Sáng tác

Truyện ngắn: Những người của biển

Published

on

Bão tới. Mới hơn sáu giờ chiều mà trời tối thui. Trong căn nhà cấp bốn lụp xụp nằm gần cạnh bờ biển, hai mẹ con dì Tư ngồi ăn cơm dưới ngọn đèn dầu leo lắt đang chực tắt. Dì Tư lọ mọ lừa mấy miếng xương cá để riêng ra mâm, rồi gắp khúc cá đã sạch xương bỏ vào chén thằng Ghe, biểu nó ăn. Thằng Ghe lấy cái muỗng múc miếng nước mắm ớt thiệt cay chan vào chén rồi đưa khúc cá lên miệng ăn ngon lành, lâu lâu nó lại hỏi, “Hông biết tới khi nào mới có điện lại, má ha!” Dì Tư không nói gì. Qua cái cửa sổ nhỏ bị hư chốt, dì Tư nhìn sang nhà mấy người hàng xóm. Nhà nào nhà nấy cũng tối thui. Có nhà xịn hơn mua được mấy cây đèn sạc điện, bây giờ lấy ra xài cũng coi như có chút ánh sáng.

Ở cái xóm này, hầu như nhà ai cũng đều câu điện lại từ nhà ông Tám. Giờ nhà ổng cúp điện thì cả xóm coi như cũng không có điện xài. Cũng trách sao cái đường dây điện nhà ông Tám cứ hay bị chập mạch mỗi lần trời mưa gió bão bùng, mà cũng trách cả xóm này nghèo quá, nhà nào nhà nấy đều nằm san sát nhau gần bờ biển, ngay cả tiền để ăn sang một bữa lẩu bò ngoài phố chợ còn không có, lấy đâu ra tiền để bắt điện từ công ty điện lực.

Ngoài trời, mấy hàng dừa nối dài đứng phe phẩy trước gió nhìn như những hồn ma ai đó hiện về. Gió thổi một rít hơn, còn mưa thì xối xả, cọ xát với cái mái tôn cũ nghe điếc cả tai. Trong những âm thanh hỗn loạn và đảo điên của cơn bão, dì Tư nhìn xa xăm ra ngoài, thấy biển và trời đều một màu đen thẫm.

*

Bão tan. Bốn giờ rưỡi sáng, dì Tư thức dậy, ra sau bếp chẻ mấy cọng ngo rồi bỏ than nhóm lửa. Còn ít gạo trong khạp, dì Tư định nấu một nồi cháo trắng, để dành ăn cả ngày với mấy con cá cơm ram sẵn còn dư. Trong lúc ngồi chờ gạo nở, dì Tư đi lên bàn thờ, thắp cho dượng Tư cây nhang, cũng không quên sửa lại mấy cành bông cúc ở trong bình cho ngay ngắn. Trên tấm ván ép bị nứt một đường dài ở mặt ván, thằng Ghe nằm ngủ chèo queo, nhìn nó như mấy con cá khô mà người ta vẫn thường hay treo tòn ten ở ngoài chợ. Dì Tư tới lấy mền đắp lên người cho nó. Bão tan, nhưng mà trời vẫn lạnh.

Trời sáng hơn, dì Tư chạy ra làng chài, nhìn ngó xung quanh mà không thấy ghe thuyền nào vô bờ hết. Đúng rồi. Mấy nay bão to, biển động mạnh, nhiều nhà đều sợ không dám đi. Có mấy ghe lớn hơn của nhà bà Phước, ông Hạp được đóng ráp chắc chắn, trang bị nhiều máy móc hiện đại thì may ra còn dám ra khơi, nhưng mà bao nhiêu thứ đánh bắt được thì mấy người đó đều đem lên chợ trên. Lên trên đó trả tiền cho nhân công giá rẻ hơn, mà bán cho mấy thương lái cũng được giá cao hơn nữa.

