Phía sau trang sách

Bàn tiệc văn chương cho ngày Halloween đen tối

Published

on

Từ ma ca rồng đến hiệu ứng song trùng; chúc bạn dùng bữa ngon miệng.

1. Phỏng vấn ma cà rồng (Anne Rice)

Là một trong những mảnh ghép cấu thành nên vũ trụ ma cà rồng của Anne Rice (Ricean Universe), Phỏng vấn ma cà rồng mở ra cho ta góc nhìn về một thế giới mới lạ mà từ trước đến nay vẫn ít xuất hiện trong văn chương đương đại. Lấy bối cảnh thế kỷ 18 tràn ngập không gian gothic của những lời đồn đoán, Anne Rice khắc họa những nhân vật của mình một cách sống động, hợp lý và kỳ lạ thay, lại đầy tính người. Có thể nói, Phỏng vấn ma cà rồng là một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất về ma ca rồng, khi nó không chỉ là những câu chuyện tưởng tượng mà song hành cùng đó còn là những hiện sinh chủ nghĩa tiến bước song hành. 

Chuyện kể về Louis, chủ một điền trang ở Lousiana vì quá đớn đau trước cái chết của vợ và đứa con mới chào đời, đã xin ân huệ là cái chết từ Lestat – một con ma cà rồng lâu năm. Lestat đồng thời vừa muốn chiếm đoạt số gia sản ấy, lại vừa muốn có một người bạn cạnh cầu; vì thế đã không giết mà biến Louis trở thành ma cà rồng như y, và kể từ đó số phận hai người gắn với nhau. Thế nhưng, sâu trong Louis luôn là những dằn vặt giữa thiện và ác, giữa con người và ma quái. Nhận thấy Louis có khả năng rời bỏ mình, Lestat đã dùng Claudia như đứa con chung để níu giữ anh. Claudia ngày càng lớn lên, nhận ra trạng thái mắc kẹt mãi mãi trong thân thể đứa trẻ sáu tuổi của mình, đã cùng Louis bàn cách giết chết Lestat và tìm đến những con ma cà rồng khác để được tự do và hiểu thêm về cuộc sống này. Thế nhưng vì mắc tội giết đi đồng loại, cả hai người họ đều bị sự phản trắc dội ngược, và cái kết là Claudia bị ép thiêu rụi trong ánh nắng ban ngày. Louis vì quá hằn thù những kẻ ấy nên đã đốt trụi rạp xiếc cùng những con ma cà rồng. Đến cuối, Lestat vẫn ở đó và cầu mong Louis trở lại, nhưng chỉ nhận được lời từ chối từ anh.

Với Phỏng vấn ma cà rồng, Anne Rice không những thành công trong việc khắc họa những con ma cà rồng “điển hình” nhất (nếu so với Chạng vạng), mà còn thành công ở một mặt khác, về khía cạnh hiện sinh. Nói Louis và Lestat, nhưng dễ dàng nhận ra, đó cũng đồng thời là hai bản ngã của một con người. Ở đây, Claudia được thêm vào dưới nhân dạng một đứa trẻ như nỗi kinh hãi, kinh hãi thật sự khi mãi mãi phải chìm trong thân xác đứa trẻ sáu tuổi dẫu cho thời gian đã phôi phai 70 năm. Hành động giết chết Lestat của Claudia và Louis như tiếng gọi tha thiết tự do, và Louis khi đốt trụi Théâtre des Vampire của những con ma cà rồng làm hại Claudia, nó như tiếng thét cuối cùng của bản chất lương thiện. Ma ca rồng dù sao vẫn từng là người, họ muốn sống và được yêu thương; và một cách thật sâu, Anne Rice đã đưa chính những triết lý đơn giản này vào câu chuyện tưởng chừng không liên quan như thế.

