Phía sau trang sách

“Shuggie Bain” chiến thắng Booker Prize 2020: Văn chương chạm đến cảm xúc, hay là #bookersowhite?

Published

on

Chủ nhân của Booker Prize 2020 đã được xác định, và không quá bất ngờ khi nó thuộc về Douglas Stuart với cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình. Shuggie Bain vượt qua năm cuốn sách khác để giành giải, và với thắng lợi rực rỡ năm nay, ta thấy phần nào Booker đã trở về đúng vai trò của nó – văn chương chạm đến cảm xúc. Là cuộc dẫn nhập xuyên qua Glasgow những năm 80 dưới đế chế Thatcher u tối, Shuggie Bain là câu chuyện của một đứa trẻ gánh vác tránh nhiệm nặng nề: gia đình tan hoang, người mẹ nghiện rượu và những khám phá tự bản thân mình. Đầy cảm xúc, bi thương mà hồn nhiên đến mức tréo ngoe, Shuggie Bain – như một nhận định – là vở melodrama đỉnh nhất năm nay.

Tiếp lời Margaret Busby, chủ tịch hội đồng giám khảo năm nay rằng: [Shuggie Bain] là câu chuyện cảm động kể về tình yêu vô điều kiện giữa Agnes Bain – trong bối cảnh nghiện rượu mà cuộc sống khó khăn gây ra cho cô – và cậu con trai út của mình… Được viết một cách duyên dáng và mạnh mẽ, đây là một cuốn tiểu thuyết có tác động lớn bởi nó có nhiều ghi chép cảm xúc và các nhân vật cũng đầy cảm hứng. Chất thơ trong các mô tả của Douglas Stuart và độ chính xác của các quan sát là đầy nổi bật: không gì là lãng phí”.

Nếu năm ngoái có nhiều ý kiến bất đồng khi trao đồng thời đến hai giải thưởng mà một trong số đó thuộc về Margaret Atwood với nhiều đánh giá tiêu cực cho phần hai của Chuyện người tùy nữ, thì năm nay, một sự thống nhất đã được ấn định, ở cả hội đồng giám khảo và giới độc giả. Theo chủ tịch hồi đồng giám khảo Margaret Busby, quyết định cuối cùng đã được nhất trí chỉ trong một giờ; còn với Gaby Wood – giám đốc văn học của Booker Prize Foundation, việc xem xét người chiến thắng đã được siết chặt để không có hơn một người chiến thắng.

*

Một cách tổng quan ngay từ bước đầu, Shuggie Bain đã sở hữu trong mình rất nhiều yếu tố có thể chiến thắng: cốt truyện cảm xúc, bối cảnh đặc biệt và một lối viết đậm đặc chất thơ. Có thể nói, với những yếu tố vẫn cứ trở đi trở lại hàng năm trong danh sách đề cử Booker, thì Shuggie Bain không thể không thắng. Dạo lướt qua những đề cử những năm trước đó trong lịch sử 51 năm của giải thưởng này, ta thấy những tiểu thuyết thuộc quỹ tích tương tự Shuggie Bain là không hiếm. Cứ cách một năm lại thấy trong danh sách ấy tiểu thuyết kiểu ấy. Từ Ali Smith đến Anne Tyler, từ Elizabeth Strout đến Hanya Yanagihara; tất cả hợp thành một án tiền lệ mà nếu phông cảnh xã hội cùng với tình hình những dòng thời gian không quá đảo chiều, thì đây là những tiểu thuyết có một khả năng chiến thắng rất cao.

Quay ngược 15 năm trước vào năm 2005, khi giải Booker bất ngờ được trao cho John Banville – một tác gia có phần xa lạ và ít đột phá trong sự nghiệp mình, trước những Julian Barnes (tác giả của Nghe mùi kết thúc – Booker 2011), Kazuo Ishiguro (nhà văn đoạt giải Nobel), Ali Smith (nhiều lần đề cử Booker và người chiến thắng ở giải Orange) mà đặc biệt nhất là Zadie Smith. Giới phê bình đã thấy một sự trở về cùng với cố hương. Giữa một cuốn sách đầy những vận động và các xung đột mạch ngầm mới về sắc tộc, các mối quan hệ gia đình, cuối cùng giải thưởng hàng lâu đời này vẫn chọn The Sea. Tin tức hành lang cho biết On Beauty của Zadie Smith đã gây ra những nhiễu loạn tranh luận trên bàn giám khảo, nhưng đến cuối cùng, hương vị quen thuộc đã được chọn lựa. Tính trắng đã thắng.

