Phía sau trang sách

Những tháng năm rực rỡ: Người quan sát già cỗi hồn nhiên

Published

on

Để nói về “Những tháng năm rực rỡ” của tác giả Ae-ran Kim, tôi sẽ không bắt đầu bằng “Đây là câu chuyện kể về cặp cha mẹ trẻ nhất và đứa con già nhất…”, bởi nội dung chứa đựng trong sách còn hơn thế rất nhiều. Chắc chắn, tôi sẽ giới thiệu rằng đây là một câu chuyện kì lạ, về những nhân vật kì lạ, những đoạn hội thoại kì lạ bao trùm trong bầu không khí huyền ảo đan xen giữa mơ và thực, giữa quá khứ và hiện tại. Nơi đó, cậu bé Han Ah Reum đang tận hưởng mùa hè đầy nắng gió với chiếc bạt lò xo của mình. Những cú tung người của cậu làm lay động hoa cỏ, lay động cả những tán cây đậm màu xanh lục, dòng suối trong veo nơi bố mẹ cậu gặp nhau lần đầu, hòa vào tiếng ồn ã của đám ve sầu và chuồn chuồn ở đó. Khi Ah Reum bật nhảy, trái tim cậu ngân lên những rung cảm sâu sắc với cuộc đời, và bằng sóng rung ấy, cậu gửi đến bố mẹ những lời thì thầm, thấu hiểu và yêu thương như một người bạn. Ah Reum đang tiếp tục quan sát tất cả mọi người từ nơi của cậu, hết sức chăm chú với trái tim hiếu kỳ và tươi mới đón nhận mọi sự việc mà không phán xét của cậu bé 17 tuổi, cùng đôi mắt từng trải, thấu suốt nhân gian của một ông lão 80. Và ở đó, nơi mùa hè miên viễn của tuổi trẻ, cậu đang viết tiếp những câu chuyện về cuộc đời bằng một ngôn ngữ vô thanh. Ah Reum chẳng còn cảm thấy vốn từ vựng của mình bị xáo trộn khi cơn gió thổi qua nữa, bởi bây giờ cậu là gió, là không gian bao quanh và cứ rộng ra mãi…

Vẻ đẹp thiên nhiên trong cuộc sống của Ah Reum và mọi người thật sống động. Lấy bốn mùa làm những cột mốc để người ta nhìn lại một năm, bốn mùa cuối cùng của Ah Reum đã trôi qua thật rực rỡ. Mùa xuân đến một cách lặng lẽ âm thầm, nhưng có khả năng thay đổi cảnh vật chỉ trong chớp mắt với những màu sắc sặc sỡ như quần áo, đồ chơi trẻ con của một gia đình vừa chào đón đứa con đầu lòng. Rồi khi mùa hè đến, không khí ban đêm nặng nề và ngột ngạt đưa mùi hương thức ăn nhanh hỏng, chóng thiu đến những người khó ngủ. Mùa hè cũng là mùa nóng nực và công bằng, dù có lông hay không thì con người vẫn vã mồ hôi như tắm. Nhưng đó cũng là mùa thích hợp nhất để ăn món đá bào đậu đỏ và sữa theo kiểu truyền thống. Khi thu sang, đi đến đâu bạn cũng có thể nghe tiếng gió vi vu, vì ở nơi đâu cũng có gió. Màu vàng thay dần sắc xanh, rồi lại bị đẩy lùi bởi sắc đỏ. Gió như đang trút bỏ từng chút một chiếc áo mùa hè và kéo bật ngay cả những gốc rễ mùa hè đang ẩn sâu dưới lòng đất. Bầu không khí trong lành, se sắt được Ah Reum ví như hơi thở của Chúa. Những cơn gió liên tục thay đổi diện mạo để không ai có thể nắm bắt được. Vào những ngày nắng đẹp, mùa thu còn là hương cà phê ngọt ngào và êm dịu mà Ah Reum chưa từng được nhấp môi. Cậu ngồi đó ngắm nhìn những bệnh nhân sưởi nắng với chiếc áo len mỏng bên ngoài bộ đồng phục bệnh viện. Ngoài ra, khi phân tích một từ đồng nghĩa, Ah Reum còn khám phá ra rằng, mùa thu còn là mùa “liếc mắt đưa tình”, khoảng thời gian mọi vật phải thu hút sự quan tâm của kẻ khác giới trước khi cái giá rét của mùa đông kéo đến. Và cuối cùng, mùa đông cằn cỗi khiến cây rụng hết lá, nhường chỗ cho sự hiện diện của những bông tuyết. Bông tuyết có cấu tạo thật đẹp. Dù chỉ rơi lặng lẽ rồi tan ra ngay khi chạm đất, và không ai thấy được vẻ đẹp của chúng bằng mắt thường, nhưng chúng vẫn thật đẹp như thế đấy. Như Ah Reum vậy, cậu vẫn sống thật đẹp ngay cả khi biết mình phải sớm nói lời chào tạm biệt cuộc sống.

