Phía sau trang sách

Phỏng vấn ma cà rồng

Đúng như tiêu đề tác phẩm, Phỏng vấn ma cà rồng (Interview with the Vampire) có thể được tóm tắt đơn giản là: chuyện đời một ma cà rồng được kể lại dưới hình thức phỏng vấn.

Published

on

Narration

Một trong những điểm đầu tiên khiến tôi băn khoăn khi đọc Phỏng vấn ma cà rồng là tại sao Anne Rice lại chọn kể câu chuyện này dưới hình thức phỏng vấn? Vì khi đọc khoảng năm, sáu chục trang đầu tiên, tôi đã đoán rằng cách kể chuyện của tiểu thuyết này vẫn sẽ cứ như thế: nghĩa là phỏng vấn chỉ như cái cớ để câu chuyện bắt đầu, nó không được thể hiện rõ nét và xuyên suốt trong tác phẩm dưới dạng hình thức hay nội dung. Vì vậy, cuộc phỏng vấn ở đây giống như độc thoại hơn là đối thoại, phóng viên đóng vai trò giống như độc giả hơn là người chất vấn. Ban đầu, tôi đã đoán câu chuyện diễn ra dưới hình thức phỏng vấn là để xen kẽ hai tuyến thời gian: tuyến thời gian quá khứ trong những sự kiện Louis thuật lại, tuyến thời gian hiện tại khi anh đang ngồi phỏng vấn với người phóng viên. Tôi cũng nghĩ rằng động cơ của hành vi kể chuyện sẽ được nhấn mạnh vì vô hình trung, hình thức phỏng vấn thường khiến người đọc tự đặt câu hỏi rằng tại sao nhân vật lại chấp nhận yêu cầu phỏng vấn. Có thể hiện tại Louis đang gặp vấn đề gì đó (anh bị truy đuổi, hoặc sức khỏe yếu đi…) buộc anh phải thuật lại tường tận câu chuyện đời mình cho thế giới con người biết; và khi đó, câu chuyện anh kể sẽ không được liền mạch, nó luôn bị ngắt quãng bởi các đợt tấn công từ những yếu tố ngoại tại hay nội tại (chẳng hạn như kẻ thù ập đến căn hộ ấy, những tràng ho bỗng dưng kéo dài vì một chất độc nào đó trong cơ thể…). Tuy nhiên, đã không có bất kì tình tiết tương tự nào xảy ra, câu chuyện được kể liền mạch như một dòng sông thuận hòa xuôi thẳng ra biển, chỉ thi thoảng rẽ nhánh đây đó vào hai ven bờ ở những đoạn Louis tạm nghỉ ngơi và có chút tương tác với phóng viên để câu chuyện này còn có vẻ như được kể dưới hình thức phỏng vấn. Nếu như phỏng vấn chỉ là cái cớ, là thứ xuất hiện ở điểm đầu tiên – cuối cùng và vài đoạn ở giữa, vậy thì tại sao ngay từ đầu Anne Rice không kể thẳng câu chuyện này dưới ngôi thứ nhất? Khi đặt ra câu hỏi này, tôi nhớ lại vài chuyện, đồng thời cũng tìm được câu trả lời cho mình.

Tôi nhớ đến tác phẩm Trà Hoa Nữ (La Dame aux camélias) của Alexander Dumas và Lũ người quỷ ám (Demons) của Dostoevsky. Trong Trà Hoa Nữ, Dumas đã không trực tiếp bắt đầu câu chuyện bằng giọng kể ở ngôi thứ nhất của Armand dù rằng phần lớn câu chuyện rồi cũng sẽ được kể dưới góc nhìn của anh. Thay vào đó, ông đã chọn một nhân vật nam vô danh làm người kể chuyện để nhân vật ấy tìm đến Armand và người đọc được nghe câu chuyện từ ngôi thứ nhất của Armand kể cho nhân vật nam nghe – nhưng thực chất cũng là kể cho độc giả nghe. Trong Lũ người quỷ ám, Dostoevsky lại có cách xử lí hơi khác một chút. Câu chuyện gia đình bà Varvara được kể lại qua lời kể của ông Anton Lavrentyevich – một người bạn thân của Stepan Verkhovensky và ông Stepan Verkhovensky là tình nhân của bà Varvara. Câu chuyện Anton kể cho người đọc nghe về gia đình Varvara phần lớn là những chuyện do ông Stepan kể lại cho Anton nghe. Tuy câu chuyện có hiện diện người kể chuyện ở ngôi thứ nhất nhưng thực chất toàn bộ nội dung vẫn được kể ở ngôi thứ ba, Anton chỉ xuất hiện ở đầu-cuối truyện và một vài điểm ngừng nghỉ giữa các phần trong câu chuyện.

