KOMOaudio

Niên lịch miền gió cát: Tôi không muốn tồn tại, tôi muốn sống

Published

on

“Việc coi đất đai như một tổ hợp cộng đồng là một khái niệm cơ bản trong sinh thái học, nhưng việc coi đất đai như một thứ để yêu thương, trân trọng lại là một phần mở rộng của đạo đức.

Sự thật rằng đất đai hàm ẩn các giá trị văn hóa là một sự thật lâu đời nhưng gần đây đã rơi vào quên lãng”.

Từ thời cổ đại, nhà triết học Hy Lạp Protagore (thế kỉ V trước công nguyên) đưa ra tuyên bố nổi tiếng: “Con người là thước đo của mọi thứ”. Trong Sáng thế, loài người được ban cho quyền “thống trị” cá dưới nước và chim trên trời cùng mọi sinh vật di chuyển trên mặt đất. Đó là chưa kể đến vô số những hình thức biểu đạt khác đồng thuận với quan điểm lấy con người làm trung tâm – hơn lấy sinh thái làm trung tâm. Vậy thật sự điều đó có đúng hay không? Tôi nghĩ rằng chúng ta cần xem xét lại các mối quan hệ về sự cân bằng giữa tự nhiên với tự nhiên và tự nhiên với con người. Niên lịch miền gió cát là một cuốn sách hé lộ phần nào câu trả lời, và cũng là một cuốn sách nên đọc với những bạn quan tâm đến môi trường.

Miền gió cát: Một vùng đất tuyệt đẹp

Niên lịch miền gió cát lấy bối cảnh tại trang trại miền gió cát ở Wisconsin, đó là thế giới bình yên nhất mà con người ta có thể “Về quê nuôi cá và trồng thêm rau”. Tác phẩm được chia làm ba phần chính, phần I: Niên lịch miền gió cát những bài viết được sắp xếp theo thứ tự mười hai tháng trong năm. Từ tháng giêng tuyết tan, tháng tư mùa nước nổi, hoa cải báo xuân đến tháng tám cánh đồng xanh cỏ, tháng chín bản hợp xướng của rừng cây bụi, tháng mười hai những rặng thông tuyết và con chim bạc má mang số hiệu 65290. Thời gian nơi hạt gió cát là một chuỗi tịnh tiến của vô vàn những điều cám dỗ lòng người. Những cuộc thăm thú lãng đãng, dung dị của những ngày tuyết tan, dấu chân chồn, chim bạc má, diều hâu và cả những con chuột đồng.

Phần II: Những phác họa đó đây đi qua những đầm lầy, những lát cắt qua từng năm tháng cùng với sự thật mà người ta bắt đầu ngộ ra về mối quan hệ giữ tự nhiên với tự nhiên, tự nhiên và con người.

Phần III: Buổi yến tiệc những câu hỏi để nhìn lại về hướng đi của bảo tồn của con người liệu có đúng đắn. Tôi đã thắc mắc tại sao tên cuốn sách là vậy, cho đến khi đọc, tôi mới tỏ ra nhiều điều. Thật sự, mọi thứ trên đời đều có nguyên do và ý nghĩa của nó nếu các bạn muốn biết thì cuốn sách luôn chờ bạn khám phá.

Thế giới ở “Niên lịch miền gió cát” sinh động, chân thực như trong những chương trình “Thế giới động vật”, “Thế giới đó đây”, với những góc máy khuất, người đọc thỏa sức khám phá thiên nhiên hoang dã cùng những suy tư mà tác giả muốn chúng ta cùng ngẫm và trả lời.

Tự nhiên luôn có những cân bằng kỳ diệu

Có những tác động làm tự nhiên không còn tự nhiên nữa. “Nếu như bầy hươu sống trong nỗi kinh sợ bầy sói, thì những ngọn núi luôn sống trong nỗi khiếp đảm bầy hươu”. Con người dùng cái mác bảo tồn để bảo vệ loài này nhưng vô tình đẩy một loài khác đến bên bờ vực tuyệt chủng. “Và cũng vì thế mà chúng ta chỉ còn trơ lại các thung lũng cát và tương lai con người cứ trôi ra biển lớn theo những dòng sông cuộn chảy”. Ẩn trong hoang dã là sự cứu rỗi cho thế giới. Có lẽ đó cũng là ý nghĩa ẩn trong tiếng tru của loài sói mà núi non đã biết từ lâu nhưng người đời thì đến giờ vẫn chưa thông hiểu.

Lạm dụng việc nhân giống thú săn sẽ khiến pháp luật lên tiếng quản lí đầu vào. Việc thắt chặt quản lí thú săn sẽ làm giảm giá trị của chúng như những chiến lợi phẩm, vì giờ đây việc săn bắn chúng đã mất đi tính hoang dã nguyên sơ. Để bảo vệ con cá hồi người ta phải tiêu diệt những con diệc hay chim hồng tước… người đánh cá sẽ không cảm thấy mất mát gì trong việc đánh đổi giữa sinh mạng loài này và loài khác nhưng sự đánh đổi này lại khiến các nhà điểu học cắn móng tay điên loạn.

