Năm năm trước, công ty xét nghiệm máu Theranos đã hóa rồng trong mắt các nhà đầu tư nhờ một bài báo có tiêu đề chơi chữ – “Bloody Amazing”1– trên tạp chí Fortune. Năm 2019, Theranos chỉ còn là hơi tàn ngày cũ, một bóng ma có giá trị duy nhất là trở thành điển tích để giới đầu tư cảnh giác và toàn bộ phần còn lại của thế giới chế nhạo. Nhìn lại một cách khách quan, không phải ăn may mà Theranos làm nên chuyện. Những chiến thuật lắt léo của người sáng lập và nhà lãnh đạo công ty – Elizabeth Holmes – đã vượt qua những trò lừa gạt thông thường: đằng sau sự vút bay và chìm xuồng chóng vánh của Theranos là một hệ thống gian lận tinh vi, nhưng cốt lõi của nó là thứ mà tôi tạm gọi là cú lừa nhân cách. Theranos từng là một công ty “kỳ lân” có định giá ngất ngưởng, và Elizabeth cũng được đối xử trịnh trọng như nữ hoàng trên một bàn tiệc quản trị đầy những bố già trong lĩnh vực chính trị, kinh tế và quân sự. Vâng, hội đồng giám đốc của cô chẳng có ai chuyên về nghiên cứu khoa học đâu.
Hiển nhiên đó nên là dấu hiệu cảnh báo sớm đến các nhà đầu tư và công chúng mới phải. Nhưng cô vẫn là thiên tài của Thung lũng Silicon, cho đến khi John Carreyrou – nhà báo hai lần nhận giải thưởng Pulitzer danh giá – xuất hiện, như một con cá mập đánh hơi thấy mùi máu (bẩn) trong nước và lần lượt vạch trần bộ mặt thật của Elizabeth và Theranos. Thật khôn khéo, nhát đao khai tử Theranos cũng mang cái tên máu me chẳng kém, đồng thời cũng là cú ghi bàn để đời trong sự nghiệp lẫy lừng của John. Cú ghi bàn ấy chính là Bad Blood (Máu bẩn).
Truyền thuyết về con rồng
(hay là con kỳ lân) rỗng ruột
Lần đầu tiên tôi biết đến cái tên Elizabeth Holmes là vào khoảng năm 2014. Elizabeth xuất hiện trên Business Insider, trong một bài báo tiêu đề tôi chẳng nhớ rõ, nhưng phần trực quan thì ấn tượng hơn hẳn: một cô gái trong trang phục đen từ đầu đến chân, đôi mắt xanh lơ to tròn (rất, rất tròn) nhìn chằm chằm vào ống kính máy ảnh (và tôi). Nội dung bài báo tôi cũng không còn nhớ chi tiết, nhưng đại khái là bức chân dung về một người phụ nữ trẻ đã phát minh ra công nghệ xét nghiệm máu tân tiến, hứa hẹn tạo nên bước đột phá thần kỳ trong lĩnh vực công nghệ và y tế: chỉ với một giọt máu chích trên đầu ngón tay (thay vì lấy một ống máu từ ven tĩnh mạch), chiếc máy kích cỡ nhỏ như lò nướng của cô có khả năng thực hiện tất tần tật mọi loại phân tích và xét nghiệm chỉ trong một thời gian ngắn. Quan trọng hơn, cô là phụ nữ. Một người phụ nữ thành đạt, nghiêm cẩn và đang vẽ ra một chương mới trong ngành công nghiệp vốn thống trị bởi đàn ông.
Thời
điểm ấy, Elizabeth Holmes đã để lại trong tôi một ấn tượng khá sâu sắc (bằng chứng
là năm năm sau tôi vẫn nhớ về cô). Tuy nhiên, không giống nhiều người (đa số là
nữ) sẽ mang cô ra làm hình mẫu phấn đấu, tôi không dành nhiều thời gian để tìm
hiểu thêm. Nhưng cảm giác của tôi lúc ấy là thứ hỗn hợp pha trộn giữa hoài nghi
và hy vọng. Tôi nhận ra những bài báo viết về cô thiếu những dẫn chứng khoa học
đến khó tin, nhưng nói theo cách nào đó, đây cũng là điều hiển nhiên: với những
công ty như Theranos, bí mật công nghệ là sống còn. Nền tảng học thuật của cô
cũng không vững vàng để thuyết phục cái phần nghi kị trong tôi, nhưng biết đâu
cô là thiên tài (ha!), và cô có một bộ sậu nhà khoa học và nghiên cứu viên giúp
hiện thực hóa tầm nhìn của cô. Dù gì Steve Jobs cũng đâu phải là kỹ thuật viên!
Quên
bẵng đi câu chuyện đó, lần tiếp theo Elizabeth để lại ấn tượng trong tôi là khi
cô và công ty Theranos bị phanh phui lừa đảo trong khâu kiểm định chất lượng,
gian lận tài chính và vô số những cáo buộc khác (từ dân sự đến hình sự).