Ah Reum yêu quý sự biến đổi theo mùa, và hơn ai hết cậu hiểu rõ sức mạnh to lớn của quy luật tự nhiên ẩn sau những ngày tháng nối tiếp bình yên và tẻ nhạt. Chỉ khi không dễ dàng có được một điều gì đó, người ta mới biết rằng mình đã xem nhẹ những phúc lành ấy đến nhường nào. “Ở cái tuổi mà chúng ta điềm nhiên hút cạn sinh khí của những tạo vật bung nở rồi lụi tàn, ngạo nghễ tưởng rằng mình như không bao giờ chết, thì cũng là đã lao đến đỉnh cao của khoảnh khắc huy hoàng ngắn ngủi ấy”.

Cũng như thiên nhiên và cuộc sống, Ah Reum tha thiết yêu thương bố mẹ mình. Bởi ngoài đặc ân được bố mẹ mang đến cuộc đời, qua việc viết lại câu chuyện của bố mẹ, cậu còn hiểu hơn về chính mình và sống tiếp cuộc đời mình sau tuổi 17.

Cậu được khoác vào cơ thể khỏe mạnh cường tráng và những khao khát tuổi mới lớn của bố Han Dae Soo; được chạm trán với những rắc rối của tuổi thiếu niên và chịu đựng những áp lực, bất công đầu đời. Cậu được phạm sai lầm và trả giá cho sai lầm đó. Cậu được phép thất bại, đau đớn và vượt qua nỗi đau. Cậu có nhiều thời gian để băn khoăn và bất an về tương lai vô định phía trước. Cậu nhận được một cô bạn gái trời ban và trở thành bố khi chưa hiểu hết về cuộc đời, phải học những thứ mới tinh để chăm nom một đứa trẻ và dù vất vả đến thế nào đi nữa, khi ngắm nhìn con trẻ, mọi mỏi mệt dường như tan biến khi cậu nảy ra muôn vàn thắc mắc về đứa bé. Khi con trẻ lớn, cậu cũng được lớn lên theo mà vẫn giữ lại tâm hồn của tuổi 17. Ngay giây phút nó bệnh, cậu vẫn cảm thấy hạnh phúc, may mắn vì cả gia đình được ngồi cạnh nhau yên bình và cùng ăn một bát canh cá.