“Điều gì xảy ra với loài thú săn mồi khi chúng ta biến một loài thú bị săn thành một thứ lâm sản để thu hoạch? Liệu chúng ta cần các biện pháp dành cho ngoại lai? Làm cách nào để bên quản lí thiên nhiên có thể phục hồi các giống loài đang dần tiêu biến như loài gà gô, vốn đã tuyệt chủng do săn bắn?” Vô vàn những câu hỏi vì sao con người cần trả lời.

Con người thực sự muốn gì?

“Nền văn hóa thượng cổ thường gắn liền với thiên nhiên hoang dã. Do đó, loài bò rừng không chỉ là nguồn thức ăn cho người thổ dân châu Mỹ, mà còn là nguồn cảm hứng cho kiến trúc, trang phục, ngôn ngữ, nghệ thuật và tín ngưỡng của họ”.

Con người ta đâu phải lúc nào cũng quay về quá khứ được? Thời gian không bao giờ quay đầu, có chống lại nó thì nó vẫn đẩy chúng ta đi về phía trước. Đôi khi để học được một bài học chúng ta phải trả một cái giá rất đắt. Chính vì vậy, sự tiếc nuối là một điều cần thiết xảy ra với con người, chúng ta không bao giờ có thể quay ngược thời gian, cũng không biết tương lai sẽ mang đến điều gì? Những cuộc hành hương về đầm lầy, những loài chim đặc biệt chỉ xuất hiện ở hạt Miền Gió Cát bởi tự nhiên nơi đây dung chứa chúng.

Con người sinh ra không phải để đối đầu với tạo hóa, chúng ta không có răng nanh, không có móng vuốt vũ khí, chúng ta có là tư duy. Khoa học hiện đại đơm hoa kết trái và cuộc sống của con người ngày càng nhẹ nhàng hơn. Trong Sapiens: Lược sử loài người, Yuval Noah Harari đã viết: “Chúng ta đã tiến lên từ những chiếc xuồng đi sông, đến thuyền có mái chèo, đến tàu hơi nước, đến tàu con thoi – nhưng ai biết chúng ta sẽ đi tới đâu. Chúng ta mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nhưng gần như không biết làm gì với sức mạnh đó. Tệ hơn nữa, con người dường như vô trách nhiệm hơn bao giờ hết.” Chúng ta gây nên sự hủy hoại thảm khốc cho các loài động vật, thảm thực vật và cả hệ sinh thái, chúng ta tìm kiếm cho mình cảm giác thoải mái, thư thái và tận dụng sự hiện đại nhưng chưa bao giờ thấy hài lòng. Chúng ta kiếm tìm thiên nhiên vì nó cho ta niềm vui sướng, chúng ta nghe đến “cách hành xử trong thiên nhiên”, chúng ta răn dạy giới trẻ, chúng ta in những khái niệm để treo tường, đóng đinh… mỗi người đều đang tái hiện một kịch bản thấm nhuần chất liệu đời sống hằng ngày

Hãy để một thân cây mọc lên

Ở thung lũng Genova có một bài hát “Trên mặt đất rễ cây đâm sâu, cùng sống với ngọn gió, cùng hạt giống vượt qua mùa đông, cùng chim chóc ca vang mùa xuân…”  dù sở hữu bao nhiêu quyền năng, bao nhiêu năng lực, có hiện đại, vĩ đại ra sao thì con người không thể sống và tồn tại trong thế giới không có đất, cây cối và các loài vật khác được. Con người chúng ta đang sống vì điều gì? Con người chúng ta đang chống lại điều gì? Kẻ thù lớn nhất của chúng ta là ai? Những núi rác, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, sự tận diệt của tự nhiên, một trái đất hoang tàn. Những lưỡi cưa cắt ngang thân gỗ sồi qua từng năm cùng biến động của sàn chứng khoán mà tôi tin rằng “Giả như cây gỗ sồi có nghe thấy tiếng đổ rầm của sàn chứng khoán thì những thớ gỗ cũng chẳng mảy may rung động”.

Dù muốn hay không, con người chúng ta buộc phải thừa nhận rằng, thời gian trôi qua, ai cũng sẽ lớn lên và già đi, sẽ có một ngày chúng ta tạm biệt thế giới, bỏ lại tất cả ở phía sau và biến mất mãi mãi, nhưng chính cái chết làm chúng ta biết sợ, làm chúng ta trân quý hiện tại và yêu thương cuộc sống này hơn. Vòng sinh tử của tạo hóa sẽ chẳng bỏ qua ai, cái gì cả, và tự nhiên cũng sẽ như vậy. Chúng ta thỉnh thoảng vẫn nghe đâu đó loài này tuyệt chủng, loài kia được đưa vào sách đỏ… và nghe nó như một điều lúc đầu thật khó tin nhưng sau cũng dần thấy bình thường. Nếu chúng ta không biết quý trọng tài nguyên, yêu thương mẹ thiên nhiên hơn thì đến một ngày sẽ chẳng còn trái đất để sống nữa.

Kết.

