Phía sau trang sách

Sự bất tử

Published

on

Tôi mất một năm để dịch xong cuốn sách ấy và nhiều năm sau để tiếp tục suy nghĩ về từng thông điệp mình đã nhận được.

Thậm chí lúc gõ ra những từ này, tôi vẫn chưa thực sự hiểu anh, Louis. Và đó là khoảng cuối năm 2018. Sau 3 năm, có lẽ bây giờ tôi đã gần điểm chạm hơn một chút.

Ma cà rồng trong thế giới của Anne Rice hiếm khi chết do tác động ngoại cảnh, mà thường là tự kết liễu. Họ tồn tại hàng trăm năm, chứng kiến thế giới lột áo mới hết lần này đến lần khác. Giá trị văn hoá cũ mai một, giá trị tư tưởng cũ bị cười cợt. Gia đình, bạn bè lần lượt qua đời và sau đó là cả một thời đại xuống mồ. Những cỗ xe ngựa bị ô tô thay thế; đèn khí biến mất và đèn cao áp xuất hiện; những toà nhà lai tạp kiến trúc Pháp, Tây Ban Nha và Mỹ mọc lên trên khắp nẻo đường New Orleans.

Ma cà rồng trở thành những linh hồn già cỗi và thủ cựu, đầu óc chai sần vì phải nếm trải quá nhiều sự tàn độc từ chính mình lẫn loài người. Tình yêu nói riêng, cảm xúc nói chung đều chẳng có nghĩa lý gì cả. Con người không bất tử. Và cũng chẳng ma cà rồng nào chịu đựng được đồng loại cho đến ngày tàn của vũ trụ.

Tranh Vanitas Still Life with a Tulip, Skull and Hour-Glass của Champaigne, Philippe de

Tại sao phải hiểu cho nhau nếu ta còn hàng trăm ngàn năm để nhìn vào mâu thuẫn? Nếu không có sự chết thì lòng vị tha hay đạo đức đều chỉ là triết lý giẻ rách. Chẳng có gì là hiện sinh hay vị lai trong cuộc đời vô tận. Mọi giá trị vật chất chỉ là nắm đất mớ cát bởi không có khao khát hay dục vọng nào để trao đổi. Kiến thức tích lũy vài thế kỷ cũng là đồ bỏ khi mất đi mục đích sống. Ở đó, chỉ còn hư vô.

Có một tác giả cho rằng, mọi ma cà rồng đều tồn tại với tư tưởng của Friedrich Nietzsche, bởi vì họ bất tử và họ muốn trở nên bất bại. Nhưng tôi không đồng ý. Có thể ma cà rồng trong thế giới của Anne Rice tồn tại với tư tưởng Nietzsche thật, nhưng đó là vì: “One has to take a somewhat bold and dangerous line with this existence: especially as, whatever happens, we are bound to lose it.” – (Nietzsche viết trong Untimely Meditations)

Sự sống đáng giá là bởi chúng ta có thể mất nó, bất cứ khi nào. Trong sự bất tử không có yếu tố then chốt này.

Vậy nên kết cục cho họ luôn luôn là như thế – như ma cà rồng Armand từ từ tiến về phía dòng sông và biến mất tựa phù du. Sự bất tử là hình phạt nặng nề nhất, bởi món quà đính kèm chính là trạng thái hữu tri vô giác, chỉ còn lại đúng một nỗi cô độc khủng khiếp như hố đen nuốt chửng những sinh vật này cho đến lúc lụi tàn.

Tôi đã lần hồi dò lại trong mỗi chương tiểu thuyết mình từng đi qua để chạm được vào tiềm thức của anh, Louis. Và chặng đường ấy diễn ra như thế này.

“Những người từng đến với New Orleans đều để lại nơi đây dấu ấn khó phai nhòa. Một số công trình kiến trúc bằng gạch, đá và cẩm thạch của thành phố xưa vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay. Ngay cả khi những ngọn đèn khí bị đèn điện thay thế, những chiếc máy bay xuất hiện và những tòa nhà chọc trời mọc lên chật kín đường Canal, vẻ đẹp một thời vang bóng của New Orleans vẫn còn đó. Tất nhiên, không phải con đường nào cũng còn dấu ấn cổ xưa. Nhưng đối với ta, mảnh đất đó luôn là New Orleans của trăm năm về trước. Mỗi lần dạo bước trên những con đường đêm đầy ánh sao của Quận Garden, ta lại thấy như thời gian chưa bao giờ trôi đi. Có lẽ đó là bản chất của cái gọi là di tích. Những dấu ấn để lại, bất kể chỉ là một ngôi nhà nhỏ hay một tòa lâu đài với những cột trụ Corinth khổng lồ và những mảng hoa văn tinh tế bằng sắt rèn, đều có thể khiến chúng ta có cảm giác như quá khứ vẫn đang tiếp tục chảy trôi trong thì hiện tại. Mặt trăng hôm nay vẫn rọi sáng bầu trời New Orleans như mặt trăng năm xưa. Chỉ cần những dấu tích đừng biến mất thì cảm xúc trong ta sẽ không thay đổi.”