Cậu cũng có thể hiểu nỗi lòng của người mẹ thiếu nữ Choi Mi Ra. Dường như má cậu cũng ấm nóng hơn khi mẹ thẹn thùng trong những buổi giao lưu gặp mặt người khác phái. Cậu cũng thất thểu bước đi khi ước mơ trở thành ca sĩ của mẹ tan tành vì gia đình còn nhiều định kiến. Cũng như bố, mẹ cậu cũng mông lung không biết cuộc sống sắp tới sẽ như thế nào. Rồi mẹ bước vào chuyến phiêu lưu không thể quay đầu lại với một người con trai đồng cảnh ngộ, dũng cảm bỏ lại sau lưng tiếng cười khúc khích vô tư thời con gái để trở thành một người mẹ tận tâm, cố gắng ngẩng cao đầu tự hào về đứa con đang mang cho đến khi niềm tự hào ấy trở thành sự thật. Có lẽ nhờ sự tự hào của mẹ truyền sang khi còn trong bụng mà Ah Reum có thể lạc quan đến thế. Dù thế nào đi nữa, cậu cũng không oán trách cuộc đời mà ngược lại, vẫn ngắm nhìn cuộc sống với góc nhìn dí dỏm và tràn đầy biết ơn.

Cứ thế, cậu được sống tiếp qua cuộc sống của người khác, sống đến khi già cỗi và thông thái mà vẫn còn bố, người thậm chí còn già cỗi và thông thái hơn như ông Jang lớn và ông Jang bé. Cậu có thể trải nghiệm lòng dũng cảm của việc tỏ tình và sức mạnh tự tin của một anh chàng không mấy sắc vóc như chú Seung Chan. Cậu được giận dữ và bất mãn trước một người nhẫn tâm lợi dụng đứa trẻ bệnh tật để lấy chất liệu viết văn. Và hơn hết, cậu có thể nếm trải trọn vẹn hương vị tình yêu, dù là đang chớm nở như nụ hoa, chín đỏ mọng như trái hồng, hoặc cả khi nó không có thật và đắng chát như một ngụm rượu Soju trên đầu lưỡi. Cậu đã trải nghiệm tất cả những điều đó qua từng câu chữ và vô cùng mãn nguyện.

Hình ảnh khu phố, bệnh viện, ngôi nhà làm phông nền cho câu chuyện của nhân vật hiện lên thật nhẹ nhàng và ấm áp. Những vất vả và khó khăn diễn ra trong suốt quá trình từ khi Ah Reum hoài thai cho đến khi cậu chào đời, khi bố mẹ vật lộn với mưu sinh và cả nhà cùng nhau chiến đấu với căn bệnh của cậu, đặc biệt là những cơn đau thể xác và nỗi cô đơn cùng cực mà Ah Reum phải một mình chịu đựng đều không thể nào diễn tả. Nhưng tất cả đều trở nên nhẹ bẫng dưới góc nhìn trong trẻo của Ah Reum. Hoặc cũng có thể, cậu đã vận dụng sức mạnh từ tâm hồn chững chạc của mình để xóa đi mọi cảm xúc bi lụy và viết lại cuộc sống thành một câu chuyện nên thơ, mộc mạc, không nặng nề nhưng vẫn dễ dàng chạm đến trái tim.

Ah Reum là biểu tượng của lòng ham sống và tình yêu cuộc sống. Chỉ khi đứng ở vị trí của một người khao khát được trải nghiệm nhưng phải rời đi quá sớm, chúng ta mới thấy rằng cuộc sống này tươi đẹp và đáng sống biết bao. Nơi ấy, mọi thứ đều là phước lành, kể cả những vấp ngã, sai lầm đáng thất vọng và thậm chí trở thành nỗi buồn của ai đó là điều không phải người nào cũng có cơ hội trải nghiệm. Tận hưởng từng khoảnh khắc được sống, trân trọng bản thân không hoàn hảo, yêu thương và tha thứ cho sự chưa sẵn sàng của bố mẹ… đó là cách mà Ah Reum đã sống. Vừa tách mình ra như một đài quan sát để nhìn sự việc như chính nó là, cậu vừa hòa mình bằng thân phận của một mảnh đời nhỏ xíu, tưởng như chẳng đáng kể nhưng lại góp phần điểm tô cho cuộc sống tươi đẹp và đa dạng hơn.