Trong những câu chuyện cổ tích, đến cuối cùng chúng ta vẫn thường nghe “Và từ đó họ sống hạnh phúc mãi về sau…”, con người chúng ta dù giàu sang hay nghèo khó thế nào thì cuối cùng điều chúng ta mong muốn vẫn là một cuộc sống hạnh phúc. Trái đất đã được thống nhất thành một khối duy nhất về sinh thái và lịch sử, nhân loại cũng tận hưởng sự tiện nghi và giàu sang chỉ có trong chuyện cổ tích nhưng liệu chúng ta có đang hạnh phúc? Thế nào mới là hạnh phúc? Hạnh phúc do đâu mà có? Liệu chúng ta có đang sống hạnh phúc hơn tổ tiên của mình ngày trước? Tự nhiên có những quy ước của nó, mọi vật cũng đều có một giới hạn, khi con người vượt qua những giới hạn đó thì sẽ phải trả giá cho hành động của mình. Làm mẹ thiên nhiên nổi giận, hậu quả con người nhận lại chưa bao giờ là dễ chịu.

Hết.

Hoàng Anh

KOMOaudio

Sách của tác giả đoạt giải Nobel: Đã hay lại còn rẻ

Published

on

By

Vài năm gần đây, giải Nobel Văn chương ngày càng gây tranh cãi nhưng đây vẫn là một trong những giải thưởng lớn bậc nhất, giữ được tiếng tăm và mức độ quan tâm của công chúng. Dù mức độ yêu thích khác nhau tùy thị hiếu mỗi người nhưng không thể phủ nhận rằng những tác giả được trao giải đều có cống hiến nhất định cho văn chương.  

Phương Nam Book xin giới thiệu đến bạn đọc danh sách các tác phẩm của những tác giả đoạt giải Nobel đang được giảm giá sâu trong chương trình Tháng Phương Nam khuyến đọc từ 23.9 – 20.10.

Tháng Phương Nam khuyến đọc là chương trình định kỳ của Nhà sách Phương Nam diễn ra vào tháng 9 hàng năm với mức giảm sâu từ 20 – 50% nhằm khuyến khích và lan tỏa văn hóa đọc đến nhiều người.

Vỡ Tổ

Rabindranath Tagore (Nobel 1913)

Vỡ Tổ là một bi kịch gia đình, nhưng hiện thực chính trị bao trùm lên toàn bộ câu chuyện. Ngay ở câu thứ hai, Tagore đã ám chỉ một cách hóm hỉnh thực tế này khi ông nhận xét rằng Bhupati không phải làm việc để kiếm sống vì anh có nhiều tiền và vì anh sống ở một xứ nóng. Có lẽ những người sống ở xứ nóng sống được vì dễ dàng nhặt quả chín từ những cái cây gần nhất, nhưng phía sau đó mỉa mai, nhắc nhở đến việc hành nghề báo chí của Bhupati có tham dự vào chính trị, cho thấy bầu không khí chính trị của Ấn Độ cũng nóng như khí hậu vậy.

Nắng Tháng Tám

William Faulkner (Nobel 1949)

Cái ánh sáng đầu thu ở Mississippi như ảo ảnh, như sương đọng, như huyền thoại. Cái ánh sáng tháng tám đó cũng là phưong ngữ chỉ trạng thái hoài thai.

Đó là ánh sáng của sinh nở, sáng tạo.

Bóng một người nữ mang thai đi trên con đường vô định.

Nắng Tháng Tám là vầng hào quang mang đầy những gương mặt người.

Xứ Tuyết

Yasunari Kawabata (Nobel 1968)

Dựa vào hình bóng một cô gái ở Niigata xứ tuyết mà Kawabata thời trẻ đã theo đuổi không thành, tác giả đã sáng tạo một thế giới lấp lánh hiện thực mà đẹp đến mê ảo.

Đó là tác phẩm mà cảm thức nắm bắt sự vật và những tia chớp nên thơ len vào từng dòng chữ, gây những dư vang và ám ảnh khôn nguôi.

Đó là câu chuyện về mối quan hệ vô vọng giữa một người đàn ông phong lưu ở Tokyo và một nàng geisha (nghệ giả) ở thị trấn suối nước nóng bên đồi núi Niigata, một xứ tuyết thanh bình, u tịch, nên thơ.

Đó cũng là câu chuyện của thiên nhiên qua các mùa, đẹp từng mùa, bi thiết từng mùa.

Kinh Cầu Nguyện Kaddis Dành Cho Đứa Trẻ Không Ra Đời

Imre Kertész (Nobel 2002)

Tác phẩm hấp dẫn này mở ra khi một nhà văn - người sống sót sau nạn diệt chủng người Do Thái thời Đức quốc xã - giải thích cho bạn rằng: ông không thể sinh ra một đứa trẻ trong một thế giới mà nạn diệt chủng đó đã xảy ra và có thể xảy ra lần nữa. Dõi theo câu chuyện phức tạp, chúng ta nhận thấy vô số thất vọng của người kể chuyện: sự nghiệp văn chương không thành công, hôn nhân thất bại, gia đình mới và con cái của người vợ cũ - những đứa trẻ có thể là con mình. Kinh Cầu Nguyện Kaddis Dành Cho Đứa Trẻ Không Ra Đời là một tác phẩm sâu sắc, thơ mộng và không dễ cảm nhận.

