Phía sau trang sách

Toàn cảnh Booker Prize 2020: Cơn thoi thóp chờ thời đổi mới?

Published

on

The Booker Prize 2020 chứng kiến nhiều bất ngờ trong suốt hành trình của mình, từ danh sách đề cử đến 6 cái tên rút gọn đều là những kết quả vô cùng khó đoán. Trái với dự đoán của đa số độc giả khi cho rằng Hilary Mantel sẽ lần đầu trở thành tác gia có ba cuốn sách thuộc bộ trilogy cùng nhau đăng quang, thì bất ngờ lớn đã kịp xảy ra. Không chỉ Hilary Mantel mà những tên tuổi kỳ cựu khác như Anne Tyler cũng nằm ngoài danh sách rút gọn, hay Actress của Anne Enright thậm chí không lọt vào danh sách đề cử. Lần đầu ta có 4/6 cuốn sách đề cử đều là tác phẩm đầu tay, 4/6 tác giả là nữ và hầu hết đều khắc họa một điều gì đó đen tối trong thế hệ chúng ta. Nếu Diane Cook mang đến tiểu thuyết dystopia thời hậu tận thế thì Real Life là những xung động sắc tộc. Nếu Shuggie Bain là một nỗi buồn vô cùng đẹp đẽ thì Burnt Sugar lại nằm chông chênh giữa thế giằng co. Và nếu The Shadow King hát lên bài ca ca ngợi phụ nữ, thì The Mournable Body là những nhiễu nhương của thời đoạn này. Mỗi một cuốn sách, mỗi một câu chuyện tựu trung bóng dáng những ngày hiện tại.

Nếu năm ngoái chứng kiến sự bất lực (khi trao giải cho phần 2 Chuyện người tùy nữ) cũng như theo dòng thời sự (#Metoo cho Bernardine Evaristo), thì ta hoàn toàn có thể chờ đợi một kết quả khác hoàn toàn hợp lý cho giải năm nay. Việc chọn 6/13 cuốn tiểu thuyết đầu tay từ danh sách đề cử cũng như hành động án ngữ Anne Tyler hay Hilary Mantel khỏi danh sách rút gọn cho thấy một điều rất đáng suy ngẫm về động cơ của hội đồng giám khảo.

Với dàn giám khảo mới toanh có phần xa lạ, gồm Margaret Busby, Sameer Rahim, Lemn Sissay, Emily Wilson và nhà văn trinh thám quen thuộc Lee Child; giải Booker năm nay hứa hẹn một sự mới lạ, cùng những cơn bão không ngừng leo thang bởi sự bất đồng với tính mới này. Dẫn lời Gaby Wood, giám đốc văn chương Booker Prize Foundation: “Khi chúng tôi đưa ra danh sách đề cử gồm 13 cuốn sách, một trong số chúng tôi đã hỏi rằng: ‘Có bao nhiêu cuốn sách đầu tay thế?’ Chúng tôi đã đếm. Và kết quả là hơn một nửa. Một tỷ lệ cao bất thường. Đặc biệt còn gây ngạc nhiên cho chính các giám khảo, những người vốn ngưỡng mộ nhiều cuốn sách của các tác giả quen thuộc hơn, và rất tiếc khi phải để chúng ra đi. Có lẽ hiển nhiên là những câu chuyện mạnh mẽ có thể đến từ những nơi không ngờ tới và dưới những hình thức xa lạ.” Và đó là dấu chỉ cho thấy hội đồng giám khảo năm nay không quá bi lụy vào tình thân của giới xuất bản (mà Atwood hay Rushdie năm ngoái là một vết chàm) cũng không e sợ dư luận lên tiếng (mà Burnt Sugar là một ví dụ điển hình). Một trong những mùa giải thay máu và đáng trông chờ nhất những năm gần đây.

TIỂU THUYẾT ĐẦU TAY

Ngoại trừ Tsitsi Dangarembga và Maaza Mengiste đã xuất hiện trên văn đàn từ trước, 4 cái tên còn lại đều mới chạm ngõ văn chương. Nếu Douglas Stuart – nhà văn Scotland hoạt động trong lĩnh vực thời trang tại New York – viết nên Shuggie Bain bằng những trải nghiệm cá nhân khi sống chung mái nhà với bà mẹ nghiện rượu và làm mọi thứ để níu giữ bà ở tuổi rất nhỏ; thì Brandon Taylor – khi đặt bút viết Real Life – thì Wallace cũng chính là anh trong phòng thí nghiệm. Cả hai người họ đều dùng trải nghiệm cá nhân để làm chất liệu cho tiểu thuyết. Nhưng nếu Shuggie Bain có không gian mở và bối cảnh đầy những khúc quanh có thể khai thác là đế chế Thatcher với những chính sách bất lợi cho giới thợ mỏ; thì Brandon Taylor lại bị co cụm ở trong khuôn viên ngôi trường đại học, một khoảng không gian đã được khai thác rất lâu trước đây mà Zadie Smith, J. M. Coetzee… là những tên tuổi sừng sỏ cho địa hạt này; và dĩ nhiên, với tính chất mới, Brandon bị mắc kẹt và Real Life không quá đột phá.

