Phía sau trang sách

Khi các nhà văn đá xéo nhau: Tận cùng của sự đanh đá (phần 1)

“Mỗi lần tôi đọc ‘Kiêu hãnh và định kiến’, tôi lại muốn đào cô ta lên từ dưới ba tấc đất, cầm xương ống chân của cô ta mà đánh vào quả sọ.”

Published

on

Văn đàn đôi khi hơi ba phải một chút. Tức là, nếu đa số dư luận đánh giá một quyển sách là “Tuyệt Tác”, đánh giá này được cộp mác chính thức. Bất kì cá nhân nào dám đi ngược dòng dư luận sẽ nhận được cái nhìn kinh hãi. Danh tiếng như vậy đôi khi được thành lập khi chưa ai đọc sách cả, chỉ cần vài câu truyền miệng “tôi nghe nói nó hay lắm” là đủ. Nhưng bất chấp cái đám đông đáng sợ ngoài kia, vẫn sẽ có một vài (đôi lúc là nhiều vài) “kẻ phản đồ”. Họ chỉ đang ẩn nấp kĩ càng để tránh bị “đì” mà thôi.

Hiện nay, thật đáng tiếc là nhiều tác giả cảm thấy rằng họ không thể công khai chê bai tác phẩm của những nhà văn khác. Điều này không có lợi cho độc giả – lực lượng người hâm mộ trung thành càng ngày càng dựa dẫm vào nhà văn yêu thích của mình để tìm được đầu sách hay; cũng không tốt cho ngành sách, bởi vì độc giả đã chán ngấy những lời khen hoa mỹ bóng nhẫy và không dễ dàng tin tưởng chúng nữa. Tôi rất hiểu cho các tác giả khốn khổ phải viết bài trái lương tâm ngoài kia, nhưng vẫn không thể ngăn bản thân mình ghét cay ghét đắng cái trào lưu bợ đỡ nhau này. Mà thôi, đây là nan đề cho một bài viết khác.

Vòng vo nhiều như vậy cũng chỉ để nói rằng, thấy một gã khổng lồ bị đẩy ngã cũng khá là vui (đặc biệt là khi trong thâm tâm bạn cũng chẳng ưa gì gã lắm), mà thấy hai gã khổng lồ đánh nhau còn vui hơn. Đó là cảm giác của tôi khi xem các nhà văn nổi tiếng đá xéo tác phẩm của những tác giả nổi tiếng khác. Võ sĩ A và B của trận đấu đều là những cái tên có tiếng có miếng, điều này khiến cho hành động ngồi ăn bắp rang xem đánh nhau của bạn bớt tội lỗi hơn hẳn.

Vậy nên, kính thưa quý độc giả, tôi xin giới thiệu những tác giả đã vô tình hữu ý mà ghét một vài tác phẩm kinh điển và lời phê bình tao nhã của họ đối với những tác phẩm này. Còn việc những lời phê bình này có chuẩn xác không thì vẫn còn cần được thảo luận thêm.

1. Virginia Woolf bàn về Ulysses

Từ nhật kí của Virginia Woolf: 

Thứ tư, ngày 16 tháng Tám năm 1922:

Đáng lẽ là giờ này tôi nên đọc Ulysses, và thêu diệt những luận điểm đồng tình hoặc chống đối nó. Đến giờ tôi đã đọc được 200 trang – còn chưa được một phần ba; tôi đã cảm thấy thích thú, bị kích thích, bị quyến rũ, đã rất hứng thú với hai hay ba chương đầu của cuốn sách đến cuối cảnh nghĩa trang; sau đó thì bối rối, khó chịu và bị vỡ mộng bởi một thằng sinh viên dơ dáy đang ngồi gãi mụn. Tom, Tom vĩ đại [T.S. Eliot], lại nghĩ rằng quyển sách này ngang tầm với Chiến tranh và hòa bình! Bản thân tôi lại thấy nó là một quyển sách vô học và thô tục; quyển sách của một người lao động tự học, và chúng ta đều biết họ phiền hà như thế nào, họ tự cao, cứng đầu, sống sượng, bất bình thường và thường tạo cho người ta cảm giác chung là tởm đến phát ói. Giống như một miếng thịt sống vậy, vì sao lại chọn thịt sống khi người ta có thể ăn chín uống sôi chứ? Nhưng tôi mạo muội đoán là nếu bạn bị bệnh thiếu máu, như Tom ấy, bạn sẽ thấy sự huy hoàng hấp dẫn của máu tươi. Bản thân tôi tự nhận là một người bình thường, nên tôi sẵn sàng quay lại với những quyển sách văn học cổ điển. Tôi có lẽ sẽ đọc lại quyển sách này sau. Còn bây giờ, tôi vẫn không thể chấp nhận việc hy sinh sự minh mẫn của mình. Cứ tạm thời đánh dấu trang 200 ở đó đã.

