Phía sau trang sách

Bạn đã đọc Don Quixote chưa?

Published

on

Đối với độc giả Tây phương, một câu hỏi như vậy có thể làm họ bực mình. Nhưng số phận của Cervantes cũng giống như của Homer, Dante, hoặc Goethe: họ vừa nổi tiếng vừa bị lãng quên, như thể hào quang của tác phẩm làm cho độc giả (phải) bỏ chạy!

Đi trước Tartarin de Tarascon của Alphonse Daudet, Don Quixote đã từng võ trang đến tận răng để chiến đấu với mấy con sư tử… ở trong chuồng. Cũng may sư tử không thèm chấp nhặt mấy trò trẻ con; khi cửa chuồng mở ra, con vật hào hoa phong nhã, được “ăn học” đàng hoàng (“le noble animal, fort bien élevé”) nhìn ngang nhìn dọc rồi quay mông về phía Don Quixote, tiếp tục dỗ giấc ngủ trưa của nó. Và Don Quixote đáng yêu của chúng ta quay qua người hầu Sancho: Tới Madrid, nếu Đức Vua có hỏi tên ta, mi hãy nói, ta là Hiệp Sĩ Sư Tử, không còn là Hiệp Sĩ Mặt Buồn nữa.

Tạp chí Văn Học Pháp số tháng Mười năm 1997 đặc biệt viết về “Cervantes: Don Quixote hay là sự phát minh tiểu thuyết hiện đại”. Có Carlos Fuentès, một nhà văn lão thành người Mexico, với bài viết: “Cervantès hay là phê bình việc đọc (sách)”. Liên hệ giữa tác giả và đất nước Tây Ban Nha là đầy trăn trở, xung đột: “Họ là kẻ khác, của chính chúng tôi. Tây-ban-nha, mặt trời và bóng đêm, nửa yêu thương nửa hận thù. Gọi một tên thôi: Đam mê”. Trả lời câu hỏi: liệu Don Quixote chết cô đơn? Ông nói: Marthe Robert đã đưa ra câu trả lời chung quyết: Don Quixote chết ngay khi anh ta trở thành có lý, nhưng cuốn sách của anh ta không chết, nó tiếp tục sống, như một bảng chỉ dẫn, tham khảo về những điều khả thể. Lần đầu tiên trong lịch sử văn chương, một nhân vật biết (rằng) người ta đang viết (về anh) cùng lúc anh sống những cuộc phiêu lưu giả tưởng. Đây là một nạn nhân kép: Don Quixote mất lý trí, không phải một, mà tới hai lần; lần đầu, khi anh ta đọc, lần thứ nhì, bị đọc.

Tranh minh họa được thực hiện bởi Gustave Doré, 1863 Paris Hachette edition.

Juan Benet, một tác giả khác, trong cùng số báo cho rằng, Cervantes quyết định tự ban cho mình một huyền thoại riêng, không vay ai, không mượn lịch sử, truyền thuyết, tôn giáo, huyền thoại học… Nói ngắn gọn, ông phát minh ra cái gọi là: phát minh văn chương.

“Sự bắt chước Đức Ông Don Quixote của chúng ta” là nhan đề bài viết của Simon Leys trên tờ The New York Review số đề ngày 11 tháng Sáu 1998. Theo ông, qua những cuộc tranh luận này nọ, từ “quixotic” gần như có nghĩa một sự sỉ nhục, và điều này khiến ông ngỡ ngàng. Cung cách mọi người khi nhắc tới Don Quixote làm cho bạn tự hỏi, không hiểu người đó đã (thực sự) đọc tác phẩm hay chưa. Thật cũng thú vị, nếu có ai đó bỏ công tìm hiểu, liệu Don Quixote có được đọc một cách đại trà, đúng như tính bình dân của nhân vật này không. Nhưng chớ đụng đến những con người có học, bởi vì theo họ, có một số tác phẩm mọi người (phải) đọc – đây là một bổn phận, do bắt buộc của tri thức. Còn Leys thú nhận ông chỉ đọc vì thích thú.

Theo ông, người ta thường có cảm tưởng những nhà phê bình thực sự không thích văn chương: họ không “tận hưởng” (hưởng thụ, thưởng thức) cái thú đọc sách. Tệ hơn nữa, họ thường tỏ ra nghi ngờ, nếu không muốn nói là dè bỉu, những cuốn ăn khách. Dưới mắt họ, cái gì vui, gây cười thường không quan trọng hoặc không nghiêm túc. Buồn một nỗi, thái độ của họ đã tiêm nhiễm vào chúng ta một cách vô thức, đưa đến hậu quả: chúng ta quên đi rằng, cho tới nay, những đại tác phẩm đều được viết ra cho đại chúng và để mua vui cho họ: từ Rabelais, Shakespeare và Molière của thời cổ điển tới những tiểu thuyết gia khổng lồ thế kỷ 19 – Balzac, Dumas, Hugo, Dickens, Thackeray – quan tâm chính của những nhà sáng tạo văn chương không phải là để được sự chấp nhận của giới kinh viện, của những chuyên viên thưởng ngoạn (một việc làm tưởng khó tuy dễ), mà là để sờ mó tới người ngoài phố, làm cho anh ta cuời, khóc, và đây là một nhiệm vụ khó khăn vô cùng. Nhìn theo cách đó, Don Quixote đã đạt tới mức tối hảo của thể loại văn chương cổ điển: viết cho nhiều người đọc, càng nhiều bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Và nếu thu được lợi nhuận thì càng nhiều bao nhiêu, càng vui bấy nhiêu!

Tranh minh họa được thực hiện bởi Gustave Doré, 1863 Paris Hachette edition.

