Phía sau trang sách

Kẻ ly hương: Mã vạch H4

“Nhà nước đã có từ trước khi ta sinh ra, ta hoàn toàn bất lực không thể tiêu hủy Nhà nước. Kẻ nào tự chọn đặt mình ra ngoài Nhà nước là kẻ phi pháp”.
– J.M. Coetzee, Diary of A Bad Year, 2007.

Published

on

Sự thành công của Viet Thanh Nguyen với Người tị nạn, The Sympathizer hay Nothing Ever Dies đã chứng tỏ một điều: vấn đề tị nạn vẫn đang và sẽ luôn là một trong những nhân tố khắc họa nên lịch sử một cách rõ ràng nhất. Ở đó, những nạn dân lặng lẽ gom góp bóng hình mình vào văn chương, hồn ma của họ khuấy động thượng – nghị viện, dấu chân của họ làm nặng nề thêm hậu Brexit. Những nạn dân nói riêng hay kẻ ly hương nói chung vẫn luôn còn đó, họ đứng đấy phơi thân như những bù nhìn canh giữ cánh đồng lịch sử, nhưng tiếc thay, sẽ mãi mãi còn xác không hồn như những vật chất bất di bất dịch ấy, hoặc là biến mất mãi mãi. Và với Kẻ ly hương, thêm một lần nữa ta được bắt gặp từng mặt người một được vẽ nên bởi lớp da thiên di – cánh chim bay hoài mải miết hướng đến địa ngục khôn cùng.

Họ là những ai?

Nếu Người tị nạn của Viet Thanh Nguyen là phát súng đầu tiên cho ta thấy rõ những người tị nạn thật sự là ai, họ trốn chạy điều gì và thứ gì đang chờ đón họ; thì với riêng Kẻ ly hương, tập tiểu luận này là một góc nhìn đa chiều, xoáy sâu hơn bằng câu chuyện của những chứng nhân lịch sử mà những diễn biến hằn sâu trong đôi mắt họ, ký ức lưu lại mãi mãi như những sang chấn tâm lý không thể khôi phục. Người tị nan được viết như một tuyển tập truyện ngắn mà trong đó những sự thật lịch sử phần nào được thi vị hóa trong lớp nền văn chương, hơn thế nữa, dù đã cố gắng xoay chuyển góc nhìn ở nhiều nhân vật khác nhau: khi là nạn nhân, khi là người dang tay che chở; thì nó cũng không thoát khỏi gót chân Asin – sự độc diễn của riêng tác giả. Thiên di có năm bảy loại, và tình cảnh ly hương còn nhiều hơn thế. Dễ hiểu ly hương bao hàm tị nạn, và với sự đa dạng của nhiều góc nhìn, nhiều câu chuyện; Kẻ ly hương thật sự là một tác phẩm khá toàn diện về những con người lạc loài tìm miền đất mới.

Tị nạn đơn thuần là sự chạy trốn chiến tranh, chạy trốn mâu thuẫn lên cao giữa những thể chế chính trị cả trong hay ngoài đất nước; nhưng ly hương còn nhiều hơn thế. Nó có thể là sự chạy trốn về mặt kinh tế, tôn giáo, xã hội; hay cả gần đây, về mặt giáo dục. Những câu chuyện ly hương không chỉ đơn thuần là những cảnh ngộ vượt quá sức chịu đựng, mà hơn thế nữa, nó còn là câu chuyện đằng sau quá trình thiên di địa lý, là sự chấp nhận hay kháng cự, là cách họ bị đối xử, đứng lên, làm lại chính mình; là cách người bản xứ đối diện với họ, hoặc như con người hoặc những bóng ma,… Nhiều góc nhìn, nhiều chủ đề được đưa ra bàn luận như một hội nghị bàn tròn, mà ở đó cuốn sách như biên bản cuối cùng được kể lại để mãi mãi lưu vào lịch sử. Và hãy tin rằng, một khi dũng cảm để đọc hết nó, bạn cũng đồng thời góp phần mình vào chính những trang sử ấy.

Họ đã làm gì?

Lev Golinkin trong câu chuyện của mình đã viết những dòng sau đây: “Trở thành người tị nạn là một quá trình phai màu, chuyển tiếp từ từ sang dạng thức tồn tại như một bóng ma […] Trở thành một người tị nạn là bất lực đứng nhìn những mỏ neo bị dứt đứt, từng cái một, cho đến khi bạn lửng lơ bồng bềnh trên bề mặt xã hội, một bóng ma vất vưởng cần lắm một đời sống mới”. Ở đó, sau hậu chấn rời bỏ quê nhà, lênh đênh trên những con thuyền hoặc thót tim trên những chuyến tàu nối dài đông đúc; họ phải đối mặt với nỗi luyến nhớ những gì bỏ đi, hoặc thương tiếc, hoặc cam chịu quay đi. Có thể nói, nỗi đau trên những hành trình thiên di chỉ như cái đau thể xác: họ có thể đói, khát, bị cướp bóc, hãm hiếp, hoặc thậm chí bị giết chết; nhưng tất cả những thử đó chỉ như bên ngoài; sâu xa hơn, ở chính đằng sau, cái gậm nhấm tinh thần họ từng ngày như bầy chuột lang nhung nhúc trên da thịt người chính là quê hương, nguồn cội, là bản lai diện mục, là những đứa con người cháu, ông bố bà mẹ,… tất cả những quần thể xa xôi, những bóng ma quá vãng, là thứ khiến họ cắn rứt, dù lực bất tòng tâm hay có một phương cách nào, dù ít dù nhiều, đều là những vết khoét sâu mãi mãi không hàn gắn được.

