Top sách hay

Hồ sơ mật: Danh sách xếp hạng văn học 2020

Published

on

2020 là một năm đầy khó khăn. Hẳn nhiên đó là điều ta dễ và phải chấp nhận. Thế nhưng trong cơn bĩ cực của ánh sáng tối tăm, một vài cánh tay vẫn đang nhoài ra cố gắng kết nối với nhau, giữa người với người, cho những điều tốt đẹp. Nhưng nếu chưa gặp đúng cánh tay của riêng bản thân mình thì 15 cánh cửa văn học sau đây hy vọng sẽ là nơi trú ngụ cho những đôi cánh đã quá rã rời, từ nhẹ đô nhất đến nặng lòng nhất, với một tiêu chí chấm hạng không thể free-style hơn nữa. Xin mời bước vào hành trình đi đến tận cùng đêm tối.

*

15. Phố Hoài (Trần Thị Trường)

Nhà văn của phụ nữ – Trần Thị Trường – đã trở lại với Phố Hoài sau hơn 10 năm ấp ủ. Có thể nói với cuốn sách này, Trần Thị Trường lần đầu tiên thiết lập nên kho từ điển về thời bao cấp bằng chính các nhân vật, câu chuyện và đủ thứ thượng vàng hạ cám hiện diện trong này. Thông qua những nhân vật gặp nhiều trắc trở và đầy biến động theo suốt chiều dài lịch sử, Trần Thị Trường, như người canh gác khu phố hoài niệm, lắng nghe tiếng gió một buổi chiều xưa để ghi chép lại, để tưởng nhớ lại một thời gian khó mà cũng đẹp đẽ với sự sẻ chia.

Phố Hoài (Trần Thị Trường)
Ảnh: Báo Phụ nữ Việt Nam

Cũng chính như nơi tên gọi của cuốn sách này, Phố Hoài sẽ mãi còn đó, vọng mãi, vọng hoài, vọng dài đến độ phức tạp trở thành yếu điểm. Để nói về cái chưa được nhất của cuốn sách này thì đó là độ lê thê, thế nhưng bởi ai cũng thích giật gân những trò cấm cản, nên nó đứng đó và là chứng nhân cho thói buôn chuyện chưa khi nào ngơi. Bởi lẽ, mượn một câu từ Trần Thùy Mai, có ai buôn nhân nghĩa mà trông có lời hay không?

14. Phong cảnh bên này (Vương Mông)

Là một trong những tác gia Trung Quốc được in nhiều nhất ở tại Việt Nam từ tiểu thuyết đến sách nghiên cứu sử học, triết học, Vương Mông từ lâu cho thấy văn nghiệp trải dài với nhiều đỉnh cao, mà một trong số đó không thể không nhắc đến Phong cảnh bên này – bộ thiên trường tiểu thuyết về đời sống tộc người Tân Cương ở thời giao hòa hậu Cách mạng văn hóa, phong trào Tứ Thanh. Bởi lối tuyên truyền đi từ mặt xấu và cái phiến diện mà Phong cảnh bên này đã phải đắp chăn lên bờ xuống ruộng đến hơn 40 năm mới được xuất bản. Tuy thế ở thời điểm này ngay khi ra mắt, giới độc giả trẻ đã đón nhận vô cùng nồng nhiệt và ngay lập tức đoạt giải Mâu Thuẫn lần 9 năm 2015.

Phong cảnh bên này (Vương Mông)
Ảnh: minh.

So sánh một cách không hề khập khiễng, những ai yêu quý Sông đông êm đềm chắc hẳn sẽ thích Phong cảnh bên này như cuộc đối thoại của hai tư tưởng, hai nền văn hóa. Nhưng xét hơn 40 năm vụt qua như một ánh chớp, Phong cảnh bên này vẫn không thoát khỏi bàn tay của sự lỗi thời với lối tuyên truyền đậm chất Cách mạng. Nhưng về tài năng và những kỹ nghệ của chính Vương Mông từ thời kỳ ấy, hiếm có một ai tỉ mỉ mà đầy Dumas một cách như thế.

13. Biên sử nước (Nguyễn Ngọc Tư)

Là một trong những nhà văn Việt Nam “bán vạn bản”, Nguyễn Ngọc Tư từ lâu đã chứng minh được vị thế độc tôn của mình ở dòng văn học sông nước đậm tính miền Tây Nam Bộ. Thế nhưng, không dừng ở đó, với cuốn tiểu thuyết thứ hai (sau Sông) như khởi đầu cho một lãnh địa mới, nhà văn đoạt giải Liberaturpreis 2018 đã kịp làm mới và thay máu văn chương chính mình.

Review Biên sử nước: Tới thời thoát thai
Ảnh: Nhà Sách Phương Nam

Với cuộc hành trình đi tìm trái tim Đức ngài trong hơn hai ngàn không trăm bốn mươi sáu ngày và những hệ lụy sau đó, Biên sử nước tiếp nối những di sản trước khi một lần nữa viết tiếp những thân phận đàn bà long đong chìm nổi trong cái mặn mòi của xứ cù lao bằng một thể nghiệm không mới, nhưng rất cần thiết cho chính tác giả. Dũng cảm, súc tích mà đầy cảm xúc, Biên sử nước như một nhận định, là cú thăng hạng cần thiết cho sự nghiệp của Nguyễn Ngọc Tư. Thế nhưng nhìn nhận một mặt khách quan, Biên sử nước rõ ràng là mới với Nguyễn Ngọc Tư, nhưng không hề lạ với giới độc giả. Chiều sâu, tưởng tượng, đối thoại, kích thích là thứ mà Biên sử nước cần; để không hòa mình, hòa tan, lợn cợn và bì bõm trong dòng sáng tạo của văn học mới Việt Nam.

12. Vòm rừng (Richard Powers)

Với chuẩn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer, Vòm rừng ẩn chứa trong mình độ dày tuyệt đối, tính chính trị dằng dai và khả năng bị cắt rất cao từ (những) tiến sĩ văn chương thích ngồi cào phím khua môi múa mép và bầy tùy tùng lúc nhúc theo sau nếu có cơ may Powers là người Việt Nam. Thế nhưng khác với Donna Tartt khi những chiêm nghiệm mỗi người mỗi khác, Richard Powers lần này đã chạm được tay vào vấn đề nhức nhối không thể không thấy khi kết hợp được lĩnh vực sinh thái cùng với văn chương dựa trên thần thoại, mà ở đây là thần thoại Bắc Âu.

