Trà chiều

Ngưng giả vờ như thể chúng ta không biết rằng tận thế do biến đổi khí hậu đang đến

Ngày tận thế do biến đổi khí hậu đang đến. Để chuẩn bị cho nó, chúng ta cần thừa nhận rằng chúng ta chẳng thể ngăn chặn nó được.

Published

on

WHAT IF WE STOPPED PRETENDING?
Jonathan Franzen

Kafka từng nói rằng, “Lúc nào cũng tồn tại vô vàn hy vọng, chỉ là nó không dành cho chúng ta.” Đây là một vần thơ trào phúng huyền ảo (nhưng lại rất phù hợp) đến từ một nhà văn chuyên tạo ra những nhân vật luôn phấn đấu vì các mục tiêu có vẻ nằm trong tầm với. Bất hạnh thay (hay buồn cười thay), những nhân vật của ông không bao giờ tiến đến gần mục tiêu dù chỉ một chút. Nhưng với tôi, trong thế giới đang ngày càng tăm tối này, đảo đề của câu nói chua cay từ Kafka đúng tương đương: Chẳng còn chút hy vọng nào nữa, trừ là với chúng ta.

Tất nhiên là tôi đang nói về biến đổi khí hậu. Cuộc tranh đấu để kiểm soát khí thải carbon toàn cầu và ngăn trái đất nóng lên cũng có cảm giác giống như tiểu thuyết của Kafka vậy. Trong ba mươi năm qua mục tiêu luôn rõ ràng, nhưng bất chấp những nỗ lực sốt sắng của loài người, về cơ bản chẳng có gì tiến triển cả. Ngày nay, bằng chứng khoa học đã tiến gần đến mức không thể bác bỏ. Nếu bạn trẻ hơn tuổi sáu mươi, bạn có nhiều khả năng sẽ được chứng kiến quá trình bất ổn sự sống triệt để trên khắp hành tinh: mùa màng thất thu trên diện rộng, những vụ hỏa hoạn khải huyền, sự sụp đổ kinh tế, ngập lụt chấn động, hàng trăm triệu người di cư trốn chạy khỏi các khu vực không thể sinh sống do sức nóng tột bậc hoặc hạn hán vĩnh viễn. Nếu bạn dưới ba mươi tuổi, bạn chắc chắn sẽ được chứng kiến những thảm họa trên.

Nếu bạn quan tâm tới Trái đất, tới con người và động vật đang định cư nơi đây, có hai cách tiếp cận vấn đề. Một là bạn có thể tiếp tục hy vọng rằng thảm họa sẽ được ngăn chặn, để rồi cảm thấy thất vọng hoặc nổi giận với sự thờ ơ của thế giới. Hoặc bạn có thể chấp nhận rằng thảm họa sẽ tới, và tái cân nhắc liệu cái gì mới mang nghĩa nắm giữ hy vọng.

Ngay cả bây giờ, những ngôn luận về một hy vọng viễn vông vẫn còn đầy rẫy. Hàng ngày, bạn mở mắt ra và đọc được những bài báo kiểu như “hãy xắn tay áo lên” và “cứu Trái đất”; kiểu như vấn đề về biến đổi khí hậu có thể được “giải quyết” nếu chúng ta kêu gọi được ý chí tập thể. Thông điệp này có lẽ còn đúng vào năm 1988, khi khoa học khẳng định mười mươi rằng trong ba mươi năm vừa qua, chúng ta đã thải ra lượng carbon vào khí quyển gấp đối tổng lượng gộp trong hai thế kỉ công nghiệp hóa. Thực tế đã thay đổi, nhưng vì lý do gì đó thông điệp vẫn giậm chân tại chỗ.

Về mặt tâm lý học, sự chối bỏ nhận thức này cũng dễ hiểu. Bất chấp cái sự thật tàn nhẫn rằng sớm thôi tôi sẽ nhắm mắt vĩnh viễn, tôi vẫn sống ở hiện tại, đâu phải ở tương lai. Lựa chọn giữa một cái viễn cảnh trừu tượng đáng sợ (cái chết) và những thứ an lành hiển hiện trước mắt (bữa sáng nay chẳng hạn), đầu óc tôi thích tập trung vào cái sau hơn. Hành tinh cũng vẫn còn đây, đại khái vẫn bình thường – giao mùa, lại một năm bầu cử sắp tới, chương trình phim hài mới trên Netflix – và nghĩ tới Trái đất sắp sụp đổ thì còn khó tưởng tượng hơn cả nghĩ tới cái chết của bản thân. Những kiểu tận thế khác, cho dù là về tôn giáo hay nổ nhà máy hạt nhân hay thiên thạch va vào Trái đất, ít nhất là có hai giai đoạn tử vong nhị phân gọn ghẽ: một phút trước thế giới còn ở đó, một phút sau nó đã biến mất mãi mãi. Tận thế do biến đổi khí hậu thì ngược lại: nó lộn xộn. Nó sẽ xuất hiện dưới dạng các khủng hoảng nghiêm trọng ngày càng gia tăng và ngày càng hỗn loạn, cho đến khi nền văn minh bắt đầu sứt mẻ. Mọi thứ sẽ trở nên rất tệ, những có lẽ không quá sớm, và có lẽ không phải với tất cả mọi người. Có lẽ không phải với tôi.