Thứ tư, ngày 6 tháng Chín năm 1922:

Tôi đã đọc xong Ulysses và nghĩ nó là một phát đạn xịt. Một tác phẩm văn học thiên tài, nhưng thiên tài kiểu nước lợ. Quyển sách lan man. Nửa nạc nửa mỡ. Nó tự phụ. Nó thô tục, không chỉ ở nghĩa trên câu từ mà còn xét trên góc độ văn học. Tôi muốn nói, một nhà văn hạng A nên là một người tôn trọng văn học để không giở những trò câu độc giả bằng mánh lới xảo quyệt, những chi tiết giật gân hay là những trò xiếc khỉ tầm thường. Trong suốt quá trình đọc quyển sách này, trong đầu tôi luôn thường trực hình ảnh của một cậu bé học sinh trường công thấp hèn, có trí tuệ và sức bật đó, nhưng quá tự phụ và tự đại đến mức đánh mất lí trí thông thường, một kẻ ngông cuồng, ngụy trí thức, ồn ào thích gây sự chú ý, khiến những người tốt bụng thấy tội cho hắn ta và những kẻ nghiêm khắc cảm thấy hắn ta thật phiền; người ta hy vọng hắn nhanh chóng trưởng thành để bớt cái thói đó đi; nhưng Joyce đã 40 rồi, điều này chắc khó có thể xảy ra… Ôi, đọc quyển sách này tôi cảm thấy như bị vô số viên đạn tí hon bắn vào người; còn chẳng được chết thống khoái bởi một viên đạn vào mặt, như cách mà Tolstoy đã bắn vào mặt tôi; nhưng so sánh này thật là nỗi sỉ nhục với Tolstoy.

2. Mark Twain bàn về Kiêu hãnh và định kiến

Trong lá thư gửi Joseph Twichell, ngày 13 tháng Chín năm 1898:

Tôi không có quyền chỉ trích sách, và tôi thường không làm như vậy trừ phi tôi ghét cay ghét đắng quyển sách kia. Tôi thường muốn chỉ trích sách của Jane Austen, nhưng sách của cô ta thường làm tôi tức đến mức tôi không thể che giấu cơn điên tiết này trước độc giả. Vậy nên mỗi lần cầm bút lên thì tôi lại phải thả xuống. Mỗi lần tôi đọc Kiêu hãnh và định kiến, tôi lại muốn đào cô ta lên từ dưới ba tấc đất, cầm xương ống chân của cô ta mà đánh vào quả sọ.

Từ một bài viết không đầy đủ của Twain, tiêu đề “Jane Austen”:

Mỗi khi tôi đọc Kiêu hãnh và định kiến hay Lí trí và tình cảm, tôi cảm thấy như một người bán hàng rong đang bước vào Cánh cổng Thiên đường. Ý tôi là, tôi đồng cảm với cảm giác khả dĩ của anh ta. Tôi khá chắc tôi biết anh ta cảm giác như thế nào – và ý nghĩ sâu xa trong lòng anh ta. Anh ta chắc chắn sẽ cong môi lên, trào phúng nhìn những vị trong Giáo hội Trưởng lão trong nhà thờ đang tự mãn đi ngang dọc ở Thiên đường. Bởi vì anh ta nghĩ mình tốt, khinh thường các vị Trưởng lão sao? Không hề. Chỉ đơn giản là anh ta không khoái loại người như họ. Vậy thôi.

3. Aldous Huxley bàn về On the Road (Trên các nẻo)

Trích Aldous Huxley: Một tiểu sử của Nicholas Murray:

Sau khi đọc một lúc thì tôi thấy hơi chán. Ý tôi là, nẻo ngõ gì dài thế.

4. Katherine Mansfield bàn về Howards End

Từ nhật kí của Katherine Mansfield:

Tháng Năm năm 1917:

Khi đang xem lại những quyển sách dở nhất mình sở hữu, tối hôm qua tôi tình cờ bắt gặp Howards End và đã đọc nó. Nhưng đúng thật là nó không đủ hay. E. M. Forster chưa bao giờ đi xa hơn việc sáng tác một quyển sách tạm ổn, chưa bao giờ đi xa hơn việc hâm ấm một cái ấm trà. Anh ta lại là một trong số hiếm những kẻ giỏi việc này nhỉ. Sờ cái ấm này thử xem. Ấm không? Sờ sướng tay không? Nhưng chỉ sướng tay thôi, chẳng có trà cho anh uống đâu.

Và tôi lại không chắc lắm liệu Helen có thai với Leonard Bast hay với cái ô bị lãng quên của hắn ta. Cân nhắc hết các tình tiết, tôi nghĩ nó nhiều khả năng đứa con là của cái ô rồi.

5. Martin Amis bàn về Don Quixote

Từ bài phê bình được đăng trong quyển The War Against Cliché: Essays and Reviews 1971-2000 (tạm dịch Chiến tranh chống sáo rỗng: Các bài luận và bài bình 1971-2000)

Mặc dù là một tượng đài kiệt tác không thể chối bỏ, Don Quixote vẫn có một lỗi rất nghiêm trọng – nó khiến người ta không tài nào đọc nổi. Người viết bài bình này hẳn biết điều đó chứ, bởi vì hắn mới đọc nó mà. Quyển sách chứa đầy vẻ đẹp, nét cuốn hút, chi tiết hài hước uyên bác; nó (hầu hết quyển sách – phải lên đến 75% thời lượng quyển sách) cũng… đần độn không tầm thường. Đọc Don Quixote có thể được ví như chuyến đi thăm dài vô tận đến nhà một vị họ hàng lớn tuổi, người có một bụng trò khăm, thói bẩn, những hồi ức liên miên và những người bạn đồng liêu tệ bạc. Khi trải nghiệm đã qua, khi “cậu bé già” cuối cùng cũng vẫy tay chào tạm biệt (tại trang 846 – trong đoạn văn dày đặc chẳng có chỗ cho câu hội thoại nào), bạn sẽ rơi nước mắt, không phải nước mắt giải thoát mà là nước mắt tự hào. Bạn làm được rồi, cho dù Don Quixote hành hạ bạn thế nào đi nữa thì bạn cũng vượt qua được rồi.

