“Ừ, thế thì cứ loại trừ dân chúng, cấm cản họ, bắt họ phải im miệng. Bởi vì tinh hoa tiến bộ của châu Âu quan trọng hơn là dân chúng.” – Dostoevsky, ghi chép của “Anh Em Nhà Karamazov”.
Thổ Nhĩ Kỳ có diện tích rất lớn, hơn bảy trăm tám chục ngàn kí lô mét vuông, trải rộng từ châu Âu sang châu Á, vì thế có nền văn hóa đặc biệt mang cả hai tính chất Á và Âu. Vào thế kỷ thứ chín, dòng họ Seljuk của dân Turk sống ở ngoại vi lãnh thổ Hồi giáo, phía Bắc của biển Caspian và biển Aral. Đến thế kỷ thứ 10, họ Seljuk bắt đầu lấn vào phía Đông của Anatolia, còn được gọi là Asia Minor hay Tiểu Á, dần dần biến vùng này xứ sở của các bộ lạc người Turk (Thổ Nhĩ Kỳ). Anatolia bao gồm phần lớn lãnh thổ của quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Sau trận chiến Manzikert năm 1071, họ Seljuk phát triển và trở nên vương quốc hùng mạnh bao gồm Trung Á, Ba Tư, Anatolia và Tây Nam của châu Á.
Năm 1243 trong khi tiếp tục bành trướng biên giới, quân đội Seljuk bị Mông Cổ đánh bại và suy yếu dần; cuối cùng rơi vào tay đế quốc Ottoman. Đế quốc Ottoman ngự trị 623 năm, hùng mạnh nhất vào thế kỷ 16 và thế kỷ 17, thường xuyên xung đột với Đế quốc và Giáo hội La Mã. Đang trên đà suy thoái, Ottoman ủng hộ Đức trong thế chiến thứ Nhất và hoàn toàn bị đánh bại. Lực lượng Đồng Minh cắt lực lượng Ottoman ra thành nhiều mảnh và chiếm đóng Istanbul. Mustafa Kemal Pasha dẫn đầu cuộc chiến tranh giải phóng Istanbul và dành độc lập, biến phần còn lại của Đế quốc Ottoman thành Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1923, Mustafa Kemal Pasha trở nên Tổng Thống của Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ, chủ trương tự do tôn giáo (secularism), mặc dù khoảng 99 phần trăm dân trong nước theo Hồi Giáo, đa số theo phái Sunni. Quốc hội tặng Mustafa Kemal Pasha tước hiệu Ataturk có nghĩa là người cha của dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1934.
Dân Thổ Nhĩ Kỳ đa số theo Hồi Giáo và phụ nữ thường dùng khăn choàng đầu để che mái tóc của họ. Khăn choàng đầu ngoài biểu hiện tôn giáo, đã trở thành một phong tục tập quán của phụ nữ thích trang phục kín đáo. Giới lãnh đạo trẻ tiếp nối Ataturk, trong nỗ lực “văn minh hóa” Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách “Tây phương hóa,” đã xem khăn choàng đầu của phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ là dấu hiệu của sự lạc hậu nên tìm đủ mọi cách để hủy bỏ cách trang phục này. Hệ thống giáo dục thuộc về quyền quản trị của chính phủ vì thế các nữ sinh nếu muốn được vào trường học phải từ bỏ khăn choàng đầu.
*
Orhan Pamuk sinh ngày 7 tháng Sáu năm 1952 ở Istanbul. Ông dạy văn và phê bình văn học, môn Comparative Literature, xin tạm gọi là Văn học So sánh, ở Đại học Columbia (Hoa Kỳ). Ông là nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên được trao giải Nobel Văn chương năm 2006. Tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn 50 ngôn ngữ trên thế giới, tổng số sách bán được hơn 7 triệu cuốn.
Ông mơ ước làm họa sĩ, nhưng để có thể kiếm sống, ông theo học ngành kiến trúc vì bộ môn này gần với giấc mơ làm họa sĩ của ông. Tuy nhiên, sau ba năm học ngành kiến trúc ông bỏ ngành này để theo đuổi sự nghiệp văn chương. Trong văn chương, quá khứ hội họa của ông được thể hiện bằng cách ông dùng màu đặt tên cho tác phẩm. Kinh nghiệm kiến trúc của ông được mang vào tác phẩm qua những miêu tả và nhận xét về những kiến trúc cổ mà Thổ Nhĩ Kỳ đã thừa hưởng từ những nền văn minh lâu đời nhất của Hy Lạp và La Mã. Ông tốt nghiệp ngành báo chí ở Đại học Istanbul năm 1976. Để theo đuổi sự nghiệp văn chương ông đã phải sống nhờ vào mẹ từ năm ông 22 cho đến 30 tuổi. Tháng Ba năm 1982, Pamuk kết hôn với Aylin Turegun một nhà sử học. Năm 1985 cho đến năm 1988, trong khi vợ ông đang theo học cao học ở đại học Columbia, ông nhận làm Giáo sư thỉnh giảng ở đại học này, cùng lúc ông nghiên cứu và thu thập tài liệu để viết quyển The Black Book (Quyển sách đen). Vào thời điểm này ông cũng được mời dạy ở Đại học Iowa. Năm 1991 hôn nhân của ông tan rã. Ông có một con gái đặt tên Ruya (có nghĩa là giấc mơ).
Tháng Hai năm 2005 trong một cuộc phỏng vấn của tạp chí Das Magazin Thụy Sĩ, nhà văn Pamuk đã nhắc đến hơn ba chục ngàn người Kurd và cả triệu người Armenian đã bị người Thổ Nhĩ Kỳ thảm sát, vì thế ông bị truy tố tội nhục mạ quân đội và bản chất của người Thỗ Nhỉ Kỳ. Ngày 29 tháng Mười Hai năm 2005 công tố viện hủy bỏ vụ truy tố tội hạ nhục quân đội nhưng vẫn giữ tội mạ lị bản chất dân tộc. Sách của ông bị đốt và người ta tổ chức biểu tình nhục mạ và đả kích ông. Vì vậy, ông quay lại Hoa kỳ đi dạy ở đại học Columbia. Hiện nay Pamuk đang ở trong Committee on Global Thought (Hội Đồng Ý Thức Quốc tế) và có chân trong Columbia’s Middle East and Asian Languages and Cultures Department (Ban Ngôn Ngữ và Văn Hóa Trung Đông và Á Châu của đại học Columbia).
Tác phẩm mới nhất của Pamuk The Museum of Innocence (Bảo tàng ngây thơ) đã phát hành ngày 29 tháng Tám năm 2008. Bản dịch tiếng Đức ra mắt trước khi bắt đầu Hội chợ Sách Frankfurt năm 2008. Pamuk triển lãm bộ sưu tập những vật dụng trong cuộc đời viết văn của ông trong một căn nhà của ông ở Istanbul.
Orhan Pamuk được nhiều giải thưởng trong đó có giải văn học Madarali năm 1984 cho tác phẩm The Silent House (Căn nhà im ắng), La Découverte Européenne năm 1991 cho bản tiếng Pháp của quyển này. The White Castle (Lâu đài trắng) xuất bản năm 1985 bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ được trao giải thưởng văn học ngoại quốc Independent Award năm 1990. Năm 1990 quyển The Black Book trở nên nổi tiếng và tạo ra nhiều cuộc tranh luận trong giới văn học Thổ Nhĩ Kỳ bởi vì tính chất phong phú và đa dạng của nó. Pamuk trở nên nhà văn có sách bán chạy nhất và gây ra nhiều sôi nổi trong dư luận khi năm 1985 ông xuất bản The New Life (Cuộc đời mới). Vào thời điểm này Pamuk trở nên rất danh tiếng bởi vì ông công khai bênh vực và đòi quyền sống cho người Kurd. Năm 1995 Pamuk và một nhóm nhà văn bị truy tố vì đã viết những bài tiểu luận phê phán chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã ngược đãi dân Kurd. Năm 1999 Pamuk xuất bản tập tiểu luận Other Colors (Những màu sắc khác). Pamuk trở nên nổi tiếng trên văn đàn thế giới sau khi ông xuất bản My Name Is Red (Tên tôi là Đỏ) năm 2000. Quyển này được dịch ra 24 ngôn ngữ trên thế giới và đã mang lại giải thưởng quốc tế IMPAC Dublin năm 2003. Năm 2005 Orhan Pamuk được trao giải Hòa Bình Thương Trường Sách của người Đức (Peace Prize of German Book Trade). Tháng Mười năm 2006 Orhan Pamuk được trao giải Nobel Văn chương.