Review Vòm rừng: “Bản hùng ca Moby Dick trên cạn”
Ảnh: I Love Books

Vòm rừng vĩ đại như một cái cây, từ đó tỏa ra nhiều nhánh là nhiều nhân vật – nơi họ gặp nhau, tụ lại, phân chia, tách dòng rồi sẽ phong môi một kiếp nào đó. Lối viết của Richard Powers vốn dĩ loằng ngoằng, đặc biệt như những dây leo vươn ra mọi phía đón lấy ánh sáng; thế nên chuyển ngữ là việc khó khăn, vì những dây leo vốn khó đánh bại, dịch thuật như cách đè nén – cương quá hóa gãy, nhu quá hóa lìa; và bản Việt ngữ là nạn nhân tiếp theo của lối kháng cự tầng tháp Babel. Có những cuốn sách rất khó hoặc không thể dịch (một cách trọn vẹn) và tin chắc rằng Vòm rừng thuộc về phe đó. Nhưng cũng nên nhớ bất toàn vẫn đẹp. Chí ít đã đẹp một cách nào đó.

11. Mình cần nói chuyện về Kevin (Lionel Shriver)

Tuy không thuộc thể loại trinh thám – kinh dị thế nhưng tác phẩm quan trọng nhất của Lionel Shriver này có thể khiến bất cứ ai rùng mình chỉ sau một nửa cuốn sách. Được viết dưới hình thức trao đổi thư từ của cặp vợ chồng sau ngày thứ 5 bi kịch tìm tới; cuốn sách kỳ lạ, hung hăng mà đầy sắc bén này kể về mối quan hệ đối nghịch giữa mẹ và con trai trong những khúc mắt lớn lên từ từ. Liệu người mẹ thành công và có mọi thứ để rồi mang thai chỉ như nghĩa vụ có thể truyền đi cảm nhận hay mã di truyền nào đó cho cậu con trai để sự căm ghét, lạnh lùng ngày càng đến gần trở nên bộc phát?

Review Mình cần nói chuyện về Kevin và công cuộc trả đũa bạo tàn
Ảnh: BachvietBooks

Mình cần nói chuyện về Kevin là cuốn tiểu thuyết tâm lý, sắc sảo, ngộp thở và đầy choáng váng – một lần xuất hiện rồi sủi bọt tăm, để đến sau này khó ai tả được cái vỏ lạnh lùng mà đầy thách thức như cuốn sách này một lần đã từng. Từng chiến thắng giải Orange năm 2003, được chuyển thể thành phim điện ảnh vào năm 2011 với nhiều đề cử danh giá cho giải Cành cọ vàng ở Liên hoan phim Cannes, giải BAFTA, giải Quả cầu vàng… Mình cần nói chuyện về Kevin quan trọng và là độc nhất cho đến ngày nay.

10. Tuổi thơtừ bộ trilogy Những cảnh đời tỉnh lẻ (J. M. Coetzee)

Được biết đến như một trong những nhà văn mai danh ẩn tích nhất trên thế giới, bộ ba Những cảnh đời tỉnh lẻ là cơ hội hiếm hoi mà một J. M. Coetzee yếm thế, xanh xao và có phần nào bạc nhược lần đầu tiên hiện lên tỏ tường trước mắt người đọc. Bộ ba lướt ngang lần lượt từ khi còn nhỏ nơi bình nguyên Karoo với nhiều biến động trong Tuổi thơ để đến với khoảng thời gian chạy sang nước Anh vòng tránh chiến tranh và giảng dạy tại đại học Buffalo trong Tuổi trẻ. Mùa hè khép lại một vòng tuần tự bằng sự kiện phản đối Chiến tranh Việt Nam và Coetzee bị buộc trở về Nam Phi vào năm 71, 72; mở đầu cho một văn nghiệp hoàng huy với hai giải Booker và Nobel Văn chương.

Review Những cảnh đời tỉnh lẻ: Tự vạch trần nội tâm của người đàn ông yếm thế
Ảnh: Nhà Sách Phương Nam

Có thể nói trong bộ trilogy này, Tuổi thơ là cuốn hay nhất và kỳ lạ nhất bởi nó vượt thoát khỏi những motif nhân vật thường thấy của vị giáo sư nơi trường đại học hay một lão già ở vùng biên giới; để đến với cái yếm thế trong một vỏ bọc vô cùng ẩn danh, đến với bản nguyên lạ kỳ mà đầy sức hút – từ cuộc trốn chạy làn sóng hư danh mà Pychon ơi, hãy đến và bắt tay đi – chính kẻ đồng mộng dị sàng đầy trân quý này.

9. Những thứ trong suốt (Vladimir Nabokov)

Một cuốn sách lãng mạn, mơ màng và rất đỗi trong trẻo. Tiếp nối sự thành công nội vi của các cuốn tiểu thuyết Nabokov mà ông đã dịch trước đó, trong năm nay Thiên Lương có dịch thêm hai cuốn của thi hào Nga: Phòng thủ Luzhin Những thứ trong suốt.

Những thứ trong suốt (Vladimir Nabokov)
Ảnh: Thiên Lương

Với dung lượng ngắn và cốt truyện không có trình tự làm cuốn sách trở nên dễ dàng và hữu tình đến lạ, Những thứ trong suốt kể về bốn cuộc viếng thăm một ngôi làng nhỏ ở Thụy Sĩ của Hugh Person – bốn câu chuyện hoàn toàn khác nhau với mục tiêu và thủ đoạn hoàn toàn khác biệt. So với người anh em của mình, Phòng thủ Luzhin có những thứ mà cuốn tiểu thuyết nhỏ này không làm được: một cấu trúc hoàn hảo và hình thức luận siêu hình thông qua bộ môn cờ vua và chuyện tình yêu của Luzhin cũng rất xuất sắc, nhưng Những thứ trong suốt có những thứ lóng lánh khác, đó là một áng văn nguy hiểm, lập dị và cơ hội để ngôn từ của Nabokov về đúng sự lãng mạn của nó. Thiên Lương là một người dịch biến động, nhưng với những cuốn mỏng như Pnin Mây, hồ, tháp, ông có một sự kìm hãm mình nhất định, thứ văn chương ông dịch ra bớt khó hiểu hơn, từ đó làm cho ta gần Nabokov hơn, không phải là Nabokov gần ta, theo một cách nào đó.