Dáng hình nhỏ bé nhưng mạnh mẽ của Ah Reum như một lời nhắn nhủ, động viên chúng ta rằng: Hãy thêm yêu cuộc sống và sống trọn vẹn đời mình! Đừng chán ghét cơ thể mình vì nó chưa hoàn hảo, hãy tạ ơn vì chúng vẫn lành lặn và hoạt động tốt. Đừng thoái chí trước những thất bại và lầm lỡ, hãy hân hoan vì có thể bắt đầu lại vào ngày mai. Đừng lo âu trước tương lai vô định, hãy trân trọng vì điều đó cho thấy chúng ta vẫn còn nhiều thời gian. Đừng ủ dột vì những điều nhỏ nhặt chưa vừa ý, ngoài kia chẳng phải còn rất nhiều vẻ đẹp đang chờ bạn ngắm nhìn sao? Đừng thổi phồng những khó khăn, đừng bi quan trước nghịch cảnh, đừng chờ đợi, băn khoăn mà hãy thực hiện ngay những mơ ước của mình. Hãy thức dậy khoan khoái và tràn đầy năng lượng, hãy quan sát cảnh vật và con người với thật nhiều yêu thương, hãy làm mọi việc với lòng say mê và tâm huyết, hãy tận hưởng mọi thứ nhỏ nhoi như thể đó là món quà tuyệt vời nhất.

Cuộc sống không định nghĩa con người bạn, ngược lại, chính bạn là người lựa chọn gam màu cho bức tranh cuộc sống của mình. Như cách Ah Reum cố gắng thu nhặt thật nhiều hình ảnh và cảm xúc trong từng phút giây được sống từ lời kể của họ hàng, sách vở và từ góc nhìn của cậu đối với thế giới xung quanh, những hình ảnh và cảm xúc ấy cũng đã cô đặc lại và tạo nên danh tính của riêng cậu. Nếu các cô cậu học trò trạc tuổi Ah Reum có chiếc thẻ tên gắn trên bộ đồng phục học sinh cấp ba, cậu cũng có cho mình một chiếc thẻ như thế. Trên đó sẽ ghi rằng “Trường học cuộc đời, Han Ah Reum, lớp Tận hưởng mỹ vị cuộc sống”.

Về tác giả

Ae-ran Kim sinh năm 1980 tại Chungnam, Hàn Quốc, tốt nghiệp khoa Biên kịch Đại học Quốc gia Seoul. Từ khi còn trẻ, tác giả đã giành được nhiều giải thưởng văn học danh giá cho cả hạng mục tiểu thuyết và truyện ngắn, được đánh giá là cây viết tài năng trong làng văn học Hàn Quốc. Tác phẩm của Ae-ran Kim tập trung vào hình ảnh con người trong cuộc sống hiện đại, khéo léo đưa ra cái nhìn mới mẻ về xu hướng thay đổi của cuộc sống, trong đó nổi bật là câu chuyện của người trẻ Hàn Quốc trong quá trình đô thị hóa nông thôn.

Những tháng năm rực rỡ (Tựa gốc: My Brilliant Life) là cuốn tiểu thuyết Ae-ran Kim lấy cảm hứng từ truyện ngắn “Dị nhân Benjamin” (The Curious Case of Benjamin Button) của tác giả F. Scott Fitzgerald và thổi vào làn gió mới của yếu tố nội tâm, tình cảm gia đình đặc trưng của văn học Hàn Quốc. Cuốn sách đã trở thành tác phẩm bán chạy nhất tại Hàn Quốc và được dựng thành bộ phim cùng tên vào năm 2014.

Tự đánh giá Những tháng năm rực rỡ là mầm cây nảy từ những hạt giống đã gieo trồng trong những truyện ngắn trước đó, nữ nhà văn cho rằng đây là cột mốc đánh dấu thời khắc cô vượt lên khỏi câu chuyện của chính mình, quan tâm hơn đến những mảnh đời xung quanh. Điều đó được thể hiện rõ qua cái nhìn bao dung, cảm thông của tác giả về đôi vợ chồng trẻ con, đại diện cho những người đã đi lệch khỏi quỹ đạo được xem là đúng đắn của cuộc đời. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, không có gì đúng hay sai bởi mọi thứ trong cuộc đời mỗi người là điều phải diễn ra và được sắp đặt để diễn ra.