Bản thân Cervantes chẳng có gì làm người đọc liên tưởng tới những nhà sáng tạo đại tác phẩm. Nguyên là một anh lính quèn, bị thương và trở thành đồ bỏ; bị hải tặc tóm, đem bán làm nô lệ ở Bắc Phi, cuối cùng lê về được cố hương Tây Ban Nha, chắc chắn chỉ để chết trong nghèo khổ. Đã từng nếm mùi nhà tù vài lần, đời ông đúng là một cuộc tranh đấu để sinh tồn. Đã từng vài phen viết lách để kiếm ăn, nhưng không thành công: nào kịch, tiểu thuyết đồng quê, hầu hết đã mất dạng, chút còn lại cũng chẳng ghê gớm gì. Chỉ đến gần chót đời, khi đã 59 tuổi, với Don Quixote xuất hiện vào năm 1605, ông mới vớ trúng mỏ vàng: liền lập tức, cuốn sách là một best-seller. Tác giả của nó chết một năm sau khi phần nhì, và cũng là phần cuối của cuốn sách được xuất bản (1615).

Tìm hiểu động cơ khêu gợi trí tưởng tượng của Cervantes, chúng ta ngỡ ngàng: ông đã coi cuốn sách như bộ máy chiến tranh (“une machine de guerre”) nhằm chống lại nền văn chương hiệp sĩ, vốn thời thượng lúc đó, và đã dồn hết cả sức lực vào mục tiêu này. Như chúng ta biết, toàn thể cấu trúc của cuốn sách thật giản dị và được đề ra ở ngay vài trang đầu trong Chương Một; hàng ngàn trang tiếp theo chỉ lặp đi lặp lại những ứng dụng của nó vào trong những tình huống khác biệt. Hàng trăm biến điệu (variations), cũng một đề tài. Don Quixote, một trưởng giả nhà quê, tốt tính, khôn ngoan, có học, có ít tiền, nhưng thừa thì giờ, cho nên đã mắc nghiền văn chương hiệp sĩ lang thang, như lời ông nói: “Ông ta chẳng việc gì để làm, đành chúi mũi vào văn chương hiệp sĩ lang thang, nó làm ông say mê, quên cả việc săn bắn, chăm sóc nhà cửa, đến nỗi cứ bán dần cơ ngơi để mua sách… (cuối cùng) chết đắm chết đuối trong mớ sách vở, đọc đêm quên ăn, ngày quên ngủ, não bộ khô kiệt, mất luôn sự hiểu biết, túi khôn..  Rồi ông quyết định biến chính mình thành một hiệp sĩ lang thang, quên một điều, thời đại hiệp sĩ lang thang đã qua từ lâu rồi. Sau cùng, ông thức giấc từ cơn mộng, khám phá ra rằng, tất cả những cuộc phiêu lưu tận cùng bằng thất bại, chúng biến ông thành nạn nhân của sự độc ác; điều ông săn đuổi như một chủ nghĩa anh hùng phi lý thật sự chỉ là ảo mộng! Khám phá sau cùng là tận cùng của thất bại: ông chết vì vỡ tim”.

Cái chết của Don Quixote ở trang cuối là tuyệt đỉnh của không khí toàn câu chuyện. Đố bạn đọc đến đây mà không rớt nước mắt. Điều làm Leys ngạc nhiên là, một tác phẩm lớn lao như thế, tại sao lại bắt nguồn từ một thông điệp chật hẹp như vậy: viết chỉ để chống lại thứ văn chương kiếm hiệp ba xu, rẻ tiền? Và Leys nhớ đến câu chuyện về Hemingway, khi trả lời một ký giả về những thông điệp trong tác phẩm của ông: Chẳng có thông điệp nào ở trong đó. Khi cần gửi thông điệp, tôi tới Bưu Điện.

Sẽ có người bực mình thốt lên: Sao? Không có thông điệp trong những tác phẩm lớn của văn chương thế giới? Lẽ dĩ nhiên, nhiều nhà văn, thi sĩ nghĩ rằng, họ có những thông điệp để truyền đi, nhưng thường thường, sau cùng họ đều nhận ra: những thông điệp như thế chẳng quan trọng chi, như thoạt đầu họ nghĩ. Hầu hết những độc giả bây giờ chẳng thèm để ý đến thần học thời Trung Cổ khi say mê Dante. Và đây là lời khuyên của D. H. Lawrence: Đừng bao giờ tin tưởng các văn sĩ. Hãy tin câu chuyện kể. Chức năng chính hiệu của một phê bình gia, đó là cứu vớt câu chuyện ra khỏi văn sĩ – kẻ tạo ra nó.

Một trong những phê bình gia bị dội khi đọc Cervantes đó là Nabokov. Thoạt đầu, khi phải soạn giáo án, ông tính dựa vào hồi ức khi còn trẻ, ông rất mê cuốn sách. Nhưng ông thấy cần phải trở lại với bản văn. Và ông hết sức phẫn nộ về những sự độc ác, tàn nhẫn, dã man của cách kể chuyện. Ông so sánh sự độc ác dã man với sự sỉ nhục Christ, với những trò tra tấn bách hại của những mật vụ nhà thờ người Tây Ban Nha (Spanish Inquisition) với trò đấu bò hiện đại. Ông tỏ vẻ hết sức thích thú khi kể tội Cervantes, làm thịt cuốn sách trước thính giả là những sinh viên của ông; khiến đồng nghiệp bực mình và cảnh cáo: Harvard nghĩ khác. Vài năm sau, ông xin chân giảng dạy tại đây và bị bác đơn, ông cảm thấy thật cay đắng, chua chát vì cái tát gió này. Chắc còn nhiều nguyên nhân, nhưng không thể loại trừ thái độ của ông đối với Cervantes. Trong những nghiên cứu của ông về tác phẩm, có một sự thật thú vị: Nabokov chứng minh rằng, giải pháp cho từng cuộc phiêu lưu của Don Quixote, là gần như không thể tiên đoán được; ông còn so sánh những cú làm bàn và bị ghi bàn – những chiến thắng và thất bại của Don Quixote – với trò chơi quần vợt, thật nghẹt thở: 6-3, 3-6, 6-4, 5-7. Nhưng ván chót chẳng bao giờ xẩy ra: Cái chết đã xóa sạch tất cả.

