Phía sau trang sách

Ngày xưa có một chuyện tình: Hồi ức đẹp của mối tình thơ ngây dại

“Ngày xưa có một chuyện tình” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chính là một miền kí ức xinh đẹp và trong sáng về một thời ngây ngô chạm ngõ vào tình yêu của tôi, hoặc cũng chính là của rất nhiều độc giả khác, khi bồi hồi lần giở từng trang sách và nghe như năm tháng gọi về.

Published

on

Chi tiết tác phẩm

Thời gian có lẽ chính là thứ tàn nhẫn và khắc nghiệt nhất trên đời, khi nó vô tình đẩy xô những phận đời trôi nổi giữa vòng quay của số phận, đưa bao kiếp người rong ruổi hết nơi này đến nơi khác, để rồi khi ngậm ngùi nhìn lại, chợt biết rằng đã qua đi rất nhiều tháng năm dài. Trong suốt chặng hành trình của một kiếp sống đó, ta còn nhớ và đã quên những gì? Bao lỗi lầm xưa, bao niềm vui cũ, bao hờn giận và đau thương khổ cùng? Tất cả rồi cũng như một áng mây trôi bãng lãng ngang bầu trời cao vợi, để đôi khi trái tim có vô tình va chạm vào một góc cạnh nào đó của kí ức, ta lại cười và bồi hồi nhớ lại tháng năm xưa, và ta hiểu rằng, à, ngày xưa ta đã có một chuyện tình…

Ngày xưa có một chuyện tình của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chính là một miền kí ức xinh đẹp và trong sáng về một thời ngây ngô chạm ngõ vào tình yêu của tôi, hoặc cũng chính là của rất nhiều độc giả khác, khi bồi hồi lần giở từng trang sách và nghe như năm tháng gọi về. Không cầu kì, phô trương, không mĩ miều, hoa lệ, cuốn sách này đơn giản chỉ là một sự nhắc nhở đầy xúc cảm về một chuyện tình ngây dại mà tác giả muốn gửi gắm đến với mỗi người đọc.

Câu chuyện bắt đầu từ những ngày khi mà bộ ba nhân vật chính – Phúc, Vinh, Miền – vẫn còn là các cô cậu học trò mới lớn ngây ngô cắp sách đến trường. Ở cái tuổi mộng mơ và hiếu kì ấy, họ đã có những rung động đầu đời thật đẹp, thật sáng trong. Vinh thích Miền – một thứ tình cảm đơn sơ và đầy chất phác, chẳng có bất kì một thứ vật chất nào có thể mua được. Vinh yêu thương Miền với tư cách như là một người bạn. Vinh bảo bọc, chở che cho Miền. Vinh dám đứng ra bênh vực Miền trong khi đám bạn cùng lớp lúc nào cũng xa lánh và bắt nạt. Vinh sẵn sàng chấp nhận những trận đòn roi vô cớ từ người anh của Miền, chỉ vì mong được gặp Miền hoặc gửi tặng cho Miền một thứ gì đó. Không mưu cầu vụ lợi vì bất kì một mục đích nào (như cái cách mà nhiều người lớn yêu thương nhau vẫn thường hay làm), Vinh dành hết mọi tình cảm cho Miền, chỉ mong một ngày cô bạn có thể thấu hiểu. Vì trái tim là thứ ngốc nghếch nhất trên đời, và nó có lí lẽ riêng của nó mà chỉ những kẻ đang yêu mới biết được.

“Sau này, tôi nghe ai đó phân loại tình yêu: yêu bằng lý trí và yêu bằng con tim. Với tôi, tình yêu chẳng liên quan gì đến lý trí. Lý trí không biết yêu… Cũng như con người, con tim luôn có những giới hạn. Nó cũng đầy rẫy những lỗi lầm.

Nhưng cho dù như vậy, lỗi lầm của con tim là loại lỗi lầm đáng tha thứ nhất trong các loại lỗi lầm mà loài người mắc phải.”

Nhưng đâu phải cứ một lòng một dạ với người mình yêu thì nhất định sẽ được đền đáp? Vì trên đời vẫn luôn có những câu chuyện lạ kì – mà lạ nhất vẫn là chuyện tình yêu. Tình yêu trói buộc con người ta vào nhớ thương khôn xiết, để rồi làm con người ta phải đau khổ khốn cùng. Vậy mà người ta vẫn cứ yêu. Yêu thắm thiết. Yêu dại khờ. Yêu như thể sẵn sàng chấp nhận mọi thua thiệt về mình, chỉ mong được đổi lại một nụ cười của ai đó mà thôi. Như cái cách mà Vinh yêu Miền. Như cái cách mà Miền yêu Phúc. Như cái cách mà Phúc nhận ra rằng mình cũng có tình cảm với Miền. Tất cả mọi thứ đến và đi, xảy ra như một điều tự nhiên của duyên phận. Và tình yêu vẫn cứ quẩn quanh trong mối quan hệ đầy khổ ải của ba con người này. Như một chiếc “bùng binh” không điểm dừng.

