WHAT IF WE STOPPED PRETENDING?
Jonathan Franzen
Kafka từng nói rằng, “Lúc nào cũng tồn tại vô vàn hy vọng, chỉ là nó không dành cho chúng ta.” Đây là một vần thơ trào phúng huyền ảo (nhưng lại rất phù hợp) đến từ một nhà văn chuyên tạo ra những nhân vật luôn phấn đấu vì các mục tiêu có vẻ nằm trong tầm với. Bất hạnh thay (hay buồn cười thay), những nhân vật của ông không bao giờ tiến đến gần mục tiêu dù chỉ một chút. Nhưng với tôi, trong thế giới đang ngày càng tăm tối này, đảo đề của câu nói chua cay từ Kafka đúng tương đương: Chẳng còn chút hy vọng nào nữa, trừ là với chúng ta.
Tất nhiên là tôi đang nói về biến đổi khí hậu. Cuộc tranh
đấu để kiểm soát khí thải carbon toàn cầu và ngăn trái đất nóng lên cũng có cảm
giác giống như tiểu thuyết của Kafka vậy. Trong ba mươi năm qua mục tiêu luôn
rõ ràng, nhưng bất chấp những nỗ lực sốt sắng của loài người, về cơ bản chẳng
có gì tiến triển cả. Ngày nay, bằng chứng khoa học đã tiến gần đến mức không thể
bác bỏ. Nếu bạn trẻ hơn tuổi sáu mươi, bạn có nhiều khả năng sẽ được chứng kiến
quá trình bất ổn sự sống triệt để trên khắp hành tinh: mùa màng thất thu trên
diện rộng, những vụ hỏa hoạn khải huyền, sự sụp đổ kinh tế, ngập lụt chấn động,
hàng trăm triệu người di cư trốn chạy khỏi các khu vực không thể sinh sống do sức
nóng tột bậc hoặc hạn hán vĩnh viễn. Nếu bạn dưới ba mươi tuổi, bạn chắc chắn sẽ được chứng kiến những thảm
họa trên.
Nếu bạn quan tâm tới Trái đất, tới con người và động vật đang định cư nơi đây, có hai cách tiếp cận vấn đề. Một là bạn có thể tiếp tục hy vọng rằng thảm họa sẽ được ngăn chặn, để rồi cảm thấy thất vọng hoặc nổi giận với sự thờ ơ của thế giới. Hoặc bạn có thể chấp nhận rằng thảm họa sẽ tới, và tái cân nhắc liệu cái gì mới mang nghĩa nắm giữ hy vọng.
Ngay cả bây giờ, những ngôn luận về một hy vọng viễn vông vẫn còn đầy rẫy. Hàng ngày, bạn mở mắt ra và đọc được những bài báo kiểu như “hãy xắn tay áo lên” và “cứu Trái đất”; kiểu như vấn đề về biến đổi khí hậu có thể được “giải quyết” nếu chúng ta kêu gọi được ý chí tập thể. Thông điệp này có lẽ còn đúng vào năm 1988, khi khoa học khẳng định mười mươi rằng trong ba mươi năm vừa qua, chúng ta đã thải ra lượng carbon vào khí quyển gấp đối tổng lượng gộp trong hai thế kỉ công nghiệp hóa. Thực tế đã thay đổi, nhưng vì lý do gì đó thông điệp vẫn giậm chân tại chỗ.
Về mặt tâm lý học, sự chối bỏ nhận thức này cũng dễ hiểu. Bất chấp cái sự thật tàn nhẫn rằng sớm thôi tôi sẽ nhắm mắt vĩnh viễn, tôi vẫn sống ở hiện tại, đâu phải ở tương lai. Lựa chọn giữa một cái viễn cảnh trừu tượng đáng sợ (cái chết) và những thứ an lành hiển hiện trước mắt (bữa sáng nay chẳng hạn), đầu óc tôi thích tập trung vào cái sau hơn. Hành tinh cũng vẫn còn đây, đại khái vẫn bình thường – giao mùa, lại một năm bầu cử sắp tới, chương trình phim hài mới trên Netflix – và nghĩ tới Trái đất sắp sụp đổ thì còn khó tưởng tượng hơn cả nghĩ tới cái chết của bản thân. Những kiểu tận thế khác, cho dù là về tôn giáo hay nổ nhà máy hạt nhân hay thiên thạch va vào Trái đất, ít nhất là có hai giai đoạn tử vong nhị phân gọn ghẽ: một phút trước thế giới còn ở đó, một phút sau nó đã biến mất mãi mãi. Tận thế do biến đổi khí hậu thì ngược lại: nó lộn xộn. Nó sẽ xuất hiện dưới dạng các khủng hoảng nghiêm trọng ngày càng gia tăng và ngày càng hỗn loạn, cho đến khi nền văn minh bắt đầu sứt mẻ. Mọi thứ sẽ trở nên rất tệ, những có lẽ không quá sớm, và có lẽ không phải với tất cả mọi người. Có lẽ không phải với tôi.