2

“Ta sẽ đặt cuốn sách xuống và nhìn ra ngoài cửa sổ, cảm nhận từng nhịp đẩy đưa của đại dương, ngắm muôn vì tinh tú sáng rõ hơn trên đất liền nhiều lần đang sà xuống để chạm lên những con sóng. Khi ta đang ngồi một mình trong cabin tăm tối, dường như bầu trời đã hạ xuống để gặp đại dương và những bí mật lớn đã được tiết lộ trong cuộc hội ngộ đó, những hố sâu thăm thẳm sẽ vĩnh viễn khép lại một cách diệu kỳ. Nhưng khi trời và biển vẫn chưa phân biệt rạch ròi, cũng như khi trần gian còn trong thuở hỗn mang, ai đã tiết lộ bí mật vĩ đại đó? Chúa ư? Hay là Satan? Ta bỗng nghĩ đến niềm an ủi vĩ đại khi được gặp Satan, được nhìn thẳng lên khuôn mặt ngài, không cần biết khuôn mặt đó kinh dị tới mức nào. Nếu được biết mình hoàn toàn thuộc về ngài, ta sẽ được an ủi và giải thoát khỏi nỗi thống khổ vì sự ngu dốt của bản thân. Rồi ta có thể vén lên những bức màn đã chia cắt ta vĩnh viễn với cái gọi là nhân loại.

Ta cảm thấy con tàu đang tiến đến ngày một gần với bí mật đó. Bầu trời dường như không có điểm kết thúc, nó bao trùm lấy ta bằng vẻ đẹp huy hoàng và sự tĩnh lặng không cùng. Nhưng từ giải thoát nhanh chóng biến thành cơn ác mộng trong ta. Bởi làm gì có sự giải thoát nào cho kẻ đã bị nguyền rủa vĩnh viễn, làm gì có sự giải thoát nào. Ta tự hỏi nỗi đau khổ này có thể so sánh với những ngọn lửa vĩnh cửu của địa ngục hay không? Những con sóng cuồn cuộn dưới muôn vì tinh tú vĩnh hằng kia thì liên quan gì tới Satan? Khi chúng ta còn thơ dại, cảnh tượng hùng vĩ ấy chẳng có nghĩa lý gì bởi chúng ta còn đang mải mê vật lộn với những khát vọng cuồng điên khác. Khi ấy, chúng ta hiếm khi coi sự bình yên là điều đáng mơ ước: những thiên thần tối cao vĩnh viễn ngước nhìn lên khuôn mặt Chúa Trời và vẻ mặt ngài vĩnh viễn thanh thản. Trong quyền năng của ngài, chiếc nôi đại dương dịu dàng này chẳng qua chỉ là một lời hứa nhỏ nhoi mà thôi.

Nhưng ngay cả trong giây phút này, khi con tàu đang ngủ và cả trần gian đều đang say ngủ, những nghĩ suy về thiên đàng và địa ngục không còn là nỗi đọa đày của ta nữa. Nó đã trở thành hiểu biết, thành niềm tin, cả hai điều đó hoặc chỉ một trong hai thôi… có lẽ là sự cứu chuộc duy nhất mà ta dám mơ ước.”

3

“Tôi không biết là một đứa con lại có quyền giải phóng cho cha mẹ nó. Tôi không biết là mình có thể không gắn bó với cô bé nữa, cho đến chừng nào… Ta ngừng lời. Ta đã định nói: Cho đến chừng nào cô bé vẫn còn sống trên đời. Nhưng ta nhận ra đó là một tuyên bố phàm tục vô nghĩa. Cô bé sẽ sống vĩnh viễn, cũng như ta vậy. Nhưng chẳng phải bất kỳ người cha nào trên đời này cũng phải trải nghiệm điều đó sao? Con gái họ sẽ sống vĩnh viễn vì họ sẽ là người chết trước. Đột nhiên ta bị mất phương hướng.”

“‘Claudia là cả một thời đại đối với anh, một thời đại của cuộc đời anh. Nếu anh rời xa cô bé, anh sẽ rời xa người duy nhất còn sống đã cùng anh bước qua thời đại đó. Anh sẽ hoảng sợ trước sự cô độc, gánh nặng và phạm vi không thể đo đếm được của cuộc sống vĩnh hằng.’