*
Tác phẩm của Pamuk thường nói lên sự xung đột về văn hóa giữa Tây phương và Đông phương, trong đó tôn giáo là trọng điểm. Quyển Tên tôi là Đỏ và Tuyết là thí dụ điển hình. Nhà thơ Sonia Sanchez trong một bài thơ đã quan niệm, người viết văn làm thơ là những nhà chính trị. Hoặc là họ làm thinh chấp nhận chế độ họ đang sống. Hoặc là họ cất tiếng nói để thay đổi xã hội. Văn học thường phản ảnh đời sống của một quốc gia. Muốn biết đời sống của quốc gia nào cứ đọc văn học của quốc gia ấy. Tác phẩm của Orhan Pamuk phản ảnh đời sống của Thổ Nhĩ Kỳ và Orhan Pamuk là nhà văn có tham vọng thay đổi quan điểm chính trị không chỉ giới hạn trong phạm vi Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn ở tầm mức thế giới, đặc biệt là châu Âu, đã áp đặt lên quốc gia của ông.
Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí đặc biệt, diện tích trải rộng từ Âu sang Á, cách nhau chỉ bởi eo biển hẹp tên là Bosporus Strait, nên có nền văn hóa rất đặc thù, một sự kết hợp giữa Đông Tây rất màu sắc và phong phú. Thủ đô Istanbul ở miền Tây Bắc của Thổ Nhĩ Kỳ, là một thành phố giàu có thịnh vượng nằm trên phần đất của châu Âu. Kars, ở Đông Bắc của Thổ Nhĩ Kỳ, nằm trên châu Á, giáp ranh với Georgia, ngày xưa đã từng là một trung tâm thương mại giàu có, nơi Nga và Armenia, buôn bán trao đổi hàng hóa. Nga hoàng Alexander, tương truyền, đã từng dùng Kars làm nơi rendez-vous với tình nhân. Các nhà chính trị của Nga đã trốn qua ở Kars để tránh bị đi lưu đày ở Siberia (Tây Bá Lợi Á).
Ngày nay, Kars là một nơi điêu tàn nghèo khó, có tỉ lệ thất nghiệp rất cao. Thành phố vẫn còn rất đẹp, mặc dù những kiến trúc cổ đã bắt đầu suy tàn. Một trong những nguyên do làm cho Kars trở nên suy thoái về kinh tế và tài chính là vì lực lượng du kích của dân Kurds thường hay về làng để tìm người gia nhập đạo quân của họ và thu thập lương thực. Điều này làm người ta sợ không dám đầu tư kinh tế vào Kars. Đa số người đến Kars là nông dân trong các làng mạc xa đến Kars để buôn bán ban ngày và trở về làng khi trời tối. Còn lại là các cô điếm từ Georgia và Nga ban ngày phục vụ khách và tối tối mò đến các ba bán rượu. Trong phố có vài tiệm cà phê (tea house) mà đàn ông địa phương tụ tập suốt ngày để đánh cờ, trò chuyện giết thì giờ, và cũng để trốn cái lạnh ở nhà của họ. Kars cũng có một trường Hồi Giáo dành cho trẻ em trai. Theo Hồi Giáo, trẻ em trai đến tuổi mười một hay mười hai phải gia nhập các trường Hồi Giáo để học tập các nghi lễ về tôn giáo. Ở mức độ cực đoan, Taliban (Afghanistan) đã dùng những trường tôn giáo như thế này để huấn luyện quân sự và chính trị cho trẻ em trở thành những cảm tử quân. Chính quyền luôn luôn lo sợ các giáo sinh Hồi giáo nổi loạn nên khi có biến động trường hồi giáo thường bị ruồng xét và bắt bớ.
Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, kar có nghĩa là tuyết. Ka, nhân vật chính của quyển Tuyết, từ Istanbul đến Kars, thành phố mang tên Tuyết, nổi tiếng có thời tiết khắc nghiệt; anh ở Kars chỉ có ba ngày khi thành phố này chìm ngập trong cơn bão tuyết. Ka, như một cánh hoa tuyết ở trong một thành phố tên Tuyết nằm trong cơn bão tuyết. Orhan Pamuk trong bài tiểu luận From the Snow in Kars Notebooks đã cho biết dụng ý của ông là dùng tuyết che lấp tất cả những dấu vết đặc thù của Kars để ông có thể biến Kars thành một thành phố tổng quát chuyên chở những hình ảnh sáng tạo của ông. Kars cũng có thể là bất cứ thành phố nào tượng trưng cho Thổ Nhĩ Kỳ nơi đó Ka nhìn thấy sự xung đột Đông Tây trong chính cá nhân, của người trong quốc gia, và của quốc gia với châu Âu. Đứng về hàng ngũ Tây phương là châu Âu, Frankfurt, Istanbul (phần nằm trên địa phận châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ), và Ka. Đứng về hàng ngũ Đông phương là phần lớn còn lại của Thổ Nhĩ Kỳ thuộc về châu Á, Kars, và tất cả những người dân (đa số là Hồi giáo và một thiểu số Kurd) ở trong Kars.
Cảnh báo: Nội dung dưới đây tiết lộ phần lớn nội dung tác phẩm.
Ka, là nhà thơ, bốn mươi hai tuổi, đẹp trai, tính nhạy cảm đến độ hay khóc. Trong ba ngày ở Kars, anh đã khóc rất nhiều lần, ngay cả vừa đi vừa khóc trên đường phố. Ka sống lưu vong mười hai năm ở Đức, từ Frankfurt trở về Istanbul, rồi từ Istanbul đi đến Kars, đây là một cuộc hành trình đi từ Tây sang Đông, từ châu Âu sang châu Á. Trong cuộc hành trình này, qua Ka, độc giả sẽ nhìn thấy sự xung đột văn hóa và tôn giáo giữa Đông và Tây.
Tên thật của Ka là Kerim Alakuşoğlu. Anh không thích tên này nên bảo mọi người gọi mình là Ka. Orhan Pamuk trong bài tiểu luận In Kars and Frankfurt in trong quyển Other Colors viết năm 2005, đã giới thiệu về nhân vật của mình như sau: “Anh ta không màng đến chính trị, anh ta cũng chẳng thích chính trị; suốt đời anh chỉ yêu thơ. Nhân vật của tôi là một nhà thơ sống ở Frankfurt. Anh ta nhìn chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ như người ta nhìn thấy một tai nạn – đó là một chuyện mà anh ta tình cờ mà bị liên lụy.” Mẹ anh mới vừa mất nên anh về Istanbul làm đám tang cho mẹ. Qua lời của Taner, người bạn phụ trách tờ báo Republican ở Istanbul, Ka biết Ipek, cô bạn gái rất đẹp mà anh đã thầm yêu từ ngày còn ở đại học chưa kịp tỏ tình thì cô đã lấy chồng, vừa mới ly dị và hiện đang ở Kars. Theo lời của Taner, Kars đang ở trong tình trạng biến động. Vị thị trưởng cũ của Kars vừa bị ám sát và sắp sửa có một cuộc bầu cử Thị trưởng mới. Ngoài ra có một hiện tượng đáng chú ý là ở thành phố này đang có dịch tự tử. Những người tự tử toàn là phụ nữ, có người đã lập gia đình, có người còn độc thân và tất cả đều rất trẻ. Taner cấp cho Ka một thẻ báo chí và đề nghị anh về Kars điều tra và viết một bài tường thuật về hai sự kiện này. Ở Frankfurt, Ka tuy biết tiếng Anh nhưng không biết tiếng Đức. Không hòa nhập được với xã hội Đức do bất đồng ngôn ngữ anh làm thơ để đối phó với sự im lặng và cô đơn. Và anh trở nên một nhà thơ nổi tiếng ở Đức. Rồi cũng chính sự im lặng và cô đơn này đã đưa Ka vào tình trạng bế tắc. Suốt bốn năm anh không làm được bài thơ nào. Ka có chủ ý sẽ tìm người để cưới làm vợ rồi đưa về Frankfurt sống. Ipek là lý do chính cho anh đến Kars. Ngoài ra Ka cũng hy vọng sẽ tìm được cảm hứng để làm thơ trở lại.