Sự ghê tởm đã khiến ông nghỉ chơi với cuốn sách trong suốt thời gian dạy đại học Cornell: ông không dám đề cập tới nó nữa. Nhưng thái độ thù nghịch này, thực ra là do sự ngưỡng mộ đối với nhân vật của Cervantes, như đoạn cảm động sau đây: [Don Quixote] đã rong ruổi 350 năm xuyên qua những rừng rậm, những hoang địa khô cằn, là tư tưởng nhân loại; và anh ta đã có được sự sống động và phong thái. Chúng ta đừng cười anh ta nữa. Huy hiệu của anh ta, đáng thương, lá cờ của anh, đẹp. Anh ta là hiện thân của tất cả những gì dịu dàng, trinh nguyên, không một chút vị kỷ, và tính nịnh đầm.

Theo Kundera, Nabokov đã đưa ra một nhận định tiêu cực, đầy tính gây hấn về Don Quixote: quá lố, ngây ngô, lặp đi lặp lại, đầy những sự độc ác không thể chịu nổi, không thể tin được; cuốn sách cay đắng, chua chát, dã man nhất cho tới nay đã được viết ra. Nhưng chúng ta không ở trong thế giới của Zola, khi một hành động độc ác nào đó, được miêu tả thật tỉ mỉ, trở thành một tài liệu chính xác của thực tại xã hội.  Don Quixote bị chèn ép, trở nên không thể hiểu được, khi đụng phải tinh thần Zola, hoặc Mỹ học Lãng mạn, vốn đòi hỏi sự xác tín.

Trong những tác giả tắm đẫm văn hóa Tây Ban Nha là nhà văn Pháp Henry de Montherlant; ông sống ở đó, rành rẽ ngôn ngữ Tây Ban Nha, và đã từng học nghề đấu bò. Ông đọc đi đọc lại nguyên tác bốn lần, và rất khó chịu vì sự thô bỉ của Cervantes, khi ông đụng tới một nhân vật cao cả, kiểu thánh nữ của tiểu thuyết lãng mạn.  Ngoài ra theo ông, cuốn truyện quá dài, nhiều câu chuyện diễu vô vị và độc ác. Phản ứng của ông tương tự như của Nabokov, và điều ông bực nhất, đó là Cervantes chẳng hề đưa ra một lời cảm thông nào cho nhân vật, cũng chẳng hề kết tội về những trò độc ác nhắm vào anh. Nhưng đây chính là nghệ thuật của Cervantes: Những điều chỉ trích ông chính là sức mạnh nghệ thuật của ông: sự bí mật của cái điều giống như chính cuộc đời: Ai trong số chúng ta dám tin rằng cuộc đời vốn thiện vốn mỹ, vốn không hề có sự độc ác? Chúng ta càng thù tác giả bao nhiêu, chúng ta càng tin vào thực tại thế giới của ông, và những nhân vật ông tạo ra.

“Ông chủ hãy coi kìa,” Sancho nhắc đi nhắc lại, “những vật trông giống như những người khổng lồ ở dưới kia thực sự không phải là những người khổng lồ, nhưng mà là những cối xay gió.” Nhưng ông chủ của anh không nhìn: Don Quichotte đọc, và cái đọc của anh nói rằng, đây là những người khổng lồ. Cuốn sách đưa ra một vấn nạn về tác phẩm lớn: lớn là lớn với đời sống, hay với những cuốn sách?

Tranh minh họa được thực hiện bởi Gustave Doré, The Project Gutenberg EBook.

*

Trong những ngụ ngôn về Quixote, có một của Jorge Luis Borges: “Một Bài Toán”. Sau đây là tóm tắt:

Chúng ta hãy tưởng tượng, người ta tìm thấy ở Toledo một bản văn bằng tiếng Arabic, được coi như thủ bản của Cide Hamete Benengeli, tác phẩm của Cervantes đã thoát thai từ đó. Qua bản văn chúng ta đọc thấy vị anh hùng (vốn nổi tiếng, đã lang thang khắp xứ Tây Ban Nha, trang bị với cây gươm và ngọn giáo, gặp ai cũng thách đấu, chẳng cần lý do gì hết), vị anh hùng khám phá ra rằng, sau một trong những cuộc chiến đấu như thế, anh ta đã giết chết một người. Tới đây bản văn đứt đoạn, và bài toán đặt ra là: hãy thử đoán coi Don Quixote xử sự ra sao?

Theo như tôi được biết, có thể có ba câu trả lời. Câu đầu có tính tiêu cực, nghĩa là, chẳng xảy ra chuyện gì hết, bởi vì trong thế giới hoang tưởng của Don Quixote, cái chết cũng tầm phào như chuyện huyền hoặc, và sự kiện giết chết một người chẳng làm phiền cá nhân đang chiến đấu, hoặc tin rằng anh ta đang chiến đấu, với những quái vật huyền hoặc, và với đám phù thuỷ. Câu trả lời thứ nhì thuộc về bệnh lý.

Don Quixote không hề bao giờ quên một điều, anh ta chỉ là phóng bản của Alonso Quijano, độc giả của những chuyện huyền hoặc; sự kiện nhìn thấy cái chết, hiểu rằng giấc mơ đã đẩy anh ta tới tội ác của Cain, điều này đã đánh thức anh ta, có lẽ hoài hoài, ra khỏi cơn điên khùng.

Câu trả lời thứ ba có lý hơn cả. Một khi người đàn ông chết, Don Quixote không thể cho rằng hành động giết người ghê tởm chỉ là sản phẩm của cơn điên rồ… thế là Don Quixote không làm sao ra khỏi cơn điên của anh.


Câu trả lời chót lại đẩy chúng ta trở về điểm xuất phát: thế nào là tác phẩm lớn? Lớn là lớn với văn chương, hay với cuộc đời?