Những Cảnh Đời Tỉnh Lẻ

J. M. Coetzee (Nobel 2003)

Từ xưa đến nay không có nhiều nhà văn vừa được giới phê bình khen ngợi lại vừa chinh phục được đông đảo độc giả. J. M. Coetzee nằm trong số đó. Tuy nhiên, tác giả Nam Phi này hiếm khi nói về bản thân mình, cho đến khi Tuổi thơ được xuất bản vào năm 1997, hé mở những hồi ức chân thực về sự khởi đầu của nhà văn trẻ với lối tự thuật bậc thầy. Tiếp theo đó là những năm tháng dịu dàng và mãnh liệt của Tuổi trẻ và cách kể chuyện hài hước, khác thường ở Mùa hè.

Bộ ba tác phẩm hợp thành Những Cảnh Đời Tỉnh Lẻ như một bức chân dung buồn bã pha lẫn khôi hài về cuộc đời của một nghệ sĩ luôn phải xoay trở để tìm ra hướng đi của riêng mình giữa các mối quan hệ trong giới học thuật và chính trường Cape Town sục sôi dưới chế độ Apartheid.

Hết.

Đọc bài viết

Cafe sáng

Tháng Phương Nam khuyến đọc: Hàng ngàn tựa sách hay giảm đến 50% tại Nhà sách Phương Nam

Published

on

By

Để khuyến khích và lan tỏa văn hóa đọc đến nhiều người, từ ngày 23.9 – 20.10, Nhà Sách Phương Nam tổ chức chương trình Tháng Phương Nam khuyến đọc với hàng ngàn tựa sách hay, đa thể loại, giảm giá sâu ở mức từ 20 – 50%.  

Tháng Phương Nam khuyến đọc là chương trình định kỳ của Nhà sách Phương Nam diễn ra vào tháng 9 hàng năm. Với tôn chỉ “Đến Phương Nam, ai cũng có sách hay để đọc”, Nhà sách Phương Nam không chỉ khuyến mãi sách do Phương Nam liên kết xuất bản mà còn giảm giá nhiều đầu sách với thể loại đa dạng, phong phú đến từ những đơn vị uy tín trong ngành sách như: First News, Alphabooks, NXB Phụ nữ, Đinh Tị, Bách Việt…

Dưới đây, Nhà sách Phương Nam giới thiệu đến bạn đọc một số đầu sách nổi bật xếp theo thể loại, được giảm giá với mức ưu đãi hấp dẫn từ 23.09 đến 20.10 như sau:

Giảm giá sách phi hư cấu

Sách phi hư cấu ở những lĩnh vực như giáo dục, tâm lý, kinh tế, khoa học thường thức, văn hóa – du lịch, sức khỏe, ẩm thực… đang ngày càng được ưa chuộng ở Việt Nam vì cung cấp nhiều kiến thức hữu ích, sát sao với thực tế và có thể vận dụng vào cuộc sống. Nhà Sách Phương Nam hiện đang giảm giá từ 10 – 50% đầu sách này với những tác phẩm đến từ các đơn vị uy tín.

Một số tựa sách tiêu biểu có thể liệt kê ra như: Đời sống bí ẩn của cây (giảm 20%), Thinsulin – Giảm cân & Đẹp dáng suốt đời (giảm 30%), Phi lý một cách hợp lý (giảm 15%), 25 năm theo dòng kinh tế Việt Nam (giảm 40%)…

Giảm giá sách thiếu nhi – sách nuôi dạy con

Nếu như dòng sách tranh, sách văn học thiếu nhi là những người bạn đồng hành trong suốt tuổi thơ đối với trẻ nhỏ; thì sách nuôi dạy con lại là trợ thủ đắc lực không thể thiếu với những bậc cha mẹ. Song hành cùng nhau, hai dòng sách này sẽ giúp cho trẻ phát huy được tiềm năng ở mức tối đa nên ngày càng được nhiều bậc phụ huynh chọn lựa khi mua sách.

Đây cũng là thể loại có nhiều tựa sách nổi bật đến từ các đơn vị xuất bản lớn, đang được Phương Nam khuyến mãi như: bộ sách Em làm họa sĩ (Phương Nam Books – giảm 40%), bộ sách Lập trình viên nhí (Alphabooks – giảm 15%), bộ sách Bách khoa tri thức về khám phá thế giới cho trẻ em (Đinh Tị – giảm 10%), bộ sách Mẹ kể con nghe (NXB Phụ nữ – giảm 10%)…

Giảm giá sách giáo khoa, sách tham khảo

Sách giáo khoa là công cụ không thể thiếu để người đọc nâng cao kĩ năng ở những mảng chuyên ngành riêng biệt. Đây cũng là đầu sách được Phương Nam giảm giá từ 10 – 50% do các đơn vị xuất bản uy tín phát hành: bộ sách Chinh phục tiếng Nhật (Bách Việt – giảm 20%), bộ sách Very Easy Toeic (First News – giảm 10%), những tác phẩm về âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy (Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam, Âm nhạc học và hành, Tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu) do Phương Nam Books phát hành được giảm sâu 40%.

Ngoài ra, Lực Lượng Mãnh Hổ – sách tư liệu lịch sử được giải Pulitzer của hai tác giả là Michael Sallah và Mitch Weiss, về tội ác chiến tranh năm 1967 ở miền Trung Việt Nam mới vừa ra mắt của Phương Nam Books cũng được giảm giá 10% trong dịp này cùng nhiều tựa sách mới khác.

