Trà chiều

“Tại sao cậu lại viết văn?”

Tôi luôn mệt mỏi với chính những suy nghĩ của mình. Tôi viết chỉ là một cách để giải thoát nó thôi.

Published

on

Tôi nhớ những buổi trưa quây quần với những cái xô. Xô đựng màu, xô đựng nước, xô đựng ly, xô đựng vĩ, xô đựng những chiếc cọ… có xô nào đựng nỗi cô đơn không? Nếu thế thì tôi sẽ tìm một cái muỗng thật lớn. Không, nhỏ thôi cũng được và sau đó tôi sẽ chậm rãi múc nó khỏi người mình rồi bỏ vào cái xô ấy mà mang đi cất ở đâu đó. Y như cách người ta múc canh từ trong chiếc nồi lớn vào chén nhỏ. Chỉ có điều khác biệt ở đây là tiến trình của tôi thì ngược lại.

Những hộp màu. Bao giờ mở ra chúng cũng dấy lên một mùi. Có lẽ đó giống như mùi sữa chua, thứ sữa chua của loại yaourt mà ai đó trót quên bỏ vào tủ lạnh để giữ cho nó tươi và người đó cũng quên cả việc ăn nó. Mà không, có lẽ người đó cố tình không ăn vì yaourt để lâu rồi làm sao mà ăn được. Không ai tự dưng muốn ôm một cơn đau bụng vào người mình cả. Nếu là tôi buộc phải chọn lựa, tôi cũng không dám chắc mình có ăn nó không? Tôi sẽ níu giữ lại những thứ mà mình đã cố quên đi sự tồn tại của nó, để rồi bây giờ đang nhớ thương nó hay cứ tiếp tục cố gắng tập quên đi? Đôi khi, đau bụng cũng không phải là chuyện xấu. Và nếu tôi cứ ôm hết cơn đau bụng này đến cơn đau bụng kia thì chắc nó cũng là một điều tốt.

“Khi tô màu như thế này, các em cảm thấy relax lắm phải không? Bận rộn, mệt mỏi làm việc mà tô màu xem như cũng thư giãn được nhiều lắm đó.”

Thầy ấy nói như thế. Và tôi thấy nhớ vô cùng những buổi trưa quây quần với mùi sữa chua đó. Những hộp màu. Vì chúng đã cũ kĩ nên mới có mùi sữa chua. Tôi luôn mệt mỏi với chính những suy nghĩ của mình. Tôi viết chỉ là một cách để giải thoát nó thôi.

“Tại sao cậu lại viết văn?”

Một ngày, đột nhiên có ai đó nhắn cho tôi một cái tin như vậy. Tại sao? Lâu lắm rồi không có người hỏi tôi câu này. Tôi cứ miệt mài viết từ ngày này qua tháng nọ. Có lúc, chính việc viết lại làm tôi thấy mệt mỏi hơn. Tôi muốn ngưng nhưng rồi tôi đã tiếp tục viết. Cứ thế mà đã được 10 năm rồi. Từ lúc tôi còn là một con bé học lớp 5 ghét văn trong trường rồi lủi thủi về nhà tự viết truyện không cần thầy cô nào chấm điểm cho đến bây giờ là một con bé vừa học khoa báo chí suốt ngày giằng co giữa tư tưởng báo với văn. Ừ, 10 năm. Tôi vẫn viết từ đó đến giờ. Hồi cấp 2, khi về quê, nội hỏi tôi: “Ước mơ của con là gì?”. “Con muốn trở thành một nhà văn”. “Nhà băng hả? Mày muốn làm ở ngân hàng giống chị mày hả?”. “Không nội. Nhà văn”. Tôi không biết là do thính giác của người già, do tôi nói nhỏ hay do nội không tin vào những gì tôi nói mà nội hỏi câu đó lại đến mấy lần. Cuối cùng thì nội bật cười. Tôi không thể nào quên cái cười của nội lúc đó rồi sau đó nói lớn với mọi người: “Nó muốn trở thành nhà văn đấy”. Mọi người cũng nhìn tôi cười. Những cái cười đó, nó nhẹ nhàng thôi. Ừ, thế mà bây giờ tôi vẫn nhớ. Tôi cũng không rõ mình nhớ điều gì. Âm điệu nụ cười, khuôn mặt họ chắc chắn là tôi không thể nhớ. Nhưng tôi nhớ cảm giác của mình lúc ấy là nhận ra được mọi người hình như xem nhẹ ước mơ của tôi. Họ không tin là tôi có nó. Nếu là hồi đó, có ai hỏi tôi câu sao lại muốn viết văn, chắc tôi sẽ trả lời những câu rất đao to búa lớn vì lúc ấy tôi suy nghĩ mọi thứ ngây thơ theo cách của một con bé học lớp 6. Năm tháng dần qua, câu trả lời sẽ dần khác. Có lúc thì tôi sẽ nói vì nó là ước mơ, nó là đam mê, vì tôi muốn sáng tạo nên một thế giới mới, vì tôi muốn là Thượng đế trong thế giới đó, tôi muốn tôi có quyền cho ai sống thì sống, cho ai chết thì chết, tôi muốn viết tiếp những câu chuyện dang dở ở ngoài đời thật của mình… vân vân và vân vân. Nhưng bây giờ, đi hết 2 năm mệt mỏi, sống trong môi trường của những người yêu báo chí, thấy cái cách người ta nghĩ về văn chương như thế nào, nhìn bạn bè đồng trang lứa với mình đa phần thích đọc loại sách văn học gì, cái gu thẩm mĩ của số đông các bạn trong lớp khác với tôi ra sao…vân vân và vân vân…suy nghĩ của tôi đã khác đi nhiều.

