Chuyện người cầm bút

Trò chuyện với Orhan Pamuk: Nghệ thuật tiểu thuyết số 187 (Phần 3)

Published

on

Orhan Pamuk sinh năm 1952 tại Istanbul, nơi ông vẫn đang sống. Gia đình ông giàu lên từ việc xây dựng đường sắt trong những ngày đầu của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ; Pamuk theo học trường Robert College, nơi con cái giới thượng lưu ưu tú của thành phố được hưởng nền giáo dục thế tục theo kiểu phương Tây. Ngay từ đầu, ông đã bộc lộ niềm đam mê với nghệ thuật thị giác, nhưng sau khi đăng ký học kiến trúc tại đại học, ông lại muốn viết. Ông hiện là tác giả được đọc nhiều nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Đọc các phần trước của cuộc phỏng vấn: Phần 1 | Phần 2

*

ÁGQ: Ông có bao giờ quan tâm đến nghị luận xã hội thông qua văn chương?

OP: Không. Tôi phản ứng lại với thế hệ tiểu thuyết gia cũ, đặc biệt là những năm tám mươi. Tôi nói điều này với tất cả sự tôn trọng, nhưng chủ đề của họ rất hạn hẹp và phiến diện.

ÁGQ: Hãy quay lại trước The Black Book. Cảm hứng nào giúp ông viết Pháo đài Trắng? Đây là quyển sách đầu tiên mà ông sử dụng một phông nền lặp lại xuyêt suốt tiểu thuyết – sự mạo danh. Ông nghĩ tại sao ý tưởng trở thành một ai đó khác xuất hiện trong tiểu thuyết của mình?

OP: Đây là chuyện rất cá nhân. Tôi có một người anh trai rất ganh đua nhau chỉ hơn tôi mười tám tháng tuổi. Theo cách nào đó, anh ấy trở thành cha – người cha theo trường phái Freud của tôi, có thể nói như vậy. Chính anh đã trở thành bản ngã biến đổi của tôi, biểu tượng của uy quyền. Mặc khác, chúng tôi cũng có sự ganh đua và tình anh em chiến hữu. Một mối quan hệ vô cùng phức tạp. Tôi viết nhiều về chuyện đó trong Istanbul. Tôi là cậu bé Thổ điển hình, giỏi bóng đá và háo hức với đủ loại trò chơi và cuộc thi. Anh ấy rất thành công ở trường, giỏi hơn tôi. Tôi cảm thấy ghen tị với anh và anh cũng ghen tị với tôi. Anh là người biết điều và có trách nhiệm, một bề trên đã nhận xét như vậy. Trong khi tôi chăm chú vào các trò chơi, anh để tâm đến các nguyên tắc. Chúng tôi ganh đua mọi lúc. Và tôi đã mơ tưởng mình trở thành anh, đại loại vậy. Điều đó tạo ra một hình mẫu. Đố kỵ, ghen tị – là những chủ đề tôi mặn nồng. Tôi luôn lo về sức nặng hoặc sự thành công của anh trai đã có thể ảnh hưởng đến mình nhiều như thế nào. Đây là một phần thiết yếu trong đời sống tinh thần của tôi. Nhận thức được điều đó, vì vậy tôi đặt ra khoảng cách giữa mình và những cảm xúc đó. Tôi biết điều đó tệ hại, vì vậy tôi có quyết tâm của một con người văn minh để chống lại nó. Song đây là dải ngân hà các đầu mút thần kinh mà tôi luôn gắng đương đầu mọi lúc. Và tất nhiên, đến cuối cùng nó trở thành đề tài trong tất cả các câu chuyện của tôi. Ví dụ trong Pháo đài Trắng, mối quan hệ gần như bạo dâm của hai nhân vật chính dựa trên mối quan hệ giữa tôi và anh mình.

Mặt khác, đề tài mạo danh này được phản chiếu qua sự mong manh mà Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy khi đối mặt với văn hóa phương Tây. Sau khi viết Pháo đài Trắng, tôi nhận ra rằng sự ghen tị đó – lo lắng về chuyện bị ảnh hưởng bởi người khác – giống với vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ khi nhìn về phía tây. Anh biết đấy, khao khát trở nên Tây hóa và sau đó bị kết án không chính chuyên. Cố tóm lấy tinh thần châu Âu rồi cảm thấy mặc cảm vì bắt chước. Tâm trạng trầm bổng thế này gợi nhớ đến mối quan hệ ganh đua giữa anh em.

ÁGQ: Ông có bao giờ tin rằng cuộc đối đầu liên tục giữa các xung lực Đông và Tây ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có lúc được giải quyết êm thấm?