Máu bẩn của John Carreyrou là cuốn sách lý giải
những tác động đến hành trình chuyển mình của Elizabeth, từ một thần đồng tại
Thung lũng Silicon đến một tội nhân bị vô số người mỉa mai và giễu cợt trên
Internet. Sử dụng cấu trúc không-thời gian tương đối lộn xộn, Máu bẩn lại truyền tải một thứ ý tưởng
vô cùng liền mạch và dễ hiểu: câu chuyện một dũng sĩ (hoặc nhiều dũng sĩ) tiêu
diệt con rồng độc ác, đáng sợ và rỗng ruột. Mở đầu với một “vụ án”: giám đốc
tài chính của Theranos, Henry Mosley, người vốn rất tin tưởng và nể phục Elizabeth,
sau khi phát hiện những lỗ hổng tài chính và nghi kỵ về đạo đức làm việc, đã cố
gắng cảnh tỉnh cô. Những tưởng lời khuyên răn của Mosley sẽ có tác dụng, nhưng
không, màn can thiệp (không được chào đón) của ông rước lấy kết cục là ông lập
tức bị đá khỏi chức vụ giám đốc tài chính. Sau đó, vị trí của ông cũng không được
thay thế. Theranos hoạt động trong mười năm sau đó mà không hề có CFO2.
Việc
Mosley bị sa thải không hề là ngoại lệ trong công ty này. Trái lại nó là thông
lệ, là một cái mụn nhọt cảnh báo vô số những khối u tiềm tàng ẩn mình trong
công ty. Phó Chủ tịch Điều hành của Theranos, Ramesh “Sunny” Balwani, là một
người đàn ông trạc 40 tuổi, gốc Ấn Độ. Nếu bạn hỏi đa phần các cựu nhân viên
thì sở dĩ ông ta bò lên được cái chức này là vì… ông ta là bồ của Elizabeth. Với
chế độ gia đình trị mà điển hình là sự hiện diện sừng sững của Sunny, một kẻ
thiếu kiến thức, thiếu năng lực, thái độ kiêu căng và miệt thị nhưng lại nắm trong
tay quyền hành quan trọng thứ hai trong công ty, văn hóa doanh nghiệp của
Theranos dựa trên việc theo dõi, gây áp lực và khủng bố nhân viên nếu cần thiết;
ban lãnh đạo giấu nhẹm thông tin; những người có đầu óc và chính kiến bị chèn
ép trong khi những kẻ thiếu kinh nghiệm và giỏi xu nịnh lại trèo lên được vị
trí cấp cao.
Nhưng
môi trường làm việc chỉ là một rắc rối “sương sương” của Theranos. Gót chân Asin
của nó cũng chính là thứ mà công ty này huênh hoang phô diễn trên các tạp chí
báo đài có tiếng có miếng: công nghệ. Theranos biến thành một chú kỳ lân tại
Hoa Kỳ là do lời tuyên bố chắc nịch của Elizabeth: cô có thể cách mạng hóa
ngành xét nghiệm máu bằng cách dùng chỉ một giọt máu chích trên đầu ngón tay để
xét nghiệm đủ mọi loại bệnh trên đời. Đáng ngạc nhiên hơn, những xét nghiệm này
được tiến hành bằng một chiếc máy nho nhỏ có thể đặt tại nhà, với quy trình dễ
dàng thực hiện bởi bất kỳ ai và cho kết quả chỉ sau một thời gian ngắn. Tưởng
tượng mà xem, với những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, những người hàng ngày phải
thực hiện vô số cuộc chích máu như tra tấn (mỗi lần lấy cả ống máu và chờ lâu lắc),
nếu công nghệ này có thật, Theranos sẽ trở thành cứu tinh. Đồng thời, nó sẽ
phát triển thành thế lực không thể coi thường trong rất nhiều ngành nghề: bán lẻ
(với hệ thống phân phối khắp quốc gia, những chuỗi bán lẻ sẽ giúp công nghệ
Theranos dễ dàng tiếp cận với khách hàng trên diện rộng), quân đội (thay vì phải
bưng nguyên một phòng thí nghiệm lên chiến trường để xét nghiệm xem các binh sĩ
có nhiễm bệnh tật gì không), và dĩ nhiên, y tế.
Vấn
đề là, công nghệ này không có thật.