“Để dập tắt tiếng nói trong đầu của tớ.”

Phải. Bây giờ tôi viết văn chỉ đơn giản là như thế. Tiếng nói trong đầu tôi quá hiều. Tôi muốn nó im lặng. Nếu không thể dập tắt nó bằng thuốc ngủ, bằng một giấc ngủ dài thì chỉ còn cách viết ra nó. Khi nó nằm trên màn hình máy tính, nó sẽ không còn ở trong đầu tôi nữa, hoặc một phần nó thoát hơi ra khỏi tôi.

Những buổi trưa đó đã chấm dứt rồi.

Bây giờ, tôi biết tôi sẽ không còn có cái cớ cho mình vẽ hay tô màu vào mỗi trưa nữa. Sẽ lại là những tháng ngày như lúc trước.  Tôi yêu công việc tô màu hay là chỉnh sửa trên PS vì khi làm nó, tôi có thể nghe nhạc được. Thật kì lạ là người ta nói phụ nữ có thể cùng lúc làm nhiều việc nhưng tôi thì chỉ có thể làm được mỗi lúc một việc. Vừa tô màu/chỉnh sửa PS vừa nghe nhạc là thứ duy nhất tôi có thể làm cùng lúc. Lúc trước, tôi vẫn thường hay tô màu khi nghe nhạc của Joe Hisaishi. Bây giờ, tôi tô màu khi nghe nhạc của Yiruma. Đã hơn 1 năm rồi tôi không nghe nhạc của Joe. Tôi mới chuyển qua nghe nhạc của Yiruma từ hồi hè vì đột nhiên cảm thấy muốn nghe nhạc của ông ấy nhưng hình như cũng một phần vì tôi đang muốn trốn tránh Joe…Trốn cái giai điệu buồn giống như được viết lên từ một buổi hoàng hôn của Nostalgia, giống như được viết lên từ một đêm không ngủ rồi mọi cảm xúc chợt bừng lên của White night, hay là hình ảnh một người đàn ông hối hả chạy qua mùa hè, mùa thu, mùa đông mà vẫn không thể bắt kịp được mùa xuân trong Haru no ugoku shiro…Tôi nhớ Joe Hisaishi. Đột nhiên thấy nhớ ông nhiều quá.

“Đừng có ennnndure nhiều quá”

“Trời ơi! Vừa rồi tôi phải endureeeeee quá nhiều.”

“Ennnndureeee”

Endure. Endure. Endure.