8. Người đến từ Mariupol (Natascha Wodin)

Là một tiểu thuyết – bán tự thuật dựa trên những sự kiện có thật trong gia đình nhà văn người Đức gốc Ukraine – Natascha Wodin – cuốn tiểu thuyết nổi bật này đi qua như cơn bão quấy làm tan tác một cây gia phả. Như lời trần tình khi viết cuốn sách này của chính tác giả “Nạn nhân sống sót từ trại tập trung trở về đã viết nên hàng loạt tác phẩm văn chương mang tầm quốc tế, sách họ viết về nạn diệt chủng đối với người Do Thái xếp đầy thư viện, thế nhưng những công nhân không phải Do Thái hồi đó bị bắt đi cưỡng bức lao động, lại im lặng, chẳng ai viết lách gì”, vì thế nó cũng quan trọng như Svetlana một lần đã từng.

Người đến từ Mariupol (Natascha Wodin)
Ảnh: minh.

Với Người đến từ Mariupol, Natascha đã viết về một thế hệ người Ukraine chịu ách gông kìm của hai nền độc tài chính trị đồng thời, về những vô luân họ đã gặp phải – thế hệ mất đi tiếng nói, niềm tin, và sẽ chẳng bao giờ trở lại như trước. Dữ dội mà xót xa, hùng hồn mà đầy cảm xúc; Người đến từ Mariupol là một tiểu thuyết dũng cảm. Thế nhưng nhỏ bé ở một góc độ, Natascha Wodin vẫn chưa phân loại được tiểu thuyết này để biến nó ra sống đời riêng lẻ, tách bạch khỏi dòng ghi chép về Holocaust ngập tràn kệ sách.

7. Jude – Kẻ vô danh (Thomas Hardy)

Một sự bắt đầu và là kết thúc. Kết thúc sự nghiệp viết tiểu thuyết của Thomas Hardy và mở ra một thế giới tiểu thuyết hiện đại mới. Guardian viết như thế trong bài đánh giá 100 cuốn tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất mọi thời đại. Và Jude đứng thứ 26, trên cả Bà Dalloway. Với một giọng văn mẫu mực, đậm chất hiện thực, Hardy tiếp tục sử dụng cấu trúc nhân vật chính để kể về địa hạt Wassex tưởng tượng, nơi xuất hiện trong cả Far From the Madding Crowd Tess of the d’Urbervilles.

Jude – Kẻ vô danh (Thomas Hardy)
Ảnh: ELLE

Cũng với một câu chuyện ấy, về Jude Fawley và rất nhiều nhân vật nữ và sự cởi về câu chuyện tình dục không làm xóa nhòa đi chất hiện thực và mở lối cho tiểu thuyết một con đường mới, song chấm dứt sự giáo điều của phong cách cũ giữa lòng thời đại Victoria, một nước Anh cũ xưa nghèo khổ. Không có những kịch tính như Far From the Madding Crowd, Jude là một thước truyện thể nghiệm bằng cách cắt ngắn những xung đột để đi vào thể hiện nội tâm và phản tỉnh của tác giả với cái nhìn hiện thực cuối cùng của mình, một hiện thực bẻ vỡ bằng tình dục và những danh tiếng. Kết cục vẫn như cũ, con nòng nọc trong ao tù vẫn không kịp hóa ếch mà tan với sự suy đồi nhân tính của mình. Nguyễn Thành Nhân là một người dịch tốt, trung thành, một cuốn sách an toàn, đúng như tinh thần cổ điển của nó.

6. Người giao sữa (Anna Burns)

Thật kỳ lạ (hay không lạ kỳ) khi một tác gia người Ireland có thể am hiểu về vòng bát quái một cách trọn vẹn như Anna Burns, bởi lẽ trong cuốn sách đoạt giải Booker này, có một vòng tròn với hai đầu xoáy đi ngược vào nhau, chuyển hóa lẫn nhau, không có điểm dừng là điều hiển hiện. Ít ra bằng sự loạn trí (hay cũng có thể bởi do hormone của tuổi mới lớn hoặc Alzheimer đang tiêu hóa dần những tế bào não) mà Burns đã bày ra được thế cờ với 64 quân hầu đằng đằng sát khí mà đạn đã sẵn lên nòng chỉ còn chờ bắn vào ai dũng cảm đọc nó. Quân vương luôn luôn nấp sau ả hậu, cũng là chính trị nấp sau văn chương, là duy ý niệm nấp sau vô phương ngàn hướng, là cái giả khờ nấp sau khôn ngoan…

Người giao sữa (Anna Burns)
Ảnh: ictvietnam.vn

Người giao sữa là áng văn như thế, là bức màn chia hai, là phông nền hắt bóng – là nó nhưng không phải nó – là người giao sữa nhưng không phải người giao sữa. Ai như đang muốn vào trại tế bần hãy đi vào đây với bầu không khí ngập tràn cổ tích – nơi mà tiên tử được gắn súng ống còn kẻ phàm trần trở nên ngu ngơ. Rất Anna Karenina – ngoại tình tiên phong. Rất Burns – nhiều kiểu bùng cháy.

5. Trường ca Achilles (Madeline Miller)

Mất hơn 10 năm để hoàn thành một áng sử thi thoát xác ra khỏi cốt truyện đã quá quen thuộc của Odyssey. Với Trường ca Achilles, Madeline Miller đã chọn con đường không mấy dễ dàng. Một điều phải khẳng định rằng, đây không phải là một fan-fic bắt nguồn từ trong Homer, mà nó độc lập, có chỗ đứng, có ảnh hưởng và tầm quan trọng riêng. Từ việc tách Achilles khỏi những điển tích vốn dĩ quen thuộc đến việc đẩy Patroclus thành nhân vật chính; Madeline từng bước khử đi dáng vẻ bao trùm ở nơi tổng thể, mang đến người đọc một lãnh địa riêng với cuộc tình đẹp đến vô tường tận của hai anh hùng vượt thoát khỏi những số mệnh, bi kịch, trả thù, tỵ hiềm, tai ương.

Trường ca Achilles (Madeline Miller)
Ảnh: minh.

Có những tác gia trong suốt sự nghiệp loanh quanh tìm tiếng nói riêng, tìm gió phong môi phôi thai ý niệm; nhưng Madeline Miller dường như không cần điều đó, vì vốn dĩ Trường ca Achilles đã là quá nhiều và là tất cả. Từng chiến thắng giải Orange năm 2012, Trường ca Achilles đến nay vẫn chứng tỏ sức hút của bản thân mình khi một lần nữa quay trở lại danh sách bán chạy của tờ The New York Times đầu tháng 12 năm nay sau hơn 10 năm phát hành.

