Trích đăng

Gặp gỡ Zuckerberg – Trích “Always Day One”

Published

on

Always Day One là một ấn bản rất được mong đợi của Alex Kantrowitz. Cuốn sách đem lại một cái nhìn thú vị về phong cách lãnh đạo, văn hóa doanh nghiệp, quy trình và công nghệ của những gã khổng lồ công nghệ, thông qua cách viết và kể chuyện hấp dẫn, trực tiếp của tác giả. Những nhận định trong cuốn sách từng được dẫn lại trên nhiều nguồn uy tín như The New Yorker, The Wall Street Journal…

Tác giả Alex Kantrowitz là nhà báo kỳ cựu chuyên mảng công nghệ của BuzzFeed. Trang tin tức cá nhân Big Technology của ông thường tập trung phân tích cách thức vận hành của những gã khổng lồ gồm Amazon, Apple, Facebook, Google và Microsoft. “Sách đem đến cái nhìn vào sâu bên trong nền văn hóa đã và đang giúp cho những gã khổng lồ đánh bại các đối thủ mới hình thành của mình trong cuộc chiến công nghệ. Thận trọng và đầy nghiêm khắc, Alex Kantrowitz nhắc chúng ta phải luôn lạc quan về một tương lai chung sống cùng những công ty công nghệ quyền lực nhất thế giới.” –  Scott Galloway, tác giả của The Four và The Algebra of Happiness

  • Trích từ: Always Day One
  • Tác giả: Alex Kantrowtiz
  • Phát hành: Tháng 12.2020
  • Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

*
Gặp gỡ Zuckerberg

Vào tháng Hai năm 2017, Mark Zuckerberg đã mời tôi tới trụ sở công ty của anh ấy ở Menlo Park, California. Đó là lần đầu tiên tôi trò chuyện với vị giám đốc điều hành của Facebook, và câu chuyện đã diễn ra không như dự đoán của tôi.

Công ty của Zuckerberg, như thường lệ, bị những tranh cãi bủa vây. Việc họ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nhưng lại miễn cưỡng kiểm duyệt nội dung đã để cho những thông tin sai lệch, giật gân, cùng các hình ảnh bạo lực xuất hiện tràn lan trên các sản phẩm đó. Zuckerberg dường như đã sẵn sàng chia sẻ về công ty, còn tôi thì rất háo hức lắng nghe.

Trụ sở chính của Facebook – một cấu trúc bê-tông mở và rất rộng lớn – là một nơi không dễ bước vào. Tòa nhà có chín hành lang cùng hai lớp bảo vệ, và các nhân viên an ninh sẽ yêu cầu bạn ký vào bản thỏa thuận không tiết lộ. Khi vào trong, tôi đi về phía một phòng hội nghị có tường bằng kính, nằm ngay giữa tòa nhà, nơi Zuckerberg tổ chức các cuộc họp. Sau khi nói gì đó với COO Sheryl Sandberg của công ty, anh ấy tiến về phía tôi và Mat Honan, biên tập viên của tôi, để bắt đầu cuộc trò chuyện ngay giữa thanh thiên bạch nhật.

Zuckerberg đã rất nỗ lực để đưa ra bản “Tuyên ngôn” của mình.[1] Đó là một bài đăng dài 5.700 từ, nói về quan điểm của Facebook, không chỉ đối với những nội dung đang gây rắc rối mà, rộng lớn hơn, là cả vai trò của họ trong cuộc sống của người dùng. Trước khi tới Melon Park, tôi đã hình dung về một cuộc gặp CEO điển hình: đầu tiên là một bài thuyết trình, rồi tới một chút thời gian ngắn ngủi cho các câu hỏi. Nhưng sau một phác thảo tổng quát ngắn gọn, Zuckerberg bắt đầu yêu cầu tôi cho ý kiến. “Ông thấy có gì không rõ ràng trong những thứ chúng ta đã nói tới không?’’, anh ấy hỏi, “Còn thiếu sót gì không?”.

Zuckerberg lắng nghe rất chăm chú những câu trả lời của tôi. Tư thế ngồi không thay đổi. Hoàn toàn tập trung. Và phản ứng của anh ấy – trước tiên là một cuộc tranh luận nhẹ nhàng về việc tôi muốn Facebook chú ý nhiều hơn tới quyền  lực của họ, và sau đó là một sự thừa nhận – cho thấy rõ việc anh ấy yêu cầu tôi cho ý kiến không phải để làm màu. Tôi chưa bao giờ thấy một CEO nào làm như vậy, nói gì tới một người có tiếng cố chấp như Zuckerberg. Có vẻ rất khác biệt đây, và cũng rất đáng để tìm hiểu nữa.

Sau cuộc gặp ấy, tôi đã hỏi tất cả những người tôi biết về sự khao khát phản hồi khá kỳ lạ của Zuckerberg. Điều đó có bình thường không? Có bao giờ anh ấy hỏi bạn chưa? Sau nhiều cuộc trò chuyện, tôi đã có câu trả lời: việc đặt câu hỏi chỉ đơn giản là một cái nhìn thoáng qua về cách anh ấy điều hành Facebook. Zuckerberg đã đưa sự phản hồi vào từng thớ thịt của Facebook. Các cuộc họp quan trọng kết thúc bằng các phản hồi về chính các cuộc họp đó. Những poster trong các văn phòng của Facebook thể hiện rõ rằng PHẢN HỒI LÀ MỘT MÓN QUÀ. Và không ai trong công ty quan trọng hơn phản hồi, kể cả chính Zuckerberg.

Là một phóng viên công nghệ ở Thung lũng Silicon, tôi đã trực tiếp dõi theo cuộc đua độc đáo để giành vị thế thống trị của những gã khổng lồ công nghệ. Thay vì đi theo vòng đời điển hình của một công ty – phát triển, chậm lại, vấp ngã và biến mất, những công ty như Apple, Amazon, Facebook, Google và Microsoft lại ngày càng lớn mạnh theo năm tháng. Và có lẽ ngoại trừ Apple (tôi sẽ đề cập nhiều hơn trong phần sau), các công ty đang có đôi chút dấu hiệu buông xuôi mà thôi.

Khi quan sát họ, tôi đã rất ấn tượng với cách các công ty này vận hành bộ máy của mình. Ví dụ như, sau rất nhiều lần phỏng vấn các giám đốc điều hành, tôi đã tin rằng các CEO hàng đầu thế giới chính là những người bán hàng bẩm sinh, những người đã sử dụng sức mạnh nhân cách của họ để tập hợp được những người khác dưới ngọn cờ của mình. Nhưng khi nhìn vào Zuckerberg và những người như Jeff Bezos của Amazon, Sundar Pichai của Google, Satya Nadella của Microsoft, bạn sẽ thấy họ là những kỹ sư được đào tạo háo hức với việc hỗ trợ hơn là ra lệnh cho người khác. Thay vì trả lời, họ đưa ra các câu hỏi. Thay vì nói nhiều, họ biết lắng nghe và học hỏi.

Sau cuộc gặp ở Menlo Park, tôi bắt đầu đào sâu, quan sát rộng hơn vào hoạt động nội tại của những gã khổng lồ công nghệ – các hoạt động lãnh đạo, văn hóa, công nghệ cùng các quy trình làm việc của họ, và tự hỏi liệu có mối liên hệ nào giữa thành công và cách vận hành độc đáo của họ hay không. Khi các mô hình phổ biến xuất hiện, mối liên hệ đó ngày càng trở nên không thể phủ nhận. Rồi tôi bị ám ảnh với việc phải phát hiện chính xác những gì họ đang làm, và tại sao chúng lại hiệu quả. Cuốn sách này là sản phẩm của cuộc hành trình dài hai năm và hơn 130 cuộc phỏng vấn sau đó.

Những gì bạn sắp đọc là công thức đã giúp những gã khổng lồ công nghệ đạt được và duy trì sự thống trị của họ. Đây là một cuốn sách nói về văn hóa và nghệ thuật lãnh đạo, nhưng rộng hơn, là về các ý tưởng và phát minh, cùng các mạch nối chúng lại với nhau. Cuốn sách này nói về một mô hình kinh doanh mới trong thời đại mà các công ty có thể tạo ra các sản phẩm mới chỉ trong chớp mắt, khi mà những thách thức luôn hiện hữu, và không một lợi thế nào là an toàn cả. Dựa vào một loạt các công nghệ nội bộ, mà phần lớn đều là tự tạo để vận hành công ty một cách khác biệt, những gã khổng lồ công nghệ đã phát hiện ra công thức mới này từ rất sớm. Và giờ là lúc tiết lộ nó cho tất cả mọi người.

Các công ty được miêu tả trong cuốn sách này không hoàn hảo – thậm chí còn xa mới đạt được mức đó. Trong nỗ lực không mệt mỏi để phát triển, họ đã khai thác nhân viên đến xương tủy, ngó lơ sự lạm dụng rõ ràng các công nghệ của mình, và có cả việc trả thù những người bất đồng nghiêm túc nhất trong nội bộ. Những hành vi thái quá như vậy đã khiến chính phủ Hoa Kỳ cân nhắc việc siết chặt luật, và các chính trị gia kêu gọi họ giải thể. Phần lớn những chuyện đó đều có nguyên nhân cả. Vì vậy cần phải nói rõ rằng: cuốn sách này không đề cập tới sự phát triển, cách để phát triển, hay cách đánh bại các công ty nhỏ hơn. Cuốn sách này nói về việc xây dựng các nền văn hóa sáng tạo, mà tôi tin rằng mọi người đều có thể học hỏi được. Và đối với những người đang tìm cách chế ngự các công ty này, việc hiểu được cách hệ thống nội bộ của họ hoạt động cũng có thể là một lợi thế mang tính chiến lược. Để chẩn đoán bệnh một cách hiệu quả thì không chỉ cần phải xem xét các triệu chứng, mà còn cần nắm được sinh lý học của cơ thể.