Với hơn tám triệu bản được bán ra trên toàn cầu và sự bảo chứng thành công của bản chuyển thể điện ảnh vào năm 1994 cùng những tên tuổi đắt giá như Tom Cruise, Brad Pitt, Kirsten Dunst, Phỏng vấn ma ca rồng cùng với Queen of the Damned của nữ sĩ tài họa yểu mệnh Aaliyah thật sự là hai tượng đài của thể loại tiểu thuyết kinh dị gây ám ảnh. Anne Rice đã thành công khi làm nên một vũ trụ của những nhân vật như thế; và biết đâu ngay khi cơn sốt siêu anh hùng của Marvel nguội lạnh vì bội thực, một thế giới ma cà rồng khác sẽ lại lên ngôi, thế chỗ, và mang lại những giá trị hiện sinh đầy ý nghĩa như thế?

2. 172 giờ trên mặt trăng (Johan Harstad)

Mang trong mình đầy đủ yếu tố kinh dị thường thấy của những tiểu thuyết trinh thám Bắc Âu, 172 giờ trên mặt trăng đem đến một sự kinh hãi dần dần cho người đọc như cơn triều rút. Mở ra không gian vũ trụ không mấy thân quen ở thì tương lai, Johan Harstad tha hồ sáng tạo nên những nhân vật không thực – mà ở đây rõ ràng anh đã không làm người đọc thất vọng. Cái hay của Johan là không tạo nên những nhân vật quá phi logic, vượt quá xa hiểu biết con người hay quá mang tính thể nghiệm thực dụng; mà ở đây, anh dùng những câu chuyện dân gian đồng thoại, kết hợp cùng những cái thực làm ra một thế giới vừa ảo tưởng đấy lại vừa thật đấy, vừa kinh hãi ghê rợn đấy nhưng nghe trong đó tiếng cười lại thành xa xôi.

172 giờ trên mặt trăng

Là một tiểu thuyết gia viết cho lớp thanh thiếu niên, câu chuyện trong tác phẩm này cũng tràn đầy hơi thở tuổi trẻ như thế. Lấy bối cảnh cuộc trở lại mặt trăng sau thành công những năm 60, ba đứa trẻ được NASA tuyển chọn trên khắp thế giới mang vinh hạnh thực hiện thử thách này, nhưng đằng sau đó, là những âm mưu của người đứng đầu bộ sậu về những nghi ngờ lịch sử đã từng xảy ra. Ở đó, Mia, Midori và Antoine như ba chú chuột thí nghiệm bị nhốt trong chiếc lồng sắt DARIAH 2 trên Biển bình yên để chờ những kỳ dị tới. Ở đó, trên chính trạm không gian bị bỏ hoang từ lâu, bắt đầu xuất hiện những cái chết – cái chết bên ngoài không gian mỗi khi ai đó ra ngoài một mình hay cái chết đến từ bên trong, khi không khí đã dần cạn hết. Không dừng ở đó, Johan đẩy mạch truyện dần lên cao trào, khi ngoài cái chết, là chính khi con người ta lại phải đối diện với bản thân mình – một thể mang dáng hình mình lại không phải mình, một hệ song trùng vô cùng kinh hãi.

Nếu bỏ qua mạch truyện ban đầu đôi khi dài dòng lê thê, thì ở phần sau, tất cả đã mang cân bằng về lại cho tác phẩm này. Thế nhưng, đó thật sự là điều dễ hiểu, bởi nhẽ một tiểu thuyết viết riêng cho lớp thanh thiếu niên thì không thể thiếu đi đời sống của họ, nhịp điệu của họ. Johan cũng đồng khéo léo khắc họa được những vấn đề ở lứa tuổi ấy: là sự bốc đồng ngông cuồng với thứ nhạc Rock thập niên 60, là sự hảo danh của những đứa trẻ vẫn chưa kịp lớn, và cả tình yêu dẫu cho cuồng loạn. Với cú bùng nổ ở phía sau chót, Johan Hastard gợi ra một nỗi ám ảnh tưởng như vô song, một sự kích động mà những bộ phim như Us hay Truth or Dare đã từng làm được. Nhận giải Barge danh giá nhất Na Uy cho cuốn tiểu thuyết đầu tay, 172 giờ trên mặt trăng đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn, nhưng khi đến trang cuối cùng, cũng chính là khi adrenalin vượt khỏi trang giấy, chính ta sẽ thấy nó thật sự là cuốn sách lạ, và có thể, bởi sự dị kỳ, ta sẽ không còn bao giờ cầm lại đến lần thứ hai.