OP: Tôi là người lạc quan. Thổ Nhĩ Kỳ không nên lo về việc có hai tinh thần, hai linh hồn thuộc hai nền văn hóa khác nhau. Tâm thần phân liệt làm anh thông minh. Anh có thể mất kết nối với đời thực – tôi là một tác gia hư cấu, vì vậy tôi không nghĩ điều đó tồi tệ – nhưng anh không nên lo về chứng tâm thần phân liệt của mình. Nếu anh quá lo rằng một phần của mình sẽ giết chết phần kia, anh sẽ chỉ còn một linh hồn độc nhất. Chuyện đó còn tệ hơn cả bị ốm. Đây là lý thuyết của tôi. Tôi cố truyền bá nó trong chính trị Thổ, giữa các chính trị gia Thổ, những người yêu cầu đất nước phải có một linh hồn nhất quán – rằng nó phải thuộc về phương Đông hoặc phương Tây hoặc dân tộc chủ nghĩa. Tôi chỉ trích quan điểm nhất nguyên đó.

ÁGQ: Làm thế nào để ý tưởng đó đi vào Thổ Nhĩ Kỳ?

OP: Ý tưởng về một Thổ Nhĩ Kỳ dân chủ, tự do càng được thiết lập, tư duy của tôi càng được chấp nhận. Thổ Nhĩ Kỳ có thể gia nhập Liên minh châu Âu chỉ bằng quan điểm đó thôi. Đó là con đường đấu tranh chống lại chủ nghĩa dân tộc, phản bác lại luận điệu Chúng Ta chống lại Họ.

ÁGQ: Tuy nhiên trong Istanbul, theo như cách ông lãng mạn hóa thành phố, dường như ông đang tiếc thương cho sự sụp đổ của Đế chế Ottoman.

OP: Tôi không thương tiếc Đế chế Ottoman. Tôi là người Tây hóa. Tôi vui lòng vì quá trình Tây hóa đã diễn ra. Tôi chỉ đang chỉ trích cách thức hạn chế mà giới tinh hoa đang thống trị – nghĩa là gồm cả bộ máy quan liêu và người giàu mới – quan niệm về Tây hóa. Họ thiếu sự tự tin cần thiết để tạo ra nền văn hóa dân tộc giàu biểu tượng và lễ nghi của riêng mình. Họ không cố gắng tạo ra một nền văn hóa Istanbul là sự kết hợp hữu cơ giữa Đông và Tây; họ chỉ đặt những thứ Tây phương và Đông phương lại với nhau. Dĩ nhiên, đã có một nền văn hóa Ottoman địa phương mạnh mẽ, song nó đang dần mất đi từng chút một. Những gì họ phải làm, và làm không tới chốn, là tạo ra một nền văn hóa địa phương mạnh mẽ, là sự kết hợp – không phải bắt chước – của quá khứ phương Đông và hiện tại phương Tây. Tôi cố làm điều tương tự trong sách của mình. Có lẽ các thế hệ mới sẽ làm được điều đó, và việc gia nhập Liên minh châu Âu sẽ không phá hủy bản sắc Thổ mà làm cho nó hưng thịnh và cho chúng ta nhiều tự do và tự tin hơn để tạo ra nền văn hóa Thổ mới. Bắt chước phương Tây hoặc rập khuôn nền văn hóa Ottoman cũ kĩ đã chết không phải là giải pháp. Anh buộc phải làm điều gì đó với mấy thứ này và không nên quá lo lắng về việc là một phần của chúng.

ÁGQ: Tuy vậy, trong Istanbul, dường như ông có cùng nhận định với người nước ngoài, người phương Tây khi nhìn về thành phố quê hương ông.

OP: Nhưng tôi cũng giải thích lý do tại sao một trí thức Thổ đã Tây hóa có thể đồng nhất với cái nhìn phương Tây – tạo nên Istanbul là một quá trình đồng nhất với phương Tây. Luôn có sự phân hóa đó, và anh cũng dễ dàng nhận ra sự giận dữ của phương Đông. Mọi người đôi khi là người phương Tây và đôi khi lại là người phương Đông – trên thực tế là sự kết hợp liên tục của cả hai. Tôi thích ý tưởng về Đông phương học của Edward Said, nhưng vì Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ là thuộc địa nên việc lãng mạn hóa Thổ Nhĩ Kỳ không bao giờ là vấn đề với người Thổ. Người phương Tây không hạ nhục người Thổ như cách họ lăng mạ người Ả Rập và người da đỏ. Istanbul chỉ bị xâm lược trong hai năm và tàu bè của kẻ thù đã rời đi như khi họ đến, vì vậy điều này không để lại vết sẹo sâu trong tinh thần dân tộc. Cái để lại sẹo sâu là sự sụp đổ của Đế chế Ottoman, vì vậy tôi không có cảm giác lo lắng người phương Tây coi thường mình. Mặc dù sau khi thành lập nước Cộng hòa, có đủ mối đe dọa bởi người Thổ muốn Tây hóa song không tới nơi tới chốn, chuyện đó để lại mặc cảm tự ti mà chúng tôi phải giải quyết và thảng hoặc tôi cũng có thể bị.