Vào tháng 1 năm 2021, phiên bản tiếng Anh của cuốn sách đã phát hành tại Mỹ và được Tạp chí The Oprah Magazine bầu chọn là cuốn sách hay nhất trong tháng. Cũng như ở Châu Á, tác phẩm cũng để lại trong lòng người đọc phương Tây phong vị nhẹ nhàng, tinh tế, thấu hiểu và có sức mạnh lay động trái tim.

Hạ Nhiên

Click to comment

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Phía sau trang sách

Cánh cửa mở vào nội tâm của Maupassant

Published

on

By

Cùng với Chekhov, Guy de Maupassant từ lâu đã được suy tôn là “bậc thầy của thể loại truyện ngắn”. Điều này không chỉ bởi văn phong độc đáo, mà còn nằm ở sự đa dạng về thể loại. Trong đó Horla và những truyện ngắn khác ra mắt gần đây chính là minh chứng cho nhận định này.

Tuy chỉ viết trong vỏn vẹn có 4 thập kỷ, nhưng những di sản mà Maupassant để lại là tương đối lớn. Ông nổi tiếng nhất với các tiểu thuyết cũng như truyện ngắn mang tính hiện thực, hài hước, lãng mạn, như những tập truyện Sáng trăng, Nơi nhà người bạn

Nhà văn nổi tiếng Guy de Maupassant

Nhưng ít người biết ông cũng bén duyên với thể loại kinh dị, và nó cũng truyền cảm hứng cho nhiều tác giả sau này, trong đó có H.P.Lovecraft với Lời hiệu triệu của Cthulhu. Vừa mới ra mắt trong thời gian qua, Horla và những truyện ngắn khác tập hợp 5 tác phẩm có màu sắc kinh dị, siêu nhiên, được Maupassant viết trải dài từ năm 1875 – 1890.

Trí tưởng tượng phong phú

Trong tập truyện Horla và những truyện ngắn khác, bạn đọc có thể thấy rõ 2 giai đoạn mà Maupassant tiến hành tiếp cận thể loại kinh dị. Trong 3 truyện ngắn được viết sớm nhất là Bàn tay bị lột da (1875), Hắn? (1883) và Nỗi sợ (1884), ta đơn thuần thấy đây là một tác phẩm ẩn chứa yếu tố siêu nhiên mà vị tác giả cố gắng khai thác.

Chúng đơn giản xoay quanh những nỗi ám ảnh mà các cá nhân yếu bóng vía hay là nhạy cảm thường cảm nhận được. Chẳng hạn như trong truyện Hắn?, một người đàn ông vì bị ám ảnh bởi một bóng ma trong căn phòng của mình mà đã cưới lấy một người vợ mới, hay ở Nỗi sợ, chỉ vì trên tuyến tàu lửa khi nhìn thấy có 2 người đàn ông xuất hiện trong khu rừng vắng, mà nhân vật chính bỗng dưng cảm thấy trong mình trỗi dậy nỗi sợ chỉ vì không thể lý giải được động cơ của câu chuyện ấy…

Horla và những truyện ngắn khác là tác phẩm mới từ Maupassant

Đây đều là các nhân vật hoàn toàn tỉnh táo, họ nhận thức được những gì xảy ra và khó có thể nói họ có vấn đề riêng về tâm lý. Và vì tính hiện thực đó, Maupassant qua các tác phẩm cũng gửi gắm được bài học của mình. Chẳng hạn trong truyện Bàn tay bị lột da, thông qua nhân vật Pierre B. – một sinh viên trường luật, người xuất thân từ một trong những gia đình danh giá nhất xứ Normandie – ông đã cho thấy chỉ vì chính thói hư vinh cũng như trưởng giả mà y đã mạo phạm đến một phần thân thể của vị phù thủy, từ đó phải chịu cái chết có phần đau đớn.