Giảm giá sách hư cấu, phi hư cấu của tác giả Việt

Những tác phẩm Việt Nam đặc sắc của các tác giả lớn như thiền sư Thích Nhất Hạnh, Tô Hoài, Phạm Công Luận, Nguyễn Tường Bách, Đỗ Hồng Ngọc, Đoàn Thạch Biền… chắc chắn là những đầu sách không thể thiếu trong chương trình Tháng Phương Nam khuyến đọc. Bên cạnh đó, sách của những tác giả trẻ, những cây bút Việt ở khắp nơi trên thế giới cũng được giảm ở mức giá hấp dẫn để nhiều người đọc có cơ hội tiếp cận hơn.  

Một số sách tiêu biểu có thể kể đến như: Nẻo về của Ý – thiền sư Thích Nhất Hạnh (giảm 30%), Thư Cho Bé Sơ Sinh & Những Bài Thơ Khác – Đỗ Hồng Ngọc (giảm 40%), Người Tị Nạn – Nguyễn Thanh Việt (giảm 30%)…

Giảm giá sách văn học nước ngoài

Sách dịch văn học nước ngoài đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với những độc giả Việt Nam. Những góc nhìn độc đáo về văn hóa, tâm tư của con người ở các đất nước xa lạ bỗng chốc hóa gần gũi khi được chuyển ngữ sang tiếng Việt mượt mà chính là điểm thu hút người đọc ở dòng sách này.

Các tựa sách văn học nước ngoài tiêu biểu đang được giảm giá trong Tháng Phương Nam khuyến đọc gồm có: Xứ Tuyết – Yasunari Kawabata (giảm 30%), Những Cảnh Đời Tỉnh Lẻ – J. M. Coetzee (giảm 20%), Nắng Tháng Tám – William Faulkner (giảm 40%)…

Giảm giá CD – DVD

Văn hóa nghe nhìn có tầm quan trọng không kém gì văn hóa đọc. Chính vì vậy, bên cạnh những đầu sách hấp dẫn, có giá trị, Phương Nam còn chọn lọc để gửi đến người tiêu dùng các sản phẩm âm nhạc, điện ảnh đặc sắc với mức giá thật ưu đãi.

Một số sản phẩm nghe nhìn tiêu biểu đang giảm giá dịp khuyến mãi này gồm có: đồng giá DVD Làn sóng xanh (10.000đ), đồng giá đĩa phim Kính Vạn Hoa (15.000đ), giảm giá 30% những CD của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên…

Thời gian & địa điểm áp dụng

Thời gian: Từ ngày 23.09 đến 20.10.2022

Địa điểm:

Hệ thống Nhà Sách Phương Nam trên toàn quốc
Website thương mại điện tử Nhà Sách Phương Nam

Đọc bài viết

KOMOaudio

10 cuốn sách giúp bạn hiểu thêm về sử Việt ở góc độ ít ai chú ý

Published

on

By

Muốn phát triển tương lai, việc thấu hiểu quá khứ là một điều vô cùng quan trọng. Lịch sử Việt Nam không chỉ có chiến tranh mà còn có nhiều mặt khác về đời sống quá khứ cần được ghi nhận. Chẳng hạn như: người Việt ngày xưa chụp hình như thế nào, có gì trong những tờ báo Nga viết về Việt Nam giai đoạn ấy, người Sài Gòn xưa đón xuân ra sao…

Để trả lời những câu hỏi đó, đồng thời tìm hiểu thêm về sử Việt ở nhiều góc độ mới mẻ khác, bạn hãy thử tìm đọc những tác phẩm theo danh sách Bookish gợi ý nhé.

1. Những Người Nga Đầu Tiên Đến Việt Nam

Tại nước Nga, sự thức tỉnh mối quan tâm đối với Đông Dương là vào những năm 80 – 90 của thế kỷ XIX, khi vị trí của nước Pháp trên thực tế đã được củng cố tại khu vực này. Sang những năm đầu thế kỷ XX, ở Nga bắt đầu xuất hiện nhiều hơn những bài báo và sách riêng biệt chứa đựng thông tin về các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Các ấn phẩm này đã in khá định kỳ những trích đoạn từ nhật ký của các nhà du lịch, ghi chép của các sĩ quan hải quân và những bài báo của các nhà bác học về Việt Nam.

Trong số bút ký, mẩu tin, báo cáo ấy, nhà Việt Nam học người Nga Anatoli Socolov đã sưu tầm, tuyển chọn những bài đặc sắc nhất, tập hợp thành cuốn sách Những người Nga đầu tiên đến Việt Nam (Phóng sự và bút ký thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX). Ấn phẩm là một công trình độc đáo về nguồn cội mối quan hệ hữu nghị Nga – Việt.

Tham gia chuyển ngữ cuốn sách là đội ngũ dịch giả tiếng Nga hàng đầu Việt Nam: Dịch giả, nhà văn Hoàng Thúy Toàn, NGƯT. Vũ Thế Khôi, Chu Nga, Vũ Đình Phòng, Hồ Bất Khuất, Nguyễn Văn Thảo, Nguyễn Hào.