Ngay lập tức khi đến Kars, Ka đi phỏng vấn gia đình của các cô gái đã tự tử. Ka thu thập được nhiều lý do xem chừng như trái ngược với nhau. Có người cho là các cô tự tử vì không có hạnh phúc với chồng, vì gia đình chồng ngược đãi, vì cha mẹ cấm đoán không cho ra ngoài hay giao du với bạn bè, vì bị vu oan là mất trinh nên bị từ hôn, vì bị bắt phải cởi khăn che đầu và vì bị cấm đến trường. Khi Ka và Ipek hẹn gặp nhau ở một quán cà phê New Life Pastry gần khách sạn Snow Palace, nơi Ka ở do bố của Ipek làm chủ. Ở đây Ka chứng kiến Tiến Sĩ Nuri Yilmaz, Trưởng Viện Giáo Dục của Kars bị bắn và hôm sau ông ta chết. Người bắn là một người trong tổ chức Hồi giáo trẻ tuổi cực đoan. Với vai trò ký giả muốn thu thập tin tức về cuộc bầu cử sắp đến và tìm hiểu lý do gây ra dịch tự tử giữa một số phụ nữ trẻ tuổi ở Kars, Ka được gặp hầu hết các khuôn mặt có thế lực đặc biệt trong Kars và qua họ Ka khám phá ra rất nhiều vấn đề thời sự nóng bỏng không chỉ ảnh hưởng ở Kars mà còn ảnh hưởng đến nền chính trị của quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Muhtar Bey, chồng cũ của Ipek, đang ra tranh cử chức thị trưởng, đại diện cho Hồi giáo là đảng đối lập với chính quyền đương kim. Hiện Muhtar đang thắng thế. Việc ông trưởng viện Giáo dục bị ám sát là lý do để chính quyền của Kars bắt nhốt, đánh đập tra tấn nhiều người bị xem là đối lập với chính quyền, trong đó có Muhtar. Pamuk nhận thấy chừng như Muhtar đã quá quen thuộc với chuyện bị bắt bớ đánh đập nên ông ta không có vẻ gì ngạc nhiên. Muhtar xem như chuyện bị chính quyền đánh đập là một cái giá phải trả để được có tiếng nói đại diện cho những người Hồi giáo bị đàn áp. Orhan Pamuk quan niệm cách tốt nhất để hiểu biết đời sống trong một thành phố là đi bộ tham quan thành phố đó. Trong tác phẩm Tên tôi là Đỏ Pamuk đã cho nhân vật của ông đi vòng quanh Istanbul. Trong Tuyết, Pamuk cho Ka đi hết những ngõ ngách hoang phế nghèo nàn nhất của Kars, nơi mà tất cả mọi người trong Kars muốn lãng quên và trên thế giới không ai biết đến. Trong lúc đi bộ vòng quanh thành phố, Ka được Necip, một học sinh của trường Hồi giáo, kết bạn và Necip dàn xếp đưa Ka bến gặp Blue. Blue, có nghĩa là Xanh, là một biểu tượng rất quan trọng trong Hồi Giáo. Đền thờ Sultan Ahmed là một trong những đền thờ lớn nhất, nổi tiếng nhất, lâu đời nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ được gọi là Blue Mosque, hay Đền Thờ Xanh. Sở dĩ đền thờ Sultan Ahmed được gọi là đền thờ Xanh là vì tường của đền thờ được ghép rất nhiều gạch men màu xanh thành những hình hoa văn. Vào thế kỷ 14 Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng trên thế giới về việc xuất cảng cobalt một loại khoáng chất màu xanh. Nghệ nhân Việt Nam ở Chu Đậu đã dùng đá màu này trang trí đồ gốm sứ bằng những hoa văn màu xanh lam được mệnh danh là gốm sứ Chu Đậu. Ngoài ra Thổ Nhĩ Kỳ còn có một loại đá xanh đặc biệt họ đã gọi là Turquoise, có nghĩa là đá màu xanh của Thổ Nhĩ Kỳ.
Blue, là một thanh niên có đôi mắt xanh thẫm, màu của đêm sâu, đẹp trai đến độ anh chinh phục được rất nhiều trái tim người đẹp trong đó có cả hai chị em Ipek và Kadife. Người ta đồn là Blue là người cố vấn tư tưởng cho các cô gái đã tự tử. Kadife là em của Ipek, là một cô gái có cá tính rất mạnh. Cô là một cô gái theo Tây phương nên không theo chủ trương phải che dấu mái tóc của mình. Tuy nhiên có một lần bị thách thức nên cô dùng khăn choàng đầu và từ đó bị giới cầm quyền của Kars quấy nhiễu đến độ cô trở nên chống đối và thách thức chính quyền. Kể từ khi dùng khăn choàng đầu, với nhan sắc lộng lẫy, Kadife trở nên thần tượng của giới trai trẻ học sinh trong trường Hồi Giáo, và cô là thủ lĩnh của đám nữ sinh tranh đấu để được quyền choàng khăn. Theo lời của Ka, Ipek còn đẹp hơn Kadife nhiều lần. Blue là kỹ sư điện tử tốt nghiệp đại học ở Hamburg Đức. Blue có một lịch sử chính trị khá lẫy lừng. Người ta đồn là anh đã giết chết một người đồng tính luyến ái, hướng dẫn viên của một chương trình truyền hình, ăn mặc hào nhoáng lố lăng vì người này đã nói những lời bị xem là nhục mạ giáo chủ của Hồi Giáo. Blue có tài ăn nói rất thuyết phục. Blue nói rằng tuy là anh chủ trương dùng bạo động để tiêu diệt kẻ thù của Hồi giáo anh chưa hề giết người bao giờ. Hiện nay Blue được tôn làm người lãnh đạo của thanh niên Hồi Giáo ở Kars. Chính quyền tin là Blue là người điều động việc ám sát Trưởng Viện Giáo Dục vì ông ta đã cấm không cho các cô gái choàng khăn che đầu vào trường học, và đã gây căm phẫn đến độ Teslime tự tử chết. Nhà cầm quyền tìm cách bắt giam Blue bởi vì tin rằng anh có khả năng lãnh đạo nhóm sinh viên Hồi giáo để chống chính quyền.
Ở Kars, báo chí là công cụ của chính quyền. Để kiểm soát và điều động dân làm theo ý của chính quyền, báo chí thường loan tin trước khi sự kiện thật sự xảy ra. Thí dụ như Ka được biết là anh sẽ đọc một bài thơ có tựa đề là Tuyết dù anh chưa sáng tác bài thơ này. Cũng trong buổi đọc thơ này sẽ có một màn kịch được chính quyền hỗ trợ. Đây là một vở kịch có dụng ý tuyên truyền khuyến khích các cô gái từ bỏ khăn choàng đầu. Trong vở kịch có một cô gái có lối sống Tây phương. Để phát biểu quyền tự do chọn lựa cá nhân cô từ bỏ khăn choàng đầu. Những người Hồi giáo quá khích đe dọa sẽ cưỡng hiếp cô và khi họ tấn công, chính quyền đến giải cứu cô kịp lúc. Cô gái lột khăn để xõa mái tóc đẹp và tuyên bố sẽ không bao giờ dùng khăn che tóc nữa. Vở kịch này được trình diễn hằng năm và những nam sinh Hồi giáo thường la ó phản đối nhưng họ vẫn đến xem trong một ngày bão tuyết mịt mù vì họ chẳng có gì để giải trí. Cũng trong đêm diễn kịch này, khi một đám học sinh Hồi Giáo phản đối, Z Dermikol, một cựu đảng viên Cộng sản, bạn của Sunay Zaim, diễn viên chính của buổi trình diễn, đã cho lệnh nã súng vào đám nam sinh Hồi giáo giết chết một số người trong đó có Necip, một học sinh Hồi giáo hiền lành, mơ làm nhà văn, và thầm yêu Kadife.
Sunay Zaim là một diễn viên nhiều tham vọng. Ông ta đã thủ vai nhiều lãnh tụ khét tiếng như Napoleon và Lenin. Tham vọng của Sunay là được đóng vai Ataturk (có nghĩa là người cha của dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ) nhưng cho đến nay mơ ước ấy vẫn không thành và tên tuổi của Sunay Zaim chưa được vào lịch sử. Ngay trong đêm ấy có một cuộc đảo chính. Bạn của Sunay Zaim là Z Demirkol và Thiếu tá Osman Nuri Çolak, một sĩ quan đã về hưu, nhân cơ hội thành phố Kars bị bão tuyết nặng nề tất cả những con đường giao thông đến Kars đều bị ngăn cấm, làm một cuộc đảo chính để cướp quyền hành, dùng quân đội khống chế tất cả mọi người. Cũng trong đêm ấy nhóm đảo chính tấn công trường Hồi Giáo giết học sinh, tấn công một vài trụ sở của người Kurd tịch thu tài liệu, bắt một nhà văn người Kurd đi trong đêm và bắn ông ta chết.