Hay trong Nỗi sợ, Maupassant cũng khẳng định “cùng với những điều siêu nhiên, nỗi sợ hãi đích thực đã biến mất khỏi hành tinh này, bởi con người ta chỉ thực sự sợ những gì nằm ngoài tầm hiểu biết của mình”. Câu nói này như đại diện cho tất cả những gì ông muốn nhắm tới, về sự nhỏ bé và đầy mông muội của con người với những kỳ bí chưa được lý giải.

Như vậy những tác phẩm này đều được viết bởi một Maupassant khách quan, đứng ở bên ngoài, từ đó đưa ra những lời lý giải hoàn toàn hợp lý. Thế nhưng ở 2 truyện sau là Horla viết năm 1887 và Ai mà biết được? viết năm 1890, thì ta lại thấy có phần ngược lại, khi chính nhà văn dường như không thể thoát được cái bóng của bản thân mình.

Bi kịch của Maupassant

Hai truyện ngắn này có được điểm chung khi nhân vật chính đều là người đàn ông rơi vào loạn trí. Nhân vật chính này đã từng không dưới một lần thừa nhận chính mình như có đến 2 bản thể cùng nhau tồn tại. Một bên kêu gào giữ lại lý trí, trong khi phía còn lại đòi hỏi rất nhiều hành động mang tính tàn phá.

Sự chia đôi này gợi ta nhớ đến trường hợp của bác sĩ Jekyll và ông Hyde tương đối kinh điển trong tác phẩm nổi tiếng của Stevenson. Như vậy chủ đề của Maupassant đã chuyển từ những nỗi sợ tương đối hữu hình thành ra vô hình và khó lý giải, khi được bao bọc bởi những vấn đề có liên quan đến thần kinh cũng như tinh thần.

Tình tiết của những câu chuyện cũng khó nắm bắt. Ở Ai mà biết được?, đó là một người gần như điên loạn bởi sự xuất hiện và rồi biến mất của những vật dụng ngay trong nhà mình một cách liên tục. Còn ở Horla, đó là một sinh vật gần như trong suốt, thứ được nuôi sống bằng sữa và nước, luôn luôn theo dõi vật chủ mà nó bám theo, từ đó khiến họ “sống không bằng chết”.

Maupassant và những ám ảnh tâm trí của bản thân mình

Theo Charlotte Mandell – dịch giả của truyện ngắn này cho nhà xuất bản Melville House, thì “horla” là từ ghép của “hors” (“bên ngoài”), và “la” (“ở đó”). Vì vậy “horla” có nghĩa là “người ngoài cuộc”, “người bên ngoài”, và có thể được dịch theo nghĩa đen là “cái gì ở ngoài đó”. Thế nhưng cũng có những lý giải khác, khi nhiều người xem đây là một sự kết hợp của cụm “hors-la-loi” (tức “ngoài vòng pháp luật”) và “horsain” (có nghĩa là “thứ lạ lùng”).

Thế nhưng dù có là gì, thì Maupassant như đang cảm nhận những nỗi ám ảnh đến từ sâu hơn và khó lý giải hơn. Xét về bối cảnh của chính tác giả, thì những truyện này tương đối trùng khớp với thời kỳ mà ông có những dấu hiệu đầu tiên của chứng điên loạn, khi ông xuất hiện nhân cách kép và ngày càng gặp nhiều ảo giác do bệnh giang mai. Một năm sau đó, vào năm 1891, ông có dấu hiệu của chứng hoang tưởng.

Có thể là bởi xuất phát từ những trải nghiệm chính ông kinh qua, nên 2 truyện này trở nên chân thật và đầy ám ảnh đối với người đọc. Nếu được viết từ một người tỉnh táo, thì đây chính là tài năng của sự tưởng tượng. Nhưng với Maupassant thì đó là nỗi đau và sự sợ hãi mà bản thân ông mong muốn giải bày thông qua việc viết.

