Phía sau trang sách

thế giới đã thay đổi. hoặc phụ nữ bao giờ cũng thế mà ta không biết

“Nếu cần thì gọi hai người đàn ông làm chứng, nếu không có đủ đàn ông thì một đàn ông và hai đàn bà”
(Con Bò, câu 282 – kinh Qur’an)

Published

on

#Metoo, Time’s Up hay #OscarsSoWhite đã bắt đầu gặt hái những thành công nhất định kể từ khi dậy sóng 1-2 năm trước sau cơn rúng động bê bối của Harvey Weinstein. Lần đầu tiên sau bấy nhiêu năm, những giá trị phụ nữ được đưa lên, xem xét và nhìn nhận một cách đúng đắn và đầy đủ. Và không gì khác, chính những giải thưởng như Oscar hay BAFTA vừa qua đã cho thấy những nỗ lực cố gắng (dẫu cho vẫn còn khiêm tốn) của những gì mà vụ mùa ấy đáng thu được. Từ lời phát biểu công tâm của Joker Joaquin Phoenix với sự phân biệt đối xử người da màu cho đến câu đùa thâm sâu của Issa Rae “Xin chúc mừng những người đàn ông ấy”, ta vẫn thấy đâu đó giá trị người da màu và phụ nữ vẫn còn bỏ lửng. Nhưng dẫu sao, từ đó nhìn vào sự cố gắng, những bộ phim kỳ công như Judy, Marriage Story, Little Women hay Bombshell đã phần nào cho thấy phụ nữ ngày nay không còn giậm chân tại chỗ. Họ có thể ra tranh cử tổng thống như Hillary Clinton, trở nên giàu có như Rihanna, quyền lực như Beyoncé hay cất lên tiếng nói đầy tính cá nhân như Lady Gaga,… và còn nhiều điều họ có thể làm hơn thế nữa.

Nhưng ở một khía cạnh khác, phần lớn những yếu tố nữ quyền ta thấy trong dòng chảy xa hoa của Hollywood hay lớp hào nhoáng của nền giải trí thường là khía cạnh mở. Có nghĩa ở đó, phụ nữ đấu tranh cho vị trí của mình, quyền lợi của mình, cho những thứ mà mình có thể làm tốt tương đương một người đàn ông nhưng lại không được công nhận đủ. Ở đó họ vẫn có quyền sống, vẫn có thể được công nhận; nhưng nếu giảm xuống một nấc, khi họ không sống một cách tự do, không những bị đàn ông hạ bệ mà còn bị hủ tục chen lấn? Đó là khi tiếng nói phụ nữ đã không còn mở. Đó là đợt tấn công toàn thể. Một cách hoài nghi, văn chương Hồi giáo chính là mặt bị giản thể ấy. Cho đến nay, văn chương của địa hạt này vẫn còn ít được quan tâm, có chăng dậy sóng đôi chút khi Salman Rushdie lãnh án tử hình vắng mặt từ các thủ lĩnh tôn giáo cực đoan. Thế nhưng, cũng như vẻ đẹp và sự huyền bí Đông phương, văn chương Hồi giáo lạ lùng nhưng cá tính, đồng thời là tiếng nói mạnh mẽ dấn sâu vào đời sống phụ nữ như nhát dao xé toang hủ tục, phơi bày ra thế giới hiện thực những gì ta vẫn chưa biết, thâm sâu nhưng cũng không kém phần hài hước.

Bài viết này đề cập đến năm cuốn sách, cả những cuốn hư cấu và tự thuật. Trong đó gồm hai cuốn văn chương hiện thực châm biếm của nhà văn người Liban Rachid El-Daif mà Thuận dịch trong những năm vừa qua – Cho xem đùi nào LeilaCon miu cái của nàng Sikirida. Thêm vào đó, phiên bản “Crazy Rich Asians” của thế giới Hồi giáo đến qua cây viết Rajaa Alsanea mang tên Những tiểu thư Hồi giáo. Hai cuốn tự truyện đau xót làm dậy sóng dư luận những năm về trước, một của Nojoud – cô bé Ly hôn tuổi lên 10; và một của Latifa – cái tên giả mà vì những vạch trần hiện thực cô sẽ phải mang suốt đời còn lại, được tái hiện trong Khuôn mặt bị đánh cắp.

Ở đó, một mặt hiện lên vẻ đẹp của các quốc gia Hồi giáo từ phong cảnh, con người cho đến cảnh ngộ bị băm nát, nổ tung của những xung đột lên cao. Trong chính những cảnh huống ấy, hình tượng người phụ nữ – vai vế vốn luôn bị xem thường trong xã hội này – hiện lên một cách nổi bật. Họ có thể dũng cảm trong nét giễu nhại của Rachid El-Daif, có thể hiện đại theo chuẩn trong tiểu thuyết của Rajaa; nhưng ở mặt khác, họ cũng bị tự do ruồng bỏ, hà khắc xem thường như trong trường hợp Nojoud hay Latifa. Ở đó, vấn đề phụ nữ không là duy nhất; các nhà văn kể trên khéo léo lồng ghép những hệ tư tưởng giao thoa giữa các phông nền văn hóa – truyền thống dưới góc nhìn của thời đại mới. Ta có thể thấy những đối lập về giới, là sự xung khắc những giá trị mới cũ, hay tính nữ vượt lên dẫu cho những nhầy nhụa khinh thường. Dẫu cho không nhiều, năm cuốn sách trên ít nhiều mở ra cánh cửa lạ lẫm của địa hạt văn chương này – nơi còn nhiều bỏ ngõ, nhưng vàng vẫn luôn tồn tại ẩn sâu.

Tái hiện xã hội

Dù là tiểu thuyết hay tự thuật đi chăng nữa, đời sống xã hội Hồi giáo đương thời không ít thì nhiều đã được tái hiện trọn vẹn trong những cuốn sách này. Từ Liban – quốc gia tự do nhất khu vực Ả Rập cho đến Yemen đói nghèo hay Afganistan nội chiến, từ Ả Rập Saudi hào nhoáng cho đến Palestine xách động; tất cả được đem vào đây âm ỉ cháy. Bỏ lại sau lưng hiện thực tàn khốc của cuộc xung đột tôn giáo biến thành nội chiến, của những phiến loạn – chiến tranh; ở đôi nhịp thời khắc ta vẫn thấy dôi dư ra cảnh tượng tươi đẹp của đời sống con người. Đó có thể là những đường dây điện thoại nặng trĩu của Afganistan mà vì những hủ tục bóp nghẹn, chúng phải tải sức nặng của tất cả những lời than thở, những tiếng thở dài, những lời than vãn và những nụ hôn không thể thực hiện trong thế giới thực. Hay đó cũng có thể là đời sống hiện đại của những trung tâm thương mại, của những cô gái hút shisha, uống rượu, mặc thời trang thế hệ mới và lái BMW. Muôn mặt được đưa ra cho những phông nền, nhưng dẫu cho những tươi đẹp ấy, hiện thực sau rốt bỗng chốc khiến chúng chỉ như tia nắng lướt qua bầu trời âm u.