Như khi Vinh đau lòng hỏi người cậu của mình rằng, có phải chăng tình yêu luôn gắn liền với đau khổ?

“Tình yêu trói buộc con người ta vào nhớ thương khôn xiết, để rồi làm con người ta phải đau khổ khốn cùng.”

Và người cậu trả lời, đau khổ của người này đôi khi là hạnh phúc của người kia, và ngược lại. Số phận thích ném đá những người đang yêu, nhưng khi tảng đá rơi trúng đầu người này thì hiển nhiên nó sẽ không rơi trúng đầu người khác.

Quan trọng là lúc đó mình đang đứng ở đâu…

Và Vinh hiểu rằng, Vinh đang đứng ở vị trí bất lợi, trong câu chuyện tình cảm với Miền và Phúc.

Nhưng có làm sao. Bởi tình yêu đâu phải là thứ cưỡng cầu hay ép uổng. Năm tháng qua đi, dẫu cuộc đời đã bao lần dâu bể, thì tình cảm của Vinh dành cho Miền vẫn vậy thôi, thậm chí lớn khôn và trưởng thành hơn nhiều. Đó không còn là thích, là yêu nữa. Mà là thương. Thương vô bờ. Nhưng đã thương ai thì khổ lắm. Khổ và buồn.

“Người chẳng thương ta, ta cứ thương

Hơi đâu so sánh cả đôi đường…”

Và năm tháng thì cứ trôi qua, cuộc đời vẫn tiếp tục làm tròn nhiệm vụ của nó, là đẩy xô con người đi vào những câu chuyện lạ thường. Những tưởng như bao nhiêu câu chuyện của tuổi học trò sẽ là một hồi ức đẹp đẽ nằm yên và ngủ sâu trong quá khứ, thế nhưng, nó vẫn tiếp tục lăn lốc và trải dài. Nó băng qua những kẽ hở của thời gian, len lỏi vào từng tế bào cuộc sống và ăn mòn trí nhớ của con người. Phúc, Vinh, Miền đã không còn là những đứa học trò năm nào nữa. Họ đã lớn lên và rong ruổi trên những chặng đường. Có bao nhiêu đổi khác và trầm thăng, nhưng họ vẫn hoài nằm trong những cuộc vui đùa của số phận. Rồi bồng bột, rồi khờ dại, rồi đau khổ, rồi thương tâm… cứ thế cứ thế cuốn xô vào những kiếp người. Họ lớn lên trong sự khó nhọc của cuộc đời. Họ phải trưởng thành và đối diện với bao nhiêu là trở ngại. Thăng trầm của Phúc, số phận của Miền, tình yêu của Vinh… đã đến lúc họ phải dũng cảm để nhìn nhận mọi thứ, để đặt tên cho những mối quan hệ lạ thường, để nhắc nhớ hoặc ru yên những nỗi đau đã cũ, và để biết rằng họ đã có một chuyện tình ngày xưa.

Mặc dù được xây dựng từ mô-típ chuyện tình ba người vô cùng quen thuộc, thế nhưng cuốn sách lại không hề nhàm chán và cũ kĩ so với nhiều tác phẩm trước đó. Vẫn giọng văn nhẹ nhàng và ấm áp, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã đưa độc giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, mở ra một thế giới bình dị và thân thương từ những con người, những số phận đuổi trôi qua những con chữ thân tình đầy cảm xúc. Đã có lúc tôi nghẹt thở với câu chuyện của những nhân vật trong cuốn sách. Tôi hoang mang và ngỡ ngàng khi tự hỏi tại sao mọi thứ lại như vậy, tại sao họ lại làm vậy, rồi tôi lo sợ với những điều họ nghĩ, những chuyện họ làm. Tôi không biết họ sẽ phải đối mặt với những biến cố như thế nào. Đã có lúc tôi đắm chìm trong những suy nghĩ miên man của nội tâm nhân vật. Tôi thương họ. Tôi đồng cảm với họ. Tôi thấu hiểu và muốn được ủi an, chia sẻ với họ. Đã có lúc tôi nghĩ mình là họ. Tôi thấy được hình ảnh của chính mình trong cuốn sách này. Tôi thấy tôi ngây thơ và khờ dại. Tôi cũng vô cùng lo lắng và bất an. Để rồi khi cuốn sách khép lại và ngủ yên trong tim tôi những xúc cảm dâng trào, tôi mới chợt mỉm cười, vì cuối cùng mình đã tìm thấy được câu trả lời, dẫu nụ cười ấy có thể không hề vui. Và tôi thấy mình như vừa được sống trong một thế giới rất khác. Thế giới của văn chương.