Tuy nhiên, một vài sự chối bỏ là do ngoan cố. Sự thâm độc của Đảng Cộng hòa Mỹ đối với khoa học khí hậu là điều ai cũng biết, nhưng sự chối bỏ cũng tìm được đường vào với Đảng Cấp tiến, hay ít ra là với hệ lý luận của nó. Chính sách Tăng Trưởng Xanh Mới (The Green New Deal) – khung sườn của một số đề xuất trọng yếu nhất được đưa ra liên quan đến vấn đề này – vẫn được định hình là cơ hội cuối cùng của chúng ta để ngăn chặn thảm họa và cứu lấy hành tinh, bằng các dự án năng lượng tái tạo khổng lồ. Rất nhiều nhóm ủng hộ những đề xuất trên sử dụng những ngôn từ như “dừng” biến đổi khí hậu, hay ám chỉ rằng vẫn còn thời gian để phòng ngừa nó. Không giống như cánh hữu, cánh tả tự hào vì đã lắng nghe các nhà khoa học khí hậu – những người thật sự chấp nhận rằng, trên lý thuyết, thảm họa có thể được ngăn chặn. Nhưng không phải ai cũng dỏng tai nghe kĩ càng. Sức nặng rơi vào ba chữ trên lý thuyết.

Đại dương và khí quyển chỉ có thể hấp thụ một lượng nhiệt nhất định trước khi biến đổi khí hậu – càng thêm trầm trọng bởi những vòng lặp liên hồi – hoàn toàn vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Các nhà khoa học và các nhà làm luật có nhận thức chung rằng chúng ta sẽ vượt ngưỡng không thể vãn hồi nếu nhiệt độ trung bình Trái Đất tăng thêm hai độ C (có thể cao hơn một chút, nhưng cũng có thể thấp hơn một chút). I.P.C.C. (Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu) khẳng định với chúng ta rằng, để hạn chế mức độ tăng ít hơn hai độ C, không những chúng ta cần phải đảo ngược tiến trình của ba thập niên trước mà lượng chất thải carbon ròng trên toàn thế giới còn phải đạt mức 0 trong vòng ba thập niên tiếp theo.

Đây là một nhiệm vụ khó nhằn, gần như là bất khả thi – trong trường hợp bạn tin tưởng những tính toán của I.P.C.C. là chính xác. Các nghiên cứu mới, được mô tả tháng trước trong tờ Scientific American, giải thích rằng các nhà khoa học khí hậu không những không hề phóng đại mối đe dọa của biến đổi khí hậu mà còn đánh giá thấp tiến độ và mức độ nghiêm trọng của nó. Để tìm ra được mức tăng nhiệt độ trung bình Trái đất, các nhà nghiên cứu phụ thuộc vào các mô hình khí quyển phức tạp. Họ lấy một nhóm các biến và sử dụng siêu máy tính để tính toán và dựng nên mười nghìn mô phỏng khác nhau cho thế kỉ tới, nhằm mục đích tạo ra những dự đoán “chính xác nhất” của mức gia tăng nhiệt độ. Khi một nhà khoa học dự đoán tăng hai độ C, cô ấy chỉ đang đơn thuần nêu ra một con số mà cô ấy rất tự tin: nó sẽ tăng ít nhất hai độ C. Trên thực tế, nhiệt độ có thể tăng cao hơn nhiều.

Dù không phải là nhà khoa học nhưng tôi cũng có những mô hình cho riêng mình. Tôi dùng não bộ để tính toán rất nhiều những viễn cảnh tương lai, áp dụng những giới hạn của tâm lý con người và thực tế chính trị, ghi nhận sự gia tăng không khoan nhượng trong lượng tiêu thụ năng lượng toàn thế giới (cho tới bây giờ, carbon tiết kiệm được do sử dụng năng lượng tái tạo đã “được” bù đắp lại bởi lượng cầu tiêu dùng gia tăng), và đong đếm cái viễn cảnh mà hành động tập thể có thể ngăn chặn thảm họa. Viễn cảnh này, tôi hình dung ra được từ sự hướng dẫn của các nhà làm luật và các nhà hoạt động xã hội, có một số điều kiện chung cần thiết như sau:

Điều kiện đầu tiên là tất cả các quốc gia gây ô nhiễm hàng đầu trên thế giới phải tiến hành các biện pháp bảo tồn hà khắc, đóng cửa đa số các cơ sở hạ tầng phục vụ cho công nghiệp năng lượng và vận tải, và phải hoàn toàn tái cơ cấu nền kinh tế. Theo như một bài luận gần đây trên tờ Nature, lượng khí thải carbon từ những cơ sở hạ tầng hiện có sẽ vượt mức “cho phép” nếu chúng tiếp tục hoạt động cho đến khi hết công suất – với mức cho phép đã bao gồm hàng tỷ tấn khí carbon có thể thải ra môi trường mà không vượt ngưỡng thảm họa. (Ước tính này không bao gồm hàng ngàn dự án năng lượng và vận tải mới đã được lên kế hoạch hoặc đang thi công.) Để giữ lượng khí thải ở dưới mức cho phép, cần có sự can thiệp từ trên xuống không chỉ ở mỗi quốc gia mà còn phải ở khắp mọi nơi trong cả nước. Xây dựng thành phố New York thành một utopia xanh cũng chẳng có ích lợi gì nếu Texas vẫn ngoan cố khai thác dầu mỏ và sử dụng xe bán tải.

Hành động của những nước này cũng phải đúng đắn. Phần lớn lượng tiền của chính phủ phải được dùng không phí phạm và không rơi vào tay sai người. Khá hữu dụng khi nhớ lại trò cười kiểu Kafka về chỉ thị dùng nhiên liệu sinh học của EU, dẫn tới sự gia tăng nạn phá rừng ở Indonesia để trồng cọ lấy dầu cũng như chính sách trợ giá cho nhiên liệu ethanol chẳng lợi lộc cho ai ngoài nông dân trồng ngô.

Cuối cùng, một lượng áp đảo người dân trên thế giới, bao gồm hàng triệu người chống đối chính phủ Mĩ, cần phải yên ổn chấp nhận mức thuế cao và sự cắt xén đáng kể cái lối sống mà họ quen thuộc. Họ phải chấp nhận thực tế là khí hậu đang thay đổi và giữ lòng tin vào những biện pháp cực đoan được thực hiện để chiến đấu với tình trạng này. Họ không thể cứ lấp liếm rằng những tin tức họ không thích là fake news (tin giả). Họ phải gác chủ nghĩa dân tộc, sự oán hận giai cấp và chủng tộc sang một bên. Họ phải chấp nhận hy sinh cho những mối đe dọa còn ở khá xa, cho những thế hệ ở tương lai xa. Họ cần phải sống với nỗi lo sợ thường trực về những mùa hè nóng lên và những thiên tai ghé thăm thường xuyên hơn, hơn là tập làm quen với chúng. Mỗi ngày, thay vì nghĩ về bữa sáng ngon lành, họ phải nghĩ về cái chết.

“Mỗi ngày, thay vì nghĩ về bữa sáng ngon lành, họ phải nghĩ về cái chết.”

*

Gọi tôi là người bi quan hay người theo chủ nghĩa nhân văn đều được, nhưng tôi không cho rằng bản chất con người sẽ thay đổi trong thời gian ngắn. Tôi có thể tính toán mười nghìn viễn cảnh bằng mô hình trong đầu, nhưng lại chẳng có viễn cảnh nào mà tôi thấy rằng mục tiêu hai độ C của chúng ta có thể đạt được.

Đánh giá từ cuộc khảo sát ý kiến gần đây, phần lớn người Mỹ (rất nhiều người trong số đó thuộc Đảng Cộng hòa) rất bi quan về tương lai của hành tinh, và từ sự thành công của một quyển sách u ám như The Uninhabitable Earth (tạm dịch Hành tinh chết) của David Wallace-Wells được phát hành năm ngoái, tôi không phải là người duy nhất đi đến kết luận đó. Nhưng người ta vẫn không sẵn lòng truyền thông về tình thế này. Một số nhà hoạt động vì môi trường tranh luận rằng nếu chúng ta công khai thừa nhận rằng vấn đề này không thể được giải quyết, nó sẽ khiến con người không muốn làm bất kì điều gì để cải thiện vấn đề nữa. Theo tôi, cái kết luận này không những kẻ cả mà còn cho thấy sự bất lực, khi chúng ta đã và đang làm được quá ít cho môi trường. Những nhà hoạt động môi trường đưa ra kết luận này gợi tôi nhớ đến những nhà lãnh đạo tôn giáo – những người kinh sợ rằng nếu không có hứa hẹn về sự cứu rỗi vĩnh hằng, mọi người sẽ không thèm cư xử đức hạnh. Theo kinh nghiệm của tôi, không có người vô thần nào ít thương yêu hàng xóm hơn người theo tôn giáo. Và vì vậy, tôi cũng tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta đối mặt với sự thật thay vì chối bỏ nó.