Ở đó có câu chuyện của người cha để lại con mình vì sự an toàn để rồi sau đó tình cảm gắn kết giữa họ rạn nứt mãi mãi (Reyna Grande), có người ông dù đã men bờ vực thẳm vẫn gắng sức vượt Afganistan sang Ấn Độ vì con gái (Joseph Azam), có người mẹ vì muốn gia đình đoàn tụ phải chịu cô độc giữa nước Đức giá rét không một ai (Meron Hadero) hay vì nội chiến mà người đàn bà nản lòng bỏ hết những niềm vui sống (Rosa Tshuma),… và còn nhiều nữa. Họ như cùng chung số mệnh – số mệnh của cách xa, chia ly, đổ vỡ; của lầy lội trong vũng bùn liệu có được là người. Không đơn thuần thế, trong chính nỗi đau thân thể hay tinh thần ấy, họ đồng thời phải chịu đựng chính sự khinh bỉ, dò xét của người bản xứ. Nó như nhát dao càng khoét sâu hơn vào trong tâm khảm họ, như thể, họ tự cảm nhận, bản thân là một cơ quan nội tạng bị chính cơ thể rộng lớn – nhân đạo – đào thải. Không nhà, không cửa, không quê hương, thân thích,… tất cả như những mũi neo đứt lìa bản thân họ ra khỏi bến bờ thân quen, vươn ra đại dương của những bất an cùng những bảo tố đang chờ phía trước.

Họ thấy thế nào?

Bằng nhiều giọng văn khi hài hước, oán hận; khi điềm tĩnh, nản lòng; những mảnh ghép trong cuốn sách này dần dần định hình thế giới mà chúng ta sống. Trở thành một kẻ ly hương là chấp nhận mất tất cả làm lại từ đầu, nhưng cũng đồng thời, là những dè bỉu, khinh khi: “Chúng tôi bị phán xét như một giống loài suy đồi, những tên đạo tặc, sát nhân, hãm hiếp, và bán ma túy đang làm nhiễm độc linh hồn Nam Phi”. Họ luôn trong trạng thái cúi mặt nhìn xuống tìm từng đồng xu lẻ vì có lý gì đâu mà ngẩng đầu nhìn lên như Viet Thanh Nguyen viết, hay luôn phải hàm chứa trong mình một sự biết ơn khó tả – biết ơn vì căn nhà, lẽ sống, vì lòng nhân đạo dang tay giúp đỡ. Họ biết ơn nhưng sẽ không bao giờ trả lại được loại tình nghĩa đó. Như loài bất tử cộng sinh vào người tị nạn, nó chiếm lấy lòng tự tôn của họ, dang tay lấy trọn những cố gắng của họ; dù có thành công đến đâu, nên người thế nào, nhưng với tư cách của một nhà văn, dấu gạch nối giữa hai quốc tịch vẫn không thể nào xóa bỏ. “Là những người tị nạn, chúng tôi mắc nợ họ căn cước trước kia của mình. Chúng tôi phải đặt nó trước cửa nhà họ như một tặng phẩm, và hân hoan từ bỏ nó để có được vị trí của chúng tôi trong xứ sở mới này. Không chân trong chân ngoài. Không có nền văn hóa thứ ba ở đây”.

Trong cuốn tiểu luận này, Marina Lewycka – tác giả của Lược sử máy kéo bằng tiếng Ukraina đã đóng góp một bài viết vô cùng sâu sắc về người tị nạn, trong một giọng văn vô cùng bất ngờ. Thay vì phong cách trào phúng châm biếm như cuộc tình 27 72 trong những tác phẩm trước đây, bà thay vào đó một sự nản lòng sâu sắc vì sự thay đổi của nhân tính, của đói nghèo và lòng tham. Bà đi từ nước Anh của những chiếc bánh ngọt hay lời mời ăn tối, sang một nước Anh của khủng hoảng hậu Brexit và sự xoay trục của tư tưởng Trump. Bài xích tị nạn, bài xích di dân hay chủ nghĩa bản địa bài ngoại,… tất cả len lỏi vào đời sống người dân Anh hiện đại như một phương cách đến gần hơn với cuộc rời bỏ EU.

Những người phương Tây hiện đại nhìn người tị nạn bằng con mắt căm thù – hờn căm không phải vì họ làm nhơ bẩn phông nền văn hóa vĩ đại từ lâu, cũng không hẳn vì họ giành lấy cơm ăn áo mặc, chỗ ở, việc làm của cộng đồng mình; mà dễ thấy, vì nỗi tị hiềm. Vì một khao khát đổi thay cuộc đời, người tị nạn hay kẻ ly hương luôn mang trong mình thứ gene chiến thắng thời cuộc, họ học và làm việc gần hết tốc lực. Và chỉ khi câu châm ngôn nước Mỹ bị băng hoại vì sự thờ ơ biếng nhác, thì Donald Trump và “Make American Great Again” mới đủ sức lật ngửa bàn cờ chính trị. Kết lại bằng tiếng thở dài của những tự do dân chủ đã mất; bà viết trong cơn nản lòng: “Có lẽ với tất cả những người như chúng tôi cái gọi là quê hương chân chính chỉ là một khung cảnh điền viên đượm sắc hồng tuổi hoa niên, nơi từ đó chúng tôi đã chia ly biền biệt vào cõi lưu đày”.