Mặc khác, vết sẹo không sâu như các quốc gia khác bị đô hộ trong hai trăm năm. Người Thổ không bao giờ bị đàn áp bởi các cường quốc phương Tây. Sự đàn áp người Thổ phải chịu do tự họ gây ra; chúng tôi đã xóa bỏ lịch sử của mình vì nó thực tiễn. Dựa vào đó sự đàn áp cho cảm giác mong manh. Song thứ Tây hóa tự áp đặt đó cũng mang lại sự cô lập. Người da đỏ mặt đối mặt với kẻ áp bức họ. Người Thổ bị cô lập một cách kỳ quặc với thế giới phương Tây mà họ bắt chước. Vào những năm năm mươi và thậm chí là những năm sáu mươi, khi một người nước ngoài đến ở tại Istanbul Hilton, chuyện sẽ lan trên khắp các mặt báo.

– Còn tiếp –

Đọc phần 4 của cuộc phỏng vấn tại đây

3V

Dịch từ bài viết gốc Paris Review – The Art of Fiction No. 187 (theparisreview.org)

Chuyện người cầm bút

Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi: Biến mất cũng có thể là một điều rất đẹp

Published

on

By

Nhà văn Nguyễn Hoàng Mai vừa ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi về chủ đề tình yêu và những nỗi trăn trở của người trẻ. Tác phẩm tạo nên sức hút riêng với lối văn trầm tĩnh, sâu lắng. Bookish đã có cuộc trò chuyện cùng nhà văn để giúp bạn đọc hiểu hơn về tác phẩm này.

Nguyễn Hoàng Mai là tác giả của hai tác phẩm đầy cảm xúc về tuổi trẻ: Đung đưa trên những đám mây (tiểu thuyết, 2018), Bây giờ mình đi đâu (tập truyện ngắn, 2019). Bên cạnh đó, cô còn là đồng dịch giả của tác phẩm nghiên cứu Sứ đoàn Iwakura viết về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị, vừa được Phương Nam Book phát hành trong năm 2023.

Năm 2023 vừa qua có vẻ là một năm bội thu trong lĩnh vực văn chương với Mai. Bạn vừa ra mắt tác phẩm đồng dịch thuật là Sứ đoàn Iwakura vào tháng 7 thì đến cuối năm lại ra mắt tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi vào ngày có số đôi đặc biệt là 12.12. Được biết, công việc của Mai ở Nhật cũng rất bận rộn; vậy bạn thu xếp thời gian ra sao để vẫn có thể vừa làm việc vừa sáng tác với năng lượng dồi dào như thế?

Thật ra hai tác phẩm được ra mắt vào năm nay Sứ đoàn Iwakura và tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi đều là quả muộn của quá trình viết lách từ rất nhiều năm về trước. Việc tác phẩm ra mắt vào ngày có số đôi 12.12 tuy ngẫu nhiên nhưng trở thành điểm trùng hợp khá thú vị. Trong thời gian tôi viết Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi có những cột mốc đều gắn với con gắn liền với con số 12. Sau này tìm hiểu thì tôi mới biết khái niệm về “con số thiên thần” (Angel Number) 1212 nhằm mục đích dẫn lối đến sự mạnh mẽ dấn thân, tiến tới sự trưởng thành trong tâm thức, để sau này khi đối mặt với những sóng gió kinh khủng nhất cũng không thể làm bản thân gục ngã.

Công việc và cuộc sống ở Nhật cũng khá nhanh và bận rộn nhưng tôi luôn tìm kiếm một khoảng trời riêng, để tự do viết nên thế giới qua những trải nghiệm của chính mình. Thực ra quá trình viết cũng là quá trình tôi tự đối mặt với cảm xúc của mình, tìm ra con đường hướng tới sự an lành, bình yên trong tâm trí.

Nhân vật Mimi đã biến mất trong tiểu thuyết Đung đưa trên những đám mây, và trong tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi vừa ra mắt của bạn cũng có rất nhiều nhân vật biến mất. Tại sao Mai không cho họ hiện hữu lâu hơn?

Thời gian viết tập truyện, tôi đã gặp một cô gái – có thể gọi là nàng thơ cũng được – người lúc nào cũng nói về sự biến mất của chính mình. Điều đó làm tôi suy nghĩ, ngẫu nhiên cũng đã chạm vào những điều trong tâm tư của chính tôi. Một người lúc nào cũng suy nghĩ sự biến mất có lẽ luôn luôn chiêm nghiệm về sự tồn tại của mình. Có lẽ họ là những người mà đã nếm trải quá nhiều về sự vô thường trong kiếp người, và cảm giác mất mát lần lượt những thứ quan trọng trong đời.