Blue phản đối hành động giết người này và muốn gửi lời tuyên ngôn của mình ra nước ngoài. Ka nói có thể gửi lời tuyên ngôn này đến một tờ báo ở Đức nhưng để lời tuyên ngôn có giá trị bài tuyên ngôn này phải cùng là tiếng nói của những nhóm đối lập và đại diện của dân chúng ở Kars; và anh đề nghị Blue cùng ký tên với một người trưởng nhóm du kích Kurd và một người đảng viên đảng Cộng sản đã về hưu. Turgut Bey, bố của Ipek và Kadife, nguyên trước đây là đảng viên đảng Cộng sản, ký tên vào bản tuyên ngôn này. Blue vì phải xuất hiện trước công chúng để ký lá thư nên bị bắt và Sunay Zaim làm áp lực với Kadife vốn là người tình bí mật của Blue; để cứu Blue, Kadife phải cùng đóng với Sunay Zaim vở kịch The Spanish Tragedy của Thomas Kyd trong đó Sunay Zaim đã thay đổi kết thúc của vở kịch dựa vào vở kịch The Good Woman of Szechuan của Brecht. Trong vở kịch này Kadife phải cởi khăn choàng đầu để lộ bộ tóc nâu rất đẹp của mình và tuyên bố từ bỏ khăn choàng. Nếu Kadife không muốn để lộ mái tóc cô có thể dùng tóc giả. Để cứu Blue Kadife nhận lời diễn kịch nhưng không hứa là sẽ cởi khăn. Và điều kiện của Kadife là Blue phải được thả ra. Tuy nhiên ông diễn viên nghiện rượu hết thời này, có tham vọng muốn vở kịch này sẽ làm danh tiếng của ông ta sống mãi với thời gian nên đã dùng thủ đoạn dấu đạn thật vào súng. Trong vở kịch ông đã đẩy Kadife đến mức đường cùng hoặc là phải cởi khăn choàng đầu hoặc là phải tự tử để bảo vệ danh dự nhưng không cho biết là có đạn trong súng.
Ka là người đứng trung gian trong cuộc thương lượng của Sunay Zaim và Kadife đồng thời thuyết phục Blue đồng ý để Kadife cởi khăn choàng trong vở kịch để giải thoát cho Blue. Khi Kadife bắt đầu vở kịch khi Blue đã được thả và đã đến nơi ẩn náu an toàn. Ka chuẩn bị đưa Ipek ra khỏi Kars về Frankfurt để sống với anh. Khi Ka nói với Blue điều này bỗng nhiên Blue đổi ý và không đồng ý cho Kadife cởi khăn choàng. Khi Ka trao lại tin này với người của Sunay Zaim anh được thông báo cho biết Ipek có một thời đã là người tình của Blue. Trong cơn ghen tột độ anh tiết lộ chỗ trú ẩn của Blue và vì thế Blue cùng với Hande, một người tình mới cũng là bạn của Kadife, bị giết chết.
Trong cơn đau đớn tột độ vì nhận tin cái chết của người yêu cũng là lúc biết mình bị người yêu phản bội, Kadife bắn chết Sunay Zaim bằng cây súng do ông ta đã nạp đạn sẵn. Sunay Zaim đã tự dàn xếp cho cái chết của mình vì ông ta nghĩ cái chết sẽ làm tên tuổi của ông ta tồn tại “biến nghệ thuật thành huyền thoại.” Ông ta đã bắt tờ báo địa phương phải loan tin trước là ông ta sẽ chết trong vở kịch.
Trong lúc Kadife đau đớn vì cái chết của Blue, Ipek cũng đoán được là Ka vì ghen nên đã tố cáo với chính quyền chỗ trốn của Ka và vì thế Ipek từ chối không về Đức với Ka. Ka bị chính quyền bắt buộc rời Kars khi chuyến tàu hỏa đầu tiên rời khỏi nhà ga sau ba ngày tuyết phủ. Anh sống trong nỗi tuyệt vọng vì thương nhớ Ipek nhưng không dám trở về Kars vì sợ bị trả thù. Tuy nhiên bốn năm sau anh bị một nhóm Kurd, Hồi giáo trẻ cực đoan ở Đức, bắn chết để trả thù cho cái chết của Blue.
*
Trong tác phẩm Tuyết, sự xung đột Đông và Tây được biểu hiện qua sự xung đột của quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ với châu Âu. Đã rất nhiều năm Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng tham gia Liên Minh châu Âu (European Union). Trong khi rất nhiều quốc gia Cộng sản đã lần lượt được kết hợp vào Liên Minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là người ngoại cuộc đang chờ cứu xét. Sự xung đột của châu Âu với Thổ Nhĩ Kỳ là một sự xung đột lâu đời, cũng lâu đời như lịch sử xung đột của Việt Nam và Trung Quốc! Từ thời văn minh cổ đã có những trận giao tranh đẫm máu giữa Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Âu đặc biệt là La Mã, Pháp và Anh kéo dài bao nhiêu thế kỷ vì lý do tôn giáo. Trong lịch sử cận đại Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của Đức trong thế chiến thứ Nhất và sự đồng minh này đã đưa đến sự sụp đổ của đế quốc Ottoman. Thổ Nhĩ Kỳ đã áp dụng chính sách thanh lọc chủng tộc giống như Đức để giết hơn ba mươi ngàn người Kurd và hơn một triệu rưỡi người Armenian. Cuộc thảm sát này được châu Âu mệnh danh là Holocaust của Armenia. Một trong những lý do châu Âu dùng để ngăn chận không cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên Minh châu Âu là Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm nhân quyền rất trầm trọng. Vào những năm 70, báo chí Thổ Nhĩ Kỳ bớt kềm chế nên một số nhà văn đã viết bài đả kích chính quyền đàn áp người Kurd. Đến thập niên 80, có rất nhiều người trong giới báo chí, văn học, dịch thuật bị bắt đi tù vì những bài viết này. Kurd là một nhóm người thiểu số kết hợp chừng hai mươi phần trăm dân số Thổ Nhĩ Kỳ. Vào những năm 40, nhóm người thiểu số này đã bị đàn áp, cấm không được dùng ngôn ngữ, trang phục, và ngay cả dân ca của họ. Ka là một trong những người bị lưu đày mặc dù bài của anh không chỉ trích chính quyền trầm trọng. Trong quyển Tuyết, nhiều lần Ka đã nhắc đến việc Thổ Nhĩ Kỳ đã thảm sát người Armenian khi người Nga rút ra khỏi địa phận Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1915. Tuy chuyện đã thuộc về quá khứ, cho đến nay chính quyền vẫn cấm báo chí không cho phép nhắc đến và giả vờ như chuyện chưa bao giờ xảy ra. Đoạn văn sau đây là lúc Ka ngồi quán cà phê nói chuyện với Ipek:
“Ngay sau đó họ nói về chính cái tiệm bánh mà họ đang ngồi. Nó là một nhà thờ Orthodox cho đến năm 1967, khi người ta tháo cánh cửa nhà thờ để mang vào viện bảo tàng. Một phần của viện bảo tàng này được dùng để tưởng niệm cuộc thảm sát người Armenia (rất tự nhiên, nàng nói, có vài du khách đến đấy với dự tính là xem những dấu vết về sự thảm sát người Thổ Nhĩ Kỳ bởi người Armenia, và giật mình khi khám phá sự thật ngược lại với sự hiểu biết của họ).”
Orhan Pamuk vạch ra, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cần phải sửa đổi việc vi phạm quyền tự do ngôn luận và đàn áp người dân thiểu số nếu muốn gia nhập Liên Minh châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ luôn luôn đứng bên ngoài một trung tâm thương mại, muốn tiến bộ giàu có nhưng không biết phải làm gì. Có tài nguyên nhưng không có kỹ thuật tân tiến để khai thác. Bán tài nguyên cho ngoại quốc thì sẽ bị ăn phỗng tay trên. Kinh tế nghèo khó cùng với sự đàn áp quá độ đã đưa đến chỗ người dân Kurd phản kháng và nổi loạn.
Khi phát biểu về sự thảm sát người Armenia, và bênh vực người Kurd bị đàn áp ở Thổ Nhĩ Kỳ, Pamuk gia nhập hàng ngũ với Kenzaburo Oe, văn hào Nobel năm 1994 và J.M. Coetzee, văn hào Nobel năm 2003. Kenzaburo Oe đã nói về việc quân đội Nhật Bản bức tử dân Nhật và J.M. Coetzee đã phát biểu việc người Nam Phi bị đàn áp. Các văn hào này là những giọng nói hùng mạnh của giới văn học đã bênh vực nhân quyền trong đó có quyền tự do ngôn luận. Họ cũng đã dùng tiếng nói của mình để nói với thế giới thay cho những người không thể nói và không có điều kiện để phát biểu ý kiến.