Đầu tiên, thậm chí nếu chúng ta không có chút hy vọng được cứu rỗi nào từ hai độ C kia, vẫn có một lập luận đúng thực tế và hợp đạo đức cho việc giảm khí thải carbon. Trong dài hạn, có lẽ cũng chẳng có gì khác biệt nếu chúng ta vượt qua mức hai độ xa bao nhiêu. Một khi đã vượt ngưỡng không thể quay đầu, thế giới sẽ tự chuyển mình. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, biện pháp có tác dụng một nửa còn tốt hơn là không áp dụng biện pháp nào. Cắt giảm một nửa lượng khí thải sẽ tạo ra tác dụng tức thời, khiến tình trạng Trái đất nóng lên đỡ nghiêm trọng, và phần nào sẽ trì hoãn cái ngưỡng không thể cứu vãn. Điều đáng sợ nhất về sự thay đổi khí hậu là tốc độ phát triển của nó, gần như mỗi tháng lại phá vỡ kỉ lục nhiệt độ. Nếu hành động tập thể dẫn tới ít trận siêu bão có sức công phá khủng khiếp hơn hoặc chỉ một vài năm ổn định tương đối, nó hẳn là một mục tiêu đáng theo đuổi.

“Và vì vậy, tôi cũng tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta đối mặt với sự thật thay vì chối bỏ nó.”

Thực tế, nó cũng đáng theo đuổi thậm chí nếu nó chẳng có chút tác dụng nào. Việc không bảo tồn một nguồn lực có hạn khi các biện pháp bảo tồn đã có sẵn và xả thêm carbon vào không khí một cách thừa thãi khi chúng ta hiểu rõ chúng có hại như thế nào, những việc như vậy đơn thuần là sai trái. Mặc dù hành động của một cá nhân không có tác động gì đến khí hậu, điều này không có nghĩa rằng việc làm của họ là vô nghĩa. Mỗi chúng ta cần phải đưa ra một lựa chọn về đạo đức. Trong cuộc Cải cách Kháng nghị (Protestant Reformation), khi “ngày tận thế” chỉ đơn thuần là một ý niệm chứ không phải là cái thực tế đáng sợ như ngày nay, một câu hỏi học thuyết cốt lõi chính là liệu ta nên làm việc tốt vì nó sẽ giúp ta lên Thiên đường, hay liệu ta nên làm việc tốt bởi vì chúng là điều tốt. Bởi vì, dẫu Thiên đường vẫn còn là dấu chấm hỏi, bạn biết rằng thế giới này sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu tất cả mọi người đều làm như vậy. Tôi có thể tôn trọng hành tinh và quan tâm đến những người cùng chia sẻ hành tinh này mà không cần tin rằng hành động của tôi sẽ cứu giúp chính mình.

Hơn thế nữa, hy vọng sai lầm về sự cứu rỗi có thể rất có hại. Nếu bạn khăng khăng tin rằng thảm họa có thể được ngăn chặn, bạn trói buộc bản thân mình vào chuyện giải quyết một vấn đề quá sức to lớn đến nỗi nó cần tất cả mọi người phải cân nhắc nó là ưu tiên hàng đầu. Một kết quả kì lạ là người ta rơi vào tình trạng tự mãn: bằng cách bầu cử cho một ứng viên ủng hộ công nghiệp xanh, lái xe đạp đi làm, tránh đi đường hàng không, bạn có lẽ cảm thấy rằng bạn đã làm mọi thứ có thể cho điều duy nhất đáng làm. Ngược lại, nếu bạn chấp nhận thực tế rằng Trái đất sẽ nhanh chóng nóng đến mức không thể cứu vãn và đe dọa nền văn minh, còn rất rất nhiều điều bạn phải nên làm.

Nguồn tài nguyên của chúng ta không phải vô hạn. Thậm chí nếu chúng ta đầu tư phần lớn trong số chúng vào ván cá cược dài hạn nhất, giảm lượng carbon thải ra với hy vọng rằng nó sẽ cứu vớt loài người, thật không khôn ngoan khi dốc hết vốn. Cứ mỗi một tỷ đô đầu tư vào tàu cao tốc – dự án chưa biết rằng có thích hợp với Bắc Mĩ không – là một tỷ đô thiếu hụt cho công tác chuẩn bị cho thiên tai, công tác sửa chữa những quốc gia bị ngập, hay công cuộc cứu trợ nhân đạo trong tương lai. Mỗi siêu dự án năng lượng xanh nhưng phá hủy một hệ sinh thái sẵn có – như là dự án phát triển năng lượng “xanh” hiện đang diễn ra tại vườn quốc gia Kenya, dự án thủy điện khổng lồ ở Braxin, công trình xây dựng cánh đồng pin năng lượng mặt trời diễn ra ở không gian ngoài trời chứ không phải khu dân cư – làm xói mòn khả năng chống cự của một thế giới tự nhiên vốn đã đang vật lộn để sống sót. Sự cạn kiệt nguồn đất và nước, lạm dụng thuốc trừ sâu, sự càn quét của ngành công nghiệp đánh bắt thủy hải sản, chỉ có sức mạnh đám đông mới cần thiết cho những vấn đề này, và – không giống vấn đề khí thải carbon – nó nằm trong tầm tay giải quyết của chúng ta. Điểm cộng là, thậm chí cả những biện pháp công nghệ thấp để bảo tồn tự nhiên (trồng rừng, giữ gìn đồng cỏ, ăn ít thịt hơn) cũng có hiệu quả giảm lượng thải carbon ngang ngửa với những thay đổi công nghiệp quy mô lớn.