Điều mà tôi luôn yêu thích trong hầu hết tất cả những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, chính là các triết lí của cuộc đời được lồng ghép một cách vô cùng tinh tế trong từng chi tiết. Là tuổi trẻ, là tình yêu, là tình bạn, là gia đình, là thời gian, là số phận…. tất cả như được đúc kết từ chính cuộc đời của nhà văn, để rồi nó chạm khẽ và tan dần trong mạch máu của tôi. Tôi được học và tôi được hiểu. Tôi cảm nhận về cuộc sống của mình. Một cách vẹn tròn.

“Nhưng nếu con là một cậu bé ngoan, biết vâng lời ba mẹ và thầy cô, chăm học và bớt nghịch, thì con sẽ không thể trở thành nhà văn, vì khi con lớn lên chẳng có gì để viết ra cả. Nó chẳng có gì hấp dẫn.”

“Chẳng lẽ vì biết ngày mai mình sẽ chết mà hôm nay mình không muốn làm gì?”

“Điều con sợ nhất là mình lớn lên. Khác với trẻ con, người lớn không lớn thêm nữa mà họ sẽ già đi. Sau đó thì họ qua đời. Và mình sẽ lần lượt mất dần những người thân.”

Có ai nghĩ rằng những lời nói trên lại xuất phát từ một cậu bé tám tuổi, vốn ngây thơ và vẫn còn là trẻ con. Thật hay khi mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lại để cậu bé tám tuổi này nói lên những điều mà người lớn vẫn thường trăn trở, để mỗi người lớn như chúng ta lại có dịp tự nhìn lại mình, nhìn lại tuổi thơ và những ngô nghê suy nghĩ ngày ấy.

Vẫn luôn có những chất thơ tuôn ra từ mạch cảm xúc trong tiếng thở nội tâm của từng nhân vật. Với tôi, đây không chỉ là một cuốn truyện dài. Nó còn là một bài thơ vang vọng, là một khúc ca hoài niệm đầy nhớ thương và bâng khuâng, tiếc nuối. Để có lúc cô đơn đến nỗi bật khóc giữa màn đêm, khi những tinh cầu trên bầu trời cao rộng đã không còn đủ sáng để thắp lên ngọn lửa hồng xua tan nỗi đơn côi, tôi sẽ lại nhớ về những câu thơ mà Vinh đã từng khắc khoải hỏi chính mình.

“Khuyết một nửa tôi đợi chờ một nửa

Như rằm chờ một nửa của vầng trăng

Như câu hỏi đợi một người để hỏi

Bạn có là một nửa của tôi không?”

Bạn không biết, tôi cũng không biết. Chỉ có thời gian là sẽ biết. Vậy nên mình cứ đợi thời gian trôi, khi ngoảnh lại những năm tháng rộng dài trôi bãng lãng qua cánh cửa cuộc đời, mình sẽ tìm được câu trả lời ấy. Miễn là mình vẫn luôn còn muốn hỏi. Miễn là người vẫn ở đó để trả lời. Dẫu câu trả lời có thế nào đi chăng nữa, thì vẫn cam tâm an phận để chấp nhận. Như một điều tự nhiên nhất. Trong cuộc đời…

Rồi sẽ lại còn rất nhiều những xa xăm kỉ niệm ở trong cuốn sách này đợi ta đến đánh thức.

Rồi sẽ lại một lần nữa ta được vui buồn cùng ngày xưa.

Rồi sẽ lại những khôn nguôi thương nhớ trong lồng ngực sống lại mãnh liệt, khi ta nhớ về một người nào đó, một mối tình nào đó, dẫu là vẹn tròn hay dang dở, dẫu là ngổn ngang hay gọn ghẽ trong tim mình…

Rồi sẽ nhiều, nhiều lắm. Ta lại nhớ về một thời đã xa, về những ngày ta còn bé, ta mới tập tành bước vào cửa tình yêu, để bơ vơ dại khờ nhận ra rằng ta đang dần lớn, và ta có một chuyện tình, ở ngày xưa…

Bỗng nghe đâu đó vang lên một lời hát.