Nhân vật người mẫu Mộc Anh mang nhiều mâu thuẫn, vừa dự cảm được vừa rất sợ sự biến mất. Nhân vật tôi đã cho cô ấy thấy biến mất cũng có thể rất đẹp, không cần phải quá sợ hãi, vì cô ấy luôn có người một người hiểu mình ở bên cạnh. Biến mất cũng có thể hiểu về cách hình dung đến cái chết. Hành trình sống của mỗi người là hành trình đi về cái chết. Nghe có vẻ bi quan nhưng có lẽ, ai cũng phải đối mặt với cái chết – sự thật này – dù sớm hay muộn. Suy nghĩ về thời gian sống còn lại, giúp người ta có thể sống một cách đam mê, dũng cảm, chân thành hơn.

Vì biết chắc một ngày nào đó, mình sẽ biến mất nên có thể sống một cách rực rỡ. Mộc Anh là một nhân vật luôn phải đấu tranh giữa những cám dỗ cuộc sống phồn hoa, nhưng một ngày cô ấy đã thức tỉnh tìm đến Tokyo – vùng đất mà cô tin mình có thể được chữa lành. Thời khắc những cánh hoa anh đào rơi trở thành điều kỳ diệu, một khoảnh khắc cũng có thể trở nên vĩnh hằng trong tâm trí những người trẻ mơ mộng ấy.

Những truyện ngắn trong Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi lấy bối cảnh trải dài khắp các tỉnh thành ở nước Nhật. Bạn đã thực sự đi qua hết những địa điểm đề cập trong sách hay có nơi nào bạn chưa kịp đến và chỉ viết dựa trên sự hứng thú, nghiên cứu về nơi đó không? Trong các địa danh được đề cập trong sách, đâu là những nơi để lại cho Mai nhiều ấn tượng và kỉ niệm sâu sắc nhất?

Nhật Bản là quốc đảo có hình thể trải dài từ Bắc xuống Nam, gần giống như dáng hình của đất nước Việt Nam mình. Mỗi tỉnh thành của xứ sở này lại có những đặc sản riêng, màu sắc thiên nhiên, văn hóa lễ hội riêng biệt. Mỗi tỉnh thành như một nét vẽ, mảng màu kỳ diệu, hài hòa trong bức tranh tổng thể. Khi viết Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi, tôi đã có một chút tham vọng, muốn độc giả chỉ qua những trang sách, những con chữ, vẫn có thể cảm nhận bằng giác quan, hình dung nên những câu chuyện, cảnh sắc, trải nghiệm về những nơi chốn tôi từng đặt chân đến.

Trong những tỉnh thành đó, để lại ấn tượng sâu đậm nhất có lẽ là Tokyo và Kyoto, hai thành phố có vẻ đối lập như những tấm gương phản chiếu cho nhau về lịch sử, văn hóa, phong cảnh, tính cách con người. Nơi chứa đựng nhiều kỷ niệm mang màu sắc cá nhân nhất là Tokyo sôi động, nhiệt huyết, nơi tôi đã trải qua hơn 7 năm tuổi trẻ của chính mình. Nơi lưu giữ một phần trái tim, tâm hồn tôi lại là Kyoto trầm mặc, có khả năng thấm sâu vào lòng người như hơi rượu sake ngày mưa, như những trang sách tuyệt đẹp trong tiểu thuyết Cố Đô của Kawabata Yasunari.

Ở tập truyện ngắn lần này, Mai thể hiện sự trưởng thành khá rõ trong lối viết ở cách chọn bối cảnh và những nghiên cứu kĩ lưỡng về nghề nghiệp của nhân vật được thể hiện qua các chi tiết trong truyện. Bên cạnh đó, Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi còn có sự đa dạng về sắc thái tình yêu và những xu hướng tính dục khác nhau, không chỉ đơn thuần là tình yêu giữa hai người khác giới như nhiều tác phẩm khác trên thị trường hiện nay. Tại sao bạn lại có sự lựa chọn này?

Thông qua chủ đề khá nhạy cảm của giới trẻ là tình dục và giới tính, tôi đã muốn khắc họa sâu hơn gương mặt muôn vẻ của Tình yêu và Thanh Xuân Tuổi trẻ những ngọt ngào, mới mẻ, mơ mộng, đầy khát khao khám phá thế giới.

Về tình yêu, tôi đã luôn hiểu đó là khái niệm diệu kỳ bắt nguồn từ bên trong vẫn luôn ở đấy, nguồn sống bao trùm, tràn ngập thế giới này. Tình yêu luôn thuần khiết, mang năng lượng chữa lành vượt qua những ranh giới như: giới tính, vật chất, tuổi tác, khoảng cách địa lý v.v... Tôi đã nghĩ như vậy, muốn đem thông điệp đó vào tác phẩm của mình. Chúng ta luôn có vô vàn tình yêu trong trái tim mình. Chúng ta có bản năng yêu thương, có thể cho đi tình yêu vô điều kiện miễn là trước tiên chúng ta biết chấp nhận và yêu thương bản thân vô điều kiện. Sau khi trải qua những tháng năm tuổi trẻ ở cả Việt Nam và xứ sở Mặt Trời Mọc, tôi đã suy nghĩ, chiêm nghiệm như vậy.