Ẩn đằng sau cái vẻ đẹp thức thời ấy, là chiến tranh, là nội chiến, là xung đột tôn giáo, là diệt chủng con người. Chúng lấy đi không chỉ vẻ đẹp cảnh quan, mà ở một mặt nào đó, là cả những chân kiềng của giá trị con người – tự do, niềm vui sống và được thể hiện mình. Ở đó, phụ nữ có thể bị quất bằng roi bọc chì khi họ mang giày trắng – màu lá cờ Taliban. Họ cũng có thể một đi không trở về một tối nào đó, bởi những xung đột tôn giáo giữa Cơ Đốc giáo, Hồi giáo; hay cả trong nội bộ dòng chảy Hồi giáo, giữa dòng Shite, Sunnite hay Druze. Ở đó, giết người là chuyện thường tình, không ai bận tâm lấy lại công bằng cho người thân mình; vì cũng như không khí, cái chết với họ nhan nhản ở khắp mọi nơi. Không khí là cái chết, mà không khí cũng là nhân quyền, hư vô, mênh mông và không lối thoát. Ở đó, như Rachid viết: “Nói cho cùng thì những cái chết vô tội vạ đã trở thành chuyện thường ngày ở Liban. Người ta có thể giết ai đó chỉ vì kẻ này đã từ chối không nhường đường khi lái xe, hay nhường chỗ khi xếp hàng mua bánh. Người ta giết nhau trong dửng dưng. Ở Liban, thời gian đó, giết người thậm chí không còn bị qui định là một tội ác. Tội ác chỉ là khi giết người có chủ ý”.

Artwork background: Võ Khánh Trang

Giá trị con người ở thời khắc ấy trở nên rẻ rúng trước những cai trị hà khắc của tôn giáo cực đoan. Là sự cầm tù tự do của Taliban, là cái chết ép uổng của những cô bé lên 9 lên 10 không thể cất lên tiếng nói để rồi bị lạm dụng thân thể chỉ vì hai chữ “tự do”, “danh dự” của người đàn ông trong gia đình mình. Ở đó, những đứa bé vẫn chưa kịp lớn đã bị đưa đi như món hàng cứu viện xách động từ Iraq – chúng thanh toán lẫn nhau do những nguyên do còn bẩn thỉu hơn, như trộm ô tô, tranh cửa hiệu để tống tiền, buôn bán ma túy, dẫn gái, giành chỗ đậu xe, v.v. Xã hội Hồi giáo trong những cuốn sách này không được nhắc đến một cách tự thân, chúng chìm ẩn trong những cấu trúc ngữ nghĩa và ngôn từ tràn lan; thế nhưng đó là cảnh tượng không thể làm ngơ. Chúng hiển hiện, nổi bật chỉ như một dụng ý ngầm, nhưng đó còn là tiếng gào thét vào thế giới tự do, văn minh; của một xã hội không còn đói nghèo, bất công và cả chiến trận. Thế nhưng xã hội Hồi giáo không chỉ có thế, dường như chỉ là bước đầu.

Những luồng tư tưởng

Không khó để nhận ra những xung đột mới – cũ, Đông – Tây giữa các nhân vật trong cuốn sách này. Nếu bốn cô gái của Rajaa trong Những tiểu thư hồi giáo đại diện cho cách sống mới – kiểu “live fast, die young, be wild, have fun”; thì những nhân vật trường thọ như má Adiba trong Con miu cái của nàng Sikirida hay Z trong Cho xem đùi nào Leila lại như những rường cột niềm tin, truyền thống, về những ý nghĩ cổ điển. Nếu Rachid quăng thẳng vào những hủ tục xa xưa lát cắt sắc lẹm từ cái vốn được coi là không trong sáng, lành mạnh trong xã hội Hồi giáo – sex; thì Rajaa còn cất tiếng nói mạnh hơn, khi xây dựng hình tượng Michelle – một nữ anh hùng thời đại với những lý lẽ đóng đinh như thể Doris Lessing từng xây nên Anna Wulf trong Cuốn sổ vàng.

Ở đó Rachid El-Daif cười vào rường cột những luật lệ hà khắc một cách đầy châm biếm mỉa mai như thể một tình tiết trong Con miu cái của nàng Sikirida khi ông xây dựng cảnh huống để cho Sikirida và chính cháu gái mình cùng kết hôn giả với người đàn ông lái taxi – Abu Brahim trước sự chứng kiến đúng luật của thầy dòng, để má Adiba không phải bận tâm về sự hướng thần của mình. Kết hôn được cho là một trong những vấn đề tế nhị và có phần thiêng liêng trong fatwa, thế nhưng dù cho thế nào, con người ta vẫn cố tìm lấy khoảng hở để sống đúng cuộc đời mình. Dùng một thứ thiêng liêng tự thân để cười vào những cố định vô lý, Rachid một lần nữa cho thấy những nghịch lý làm giới hạn đi sự sống của con người; và cũng tái khẳng định ở một mặt nào đó, dẫu sao đi nữa con người sẽ vẫn luôn hướng về phía tự do – hướng về những thứ vốn thuộc về họ mà không một ai có thể lấy đi.

Và một lần nữa, điều này còn khẳng định đúng ở Những tiểu thư hồi giáo khi Rajaa xây dựng song song giữa một bên là những gì xã hội muốn và một bên là những gì các cô gái thời cô làm. Xã hội của cô mong muốn phụ nữ phải đi lại ít thôi, nói ít thôi để tìm được một tấm chồng. Xã hội ấy cũng xé toạc những cuốn tiểu thuyết lãng mạn, cô lập các mối quan hệ của con cái mình trong hiển hình của những người cha người mẹ. Xã hội này đồng thời căm ghét Valentine, gọi nó là tội ác màu đỏ. Xã hội thời bấy giờ cũng tạo nên thứ gọi là Uỷ ban phát huy đức hạnh và ngăn ngừa đồi bại, hay ngắn gọn hơn là Cảnh sát Tôn giáo, để ngăn ngừa những người khác giới đi gặp gỡ nhau. Thế nhưng vượt lên trên những cố định ấy, những cô gái của Rajaa vẫn tụ tập, chia sẻ với nhau dưới sự bảo trợ của Nuwayyen những quan tâm chính trị, việc chơi đùa các chàng trai hay tư duy sống cho chính bản thân mình của Michelle hay Lamees để rồi từ từ Gamrah hay Sadeems cũng tưởng thưởng chính lối sống ấy.

Thế nhưng nhìn nhận ở mọi khía cạnh, sự khác biệt ấy là điều hiển nhiên và khó dung hòa dù cho là xã hội nào. Mới – cũ, Đông – Tây vẫn luôn tồn tại song song trong mỗi một ngày. Một cách văn chương và đầy mới mẻ, cả Rachid và Rajaa đã cho ta thấy cách những đối ngẫu luôn sống cạnh nhau và khẳng định rằng, con người dẫu sao sẽ luôn vươn lên và sống đời mình chẳng chóng thì chầy chỉ là thời gian.