Biển đục ngầu. Những con cá lèo tèo đã chết khô dưới cát từ bao giờ, nay nhờ có bão thổi bay lớp cát mà được dịp trồi mặt lên, nhìn quê hương xứ sở của nó cho thỏa con mắt của những kẻ thèm khát biển khơi. Bờ biển vắng lặng, xung quanh chỉ lác đác vài ba người đến rồi đi trong cái nhìn tràn đầy thất vọng. Họ cũng là những người như dì Tư, sống leo lắt từng ngày như ngọn đèn dầu bám trụ vào ngọn lửa biển khơi. Thường thì cứ đúng bốn, năm giờ sáng, họ lại tập trung ở làng chài để đợi ghe thuyền vào, thi nhau mà cạy sò, cạy ốc… để có cái giao cho thương lái. Cứ mỗi kí sò hay ốc cạy được thì họ sẽ được trả một khoản tiền nhỏ, cứ đó mà nhân lên. Vậy nên ai cũng ráng mà cạy cho thiệt nhiều, dù cũng có lúc bị vỏ ốc đâm vào tay chảy máu hay chính con dao cạy đó vô tình cứa vào cổ tay. Có mấy người thương lái tới mua sò, hỏi, “Bộ ngày nào cũng cạy sò như vậy mà không ngán hả?”. Mỗi lần nghe câu đó, dì Tư cười ngọt sớt, “Ngán chớ sao hông, mà cũng phải ráng thôi. Hông cạy thì tiền đâu mà ăn?” Ừ, không cạy thì tiền đâu mà ăn, bởi vì đây là công việc của những người phụ nữ nghèo ở cái xứ biển quanh năm mặn chát này mà, họ nghĩ. Rồi hôm nay thể nào cũng đói, may mà còn có nồi cháo trắng nêm thật nhiều muối vừa mới nấu ở nhà…

*

Trời xanh. Thằng Ghe ùa ra tắm biển cùng với mấy đứa nhỏ trong xóm, đứa nào cũng ốm nhom ốm nhách như khúc củi khô. Tụi nó dân biển, từ lúc sinh ra tới giờ đã quen lăn lộn với nắng gió duyên hải nên làn da tất nhiên là rám nắng, hoặc không muốn nói là đen thùi lùi. Niềm vui mỗi ngày của tụi nó là đi tắm biển, đi ra làng chờ người ta nướng sò để xin ăn chực, thi thoảng chạy ra chợ coi kịch hát, lô tô. Trong đám con nít xứ biển ấy, ít có đứa nào được học hành tử tế. Đa phần tụi nó đều đi học giữa chừng rồi nghỉ học, còn không là vẫn chưa biết mùi vị trường lớp là thế nào. Có nhiều lần mấy anh chị công tác tư tưởng ở địa phương xuống tận nhà để vận động, khuyến khích phụ huynh cho con em đi học, nhưng rồi kết quả cũng chẳng đâu vào đâu, vì ba mẹ tụi nó thì làm gì có tiền. Thành ra cứ hết lớp con nít này tới lớp con nít khác, tụi nó sống và lớn lên như những con thuyền không dây neo, cứ trôi lênh đênh giữa biển đời mênh mông vô định. “Mà trách ai đây, hoàn cảnh mà…”

Mấy hôm cạy sò được nhiều tiền, dì Tư dắt thằng Ghe ra chợ, kêu cho nó tô bún mắm nêm nhiều chả với thịt. Nghe tới được ăn ngon, thằng Ghe khoái lắm, nhưng nó còn hỏi lại cho chắc, “Thiệt hả má?” Dì Tư ờ một cái, “Thì lâu lâu má dắt mày ăn sang một bữa, chứ để mày ốm tong teo như xì ke vầy, sau này ai lấy mày?” Nghe tới ba cái chuyện này, thằng Ghe tít mắt cười ngặt nghẽo, để lộ cái răng sữa vừa bị gãy do hôm qua ngồi gặm càng ghẹ bà Ba cho.

Trong cái quầy bún mắm ruồi bu nhặng xị, dì Tư nhìn thằng Ghe ăn ngon lành. Lâu lắm rồi, cũng không biết là khi nào, thằng Ghe mới được ăn lại tô bún sang như vậy. Thiệt ra nó cũng không biết sang với không sang là như thế nào, nó chỉ biết là hôm nay nó đã được ăn một thứ rất là ngon, khác với mấy bữa cơm chỉ có le que vài ba cọng rau với mấy con cá kho mà má nó mua ở cuối chợ chiều.

Lúc chờ thằng Ghe ăn xong tô bún, dì Tư nhìn thấy một nhóm học trò đi ngang qua chợ. Tụi nhỏ ghé vào một hàng văn phòng phẩm, tìm tìm mua mua cái gì đó. Nhìn đứa nào cũng cao ráo sáng sủa, mà lại còn rất là trí thức. Dì Tư trộm nghĩ, rồi lại chợt ngó sang thằng Ghe. Nếu mà thằng Ghe được đi học đàng hoàng tử tế như con người ta, thì sao?