Những tín hiệu mới

Khi Donald Trump bước một bước thần kỳ lên cầm quyền và hoạch định kế hoạch xây bức tường ngăn cách với Mexico, và cũng trước khi Barbra Streisand làm một đĩa nhạc đậm tính chính trị mỏng để “diss” vị tân tổng thống này; thì từ sâu xa trước đó có một thực tế là những nhen nhóm đoàn kết văn hóa đã bắt rễ vào sâu trong lòng nước Mỹ. Trump có thể làm mọi thứ: ông ta có tiền, quyền lực, điều hành; và nếu Thượng viện thông qua chính sách này (dù trường hợp ấy chỉ có thể xuất hiện trong những tiểu thuyết viễn tưởng của H.G. Wells, Belyaev hay Čapek), thì có lẽ ông ta cũng không thể ngờ chính sự gắn kết văn hóa đã là một ngáng trở khó thể vượt qua, mà biểu hiện hùng hồn và đơn giản nhất, là trong một siêu thị nước Mỹ. Ariel Dorfman một cách hài hước đã viết nên chính những gắn kết yếu tố Mỹ Latin này. Ông dùng sự đa dạng của một siêu thị, nơi những mặt hàng Mỹ Latin bày bán còn phong phú hơn cả nơi quê nhà, nơi bạn có thể mua đến 18 loại ớt Chile chỉ trong không gian siêu thị. Cũng chính trong không gian nhỏ này, sự luyến nhớ cố hương của họ cộng hưởng cùng nhau làm nên một sức mạnh bất di bất dịch mặc cho quyền lực hay của cải. Dorfman khẳng định: “Lục địa của Juárez và García Márquez và Eva Perón không còn có thể được hiểu là chấm dứt tại Rio Grande mà trải dài mãi tận xứ Mỹ xa xôi phương Bắc”.

Nhưng cũng gần đó, trong bài viết “Quê hương thứ hai”, Joself Kertes đã cho ta thấy một Canada hào sảng mở rộng vòng tay, một đất nước linh hoạt và dễ thích nghi. Cũng như Mỹ thuở ban đầu, Canada không có một lịch sử dân cư rõ ràng, và cũng vì thế, nó dễ chấp nhận một nền văn hóa đa bản sắc. Và những nạn dân hay kẻ trôi dạt chính lại là một trong những mảng màu làm phong phú thêm: họ góp màu da mình vào màu da chung, tiếng nói mình vào tiếng nói chung, và hơn hết, san sẻ ký ức mình thành ký ức chung. Những tín hiệu này đồng thời cho ta thấy vẫn còn đấy những bầu trời tươi sáng, chủ nghĩa bài xích dẫu sao vẫn chưa lan đến những nền dân chủ văn minh.

Kết

Ngô là loài C4, nghĩa là, chúng hấp thụ và khóa nhiều cacbon vào trong phân tử của mình hơn hẳn những loài thực vật C3 khác. Chính đặc điểm này làm nên vai trò chính yếu của nó trong nền công nghiệp thực phẩm hay trong những di chỉ tàn tích hóa thạch, khi đồng vị C13 chiếm một tỉ lệ chính yếu rất dễ nhận thấy; thì song song đó, người tị nạn hay kẻ ly hương cũng là giống loài kì lạ như thế. Nếu người Mexico được gọi là “người ngô” vì sự tôn sùng của họ vào loài cây này; thì mở rộng ra hơn, người Mexico tị nạn nói riêng hay những kẻ ly hương nói chung, họ cũng đồng thời mang trong mình những tính chất rất “ngô”: họ là những con người duy nhất mang trong mình cảm thức đau thương hay nỗi mặc cảm như những đồng vị đặc biệt. Họ hấp thụ nỗi đau nhiều hơn ai hết và làm nên con người mình độc lập như thế. Như Alexandar Hemon viết trong Mệnh trời:“Giản lược họ thành một đám đông vô diện mạo, xóa bỏ những câu chuyện của họ chính là tội ác chống lại loài người và lịch sử”, thì với cuốn sách này, câu chuyện của họ lại một lần nữa tập hợp tại đây như lời gói gọn gửi ra thế giới. Một võ đài của những nỗi niềm tị nạn.

Hết.

Ngô Thuận Phát


Xem tất cả những bài viết của Ngô Thuật Phát tại đây.


Tìm hiểu thêm về tác phẩm Kẻ ly hương


Phía sau trang sách

Michael Pollan: “Con người điên cuồng vì biến đổi gene”

Published

on

By

Là tác giả của nhiều đầu sách về môi trường, thực phẩm nổi tiếng như Food Rules, Nào tối nay ăn gì… Trong các tác phẩm của mình, Michael Pollan đã mang đến những suy ngẫm mới về mối quan hệ giữa thế giới tự nhiên và con người. Khát khao cây cỏ do Phương Nam Book vừa mới phát hành cũng là cuốn sách đặc biệt, hấp dẫn như thế.

