách làm quen thuộc ở dòng phim này. Ngược lại, phim xoáy sâu vào tâm lí nhân vật khi họ đối diện với những thực tại mà bản thân không thể lí giải được.

Tiếng vọng từ tường đá lấy bối cảnh trong một tòa lâu đài hoang vắng ở Tuscany (Ý) vào những năm 1950. Cô y tá Verena (Emilia Clarke) được thuê đến đây để chăm sóc Jakob - cậu bé đột ngột trở nên câm lặng sau khi mẹ cậu mất vì bệnh nặng. Verena càng cố gắng để Jakob có thể nói lại thì càng ngày, cô càng dấn vào sâu hơn những bí mật đang bị che giấu trong tòa lâu đài. Cô đã không thể ngờ rằng có một thế lực tà ác đang cố gắng giăng bẫy mình.

Tiếng vọng từ tường đá được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên (La voce della pietra) của nhà văn Silvio Raffo. Cuốn tiểu thuyết này đã được đưa vào danh sách shortlist của giải thưởng Strega (giải thưởng văn học danh giá nhất nước Ý) năm 1997. Silvio Raffo không chỉ là nhà văn, ông còn là một dịch giả tập trung dịch rất nhiều tác phẩm văn học của những nữ tác giả Anh, Mỹ từ tiếng Anh sang tiếng Ý. Đặc biệt, ông nổi tiếng với những bản dịch thơ của Emily Dickinson sang tiếng Ý. Có lẽ công việc dịch thuật đã ảnh hưởng trở lại đến công việc sáng tác của ông. Bởi vì qua câu chuyện trong Tiếng vọng từ tường đá, người xem có thể thấy được ông rất am hiểu tâm lí của phụ nữ, của người mẹ với con, của người vợ với chồng.

Tiếng vọng từ tường đá cũng tràn ngập âm hưởng về bệnh tật, cái chết, sự bất tử - những chủ đề chính trong thơ của Emily Dickinson. Do đó, khi chuyển thể câu chuyện này, đạo diễn Eric D. Howell đã cố gắng để sao cho từng phân cảnh trong phim đều như một câu thơ xanh xao, u buồn. Điều này thể hiện qua cách Howell sử dụng ánh sáng trong phim. Những cảnh ngoại trong phim phần lớn được bao phủ bởi lớp sương mù dày đặc khiến người xem dễ liên tưởng đến thứ không khí uể oải đặc trưng tương tự của London trong những ngày sương mù. Trong khi đó, những cảnh nội của phim được thiết kế với tông màu chủ đạo là nâu xám lại khiến người xem như bị vây lấy bởi những điều bí ẩn xưa cũ trong ngôi nhà. Như vậy, dù là trong cảnh nội hay cảnh ngoại, người xem cũng sẽ khó lòng thoát khỏi giây phút nào nỗi buồn, sự cô đơn của nhân vật.

Ngoài ra, rất nhiều chi tiết trong Tiếng vọng từ tường đá cho thấy sự ảnh hưởng từ những tác phẩm của Edgar Allan Poe: The Black Cat, The Fall of the House of Usher… Trong Tiếng vọng từ tường đá, có một đoạn nhân vật nhắc đến tập tục chôn mèo sống trong những bức tường liền kề với tường nhà hàng xóm để xua đuổi những điềm dữ - chi tiết này dễ khiến người xem liên tưởng đến tác phẩm The Black Cat của Poe. Tuy nhiên, bản thân đạo diễn Eric D. Howell lại cho rằng bộ phim mang không khí gần với phim Rebecca (đoạt giải Oscar phim xuất sắc nhất năm 1941) của đạo diễn Hitchcock: “Tiếng vọng từ tường đá có một kịch bản khiến bạn phải thét lên khi trùm chăn đọc dưới ánh đèn flash. Nó giống như diễn lại câu chuyện thần tiên của Hitchcock nhưng đặt dưới bối cảnh Tuscany năm 1950 với những nhân vật bí ẩn và một hồn ma phản diện.”

Trong Tiếng vọng từ tường đá, người xem sẽ gặp lại Emilia Clarke – nàng Louisa kiều diễm năm nào của Trước ngày em đến (Me before you). Verena cũng có tính cách mạnh mẽ tương tự như Louisa. Nhưng khác với Lou, nàng không còn gia đình, nàng cô độc hơn; và vì thế, nàng đồng thời vừa mạnh mẽ hơn, vừa yếu đuối hơn. Ở Tiếng vọng từ tường đá, Emilia vẫn tận dụng được ưu điểm là nụ cười tươi sáng như trong Trước ngày em đến. Nhưng thêm vào đó, nàng còn có đôi mắt u buồn khiến người xem như bị cuốn vào sâu bên trong đôi mắt ấy ở những cảnh cận. Vậy nên, Verena của Emilia rất có thể sẽ khiến bạn vui cùng nàng, khóc cùng nàng – một con người cô độc cần được yêu thương. Nàng sẽ thành công hay thất bại trong công cuộc tìm lại giọng nói cho cậu bé Jakob trầm tính? Cũng như, nàng sẽ thành công hay thất bại trong công cuộc tìm hạnh phúc cho chính mình?

Kodaki

Đọc bài viết

Cafe sáng