Tối đó trời nóng, ăn cơm xong, dì Tư rinh cái ghế bố ở trong nhà ra ngoài bãi biển, cốt để nằm ngả lưng một chút rồi đi vào đan cho xong tấm lưới. Ngoài mấy lúc đi làm công nhật, dì Tư cũng hay ở nhà ngồi đan lưới để giao cho mấy chủ ghe. Hễ cứ ở đâu có việc gì làm là dì Tư nhảy vào nhận việc ngay. Dì Tư làm quần quật từ sáng tới tối, ngày này qua ngày nọ, hết việc này tới việc khác mà cũng không sao khấm khá lên được. Mà cũng không phải riêng một mình dì Tư. Ở cái xóm này, và còn nhiều xóm nữa, mấy kiếp người rong ruổi cũng giống như bọt bèo ở đại dương. Tội nghiệp!

Trên bờ cát dài gió thổi mát lành, dì Tư vắt tay lên trán, miên man nhìn mấy ngọn đèn tàu xa tít ở ngoài khơi. Thằng Ghe ngồi bên cạnh dì, nó lượm mấy cái vỏ ốc ở trên bờ rồi quăng mạnh ra biển. Vỏ ốc bay đi xa, đập xuống nước kêu một cái “tũm” rồi cũng lặn chìm. Nó chìm hay trôi đi đâu thì cũng không ai biết. 

Nước biển văng lên làm dì Tư giật mình. Một cái vỏ ốc dạt lại vào bờ. Dì Tư quay sang nhìn thằng Ghe. Chần chừ một hồi, dì Tư hỏi:

“Ghe. Hay là má cho mày đi học nha!”

Thằng Ghe bất ngờ. Nó ngước lên nhìn dì Tư, đôi mắt tỏ vẻ khó hiểu:

“Ủa sao tự nhiên lại đi học hả má?”

“Thì cũng phải đi học cho biết với người ta chứ. Chứ ở nhà riết, cái mày ngu người.”

“Thôi thôi. Con không đi học đâu má. Đi học chán lắm. Con Lưới nhà ông Năm đó, ngày nào đi học cũng bị cô giáo bắt học bài. Mệt lắm.”

Thằng Ghe lại lượm được một cái vỏ ốc ở đâu đó. Nó tiếp tục quăng cái vỏ ốc đi. Lần này vỏ ốc rơi ngay trước mặt nó, đụng vào một tảng đá, rồi nứt ra.

Dì Tư ngồi dậy, nghiêm túc nhìn thằng Ghe.

“Hông đi học rồi sao mày khôn lớn được như người ta, hả con? Đi học đi, nha, má cho tiền. Má có tiền lo cho mày đi học mà, khỏi lo.”

Sóng lại đập vào bờ, mang theo mấy thứ rác rến ở đâu đó từ ngoài biển trôi vào. Cũng chẳng ai biết đây là con sóng thứ bao nhiêu, mà cũng chẳng ai quan tâm về điều đó. Từng đợt sóng cứ thế đến rồi đi, dữ dội cỡ nào rồi cũng đành tan biến.

“Con không đi học đâu. Đi học vừa tốn tiền của má, vừa hông có ai ở nhà phụ má làm lưới…”

Thằng Ghe nói, giọng nó buồn hiu. Cũng không biết là do nó không muốn đi học nên mới nói vậy, hay là do nó thiệt sự nghĩ như vậy. Nhưng mà nghe những lời nó nói, dì Tư thắt lòng.

“Rồi sau này mày làm cái gì, Ghe. Mày muốn cả đời khổ như má hả?”

“Má đừng có lo. Sau này con sẽ đi biển. Con theo ghe mấy anh xóm trên, tối tối ra khơi quăng lưới, tới sáng là có cá đem về cho má bán à. Lúc đó má con mình có tiền, tha hồ mà ăn bún mắm nêm nhiều chả với thịt.”