Xin chào tác giả Michael Pollan. Ông có thể chia sẻ chi tiết quá trình khởi viết Khát khao cây cỏ diễn ra như thế nào?

Tất cả bắt đầu từ một con ong nghệ. Ý tôi là, tiền đề của cuốn sách thì rất, rất đơn giản. Chuyện là vào một ngày nọ, khi đang trong vườn, thì tôi nhìn thấy một con ong nghệ bay ngay bên cạnh và nghĩ: "Chà, có điểm gì chung giữa một con ong và người làm vườn nhỉ?". Từ giây phút ấy, mọi thứ đã đến với tôi như một khải thị.

Giống như con ong, tôi đang góp phần vào việc giúp cho một loài nào đó chiếm được ưu thế, chẳng hạn khoai tây thay vì tỏi tây. Và giống con ong, tôi nghĩ những loài vật này xuất hiện là vì lợi ích của mình, thế nhưng thực tế thì bản thân tôi mới chính là người đang bị “lợi dụng”. Bởi như bạn biết, khi một con ong tiến hành hút mật, nó nghĩ mình đang “trộm” đi một thứ gì đó, nhưng trên thực tế chính bông hoa ấy mới là “chủ mưu”, lợi dụng nạn nhân giúp nó lan truyền phấn hoa hết từ cây này sang cây khác.

Khi đó tôi đặt câu hỏi, vậy từ quan điểm của những bông hoa, thì con ong nghệ có phải là loài động vật cả tin? Nếu câu trả lời chính xác là vậy, thì liệu chúng ta mang hình hài nào từ chính nhãn quan của các loài cây? Cuối cùng thì tôi cũng hiểu mình giống con ong nghệ ấy hơn chúng ta tưởng.

Vì sao mà ông lại để Johnny Appleseed [1] đóng vai trò quan trọng trong cuốn sách này?

Chà, có lẽ là bạn không tin, nhưng khi đặt bút để viết những dòng đầu tiên thì tôi còn không biết là ông có thật. Trong cả đời mình, tôi nghĩ ông ấy là kiểu anh hùng dân gian chỉ có trong những tưởng tượng từ sách vở thôi. Nhưng hóa ra Johnny Appleseed là John Chapman. Tôi cũng phát hiện phiên bản Johnny Appleseed mà mình từng học hồi còn mẫu giáo là sai hoàn toàn, bởi lẽ ông ấy là một nhân vật thú vị hơn nhiều. Tôi biết về những điều này là qua các cuốn sách xoay quanh loài táo. Ngoài ra tôi cũng biết được một sự thật khác, đó là nếu bạn gieo hạt của một quả táo, thì thế hệ sau sẽ không giống gì với thế hệ trước và không ăn được. Ta không thể ăn táo trồng từ hạt táo, mà chúng phải được lai ghép cũng như nhân bản.

Và chúng không phải là trái cây Mỹ?

Không. Như tôi được biết chúng đến từ Kazakhstan và khi đến đây chúng đã thay đổi rất nhiều trong hành trình đó. Vì vậy việc Johnny Appleseed trồng táo từ hạt có nghĩa là chúng được dùng để làm rượu chứ không phải để ăn. Thực ra những gì Johnny Appleseed đang làm và lý do ông ấy từng được chào đón ở mọi căn nhà gỗ ở Ohio và Indiana là ông đã giúp cho những loại rượu làm từ trái cây thêm phổ biến hơn.

Không chỉ có táo mà ông còn nói đến hoa tulip. Vì sao mà ông lại chọn loài thực vật này?

Vâng, câu chuyện về hoa tulip thật là tuyệt vời. Ý tôi là, đây chính là cơn cuồng hoa mà ta từng biết dưới tên gọi “cơn sốt Hà Lan” nhiều thế kỷ trước, thứ mà ngày nay nhiều người ví von với thói cuồng mạng xã hội. Dù vậy thì tôi vẫn có thiện cảm với người Hà Lan hơn là con người hiện đại, vì so với chiếc điện thoại thì những bông hoa dù sao cũng đẹp và tuyệt vời hơn.

Ngoài ra còn cây cần sa?

Chà, bên cạnh những câu chuyện trên, thì cuốn sách Khát khao cây cỏ này cũng nói về niềm “khao khát”. Nói cho dễ hiểu là khi nhìn vào bông hoa nào đó, liệu ta có thể khẳng định điều gì từ những con ong vây xung quanh nó? Tương tự như thế, với cây cần sa, ta cũng hiểu thêm được chút gì đó về cách tâm trí hoạt động, cũng như vì sao con người trong nhiều thế kỷ phải cần đến chúng.

Trong thực tế, mọi nền văn hóa và mọi chủng tộc đều có những loại cây thần kinh của chính mình. Ngoại lệ duy nhất là người Eskimo. Và lý do duy nhất để giải thích cho điều này là vì không loài cây nào có thể sống được ở trên băng tuyết. Và ngay khi họ phát hiện ra rượu, thì nó đã trở thành loại “cây kích thích” của họ.