Trong bốn năm học đại học, tôi từng tham gia và theo dõi khá nhiều các cuộc thi khởi nghiệp. Có một bi kịch thường thấy là, giữa ý tưởng sơ khai và quá trình hiện thực hóa tồn tại mâu thuẫn rất lớn. Ý tưởng quá tầm thường, bạn sẽ không được ban giám khảo (hoặc nhà đầu tư) chú ý đến. Ý tưởng quá trên trời, quá trình hiện thực hóa của bạn sẽ là một cơn ác mộng, và thường dự án ra đời sẽ chứa đầy những lỗ hổng chỉ chực chờ ban giám khảo đâm chọt và bạn phải dùng đến tài chém gió của mình để khỏa lấp những khiếm khuyết ấy. Một chiêu mà tôi từng, e hèm, áp dụng trong phần vấn đáp là, khi người am hiểu rõ nhất về dự án đã tắc tị trước những cú đâm chọt lắt léo của ban giám khảo, thì người mồm mép nhất sẽ lên sàn để dẫn câu chuyện về một cái kết êm xuôi và đằm thắm hơn, để ban giám khảo quên phứt mấy cái lỗ chướng mắt ấy.
Đó
chính là chiến lược mà Elizabeth Holmes và Theranos đã áp dụng khi bất cứ ai bày
tỏ sự quan ngại về các lỗ hổng công nghệ. Tôi sẽ không mô tả cụ thể về công nghệ
xét nghiệm tại Theranos (spoiler!) nhưng dễ đoán thôi, nó là một thảm họa. Chuyện
kinh dị là mức độ thảm họa của nó. Hai
đời máy phân tích đều không đáp ứng được những lời hứa hẹn của Elizabeth. Trục
trặc ở khắp mọi khâu: việc dùng chỉ một
giọt máu chích từ đầu ngón tay để phục vụ cho tất cả các loại xét nghiệm là
không tưởng. Những chiêu thức lừa đảo liên tục được áp dụng để khỏa lấp những
trục trặc trong quá trình vận hành. Có lẽ cái duy nhất mà nó tạo ra ấn tượng tốt
đẹp là cái vỏ (Elizabeth là fan cuồng
nhiệt của Steve Jobs; cô luôn muốn các thiết kế sản phẩm của mình phải có diện
mạo thời thượng như của Apple). Và tương tự, đứng trước sự chất vấn và nghi hoặc
ít nhiều của đối tác và chính phủ, thứ duy nhất có giá trị, cũng là thứ cứu sống
cả Theranos (với đầy rẫy những lỗ hổng cùng tốc độ thay đổi nhân sự khó tin, ám
chỉ một môi trường làm việc thiếu lành mạnh) có lẽ chính là cái vỏ Elizabeth.
*
“…đưa Elizabeth trở
thành gương mặt đại diện cho Theranos là bước đi hoàn toàn hợp lý. Cô là công cụ
marketing đắc lực nhất cho công ty.”
Đó
là câu nói của Patrick O’Neill, cựu giám đốc sáng tạo của hãng quảng cáo sừng sỏ
TBWA\Chiat\Day (và sau này đầu quân trở thành giám đốc sáng tạo của Theranos). Tôi
nghĩ Patrick có chút nói giảm nói tránh. Elizabeth chính là công cụ đắc lực nhất của công ty. Nếu
Theranos là một công ty bán hàng thông thường, câu nói này là tinh hoa của trí
khôn. Nhưng Theranos là công ty công nghệ y tế, một công ty hứa hẹn sẽ thay đổi
cả làng khoa học. Một công ty như vậy mà tài sản đáng giá nhất lại là nhà sáng
lập không có nền tảng vững chắc về khoa học và y tế thì đó lại là cả một vấn đề.
Tuy nhiên, không ai nhìn ra được vấn đề đó.
Cú
lừa đảo lớn nhất mà Theranos dành cho thế giới là cú lừa nhân cách, mà
Elizabeth Holmes là biên kịch, đạo diễn và diễn viên chính trong vở lừa này. Elizabeth
có sức mê hoặc không tầm thường, sức mê hoặc đã lôi kéo được rất nhiều nhân vật
có sức ảnh hưởng vào tròng: từ cựu ngoại trưởng Henry Kissinger, George Shultz
đến ông trùm để chế truyền thông Mỹ Rupert Murdoch. Từ nhỏ, Elizabeth đã nung nấu
tham vọng làm giàu. Vài năm sau khi nhập học Stanford, cô chính thức bỏ học để
cống hiến toàn thời gian cho Theranos (tình tiết này nghe quen không?). Một huyền thoại luôn cần một câu chuyện. Và
câu chuyện của Elizabeth có khởi đầu lý tưởng: nó có chút gia vị quen thuộc của
vô số những tỷ phú công nghệ khác, nhưng nó có một cú twist hoàn hảo: cô là một phụ nữ trẻ, và cô không khởi nghiệp bằng
công nghệ mà bằng khoa học.