Dốc toàn lực đấu tranh chống lại biến đổi khí hậu chỉ có ý nghĩa khi chúng ta có khả năng chiến thắng. Một khi bạn chấp nhận rằng chúng ta đã thua cuộc, những loại hành động khác có ý nghĩa còn cao cả hơn. Chuẩn bị cho những trận hỏa hạn, ngập lụt và những người tị nạn là một ví dụ thích đáng trực diện. Nhưng những thảm họa treo lơ lửng trên đầu đã tăng cường tính cấp bách của bất cứ hành động cải thiện thế giới nào. Vào kỷ nguyên của hỗn loạn gia tăng, người ta tìm kiếm sự che chở từ cuộc sống bộ lạc hoặc các lực lượng vũ trang hơn là từ pháp luật, và hàng phòng ngự tốt nhất của chúng ta chống lại tình trạng dystopia này là phải duy trì chế độ dân chủ có hiệu lực, hệ thống pháp luật có hiệu lực và một cộng đồng có hiệu lực. Riêng về khía cạnh này, bất cứ động thái nào hướng về một xã hội văn minh và công bằng hơn đều được xem là một động thái có ý nghĩa về mặt khí hậu. Đảm bảo được cuộc bầu cử công bằng là một hành động khí hậu. Đấu tranh chống lại sự chênh lệch giàu nghèo tột bậc là một hành động khí hậu. Dẹp bỏ những mưu toan ghét bỏ nhau trên mạng xã hội là một hành động khí hậu. Tiến hành các chính sách nhập cư nhân đạo, chủ trương ủng hộ công bằng giới tính và chủng tộc, cổ vũ việc tôn trọng luật pháp và lực lượng chức năng, ủng hộ báo chí tự do và độc lập, loại bỏ vũ trang sát thương khỏi đất nước – đây đều là những hành động có ý nghĩa cho khí hậu. Để tồn tại được khi nhiệt độ gia tăng, mỗi một hệ thống – cho dù là tự nhiên hay là của thế giới con người – đều cần trở nên kiên cố và lành mạnh hết mức có thể.

“Riêng về khía cạnh này, bất cứ động thái nào hướng về một xã hội văn minh và công bằng hơn đều được xem là một động thái có ý nghĩa về mặt khí hậu.”

Và sau đó là vấn đề của hy vọng. Nếu hy vọng của bạn về tương lai phụ thuộc vào một viễn cảnh lạc quan đến khó tin thì trong mười năm tới, bạn sẽ làm gì, khi mà viễn cảnh đó trở nên bất khả, ngay cả trên lý thuyết? Hoàn toàn từ bỏ hành tinh này? Mượn lời khuyên từ một nhà hoạch định tài chính, tôi sẽ đề xuất một bộ hy vọng cân bằng hơn: một vài trong số chúng là dài hạn, phần lớn là ngắn hạn. Sẽ chẳng sao cả nếu bạn vật lộn trong vòng ràng buộc bởi bản năng con người, hy vọng làm dịu bớt cái viễn cảnh tồi tệ nhất sắp tới, tuy nhiên, việc đấu tranh cho những vấn đề nhỏ hơn, hạn hẹp hơn cũng rất quan trọng, giống như chuyện bạn phải giữ một hy vọng chân thực về khả năng chiến thắng. Đúng, hãy cứ tiếp tục làm những điều đúng đắn cho hành tinh này, nhưng cũng hãy cố gắng bảo vệ những thứ bạn đặc biệt yêu quý – một cộng đồng, một tổ chức, một vùng hoang dã, một loài đang gặp nguy cơ – và đạt được sự hài lòng từ các thành công nho nhỏ. Bất cứ việc tốt nào bạn làm bây giờ cũng sẽ góp phần chống lại tương lai nóng lên của Trái đất, nhưng điều thực sự ý nghĩa là nó chỉ tốt trong hôm nay. Miễn là bạn có thứ để đặt tình yêu vào, bạn sẽ có thứ gì đó để đặt hy vọng.

Ở nơi tôi sống, Santa Cruz, có một tổ chức tên là Dự án Vườn Vô Gia Cư (Homeless Garden Project). Tại một nông trại ở rìa Tây thành phố, người ra tạo việc làm, khóa đào tạo, sự hỗ trợ và tinh thần cộng đồng dành cho dân vô gia cư trong thành phố. Nó không thể “giải quyết” vấn đề vô gia cư, nhưng nó đã thay đổi cuộc sống của nhiều người, từng người một, trong gần ba mươi năm. Tự duy trì sự tồn tại của tổ chức một phần bằng cách bán các sản phẩm hữu cơ, nó đóng góp – trên diện rộng – cho một cuộc cách mạng ý thức về cách chúng ta nghĩ về những người khó khăn, về mảnh đất mà chúng ta phụ thuộc vào, và về thế giới tự nhiên quanh ta. Mỗi mùa hè, như một thành viên của chương trình C.S.A. của Dự án, tôi rất thích mua rau cải xoăn và dâu tây từ họ, và vào mùa thu, vì đất đai vẫn còn tươi mới và không bị ô nhiễm, những loài chim di cư nhỏ sẽ tìm được thực phẩm trong bụi cây.

