Trà chiều

Trong cuộc tranh luận dai dẳng về giày cao gót, không có phe nào thắng cuộc cả

Có phải giày cao gót là biểu tượng cho quyền lực? Sự áp bức? Chỉ là thứ phù phiếm? Biểu đạt sự tự tin? Tình dục?
Đều đúng cả.

Published

on

NOBODY WINS IN THE AGE-OLD DEBATE OVER HIGH HEELS

Summer Brennan

Trong ấn bản năm 1977 của Cẩm nang giúp phụ nữ ăn vận hướng tới thành công, chắp bút bởi John T. Molloy (“Chuyên viên tư vấn thời trang nổi tiếng nhất nước Mỹ sẽ cho bạn biết phải mặc gì và vì sao!”), phần giới thiệu có tiêu đề “Những sai lầm của phụ nữ và làm sao để khắc phục.” Theo sau đó là 187 trang đầy những lời khuyên về cách ăn mặc để khiến đồng nghiệp nam và khách hàng xem trọng bạn (đừng mặc gợi cảm, không bao giờ mặc quần tây, luôn mang giày cao gót mũi nhọn đến công sở). Vào thời bấy giờ, và đôi khi bây giờ vẫn thế, rất ít người nghĩ rằng công sở mới là điều cần phải thay đổi, mà thay vào đó, đa số cho rằng nữ nhân viên phải định hình lại để thích ứng với nơi làm việc. Bìa sau có hình một người phụ nữ trẻ trong trang phục công sở, không mỉm cười, với một người đàn ông lớn tuổi đằng sau cô ấy – chính tác giả – với cánh tay gần như chạm vào vai cô ấy.

Dù sao đi nữa, giày cao gót hiện nay là loại giày dép phổ biến nhất dành cho phụ nữ. Nó là giày cho các sự kiện, trưng bày, biểu diễn, quyền lực và tao nhã. Chúng ta đã ban cho nó khả năng biến đổi, và văn hoá của chúng ta là một nền văn hoá ám ảnh với sự biến đổi của người nữ. Trong một vài bối cảnh và sự kiện, thường là những hoàn cảnh trang trọng nhất, giày cao gót còn là trang phục bắt buộc. Giày cao gót với phụ nữ cũng giống cà-vạt với đàn ông: rất khó để trông vừa trang trọng vừa nữ tính mà không có nó. Phụ nữ đã bị cấp trên ép buộc mang giày cao gót khi làm việc hoặc khi thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến công việc trong gần như tất cả các ngành nghề, từ nữ phục vụ bàn ở Las Vegas cho đến một kế toán ở PricewaterhouseCoopers; trong buồng máy bay cao 1000km cho đến một bãi biển ở Liên hoan phim Cannes. Nó là đôi giày cho khi chúng ta ở chế độ bật, cho tham vọng, cho chụp hình bìa tạp chí, cho thảm đỏ, cho chương trình trao giải, cho phòng họp, cho phòng xử án, cho toà nhà quốc hội, và cho bục tranh cử.

Hơi ngược đời một chút (hoặc có lẽ là không), trong ngành công nghiệp fetish1 kéo dài hơn 150 năm, giày cao gót cũng luôn được xem là biểu tượng tình dục. Đối với phụ nữ, thứ công khai nhất cũng là thứ kín đáo nhất, riêng tư nhất, và ngược lại.

Đối với phụ nữ, thứ công khai nhất cũng là thứ kín đáo nhất, riêng tư nhất, và ngược lại.

Cùng với việc được coi là đôi giày thích hợp cho sự kiện công chúng nhất, giày cao gót cũng được xem là nữ tính nhất. Rất ít kiểu dáng giày trong lịch sử được xem là dành riêng và đặc trưng cho tính nữ như những đôi giày gót nhọn đương đại (duy nhất loại giày khác có thể so sánh là đôi giày hoa sen cho đôi bàn chân bó của hoàng gia Trung Quốc thời xưa). Trong hai kiểu giày này, chỉ có cao gót thông dụng đến ngày nay. Trừ điểm đặc trưng là cái gót giày, cả hai loại giày này đều để lại dấu chân hình tam giác, nhỏ nhắn đặc trưng.