Những đối lập về giới

Trong bộ phim Marriage Story, nhân vật Nora do Laura Dern thủ vai đã có một phát biểu đậm tính luật sư được nhào nặn ra để 1) suy tôn nữ quyền và 2) mang cho cô giải Oscar danh giá thế này: “Người ta chẳng chấp nhận nổi những người mẹ bợm rượu, quát nạt con cái, mắng chúng là lũ khốn. […] Thử nghĩ xem, hình mẫu một người cha tốt đẹp chỉ mới được hình thành khoảng ba mươi năm gần đây thôi. Trước đó, các ông bố có quyền im lặng, lơ đãng, không thể dựa dẫm được và ích kỉ, tất cả chúng ta đều nói rằng mình muốn họ khác đi. Nhưng về cơ bản, ta chấp nhận họ. Ta yêu họ vì những khiếm khuyết của họ, nhưng người ta hoàn toàn không chấp nhận những khuyết điểm tương tự ở người mẹ. Ta không chấp nhận về mặt quy ước vai trò, ta cũng không chấp nhận về mặt tinh thần. Vì nền tảng trong đức tin Do Thái-Kitô giáo của chúng ta là dù Mary, Đức Mẹ của Chúa Jesus có như thế nào đi chăng nữa, bà cũng phải hoàn hảo. Bà là trinh nữ nhưng vẫn mang thai, kiên định ủng hộ con mình và ôm xác con khi con qua đời. Mà ông bố thì chẳng có ở đấy. Ông ta thậm chí còn không làm gì. Chúa ở trên thiên đường. Chúa là cha, và Chúa không xuất hiện. Vậy nên cô phải hoàn hảo […] Cô luôn phải tuân theo một chuẩn mực khác, đòi hỏi cao hơn.

Chán hết chỗ nói, nhưng đời là thế đấy”.

Ảnh: Phim Marriage Story (2019)

Và vâng, là đúng thế, đời là thế đấy và chán hết chỗ nói. Điều này cũng đúng trong trường hợp văn chương khi phần lớn (và hầu hết) những nhân vật nam trong các cuốn sách này đều như được đúc ra từ một khuôn. Họ là những người cha (của Amal, của Nojoud, của má Adiba) xấu xa, gia trưởng, độc đoán. Họ là những người đàn ông chưa kịp lớn (“tôi” và “cha tôi” trong Cho xem đùi nào Leila). Họ cũng là những người suy nhược, như tràng dài những anh người yêu của bốn cô gái (Waleed, Rashid, Falie, Khalid, Firas,…). Từ góc nhìn Rajaa là điều bình thường – khi cô là tác gia nữ nhìn về phía đàn ông dưới một xã hội không mấy thiện cảm. Nhưng với trường hợp Rachid, dường như đồng thời là sự suy tôn hình tượng những người phụ nữ, khi ông không ngại đứng dưới lập trường của người đàn ông cất lên tiếng nói đầy tính nữ.

Một cách cụ thể và đầy tỏ tường như trong Cho xem đùi nào Leila, những hành động trẻ con của “tôi” như Ngồi phơi đầu dưới mặt trời đổ lửa, tóc đẫm dầu ôliu, một ngày 21 tháng 6, một ngày chủ nhật, 10 giờ sáng (giờ mùa hè ở Beyrouth) để phản đối việc người cha lục tuần mong muốn kết hôn vì sợ cô đơn. Còn hơn cả thế, người cha ấy cũng không thua kém đứa con của mình, “Cha tôi mãi là một đứa trẻ cần được chăm chút, bảo vệ, và chúng tôi, những đứa con của ông, luôn có trách nhiệm phải lo lắng cho ông. […] Ông hành xử hệt như con thú động dục tuy bên ngoài ai cũng nghĩ là một người già trầm tĩnh”. Rachid điềm tĩnh khi nói về những nhân vật đàn ông của mình. Ông xây dựng họ như những bản photocopy di truyền, trong mối quan hệ cha – con như sự tiếp nối thời đại không bao giờ ngưng. Không những thế, ở Con miu cái của nàng Sikirida, Redouan và cha của cậu cũng trùng hợp thay – cùng làm phụ nữ mang thai để rồi biến mất. Đàn ông trong hai cuốn sách của ông là một sinh vật (có lẽ) thèm khát đến kỳ động dục, suy nghĩ nhiều hơn ở giữa hai chân thay vì trí não – có lẽ cũng là một điểm mỉa mai khác nữa.

Không những thế, ở đây, cái giả hình tính đực cũng được đưa ra như thứ ngụy biện cho những nghịch lý của một xã hội mà những điều luật được diễn dịch bởi giới đàn ông. Trong Ly hôn tuổi lên 10, cô bé Nojoud từng giải thích cảnh ngộ chính mình như sau: “Không chỉ hắn làm hại em, mà cả gia đình em, gia đình của riêng em cũng bảo vệ hắn. Tất cả những điều đó chỉ vì một vấn đề… Vấn đề gì nhỉ? Vấn đề danh dự!”. Danh dự là thứ làm nên cốt cách của họ, danh dự đúc kết trong chính con dao jambia của xã hội Yemen, danh dự khiến cha bán con, như má Adiba còn Amal thì bị ruồng bỏ. Danh dự không hơn một thứ hảo danh mà dòng giống đực dùng để che đi chính cái bất lực của bản thân mình. Danh dự được người phụ nữ cảm nhận và gào thét lên trong nỗi tù đày của thân phận mình.

Ở đó đàn ông từ chối lấy người phụ nữ đã trao cho anh trinh tiết của mình hay từ bỏ người từng yêu chỉ vì khác biệt tôn giáo, danh tiếng hay gia đình. Cuộc sống của bốn cô gái được Rajaa khắc họa trong chính cái khuôn mực thước ấy. Ở đó dù cho thế nào thì người đàn ông cũng phải dũng mãnh để khi lên giường “nếu không dũng mãnh được như ngựa giống thỉ tôi thà chết còn hơn! Tôi không thể nào chấp nhận người ta nghi ngờ nam tính của tôi, thà giết chết tôi đi!” Nực cười một kiểu, chính những giả hình ấy lại được phát hiện bởi cô gái trẻ sau hai mối tình đứng lên làm lại từ đầu không cần ai khác, chứ không phải bởi nhà hiền triết, một người suy tư hay một ai khác đấu tranh cho quyền phụ nữ “Dù có sự khác biệt lớn về tuổi tác – họ đều được đúc từ cùng một khuôn thôi: thụ động và yếu đuối. Họ là nô lệ của những hủ tục và truyền thống lâu đời cực kỳ bảo thủ dù đầu óc được học hành khai sáng của họ giả vờ bác bỏ những điều đó! Đó là cái khuôn đúc ra tất cả đàn ông ở cái xã hội này. Họ chỉ là những con tốt mà gia đình họ di chuyển trên bàn cờ thôi”.

Và phụ nữ, họ còn nhận ra rất nhiều điều khác.