Sẽ đến một lúc nào đó, có lẽ là sớm hơn bất kì ai trong chúng ta dự đoán, khi mà hệ thống công-nông nghiệp và giao thương toàn cầu sụp đổ và người vô gia cư thì nhiều hơn người có nhà. Vào lúc đó, ngành nông nghiệp truyền thống tại địa phương và những cộng đồng vững mạnh sẽ không chỉ là những từ thông dụng của Đảng Tự do. Đối xử tử tế với hàng xóm và tôn trọng thiên nhiên – mảnh đất đầy dinh dưỡng và lành mạnh, những nguồn nước được quản lý khôn ngoan, quan tâm đến sâu bọ giúp thụ phấn – những việc làm này sẽ trở nên thiết yếu giữa khủng hoảng và những cộng đồng tồn tại qua cuộc khủng hoảng đó. Một dự án như Vườn Vô Gia Cư trao cho tôi hy vọng rằng trong tương lai, mặc dù chắc chắn sẽ tệ hơn hiện tại, có lẽ vẫn sẽ tốt hơn theo một cách nào đó. Hơn hết, nó cho tôi hy vọng cho ngày hôm nay.

“Miễn là bạn có thứ để đặt tình yêu vào, bạn sẽ có thứ gì đó để đặt hy vọng.”

Hết.

Emma Đẹp Thần Thánh dịch.

Bài gốc được thực hiện bởi Jonathan Franzen, đăng tại The New Yorker.

*

Những bài viết có cùng chủ đề môi trường & thiên nhiên




Trà chiều

Review đèn Trung Thu bằng gỗ tự lắp và tô màu

Published

on

By

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Trung Thu nên bài viết tiếp theo cho series "Nhà Sách Có Gì Ngoài Sách" của mình sẽ chia sẻ và review về trải nghiệm tô màu và lắp ráp đèn lồng Hằng Nga bằng gỗ. Hi vọng bài viết của mình sẽ hữu ích cho các bạn đang tìm kiếm quà tặng Trung Thu cho bé hoặc đang muốn tìm món đồ để kết nối gia đình nhân ngày Tết Đoàn Viên thì có thể tham khảo, và nếu cảm thấy thú vị bạn có thể đến ngay hệ thống Nhà Sách Phương Nam để xem thêm nhé!

Hộp đựng của đèn lồng Trung Thu Hằng Nga

Mời xem thêm video trải nghiệm tại đây
Xem thêm: Review bộ màu vẽ lên kính Amos Glass Deco Review hộp bút họa tiết trang trí dễ thương

Thông tin chung về sản phẩm

Bộ sản phẩm này gồm có:

- 2 miếng gỗ hình Hằng Nga bay trên mây, 5 miếng gỗ nhỏ ráp đèn, 1 miếng gỗ vừa làm kệ đặt nến và 1 tay cầm gỗ.
- 1 vỉ 6 màu, 1 cọ, 1 dây gai, 1 viên nến và 2 miếng nhỏ keo 2 mặt.

Sau khi khui hộp
Các miếng gỗ để bạn lắp và hoàn thiện
Chi tiết gỗ để ráp đèn

Đèn này dùng để làm gì?

- Để bé đem theo đi rước đèn cùng bè bạn
- Dùng trang trí mọi góc trong nhà mùa Trung Thu.
- Khơi gợi trí sáng tạo của bé và giúp gia đình kết nối với nhau hơn khi cùng lắp ráp và tô màu.
- Là món quà DIY hữu ích cho bé nhân dịp Trung Thu.

Điều yêu thích ở sản phẩm này
- Dễ lắp ráp, chất liệu gỗ thân thiện môi trường, tô dễ dàng.
- Màu sắc kèm theo hộp sản phẩm tươi sáng, pha trộn cũng rất dễ và nhanh khô cực kỳ.
- Hộp đựng dễ thương, mang đi tặng quà rất thích hợp.

Chia sẻ công thức đơn giản phối màu
- Tô màu áo hằng Nga: mình pha màu đỏ và màu trắng để ra được màu hồng ngọt ngào.
- Tô màu cho cối mà Thỏ ngọc đang giã: mình pha màu đen và màu vàng để ra màu nâu.