Nếu tri thức của những gã khổng lồ công nghệ vẫn chỉ nằm trong tay họ, thì thế giới kinh doanh rộng lớn hơn, cùng các cơ quan quản lý, sẽ gặp bất lợi. Nhưng nếu nó nằm trong tay chúng ta, thì chúng ta sẽ có cơ hội cân bằng sân chơi.

Luôn là Ngày Đầu Tiên

Tại một cuộc họp toàn thể công ty Amazon vào tháng Ba năm 2017[2] , một Jeff Bezos chỉnh tề, đầy tự tin đang đứng trước hàng ngàn nhân viên của mình, lướt qua một chồng giấy nhỏ ghi các câu hỏi với vẻ mặt hơi thất vọng. “Được rồi, tôi nghĩ đây là một câu hỏi rất quan trọng,” Bezos nói, “Ngày Thứ Hai sẽ như thế nào?”.

Trong suốt 25 năm qua, Bezos đã thúc giục nhân viên của mình làm việc mỗi ngày như thể đó là ngày đầu tiên của Amazon. Giờ đây, khi Amazon đang tiến tới mốc giá trị nghìn tỷ, với nhân sự tăng thêm khoảng 100.000 nhân viên mỗi năm, thì một nhân viên (có lẽ đang tràn đầy hy vọng) lại yêu cầu Bezos nghĩ về Ngày Thứ Hai.

“Ngày Thứ Hai sẽ như thế nào ư?”, Bezos hỏi lại. “Ngày Thứ Hai sẽ là sự trì trệ, là sự vô nghĩa, là sự tụt dốc đầy đau đớn, và sau đó là cái chết.”

Tiếng cười vang lên khắp hội trường. Đối với hàng ngàn nhân viên Amazon đang tham dự cuộc họp thì việc Bezos hủy diệt người đồng nghiệp ẩn danh của họ, người đã mạo hiểm đề cập tới một chủ đề nguy hiểm ở Amazon, là một sự kiện thú vị. Khi đám đông đang vỗ tay thì Bezos ra hiệu dừng lại, nở một nụ cười nửa miệng, rồi khép lại cuộc họp bằng câu nói: “Và đó là lý do tại sao phải luôn là Ngày Đầu Tiên.”

Khẩu hiệu “Day One” – “Ngày Đầu Tiên” – có mặt ở khắp mọi nơi trong Amazon. Nó là tên của một tòa nhà quan trọng, là tiêu đề cho trang blog của công ty, và là chủ đề được lặp đi lặp lại trong lá thư hàng năm của Bezos gửi cho các cổ đông. Và mặc dù việc đọc khẩu hiệu đó như một mệnh lệnh làm việc không ngừng nghỉ có vẻ hấp dẫn, đặc biệt là ở một nơi có tiếng khắc nghiệt như Amazon, nhưng ý nghĩa của nó lại ngày càng thấm sâu hơn.

Khẩu hiệu “Ngày Đầu Tiên” ở Amazon chính là mã khóa mở ra sự sáng tạo như một công ty khởi nghiệp mà không mấy bận tâm tới những gì đã có. Đó là một sự thừa nhận rằng, ngày nay, khi các đối thủ cạnh tranh có thể tạo ra các sản phẩm mới với tốc độ kỷ lục – đặc biệt là nhờ vào những tiến  bộ về trí thông minh nhân tạo (AI) và điện toán đám mây, bạn cũng có thể tạo dựng tương lai, thậm chí đánh đổi bằng hiện tại. Hãy bắt đầu bằng việc nhìn lại cách những công ty khổng lồ như GM và Exxon từng thống trị nền kinh tế của chúng ta: họ phát triển các lợi thế cốt lõi, trở nên thỏa mãn, và ra sức bảo vệ chúng bằng mọi giá. Cố gắng khai thác những lợi thế hiện tại của doanh nghiệp không còn là một sự lựa chọn nữa. Vào những năm 1920, trung bình một công ty trong danh sách Fortune 500 tồn tại trong 67 năm. Còn vào năm 2015, con số đó chỉ còn có 15.[3] Ngày Thứ Hai sẽ như thế nào? Nó chính là cái chết.

Với xuất phát điểm từ một nhà sách trực tuyến, Amazon đã tụng niệm câu thần chú “Ngày Đầu Tiên” của họ, và điên cuồng sáng tạo ra các mảng kinh doanh mới, gần như không quan tâm tới việc chúng có thể làm tổn hại các nguồn thu hiện có. Công ty vẫn bán sách trực tuyến, nhưng giờ đây họ cũng là một nhà thanh toán bù trừ (clearinghouse) cho hầu hết các sản phẩm bạn có thể tưởng tượng ra được, một chợ trực tuyến đang phát triển mạnh mẽ, một dịch vụ chuyển phát đẳng cấp thế giới, một hãng phim đã giành Giải Oscar, một cửa hàng thực phẩm, một nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, một hệ thống điện toán giọng nói, một nhà sản xuất phần cứng, và cũng là một công ty chế tạo robot nữa. Sau mỗi sáng tạo thành công, Amazon lại quay về với Ngày Đầu Tiên và tìm kiếm thứ tiếp theo.

Vào tháng Bảy năm 2019, nhà đầu tư Mark Cuban đã nói với tôi rằng: “Tôi đang sở hữu một lượng lớn cổ phiếu Amazon. Căn cứ vào những gì họ làm hôm nay thì thật sự lượng cổ phiếu đó có thể đáng giá hàng tỷ đô. Và tôi mua cổ phiếu của họ vì tôi thấy họ là công ty khởi nghiệp vĩ đại nhất thế giới.”

Nhìn vào những gã khổng lồ công nghệ ngày nay, bạn sẽ thấy họ cũng có một hành trình tương tự. Google bắt đầu như một trang web tìm kiếm, nhưng sau đó đã sáng tạo ra một tiện ích mở rộng trình duyệt (Stay Tuned), một trình duyệt (Chrome), một trợ lý ảo (Google Assistant), và một hệ điều hành di động hàng đầu (Android). Mỗi sản phẩm mới của Google đều thách thức chính những sản phẩm hiện có của họ. Nhưng bằng cách liên tục quay lại Ngày Đầu Tiên, Google vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu.

Facebook đã quay lại Ngày Đầu Tiên rất nhiều lần. Bắt đầu như một danh bạ trực tuyến, công ty đã tự sáng tạo lại bản thân với News Feed, và họ đang tái phát minh thời đại này bằng cách chuyển từ chia sẻ phạm vi rộng sang chia sẻ riêng tư: chuyển từ News Feed sang các Facebook Groups – một loạt các mạng lưới nhỏ hơn – và đặt việc nhắn tin vào vị thế hàng đầu. Trong lĩnh vực hay thay đổi nhất – truyền thông xã hội, Facebook vẫn đang dẫn đầu.

Cho đến gần đây, có vẻ như những ngày sáng tạo của Microsoft đã lụi tàn. Công ty đã quá phụ thuộc vào Windows đến nỗi họ gần như vuột mất tương lai. Nhưng với sự thay đổi vị trí lãnh đạo từ Steve Ballmer sang Satya Nadella, Microsoft đã trở lại Ngày Đầu Tiên và nắm lấy lĩnh vực điện toán đám mây dù nó là mối đe dọa đối với các hệ điều hành máy tính để bàn như Windows, và một lần nữa họ lại trở thành công ty có giá trị nhất thế giới.

Apple dưới thời Steve Jobs đã phát minh ra iPhone, một thiết bị đã làm lu mờ những chiếc máy tính để bàn như Mac và máy nghe nhạc cầm tay như iPod, nhưng lại giúp công ty gặt hái được nhiều năm thành công. Giờ đây, Apple đang phải đối mặt với “khoảnh khắc Windows” của mình. Họ cần phải quên chiếc iPhone đi và sáng tạo lại chính bản thân mình để có thể cạnh tranh trong thời đại điện toán giọng nói.

Trong khuôn viên Amazon tại South Lake Union, Seattle, một trong các tòa nhà mới nhất được đặt tên là Reinvent (Tái phát minh). Đó là một cái tên khá kỳ quặc ở một trong những công ty thành công nhất thế giới. Nhưng trong thế giới kinh doanh ngày nay, nơi mà Ngày Thứ Hai chính là cái chết, thì đó là chìa khóa để tồn tại. Công việc Sáng tạo và Công việc Thực thi Điều hành một công ty sáng tạo cần nhiều thứ hơn các bài phát biểu và việc luân chuyển thông tin trong nội bộ.

Nó cần tới sự tái tưởng tượng cách bạn điều hành việc kinh doanh, mà điều này là hoàn toàn có thể nhờ vào một cuộc cách mạng trong cách chúng ta làm việc. Trên thực tế, có hai loại công việc: công việc sáng tạo và công việc thực thi.

  • Công việc sáng tạo là tất cả những gì liên quan tới việc tạo ra cái mới: mơ tưởng về những điều mới mẻ, tìm ra cách để hiện thực hóa chúng, công bố ý tưởng, và tạo ra sản phẩm.
  • Công việc thực thi là tất cả những gì hỗ trợ cho những việc kể trên một khi các ý tưởng trở thành hiện thực: đặt hàng, nhập liệu, quyết toán và bảo trì.