‘Đúng, đó là sự thật, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ của lý do mà thôi. Thời đại – điều này vốn không nghĩa lý gì lắm với tôi. Quả thực Claudia đã mang lại cho nó những ý nghĩa nhất định. Nhưng những ma cà rồng khác cũng đã trải nghiệm và sống sót qua quãng thời gian kéo dài hàng trăm thời đại đó rồi.

Nhưng họ không hề sống sót,’ Armand nói. ‘Thế giới này sẽ tràn ngập ma cà rồng nếu họ thực sự sống sót được. Anh nghĩ bằng cách nào mà tôi đã trở thành ma cà rồng già nhất ở đây cũng như trên khắp thế gian này?’

Ta ngẫm nghĩ về điều đó rồi đánh bạo nói, ‘Những ma cà rồng khác đã bị giết?’

‘Không, gần như là không bao giờ. Việc đó không cần thiết. Anh nghĩ có bao nhiêu ma cà rồng đủ sức chịu đựng sự bất tử? Không sớm thì muộn, họ sẽ bắt đầu có những ý niệm ảm đạm về cái giá phải trả cho cuộc sống vĩnh hằng. Trên con đường bất tử, họ muốn mọi thứ cũ trong đời họ vẫn phải được bảo toàn và không thể bị hủ hóa: những cỗ xe ngựa phải có thiết kế mà họ tin cậy, quần áo phải được cắt đo theo đúng tiêu chuẩn xưa cũ của họ, những người đàn ông phải ăn mặc cũng như trò chuyện theo đúng kiểu cách mà họ vẫn luôn hiểu và kính trọng. Khi mà, trên thực tế, mọi thứ đều thay đổi thì chỉ có ma cà rồng là vẫn như cũ. Mọi thứ đều thay đổi, chỉ có ma cà rồng là thực thể duy nhất vẫn mãi mục nát và méo mó. Chẳng mấy chốc, với một tâm trí không linh hoạt và kể cả với tâm trí linh hoạt nhất, sự bất tử này sẽ trở thành hình phạt ăn năn trong nhà thương điên của những hình hài vô cùng khó hiểu và vô giá trị. Trong đêm, một ma cà rồng sẽ thức dậy và nhận ra điều mình đã khiếp sợ có lẽ là trong hàng thập kỷ qua là gì. Hắn đơn giản là không cần cuộc sống này nữa, dù là với bất kỳ cái giá nào. Mọi nét đặc trưng, kiểu cách và dáng hình đã từng khiến sự bất tử hấp dẫn trong mắt hắn đều sẽ bị quét sạch khỏi mặt đất. Và không còn gì ở lại để giúp hắn thoát được khỏi cảm giác tuyệt vọng ngoài trừ việc giết chóc. Và ma cà rồng đó sẽ chết. Không ai sẽ đi tìm hài cốt của hắn. Không ai biết được hắn đã đi đâu. Và thường thì cũng không còn ai bên cạnh hắn – lẽ ra hắn vẫn nên tìm kiếm trong số các ma cà rồng khác một bạn đồng hành. Không ai biết được là hắn đang chìm trong tuyệt vọng. Hắn đã chấm dứt việc nói từ rất lâu rồi, cho dù là về bản thân hắn hay về bất cứ ai. Hắn sẽ biến mất.’”

Vậy mà sau câu chuyện rất dài, rất u tối, rất chi tiết (thậm chí quá chi tiết) của anh, khẩn cầu duy nhất của tay phóng viên vẫn là: “Xin hãy cho tôi một cơ hội trở thành ma cà rồng.”

Thật đáng buồn phải không, Louis?

Hải Âu

Click to comment

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Phía sau trang sách

Đời sống thật đẹp, thật buồn nhưng đầy mong manh

Published

on

By

Được Amazon và hàng nghìn độc giả Goodreads bình chọn là cuốn sách hư cấu hay nhất của năm 2022, Ngày mai Ngày mai và Ngày mai nữa từ tác giả Gabrielle Zevin là một bản hùng ca về tình bạn, tình yêu và tuổi trẻ, được viết thông qua những trò chơi điện tử cuốn hút và đầy độc đáo.