Shuggie Bain có chính lợi thế đó – về “gu” của giải thưởng này. Nếu Nobel vẫn được gắn nhãn bới lá tìm sâu nơi những tác gia ít được biết đến, thì hơn ai hết, Booker dĩ nhiên là chính tính “trắng” ở trong văn chương. Việc vượt qua Burnt Sugar hay This Mournable Body cũng cho thấy một sự tự chủ của giải thưởng này. Nếu tháng tám vừa rồi giải Booker Quốc tế được trao cho The Discomfort of Evening bởi sự mới lạ, cách tân, không theo lẽ thường; thì hội đồng giám khảo cũng đã quyết định đi con đường riêng, để giải Booker (dù chính hay phụ) đều theo hướng khác mà không trùng lặp.

Tính tự chủ của giải thưởng này cũng được xác lập ở trong trường hợp của The Shadow King và giải Sách Quốc gia. Nếu trung tuần vừa rồi Winner of winner trong 25 năm lịch sử  giải Orange thuộc về Adichie với Nửa mặt trời vàng, thì Booker chẳng có cớ gì đi trao cho một cuốn sách khá tương đồng. Đó cũng hoàn toàn là một lý do, bên cạnh trào lưu tiểu thuyết lịch sử trong cơn thoái trào, cùng sự ngã ngựa của Hilary Mantel. Bên cạnh đó, giải sách Quốc gia được trao trước đó một ngày cũng đã trao cho Interior Chinatown của Charles Yu và Shuggie Bain hẳn nhiên mở rộng con đường chiến thắng của mình ra thêm. Quay về 17 năm trước vào năm 2003 khi cuốn Người tình của Bretch đã được trao trước hai tuần ấn định của giải Goncourt, chặn đứng việc công bố giải của giải Femina cho thấy sự cạnh tranh của những giải thưởng và tính tiên phong đôi khi đặc biệt, và đó hẳn nhiên là một may mắn khi giải Sách Quốc gia đã lựa chọn trước mà không trùng lặp, nếu không có trời mới biết ai sẽ chiến thắng.

Một yếu tố nữa không thể không nhắc, đó là tình hình địa – chính trị. Booker với tiếng nói trắng, một mặt nào đó, trở thành cơ quan ngôn luận không-hề-chính-thức cho việc nghệ thuật có thể ảnh hưởng ra sao đối với địa – chính trị. Như trong trường hợp Eurovision Song Contest trong lịch sử, với việc Romania bị rút khỏi giải do còn nợ tiền EU hay Nga rút khỏi cuộc thi vào năm Ukraine đăng cai tổ chức vì những tranh cãi chính trị… Tất cả cho thấy ở Lục địa già, nghệ thuật đang bị chi phối. Và khi Scotland đang đòi tách ra khỏi một nước Anh tràn ngập hoang mang thời Hậu Brexit, chiến thắng này cũng không nằm ngoài làn sóng chính trị. Và cũng như Douglas Stuart phát biểu sau khi nhận giải, anh cám ơn người dân Scotland, đặc biệt là người Glaswegians, họ có sự đồng cảm, hài hước và tình yêu cùng sự đấu tranh trong từng câu chữ của cuốn sách này.

*

Nói thế cũng không có nghĩa Shuggie Bain giành được chiến thắng chỉ bởi yếu tố bên lề. Shuggie Bain là cuốn sách hay, động vào cảm xúc và Douglas Stuart, bằng chính chất thơ, đã họa nên những nỗi buồn hết sức sâu sắc. Là tay ngang viết niên chiến thắng, ta khó đánh giá cuốn tiểu thuyết này bằng những dấu ấn đậm chất văn chương; nhưng ngược lại, bởi chẳng có gì, sự quan sát của Douglas vô cùng quý báu. Dưới sự quan sát của một đứa trẻ như Hugh, người đọc vừa thấy cảm thương, vừa thấy thích thú cũng vừa chua xót cho thân phận mình. Douglas chiến thắng bằng những quan sát tinh tế, bằng một câu chuyện cảm động mà hơn ai hết, chạm đến trái tim của mỗi một người.