Sự vươn lên của tính nữ

Tình dục, tự do – hai khía cạnh được nhắc đến như sự vươn lên của vương triều phụ nữ trong cuốn sách này. Rachid một cách tài tình mở toang cách cửa sức sống của người phụ nữ trong nền xã hội rối ren. Ông phá bỏ gông cùm, đánh tan bài xích, vượt lên trên hết bằng lối ra của một nhân tố ít được nhắc đến nhất từ trước đến nay, một thứ thiêng liêng, chỉ một với một, hết sức kín đáo và hoàn toàn riêng tư – sex. Rachid xây dựng cốt truyện châm biếm như cách xây dựng nội dung, ở đó ông đi theo kiểu 1) bùng binh và 2) đường song song mở ra hai hướng. Với Cho xem đùi nào Leila, đó là kiểu bùng binh quan hệ mà không nghi ngờ gì nữa, là bí mật lớn nhất và cũng là cái hài hước nhất của toàn tác phẩm. Hai cặp nhân vật, Z – Leila, tôi – cha tôi xoay qua xoay lại như một vòng tròn. Bốn người bọn họ được giữ với nhau không những chỉ bằng từ trường trái đất, mà còn là bởi những cuộc làm tình. Cả bốn người họ, nếu như được viết ra giấy để rồi bắt cặp, không trừ cả đến giới tính thì đều ít nhất làm tình với nhau một lần (chỉ trừ một cặp cha – con). Thế nhưng dù thế, ta dễ nhận ra, sex trong văn chương Rachid không mang ý nghĩa thô bỉ, mà nó lại còn hàm chứa nhiều điều hơn thế.

Vốn dĩ xã hội Hồi giáo mà người ta biết là nơi nghiêm khắc trong những việc này. Bằng áo burqa, bằng khăn hijab; tín đồ Hồi giáo ngăn ngừa những cơn khơi gợi dục tính một cách như thế. Thế nhưng, trong tác phẩm mình, Rachid mở rộng vấn đề ấy một cách không biên giới – không tuổi tác, không giới tính, không quan hệ, không giai tầng. Xét vào bối cảnh, sex trong thế giới Hồi giáo được ông mang vào như lưỡi của một chiếc kéo, cả hai cắm phập vào nhau và dĩ nhiên, cùng cười vào nhau, cùng phản ánh nhau. Ở đó ta thấy đời sống sôi động của người phụ nữ, khi ra đường có thể là những cái chai di động do burqa quá rộng, nhưng khi lên giường họ hoàn toàn là một sinh thể rất khác, nồng nàn, ẩn chứa và vỡ tung ra. Tình dục đối với họ, cũng như những người khác, đơn thuần là một hành động giản đơn, một hành động tự nhiên như ăn, uống, chạy nhảy hay bơi lội. Họ sống ở đó và được là mình, họ là người, và chính những hành động ấy mới chính là họ, hành động của một con người và cư xử như một con người.            

Nếu Cho xem đùi nào Leila là cách khai thác yếu tố bùng binh, thì Con miu cái của nàng Sikirida là kiểu đường thẳng mở ra hai hướng, giao nhau duy nhất ở niềm ham muốn. Phụ nữ trong văn chương của ông là người có gout, dẫu cho hoàn hảo hay khiếm khuyết, xinh đẹp hay xấu xa. Sikirida – một ả ngoại quốc không hơn không kém, không tính chung thủy, không phải tầng lớp cao sang; thế nhưng luôn luôn ham muốn làm tình với đàn ông trẻ, trẻ hơn cả mình, dẫu cho chỉ trong một không gian nhỏ của nhà vệ sinh với con trai người bán rau. Trong khi đó, Amal – cô bé chỉ mới cấp 3, giàu có, xinh đẹp nhưng lại khuyết tật không thể đi được – lại dần tìm được cảm hứng sau cuộc làm tình với Redouan – kẻ hiến thân mà như cô nói, chỉ thích đàn ông học thức, thông minh và hơn cả mình. Rõ ràng ta thấy, phụ nữ trong các tác phẩm ông không những tìm về chính mình, mà họ còn tự do để được lựa chọn. Họ thể hiện tính nữ của mình trong cuộc làm tình, họ cho thấy sự kiểm soát bản thân trong việc chọn ai để thi hành điều đó.

Rachid đập tan ảo tưởng kiểm soát phụ nữ của đàn ông một cách như thế. Không xây dựng hình ảnh phụ nữ dáng dấp anh hùng; ông chỉ đơn giản cho thấy vai trò chủ động của họ trong hành động cấm ở nơi họ sống. Phụ nữ từ đó vươn lên, mở tung bản ngã và được là mình. Chính ở điều này tính văn chương của Rachid được bộc lộ, vì không như người khác dễ dàng sa ngã vào cái thô bỉ mỹ học mang danh tình dục; ông mượn nó để làm phương tiện phát ngôn của mình, một cách gián tiếp nhưng đầy sức mạnh. Ngoài ra, hình tượng được ông sử dụng: từ con miu cái – như cách phụ nữ bộc lộ bản tính cho đến cái đùi của Leila – như đại diện cho vẻ đẹp tính nữ. Con miu cái dẫu bị Sikirida từ bỏ, mang xa đến đâu cuối cùng vẫn sẽ trở về như ám chỉ nói, phụ nữ dẫu bị ngăn cách đến mức độ nào, bản tính vẫn dẫn họ về và làm lại mình. Z – người phụ nữ xấu xí không ai thèm lấy, tuôn lệ nước mắt khi nhìn thấy chiếc đùi Leila – một biểu trưng cho cái đẹp, cho tính nữ mà cô không hề có – đã ngầm ý rằng, phụ nữ có thể không đẹp hoặc không hoàn hảo; nhưng tính nữ vượt xa hơn thế, nó là bản chất, nó là bản ngã, mà chính thông qua việc khao khát có một đứa con, tính nữ đè chết cái đẹp: “Ông ấy bố thí tôi được làm vợ ông ấy bởi vì tôi quá xấu. Nhưng ông ấy không thể ngăn cản tôi có thai”.

Và trực tiếp hơn, Khuôn mặt bị đánh cắp của Latifa sẽ là gì nếu không phải là tiếng kêu tự do của những con người áp bức quá lâu? Ở đó, Taliban triệt tiêu phụ nữ. Họ giam phụ nữ trong chiếc burqa phùng phình và lưới mắt cáo để che ánh mắt. Ở đó, phụ nữ không được khám bệnh còn bác sĩ nữ không được hành nghề. Đó đều là những phương thức không phải giam cầm, mà đó là cách bọn chúng tiêu diệt phụ nữ Afganistan. Tương tự như thế, xã hội Yemen giết chết những người phụ nữ trong cuộc hôn phối mà những bé gái lên 9 lên 10 còn chưa biết được thế nào để trở thành vợ, thành mẹ, để thành đàn bà chỉ vì hai tiếng danh dự của gia đình mình. Thế nhưng, họ là những phụ nữ không cam chịu. Nojoud đứng lên ly hôn khi mới 10 tuổi mặc cho những thành kiến xã hội còn đó, Latifa đến Pháp như cách cất lên tiếng nói cho phụ nữ Afganistan để rồi sẽ mãi sống cái tên giả, bởi những cực đoan nơi quê nhà luôn chờ đón cô bằng một cái chết không hề báo trước. Họ mạnh mẽ, quyết tâm, kiên trì để sống đời sống mình, dù bước ra từ văn chương hay ngoài đời thực, họ là những người sẽ luôn và sống đúng với mình, với những gì cuộc sống cho phép.