Tác phẩm xoay quanh 3 nhân vật chính gồm Sam Masur, Sadie Green và Marx Watanabe. Trong khi Sam và Sadie đã quen biết nhau từ khi rất nhỏ, nhưng vì một hiểu lầm ngờ nghệch từ tuổi ấu thơ mà họ cắt đứt liên hệ và không còn nhìn thấy nhau; thì hơn 10 năm sau, vào một ngày tháng 12 lạnh giá, Sam vô tình nhìn thấy Sadie, từ đó nối lại mối quan hệ xưa. Lúc này họ đã trưởng thành và đang đứng trước cánh cửa cuộc đời. Với sự tham gia của Marx – bạn thân của Sam – cả 3 đã thiết lập nên một đế chế trò chơi điện tử của riêng mình, nhưng cũng từ đó mà những diễn biến tình cảm bắt đầu phức tạp và khó đoán hơn.

Câu chuyện giữa những tri kỷ

Ở đây cảm xúc giữa những tri kỷ đã được nữ tác giả thể hiện một cách đặc biệt. Đó là Sam và Sadie, những đứa trẻ bị tổn thương từ nhỏ, người tìm thấy được những sự ủi an qua người còn lại. Nếu Sam có một cuộc đời không thể tệ hơn: mẹ qua đời từ sớm, lâm vào nghèo túng vì không muốn ông bà ngoại lo, cha bỏ đi, bị phân biệt vì nguồn gốc xuất thân cũng như chân cẳng bị tật… thì Sadie tuy đến từ một gia đình thượng lưu ở khu Beverly Hill xa hoa, thế nhưng ngay từ rất nhỏ cô đã không hưởng được sự trọn vẹn từ cha mẹ mình, bởi người chị Alice bị bệnh ung thư đã cướp hết những sự quan tâm… Bằng sự tình cờ hay một sắp đặt nào đó của số phận, họ đã gặp gỡ và rồi kết nối thông qua các tựa game xưa.

Bìa sách Ngày mai, ngày mai và ngày mai nữa. Ảnh: Bookish

Cho đến một thập kỷ sau, vẫn Sam đau khổ, bị cái chân hành hạ với một tình cảm không thốt thành lời, gặp lại Sadie giờ đang chìm trong một cơn khủng hoảng về mối quan hệ mà cô có với một người đàn ông đã có gia đình… Cả 2 đã cùng nhau thực hiện tựa game Ichigo về một đứa bé rời xa vòng tay cha mẹ ngay từ rất sớm, nhưng đó cũng là một phiên bản khác về 2 người họ - những người đã phải tự mình tìm lối đi riêng trong một thế giới đầy nhẫn tâm và bóng tối. Chính 2 tâm hồn sáng bừng trong đêm đã cứu rỗi nhau và giải thoát nhau, bởi họ hiểu nhất người kia cần gì, và tình cảm ấy cũng là bất khả thốt lên thành lời.

Vì vậy cho đến cuối cùng thì 2 người họ không đến gần hơn cũng không xa hơn, nhưng luôn hiện diện khi người còn lại một khi cần chúng. Bởi lẽ “chính trái tim - đúng hơn là phần ý thức con người thể hiện qua trái tim - mới là điều bí ẩn”, cho nên không phải tình yêu hay là tình bạn, mà chính sợi dây của sự thấu hiểu cũng như đồng cảm đã kết nối họ lại cùng với nhau. Bởi như Sadie đã sớm nhận ra: “Người ta tạo ra mô hình thủy tinh của những thứ đang héo tàn, rồi đem chúng trưng bày trong viện bảo tàng. Nhân loại thật lạ kỳ, nhưng đồng thời thật đẹp đẽ. Mà cũng thật mỏng manh”.

Tác giả Gabrielle Zevin

Cũng chính vì thế mà dẫu cho Sam lỡ mất bao lần xác nhận tình cảm của mình dành cho Sadie, hay cũng đồng thời là phía ngược lại, thì ta luôn biết họ vẫn ở đó và dành cho nhau. Như Sam từng nói: “Chấp nhận chơi với ai đó mang tới rủi ro không nhỏ. Nó đồng nghĩa với cho phép bản thân mở lòng, phơi bày tất cả, chấp nhận bị tổn thương”. Cả 3 con người trong cuốn sách này dù phải trải qua những lần đau khổ cũng như niềm vui, những sự bội phản cũng như trung thành… thế nhưng họ luôn tìm thấy ở nhau một sự an ủi. Đó là tình cảm mà những tri kỷ dành riêng cho nhau, được thử thách qua tuổi trẻ, sự bồng bột, thành công lẫn thất bại, để từ đó mà họ nhận ra mình không chọn nhầm người.