Thằng Ghe vô tư ngồi vẽ ra những viễn cảnh tươi đẹp về một tương lai mà nó mơ ước. Nó, hoặc là những đứa trẻ vùng biển khác, rồi cũng chỉ có cùng một suy nghĩ này thôi chăng? Rồi sẽ lớn lên và theo chân cha anh ra biển, sẽ đem những cá tôm trở về, sẽ sống một cuộc đời đánh bắt quẩn quanh cùng biển cả xa xôi? Mà cũng đúng thôi, vì không được đi học đàng hoàng, vì không được tiếp xúc nhiều với những điều mới lạ, nên tụi nhỏ cũng có biết gì về bác sĩ, kĩ sư, cũng có biết gì về công an, thầy giáo. Những ước mơ cứ thế bị mắc kẹt trong cái vỏ chai đậy kín nắp, bị ai đó ném xa ra biển rồi lại dạt vào bờ. Cứ thế, cũng chỉ là ở mảnh đất quanh năm mặn chát này.

Trong tâm khảm lúc này, dì Tư đau lòng lắm, khi nghe thấy những lời non dại của thằng con trai mình.Có ai muốn cả đời quẩn quanh đi biển hoài hả con? Vì cái nghèo, cái khổ nên người ta mới chọn như thế. Mà đi biển có sung sướng gì đâu, bởi lúc nào người ta cũng ở trong tâm thế đối mặt với thiên nhiên, với những rủi ro chẳng một ai biết trước. Biển có lúc thì dịu hiền, êm ả, cũng có khi giận dữ với con người. Thì phải chịu vậy thôi, thì phải chọn vậy thôi, bởi cái số, cái nghiệp đã ám vào những mảnh đời này, biết khi nào mới có thể thoát ra được. Sinh ra ở vùng biển cũng là một lí do…

Dì Tư thở dài, nén một giọt nước mắt vào trong. Lại tựa lưng vào chiếc ghế bố, dì Tư nhìn ra biển. Có vài ngọn đèn tàu vừa tắt ngóm ngoài xa.

*

Nấu xong nồi cháo với mấy chén chè, dì Tư sửa soạn thêm ít nhang đèn, bình bông, trái cây… để bày lên bàn thờ dượng Tư. Trước cái bàn thờ cũ mèm rơi đầy tàn nhang, dì Tư nhìn di ảnh của chồng mình, rồi khấn. Dì Tư khấn cho thằng Ghe mạnh khỏe, khấn cho dì luôn ổn định công ăn chuyện làm, khấn cho biển êm sóng lặng, cho mọi người trong xóm đỡ nghèo, và cũng khấn cho cả dượng Tư luôn được an lạc.

Hôm nay là ngày giỗ của dượng Tư, lần thứ tư, cũng là ngày giỗ của ông Sáu, chú Hậu, thằng Bảy, thằng Ba – mấy người trong xóm từng đi biển cùng với dượng Tư năm nào. Mặc dù cũng đã bốn năm trôi qua, nhưng đôi lúc khi nhớ về chuyện này, dì Tư, và cả những người cũng là mẹ, là vợ… không sao tránh khỏi chạnh lòng. Họ đã ra đi, mãi mãi, ngủ vùi trong cơn bão của đại dương, nhưng cái đau lòng, mất mát của những người ở lại thì vẫn luôn còn hoài. Cuối cùng khi vừa xong đám tang, những người có người thân qua đời cũng chỉ biết đứng trước biển mà khóc. Họ chỉ khóc vậy thôi chứ họ cũng không biết trách ai được.

Nhang đèn cho dượng Tư xong, dì Tư cũng sang nhà của ông Sáu, chú Hậu… để thắp cho họ mấy cây nhang. Ở cái xóm này, nghèo cái gì chứ tình nghĩa thì không, mà tình nghĩa của những người có chung hoàn cảnh lại càng quý giá hơn nữa. Ở nhà chú Hậu, dì Tư ngồi nói chuyện với bà Ba.

“Chiều nay con với dì ra biển, đem theo mấy cây nhang để thắp cho mấy ổng.”

“Ừ, tao cũng định bụng nói với mày. Hông biết mấy ổng còn ở ngoài đó hông hay là đi đâu rồi…”

“Thôi, cũng cầu cho mấy ổng đi kiếp khác. Chứ kiếp này khổ quá, ở lại đây làm chi!” Dì Tư cười, nụ cười đắng nghét, “Còn mình nữa, cái nghèo nó cứ ám cả xóm này miết luôn.”