Một người bạn năm cấp 3 của tôi rất thích nói chữ “endure”. Với tôi, điều đó đã trở thành đặc trưng của cô ấy. Thay vì nói “chịu đựng”, cô ấy luôn nói “endure”. Tôi lấy làm lạ vì trước đó và ngay cả bây giờ, tôi vẫn không gặp được một ai yêu thích chữ “endure” như cô ấy. Chưa bao giờ thú nhận nhưng tôi biết cô ấy nghiện chữ đó. Tôi thích cái cách tùy vào từng trường hợp mà cô kéo dài chữ “en” hay là chữ “dure”. Nhưng thông thường, cô sẽ kéo dài chữ “dure”. Nếu gặp những người gửi bài cộng tác cho chuyên mục “Tiếng nước tôi” của báo Tuổi Trẻ hay là những người học khoa ngôn ngữ…tôi dám chắc họ sẽ không thích và nói cô “vọng ngoại”. Hoặc là họ sẽ dùng chữ khác nhưng nói chung đều là giống như cái cách họ đã viết trên báo để phê phán những người trẻ bây giờ hay chêm tiếng nước ngoài. Không. Với tôi, đó không phải là sinh ngoại. Đó cũng là một dạng thức mà tâm hồn cô biểu lộ ra ngoài bằng lời nói. Chữ “endure” không phải là một chữ tiếng Anh thông dụng mà những bạn trẻ hồi đó và cả bây giờ nói. Phải có một cơ chế gì đó trong tâm hồn khiến cô không nói “chịu đựng” mà nói “endure”. Có phải là một điều gì đó đã bị méo mó đi không? Tôi nhớ quá. Nhớ cái âm điệu, khuôn mặt của cô khi nói “endure”. Mỗi lần cô động viên tôi, cô nói tôi đừng “endure” quá nhiều. Chỉ cần nghe cái âm tiết đó thôi, tôi đã cảm thấy mình có thể vượt qua nỗi buồn hiện tại. Đã lâu rồi tôi không gặp cô. Mới đó mà đã ba năm rồi. Tôi muốn lại nghe cô nói chữ “endure” như lúc trước. Nhưng có lẽ, bây giờ đã có quá nhiều chuyện xảy ra với cô. Có thể cô sẽ không còn kéo dài nó hay là nói với âm điệu như lúc trước nữa. Mà cũng có thể bây giờ cô đã hoàn toàn bỏ thói quen nói chữ “endure” đó rồi. Có thể cô đã nói “chịu đựng” chăng? Khi nghĩ như vậy, bất giác tôi thấy buồn. Đáng lẽ, với tư cách của một người có sở thích viết văn, tôi phải thấy vui vì như thế nghĩa là cô “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, cô không còn “sính ngoại” nữa. Ừ, đáng lẽ phải thế đấy. Vậy mà tôi thấy buồn và ước mong cô vẫn còn giữ chữ “endure” đó.

Nếu cô không giữ, tôi cũng đã là người cất giữ chữ ấy thay cô rồi.

Cô có còn nhớ không…đã từng có lúc cô rất thích nói endure?

Tôi đã bị cô lây nhiễm. Tô vô thức nói “endure” thay chữ chịu đựng lúc nào không hay. Mãi khi có người hỏi nó nghĩa là gì tôi mới giật mình, chữ “chịu đựng” của mình đâu mất rồi? Chữ endure khi kéo dài “dure” thật sự cho tôi có cảm giác từ âm tiết nó đã mang cảm giác chịu đựng nhưng đồng thời nó cũng khiến cho sự chịu đựng ấy như nhẹ nhàng hơn thì phải. Tôi đã nghiện dùng chữ “endure” ấy một thời gian dài. Tôi đã nghĩ rằng mình sẽ mãi dùng nó. Vậy mà cũng rất vô thức, chữ ấy đã lại biến mất khỏi lời nói của tôi lúc nào không hay. Tôi lại dùng chữ chịu đựng. Tôi không còn có thể nói “endure” kéo dài vừa ra vẻ khổ sở vừa hài hước như cô nữa.

Tôi nhớ. Nhớ lắm.

Nhớ endure. Nhớ cô.

“Endureeee”

Nếu có một ngày nào đó tình cờ gặp lại cô, không cần biết nội dung trong câu nói của cô là gì, bằng cách này hay cách kia, tôi lại muốn cô nói chữ ấy cho tôi nghe.

Với ý nghĩ đó, tôi bỗng thấy mình có chút tàn nhẫn. Chữ “endure” luôn gắn với những điều không vui vẻ mà. Tại sao tôi lại muốn người bạn của mình phải chịu đựng một điều gì đó…? Không được.

Tạm biệt những hộp màu mùi sữa chua.

Cuối cùng, chẳng có một chiếc xô nào cho tôi cả nên tôi tự “endure” với mớ màu sắc lộn xộn trong người mình.

Hết.