3. Đứa trẻ thứ 44 (Tom Rob Smith)

Tương tự 172 giờ trên mặt trăng, Đứa trẻ thứ 44 của Tom Rob Smith là cuốn sách đầu tay mang đến sự bùng nổ về tài năng cho chính tác giả. Được đề cử hơn 17 giải thưởng quốc tế trong đó có Man Booker, giành chiến thắng bảy giải, Đứa trẻ thứ 44 là cuốn sách trinh thám rất đáng để đọc những năm gần đây, sau những Hoa súng đen của Michel Bussi hay Chim cổ đỏ của Jo Nesbø.

Đứa trẻ thứ 44

Liên Xô những năm 1930 rúng động với hàng loạt những vụ giết người theo một motif kinh dị giống nhau: khi đó đều là những đứa trẻ bị cắt dạ dày, nhét vỏ cây vào miệng và chân bị cột chặt dây. Leo Demidov – nhân viên MGB, vì những quyết định tự trọng của mình đã tự sa lầy vào chính bộ máy chính quyền quan liêu, phải tự dấn thân tìm ra sự thật mà không có thêm một sự hỗ trợ nào khác, trừ người vợ mình – Raisa. Ở đó, Leo đồng thời song hành ở hai con đường, một chạy thoát thân khỏi những hiểm họa muốn lấy mạng anh và một tìm ra hung thủ đằng sau màn nhung. Và hơn cả thảy, cuối cùng là sự khó hiểu, một nỗi nhận thức thật sự muốn quên. Những chọn lựa nào dành riêng cho anh?

Tom Rob Smith một cách tài tình đã cân bằng được logic chặt chẽ với tình cảm chi phối; giữa trinh thám điều tra cùng hiện trưng xã hội. Như thế hệ tiếp sau của Georges Simenon với mảng trinh thám xã hội, Đứa trẻ thứ 44 là cuộc truy ngược về bản chất con người, về bộ máy quan liêu và trên hết, về chính tình người ta dành cho nhau. Ở đó có niềm tin, thất vọng, tuyệt vọng; có cái chết, hy vọng, sự sống,… Đọc cuốn sách này không đơn giản như cùng phá án, mà chính ở đó, ta như lần ngược về những sang chấn tâm lý, những câu hỏi nguyên thủy nhất về thực chất chúng ta là ai, tình cảm chúng ta là gì.

Sử dụng lối viết xen kẽ những khoảng thời gian cùng nhiều câu chuyện đa góc nhìn, Tom Rob Smith làm nên thế trận rối tung, nhưng dù sao nếu đủ tỉnh táo cùng một chút cảnh giác, ta vẫn có thể nhìn được vào sâu sự thật. Đứa trẻ thứ 44 vẫn không thoát khỏi những tình tiết đôi khi gượng ép không thật, bởi những dàn xếp quá nhiều đâm ra rất thiếu tự nhiên hay dễ đoán trước; nhưng dẫu sao, với một cấu trúc phức tạp và những sắp xếp gọn ghẽ, đây vẫn là cuốn sách khiến ta muốn cầm đến trang cuối cùng. Như một nhận định: “Đứa trẻ thứ 44 dữ dội như một con sói Nga. Nó tóm lấy cổ họng ta và không buông ra nữa”; nếu đủ can đảm vào một đêm Halloween khuya khoắt nào đó, hãy cùng đọc và đồng hành cùng Leo Demidov như vừa bước ra từ câu lạc bộ của Maigret, Harry Hole hay Poirot; phiêu lưu một chuyến đến vùng đất xa, để săn lũ mèo, tìm ra sự thật.

4. Hiệu cầm đồ số 8 (Thâm Tuyết)

Văn học châu Á từ lâu vẫn mang trong mình một sự bóc trần chủ nghĩa hiện thực mang đậm phong cách địa phương. Và Hiệu cầm đồ số 8 của Thâm Tuyết là không ngoại lệ, trên hết nó còn mở đầu như một chứng nhân cho phong cách rất riêng của văn học Hongkong, vốn từ trước đến nay luôn được biết đến như nền văn học của nhiều những cây bút trẻ, hơi thiếu cá tính, đôi khi mơ mộng.