Với một xuất phát đáng gờm như vậy, Elizabeth bắt đầu dùng cái đầu lạnh của mình để phát triển Theranos. Nội bộ công ty là một đống rối nùi, nhưng với người ngoài, Elizabeth tạo nên những màn trình diễn xuất thần. Cô dần học đươc những chiêu trò bán hàng thực thụ: cô bắt đầu xây dựng thương hiệu cá nhân từ việc mặc áo đen cổ lọ (một dấu hiện khác gợi nhắc đến thần tượng quá cố của cô), cô biến giọng nữ cao của mình thành giọng nam trầm (một bước đi khôn ngoan để khiến bản thân thêm uy quyền khi làm việc với đa số đồng nghiệp và đối tác nam). Thế nhưng, thứ vũ khí nhân cách lớn nhất của Elizabeth chính là tầm nhìn, là nhiệt huyết không khoan nhượng dành cho Theranos. Những người có khát khao thay đổi thế giới theo hướng tốt đẹp hơn thường tỏa ra hấp lực, và nếu giấc mơ ấy thêm chút cảm hứng riêng tư thì càng thêm lôi cuốn và đáng tin. Câu chuyện mà Elizabeth dùng làm mở đầu cho những bài phát biểu của mình, rằng cậu ruột của cô từng mất vì bệnh ung thư, và giá như quá trình xét nghiệm nhanh chóng hơn thì cậu cô đã có thể chẩn đoán bệnh sớm hơn và không qua đời. Theranos ra đời, là để phát hiện bệnh sớm và dễ dàng hơn, để bạn không phải nói lời chia tay đến những người thân yêu quá sớm. Trong một thế giới hỗn loạn, nơi những phát minh công nghệ liên tiếp ra đời để phục vụ cho những thói quen sớm nở tối tàn và thừa thãi của giới trẻ, Elizabeth xuất hiện, với gương mặt điềm tĩnh và đôi mắt sáng ngời, nói về một thế giới mới tươi đẹp, của những đổi thay khoa học, của những bước chuyển cách mạng, và nơi mà đau đớn được giảm thiểu, ai mà không bị mê hoặc? (đặc biệt là những vị tướng già đã bị vô số thương đau mài cho chai sạn).
Giữa
hàng hà sa số những nhân vật CEO nổi lên từng ngày trong thế giới công nghệ,
Elizabeth chính là một cú hit: ở cô hội
tụ đầy đủ những đặc điểm mà người ta đang tìm kiếm trong một hiện tượng truyền
thông mới. Cùng với sự giúp đỡ của báo chí, cô thôi miên cả đất nước. Nước Mỹ bị
chính những kỳ vọng lớn lao của họ chơi khăm. Cho đến khi John Carreyrou xuất
hiện và đập tan ngai vàng của cô.
Ai là người giết rồng?
Từ đầu đến giờ, tôi không nhắc nhiều về tác giả John Carreyrou, bởi trong Máu bẩn, ông cũng không nhắc nhiều về chính mình. Mãi đến khoảng một trăm trang cuối, John mới xuất hiện (như trùm cuối). Lý giải cho sự xuất hiện muộn màng của ông, tôi nghĩ một phần vì cuốn sách nên là sân khấu của Theranos, một phần vì John không phải là người vạch trần theo nghĩa bóng: những dấu hiệu sai phạm của Theranos vốn đã xuất hiện sẵn rồi, chỉ cần chờ người kết nối các điểm lại thôi. Và ai phù hợp hơn ông, phóng viên kỳ cựu của tờ Wall Street Journal, từng hai lần nhận giải thưởng Pulitzer danh giá và vừa hoàn thành một cuộc điều tra về vụ lừa đảo của Medicare?
Theo
ý kiến cá nhân tôi, phần cuối của Máu bẩn
có chút hụt hơi khi so với đoạn đầu. Có nhiều yếu tố tác động: có thể do sự hồi
hộp của tôi khi chờ ngày tàn của Theranos đã bị xẹp xuống ít nhiều, hoặc là do John
không thể công bố quá nhiều thông tin do nhân chứng cung cấp trong quá trình điều
tra. Hoặc có thể, phần cuối của cuốn sách đã không còn là thần thoại về chuyện
xiên một con rồng – mà nó đã biến thành một câu chuyện thông thường kể về một
người đàn ông bất chấp những lời dọa dẫm đe nẹt từ phía binh đoàn luật sư để vạch
trần một công ty gian trá. Câu chuyện này dĩ nhiên vẫn rất hấp dẫn. Nhưng lúc
này, tôi cảm nhận rõ ràng là con rồng đã chết ngáp – chết trước khi trùm cuối lên
sàn rồi. Cái chết của con rồng là do thứ bệnh độc phát sinh từ bên trong. John
Carreyrou chỉ là cánh tay vén rèm phơi bày một bản thể bệnh tật, lắm mồm ra ánh
sáng. Còn những người phát hiện căn bệnh này đã xuất hiện từ trước – họ chính
là những nhân viên bị Theranos đối xử tệ bạc trước kia, những bác sĩ bị công ty
lừa gạt, và những kẻ trục lợi từng gây thù chuốc oán với Theranos. Con rồng
không chết vì một nhát kiếm, mà do vô số những vết xẻo từ những người từng bị nó
bạo hành.