6. David Foster Wallace bàn về American Psycho (Người Mỹ cuồng loạn)

Từ một bài phỏng vấn do Larry McCaffery thực hiện trong The Review of Contemporary Fiction (tạm dịch Bình luận về văn học đương đại), Hè năm 1993:

Larry McCaffery (LM): Trong trường hợp của anh, sự thù địch này được biểu hiện dưới dạng nào?

David Foster Wallace (DFW): Ồ. Không phải luôn luôn, nhưng đôi lúc dưới dạng những câu không sai ngữ pháp nhưng vẫn khó hiểu như chó. Hay việc tác giả thích cầm dữ liệu đấm vào mặt độc giả. Hay việc dành rất nhiều năng lượng để thổi phồng kỳ vọng trong lòng độc giả và sau đó khoái chí làm họ thất vọng. Bạn có thể thấy rõ điều này trong những cuốn sách kiểu American Psycho của Ellis: nó giả vờ phỉnh nịnh máu bạo dâm của độc giả được một lúc, nhưng cuối cùng, hóa ra đối tượng bị bạo hành lại là chính bản thân độc giả.

LM: Nhưng ít nhất trong trường hợp của American Psycho, tôi cảm thấy còn có gì đó sau cái khát vọng gây đau đớn cho người khác – hay nói rõ hơn là, anh không nghĩ là Ellis độc địa theo cách của những nghệ sĩ chân chính, như những gì anh đã từng nói?

DFW: Anh chỉ đang phô bày chủ nghĩa hoài nghi, chính là thứ khiến độc giả bị thao túng bởi các tác phẩm hành văn tệ hại. Tôi nghĩ sở dĩ Ellis và một số những tác giả nhất định tìm kiếm được độc giả bởi cái chủ nghĩa hoài nghi tăm tối tồn tại trong thế giới ngày nay. Nghe này, nếu xã hội hiện nay thực sự thối hoắc, vô cảm, chạy theo đồng tiền, bị thiểu năng về cảm xúc, thích bạo dâm và ngu độn, vậy thì tôi (hay bất cứ nhà văn nào) có thể cực dễ dàng mà vá chỗ này đắp chỗ kia ra đại những câu chuyện có những nhân vật ngu ngốc, nhạt nhẽo, EQ thấp mà vẫn bán ào ào, vì kiểu nhân vật này không cần phát triển tuyến nhân vật gì cả. Miêu tả anh ta (hay cô ta) chỉ cần Ctrl+V một đống hàng hiệu. Cốt truyện thì toàn người ngu ngốc nói toàn chuyện vô vị. Nếu những đặc điểm chỉ ra một tác phẩm văn chương tệ hại là: nhân vật thiếu chiều sâu, một thế giới sáo rỗng và vô nhân tính,… lại đồng thời là những đặc điểm dùng để miêu tả thế giới ngày nay, thì văn chương dở lại hóa ra là một bức phác họa tinh tế của một thế giới tệ hại. Nếu độc giả đơn giản là tin rằng thế giới này ngu ngốc, nông cạn và xấu tính, thì Ellis có thể viết một quyển tiểu thuyết xấu tính, nông cạn và ngu ngốc mà hóa ra lại là một lời trào phúng về một thế giới tệ hết chỗ nói. Nghe này, có lẽ gần như tất cả chúng ta đều đồng ý là đây là thời kỳ đen tối và ngu đần, nhưng chúng ta có cần thêm những quyển tiểu thuyết viễn vông không làm gì hơn ngoài việc làm quá lên cái mặt đen tối của xã hội? Trong thời kì đen tối thì đáng lẽ nghệ thuật phải là thứ định hình và thổi sức sống hồi sinh cho cái nhân tính ít ỏi còn lại và cho những phép màu vẫn còn ngoài đó đâu đây. Văn học hư cấu xuất sắc đáng lẽ là những quyển sách có thể vừa miêu tả đúng đắn bản chất của thế giới, cho dù tác giả có muốn tô vẽ thêm cho nó càng tối tăm hơn, vừa soi sáng được hy vọng sống sót và vẫn còn giữ được nhân tính của những con người trong thế giới này. Bạn có thể biện hộ rằng American Psycho là một bản tóm lược ngôn hành của các vấn đề xã hội ở cuối những năm 80, nhưng nó cũng chỉ đến thế mà thôi, chẳng có gì sâu sắc hơn cả.