Tôi chưa đọc nhiều sách lí luận văn học để biết hiện tượng này gọi là gì, vậy nên trong bài viết này, tôi tạm chia ra: lối tường thuật sơ cấp (trực tiếp) và lối tường thuật thứ cấp (gián tiếp). Ở lối tường thuật sơ cấp, độc giả sẽ tiếp xúc trực tiếp với nguồn kể chuyện, nó đồng thời cũng là nguồn đầu tiên, không bị lẫn qua công đoạn xử lí từ các nguồn trung gian, tựa như ta uống nước suối từ chính dòng suối chảy trong rừng, không phải uống nước suối trong chai đã qua công đoạn lọc của nhà máy. Ở lối tường thuật thứ cấp, độc giả sẽ tiếp xúc gián tiếp với nguồn kể chuyện thông qua một hay nhiều trung gian; lối tường thuật này không hẳn làm cho chất liệu câu chuyện bị lọc bớt đi như nước suối trong chai nhưng khi tiếp cận với lối tường thuật này, một khoảng cách nhất định sẽ được thiết lập giữa độc giả và câu chuyện, người đọc ý thức được rằng nhân vật đang kể chuyện (hay ngôi thứ ba khách quan đang kể chuyện) không chỉ để cho mình biết mà trước nhất, cho một nhân vật khác trong câu chuyện được biết. Theo cách chia này, những câu chuyện chỉ sử dụng duy nhất một ngôi kể chuyện (thứ nhất, thứ hai, thứ ba) xuyên suốt tác phẩm áp dụng lối tường thuật sơ cấp. Trong khi đó, những tác phẩm như Trà Hoa Nữ, hay Lũ người quỷ ám lại áp dụng lối tường thuật thứ cấp. Tuy vậy, lối tường thuật thứ cấp trong hai tác phẩm này, cũng như trong Phỏng vấn ma cà rồng không phải là sự đan xen liên tục giữa thứ cấp và sơ cấp, giữa nguồn trung gian và nguồn sơ khởi, giữa người kể chuyện và người trực tiếp trải nghiệm. Thực tế, những tác phẩm này vẫn được kể theo lối tường thuật sơ cấp, chúng chỉ có vỏ bọc là lối tường thuật thứ cấp ở vài điểm trọng yếu hoặc ngơi nghỉ trong tác phẩm. Đến đây, chúng ta quay về câu hỏi đầu tiên nhưng dưới cách diễn đạt khác: tại sao những câu chuyện này không được kể xuyên suốt theo lối tường thuật sơ cấp khi lối tường thuật thứ cấp chỉ như một lớp màn mỏng, phất phơ ở vài điểm nhỏ lẻ trong câu chuyện, khi mà bản thân câu chuyện cũng không hướng người đọc dành sự quan tâm đến nguồn thứ cấp – ở đây là người kể chuyện trung gian (nhân vật nam vô danh trong Trà Hoa Nữ, Anton Lavrentyevich trong Lũ người quỷ ám, phóng viên trong Phỏng vấn ma cà rồng), khi mà nguồn sơ cấp – ở đây là người trực tiếp trải nghiệm vẫn chiếm lĩnh vị trí chính yếu (Armand trong Trà Hoa Nữ, gia đình Varvara trong Lũ người quỷ ám, Louis trong Phỏng vấn ma cà rồng)?

Câu trả lời của tôi là: khoảng cách, độ lùi, sự bí ẩn.

Khoảng cách. Khi người đọc được tiếp xúc câu chuyện ở hình thức sơ cấp với vỏ bọc là thứ cấp, họ có một khoảng cách nhất định với nhân vật. Chính khoảng cách này tạo ra sự bí ẩn cho nhân vật, câu chuyện được kể.