Trong nền kinh tế công nghiệp, hầu hết mọi công việc đều là công việc thực thi. Một người sáng lập công ty sẽ đưa ra một ý tưởng (Chúng ta hãy tạo ra các sản phẩm!) và sau đó tuyển dụng nhân viên chỉ với mục đích thực thi (họ sẽ làm trong nhà máy để chế tạo các sản phẩm). Sau đó, vào cuối những năm 1930, chúng ta bắt đầu chuyển từ nền kinh tế bị chi phối bởi các nhà máy sang nền kinh tế bị chi phối bởi ý tưởng, mà chúng ta hay gọi là “nền kinh tế tri thức”.

Trong nền kinh tế tri thức ngày nay, các ý tưởng rất quan trọng, nhưng chúng ta vẫn dành phần lớn thời gian cho công việc thực thi. Chúng ta phát triển một sản phẩm hoặc một dịch vụ mới, rồi sau đó dành thời gian để hỗ trợ nó, thay vì chuyển sang một thứ khác. Ví dụ như nếu bạn bán váy thì việc hỗ trợ cho mỗi mẫu sẽ đòi hỏi vô số công việc thực thi: định giá, tìm nguồn nguyên liệu, quản lý hàng tồn kho, bán hàng, tiếp thị, vận chuyển và cả đổi trả hàng nữa. Công tác hỗ trợ cho các quy trình này còn có các nhiệm vụ cơ bản như nhân sự, kế toán và việc ký kết hợp đồng.

Gánh nặng của công việc thực thi đã khiến các công ty có một ngành kinh doanh cốt lõi gần như không thể phát triển và hỗ trợ cách ngành khác (Cố giáo sư Clayton Christensen đã gọi đây là “thế lưỡng nan của nhà cải tiến”). Những người đã từng thử sức gần như luôn bỏ cuộc, hoặc nhận thấy rằng họ không thể duy trì nhiều ngành kinh doanh cùng một lúc. “General Motors (GM) đã từng sản xuất nhiều thứ khác ngoài ô-tô như tủ lạnh và đầu máy xe lửa,” giáo sư Ned Hill, một nhà kinh tế học ở Đại học Bang Ohio, nói với tôi, “Họ như một con bạch tuộc, và họ đã không thể quản lý nổi.”

Ngập đầu trong công việc thực thi, vậy nên, các công ty ngày nay dành hết sức lực cho sự hoàn thiện, chứ không phải cho sự sáng tạo. Các nhà lãnh đạo có thể mong muốn vận hành một nền văn hóa sáng tạo, nhưng họ lại không có cơ sở hạ tầng. Và thế là họ đưa ra một số lượng rất hạn chế các ý tưởng sáng tạo từ thượng tầng xuống, còn nhân viên phía dưới chỉ thực thi và làm cho chúng bóng bẩy hơn.

Nhưng giờ đây, đột nhiên việc điều hành một công ty với nền văn hóa sáng tạo, chứ không phải với sự hoàn thiện, lại trở thành điều có thể. Những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, cùng các công nghệ hỗ trợ sự hợp tác đã giúp giảm gánh nặng thực thi cho các doanh nghiệp hiện đại.

Điều đó mang tới cho các công ty nhiều nguồn lực hơn để biến những ý tưởng mới, đầy sáng tạo thành hiện thực và duy trì được chúng. Những công cụ này là bước phát triển tiếp theo của một sự bùng nổ các phần mềm hỗ trợ công việc từng giúp các công ty trở nên hiệu quả hơn, và AI đang làm cho chúng hoạt động hết công suất. Các chuyên gia cho rằng AI sẽ giải phóng con người để họ có thể thực hiện nhiều công việc “sáng tạo” và “mang tính người” hơn nữa. Nhưng nói chính xác hơn, AI đang cho phép các công ty làm nhiều công việc tân tiến hơn. Và tôi tin rằng đây là một nhân tố quan trọng đằng sau sự thành công của những gã khổng lồ công nghệ.

Thúc đẩy một làn sóng mới cho phép công nghệ tiến lên, những gã khổng lồ công nghệ đã tìm ra cách để giảm thiểu công việc thực thi. Việc này đã mang tới cơ hội cho những ý tưởng mới hình thành, và họ biến những ý tưởng đó thành hiện thực. Do đó, văn hóa làm việc của họ là hỗ trợ sáng tạo chứ không hướng tới sự hoàn thiện. Họ loại bỏ các rào cản ngăn sự luân chuyển của các ý tưởng trong công ty, và đưa những ý tưởng tốt nhất vào cuộc sống. Nói thì đơn giản nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều. Và đó chính là điều giúp họ giữ được vị thế của mình.

Suốt một thời gian dài, tôi đã tin rằng trong nhiều năm nữa, những gã khổng lồ công nghệ vẫn có được lợi thế này so với tất cả chúng ta. Nhưng rồi một chuyến đi Miami đã làm thay đổi suy nghĩ đó.

Những điều kỳ diệu ở Miami

Có lẽ anh chàng ca sĩ có chất giọng cao vút Cee Lo Green chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trình diễn trong một sự kiện doanh nghiệp cho đến tháng Mười năm 2018, khi anh đứng trước 1.100 chuyên gia đang trò chuyện rì rầm, xem điện thoại, và cố gắng kết nối mạng trong hộp đêm LIV ở bãi biển Miami.

Green cảm thấy rất vui khi ngắm nhìn các vị khách đang tấn công những lát ức bò, món nui phô-mai với ớt jalapeño, risotto cua xanh, hưởng thụ sự vui vẻ trong không gian quầy bar mở. Anh đã biến tấu bản hit hàng đầu của mình, vốn có tên chính thức là Forget You khi được phát trên radio, thành F**k You. Trong bộ đồ bó màu trắng với cặp kính mát, chàng ca sĩ vừa di chuyển trên sân khấu, vừa nói tới những thành tựu của các vị khách: “Quý vị đang ăn mừng thành công trong cuộc đời mình, đúng không nào?”

Và những giai điệu đầu tiên của bản nhạc vang lên khắp LIV, đám đông bắt đầu tỏ ra phấn khích, và Green, cười toe, ngay lập tức tiếp thêm năng lượng cho họ. “Nếu quý vị muốn nói ‘f**k you’ vì một điều gì đó thì bây giờ chính là lúc nói to lên nào”, anh hét lên với đám đông và hàng loạt tiếng hét “f**k you” từ những vị khách đáp lời anh.

Tiết mục của Green ở LIV sẽ chẳng có gì đáng chú ý nếu không phải vì đó chính là màn khởi động cho một buổi liên hoan do UiPath, một công ty mà chẳng mấy người biết tới, tổ chức. UiPath sở hữu phần mềm có thể quan sát màn hình máy tính khi bạn làm việc và, với một vài động tác dán nhãn, sẽ tự động hóa các công việc đó cho bạn. UiPath và các đối tác của công ty đang hướng tới việc tự động hóa hàng triệu việc làm trong những năm tới, và sẽ làm cho những tiếng hô “f**k you” ngày càng vang xa hơn.

Nhiều tháng trước khi buổi liên hoan diễn ra, tôi đã nghe thấy những lời đồn đoán rằng UiPath có khả năng làm thay đổi sâu rộng phương pháp làm việc ở các doanh nghiệp, theo cách mà họ có thể đưa thế giới kinh doanh rộng lớn đến gần hơn với phương pháp làm việc của những gã khổng lồ công nghệ. Và sau khi các nhà đầu tư trao cho UiPath 225 triệu đô-la[4] vào đầu mùa thu năm đó, tôi quyết định đích thân tới South Beach để tìm hiểu cặn kẽ về họ.

-Còn tiếp-

Chú thích:

  1. Zuckerberg, Mark. “Building Global Community.” Facebook, 16/2/2017, https://www.facebook.com/notes/mark-zuckerberg/building-globalcommunity/10103508221158471.
  2. Amazon News. “Jeff Bezos on Why It’s Always Day 1 at Amazon.” YouTube, 19/4/2017, https://www.youtube.com/watch?v=fTwXS2H_iJo.
  3. Lam, Bourree. “Where Do Firms Go When They Die?” Atlantic. Atlantic Media Company, 12/4/2015. https://www.theatlantic.com/business/archive/2015/04/ where-do-firms-go-when-they-die/390249/.
  4. Winkler, Rolfe. “Software ‘Robots’ Power Surging Values for Three LittleKnown Startups.” Wall Street Journal. Dow Jones & Company, 17/9/2018. https://www.wsj.com/articles/software-robots-power-surging-values-forthree-little-known-startups-1537225425.

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Ảnh đầu bài: The Washington Post

Trích đăng

Tiếng gọi âm nhạc đã đến với Elvis Phương như thế nào?

Tôi biết đi xin một cây đàn guitar đã bể hết phần thùng đàn phía sau và chỉ còn lại duy nhất một dây, để bỏ hàng giờ đứng trước tấm gương trong phòng tắm mà vặn vẹo làm bộ điệu và hát những bài hát của tuổi thơ.

Published

on

By

Trích từ: Dòng Đời
Tác giả: Elvis Phương
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 8.2023

– – –

Tôi chào đời ở Dầu Tiếng, Thủ Dầu Một, sinh vào đầu năm Tây ngày 01 tháng 02 năm 1945, nên mang oan thêm một tuổi ta là tuổi Thân. Người đời thường bảo: “Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi, còn tôi luống những ngậm ngùi tuổi Thân”. Nghiệm lại, tôi thấy câu này không hợp với mình lắm vì tôi đã may mắn nhận được rất nhiều ưu đãi trong đời. Có chăng là bên cạnh những vinh quang nghề nghiệp, sự thương yêu và niềm vui mà khán thính giả đã thương mến dành cho suốt mấy chục năm nay, nhiều lúc tôi cũng đành ngậm ngùi trên phương diện tình cảm của chính mình.