*
Một
chương khiến tôi có ấn tượng nhất trong Máu
bẩn kể về cuộc đối đầu giữa Tyler Shultz và George Shultz. Thời điểm này, Theranos
vẫn chưa bị John Carreyrou vạch mặt. George hiện là thành viên hội đồng quản trị
của Theranos, ông tin tưởng Elizabeth như (chắc là hơn cả) người nhà. Còn Tyler
lúc này là cựu nhân viên phòng thí nghiệm Theranos. Anh từ chức vì phát hiện những
sai phạm nghiêm trọng trong khâu quản lý chất lượng, cũng như những nỗ lực từ
phe cánh Elizabeth để “xào nấu” kết quả thí nghiệm hòng chứng minh công nghệ
Theranos vẫn xài tốt. Anh không muốn phản bội lương tâm mình.
Trong
cuộc đối đầu này, Tyler đang cố gắng vạch trần những sai phạm của công ty và
thuyết phục ông nội mình (vâng, George là ông nội Tyler) rời bỏ hội đồng giám đốc
và cứu vãn thanh danh ông trước khi quá muộn. Nhưng George đã từ chối tin tưởng
lời nói và bằng chứng từ phía Tyler – người tốt nghiệp chuyên ngành sinh học, từng
trực tiếp làm việc trong phòng thí nghiệm Theranos, cháu trai của ông. Phủ nhận
những số liệu thực tiễn, ông lựa chọn tin vào tầm nhìn của Elizabeth.
Như
đã nói ở trên, những sai phạm của Theranos đã ê hề trước thời điểm John
Carreyrou nhảy vào cuộc chơi. Nhưng không một ai hoài nghi về tính trung thực của
công ty. Tấm kính màu hồng đã che mắt họ trước sự thật. Tấm kính ấy còn mạnh mẽ
đến mức khi đối diện sự thật, George đã lạnh lùng từ chối tin vào đó. Thông tin
lý tính và niềm tin cảm tính là một cuộc chơi không cân bằng. Sự không cân bằng
này đã đưa Theranos đến đỉnh cao danh vọng. Và, theo một cách nào đó, sự không
cân bằng này đã đẩy Theranos xuống vực sâu.
Tôi tự hỏi, nếu một nhà báo khác, không phải là John Carreyrou – một phóng viên dày dạn kinh nghiệm và uy tín vạch trần thì sao? Nếu bạn cảm thấy suy nghĩ này hơi xa vời, hãy nhìn vào cách thế giới tiếp cận với cú rơi của Theranos. Một từ xuất hiện rất nhiều: psychopath (người mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội). Psychopath là một cụm từ rất có sức hấp dẫn trong truyền thông, và ở Elizabeth, người ta thấy thấp thoáng đâu đó những đặc điểm nhận dạng: đôi mắt to nhìn chằm chằm vào người đối diện không chút ngại ngần, chứng hoang tưởng hiển hiện trong lời nói và hành động, sự ám ảnh với việc bắt chước Steve Jobs, những lời ngụy biện trắng trợn và biểu hiện không hối cải sau khi Theranos bị vạch trần. Những đặc điểm ngày xưa nâng cô thành anh hùng, nay biến cô thành một kẻ dối trá và bất lương. Tôi tin rằng đã từng tồn tại một Elizabeth thật tâm muốn thay đổi thế giới và thật lòng tin tưởng tuyệt đối vào viễn cảnh trong đầu mình. Tại một điểm nào đó của cuộc chơi, cô đã biến chất, hoặc cái chất bẩn trong đầu cô đã điều khiển cô hoàn toàn. Tuy nhiên, số đông vẫn đơn giản hóa sự ngã ngựa của Theranos, và chưa bao giờ câu nói “Look at her, I knew she was a liar” (Nhìn ả mà xem, tôi đã biết ả là kẻ dối trá mà) lại khiến tôi buồn cười như vậy. Bên cạnh đó, không thể chối cãi rằng văn hóa hoạt động dựa trên thẩm định cá tính và cách gọi vốn “trả trước” của Thung lũng Silicon phải chịu trách nhiệm một phần vì đã tạo điều kiện cho vụ lừa đảo Theranos diễn ra. Cuộc điều tra của John Carreyrou và Wall Street Journal đã một lần đập tan tấm kính màu hồng bằng những kiểm nghiệm của FDA3, tài liệu thanh tra do CMS4 cung cấp, những nghiên cứu bình duyệt, nhưng một lần nữa, tấm kính điềm nhiên tái sinh, chỉ là theo hướng đối lập: nhìn qua nó, đây không còn là truyền thuyết về một con rồng mạnh mẽ vươn vai thức tỉnh nữa. Đây là truyền thuyết về sự suy tàn của một mụ phù thủy cần được tế sống. Và vô tình hay cố ý, Máu bẩn cũng góp phần vào quá trình tái định hình câu chuyện.