*
Sự xung đột Đông và Tây trong phạm vi quốc gia được thể hiện qua biểu tượng chiếc khăn choàng đầu của phụ nữ Hồi giáo. Vào đầu những năm 1920, theo trào lưu châu Âu, Ataturk áp dụng chủ nghĩa secularism (tự điển dịch là chủ nghĩa thế tục). Các nhân vật trong quyển Tuyết, đặc biệt là các nam sinh Hồi Giáo như Necip, Fazil, và tên sát nhân đã bắn ông trưởng Viện giáo dục, thường nhập nhằng giữa secularism với atheism (chủ nghĩa vô thần). Đa số quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đều theo secularism, tôi vẫn hiểu là tự do tôn giáo, không áp đặt bất cứ tôn giáo nào làm tôn giáo của quốc gia. Tuy nhiên Hồi giáo chiếm 99 phần trăm tổng số dân số Thổ Nhĩ Kỳ. Và có lẽ những thù hằn dây dưa bắt nguồn từ thời Thập Tự viễn chinh, người Thổ Nhĩ Kỳ đã trút thù hằn này lên những người Armenia là những người theo Thiên chúa giáo. Kế vị Ataturk là những nhà lãnh đạo trẻ tuổi rất ngưỡng một nền văn hóa châu Âu thúc đẩy sâu xa hơn việc châu Âu hóa Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà lãnh đạo này xem việc dùng khăn choàng đầu là lạc hậu do đó cấm phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ không được dùng khăn choàng đầu khi đặt chân lên đất đai tài sản của chính quyền. Đối với người Hồi giáo, bị tước đoạt quyền dùng khăn choàng đầu là một hành động khống chế của secularism, bị xem là hậu thân của những người theo Thiên Chúa giáo.
Phụ nữ và chiếc khăn choàng đầu trở nên một quả banh quần vợt bị tung hứng trên mặt trận dàn ra bởi chính quyền mệnh danh là tự do tôn giáo và các lãnh tụ Hồi giáo. Khăn choàng đầu của phụ nữ không chỉ là trang phục, mà còn là biểu tượng tôn giáo và phong tục của phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. Người phụ nữ Hồi giáo, để được đến trường, và để cuộc sống của người thân không bị đảo lộn, phải từ bỏ khăn choàng đầu. Họ phải trả lời đối diện với sự trừng phạt của các người lãnh đạo tôn giáo. Sự trừng phạt đôi khi là sự đánh đập và hãm hiếp. Cả hai bên đều không muốn nhận trách nhiệm trong việc đã dằng co và đưa đẩy các cô nữ sinh Hồi giáo đến chỗ tự tử chỉ vì các cô muốn có quyền được dùng khăn choàng đầu. Pamuk đã xây dựng Kadife, một nhân vật nữ có cá tính và năng khiếu lãnh đạo. Kadife đã tranh luận về lý do những người phụ nữ Hồi giáo tự tử như sau:
“Tôi xin cô vui lòng giải thích tại sao cô muốn tự tử?” Sunay nói.
“Đây không phải là một câu hỏi ai cũng có thể trả lời,” Kadife nói.
“Cô nói thế là có ý gì?”
“Nếu một người biết chính xác tại sao cô ta tự tử và có thể phát biểu lý do của mình một cách công khai, cô ta sẽ không cần tự tử,” Kadife nói.
“Không! Không phải thế,” Sunay nói. “Có người tự tử vì yêu; có người giết người vì họ không chịu được sự đánh đập của chồng nữa, hay bởi vì sự nghèo khó đã xuyên thấu xương họ như một mũi dao.”
“Ông có cái nhìn về cuộc đời đơn giản quá mức.” Kadife đáp lại. “Một người phụ nữ muốn tự tử vì tình yêu vẫn biết nếu cô ta chờ ít lâu tình yêu của cô sẽ phai tàn. Nghèo khó cũng không phải là lý do chính đáng để tự tử. Và một người phụ nữ không cần phải tự tử để trốn tránh ông chồng vũ phu; cô ta chỉ cần ăn cắp tiền của hắn và bỏ hắn.”
“Thế thì, lý do thật sự là gì?”
“Lý do chính một người phụ nữ tự tử là vì cô ta muốn bảo toàn danh dự. Ít ra đó cũng là lý do mà đa số phụ nữ đã tự tử.”
“Cô có ý nói là họ bị người yêu hạ nhục?”
“Ông chẳng hiểu biết chút nào!” Kadife nói. “Một người phụ nữ không tự tử vì cô ta mất danh dự, cô tự tử vì muốn phô trương cái danh dự của cô ta.”
*
Sự xung đột Đông Tây ở mức độ cá nhân được Pamuk thể hiện qua cách chọn lựa hạnh phúc cá nhân hay an toàn cho gia đình và xã hội. Ka, lớn lên ở Istanbul, một thành phố mang tính chất văn hóa Âu châu, và sống lâu năm ở Frankfurt, một thành phố châu Âu. Lẽ ra anh có thể hòa nhập trong xã hội châu Âu nhưng trái lại anh rất cô đơn lạc lõng trong xã hội Tây phương. Làm một cuộc hành trình từ Tây sang Đông, từ Âu sang Á, anh nghĩ là ở Kars anh sẽ tìm thấy mình và sẽ tìm thấy hạnh phúc. Ở Kars, giữa những người Hồi giáo Ka càng hoang mang không biết mình là ai, không biết mình muốn gì. Trong cơn say túy lúy anh hôn tay của sheikh Efendi nhưng vẫn không thấy mình hòa hợp với người Hồi giáo. Mọi giá trị về văn hóa và tôn giáo mà anh tự thiết lập lúc ban đầu bỗng lung lay. Ở Frankfurt hay ở Kars, Ka luôn là người ngoại cuộc đi tìm một nơi thích hợp cho mình. Khi còn ở nước ngoài Ka định nghĩa hạnh phúc là viết ra được những câu thơ và có người yêu mình. Khi về đến Kars hạnh phúc được anh định nghĩa như sau trên trang 325:
“Hạnh phúc là tìm một thế giới khác để mà sống, một thế giới mà anh có thể quên hết nghèo khó và những kẻ độc tài. Hạnh phúc là có ai đó trong vòng tay và biết rằng mình đang ôm cả thế giới.”
Sau đây là nhận xét về Ka của Z Demirkol, viết văn, làm thơ, nhà báo, đã từng theo chế độ Cộng sản, và là một trong những nhà quân sự đã làm cuộc đảo chính ở Kars.
“Những người trí thức như ông không biết mình muốn cái gì, điều này làm tôi phát ốm. Anh nói anh thích có dân chủ, thế rồi anh lại theo phe với những người Hồi giáo cực đoan. Anh nói anh muốn có nhân quyền, xong rồi anh đi thương lượng với đám khủng bố giết người. Anh nói Âu châu là giải pháp rồi anh lại đi vòng vòng nịnh bợ các người Hồi giáo ghét bất cứ những gì là biểu tượng của châu Âu. Anh nói ủng hộ nữ quyền, thế rồi anh giúp đám đàn ông quấn khăn lên đầu vợ con của họ.”
*
Tiểu thuyết của Orhan Pamuk rất đa dạng, phong phú và rất nhiều ẩn dụ. Tác giả mở đầu câu truyện bằng một vụ giết người. Rồi sau đó cứ vài chương ông cho thêm một vụ giết người nữa, và càng về sau càng nhiều người bị giết. Tương tự Doris Lessing, văn hào Nobel năm 2007, trong quyển Cỏ hát (The Grass is Singing) ông cho biết thủ phạm giết chết nhân vật ngay trong những trang đầu, và những cái chết về sau như cái chết của Necip và Sunay Zaim được báo trước như thể tác giả không muốn độc giả phí thì giờ đi tìm thủ phạm giết người. Biết được tên sát nhân rồi độc giả chú ý vào những xung đột từ nội tâm đến ngoại trường đã đưa đến việc giết người. Khác với Yu Hua trong Brothers (Anh em) Pamuk không khai thác khía cạnh ghê rợn của sự bạo động. Qua Necip, Pamuk nhấn mạnh đến cái chết phi lý của một học sinh tôn giáo, ngây thơ, mơ mộng, hiền lành, chỉ biết yêu chưa biết hận thù, còn đang phân vân không biết có sự hiện hữu của Trời hay không, một nhánh cây thanh xuân bị bẻ gãy thật đột nhiên, một cái chết mà tôi thấy trong một câu hát của Trịnh Công Sơn, “chết thật tình cờ nằm chết như mơ.” Nhân vật của ông ít khi đối ngược với nhau, ngoại trừ hai nhân vật Necip và Kadife. Necip là một thanh niên Hồi giáo rất hiền lành mơ mộng, trong khi Kadife là một phụ nữ được nuôi dạy theo văn hóa châu Âu. Các nhân vật khác được xây dựng thành từng cặp bổ túc hậu thuẫn cho nhau thí dụ như Necip là tuổi trẻ của Ka, Kadife và Ipek là biểu tượng vừa Âu vừa Á của phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ, Necip và Fazil tượng trưng cho các giáo sinh Hồi giáo, hiền lành, mơ mộng. Không phải người nào ở trong trường Hồi giáo cũng trở nên những tay khủng bố giết người.