Hơn nữa Shuggie Bain cũng mở cánh tay chào đón những yếu tố khác. Bối cảnh Glasgow thời hậu Thatcher xuất hiện khá ít trong các tiểu thuyết văn chương ngày nay, và Douglas bước vào một khe cửa hẹp để họa được nên bối cảnh lúc này. Ở kỷ nguyên mà Thatcher không muốn công nhân cần mẫn mà tương lai của bà nằm ở công nghệ, hạt nhân và tư nhân hóa y tế; Douglas đã viết nên được một cuốn tiểu thuyết đầy tính trải nghiệm trong quãng thời gian vô cùng đen tối, vô cùng muốn quên của giới thợ mỏ mới chớm đến gần chủ nghĩa xã hội.

Những mối quan hệ gia đình cũng là nhánh khác khiến nó đứng vững. Mối quan hệ giữa Agnes và chồng hay ba người con, mà đậm nét nhất là Hugh càng cho thấy rõ những gì xảy ra trong gia đình này. Từng đứa trẻ lớn lên, rời xa, những dằn vặt ở trong người mẹ, cái chua chát hy sinh của từng đứa trẻ. Douglas không chỉ quan sát qua một lăng kính của bản thân mình, anh còn đứng đó nhập vai vào bố mẹ mình, vào hàng xóm mình, vào người dân Glaswegians và cả câu chuyện của Shuggie Bain, khiến nó từ một tiểu thuyết nặng tính hồi ký trở nên trung dung mà đầy đồng cảm, ít nhất là cho những ai lớn lên từ khu mỏ than nơi những cá tính bắt đầu bộc lộ.

Sự tự khám phá bản thân cũng là yếu tố sau rốt làm nên tiểu thuyết dang rộng cánh tay. Nếu Brandon Taylor có những xung đột cùng với màu da nhưng thiếu chi tiết đặc trưng một cách nhất định; thì Douglas thông qua quan sát viết nên trải nghiệm trong Hugh đầy vẻ tự nhiên nhưng lại đồng cảm một cách khác thường. Từ những chi tiết bị bắt nạt ở trường cho đến lẳng lặng lấy trộm Pony, từ việc gần gũi với mẹ đến việc dạy cho bà nhảy những nhạc disco; Douglas Stuart cũng chứng minh mình ở địa hạt này, mà truyện ngắn khác – Found Wanting – cũng được đánh giá khá cao ở dòng văn chương LGBT và những dư vị xung quanh của nó.

*

Shuggie Bain và chiến thắng ở giải Booker 2020 hoàn toàn xứng đáng. Chỉ có một điều dường như vẫn đang tồn tại. Mặc cho chính những nỗ lực cố gắng thay máu của dàn giám khảo, thế nhưng kết quả vẫn không khác mấy. Thành thực phải nói, đứng ngang Shuggie BainBurnt SugarThis Mournable Body đầy tính thể nghiệm và văn chương hơn; thế nhưng lựa chọn vẫn “trắng” và khá “thông thường”. Ở một mặt khác ngoài chuyện sắc tộc, cả hai cuốn sách đều khá địa phương và quá mới mẻ – tiêu chí mà giải Quốc tế vô cùng yêu thích. Biết đến bao giờ quốc tế, quốc nội mới có một sự cạnh tranh công bằng? Cũng như cho đến khi nào giữa hai thị trường xuất bản London – New York mới hòa vào nhau?

Nhưng dẫu sao, Shuggie Bain vẫn là ngọn lửa ấm lòng giữa thời dịch bệnh, và là một tiếng nói mới, đánh dấu một nhân dạng mới trên nền văn chương. Chúc mừng tất cả.

Hết.

minh.

*

Toàn cảnh Booker Prize 2020: Cơn thoi thóp chờ thời đổi mới?