Hết.

Nguyễn Quốc Trụ

Click to comment

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Phía sau trang sách

Kawabata Yasunari và “cây cầu” nối với thế giới

Published

on

By

“Trong tác phẩm của Kawabata, sự tinh tế gắn liền với cái mềm dẻo, sự nền nã và các nhận thức về chiều sâu bản chất con người… Chúng vừa hiện đại nhưng cũng đồng thời được truyền cảm hứng từ các triết lý tịch lặng của những tu sĩ Nhật Bản xa xưa… 

“Đối với nhiều nhà văn hiện đại, những tuyên bố về truyền thống và mong muốn thiết lập cầu nối với các nền văn học mới đã tỏ ra gần như không thể. Tuy nhiên Kawabata bằng trực giác của một nhà thơ, đã vượt qua mâu thuẫn này và đạt được sự cân bằng kỳ lạ… Tôi rất vinh dự khi được giới thiệu ông, người hơn bất kỳ nhà văn Nhật Bản nào khác, thực sự xứng đáng với giải Nobel Văn chương.” Mishima Yukio đã viết những dòng này cho Viện Hàn lâm Thụy Điển vào năm 1961, chính thức đề cử “thầy” mình cho giải thưởng này. Tuy nhiên phải mất thêm 7 năm nữa thì Kawataba mới giành chiến thắng vào năm 1968, vì “khả năng tường thuật điêu luyện, thể hiện một cách hết sức nhạy cảm bản chất của tâm hồn người Nhật”.

Kawabata Yasunari 1938. Ảnh: wikipedia.org

Có thể thấy rằng Kawabata đã có rất nhiều tác phẩm được chuyển ngữ sang các ngôn ngữ khác nhau, thế nhưng việc làm nói trên luôn không dễ dàng, bởi ngôn ngữ khác thường có xu hướng trở thành “bộ lọc thô thiển”, phá đi rất nhiều sắc thái tinh tế, ngôn ngữ biểu cảm… mà chỉ tiếng Nhật mới có thể có. Thế nhưng không thể phủ nhận chính việc dịch thuật đã cho hậu thế cách nhìn tương đối đầy đủ về nhà văn này. 

Trong diễn từ nhận giải Nobel, ông cũng đề cập đến vấn đề trên: “Trước sự phức tạp do các khác biệt về mặt ngôn ngữ, và vì thực tế là các tác phẩm của tôi […] phải được trải nghiệm qua việc dịch thuật, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn, sự tôn trọng sâu sắc và bất diệt của mình đối với nỗ lực của các viện sĩ thuộc Viện Hàn Lâm. Tôi tin rằng giải thưởng đầu tiên dành cho người phương Đông sau 55 năm này sẽ gây ấn tượng sâu sắc đối với Nhật Bản, và có lẽ cũng là đối với các quốc gia châu Á khác, cũng như đối với tất cả quốc gia có nền ngôn ngữ ít được biết đến.”

Nói chuyện với giới truyền thông Nhật Bản, Kawabata thậm chí còn thẳng thắn hơn: “Nếu các Viện sĩ có thể đọc tác phẩm của tôi bằng tiếng Nhật thì sẽ rất tốt, nhưng… thực tế là tôi mắc nợ dịch thuật rất nhiều”. Thái độ yêu/ghét - hay chính xác hơn là không muốn/không tin tưởng - của Kawabata đối với dịch thuật được thể hiện theo rất nhiều cách. Theo tất cả các tài liệu còn ghi chép lại, ông thể hiện trạng thái tích cực trong quá trình dịch thuật, thế nhưng nó không nhất thiết là sự hài lòng của bản thân ông. 

Sách Người đẹp ngủ mê, tác phẩm kinh điển của Kawabata Yasunari vừa được Phương Nam Book tái bản phát hành.

Các vấn đề tương tự cũng có thể thấy trong thư từ giữa Kawabata với Mishima Yukio, đã được xuất bản vào năm 1997 với tên Kawabata Yasunari/Mishima Yukio: Ōfuku Shokan (nguyên tác:『川端康成・三島由紀夫往復書簡』). Theo đó ngay từ năm 1951, Kawabata đã hỏi Mishima tên của “người Mỹ đã dịch cuốn Lời thú tội của chiếc mặt nạ” vì ông muốn xin lời khuyên của người này với tư cách là “người nước ngoài hiện đang sinh sống ở Nhật và đọc văn học Nhật”. Theo đó ông muốn tham khảo rằng mình nên gửi truyện ngắn nào tới các tạp chí văn chương Mỹ.

(Người dịch thực tế trong thư hồi đáp mà Mishima tiết lộ là Meredith Weatherby, thế nhưng tác giả của Kim Các Tự cũng đã thể hiện một số nghi ngại vào thời điểm đó. Ông đã phúc đáp “Ông ấy là một cựu quan chức ngoại giao không có chỗ đứng trong giới văn chương Mỹ”. Mishima cũng nói thêm rằng các cuộc đàm phán liên quan đến việc chuyển ngữ Lời thú tội của chiếc mặt nạ đã rơi vào trong bế tắc sau thời gian dài, vì Ivan Morris – một dịch giả khác của Mishima, bày tỏ nghi ngờ về khả năng của Weatherby.)

Năm 1956, Kawabata viết thư cho Mishima xin lỗi vì ở mặt sau ấn bản tiếng Anh của Xứ Tuyết, ông được ghi nhận là người “phát hiện cũng như bảo trợ cho những nhà văn trẻ đáng chú ý như Yukio Mishima”. Ông viết: “Có lẽ quan niệm sai lầm mang tính tâng bốc rằng tôi “phát hiện ra anh” sẽ là tất cả những gì gắn liền tên tôi với lịch sử văn học”. Mishima sau đó cũng đã phản hồi với lời chúc mừng của mình cho phiên bản tiếng Anh, và chia sẻ suy nghĩ về cách nhìn của độc giả nước ngoài với Kawabata: “Người Mỹ không phải là những kẻ ngốc, và trò nghĩ rằng họ sẽ hiểu thôi. Thực sự là người nước ngoài đã quá cứng nhắc và kém hiểu biết về sự linh hoạt của văn học Nhật. Thầy có nghĩ vậy không?”