Sau tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi, trong năm 2024, Mai có ấp ủ những dự định sáng tác mới nào không?

Giai đoạn này, tôi vẫn đang dành thời gian lắng đọng, trau chuốt lại bản thảo tiểu thuyết viết từ năm 21 tuổi. Cùng với đó là dự án kết hợp cùng một ca sĩ nhạc sĩ Gen Z viết cuốn sách về âm nhạc đường phố với bối cảnh là những khu ổ chuột Sài Gòn, một câu chuyện rất thật, khắc họa những nhân vật trẻ, cá tính, nhiều vấp ngã nhưng luôn biết cách đứng lên đầy mạnh mẽ. Với tập truyện này tôi muốn thể nghiệm một chút thay đổi trong phong cách viết, gai góc, hài hước, gần gũi hơn nhưng nếu có thể chạm sâu vào trái tim những người trẻ, gieo trong họ một câu chuyện truyền cảm hứng về sự nỗ lực không ngừng nghỉ, rằng đừng bao giờ ngừng tin tưởng vào bản thân, đừng bao giờ dập tắt ngọn lửa đam mê khi còn trẻ.

Tận sâu trong tôi vẫn còn nhiều nguồn cảm hứng sáng tác, muốn viết thêm về Tokyo, kể những câu chuyện theo những cách khác nhau, nhưng có lẽ theo một tâm thế tỉnh thức hơn.

Cảm ơn Mai đã dành thời gian trò chuyện với Bookish, chúc bạn có một hành trình thật rực rỡ trong năm mới.

Đọc bài viết

Chuyện người cầm bút

Hạ Nhiên: Dịch “Trái tim thông tuệ” đã truyền cho tôi nhiều cảm hứng sống

Published

on

Trái tim thông tuệ (do Phương Nam Book phát hành) của tác giả Jack Kornfield là một tác phẩm đặc sắc khi ứng dụng tâm lý học Phật giáo để hướng dẫn người đọc cách tự chữa lành. Được nhiều bạn đọc đón nhận, tác phẩm đã tái bản lần thứ nhất vào năm 2023.

Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về Trái tim thông tuệ, Bookish đã có cuộc phỏng vấn với dịch giả Hạ Nhiên về quá trình chuyển ngữ tác phẩm này.

Trái tim thông tuệ là góc nhìn của Jack Kornfiled – một tác giả phương Tây nổi tiếng – về tâm lý học Phật giáo của phương Đông. Có quan điểm nào của tác giả khiến bạn thấy thú vị vì đó là góc nhìn của người phương Tây về phương Đông không?

Thực ra, cuốn sách là sự kết hợp góc nhìn của cả Đông lẫn Tây. Jack Kornfield là tiến sĩ chuyên ngành tâm lý học và phương pháp trị liệu phương Tây. Đồng thời, nhiều năm tu tập ở các tu viện châu Á đã giúp ông thấm nhuần những giáo lý Phật giáo căn bản và thu về những trải nghiệm tâm linh quý giá. Ông cố gắng giải thích những kinh điển nhà Phật cho người dân phương Tây bằng cách thức gần gũi, dễ hiểu; dùng những quan điểm và thực hành Phật giáo này để khắc phục hạn chế của tâm lý học lâm sàng vốn tập trung vào bệnh lý và chữa trị bằng thuốc men, giúp chúng ta nhìn xuyên qua lớp vỏ tối tăm bên ngoài của những triệu chứng và tìm về bản chất thiêng liêng, cao đẹp của mình, bằng cách nâng cao hiểu biết, thực hành và rèn luyện nội tâm. Sự kết hợp ấy không chỉ giải quyết nhu cầu giúp người gặp khó khăn tâm lý trở lại bình thường, mà còn hơn cả thế, giúp họ thấu hiểu và nuôi dưỡng tiềm năng phát triển cao nhất của mình và góp phần thay đổi cuộc sống xung quanh.

Hạ Nhiên

Phân đoạn nào khiến bạn tâm đắc nhất khi dịch Trái tim thông tuệ? Bạn có thể chia sẻ lí do tại sao bạn thích phân đoạn đó không?

Có một câu trong sách mình rất thích và từng in ra dán ở bàn làm việc một thời gian dài. Đó là câu Ta thấy ngươi, Mara (nguyên văn: I see you, Mara). Ở đầu chương 14, tác giả kể lại quá trình học cách thấu hiểu, làm lành với nỗi sợ hãi và cơn giận của mình, những nỗi đau đã tích tụ trong ông suốt thời thơ ấu sống với người cha bạo hành. Từ trải nghiệm cá nhân sâu sắc ấy, ông viết:

“Tôi khám phá ra rằng tất cả chúng ta đều có bên trong mình một ngài thẩm phán và bồi thẩm đoàn nội tâm, Bức Màn Sắt và cảnh sát. Bên trong chúng ta cũng có Taliban và những chốn lưu vong. Đôi khi tôi cảm thấy mình như Đức Phật ngồi dưới gốc cây bồ đề, khi Ngài đối mặt với ma quỷ bên trong chính mình trong hình dạng của Mara.”