Pha màu hồng bằng màu trắng và màu đỏ
Pha màu nâu bằng màu đen và màu vàng

Chút lưu ý rút ra khi sử dụng
- Trước khi tô bạn nên chuẩn bị: 1 hũ nước để rửa cọ ngay sau mỗi lần đổi màu khác.
- Bạn phải dùng giấy lót phía dưới sàn rồi hẵn đặt gỗ lên tô vì màu nước lúc tô sẽ bắn xuống sàn, bất tiện cho lau dọn. - Sau khi tô xong, bạn nên để ở chỗ thoáng để nhanh khô và tránh đụng tay vào lúc màu tô trên gỗ còn ướt.

Đèn sau khi đã tô màu và lắp ráp xong
Màu lên gỗ rất nhanh khô

Tóm lại là với những ai thích DIY sẽ rất yêu thích sản phẩm này. Và chắc chắn rằng khi bé nào nhận món quà Đèn Lồng Trung Thu này đều sẽ rất thích, nhất là các bé gái vì sẽ được tô màu cho Hằng Nga. Ở Nhà Sách Phương nam còn có đèn lồng gỗ hình các con vật nữa, bạn có thể đến tham khảo thêm cho bé trai.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian xem bài, để lại bình luận nếu bạn cần thêm thông tin nhé!

Chúc bạn và gia đình đón Trung Thu vui vẻ và ấm áp nhé!

Đọc bài viết

Trà chiều

Review bộ màu vẽ lên kính Amos Glass Deco

Published

on

By

Tiếp tục series "Nhà sách có gì ngoài sách" hôm nay mình muốn chia sẻ về bộ màu vẽ trang trí Amos Glass Deco - Dino, sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc dùng để vẽ lên kính, gương. Sản phẩm rất hợp để khơi gợi trí sáng tạo cho bé hoặc nếu bạn là người lớn yêu thích đồ chơi sáng tạo cũng có thể trải nghiệm để giải trí sau những giờ học, làm việc căng thẳng.

Nếu bạn đang đặt câu hỏi "Mua quà trung thu gì cho bé?" thì bộ màu này là một gợi ý hay cho quà trung thu đó nhé!

Mời xem thêm video trải nghiệm tại đây
Xem thêm: Review hộp bút họa tiết trang trí dễ thương

Hộp đựng bộ màu vẽ trang trí

Thông tin chung về sản phẩm

Bộ màu vẽ trang trí Amos Glass Deco - Dino gồm có:
- 6 suncatcher khủng long dễ thương
- 6 bút màu tô vẽ lên kính 10.5 ml như sau:
1. Vàng lấp lánh
2. Xanh lấp lánh
3. Trắng
4. Xanh biển
5. Cam
6. Tím

6 bút màu tươi sáng

Bộ màu vẽ này dùng để làm gì?
- Khơi gợi tính sáng tạo của bé khi phối màu, tô màu lên suncatcher.
- Giúp bé làm quen với màu sắc, các con vật khủng long kèm theo.
- Các suncatcher dùng trang trí trong nhà như treo lên cửa, không gian bàn học hoặc dùng làm móc khóa.

Điều yêu thích ở sản phẩm này


- Kiểu dáng dễ thương, dễ sử dụng.
- Thỏa sức phối màu theo ý thích mà không sợ bị lem khi tô các bút màu gần nhau.
- Hộp đựng đẹp mắt và các chú khủng long suncatcher được làm tỉ mỉ.

Chia sẻ công thức đơn giản phối màu


Thay vì chỉ tô mỗi chú khủng long một màu, bạn có thể kết hợp các màu với nhau để chú khủng long trông thú vị hơn. Cùng xem một vài công thức tô của mình bên dưới nhé.

Các bạn khủng long khi được phối màu trông sẽ vui nhộn hơn.
Phối màu lấp lánh với màu trơn.
Phối màu trơn với nhau
Phối màu lấp lánh với màu trơn

Chút lưu ý rút ra khi sử dụng


- Nhớ lót giấy phía dưới trước khi đặt suncatcher lên bàn ngồi tô.
- Trước khi tô màu nào, mình đều lắc đều để màu đều hơn.
- Sau khi tô xong, bạn để trên mặt phẳng 8 tiếng là suncatcher sẽ khô lại và lên màu rất đẹp.
- Bút màu này thích hợp cho các bé trên 3 tuổi vì các món đồ trong đây đa số nhỏ bé, phía sau hộp màu mình thấy có ghi ở mục Warning.
- Bạn nhớ tránh tiếp xúc màu lên da, miệng, mắt và phải rửa ngay bằng nước thật kỹ khi bị dính.
- Bảo quản nơi khô thoáng để giữ màu và suncatcher bền đẹp nhé.

6 bạn khủng long đã được mình tô xong.
Đây là các mẫu mình thấy đang có mặt tại Nhà Sách Phương Nam Phú Thọ

Tóm lại là với giá 254.000đ cho một bộ đồ chơi sáng tạo như vậy mình thấy cũng hợp lý, vì sau khi tô xong còn giữ lại trang trí được khắp nơi. Nếu bạn đang tìm một món quà tặng bé hoặc đang tìm đồ chơi cho các bé thích tô vẽ thì đây sẽ là một lựa chọn hay. Và nếu như đọc đến đây mà bạn đặt câu hỏi: Mua bộ tô màu lên kính ở đâu? thì mình xin chia sẻ luôn là Nhà Sách Phương Nam Phú Thọ hay còn gọi là Nhà Sách Phú Thọ theo thói quen của thế hệ 8x, 9x ở Sài Gòn.