International Booker 2020: Những dự đoán trước thềm trao giải

Phía sau trang sách

Tư duy tích cực tạo thành công: Chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng

Published

on

Tác phẩm Tư duy tích cực tạo thành công của Napoleon Hill và William Clement Stone là một cẩm nang hữu ích cho bất kỳ ai muốn đạt được thành công trong cuộc sống. Cuốn sách không chỉ cung cấp những nguyên tắc và chiến lược hiệu quả để phát triển bản thân mà còn truyền cảm hứng giúp người đọc có một thái độ tích cực hơn trong cuộc sống.

Tư duy tích cực tạo thành công là một tác phẩm kinh điển về chủ đề phát triển bản thân, đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới kể từ khi xuất bản lần đầu tiên vào năm 1959, khẳng định vị trí là một trong những tác phẩm self-help bán chạy nhất mọi thời đại. Cuốn sách vén màn bí mật về sức mạnh của tư duy tích cực, giúp người đọc khai phá tiềm năng bản thân và đạt được những thành tựu phi thường trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Tìm kiếm hình mẫu thành công làm ngọn đuốc soi sáng

Để có thêm động lực và định hướng rõ ràng cho bản thân, tác giả gợi ý rằng người đọc có thể xây dựng cho riêng mình một hình mẫu thành công từ những câu chuyện về người thật, việc thật trong sách báo. Khi dành thời gian tìm hiểu về hành trình của họ, những khó khăn họ đã trải qua và cách họ vượt qua những thử thách đó, ta sẽ có thể biến kinh nghiệm của họ trở thành ngọn đuốc soi sáng cho con đường của chính mình.

Bên cạnh đó, người đọc còn có thể chọn một bức ảnh có ý nghĩa đặc biệt với mình để đặt câu hỏi khi nhìn bức ảnh đó rồi lắng nghe câu trả lời từ chính tâm thức bật ra. Bức ảnh ấy có thể là hình ảnh về mục tiêu ta muốn đạt được, về một giá trị sống mà ta trân trọng, hoặc đơn giản là một khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống. Chẳng hạn, nếu người đọc muốn mua nhà nhưng chưa có đủ tài chính thì có thể chọn bức ảnh về một mái ấm khang trang để ngắm nhìn và tự đặt câu hỏi rằng mình phải làm gì để đạt được số tiền sở hữu căn nhà đó. Không phải lúc nào câu trả lời cũng đến ngay lập tức, nhưng việc cụ thể hóa mục tiêu bằng một hình ảnh rõ ràng sẽ giúp người đọc tăng cường ý chí nỗ lực.

Ngoài ra, niềm tin chính là nguồn động lực mạnh mẽ giúp mỗi người vượt qua mọi khó khăn và chinh phục mục tiêu. Trong Tư duy tích cực tạo thành công, có một công thức thường được lặp lại nhiều lần để người đọc ghi nhớ là: “Khi con người người nghĩ đến và tin tưởng vào điều gì, họ sẽ có thể đạt được điều đó với thái độ tích cực.” Đây cũng là một biện pháp tự truyền cảm hứng.

Hai mặt của tình thế bức bách: Thành công hay tội ác?

Tư duy tích cực tạo thành công nhấn mạnh tầm quan trọng của tính lương thiện trong hành trình chinh phục thành công. Cuốn sách khẳng định rằng thành công đích thực không chỉ dựa trên kết quả mà còn phải dựa trên phương tiện đạt được kết quả đó. Một người có thể đạt được thành công bằng mưu mô, thủ đoạn, nhưng đó chỉ là thành công giả tạo, thiếu bền vững và không mang lại hạnh phúc thực sự.

Ngoài ra, tác giả cũng bàn về vai trò của tình thế bức bách: nó như một con dao hai lưỡi, có thể đưa con người đến đỉnh cao thành công hoặc vực sâu tội ác. Tình thế bức bách là phép thử cho bản lĩnh, đạo đức và thái độ của mỗi cá nhân. Khi đó, thành công hay thất bại đều tùy thuộc vào thái độ:

Thái độ tích cực: Khi đối mặt với nghịch cảnh, người có thái độ tích cực sẽ biến nó thành cơ hội để học hỏi, rèn luyện và phát triển bản thân. Họ kiên trì nỗ lực, tìm kiếm giải pháp sáng tạo và không bao giờ bỏ cuộc. Nhờ vậy, họ có thể vượt qua mọi khó khăn và gặt hái thành công.