*

Nữ tính không đồng nghĩa với việc là phụ nữ. Sự nữ tính là thứ gì đó người ta thấy và cảm nhận, nhưng cũng là thứ người ta lảng tránh và chối bỏ, hoặc được nuôi dưỡng và chứng tỏ. Với phụ nữ chuyển giới, những cá nhân song tính hay liên giới tính và những người không xác định giới tính, giày cao gót đôi lúc đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện mong muốn tính nữ bên trong hoặc thừa nhận sự nữ tính, đặc biệt là khi họ đã bị nghi ngờ hoặc chối bỏ trên con đường tiếp cận với tính nữ, bất chấp (hay chính vì) giới tính mà họ được gán cho lúc sinh ra. Hoặc không? Dù sao đi nữa, giày cao gót cũng tạo một hợp âm mạnh mẽ và vang dội trong bản hoà nhạc phức tạp của bản dạng giới tính hiện đại.

Giày cao gót và tổ tiên của chúng đã bị kì thị, sau đó được bảo vệ, sau đó lại bị kì thị, bị đánh giá bất công và bắt ép thành gần-như-bắt-buộc-phải-dùng bởi cùng một nền văn hoá cùng một lúc. Là phụ nữ, dù bạn ăn mặc như thế nào, bạn vẫn bị lạc trong một mê cung: đi hướng này thì bạn được khen thưởng, đi hướng khác thì bạn bị phục kích hoặc mắc kẹt. Thật khó để không rơi vào tình trạng thất vọng khi người ta biến lối nói hoa mỹ này thành một kết luận logic, rằng một đôi giày “đúng đắn” thì không nữ tính, còn đôi giày “nữ tính” thì không thể đúng đắn được, vì vậy thể hiện “tính nữ” là việc thiếu khôn ngoan. Chúng ta cứ mãi tranh luận về giày dép của phụ nữ qua cả ngàn năm, bởi vì các luận điểm không xoay quanh thời trang hay văn hoá, hay thậm chí là về giày. Chúng là về chính trị và vai trò của phụ nữ đối với xã hội.

Khi một người phụ nữ cố gắng đảm nhiệm vai trò tối cao, cái câu hỏi rằng cô ấy nên mang giày gì có thể trở nên rất phức tạp. Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, ứng cử viên nữ đầu tiên của một đảng lớn, Hillary Clinton đã mang một đôi giày chắc chắn là kết quả của quá trình cân nhắc cực kỳ thận trọng. Giày đế bệt hiển nhiên là không trang trọng cho một sự kiện lớn như vậy nên bà ấy đã mang giày cao gót. Thế nhưng, gót giày quá cao sẽ thể hiện ra là gợi cảm quá, và do đó, không nghiêm túc, đối với cả vị trí và tuổi tác của bà, vì thế giày gót rất thấp là phù hợp. Và bởi vì đế quá thấp, nên nếu đế vuông hay đế xuồng sẽ khiến chúng gần như giống hệt giày nam, nên đế giày của bà cũng rất mảnh. Những đôi giày đế mảnh và thấp như vậy cũng có tên cho chúng: gót mèo con (kitten heels). Những đôi giày này thật ra rất chuẩn, và có lẽ là lựa chọn duy nhất chấp nhận được cho bà Clinton trong trường hợp này, để thể hiện rằng, trong khoảnh khắc ấy, bà vừa nữ tính, nghiêm túc và thời trang, cùng một lúc. Việc ăn mặc hợp thời trang, đặc biệt là với nữ giới được xem như là một biểu hiện của trí thông minh xã hội. Vậy mà trớ trêu thay, một ứng cử viên nữ giới cho cuộc bầu cử tổng thống chỉ có sự lựa chọn duy nhất, và sự lựa chọn này còn có cả chữ “mèo con” trong tên.