Vì vậy Ngày mai, Ngày mai và Ngày mai nữa là một tác phẩm thật đẹp, thật buồn và đầy mong manh. Bởi tình cảm giữa bộ 3 ấy không phải là thứ mà ai trên cuộc đời này cũng tìm thấy được. Nó ủi an, xoa dịu những độc giả cảm thấy cô đơn trên hành trình của bản thân mình, nhưng cũng đồng thời cho ta sức mạnh và sự an yên để nhìn lại những mối quan hệ bản thân đã có. Có thể mọi thứ ta đã xác lập trong cuộc đời này đã từng có tên, nhưng chính qua cuốn tiểu thuyết, ta lại thấy nó muôn hình muôn vẻ và rất huy hoàng.

Từ giả lập đến đời thực

Và cũng có thể vì lý do này mà tựa sách cũng như cấu trúc đã được xây đắp từ những trò chơi điện tử, bởi một trò hay dẫu là rất khó nhưng rất công bằng, còn cuộc đời thực sẽ luôn bất công. Và cũng bởi chính những sự đẹp đẽ, mong manh và dễ chịu ấy nó khiến người ta muốn sống thêm ngàn lần nữa, để ta sẽ có vô hạn lần tái sinh, vô hạn lần sửa sai và sau ngày mai lại là ngày mai và ngày mai nữa. Nó là vòng lặp sẽ không bao giờ có thể khép lại, bởi khi càng đi ta càng khám phá thêm nhiều điều nữa, bởi không có thất bại nào là vĩnh cửu cả, và chẳng có gì là vĩnh cửu hết.

Một điều không thể phủ nhận là thành công của Ngày mai, Ngày mai và Ngày mai nữa nằm ở chủ đề phổ quát cũng như phương tiện mà chính từ đó nữ tác giả Gabrielle Zevin bám vào rất vững. Đối với thế hệ gen X hoặc gen Y, những trò chơi như Super Mario, Final Fantasy, Donkey Kong… đã là tuổi thơ của bản thân họ. Ở giai đoạn ấy họ có được những người bạn – những cộng sự mà mục tiêu duy nhất là cùng nhau vượt qua vô vàn thách thức cũng như khó khăn mà các trò chơi mang đến. Thông qua điều đó mà phần đông độc giả cũng tìm lại mình, và thấy một mẫu nào đó của chính bản thân trong các nhân vật.


Ngoài ra chủ đề của cuốn tiểu thuyết cũng rất phổ quát, khi nói về tuổi trẻ, tình bạn, tình yêu, hoài bão và sự nỗ lực. Cũng như nhiều tác phẩm của Hanya Yanagihara hay Sally Rooney, ở cuốn sách này, thất bại cùng với thành công luôn song hành nhau, và thế hệ Millennials chính là độ tuổi cảm nhận được mình một cách rõ nhất. Gabrielle Zevin không hồng hóa hay tiến hành làm các nhân vật trở nên hoàn hảo, mà chính sự bất toàn, đầy rẫy khiếm khuyết… khiến cho độc giả cảm thấy chính bản thân họ cũng từng trải qua những giai đoạn ấy.

Ngoài điều đó ra thì tác phẩm này cũng đã đề cập một cách phong phú đến những vận động của xã hội ngoài kia. Đó là một thời của phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, phân biệt giai cấp. Khi đến gần mốc của ngày hiện tại, ta sẽ lại thấy những chỉ dấu của chiếm dụng văn hóa hay sự phụ thuộc một cách quá mức vào không gian mạng… Ở bất kỳ đâu ta cũng dễ thấy một sự quá khích và thiếu thấu hiểu của chính con người. Nhưng qua rất nhiều nhân vật đã sống cùng nhau một đời trọn vẹn, mà những mất mát và thiếu sót này cũng được lấp đầy, để không một ai sẽ phải sống trong một thế giới thực nhưng vẫn mơ về những không gian ảo mà ở nơi đó họ được là mình.

Vì thế có thể nói rằng Ngày mai, Ngày mai và Ngày mai nữa là một cuốn sách dành cho mọi người, nơi người ta có dịp nhìn lại, được luyến nhớ quá khứ cũng như tìm thấy được sự đồng cảm dù là thất bại hay sự thành công của những ngày này. Bằng cách viết nhẹ nhàng, điềm tĩnh, các nhân vật tự mình bộc lộ hoặc cho thấy được những cá tính riêng thông qua góc nhìn của phía đối diện, từ đó mà phía độc giả có dịp khám phá và tự nhìn lại những ngày đã qua, với những con người mà họ đã là một phần đời mình.