Kawabata Yasunari nhận giải Nobel Văn học năm 1968. Ảnh: nippon.com

Một phần mối quan tâm chung về dịch thuật và sự tiếp nhận ở nước ngoài đối với các tiểu thuyết của Kawabata rõ ràng là lợi ích cá nhân về mặt nghệ thuật, tuy nhiên nó cũng ẩn chứa nhiều điều hơn thế. Sự chiếm đóng của Hoa Kỳ đã khiến Nhật Bản tràn ngập những người ngoại quốc có thể nói và đọc tiếng Nhật, cũng như các tác giả địa phương mong muốn cháy bỏng được cộng đồng quốc tế công nhận. 

Về phần mình, lúc đó Kawabata là chủ tịch của Hội Văn Bút Nhật Bản (PEN Nhật Bản) từ năm 1948 - 1965, nên việc quảng bá văn học Nhật Bản ra với quốc tế cũng là một phần công việc của ông. Vào năm 1959, ông đã viết thư cho Mishima để chúc mừng về ấn bản tiếng Anh của Kim Các Tự và nhận xét: “Từ lâu, tôi nghĩ rằng cuốn sách này rất phù hợp để dịch sang các ngôn ngữ khác và rất kỳ vọng vào sự đón nhận của nó ở nước ngoài,” Ở đây ta có thể thấy ông không nói chuyện chỉ để đãi bôi, mà ý thức về chiến lược dài hạn đã được hiện lên tương đối rõ ràng. Và vì vậy khi Mishima viết bức thư gửi Viện Hàn lâm Thụy Điển được trích dẫn ở đầu bài viết, thì thực chất đó là theo lời yêu cầu của Kawabata. Có cảm giác chung chung rằng đã đến lúc “mùa xuân” của văn học thời hậu chiến Nhật Bản nhận được sự chú ý của giải Nobel, và Kawabata dường như là ứng cử viên sáng giá nhất.

Bản thân Kawabata được cho là đã cảm thấy các nhà văn trẻ - chẳng hạn như Mishima - có nhiều khả năng nhận được sự tán đồng hơn. Ngay cả sau khi Kawabata nhận được tin về việc lựa chọn mình, ông vẫn hoài nghi về quyết định này. Ibuki Kazuko, biên tập viên của ông vào thời điểm đó, kể rằng ông đã nói với bà: “Không phải tôi là người nhận giải Nobel đâu, chỉ đơn giản là đến lượt Nhật Bản thôi”.

Có lẽ vì thế mà trong diễn từ nhận giải Nobel, Kawabata ít nói về mình mà dành phần lớn thời lượng để nói về những khía cạnh tư tưởng của người Nhật mà ông cảm thấy cộng đồng phương Tây ít có khả năng hiểu được. Khi đề cập các tác phẩm của mình, ông đã nhắc đến những quan niệm sai lầm tiềm ẩn: “Việc coi tiểu thuyết Ngàn cánh hạc của tôi như sự gợi lên vẻ đẹp trang trọng và tinh thần của trà đạo là một cách hiểu sai. Đây là một tác phẩm tiêu cực, thể hiện sự hoài nghi và cảnh báo về sự thô tục mà trà đạo đã và nhiều khả năng có thể rơi vào”.

Kawabata với vợ Hideko ở bên trái và cô em gái Kimiko ở bên phải năm 1930. Ảnh: wikipedia.org

Ngay cả tiêu đề Utsukushii Nihon no watashi của diễn từ này cũng rất mơ hồ. Tính chất này cũng rất đáng nghiên cứu, nhưng có một cách dịch thoát là “Tôi của Nhật Bản xinh đẹp”. Đó là tuyên bố không thể tách rời khỏi truyền thống hàng nghìn năm mà Kawabata đã công nhận, từ đó gián tiếp thể hiện rằng ông từ chối hòa nhập vào cộng đồng quốc tế như sự bổ sung thêm điều kỳ lạ cho thế giới quan của châu Âu, và thay vào đó là yêu cầu văn học Nhật Bản phải được hiểu theo một cách riêng biệt.

Hai năm sau khi Kawabata nhận giải Nobel, Mishima đã gây chấn động văn đàn bởi cái chết của mình. Bốn năm sau đó, Kawabata cũng tiếp bước theo trong một vụ việc mà được ngầm hiểu là do tự sát. Ngày nay, những sự kiện này giống như đoạn kết nghiệt ngã, mang tính quyết định cho hai thập kỷ đầu tiên của văn học Nhật Bản thời hậu chiến, với những tuyên bố của các nghệ sĩ thấy mình đã đạt đến mức cực hạn sáng tạo. Đó chính là những tuyên ngôn gây sửng sốt của Mishima; cũng như khó tin và đầy mơ hồ của Kawabata.

“Đôi khi chúng ta quá nhạy cảm về sự tinh tế, thanh lịch hay cảm nhận về cái đẹp của mình… Đôi khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi với điều đó. Đôi khi chúng ta cần sự bùng nổ để mà thoát ra”. - Mishima

Chuyển ngữ từ bài nghiên cứu của Matt Treyvaud

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Một góc nhìn khác về Đà Nẵng

Published

on

By

Sau Trường Sa 1988 – Hồ sơ một sự kiện lịch sử ra mắt vào năm 2021 cung cấp những tư liệu quý về chủ quyền biển đảo, mới đây nhà nghiên cứu Võ Hà cũng đã giới thiệu tác phẩm mới nhất Đà Nẵng ngày tháng cũ.