4. Tuyển tập Modiano (Patrick Modinano)

Nếu Séc là nền văn chương được giới thiệu nhiều nhất trong năm vừa qua, thì Modiano lại là tác gia được dịch nhiều nhất với 4 đầu sách – những trước tác tiêu biểu cho sự nghiệp lãng quên. Rõ ràng rằng ai cũng có thể tuyên bố Modiano một màu, nhưng sự một màu đó ẩn chứa ngập tràn sắc độ. Ông một màu nhưng không một màu mà một màu đó vận động trong chính khoảng không chỉ có một màu, với những nhân vật không hơn một màu nối dài như chuỗi những phim âm bản để màu lãng quên thành ra nhiều màu, thành khoảng ombre đầy tràn sắc độ, mà “trường đoạn đau đớn ở ga tàu điện ngầm George-V” hay “cuộc truy hoan bi thảm” là những cấp độ bị lỗi kỹ thuật khi những màu sắc đè chồng lên nhau, bởi sự đãng trí, cái lãng quên, người mẹ Bắc Phi, người cha cách mệnh, người em đã xa.

Tuyển tập Modiano (Patrick Modinano)
Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng

Cũng giống như bộ trilogy từ Coetzee, Những đại lộ vành đai, Kho đựng nỗi đau, Hoa của phế tíchCon chó mùa xuân là những phong hóa của xứ Paris đã thành rêu phủ, với chuỗi nhân vật work-in-progress không ngừng kết thúc từ cuốn sách này đến cuốn sách kia. Ai không ngại cuộc đời hai màu, xin vào cửa này!

3. Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông (Jan Neruda)

Chưa khi nào văn học Séc được mùa như năm vừa qua. Việc in tiếp tục Čapek, Kundera, tái bản Kafka hay giới thiệu mới Hašek đã cho thấy sức sống mãnh liệt của nền văn học này, mà một trong những nhà văn quan trọng nhất thế kỷ 19 – Jan Neruda cũng đã kịp đến với độc giả Việt Nam.

Tương tự Sue với bộ Bí mật thành Paris hay Zola với bộ Ba thành phố, Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông cùng kết cấu đơn giản, các nhân vật mới lạ trong sự quan sát đầy tự nhiên đã khắc họa thành công một xã hội đương thời đầy tỵ hiềm, ganh ghét, ích kỷ, vụ lợi; nhưng cũng đồng thời qua đó, sự yêu thương, nỗi đồng cảm và những cánh tay dang rộng vẫn luôn chào đón. Một tập truyện ngắn vô cùng quan trọng. Và tác phẩm của Neruda như một hí trường ngập tràn tính cách từ những nhân vật – ta cứ vào đấy và hãy dạo chơi; mua vé, đến cửa và ngồi nghe hát – cả một xã hội đầy những drama (karma) sẽ đến bên bạn.

2. Hồ sơ Rachel (Martin Amis)

Cuốn tiểu thuyết đầu tay hoang dã và đầy thô vụn của Martin Amis – một trong 50 nhà văn Anh vĩ đại nhất kể từ năm 1945 đến nay – đã khắc họa được một tuổi trẻ bật tung nội lực trong những biến động vô cùng cá nhân: về cuộc sống, sự trưởng thành, những khám phá dục tính và những trách nhiệm đầu đời.

Hồ sơ Rachel (Martin Amis)
Ảnh: Báo Sinh viên Việt Nam

Tiếp nối thế hệ Beat nhưng đã thoát khỏi con đường ngự trị của thời kỳ jazz vàng son mà Kerouac là một đại diện xuất sắc; với Hồ sơ Rachel, nhân vật Charles Highway của Amis biến thân trở thành một trong những tượng đài châm biếm xã hội trong nét thô vụng, kệch cỡm, gợi tình mà đầy sức hút. Một tác phẩm không thể bỏ qua. Nào, Kerouac! Hãy bỏ chiếc xe cà tàng chạy suốt mùa đông mùa hạ, những cảnh trần truồng, những ngôi nhà chứa ở Mễ Tây Cơ – lại đây mà ngồi với nhau, hai ta sẽ có một cuộc đời khác – mở toang, phóng túng, hư hao, chơi bời nhưng đầy e sợ trong trái tim kia – nếu gặp Amis, cho tôi gởi lời chào, đến Kerouac.

1. Người trong gương (Will Eaves)

Người trong gương là một tiểu thuyết mê lộ tuôn trào đa góc nhìn, một vùng không gian thấm đẫm tính Kafka dàn phẳng. Với tác phẩm này, tiểu thuyết gia người Anh Will Eaves đã dựa trên câu chuyện có thật vào những ngày cuối đời của nhà toán học, logic học và mật mã học Alan Turing để khắc họa nên một tâm hồn cô độc, một số phận đã quá mỏi mệt cho những trầm kha ông phải gắng chịu.

Review Người trong gương: Những siêu hình tâm trí
Ảnh: I Love Books

Đây rõ ràng là một tác phẩm không hề dễ đọc khi cấu trúc thường thấy nơi tiểu thuyết hiện đại bị phá vỡ để đến với những ảo ảnh đan chồng, những dằn xé nội tâm để rồi mắc kẹt trong mê cung của đêm trường tăm tối. Kết hợp giữa hiệu ứng màn trập chuyển cảnh với tốc độ nhanh, những miêu tả đẹp đẽ vô song cùng những hình tượng đậm tính thần thoại; một khi đã hòa vào đây, đã sống một cuộc đời khác cùng Alan Turing, người đọc sẽ như Theseus cùng sợi chỉ đỏ bước ra về phía ánh sáng khỏi hang quái vật.

*

Ngoài ra do bức tường chữ của top 15, những cuốn sách như Chiếc xe đạp bị mất cắp từ Ngô Minh Ích, Nàng tóc đỏ của Orhan Pamuk, Trong khi chờ Bojangles của Olivier Bourdeaut hay Kho báu bị nguyền rủa của Michel Bussi là không thể không gọi tên và rất xứng đáng để được ghi nhận. Những tên tuổi sau đây cũng rất ngang sức nhưng không có trong danh sách chỉ bởi tác giả vẫn chưa đọc xong, hoặc chưa có cơ hội đọc. Bao gồm Những cậu bé kẽm của Svetlana, Châu Phi nghìn trùng của Isak Dinesen, Chết giữa mùa hè của Yukio Mishima, Căn phòng Giovanni của James Baldwin, Chuyện trẻ con của A. S. Byatt…  Ngoài ra những tên tuổi hot nhưng đầy thất vọng cũng đã không thể góp mặt trong này, mà hiển hình là 2666 trước một Đêm Chile đầy ngập hào quang. Xin cúi đầu nhận lỗi.

Hết.

minh.