Đọc sách hay, gửi ngay bài review cho Bookish.vn

Bạn đọc sách và muốn chia sẻ những cảm nhận, hãy viết review và gửi đến chúng tôi. Bookish.vn có chuyên mục “Phía sau trang sách” – nơi đăng tải review sách do bạn đọc gửi đến email: truyenthong@pnc.com.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.
Đọc bài viết

Phía sau trang sách

‘Lập trình hạnh phúc’ để sống tích cực

Published

on

Sách nêu nhiều phương pháp dễ thực hành để phát triển cảm giác cân bằng, ổn định, nhận thức giá trị bản thân và đạt được sự bình an nội tâm.

Tiến sĩ Rick Hanson là nhà tâm lý học, thành viên cao cấp của Trung tâm Khoa học Greater Good, thuộc Đại học California, Berkeley, Mỹ. Ông từng diễn thuyết tại NASA, Google, Oxford, Harvard, và giảng dạy tại các trung tâm thiền định trên toàn thế giới.

Các cuốn sách NeurodharmaResilientBuddha’s BrainJust One ThingMother Nurture của ông đã được xuất bản bằng 29 ngôn ngữ, với 900.000 bản tiếng Anh. Một trong số những tựa sách nổi bật của ông không thể không nhắc đến Hardwiring Happiness (Lập trình hạnh phúc).

Dựa trên nền tảng khoa học về bộ não, tiến sĩ Rick Hanson - tác giả có lượng sách bán chạy nhất New York Times - đã viết tác phẩm thiết thực với nhiều phương pháp dễ thực hành để phát triển cảm giác cân bằng, ổn định, nhận thức giá trị bản thân và đạt được sự bình an nội tâm.

Bìa sách Lập trình hạnh phúc, tác giả Rick Hanson, Ph.D.

Sức mạnh nội tại chúng ta cần để có thể sống khỏe mạnh, đương đầu nghịch cảnh và thành công được xây dựng từ cấu trúc não bộ.

Trong quá trình tiến hóa, não bộ buộc phải tự hình thành cơ chế phòng vệ để thích nghi, khiến nó trở thành cái băng dính đối với trải nghiệm xấu nhưng lại trở nên trơ lì với trải nghiệm tích cực.

Dần dần, điều đó khiến chúng ta cảm thấy lo lắng, buồn bực và dẫn tới sức khỏe thể chất và tinh thần bị kiệt quệ không cần thiết.

“Tôi sẽ chỉ cho bạn cách biến khoảnh khắc tốt đẹp thành một bộ não vĩ đại, tin tưởng vào giá trị bản thân và cảm giác được quan tâm. Đây chẳng phải những giây phút đáng giá triệu đô gì cả. Chỉ đơn giản là cảm giác dễ chịu khi mặc vào chiếc áo len ưa thích, thưởng thức một tách cà phê, cảm nhận sự ấm áp từ người bạn, hài lòng sau khi hoàn thành một nhiệm vụ, hay là cảm nhận được tình yêu từ người bạn đời”, trích cuốn sách.

Trong nhịp sống hối hả thường nhật, lần cuối cùng bạn ngừng lại chỉ mười giây thôi để cảm nhận và hưởng thụ một vài khoảnh khắc tích cực hiện diện cả trong những ngày điên cuồng nhất là khi nào?

Nếu bạn không nán lại tận hưởng một vài giây và sống với trải nghiệm này, nó sẽ lướt qua như gió lùa qua cây, khoan khoái chốc lát nhưng không để lại chút giá trị gì.

“Vun trồng hạnh phúc là một trong các kỹ năng quan trọng nhất mà một người cần được học. May mắn thay, không khó cho ta biết cách tưới tắm và nuôi dưỡng các hạt mầm quý giá này, những điều đã có sẵn trong ý thức của ta.

Quyển sách này cung cấp các bước thực hành đơn giản và dễ đạt được, giúp ta chạm vào sự bình yên và niềm vui vốn là quyền lợi bẩm sinh của mỗi một con người”, thiền sư Thích Nhất Hạnh viết.

Theo ZNews

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

‘Chiến binh Zulu’: Âm mưu muôn trùng

Published

on

By

Đoạt giải Grand Prix danh giá dành cho văn học trinh thám vào năm 2008, cũng như đã được chuyển thể thành phim điện ảnh với sự tham gia của Orlando Bloom, Forest Whitaker… tác phẩm Chiến binh Zulu của nhà văn Pháp - Caryl Férey không chỉ đơn thuần là một tác phẩm điều tra – phá án, mà còn phơi bày hiện trạng nhức nhối của một Nam Phi đầy rẫy chia rẽ.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Férey nổi danh với tiểu thuyết đen (roman noir) và có bối cảnh nước ngoài. Vì vậy đặc trưng của Chiến binh Zulu nói riêng và các tác phẩm khác nói chung là sự không khoan nhượng trong mạch truyện, song hành cùng đó là tính thời sự cũng được khai thác cho đến tận cùng. Theo dõi tiểu thuyết, độc giả không chỉ hồi hộp với quá trình suy luận, phá án, mà còn đồng thời có được cơ hội tiếp cận với các bối cảnh cũng như không gian tương đối đặc biệt của đất nước này.