Nếu nước trong tác phẩm Mùa len trâu (của Sơn Nam được làm thành phim) làm chết lúa với trâu và phá hủy tài sản của cải của dân ở đồng bằng miền nam Việt Nam; nếu gió trong Tam Quốc Chí đã giúp lửa đốt cháy những chiến thuyền ở trận Xích Bích; nếu những vụ bạo động giết người ở Mỹ thường xảy ra ở những khu dân nghèo, tỉ lệ nghiện ngập và thất nghiệp cao, trong những đêm mùa hè khi vạn vật đắm chìm trong hơi nóng; thì trong tác phẩm Tuyết, cơn bão tuyết kéo dài ba ngày phong tỏa mọi lối ra vào thành phố, giữa những người dân bất mãn đã lâu vì những ức chế và mức độ nghèo khó, và giữa những người có tham vọng cá nhân to hơn lòng nhân đạo với vũ khí trong tay, có tác dụng phá hoại nguy hiểm tương đương với nước, gió lửa, và hơi nóng. Tuyết có công dụng dập tắt âm thanh và vây hãm để cuộc thảm sát những người yếu thế có thể xảy ra trong một thời gian rất ngắn. Kars trong màn tuyết triền miên không còn là Kars nữa mà là hiện thân của bất cứ thành phố nào trong quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Cái đàn áp, bóp nghẹt, bạo động áp dụng lên những người yếu thế nhỏ bé ở Kars cũng có thể ở một nơi nào đó trên quốc gia này.
Pamuk có tham vọng thay đổi quan điểm của châu Âu về những người Hồi Giáo và Thổ Nhĩ Kỳ, qua cách ông thể hiện những nhân vật sống ở Kars, ở một thành phố hẻo lánh nghèo nàn thuộc về châu Á. Pamuk cho rằng là các quốc gia Hồi giáo, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, đã bị hiểu lầm nghiêm trọng. Một thiểu số người Hồi giáo, trẻ và nông nổi, chủ trương dùng bạo động để bảo vệ danh dự Hồi giáo, thật ra chỉ là một nhóm người trẻ tuổi, dễ bị lừa dối và lung lạc. Họ gây rối loạn bởi vì nhàm chán do dư thì giờ nhưng thiếu phương tiện để tự xây dựng đời sống và hạnh phúc của riêng họ. Một nhân vật trẻ tuổi, du kích Kurd, đại diện cho nhóm người nghèo và ít học của Thổ Nhĩ Kỳ, khi được hỏi anh ta sẽ nói gì với thế giới Tây phương nếu anh được cho phép tóm gọn trong hai câu, anh ta đã nói:
“Lỗi lầm to lớn nhất của nhân loại,” anh chàng thiếu niên người Kurd nói, “sự lừa dối to lớn nhất của hằng ngàn năm qua là: lẫn lộn giữa cái nghèo với ngu ngốc.”
“Nói cho chính xác, anh ta có ý gì khi dùng chữ ngu ngốc? Anh ta nên giải thích cho rõ ràng.”
“Suốt quá trình lịch sử, các nhà lãnh đạo tôn giáo, và những người có danh dự luôn luôn cảnh giác điều lầm lẫn này. Họ nhắc cho chúng ta nhớ rằng những người nghèo khổ có tấm lòng, biết suy nghĩ, nhân từ, và sáng suốt cũng như bao nhiêu người khác.”
Pamuk cũng nói hộ người dân Thổ Nhĩ Kỳ là họ không tin người Tây phương có thể hiểu và cảm thông với họ. Fazil, bạn của Necip, một trong những nam sinh Hồi giáo, về sau kết hôn với Kadife đã nói: “Nếu ông viết một quyển sách về Kars và cho tôi vào quyển sách, tôi muốn nói với độc giả của ông là đừng tin bất cứ những gì ông nói về tôi hay về bất cứ người nào của chúng tôi. Không ai sống rất xa chúng tôi có thể hiểu chúng tôi.”
Tác phẩm Tuyết sẽ giữ một vai trò quan trọng trong việc khuyến khích Đông Tây tìm hiểu lẫn nhau để giữ hòa bình trên thế giới khi mà cuộc chiến giữa Tây phương và các quốc gia Hồi giáo như Afghanistan, Iraq vẫn còn đang tiếp diễn. Thế giới luôn lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ biến thành một quốc gia như Iran. Một vài quốc gia lạc hậu khác nhìn thấy Thổ Nhĩ Kỳ qua tác phẩm Tuyết may ra sẽ tôn trọng nhân quyền và quyền tự do ngôn luận?
Hết.
Tham khảo:
Western Civilization, Jackson J. Spielvogl The New York Times Book Review của Margaret Atwood
Patrick Hogan đóng quân tại miền Nam Việt Nam từ tháng 9.1966 đến tháng 6.1969 tại Cam Ranh (Khánh Hòa). Sau khi giải ngũ, ông được bổ nhiệm vào Sở cảnh sát Teaneck với tư cách là nhân viên thực thi pháp luật. Vào năm 2012, sau khi nghe bài phát biểu của cựu Tổng thống Barack Obama về chiến tranh Việt Nam, ông bỗng cảm thấy vô cùng cấp bách để điều tra về việc phơi nhiễm chất độc màu da cam và những hóa chất mà chính quyền Mỹ đã rải xuống Việt Nam trong giai đoạn này.
Khi bắt đầu nghiên cứu, ông chưa từng nghĩ mình sẽ chạm đến những bí mật khổng lồ về các loại hóa chất này. Nhưng sau cái chết của người bạn và cũng là cựu chiến binh Larry White, ý tưởng về Mùa xuân vắng lặng - Mùa thu chết chóc của Chiến tranh Việt Nam đã ra đời. Tác phẩm vừa được Phương Nam Books và NXB Thế giới ấn hành, qua việc chuyển ngữ của dịch giả Nguyễn Văn Minh. Cuộc phỏng vấn sau đây sẽ nói nhiều hơn về tác phẩm ông đã “thai nghén” trong nhiều năm qua.
- “Mùa xuân vắng lặng - Mùa thu chết chóc của Chiến tranh Việt Nam” nói về điều gì, thưa ông?
- Đây là câu chuyện về chiến tranh, câu chuyện về sự giận dữ và cuồng nộ, một cuốn biên niên sử được viết trong đau buồn và hy vọng. Đó là câu chuyện của vô số cựu binh từng phục vụ tại Việt Nam. Đó là một cuốn sách đi sâu vào các hóa chất chết người đã được sử dụng trong suốt cuộc chiến và ảnh hưởng của chúng lên các cựu binh. Nhiều trong số đó vẫn đang được sử dụng trên khắp nước Mỹ, thậm chí cho đến ngày nay. Đó là hành trình phơi bày mọi điều mà chính phủ Hoa Kỳ chưa từng và chưa bao giờ muốn phơi bày ra ánh sáng.
- Điều gì đã truyền cảm hứng cho ông viết về chiến tranh Việt Nam?
- Thực ra tôi chưa bao giờ nung nấu ý định trở thành nhà văn. Cuốn sách ra đời trong một hoàn cảnh gần như ngẫu nhiên. Điều tốt nhất tôi có thể làm gần nửa thế kỷ sau chiến tranh là viết lại “sự phản bội” mà chúng tôi nhận được khi bị buộc phải tiếp xúc với thuốc trừ sâu độc hại và những điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh Việt Nam. Tất cả là nỗ lực đưa ra ánh sáng những gì đã xảy ra ở đó để chúng sẽ không bao giờ có khả năng lặp lại với các thế hệ quân nhân mới, với cả gia đình và con cháu họ, thậm chí là cả cháu chắt nữa.
Ban đầu, việc viết sách hay trở thành tác giả là điều xa vời trong tâm trí tôi. Tuy nhiên, ngay sau khi tôi từ Việt Nam trở về, cha tôi đã thúc giục tôi nộp đơn yêu cầu bồi thường khuyết tật lên Bộ Cựu chiến binh (DVA) vì những vấn đề y tế mà tôi gặp phải trong thời gian phục vụ quân ngũ. Tôi bắt đầu quá trình này không mấy nhiệt tình và nhanh chóng bị cuốn hút bởi cuộc sống dân sự mới.
Tôi không truy tầm lại chúng suốt nhiều thập kỷ, cho đến vào một ngày tháng 5 của năm 2012, sau khi xem Tổng thống Barack Obama phát biểu về sự khủng khiếp của Chiến tranh Việt Nam, thì điều gì đó trong con người tôi bất chợt “sống dậy”. Từ đó dấn thân nghiên cứu và điều tra mối liên hệ nhân quả giữa vô số vấn đề về sức khỏe và việc tôi bị phơi nhiễm chất độc màu da cam ở Việt Nam.