“Tình buồn đâu phải lúc nào cũng chỉ để quên đi

Tình buồn lưu giữ bao nhiêu mộng mơ lúc xuân thì…”

Hết.

Lâm Lâm

Xem tất cả những bài viết của Lâm Lâm tại đây.


Nếu bạn yêu tác giả Nguyễn Nhật Ánh…


Phía sau trang sách

Cánh cửa mở vào nội tâm của Maupassant

Published

on

By

Cùng với Chekhov, Guy de Maupassant từ lâu đã được suy tôn là “bậc thầy của thể loại truyện ngắn”. Điều này không chỉ bởi văn phong độc đáo, mà còn nằm ở sự đa dạng về thể loại. Trong đó Horla và những truyện ngắn khác ra mắt gần đây chính là minh chứng cho nhận định này.

Tuy chỉ viết trong vỏn vẹn có 4 thập kỷ, nhưng những di sản mà Maupassant để lại là tương đối lớn. Ông nổi tiếng nhất với các tiểu thuyết cũng như truyện ngắn mang tính hiện thực, hài hước, lãng mạn, như những tập truyện Sáng trăng, Nơi nhà người bạn

Nhà văn nổi tiếng Guy de Maupassant

Nhưng ít người biết ông cũng bén duyên với thể loại kinh dị, và nó cũng truyền cảm hứng cho nhiều tác giả sau này, trong đó có H.P.Lovecraft với Lời hiệu triệu của Cthulhu. Vừa mới ra mắt trong thời gian qua, Horla và những truyện ngắn khác tập hợp 5 tác phẩm có màu sắc kinh dị, siêu nhiên, được Maupassant viết trải dài từ năm 1875 – 1890.

Trí tưởng tượng phong phú

Trong tập truyện Horla và những truyện ngắn khác, bạn đọc có thể thấy rõ 2 giai đoạn mà Maupassant tiến hành tiếp cận thể loại kinh dị. Trong 3 truyện ngắn được viết sớm nhất là Bàn tay bị lột da (1875), Hắn? (1883) và Nỗi sợ (1884), ta đơn thuần thấy đây là một tác phẩm ẩn chứa yếu tố siêu nhiên mà vị tác giả cố gắng khai thác.

Chúng đơn giản xoay quanh những nỗi ám ảnh mà các cá nhân yếu bóng vía hay là nhạy cảm thường cảm nhận được. Chẳng hạn như trong truyện Hắn?, một người đàn ông vì bị ám ảnh bởi một bóng ma trong căn phòng của mình mà đã cưới lấy một người vợ mới, hay ở Nỗi sợ, chỉ vì trên tuyến tàu lửa khi nhìn thấy có 2 người đàn ông xuất hiện trong khu rừng vắng, mà nhân vật chính bỗng dưng cảm thấy trong mình trỗi dậy nỗi sợ chỉ vì không thể lý giải được động cơ của câu chuyện ấy…

Horla và những truyện ngắn khác là tác phẩm mới từ Maupassant

Đây đều là các nhân vật hoàn toàn tỉnh táo, họ nhận thức được những gì xảy ra và khó có thể nói họ có vấn đề riêng về tâm lý. Và vì tính hiện thực đó, Maupassant qua các tác phẩm cũng gửi gắm được bài học của mình. Chẳng hạn trong truyện Bàn tay bị lột da, thông qua nhân vật Pierre B. – một sinh viên trường luật, người xuất thân từ một trong những gia đình danh giá nhất xứ Normandie – ông đã cho thấy chỉ vì chính thói hư vinh cũng như trưởng giả mà y đã mạo phạm đến một phần thân thể của vị phù thủy, từ đó phải chịu cái chết có phần đau đớn.

Hay trong Nỗi sợ, Maupassant cũng khẳng định “cùng với những điều siêu nhiên, nỗi sợ hãi đích thực đã biến mất khỏi hành tinh này, bởi con người ta chỉ thực sự sợ những gì nằm ngoài tầm hiểu biết của mình”. Câu nói này như đại diện cho tất cả những gì ông muốn nhắm tới, về sự nhỏ bé và đầy mông muội của con người với những kỳ bí chưa được lý giải.

Như vậy những tác phẩm này đều được viết bởi một Maupassant khách quan, đứng ở bên ngoài, từ đó đưa ra những lời lý giải hoàn toàn hợp lý. Thế nhưng ở 2 truyện sau là Horla viết năm 1887 và Ai mà biết được? viết năm 1890, thì ta lại thấy có phần ngược lại, khi chính nhà văn dường như không thể thoát được cái bóng của bản thân mình.