Không
phủ nhận những nỗ lực của John Carreyrou trong việc đào sâu và đưa ra những lý
giải khoa học và dẫn chứng tương đối cụ thể, nhưng tôi nghĩ, yếu tố khiến Máu bẩn trở thành “Sách kinh doanh hay của
năm 2018 do Financial Times và McKinsey bình chọn” chính là tính kịch
nghệ khôn khéo của nó. Khi dùng từ “kịch nghệ”, tôi không có ý nói John đã thêm
mắm dặm muối (hay nói dối). Tôi nghĩ rằng, trong nỗ lực xây dựng một câu chuyện
có đầu có đuôi, có nguyên nhân có kết quả, ông đã sử dụng lối tường thuật có chọn lọc, bằng cách cân nhắc những
tình tiết nổi bật để đưa vào cuốn sách. Máu
bẩn là một câu chuyện có thật, với hệ thống người liên quan rất đồ sộ và đa
sắc màu, nhưng khéo ở chỗ, họ nằm rất vừa vặn trong những khuôn mẫu nhân vật điển
hình tồn tại ở các tác phẩm hư cấu: một gã Phó Chủ tịch Điều hành thô lỗ và độc
địa (một tên phản diện đần thối khiến độc giả khinh khỉnh), một nữ doanh nhân thông
minh và máu lạnh, thành công trong việc dùng sự duyên dáng của mình để đánh bẫy
thế giới (một nhân vật phản diện thông minh hơn, khiến ta vừa nể sợ vừa căm
ghét), một nhà nghiên cứu tài năng nhưng có kết thúc bất công và bi kịch (một nốt
trầm buồn trong câu chuyện), cùng anh chàng COCC (con ông cháu cha) tồn tại
trong một danh gia vọng tộc phức tạp với cả tá luật sư và người nhà ngầm tính
toán với nhau. Tinh tế ở chỗ, họ đủ phức tạp để khiến người đọc ghi nhớ; mỗi
người có một trường đoạn chuyện kể riêng tư, chỉn chu với cao trào và kết thúc vẹn
toàn. Nhưng họ không quá phức tạp để
bắt buộc người đọc nhìn nhận họ là những con người có thật với những mâu thuẫn không
thể lý giải trong động cơ và cách hành xử. Sự phức tạp của họ tồn tại để phục vụ
cho câu chuyện. Tất cả kết hợp với giọng văn báo chí trung lập nhưng nêm nếm một
chút phẫn uất từ tốn dâng trào trong câu chữ, Máu bẩn là một kịch bản điện ảnh đang gào thét cần được chuyển thể
lên màn ảnh rộng (và đúng là nó sắp lên màn ảnh) chứ không đơn thuần là một cuốn
sách với nỗ lực đi tìm sự thật. Tôi, một cách rất cảm tính, thích sự khôn khéo
này. Vì ít nhất, nó cũng phục vụ cho một thứ mục tiêu có vẻ tốt đẹp hơn là
Theranos.
Hết.
Chú thích:
“Bloody
Amazing” (hết sức tuyệt
vời) là một phép chơi chữ, trong đó “bloody” vừa có nghĩa là “máu me”, vừa có
nghĩa là “hết sức”.
FDA (viết tắt cho Food and Drug Administration): Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm
Hoa Kỳ.
CMS (viết tắt cho Centers for Medicare and Medicaid Services): Trung tâm Dịch vụ
Medicare & Medicaid, cơ quan Liên bang quản trị chương trình Medicare Hoa Kỳ.
Nắng tháng Tám diễn ra ở vùng Nam Mỹ vào những năm 1930 và trung tâm câu chuyện xoay quanh vụ án mưu sát một người phụ nữ tên Joanna Burden, người địa chủ bị hầu hết những người dân trong vùng khinh ghét vì quá khứ gia đình. Thông qua quá trình kể câu chuyện này, bí mật của những nhân vật khác cũng dần được tiết lộ. Truyện được viết với thời gian phi tuyến tính, gợi nhớ đến lối kể truyện truyền miệng, đường dây câu chuyện thường xuyên bị ngắt giữa chừng và những nhân vật khác thay phiên nhau tiếp nối mạch truyện. Các nhân vật đều là những con người bị gạt ra khỏi xã hội. Vì vậy, câu chuyện là cái nhìn về xã hội từ ngoài rìa của những con người không còn thuộc về nó nữa.