- Ông có thể chia sẻ về quá trình nghiên cứu của mình không? Đâu là khía cạnh thú vị nhất?
- Nghiên cứu của tôi kéo dài vài năm vì sự phức tạp của tất cả các hóa chất độc hại mà chúng tôi đã tiếp xúc và tương tác. Càng điều tra, tôi càng nhìn lại và cân nhắc tất cả những sinh mạng đã bị rút ngắn một cách không cần thiết - bị lấy đi, bị hủy diệt và chết dần mòn do việc sử dụng tràn lan thuốc trừ sâu. Tôi tức giận và quyết tâm hoàn thành cuốn sách.
Chúng tôi không chỉ bị phơi nhiễm chất độc màu da cam mà còn vô số hóa chất độc hại chết người. Thật đáng xấu hổ khi có biết bao nhiêu sinh mạng đã thiệt mạng trong nửa thế kỷ qua mà không ai biết sự thật về chúng. Một trong những điều hối tiếc lớn nhất của tôi là đã mất quá nhiều thời gian để thức tỉnh và viết cuốn sách này.
- Ông là một cựu trung sĩ. Điều này đã ảnh hưởng đến việc viết như thế nào?
- Việc là một sĩ quan cảnh sát và điều tra viên đã nghỉ hưu thực sự có ích trong giai đoạn nghiên cứu và viết nó ra. Thực ra, tất cả kinh nghiệm sống của tôi đều được phát huy trong quá trình viết sách.
- Về thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ được sử dụng trong giai đoạn ấy, ông có nghĩ rằng tác động của chúng đã dần giảm đi trong những năm qua?
- Cuốn sách không chỉ thảo luận về các hóa chất đã được sử dụng ở Việt Nam mà còn về tất cả các loại thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu độc hại được dùng trong chiến tranh nói chung. Thật không may, ngày nay hầu hết mọi người đều tin rằng chất độc màu da cam là loại thuốc trừ sâu duy nhất mà chúng ta bị phơi nhiễm. Sự thật là chiến tranh Việt Nam đã bị chính phủ biến thành một chiến dịch truyền thông sai lệch nhằm hạ thấp hoặc phớt lờ tất cả các hóa chất khác mà chúng ta đã tiếp xúc ở đó.
- Ông cũng trích dẫn nhiều thông điệp tích cực từ “Kinh Thánh”. Vì sao trong một nghiên cứu đầy cuồng nộ vẫn có những niềm hy vọng như thế?
- Đối với tôi, ở cả thời điểm này, tôi vẫn khó có thể hiểu được động cơ của tội ác ấy, cũng như sự vụ che giấu trong nhiều thập kỷ. Nhưng dù thế nào thì vẫn có ánh sáng trong ngày tăm tối. Hy vọng trong tương lai những hồ sơ này sẽ được tiết lộ, và tội ác sẽ không xảy ra thêm lần nào nữa với thế hệ quân nhân khác.
- Xin ông chia sẻ khía cạnh thách thức nhất khi viết cuốn sách này là gì?
- Đó là nỗi buồn cá nhân khi viết câu chuyện của Larry – bạn tôi, và quay lại khoảng thời gian tôi ở Việt Nam cũng như rất nhiều căn bệnh mà tôi đã mắc trong những năm qua.
Hồ sơ chính thức của chính phủ Hoa Kỳ ghi nhận hơn 58.280 quân nhân Hoa Kỳ đã chết ở Việt Nam. Đó là thương vong cuối cùng của cuộc chiến đó. Ngoài ra, có trên 300.000 quân nhân được ghi nhận là bị thương và tàn phế. Tuy nhiên, những số liệu thống kê nghiêm túc đó lại không ghi nhận hàng chục nghìn binh sĩ, thủy quân lục chiến và thủy thủ đã thiệt mạng, bị thương và bị thương tật do thuốc trừ sâu sử dụng ở Việt Nam. Ai sẽ ghi lại sự hy sinh và cái chết của họ? Mặc dù tôi không mong đợi cuốn sách của mình sẽ thay đổi những số liệu thống kê, nhưng tôi hy vọng có thể giúp ích một phần nào đó cho thế hệ tương lai.
- Ông có bao giờ rơi vào tình trạng bị bí ý tưởng?
- Không. Bản thảo ban đầu của cuốn sách dài khoảng 400 trang, ngoại trừ câu chuyện của Larry và việc hồi tưởng lại thời gian tôi ở Việt Nam thì mọi việc diễn ra suôn sẻ.
- Ông có phải là một tác giả có kỷ luật hay có lịch trình cụ thể không?
- Tôi tự coi mình là một tác giả có kỷ luật, nhưng ngay cả vậy tôi cũng thường mang theo tập giấy và bút vì sẽ có những cảm hứng sẽ đến bất chợt. Đặc biệt là sau sự tương tác căng thẳng của tôi với Bộ Cựu chiến binh (DVA) và vòng xoay hành chính.
Kevin Goetz và Darlene Hayman nghiên cứu tâm lý người xem nhằm lý giải sự thành bại của các phim Hollywood, trong sách "Khán giả học".
Cuốn sách xuất bản trong nước, Phương Nam Book phát hành, đưa ra cách tiếp cận mới khi khảo sát những điều khán giả chờ đợi ở một bộ phim. Hai tác giả đi sâu vào bóc tách tâm lý của khán giả trong 10 chương, từ đó đưa ra sự đúc kết về tầm ảnh hưởng của người xem đối với điện ảnh.
Kevin Goetz cho rằng những lời góp ý, nhận xét sẽ làm thay đổi diện mạo phim. Phản hồi từ khán giả trong các buổi chiếu thử có thể giúp tác phẩm được quảng bá rộng rãi, thậm chí nâng cao chất lượng về mặt nghệ thuật lẫn doanh thu. Goetz lấy ví dụ: "Tờ giấy khảo sát sau khi xem phim có khối lượng chưa đến 100 gr, song lại mang sức mạnh tựa như cú móc hàm phải của võ sĩ Tyson".
Sách có đoạn: "Qua nhiều năm, các nhà nghiên cứu và những người dày dặn kinh nghiệm trong ngành công nghiệp điện ảnh đều biết rõ, thước đo then chốt cho mức độ hấp dẫn của bất kỳ bộ phim thương mại nào cũng được xác định bởi các điểm số xuất sắc và rất hay mà phim nhận được từ phản hồi của khán giả tham dự buổi chiếu thử".
Trong sách, hai nhà nghiên cứu thuật lại quy trình của buổi chiếu thử, từ việc chọn khán giả dựa theo số liệu nhân khẩu học, tiêu chí chọn địa điểm công chiếu, đến những khoảnh khắc trong phim khiến người xem bật cười hay òa khóc. Goetz nhấn mạnh việc lấy khảo sát từ khán giả có thể giúp biên kịch, nhà sản xuất và đạo diễn lược bỏ chi tiết thừa hoặc thêm yếu tố mới, nhằm đẩy câu chuyện lên cao trào, đồng thời giúp phim đạt hiệu quả tốt nhất.
Những lý giải nhằm chứng minh công việc sáng tạo giống như trò chơi "đỏ đen" có tên là tâm lý học. Sau buổi công chiếu thử, tiếng vỗ tay, hò hét hay phản ứng khóc, cười từ khán giả có thể trở thành tín hiệu dự báo mức độ thành công.
Tác phẩm còn cho thấy nền điện ảnh không chỉ có bề dày lịch sử, các đạo diễn gạo cội, phim bất hủ, mà là một ngành khoa học phải đối mặt với nhiều thử thách. Goetz đưa chuyện thực tế trong các buổi chiếu thử phim nhằm giúp độc giả có cơ hội chứng kiến hậu trường Hollywood từ nhiều khía cạnh.
Goetz mời một số nhân vật nổi tiếng để chia sẻ trải nghiệm của họ với các buổi chiếu thử, gồm chủ hãng phim Blumhouse Jason Blum, đạo diễn Ron Howard và nhà sáng lập công ty Illumination Chris Meledandri. Theo Variety, sách cũng cung cấp góc nhìn về tác động của khán giả đối với bản dựng phim cuối trước khi công chiếu, như trong một số tác phẩm biểu tượng Fatal Attraction, Thelma & Louise và Cocktail.
Khán giả học nhận nhiều ý kiến tích cực từ giới chuyên môn. Theo trang Goodreads, sách được viết với giọng văn hài hước, pha lẫn kịch tính và bất ngờ, mang đến cho độc giả cái nhìn mới về lịch sử điện ảnh. Trang tin tức A Frame của giải Oscar xếp tác phẩm là một trong những cuốn sách phải đọc về điện ảnh hiện đại.