Với Real Life, Brandon Taylor ít nhiều thể hiện được thế giới quan cá nhân về người da màu yếm thế trong đời sống đầy tính tự do và tư bản giả tạm của dân tư bản da trắng.


Ở một mặt khác, Avni Doshi – người làm nghệ thuật, một nhà giám tuyển – cũng tái tạo nên Antara, nhân vật chính trong Burnt Sugar, theo nghề nghiệp này. Trái với trường hợp hai tác giả trên, Burnt Sugar có rất ít trải nghiệm cá nhân ở nơi tác giả. Và cũng có lẽ vì thế, cuốn tiểu thuyết này sắc sảo, lạnh lùng mà đầy mê hoặc về sự đối đầu, các khe hở nhỏ và những đường biên bến bờ đạo đức. Có vận động, chuyển biến, cao trào và đẩy đến cái lạnh tanh; Avni mở cho người đọc một sự trông chờ vào các tiểu thuyết tiếp sau của mình.

Để hỏi đâu là cuốn sách gây nhiều phân cực nhất của mùa giải năm nay thì câu trả lời chắc hẳn là Burnt Sugar của Avni Doshi.

Trong khi đó, Diane Cook, một nhà hoạt động môi trường với tập truyện ngắn Human Vs. Nature từng đạt được nhiều giải thưởng trước đây đã mở rộng cánh cửa bằng một tiểu thuyết vô cùng trường kỳ – The New Wilderness – với những khắc họa dystopia, vấn nạn môi trường và những xu thế thảm họa diệt vong. Thế nhưng Diane đã quá tham lam khi mượn cốt truyện về tình mẹ con để rồi dẫn dắt vào trong câu chuyện. Hơn nữa, yếu tố dystopia trong tiểu thuyết này cũng rất nửa vời, chưa đến tận cùng, chưa vào sau rốt. Rất tiếc phải nói rằng, nếu như được biên tập lại thật gọn hơn nữa thì đây sẽ là tiểu thuyết hiện sinh đại diện cho thế hệ chúng ta.

Diane Cook cũng họa nên một thế giới như thế, thế giới của tương lai, của đói khát của thảm họa.


Nếu cả 4 tác giả nêu trên không có quá nhiều dấu ấn cá nhân ở những tiểu thuyết đầu tay, (ngoại trừ Avni Doshi với cú debut vô cùng ấn tượng), thì Tsitsi và Maaza lại cho ta thấy ngòi bút lão luyện của những nhà văn sống trong nghệ thuật. Với This Mournable Body và là phần cuối của triology The Nervous Conditions bắt đầu từ năm 1988 (trường hợp ngược lại của Hilary Mantel), Tsitsi bằng chính mô tả nội tâm vô cùng ngột ngạt viết trong ngôi kể độc đáo cùng cách kể chuyện không hề câu dẫn đã họa nên bức tranh Zimbabwe trong thế loạn trí của Tambudzai – mà ta dễ thấy là hình bóng khác của chính Tsitsi. Một phiên bản mới đã thôi nhai lại của Người giao sữa.

This Mournable Body là cuốn tiểu thuyết lạ, lạ theo mọi phương cách ta có thể gọi tên. Từ ngôi kể, góc nhìn, tình tiết, nhịp điệu,… Tsitsi Dangarembga huyễn hoặc người đọc bằng tài năng kể chuyện.

Ở mặt trận khác, khi Ngozi Adichie được xướng tên chiến thắng ở giải Winner of Winner trong lịch sử 25 năm của giải Orange, thì cũng là khi The Shadow King mang đến trong mình một sự bứt phá từ trong bản chất. Xét về tổng quan, Nửa mặt trời vàng và The Shadow King không quá khá biệt – đều trong bối cảnh vô cùng đặc biệt, đều là hình tượng những người phụ nữ được miêu tả thật sự tinh tế, đi cùng theo đó là những lồng ghép thời đại – có chăng Maaza đã làm mới hơn khi xây dựng được một kết cấu mới vô cùng phức tạp: giữa hư và thực, giữa mới và cũ, giữa cái tưởng tượng và điều thực tế. Maaza viết nên The Shadow King không chứa quá nhiều yếu tố mới mẻ, thế nhưng về mặt tổng quan, đây là cuốn sách hài hòa, vừa đủ và đầy thông minh, dễ lấy cảm tình từ phía độc giả.

Với The Shadow King, Maaza Mengiste đã viết nên bản hùng ca về chiến tranh Ethiopia, về phụ nữ – những nữ chiến binh, về những mảng sáng tối trong tâm hồn mỗi một con người.