Có thể nói, cơ sở nội dung của cuốn sách được viết rất sống động và hấp dẫn. Dù phần lớn bài viết được các tác giả viết theo thể ký sự thượng lưu, nhưng độc giả vẫn có thể cảm thấy hoàn toàn rõ ràng rằng, ngoài mục đích nhận thức và giải trí đơn thuần, chủ nhân của các bài viết này còn theo đuổi một mục đích khá cụ thể, đó là xác định địa vị của Nga tại phương Đông trong tình hình thế cục đổi thay nhanh chóng.

Vì thế, trong văn bản có không ít các ngoại đề gắn với lịch sử của vấn đề này hoặc vấn đề khác, cũng như những luận chứng và ấn tượng cụ thể về chính trị, nghệ thuật, tín ngưỡng và phong tục dân tộc.

Nhìn chung, tuy các tác giả mang địa vị xã hội, nghề nghiệp khác nhau, nhưng các bài viết trong cuốn sách đều mang một đặc điểm chung nổi bật, đó là sự đồng cảm chân thành của người Nga đối với tình cảnh nặng nề của người Việt Nam dưới chính quyền thực dân Pháp, sự kính trọng đối với nền văn hóa và các truyền thống của một dân tộc khác – những nét bao giờ cũng có sẵn ở những đại diện tiến bộ ưu tú nhất của xã hội Nga.

2. Buổi Đầu Nhiếp Ảnh Việt Nam

Đây là quyển sách đầu tiên về lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam thời kỳ đầu viết bằng Anh ngữ. Từ khối tư liệu khổng lồ nhưng phân tán trong các kho lưu trữ, bảo tàng, bộ sưu tập tư nhân, trong đó có bộ sưu tập của riêng mình, Terry Bennett đã dựng lại con đường ra đời và phát triển của nhiếp ảnh tại Việt Nam kể từ khi những bức ảnh đầu tiên được chụp vào giữa thế kỷ XIX cho đến giữa những năm 1950. Mặc dù phần lớn nội dung nói về sự nghiệp của các nhiếp ảnh gia người Pháp và các nước khác, những hình chụp và tiệm ảnh của họ tại Việt Nam, nhưng cũng liệt kê rất nhiều hình chụp cùng danh tính của các nhiếp ảnh gia người Việt và tiệm ảnh của họ.

Dựa trên kinh nghiệm tích lũy từ những quyển viết về nhiếp ảnh Nhật Bản và Trung Quốc thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, Buổi Đầu Nhiếp Ảnh Việt Nam của Bennett sẽ là cẩm nang hỗ trợ quý báu cho những ai quan tâm đến lịch sử nhiếp ảnh hoặc những nhà sưu tầm tư liệu.

3. Những Bức Di Thư Thành Cổ

Nhận thấy tình hình chiến trường đang có những bước chuyển vô cùng thuận lợi, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc tấn công chiến lược trên toàn miền Nam trong năm 1972. Chiến trường Trị - Thiên (Quảng Trị - Thừa Thiên-Huế) được chọn là mũi tấn công chiến lược.

Sau khi ta giành được ưu thế bước đầu, giải phóng Quảng Trị, quân lực Việt Nam Cộng hòa, với sự yểm trợ hỏa lực pháo binh và không quân của quân đội Mỹ, ra sức giành lại ưu thế trên chiến trường. Thành cổ Quảng Trị trở thành chiến trường ác liệt nhất, nơi bộ đội ta kiên cường bám trụ giữ đất trước sự tấn công hùng hổ của kẻ thù trong 81 ngày đêm.

Trong những ngày đỏ lửa ấy, biết bao xương máu đã gửi lại nơi thành cổ Quảng Trị. Trước khi hy sinh, những chiến sĩ giải phóng, những người chiến đấu vì đất nước ấy, đã lấy gì làm động lực vượt qua những hiểm nguy, gian khổ tưởng chừng không thể vượt qua? Họ nghĩ gì và mơ ước gì?

Quyển sách tập hợp 10 bức di thư được viết hoặc được đọc trong khói lửa chiến trường của 81 ngày đêm ấy, đặc biệt có những bức thư được khai quật mấy chục năm sau cùng với thi hài liệt sĩ.

Những bức thư thấm đẫm tình yêu và sự oai hùng, thấm cả máu và mồ hôi những người lính, nước mắt những người vợ sẽ đưa chúng ta trở về những ngày ấy…

4. Tùy Bút - Hồi Ký - Giai Thoại Trên Báo Xuân Sài Gòn Xưa

Tuyển tập Tùy Bút - Hồi Ký - Giai Thoại Trên Báo Xuân Sài Gòn Xưa tập hợp gần năm mươi bài viết đặc sắc được tuyển chọn từ các giai phẩm xuân xuất bản tại sài Gòn từ thập niên 1950 đến giữa thập niên 1970. Tất cả được viết lại từ những câu chuyện có thực, có thể được thêm chút chi tiết ngẫu hứng tùy theo trí nhớ người kể nhưng không phải là những sáng tác mang tính hư cấu.