Cựu chủ tịch hãng phim Sony Amy Pascal đánh giá tác phẩm gây ấn tượng khi mang đến câu chuyện ngoài lề thú vị ở Hollywood. "Tôi ước quyển sách này xuất hiện lúc tôi bắt đầu sự nghiệp trong ngành điện ảnh", Pascal cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Chủ tịch Sony Pictures Entertainment Motion Picture Group - Tom Rothman - nhận xét: "Thấu hiểu những gì khán giả thực sự nghĩ không phải là điều dễ dàng. Và Kevin là bậc thầy trong việc lắng nghe người xem, như những gì được tiết lộ trong quyển sách của anh".
Kevin Goetz là nhà sáng lập công ty nghiên cứu phim Screen Engine, có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điện ảnh. Anh cũng là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ, Hiệp hội các nhà sản xuất phim Mỹ. Sách đầu tay của Goetz Khán giả học ra mắt lần đầu năm 2021.
Darlene Hayman là nhà phân tích nghiên cứu thị trường phim ảnh ở Mỹ, cộng tác với Kevin Goetz hơn 15 năm. Cô nổi tiếng vì hỗ trợ các đạo diễn trong việc nắm bắt thị hiếu khán giả, góp phần tinh chỉnh tác phẩm trong giai đoạn cuối quá trình hậu kỳ.
Cùng với Chekhov, Guy de Maupassant từ lâu đã được suy tôn là “bậc thầy của thể loại truyện ngắn”. Điều này không chỉ bởi văn phong độc đáo, mà còn nằm ở sự đa dạng về thể loại. Trong đó Horla và những truyện ngắn khác ra mắt gần đây chính là minh chứng cho nhận định này.
Tuy chỉ viết trong vỏn vẹn có 4 thập kỷ, nhưng những di sản mà Maupassant để lại là tương đối lớn. Ông nổi tiếng nhất với các tiểu thuyết cũng như truyện ngắn mang tính hiện thực, hài hước, lãng mạn, như những tập truyện Sáng trăng, Nơi nhà người bạn…
Nhưng ít người biết ông cũng bén duyên với thể loại kinh dị, và nó cũng truyền cảm hứng cho nhiều tác giả sau này, trong đó có H.P.Lovecraft với Lời hiệu triệu của Cthulhu. Vừa mới ra mắt trong thời gian qua, Horla và những truyện ngắn khác tập hợp 5 tác phẩm có màu sắc kinh dị, siêu nhiên, được Maupassant viết trải dài từ năm 1875 – 1890.
Trí tưởng tượng phong phú
Trong tập truyện Horla và những truyện ngắn khác, bạn đọc có thể thấy rõ 2 giai đoạn mà Maupassant tiến hành tiếp cận thể loại kinh dị. Trong 3 truyện ngắn được viết sớm nhất là Bàn tay bị lột da (1875), Hắn? (1883) và Nỗi sợ (1884), ta đơn thuần thấy đây là một tác phẩm ẩn chứa yếu tố siêu nhiên mà vị tác giả cố gắng khai thác.
Chúng đơn giản xoay quanh những nỗi ám ảnh mà các cá nhân yếu bóng vía hay là nhạy cảm thường cảm nhận được. Chẳng hạn như trong truyện Hắn?, một người đàn ông vì bị ám ảnh bởi một bóng ma trong căn phòng của mình mà đã cưới lấy một người vợ mới, hay ở Nỗi sợ, chỉ vì trên tuyến tàu lửa khi nhìn thấy có 2 người đàn ông xuất hiện trong khu rừng vắng, mà nhân vật chính bỗng dưng cảm thấy trong mình trỗi dậy nỗi sợ chỉ vì không thể lý giải được động cơ của câu chuyện ấy…
Đây đều là các nhân vật hoàn toàn tỉnh táo, họ nhận thức được những gì xảy ra và khó có thể nói họ có vấn đề riêng về tâm lý. Và vì tính hiện thực đó, Maupassant qua các tác phẩm cũng gửi gắm được bài học của mình. Chẳng hạn trong truyện Bàn tay bị lột da, thông qua nhân vật Pierre B. – một sinh viên trường luật, người xuất thân từ một trong những gia đình danh giá nhất xứ Normandie – ông đã cho thấy chỉ vì chính thói hư vinh cũng như trưởng giả mà y đã mạo phạm đến một phần thân thể của vị phù thủy, từ đó phải chịu cái chết có phần đau đớn.
Hay trong Nỗi sợ, Maupassant cũng khẳng định “cùng với những điều siêu nhiên, nỗi sợ hãi đích thực đã biến mất khỏi hành tinh này, bởi con người ta chỉ thực sự sợ những gì nằm ngoài tầm hiểu biết của mình”. Câu nói này như đại diện cho tất cả những gì ông muốn nhắm tới, về sự nhỏ bé và đầy mông muội của con người với những kỳ bí chưa được lý giải.
Như vậy những tác phẩm này đều được viết bởi một Maupassant khách quan, đứng ở bên ngoài, từ đó đưa ra những lời lý giải hoàn toàn hợp lý. Thế nhưng ở 2 truyện sau là Horla viết năm 1887 và Ai mà biết được? viết năm 1890, thì ta lại thấy có phần ngược lại, khi chính nhà văn dường như không thể thoát được cái bóng của bản thân mình.
Bi kịch của Maupassant
Hai truyện ngắn này có được điểm chung khi nhân vật chính đều là người đàn ông rơi vào loạn trí. Nhân vật chính này đã từng không dưới một lần thừa nhận chính mình như có đến 2 bản thể cùng nhau tồn tại. Một bên kêu gào giữ lại lý trí, trong khi phía còn lại đòi hỏi rất nhiều hành động mang tính tàn phá.
Sự chia đôi này gợi ta nhớ đến trường hợp của bác sĩ Jekyll và ông Hyde tương đối kinh điển trong tác phẩm nổi tiếng của Stevenson. Như vậy chủ đề của Maupassant đã chuyển từ những nỗi sợ tương đối hữu hình thành ra vô hình và khó lý giải, khi được bao bọc bởi những vấn đề có liên quan đến thần kinh cũng như tinh thần.
Tình tiết của những câu chuyện cũng khó nắm bắt. Ở Ai mà biết được?, đó là một người gần như điên loạn bởi sự xuất hiện và rồi biến mất của những vật dụng ngay trong nhà mình một cách liên tục. Còn ở Horla, đó là một sinh vật gần như trong suốt, thứ được nuôi sống bằng sữa và nước, luôn luôn theo dõi vật chủ mà nó bám theo, từ đó khiến họ “sống không bằng chết”.
Theo Charlotte Mandell – dịch giả của truyện ngắn này cho nhà xuất bản Melville House, thì “horla” là từ ghép của “hors” (“bên ngoài”), và “la” (“ở đó”). Vì vậy “horla” có nghĩa là “người ngoài cuộc”, “người bên ngoài”, và có thể được dịch theo nghĩa đen là “cái gì ở ngoài đó”. Thế nhưng cũng có những lý giải khác, khi nhiều người xem đây là một sự kết hợp của cụm “hors-la-loi” (tức “ngoài vòng pháp luật”) và “horsain” (có nghĩa là “thứ lạ lùng”).
Thế nhưng dù có là gì, thì Maupassant như đang cảm nhận những nỗi ám ảnh đến từ sâu hơn và khó lý giải hơn. Xét về bối cảnh của chính tác giả, thì những truyện này tương đối trùng khớp với thời kỳ mà ông có những dấu hiệu đầu tiên của chứng điên loạn, khi ông xuất hiện nhân cách kép và ngày càng gặp nhiều ảo giác do bệnh giang mai. Một năm sau đó, vào năm 1891, ông có dấu hiệu của chứng hoang tưởng.
Có thể là bởi xuất phát từ những trải nghiệm chính ông kinh qua, nên 2 truyện này trở nên chân thật và đầy ám ảnh đối với người đọc. Nếu được viết từ một người tỉnh táo, thì đây chính là tài năng của sự tưởng tượng. Nhưng với Maupassant thì đó là nỗi đau và sự sợ hãi mà bản thân ông mong muốn giải bày thông qua việc viết.
Như vậy đi từ mục đích sáng tạo ở buổi ban đầu, Maupassant dần dần chuyển sang hành động kể lại điều đã trải qua, và làm sáng tỏ chứng bệnh tâm lý mà thời kỳ đó còn bị che khuất bởi những định kiến mà những quan điểm mang tính thủ cựu. Có thể nói Horla và những truyện ngắn kháckhông chỉ mở ra cánh cửa khám phá một Maupassant rất khác, mà có thể nói cũng đã góp phần giúp ta hiểu được những gì đã từng xảy đến với một trong những nhà văn lớn của nhân loại.