DẤU ẤN CÁ NHÂN

Nếu Douglas Stuart mang đến người đọc một sự đồng cảm khi lướt qua vùng Glasgow dưới đế chế Thatcher bằng một giọng kể đậm nỗi buồn thương nhưng cũng tươi sáng trong mắt trẻ thơ một cách kỳ lạ; thì Avni Doshi bằng sự mới mẻ, tiềm lực khai phá dẫn dắt người đọc qua sự đối đầu giữa những nhìn nhận về mặt đạo đức trong bản thân mình. Với Burnt Sugar, Avni đánh dấu được sự nổi bật trong cách lựa chọn đề tài, xây dựng diễn biến, nghệ thuật kỳ ảo, đẩy đến cao trào; và cũng chính những tranh cãi xung quanh cuốn sách là thứ khiến cho người đọc nhớ nhất, khiến nó vượt lên các đối thủ còn lại, một cách tiếp cận tương tự The Discomfort of Evening ở giải Quốc tế vừa rồi.

Giữa 6 tác giả ta đã kể trên, Tsitsi Dangarembga có vẻ nổi bật trước hết bằng phong cách viết vô cùng mới lạ của bản thân mình. Bằng bầu không khí ngột ngạt của những diễn biến nội tâm nhân vật cùng cách xây dựng ngôi kể, góc nhìn, pha chút kỳ ảo cùng đó là chính giọng văn dẫn dắt người đọc vào câu chuyện kể; Tsitsi đã làm nên một hố sâu giữ chân người đọc. Nếu ai từng thích cái ngột ngạt gò bó trong Người giao sữa của Anna Burns nhưng lại không thích dáng vẻ loạn trí trong tiểu thuyết đó, thì This Mournable Body là một cuốn sách không thể bỏ qua, về một xã hội Zimbabwe đầy thất bại sau khi độc lập, về những con người thật sự ủ ê cũng những đè nén với người da trắng… Hiếm có một tác phẩm nào được Doris Lessing, Alice Walker và cả Chinua Achebe ca ngợi “như cuốn tiểu thuyết ta hằng mong đợi”.

Còn lại nhạt nhòa không quá khác biệt. Brandon Taylor thiếu cái nhạy bén của những tiểu thuyết LGBT với những chi tiết thật sự lột tả. Anh nằm chênh vênh giữa hai tên tuổi James Baldwin và Sally Rooney khi phần nào đó đem được sắc tộc cùng nổi quẫn trí của thế hệ Y trong thời đoạn này. Diane Cook lại làm chưa tới. Maaza không quá đặc biệt khi ta bỏ đi chính bối cảnh đó.

VÀ NHỮNG ĐIỀU KHÁC

Nếu năm ngoái ta có #Metoo như cách dự đoán những người thắng giải, thì năm nay Covid-19 thật sự đã lấy đi mất ánh hào quang đó. 4/6 đề cử là tác giả nữ, thế nhưng nhìn chung, chỉ Avni và Tsitsi thật sự nổi bật. Thế nhưng nếu đi đúng hướng của giải Booker Quốc Tế được trao từ hồi tháng 6, Diane Cook – vừa là một tác giả nữ, vừa đang sở hữu tiểu thuyết dystopia nặng tính sinh thái – rất có lợi thế trong thời đoạn này. Nhưng nếu nhìn giải Orange vừa trao tuần rồi – nơi tiêu chuẩn kép rất giống Booker, viết bằng tiếng Anh và được xuất bản ở thị trường Anh – xu hướng đề cao tính nữ của Maaza trong The Shadow King rất có cơ hội.

Và một mặt khác về địa chính trị. Trong khi nước Anh rối bời tìm cách quay đầu khỏi những khủng hoảng thời hậu Brexit, thì nơi Scotland – một phần hợp thành, cùng với Ireland – đang trong khao khát muốn được tách ra và quay trở lại ngôi nhà rộng lớn từng bị ép bỏ. Và Booker biết đâu nhân cơ hội này mong muốn chứng tỏ văn chương đi theo thời sự, và trao ngôi vương cho chính nhà văn từ miền đất này. Sự thật trần trụi rất có khả năng, và cao hơn nữa là nhằm chớp thời cơ trước giải sách Quốc Gia mà Shuggie Bain cũng là một trong những đề cử với khả năng chiến thắng trên đà rất cao.

Shuggie Bain hùng vĩ và dậy sóng, chạm đến độc giả bằng sự chân thành. Một dẫn nhập xuyên suốt qua vùng Glasgow – Scotland những năm 1980 dưới đế chế Thatcher u tối.