Kết

Bằng chất hài hước vốn có của mình, Rachid El-Daif đã khắc họa một cách thành công tính nữ trong sex – một cách tinh tế và đầy sức mạnh. Trong khi đó, Rajaa Alsanea khơi gợi cách phụ nữ hiện đại vượt lên chính những danh xưng người khác gán chết cho mình – họ tân tiến, học thức, làm chủ bản thân. Nojoud và Latifa như bằng chứng sống cho sức mạnh phụ nữ; họ mạnh mẽ, vươn mình và không chần chứ bất cứ một ngưỡng vọng nào. Từ châm biếm, hòa nhã, phức tạp đến chân thật mà không kiểu cách, những cuốn sách này một cách mạnh mẽ mở toang cánh cửa đóng kín từ lâu của xã hội Hồi giáo, từ đó cho thấy sức mạnh của người phụ nữ. Thế giới đã thay đổi. Hoặc phụ nữ bao giờ cũng thế mà ta không biết.

Hết.

minh.

Đọc tất cả bài viết của minh. tại đây.


Nữ tính trong văn chương



Phía sau trang sách

Michael Pollan: “Con người điên cuồng vì biến đổi gene”

Published

on

By

Là tác giả của nhiều đầu sách về môi trường, thực phẩm nổi tiếng như Food Rules, Nào tối nay ăn gì… Trong các tác phẩm của mình, Michael Pollan đã mang đến những suy ngẫm mới về mối quan hệ giữa thế giới tự nhiên và con người. Khát khao cây cỏ do Phương Nam Book vừa mới phát hành cũng là cuốn sách đặc biệt, hấp dẫn như thế.

Xin chào tác giả Michael Pollan. Ông có thể chia sẻ chi tiết quá trình khởi viết Khát khao cây cỏ diễn ra như thế nào?

Tất cả bắt đầu từ một con ong nghệ. Ý tôi là, tiền đề của cuốn sách thì rất, rất đơn giản. Chuyện là vào một ngày nọ, khi đang trong vườn, thì tôi nhìn thấy một con ong nghệ bay ngay bên cạnh và nghĩ: "Chà, có điểm gì chung giữa một con ong và người làm vườn nhỉ?". Từ giây phút ấy, mọi thứ đã đến với tôi như một khải thị.

Giống như con ong, tôi đang góp phần vào việc giúp cho một loài nào đó chiếm được ưu thế, chẳng hạn khoai tây thay vì tỏi tây. Và giống con ong, tôi nghĩ những loài vật này xuất hiện là vì lợi ích của mình, thế nhưng thực tế thì bản thân tôi mới chính là người đang bị “lợi dụng”. Bởi như bạn biết, khi một con ong tiến hành hút mật, nó nghĩ mình đang “trộm” đi một thứ gì đó, nhưng trên thực tế chính bông hoa ấy mới là “chủ mưu”, lợi dụng nạn nhân giúp nó lan truyền phấn hoa hết từ cây này sang cây khác.

Khi đó tôi đặt câu hỏi, vậy từ quan điểm của những bông hoa, thì con ong nghệ có phải là loài động vật cả tin? Nếu câu trả lời chính xác là vậy, thì liệu chúng ta mang hình hài nào từ chính nhãn quan của các loài cây? Cuối cùng thì tôi cũng hiểu mình giống con ong nghệ ấy hơn chúng ta tưởng.

Vì sao mà ông lại để Johnny Appleseed [1] đóng vai trò quan trọng trong cuốn sách này?

Chà, có lẽ là bạn không tin, nhưng khi đặt bút để viết những dòng đầu tiên thì tôi còn không biết là ông có thật. Trong cả đời mình, tôi nghĩ ông ấy là kiểu anh hùng dân gian chỉ có trong những tưởng tượng từ sách vở thôi. Nhưng hóa ra Johnny Appleseed là John Chapman. Tôi cũng phát hiện phiên bản Johnny Appleseed mà mình từng học hồi còn mẫu giáo là sai hoàn toàn, bởi lẽ ông ấy là một nhân vật thú vị hơn nhiều. Tôi biết về những điều này là qua các cuốn sách xoay quanh loài táo. Ngoài ra tôi cũng biết được một sự thật khác, đó là nếu bạn gieo hạt của một quả táo, thì thế hệ sau sẽ không giống gì với thế hệ trước và không ăn được. Ta không thể ăn táo trồng từ hạt táo, mà chúng phải được lai ghép cũng như nhân bản.

Và chúng không phải là trái cây Mỹ?

Không. Như tôi được biết chúng đến từ Kazakhstan và khi đến đây chúng đã thay đổi rất nhiều trong hành trình đó. Vì vậy việc Johnny Appleseed trồng táo từ hạt có nghĩa là chúng được dùng để làm rượu chứ không phải để ăn. Thực ra những gì Johnny Appleseed đang làm và lý do ông ấy từng được chào đón ở mọi căn nhà gỗ ở Ohio và Indiana là ông đã giúp cho những loại rượu làm từ trái cây thêm phổ biến hơn.

Không chỉ có táo mà ông còn nói đến hoa tulip. Vì sao mà ông lại chọn loài thực vật này?

Vâng, câu chuyện về hoa tulip thật là tuyệt vời. Ý tôi là, đây chính là cơn cuồng hoa mà ta từng biết dưới tên gọi “cơn sốt Hà Lan” nhiều thế kỷ trước, thứ mà ngày nay nhiều người ví von với thói cuồng mạng xã hội. Dù vậy thì tôi vẫn có thiện cảm với người Hà Lan hơn là con người hiện đại, vì so với chiếc điện thoại thì những bông hoa dù sao cũng đẹp và tuyệt vời hơn.

Ngoài ra còn cây cần sa?

Chà, bên cạnh những câu chuyện trên, thì cuốn sách Khát khao cây cỏ này cũng nói về niềm “khao khát”. Nói cho dễ hiểu là khi nhìn vào bông hoa nào đó, liệu ta có thể khẳng định điều gì từ những con ong vây xung quanh nó? Tương tự như thế, với cây cần sa, ta cũng hiểu thêm được chút gì đó về cách tâm trí hoạt động, cũng như vì sao con người trong nhiều thế kỷ phải cần đến chúng.

Trong thực tế, mọi nền văn hóa và mọi chủng tộc đều có những loại cây thần kinh của chính mình. Ngoại lệ duy nhất là người Eskimo. Và lý do duy nhất để giải thích cho điều này là vì không loài cây nào có thể sống được ở trên băng tuyết. Và ngay khi họ phát hiện ra rượu, thì nó đã trở thành loại “cây kích thích” của họ.