Click to comment

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Top sách hay

Những cuốn sách New York Times khuyên đọc khi đến Hà Nội

Published

on

By

Nhật ký Đặng Thùy TrâmNỗi buồn chiến tranhThơ Hồ Xuân Hương… là những cuốn sách New York Times khuyên khách nước ngoài nên đọc khi đến Hà Nội.

“Read Your Way Around the World” là loạt bài của New York Times giới thiệu những cuốn sách nên đọc khi đến một thành phố, địa điểm nào đó trên thế giới. Sau các thành phố như Paris, Rome, Tokyo… hành trình đọc sách này dừng chân tại Hà Nội.

Trong bài viết mới đăng tải trên The New York Times, Hà Nội hiện lên là một thành phố không ngừng đổi mới: “Hà Nội luôn là thành phố của những câu chuyện cổ tích và huyền thoại. Tên gọi trước đây, Thăng Long, có nghĩa là “Rồng bay lên”, xuất phát từ câu chuyện vua Lý Thái Tổ nhìn thấy ​​một con rồng vàng bay lên khi ông dời đô đến đây vào năm 1010. Thành phố này hiện là trung tâm của văn học Việt Nam - quê hương của nhiều nhà văn, lễ hội văn học và hội chợ sách… Hà Nội cũng là một thành phố của sự mất mát và sinh tồn: Nó đã bị phá hủy hết lần này đến lần khác từ Kháng chiến chống Pháp, sau đó là Chiến tranh chống Mĩ, khi hàng nghìn tấn bom dội xuống thành phố. Nhưng một khi đến Hà Nội, bạn sẽ cảm nhận được năng lượng của một thành phố không ngừng đổi mới”.

Nên đọc gì trước khi xếp hành lí đến Hà Nội?

Việt Nam thường được nhìn qua lăng kính chiến tranh, nhưng nơi đây có hơn 4.000 năm lịch sử và văn hóa. Một cuốn sách thú vị để đi sâu vào là The Food of Vietnam (Món ăn Việt Nam) của Luke Nguyễn. Chương về Hà Nội là lời giới thiệu hấp dẫn về những món ăn tinh túy của thành phố, chẳng hạn như chả cá, bún chả, bánh cuốn và phở.

Hà Nội là thành phố của các nhà thơ, trong đó có Hồ Xuân Hương, người có những bài thơ táo bạo và kích thích tư duy đã được dịch và xuất bản tại Mĩ trong tập Spring Essence: The Poetry of Ho Xuan Huong.

Đối với thi ca đương đại, tờ The New York Times giới thiệu tập The Women Carry River Water (Những người đàn bà gánh nước sông) của Nguyễn Quang Thiều. Nếu bạn thích tìm hiểu Hà Nội qua tiểu thuyết, Dumb Luck (Số đỏ) của Vũ Trọng Phụng - một tiểu thuyết châm biếm lấy bối cảnh Hà Nội thời thuộc địa - được coi là một tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam.

Understanding Vietnam (Hiểu Việt Nam) của Neil L. Jamieson đưa ra một đánh giá sâu sắc về đất nước chúng ta thông qua thơ ca và tiểu thuyết. Hanoi: Biography of a City (Hà Nội: Tiểu sử một đô thị) của William Stewart Logan, và Hanoi of a Thousand Years (Hà Nội nghìn năm) của Carol Howland, cả hai đều khám phá cuộc sống và lịch sử của thành phố cổ kính này.

Trải nghiệm những khía cạnh khác của thành phố qua sách

Người dân Hà Nội đã trải qua vô số cuộc chiến tranh và những thách thức hàng ngày để tồn tại. Hầu hết sách về Hà Nội chưa được dịch sang Mĩ. Trong số ít tác phẩm được dịch có The Sorrow of War (Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh. Tác phẩm kể về Kiên, một chàng trai Hà Nội ra trận và trở về là một người đàn ông bị tổn thương. Bảo Ninh hiện là một trong những nhà văn lớn của Việt Nam. Tập truyện ngắn gần đây nhất của ông, Hanoi at Midnight (Hà Nội lúc nửa đêm), ghi lại cuộc sống phức tạp của người dân nơi đây.

The General Retires and Other Stories (Tướng về hưu và những chuyện khác) của Nguyễn Huy Thiệp cũng là tác phẩm đáng thưởng thức, với nội dung, bối cảnh là người dân Hà Nội. Behind the Red Mist (Trong sương hồng hiện ra) của Hồ Anh Thái, là một cuốn sách sáng tạo và kích thích tư duy khác.

Để hiểu thêm về Hà Nội, New York Times đặc biệt giới thiệu Last Night I Dreamed of Peace (Nhật ký Đặng Thùy Trâm), cuốn nhật kí của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, người đã hi sinh trên chiến trường Miền Nam ở tuổi 27 khi đang làm nhiệm vụ trong cuộc chiến tranh chống Mĩ. Cuốn nhật kí của cô đã được một sĩ quan tình báo quân đội Mĩ, Frederic Whitehurst, mang về. Ba mươi lăm năm sau, vào năm 2005, cuốn nhật kí đã được trả lại cho gia đình cô ở Hà Nội, sau đó được xuất bản và được quốc tế đón nhận.

Một nhà văn nữ khác được giới thiệu là Lê Minh Khuê với tập truyện ngắn The Stars, The Earth, The River (Những ngôi sao, Trái đất, Dòng sông) chủ yếu lấy bối cảnh là những khu dân cư của tầng lớp lao động ở Hà Nội và mô tả một thành phố đang trở nên đông đúc.

Sách nói phù hợp cho bạn khi dạo quanh thành phố

Nhà thơ Phùng Quán từng viết “Trong khó khăn, tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Thơ ca là một trụ cột của đời sống Việt Nam và khi dạo quanh Hà Nội, bạn có thể nghe Lanterns Hanging on the Wind (Đèn lồng treo trong gió), một chương trình đọc thơ song ngữ phát trên đài phát thanh một số đại học Mĩ, gồm hai phần tôn vinh thơ ca Việt Nam với tác phẩm của Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Nguyễn Quang Thiều, Giang Nam...

Trong khi dành thời gian ở Hà Nội, bạn có thể đi trên đường Hai Bà Trưng, ​​được đặt theo tên của hai nữ tướng đã cưỡi voi lãnh đạo một đội quân chủ yếu là phụ nữ chống lại sự đô hộ của nhà Đông Hán vào khoảng năm 40 sau Công nguyên. Sách nói Bronze Drum (Trống đồng) của Phong Nguyễn, qua giọng đọc của Quyen Ngo, kể câu chuyện về Hai Bà Trưng.