Sự bí ẩn ấy khiến độc giả thấm thía hơn rằng có thể nhân vật vẫn còn nhiều góc khuất mà họ đã không kể ra cho nguồn thứ cấp biết, hoặc nguồn thứ cấp không kể lại cho độc giả biết. Đôi khi, cảm giác này sẽ đem lại chút kích thích theo kiểu trinh thám.

Độ lùi. Lối tường thuật thứ cấp chủ yếu hình thành dựa trên sự kể và kể lại. Chính vì vậy, nó thường không mang đến cảm giác trải nghiệm trực tiếp như lối tường thuật sơ cấp ở ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba. Một nhân vật có thể kể lại toàn bộ cuộc đời anh ta cho người khác nghe nghĩa là anh đã sống sót và vượt qua những biến cố khó khăn, hiểm nghèo. Sự thật hiển nhiên này khiến người đọc không mấy lo lắng cho nhân vật khi anh gặp nguy hiểm vì họ nhận thức rõ ràng đó là chuyện trong quá khứ được kể lại, đó không phải là thực tại. Nói cách khác, độ lùi trong lối tường thuật thứ cấp là tác nhân làm giảm đi kịch tính câu chuyện, nó dịch chuyển sự quan tâm của người đọc từ sự kiện sang phương thức, từ tâm trạng hồi hộp sang trầm tư sâu lắng.

Tôi nghĩ rằng cả ba tác phẩm Trà Hoa Nữ, Lũ người quỷ ám, Phỏng vấn ma cà rồng đều đã tận dụng được tốt từ hai đến ba đặc điểm tối ưu trong lối tường thuật thứ cấp mà tôi vừa nêu ở trên. Phỏng vấn ma cà rồng là tác phẩm được viết theo lối gothic, vậy nên việc tạo cảm giác về khoảng cách và sự bí ẩn là cần thiết; hơn nữa, bản thân ma cà rồng luôn là nhân vật dễ tạo ra/cần tạo ra cảm giác bí ẩn cho độc giả. Độ lùi cũng là thứ cần thiết trong tác phẩm này vì những gì Louis đã trải qua không quan trọng bằng việc anh nghĩ gì về nó.

Style

Sau khi đọc Chiến tranh và Hòa bình của Lev Tolstoy, tôi đã giữ thói quen đọc lướt qua những bình luận của độc giả trên Goodreads. Lần này, với Phỏng vấn ma cà rồng, tôi tìm được một nhận xét khá hài hước, thú vị từ độc giả Daniel Marcos:

“I really wanted lo like this book, my hopes were high, because I LOVE vampire books and this is one of the most important, and it is without a doubt, the most boring one.
I hate Anne Rice’s writing, it makes me want to cut my veins.
Let me give you an example:

My keyboard is very beautiful, I like how the “Q” feels underneath my finger when I press the button to type the letter “Q” I also like how the “E” feels underneath my finger when I press the button to type the letter “E” I also like how the “W” feels underneath my finger when I press the button to type the letter “W” I also like how the “R” feels underneath my finger when I press the button to type the letter “R” I also like how the “T” feels underneath my finger when I press the button to type the letter “T” I also like how the “Y” feels underneath my finger when I press the button to type the letter “Y” I also like how the “U” feels underneath my finger when I press the button to type the letter “U” I also like how the “I” feels underneath my finger when I press the button to type the letter “I”.

Yes, it is THAT repetitive. The characters ramble and ramble and ramble and ramble about things that 1.- Do not make sense with the story 2.- Have been said a thousand times before 3.- Are beautiful, everything in this book is beautiful, the flowers are beautiful and she describes them for 7 pages, the windows is beautiful, the coin on the floor is beautiful, the moth documentary is beautiful…. it makes me want to kill myself.”