7. Vladimir Nabokov bàn về Anh em nhà Karamazov Tội ác và hình phạt

Trong bài phỏng vấn với James Mossman, xuất bản trong tờ The Listener, ngày 23 tháng Mười năm 1969, được in lại trong tờ Strong Opinions:

Nếu bạn đang ám chỉ đến những quyển tiểu thuyết tệ nhất của Dostoevsky, thì, tất nhiên, tôi rất không thích quyển Anh em nhà Karamazov và cái mớ bòng bong rùng rợn Tội ác và hình phạt. Không, tôi không phản đối hành trình tự đi tìm bản ngã, nhưng trong những quyển sách trên, linh hồn, tội lỗi và đa cảm, và văn phong viết không thể bù lại cho công cuộc tìm kiếm rối tung rối mù và chán chết kia được.

8. Vladimir Nabokov bàn về Finnegans Wake

Từ bài phỏng vấn năm 1967 trong The Paris Review:

Tôi căm ghét Punningans Wake, một tác phẩm mà sự lây lan nhanh chóng tựa như tế bào ung thư của các từ ngữ bác học cũng không thể cứu vãn nổi thái độ vui vẻ tởm lợm của các phong tục trong đó, và các phép ẩn dụ đơn giản, quá đơn giản.

Từ một bài phỏng vấn khác năm 1967, được thực hiện bởi một trong các sinh viên của Nabokov tại Cornell:

Ulysses vượt trội hơn bất kì tác phẩm nào khác của Joyce, và khi so sánh với sự sáng tạo cao quý, dòng suy nghĩ và phong cách sáng suốt độc đáo của nó, Finnegans Wake không hơn gì một mớ truyện dân dã hỗn độn giả tạo không hình không dạng, một miếng thạch không đông dưới dạng một quyển sách, là tiếng ngáy không ngừng ở phòng bên cạnh, quấy rầy làm người ta mất ngủ. Hơn nữa, tôi luôn chán ghét những áng văn chương địa phương chứa đầy những từ vựng xưa cũ quái gở và những cách phát âm bắt chước vụng về. Vẻ bề ngoài của Finnegans Wake ngụy trang dưới dạng một căn nhà cho thuê thường thấy chứa đầy gái mại dâm, và chỉ có tiếng tụng kinh như từ thiên đường thỉnh thoảng xuất hiện mới cứu nó khỏi số phận vô vị, buồn chán. Tôi biết là tôi thể nào cũng bị đuổi khỏi thánh đường vì phát ngôn này.

Còn tiếp.

Xem tiếp phần 2.

Emma Đẹp Thần Thánh lược dịch.

Bản gốc do Emily Temple thực hiện, đăng tại Literary Hub.

Click to comment

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Phía sau trang sách

Trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình với Metahuman – Siêu nhân loại

Published

on

By

Những khi nhìn lại chính bản thân mình, những điều đã hoàn thành lẫn những điều còn dở dang, nếu đâu đó trong bạn xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực về chính mình, có lẽ tác phẩm Metahuman – Siêu nhân loại của bác sĩ Deepak Chopra sẽ giúp bạn điều chỉnh lại suy nghĩ ấy, để thấy rằng tiềm năng của con người là vô hạn.

Có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao những phim hài lãng mạn dù lặp lại các kiểu mô típ quen thuộc về câu chuyện, nhân vật thường vẫn dễ dàng thu phục được công chúng? Trong Metahuman – Siêu nhân loại, Deepak Chopra – tác giả người Ấn Độ từng được tạp chí Time vinh danh là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất ở thế kỉ 20 – đã có cách lí giải vô cùng thuyết phục dựa trên cơ chế tâm lí, ý thức về hiện thực của con người.

Dòng phim hài lãng mạn thường kể câu chuyện về một anh chàng hay cãi nhau với một cô nàng, để rồi cuối phim anh mới nhận ra cô chính là tình yêu đích thực của đời mình. Chopra cho rằng tất cả chúng ta đều yêu thích khoảnh khắc giác ngộ của nhân vật trong phim: “Giờ tôi đã hiểu rồi. Đó là người tôi yêu.”

Chính vì thực tại ta đang sống là một thứ khó hiểu, khó nắm bắt nên ta lại càng tìm được nhiều niềm vui khi chứng kiến nhân vật có thể hiểu được một vấn đề nan giải, thấy được sự thật bấy lâu nay cứ chìm khuất trong lớp sương mờ trước mắt anh hay cô ta. Và tác phẩm Metahuman – Siêu nhân loại cũng có thể mang đến cho người đọc niềm vui tương tự khi lần lượt giải mã nhiều vấn đề về hiện thực ta đang sống.

Những giới hạn của bản thân không phải là điều tiêu cực như bạn nghĩ

Deepak Chopra

Chúng ta vẫn thường quen thuộc với quan niệm thế giới chia làm hai phần gồm: vật chất và ý thức. Từ đây, hình thành hai trường phái triết học chủ đạo là duy vật và duy lí. Nhưng trong Metahuman – Siêu nhân loại, Deepak Chopra đã định nghĩa lại về thế giới. Ông cho rằng thế giới chỉ có duy nhất một thứ là ý thức, và vật chất cũng là do ý thức tạo nên. Vật chất, hay những gì chúng ta nghĩ là rắn chắc, bền vững, khó thay đổi – bao gồm cả cơ thể, tâm trí và những tiềm năng của chúng ta – kì thực đều là do ý thức quyết định. Vì thế, chừng nào ý thức còn muốn tiếp tục điều chỉnh, chừng đó tiềm năng của con người còn vô hạn và có thể mở rộng đến khôn cùng.