KẾT

Rất khó dự đoán những gì xảy ra trong cơn bão tới. Với danh sách rút gọn từ 13 cuốn sách đề cử, dễ thấy ban giám khảo năm nay đang muốn đổi mới, mong muốn cách tân những tàn dư cũ của giải thưởng này. Xét về tổng thể, vừa là bối cảnh, vừa là câu chuyện, This Mournable Body của Tsitsi pha trộn hài hòa đầy mọi yếu tố – dấu ấn cá nhân, đời sống ngột ngạt, phản ánh thời đại. Nhưng để vượt qua tính hiện thực hóa đòi hỏi văn chương đi theo thời sự, cùng những yếu tố thuận lợi về địa – chính trị, Shuggie Bain là một vùng trùng dễ bị lắp đầy bằng một giải thưởng. Và để tìm kiếm một sự phá cách, một làn gió lạ – Burnt Sugar vừa đủ, thông minh mà đầy sắc sảo. Ngay đến Hilary Mantel vẫn còn ngã ngựa dĩ nhiên không gì hoàn toàn có thể chắc cả. Nhưng nếu Tsitsi hay Avni giành được chiến thắng, dĩ nhiên hoàn toàn là điều xứng đáng, và cả Douglas, và cả Maaza, và cả Diane hay là Brandon cũng luôn như thế.

Hết.

minh.

*

The Booker Prize 2020






Click to comment

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Phía sau trang sách

Trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình với Metahuman – Siêu nhân loại

Published

on

By

Những khi nhìn lại chính bản thân mình, những điều đã hoàn thành lẫn những điều còn dở dang, nếu đâu đó trong bạn xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực về chính mình, có lẽ tác phẩm Metahuman – Siêu nhân loại của bác sĩ Deepak Chopra sẽ giúp bạn điều chỉnh lại suy nghĩ ấy, để thấy rằng tiềm năng của con người là vô hạn.

Có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao những phim hài lãng mạn dù lặp lại các kiểu mô típ quen thuộc về câu chuyện, nhân vật thường vẫn dễ dàng thu phục được công chúng? Trong Metahuman – Siêu nhân loại, Deepak Chopra – tác giả người Ấn Độ từng được tạp chí Time vinh danh là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất ở thế kỉ 20 – đã có cách lí giải vô cùng thuyết phục dựa trên cơ chế tâm lí, ý thức về hiện thực của con người.

Dòng phim hài lãng mạn thường kể câu chuyện về một anh chàng hay cãi nhau với một cô nàng, để rồi cuối phim anh mới nhận ra cô chính là tình yêu đích thực của đời mình. Chopra cho rằng tất cả chúng ta đều yêu thích khoảnh khắc giác ngộ của nhân vật trong phim: “Giờ tôi đã hiểu rồi. Đó là người tôi yêu.”

Chính vì thực tại ta đang sống là một thứ khó hiểu, khó nắm bắt nên ta lại càng tìm được nhiều niềm vui khi chứng kiến nhân vật có thể hiểu được một vấn đề nan giải, thấy được sự thật bấy lâu nay cứ chìm khuất trong lớp sương mờ trước mắt anh hay cô ta. Và tác phẩm Metahuman – Siêu nhân loại cũng có thể mang đến cho người đọc niềm vui tương tự khi lần lượt giải mã nhiều vấn đề về hiện thực ta đang sống.

Những giới hạn của bản thân không phải là điều tiêu cực như bạn nghĩ

Deepak Chopra

Chúng ta vẫn thường quen thuộc với quan niệm thế giới chia làm hai phần gồm: vật chất và ý thức. Từ đây, hình thành hai trường phái triết học chủ đạo là duy vật và duy lí. Nhưng trong Metahuman – Siêu nhân loại, Deepak Chopra đã định nghĩa lại về thế giới. Ông cho rằng thế giới chỉ có duy nhất một thứ là ý thức, và vật chất cũng là do ý thức tạo nên. Vật chất, hay những gì chúng ta nghĩ là rắn chắc, bền vững, khó thay đổi – bao gồm cả cơ thể, tâm trí và những tiềm năng của chúng ta – kì thực đều là do ý thức quyết định. Vì thế, chừng nào ý thức còn muốn tiếp tục điều chỉnh, chừng đó tiềm năng của con người còn vô hạn và có thể mở rộng đến khôn cùng.

Nhưng trong cuộc sống hằng ngày, giới hạn an toàn lại là thứ khiến chúng ta thấy thoải mái, đồng thời đây cũng là cơ chế để bảo vệ con người. Chopra lấy ví dụ nếu một người muốn trở thành họa sĩ, anh tham dự một lớp học mĩ thuật. Giả sử lớp học đó có thể cho anh xem hết tất thảy mọi bức tranh đã được vẽ trong lịch sử nhân loại, cảm thấu được vẻ đẹp của từng bức thì khả năng cao là sau khi học xong, anh sẽ không thể vẽ được nữa. Ở đây, chính giới hạn về hiểu biết mĩ thuật có thể lại là động lực khiến người họa sĩ muốn sáng tạo.

Như vậy, bản thân sự giới hạn không phải là một điều tiêu cực. Nó chỉ tiêu cực khi bị cố định trong một cái khuôn. Ngược lại, nếu ta biết được giới hạn nhưng vẫn có nhận thức rằng biên độ của giới hạn có thể thay đổi thì tiềm năng của con người sẽ không ngừng mở rộng.