Freegene


Những bài viết có cùng chủ đề


1 Comment

1 Bình luận

  1. Pingback: Văn chương & Toán học: Vì sao chẳng dễ dàng chinh phục cả hai lĩnh vực? – Bookish

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Trà chiều

Sứ Đoàn Iwakura đạt Giải thưởng sách Quốc Gia 2024

Published

on

Giải thưởng Sách Quốc gia là giải thưởng do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hàng năm, trao giải cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ nhằm tôn vinh tác giả, dịch giả, nhà khoa học và người làm công tác xuất bản.

Tối ngày 29.11.2024 tại lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII, tác phẩm Sứ Đoàn Iwakura - Chuyến Tây Du Khảo Cứu Nhằm Canh Tân Nhật Bản Thời Minh Trị (Ian Nish biên soạn, Nguyễn Hoàng Mai - Nguyên Tâm dịch) hân hạnh được vinh danh giải Khuyến khích.

Sứ Đoàn Iwakura là tác phẩm nghiên cứu tập hợp nhiều tư liệu giá trị, giúp độc giả hiểu rõ hơn về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị dưới góc nhìn của người phương Tây. Để có một đường lối phát triển đất nước hoàn toàn mới, người Nhật đã khởi động chuyến công du gọi là Sứ mệnh Iwakura thăm Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu. Đây là một chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng đến mức khi nhắc về Minh Trị Duy Tân, người ta lập tức nhớ đến chuyến đi này.

Sách dày 427 trang, gồm 11 chương tổng hợp các bài viết của Ian Nish và 12 chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế khu vực Nhật Bản và Đông Á. Tám chương đầu, độc giả sẽ cùng phái đoàn đi qua tám cường quốc từ Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Nga, Thụy Điển và Italy. Bản ghi chép của những học giả góp phần tái hiện hành trình tìm kiếm “văn minh khai sáng” của sứ đoàn Iwakura tại trời Âu dưới góc nhìn của người phương Tây. Ba phần còn lại trong ấn phẩm là bài phân tích, nhận định của chuyên gia lịch sử, đánh giá tình hình nước Nhật sau chuyến công du.

Để hiểu thêm về một lát cắt lịch sử quan trọng của Nhật Bản, cũng như đọc thêm về chuyến đi được mệnh danh là “Chuyến công du lịch sử thay đổi nước Nhật”, mời bạn tìm đọc sách tại đây hoặc tại hệ thống các nhà sách Phương Nam trên toàn quốc.

Đọc bài viết

Trà chiều

Nhà Sách Phương Nam đồng hành cùng các bạn học sinh tham gia cuộc thi ‘F1 in Schools’

Published

on

F1 in Schools là một giải đấu mang tính giáo dục, cạnh tranh toàn cầu do Formula One kết hợp với chương trình quốc tế STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Giải đấu được tổ chức hàng năm dành cho học sinh trung học với mục đích giới thiệu kỹ thuật cho những người trẻ tuổi trong một môi trường thú vị. Mỗi đội thi (từ 3 - 6 học sinh) phải thiết kế và chế tạo một chiếc xe đua Công thức 1 cỡ nhỏ từ Khối mô hình F1 chính thức bằng các công cụ thiết kế CAD/CAM.

Năm 2024, ADUA Racing - đội bao gồm các học sinh cấp 2 của trường British International School Ho Chi Minh City đã vinh hạnh giành được cơ hội tham gia vòng chung kết cuộc thi F1 in Schools ở Dubai, Ả Rập Saudi. Đây là đội duy nhất đại diện Việt Nam tham gia vòng chung kết năm nay.

Những nỗ lực rèn luyện, khả năng sáng tạo, tư duy học tập đáng ngưỡng mộ của các em học sinh trong giải đấu này phù hợp với định hướng và giá trị cốt lõi mà Nhà Sách Phương Nam luôn muốn đem lại cho các bạn đọc và khách hàng trên toàn quốc.

Vì vậy, Nhà Sách Phương Nam hân hạnh trở thành nhà tài trợ đồng hành cùng đội thi ADUA Racing trên hành trình vươn ra thế giới. Nhà Sách Phương Nam hy vọng nỗ lực này sẽ góp phần ươm mầm cho những tài năng tương lai, khuyến khích người trẻ phát triển tư duy độc lập, sáng tạo.

Nhà Sách Phương Nam luôn chú trọng hỗ trợ, khuyến khích thế hệ trẻ phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Bên cạnh đó, hệ thống Nhà Sách Phương Nam vẫn luôn nỗ lực trên hành trình kết nối bạn đọc đến với thế giới tri thức thông qua những cuốn sách hay và các hoạt động ý nghĩa.