Nhưng trong cuộc sống hằng ngày, giới hạn an toàn lại là thứ khiến chúng ta thấy thoải mái, đồng thời đây cũng là cơ chế để bảo vệ con người. Chopra lấy ví dụ nếu một người muốn trở thành họa sĩ, anh tham dự một lớp học mĩ thuật. Giả sử lớp học đó có thể cho anh xem hết tất thảy mọi bức tranh đã được vẽ trong lịch sử nhân loại, cảm thấu được vẻ đẹp của từng bức thì khả năng cao là sau khi học xong, anh sẽ không thể vẽ được nữa. Ở đây, chính giới hạn về hiểu biết mĩ thuật có thể lại là động lực khiến người họa sĩ muốn sáng tạo.

Như vậy, bản thân sự giới hạn không phải là một điều tiêu cực. Nó chỉ tiêu cực khi bị cố định trong một cái khuôn. Ngược lại, nếu ta biết được giới hạn nhưng vẫn có nhận thức rằng biên độ của giới hạn có thể thay đổi thì tiềm năng của con người sẽ không ngừng mở rộng.

Không chỉ quá khứ, tương lai; hiện tại cũng là thứ không thể nắm bắt

Phần lớn chúng ta có một quan niệm phổ biến rằng: “Tương lai, quá khứ là thứ chúng ta không thể nắm bắt. Tương lai thì chưa đến. Quá khứ thì đã qua. Chỉ có hiện tại là thứ duy nhất ta có thể nắm bắt được.” Quan niệm này có lẽ hợp lí đến nỗi không nhiều người trong chúng ta đặt nghi vấn về tính đúng đắn của nó, hay thử tự một lần phản biện lại.

Tuy nhiên, Deepak Chopra lại có suy nghĩ hoàn toàn khác biệt về vấn đề này. Ông cho rằng không chỉ tương lai và quá khứ, ngay cả hiện tại – mà ta nghĩ là mình đang sống trong nó – cũng là thứ khó nắm bắt. Bởi lẽ, hiện tại cũng giống như sự im lặng. Khi bạn cất lời, sự im lặng biến mất; tương tự, khi bạn có nhận thức về hiện tại dù là dưới dạng hình ảnh, cảm xúc, hay suy nghĩ, nó cũng đã biến mất ở khoảnh khắc ấy, nhường chỗ cho một hiện tại khác ở ngay sau đó. Vì vậy, nếu nói rằng thực tại là thứ có thể nắm bắt thì chẳng khác nào nói là bạn có thể biết trước suy nghĩ tiếp theo của mình.

Phản biện này có lẽ cũng là tư duy nền tảng cho khái niệm về thực tế ảo được trình bày trong sách. Thực tế mà chúng ta đang sống, ta nghĩ rằng đó là một thực tế vững chắc, được kết cấu dựa trên những nhu cầu đầu tiên về vật chất, sau đó là tinh thần – thực tế ấy, hóa ra lại không vững chắc như ta nghĩ. Rất có thể, đó chỉ là một thực tế do ý thức, nhu cầu của chúng ta tạo ra, thứ mà Chopra gọi rằng đó là thực tế ảo. Để vươn đến tầm vóc siêu nhân loại, ta phải học cách vượt qua thực tế ảo ấy, hướng đến một thực tế thật – đó chính là thứ thực tế mà tác giả gọi là siêu hiện thực.

Trong Metahuman – Siêu nhân loại, Deepak Chopra không cố gắng áp đặt độc giả phải đồng thuận quan điểm của mình. Ông luôn đưa ra nhiều ý kiến, quan điểm đối lập từ những học giả, các nguồn kiến thức khác nhau về cùng một vấn đề để người đọc có thể rộng đường tư duy, tiếp nhận nhiều luồng tư tưởng, tự lựa chọn đáp án cho những câu hỏi cá nhân của chính mình. Thông qua đó, Deepak Chopra cung cấp một cách nhìn khác về hiện thực, giúp mỗi người chúng ta xua tan lớp sương ảo ảnh do tự thân tạo ra từ những định kiến, trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Nguồn: L'Officiel

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Thành phố những lục địa bay: Khi Đà Lạt không là Đà Lạt

Published

on

By

Đà Lạt luôn là điểm dừng chân lí tưởng cho những tâm hồn yêu cái lạnh. Nếu không thể đến Đà Lạt ngay lúc này, quyển sách Thành phố những lục địa bay – tác phẩm viết về Đà Lạt mới nhất của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo để người đọc tận hưởng không khí Đà Lạt ngay tại nhà.

Dù tuổi thơ gắn liền với quê hương Ninh Thuận và chỉ đến Đà Lạt khi trở thành sinh viên Văn khoa Đại học Đà Lạt, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã dành cho Đà Lạt một tình yêu tha thiết với nhiều tác phẩm ghi dấu trong lòng bạn đọc như: Đà Lạt, một thời hương xa; Đà Lạt, bên dưới sương mù; Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách Lần này trở lại với Thành phố những lục địa bay, anh tiếp tục viết về Đà Lạt với nhiều khám phá, tìm tòi mới trong nghệ thuật kể chuyện.