Sinh ra trong một gia đình có tất cả mười một người con: ba trai, tám gái. Người anh Cả của tôi mất khi còn rất nhỏ nên tôi đã trở thành anh Hai của một cậu em trai và tám cô em gái. Trong tám cô em gái thì thật tình là cô nào cũng hát được mà lại còn hát hay, nhưng chỉ có hai cô trở thành ca sĩ, một là Riri Hoa – ca sĩ trước năm 1975, sau này có gia đình và đã thôi hát. Kế đến là cô em áp út, ca sĩ Kiều Nga bây giờ.

Khán giả và bạn bè thân quen mỗi khi hỏi tôi quê quán ở đâu, câu trả lời của tôi thường là: “Tôi là người đẹp Bình Dương, nhưng đấng sanh thành tôi là người Hương Sơn, Hà Tĩnh”. Ba má tôi vào Nam lập nghiệp và sinh ra tôi ở Thủ Dầu Một, nên tôi được lớn lên trong Nam, chưa có dịp nào về thăm lại quê hương của ba má. Những ngày thơ ấu, tôi đã sống và lớn lên qua câu hò của má: “Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh”. Hy vọng một ngày gần đây, tôi sẽ thực hiện được điều ao ước đó của mẹ hiền là “...về Hà Tĩnh”. Thời đó, ba tôi làm nghề thầu khoán, một nghề được coi là kiếm tiền dễ dàng và má tôi – người suốt đời chỉ biết sống vì chồng con, giữ vai trò một người vợ, người mẹ đảm đang suốt ngày lui cui trong nhà, săn sóc từng bữa ăn giấc ngủ cho chồng, cho con mặc dù trong nhà đã có người giúp việc.

Elvis Phương năm 1981

Còn tôi, cho đến bây giờ đã hơn nửa đời người, vẫn hoàn toàn không hiểu tại sao tôi lại không chọn một cái nghề có dính dáng đến phim ảnh như đạo diễn, diễn viên, quay phim, chụp hình... Vì ngay từ lúc 6 tuổi tôi đã mê xem phim, từ những phim hoạt họa cho đến những phim do người thật đóng như Charlot, Laurel và Hardy, Les trois stooges... Những phim cao bồi miền viễn tây lúc đó chỉ có các tài tử như Randolph Scott, Roy Rogers, Gene Autry...

Từ lúc phim ảnh còn đen trắng cho đến lúc có những phim màu xuất hiện và lần lần đến thời kỳ của màn ảnh đại vĩ tuyến (tức CinemaScope), lại cộng thêm màu Technicolor; thậm chí đến những phim ca nhạc thần thoại của Ấn Độ chiếu thường trực ở rạp Long Phụng, tôi đều không bỏ qua phim nào cả. Nhưng thưa quý vị, một cuốn phim cao bồi Brésil mà tôi rất yêu thích, đã xem đi xem lại đến năm lần ở rạp chớp bóng Nam Quang (góc đường Lê Văn Duyệt và Trần Quý Cáp, tức nằm xéo với chợ Đũi) đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi về sau.

Tôi còn nhớ rõ ràng đó là một phim cưỡi ngựa bắn súng, có cái tên rất dễ nhớ là O’cangaceiro. Phim cao bồi nào cũng thường giống nhau về cốt truyện, nghĩa là lúc nào vai chính cũng là một anh hùng có nhiệm vụ trừ gian diệt bạo và cuối cùng thường lặng lẽ ra đi một mình một ngựa, để lại thương nhớ trong lòng của người đẹp nào đó trong thành phố anh đã đi qua. Phim O’cangaceiro này cũng vậy. Anh chàng vai chính là một tên cướp nhưng sau đó quay về con đường chính đạo và đã chống lại chính đồng bọn của mình khi họ định đánh cướp một ngôi làng bé nhỏ và nghèo nàn. Và trong lúc nổ súng, anh đã giết chết người cha nuôi là chúa đảng băng cướp đó. Cuối cùng, anh đã từ chối tình yêu của một cô gái trong làng và lầm lũi ra đi với cõi lòng nặng trĩu một nỗi ân hận vì lỡ tay giết chết cha nuôi.

Elvis Phương trước dancing Au Baccara năm 1973

Tuy đại khái giống nhau về phương diện truyện phim, nhưng điều mà tôi nhận thấy là phần nhạc đệm của các phim cao bồi thì hoàn toàn không có bài nào giống bài nào. Riêng bộ phim O’cangaceiro này có một bài nhạc, lúc thì có lời, lúc chỉ có nhạc không, và điểm đặc biệt nữa là lúc anh chàng vai chính ra đi thì bài nhạc này được trỗi lên qua tiếng kèn khẩu cầm (harmonica) réo rắt, cộng thêm hình ảnh hào hùng của chàng vai chính. Và hình ảnh cuối phim lẫn tiếng khẩu cầm đã khắc sâu vào tâm trí của đứa bé mê ciné là tôi.

Kể từ ngày đó, âm thanh của bài hát trong phim không lúc nào dứt trên miệng tôi, thậm chí vài hôm sau tôi đã xin tiền má để mua cho được một chiếc khẩu cầm nhỏ hiệu Piccolo (loại bỏ túi rất nhỏ), và ngày ngày cứ tập thổi theo giai điệu của bài hát phim O’cangaceiro.

Cũng kể từ ngày đó, tôi lại thích hát hơn xem ciné, hay tham gia những trò chơi của tuổi trẻ cùng lứa với mình. Tôi không còn thích đánh đáo, tạt hình, bắn bi, đá banh, đá dế, đá cá lia thia, u bắt mọi, tắm sông... như trước kia nữa. Tôi biết đi xin một cây đàn guitar đã bể hết phần thùng đàn phía sau và chỉ còn lại duy nhất một dây, để bỏ hàng giờ đứng trước tấm gương trong phòng tắm mà vặn vẹo làm bộ điệu và hát những bài hát của tuổi thơ như: Ai bảo chăn trâu là khổ, Tết trung thu... Tôi vừa gảy đàn vừa lắc lư để cảm nhận sự sung sướng chạy rần rần trong mạch máu.

Elvis Phương lúc 9 tuổi

Vì sự đòi hỏi của công việc nên ba tôi giao thiệp rất rộng, gần như trong nhà ngày nào cũng có khách khứa tiệc tùng, đủ các khách hàng, cả tây lẫn ta. Mỗi lần như thế, y như rằng tôi bị lôi ra trình diễn trước quan khách một nhạc phẩm duy nhất La Marseillaise – quốc ca của Pháp. Thoạt đầu tôi còn hăng hải trình diễn nhưng sau đó mỗi lần thấy khách khứa là tôi tìm cớ trốn lui. Ba tôi là một người hào phóng, nhất là với bạn bè, cứ hết tiệc này đến tiệc nọ và có lần cao hứng đã nhận lời thách đố để xây tặng cho bạn một căn nhà. Má tôi nhiều khi khuyên nhủ nhưng ông nhất định làm ngơ vì ông luôn coi bạn bè là trên hết, còn với con cái thì ông rất nghiêm khắc, đứa nào đứa nấy sợ ông một nước. Dù ba thường bắt tôi ra trình diễn bài tủ là quốc ca Pháp khi có bạn bè của ông đến nhà chơi, nhưng sau này khi lớn lên, biết tôi mê ca hát thì ông lại nhất định cấm đoán và chỉ muốn tôi đi học để ra trường làm ông nọ, ông kia hoặc nối nghiệp nghề thầu khoán của ông.

“Cái nghề ca hát ba lăng nhăng làm sao mà kiếm tiền được, đừng hòng đòi đi hát, không nghe người ta nói ‘xướng ca vô loài’ hay sao?” Ba tôi thường nói như vậy mỗi khi bắt gặp tôi đang mân mê cây đàn hoặc say sưa theo dõi những chương trình nhạc ngoại quốc trên đài phát thanh. Ông đã cố ý ngăn ngừa không cho tôi theo nghề ca hát từ bé.

Nhưng mặc ba cấm thì cấm, tôi vẫn lén lút nghe nhạc và lẩm bẩm hát theo. Âm nhạc đã trở thành hơi thở của tôi từ khi còn thơ dại. Mơ ước của tôi khi đó là có cho riêng mình một cái radio nhỏ chạy bằng pin, và ước mơ đó đã trở thành sự thật. Thật khó lòng diễn tả được niềm xúc động khi được nâng niu chiếc radio trong tay lúc ấy, kể từ đó tôi và chiếc radio đã trở thành vật bất ly thân. Đi đâu tôi cũng mang kè kè theo bên mình, nhất là khi leo lên giường ngủ thì càng không thể thiếu người bạn thân thiết này, để được những âm thanh dìu dặt, mê hoặc dẫn lối vào giấc ngủ say, không mộng mị.

Dù đã bị cảnh cáo nhiều lần, nhưng tật ôm radio nghe nhạc suốt ngày đêm đã trở thành đam mê mà tôi không bỏ được. Cho đến một hôm, đang say sưa với tiếng nhạc phát ra từ chiếc radio nhỏ bé, bên cạnh những chồng sách vở trong phòng học thì ba tôi bước vào đứng sau lưng tôi lúc nào không hay. Khi tôi nhận ra thì đã quá muộn, chiếc radio nhỏ bé thân yêu bị ba tôi giựt lấy và đập xuống sàn nhà vỡ nát. Hồn vía lên mây, tôi chưa kịp có phản ứng gì thì đã bị ông tặng cho mấy bạt tai đích đáng. Má tôi chạy vào can nhưng cũng không làm giảm bớt sự nóng giận của ông. Tôi đã sung sướng đón nhận chiếc radio như thế nào thì giờ đây đau khổ và tiếc rẻ chừng ấy khi ngắm nhìn hình thù méo mó, vỡ nát của nó trên sàn nhà. Sau đó, tôi cố gắng lắp ráp lại chiếc radio vỡ với hy vọng mong manh là có thể cứu vãn được, nhưng đành chịu thua.