Bi kịch của Maupassant

Hai truyện ngắn này có được điểm chung khi nhân vật chính đều là người đàn ông rơi vào loạn trí. Nhân vật chính này đã từng không dưới một lần thừa nhận chính mình như có đến 2 bản thể cùng nhau tồn tại. Một bên kêu gào giữ lại lý trí, trong khi phía còn lại đòi hỏi rất nhiều hành động mang tính tàn phá.

Sự chia đôi này gợi ta nhớ đến trường hợp của bác sĩ Jekyll và ông Hyde tương đối kinh điển trong tác phẩm nổi tiếng của Stevenson. Như vậy chủ đề của Maupassant đã chuyển từ những nỗi sợ tương đối hữu hình thành ra vô hình và khó lý giải, khi được bao bọc bởi những vấn đề có liên quan đến thần kinh cũng như tinh thần.

Tình tiết của những câu chuyện cũng khó nắm bắt. Ở Ai mà biết được?, đó là một người gần như điên loạn bởi sự xuất hiện và rồi biến mất của những vật dụng ngay trong nhà mình một cách liên tục. Còn ở Horla, đó là một sinh vật gần như trong suốt, thứ được nuôi sống bằng sữa và nước, luôn luôn theo dõi vật chủ mà nó bám theo, từ đó khiến họ “sống không bằng chết”.

Maupassant và những ám ảnh tâm trí của bản thân mình

Theo Charlotte Mandell – dịch giả của truyện ngắn này cho nhà xuất bản Melville House, thì “horla” là từ ghép của “hors” (“bên ngoài”), và “la” (“ở đó”). Vì vậy “horla” có nghĩa là “người ngoài cuộc”, “người bên ngoài”, và có thể được dịch theo nghĩa đen là “cái gì ở ngoài đó”. Thế nhưng cũng có những lý giải khác, khi nhiều người xem đây là một sự kết hợp của cụm “hors-la-loi” (tức “ngoài vòng pháp luật”) và “horsain” (có nghĩa là “thứ lạ lùng”).

Thế nhưng dù có là gì, thì Maupassant như đang cảm nhận những nỗi ám ảnh đến từ sâu hơn và khó lý giải hơn. Xét về bối cảnh của chính tác giả, thì những truyện này tương đối trùng khớp với thời kỳ mà ông có những dấu hiệu đầu tiên của chứng điên loạn, khi ông xuất hiện nhân cách kép và ngày càng gặp nhiều ảo giác do bệnh giang mai. Một năm sau đó, vào năm 1891, ông có dấu hiệu của chứng hoang tưởng.

Có thể là bởi xuất phát từ những trải nghiệm chính ông kinh qua, nên 2 truyện này trở nên chân thật và đầy ám ảnh đối với người đọc. Nếu được viết từ một người tỉnh táo, thì đây chính là tài năng của sự tưởng tượng. Nhưng với Maupassant thì đó là nỗi đau và sự sợ hãi mà bản thân ông mong muốn giải bày thông qua việc viết.

Như vậy đi từ mục đích sáng tạo ở buổi ban đầu, Maupassant dần dần chuyển sang hành động kể lại điều đã trải qua, và làm sáng tỏ chứng bệnh tâm lý mà thời kỳ đó còn bị che khuất bởi những định kiến mà những quan điểm mang tính thủ cựu. Có thể nói Horla và những truyện ngắn khác không chỉ mở ra cánh cửa khám phá một Maupassant rất khác, mà có thể nói cũng đã góp phần giúp ta hiểu được những gì đã từng xảy đến với một trong những nhà văn lớn của nhân loại.

Anh Đoàn

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Tư duy tích cực tạo thành công: Chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng

Published

on

Tác phẩm Tư duy tích cực tạo thành công của Napoleon Hill và William Clement Stone là một cẩm nang hữu ích cho bất kỳ ai muốn đạt được thành công trong cuộc sống. Cuốn sách không chỉ cung cấp những nguyên tắc và chiến lược hiệu quả để phát triển bản thân mà còn truyền cảm hứng giúp người đọc có một thái độ tích cực hơn trong cuộc sống.