Gồm 10 bài viết gồm các vấn đề của Đà Nẵng trước năm 1975, những biên khảo này đã cho ta thấy một góc nhìn khác về “đô thị biển” và “đô thị sân bay” từ trong quá khứ. Ngoài ra, rất nhiều vấn đề có sự tương quan giữa Đà Nẵng và đô thị miền Nam Việt Nam vẫn còn sống động cho đến ngày nay cũng được khảo sát một cách kỹ lưỡng, nghiêm túc, để thấy rằng những chuyện quá khứ cũng có khả năng giải quyết, định hướng tương lai. Nhân dịp này, tác giả Võ Hà đã chia sẻ về nhiều vấn đề xoay quanh cuốn sách.

Thưa anh Võ Hà, Gắn với Đà Nẵng thường có một câu cách ngôn “nhượng địa vẫn hoàn nhượng địa”. Đâu là khởi nguồn của nó, thưa anh?

Có một thông tin lịch sử mà chúng ta ít để ý là khi Đà Nẵng trở thành nhượng địa của thực dân Pháp theo Sắc lệnh ngày 1/10/1888 có đề cập đến “phạm vi giới hạn các vùng nhượng địa sẽ được xác định bằng các sơ đồ của bản phụ lục”. Tuy nhiên, trên thực tế không có một sơ đồ nào đính kèm theo sắc lệnh này. Điều này cho ta thấy rằng, chính quyền thuộc địa Pháp đang cố gắng tạo ra sự mập mờ trong các văn bản pháp lý để chiếm dụng các phần diện tích đất tại các khu vực nhượng địa theo hướng mở rộng ra gấp nhiều lần.

Bản quy hoạch nhượng địa Đà Nẵng được chính quyền thuộc địa Pháp đưa ra ở thời điểm năm 1889, mở rộng trên tất cả các vùng phía Tây và phía Nam của cửa biển Đà Nẵng. Tất nhiên là nó bao gồm cả bán đảo Sơn Trà (cùng với 8 làng trong bản kế hoạch cũ, bản kế hoạch mới bổ sung thêm 18 làng và nâng tổng số lên thành 26 làng bao gồm luôn cả bán đảo Sơn Trà; phạm vi của bản đồ quy hoạch mới cũng lớn hơn bản đồ cũ đến 10 lần, thậm chí là 12 lần) mà triều đình nhà Nguyễn không chấp nhận. Diện tích nhượng địa Đà Nẵng trở nên quá lớn và câu chuyện quy hoạch này sau đó trong thời kỳ Quốc gia Việt Nam được lặp lại bằng quy hoạch sân bay Đà Nẵng II bên hữu ngạn sông Hàn, với diện tích gần như bao trọn bán đảo Sơn Trà - và đó cũng là câu chuyện “nhượng địa lại hoàn nhượng địa”.

Bản đồ Đà Nẵng năm 1969. Ảnh: Tư liệu

Điều này cho thấy, bắt đầu từ những năm 1880 đến đến năm 1954 thì chính quyền Pháp ở Đông Dương luôn xuyên suốt về ý tưởng muốn nắm lấy nhượng địa Đà Nẵng với một không gian rộng lớn hơn nhiều (giống như không gian Đà Nẵng hiện nay) nhằm dễ bề tổ chức hoạt động kinh tế ở thuộc địa, đảm bảo an ninh và chia cắt, chống phá các hoạt động của chính quyền cách mạng.

Có vị trí tương tự Hongkong, thế nhưng theo anh vì sao Đà Nẵng lại không thể vươn lên về mặt thương mại như “xứ Cảng Thơm”?

Đà Nẵng và Hong Kong có tính chất tương đồng về sinh thái học lịch sử (cùng là cảng biển, là một điểm tập kết hàng hóa). Tuy nhiên, về lịch sử, điều kiện địa chính trị thì có sự khác nhau cơ bản, nhất là trong thời kỳ thế giới bước vào hội nhập quốc tế, thì Đà Nẵng rơi vào chiến tranh, trở thành một căn cứ liên hiệp quân sự của Mỹ và đồng minh ở miền Nam Việt Nam.

Nghiên cứu về một vùng đất luôn không thoát khỏi các cuộc khảo sát về nhân khẩu học và dân tộc học. Trong tác phẩm này, anh thấy người Đà Nẵng đóng vai trò gì trong lịch sử của đô thị này?

Việc mở rộng sân bay Đà Nẵng được chính quyền đương thời thực hiện dưới sự tác động mạnh mẽ, căn bản của thực dân Pháp, sau đó là Mỹ. Trong đó, có ba yếu tố tạo ra sự bất hòa của người dân, đó là: 1) Mặc dù có một sự đền bù khi di dời làm sân bay Đà Nẵng I (sân bay Đà Nẵng hiện nay) nhưng thực hiện một cách thiếu công khai, chèn ép, với sự bất nhất của chính quyền. 2) Bắt người dân tham gia công trường với giá rẻ mạt. 3) Riêng đối với sân bay Đà Nẵng II (ở Sơn Trà) thì luôn trong trạng thay quy hoạch treo, khiến đời sống nhân dân luôn bi đát. Đó là một trong những lý do người dân đứng dậy phản kháng chính quyền đương thời, cùng với sự vận động linh hoạt, sáng tạo của chính quyền cách mạng để đòi các quyền lợi chính đáng của mình.

LCU1476 thả các phương tiện và thiết bị của thủy quân lục chiến trên bãi biển Đỏ gần căn cứ không quân Đà Nẵng vào sáng ngày 8-3-1965. Ảnh chính thức của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Nguồn ảnh: mcu.usmc.mil/historydivision.

Còn về vấn đề đối với chủ quyền quần đảo Hoàng Sa ra sao, thưa anh? Được biết ngay từ rất sớm người dân Đà Nẵng, Quãng Nam cũng đã tự nguyện giữ vững chủ quyền biển đảo?