Hiệu cầm đồ số 8

Hiệu cầm đồ số 8 thực chất là một tiểu thuyết hiện thực hiện sinh trong lớp vỏ của những tưởng tượng. Ở đó, hai nhân vật chính – ông chủ và Tinh; với nét tính cách, những mối quan hệ cùng những xuất thân, dễ gợi nhớ đến hai nhân vật của Anne Rice như đã nói trên. Khác với Anne Rice, Thâm Tuyết ở đây không quá đi sâu vào việc phân tích tâm lý, phát triển cốt truyện, hay tạo cú hook – mà cô đơn thuần kể lại như đang chứng kiến.

Đọc về cuộc đời của Tinh, đôi khi ta thấy hiện ra là cuộc đương đầu đối với số phận của người phụ nữ một lần nào đó đã từng thấp thoáng trong nhiều tác phẩm điện ảnh, từ một Lồng đèn đỏ treo cao cho đến Cao lương đỏ của Trương Nghệ Mưu; hay một điểm khác, là cái đói, cái nghèo, cái heo hút của Thu Cúc đi kiện,… Một cách giản dị mà không màu mè, Thâm Tuyết gom hết những thứ đặc trưng của vùng nông thôn Trung Quốc vào chung một mâm, để chúng tự nhiên hòa quyện vào trong tâm tưởng của mỗi người đọc, tự nhiên tuôn chảy như điều gì đó vốn đã từ lâu.

Với những tư liệu đắt giá vốn có thế này, Thâm Tuyết hoàn toàn có thể kéo dài mạch truyện để rồi phát triển ngày càng cao lên. Thế nhưng dường như cô rất tính toán và chỉ chọn ra những chi tiết thật sự đắt giá để mà đưa vào một lần rồi thôi. Đây là một nhân tố nữa làm nên chính sự cuốn hút của quyển sách này: sự vừa phải. Rõ ràng ở đây, Thâm Tuyết đã rất thành công trong việc miêu tả khía cạnh giả tưởng rất ư thật nhất. Yếu tố kinh dị tuy chỉ là phụ, thế nhưng lại là yếu tố cô làm tốt nhất. Những dòng miêu tả Hàn Nặc – hay chính con quỷ trong người cậu bé – luôn luôn khiến ta dựng hết tóc gáy mỗi lần đọc đến. Cô dùng chính lối tương phản giữa đứa trẻ con và một con quỷ để bật lên hết những niềm tàn ác. Đẩy lên cao trào, người cha trong chính cảnh này lại là chứng nhân tham gia can dự. Những đoạn hội thoại của hai cha con, hay chính con quỷ với người cha này – vô cùng sắc bén và rất gợi mở. Tuy chỉ là yếu tố phụ, thế nhưng Thâm Tuyết lại rất tài năng trong việc gợi mở một chiều kích khác, đánh sâu vào gai cảm giác của mỗi một người. Ngoài ra, một sự trùng hợp vô cùng kỳ lạ khi cả Anne Rice và Thâm Tuyết đều rất thành công khi đưa trẻ con vào trong câu chuyện của mình, và cũng kể từ đây, Claudia và Hàn Nặc thật sự trở thành hai trong số rất nhiều nhân vật trong các tiểu thuyết kinh dị mang nhiều những nỗi ám ảnh cho ai đã từng đọc đến.