Những địa danh văn học và hiệu sách nên ghé qua

Phố 19/12 của Hà Nội, nơi được gọi với cái tên “Phố sách”, dành riêng cho sách và những người bán sách, nằm ngay cạnh Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Đây là nơi trưng bày và bán các đầu sách của các nhà xuất bản, công ty sách. Con phố này từng là một khu chợ sầm uất - chợ Âm phủ - được đặt tên theo những ngôi mộ tập thể của các nạn nhân thiệt mạng trong Kháng chiến chống Pháp.

Văn Miếu, nơi từng tổ chức lễ hội Ngày Thơ Việt Nam (diễn ra vào Nguyên Tiêu, hai tuần sau ngày Tết Việt Nam), là một địa điểm không thể bỏ qua. Khi bạn ở đó, hãy đứng ở một trong những khoảng sân cổ kính, nhắm mắt lại và tưởng tượng mình đang nghe các nhà thơ Việt Nam đọc cho hàng nghìn người Hà Nội nghe, những người coi Ngày thơ là một điểm khởi đầu tốt đẹp trong năm mới của họ.

Ở phía tây của thành phố, Bảo tàng Văn học sẽ giúp bạn làm quen với nhiều nhà văn và nhà thơ hàng đầu Việt Nam. Một quán cà phê sách vừa được mở trong khuôn viên bảo tàng sẽ là một nơi tốt để thư giãn.

Phố Đinh Lễ với các hiệu sách truyền thống san sát nhau, mỗi hiệu sách đều có một loạt sách tiếng Anh nhỏ. Một góc đường Nguyễn Xí bày bán nhiều sách cũ.

Để có thời gian vui vẻ, hãy bắt một chiếc xe ôm và để tài xế đưa bạn đến Hồ Tây và chùa Trấn Quốc. Trên đường đi, yêu cầu tài xế ghé qua Bookworm Hanoi - một trong những nhà sách ngoại văn được ưa chuộng.

Cuốn sách giúp bạn khám phá xa hơn phạm vi Hà Nội

Dưới Tán Chò Nâu Sài Gòn là tuyển tập bút ký điền dã của một nhà thơ, nhà báo người Mỹ viết về Sài Gòn, được xuất bản dưới dạng sách song ngữ. Tuyển tập gồm 8 đoản khúc, xoay quanh những điều bình dị như cây chò nâu, tiệm tạp hóa, lục bình, sở thú… cho đến những chủ đề “khó nhằn” như tục thờ cá Ông, đồn điền cao su, nghề nấu rượu… Tất cả được viết bằng giọng văn vừa dí dỏm, khoa học nhưng không kém phần thơ mộng.

Vốn là người yêu thiên nhiên và thơ ca, dễ thấy rằng Paul Christiansen đặc biệt quan tâm đến những điều tạo nên nét đẹp mộc mạc, bình dị của mảnh đất hình chữ S. Tác giả tìm thấy cảm hứng từ việc đi dạo dưới bóng cây râm mát của sở thú, trăn trở về cá voi ngoài đại dương lẫn những con thú bị nhốt trong chuồng, thích thú ngắm nhìn lục bình trôi và những quả chò nâu xoay vòng trong gió…

Dưới Tán Chò Nâu Sài Gòn

Những bài viết của Paul Christiansen độc đáo ở chỗ có sự đan xen giữa óc quan sát tinh tế của một nhà thơ và góc nhìn chuyên sâu của một nhà nghiên cứu về những cảnh quan, nghi lễ, sự thật lịch sử vẫn còn bị dân bản địa thờ ơ.

Hai bài viết đầu tiên, Sở thú Sài GònTạp hóa và cửa hàng tiện lợi, đưa người đọc tái khám phá những địa điểm quen thuộc dưới một lăng kính mới. Trong mắt nhà thơ người Mỹ, ngay cả những dây dầu gội, sữa tắm treo trước các tiệm tạp hóa trông thật lạ lẫm, được anh ví như “rêu bằng nhôm mọc trên cây hay những tấm màn bằng xâu chuỗi để che hậu cảnh”.

Sách The Defiant Muse: Vietnamese Feminist Poems from Antiquity to the Present (Nàng thơ thách thức: Những bài thơ về nữ quyền Việt Nam từ xưa đến nay) sẽ đưa bạn đến nhiều vùng miền của Việt Nam, cũng như đi vào trái tim và khối óc của dân tộc, bằng truyền thống thơ ca phong phú của Việt Nam.

Nguồn: Văn nghệ Quân đội | Thành Nam dịch từ The New York Times

Đọc bài viết

Top sách hay

Học cách yêu thương người thân với những câu chuyện cảm động nhất về gia đình

Published

on

By

Gia đình là cội nguồn của yêu thương, miền an yên, chỗ dựa tinh thần luôn sẵn sàng ở đó khi ta cần. Tuy nhiên, không phải lúc nào ta cũng biết cách yêu thương và hỗ trợ người thân sao cho đúng đắn. Những quyển sách dưới đây của Phương Nam Book đều là các câu chuyện cảm động về gia đình, giúp bạn có thể tự soi chiếu và học cách yêu thương những người thân của mình.  

Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm

Tác phẩm là một lát cắt sâu về đời sống của thế hệ người Việt thứ hai trong hành trình vật lộn để trưởng thành và hội nhập tại đất Mỹ trong thời hậu chiến. Nhân vật chính trong truyện là “Tôi” – một cô bé 6 tuổi theo ba mình lên thuyền vượt biên cùng dòng người xa lạ để tìm cuộc sống mới, bỏ lại mẹ cô cùng người anh trai bị chết đuối cách đó không lâu nơi làng chài xơ xác, mặn mùi muối biển.

Sau vài năm bôn ba, cuối cùng gia đình họ cũng được đoàn tụ, nhưng rồi những bức bối, tủi hờn, bế tắc trong cuộc sống bắt đầu tác động thô bạo và làm méo mó từng phận người dù họ vẫn luôn cố gắng chống cự. “Tôi tìm thấy ở ba tôi sức chịu đựng khủng khiếp, chịu đựng, chôn chặt, im lặng và tôi thấy phải viết ra những gì mình đã sống, đã chôn chặt, nếu không, sẽ không chịu nổi”.

Với Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm, chiến tranh không bao giờ kết thúc, cho dù trên danh nghĩa, nó đã lùi xa. Và những mảnh vỡ của nó vẫn luôn còn lưu trú trong đất đai, cỏ cây, trong những sâu xa vô thức cùng ý thức của con người.

Hôm nay mẹ có vui không?