Thái độ tiêu cực: Ngược lại, người có thái độ tiêu cực sẽ dễ dàng gục ngã trước nghịch cảnh. Họ chìm trong lo âu, sợ hãi, nghi ngờ bản thân và tìm kiếm lối thoát bằng những hành vi sai trái. Hậu quả là họ đánh mất bản thân, vướng vào vòng xoáy tội ác và tự hủy hoại cuộc đời.

Từ đó, cuốn sách đưa ra hai công thức đơn giản nhưng đầy ý nghĩa:

Tình thế bức bách + Thái độ tích cực = Thành công
Tình thế bức bách + Thái độ tiêu cực = Tội ác.

Cân bằng cảm xúc, rèn luyện tư duy và đặt mục tiêu hiệu quả

Cảm xúc và lý trí đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, mỗi người cần học cách cân bằng hai yếu tố này để đưa ra những quyết định sáng suốt. Đôi khi, ta cũng nên lắng nghe tiếng nói con tim và hành động theo những gì mình mong muốn. Chẳng hạn, khi phải lựa chọn giữa một công việc ổn định và theo đuổi đam mê, ta cần cân nhắc kỹ lưỡng cả hai yếu tố cảm xúc và lý trí: ta thường dùng lý trí để đánh giá khả năng thực tế của bản thân, nhưng cũng đừng quên lắng nghe tiếng nói con tim.

Bên cạnh đó, tác giả cho rằng mỗi ngày, chúng ta chỉ cần dành 1% thời gian để nghiên cứu, suy nghĩ, lập kế hoạch là đã có nhiều cơ may tạo ra sự khác biệt để vươn đến thành công. Theo ước tính, một ngày có 1440 phút, 1% sẽ tương ứng với 14 phút. Trong 14 phút đó, nếu ta chú tâm suy nghĩ kế hoạch cho những gì mình muốn làm, ta sẽ dần hình thành được thói quen có thể suy nghĩ sáng tạo mọi lúc, mọi nơi: khi rửa chén, lúc ngồi trên xe bus, hay thậm chí là khi đang tắm.

Ngoài ra, đặt mục tiêu là bước đầu tiên và quan trọng nhất trên kế hoạch chinh phục thành công. Mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn tập trung nỗ lực, đưa ra quyết định sáng suốt và duy trì động lực để đạt được ước mơ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách đặt mục tiêu hiệu quả. Dưới đây là bốn điều quan trọng cần ghi nhớ khi đặt mục tiêu:

1. Viết mục tiêu ra giấy: Khi viết mục tiêu ra giấy, bạn sẽ buộc bản thân phải suy nghĩ cẩn thận về những gì mình muốn đạt được. Việc này giúp bạn tập trung và ghi nhớ mục tiêu tốt hơn.

2. Đặt mốc thời gian: Mốc thời gian giúp bạn chia mục tiêu lớn thành những mục tiêu nhỏ hơn, dễ quản lý hơn. Việc này giúp bạn có động lực để hoàn thành từng bước và tiến đến mục tiêu cuối cùng.

3. Đặt tiêu chuẩn thật cao: Khi đặt tiêu chuẩn cao, bạn sẽ buộc bản thân phải nỗ lực hết mình và phát huy tiềm năng tối đa.

4. Đặt mục tiêu cao: Mục tiêu cao sẽ giúp bạn có tầm nhìn xa và thúc đẩy bạn không ngừng phát triển.

Nhìn chung, Tư duy tích cực tạo thành công đã mang đến cho người đọc những bài học quý giá về sức mạnh của tư duy tích cực trong việc gặt hái thành công và hạnh phúc. Hãy nhớ rằng, thành công không phải là đích đến mà là hành trình. Hành trình chinh phục thành công bắt đầu từ việc nuôi dưỡng tư duy tích cực. Ta cần tin tưởng vào bản thân và những điều kỳ diệu mà cuộc sống có thể mang lại. Từ đó, ước mơ sẽ thành hiện thực bằng chính những hành động mà ta lựa chọn ngay từ hôm nay.

Hoàng Đức Nhiên

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Tình yêu đích thực từ góc nhìn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Published

on

Trong vô vàn những định nghĩa về tình yêu, quan điểm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh về “tình yêu đích thực” được trình bày trong cuốn tiểu luận True Love đã mang đến một sự giản dị, mộc mạc nhưng lại ẩn chứa sức mạnh lay động tâm hồn sâu sắc.