Tạm quên đi các yếu tố làm nên những điểm đặc biệt cho tác phẩm này, thì phần còn lại của Hiệu cầm đồ số 8 xứng danh là một trong những tiểu thuyết tiêu biểu cho văn chương Hongkong. Cùng viết về tình yêu nhưng được đặt dưới lớp vỏ kinh dị, Thâm Tuyết lại một lần nữa mang đến cái kết vô cùng dễ chịu cho mỗi người đọc – hệt như là những bộ phim ta từng mê mẩn những năm còn trẻ. Cùng viết về tình yêu và ý nghĩa của nó, Thâm Tuyết nhẹ nhàng truyền đến người đọc thông qua cốt truyện rất ư mới lạ. Tuy phần sau của tiểu thuyết này rất dễ đoán ra, cùng những tình tiết không hẳn logic hay những lời văn đao to búa lớn, chi tiết khoa trương rất không cần thiết; thế nhưng nhìn chung, Hiệu cầm đồ số 8 là tác phẩm lạ và vô cùng độc đáo, như một phiên bản phương Đông của Phỏng vấn ma cà rồng, nhẹ nhàng và khắc sâu hơn.

Hết.

Ngô Thuận Phát


Đọc những bài viết của Ngô Thuật Phát.


2 Comments

2 Bình luận

  1. Pingback: Kỳ 3 – Tham ăn: Thao Thiết, kỳ thú Trung Hoa – Bookish

  2. Pingback: Kỳ 5 – Trụy lạc: Siren, tiếng ca dẫn lối vào nấm mồ – Bookish

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Phía sau trang sách

Nắng Tháng Tám: Màn trình diễn ấn tượng của William Faulkner

Published

on

By

Nắng tháng Tám diễn ra ở vùng Nam Mỹ vào những năm 1930 và trung tâm câu chuyện xoay quanh vụ án mưu sát một người phụ nữ tên Joanna Burden, người địa chủ bị hầu hết những người dân trong vùng khinh ghét vì quá khứ gia đình. Thông qua quá trình kể câu chuyện này, bí mật của những nhân vật khác cũng dần được tiết lộ. Truyện được viết với thời gian phi tuyến tính, gợi nhớ đến lối kể truyện truyền miệng, đường dây câu chuyện thường xuyên bị ngắt giữa chừng và những nhân vật khác thay phiên nhau tiếp nối mạch truyện. Các nhân vật đều là những con người bị gạt ra khỏi xã hội. Vì vậy, câu chuyện là cái nhìn về xã hội từ ngoài rìa của những con người không còn thuộc về nó nữa.

Tiểu thuyết chia làm ba đường dây câu chuyện riêng biệt, cuối cùng tất cả đều liên kết nhau bằng kết thúc bùng nổ với bạo lực. Một phong cách rất Faulkner. Nhưng khác với những tiểu thuyết khác viết theo phong cách này ở chỗ: cuối cùng nhân vật chính trong mỗi câu chuyện thường gặp nhau thì Faulkner lại không bao giờ tạo ra một cảnh chung có cả Christmas và Lena – hai trong số ba nhân vật chính. Mặc dù dường như họ được kết nối với nhau một cách vô hình: có thể Chirstmas vừa là hóa thân ẩn dụ cho người cha của đứa trẻ trong bụng Lena, đồng thời lại chính là đứa trẻ đó. Đứa trẻ là câu trả lời của Faulkner cho định mệnh tàn bạo không thể tránh khỏi đã nguyền rủa vùng đất phía Nam ấy. Chẳng có lối thoát nào cho những tổn thương quá khứ ngoài việc tự tạo nên những mầm hi vọng mới. Và Faulkner để cho chúng ta tìm ra điều ấy ở đứa trẻ của Lena.

Ở Nắng tháng Tám, Faulkner đã cho thấy một thế giới có chuẩn mực xã hội quá khắt khe, thiếu linh động, bảo thủ và con người phải chịu đựng bằng cách vờ như khuất phục khối bêtông hiện thực của ngoại giới, của những sự việc dường như chẳng liên quan đến họ. Đó là một thế giới chẳng có gì thích ứng với nhau, chẳng có điều gì kết nối, và Faulkner cũng không cố gắng tìm ra sự kết nối. Ông chỉ trộn lẫn chúng vào nhau trong hệ thống câu chuyện của mình để chúng ta cảm nhận những nghịch lí đó.