Elvis Phương với ba ở Vũng Tàu

Ba tôi đã làm mất đi người bạn thân đầu đời và tận diệt niềm vui bé nhỏ của riêng tôi. Sau đó tôi đành phải nghe ké radio chung của gia đình, bị lệ thuộc vào sở thích của những người thân trong nhà mà lúc đó chương trình nhạc ngoại quốc ít khi được nghe tới. Tuy ba tôi rất khó tính trong việc giáo dục con cái, nhưng tôi vẫn một lòng kính phục ông trên cương vị cột trụ của gia đình. Một tay ông đã gầy dựng và mang lại cho gia đình tôi một cuộc sống tuy không phải là quá giàu có, nhưng sung túc và đầy đủ.

Giờ đây ngồi nhớ lại những ngày niên thiếu, tôi nhớ về ba, một người cha bận rộn trong công việc thương trường nhưng rất khe khắt trong việc dạy dỗ con cái. Với lòng thành kính, tôi luôn suốt đời mang ơn ba, vì ông có khe khắt thì tôi mới nên người, dù ở bất cứ môi trường nào.

“Con đã được sống bằng những mơ ước của đời mình. Dù rời nhà từ lúc 16 tuổi, nhưng từ thời niên thiếu đến khi trưởng thành, sự dạy dỗ của ba đã là kim chỉ nam cho đời con. Sống lăn lộn với bạn bè, giữa đời sống của vũ trường, những sân khấu ca nhạc, của ánh đèn mầu, giữa những vui buồn, những thăng trầm và cám dỗ, mà đến giờ đây, khi đã ngoài 70 tuổi đời, con vẫn tự hào là đã sống đúng nghĩa một đời.”

Elvis Phương tại Nhà Thờ Đá Phát Diệm, Việt Nam, năm 1998

Bao nhiêu thú vui: cờ bạc, đam mê hút xách, rượu chè, trai gái, môi trường sống đầy cám dỗ của tuổi trẻ... nhưng tôi đã tránh được tất cả để sống thật sự với mơ ước và đam mê ca hát của mình. Trong đầu óc non nớt của tôi lúc đó nào có nghĩ như ba: nghề nào sẽ tốt cho bản thân mình, cho gia đình mình, nghề nào được trọng vọng? Nhưng tôi chắc chắn được một điều là mình rất mê âm nhạc, nghe tiếng nhạc là tôi thấy yêu đời, thấy tâm hồn nhẹ nhõm lâng lâng. Lúc nào, giờ nào tôi cũng có thể nghe được, nhiều lúc tôi còn mang cả radio vào trong toilet để nghe nhạc... Tiếng gọi của âm nhạc đến với tôi từ thời thơ ấu, nhìn lại những người thân trong họ hàng chung quanh, tôi nhận thấy mình chẳng hề chịu ảnh hưởng “văn nghệ” của bất kỳ ai, do đó tôi nghĩ: Mình sinh ra đời để được ca, được hát mà thôi.

Tôi mê âm thanh từ hồi còn bé xíu, khi coi những hoạt họa câm, tiếng nhạc hoặc âm thanh kèm theo những động tác của đủ loại thú vật trong phim khiến tôi thích thú vô cùng. Tôi đã bỏ những thú vui của trẻ con cùng trang lứa mà suốt ngày chỉ muốn sống với âm thanh và tiếng nhạc. Má tôi tuy không ngăn cấm nhưng cũng không khuyến khích nhiều. Sau này khi tôi hơi lớn thêm một chút và thấy tôi cứ ca hát suốt ngày, bà thường chỉ cười và nói: “Khi nào con hát cho má nghe được bài Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh thì lúc đó má sẽ cho con đi hát”. Má tôi rất thích bài hát này, suốt thời thơ ấu tôi thường nghe má ngâm và hát những bài ca quen thuộc về quê hương Hà Tĩnh khi ru các em tôi ngủ.

– Còn tiếp –

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Đọc bài viết

Trích đăng

Tại sao bọn trẻ không “vui vẻ” cho người lớn đỡ phiền?

Tại sao mỗi khi chúng ta cố dỗ bọn trẻ là y như rằng chúng nó càng làm dữ hơn? Rõ ràng ý định của chúng ta là vỗ về bọn trẻ. Để dạy chúng rằng chút xóc nảy tí tẹo trên đường đời vẫn có thể vượt qua mà không cần phải lao cả xe xuống mương.

Published

on

By

Trích từ: Nói sao khi trẻ không nghe lời
Tác giả: Joanna Faber, Julie King
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 7.2023

– – –

Mường tượng về cuộc sống của mình sau này – khi có ngôi nhà và những đứa trẻ của riêng mình – chúng tôi đoán chắc bạn sẽ mường tượng ra một cuộc sống với loạt khoảnh khắc đẹp như mơ.

Hễ đối mặt với xung đột hay đau khổ là ta lại muốn quay về với cảnh tượng hạnh phúc mình từng vẽ ra trong đầu. Thế nhưng, những nỗ lực quả cảm nhất và hữu ích nhất của ta những mong sẽ giúp ích hoặc sẽ khắc phục vấn đề – hóa ra lại khiến sự việc càng trở nên rối rắm.

Tại sao mỗi khi chúng ta cố dỗ bọn trẻ là y như rằng chúng nó càng làm dữ hơn? Rõ ràng ý định của chúng ta là vỗ về bọn trẻ. Để dạy chúng rằng chút xóc nảy tí tẹo trên đường đời vẫn có thể vượt qua mà không cần phải lao cả xe xuống mương. Mọi thứ rồi SẼ ỔN thôi! Ấy thế nhưng thông điệp lọt vào tai bọn trẻ lại rất khác: “Con đừng hòng có thứ con muốn và bố thì cóc quan tâm, bởi vì cảm xúc của con đâu quan trọng đến nỗi phải bận tâm”. Thành ra, nỗi đau khổ tăng lên gấp bội – cộng dồn vào nỗi thất vọng ban đầu về việc hết sạch thanh ngũ cốc – là cảm giác lẻ loi trống vắng mà bạn cảm thấy nhưng rồi nhận ra không ai quan tâm đến việc bạn đang buồn thế nào.

Thật ra, đối với người lớn, thanh ngũ cốc chỉ xếp hạng chót trong bảng xếp hạng thảm họa toàn cầu. Nhưng đối với đứa trẻ đang thất vọng tràn trề, thứ quà vặt thiếu hụt đó gây ra nỗi buồn vô hạn không thua kém bất kỳ thảm họa xinh xẻo nào ập xuống mỗi ngày trong quá trình trưởng thành của người lớn chúng ta. Việc này khó chịu sánh ngang với chuyện chị đồng nghiệp xấu tính cứ lấy bút của bạn dùng mãi mà không chịu trả, đúng không? Đừng cằn nhằn nữa! Việc nhỏ xíu xiu ấy mà! Còn chuyện bạn của bạn đem vấn đề sức khỏe cá nhân của bạn đi rêu rao khắp nơi thì sao? Bạn phản ứng thái quá rồi đấy. Đừng nhạy cảm thế chứ! Hay như chuyện anh thợ sửa xe tính tiền sửa hộp số quá đắt nhưng chỉ một tuần sau cái hộp số đó lại hỏng, nhưng anh ta kiên quyết không hoàn tiền cho bạn thì thế nào? Ơ hay, cuộc sống là thế! Khó chịu thì được ích gì.

Đừng nổi cáu nhé. Chúng tôi chỉ đang cố giúp bạn thôi, bằng cách giải thích cặn kẽ lý do tại sao bạn sai khi cảm thấy bực bội trong người.

Đúng là tức điên lên được khi những thất vọng của chính ta được cho là chẳng đáng kể trong kế hoạch lớn lao thì chớ, lại còn bị vo viên rồi ném đi. Khi ai đó cố gắng xoa dịu ta bằng cách giảm nhẹ những rắc rối nọ thì ta lại cảm thấy nghẹn lòng, bức bối hơn – thậm chí trong lòng còn dấy lên làn sóng giận hờn mới, phải trút lên người đang cố xoa dịu mình. Đám trẻ ở nhà cũng không khác chúng ta là mấy.

Ngay cả chuyên gia được đào tạo chuyên môn bài bản vẫn có thể vô tình làm cho trẻ đau khổ hơn thêm.

Chúng ta sốt sắng muốn dạy trẻ hình thành một góc nhìn nào đó – rằng con không được suy sụp trước mỗi một điều bé tí ti trong cuộc sống. Chẳng phải một trong những nhiệm vụ của phụ huynh là giúp con nhận ra điều quan trọng với điều không quan trọng sao? Đúng! Nhưng sai thời điểm! Thời điểm bạn buồn vì đôi giày mới mua bị đánh cắp không phải là thời điểm bạn muốn ai đó lên tiếng nhắc nhở rằng phải biết ơn vì bạn vẫn còn đôi chân. Đến khi bạn mất đôi chân vì bệnh tật, bạn càng không muốn người khác xuất hiện để nhắc nhở rằng bạn thật may vì có những người còn không có chân nào nữa kìa. Chắc chắn, sẽ có một thời điểm nào đó tốt hơn để nêu quan điểm, nhưng ngay lúc này, bạn sẽ đánh giá cao chút lòng thấu cảm chân thành hơn là một lời động viên sáo rỗng.