Ông cũng tiến gần đến việc đưa ra một tuyên bố chính trị về việc hợp pháp hóa cần sa trong cuốn sách này, nhưng cũng cho thấy chưa có cơ chế để kiểm soát nó. Vì sao ông lại nghĩ thế?

Vâng. Tôi rất đồng cảm với việc khi là con người thì chúng ta cũng có những mong muốn riêng về việc thay đổi ý thức. Tuy nhiên, điều đó cũng không đồng nghĩa với việc lạm dụng. Tôi nghĩ người Hy Lạp đã có thái độ tương đối tỉnh táo về chuyện đó. Họ tôn thờ Dionysus[2], họ dùng rượu rất nhiều nhưng cũng tuân theo kiểm soát và lễ nghi. Có vài trường hợp chúng rất cần thiết, nhưng nhiều khả năng sẽ là tai họa. Vì vậy không có lời khẳng định nào hoàn toàn chính xác cho câu hỏi trên.

Khi ông nói về biện pháp kiểm soát thì một vấn đề khác cũng được hiện lên, đó là các loài sinh vật biến đổi gene. Ông cũng thử nghiệm trồng chính loại này trong khu vườn của mình nhỉ?

Chà, đây là vấn đề có phần mới mẻ trong mối quan hệ giữa con người với thực vật. Ý tôi là, chúng ta đang thực sự tạo ra một cú chuyển mình trong mối quan hệ với thế giới ngoài kia bằng biến đổi gene. Và tôi nghĩ cách duy nhất để hiểu về điều mới này là tự mình thử. Vì vậy, trong khu vườn riêng, tôi đã trồng những củ khoai tây biến đổi gene. Chúng được thay đổi trong từng tế bào để kháng lại các mầm bệnh.

Như bạn biết đấy, công nghệ sinh học thật là mới lạ. Trước đây chúng ta chưa từng lấy gene của loài cá bơn rồi đưa nó vào một quả cà chua hoặc con đom đóm. Thế nhưng giờ đây mọi thứ rất khác... Rõ ràng là trong tự nhiên, dẫu cho có thêm triệu năm tiến hóa, thì cá bơn và cà chua sẽ không bao giờ giao phối và sinh sản với nhau, thế nhưng bây giờ điều đó có thể. Và đó thật sự là cú chuyển mình. Tôi nghĩ bất cứ khi nào ta làm điều gì hoàn toàn mới mẻ về mặt bản chất, thì phải tiến hành hết sức thận trọng. Nhưng trong trường hợp thực phẩm biến đổi gene, thì những gì đang xảy ra lại không cho thấy sự cẩn trọng ấy.

Ông kết luận rằng về cơ bản thực vật có vai trò tái tạo chúng ta cũng như chúng ta tái tạo thế giới thực vật. Ý ông là như thế nào khi viết dòng này?

Nó được gọi là đồng tiến hóa. Bạn biết đấy, tất cả chúng ta đều đã tìm hiểu về Darwin và biết đồng tiến hóa là gì, nhưng tôi nghĩ nó dành cho các loài khác ngoài kia. Thế giới tự nhiên vô cùng kỳ diệu, nó là một mạng lưới sống nhưng rồi ta đến và xé nát nó. Điều tôi nhận ra khi nhìn vào các loài đã được thuần hóa là chúng ta cũng đang ở trong chính mạng lưới đó. Những loài này đã thay đổi chúng ta. Tôi nghĩ việc phát minh ra nông nghiệp đồng nghĩa với hành động tự coi mình là trung tâm, rằng chúng ta là chủ thể hành động trên các đối tượng thụ động… Nhưng trên thực tế, việc phát minh ra nông nghiệp cũng chính là điều mà giới thực vật đã làm với ta. Chúng buộc loài người phải định cư, bắt đầu làm nông nghiệp, dần dần chặt cây phục vụ cuộc sống nhưng cũng đồng thời là giúp cho chúng có môi trường sống tốt hơn…

Tác giả Michael Pollan - Người viết tác phẩm Khát khao cây cỏ

Thật là lý thú khi nhìn nông nghiệp dưới các tác động của cả 2 phe. Do đó điều tôi muốn nói qua cuốn sách Khát khao cây cỏ đó là chúng ta cũng là một phần của giới tự nhiên, chúng ta đang sống trong mạng lưới lớn và cũng sẽ bị tác động bởi thế giới này.


[1] Johnny Appleseed tên thật là John Chapman. Ông sinh ra ở Leominster, Massachusetts năm 1774. Ước mơ của ông là trồng được thật nhiều táo để không ai bị đói. Trong gần 50 năm, ông đã vun trồng hàng nghìn cây táo. Truyền thuyết kể rằng ông đã liên tục trồng chúng ở những nơi trống trải trong rừng, ven đường và ven suối.

[2] Thần rượu nho trong thần thoại Hy Lạp, đại diện cho khoái lạc, tiệc tùng, niềm vui…

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Thả một bè lau – Truyện Kiều dưới cái nhìn thiền quán

Published

on

Chúng ta thường nghĩ truyện Kiều là truyện của một người khác và chúng ta chỉ là khán giả, không có liên can gì. Nhưng khi viết truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã sống trong da thịt của nhân vật Kiều, đã trở thành với Kiều, cụ đã nói được tâm sự của chính mình.

Cô Kiều trong truyện đã phải bắt buộc làm gái giang hồ. Là một nhà Nho, một mẫu mực đạo đức thời xưa ở Việt Nam, vậy mà có khi cụ Nguyễn Du cũng có cảm tưởng mình là một cô gái giang hồ. Cụ làm quan với triều Lê. Sau khi nhà Lê mất, cụ bị nhà Nguyễn gọi ra làm quan. Không từ chối được, cụ phải ra làm quan cho triều Nguyễn. Theo quan niệm của Nho giáo ngày xưa, một người thần tử trung thành không bao giờ thờ hai vua (‘trung thần bất sự nhị quân.’). Trong khi viết truyện Thúy Kiều, cụ Nguyễn Du viết truyện của chính mình. Cụ muốn gửi tấc lòng mình vào thiên cổ chứ không phải vì ngồi không, cao hứng nhất thời mà viết ra một tác phẩm chữ Nôm.

Bìa sách Thả một bè lau, thiền sư Thích Nhất Hạnh

Nếu có chánh niệm, đem những khổ đau, luân lạc và gian truân của mình ra đọc truyện Kiều chúng ta có cơ hội thấy được bản thân. Và như vậy đọc truyện Kiều cũng là tu. Tu tức là nhìn tất cả những gì đã và đang xảy ra trong đời mình bằng con mắt quán chiếu.