Tôi đã không ngăn được bản thân mình phì cười khi đọc nhận xét này. Các đánh giá một sao trên Goodreads bao giờ cũng hài hước. Dù vậy, tôi không đồng ý hoàn toàn với nhận xét trên. Đúng là Anne Rice miêu tả lặp đi lặp lại rất nhiều thứ trong tác phẩm này nhưng tôi không cảm thấy quá nhàm chán vì mỗi lần lặp lại, bà đều cố gắng miêu tả nó khác đi, nhìn nó dưới một góc cạnh khác (tuy không phải lần nào cũng khác nhau, song cũng tuyệt đối không phải là trùng lặp hoàn toàn). Có lẽ, với những người khác nhau, họ sẽ để ý những thứ khác nhau trong những điều bà hay lặp lại. Còn với tôi, tôi đặc biệt lưu ý đến cách bà miêu tả những ngọn lửa trong tác phẩm này. Nếu phải chọn một hình ảnh mang tính biểu tượng cho Phỏng vấn ma cà rồng, tôi sẽ chọn hình ảnh ngọn lửa bởi lẽ lửa đóng vai trò rất quan trọng trong câu chuyện này, nó góp mặt ở hầu hết những biến cố chính trong truyện. Trong vô số những thứ Anne Rice miêu tả trùng lặp, có lẽ sẽ sót lại đôi thứ quả thật là thừa, bỏ đi cũng không hề ảnh hưởng đến câu chuyện. Tuy nhiên, các miêu tả xoay quanh “lửa” tuyệt đối không nằm trong nhóm đó. Trích dẫn dưới đây là đoạn văn miêu tả lửa tôi thích nhất trong tác phẩm này:

“Một khúc gỗ đang rơi rất chậm xuống đống lửa, trượt xuống trong một chu trình sẽ mất cả đêm mới kết thúc được, và trên thân nó lỗ chỗ những vết rỗ, một thứ vật chất đã chọc xuyên qua đó và nhanh chóng cháy rụi, và trong mỗi lỗ nhỏ đó là một ngọn lửa tí hon nhảy múa, hòa mình vào ngọn lửa lớn hơn; những cái miệng đen của chúng dường như những khuôn mặt tạo thành một dàn hợp xướng; và dàn hợp xướng đang ngân nga mà không phát ra tiếng động. Dàn hợp xướng ấy không cần phải hát; chỉ bằng một hơi thở trong ngọn lửa bất tận, chúng đã tạo nên một bài ca thầm lặng của riêng chúng.”

Ban đầu, dù thấy đoạn miêu tả này hay nhưng tôi đã nghĩ nó hơi thừa. Về sau, tôi mới phát hiện đoạn miêu tả này chẳng thừa chút nào vì nó là set-up tinh tế cho những gì sắp diễn ra, nó là một điềm báo, một sự gợi nhắc khéo léo.

Tôi chưa đọc bản gốc nên không thể đưa ra nhận xét cá nhân về chất lượng bản dịch ở khía cạnh đúng sai. Tuy nhiên, nếu là cảm nhận mang hướng cảm tính khi đọc trên văn phong dịch sang tiếng Việt, tôi nghĩ rằng bản dịch của Hải Âu đã truyền tải được khá chính xác không khí cổ điển của thế kỉ 18, 19 – thời điểm câu chuyện diễn ra. Trước khi đọc tác phẩm này, tôi không tìm hiểu bất kì thông tin nào trên mạng nhưng trong quá trình đọc, văn phong dịch khiến tôi nhớ đến tác phẩm Biệt thự bảy đầu hồi (The House of the Seven Gables) của Nathaniel Hawthorne qua bản dịch của Việt Nam khảo dịch xã trước 1975. Đó là tác phẩm được xếp vào thể loại gothic, thời gian câu chuyện diễn ra cũng là ở thế kỉ 19. Để tìm câu trả lời lí giải cho cảm giác về sự giống nhau ở văn phong, không khí của hai tác phẩm này, tôi đã tra thông tin về Phỏng vấn ma cà rồng trên mạng. Và tôi không cần phải đọc nhiều, câu trả lời nằm ngay ở dòng đầu tiên: Phỏng vấn ma cà rồng là tiểu thuyết thuộc thể loại gothic horror. Thể loại này là sự kết hợp giữa hai đặc tính: lãng mạn và kinh dị; các câu chuyện thường diễn ra trong bối cảnh là những tòa lâu đài, biệt thự u ám, cổ kính. Có lẽ vì vậy mà phần lớn những đoạn miêu tả cảnh vật hay đồ vật trong Phỏng vấn ma cà rồng cũng như Biệt thự bảy đầu hồi đều có sự song hành giữa tính lãng mạn và tính kinh dị. Ở trên, tôi đã trích dẫn một đoạn miêu tả lửa trong Phỏng vấn ma cà rồng, dưới đây tôi sẽ ví dụ minh họa bằng một trích dẫn trong Biệt thự bảy đầu hồi:

“Còn về ngôi nhà cổ kính trong câu chuyện này, tất cả những đặc điểm của nó từ sườn nhà bằng gồi, vách ván, mái nhà và lớp hổ bị tróc, cho đến cả cái ống khối đồ sộ vĩ đại ở chính giữa, cũng chỉ có vẻ là phần nhỏ nhất của cái sự thực về ngôi nhà ấy. Biết bao kinh nghiệm của nhân loại đã qua tại đó, với bao đau khổ và cả đôi chút niềm vui khiến cho các tấm gỗ đều nhầy nhụa như thể bị nhiễm sự ẩm ướt của một trái tim. Chính đó là một trái tim lớn của con người, có sinh lực riêng biệt, đầy kỉ niệm dồi dào và bi đát.”

After credit

Ở đoạn kết của Phỏng vấn ma cà rồng, một lần nữa, ưu điểm bí ẩn – trinh thám trong lối tường thuật thứ cấp lại phát huy tác dụng. Phân đoạn kết thúc của tác phẩm này không hiểu sao lại khiến tôi nhớ đến những cảnh after credit trong các phim siêu anh hùng của Marvel. Ý tôi là, nó nhắc khéo khá rõ ràng rằng sẽ có phần tiếp theo nữa, các bạn đừng bỏ lỡ. Và quả thật, Anne Rice đã viết tiếp không chỉ một mà đến mười một phần tiếp theo trong tổng số mười hai phần của series The Vampire ChroniclesPhỏng vấn ma cà rồng chỉ mới là khởi đầu.

Hết.

Kodaki

1 Comment

1 Bình luận

  1. Pingback: Những ngày lạc trong thế giới ma cà rồng - Bookish

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Phía sau trang sách

Nắng Tháng Tám: Màn trình diễn ấn tượng của William Faulkner

Published

on

By

Nắng tháng Tám diễn ra ở vùng Nam Mỹ vào những năm 1930 và trung tâm câu chuyện xoay quanh vụ án mưu sát một người phụ nữ tên Joanna Burden, người địa chủ bị hầu hết những người dân trong vùng khinh ghét vì quá khứ gia đình. Thông qua quá trình kể câu chuyện này, bí mật của những nhân vật khác cũng dần được tiết lộ. Truyện được viết với thời gian phi tuyến tính, gợi nhớ đến lối kể truyện truyền miệng, đường dây câu chuyện thường xuyên bị ngắt giữa chừng và những nhân vật khác thay phiên nhau tiếp nối mạch truyện. Các nhân vật đều là những con người bị gạt ra khỏi xã hội. Vì vậy, câu chuyện là cái nhìn về xã hội từ ngoài rìa của những con người không còn thuộc về nó nữa.

Tiểu thuyết chia làm ba đường dây câu chuyện riêng biệt, cuối cùng tất cả đều liên kết nhau bằng kết thúc bùng nổ với bạo lực. Một phong cách rất Faulkner. Nhưng khác với những tiểu thuyết khác viết theo phong cách này ở chỗ: cuối cùng nhân vật chính trong mỗi câu chuyện thường gặp nhau thì Faulkner lại không bao giờ tạo ra một cảnh chung có cả Christmas và Lena – hai trong số ba nhân vật chính. Mặc dù dường như họ được kết nối với nhau một cách vô hình: có thể Chirstmas vừa là hóa thân ẩn dụ cho người cha của đứa trẻ trong bụng Lena, đồng thời lại chính là đứa trẻ đó. Đứa trẻ là câu trả lời của Faulkner cho định mệnh tàn bạo không thể tránh khỏi đã nguyền rủa vùng đất phía Nam ấy. Chẳng có lối thoát nào cho những tổn thương quá khứ ngoài việc tự tạo nên những mầm hi vọng mới. Và Faulkner để cho chúng ta tìm ra điều ấy ở đứa trẻ của Lena.

Ở Nắng tháng Tám, Faulkner đã cho thấy một thế giới có chuẩn mực xã hội quá khắt khe, thiếu linh động, bảo thủ và con người phải chịu đựng bằng cách vờ như khuất phục khối bêtông hiện thực của ngoại giới, của những sự việc dường như chẳng liên quan đến họ. Đó là một thế giới chẳng có gì thích ứng với nhau, chẳng có điều gì kết nối, và Faulkner cũng không cố gắng tìm ra sự kết nối. Ông chỉ trộn lẫn chúng vào nhau trong hệ thống câu chuyện của mình để chúng ta cảm nhận những nghịch lí đó.