Lấy mốc thời gian những năm đầu tiên của thế kỷ 21 và bối cảnh Nam Phi, tác phẩm xoay quanh một loạt những vụ án mạng diễn ra liên tiếp nhưng có liên hệ mật thiết với nhau. Đó là nạn nhân của loại ma túy được pha chế mới chưa từng biết đến, trong khi các thi thể được tìm thấy không còn vẹn nguyên và khó nhận diện. Trong đó Ali Neuman – cảnh sát trưởng Cape Town và 2 cộng sự Dan Fletcher và Brian Epkeen, đã bước chân vào quá trình khám phá bộ máy đằng sau, từ đó lật mở bí ẩn vẫn còn che giấu. Liệu ai đứng sau những âm mưu này? Và đâu chính là mục đích của loại thuốc mới?

Cốt truyện nghẹt thở

Có thể thấy Férey đã rất thành công trong việc lựa chọn bối cảnh đặc biệt để khai thác. Đó là Nam Phi hậu Apartheid những tưởng vấn nạn phân biệt chủng tộc đã không còn nữa, thế nhưng hóa ra nó vẫn lơ lửng trong bầu không khí bởi những ân oán chưa được giải quyết. Tình trạng “chân trong chân ngoài” của đất nước này là một “cú hích” tương đối đặc biệt, từ đó tạo ra tầng tầng lớp lớp ngụy trang cho những động cơ cũng như mục đích đã được khéo léo giữ lại cho đến sau cùng.

Thế giới nhân vật trong cuốn tiểu thuyết có nhiều lý do để thiết lập nên động cơ của mình. Đó có thể là rất nhiều ẩn ức của người bị hại, khi thế hệ trước chịu nhiều bất công, và sự tồn tại cũng như hiện diện cho đến giờ đây của thế hệ sau chỉ là trả thù. Ali Neuman vốn là cá thể như thế. Khi còn rất nhỏ, anh đã chứng kiến anh trai cũng như bố mình bị sát hại một cách tàn bạo khi họ tham gia vào lực lượng phản đối Apartheid. Từ nỗi đau ấy, anh và mẹ mình đã phải rời bỏ quê cũ, thay đổi họ tên, để sống những ngày tháng tới mà nỗi ám ảnh không thôi bám riết.

Orlando Bloom trong phim chuyển thể

 Đó cũng là người mà sự báo thù mang tính hội nhóm cũng được bắt đầu, khi Uỷ ban Hòa bình và Hòa giải bởi tham nhũng, quan liêu đã không xét xử một cách công bằng những tên tội phạm. Trước tình thế đó, những người đã chịu tổn thương đã tụ họp lại, tự mình giải quyết những món “nợ máu” mà cả chính phủ và nền công chính đã không thực thi. Từ một cá nhân cho đến tập thể, tiếng nói yếu hèn giờ đây nổi dậy, bắt đầu khiến cho Nam Phi dần dần rung chuyển.

Nhưng không chỉ có những cá thể bị dồn nén, mà sự điên cuồng cũng như bạo tàn cũng sẽ đến từ những kẻ thù cũ – những tên đã duy trì chế độ Apartheid khủng khiếp, bỗng chốc thấy mình đã bị phế truất và không hài lòng – tiến hành lên các kế hoạch trả đũa lại một Nam Phi “cất cánh” đi lên. Chính những mũi dùi nói trên đã được Férey sử dụng và đan cài ấn tượng, khiến cho cuốn sách trở nên linh hoạt, phong phú, chồng chéo bí ẩn, và mỗi một chương đều sẽ mang đến những điều mới lạ.

Ngoài những vấn đề có liên quan đến động cơ ngấm ngầm, việc Nam Phi là một đất nước đậm đà bản sắc với nhiều chủng người cũng là một đặc điểm tốt đã được khai thác. Trong đó những phong tục dân gian, những điểm xuyết truyền thống được ông sử dụng đặc biệt ấn tượng. Cũng như Dolores Redondo, Michel Bussi hay những tác giả chủ ý sử dụng bối cảnh, Férey đã biến Chiến binh Zulu thành một tụ điểm của những mâu thuẫn ngày càng phức tạp và không dễ đoán.