Ông cũng tiến gần đến việc đưa ra một tuyên bố chính trị về việc hợp pháp hóa cần sa trong cuốn sách này, nhưng cũng cho thấy chưa có cơ chế để kiểm soát nó. Vì sao ông lại nghĩ thế?

Vâng. Tôi rất đồng cảm với việc khi là con người thì chúng ta cũng có những mong muốn riêng về việc thay đổi ý thức. Tuy nhiên, điều đó cũng không đồng nghĩa với việc lạm dụng. Tôi nghĩ người Hy Lạp đã có thái độ tương đối tỉnh táo về chuyện đó. Họ tôn thờ Dionysus[2], họ dùng rượu rất nhiều nhưng cũng tuân theo kiểm soát và lễ nghi. Có vài trường hợp chúng rất cần thiết, nhưng nhiều khả năng sẽ là tai họa. Vì vậy không có lời khẳng định nào hoàn toàn chính xác cho câu hỏi trên.

Khi ông nói về biện pháp kiểm soát thì một vấn đề khác cũng được hiện lên, đó là các loài sinh vật biến đổi gene. Ông cũng thử nghiệm trồng chính loại này trong khu vườn của mình nhỉ?

Chà, đây là vấn đề có phần mới mẻ trong mối quan hệ giữa con người với thực vật. Ý tôi là, chúng ta đang thực sự tạo ra một cú chuyển mình trong mối quan hệ với thế giới ngoài kia bằng biến đổi gene. Và tôi nghĩ cách duy nhất để hiểu về điều mới này là tự mình thử. Vì vậy, trong khu vườn riêng, tôi đã trồng những củ khoai tây biến đổi gene. Chúng được thay đổi trong từng tế bào để kháng lại các mầm bệnh.

Như bạn biết đấy, công nghệ sinh học thật là mới lạ. Trước đây chúng ta chưa từng lấy gene của loài cá bơn rồi đưa nó vào một quả cà chua hoặc con đom đóm. Thế nhưng giờ đây mọi thứ rất khác... Rõ ràng là trong tự nhiên, dẫu cho có thêm triệu năm tiến hóa, thì cá bơn và cà chua sẽ không bao giờ giao phối và sinh sản với nhau, thế nhưng bây giờ điều đó có thể. Và đó thật sự là cú chuyển mình. Tôi nghĩ bất cứ khi nào ta làm điều gì hoàn toàn mới mẻ về mặt bản chất, thì phải tiến hành hết sức thận trọng. Nhưng trong trường hợp thực phẩm biến đổi gene, thì những gì đang xảy ra lại không cho thấy sự cẩn trọng ấy.

Ông kết luận rằng về cơ bản thực vật có vai trò tái tạo chúng ta cũng như chúng ta tái tạo thế giới thực vật. Ý ông là như thế nào khi viết dòng này?

Nó được gọi là đồng tiến hóa. Bạn biết đấy, tất cả chúng ta đều đã tìm hiểu về Darwin và biết đồng tiến hóa là gì, nhưng tôi nghĩ nó dành cho các loài khác ngoài kia. Thế giới tự nhiên vô cùng kỳ diệu, nó là một mạng lưới sống nhưng rồi ta đến và xé nát nó. Điều tôi nhận ra khi nhìn vào các loài đã được thuần hóa là chúng ta cũng đang ở trong chính mạng lưới đó. Những loài này đã thay đổi chúng ta. Tôi nghĩ việc phát minh ra nông nghiệp đồng nghĩa với hành động tự coi mình là trung tâm, rằng chúng ta là chủ thể hành động trên các đối tượng thụ động… Nhưng trên thực tế, việc phát minh ra nông nghiệp cũng chính là điều mà giới thực vật đã làm với ta. Chúng buộc loài người phải định cư, bắt đầu làm nông nghiệp, dần dần chặt cây phục vụ cuộc sống nhưng cũng đồng thời là giúp cho chúng có môi trường sống tốt hơn…

Tác giả Michael Pollan - Người viết tác phẩm Khát khao cây cỏ

Thật là lý thú khi nhìn nông nghiệp dưới các tác động của cả 2 phe. Do đó điều tôi muốn nói qua cuốn sách Khát khao cây cỏ đó là chúng ta cũng là một phần của giới tự nhiên, chúng ta đang sống trong mạng lưới lớn và cũng sẽ bị tác động bởi thế giới này.


[1] Johnny Appleseed tên thật là John Chapman. Ông sinh ra ở Leominster, Massachusetts năm 1774. Ước mơ của ông là trồng được thật nhiều táo để không ai bị đói. Trong gần 50 năm, ông đã vun trồng hàng nghìn cây táo. Truyền thuyết kể rằng ông đã liên tục trồng chúng ở những nơi trống trải trong rừng, ven đường và ven suối.

[2] Thần rượu nho trong thần thoại Hy Lạp, đại diện cho khoái lạc, tiệc tùng, niềm vui…

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Thả một bè lau – Truyện Kiều dưới cái nhìn thiền quán

Published

on

Chúng ta thường nghĩ truyện Kiều là truyện của một người khác và chúng ta chỉ là khán giả, không có liên can gì. Nhưng khi viết truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã sống trong da thịt của nhân vật Kiều, đã trở thành với Kiều, cụ đã nói được tâm sự của chính mình.