Tuy nhiên, một vài sự chối bỏ là do ngoan cố. Sự thâm độc
của Đảng Cộng hòa Mỹ đối với khoa học khí hậu là điều ai cũng biết, nhưng sự chối
bỏ cũng tìm được đường vào với Đảng Cấp tiến, hay ít ra là với hệ lý luận của
nó. Chính sách Tăng Trưởng Xanh Mới (The Green New Deal) – khung sườn của một số
đề xuất trọng yếu nhất được đưa ra liên quan đến vấn đề này – vẫn được định hình
là cơ hội cuối cùng của chúng ta để ngăn chặn thảm họa và cứu lấy hành tinh, bằng
các dự án năng lượng tái tạo khổng lồ. Rất nhiều nhóm ủng hộ những đề xuất trên
sử dụng những ngôn từ như “dừng” biến đổi khí hậu, hay ám chỉ rằng vẫn còn thời
gian để phòng ngừa nó. Không giống như cánh hữu, cánh tả tự hào vì đã lắng nghe
các nhà khoa học khí hậu – những người thật sự chấp nhận rằng, trên lý thuyết,
thảm họa có thể được ngăn chặn. Nhưng không phải ai cũng dỏng tai nghe kĩ càng.
Sức nặng rơi vào ba chữ trên lý thuyết.
Đại dương và khí quyển chỉ có thể hấp thụ một lượng nhiệt
nhất định trước khi biến đổi khí hậu – càng thêm trầm trọng bởi những vòng lặp
liên hồi – hoàn toàn vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Các nhà khoa học và các nhà
làm luật có nhận thức chung rằng chúng ta sẽ vượt ngưỡng không thể vãn hồi nếu
nhiệt độ trung bình Trái Đất tăng thêm hai độ C (có thể cao hơn một chút, nhưng
cũng có thể thấp hơn một chút). I.P.C.C. (Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí
hậu) khẳng định với chúng ta rằng, để hạn chế mức độ tăng ít hơn hai độ C, không
những chúng ta cần phải đảo ngược tiến trình của ba thập niên trước mà lượng chất
thải carbon ròng trên toàn thế giới còn phải đạt mức 0 trong vòng ba thập niên tiếp theo.
Đây là một nhiệm vụ khó nhằn, gần như là bất khả thi –
trong trường hợp bạn tin tưởng những tính toán của I.P.C.C. là chính xác. Các
nghiên cứu mới, được mô tả tháng trước trong tờ Scientific American, giải thích rằng các nhà khoa học khí hậu không
những không hề phóng đại mối đe dọa của
biến đổi khí hậu mà còn đánh giá thấp
tiến độ và mức độ nghiêm trọng của nó. Để tìm ra được mức tăng nhiệt độ trung
bình Trái đất, các nhà nghiên cứu phụ thuộc vào các mô hình khí quyển phức tạp.
Họ lấy một nhóm các biến và sử dụng siêu máy tính để tính toán và dựng nên mười
nghìn mô phỏng khác nhau cho thế kỉ tới, nhằm mục đích tạo ra những dự đoán “chính
xác nhất” của mức gia tăng nhiệt độ. Khi một nhà khoa học dự đoán tăng hai độ
C, cô ấy chỉ đang đơn thuần nêu ra một con số mà cô ấy rất tự tin: nó sẽ tăng ít nhất hai độ C. Trên thực tế, nhiệt độ
có thể tăng cao hơn nhiều.