Nhận xét của báo chí thế giới

Nói rằng Nắng tháng Tám là một màn trình diễn ấn tượng thật chẳng phải là nói quá chút nào… Faulkner không chỉ tích hợp trong cuốn sách này thứ văn phong quyến rũ của sức mạnh và cái đẹp: ông còn cho phép một vài nhân vật của mình, nếu không phải là nhân vật chính, thỉnh thoảng được quyền hành động vô cớ, nằm ngoài những khuôn mẫu xã hội… Nghĩa là, Faulkner tự cho mình lí lẽ và sự thương cảm đối với hệ thống trong thế giới của ông.

J. Donald Adams | New York Times

Quyển sách như rực lửa với sự phẫn nộ dữ dội trước bạo lực, sự ngu ngốc và lòng kiêu hãnh – một quyển sách tuyệt vời.

Spectator

Faulkner có một sức sáng tạo không mệt mỏi, trí tưởng tượng phong phú, và ông thường viết như một thiên thần.

Arnold Bennett

Kodaki
dịch và tổng hợp từ nhiều nguồn

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Tình miệt thứ trong phù sa câu chữ

Published

on

By

Tập truyện ngắn này bao gồm những truyện mà tôi thích. Khi tập hợp để in thành sách, tôi ngồi lựa chọn lại thật kỹ càng, bởi tôi mong muốn trao gởi đi những điều trân quý nhất của mình dành cho độc giả, như một lời tri ân cho những người đã ưu ái đồng hành cùng văn chương của mình.

12 truyện ngắn này là những câu chuyện của miệt đồng bưng chín nhánh sông mà đâu đó trong cuộc đời chúng ta vẫn thường bắt gặp. Xoay quanh những câu chuyện là chữ “tình”. Tôi vẫn thường nghĩ, con người ta trong cuộc đời này chẳng ai thoát khỏi được chữ tình. Chữ tình quấn lấy chúng ta, dắt dìu chúng ta đi qua nỗi buồn, dẫn chúng ta chạm đến niềm vui. Chữ tình khiến chúng ta đắng đót với niềm đau nhưng cũng chính cái chữ tình đó lại là nỗi thương để chúng ta bám víu vào mà sống hết đoạn đời phù sinh thế thái này.

Người viết vì tình mà viết. Người đọc vì tình mà buồn vui theo từng con chữ, xa xót theo từng phận đời, và hả hê với điều thiện lành được hồi đáp sau bao đoạn trường trầm luân.

Có một lần ngồi trên chuyến phà đêm Châu Giang, tôi chợt nghĩ mình chỉ là một dòng phù sa của muôn triệu dòng phù sa đang chảy tràn khắp miệt đồng bưng châu thổ. Tôi đem đến những điều dung dị, chất phác và hào sảng như là bản tính vốn dĩ của người Cửu Long đã ăn sâu vào gốc rễ nội tâm và căn cơ chính mình.

Có bận tôi về Đồng Tháp, ghé cái chợ quê mà hồi nhỏ hay để dành năm trăm, một ngàn để mua dăm ba thứ bánh quê, tôi ngồi sụp xuống và lựa chục loại rồi hí hửng xách lên chạy về khoe với mấy cậu mấy dì. Tôi chẳng thể ăn hết được mớ bánh hôm đó, nhưng vui lạ lùng. Thể như tôi tìm thấy chính mình sau những đãi bôi thị thành. Tôi thấy niềm vui của mình sao giản đơn đến lạ! Hóa ra mỏi gót điêu linh nơi phố xá hào nhoáng thì cái gốc rạ chân quê vẫn là thứ mà tâm tưởng chính tôi luôn hoài vọng.

Có lẽ, dấu chân tôi chưa đi hết nổi dải đất bạt ngàn phù sa miền Tây, đôi tai chưa nghe hết chuyện hào sảng xứ này, đôi mắt chưa thể tận tường hết những thứ đẹp đẽ của sóng nước bưng biền, hay thâm tâm chưa thể trọn vẹn thấu hiểu hết vùng châu thổ, nhưng tôi vẫn luôn thích viết về xứ này. Cái xứ gì mà hổng hết chuyện để viết. Có lần tôi nói vậy với một bạn văn phía Bắc. Bạn nói, thì cứ viết đi, viết đến cạn cùng cuộc đời, chưa chắc viết hết trọn một vùng đất. Bởi đất ôm cả đời người. Người ta sống thác gì đó, gieo neo dâu bể thế nào thì cũng về với đất quê xứ mình mà thôi!