Vẻ đẹp thành phố sương mù hiện ra trong sự mơ hồ của chữ “và”

Trong lối tường thuật của Thành phố những lục địa bay, Nguyễn Vĩnh Nguyên đặt rất nhiều ý nghĩa trong chữ “và”. “Và” không chỉ là sự bao hàm giữa cái này và cái kia. “Và” còn có thể vừa mang ý nghĩa liệt kê, vừa mang ý nghĩa đồng thời. Chính vì vậy, những chi tiết nối liền bằng “và” theo cách Nguyễn Vĩnh Nguyên sử dụng cho người đọc cảm giác chúng có thể lần lượt xuất hiện, hoặc song song tồn tại. Sương mù hay chính bản thân Đà Lạt dường như đã trở thành một câu văn có cấu trúc gắn kết bởi chữ “và”. Ngay từ lời ghi chú ngắn ở đầu truyện, tác giả đã dụng công viết những câu văn có sự xuất hiện của nhiều chữ “và” để tạo ra cảm giác mơ hồ về ranh giới. Ta hãy thử khảo sát một vài trường hợp.

Có khi “và” đảm nhận nhiệm vụ liệt kê hai chức năng đồng thời tồn tại:
“Mặt nước cất giữ trong nó những bí mật bị vùi chôn và trang sức cho thành phố một vẻ mơ màng hư ảo. 

Có khi “và” là một trạng thái ở giữa như cách tác giả mô tả tầm nhìn của một người khi quan sát hồ nước chìm trong sương mù.
“Hồ, vì thế nằm giữa cái thấy và không thấy.”

Đôi khi, “và” còn mang nghĩa không hẳn là “cái này”, cũng không hẳn là “cái kia” như trong câu văn sau đây:
“Còn thi sĩ, anh là kẻ đã đến đây vào Thời đại Buồn nôn với sự thơ mộng và giả thơ mộng được vẽ vời và phóng đại.”

Như vậy ở đây, Đà Lạt hiện ra là một thành phố vừa thơ mộng, vừa không hẳn thơ mộng. Chính vì không có tính chất nào vẹn toàn thuộc về chủ thể – chủ thể ở đây có thể hiểu là cả một thành phố –  nên mới cần có nhiều chữ “và”. “Và” như một phương thức để khẳng định thành phố luôn mang trong mình từng tính chất đã được liệt kê, nhưng đồng thời cũng không hoàn toàn nắm giữ trọn vẹn bất kì tính chất nào. Chính vì lẽ đó, tác giả đã đưa ra nhận định chung về hình ảnh Đà Lạt được tái hiện trong Thành phố những lục địa bay là: “Đà Lạt chính là Đà Lạt. Nhưng Đà Lạt cũng không là Đà Lạt.”  

Trò chơi giữa có và không khiến người đọc say mê

Những chuỗi truyện trong Thành phố những lục địa bay cho người đọc thấy một điều rằng: Sự thật và giai thoại luôn đan xen lẫn nhau về cùng một đối tượng. Ở tác phẩm này, hồ nước chính là khởi nguồn cho mọi sự nhòa lẫn, bất phân định về ranh giới.

Có lẽ, tác giả chọn hồ làm đối tượng để khởi đầu tác phẩm cũng vì hồ là thứ có thể phản chiếu như gương, tạo ra phiên bản thứ hai của thế giới, tạo ra lằn ranh giữa thực và ảo. Hiểu theo cách đó, ta có thể thấy rằng hồ cũng có nhiệm vụ tương tự như chức năng ngữ pháp của chữ “và” trong cấu trúc câu. Nếu “và” là cầu nối trên câu chữ thì “hồ” chính là một phóng chiếu sang hình ảnh của “và”, là sự gắn kết giữa những miền “thực” và “ảo” trong tác phẩm. Và vì vậy, với tác giả, hồ là: “Một thứ nước đôi, không chắc hư cấu, cũng chẳng hiện thực.” 

Hầu hết những con người xuất hiện trong tác phẩm đều vô danh, họ chỉ được gọi bằng các chức danh nghề nghiệp như: thi sĩ, nhà nhân học, quy hoạch gia, chàng nhạc sĩ, nhà thám hiểm, ngài khâm sứ, đan sĩ, hoàng đế, nhà biên khảo, nhà văn… Bằng cách đó, con người hòa vào những địa danh vốn cũng không được đặt tên riêng trong tác phẩm như: Hồ, Suối, Thác, Đồi, con đập…

Giữa những mơ hồ về thân phận của con người và nơi chốn, nước – một “nhân vật” vô danh khác trong tác phẩm – lại nổi lên như một đối tượng dẫn lối cho tất cả mọi thứ. “Nước đã xuyên qua vách ngăn của da thịt, để con người trở nên trong suốt và tự do.” Có lẽ vì thẩm thấu được mọi thứ nên nước dường như là phương tiện duy nhất có thể xuyên qua vách ngăn phân định giữa thực và ảo được tạo ra bởi những lớp sương mù – vốn cũng là thứ thoát thai từ nước mà thành.

Và theo dòng chảy của nước, trò chơi giữa có và không trong Thành phố những lục địa bay cứ thế diễn ra khoan thai, chậm rãi, nhưng nhiều day dứt. Tuy nhiên, dẫu có nhiều màn sương mơ hồ được giăng ra, người đọc cũng sẽ khó mà hoặc thậm chí là không muốn thoát ra khỏi thứ khiến mình đang băn khoăn ấy. Bởi lẽ, bằng chính việc không chối bỏ sự mơ hồ, dần dần ta sẽ nhìn rõ được mọi thứ. Thành phố những lục địa bay chính là một cái nhìn thấu suốt về Đà Lạt giống như thế.