Dù không phải là nhà khoa học nhưng tôi cũng có những mô hình cho riêng mình. Tôi dùng não bộ để tính toán rất nhiều những viễn cảnh tương lai, áp dụng những giới hạn của tâm lý con người và thực tế chính trị, ghi nhận sự gia tăng không khoan nhượng trong lượng tiêu thụ năng lượng toàn thế giới (cho tới bây giờ, carbon tiết kiệm được do sử dụng năng lượng tái tạo đã “được” bù đắp lại bởi lượng cầu tiêu dùng gia tăng), và đong đếm cái viễn cảnh mà hành động tập thể có thể ngăn chặn thảm họa. Viễn cảnh này, tôi hình dung ra được từ sự hướng dẫn của các nhà làm luật và các nhà hoạt động xã hội, có một số điều kiện chung cần thiết như sau:
Điều kiện đầu tiên là tất cả các quốc gia gây ô nhiễm hàng đầu trên thế giới phải tiến hành các biện pháp bảo tồn hà khắc, đóng cửa đa số các cơ sở hạ tầng phục vụ cho công nghiệp năng lượng và vận tải, và phải hoàn toàn tái cơ cấu nền kinh tế. Theo như một bài luận gần đây trên tờ Nature, lượng khí thải carbon từ những cơ sở hạ tầng hiện có sẽ vượt mức “cho phép” nếu chúng tiếp tục hoạt động cho đến khi hết công suất – với mức cho phép đã bao gồm hàng tỷ tấn khí carbon có thể thải ra môi trường mà không vượt ngưỡng thảm họa. (Ước tính này không bao gồm hàng ngàn dự án năng lượng và vận tải mới đã được lên kế hoạch hoặc đang thi công.) Để giữ lượng khí thải ở dưới mức cho phép, cần có sự can thiệp từ trên xuống không chỉ ở mỗi quốc gia mà còn phải ở khắp mọi nơi trong cả nước. Xây dựng thành phố New York thành một utopia xanh cũng chẳng có ích lợi gì nếu Texas vẫn ngoan cố khai thác dầu mỏ và sử dụng xe bán tải.
Hành động của những nước này cũng phải đúng đắn. Phần lớn
lượng tiền của chính phủ phải được dùng không phí phạm và không rơi vào tay sai
người. Khá hữu dụng khi nhớ lại trò cười kiểu Kafka về chỉ thị dùng nhiên liệu
sinh học của EU, dẫn tới sự gia tăng nạn phá rừng ở Indonesia để trồng cọ lấy dầu
cũng như chính sách trợ giá cho nhiên liệu ethanol chẳng lợi lộc cho ai ngoài
nông dân trồng ngô.
Cuối cùng, một lượng áp đảo người dân trên thế giới, bao gồm hàng triệu người chống đối chính phủ Mĩ, cần phải yên ổn chấp nhận mức thuế cao và sự cắt xén đáng kể cái lối sống mà họ quen thuộc. Họ phải chấp nhận thực tế là khí hậu đang thay đổi và giữ lòng tin vào những biện pháp cực đoan được thực hiện để chiến đấu với tình trạng này. Họ không thể cứ lấp liếm rằng những tin tức họ không thích là fake news (tin giả). Họ phải gác chủ nghĩa dân tộc, sự oán hận giai cấp và chủng tộc sang một bên. Họ phải chấp nhận hy sinh cho những mối đe dọa còn ở khá xa, cho những thế hệ ở tương lai xa. Họ cần phải sống với nỗi lo sợ thường trực về những mùa hè nóng lên và những thiên tai ghé thăm thường xuyên hơn, hơn là tập làm quen với chúng. Mỗi ngày, thay vì nghĩ về bữa sáng ngon lành, họ phải nghĩ về cái chết.
“Mỗi ngày, thay vì nghĩ về bữa sáng ngon lành, họ phải nghĩ về cái chết.”
*
Gọi tôi là người bi quan hay người theo chủ nghĩa nhân
văn đều được, nhưng tôi không cho rằng bản chất con người sẽ thay đổi trong thời
gian ngắn. Tôi có thể tính toán mười nghìn viễn cảnh bằng mô hình trong đầu,
nhưng lại chẳng có viễn cảnh nào mà tôi thấy rằng mục tiêu hai độ C của chúng
ta có thể đạt được.