Giày “mèo con”
Ảnh: Manolo Blahnik

Điểm tương đồng giữa những nhà hoạt động nữ quyền và phi nữ quyền là: chẳng hề có đường lối nào áp dụng cho giày cao gót cả. Tính từ thời điểm bài viết này ra đời, dường như cứ vài tháng thì sẽ có một vụ tranh cãi liên quan đến giày cao gót đều đặn xuất hiện. Giày cao gót sẽ bị cấm ở đâu đó, và bị bắt buộc ở một chỗ khác, hoặc một nhân vật có sức ảnh hưởng sẽ mang chúng ở một nơi nào đó không thích hợp. Báo chí sẽ đăng tải, những thành phần quá khích trong Twitter nhảy vào. Một nhóm sẽ gièm pha chúng là đại diện của sự đàn áp, ủng hộ chế độ nam quyền, trong khi số khác bảo vệ chúng hay người mang chúng dưới danh nghĩa tôn vinh tính nữ, thể hiện văn hoá, lựa chọn an toàn (lựa chọn – vâng, lại là cái từ này). Có vẻ như là, bất chấp việc chúng ta chọn cái gì, vẫn có một mặt nào đó không được toàn vẹn. Lựa chọn một thứ đồng nghĩa với đánh mất những thứ còn lại. Vậy giày cao gót tốt hay xấu? Ý nghĩa của chúng là gì? Chúng ủng hộ nữ quyền hay chống lại nó? Chúng có biểu đạt quyền lực không? Sự độc lập? Sự áp bức? Tính chuyên nghiệp? Sự tự tin? Tính phù phiếm? Sự quỵ lụy? Tình dục? Chẳng ai đồng tình với ai cả.

Nếu bạn hỏi tôi, thì toàn bộ những ý kiến trên đều đúng.

… Nhưng đi giày cao gót không đau chân à?

Đúng là giày cao gót gây ra đau chân, và nó không chỉ đau khi bạn té. Một đôi giày tốt chỉ khiến bạn đau chân sau khi đi bộ một thời gian nhất định, trong khi đôi chất lượng kém thì đau ngay khi vừa mang. Chúng làm trầy da và cấn vào xương. Sự thật không thể trốn tránh là, nếu mang thường xuyên, giày cao gót sẽ có ảnh hưởng xấu vĩnh viễn đến cơ thể. Với một số người, giày cao gót, đặc biệt là những đôi giày gót nhọn stiletto, là đặc trưng của đám phụ nữ dựa hơi đàn ông, với hàng tá cuộc phẫu thuật thẩm mĩ, đôi bàn chân như búp bê Barbie, và – giống như Ivanka Trump – được sinh ra trong nhung lụa và giả vờ như mình đại diện cho sức mạnh phụ nữ; tương tự như phong trào Tiếp Sức Hồng, những mặt hàng nhãn hồng dành riêng cho phái nữ với đơn giá cao hơn 20% mặt hàng dành cho nam giới trong tiệm tạp hoá.

Giày gót nhọn stiletto
Ảnh: Pexels

*

Tuy nhiên, bên ngoài cái địa hạt marketing và quảng cáo siêu-nhân-tạo này, vẫn còn có điều gì đó sâu sắc hơn thế. Giày cao gót sở hữu một nét hấp dẫn phức tạp. Có gì đó hoang dại của dã thú, tựa móng vuốt của loài chim săn mồi hay loài sư tử (và tất nhiên, từ giày cao gót ở tiếng Pháp là les talons – vuốt chim.) Tôi nhớ về dáng giày xuất hiện trong những tác phẩm lộng lẫy mà ám ảnh của nghệ sĩ lai Mĩ-Dominica, Firelei Baez, trong đó, những chiếc gót nhọn, vuốt sắc, trông như thể là mọc thẳng ra từ chính đôi chân. Những dáng hình trong tranh của cô ấy, đầy nhục dục và không thể kiềm chế được, phình ra và nẩy mầm rồi nở hoa thành những hình dáng hoang dã hơn phụ nữ, sắc màu như muốn trào ra, được bao phủ bởi lá, lông chim, tóc và hoa vùng nhiệt đới. Thay vì phải lựa chọn giữa những quả vả đày đoạ lo lắng của Sylvia Plath, dường như những người phụ nữ của Baez’s đã trở thành cây, một cái cây ăn quả xanh có tri giác. Vào một thời kỳ nổi bật trong sự nghiệp của Baez, gần như tất cả các nhân vật của cô, những người mà chân có thể được nhìn thấy trong bức tranh, đều có cái gót nhọn chết người đó, như là một cái sừng mảnh, một cái răng sắc nhọn, hay một cái cọc xuyên thủng vật bất kỳ; bàn chân của họ uốn cong và nhọn, sẵn sàng để chụp con mồi, để thăng bằng hoặc là để nhảy múa.

Firelei Báez | A reconstituted echo (2019)
Ảnh: Artsy

Có gì đó hoang dại của dã thú, tựa móng vuốt của loài chim săn mồi hay loài sư tử (và tất nhiên, từ giày cao gót ở tiếng Pháp là les talons – vuốt chim.)