Không chỉ quá khứ, tương lai; hiện tại cũng là thứ không thể nắm bắt

Phần lớn chúng ta có một quan niệm phổ biến rằng: “Tương lai, quá khứ là thứ chúng ta không thể nắm bắt. Tương lai thì chưa đến. Quá khứ thì đã qua. Chỉ có hiện tại là thứ duy nhất ta có thể nắm bắt được.” Quan niệm này có lẽ hợp lí đến nỗi không nhiều người trong chúng ta đặt nghi vấn về tính đúng đắn của nó, hay thử tự một lần phản biện lại.

Tuy nhiên, Deepak Chopra lại có suy nghĩ hoàn toàn khác biệt về vấn đề này. Ông cho rằng không chỉ tương lai và quá khứ, ngay cả hiện tại – mà ta nghĩ là mình đang sống trong nó – cũng là thứ khó nắm bắt. Bởi lẽ, hiện tại cũng giống như sự im lặng. Khi bạn cất lời, sự im lặng biến mất; tương tự, khi bạn có nhận thức về hiện tại dù là dưới dạng hình ảnh, cảm xúc, hay suy nghĩ, nó cũng đã biến mất ở khoảnh khắc ấy, nhường chỗ cho một hiện tại khác ở ngay sau đó. Vì vậy, nếu nói rằng thực tại là thứ có thể nắm bắt thì chẳng khác nào nói là bạn có thể biết trước suy nghĩ tiếp theo của mình.

Phản biện này có lẽ cũng là tư duy nền tảng cho khái niệm về thực tế ảo được trình bày trong sách. Thực tế mà chúng ta đang sống, ta nghĩ rằng đó là một thực tế vững chắc, được kết cấu dựa trên những nhu cầu đầu tiên về vật chất, sau đó là tinh thần – thực tế ấy, hóa ra lại không vững chắc như ta nghĩ. Rất có thể, đó chỉ là một thực tế do ý thức, nhu cầu của chúng ta tạo ra, thứ mà Chopra gọi rằng đó là thực tế ảo. Để vươn đến tầm vóc siêu nhân loại, ta phải học cách vượt qua thực tế ảo ấy, hướng đến một thực tế thật – đó chính là thứ thực tế mà tác giả gọi là siêu hiện thực.

Trong Metahuman – Siêu nhân loại, Deepak Chopra không cố gắng áp đặt độc giả phải đồng thuận quan điểm của mình. Ông luôn đưa ra nhiều ý kiến, quan điểm đối lập từ những học giả, các nguồn kiến thức khác nhau về cùng một vấn đề để người đọc có thể rộng đường tư duy, tiếp nhận nhiều luồng tư tưởng, tự lựa chọn đáp án cho những câu hỏi cá nhân của chính mình. Thông qua đó, Deepak Chopra cung cấp một cách nhìn khác về hiện thực, giúp mỗi người chúng ta xua tan lớp sương ảo ảnh do tự thân tạo ra từ những định kiến, trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Nguồn: L'Officiel

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Thành phố những lục địa bay: Khi Đà Lạt không là Đà Lạt

Published

on

By

Đà Lạt luôn là điểm dừng chân lí tưởng cho những tâm hồn yêu cái lạnh. Nếu không thể đến Đà Lạt ngay lúc này, quyển sách Thành phố những lục địa bay – tác phẩm viết về Đà Lạt mới nhất của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo để người đọc tận hưởng không khí Đà Lạt ngay tại nhà.

Dù tuổi thơ gắn liền với quê hương Ninh Thuận và chỉ đến Đà Lạt khi trở thành sinh viên Văn khoa Đại học Đà Lạt, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã dành cho Đà Lạt một tình yêu tha thiết với nhiều tác phẩm ghi dấu trong lòng bạn đọc như: Đà Lạt, một thời hương xa; Đà Lạt, bên dưới sương mù; Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách Lần này trở lại với Thành phố những lục địa bay, anh tiếp tục viết về Đà Lạt với nhiều khám phá, tìm tòi mới trong nghệ thuật kể chuyện.

Vẻ đẹp thành phố sương mù hiện ra trong sự mơ hồ của chữ “và”

Trong lối tường thuật của Thành phố những lục địa bay, Nguyễn Vĩnh Nguyên đặt rất nhiều ý nghĩa trong chữ “và”. “Và” không chỉ là sự bao hàm giữa cái này và cái kia. “Và” còn có thể vừa mang ý nghĩa liệt kê, vừa mang ý nghĩa đồng thời. Chính vì vậy, những chi tiết nối liền bằng “và” theo cách Nguyễn Vĩnh Nguyên sử dụng cho người đọc cảm giác chúng có thể lần lượt xuất hiện, hoặc song song tồn tại. Sương mù hay chính bản thân Đà Lạt dường như đã trở thành một câu văn có cấu trúc gắn kết bởi chữ “và”. Ngay từ lời ghi chú ngắn ở đầu truyện, tác giả đã dụng công viết những câu văn có sự xuất hiện của nhiều chữ “và” để tạo ra cảm giác mơ hồ về ranh giới. Ta hãy thử khảo sát một vài trường hợp.