Tình yêu là một trong những chủ đề muôn thuở của nhân loại, luôn ẩn chứa sức hút mãnh liệt và khơi gợi những cảm xúc dạt dào. Nhưng không phải ai cũng hiểu được bản chất của tình yêu. Trong True Love, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã kể lại câu chuyện Thiếu phụ Nam Xương, rồi từ đó rút ra một kết luận mà thoạt nghe sẽ có vẻ vô cùng đơn giản nhưng càng ngẫm nghĩ thì ta càng thấy sự đơn giản ấy chính là vẻ đẹp của minh triết.

Thông điệp ý nghĩa từ ba câu khẳng định trong tình yêu

Đối với thầy, câu chuyện Thiếu phụ Nam Xương có kết cuộc đau lòng là vì người chồng đã không chịu lắng nghe người vợ, anh cứ gạt phăng lời vợ nói, cơn nóng giận đã che mờ tình yêu và cả lí trí. Vợ anh cũng đã không cố gắng hơn để giải thích rõ ràng cho anh hiểu. Chính vì vậy, cả hai người đều không thực sự hiện diện khi ở trước mặt đối phương, họ ở đó nhưng không thực sự ở đó, mà ở trong khoảnh khắc khác, trong những chiều không gian khác. Bi kịch của họ đơn giản chỉ là như thế.

Từ đó, Thiền sư Thích Nhất Hạnh rút ra kết luận là tình yêu thực sự chỉ đơn giản nằm gói gọn trong ba câu sau đây: “Anh ở đây. Em ở đây. Và anh ở đây vì em.” (I’m here. You’re here. And I’m here for you.)

Câu khẳng định đầu tiên mang hàm ý rằng anh đang ở đây ngay giây phút này khi đối diện với em, bằng trăm phần trăm con người anh, không hề có sự tản mác, phân mảnh đi bất cứ nơi đâu. Một điều tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra trong cuộc sống bộn bề lo toan này, việc một người có thể tập trung hoàn toàn tinh lực của mình khi đối diện trước một người mà không bị vướng bận tâm trí bởi điều gì khác cũng thật khó khăn.

Câu khẳng định thứ hai là sự tiếp nối ý từ câu đầu tiên. Anh ở đây, và em cũng đang ở đây. Anh ghi nhận sự tồn tại của em, em ghi nhận sự tồn tại của anh. Vì em cũng đang ở đây cùng anh trong giây phút này nên em không cô đơn, em không tản mác, em không phân mảnh.

Câu khẳng định cuối cùng là một sự quả quyết mạnh mẽ: Anh ở đây, anh dành hết trăm phần trăm sự tồn tại của mình ở đây là vì chính em, không vì ai khác cả. Vậy nên, em có thể yên tâm mà thổ lộ tất cả mọi điều với anh, vì trong giây phút này, hai ta đều cùng hiện diện.

Thông qua đó, ba câu khẳng định này có thể diễn dịch lại thành thông điệp phổ quát như sau:

“I’m here”: Khẳng định sự hiện diện trọn vẹn của bản thân, tập trung toàn bộ sự chú ý và tinh thần vào người mình yêu thương. Trong cuộc sống bận rộn, việc dành trọn vẹn tâm trí cho đối phương là điều không dễ dàng, nhưng lại vô cùng quan trọng để xây dựng một mối quan hệ bền vững.

“You’re here”: Ghi nhận sự tồn tại của đối phương, trân trọng và thấu hiểu cảm xúc, suy nghĩ của họ. Khi cả hai cùng “ở đây”, họ sẽ cảm nhận được sự kết nối sâu sắc, chia sẻ và đồng hành trong từng khoảnh khắc.

“And I’m here for you”: Thể hiện sự cam kết, dành trọn vẹn tình yêu và sự quan tâm cho người mình yêu thương. Lời khẳng định này mang đến sự an toàn, tin tưởng và là động lực để cả hai cùng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Ba câu khẳng định tưởng chừng đơn giản nhưng lại là chìa khóa cho một tình yêu đích thực. Khi cả hai cùng thực hiện được điều này, họ sẽ tạo dựng được một mối quan hệ bền chặt, hạnh phúc và viên mãn.