Vậy nên, tôi cứ viết hoài về miền đất này, ngõ hầu đem đến cho độc giả của mình cái “tình” miệt thứ, cái “thương” đồng bưng. Càng viết tôi lại càng thấy mình như mắc nợ vào sóng nước phù sa câu chữ. Viết hoài hổng hết. Viết hoài vẫn cứ muốn viết.

Viết và gởi đến độc giả đã thương yêu câu chữ của mình, cũng như nếu một ai đó hữu duyên cầm trên tay cuốn sách nhỏ này, thì mời bạn một lần lắng lòng lại, lật từng trang sách, nghe tôi kể chuyện buồn miệt thứ. Nhưng mà, người miệt thứ buồn đó rồi lại vui đó, như sóng nước xứ này vơi rồi lại đầy, như phù sa châu thổ muôn đời vẫn dâng người những mùa màng tốt tươi.

Tống Phước Bảo

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Hồ: Một nỗi buồn điềm tĩnh và dịu dàng

Published

on

By

Tiểu thuyết Hồ của Banana Yoshimoto viết về những nỗi đau, những mất mát của con người và cách họ vượt qua nó. Các nhân vật trong Hồ như Chihiro, Nakajima, Mino, Chii… đều có những thương tổn sâu sắc trong quá khứ. Với đề tài như thế, câu chuyện sẽ dễ sa đà vào nhiều trường đoạn cảm xúc nặng nề nhưng Banana vẫn luôn giữ được sự điềm tĩnh, dịu dàng trong văn phong giống như ở những tác phẩm trước đây đã quen thuộc với bạn đọc Việt Nam như: Kitchen, Vĩnh biệt Tugumi, N.P…

Hồ được Banana lấy cảm hứng từ câu chuyện của giáo phái Aum Shinrikyo. Độc giả có thể nhận thấy mô hình công xã mà Nakajima sống ngày còn nhỏ phần nào tương tự với mô hình của giáo phái này. Aum Shinrikyo cũng xuất hiện trong tác phẩm 1Q84 của Murakami Haruki dưới hình thức hư cấu. Qua đó, người đọc thấy được sự khác biệt trong cách khai thác cùng một chủ đề của hai nhà văn. Nếu như trong 1Q84, Haruki đề cập nhiều đến những tác động chính trị – xã hội xoay quanh mô hình phi nhân của Aum thì ở Hồ, Banana chọn một góc nhỏ để viết về hậu chấn tinh thần của những đứa trẻ khi phải chịu sự giáo dục tẩy não trong một cộng đồng không đề cao cái tôi cá nhân. Và chi tiết mà Banana chọn để khắc họa nỗi đau của những đứa trẻ ấy khi lớn lên vừa đơn giản, vừa ám ảnh: Nakajima kẹp vỉ nướng bánh dày vào nách khi ngủ mỗi lần “cảm thấy sắp mơ phải cái gì đáng sợ” bởi đó là vật mà mẹ cậu rất quí; Chii mãi chìm đắm trong những giấc ngủ; Mino sống lặng lẽ từng ngày và đôi khi truyền hộ thông điệp mà người em gái say ngủ muốn nói cho người khác…

Nỗi buồn của các nhân vật dù được Banana viết ra thật nhẹ nhàng nhưng không vì thế mà người đọc có cảm giác hời hợt. Bởi vì, cái đau của họ không phải là cái đau của một người vừa qua cơn khủng hoảng tâm lí, vẫn chưa hết bàng hoàng và không thể chấp nhận hiện thực. Ngược lại, họ tự tách mình ra khỏi chính bản thân mình, đứng ở một nơi xa để ngắm nhìn nỗi đau của mình, chịu đựng nó, chấp nhận nó. Đó là cách để họ vừa giữ lại những kỉ niệm tươi đẹp trong quá khứ, vừa giữ lại nỗi buồn đã tiềm ẩn trong kí ức ấm áp ấy.

Đọc bài viết

Cafe sáng