Quyển sách Hôm nay mẹ có vui không? là câu chuyện của tác giả về quá trình tìm lại chính mình, tự chữa lành, là con đường thoát khỏi trầm cảm, tìm lại niềm vui, sự cân bằng, thanh thản trong tâm hồn, giải phóng bản thân khỏi những áp lực của hành trình làm mẹ và đồng hành cùng con vượt qua những khiếm khuyết không mong muốn.

Hôm nay mẹ có vui không? không là một cuốn sách nuôi dạy con khuôn mẫu. Nó mang dáng dấp của một cuốn nhật ký của bản thân tác giả hơn, nơi chị nhìn lại, suy ngẫm, và viết nên chính cuộc đời mình. Đó không đơn thuần là hành trình làm mẹ, đó còn là hành trình của người phụ nữ hiện đại, sai lầm rồi trưởng thành, sống vì con, vì gia đình, và vì cả chính mình.

Người cha im lặng

Người cha im lặng là quyển tự truyện phác họa lại hành trình đặc biệt của một gia đình người Việt sinh sống ở Pháp, sau khi người cha mất đi giọng nói vì một cơn tai biến mạch máu não.

Chuyến hành trình này không chỉ giúp những người con lần tìm lại quá khứ của người cha, tìm về nguồn cội cũng như khám phá ra những bí mật "động trời" của gia đình, mà còn hòa giải được những xung đột rất đời thường, những bất đồng ngôn ngữ và văn hóa giữa các thế hệ trong cùng một gia đình người Việt xa xứ.

Có mẹ trong đời

Không có tham vọng đúc kết hay đưa ra lời giáo huấn trực tiếp nào, tự thân những câu chuyện trong Có mẹ trong đời tìm cách đi vào trái tim người đọc bằng những tình cảm tự nhiên, ngọt ngào, những tâm tình ấm áp; nhẹ nhàng đánh thức trong mỗi người niềm hạnh phúc lớn lao – được có mẹ trong đời. Sách còn là lời thầm thì nhỏ nhẹ, nhắc nhỏ ta rằng, việc thực hành đạo hiếu không thuần túy là trách nhiệm, mà là một cách thế tắm mình trong suối nguồn an lạc.

Có cha trong đời

Có cha trong đời là món quà tinh thần rất quý giá cho những người đang làm cha. Lối dạy dỗ con cái, việc lấy chính cuộc đời mình nêu gương từ những người cha trong các hồi ức sẽ là cẩm nang quý giá để giúp ta làm tốt thiên chức với con cái, trách nhiệm với cuộc đời.

Đọc bài viết

KOMOaudio

5 cuốn sách giúp bạn lấy lại thói quen tốt để cân bằng sức khỏe trong mùa hè này

Published

on

By

Mùa hè đến, thời tiết nắng nóng kèm theo những cơn mưa bất chợt, độ ẩm không khí thay đổi thất thường dễ khiến cơ thể chúng ta không thích ứng kịp. Nhức mỏi cơ, đau đầu, uể oải, viêm xoang mũi, dị ứng thời tiết dường như ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hằng ngày của nhiều người, đặc biệt là những ai có cơ địa nhạy cảm. Nhưng thay vì đổ lỗi cho thời tiết và cơ địa, bạn hoàn toàn có thể cải thiện tình trạng sức khỏe của mình bằng những thói quen rất đơn giản, đơn giản đến nỗi ai trong chúng ta cũng từng nghĩ điều đó không quan trọng.

Loạt sách dưới đây sẽ nhắc nhở bạn về những thói quen đơn giản nhưng cực kỳ hữu ích, giúp bạn cân bằng sức khỏe trong thời tiết khắc nghiệt của mùa hè năm nay.

1. Khỏe hơn 10 tuổi nhờ uống nước đúng cách

Nếu vẫn nghĩ uống nước là một việc đơn giản thì chúng ta đã bỏ qua một cách chăm sóc sức khỏe vô cùng hiệu quả. Vì thiếu 1-2% thì cơ thể sẽ bị khát cháy, các cơ quan nội tạng đều sẽ bị thiếu độ ẩm lẫn dinh dưỡng, dẫn đến không thể thực hiện được chức năng của mình, dễ tổn thương, kéo theo đó là bệnh tật, lão hoá, thiếu sinh lực, bất an, dễ căng thẳng. Việc uống nước, bổ sung và đảm bảo độ ẩm vô cùng quan trọng cho cả thể chất lẫn tinh thần của chúng ta, nhưng có vẻ như chúng ta đều chưa làm đúng.

Không chỉ trang bị những hiểu biết cơ bản như trên cho bạn đọc, Khỏe Hơn 10 Tuổi Nhờ Uống Nước Đúng Cách còn chia sẻ thêm nhiều phân tích chuyên sâu được đúc kết sau nhiều năm hành nghề của bác sĩ Seung-Nam Lee. Từ những phương pháp bổ sung nước, tăng cường độ ẩm cho cơ thể đúng đắn, mở rộng hơn chúng ta có thể thay đổi cả thói quen sinh hoạt của mình. Khi ăn thức ăn ta sẽ lựa chọn và điều chỉnh các loại thực phẩm phù hợp để bổ sung oxy và nước, khi uống cà phê, rượu bia, ta sẽ biết cách làm thế nào để cân bằng độ ẩm và ngăn ngừa các sự cố đáng tiếc.

Khỏe Hơn 10 Tuổi Nhờ Uống Nước Đúng Cách là một cuốn cẩm nang toàn diện về chăm sóc sức khỏe thông qua yếu tố cơ bản nhất: nước. Với cách viết đơn giản, dễ hiểu, thông tin ngắn gọn cùng với những kiến thức bổ sung thú vị, bác sĩ Seung-nam Lee hy vọng sẽ giúp cho tất cả mọi người trong hành trình thay đổi thói quen và chăm sóc sức khỏe một cách đúng đắn nhất để phòng trừ bệnh tật, chống lão hoá và luôn giữ một tinh thần tươi trẻ.

2. Lưu Thông Máu Tốt Hóa Giải Bách Bệnh

"Việc lưu thông máu có thể hoá giải bách bệnh" - điều đó có thật không? Liệu rằng dòng chảy âm thầm của máu có thật sự tạo ra tác động ở cả mặt thể chất lẫn tinh thần? Trong suốt quá trình tích góp kinh nghiệm chậm rãi và phong phú trong hơn một thập kỷ, Akiyoshi Horie nhận ra được sự liên hệ mật thiết giữa cơ thể với tinh thần và việc lưu thông máu thật sự ảnh hưởng triệt để đến thân-tâm ta mỗi ngày.