Hiểu một cách trí tuệ, chúng ta biết rằng không nên cố khuyên người khác thôi đau khổ ngay đúng thời điểm họ đang khốn khổ. Thế nhưng, chúng ta vẫn bị thôi thúc mạnh mẽ phải giảm thiểu hay loại bỏ cảm giác tiêu cực ở con mình, vì lợi ích của con lẫn lợi ích của chúng ta. Khi con trẻ kể lại chuyện không vui của con, rất tự nhiên chúng ta liền cố thuyết phục con rằng sự việc thật ra không tệ đến vậy. Chúng ta phản ứng bằng tâm trạng bực bội, thất vọng, và thế là, trước khi mọi người liên quan kịp biết điều gì đang diễn ra thì tất cả đã bị cuốn vào vòng xoáy tức giận. Càng cố dập lửa, lửa càng bùng cháy dữ dội. Hóa ra, chúng ta đang đổ dầu chứ không phải đổ nước vào lửa.

PHẢI LÀM GÌ BÂY GIỜ?

Thế đấy, chẳng ích gì khi cố gắng giúp con nhìn vào mặt tươi sáng của vấn đề, hoặc bảo con nên chấp nhận và ngừng than vãn bởi vì vấn đề của con nào có tệ gì đâu. Làm gì bây giờ? Cứ ngồi tọt vào ghế sofa đeo tai nghe chống ồn chăng? Hiển nhiên, chúng ta NÓI hay LÀM gì cũng chỉ khiến cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, đúng không?

Chúng tôi rất vui vì bạn đã đặt ra câu hỏi này! Và xin giới thiệu đến bạn các mẹo hay sau đây có thể áp dụng mỗi khi con bạn tuột cảm xúc.

Mẹo #1: Thừa nhận cảm xúc bằng lời nói

Thay vì tranh cãi, bảo rằng con thật ngốc, hoặc con sai rồi, hoặc con vô lễ, hoặc con phản ứng thái quá, hãy dừng lại và tự hỏi: Con mình đang cảm thấy gì? Con bực mình, con thất vọng, con tức giận, con khó chịu, con buồn, con lo lắng, hay con sợ hãi?

Bạn nắm vấn đề rồi chứ?

Bây giờ hãy chứng tỏ cho con thấy là bạn đã hiểu sự tình. Chúng ta đang tìm kiếm điều gì? Đó là lời nói mà bạn muốn chia sẻ bằng cảm xúc chân thành, bằng lòng thấu cảm thật sự với một người bạn. Nghe điên rồ quá nhỉ. Ôi, con đang thất vọng lắm nhỉ! Ừ, tình huống này khó chịu thật đấy! Hình như lúc này con đang rất khó chịu với anh trai, với cô giáo, hay với bạn của con.

Mẹo #2: Thừa nhận cảm xúc bằng chữ viết

Việc viết ra giấy có sức mạnh nào đó khiến con trẻ cảm thấy như con đang được tôn trọng. Ngay cả trẻ còn rất nhỏ tuổi, chưa biết đọc, vẫn rất vui sướng khi những suy nghĩ của con được cha mẹ viết ra và đọc lại cho con nghe. Nên viết thành một danh sách – danh sách những điều ước, danh sách đi mua sắm, danh sách những nỗi lo hoặc những nỗi bất bình.

Mẹo #3: Thừa nhận cảm xúc bằng tranh vẽ

Tranh vẽ cũng là chiêu an ủi thần kỳ khi con trẻ gặp phải cảm xúc mạnh. Tin tốt là bạn không cần phải là họa sĩ. Những hình vẽ ngay đơ vẫn có tác dụng như thường! Đôi khi con trẻ muốn tham gia, tự tay vẽ ngay cho cha mẹ thấy cảm xúc buồn bực hay tức giận của con bằng bút chì, phấn hoặc bút màu sáp. Ngay cả hạt ngũ cốc cũng có thể dùng để phác họa khuôn mặt buồn thiu, cho con biết cha mẹ hiểu con đang có cảm giác thế nào.

Mẹo #4: Tưởng tượng điều bạn không thể làm trong thực tế

Khi con trẻ muốn một thứ gì đó mà chúng ta không thể đáp ứng cho con, thế là ta nhất định phải giải thích cho con lý do tại sao con không thể có điều đó. “Mẹ đã nói với con rồi, bây giờ chúng ta không thể đi bơi được con à, vì hôm nay là ngày hồ bơi đóng cửa. Khóc lóc cũng chẳng ích gì”. Kiểu lập luận thế này hiếm khi thuyết phục được con. Nhưng con sẽ vui lên ngay nếu bạn nói, “Ồ, mẹ ước gì bể bơi mở cửa suốt đêm luôn. Cho mẹ con mình tha hồ bơi lội dưới ánh trăng!”

Lần tới, hễ thấy mình muốn phát ngôn một thực tế lạnh lùng, gay gắt, hãy dành chút thời gian tìm cách thay đổi lời nói. Hãy nói với con là bạn ước gì mình có đũa thần để biến ra một bồn tắm đầy kem, hoặc bạn ước có robot xuất hiện giúp bạn dọn dẹp, hoặc thật tuyệt biết bao nếu có một chiếc đồng hồ đóng băng thời gian để con được chơi thêm 100 giờ nữa.

Mẹo #5: (Hầu như) im lặng thừa nhận cảm xúc

Đôi khi chỉ cần tỏ ra đồng cảm là đủ. Hãy chống lại thôi thúc nói đạo lý với con, đặt câu hỏi hoặc đưa ra lời khuyên cho con. Thay vào đó, bạn chỉ cần lắng nghe con, kèm theo những âm thanh ổ, ừm, à!

Đúng, nhưng…

Rõ ràng, có những lúc con trẻ cảm thấy rất tồi tệ. Chiếc bánh quy tuột khỏi tay con, rơi xuống sàn vỡ thành từng mảnh, rồi liền bị con chó đang chầu chực ăn mất. Mà đó là chiếc bánh quy cuối cùng. Hộp bánh hết trơn rồi! Vừa học xong phần thừa nhận cảm xúc, chúng ta liền chuyển sang giải cứu cảm xúc bằng cách chống lại ý muốn cằn nhằn con, “Trời, cầm như thế kiểu gì bánh chả vỡ! Lẽ ra con phải biết trước chứ”. Thay vì thế, chúng ta thủ thỉ một cách đồng cảm, “Ồ, con muốn ăn chiếc bánh quy đó quá chừng mà! Con không muốn Speedy ăn mất đâu nhỉ. Nó nhanh quá mà! Nó biết phải ăn ngay không thì sẽ mất. Ước gì mẹ có đũa thần để biến ra một hộp bánh quy khác ngay lập tức! Chúng ta nên làm gì bây giờ! Con có muốn giúp mẹ viết chữ BÁNH QUY vào danh sách đồ cần mua không? Hãy viết chữ bánh quy thật to vào nhé. Để ở chỗ nào mà chúng ta vẫn có thể nhìn thấy nó ấy”.

Mà này, đây đúng là giải vô địch lý lẽ kiểu con nít. Bạn vừa ngăn một cuộc khủng hoảng bánh quy, vừa vận động con nâng cao tinh thần hợp tác vừa khuyến khích con học đánh vần. Nhưng đôi khi rất khó để hiểu cảm xúc của con. Làm sao chúng ta có thể nhận thấy trước việc con bất chợt khó chịu hay tức giận. Chúng ta cứ tưởng mình sẽ có cuộc trò chuyện vui vẻ, hợp lý hợp tình, thế mà đùng một cái, chúng ta lại rơi vào cơn xoáy kịch tính. Chuyện quái gì vừa xảy ra vậy nhỉ?

Chà, quý độc giả thân mến, để tiện cho bạn, sau đây chúng tôi sẽ tổng hợp danh sách những kiểu tương tác điển hình có thể khiến đôi bên đang yên đang lành bỗng nảy sinh xung đột trong nháy mắt. Bí kíp là hãy nhận biết lúc con trẻ đương có biểu hiện cảm xúc mạnh ngay cả khi con không thể hiện rõ ràng.

Những biểu hiện cảm xúc mập mờ

1. Khi cứ tưởng con đặt câu hỏi

“Sao mẹ không đem trả em bé đi?”

“Con cần phải mặc quần à?”

“Con phải làm bài văn này thế nào đây?”

Câu hỏi trực tiếp xứng đáng nhận câu trả lời trực tiếp... đúng không?

“Bởi vì em ấy là một thành viên của gia đình mình!”

“Mẹ nói con rồi, ngoài kia 20 độ đấy!”

“Ờm, trước tiên con cần lập dàn ý”.

Thế nhưng, đôi lúc câu trả lời thẳng vào trọng tâm lại khiến con trẻ kích động hơn. Dù có thể con không biết định nghĩa của “câu hỏi tu từ”, nhưng chắc chắn con đang hỏi bằng câu hỏi tu từ đấy. Sẽ hữu ích hơn nếu bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách ghi nhận cảm xúc đằng sau câu hỏi.

“Em bé giành nhiều sự chú ý quá! Đôi khi con cảm thấy mình mất đi vị trí là người duy nhất trong nhà được quan tâm”.

“Ồ, con ước gì trời ngoài kia ấm hơn! Để con mặc quần đùi cho thoải mái!”

“Bài tập làm văn này có vẻ hơi quá sức con. Nó gồm nhiều phần, thật khó biết phải bắt đầu từ đâu”.