Tiểu thuyết chia làm ba đường dây câu chuyện riêng biệt, cuối cùng tất cả đều liên kết nhau bằng kết thúc bùng nổ với bạo lực. Một phong cách rất Faulkner. Nhưng khác với những tiểu thuyết khác viết theo phong cách này ở chỗ: cuối cùng nhân vật chính trong mỗi câu chuyện thường gặp nhau thì Faulkner lại không bao giờ tạo ra một cảnh chung có cả Christmas và Lena – hai trong số ba nhân vật chính. Mặc dù dường như họ được kết nối với nhau một cách vô hình: có thể Chirstmas vừa là hóa thân ẩn dụ cho người cha của đứa trẻ trong bụng Lena, đồng thời lại chính là đứa trẻ đó. Đứa trẻ là câu trả lời của Faulkner cho định mệnh tàn bạo không thể tránh khỏi đã nguyền rủa vùng đất phía Nam ấy. Chẳng có lối thoát nào cho những tổn thương quá khứ ngoài việc tự tạo nên những mầm hi vọng mới. Và Faulkner để cho chúng ta tìm ra điều ấy ở đứa trẻ của Lena.
Ở Nắng tháng Tám, Faulkner đã cho thấy một thế giới có chuẩn mực xã hội quá khắt khe, thiếu linh động, bảo thủ và con người phải chịu đựng bằng cách vờ như khuất phục khối bêtông hiện thực của ngoại giới, của những sự việc dường như chẳng liên quan đến họ. Đó là một thế giới chẳng có gì thích ứng với nhau, chẳng có điều gì kết nối, và Faulkner cũng không cố gắng tìm ra sự kết nối. Ông chỉ trộn lẫn chúng vào nhau trong hệ thống câu chuyện của mình để chúng ta cảm nhận những nghịch lí đó.
Nhận xét của báo chí thế giới
Nói rằng Nắng tháng Tám là một màn trình diễn ấn tượng thật chẳng phải là nói quá chút nào… Faulkner không chỉ tích hợp trong cuốn sách này thứ văn phong quyến rũ của sức mạnh và cái đẹp: ông còn cho phép một vài nhân vật của mình, nếu không phải là nhân vật chính, thỉnh thoảng được quyền hành động vô cớ, nằm ngoài những khuôn mẫu xã hội… Nghĩa là, Faulkner tự cho mình lí lẽ và sự thương cảm đối với hệ thống trong thế giới của ông.
–J. Donald Adams | New York Times
Quyển sách như rực lửa với sự phẫn nộ dữ dội trước bạo lực, sự ngu ngốc và lòng kiêu hãnh – một quyển sách tuyệt vời.
–Spectator
Faulkner có một sức sáng tạo không mệt mỏi, trí tưởng tượng phong phú, và ông thường viết như một thiên thần.
Tập truyện ngắn này bao gồm những truyện mà tôi thích. Khi tập hợp để in thành sách, tôi ngồi lựa chọn lại thật kỹ càng, bởi tôi mong muốn trao gởi đi những điều trân quý nhất của mình dành cho độc giả, như một lời tri ân cho những người đã ưu ái đồng hành cùng văn chương của mình.
12 truyện ngắn này là những câu chuyện của miệt đồng bưng chín nhánh sông mà đâu đó trong cuộc đời chúng ta vẫn thường bắt gặp. Xoay quanh những câu chuyện là chữ “tình”. Tôi vẫn thường nghĩ, con người ta trong cuộc đời này chẳng ai thoát khỏi được chữ tình. Chữ tình quấn lấy chúng ta, dắt dìu chúng ta đi qua nỗi buồn, dẫn chúng ta chạm đến niềm vui. Chữ tình khiến chúng ta đắng đót với niềm đau nhưng cũng chính cái chữ tình đó lại là nỗi thương để chúng ta bám víu vào mà sống hết đoạn đời phù sinh thế thái này.
Người viết vì tình mà viết. Người đọc vì tình mà buồn vui theo từng con chữ, xa xót theo từng phận đời, và hả hê với điều thiện lành được hồi đáp sau bao đoạn trường trầm luân.
Có một lần ngồi trên chuyến phà đêm Châu Giang, tôi chợt nghĩ mình chỉ là một dòng phù sa của muôn triệu dòng phù sa đang chảy tràn khắp miệt đồng bưng châu thổ. Tôi đem đến những điều dung dị, chất phác và hào sảng như là bản tính vốn dĩ của người Cửu Long đã ăn sâu vào gốc rễ nội tâm và căn cơ chính mình.
Có bận tôi về Đồng Tháp, ghé cái chợ quê mà hồi nhỏ hay để dành năm trăm, một ngàn để mua dăm ba thứ bánh quê, tôi ngồi sụp xuống và lựa chục loại rồi hí hửng xách lên chạy về khoe với mấy cậu mấy dì. Tôi chẳng thể ăn hết được mớ bánh hôm đó, nhưng vui lạ lùng. Thể như tôi tìm thấy chính mình sau những đãi bôi thị thành. Tôi thấy niềm vui của mình sao giản đơn đến lạ! Hóa ra mỏi gót điêu linh nơi phố xá hào nhoáng thì cái gốc rạ chân quê vẫn là thứ mà tâm tưởng chính tôi luôn hoài vọng.