Có khi “và” đảm nhận nhiệm vụ liệt kê hai chức năng đồng thời tồn tại:
“Mặt nước cất giữ trong nó những bí mật bị vùi chôn và trang sức cho thành phố một vẻ mơ màng hư ảo. 

Có khi “và” là một trạng thái ở giữa như cách tác giả mô tả tầm nhìn của một người khi quan sát hồ nước chìm trong sương mù.
“Hồ, vì thế nằm giữa cái thấy và không thấy.”

Đôi khi, “và” còn mang nghĩa không hẳn là “cái này”, cũng không hẳn là “cái kia” như trong câu văn sau đây:
“Còn thi sĩ, anh là kẻ đã đến đây vào Thời đại Buồn nôn với sự thơ mộng và giả thơ mộng được vẽ vời và phóng đại.”

Như vậy ở đây, Đà Lạt hiện ra là một thành phố vừa thơ mộng, vừa không hẳn thơ mộng. Chính vì không có tính chất nào vẹn toàn thuộc về chủ thể – chủ thể ở đây có thể hiểu là cả một thành phố –  nên mới cần có nhiều chữ “và”. “Và” như một phương thức để khẳng định thành phố luôn mang trong mình từng tính chất đã được liệt kê, nhưng đồng thời cũng không hoàn toàn nắm giữ trọn vẹn bất kì tính chất nào. Chính vì lẽ đó, tác giả đã đưa ra nhận định chung về hình ảnh Đà Lạt được tái hiện trong Thành phố những lục địa bay là: “Đà Lạt chính là Đà Lạt. Nhưng Đà Lạt cũng không là Đà Lạt.”  

Trò chơi giữa có và không khiến người đọc say mê

Những chuỗi truyện trong Thành phố những lục địa bay cho người đọc thấy một điều rằng: Sự thật và giai thoại luôn đan xen lẫn nhau về cùng một đối tượng. Ở tác phẩm này, hồ nước chính là khởi nguồn cho mọi sự nhòa lẫn, bất phân định về ranh giới.

Có lẽ, tác giả chọn hồ làm đối tượng để khởi đầu tác phẩm cũng vì hồ là thứ có thể phản chiếu như gương, tạo ra phiên bản thứ hai của thế giới, tạo ra lằn ranh giữa thực và ảo. Hiểu theo cách đó, ta có thể thấy rằng hồ cũng có nhiệm vụ tương tự như chức năng ngữ pháp của chữ “và” trong cấu trúc câu. Nếu “và” là cầu nối trên câu chữ thì “hồ” chính là một phóng chiếu sang hình ảnh của “và”, là sự gắn kết giữa những miền “thực” và “ảo” trong tác phẩm. Và vì vậy, với tác giả, hồ là: “Một thứ nước đôi, không chắc hư cấu, cũng chẳng hiện thực.” 

Hầu hết những con người xuất hiện trong tác phẩm đều vô danh, họ chỉ được gọi bằng các chức danh nghề nghiệp như: thi sĩ, nhà nhân học, quy hoạch gia, chàng nhạc sĩ, nhà thám hiểm, ngài khâm sứ, đan sĩ, hoàng đế, nhà biên khảo, nhà văn… Bằng cách đó, con người hòa vào những địa danh vốn cũng không được đặt tên riêng trong tác phẩm như: Hồ, Suối, Thác, Đồi, con đập…

Giữa những mơ hồ về thân phận của con người và nơi chốn, nước – một “nhân vật” vô danh khác trong tác phẩm – lại nổi lên như một đối tượng dẫn lối cho tất cả mọi thứ. “Nước đã xuyên qua vách ngăn của da thịt, để con người trở nên trong suốt và tự do.” Có lẽ vì thẩm thấu được mọi thứ nên nước dường như là phương tiện duy nhất có thể xuyên qua vách ngăn phân định giữa thực và ảo được tạo ra bởi những lớp sương mù – vốn cũng là thứ thoát thai từ nước mà thành.

Và theo dòng chảy của nước, trò chơi giữa có và không trong Thành phố những lục địa bay cứ thế diễn ra khoan thai, chậm rãi, nhưng nhiều day dứt. Tuy nhiên, dẫu có nhiều màn sương mơ hồ được giăng ra, người đọc cũng sẽ khó mà hoặc thậm chí là không muốn thoát ra khỏi thứ khiến mình đang băn khoăn ấy. Bởi lẽ, bằng chính việc không chối bỏ sự mơ hồ, dần dần ta sẽ nhìn rõ được mọi thứ. Thành phố những lục địa bay chính là một cái nhìn thấu suốt về Đà Lạt giống như thế.

Nguồn: L'Officiel

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Tiếng Kiều đồng vọng: Thế giới như một khoảng không chật hẹp

Published

on

By

Sự tổn thương sẽ mang lại những tia lấp lánh cho con người trưởng thành dường như chưa bao giờ là bài học cũ kĩ. Tiểu thuyết Tiếng Kiều đồng vọng (tên cũ Mưa ở kiếp sau) của Đoàn Minh Phượng chính là tiếng vọng đến từ một cuộc đời như thế.