Cô Kiều trong truyện đã phải bắt buộc làm gái giang hồ. Là một nhà Nho, một mẫu mực đạo đức thời xưa ở Việt Nam, vậy mà có khi cụ Nguyễn Du cũng có cảm tưởng mình là một cô gái giang hồ. Cụ làm quan với triều Lê. Sau khi nhà Lê mất, cụ bị nhà Nguyễn gọi ra làm quan. Không từ chối được, cụ phải ra làm quan cho triều Nguyễn. Theo quan niệm của Nho giáo ngày xưa, một người thần tử trung thành không bao giờ thờ hai vua (‘trung thần bất sự nhị quân.’). Trong khi viết truyện Thúy Kiều, cụ Nguyễn Du viết truyện của chính mình. Cụ muốn gửi tấc lòng mình vào thiên cổ chứ không phải vì ngồi không, cao hứng nhất thời mà viết ra một tác phẩm chữ Nôm.

Bìa sách Thả một bè lau, thiền sư Thích Nhất Hạnh

Nếu có chánh niệm, đem những khổ đau, luân lạc và gian truân của mình ra đọc truyện Kiều chúng ta có cơ hội thấy được bản thân. Và như vậy đọc truyện Kiều cũng là tu. Tu tức là nhìn tất cả những gì đã và đang xảy ra trong đời mình bằng con mắt quán chiếu.

Trong quá khứ, có nhà Nho đã liệt truyện Kiều vào loại dâm thư vì trong truyện có tả đời sống của một cô gái giang hồ. Họ có thể đứng về phương diện đạo đức của Nho giáo mà nói như vậy. Nhưng dùng con mắt quán chiếu mà nhìn vào đời Thúy Kiều, ta có thể học được bài học của khổ đau và kinh nghiệm. Nếu biết cách đọc, chúng ta có thể học được rất nhiều từ truyện Kiều như học từ một cuốn kinh. Và truyện Kiều sẽ không phải là dâm thư mà là kinh điển.


Truyện Kiều là truyện về cuộc đời, có những hoàn cảnh khổ đau, hạnh phúc và u mê của cuộc đời. Lấy con mắt của người quán chiếu nhìn vào truyện Kiều, chúng ta có thể thấy được bản chất của cuộc đời. Những điều xảy ra trong mười lăm năm của cô Kiều có thể xảy ra cho bất cứ một người nào. (Vì vậy ở Việt Nam có truyền thống bói Kiều.). Kiều dã trải qua rất nhiều hoàn cảnh khác nhau, đi qua tất cả những chuyện lên voi xuống chó của một con người. Thúy Kiều có khi là học trò, làm vợ của một người có quyền thế gần như vua (Từ Hải), làm đầy tớ, làm người yêu, làm vợ lẽ và làm một người con gái phong sương… Kiều cũng từng làm sư cô. Mỗi chúng ta ít nhất đã có một giai đoạn giống như giai đoạn Thúy Kiều. Nhìn vào đời Thúy Kiều, ta phải nhìn như một toàn thể mà đừng nhìn từng khoảng ngắn.


Chúng ta phải có con mắt trạch pháp, tức là con mắt có khả năng nhận xét và phân biệt. Khi đọc Kinh, ta cần phải có nhận thức độc lập, huống nữa là đọc truyện Kiều. Ta phải nhìn cụ Nguyễn Du bằng con mắt trạch pháp. Cụ tin vào thuyết tài mệnh tương đố (tài năng và số mệnh chống trái nhau). Chúng ta sẽ từ từ xét coi tại sao cụ tin vào thuyết này và thuyết này có đúng hay không. Nếu đúng thì đúng bao nhiều phần trăm. Không phải vì cụ nói ‘chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau’ hay ‘chữ tài liền với chữ tai một vần’ mà chúng ta tin ngay vào sự tương phản, chống trái của tài mệnh. Có những người có tài nhưng không bị tai nạn, vì họ có tu, có chánh niệm và sự khiêm nhượng. Tai nạn sẽ không xảy tới với họ, hay ít nhất, không xảy tới cho họ nhiều như cho những người quá cậy vào tài năng của mình mà xem thường người khác.


Dựa theo truyện Phong Tình Lục của Trung Hoa để viết truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã biến tập tiểu thuyết tầm thường này thành một tác phẩm văn chương phong phú và sâu sắc. Một lần nữa, chúng ta thấy cốt tủy của một tác phẩm có giá trị không phải là cốt truyện mà là văn chương và tư tưởng.

Ngày xưa tôi cũng đã từng dạy văn chương Việt Nam và đã dạy truyện Kiều. Nhưng tâm của tôi lúc đó không được như bây giờ. Tôi đã dạy với tư cách một giáo sư văn chương mà chưa bao giờ dạy với tư cách một thiền sư. Nhìn với tư cách một thiền sư là nhìn sâu, nhìn kỷ, nhìn bằng sự khám phá của thiền quán mọi sự kiện qua nhận thức, đau khổ, hạnh phúc, thành công, thất bại và qua sự tu học của mình. Nhìn như vậy trong khi đọc lại truyện Kiều ta có thể thấy được những điều rất mới.