Chìa khóa cho một mối quan hệ tốt đẹp

Để thực sự “ở đây”, mỗi người cần học cách chánh niệm, tập trung vào hiện tại, gạt bỏ những lo toan, phiền muộn và dành trọn vẹn sự chú ý cho đối phương. Khi ta thực sự “ở đây”, ta sẽ cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp của người mình yêu thương, thấu hiểu những cảm xúc và suy nghĩ của họ. Tình yêu đích thực không chỉ là những khoảnh khắc lãng mạn, mà còn là sự cam kết và hy sinh cho nhau. Khi yêu thương ai đó, ta sẵn sàng dành thời gian, tâm sức và cả những hy sinh để cùng nhau xây dựng hạnh phúc.

Giao tiếp là yếu tố quan trọng trong bất kỳ mối quan hệ nào. Lắng nghe cởi mở và thấu hiểu là cách để hai người kết nối tâm hồn, chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ và vun đắp tình cảm ngày càng sâu sắc.

Tình yêu đích thực không phải là điều viển vông hay khó kiếm tìm. Nó ẩn chứa trong chính những khoảnh khắc bình dị của cuộc sống, chỉ cần ta biết trân trọng và gìn giữ. Ba câu khẳng định của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về cách để vun đắp và nuôi dưỡng một tình yêu thương bền chặt, viên mãn.

Hoàng Đức Nhiên

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Cuộc gặp của những dòng chảy

Published

on

By

Trong tập truyện Trôi, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã kéo những số phận riêng lại gần với nhau, từ đó cho thấy con người dẫu có ở đâu, sống đời thế nào… cũng là một phần của dòng trôi nổi.

Vừa quen vừa lạ

Là tác giả nổi tiếng với các truyện ngắn, tiểu thuyết có bối cảnh miền Tây Nam Bộ, Nguyễn Ngọc Tư đến với người đọc bằng sự giản dị, chân phương hệt như tính cách người dân nơi đây. Tác phẩm của chị thường mang tâm trạng trầm buồn, khi mà số phận buộc những nhân vật - thường là phụ nữ phải trải qua nhiều biến cố có phần ngang trái.

Gồm 13 truyện ngắn, Trôi đánh dấu cho hành trình mới của Nguyễn Ngọc Tư khỏi vùng châu thổ mà chị quen thuộc. Cuốn sách lướt qua câu chuyện của rất nhiều người ở nhiều cảnh ngộ khác nhau, từ nông thôn đến thành thị, từ mặt đất đến trên không, từ hiện thực đến siêu thực... thoạt nhìn có vẻ phi lý, thế nhưng càng đào sâu thêm vào từng dòng chữ, ta đều sẽ thấy mọi thứ trong cuộc đời này đều được liên kết, tương tác với nhau.

Nhân vật của nữ nhà văn trong tập sách này không còn ở trong vùng đất Thổ Sầu đậm tính sông nước, mà đã chuyển sang những khu phố thị hoặc là vô danh. Việc bỏ lai lịch của các nhân vật cho ta thấy rằng Nguyễn Ngọc Tư đã dám mạnh mẽ bước ra “cái kén” từ trước đến nay, để nói về những câu chuyện và những số phận mang tính phổ quát, có thể xảy ra với bất cứ ai và không ngừng lại.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Sở hữu cách viết điềm tĩnh, thận trọng, Nguyễn Ngọc Tư cho thấy tài năng quan sát và khắc họa nó lên trên trang viết. Các truyện trong tuyển tập này không hề cường điệu hay có chủ đích tạo sự kịch tính, mà lại êm đềm như một dòng chảy. Các tình huống được tác giả hóa giải một cách hợp lý, có khi theo đúng logic cơ học, nhưng cũng đôi lúc ẩn sâu là những liên kết buộc các độc giả tự mình tìm cách giải đáp…

Hiểu theo một nghĩa nào đó, Trôi đưa người đọc đến sự thấu hiểu chính bản thân mình. Như cách các nhà triết học của chủ nghĩa khắc kỷ đã từng bảo rằng, bởi ta không thể kiểm soát những gì xảy đến với bản thân mình, nên hãy thay đổi góc nhìn để thấu hiểu nó. Tập truyện ngắn này hướng đến những thứ tích cực, để ta thấy đời vẫn còn những màu đẹp đẽ trong mỗi ngày qua.