Bằng cách chấp nhận cảm xúc đằng sau câu hỏi của con cũng đủ làm dịu bớt xung đột và giúp con chấp nhận nỗi thất vọng hoặc vượt qua nỗi lo âu. Hoặc có khi như thế vẫn chưa đủ. Chính vì vậy mà chúng tôi viết Chương hai và Chương ba về cách tương tác và giải quyết vấn đề. Nhưng trước khi bạn lướt qua, hãy ghi nhớ rằng tất cả các mẹo đều bắt đầu từ đây – thừa nhận cảm xúc! Chúng ta cần thiện chí để giải quyết xung đột mà không gây chiến, và thừa nhận cảm xúc là cách để tạo thiện chí.

2. Khi cứ tưởng con muốn xin lời khuyên

Xem ra chúng ta vừa được trao cho cơ hội vàng để chia sẻ sự khôn ngoan “có một không hai” trên đời của mình.

Tại sao nghe xong con lại đùng đùng bỏ đi và đóng cửa đánh sầm thế?

Hãy cưỡng lại thôi thúc cho lời khuyên ngay lập tức. Hãy cân nhắc xem có phải con đang bộc lộ cảm xúc, và phản ứng tốt nhất chính là bắt đầu thừa nhận cảm xúc của con. Nhưng cảm xúc đó là gì? Chúng ta hãy phỏng đoán chút nào.

Bạn có thể thấy phụ huynh trong cuộc trò chuyện này đã đưa ra một đề xuất. Nếu bạn dành nhiều thời gian để chấp nhận cảm xúc của con, có thể con sẽ dễ dàng tiếp nhận lời đề nghị mà bạn đưa ra một cách trang trọng. Vấn đề là đúng thời điểm! Nếu chúng ta bắt đầu trò chuyện bằng câu “Tại sao con không thử?”, thì nhiều khả năng con sẽ gân cổ lên cãi, hoặc đùng đùng bỏ đi. Con trẻ cần cảm thấy được thấu hiểu rồi mới sẵn sàng xem xét giải pháp.

3. Khi con phản ứng thái quá

“Em gì mà bé tí tẹo. Khi không được đáp ứng là khóc nhè”

“Con ghét thầy giáo!”

“Mẹ không bao giờ cho phép con làm điều con thấy vui!”

Bản năng mách bảo chúng ta phải điều chỉnh lại cung cách ứng xử và phát ngay cho con liều thuốc thực tế:

“Con phải kiên nhẫn với em hơn. Khi bằng tuổi em, con cũng thế mà”.

“Con không được ghét thầy giáo. Con phải biết là may mắn lắm con mới được học lớp thầy đấy”.

“Đừng lố bịch. Con chỉ lỡ một bữa tiệc thôi mà. Còn rất nhiều bữa tiệc khác”.

Thế mà, bằng cách này hay cách khác, tất cả những phản hồi kiểu trên đều khơi mào cơn thịnh nộ nơi con hơn là khiến con bình tĩnh lại. Hãy ghi nhận cảm xúc đằng sau những phát ngôn khó chịu của con. Dưới đây là một số kiểu mào đầu cuộc trò chuyện có khả năng giảm nhiệt và dọn chỗ cho những đối đáp văn minh hơn:

“Có em lẽo đẽo bên cạnh không phải lúc nào cũng dễ chịu. Em hay giật đồ của con, và thường hét toáng lên mỗi khi thất vọng”

“Hình như hôm nay thầy giáo đã làm gì đó khiến con thực khó chịu!”

“Nghe như bữa tiệc này vô cùng quan trọng đối với con. Mẹ ước gì chúng ta có thể ở hai nơi cùng một lúc”.

Không phải mọi tình huống đều đòi hỏi sự thừa nhận cảm xúc!

Nghe bạn nói như thể tất tần tật mọi thứ đều dính líu đến cảm xúc. Thật mệt mỏi làm sao! Liệu chúng tôi sẽ vượt qua một ngày như thế nào đây?

Bạn đã nắm bắt được mấu chốt vấn đề! Chúng ta biết rằng khi cảm xúc mạnh dâng trào, ta thường có thể tránh xung đột và tiết kiệm năng lượng nếu chịu xử lý cảm xúc trước. Tất nhiên, sau đó bạn sẽ có dư thời gian sống cuộc đời mình mà không còn bị cảm xúc kịch tính đeo bám.

Khi con trẻ đặt câu hỏi mà con thật sự muốn có câu trả lời thì câu hỏi sẽ như thế này:

Bạn không cần phải đáp dông dài, “Hình như con đang thất vọng và không biết cách phát âm tập hợp những mẫu tự vừa lạ vừa khó hiểu”. Bạn chỉ việc đọc dứt khoát: “con cá”.

Nếu học sinh lớp bạn hỏi:

Bạn không cần phải sa vào bài diễn văn nhiều hàm ý, “Hmm, ánh sáng trong nhà có thể khiến ta trầm cảm nặng, nhất là khi ngồi dưới cả rừng bóng đèn huỳnh quang”. Bạn chỉ việc trả lời ngắn gọn: “Có!”

Khi con trẻ thắc mắc:

Bạn không nhất thiết phải thăm dò cảm xúc. “Ôi trời, ý nghĩ đáng sợ quá nhỉ”.

Cứ thoải mái cung cấp thông tin: “Không, cọp chỉ có trong sở thú thôi!” Hoặc, nếu có cọp đang lảng vảng trong khu phố thật thì bạn có thể nói: “Có! Nếu trông thấy cọp thì con hãy bình tĩnh và chầm chậm bước lùi lại”.

Nhiều người tham gia hội thảo đã chia sẻ với chúng tôi rằng mỗi khi tìm cách thừa nhận cảm xúc của con, sẽ hữu ích khi tưởng tượng bản thân đang nói chuyện với một người bạn đồng vai phải lứa. Khi nói chuyện với người đồng vai phải lứa, tự nhiên chúng ta dễ trở nên đồng cảm mà không phủ nhận cảm xúc của đối phương, cũng không muốn chất vấn, lý luận hay cho lời khuyên dông dài. Nhưng ngay cả khi giao tiếp với người lớn, đôi khi bản năng cũng dễ khiến ta thất bại trong cách cư xử.

Câu chuyện của Joanna

Cách đây không lâu, tôi nhận được điện thoại từ một người bạn, cô ấy vừa mới nhận được giấy chẩn đoán xét nghiệm. Cô ấy nói với tôi, “Em lo quá, tệ nhất là bệnh có nguy cơ biến chuyển thành ung thư”. Lập tức bản năng mách bảo tôi nói cô ấy hãy gạt bỏ nỗi sợ ấy đi. Không phải thế đâu. Tuyệt đối đừng nghĩ như vậy! Trong đầu tôi cứ quay quắt với suy nghĩ đó. Cuối cùng, tôi trả lời, “Thật khó mà vác nỗi lo nặng trĩu đó”.

Bạn tôi liền bùng nổ, “ĐÚNG VẬY! Rồi chị biết người ta nói gì với em không? Họ bảo em thậm chí không cần nghĩ về nó! Quá lố bịch phải không chị? Làm thế nào để không nghĩ về nó chứ?”. Tôi đồng ý rằng quả là lố bịch khi bảo ai đó đừng nghĩ về con voi màu hồng trong phòng. Cả hai chúng tôi đều bật cười. Tôi không thừa nhận với cô ấy rằng chính tôi cũng định nói ra những lời giống hệt mấy người “lố bịch” nọ.

Khi chấp nhận cảm xúc tiêu cực của người gặp chuyện không may, tức là chúng ta đang tặng cho cô ấy một món quà. Ít nhất có một người khác trên thế giới hiểu cô ấy đang phải trải qua điều gì. Cô ấy không đơn độc.

Thừa nhận cảm xúc không chỉ là một thủ thuật hay kỹ thuật. Đó là một công cụ có thể làm biến chuyển các mối quan hệ. Nó không đảm bảo rằng bọn trẻ sẽ vui vẻ dắt chó đi dạo, sẽ đánh răng hoặc đi ngủ đúng giờ, nhưng nó tạo ra bầu không khí thiện chí mà trong đó tất cả mọi việc đều trở nên dễ dàng hơn và dễ chịu hơn. Nó cũng đặt nền tảng để con trẻ phát triển khả năng quan tâm và chấp nhận cảm xúc của người khác.

Nhưng bạn không cần phải nghe theo lời của mỗi chúng tôi. John Gottman, nhà nghiên cứu nổi tiếng về tâm lý học trẻ em, đã xuất bản sách về nghiên cứu của mình. Trong nhiều năm, ông đã quan sát và so sánh các bậc cha mẹ có các phong cách giao tiếp khác nhau với con mình. Kết quả cho thấy những đứa trẻ được cha mẹ thừa nhận cảm xúc thường định hình nên những phẩm chất mạnh, bất kể chỉ số IQ của các con, bất kể cha mẹ các con thuộc tầng lớp xã hội hay trình độ học vấn thế nào. Các con có khả năng chú ý lâu hơn, làm bài kiểm tra tốt hơn và đạt thành tích học tập tốt hơn. Các con ít gặp vấn đề về hành vi hơn – hòa thuận hơn với giáo viên, phụ huynh, và bạn cùng lớp. Các con có khả năng đề kháng các bệnh truyền nhiễm tốt hơn, thậm chí ít hormon căng thẳng hơn trong nước tiểu. Vì vậy, xem ra nếu muốn con trẻ có lượng nước tiểu chất lượng cao (cha mẹ nào mà không muốn chứ?) chúng ta nên thừa nhận cảm xúc của con!