Tiếng Kiều đồng vọng kể về cuộc đời của Mai. Mai sinh ra và lớn lên với mẹ Liên ở Hà Nội. Từ nhỏ, cô không biết cha mình là ai và luôn mong muốn được gặp cha. Cơ hội cuối cùng cũng đến khi dì Lan – em gái của Liên từ Huế vào Hà Nội thăm hai mẹ con đã tiết lộ cho Mai địa chỉ của cha Mai ở Sài Gòn. Từ đây, Mai phải lựa chọn rời xa tổ ấm để lên nơi phồn hoa đô thị nhiều cạm bẫy dối trá với ước vọng được đón nhận tình yêu thương từ cha mà bấy lâu cô thiếu thốn.

Trưởng thành từ sự tổn thương

Ảnh: Facebook Tao Đàn

Thông qua hành trình tìm cha của Mai, ta còn thấy xuất hiện một hành trình khác, cũng quan trọng không kém: hành trình tìm lại bản ngã của chính cô - một người luôn bị mắc kẹt trong những câu hỏi thuộc về quá khứ. Có lẽ, khi người ta bắt đầu học cách đưa ra câu trả lời cho những nghi vấn trớ trêu mà số phận đặt ra, dù tiếng vọng cuối cùng chưa hẳn là một đáp án tiệm cận nhất với sự thật thì rốt cuộc, ta cũng dần tiến đến sự trưởng thành bản ngã - thời khắc cái tôi cá nhân phải tự phá vỡ vỏ trứng bảo bọc an toàn tưởng chừng vững chắc như một thành trì nhưng hóa ra lại chỉ mong manh như một làn sương dệt từ những mơ hồ bất quyết. Chỉ khi thành trì ấy sụp đổ, làn sương ấy lùi lại phía sau con người vừa bước ra từ sự tổn thương, chính khi ấy ta mới có thể nhìn rõ hơn thế giới với trọn vẹn hương sắc của nó. Tiếng Kiều đồng vọng chính là tiếng vọng đến từ một cuộc đời như thế. Sự tổn thương sẽ mang lại những tia lấp lánh cho con người trưởng thành dường như chưa bao giờ là bài học cũ kĩ.

Nội dung cơ bản của Tiếng Kiều đồng vọng có nhiều yếu tố tương tự với bộ phim Hạt mưa rơi bao lâu do Đoàn Minh Phượng làm đạo diễn và biên kịch, sản xuất năm 2005. Cả hai người con trong tác phẩm này đều không rõ cha mình là ai, đều tự thân tìm hiểu câu chuyện quá khứ vì cùng có người mẹ trung thành tuyệt đối với sự im lặng. “Những kỷ niệm khác nằm trong niềm im lặng của mẹ tôi, niềm im lặng dài hai mươi hai năm, dài bằng đời tôi và nửa đời của mẹ.” Mai đã từng cảm thán như thế về sự im lặng của mẹ. Im lặng là một từ khóa quan trọng, được lặp lại nhiều lần trong Tiếng Kiều đồng vọng. Bản thân Hạt mưa rơi bao lâu cũng có tên phim trong tiếng Anh là Bride of Silence. Như vậy, có thể thấy rằng, sự im lặng hay thân phận của người phụ nữ bị mất tiếng nói trong xã hội là chủ đề có sức ám ảnh lớn với tác giả Đoàn Minh Phượng. Khi những người con sống dưới cái bóng im lặng của người mẹ, họ càng có thôi thúc mạnh mẽ hơn trong việc đi tìm câu trả lời cho một quá khứ bất minh. Thoát khỏi sự im lặng, tự cất lên tiếng nói cho chính mình – đó là một trong những bước đầu tiên để trưởng thành, như cách Mai đã dứt khoát nói với mẹ vào ngày cô rời đi rằng: "Con hai mươi hai tuổi, con trưởng thành đã bốn năm rồi mẹ."

Nước bao bọc kí ức để tiếng nói được cất lên

Ảnh: Facebook Tao Đàn

Mưa ở kiếp sau (tên cũ của Tiếng Kiều đồng vọng) là một tiêu đề gợi hình; trong khi đó, Tiếng Kiều đồng vọng lại là một tiêu đề gợi âm. Thử tìm cách lí giải sự thay đổi này, ta sẽ nhận ra một số điều thú vị.

Ở phần mở đầu tác phẩm, Đoàn Minh Phượng có trích dẫn lời bài hát Within you, Without you của nhóm The Beatles do George Harrison sáng tác với phần lời như sau:

“Ngày sẽ đến khi em nhận ra chúng ta đều là nước.
Cuộc đời trôi bên trong em và bên ngoài em...”

Câu gốc bài này trong tiếng Anh là:

“And the time will come when you see we're all one.
And life flows on within you and without you.”