Nghe dì Tư nói, bà Ba thở dài:

“Phải như có tiền rồi tự mua ghe, mua tàu, thuê người ra ngoài biển, may ra còn kiếm được nhiều tiền. Chứ cả đời cứ quẩn quanh đi cạy sò, cạy ốc, làm thuê lại cho người ta, không biết khi nào mới khá được. Chưa kể còn chuyện con cái. Như mày thì còn phải lo cho thằng Ghe, cũng đâu để cho nó lông bông được.”

Nhắc tới thằng Ghe, dì Tư bỗng thoáng buồn. Hôm đó về nhà, dì Tư cứ suy nghĩ mãi, cũng phải vỡ ra một cái gì đó trong đầu.

Tối đó, dì Tư ra làng chài, tới nhà ông Năm Hói. Lần này làm liều, dì Tư quyết định hỏi xin ông Năm Hói cho mình theo ghe ra biển. Dì Tư nghĩ, chỉ có cách này mới mong kiếm được nhiều tiền hơn để lo cho thằng Ghe. Nói chuyện mấy lần, ông Năm Hói nhất quyết không cho, vì dì Tư là đàn bà, vừa nhỏ con lại vừa yếu sức, làm sao mà kéo lưới lại bằng mấy thằng thanh niên. Nhưng với cái độ lì ra mặt cùng mấy câu chuyện hoàn cảnh đáng thương của dì Tư, cuối cùng ông Năm Hói cũng đành chấp nhận, với điều kiện là ông Năm Hói chỉ coi dì như đi làm công nhật, và chỉ trả cho dì bảy phần lương. Tính ra thì số tiền đó cũng lớn hơn nhiều gấp mấy lần so với tiền mỗi ngày mà dì Tư đi cạy sò, đan lưới. Không nghĩ ngợi gì nhiều, dì Tư liền đồng ý.

Sáng đó, dì Tư dậy sớm đi chợ, mua được một miếng thịt tươi, đem về luộc cho thằng Ghe chấm mắm nêm ăn cơm. Lúc quét dọn lại nhà cửa, thấy cái áo của thằng Ghe bị rách, dì Tư liền chạy ra lại ngoài chợ,  mua một cái áo mới cho nó. Mấy người ở chợ ngạc nhiên hỏi, “Nay tiền ở đâu nhiều mà mua tùm lum thứ vậy. Mọi khi thấy mày keo thí mồ!” Dì Tư chỉ cười không nói gì. Về nhà, nhìn thằng Ghe gắp miếng thịt luộc ăn một cách ngon lành, dì Tư nghĩ, sau này đi biển kiếm được chút tiền rồi thì nên cho thằng Ghe ăn mặc thoải mái chút, chứ đừng để nó phải khổ như mình.

Trời tối, trước lúc đi ra tàu ông Năm Hói, dì Tư ngồi căn dặn thằng Ghe đủ thứ. Đây là lần đầu tiên để thằng Ghe ở nhà một mình, dì Tư cũng không an tâm.

“Lát nữa má đi, mày ở nhà một mình chốt cửa đi ngủ sớm nha. Đêm hôm mà có đau đầu, đau bụng gì thì có chai dầu gió má để sẵn ở trên tủ đó. Còn có chuyện gì khác nữa thì nhớ chạy qua nhà bà Ba nha.”

“Má làm như con là con nít hông bằng. Đêm nào con cũng ngủ tới sáng, có gì đâu. Mà má đi đâu vậy cà?”

“Má đi kiếm tiền. Cỡ sáng mai má về á. Mai mày muốn ăn món gì, má có tiền má mua cho mày ăn.”

Nghe tới đồ ăn, thằng Ghe sáng mắt. Nó nghĩ về mấy món mà đám thằng Đực vẫn thường hay được ba mẹ cho tiền đi ra chợ ăn. Nhưng rồi khi sực nhớ mấy món đó cũng mắc tiền, nó mới nói:

“Gì chứ con cũng thèm cháo lòng. Thôi mai hai má con mình đi ăn cháo lòng. Ăn ở hàng bà Bảy, có mười ngàn một tô à, mà còn hay được cho thêm miếng dồi ngon ơi là ngon nữa.”

“Rồi, vậy mai má dắt mày đi ăn cháo lòng. Má xin cho mày hai miếng dồi luôn.”

Thằng Ghe lại tít mắt, nhe răng cười. Cái răng sữa của nó không biết khi nào mới mọc lại. Rồi dì Tư đi, ngang qua những rặng dừa chạy dài dọc bờ biển. Ở ngoài kia, biển đang chờ. Nghĩ về thằng Ghe, khát vọng kiếm tiền trong dì Tư lại dâng lên mãnh liệt.