Tư duy tích cực tạo thành công là một tác phẩm kinh điển về chủ đề phát triển bản thân, đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới kể từ khi xuất bản lần đầu tiên vào năm 1959, khẳng định vị trí là một trong những tác phẩm self-help bán chạy nhất mọi thời đại. Cuốn sách vén màn bí mật về sức mạnh của tư duy tích cực, giúp người đọc khai phá tiềm năng bản thân và đạt được những thành tựu phi thường trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Tìm kiếm hình mẫu thành công làm ngọn đuốc soi sáng

Để có thêm động lực và định hướng rõ ràng cho bản thân, tác giả gợi ý rằng người đọc có thể xây dựng cho riêng mình một hình mẫu thành công từ những câu chuyện về người thật, việc thật trong sách báo. Khi dành thời gian tìm hiểu về hành trình của họ, những khó khăn họ đã trải qua và cách họ vượt qua những thử thách đó, ta sẽ có thể biến kinh nghiệm của họ trở thành ngọn đuốc soi sáng cho con đường của chính mình.

Bên cạnh đó, người đọc còn có thể chọn một bức ảnh có ý nghĩa đặc biệt với mình để đặt câu hỏi khi nhìn bức ảnh đó rồi lắng nghe câu trả lời từ chính tâm thức bật ra. Bức ảnh ấy có thể là hình ảnh về mục tiêu ta muốn đạt được, về một giá trị sống mà ta trân trọng, hoặc đơn giản là một khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống. Chẳng hạn, nếu người đọc muốn mua nhà nhưng chưa có đủ tài chính thì có thể chọn bức ảnh về một mái ấm khang trang để ngắm nhìn và tự đặt câu hỏi rằng mình phải làm gì để đạt được số tiền sở hữu căn nhà đó. Không phải lúc nào câu trả lời cũng đến ngay lập tức, nhưng việc cụ thể hóa mục tiêu bằng một hình ảnh rõ ràng sẽ giúp người đọc tăng cường ý chí nỗ lực.

Ngoài ra, niềm tin chính là nguồn động lực mạnh mẽ giúp mỗi người vượt qua mọi khó khăn và chinh phục mục tiêu. Trong Tư duy tích cực tạo thành công, có một công thức thường được lặp lại nhiều lần để người đọc ghi nhớ là: “Khi con người người nghĩ đến và tin tưởng vào điều gì, họ sẽ có thể đạt được điều đó với thái độ tích cực.” Đây cũng là một biện pháp tự truyền cảm hứng.

Hai mặt của tình thế bức bách: Thành công hay tội ác?

Tư duy tích cực tạo thành công nhấn mạnh tầm quan trọng của tính lương thiện trong hành trình chinh phục thành công. Cuốn sách khẳng định rằng thành công đích thực không chỉ dựa trên kết quả mà còn phải dựa trên phương tiện đạt được kết quả đó. Một người có thể đạt được thành công bằng mưu mô, thủ đoạn, nhưng đó chỉ là thành công giả tạo, thiếu bền vững và không mang lại hạnh phúc thực sự.

Ngoài ra, tác giả cũng bàn về vai trò của tình thế bức bách: nó như một con dao hai lưỡi, có thể đưa con người đến đỉnh cao thành công hoặc vực sâu tội ác. Tình thế bức bách là phép thử cho bản lĩnh, đạo đức và thái độ của mỗi cá nhân. Khi đó, thành công hay thất bại đều tùy thuộc vào thái độ:

Thái độ tích cực: Khi đối mặt với nghịch cảnh, người có thái độ tích cực sẽ biến nó thành cơ hội để học hỏi, rèn luyện và phát triển bản thân. Họ kiên trì nỗ lực, tìm kiếm giải pháp sáng tạo và không bao giờ bỏ cuộc. Nhờ vậy, họ có thể vượt qua mọi khó khăn và gặt hái thành công.

Thái độ tiêu cực: Ngược lại, người có thái độ tiêu cực sẽ dễ dàng gục ngã trước nghịch cảnh. Họ chìm trong lo âu, sợ hãi, nghi ngờ bản thân và tìm kiếm lối thoát bằng những hành vi sai trái. Hậu quả là họ đánh mất bản thân, vướng vào vòng xoáy tội ác và tự hủy hoại cuộc đời.

Từ đó, cuốn sách đưa ra hai công thức đơn giản nhưng đầy ý nghĩa:

Tình thế bức bách + Thái độ tích cực = Thành công
Tình thế bức bách + Thái độ tiêu cực = Tội ác.