Tiếp đó, Jack Kornfield kể lại tích Đức Phật chiến thắng Mara trước khi thành đạo. Để ngăn cản Đức Phật thực hiện mục tiêu này, Mara đã lần lượt mang đến các thử thách cho Ngài, từ những người phụ nữ xinh đẹp nhất đến đội quân ma quỷ hung tợn. Mỗi lần như thế, Đức Phật chỉ ngồi im bất động, an trú trong tình yêu thương và lòng từ bi sâu sắc. Ngài nói “Ta thấy ngươi, Mara”, và mọi gươm đao biến thành cánh hoa rơi rụng dưới chân Ngài.

“Cuối cùng, Mara tấn công Đức Phật bằng sự nghi ngờ: ‘Ngươi nghĩ ngươi là ai? Ngươi có quyền gì để ngồi đây và tìm về giác ngộ?’. Lúc này, Đức Phật đặt một tay lên mặt đất và nói, ‘Đất là chứng nhân của ta’. Và với cử chỉ này của Ngài, nữ thần đất đã xuất hiện và làm chứng cho sự kiên nhẫn, cống hiến, tính trung thực, lòng từ bi, sự rộng lượng và trí huệ mà Đức Phật đã chuẩn bị nhiều đời kiếp để giác ngộ vào đêm nay. Từ mái tóc của nàng tuôn ra cơn lũ lụt cuốn trôi đi quân đội của Mara.”

Khi dịch nội dung này mình đã rất xúc động, đồng cảm và được truyền cảm hứng. Mình nhìn thấy bản thân trong đó, từng yếu ớt, bối rối trong sợ hãi và buồn giận, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn một năng lực vô cùng mạnh mẽ – quyền tự do lựa chọn để vượt lên ngoại cảnh và đạt được bình yên trong tâm hồn.   

Hạ Nhiên

Trong quá trình dịch tác phẩm Trái tim thông tuệ, bạn có gặp phải khó khăn nào khi chuyển ngữ không? Bạn đã vượt qua bằng cách nào?

Vào thời điểm đó, Trái tim thông tuệ là cuốn sách nặng ký với mình, vì sách dày và đề tài tâm linh xa lạ đối với một người trẻ. Do đó, mình đã gặp không ít khó khăn trong việc tra cứu, diễn đạt và theo dõi xuyên suốt cả tác phẩm để đảm bảo tính thống nhất. Mình đã làm việc tập trung, nhiều giờ liền mỗi ngày. May mắn sao, nội dung sách lôi cuốn khiến mình quên đi mệt mỏi. Một điều đặc biệt nữa là mình đã thực hành rất nhiều bài tập trong sách. Việc này giúp mình hiểu sâu hơn tinh thần, thông điệp mà tác giả gửi gắm, cũng như tự kiểm chứng hiệu quả của các bài thực hành. Nó thật sự có hiệu quả đối với mình.

Mỗi người sẽ có một định nghĩa khác nhau về “trái tim thông tuệ”. Định nghĩa về “trái tim thông tuệ” của bạn là như thế nào? Định nghĩa đó có thay đổi gì so với trước và sau khi bạn dịch xong Trái tim thông tuệ không?

Trước khi dịch Trái tim thông tuệ, dù chưa có một khái niệm cụ thể nào, mình vẫn luôn cảm nhận được tiếng nói của trái tim. Trái tim là người bạn tốt, cổ động viên nhiệt thành và người tư vấn thông thái cho mình khi cần. Cuốn sách đã giúp mình củng cố cảm nhận này và đúc kết được rằng, trái tim thông tuệ là một trái tim hiền hòa, sáng tỏ về bản thân, cuộc sống và tràn đầy yêu thương. Mang trong mình một trái tim thông tuệ không có nghĩa là bạn yếu đuối, mà ngược lại, vô cùng mạnh mẽ, cởi mở và tự do. 

Khi biết tin Trái tim thông tuệ được tái bản, bạn có những suy nghĩ và cảm xúc như thế nào?

Mình rất hạnh phúc, biết ơn bạn đọc đã yêu quý tác phẩm. Đồng thời, mình cũng cảm ơn đội ngũ Phương Nam đã nỗ lực để cuốn sách tiếp tục được lưu hành. Trái tim thông tuệ đã giúp ích cho mình rất nhiều, và mình mong rằng nó cũng sẽ mang lại lợi lạc cho những ai đang cần đến.  

Thời gian tới, Hạ Nhiên có dự định tiếp tục dịch sách không? Bạn có thể chia sẻ những dự định sắp tới của mình trên con đường dịch thuật không?