Bản thân giày đã mang một sức mạnh lạ lùng trong việc gợi mở trí tưởng tượng, từ lâu đã đóng vai trò đóng thế cho cơ thể con người và vai trò xã hội của người đó. Thời thơ ấu, thông qua truyện cổ tích, chúng ta biết rằng giày là vật ma thuật có thể giúp đỡ hoặc phá hoại, là phần thưởng hoặc là vết thương, là sự giải phóng hoặc cầm tù. Chúng có thể biến một con mèo thành thủ tướng và người hầu thành nữ hoàng. Freud mô tả bàn chân như là một biểu tượng gợi dục lâu đời thậm chí trong các truyền thuyết cổ đại; ông nói rằng giày là ẩn dụ cho bộ phận sinh dục của phụ nữ. Mặc dù người ta có nhiều việc phải làm hơn là để tâm đến chuyện, với Freud, liệu có thứ gì không đại diện cho bộ phận sinh dục không, cách hiểu này thêm một hàm nghĩa gây sửng sốt vào nội dung những câu chuyện cổ tích – từ cơn đau như đâm thấu lòng bàn chân của nàng tiên cá khi nàng bước vào thế giới con người, hay cô bé có đôi giày đỏ khiến cô nhảy múa không ngừng cho dù cô không còn muốn, hay là thứ mà Cô bé lọ lem đã thật sự mất vào tay hoàng tử vào đêm dạ hội.

*

Khi hè dần sang thu ở Paris, làn sóng khách du lịch giảm xuống, một lần nữa các con phố lại tràn ngập người dân Paris. Lá cây hạt dẻ ngựa chuyển màu xanh úa, rồi chuyển đốm nâu, rồi rụng từng chiếc từng chiếc xuống nền đá vôi của các công viên được chăm sóc tỉ mỉ. Đèn nê-on của quán cà phê có vẻ như bật mỗi ngày mỗi sớm hơn. Nỗi lo sợ hay mong mỏi mùa hè của tôi, rằng giày cao gót sẽ trở nên lỗi thời cũng biến mất, khi Kinh Đô Ánh Sáng ăn diện cho mùa mới. Chúng lại xuất hiện: nhung đỏ, nhung vàng, hay da thuộc xanh; đen, nâu, xám, tím, hoa, hoạ tiết paisley, trắng. Có giày cao gót nhọn, có gót “mèo con”, xăng-đan cao gót, bốt thấp cao gót. Chúng được mặc chung với áo đầm, quần rộng, váy, quần đùi, đồ bay, quần jeans, abaya, nguyên bộ sậu vải in kiểu Tây Phi,… Và tất nhiên, cũng có giày đế bệt, giày oxford, giày sneaker, giày búp bê, giày lười, bốt, giày moccasin,… Và trong số chúng, giày cao gót vẫn là sự lựa chọn của khá nhiều người.

Câu chuyện về đôi giày của một người là câu chuyện về địa vị trong xã hội của cô ấy, và dấu chân của chúng ta là dấu vết ta để lại, cho những nơi ta đã đi qua và những nơi ta đang hướng tới. Đây là câu chuyện đương đại nhất về giày của phụ nữ: những đôi giày bí ẩn và có thực, còn mới toanh hay đã được mang mòn, được kinh qua sự hào hứng và nỗi đau, những đôi giày khiến người mang tập tễnh hay như đang bay, đôi giày được làm từ thuỷ tinh, băng hay đá quý, đôi giày chúng ta đánh cắp hay bị trộm mất, đôi giày loang màu hay dính máu của chúng ta. Nỗi đau, niềm hạnh phúc, ước mơ, nỗi khao khát, địa vị, máu: đây là đoạn điệp khúc trong bài hát của người phụ nữ, nói về khi chúng ta đi chệnh choạng, cà nhắc, nhảy múa và bước qua cái thế giới tạp nham này.

Hết.

Chú thích:

  1. Fetish (ái vật, hay bái vật tình dục) chỉ các mối quan tâm tình dục trên những đối tượng không phải là cơ quan sinh dục. Những mối quan tâm này có thể coi như công cụ hỗ trợ để đạt cảm hứng tình dục hoặc có thể trở thành rối loạn tâm thần nếu nó gây ra những đau khổ tâm lý đáng kể cho người mắc hoặc tác động có hại vào các lĩnh vực quan trọng trong đời sống của họ.

Emma Đẹp Thần Thánh dịch.

Bài gốc được thực hiện bởi Summer Brennan, trích từ Object Lessons: High Heel.