Đánh giá từ cuộc khảo sát ý kiến gần đây, phần lớn người Mỹ (rất nhiều người trong số đó thuộc Đảng Cộng hòa) rất bi quan về tương lai của hành tinh, và từ sự thành công của một quyển sách u ám như The Uninhabitable Earth (tạm dịch Hành tinh chết) của David Wallace-Wells được phát hành năm ngoái, tôi không phải là người duy nhất đi đến kết luận đó. Nhưng người ta vẫn không sẵn lòng truyền thông về tình thế này. Một số nhà hoạt động vì môi trường tranh luận rằng nếu chúng ta công khai thừa nhận rằng vấn đề này không thể được giải quyết, nó sẽ khiến con người không muốn làm bất kì điều gì để cải thiện vấn đề nữa. Theo tôi, cái kết luận này không những kẻ cả mà còn cho thấy sự bất lực, khi chúng ta đã và đang làm được quá ít cho môi trường. Những nhà hoạt động môi trường đưa ra kết luận này gợi tôi nhớ đến những nhà lãnh đạo tôn giáo – những người kinh sợ rằng nếu không có hứa hẹn về sự cứu rỗi vĩnh hằng, mọi người sẽ không thèm cư xử đức hạnh. Theo kinh nghiệm của tôi, không có người vô thần nào ít thương yêu hàng xóm hơn người theo tôn giáo. Và vì vậy, tôi cũng tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta đối mặt với sự thật thay vì chối bỏ nó.
Đầu tiên, thậm chí nếu chúng ta không có chút hy vọng được cứu rỗi nào từ hai độ C kia, vẫn có một lập luận đúng thực tế và hợp đạo đức cho việc giảm khí thải carbon. Trong dài hạn, có lẽ cũng chẳng có gì khác biệt nếu chúng ta vượt qua mức hai độ xa bao nhiêu. Một khi đã vượt ngưỡng không thể quay đầu, thế giới sẽ tự chuyển mình. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, biện pháp có tác dụng một nửa còn tốt hơn là không áp dụng biện pháp nào. Cắt giảm một nửa lượng khí thải sẽ tạo ra tác dụng tức thời, khiến tình trạng Trái đất nóng lên đỡ nghiêm trọng, và phần nào sẽ trì hoãn cái ngưỡng không thể cứu vãn. Điều đáng sợ nhất về sự thay đổi khí hậu là tốc độ phát triển của nó, gần như mỗi tháng lại phá vỡ kỉ lục nhiệt độ. Nếu hành động tập thể dẫn tới ít trận siêu bão có sức công phá khủng khiếp hơn hoặc chỉ một vài năm ổn định tương đối, nó hẳn là một mục tiêu đáng theo đuổi.
“Và vì vậy, tôi cũng tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta đối mặt với sự thật thay vì chối bỏ nó.”
Thực tế, nó cũng đáng theo đuổi thậm chí nếu nó chẳng có chút tác dụng nào. Việc không bảo tồn một nguồn lực có hạn khi các biện pháp bảo tồn đã có sẵn và xả thêm carbon vào không khí một cách thừa thãi khi chúng ta hiểu rõ chúng có hại như thế nào, những việc như vậy đơn thuần là sai trái. Mặc dù hành động của một cá nhân không có tác động gì đến khí hậu, điều này không có nghĩa rằng việc làm của họ là vô nghĩa. Mỗi chúng ta cần phải đưa ra một lựa chọn về đạo đức. Trong cuộc Cải cách Kháng nghị (Protestant Reformation), khi “ngày tận thế” chỉ đơn thuần là một ý niệm chứ không phải là cái thực tế đáng sợ như ngày nay, một câu hỏi học thuyết cốt lõi chính là liệu ta nên làm việc tốt vì nó sẽ giúp ta lên Thiên đường, hay liệu ta nên làm việc tốt bởi vì chúng là điều tốt. Bởi vì, dẫu Thiên đường vẫn còn là dấu chấm hỏi, bạn biết rằng thế giới này sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu tất cả mọi người đều làm như vậy. Tôi có thể tôn trọng hành tinh và quan tâm đến những người cùng chia sẻ hành tinh này mà không cần tin rằng hành động của tôi sẽ cứu giúp chính mình.
Hơn thế nữa, hy vọng sai lầm về sự cứu rỗi có thể rất có hại. Nếu bạn khăng khăng tin rằng thảm họa có thể được ngăn chặn, bạn trói buộc bản thân mình vào chuyện giải quyết một vấn đề quá sức to lớn đến nỗi nó cần tất cả mọi người phải cân nhắc nó là ưu tiên hàng đầu. Một kết quả kì lạ là người ta rơi vào tình trạng tự mãn: bằng cách bầu cử cho một ứng viên ủng hộ công nghiệp xanh, lái xe đạp đi làm, tránh đi đường hàng không, bạn có lẽ cảm thấy rằng bạn đã làm mọi thứ có thể cho điều duy nhất đáng làm. Ngược lại, nếu bạn chấp nhận thực tế rằng Trái đất sẽ nhanh chóng nóng đến mức không thể cứu vãn và đe dọa nền văn minh, còn rất rất nhiều điều bạn phải nên làm.