*

Bão tới. Không ai biết trước được điều gì. Bão vẫn luôn ẩn mình trong những yên bình mà người ta không hề ngờ đến. Đêm hôm ấy, bão đồng lõa với đại dương, đánh tan nát chiếc tàu cá của ông Năm Hói. Mấy người trên tàu, kể cả dì Tư, chẳng ai còn sống sót. Vẫn là câu hỏi muôn thuở trong lòng của những người dân xứ biển từ xưa đến giờ, không biết những người đi biển hiện giờ đang ở đâu, vì biển đã giấu họ đi vào một góc sâu thẳm nào đó, chẳng trả lại thứ gì ngoài những niềm mất mát, đau thương…

Thằng Ghe đứng đực mặt ra khi nghe người ta nói là má nó đã chết. Vậy là má nó đã chết, như cái cách mà ba nó đã từng. Cái chết là gì, nó không hiểu. Nó vẫn còn quá nhỏ để thấu đáo nỗi đau mà cái chết đem lại. Nhưng nó lặng người đi. Nó bỗng thấy trơ trọi vô cùng. Nó không còn má nữa. Má nó đi rồi, má nó ngủ vùi dưới biển khơi.

Nó không khóc, nó chỉ bất thần nhìn ra biển, rồi lặng lẽ đi về. Lúc ngang qua khu chợ gần nhà, nó nhìn vào hàng cháo lòng trước chợ. Nó nói, “Má ơi, con hết thèm cháo lòng rồi.” Nó cũng hết thèm miếng dồi ngon mà bà Bảy vẫn thường hay cho thêm rồi. Nó chỉ thèm má. Là má nó. Nó nghĩ như vậy, rồi chạy ù về nhà…

Xong đám tang của dì Tư, mấy người bà con hàng xóm không còn ai thấy thằng Ghe đâu nữa. Nhiều người chạy khắp nơi đi tìm nó nhưng cũng không có kết quả gì. Rồi nhiều năm về sau, căn nhà lụp xụp của dì Tư cũng chẳng còn ai ở, ngoại trừ bà Ba và mấy người hàng xóm vẫn thi thoảng lui tới để nhang đèn. Cứ như thế, năm tháng qua đi, cuộc sống của những người dân biển ở đây vẫn vậy, mỗi ngày đều vật lộn với cơm áo gạo tiền, với mưu sinh vất vả. Chẳng ai biết thằng Ghe đang ở đâu, phải chăng nó đã lặng lẽ ra đi vào một chiều mưa bão năm ấy, hoặc nó đang theo một con tàu nào đó ra khơi, lại tiếp tục cái vòng tròn luẩn quẩn nơi biển cả bao la như ba má nó. Không ai biết, không ai biết điều gì. Nó cũng chỉ là một phận bọt bèo trôi, giữa khơi xa.

Hôm đó, biển và trời đều một màu đen thẫm. Những kiếp người lầm lũi lại tiếp tục cá cược mạng sống của mình với biển cả, để chọn về những hỉ, nộ, ái, ố đời thường. Rồi cũng vậy thôi, một ngọn đèn dầu leo lắt ngoài biển khơi.

Sóng vỗ…

Hết.

Lâm Lâm


Xem tất cả những bài viết của Lâm Lâm tại đây.


Ảnh: Tranh sinh hoạt ở làng chài | Vân Quyên Gallery

Sáng tác

Thơ: Lau nước mắt và lại đi… (Lavender So Blue)

Published

on

Em có biết không?
Tự do từ đâu mà có
Câu chuyện từ đâu mà được kể
Những bài báo vui buồn từ đâu mà viết ra
Em có biết không?
Niềm tin từ đâu mà có
Mảnh đất này còn bao sự diệu kỳ
Đâu phải chỉ có những xót xa
Lấy trời làm nhà
Đất làm chăn ấm
Gió gội mái đầu xanh và biển bạc tắm ướt đẫm da vàng
Chốn thị phi
Người cô độc than khóc
Kẻ lỡ làng đi tìm tri kỷ
Còn ta chỉ là người hay khóc
Lau nước mắt và lại đi…

Lavender So Blue

Đọc bài viết

Sáng tác

Truyện ngắn: Những chiếc lá zombie (Điển Tuyết)

Published

on

Tôi quyết định đổi nơi làm việc, dù Wyandotte là một nơi chốn vô cùng bình yên suốt 5 năm qua. Tôi không định nói lời chia tay đồng nghiệp. Bọn họ quá bận rộn để đọc và hồi đáp một email chia tay giữa mùa Covid. Ai cần tôi thì họ sẽ vẫn liên lạc thôi.