Cảm ơn bạn đã xem bài, nhớ để lại bình luận nếu bạn cần thêm thông tin nhé!

Đọc bài viết

Trà chiều

Review hộp bút họa tiết trang trí dễ thương

Published

on

By

Xin chào bạn đọc Bookish.vn, mình mở ra series Nhà sách có gì ngoài sách với các bài viết chia sẻ, review những món đồ thú vị có mặt tại Nhà Sách Phương Nam. Hi vọng các bài viết trong series này sẽ mang đến cho bạn những thông tin vui vẻ và hữu ích.

Đúng là Nhà sách có rất nhiều sách, nhưng ngoài sách ra thì có rất nhiều món đồ khác mà mỗi lần đến nhà sách mình cứ như đi lạc vào xứ sở dễ thương vậy. Vừa rồi, mình có dịp được trải nghiệm nhanh một món đồ thú vị muốn chia sẻ đến các bạn, đó là hộp bút họa tiết xinh xắn đang có mặt tại Nhà Sách Phương Nam, thích trang trí và yêu màu sắc chắc chắn bạn sẽ thích món đồ này đó.

Mời xem thêm video trải nghiệm tại đây

Lần đầu viết review một món đồ không phải sách trên Bookish.vn - một trang chuyên viết về sách có điều gì thiếu xót hay cần thêm thông tin gì mời bạn để lại bình luận để mình ghi nhớ và phản hồi nhé!

Hộp bút trang trí họa tiết trưng bày ở Nhà Sách Phương Nam

Thông tin chung về sản phẩm

Mỗi hộp bút sẽ có 6 bút như sau:

1. Đường cong - Màu Xanh táo
2. Hoa - Màu Hồng xinh xắn
3. Gạch nối - Màu Vàng dứa thơm
4. Ngôi sao - Màu đỏ dưa hấu
5. Đường ngang nối - Màu Xanh dương Berry
6. Trái tim - Màu tím măng cụt

Combo 6 bút với 6 màu và họa tiết xinh xắn

Bút này dùng để làm gì?

- Đánh dấu nội dung bạn cần lưu ý lại mấy lúc đi học, đi làm.
- Trang trí ghi chú cá nhân của bạn, làm đẹp tựa bài, lưu bút hay nhật ký mỗi ngày.
- Sáng tạo tranh vui vẻ giải trí sau giờ học, giờ làm với các họa tiết có sẵn của bút.

Cùng xem họa tiết được vẽ ra trên giấy nhé

Điều yêu thích ở bút này

- Hữu ích trong việc làm nổi bật nội dung quan trọng, khi đánh dấu sẽ tìm lại dễ dàng.
- Bút dễ dùng, kích thước nhỏ gọn như bút bi nên dễ đem đi học, đi làm.
- Kiểu dáng bút đẹp mắt, cầm nhẹ tay, dễ viết.
- Giá cả hợp lý, vừa túi tiền. Nếu mua tại nhà sách Phương Nam thì giá là 50.000đ/hộp 6 bút.

Một vài lưu ý rút ra khi sử dụng bút

Trong lúc trải nghiệm sản phẩm, mình thấy có một vài mẹo để bút đáp ứng được tốt nhất nhu cầu của mình, chia sẻ ở đây cho bạn nào đang quan tâm nhé

- Mỗi lần viết, nhớ lắc đều bút - như uống sữa phải lắc đều vậy :D Như vậy, bút sẽ ra màu đều và đẹp.
- Ba bút: đường cong, gạch nối, đường ngang nối khi viết nên cầm bút thẳng lên, họa tiết sẽ ra đẹp và thẳng hàng hơn đó bạn.
- Ba bút: hoa, ngôi sao, trái tim thì nên cầm nghiêng khi viết, như vậy họa tiết sẽ tròn vành và đều màu.

Tóm lại là ở góc nhìn của mình thì sản phẩm dễ dùng và đạt được các mục đích trang trí đơn giản, có bền hay không thì tùy vào trải nghiệm và cách dùng của mỗi người. Kích thước và hình dáng sản phẩm rất dễ thương nên mình nghĩ rất thích hợp để làm quà tặng các dịp đặc biệt cho bạn bè, đồng nghiệp, gia đình,... món quà mừng năm học mới cho con gái, món quà sinh nhật cho đồng nghiệp hay món quà chúc mừng bạn thân thi đậu IELTS điểm cao.

Cám ơn bạn đã dành thời gian đọc bài review của mình và hi vọng nó sẽ hữu ích với bạn!

Đọc bài viết

Cafe sáng