Trong quá khứ, có nhà Nho đã liệt truyện Kiều vào loại dâm thư vì trong truyện có tả đời sống của một cô gái giang hồ. Họ có thể đứng về phương diện đạo đức của Nho giáo mà nói như vậy. Nhưng dùng con mắt quán chiếu mà nhìn vào đời Thúy Kiều, ta có thể học được bài học của khổ đau và kinh nghiệm. Nếu biết cách đọc, chúng ta có thể học được rất nhiều từ truyện Kiều như học từ một cuốn kinh. Và truyện Kiều sẽ không phải là dâm thư mà là kinh điển.


Truyện Kiều là truyện về cuộc đời, có những hoàn cảnh khổ đau, hạnh phúc và u mê của cuộc đời. Lấy con mắt của người quán chiếu nhìn vào truyện Kiều, chúng ta có thể thấy được bản chất của cuộc đời. Những điều xảy ra trong mười lăm năm của cô Kiều có thể xảy ra cho bất cứ một người nào. (Vì vậy ở Việt Nam có truyền thống bói Kiều.). Kiều dã trải qua rất nhiều hoàn cảnh khác nhau, đi qua tất cả những chuyện lên voi xuống chó của một con người. Thúy Kiều có khi là học trò, làm vợ của một người có quyền thế gần như vua (Từ Hải), làm đầy tớ, làm người yêu, làm vợ lẽ và làm một người con gái phong sương… Kiều cũng từng làm sư cô. Mỗi chúng ta ít nhất đã có một giai đoạn giống như giai đoạn Thúy Kiều. Nhìn vào đời Thúy Kiều, ta phải nhìn như một toàn thể mà đừng nhìn từng khoảng ngắn.


Chúng ta phải có con mắt trạch pháp, tức là con mắt có khả năng nhận xét và phân biệt. Khi đọc Kinh, ta cần phải có nhận thức độc lập, huống nữa là đọc truyện Kiều. Ta phải nhìn cụ Nguyễn Du bằng con mắt trạch pháp. Cụ tin vào thuyết tài mệnh tương đố (tài năng và số mệnh chống trái nhau). Chúng ta sẽ từ từ xét coi tại sao cụ tin vào thuyết này và thuyết này có đúng hay không. Nếu đúng thì đúng bao nhiều phần trăm. Không phải vì cụ nói ‘chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau’ hay ‘chữ tài liền với chữ tai một vần’ mà chúng ta tin ngay vào sự tương phản, chống trái của tài mệnh. Có những người có tài nhưng không bị tai nạn, vì họ có tu, có chánh niệm và sự khiêm nhượng. Tai nạn sẽ không xảy tới với họ, hay ít nhất, không xảy tới cho họ nhiều như cho những người quá cậy vào tài năng của mình mà xem thường người khác.


Dựa theo truyện Phong Tình Lục của Trung Hoa để viết truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã biến tập tiểu thuyết tầm thường này thành một tác phẩm văn chương phong phú và sâu sắc. Một lần nữa, chúng ta thấy cốt tủy của một tác phẩm có giá trị không phải là cốt truyện mà là văn chương và tư tưởng.

Ngày xưa tôi cũng đã từng dạy văn chương Việt Nam và đã dạy truyện Kiều. Nhưng tâm của tôi lúc đó không được như bây giờ. Tôi đã dạy với tư cách một giáo sư văn chương mà chưa bao giờ dạy với tư cách một thiền sư. Nhìn với tư cách một thiền sư là nhìn sâu, nhìn kỷ, nhìn bằng sự khám phá của thiền quán mọi sự kiện qua nhận thức, đau khổ, hạnh phúc, thành công, thất bại và qua sự tu học của mình. Nhìn như vậy trong khi đọc lại truyện Kiều ta có thể thấy được những điều rất mới.


Khi đọc truyện Kiều, ta không nên ngại về từ ngữ và điển tích. Các bản truyện Kiều đều có chú giải. Có tài liệu là ta có thể hiểu được hết các điển tích và từ cổ. Điều quan trọng là chúng ta đọc với tâm trạng quán chiếu, tìm thấy tâm lý của tác giả và tìm thấy lòng mình.

Làng Mai khóa tu mùa Xuân 1992 - Phần Thay lời tựa - Trích sách Thả một bè lau I Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Đời sống thật đẹp, thật buồn nhưng đầy mong manh

Published

on

By

Được Amazon và hàng nghìn độc giả Goodreads bình chọn là cuốn sách hư cấu hay nhất của năm 2022, Ngày mai Ngày mai và Ngày mai nữa từ tác giả Gabrielle Zevin là một bản hùng ca về tình bạn, tình yêu và tuổi trẻ, được viết thông qua những trò chơi điện tử cuốn hút và đầy độc đáo.

Tác phẩm xoay quanh 3 nhân vật chính gồm Sam Masur, Sadie Green và Marx Watanabe. Trong khi Sam và Sadie đã quen biết nhau từ khi rất nhỏ, nhưng vì một hiểu lầm ngờ nghệch từ tuổi ấu thơ mà họ cắt đứt liên hệ và không còn nhìn thấy nhau; thì hơn 10 năm sau, vào một ngày tháng 12 lạnh giá, Sam vô tình nhìn thấy Sadie, từ đó nối lại mối quan hệ xưa. Lúc này họ đã trưởng thành và đang đứng trước cánh cửa cuộc đời. Với sự tham gia của Marx – bạn thân của Sam – cả 3 đã thiết lập nên một đế chế trò chơi điện tử của riêng mình, nhưng cũng từ đó mà những diễn biến tình cảm bắt đầu phức tạp và khó đoán hơn.

Câu chuyện giữa những tri kỷ

Ở đây cảm xúc giữa những tri kỷ đã được nữ tác giả thể hiện một cách đặc biệt. Đó là Sam và Sadie, những đứa trẻ bị tổn thương từ nhỏ, người tìm thấy được những sự ủi an qua người còn lại. Nếu Sam có một cuộc đời không thể tệ hơn: mẹ qua đời từ sớm, lâm vào nghèo túng vì không muốn ông bà ngoại lo, cha bỏ đi, bị phân biệt vì nguồn gốc xuất thân cũng như chân cẳng bị tật… thì Sadie tuy đến từ một gia đình thượng lưu ở khu Beverly Hill xa hoa, thế nhưng ngay từ rất nhỏ cô đã không hưởng được sự trọn vẹn từ cha mẹ mình, bởi người chị Alice bị bệnh ung thư đã cướp hết những sự quan tâm… Bằng sự tình cờ hay một sắp đặt nào đó của số phận, họ đã gặp gỡ và rồi kết nối thông qua các tựa game xưa.

Bìa sách Ngày mai, ngày mai và ngày mai nữa. Ảnh: Bookish

Cho đến một thập kỷ sau, vẫn Sam đau khổ, bị cái chân hành hạ với một tình cảm không thốt thành lời, gặp lại Sadie giờ đang chìm trong một cơn khủng hoảng về mối quan hệ mà cô có với một người đàn ông đã có gia đình… Cả 2 đã cùng nhau thực hiện tựa game Ichigo về một đứa bé rời xa vòng tay cha mẹ ngay từ rất sớm, nhưng đó cũng là một phiên bản khác về 2 người họ - những người đã phải tự mình tìm lối đi riêng trong một thế giới đầy nhẫn tâm và bóng tối. Chính 2 tâm hồn sáng bừng trong đêm đã cứu rỗi nhau và giải thoát nhau, bởi họ hiểu nhất người kia cần gì, và tình cảm ấy cũng là bất khả thốt lên thành lời.