Trong căn hộ này, mỗi một inch đều chất chứa nhiều kỉ niệm, kỉ niệm của tôi những năm tháng hậu chia tay Stovall. Lúc này là vào cuối đông, nhưng cây phong ngoài cửa sổ vẫn còn nguyên những chiếc lá khô cong như hồi cuối thu. Gió vùng này thổi rất mạnh, nhưng lạ lùng làm sao, những chiếc lá phong khô héo, chết lâu ngày kia vẫn không chịu lìa cành. Cứ như thể chúng vẫn đang sống, sống đời zombie của giống loài thực vật. Màu nâu, màu nâu cong, là màu mới của sự sinh tồn chăng?

Căn hộ của tôi chất đầy thùng các tông để mở. Thật khó quyết định những gì cần mang theo đến nơi ở mới. Mất cả tuần liền, tôi chỉ ngồi phân loại mọi thứ ra thành hai loại: cần và rất cần. Thật, có thứ gì trong căn hộ này mà tôi không cần đâu?

Soạn mãi soạn mãi, rồi không rõ thế nào mà tôi vớ phải tập ảnh Stovall chụp khi chúng tôi còn chung sống. Mới chừng hai chục năm trước đây thôi. Có một tấm tôi mỉm cười với khuôn miệng rộng, gương mặt rạng rỡ, phía sau là vườn mai vàng lộng lẫy. Lúc đó, chúng tôi vừa cưới xong, đang bắt tay vào trang trí căn nhà đầu tiên của cả hai. Stovall chụp lại mọi thứ trong nhà, kể cả những vật dụng bình thường nhất, chẳng hạn như chiếc bàn chải đánh răng bằng gỗ tre của tôi. Cảm giác hạnh phúc chầm chậm dâng lên trong tôi, Stovall luôn luôn đáng tin cậy, luôn luôn hết lòng yêu thương tôi. Làm sao tôi có thể bỏ đi kỉ niệm đầu tiên êm ấm này? Đã bao lần, tôi đã định bỏ tập ảnh nhưng...

Năm năm trước, chúng tôi ly hôn. Stovall hỏi tôi liệu có cách nào khác không vì chuyện đâu có đến nỗi nào, tình yêu của chúng tôi chỉ nhạt đi như bất kỳ đôi lứa nào, rồi sẽ ấm áp lại nhanh thôi mà.

Tôi nhìn sâu vào mắt anh, trả lời: “Em biết điều anh muốn là gì.” Và tôi dọn ra khỏi nhà, mặc cho Stovall ôm đầu đau khổ. Anh vẫn gọi cho tôi thường xuyên trong năm đầu tiên, cố thuyết phục tôi quay trở lại, ngay cả khi biết tôi đã có mối quan hệ mới. Anh thôi làm chuyện vô vọng khi tôi qua lại đến người đàn ông thứ ba. Dù vậy, mỗi khi cần nhau tư vấn về thiết kế mĩ thuật, chúng tôi vẫn ôm điện thoại sôi nổi như không hề có bất kỳ xáo trộn gì trong đời sống tình cảm. Chúng tôi rất hòa hợp với nhau trong nghề nghiệp. À, kỳ thực là trong hầu như tất cả mọi mặt, ngoại trừ việc tôi không thể...

Stovall vừa lấy vợ hồi năm ngoái. Họ kết hôn khi bé Hermes vừa chập chững bước đi. Tôi đã bật khóc như mưa khi biết tin anh yêu Ariana, một người bạn thân thiết của cả hai. Tôi thấy tim mình đau đớn đến không khóc được khi Hermes ra đời, và phải nói là tận cùng của sụp đổ khi nhận được thiệp cưới của hai người họ.

Rất nhanh, tôi chúc mừng Stovall. Anh và Ariana không thể tìm thấy người bạn nào tốt hơn tôi nữa, tôi chứng minh cho cả thế giới thấy mình là một người cũ văn minh. Tôi thậm chí còn tay trong tay với Greg, người tình thứ 6, thứ 7 gì đó, đến dự đám cưới của Stovall và vẽ các họa tiết trên váy cưới giúp Ariana.