Lưu Thông Máu Tốt Hóa Giải Bách Bệnh sẽ mang lại cho người đọc những phương pháp cải thiện lượng máu trong cơ thể. Tác giả cũng đồng thời chỉ ra những sai lầm thường mắc phải của mọi người về vấn đề này. Lấy ví dụ như khi nghĩ đến “lưu thông máu tốt” mọi người thường nghĩ đến việc máu chảy đều, nhưng thật ra đó chính là cải thiện chất lượng máu. Tương tự, mục đích của cuốn sách không phải là để “máu chảy thông thuận” mà là “lượng máu tràn trề”. Chính vì vậy, qua từng chương được xây dựng rõ ràng, có sự phát triển dần từ đơn giản đến nâng cao, người đọc sẽ đi qua những khái niệm căn bản nhất, các thiên kiến cần được thay đổi đến những thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống để hỗ trợ máu lưu thông tốt, cơ thể tràn trề sinh lực và khỏe mạnh.

Không có một phương thuốc nào, từ Đông y đến Tây y có thể chữa lành bách bệnh. Cơ thể là sự hiện diện trung thực nhất. Tinh thần và thể trạng hiện tại của bạn là hệ quả tích luỹ suốt từ chuỗi ngày sinh hoạt thường nhật. Vậy nên bên cạnh việc đưa ra thông tin hữu ích cùng những phương pháp y học được chắt lọc từ phương Đông ngàn năm lẫn hiện đại để giúp gia tăng chất lượng máu lưu thông, tác giả còn động viên và tạo động lực để mỗi người chủ động chăm sóc sức khỏe của mình. Akiyoshi Horie đã cho chúng ta phương tiện, điều cần thiết ở đây chính là mỗi người hãy cố gắng áp dụng triệt để và sống thật mạnh khỏe, tươi trẻ, vượt qua bệnh tật và tận hưởng hạnh phúc gia đình tròn đầy.

3. Vận Động Đúng Cách Cơ Thể Không Mệt Mỏi

Phần lớn mọi người đều cảm thấy càng lớn tuổi cơ thể càng “dễ mệt mỏi”, “mãi không hết mệt” và đa phần đều từ bỏ ý định cải thiện tình trạng ấy vì cảm thấy đây là vấn đề tuổi tác. Tuy nhiên, sự mệt mỏi đó là do chúng ta đang lựa chọn “cách hoạt động gây mệt mỏi” thông qua những “ngộ nhận” mà ta không thể ý thức được và những “cách sử dụng cơ thể” thiếu chuyên nghiệp vẫn được áp dụng trong vô thức.

Trong cuốn sách này, tác giả đề cập tới những hành động mà mọi người thường cảm thấy “Khó khăn = Mệt mỏi” trong cuộc sống thường ngày, đồng thời đối chiếu với cấu tạo vốn có của cơ thể và giới thiệu những “cách sử dụng cơ thể không mệt mỏi”. Hy vọng thông qua cuốn sách nay, bạn có thể làm dịu bớt dù chỉ là chút ít những “mệt mỏi” của bản thân.

4. Muốn Sống Lâu Đừng Ngồi Quá Nhiều

Cứ mỗi 1 tiếng đồng hồ ngồi, tuổi thọ của bạn sẽ giảm đi 22 phút! Ngồi ăn. Ngồi làm việc. Ngồi xem ti vi, đọc sách. Ngồi trò chuyện với gia đình và bạn bè… Tất cả những việc đó diễn ra trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, chẳng khi nào chúng ta nghĩ nó đặc biệt. Tuy nhiên, ngồi chính là một tác nhân gây ra nhiều bệnh tật và rút ngắn tuổi thọ.

Nói một cách chính xác, việc ngồi quá nhiều sẽ gây tổn hại tới sức khỏe của chúng ta. Nhưng vấn đề là ngày càng có nhiều người dành phần lớn thời gian trong ngày ở tư thế ngồi. Chỉ cần bạn đứng dậy khỏi ghế, tuổi thọ sẽ được kéo dài!

Tác giả Koichiro Oka - một chuyên gia nghiên cứu về Khoa học Sức khỏe hành vi và Dịch tễ học hành vi sẽ giải thích cho các bạn hiểu được tầm quan trọng của việc đứng dậy và đi lại sau mỗi lần ngồi quá lâu. Với các phương pháp khắc phục, hướng dẫn luyện tập các bài tập đơn giản và dễ thực hiện, hy vọng rằng cuốn sách này sẽ giúp nhiều người nhận ra vấn đề của thói quen ngồi quá nhiều và quyết định đứng lên để thay đổi.

5. Sống Xanh Như Những Lá Trà

Trong cuốn sách thú vị này, bạn sẽ được khám phá kho tàng ý tưởng về sự đơn giản, tiết kiệm, các phương pháp tự chế và cả trí tuệ của người Nhật. Chính tác giả đã áp dụng điều mà cô gọi là ‘Green tea living’ - gồm ăn thực phẩm ít calo, tập thể dục và thiền định... vào cuộc sống. Cô cũng đưa ra lời khuyên về việc thường xuyên ăn súp miso, sử dụng phương pháp bấm huyệt, thử dùng dầu ô-liu cho da khô, massage da mặt bằng thìa và các gợi ý để sống cuộc sống thanh đạm.

Trong cuốn sách thú vị này, bạn sẽ được khám phá kho tàng ý tưởng về sự đơn giản, tiết kiệm, các phương pháp tự chế và cả trí tuệ của người Nhật. Chính Kayaki đã áp dụng điều mà cô gọi là ‘Green tea living’ - gồm ăn thực phẩm ít calo, tập thể dục và thiền định... vào cuộc sống. Cô cũng đưa ra lời khuyên về việc thường xuyên ăn súp miso, sử dụng phương pháp bấm huyệt, thử dùng dầu ô-liu cho da khô, massage da mặt bằng thìa và các gợi ý để sống cuộc sống thanh đạm.

Trà xanh không chỉ có lợi cho tim mạch, nó còn có thể được dùng như một loại mỹ phẩm chống lão hóa, như biện pháp ngừa sâu răng và loại bỏ mùi hôi miệng, như công cụ làm sạch, làm phân bón cho cây, và còn là chiến thuật giảm cân (bằng cách uống một cốc trà trước bữa tối). Sống Xanh Như Những Lá Trà của Kayaki quả thật vô cùng hữu ích và sáng tạo cho một cuộc sống thân thiện với môi trường.

Hi vọng rằng qua gợi ý trên đây, bạn có thêm lý do để dành thời gian quan tâm đến cơ thể để sống vui khỏe, tận hưởng mùa hè cùng người thân và gia đình.

Đọc bài viết

Cafe sáng