Khi đọc truyện Kiều, ta không nên ngại về từ ngữ và điển tích. Các bản truyện Kiều đều có chú giải. Có tài liệu là ta có thể hiểu được hết các điển tích và từ cổ. Điều quan trọng là chúng ta đọc với tâm trạng quán chiếu, tìm thấy tâm lý của tác giả và tìm thấy lòng mình.

Làng Mai khóa tu mùa Xuân 1992 - Phần Thay lời tựa - Trích sách Thả một bè lau I Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Đời sống thật đẹp, thật buồn nhưng đầy mong manh

Published

on

By

Được Amazon và hàng nghìn độc giả Goodreads bình chọn là cuốn sách hư cấu hay nhất của năm 2022, Ngày mai Ngày mai và Ngày mai nữa từ tác giả Gabrielle Zevin là một bản hùng ca về tình bạn, tình yêu và tuổi trẻ, được viết thông qua những trò chơi điện tử cuốn hút và đầy độc đáo.

Tác phẩm xoay quanh 3 nhân vật chính gồm Sam Masur, Sadie Green và Marx Watanabe. Trong khi Sam và Sadie đã quen biết nhau từ khi rất nhỏ, nhưng vì một hiểu lầm ngờ nghệch từ tuổi ấu thơ mà họ cắt đứt liên hệ và không còn nhìn thấy nhau; thì hơn 10 năm sau, vào một ngày tháng 12 lạnh giá, Sam vô tình nhìn thấy Sadie, từ đó nối lại mối quan hệ xưa. Lúc này họ đã trưởng thành và đang đứng trước cánh cửa cuộc đời. Với sự tham gia của Marx – bạn thân của Sam – cả 3 đã thiết lập nên một đế chế trò chơi điện tử của riêng mình, nhưng cũng từ đó mà những diễn biến tình cảm bắt đầu phức tạp và khó đoán hơn.

Câu chuyện giữa những tri kỷ

Ở đây cảm xúc giữa những tri kỷ đã được nữ tác giả thể hiện một cách đặc biệt. Đó là Sam và Sadie, những đứa trẻ bị tổn thương từ nhỏ, người tìm thấy được những sự ủi an qua người còn lại. Nếu Sam có một cuộc đời không thể tệ hơn: mẹ qua đời từ sớm, lâm vào nghèo túng vì không muốn ông bà ngoại lo, cha bỏ đi, bị phân biệt vì nguồn gốc xuất thân cũng như chân cẳng bị tật… thì Sadie tuy đến từ một gia đình thượng lưu ở khu Beverly Hill xa hoa, thế nhưng ngay từ rất nhỏ cô đã không hưởng được sự trọn vẹn từ cha mẹ mình, bởi người chị Alice bị bệnh ung thư đã cướp hết những sự quan tâm… Bằng sự tình cờ hay một sắp đặt nào đó của số phận, họ đã gặp gỡ và rồi kết nối thông qua các tựa game xưa.

Bìa sách Ngày mai, ngày mai và ngày mai nữa. Ảnh: Bookish

Cho đến một thập kỷ sau, vẫn Sam đau khổ, bị cái chân hành hạ với một tình cảm không thốt thành lời, gặp lại Sadie giờ đang chìm trong một cơn khủng hoảng về mối quan hệ mà cô có với một người đàn ông đã có gia đình… Cả 2 đã cùng nhau thực hiện tựa game Ichigo về một đứa bé rời xa vòng tay cha mẹ ngay từ rất sớm, nhưng đó cũng là một phiên bản khác về 2 người họ - những người đã phải tự mình tìm lối đi riêng trong một thế giới đầy nhẫn tâm và bóng tối. Chính 2 tâm hồn sáng bừng trong đêm đã cứu rỗi nhau và giải thoát nhau, bởi họ hiểu nhất người kia cần gì, và tình cảm ấy cũng là bất khả thốt lên thành lời.

Vì vậy cho đến cuối cùng thì 2 người họ không đến gần hơn cũng không xa hơn, nhưng luôn hiện diện khi người còn lại một khi cần chúng. Bởi lẽ “chính trái tim - đúng hơn là phần ý thức con người thể hiện qua trái tim - mới là điều bí ẩn”, cho nên không phải tình yêu hay là tình bạn, mà chính sợi dây của sự thấu hiểu cũng như đồng cảm đã kết nối họ lại cùng với nhau. Bởi như Sadie đã sớm nhận ra: “Người ta tạo ra mô hình thủy tinh của những thứ đang héo tàn, rồi đem chúng trưng bày trong viện bảo tàng. Nhân loại thật lạ kỳ, nhưng đồng thời thật đẹp đẽ. Mà cũng thật mỏng manh”.

Tác giả Gabrielle Zevin

Cũng chính vì thế mà dẫu cho Sam lỡ mất bao lần xác nhận tình cảm của mình dành cho Sadie, hay cũng đồng thời là phía ngược lại, thì ta luôn biết họ vẫn ở đó và dành cho nhau. Như Sam từng nói: “Chấp nhận chơi với ai đó mang tới rủi ro không nhỏ. Nó đồng nghĩa với cho phép bản thân mở lòng, phơi bày tất cả, chấp nhận bị tổn thương”. Cả 3 con người trong cuốn sách này dù phải trải qua những lần đau khổ cũng như niềm vui, những sự bội phản cũng như trung thành… thế nhưng họ luôn tìm thấy ở nhau một sự an ủi. Đó là tình cảm mà những tri kỷ dành riêng cho nhau, được thử thách qua tuổi trẻ, sự bồng bột, thành công lẫn thất bại, để từ đó mà họ nhận ra mình không chọn nhầm người.