– Còn tiếp –

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Đọc bài viết

Trích đăng

Chốn giải trí ở Phú Nhuận trước 1975

Cơ sở vật chất ở rạp này xập xệ, ghế gỗ lung lay và khai mùi nước tiểu cũng không ngăn được khán giả, nhất là học trò vào xem phim, đặc biệt là trong dịp hè. Rạp Văn Cầm trở thành ký ức khó quên của vài thế hệ người Phú Nhuận.

Published

on

By

Trích từ: Hồi ức Phú Nhuận
Tác giả: Phạm Công Luận
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 8.2023

– – –

Là thôn, làng, sau thành thị xã Phú Nhuận thuộc quận Tân Bình tỉnh Gia Định, Phú Nhuận vẫn có những hoạt động không hề kém cạnh các địa phương khác ở Sài Gòn trong lãnh vực giải trí.

Cái nôi của ba đoàn cải lương và gánh hát mang tên “Phú Nhuận”

Thời Pháp thuộc, năm 1930, làng Phú Nhuận đã có đoàn hát cải lương được lập ra ở đây. Đó là đoàn Phước Trung Nam của bà Hai Vân, một đoàn nhỏ chuyên hát tuồng Tàu. Gánh này được lập từ xác gánh Đồng Bào Nam của cô Tư Sự. Nghệ sĩ cải lương gạo cội Ba Vân sau chuyến đi diễn ở xứ Bắc trở về đã đi theo hát cho đoàn Phước Trung Nam này. Các đào kép trong đoàn có: kép Ba Giáo dân Bạc Liêu, cô Ba Ngọc Anh làm đào chánh đóng cặp với Ba Vân, đào Hai Vàng ở Mỹ Luông – Long Xuyên, đào Ba Hường (vợ của Ba Tâm, sau đổi tên là Bạch Hường) cũng khá nổi tiếng thời đó, kép Hai Đại ở bên gánh Đồng Bào Nam qua. Thầy tuồng của đoàn là ông Nguyễn Công Mạnh, một soạn giả nổi tiếng, và ông Bảy Phát. Ông Bảy người Bến Tre, cũng đã viết nhiều tuồng, nhất là các loại tuồng về chiến tranh, có các màn bắn súng, đi dây. Gánh Phước Trung Nam không sống được lâu, sau khi gánh rã, đào kép kéo qua gánh Vương Huỳnh cũng được lập trong năm 1930 (theo Nghệ sĩ Ba Vân, Hồi ký kể chuyện cải lương, NXB TP.HCM, 1988).

Sau gánh cải lương Phước Trung Nam, cho đến giai đoạn từ 1954-1975, ở Phú Nhuận hình thành hai đoàn cải lương được xem là đại ban trong giới sân khấu cải lương, đó là đoàn Thủ Đô của ông bầu Ba Bản và đoàn cải lương Hương Mùa Thu của soạn giả Thu An và vợ là nghệ sĩ Ngọc Hương.

Chị Kim Nga, một thành viên trên trang facebook “Phú Nhuận ngày xưa" cho biết, trong những năm 1979-1981, nghệ sĩ Hữu Lợi có lập gánh hát nhỏ lấy tên là gánh Phú Nhuận, chỉ hát vòng vòng trong quận. Gánh hát đi tới đâu là mấy bà nội, bà ngoại xách giỏ trầu theo để coi. Mấy năm đó, dù cuộc sống đang khó khăn nhưng giới mê cải lương còn có được thú vui giải trí này. Chị kể: “Mỗi lần gánh chú Hữu Lợi về hát ở chùa Phú Thạnh trên đường Huỳnh Văn Bánh là tôi phải tranh thủ học bài xong sớm để tối còn đi coi hát. Mới đầu còn xách thùng đạn của ba đem theo để... ngồi. Riết rồi leo lên mấy ngôi mộ ngồi cho cao để coi cho sướng mà không ngán gì hết!”. Đó là ký ức vui về một gánh hát lấy tên Phú Nhuận ít ai biết.

Rạp hát ở Phú Nhuận

Rạp Văn Cầm: Là một rạp bình dân, giá vé rẻ nên đông khách, đa số là thanh thiếu niên. Rạp thường xuyên chiếu nhiều loại phim dù có chậm hơn so với các rạp ở Sài Gòn. Phim Hollywood đang trong thời điểm vàng son, với những phim cao bồi viễn Tây và phim La Mã rất được yêu thích khi cho chiếu ở đây. Ông chủ rạp có chiêu thu hút khách qua đường là trước mỗi suất chiếu đều cho máy phát qua loa phóng thanh tiếng hát ca sĩ Hoàng Oanh (lúc đó đang rất được ưa chuộng) sang phía chợ Phú Nhuận đông đúc. Khoảng đầu thập niên 1970, rạp bội thu vì nhiều người mua vé xem phim đánh đấm võ thuật Hồng Kông, như các phim có Lý Tiểu Long, Trần Tinh, Ngũ hổ tướng có Khương Đại Vệ, Địch Long, Trần Quang Thái... Khán giả muốn xem phải xếp hàng mua vé tới tận đường Cô Bắc, Cô Giang.

Cơ sở vật chất ở rạp này xập xệ, ghế gỗ lung lay và khai mùi nước tiểu cũng không ngăn được khán giả, nhất là học trò vào xem phim, đặc biệt là trong dịp hè. Rạp Văn Cầm trở thành ký ức khó quên của vài thế hệ người Phú Nhuận.

Rạp Cẩm Vân do ông Đội Có xây nên, cho mướn hát bội, hát cải lương và chiếu phim. Theo cuốn 300 năm Phú Nhuận: mảnh đất – con người – truyền thống, khoảng năm 1945, rạp này được cất bằng vách ván, cột gỗ, có mái cao, trước một bãi đất trống. Rạp bị cháy trong một trận đánh giữa quân kháng chiến với thực dân Pháp lúc 10 giờ đêm. Quân kháng chiến đột nhập vào rạp, khống chế gia đình người gác dan, quấn vỏ xe cũ dưới các chân cột, chất ghế gỗ chung quanh tường, gài từng chùm lựu đạn rồi tưới xăng châm lửa. Rạp cháy sập, sau được dựng lại. Khoảng thập niên 1950, rạp có hát cải lương với các tuồng Tàu do ban Đồng Ấu đóng, đoàn cải lương có nghệ sĩ Kim Cương diễn. Thời trước 1975 còn có đồ án làm Thương xá Cẩm Vân nhưng chưa hoàn thành.

Ngoài ra, các đình chùa cũng có đoàn cải lương, hát bội đến diễn, như đình Phú Nhuận, đổi Phú Hữu. Đền Phú Hữu, còn gọi là đình Ông Cọp, là nơi đoàn cải lương Hồ Quảng Huỳnh Long diễn hằng đêm với các nghệ sĩ nổi tiếng: Hữu Lợi, Đức Lợi, Bửu Truyện, Ngọc Đáng, Thanh Thế...

Vũ trường và phòng trà

Trước năm 1975, Phú Nhuận có hai vũ trường và phòng trà có tiếng, không kém các tụ điểm giải trí ở Sài Gòn.

Khiêu vũ trường Victoria Dancing: Có gắn máy lạnh ở số 429 Võ Di Nguy (nay là đường Phan Đình Phùng). Ở đây mời được nhiều ban nhạc chơi nhạc khiêu vũ đúng sở thích của khách và có ban kích động nhạc chơi khá tưng bừng, sôi động. Ca sĩ Trúc Mai, từng cộng tác độc quyền ở đây, rất được ái mộ vì cô ít khi có mặt tại các vũ trường mà chỉ xuất hiện trên băng tần số 9 Đài THVN. Ngoài ra, còn có các ca sĩ khác. Vũ trường được báo chí giới thiệu là có nhóm vũ nữ được xem là điêu luyện, không gian ấm cúng, thoải mái, mát mẻ, xe cộ của khách có chỗ đậu và trông coi cẩn thận, giá ăn, uống và ticket rất hợp lý.

Bộ ba nghệ sĩ sáng lập phòng trà Tùng Lâm & Lệ Liễu ở Phú Nhuận: Duy Mỹ, Kim Vui và Tùng Lâm.
Nguồn: TLTG.

Phòng trà Tùng Lâm & Lệ Liễu: Cuối thập niên 1950, trước khi tham gia cùng tam ca Sao Băng, có một thời gian ngắn nghệ sĩ Duy Mỹ kết hợp với ca sĩ – diễn viên điện ảnh Kim Vui và Tùng Lâm để diễn ca nhạc. Bộ ba này rất được khán giả yêu thích tại phòng trà Tùng Lâm & Lệ Liễu, nằm ngay góc đường Thái Lập Thành – Chi Lăng (nay là Phan Xích Long - Phan Đăng Lưu). Ca sĩ đẹp trai Duy Mỹ thường được khán giả yêu cầu hát nhạc ngoại quốc tại đây. Theo nhà văn Hồ Trường An, đến năm 1962, ông đến phòng trà này và nghe Kim Vui hát với dáng vẻ lộng lẫy: “Chị ưa diện áo đầm hở vai hở ức bằng nhung đen, mang găng tay đen kéo dài khỏi khuỷu tay, tóc uốn quăn nhưng chưa xõa xuống vai. Trông chị rất giống Rita Hayworth trong phim Gilda. Đôi lúc chị mặc áo nhiều tầng xếp, đeo khoen tai to như cô đào loại Vamp: Jare Russell trong cuốn phim L'Ardente Gitane hoặc cô đào Viviane Romance trong phim Carmen.” Tại đây, ca sĩ Phương Dung đã có những đêm diễn đầu tiên trong sự nghiệp ca hát.

– Còn tiếp –

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Đọc bài viết

Cafe sáng