Nhận xét của báo chí thế giới

Nói rằng Nắng tháng Tám là một màn trình diễn ấn tượng thật chẳng phải là nói quá chút nào… Faulkner không chỉ tích hợp trong cuốn sách này thứ văn phong quyến rũ của sức mạnh và cái đẹp: ông còn cho phép một vài nhân vật của mình, nếu không phải là nhân vật chính, thỉnh thoảng được quyền hành động vô cớ, nằm ngoài những khuôn mẫu xã hội… Nghĩa là, Faulkner tự cho mình lí lẽ và sự thương cảm đối với hệ thống trong thế giới của ông.

J. Donald Adams | New York Times

Quyển sách như rực lửa với sự phẫn nộ dữ dội trước bạo lực, sự ngu ngốc và lòng kiêu hãnh – một quyển sách tuyệt vời.

Spectator

Faulkner có một sức sáng tạo không mệt mỏi, trí tưởng tượng phong phú, và ông thường viết như một thiên thần.

Arnold Bennett

Kodaki
dịch và tổng hợp từ nhiều nguồn

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Tình miệt thứ trong phù sa câu chữ

Published

on

By

Tập truyện ngắn này bao gồm những truyện mà tôi thích. Khi tập hợp để in thành sách, tôi ngồi lựa chọn lại thật kỹ càng, bởi tôi mong muốn trao gởi đi những điều trân quý nhất của mình dành cho độc giả, như một lời tri ân cho những người đã ưu ái đồng hành cùng văn chương của mình.

12 truyện ngắn này là những câu chuyện của miệt đồng bưng chín nhánh sông mà đâu đó trong cuộc đời chúng ta vẫn thường bắt gặp. Xoay quanh những câu chuyện là chữ “tình”. Tôi vẫn thường nghĩ, con người ta trong cuộc đời này chẳng ai thoát khỏi được chữ tình. Chữ tình quấn lấy chúng ta, dắt dìu chúng ta đi qua nỗi buồn, dẫn chúng ta chạm đến niềm vui. Chữ tình khiến chúng ta đắng đót với niềm đau nhưng cũng chính cái chữ tình đó lại là nỗi thương để chúng ta bám víu vào mà sống hết đoạn đời phù sinh thế thái này.

Người viết vì tình mà viết. Người đọc vì tình mà buồn vui theo từng con chữ, xa xót theo từng phận đời, và hả hê với điều thiện lành được hồi đáp sau bao đoạn trường trầm luân.

Có một lần ngồi trên chuyến phà đêm Châu Giang, tôi chợt nghĩ mình chỉ là một dòng phù sa của muôn triệu dòng phù sa đang chảy tràn khắp miệt đồng bưng châu thổ. Tôi đem đến những điều dung dị, chất phác và hào sảng như là bản tính vốn dĩ của người Cửu Long đã ăn sâu vào gốc rễ nội tâm và căn cơ chính mình.

Có bận tôi về Đồng Tháp, ghé cái chợ quê mà hồi nhỏ hay để dành năm trăm, một ngàn để mua dăm ba thứ bánh quê, tôi ngồi sụp xuống và lựa chục loại rồi hí hửng xách lên chạy về khoe với mấy cậu mấy dì. Tôi chẳng thể ăn hết được mớ bánh hôm đó, nhưng vui lạ lùng. Thể như tôi tìm thấy chính mình sau những đãi bôi thị thành. Tôi thấy niềm vui của mình sao giản đơn đến lạ! Hóa ra mỏi gót điêu linh nơi phố xá hào nhoáng thì cái gốc rạ chân quê vẫn là thứ mà tâm tưởng chính tôi luôn hoài vọng.

Có lẽ, dấu chân tôi chưa đi hết nổi dải đất bạt ngàn phù sa miền Tây, đôi tai chưa nghe hết chuyện hào sảng xứ này, đôi mắt chưa thể tận tường hết những thứ đẹp đẽ của sóng nước bưng biền, hay thâm tâm chưa thể trọn vẹn thấu hiểu hết vùng châu thổ, nhưng tôi vẫn luôn thích viết về xứ này. Cái xứ gì mà hổng hết chuyện để viết. Có lần tôi nói vậy với một bạn văn phía Bắc. Bạn nói, thì cứ viết đi, viết đến cạn cùng cuộc đời, chưa chắc viết hết trọn một vùng đất. Bởi đất ôm cả đời người. Người ta sống thác gì đó, gieo neo dâu bể thế nào thì cũng về với đất quê xứ mình mà thôi!