Vì vậy cho đến cuối cùng thì 2 người họ không đến gần hơn cũng không xa hơn, nhưng luôn hiện diện khi người còn lại một khi cần chúng. Bởi lẽ “chính trái tim - đúng hơn là phần ý thức con người thể hiện qua trái tim - mới là điều bí ẩn”, cho nên không phải tình yêu hay là tình bạn, mà chính sợi dây của sự thấu hiểu cũng như đồng cảm đã kết nối họ lại cùng với nhau. Bởi như Sadie đã sớm nhận ra: “Người ta tạo ra mô hình thủy tinh của những thứ đang héo tàn, rồi đem chúng trưng bày trong viện bảo tàng. Nhân loại thật lạ kỳ, nhưng đồng thời thật đẹp đẽ. Mà cũng thật mỏng manh”.

Tác giả Gabrielle Zevin

Cũng chính vì thế mà dẫu cho Sam lỡ mất bao lần xác nhận tình cảm của mình dành cho Sadie, hay cũng đồng thời là phía ngược lại, thì ta luôn biết họ vẫn ở đó và dành cho nhau. Như Sam từng nói: “Chấp nhận chơi với ai đó mang tới rủi ro không nhỏ. Nó đồng nghĩa với cho phép bản thân mở lòng, phơi bày tất cả, chấp nhận bị tổn thương”. Cả 3 con người trong cuốn sách này dù phải trải qua những lần đau khổ cũng như niềm vui, những sự bội phản cũng như trung thành… thế nhưng họ luôn tìm thấy ở nhau một sự an ủi. Đó là tình cảm mà những tri kỷ dành riêng cho nhau, được thử thách qua tuổi trẻ, sự bồng bột, thành công lẫn thất bại, để từ đó mà họ nhận ra mình không chọn nhầm người.

Vì vậy Ngày mai, Ngày mai và Ngày mai nữa là một tác phẩm thật đẹp, thật buồn và đầy mong manh. Bởi tình cảm giữa bộ 3 ấy không phải là thứ mà ai trên cuộc đời này cũng tìm thấy được. Nó ủi an, xoa dịu những độc giả cảm thấy cô đơn trên hành trình của bản thân mình, nhưng cũng đồng thời cho ta sức mạnh và sự an yên để nhìn lại những mối quan hệ bản thân đã có. Có thể mọi thứ ta đã xác lập trong cuộc đời này đã từng có tên, nhưng chính qua cuốn tiểu thuyết, ta lại thấy nó muôn hình muôn vẻ và rất huy hoàng.

Từ giả lập đến đời thực

Và cũng có thể vì lý do này mà tựa sách cũng như cấu trúc đã được xây đắp từ những trò chơi điện tử, bởi một trò hay dẫu là rất khó nhưng rất công bằng, còn cuộc đời thực sẽ luôn bất công. Và cũng bởi chính những sự đẹp đẽ, mong manh và dễ chịu ấy nó khiến người ta muốn sống thêm ngàn lần nữa, để ta sẽ có vô hạn lần tái sinh, vô hạn lần sửa sai và sau ngày mai lại là ngày mai và ngày mai nữa. Nó là vòng lặp sẽ không bao giờ có thể khép lại, bởi khi càng đi ta càng khám phá thêm nhiều điều nữa, bởi không có thất bại nào là vĩnh cửu cả, và chẳng có gì là vĩnh cửu hết.

Một điều không thể phủ nhận là thành công của Ngày mai, Ngày mai và Ngày mai nữa nằm ở chủ đề phổ quát cũng như phương tiện mà chính từ đó nữ tác giả Gabrielle Zevin bám vào rất vững. Đối với thế hệ gen X hoặc gen Y, những trò chơi như Super Mario, Final Fantasy, Donkey Kong… đã là tuổi thơ của bản thân họ. Ở giai đoạn ấy họ có được những người bạn – những cộng sự mà mục tiêu duy nhất là cùng nhau vượt qua vô vàn thách thức cũng như khó khăn mà các trò chơi mang đến. Thông qua điều đó mà phần đông độc giả cũng tìm lại mình, và thấy một mẫu nào đó của chính bản thân trong các nhân vật.


Ngoài ra chủ đề của cuốn tiểu thuyết cũng rất phổ quát, khi nói về tuổi trẻ, tình bạn, tình yêu, hoài bão và sự nỗ lực. Cũng như nhiều tác phẩm của Hanya Yanagihara hay Sally Rooney, ở cuốn sách này, thất bại cùng với thành công luôn song hành nhau, và thế hệ Millennials chính là độ tuổi cảm nhận được mình một cách rõ nhất. Gabrielle Zevin không hồng hóa hay tiến hành làm các nhân vật trở nên hoàn hảo, mà chính sự bất toàn, đầy rẫy khiếm khuyết… khiến cho độc giả cảm thấy chính bản thân họ cũng từng trải qua những giai đoạn ấy.

Ngoài điều đó ra thì tác phẩm này cũng đã đề cập một cách phong phú đến những vận động của xã hội ngoài kia. Đó là một thời của phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, phân biệt giai cấp. Khi đến gần mốc của ngày hiện tại, ta sẽ lại thấy những chỉ dấu của chiếm dụng văn hóa hay sự phụ thuộc một cách quá mức vào không gian mạng… Ở bất kỳ đâu ta cũng dễ thấy một sự quá khích và thiếu thấu hiểu của chính con người. Nhưng qua rất nhiều nhân vật đã sống cùng nhau một đời trọn vẹn, mà những mất mát và thiếu sót này cũng được lấp đầy, để không một ai sẽ phải sống trong một thế giới thực nhưng vẫn mơ về những không gian ảo mà ở nơi đó họ được là mình.

Vì thế có thể nói rằng Ngày mai, Ngày mai và Ngày mai nữa là một cuốn sách dành cho mọi người, nơi người ta có dịp nhìn lại, được luyến nhớ quá khứ cũng như tìm thấy được sự đồng cảm dù là thất bại hay sự thành công của những ngày này. Bằng cách viết nhẹ nhàng, điềm tĩnh, các nhân vật tự mình bộc lộ hoặc cho thấy được những cá tính riêng thông qua góc nhìn của phía đối diện, từ đó mà phía độc giả có dịp khám phá và tự nhìn lại những ngày đã qua, với những con người mà họ đã là một phần đời mình.

Đọc sách hay, gửi ngay bài review cho Bookish.vn

Bạn đọc sách và muốn chia sẻ những cảm nhận, hãy viết review và gửi đến chúng tôi. Bookish.vn có chuyên mục “Phía sau trang sách” – nơi đăng tải review sách do bạn đọc gửi đến email: truyenthong@pnc.com.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.
Đọc bài viết

Cafe sáng