Dịch thuật là một công việc ý nghĩa, đòi hỏi cả tâm lẫn tầm. Mình muốn dành thời gian để đọc và trau dồi nhiều hơn, để có thể mang lại những bản dịch giá trị cho mọi người trong tương lai.

Cảm ơn Hạ Nhiên vì đã dành thời gian cho một cuộc chia sẻ sâu với Bookish. Chúc bạn luôn có thật nhiều sức khỏe, thành công, hạnh phúc trên con đường tương lai.

Đọc bài viết

Chuyện người cầm bút

Nguyễn Hoàng Mai: “Sứ đoàn Iwakura” là duyên lành của tôi với Phương Nam Book

Khi dịch sách, tôi đã học hỏi được nhiều về sự dẫn dắt, sắp xếp bố cục logic của Ian Nish – một chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử người Anh – người đã dành phần lớn cuộc đời mình để cống hiến cho việc nghiên cứu lịch sử quan hệ ngoại giao của Nhật Bản.

Published

on

By

Sứ đoàn Iwakura là tác phẩm nghiên cứu về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị dưới góc nhìn của người phương Tây. Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về Sứ đoàn Iwakura, Bookish đã có cuộc phỏng vấn với nhà văn Nguyễn Hoàng Mai – đồng dịch giả của quyển sách.  

Nguyễn Hoàng Mai là tác giả của hai tác phẩm đầy cảm xúc về tuổi trẻ: Đung đưa trên những đám mây (tiểu thuyết, 2018), Bây giờ mình đi đâu (tập truyện ngắn, 2019). Hiện nay, cô đang sinh sống và làm việc tại Tokyo. Tuy đã xa Việt Nam nhiều năm, Hoàng Mai vẫn đọc và thường xuyên theo dõi tình hình văn chương nước nhà. Sứ đoàn Iwakura là tác phẩm dịch thuật đầu tiên của Nguyễn Hoàng Mai được Phương Nam Book xuất bản.

Những tác phẩm văn học của Nguyễn Hoàng Mai thường có chủ đề tập trung vào nỗi cô đơn, tình yêu, suy tư về cuộc đời của người trẻ; vậy nguyên nhân nào khiến bạn quyết định dịch tác phẩm Sứ đoàn Iwakura do học giả Ian Nish biên soạn – đặc biệt là khi tác phẩm sử học này lại có sự khác biệt khá xa với chủ đề bạn thường sáng tác trong văn học?

Năm 2018, tôi vẫn là nghiên cứu sinh thuộc trường Đại học Soka (Soka University, Tokyo, Nhật Bản) khi đó vừa hoàn thành xong tập truyện mới, đang trong giai đoạn “giải lao”. Thời điểm ấy, tôi đã may mắn được một biên tập viên của Phương Nam Book mời tham gia dịch thử những cuốn sách sẽ ra mắt trong đợt kỷ niệm Minh Trị Duy Tân 150 năm.

Trong những cuốn sách tôi được giới thiệu, có tác phẩm Sứ đoàn Iwakura do học giả Ian Nish biên soạn. Thật trùng hợp, tôi cũng đang nghiên cứu về văn học thời kỳ Minh Trị, có tìm hiểu về Sứ đoàn Iwakura. Về chuyến đi lịch sử này, vốn được xem như dấu mốc quan trọng trong công cuộc Duy Tân Minh Trị, thường được ví như chuyến du hành của Columbus hay “Tây du ký” thời hiện đại để tìm hiểu, quan sát thế giới mới. Những nhà tri thức tiêu biểu thời Minh Trị đã vượt biển ra đi với sứ mệnh vẽ nên Nhật Bản, cùng vận mệnh Châu Á tương lai. Sau khi tìm hiểu, tham khảo ý kiến từ các giáo sư ở trường đang học, tôi càng chắc hơn về những giá trị đặc biệt cuốn sách sẽ mang lại cho độc giả Việt Nam.

Là một người viết trẻ, tôi vẫn đi trên con đường sáng tác tiểu thuyết, truyện ngắn hư cấu riêng. Nhưng thời điểm ấy, với những lý do như vậy, tôi đã cố gắng để không bỏ lỡ “duyên lành” được góp phần chuyển ngữ cuốn sách đặc biệt như thế.

Hoàng Mai dịch Sứ đoàn Iwakura từ tiếng Anh hay tiếng Nhật? Mai có thể chia sẻ một chút về quá trình dịch và hoàn thành cuốn sách để độc giả hiểu hơn được không?