Cảm ơn sự ủng hộ của các độc giả và khách hàng đã tạo điều kiện để Nhà Sách Phương Nam tiếp tục đồng hành cùng thế hệ trẻ trên những chặng đường đầy ý nghĩa trong tương lai.

Đọc bài viết

Trà chiều

Sự kiện giao lưu & ký tặng: Bước Qua Nước Mắt, Tự Khắc Trưởng Thành

Published

on

Nhân dịp ra mắt tác phẩm mới Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành, Nhà Sách Phương Nam và Phương Nam Book phối hợp cùng tác giả Anh Khang tổ chức sự kiện giao lưu và ký tặng vào lúc 16g00, thứ Bảy ngày 16.11.2024 tại sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM).

Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành là tác phẩm kỷ niệm hơn một thập kỷ viết văn của tác giả Anh Khang. Anh gọi đây là một “cuốn sách làm lành” – thay vì “chữa lành” như cách gọi thường thấy trong xã hội hiện đại. Tác phẩm được chia làm hai phần, mở đầu bằng “Độc thoại” với những dòng tư lự đơn lẻ như tự trấn an “đứa trẻ bên trong đang ăn vạ trên đường trưởng thành”, rồi sang đến “Đối thoại” là những lời tâm can san sẻ cùng Gen Z lẫn Gen Z(à) để tìm sự ủi an. Mỗi câu, mỗi lời tâm tình thủ thỉ đều quá đỗi chân thành, như chính lời tác giả tự nhận thì đây “chính là những ghi chép trong lúc ‘khóc một trận đã đời’, rồi từ nay, chỉ nhìn về phía trước”.

Kể từ khi xuất bản tác phẩm đầu tay Ngày trôi về phía cũ… vào năm 2012, đến nay Anh Khang đã trở thành “tác giả triệu bản” với nhiều tác phẩm nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả. Anh còn được bạn đọc thương tặng tên gọi “nhà văn của những nỗi buồn tuổi trẻ” vì những chia sẻ sâu sắc và đầy cảm thông trong từng trang sách. Sách Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành đánh dấu sự trở lại của Anh Khang sau 4 năm tạm vắng mặt trên văn đàn, đồng thời cũng là món quà tri ân dành tặng cho thế hệ độc giả đã trưởng thành cùng những bài viết của anh.

Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành – tác phẩm mới nhất của tác giả Anh Khang do Phương Nam Book liên kết xuất bản.

Đến với sự kiện giao lưu và ký tặng, độc giả sẽ có cơ hội trò chuyện cùng nhà văn Anh Khang và lắng nghe anh chia sẻ về những thăng trầm trong quá trình sáng tác cuốn Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành. Đặc biệt, sự kiện còn chào đón sự góp mặt của ca sĩ - nhà văn Hamlet Trương.

Giao Lưu & Ký Tặng: Bước Qua Nước Mắt, Tự Khắc Trưởng Thành

  • Thời gian: 16:00 – Thứ bảy, ngày 16.11.2024
  • Địa điểm: Sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM)
  • Vào cửa tự do

Về tác giả: Quách Lê Anh Khang

  • Công việc chính là làm báo, công việc phụ là làm mệt mình bằng những cảm xúc đa mang. Mọi nghề nghiệp đã và đang làm như phóng viên, biên tập viên, PR, MC... đều có vẻ khá nghiệp dư, nhưng lại rất chuyên nghiệp trong vai trò làm “người độc thân nhạy cảm”.
  • Ngày sinh: 11/8
  • Cung Hoàng đạo: Sư Tử (Leo)
  • Cử nhân khoa Báo chí & Truyền thông – Đại học KHXH&NV TP.HCM
  • Sách đã xuất bản:
    • Ngày trôi về phía cũ... (2012)
    • Đường hai ngả, người thương thành lạ (2013)
    • Buồn làm sao buông (2014)
    • Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và... Em (2015)
    • Thương mấy cũng là người dưng (2016)
    • Trời vẫn còn xanh, em vẫn còn anh (2017)
    • Người xưa đã quên ngày xưa (2018)
    • Những năm tháng đó, có tôi yêu người (2019)
    • Thả thính chân kinh (2020)
    • Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành (mới xuất bản – năm 2024)
Đọc bài viết

Cafe sáng