Lối viết không khoan nhượng

Được đánh giá là tác phẩm thành công nhất của Caryl Férey, Chiến binh Zulu có nhiều lý do để nó xứng đáng với danh xưng này. Theo đó Férey không chỉ tạo ra motif kinh điển: nạn nhân xuất hiện, cảnh sát điều tra, tội phạm bị bắt; mà ngay tại đây ông đã khuấy động cả mạch truyện lên, để không một ai là an toàn cả. Không chỉ nạn nhân mà người truy tìm công lý cũng không có gì là được đảm bảo, từ đó cốt truyện bắt đầu rối ren để chính độc giả cũng thấy hoang mang khi những rường cột đạo đức và chân lý không còn bền vững.

Nam Phi những năm 2000 không chỉ giằng xé bởi những phe phái với sự trả thù khác nhau, mà còn suy yếu bởi các băng đảng được trang bị vũ khí hạng nặng, bởi những khu vực của người di dân, cũng như dịch AIDS liên tiếp hoành hành… Chính sự biến động trong các khayelitsha - "ngôi nhà mới" - hình mẫu đô thị có sự kiểm soát theo kiểu Nam Phi với trẻ em, người nhập cư và nghèo đói chen chúc sinh sống… đã làm ra một mạng lưới tội phạm phức tạp, từ gốc đến ngọn. Như vậy từ một vụ án giết người liên hoàn, cuốn sách trở nên hỗn loạn với băng đảng ngầm, nỗi đau lịch sử cũng như là sự nguy hiểm lan tràn khắp nơi. 


Điều này tạo cho tác phẩm một “bộ áo” lớn, khi nó không còn là câu chuyện riêng của một dân tộc, mà có liên kết đến cả thế giới và những nước khác. Điều này gợi nhắc đến một tác phẩm đoạt giải Renaudot khác của Pháp là Vận hành hỗn mang, khi những tội phạm xuyên quốc gia rồi cũng sẽ thành xương sống chính cho toàn tác phẩm. Từ đó có thể thấy rằng theo cả chiều dọc cũng như chiều ngang, Caryl Férey liên tục khai thác được những “điểm nóng”, với những âm mưu và nhiều nhóm người hóa ra có sự liên kết, và không dễ dàng để giải mã được một cách phiến diện.

Tính “noir” trong cuốn tiểu thuyết cũng được thể hiện ở những chi tiết không hề khoan nhượng, về tội ác cũng như hình ảnh mang sức ám ảnh. Férey cũng không thuộc lớp nhà văn bám theo chủ nghĩa nhân vật hay chủ nghĩa anh hùng, khi người tốt chiến thắng, kẻ xấu bị trừng phạt, mà tác phẩm này rất đời, rất thực, khi ai rồi cũng có thể trở thành nạn nhân cho câu chuyện này, và không một ơn gọi nào có thể giúp họ thoát ra theo kiểu cổ tích. Cũng chính điều này là một lý do khiến cho tác phẩm phù hợp với việc chuyển thể, bởi hiệu ứng về mặt hình ảnh và sức ám ảnh là tương đối lớn, đánh mạnh vào trong tâm lý người xem, người đọc.

Tác giả Caryl Férey

Cũng như những khía cạnh khác, yếu tố tình cảm cũng được Férey gửi gắm một cách vừa vặn. Chúng không sến sẩm mà lại làm nền một cách hoàn hảo cho câu chuyện chung và nhân vật chính. Ali và mẹ mình, Dan và vợ Claire, Brian và vợ cũ Ruby hay con trai David… tất cả đều hướng đến một mục đích là bình thường hóa những cảnh sát này. Họ có những niềm đau riêng, có người thất bại trong hôn nhân, có người tin vào những điều tươi sáng… Nhưng khi đã là con người, họ cũng có hỉ nộ ái ố, và cho đến cuối công lý cũng được thực thi, nhưng không phải nhờ bộ máy quan liêu, mà là nỗ lực của từng người một. Nó như một tiếng thở dài cho thấy công lý là một trò đùa, còn sự bất công vẫn còn đầy khắp.

Từ những điều trên có thể thấy rằng bằng cách chọn lựa bối cảnh tương đối đặc biệt, cũng như phương pháp khai thác từ gần đến xa, từng xa đến gần rất nhiều chồng lớp… mà Caryl Férey đã làm nên cuốn tiểu thuyết hấp dẫn, cuốn hút, cũng như mang tính cảnh báo cho ngày hiện tại về một Nam Phi còn nhiều chia rẽ cũng như biến động. Một cuốn trinh thám – tội phạm không nên bỏ qua, mà thông qua đó, ta cũng hiểu thêm về một đất nước và những ẩn giấu nó mang theo mình. 

Đọc bài viết

Cafe sáng