Có lẽ, dấu chân tôi chưa đi hết nổi dải đất bạt ngàn phù sa miền Tây, đôi tai chưa nghe hết chuyện hào sảng xứ này, đôi mắt chưa thể tận tường hết những thứ đẹp đẽ của sóng nước bưng biền, hay thâm tâm chưa thể trọn vẹn thấu hiểu hết vùng châu thổ, nhưng tôi vẫn luôn thích viết về xứ này. Cái xứ gì mà hổng hết chuyện để viết. Có lần tôi nói vậy với một bạn văn phía Bắc. Bạn nói, thì cứ viết đi, viết đến cạn cùng cuộc đời, chưa chắc viết hết trọn một vùng đất. Bởi đất ôm cả đời người. Người ta sống thác gì đó, gieo neo dâu bể thế nào thì cũng về với đất quê xứ mình mà thôi!
Vậy nên, tôi cứ viết hoài về miền đất này, ngõ hầu đem đến cho độc giả của mình cái “tình” miệt thứ, cái “thương” đồng bưng. Càng viết tôi lại càng thấy mình như mắc nợ vào sóng nước phù sa câu chữ. Viết hoài hổng hết. Viết hoài vẫn cứ muốn viết.
Viết và gởi đến độc giả đã thương yêu câu chữ của mình, cũng như nếu một ai đó hữu duyên cầm trên tay cuốn sách nhỏ này, thì mời bạn một lần lắng lòng lại, lật từng trang sách, nghe tôi kể chuyện buồn miệt thứ. Nhưng mà, người miệt thứ buồn đó rồi lại vui đó, như sóng nước xứ này vơi rồi lại đầy, như phù sa châu thổ muôn đời vẫn dâng người những mùa màng tốt tươi.
Tiểu thuyết Hồ của Banana Yoshimoto viết về những nỗi đau, những mất mát của con người và cách họ vượt qua nó. Các nhân vật trong Hồ như Chihiro, Nakajima, Mino, Chii… đều có những thương tổn sâu sắc trong quá khứ. Với đề tài như thế, câu chuyện sẽ dễ sa đà vào nhiều trường đoạn cảm xúc nặng nề nhưng Banana vẫn luôn giữ được sự điềm tĩnh, dịu dàng trong văn phong giống như ở những tác phẩm trước đây đã quen thuộc với bạn đọc Việt Nam như: Kitchen, Vĩnh biệt Tugumi, N.P…
Hồ được Banana lấy cảm hứng từ câu chuyện của giáo phái Aum Shinrikyo. Độc giả có thể nhận thấy mô hình công xã mà Nakajima sống ngày còn nhỏ phần nào tương tự với mô hình của giáo phái này. Aum Shinrikyo cũng xuất hiện trong tác phẩm 1Q84 của Murakami Haruki dưới hình thức hư cấu. Qua đó, người đọc thấy được sự khác biệt trong cách khai thác cùng một chủ đề của hai nhà văn. Nếu như trong 1Q84, Haruki đề cập nhiều đến những tác động chính trị – xã hội xoay quanh mô hình phi nhân của Aum thì ở Hồ, Banana chọn một góc nhỏ để viết về hậu chấn tinh thần của những đứa trẻ khi phải chịu sự giáo dục tẩy não trong một cộng đồng không đề cao cái tôi cá nhân. Và chi tiết mà Banana chọn để khắc họa nỗi đau của những đứa trẻ ấy khi lớn lên vừa đơn giản, vừa ám ảnh: Nakajima kẹp vỉ nướng bánh dày vào nách khi ngủ mỗi lần “cảm thấy sắp mơ phải cái gì đáng sợ” bởi đó là vật mà mẹ cậu rất quí; Chii mãi chìm đắm trong những giấc ngủ; Mino sống lặng lẽ từng ngày và đôi khi truyền hộ thông điệp mà người em gái say ngủ muốn nói cho người khác…
Nỗi buồn của các nhân vật dù được Banana viết ra thật nhẹ nhàng nhưng không vì thế mà người đọc có cảm giác hời hợt. Bởi vì, cái đau của họ không phải là cái đau của một người vừa qua cơn khủng hoảng tâm lí, vẫn chưa hết bàng hoàng và không thể chấp nhận hiện thực. Ngược lại, họ tự tách mình ra khỏi chính bản thân mình, đứng ở một nơi xa để ngắm nhìn nỗi đau của mình, chịu đựng nó, chấp nhận nó. Đó là cách để họ vừa giữ lại những kỉ niệm tươi đẹp trong quá khứ, vừa giữ lại nỗi buồn đã tiềm ẩn trong kí ức ấm áp ấy.
1 Bình luận