Đối với quần đảo Hoàng Sa, từ năm 1954, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã kế tục, tăng cường kiện toàn tổ chức quản lý hành chính, đẩy mạnh các hoạt động kinh tế, quân sự cũng như công tác ngoại giao để khẳng định ý chí chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. 

Bản đồ sáp nhập xã Định Hải (quần đảo Hoàng Sa) vào xã Hòa Long, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (1969). Bản đồ kèm theo Nghị định số 709-BNV/HCĐP/26 ngày 21-10-1969 của Tổng trưởng Nội vụ về việc sáp nhập xã Định Hải vào xã Hòa Long, Hòa Vang, Quảng Nam. Nguồn ảnh: Hồ sơ 8654. Phông Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.

Trong đó, Đà Nẵng có một ý nghĩa đặc biệt, nhất là đứng lên phản đối, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ khi Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Người Đà Nẵng không chỉ là hòa chung vào cuộc đấu tranh với các địa phương khác ở miền Nam lúc bấy giờ mà còn là sự thể hiện tình cảm về việc quần đảo Hoàng Sa là một bộ phận lãnh thổ của xã Hòa Long, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ (nay thuộc thành phố Đà Nẵng).

Ngoài các vấn đề xoáy vào Đà Nẵng, thì tập sách này cũng mở rộng thêm có chủ đề có liên quan đến Đà Nẵng tại miền Nam Việt Nam như bảo tồn nhà rường, thay đổi giờ giấc sinh hoạt... Anh tìm đến những chủ đề này thế nào?

Lịch sử là lịch sử, đồng thời lịch sử không hẳn là lịch sử, lịch sử nó cũng có đời sống ở hiện tại và cả tương lai theo một mức độ nào đó. Nghiên cứu lịch sử vừa đi tìm các thông tin sát thực với quá khứ, vừa xem “đời sống” của nó ở hiện tại, dự báo trong tương lai, và khuyến cáo cần ứng xử như thế cho cho thỏa đáng.

Đình Hòa Bình trong Công trường Quách Thị Trang (năm 1968-1969)

Trong tập sách này, riêng câu chuyện đề xuất phục hưng nhà rường Việt Nam cho ta biết rằng, trong quá khứ trước năm 1975, các nhân sĩ, trí thức có tấm lòng với văn hóa dân tộc đã suy nghĩ về phục hưng văn hóa Việt Nam trong bối cảnh của chiến tranh, bất ổn xã hội. Bởi khi có sự suy tàn nào đó về văn hóa đương thời thì ta cần phục hưng nó, để nó trở thành một động lực mới cho sự phát triển. Nếu độc giả để ý sẽ thấy ngay rằng, việc này sau năm 1975 khi Việt Nam trải qua thời kỳ quản lý đất nước quan liêu bao cấp, chuyển dần sang đổi mới, hội nhập quốc tế thì câu chuyện này bắt đầu lại được quan tâm, đề cập trở lại và có những động thái rõ nét. Đây chính là một ví dụ về “đời sống” của lịch sử trong hiện tại và tương lai.

Hay câu chuyện thay đổi giờ sinh hoạt của hai miền Bắc - Nam giai đoạn 1954-1975 cũng có lắm điều thú vị. Trong đó, quy chung rằng việc thay đổi giờ này đồng thời xuất phát từ hai nguyên nhân chính: đặc thù thời tiết (là một nước nhiệt đới nên giờ giấc sinh hoạt cần phù hợp với đồng hồ sinh học, để đảm bảo sức khỏe người dân) và ý chí của chính quyền đương thời (dựa vào mục tiêu lớn nhất là phải làm gì để điều chỉnh giờ giấc cho phù hợp với mục tiêu đó). Ở đây cho thấy trong việc đổi giờ, thì ở miền Nam dựa trên lập luận nhằm phát triển kinh tế, nhất là du lịch; trong khi đó ở miền Bắc chủ yếu dựa trên lập luận về tình hình chiến sự - có sự nối tiếp về việc quy định múi giờ khác nhau giữa các khu vực chiến sự kể từ sau năm 1945.

Tháp (có đồng hồ) của chợ Bến Thành năm 1920. Ảnh: Tư liệu.

Tôi nghĩ rằng, qua câu chuyện này, để có tính biểu tượng và ý thức thời gian, tại các thành phố lớn của Việt Nam hiện nay, ở khu vực trung tâm nên xây dựng một đồng hồ công cộng lớn, có thể là đồng hồ số, đồng hồ kim, đồng hồ nói… hoặc có sự kết hợp các loại với nhau và tạo nên một thời khắc “tâm lý”, như một sự dừng chân, “hiện hữu” để mỗi người nhìn về mình trong sự xô bồ của cuộc sống hiện đại.

Nhìn nhận một cách thẳng thắn, theo anh, có thể nói rằng trước năm 1975 thì miền Nam cũng có tương đối chính sách tiến bộ không? Như cho khai thác phân chim ở Hoàng Sa cũng là một cách bảo vệ lãnh thổ, hay chính sách khuyến khích tiêu dùng trong nước, trồng các cây gòn để gia tăng kinh tế…?

Những chính sách nêu trên dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm là một cố gắng đáng ghi nhận trong việc thực thi chủ quyền của Việt Nam Cộng hoà ở quần đảo Hoàng Sa; trong việc muốn phát huy nội lực để phát triển đất nước mà cả giai đoạn trước đó và cả những năm ngay sau đó (tính trước năm 1975) không có được. Qua đây, cũng xin nói thêm rằng, nếu nghiên cứu về miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 thì thời kỳ dưới thời Ngô Đình Diệm có những chính sách kinh tế, nhất là về văn hoá để lại nhiều dấu ấn rõ nét.

Xin cám ơn anh về cuộc trao đổi này!

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Họ đã làm ra cảnh quay nổi tiếng trong ‘Hàm cá mập’ như thế nào?