Như vậy đi từ mục đích sáng tạo ở buổi ban đầu, Maupassant dần dần chuyển sang hành động kể lại điều đã trải qua, và làm sáng tỏ chứng bệnh tâm lý mà thời kỳ đó còn bị che khuất bởi những định kiến mà những quan điểm mang tính thủ cựu. Có thể nói Horla và những truyện ngắn khác không chỉ mở ra cánh cửa khám phá một Maupassant rất khác, mà có thể nói cũng đã góp phần giúp ta hiểu được những gì đã từng xảy đến với một trong những nhà văn lớn của nhân loại.

Anh Đoàn

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Tư duy tích cực tạo thành công: Chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng

Published

on

Tác phẩm Tư duy tích cực tạo thành công của Napoleon Hill và William Clement Stone là một cẩm nang hữu ích cho bất kỳ ai muốn đạt được thành công trong cuộc sống. Cuốn sách không chỉ cung cấp những nguyên tắc và chiến lược hiệu quả để phát triển bản thân mà còn truyền cảm hứng giúp người đọc có một thái độ tích cực hơn trong cuộc sống.

Tư duy tích cực tạo thành công là một tác phẩm kinh điển về chủ đề phát triển bản thân, đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới kể từ khi xuất bản lần đầu tiên vào năm 1959, khẳng định vị trí là một trong những tác phẩm self-help bán chạy nhất mọi thời đại. Cuốn sách vén màn bí mật về sức mạnh của tư duy tích cực, giúp người đọc khai phá tiềm năng bản thân và đạt được những thành tựu phi thường trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Tìm kiếm hình mẫu thành công làm ngọn đuốc soi sáng

Để có thêm động lực và định hướng rõ ràng cho bản thân, tác giả gợi ý rằng người đọc có thể xây dựng cho riêng mình một hình mẫu thành công từ những câu chuyện về người thật, việc thật trong sách báo. Khi dành thời gian tìm hiểu về hành trình của họ, những khó khăn họ đã trải qua và cách họ vượt qua những thử thách đó, ta sẽ có thể biến kinh nghiệm của họ trở thành ngọn đuốc soi sáng cho con đường của chính mình.

Bên cạnh đó, người đọc còn có thể chọn một bức ảnh có ý nghĩa đặc biệt với mình để đặt câu hỏi khi nhìn bức ảnh đó rồi lắng nghe câu trả lời từ chính tâm thức bật ra. Bức ảnh ấy có thể là hình ảnh về mục tiêu ta muốn đạt được, về một giá trị sống mà ta trân trọng, hoặc đơn giản là một khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống. Chẳng hạn, nếu người đọc muốn mua nhà nhưng chưa có đủ tài chính thì có thể chọn bức ảnh về một mái ấm khang trang để ngắm nhìn và tự đặt câu hỏi rằng mình phải làm gì để đạt được số tiền sở hữu căn nhà đó. Không phải lúc nào câu trả lời cũng đến ngay lập tức, nhưng việc cụ thể hóa mục tiêu bằng một hình ảnh rõ ràng sẽ giúp người đọc tăng cường ý chí nỗ lực.

Ngoài ra, niềm tin chính là nguồn động lực mạnh mẽ giúp mỗi người vượt qua mọi khó khăn và chinh phục mục tiêu. Trong Tư duy tích cực tạo thành công, có một công thức thường được lặp lại nhiều lần để người đọc ghi nhớ là: “Khi con người người nghĩ đến và tin tưởng vào điều gì, họ sẽ có thể đạt được điều đó với thái độ tích cực.” Đây cũng là một biện pháp tự truyền cảm hứng.

Hai mặt của tình thế bức bách: Thành công hay tội ác?