Nguồn tài nguyên của chúng ta không phải vô hạn. Thậm chí nếu chúng ta đầu tư phần lớn trong số chúng vào ván cá cược dài hạn nhất, giảm lượng carbon thải ra với hy vọng rằng nó sẽ cứu vớt loài người, thật không khôn ngoan khi dốc hết vốn. Cứ mỗi một tỷ đô đầu tư vào tàu cao tốc – dự án chưa biết rằng có thích hợp với Bắc Mĩ không – là một tỷ đô thiếu hụt cho công tác chuẩn bị cho thiên tai, công tác sửa chữa những quốc gia bị ngập, hay công cuộc cứu trợ nhân đạo trong tương lai. Mỗi siêu dự án năng lượng xanh nhưng phá hủy một hệ sinh thái sẵn có – như là dự án phát triển năng lượng “xanh” hiện đang diễn ra tại vườn quốc gia Kenya, dự án thủy điện khổng lồ ở Braxin, công trình xây dựng cánh đồng pin năng lượng mặt trời diễn ra ở không gian ngoài trời chứ không phải khu dân cư – làm xói mòn khả năng chống cự của một thế giới tự nhiên vốn đã đang vật lộn để sống sót. Sự cạn kiệt nguồn đất và nước, lạm dụng thuốc trừ sâu, sự càn quét của ngành công nghiệp đánh bắt thủy hải sản, chỉ có sức mạnh đám đông mới cần thiết cho những vấn đề này, và – không giống vấn đề khí thải carbon – nó nằm trong tầm tay giải quyết của chúng ta. Điểm cộng là, thậm chí cả những biện pháp công nghệ thấp để bảo tồn tự nhiên (trồng rừng, giữ gìn đồng cỏ, ăn ít thịt hơn) cũng có hiệu quả giảm lượng thải carbon ngang ngửa với những thay đổi công nghiệp quy mô lớn.
Dốc toàn lực đấu tranh chống lại biến đổi khí hậu chỉ có
ý nghĩa khi chúng ta có khả năng chiến thắng. Một khi bạn chấp nhận rằng chúng
ta đã thua cuộc, những loại hành động khác có ý nghĩa còn cao cả hơn. Chuẩn bị
cho những trận hỏa hạn, ngập lụt và những người tị nạn là một ví dụ thích đáng trực
diện. Nhưng những thảm họa treo lơ lửng trên đầu đã tăng cường tính cấp bách của
bất cứ hành động cải thiện thế giới nào. Vào kỷ nguyên của hỗn loạn gia tăng,
người ta tìm kiếm sự che chở từ cuộc sống bộ lạc hoặc các lực lượng vũ trang
hơn là từ pháp luật, và hàng phòng ngự tốt nhất của chúng ta chống lại tình trạng
dystopia này là phải duy trì chế độ dân
chủ có hiệu lực, hệ thống pháp luật có hiệu lực và một cộng đồng có hiệu lực.
Riêng về khía cạnh này, bất cứ động thái nào hướng về một xã hội văn minh và
công bằng hơn đều được xem là một động thái có ý nghĩa về mặt khí hậu. Đảm bảo
được cuộc bầu cử công bằng là một hành động khí hậu. Đấu tranh chống lại sự
chênh lệch giàu nghèo tột bậc là một hành động khí hậu. Dẹp bỏ những mưu toan
ghét bỏ nhau trên mạng xã hội là một hành động khí hậu. Tiến hành các chính
sách nhập cư nhân đạo, chủ trương ủng hộ công bằng giới tính và chủng tộc, cổ
vũ việc tôn trọng luật pháp và lực lượng chức năng, ủng hộ báo chí tự do và độc
lập, loại bỏ vũ trang sát thương khỏi đất nước – đây đều là những hành động có
ý nghĩa cho khí hậu. Để tồn tại được khi nhiệt độ gia tăng, mỗi một hệ thống – cho
dù là tự nhiên hay là của thế giới con người – đều cần trở nên kiên cố và lành
mạnh hết mức có thể.
“Riêng về khía cạnh này, bất cứ động thái nào hướng về một xã hội văn minh và công bằng hơn đều được xem là một động thái có ý nghĩa về mặt khí hậu.”