Đó là chuyện nhà cách mạng Tôn Văn nghe hát cô đầu tao nhã ở tiệm bà Đốc Sao nổi tiếng Hà Nội. Chuyện hai phụ nữ quý tộc Mỹ lẻn vào sân triều đình Huế để xem lễ mùng Một Tết ở điện Thái Hòa vốn chỉ chấp nhận sự hiện diện của nam giới.

Đó là những câu chuyện của giới báo chí một thời đình đám ở Sài Gòn. Câu chuyện cảm động lỉên quan đến nhà văn, nhà phóng sự yểu mệnh Vũ Trọng Phụng. Hay cảnh Tết trong tù thời chống Pháp hấp dẫn lạ lùng.

Đó còn là chuyện sân khấu thời thạnh trị với lời kể của người trong cuộc như nghệ sĩ Bảy Nhiêu, nghệ sĩ Năm Châu, soạn giả Duy Lân, nghệ sĩ Kim Cương, hoặc nghệ sĩ Phùng Há.

Thưởng thức các bài viết trong tuyển tập, không chỉ giúp độc giả hưởng lợi như được đọc lại gần bốn mươi tờ báo xuân trải dài qua gần ba mươi cái Tết trên đất Sài Gòn xưa, mà còn có cơ hội chiêu niệm về con người, xă hội, phong tục Việt Nam thời trước.

5. Sự Tiếp Xúc Của Văn Hóa Việt Nam Với Pháp

Tác giả Phan Ngọc chọn giai đoạn tiếp xúc với Pháp bởi ông là người được trực tiếp chứng kiến và tham gia công cuộc giao thoa này. Đây là công trình được ông thai nghén, thu thập tư liệu bản thảo từ những năm 1960.

Gói gọn trong 8 chương sách, tác giả nhìn nhận văn hóa và tiếp xúc văn hóa qua lăng kính mới, lăng kính của của những mặt ưu việt của các nền văn hóa Trung Hoa, Pháp, Anh, Mỹ, Đông Nam Á… Từ đó đưa ra những mở đề về sự tiếp thu thích hợp, nhất là cách tiếp cận của Bác Hồ trong việc tiếp thu ưu điểm của các nền văn hóa đó và có những đổi mới cần thiết, phù hợp với bối cảnh Việt Nam hiện nay.

6. Lực Lượng Mãnh Hổ

Một trong những quyển sách hay nhất năm 2006 do Washington Post Book World, San Francisco Chronicle, Pittsburgh Post-Gazette và St. Louis Post-Dispatch lựa chọn.

“Lực lượng Mãnh Hổ” là tên gọi của trung đội viễn thám thuộc Sư đoàn Dù 101 của Quân đội Mỹ. Được thành lập vào năm 1965 để đối phó với chiến tranh du kích, đơn vị được cho là tinh nhuệ này thường phải độc lập hành quân sâu trong rừng rậm nhiều tuần liền.

Lực lượng Mãnh Hổ đã gây ra những tội ác ghê gớm đối với dân thường ở vùng Quảng Ngãi – Quảng Tín trong suốt năm 1967. Lục quân Mỹ bắt đầu điều tra về tội ác chiến tranh của đơn vị này từ năm 1971. Cuộc điều tra kéo dài 4 năm sau đó và hồ sơ cho thấy lính Mãnh Hổ đã giết ít nhất 81 dân thường, vi phạm nhiều quy định quân đội. Cục điều tra của Lục quân Mỹ đã đề nghị kết án nhiều thành viên Mãnh Hổ. Nhưng tập hồ sơ bị lờ đi và rơi vào quên lãng suốt gần 30 năm.

Các phóng viên Michael Sallah, Mitch Weiss và John Mahr bắt đầu lần giở lại hồ sơ và tiến hành phỏng vấn các cựu thành viên của Lực lượng Mãnh Hổ. Nhiều sự thật ghê gớm đã được tiết lộ. Loạt bài “Buried Secrets, Brutal Truths” (“Bí mật chôn vùi, Sự thật tàn bạo”) trên tờ Toledo Blade đã nhận được giải thưởng Pulitzer hạng mục Báo chí năm 2004, cũng chính là nền tảng để Sallah và Weiss viết nên quyển sách tuyệt vời này.

7. Việt Sử Yếu

Được hoàn thiện bằng chữ Hán năm 1914, rồi được chính tác giả chuyển soạn sang chữ quốc ngữ và đăng trên Đông Dương tạp chí năm 1915, Việt Sử Yếu của Hoàng Cao Khải có thể xem là cuốn sách quốc ngữ đầu tiên mở ra lối viết hiện đại về lịch sử Việt Nam. Học tập cách viết sử từ phương Tây, sách tạo nên một bứt phá đáng kể trong cách tiếp cận và biên soạn lịch sử, khác hẳn lối chép sử biên niên truyền thống của các sử gia phong kiến.