Cân bằng cảm xúc, rèn luyện tư duy và đặt mục tiêu hiệu quả

Cảm xúc và lý trí đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, mỗi người cần học cách cân bằng hai yếu tố này để đưa ra những quyết định sáng suốt. Đôi khi, ta cũng nên lắng nghe tiếng nói con tim và hành động theo những gì mình mong muốn. Chẳng hạn, khi phải lựa chọn giữa một công việc ổn định và theo đuổi đam mê, ta cần cân nhắc kỹ lưỡng cả hai yếu tố cảm xúc và lý trí: ta thường dùng lý trí để đánh giá khả năng thực tế của bản thân, nhưng cũng đừng quên lắng nghe tiếng nói con tim.

Bên cạnh đó, tác giả cho rằng mỗi ngày, chúng ta chỉ cần dành 1% thời gian để nghiên cứu, suy nghĩ, lập kế hoạch là đã có nhiều cơ may tạo ra sự khác biệt để vươn đến thành công. Theo ước tính, một ngày có 1440 phút, 1% sẽ tương ứng với 14 phút. Trong 14 phút đó, nếu ta chú tâm suy nghĩ kế hoạch cho những gì mình muốn làm, ta sẽ dần hình thành được thói quen có thể suy nghĩ sáng tạo mọi lúc, mọi nơi: khi rửa chén, lúc ngồi trên xe bus, hay thậm chí là khi đang tắm.

Ngoài ra, đặt mục tiêu là bước đầu tiên và quan trọng nhất trên kế hoạch chinh phục thành công. Mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn tập trung nỗ lực, đưa ra quyết định sáng suốt và duy trì động lực để đạt được ước mơ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách đặt mục tiêu hiệu quả. Dưới đây là bốn điều quan trọng cần ghi nhớ khi đặt mục tiêu:

1. Viết mục tiêu ra giấy: Khi viết mục tiêu ra giấy, bạn sẽ buộc bản thân phải suy nghĩ cẩn thận về những gì mình muốn đạt được. Việc này giúp bạn tập trung và ghi nhớ mục tiêu tốt hơn.

2. Đặt mốc thời gian: Mốc thời gian giúp bạn chia mục tiêu lớn thành những mục tiêu nhỏ hơn, dễ quản lý hơn. Việc này giúp bạn có động lực để hoàn thành từng bước và tiến đến mục tiêu cuối cùng.

3. Đặt tiêu chuẩn thật cao: Khi đặt tiêu chuẩn cao, bạn sẽ buộc bản thân phải nỗ lực hết mình và phát huy tiềm năng tối đa.

4. Đặt mục tiêu cao: Mục tiêu cao sẽ giúp bạn có tầm nhìn xa và thúc đẩy bạn không ngừng phát triển.

Nhìn chung, Tư duy tích cực tạo thành công đã mang đến cho người đọc những bài học quý giá về sức mạnh của tư duy tích cực trong việc gặt hái thành công và hạnh phúc. Hãy nhớ rằng, thành công không phải là đích đến mà là hành trình. Hành trình chinh phục thành công bắt đầu từ việc nuôi dưỡng tư duy tích cực. Ta cần tin tưởng vào bản thân và những điều kỳ diệu mà cuộc sống có thể mang lại. Từ đó, ước mơ sẽ thành hiện thực bằng chính những hành động mà ta lựa chọn ngay từ hôm nay.

Hoàng Đức Nhiên

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Tình yêu đích thực từ góc nhìn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Published

on

Trong vô vàn những định nghĩa về tình yêu, quan điểm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh về “tình yêu đích thực” được trình bày trong cuốn tiểu luận True Love đã mang đến một sự giản dị, mộc mạc nhưng lại ẩn chứa sức mạnh lay động tâm hồn sâu sắc.

Tình yêu là một trong những chủ đề muôn thuở của nhân loại, luôn ẩn chứa sức hút mãnh liệt và khơi gợi những cảm xúc dạt dào. Nhưng không phải ai cũng hiểu được bản chất của tình yêu. Trong True Love, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã kể lại câu chuyện Thiếu phụ Nam Xương, rồi từ đó rút ra một kết luận mà thoạt nghe sẽ có vẻ vô cùng đơn giản nhưng càng ngẫm nghĩ thì ta càng thấy sự đơn giản ấy chính là vẻ đẹp của minh triết.

Thông điệp ý nghĩa từ ba câu khẳng định trong tình yêu

Đối với thầy, câu chuyện Thiếu phụ Nam Xương có kết cuộc đau lòng là vì người chồng đã không chịu lắng nghe người vợ, anh cứ gạt phăng lời vợ nói, cơn nóng giận đã che mờ tình yêu và cả lí trí. Vợ anh cũng đã không cố gắng hơn để giải thích rõ ràng cho anh hiểu. Chính vì vậy, cả hai người đều không thực sự hiện diện khi ở trước mặt đối phương, họ ở đó nhưng không thực sự ở đó, mà ở trong khoảnh khắc khác, trong những chiều không gian khác. Bi kịch của họ đơn giản chỉ là như thế.