Thông qua đó, có thể thấy tác giả đã có dụng ý khi thay “one” bằng “nước”. Nước rõ ràng là một hình ảnh rất quan trọng với Đoàn Minh Phượng trong tác phẩm này vì bản thân “mưa” ở tiêu đề cũ cũng là một yếu tố thuộc nước. Vậy dưới ngòi bút của tác giả, nước mang ý nghĩa gì?

“Một câu chuyện không có lời giống như một cơn mưa không có giọt nước từ trời. Tôi sẽ đi tìm lời cho những gì tôi biết.”

Như vậy, nước trong tác phẩm này tượng trưng cho “lời,” cho kí ức – là điều Mai luôn tìm kiếm, đồng thời cũng là điều bao bọc Mai như cách cô ví von: “Tôi còn là loài cá đầu to nằm còng queo trong lòng đại dương chật hẹp, trong bụng của người mẹ chửa hoang.” Vì “sự im lặng” của mẹ Mai là nguồn cơn khởi phát cho hành trình của Mai nên có thể xem như “nước” – một  hiện thân của “lời” – chính là đích đến, đồng thời là phương tiện để Mai hiện thực hóa mục tiêu của mình.

Do đó, so với Mưa ở kiếp sau, Tiếng Kiều đồng vọng là một tiêu đề thể hiện sự chuyển biến tích cực. Mai không còn chờ “mưa”/ “lời giải đáp” ở kiếp sau nữa, cô tìm nó ngay trong kiếp này để cất lên thành một tiếng vọng, phá tan sự im lặng của mẹ cô, của những phận nữ nhi bị mất đi tiếng nói ở thế hệ trước.

Một giọng văn mềm mại nhưng ngầm cuộn sóng bên trong

Tiếng Kiều đồng vọng vẫn kể chuyện theo lối tuyến tính, nhưng khi trình bày các sự kiện diễn ra trong cái khuôn đó, Đoàn Minh Phượng vẫn cho phép dòng tự sự của nhân vật chảy miên man tự do, đi đi về về giữa quá khứ và hiện tại. Chính vì thế, dòng chảy tâm thức của nhân vật tuy được giọng văn mềm mại dẫn dắt nhưng vẫn ngầm cuộn sóng bên trong bởi lẽ chỉ cần rẽ qua một bước ngoặt nhỏ, sự kiện đau lòng nào đó trong quá khứ lại đột ngột ập đến; hoặc ngược lại, khi đang đắm chìm trong hồi tưởng êm đềm, bất thình lình hiện thực phũ phàng xâm chiếm và hủy hoại ta. Người đọc như bước đi trong mê cung, chỉ có thể tri nhận thế giới như một khoảng không chật hẹp trước mắt, không thể biết điều gì sẽ chờ đợi mình trong ngã rẽ kế tiếp.

Ở một thế giới mơ hồ thì những cái tên - vốn dĩ là phép định danh chống lại sự mơ hồ - càng được Đoàn Minh Phượng dụng công để có thể hòa quyện trong bầu không khí hư ảo. Ta có thể thấy tác giả không vội vàng giới thiệu tên họ, lai lịch đầy đủ của nhân vật ngay từ đầu theo lối kể chuyện tiểu sử quen thuộc. Nhân vật hiện lên thoạt tiên với những tâm tư, cuộc sống ập ngay trước mắt độc giả. Những thông tin bên lề sẽ đến sau. Mãi đến chương bốn, trong đoạn đối thoại với mẹ, người đọc mới biết nhân vật chính tên Mai. Nếu để ý kĩ, ta sẽ thấy hầu như những nhân vật trong truyện đều có tên gắn với một loài hoa: Mai, Liên, Lan, Quỳnh... Và Chi - một nhân vật đặc biệt trong tác phẩm này thì tên cô lại có nghĩa là “cành”, không phải là loài hoa đích thực mà có thể là cành cho bất cứ loài hoa nào.  

Những giấc mơ cũng là một yếu tố quan trọng trong Tiếng Kiều đồng vọng. Thông qua đó, Đoàn Minh Phượng xây dựng một thế giới tổn thương, quái lạ với những buổi tiệc kì dị của giới nhà giàu, có phần nào đó mang không khí tương đồng buổi tiệc của hội kín quí tộc mà Stanley Kubrick đã đặc tả rất kĩ lưỡng trong phim Eye Wide Shut (1999).

Sống trong thế giới hiện đại, những cô Kiều dưới ánh sáng thị thành dường như không còn giữ nổi tâm trí tỉnh táo. Họ hồ như đều có chung một dòng máu điên loạn và chỉ biết lặng nhìn dòng chảy ấy trôi qua nhiều kiếp người. Vì vậy, tiếng kêu của họ có thể không đứt ruột như người xưa do nỗ lực chôn vùi cảm xúc, nhưng lại trở thành những tiếng vọng được cộng hưởng vào nhau nên còn mãi ngân nga rất lâu sau khi Tiếng Kiều đồng vọng đã kết thúc.

Đọc bài viết

Cafe sáng