Như một cuốn sử yếu, tác phẩm khái quát ngắn gọn nhưng tương đối đầy đủ về toàn bộ lịch sử Việt Nam, từ sự khởi đầu của nhà nước Văn Lang cho đến thời điểm cuốn sách được hoàn thiện năm Duy Tân thứ tám, 1914. Thay vì lần lượt ghi chép các sự kiện theo trình tự năm tháng và các đời vua chúa, Hoàng Cao Khải đưa ra cách phân kỳ lịch sử mới, hệ thống hóa và bố cục thành các chương, tiết rành mạch, chặt chẽ, đồng thời có những ý kiến phê bình, nhận xét tinh tế, sắc bén. Đó là điều mang lại cảm hứng cùng những gợi dẫn vô cùng quan trọng để các công trình sau đó kế thừa, phát huy, trong đó trực tiếp và đáng kể nhất là Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim. Cho đến nay, Việt Sử Yếu vẫn là một công trình mang nhiều điểm độc đáo để chúng ta cùng suy ngẫm và đối thoại.

8. Đường 20 Quyết Thắng: Lịch Sử, Địa Danh, Sự Tích Và Tri Ân

Đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh nói chung, Đường 20 Quyết Thắng nói riêng là những trang sử vẻ vang, là niềm tự hào của dân tộc ta, là tài sản vô giá về nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Mỗi cây số đường, mét ngầm trên Đường 20 đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu của những người xây dựng, bảo vệ và vận hành tuyến đường. Chống chọi với một kẻ địch hùng mạnh trong tay có đầy đủ các phương tiện tối tân cùng những thủ đoạn kinh khủng nhất, hàng ngàn người đã ngã xuống, mãi mãi để lại tuổi 20 trên núi rừng Trường Sơn.

Cuốn sách không chỉ là ấn phẩm thỏa mãn nhu cầu “một thời để nhớ” của các cựu chiến binh Trường Sơn mà còn là tài liệu quý để giúp người đọc hiểu hơn về lịch sử hào hùng của Trường Sơn – Đường 20 Quyết Thắng. Đây cũng là ấn phẩm cầm tay không thể thiếu cho du khách trong các chuyến về nguồn tại Quảng Bình nói riêng và cung đường Trường Sơn nói chung.

9. Việt Nam Sử Lược

Đầu thế kỷ XX, giữa lúc nền học thuật nước nhà chỉ có các bộ đại tác như Đại Việt sử ký toàn thư hay Khâm định Việt sử thông giám cương mục là nguồn sử liệu chính thống nhưng chưa đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử của phần đông dân chúng, thì Việt Nam Sử Lược, với tư cách là bộ thông sử chi tiết đầu tiên được viết bằng chữ quốc ngữ, đã xuất hiện và nhanh chóng thu hút sự quan tâm của độc giả lẫn giới nghiên cứu cả nước. Từ đó đến nay đã 100 năm trôi qua, tác phẩm vẫn giữ nguyên giá trị và là quyển sách vỡ lòng quen thuộc cho những ai bắt đầu tìm hiểu lịch sử Việt Nam.

Để góp phần hoàn thiện và phổ biến “tấm Nam sử” mà học giả Trần Trọng Kim đã dệt những sợi đầu tiên cách nay đúng một thế kỷ, Đông A tiến hành tái bản tác phẩm Việt Nam Sử Lược, dựa theo bản in của nhà Tân Việt năm 1954, có bổ sung một số chi tiết từ các bản in năm 1920, 1928 và 1971. Đồng thời, chúng tôi tuyển lựa và thêm vào một số hình ảnh minh họa từ nguồn tranh dân gian, bảo tàng và một số tư liệu sách báo xưa, với mong muốn gửi tới bạn đọc một ấn bản không chỉ chỉn chu về mặt nội dung mà còn trang nhã về mặt hình thức, nhân kỷ niệm 100 năm ngày tác phẩm ra đời 1920 - 2020.

10. Việt Nam Văn Hóa Sử Cương

Việt Nam văn hoá sử cương là một nỗ lực của học giả Đào Duy Anh nhằm giải quyết cuộc va chạm giữa văn hóa Việt Nam truyền thừa từ bao đời và văn hóa Âu tây mới lan tràn. Đào Duy Anh nhìn nhận cuộc va chạm ấy chính là “bi kịch hiện thời” của dân tộc, một bi kịch đến từ “sự xung đột của những giá trị cổ truyền của văn hóa cũ ấy với những điều mới lạ của văn hóa Tây phương”. Và để giải quyết sự xung đột này, Đào Duy Anh đề nghị “một mặt phải xét lại cho biết nội dung của văn hóa xưa là thế nào, một mặt phải nghiên cứu cho biết chân giá trị của văn hóa mới”. Tác phẩm Việt-nam văn-hóa sử-cương chính là lời giải cho nan đề đầu tiên của tác giả: văn hóa xưa là thế nào?

Ấn bản Việt Nam văn hoá sử cương của Đông A dựa theo bản in lần đầu năm 1938 của Quan-hải tùng-thư, có tham khảo một số chi tiết trong bản in năm 1951 của Xuất bản Bốn phương, Viện Giáo khoa – Hiên Tân Biên. Trong lần in này, ban biên tập Đông A sử dụng một số minh họa trong các bản sách tiếng Pháp về Đông Dương và các nguồn tư liệu ở bảo tàng, tranh dân gian, sách báo xưa...

Với diện mạo mới này, người làm sách kỳ vọng sẽ đem đến cho bạn đọc một ấn bản trang nhã, tương xứng với giá trị lâu dài của tác phẩm.

Hết.

Đọc bài viết

Cafe sáng