Xem tất cả những bài viết của Emma Đẹp Thần Thánh tại đây.


Muôn chuyện phức tạp của phụ nữ!



Trà chiều

Sứ Đoàn Iwakura đạt Giải thưởng sách Quốc Gia 2024

Published

on

Giải thưởng Sách Quốc gia là giải thưởng do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hàng năm, trao giải cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ nhằm tôn vinh tác giả, dịch giả, nhà khoa học và người làm công tác xuất bản.

Tối ngày 29.11.2024 tại lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII, tác phẩm Sứ Đoàn Iwakura - Chuyến Tây Du Khảo Cứu Nhằm Canh Tân Nhật Bản Thời Minh Trị (Ian Nish biên soạn, Nguyễn Hoàng Mai - Nguyên Tâm dịch) hân hạnh được vinh danh giải Khuyến khích.

Sứ Đoàn Iwakura là tác phẩm nghiên cứu tập hợp nhiều tư liệu giá trị, giúp độc giả hiểu rõ hơn về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị dưới góc nhìn của người phương Tây. Để có một đường lối phát triển đất nước hoàn toàn mới, người Nhật đã khởi động chuyến công du gọi là Sứ mệnh Iwakura thăm Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu. Đây là một chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng đến mức khi nhắc về Minh Trị Duy Tân, người ta lập tức nhớ đến chuyến đi này.

Sách dày 427 trang, gồm 11 chương tổng hợp các bài viết của Ian Nish và 12 chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế khu vực Nhật Bản và Đông Á. Tám chương đầu, độc giả sẽ cùng phái đoàn đi qua tám cường quốc từ Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Nga, Thụy Điển và Italy. Bản ghi chép của những học giả góp phần tái hiện hành trình tìm kiếm “văn minh khai sáng” của sứ đoàn Iwakura tại trời Âu dưới góc nhìn của người phương Tây. Ba phần còn lại trong ấn phẩm là bài phân tích, nhận định của chuyên gia lịch sử, đánh giá tình hình nước Nhật sau chuyến công du.

Để hiểu thêm về một lát cắt lịch sử quan trọng của Nhật Bản, cũng như đọc thêm về chuyến đi được mệnh danh là “Chuyến công du lịch sử thay đổi nước Nhật”, mời bạn tìm đọc sách tại đây hoặc tại hệ thống các nhà sách Phương Nam trên toàn quốc.

Đọc bài viết

Trà chiều

Nhà Sách Phương Nam đồng hành cùng các bạn học sinh tham gia cuộc thi ‘F1 in Schools’

Published

on

F1 in Schools là một giải đấu mang tính giáo dục, cạnh tranh toàn cầu do Formula One kết hợp với chương trình quốc tế STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Giải đấu được tổ chức hàng năm dành cho học sinh trung học với mục đích giới thiệu kỹ thuật cho những người trẻ tuổi trong một môi trường thú vị. Mỗi đội thi (từ 3 - 6 học sinh) phải thiết kế và chế tạo một chiếc xe đua Công thức 1 cỡ nhỏ từ Khối mô hình F1 chính thức bằng các công cụ thiết kế CAD/CAM.

Năm 2024, ADUA Racing - đội bao gồm các học sinh cấp 2 của trường British International School Ho Chi Minh City đã vinh hạnh giành được cơ hội tham gia vòng chung kết cuộc thi F1 in Schools ở Dubai, Ả Rập Saudi. Đây là đội duy nhất đại diện Việt Nam tham gia vòng chung kết năm nay.

Những nỗ lực rèn luyện, khả năng sáng tạo, tư duy học tập đáng ngưỡng mộ của các em học sinh trong giải đấu này phù hợp với định hướng và giá trị cốt lõi mà Nhà Sách Phương Nam luôn muốn đem lại cho các bạn đọc và khách hàng trên toàn quốc.

Vì vậy, Nhà Sách Phương Nam hân hạnh trở thành nhà tài trợ đồng hành cùng đội thi ADUA Racing trên hành trình vươn ra thế giới. Nhà Sách Phương Nam hy vọng nỗ lực này sẽ góp phần ươm mầm cho những tài năng tương lai, khuyến khích người trẻ phát triển tư duy độc lập, sáng tạo.

Nhà Sách Phương Nam luôn chú trọng hỗ trợ, khuyến khích thế hệ trẻ phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Bên cạnh đó, hệ thống Nhà Sách Phương Nam vẫn luôn nỗ lực trên hành trình kết nối bạn đọc đến với thế giới tri thức thông qua những cuốn sách hay và các hoạt động ý nghĩa.