Từ đó, Thiền sư Thích Nhất Hạnh rút ra kết luận là tình yêu thực sự chỉ đơn giản nằm gói gọn trong ba câu sau đây: “Anh ở đây. Em ở đây. Và anh ở đây vì em.” (I’m here. You’re here. And I’m here for you.)

Câu khẳng định đầu tiên mang hàm ý rằng anh đang ở đây ngay giây phút này khi đối diện với em, bằng trăm phần trăm con người anh, không hề có sự tản mác, phân mảnh đi bất cứ nơi đâu. Một điều tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra trong cuộc sống bộn bề lo toan này, việc một người có thể tập trung hoàn toàn tinh lực của mình khi đối diện trước một người mà không bị vướng bận tâm trí bởi điều gì khác cũng thật khó khăn.

Câu khẳng định thứ hai là sự tiếp nối ý từ câu đầu tiên. Anh ở đây, và em cũng đang ở đây. Anh ghi nhận sự tồn tại của em, em ghi nhận sự tồn tại của anh. Vì em cũng đang ở đây cùng anh trong giây phút này nên em không cô đơn, em không tản mác, em không phân mảnh.

Câu khẳng định cuối cùng là một sự quả quyết mạnh mẽ: Anh ở đây, anh dành hết trăm phần trăm sự tồn tại của mình ở đây là vì chính em, không vì ai khác cả. Vậy nên, em có thể yên tâm mà thổ lộ tất cả mọi điều với anh, vì trong giây phút này, hai ta đều cùng hiện diện.

Thông qua đó, ba câu khẳng định này có thể diễn dịch lại thành thông điệp phổ quát như sau:

“I’m here”: Khẳng định sự hiện diện trọn vẹn của bản thân, tập trung toàn bộ sự chú ý và tinh thần vào người mình yêu thương. Trong cuộc sống bận rộn, việc dành trọn vẹn tâm trí cho đối phương là điều không dễ dàng, nhưng lại vô cùng quan trọng để xây dựng một mối quan hệ bền vững.

“You’re here”: Ghi nhận sự tồn tại của đối phương, trân trọng và thấu hiểu cảm xúc, suy nghĩ của họ. Khi cả hai cùng “ở đây”, họ sẽ cảm nhận được sự kết nối sâu sắc, chia sẻ và đồng hành trong từng khoảnh khắc.

“And I’m here for you”: Thể hiện sự cam kết, dành trọn vẹn tình yêu và sự quan tâm cho người mình yêu thương. Lời khẳng định này mang đến sự an toàn, tin tưởng và là động lực để cả hai cùng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Ba câu khẳng định tưởng chừng đơn giản nhưng lại là chìa khóa cho một tình yêu đích thực. Khi cả hai cùng thực hiện được điều này, họ sẽ tạo dựng được một mối quan hệ bền chặt, hạnh phúc và viên mãn.

Chìa khóa cho một mối quan hệ tốt đẹp

Để thực sự “ở đây”, mỗi người cần học cách chánh niệm, tập trung vào hiện tại, gạt bỏ những lo toan, phiền muộn và dành trọn vẹn sự chú ý cho đối phương. Khi ta thực sự “ở đây”, ta sẽ cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp của người mình yêu thương, thấu hiểu những cảm xúc và suy nghĩ của họ. Tình yêu đích thực không chỉ là những khoảnh khắc lãng mạn, mà còn là sự cam kết và hy sinh cho nhau. Khi yêu thương ai đó, ta sẵn sàng dành thời gian, tâm sức và cả những hy sinh để cùng nhau xây dựng hạnh phúc.

Giao tiếp là yếu tố quan trọng trong bất kỳ mối quan hệ nào. Lắng nghe cởi mở và thấu hiểu là cách để hai người kết nối tâm hồn, chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ và vun đắp tình cảm ngày càng sâu sắc.

Tình yêu đích thực không phải là điều viển vông hay khó kiếm tìm. Nó ẩn chứa trong chính những khoảnh khắc bình dị của cuộc sống, chỉ cần ta biết trân trọng và gìn giữ. Ba câu khẳng định của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về cách để vun đắp và nuôi dưỡng một tình yêu thương bền chặt, viên mãn.

Hoàng Đức Nhiên

Đọc bài viết

Cafe sáng