Tập ảnh này là thứ duy nhất còn sót lại về cuộc hôn nhân đầu tiên và duy nhất của tôi. Chỉ cần bỏ nó vào trong đống lửa dưới sân chung cư thì tôi có thể thực sự kết thúc cơn đau kéo dài suốt 20 năm của mình rồi.

Nhưng không, không, Stovall và tôi của ngày xưa không có tội tình gì để bị đốt cháy thành than tro như vậy cả. Ký ức đó vẫn có đời sống riêng của nó, như những chiếc lá phong khô đét trên cành kia, tuy khô tàn héo rũ nhưng thượng đế vẫn xót thương gìn giữ chúng bình yên xuyên suốt mùa đông dập dìu mưa tuyết và gió bão. Vào mùa thu, bằng một phép màu nào đó, những chiếc lá sẽ lại xanh tươi, sẽ lại đỏ rực trên cành. Chỉ là không biết những chiếc lá nâu khô cong kia sẽ biến đi đâu và biến đi vào lúc nào mà thôi.

Khi dọn đến nơi ở mới, Boize, tôi tìm mãi không thấy tập ảnh cũ của Stovall, dù đã lục tung tất cả các thùng các-tông và cẩn thận bài trí lại mọi thứ y nguyên như trong căn hộ cũ ở Wyandotte.

Bằng một phép màu nào đó, tập ảnh đã không cánh mà bay. Tôi chắc chắn mình không vì say khướt mà ném nó vào đống lửa ngoài sân. Chỉ nhớ mang máng vào buổi chiều cuối cùng tôi đã ngồi tựa đầu vào cây phong lộng gió rất lâu. Với tập ảnh trong tay.

Điển Tuyết

Đọc bài viết

Sáng tác

Truyện ngắn: Hồi ức (Điển Tuyết)

Published

on

Đôi mắt của Hắc Ám không rõ đang buồn hay đang vui. Bầu trời từ từ sầm tối. Âm nhạc của những buổi chiều muộn nhân lên nỗi niềm trong cô. Những thước phim buồn trong đời chiếu lại trong tâm trí. Cuộc đời nhiều phút bất ngờ quá, và lòng người, như ngàn năm vẫn vậy, là thứ ẩn tiềm nhiều bất trắc.

Một cuộc gọi. Phía đầu dây bên kia là một khách hàng cần sự giúp đỡ.

“Cảm ơn cô! Không có cô tôi không biết làm sao!” Người khách hàng trẻ tuổi nói sau khi xong việc.

Hắc Ám vui nhẹ, tạm quên những đau đớn hằn sâu trong lòng. Tình người của những năm tháng này xa xôi như vậy đó, xa như một ngọn nến leo lét cháy trong đêm mịt mù, chỉ nhoi nhói lên chút hy vọng.

Một cuộc gọi khác. Phía đầu dây bên kia là một người quen cần nói một điều gì đó. Những lời nói như cứa vào lòng Hắc Ám, khiến cô toàn thân run rẩy. Cô bấm nút tắt, chặn và không quên xóa luôn số của người ta.

Danh bạ của cô bây giờ chỉ còn những cuộc gọi của khách hàng và những số điện thoại tiếp thị. Cô đã đến tình trạng bất kỳ lời nói chớm trách hờn, chớm mỉa mai, chớm châm chọc nào cũng làm cho bản thân thấy phẫn uất.

“Sao ngươi ghét người quá vậy?” Ai đó hiện ra trong giấc mơ.

“Ừ! Kệ đi!” Hắc Ám buồn rầu.

Nếu sự im lặng có tác dụng làm cho ai đó đỡ phải ngại ngùng mở lời hoặc đỡ phải ngượng ngùng nhận sai, nó có tác dụng hủy diệt đi tình thương và niềm tin của Hắc Ám – người phải chịu đựng sự im lặng phi lý và đôi khi, cả những lời lẽ không thể tàn nhẫn hơn mà con người đã dành cho nhau.

Điều khủng khiếp nhất chưa dừng lại đó. Hắc Ám của những năm tháng về sau này cũng lấy phương thức tệ hại đó để áp dụng với người khác. Còn tàn nhẫn hơn.

Điển Tuyết

Đọc bài viết

Cafe sáng