Cảm ơn sự ủng hộ của các độc giả và khách hàng đã tạo điều kiện để Nhà Sách Phương Nam tiếp tục đồng hành cùng thế hệ trẻ trên những chặng đường đầy ý nghĩa trong tương lai.

Đọc bài viết

Trà chiều

Sự kiện giao lưu & ký tặng: Bước Qua Nước Mắt, Tự Khắc Trưởng Thành

Published

on

Nhân dịp ra mắt tác phẩm mới Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành, Nhà Sách Phương Nam và Phương Nam Book phối hợp cùng tác giả Anh Khang tổ chức sự kiện giao lưu và ký tặng vào lúc 16g00, thứ Bảy ngày 16.11.2024 tại sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM).

Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành là tác phẩm kỷ niệm hơn một thập kỷ viết văn của tác giả Anh Khang. Anh gọi đây là một “cuốn sách làm lành” – thay vì “chữa lành” như cách gọi thường thấy trong xã hội hiện đại. Tác phẩm được chia làm hai phần, mở đầu bằng “Độc thoại” với những dòng tư lự đơn lẻ như tự trấn an “đứa trẻ bên trong đang ăn vạ trên đường trưởng thành”, rồi sang đến “Đối thoại” là những lời tâm can san sẻ cùng Gen Z lẫn Gen Z(à) để tìm sự ủi an. Mỗi câu, mỗi lời tâm tình thủ thỉ đều quá đỗi chân thành, như chính lời tác giả tự nhận thì đây “chính là những ghi chép trong lúc ‘khóc một trận đã đời’, rồi từ nay, chỉ nhìn về phía trước”.

Kể từ khi xuất bản tác phẩm đầu tay Ngày trôi về phía cũ… vào năm 2012, đến nay Anh Khang đã trở thành “tác giả triệu bản” với nhiều tác phẩm nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả. Anh còn được bạn đọc thương tặng tên gọi “nhà văn của những nỗi buồn tuổi trẻ” vì những chia sẻ sâu sắc và đầy cảm thông trong từng trang sách. Sách Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành đánh dấu sự trở lại của Anh Khang sau 4 năm tạm vắng mặt trên văn đàn, đồng thời cũng là món quà tri ân dành tặng cho thế hệ độc giả đã trưởng thành cùng những bài viết của anh.

Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành – tác phẩm mới nhất của tác giả Anh Khang do Phương Nam Book liên kết xuất bản.

Đến với sự kiện giao lưu và ký tặng, độc giả sẽ có cơ hội trò chuyện cùng nhà văn Anh Khang và lắng nghe anh chia sẻ về những thăng trầm trong quá trình sáng tác cuốn Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành. Đặc biệt, sự kiện còn chào đón sự góp mặt của ca sĩ - nhà văn Hamlet Trương.

Giao Lưu & Ký Tặng: Bước Qua Nước Mắt, Tự Khắc Trưởng Thành

  • Thời gian: 16:00 – Thứ bảy, ngày 16.11.2024
  • Địa điểm: Sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM)
  • Vào cửa tự do

Về tác giả: Quách Lê Anh Khang

  • Công việc chính là làm báo, công việc phụ là làm mệt mình bằng những cảm xúc đa mang. Mọi nghề nghiệp đã và đang làm như phóng viên, biên tập viên, PR, MC... đều có vẻ khá nghiệp dư, nhưng lại rất chuyên nghiệp trong vai trò làm “người độc thân nhạy cảm”.
  • Ngày sinh: 11/8
  • Cung Hoàng đạo: Sư Tử (Leo)
  • Cử nhân khoa Báo chí & Truyền thông – Đại học KHXH&NV TP.HCM
  • Sách đã xuất bản:
    • Ngày trôi về phía cũ... (2012)
    • Đường hai ngả, người thương thành lạ (2013)
    • Buồn làm sao buông (2014)
    • Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và... Em (2015)
    • Thương mấy cũng là người dưng (2016)
    • Trời vẫn còn xanh, em vẫn còn anh (2017)
    • Người xưa đã quên ngày xưa (2018)
    • Những năm tháng đó, có tôi yêu người (2019)
    • Thả thính chân kinh (2020)
    • Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành (mới xuất bản – năm 2024)
Đọc bài viết

Cafe sáng