Vậy nên, tôi cứ viết hoài về miền đất này, ngõ hầu đem đến cho độc giả của mình cái “tình” miệt thứ, cái “thương” đồng bưng. Càng viết tôi lại càng thấy mình như mắc nợ vào sóng nước phù sa câu chữ. Viết hoài hổng hết. Viết hoài vẫn cứ muốn viết.

Viết và gởi đến độc giả đã thương yêu câu chữ của mình, cũng như nếu một ai đó hữu duyên cầm trên tay cuốn sách nhỏ này, thì mời bạn một lần lắng lòng lại, lật từng trang sách, nghe tôi kể chuyện buồn miệt thứ. Nhưng mà, người miệt thứ buồn đó rồi lại vui đó, như sóng nước xứ này vơi rồi lại đầy, như phù sa châu thổ muôn đời vẫn dâng người những mùa màng tốt tươi.

Tống Phước Bảo

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Hồ: Một nỗi buồn điềm tĩnh và dịu dàng

Published

on

By

Tiểu thuyết Hồ của Banana Yoshimoto viết về những nỗi đau, những mất mát của con người và cách họ vượt qua nó. Các nhân vật trong Hồ như Chihiro, Nakajima, Mino, Chii… đều có những thương tổn sâu sắc trong quá khứ. Với đề tài như thế, câu chuyện sẽ dễ sa đà vào nhiều trường đoạn cảm xúc nặng nề nhưng Banana vẫn luôn giữ được sự điềm tĩnh, dịu dàng trong văn phong giống như ở những tác phẩm trước đây đã quen thuộc với bạn đọc Việt Nam như: Kitchen, Vĩnh biệt Tugumi, N.P…

Hồ được Banana lấy cảm hứng từ câu chuyện của giáo phái Aum Shinrikyo. Độc giả có thể nhận thấy mô hình công xã mà Nakajima sống ngày còn nhỏ phần nào tương tự với mô hình của giáo phái này. Aum Shinrikyo cũng xuất hiện trong tác phẩm 1Q84 của Murakami Haruki dưới hình thức hư cấu. Qua đó, người đọc thấy được sự khác biệt trong cách khai thác cùng một chủ đề của hai nhà văn. Nếu như trong 1Q84, Haruki đề cập nhiều đến những tác động chính trị – xã hội xoay quanh mô hình phi nhân của Aum thì ở Hồ, Banana chọn một góc nhỏ để viết về hậu chấn tinh thần của những đứa trẻ khi phải chịu sự giáo dục tẩy não trong một cộng đồng không đề cao cái tôi cá nhân. Và chi tiết mà Banana chọn để khắc họa nỗi đau của những đứa trẻ ấy khi lớn lên vừa đơn giản, vừa ám ảnh: Nakajima kẹp vỉ nướng bánh dày vào nách khi ngủ mỗi lần “cảm thấy sắp mơ phải cái gì đáng sợ” bởi đó là vật mà mẹ cậu rất quí; Chii mãi chìm đắm trong những giấc ngủ; Mino sống lặng lẽ từng ngày và đôi khi truyền hộ thông điệp mà người em gái say ngủ muốn nói cho người khác…

Nỗi buồn của các nhân vật dù được Banana viết ra thật nhẹ nhàng nhưng không vì thế mà người đọc có cảm giác hời hợt. Bởi vì, cái đau của họ không phải là cái đau của một người vừa qua cơn khủng hoảng tâm lí, vẫn chưa hết bàng hoàng và không thể chấp nhận hiện thực. Ngược lại, họ tự tách mình ra khỏi chính bản thân mình, đứng ở một nơi xa để ngắm nhìn nỗi đau của mình, chịu đựng nó, chấp nhận nó. Đó là cách để họ vừa giữ lại những kỉ niệm tươi đẹp trong quá khứ, vừa giữ lại nỗi buồn đã tiềm ẩn trong kí ức ấm áp ấy.

Đọc bài viết

Cafe sáng