Vì vậy Ngày mai, Ngày mai và Ngày mai nữa là một tác phẩm thật đẹp, thật buồn và đầy mong manh. Bởi tình cảm giữa bộ 3 ấy không phải là thứ mà ai trên cuộc đời này cũng tìm thấy được. Nó ủi an, xoa dịu những độc giả cảm thấy cô đơn trên hành trình của bản thân mình, nhưng cũng đồng thời cho ta sức mạnh và sự an yên để nhìn lại những mối quan hệ bản thân đã có. Có thể mọi thứ ta đã xác lập trong cuộc đời này đã từng có tên, nhưng chính qua cuốn tiểu thuyết, ta lại thấy nó muôn hình muôn vẻ và rất huy hoàng.

Từ giả lập đến đời thực

Và cũng có thể vì lý do này mà tựa sách cũng như cấu trúc đã được xây đắp từ những trò chơi điện tử, bởi một trò hay dẫu là rất khó nhưng rất công bằng, còn cuộc đời thực sẽ luôn bất công. Và cũng bởi chính những sự đẹp đẽ, mong manh và dễ chịu ấy nó khiến người ta muốn sống thêm ngàn lần nữa, để ta sẽ có vô hạn lần tái sinh, vô hạn lần sửa sai và sau ngày mai lại là ngày mai và ngày mai nữa. Nó là vòng lặp sẽ không bao giờ có thể khép lại, bởi khi càng đi ta càng khám phá thêm nhiều điều nữa, bởi không có thất bại nào là vĩnh cửu cả, và chẳng có gì là vĩnh cửu hết.

Một điều không thể phủ nhận là thành công của Ngày mai, Ngày mai và Ngày mai nữa nằm ở chủ đề phổ quát cũng như phương tiện mà chính từ đó nữ tác giả Gabrielle Zevin bám vào rất vững. Đối với thế hệ gen X hoặc gen Y, những trò chơi như Super Mario, Final Fantasy, Donkey Kong… đã là tuổi thơ của bản thân họ. Ở giai đoạn ấy họ có được những người bạn – những cộng sự mà mục tiêu duy nhất là cùng nhau vượt qua vô vàn thách thức cũng như khó khăn mà các trò chơi mang đến. Thông qua điều đó mà phần đông độc giả cũng tìm lại mình, và thấy một mẫu nào đó của chính bản thân trong các nhân vật.


Ngoài ra chủ đề của cuốn tiểu thuyết cũng rất phổ quát, khi nói về tuổi trẻ, tình bạn, tình yêu, hoài bão và sự nỗ lực. Cũng như nhiều tác phẩm của Hanya Yanagihara hay Sally Rooney, ở cuốn sách này, thất bại cùng với thành công luôn song hành nhau, và thế hệ Millennials chính là độ tuổi cảm nhận được mình một cách rõ nhất. Gabrielle Zevin không hồng hóa hay tiến hành làm các nhân vật trở nên hoàn hảo, mà chính sự bất toàn, đầy rẫy khiếm khuyết… khiến cho độc giả cảm thấy chính bản thân họ cũng từng trải qua những giai đoạn ấy.

Ngoài điều đó ra thì tác phẩm này cũng đã đề cập một cách phong phú đến những vận động của xã hội ngoài kia. Đó là một thời của phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, phân biệt giai cấp. Khi đến gần mốc của ngày hiện tại, ta sẽ lại thấy những chỉ dấu của chiếm dụng văn hóa hay sự phụ thuộc một cách quá mức vào không gian mạng… Ở bất kỳ đâu ta cũng dễ thấy một sự quá khích và thiếu thấu hiểu của chính con người. Nhưng qua rất nhiều nhân vật đã sống cùng nhau một đời trọn vẹn, mà những mất mát và thiếu sót này cũng được lấp đầy, để không một ai sẽ phải sống trong một thế giới thực nhưng vẫn mơ về những không gian ảo mà ở nơi đó họ được là mình.

Vì thế có thể nói rằng Ngày mai, Ngày mai và Ngày mai nữa là một cuốn sách dành cho mọi người, nơi người ta có dịp nhìn lại, được luyến nhớ quá khứ cũng như tìm thấy được sự đồng cảm dù là thất bại hay sự thành công của những ngày này. Bằng cách viết nhẹ nhàng, điềm tĩnh, các nhân vật tự mình bộc lộ hoặc cho thấy được những cá tính riêng thông qua góc nhìn của phía đối diện, từ đó mà phía độc giả có dịp khám phá và tự nhìn lại những ngày đã qua, với những con người mà họ đã là một phần đời mình.

Đọc sách hay, gửi ngay bài review cho Bookish.vn

Bạn đọc sách và muốn chia sẻ những cảm nhận, hãy viết review và gửi đến chúng tôi. Bookish.vn có chuyên mục “Phía sau trang sách” – nơi đăng tải review sách do bạn đọc gửi đến email: truyenthong@pnc.com.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.
Đọc bài viết

Cafe sáng