Nguồn: L'Officiel

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Tiếng Kiều đồng vọng: Thế giới như một khoảng không chật hẹp

Published

on

By

Sự tổn thương sẽ mang lại những tia lấp lánh cho con người trưởng thành dường như chưa bao giờ là bài học cũ kĩ. Tiểu thuyết Tiếng Kiều đồng vọng (tên cũ Mưa ở kiếp sau) của Đoàn Minh Phượng chính là tiếng vọng đến từ một cuộc đời như thế.

Tiếng Kiều đồng vọng kể về cuộc đời của Mai. Mai sinh ra và lớn lên với mẹ Liên ở Hà Nội. Từ nhỏ, cô không biết cha mình là ai và luôn mong muốn được gặp cha. Cơ hội cuối cùng cũng đến khi dì Lan – em gái của Liên từ Huế vào Hà Nội thăm hai mẹ con đã tiết lộ cho Mai địa chỉ của cha Mai ở Sài Gòn. Từ đây, Mai phải lựa chọn rời xa tổ ấm để lên nơi phồn hoa đô thị nhiều cạm bẫy dối trá với ước vọng được đón nhận tình yêu thương từ cha mà bấy lâu cô thiếu thốn.

Trưởng thành từ sự tổn thương

Ảnh: Facebook Tao Đàn

Thông qua hành trình tìm cha của Mai, ta còn thấy xuất hiện một hành trình khác, cũng quan trọng không kém: hành trình tìm lại bản ngã của chính cô - một người luôn bị mắc kẹt trong những câu hỏi thuộc về quá khứ. Có lẽ, khi người ta bắt đầu học cách đưa ra câu trả lời cho những nghi vấn trớ trêu mà số phận đặt ra, dù tiếng vọng cuối cùng chưa hẳn là một đáp án tiệm cận nhất với sự thật thì rốt cuộc, ta cũng dần tiến đến sự trưởng thành bản ngã - thời khắc cái tôi cá nhân phải tự phá vỡ vỏ trứng bảo bọc an toàn tưởng chừng vững chắc như một thành trì nhưng hóa ra lại chỉ mong manh như một làn sương dệt từ những mơ hồ bất quyết. Chỉ khi thành trì ấy sụp đổ, làn sương ấy lùi lại phía sau con người vừa bước ra từ sự tổn thương, chính khi ấy ta mới có thể nhìn rõ hơn thế giới với trọn vẹn hương sắc của nó. Tiếng Kiều đồng vọng chính là tiếng vọng đến từ một cuộc đời như thế. Sự tổn thương sẽ mang lại những tia lấp lánh cho con người trưởng thành dường như chưa bao giờ là bài học cũ kĩ.

Nội dung cơ bản của Tiếng Kiều đồng vọng có nhiều yếu tố tương tự với bộ phim Hạt mưa rơi bao lâu do Đoàn Minh Phượng làm đạo diễn và biên kịch, sản xuất năm 2005. Cả hai người con trong tác phẩm này đều không rõ cha mình là ai, đều tự thân tìm hiểu câu chuyện quá khứ vì cùng có người mẹ trung thành tuyệt đối với sự im lặng. “Những kỷ niệm khác nằm trong niềm im lặng của mẹ tôi, niềm im lặng dài hai mươi hai năm, dài bằng đời tôi và nửa đời của mẹ.” Mai đã từng cảm thán như thế về sự im lặng của mẹ. Im lặng là một từ khóa quan trọng, được lặp lại nhiều lần trong Tiếng Kiều đồng vọng. Bản thân Hạt mưa rơi bao lâu cũng có tên phim trong tiếng Anh là Bride of Silence. Như vậy, có thể thấy rằng, sự im lặng hay thân phận của người phụ nữ bị mất tiếng nói trong xã hội là chủ đề có sức ám ảnh lớn với tác giả Đoàn Minh Phượng. Khi những người con sống dưới cái bóng im lặng của người mẹ, họ càng có thôi thúc mạnh mẽ hơn trong việc đi tìm câu trả lời cho một quá khứ bất minh. Thoát khỏi sự im lặng, tự cất lên tiếng nói cho chính mình – đó là một trong những bước đầu tiên để trưởng thành, như cách Mai đã dứt khoát nói với mẹ vào ngày cô rời đi rằng: "Con hai mươi hai tuổi, con trưởng thành đã bốn năm rồi mẹ."

Nước bao bọc kí ức để tiếng nói được cất lên

Ảnh: Facebook Tao Đàn

Mưa ở kiếp sau (tên cũ của Tiếng Kiều đồng vọng) là một tiêu đề gợi hình; trong khi đó, Tiếng Kiều đồng vọng lại là một tiêu đề gợi âm. Thử tìm cách lí giải sự thay đổi này, ta sẽ nhận ra một số điều thú vị.

Ở phần mở đầu tác phẩm, Đoàn Minh Phượng có trích dẫn lời bài hát Within you, Without you của nhóm The Beatles do George Harrison sáng tác với phần lời như sau:

“Ngày sẽ đến khi em nhận ra chúng ta đều là nước.
Cuộc đời trôi bên trong em và bên ngoài em...”