Và sau đó là vấn đề của hy vọng. Nếu hy vọng của bạn về tương lai phụ thuộc vào một viễn cảnh lạc quan đến khó tin thì trong mười năm tới, bạn sẽ làm gì, khi mà viễn cảnh đó trở nên bất khả, ngay cả trên lý thuyết? Hoàn toàn từ bỏ hành tinh này? Mượn lời khuyên từ một nhà hoạch định tài chính, tôi sẽ đề xuất một bộ hy vọng cân bằng hơn: một vài trong số chúng là dài hạn, phần lớn là ngắn hạn. Sẽ chẳng sao cả nếu bạn vật lộn trong vòng ràng buộc bởi bản năng con người, hy vọng làm dịu bớt cái viễn cảnh tồi tệ nhất sắp tới, tuy nhiên, việc đấu tranh cho những vấn đề nhỏ hơn, hạn hẹp hơn cũng rất quan trọng, giống như chuyện bạn phải giữ một hy vọng chân thực về khả năng chiến thắng. Đúng, hãy cứ tiếp tục làm những điều đúng đắn cho hành tinh này, nhưng cũng hãy cố gắng bảo vệ những thứ bạn đặc biệt yêu quý – một cộng đồng, một tổ chức, một vùng hoang dã, một loài đang gặp nguy cơ – và đạt được sự hài lòng từ các thành công nho nhỏ. Bất cứ việc tốt nào bạn làm bây giờ cũng sẽ góp phần chống lại tương lai nóng lên của Trái đất, nhưng điều thực sự ý nghĩa là nó chỉ tốt trong hôm nay. Miễn là bạn có thứ để đặt tình yêu vào, bạn sẽ có thứ gì đó để đặt hy vọng.
Ở nơi tôi sống, Santa Cruz, có một tổ chức tên là Dự án Vườn Vô Gia Cư (Homeless Garden Project). Tại một nông trại ở rìa Tây thành phố, người ra tạo việc làm, khóa đào tạo, sự hỗ trợ và tinh thần cộng đồng dành cho dân vô gia cư trong thành phố. Nó không thể “giải quyết” vấn đề vô gia cư, nhưng nó đã thay đổi cuộc sống của nhiều người, từng người một, trong gần ba mươi năm. Tự duy trì sự tồn tại của tổ chức một phần bằng cách bán các sản phẩm hữu cơ, nó đóng góp – trên diện rộng – cho một cuộc cách mạng ý thức về cách chúng ta nghĩ về những người khó khăn, về mảnh đất mà chúng ta phụ thuộc vào, và về thế giới tự nhiên quanh ta. Mỗi mùa hè, như một thành viên của chương trình C.S.A. của Dự án, tôi rất thích mua rau cải xoăn và dâu tây từ họ, và vào mùa thu, vì đất đai vẫn còn tươi mới và không bị ô nhiễm, những loài chim di cư nhỏ sẽ tìm được thực phẩm trong bụi cây.
Sẽ đến một lúc nào đó, có lẽ là sớm hơn bất kì ai trong
chúng ta dự đoán, khi mà hệ thống công-nông nghiệp và giao thương toàn cầu sụp
đổ và người vô gia cư thì nhiều hơn người có nhà. Vào lúc đó, ngành nông nghiệp
truyền thống tại địa phương và những cộng đồng vững mạnh sẽ không chỉ là những
từ thông dụng của Đảng Tự do. Đối xử tử tế với hàng xóm và tôn trọng thiên
nhiên – mảnh đất đầy dinh dưỡng và lành mạnh, những nguồn nước được quản lý
khôn ngoan, quan tâm đến sâu bọ giúp thụ phấn – những việc làm này sẽ trở nên
thiết yếu giữa khủng hoảng và những cộng đồng tồn tại qua cuộc khủng hoảng đó.
Một dự án như Vườn Vô Gia Cư trao cho tôi hy vọng rằng trong tương lai, mặc dù
chắc chắn sẽ tệ hơn hiện tại, có lẽ vẫn sẽ tốt hơn theo một cách nào đó. Hơn hết,
nó cho tôi hy vọng cho ngày hôm nay.
“Miễn là bạn có thứ để đặt tình yêu vào, bạn sẽ có thứ gì đó để đặt hy vọng.”
Hết.
Emma Đẹp Thần Thánh dịch.
Bài gốc được thực hiện bởi Jonathan Franzen, đăng tại The New Yorker.
*
Những bài viết có cùng chủ đề môi trường & thiên nhiên
1 Bình luận