Sứ đoàn Iwakura dịch từ nguyên tác tiếng Anh The Iwakura Mission in America & Europe: A New Assessment của học giả người Anh Ian Nish, với đóng góp của các học giả khác. Tôi cùng Nguyên Tâm chuyển ngữ từ tiếng Anh, đồng thời tham khảo các nguồn tài liệu từ tiếng Nhật. Trong quá trình dịch, đôi lúc tôi gặp khó khăn, thiếu tự tin, bởi những từ ngữ mang tính học thuật, khi đó tôi đã cố gắng đối chiếu giữa cả bản tiếng Anh lẫn tiếng Nhật, tham khảo thêm lời giải đáp từ những giáo sư trong trường, cũng như tham khảo thêm tài liệu từ những nguồn khác để tìm được cách dịch phù hợp. Tôi và đồng dịch giả đã trao đổi, thống nhất những thuật ngữ, để bảo đảm nội dung cuốn sách được mạch lạc.

Vì dịch covid, việc ra mắt sách chậm đến 3 năm nhưng cũng vừa hay đúng vào dịp Nhật Bản –  Việt Nam kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 150 năm chuyến đi của Sứ đoàn Iwakura. Trộm nghĩ, cũng giống như cái duyên, cái kết đẹp cho quá trình cố gắng nỗ lực của nhiều người tâm huyết với lịch sử thời Minh Trị vậy. Qua đây tôi cũng cảm ơn các biên tập viên giàu kinh nghiệm của Phương Nam Book, đặc biệt là anh Huỳnh Duy Lộc, đã góp phần đưa cuốn sách đến tay bạn đọc một cách chỉn chu nhất.

Sau khi dịch Sứ đoàn Iwakura, với những hiểu biết cặn kẽ hơn về thời Minh Trị, Mai có hứng thú sáng tác thể loại văn học dã sử nói chung, cũng như về thời Minh Trị nói riêng không?

Tôi thích lịch sử Nhật Bản cũng như lịch sử Việt Nam, thế giới nói chung. Nghiên cứu về lịch sử là tìm về những bài học, những giá trị phục vụ cho hiện tại, vẽ nên tương lai.

Lịch sử nước Nhật nói chung và lịch sử thời Minh Trị nói riêng còn nhiều điều để lật lại, để khai thác. Lịch sử Việt Nam cũng có những câu chuyện rất hay. Từ nhỏ, tôi đã thích những câu chuyện dã sử có đan xen những yếu tố huyền ảo, không chỉ về tình yêu mà còn mang lại ý nghĩa thời đại sâu sắc. Sau khi dịch cuốn Sứ đoàn Iwakura, tôi vẫn suy nghĩ, tìm hiểu về đề tài ấy.

Sứ đoàn Iwakura là tác phẩm đầu tiên mà Mai thực hiện công việc chuyển ngữ sau một thời gian dài sáng tác văn học. Từ việc dịch, bạn có suy tư gì về việc viết trong quá trình làm việc với tác phẩm này không? 

Tôi nghĩ, sáng tác văn học là một công việc cô đơn, cần sự đào sâu vào bản ngã, thế giới của chính mình, còn làm một dịch giả thì không thể thỏa mãn bản ngã của người dịch mà cần sự chuẩn xác, tính cẩn trọng cao. Tuy nhiên, viết văn, dịch sách lại gặp nhau ở điểm chung: cần sự uyển chuyển trong câu từ tiếng Việt. Để có được điều này, dịch giả phải không ngừng học hỏi, bổ sung vốn từ vựng, trong quá trình chuyển ngữ phải lựa chọn được những từ ngữ sao cho phù hợp nhất.

Khi dịch sách, tôi đã học hỏi được nhiều về sự dẫn dắt, sắp xếp bố cục logic của Ian Nish – một chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử người Anh – người đã dành phần lớn cuộc đời mình để cống hiến cho việc nghiên cứu lịch sử quan hệ ngoại giao của Nhật Bản.

Thời gian tới, Mai có dự định tiếp tục dịch sách không? Mai có thể chia sẻ những dự định sắp tới của mình trên con đường viết lách?

Sau khi thử sức với đề tài nghiên cứu lịch sử, thì tiếp theo tôi mong muốn được dịch những cuốn sách thể loại sở trường của mình là: tiểu thuyết, truyện ngắn, mong được giới thiệu những tác phẩm đoạt giải thưởng uy tín của văn học Nhật như giải Akutagawa, Naoki… đến với độc giả.

Tôi cũng đang trong quá trình tự trau dồi vốn ngoại ngữ, tiếp thu nhiều nguồn tác phẩm, tư liệu văn học nước ngoài để có thể viết những cuốn sách hay nhất trong khả năng mình. Hiện tại tôi đang viết một cuốn sách với chủ đề âm nhạc đường phố cùng với một người bạn thuộc thế hệ Gen Z cũng là ca sĩ nhạc sĩ, và một cuốn sách về chữa lành tâm trí. Hy vọng những dự án này sẽ hoàn thành tốt đẹp, có duyên được ra mắt bạn đọc trong thời gian tới.

Cảm ơn Mai đã dành thời gian trò chuyện với Bookish, chúc bạn sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai.

Đọc bài viết

Cafe sáng