Câu gốc bài này trong tiếng Anh là:

“And the time will come when you see we're all one.
And life flows on within you and without you.”

Thông qua đó, có thể thấy tác giả đã có dụng ý khi thay “one” bằng “nước”. Nước rõ ràng là một hình ảnh rất quan trọng với Đoàn Minh Phượng trong tác phẩm này vì bản thân “mưa” ở tiêu đề cũ cũng là một yếu tố thuộc nước. Vậy dưới ngòi bút của tác giả, nước mang ý nghĩa gì?

“Một câu chuyện không có lời giống như một cơn mưa không có giọt nước từ trời. Tôi sẽ đi tìm lời cho những gì tôi biết.”

Như vậy, nước trong tác phẩm này tượng trưng cho “lời,” cho kí ức – là điều Mai luôn tìm kiếm, đồng thời cũng là điều bao bọc Mai như cách cô ví von: “Tôi còn là loài cá đầu to nằm còng queo trong lòng đại dương chật hẹp, trong bụng của người mẹ chửa hoang.” Vì “sự im lặng” của mẹ Mai là nguồn cơn khởi phát cho hành trình của Mai nên có thể xem như “nước” – một  hiện thân của “lời” – chính là đích đến, đồng thời là phương tiện để Mai hiện thực hóa mục tiêu của mình.

Do đó, so với Mưa ở kiếp sau, Tiếng Kiều đồng vọng là một tiêu đề thể hiện sự chuyển biến tích cực. Mai không còn chờ “mưa”/ “lời giải đáp” ở kiếp sau nữa, cô tìm nó ngay trong kiếp này để cất lên thành một tiếng vọng, phá tan sự im lặng của mẹ cô, của những phận nữ nhi bị mất đi tiếng nói ở thế hệ trước.

Một giọng văn mềm mại nhưng ngầm cuộn sóng bên trong

Tiếng Kiều đồng vọng vẫn kể chuyện theo lối tuyến tính, nhưng khi trình bày các sự kiện diễn ra trong cái khuôn đó, Đoàn Minh Phượng vẫn cho phép dòng tự sự của nhân vật chảy miên man tự do, đi đi về về giữa quá khứ và hiện tại. Chính vì thế, dòng chảy tâm thức của nhân vật tuy được giọng văn mềm mại dẫn dắt nhưng vẫn ngầm cuộn sóng bên trong bởi lẽ chỉ cần rẽ qua một bước ngoặt nhỏ, sự kiện đau lòng nào đó trong quá khứ lại đột ngột ập đến; hoặc ngược lại, khi đang đắm chìm trong hồi tưởng êm đềm, bất thình lình hiện thực phũ phàng xâm chiếm và hủy hoại ta. Người đọc như bước đi trong mê cung, chỉ có thể tri nhận thế giới như một khoảng không chật hẹp trước mắt, không thể biết điều gì sẽ chờ đợi mình trong ngã rẽ kế tiếp.

Ở một thế giới mơ hồ thì những cái tên - vốn dĩ là phép định danh chống lại sự mơ hồ - càng được Đoàn Minh Phượng dụng công để có thể hòa quyện trong bầu không khí hư ảo. Ta có thể thấy tác giả không vội vàng giới thiệu tên họ, lai lịch đầy đủ của nhân vật ngay từ đầu theo lối kể chuyện tiểu sử quen thuộc. Nhân vật hiện lên thoạt tiên với những tâm tư, cuộc sống ập ngay trước mắt độc giả. Những thông tin bên lề sẽ đến sau. Mãi đến chương bốn, trong đoạn đối thoại với mẹ, người đọc mới biết nhân vật chính tên Mai. Nếu để ý kĩ, ta sẽ thấy hầu như những nhân vật trong truyện đều có tên gắn với một loài hoa: Mai, Liên, Lan, Quỳnh... Và Chi - một nhân vật đặc biệt trong tác phẩm này thì tên cô lại có nghĩa là “cành”, không phải là loài hoa đích thực mà có thể là cành cho bất cứ loài hoa nào.  

Những giấc mơ cũng là một yếu tố quan trọng trong Tiếng Kiều đồng vọng. Thông qua đó, Đoàn Minh Phượng xây dựng một thế giới tổn thương, quái lạ với những buổi tiệc kì dị của giới nhà giàu, có phần nào đó mang không khí tương đồng buổi tiệc của hội kín quí tộc mà Stanley Kubrick đã đặc tả rất kĩ lưỡng trong phim Eye Wide Shut (1999).

Sống trong thế giới hiện đại, những cô Kiều dưới ánh sáng thị thành dường như không còn giữ nổi tâm trí tỉnh táo. Họ hồ như đều có chung một dòng máu điên loạn và chỉ biết lặng nhìn dòng chảy ấy trôi qua nhiều kiếp người. Vì vậy, tiếng kêu của họ có thể không đứt ruột như người xưa do nỗ lực chôn vùi cảm xúc, nhưng lại trở thành những tiếng vọng được cộng hưởng vào nhau nên còn mãi ngân nga rất lâu sau khi Tiếng Kiều đồng vọng đã kết thúc.

Đọc bài viết

Cafe sáng