Đó cũng đồng thời chính là chữ “duyên” vốn thường xuất hiện trong văn hóa phương Đông, để ta biết rằng cái gì cũng có lý do, và khi thay đổi được suy nghĩ đó, những điều trôi qua đều có giá trị. Chính bởi điều này mà cuốn tiểu thuyết cũng đến rất gần Hành lý hư vô, Hong tay khói lạnh… vốn dĩ là những tản văn cũng có thông điệp tương tự như thế mà nữ nhà văn đã cho ra mắt trong các năm qua.

“Trôi là tin mừng”

Trở lại sau tập truyện ngắn Cố định một đám mây và cuốn tiểu thuyết Biên sử nước, có thể thấy rằng những đặc trưng cũ vẫn còn hiện diện trong tác phẩm này. Đó là những cuộc gặp gỡ cũng như cơ duyên như từ trên trời rớt xuống. Trong dòng chảy của số phận ấy, tất cả nhân vật gắn bó với nhau theo một cung cách hết sức lạ kỳ, thế nhưng ẩn chứa đâu đó họ vẫn có một sợi dây liên hệ và không thoát được khỏi tầm ảnh hưởng của nhau.

Sự trôi của Nguyễn Ngọc Tư cũng đã hiện diện ở nhiều chi tiết. Nó có thể mang nghĩa vật lý – như lục bình trôi, như dòng đời trôi; nhưng cũng có khi vô cùng tượng hình – như sự dịch chuyển của vũ trụ này, trong tình cảm con người và mối nối gắn họ với chính cuộc sống. Tác giả như đã trả lời câu hỏi: tồn tại hay không tồn tại để ta hiểu rằng: “Những cái vé xe đò, tàu hỏa hoặc máy bay đều có mùi của nơi chốn mà chúng đưa con người ta tới”.


Trong đây có chàng trai trẻ thích nghìn người khác nằm ngủ, có người đàn ông mà cả đời mình không bước khỏi cửa, có người mà võng là thứ “vật bất ly thân”… Ngoài ra cũng có một cặp vợ chồng “thắp lửa giữa trời”, có cả những cuộc gặp gỡ gần như không tưởng, xoay quanh chỉ một món nợ mà người trong cuộc cũng không thể biết mình nợ thứ gì…

Những tưởng họ vốn bất động trong cuộc đời mình, những tưởng những hành động ấy gần như phi lý, xác suất xảy ra gần như bằng không… Thế nhưng ở một giao điểm nào đó của số phận, họ đã gặp nhau và cùng vẽ nên bức tranh đời người. Xét cho đến cùng, tất cả chúng ta đều đang trôi nổi trên một dòng chảy – dòng chảy cuộc đời – theo chiều không ngừng mở rộng của cả không gian cũng như thời gian.


Nhà văn Ba Lan đoạt giải Nobel Văn chương 2019 - Olga Tokarczuk mà Nguyễn Ngọc Tư cũng đã nhắc đến trong một truyện ngắn, đã từng viết rằng: “Năng lượng của tôi sinh ra từ chuyển động – từ rung chuyển của ô tô buýt, từ tiếng gầm của động cơ máy bay, từ sự chòng chành của phà và tàu hỏa”. Dù muốn dù không thì sự xê dịch luôn luôn ở đó, đòi hỏi con người cứ thế tiến lên, cũng như nhìn nhận một cách tích cực về những điều mà bản thân gặp phải.

Như một câu văn trong truyện cùng tên: “Chẳng có cuộc trôi nào là vô tình hết, bản thân sự nổi trôi là thông điệp, tín hiệu, thư mời của chân trời”. Qua tác phẩm này, người đọc bỗng chốc nhận ra mình thuộc về “xứ không đâu”, nơi người với người cùng nhau tương tác, mỗi một cá thể sẽ lại tác động lên ai đó khác. Từ đó kêu gọi một sự sẻ chia cũng như đồng cảm trong cuộc đời này.

Đọc bài viết

Cafe sáng