Published

on

Phim Hàm cá mập (tựa tiếng Anh: Jaws) của đạo diễn Steven Spielberg là tác phẩm mang tính "thách thức" khán giả, vì đây là một trong những phim về loài thủy quái biển sâu tạo hiệu ứng rền vang ngay từ buổi chiếu thử.

Nói về độ nổi tiếng của Hàm cá mập đối với dân mê phim là "múa rìu qua mắt thợ", nhưng có lẽ nói về chuyện hậu trường của phim, nhất là một trong những cảnh phim chết chóc, lạnh vai gáy trong tác phẩm này hẳn sẽ rất thú vị. Khi bản dịch tiếng Việt của cuốn Khán giả học - Người xem thử nghiệm đã xoay chuyển các bộ phim bom tấn như thế nào? (tựa gốc tiếng Anh: Audience-ology: How Moviegoers Shape the Films We Love) của hai tác giả Kevin Goetz và Darlene Hayman ra mắt độc giả Việt, nhiều câu chuyện hậu trường về quá trình làm phim của Hàm cá mập dần được hé lộ, nhưng không phải dưới góc nhìn thuần "kể lể" dài dòng văn tự mà đi sâu mổ xẻ qua câu chuyện chiếu thử. Vì các tác giả là những người có thâm niên trong lĩnh vực này.

Cảnh trên phim trường Hàm cá mập năm 1975. Ảnh: UNIVERSAL

Buổi chiếu thử phim Jaws ra đời khi mà "giữa những năm 1970, ngành công nghiệp điện ảnh trải qua một số thay đổi giúp việc nghiên cứu chiếu thử được áp dụng rộng khắp và buộc quy trình này trở nên nghiêm ngặt và có nguyên tắc hơn". Steven Spielberg lúc đó chỉ mới 28 tuổi, hầu như vô danh, nhưng công ty MCA Universal đã trao dự án vào tay nhà làm phim trẻ và họ lên kế hoạch quảng bá rầm rộ. Buổi chiếu thử vào "một chiều mưa ướt sũng mùa xuân năm 1975" khiến dàn lãnh đạo MCA đứng ngồi không yên, và "phút thứ 90", họ quyết định cho chiếu thử tác phẩm.

Tuy đã chạy chiến dịch quảng bá qua đài phát thanh địa phương trước đó, thế nhưng khi đến buổi chiếu thử, lãnh đạo của MCA không ngờ có cả một hàng người rồng rắn trước rạp để được vào xem suất đầu của Jaws. Thành công ngoài mong đợi! Khán giả la hét, choáng váng, có người bỏ ra khỏi rạp để ổn định tinh thần, có người thậm chí nôn mửa suốt quá trình các nhân vật chiến đấu với con cá mập vô cùng khát máu trên màn ảnh. Thế nhưng có một cảnh mà cả rạp "nhảy dựng ra khỏi ghế", thế nhưng ê-kíp lại cảm thấy chưa thật sự đẩy lên đến "đỉnh" của nỗi sợ, đó là cảnh một nhân vật lặn dọc thân tàu, rọi đèn pin tìm kiếm và bất ngờ đầu của thuyền trưởng trồi ra lềnh bềnh. Để "nâng cấp" cảnh này, Steven Spielberg và cộng sự đã quyết định ghi hình lại ngay ngày hôm sau, nhưng do tiết kiệm chi phí, họ đã quay ở một hồ bơi. Sau khi chỉnh sửa, ê-kíp cho cập nhật bản phim mới, mở buổi chiếu thử thứ hai. Cũng ở cảnh lặn dọc theo mạn tàu đáng sợ ấy, nhân vật "phát hiện ra vết rạch sâu trên thân tàu và rọi đèn pin vào lỗ trống ấy. Máy quay dừng lại một lát trong bóng tối bao trùm. Rồi, bất thình lình, cái đầu xuất hiện trên màn ảnh với một con mắt lồi ra trong sự sợ hãi chết chóc, con mắt còn lại thì mất tiêu, hốc mắt đầy cua cáy. Cả rạp bùng nổ". 

Sách Khán giả học dịch tốt, là quyển sách về điện ảnh đọc hấp dẫn, có nhiều thông tin bổ ích cho "mọt phim". Ảnh: Nhà sách Phương Nam

Hàm cá mập đã thành công vang dội tại phòng vé năm đó, trở thành phim ăn khách bậc nhất lịch sử điện ảnh, cho đến khi tác phẩm sử thi không gian Star Wars ra mắt sau đó 2 năm và "soán ngôi" của phim. Jaws được đề cao về kỹ thuật dựng phim và hiệu ứng âm thanh. Buổi chiếu thử đã giúp các nhà làm phim đi đến việc thay đổi bản phim hiện tại nhằm làm tác phẩm tốt hơn, sống lâu hơn ở rạp, và hơn thế, sống lâu hơn trong lòng công chúng. 

Là cây bút quan sát, nghiên cứu về Hollywood trong hơn 30 năm, Kevin Goetz đã đưa ra những phân tích sắc sảo, mang tính chiêm nghiệm trong suốt thời gian dài về quy trình chiếu thử - tuy chỉ mang tính sơ khởi, thăm dò phản ứng của khán giả về bản dựng chưa hoàn chỉnh của phim nhưng lại quyết định sự sống còn của tác phẩm. Thậm chí, Kevin Goetz còn cho biết việc chiếu thử còn được tính toán cẩn thận đến mức, nếu xét về nhân khẩu học trong việc xem phim, quy trình chiếu thử sẽ có những quy tắc vô cùng nghiêm ngặt của nó. Và điểm nhìn của Kevin Goetz đưa ra xuyên suốt quyển Khán giả học càng chắc chắn hơn khi tác giả có thâm niên làm việc đáng ngưỡng mộ với dàn lãnh đạo của các hãng phim lớn, lâu đời ở Hollywood. 

Nguồn: Báo Thanh Niên Online I Thế Sang

Đọc bài viết

Cafe sáng