Tư duy tích cực tạo thành công nhấn mạnh tầm quan trọng của tính lương thiện trong hành trình chinh phục thành công. Cuốn sách khẳng định rằng thành công đích thực không chỉ dựa trên kết quả mà còn phải dựa trên phương tiện đạt được kết quả đó. Một người có thể đạt được thành công bằng mưu mô, thủ đoạn, nhưng đó chỉ là thành công giả tạo, thiếu bền vững và không mang lại hạnh phúc thực sự.

Ngoài ra, tác giả cũng bàn về vai trò của tình thế bức bách: nó như một con dao hai lưỡi, có thể đưa con người đến đỉnh cao thành công hoặc vực sâu tội ác. Tình thế bức bách là phép thử cho bản lĩnh, đạo đức và thái độ của mỗi cá nhân. Khi đó, thành công hay thất bại đều tùy thuộc vào thái độ:

Thái độ tích cực: Khi đối mặt với nghịch cảnh, người có thái độ tích cực sẽ biến nó thành cơ hội để học hỏi, rèn luyện và phát triển bản thân. Họ kiên trì nỗ lực, tìm kiếm giải pháp sáng tạo và không bao giờ bỏ cuộc. Nhờ vậy, họ có thể vượt qua mọi khó khăn và gặt hái thành công.

Thái độ tiêu cực: Ngược lại, người có thái độ tiêu cực sẽ dễ dàng gục ngã trước nghịch cảnh. Họ chìm trong lo âu, sợ hãi, nghi ngờ bản thân và tìm kiếm lối thoát bằng những hành vi sai trái. Hậu quả là họ đánh mất bản thân, vướng vào vòng xoáy tội ác và tự hủy hoại cuộc đời.

Từ đó, cuốn sách đưa ra hai công thức đơn giản nhưng đầy ý nghĩa:

Tình thế bức bách + Thái độ tích cực = Thành công
Tình thế bức bách + Thái độ tiêu cực = Tội ác.

Cân bằng cảm xúc, rèn luyện tư duy và đặt mục tiêu hiệu quả

Cảm xúc và lý trí đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, mỗi người cần học cách cân bằng hai yếu tố này để đưa ra những quyết định sáng suốt. Đôi khi, ta cũng nên lắng nghe tiếng nói con tim và hành động theo những gì mình mong muốn. Chẳng hạn, khi phải lựa chọn giữa một công việc ổn định và theo đuổi đam mê, ta cần cân nhắc kỹ lưỡng cả hai yếu tố cảm xúc và lý trí: ta thường dùng lý trí để đánh giá khả năng thực tế của bản thân, nhưng cũng đừng quên lắng nghe tiếng nói con tim.

Bên cạnh đó, tác giả cho rằng mỗi ngày, chúng ta chỉ cần dành 1% thời gian để nghiên cứu, suy nghĩ, lập kế hoạch là đã có nhiều cơ may tạo ra sự khác biệt để vươn đến thành công. Theo ước tính, một ngày có 1440 phút, 1% sẽ tương ứng với 14 phút. Trong 14 phút đó, nếu ta chú tâm suy nghĩ kế hoạch cho những gì mình muốn làm, ta sẽ dần hình thành được thói quen có thể suy nghĩ sáng tạo mọi lúc, mọi nơi: khi rửa chén, lúc ngồi trên xe bus, hay thậm chí là khi đang tắm.

Ngoài ra, đặt mục tiêu là bước đầu tiên và quan trọng nhất trên kế hoạch chinh phục thành công. Mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn tập trung nỗ lực, đưa ra quyết định sáng suốt và duy trì động lực để đạt được ước mơ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách đặt mục tiêu hiệu quả. Dưới đây là bốn điều quan trọng cần ghi nhớ khi đặt mục tiêu:

1. Viết mục tiêu ra giấy: Khi viết mục tiêu ra giấy, bạn sẽ buộc bản thân phải suy nghĩ cẩn thận về những gì mình muốn đạt được. Việc này giúp bạn tập trung và ghi nhớ mục tiêu tốt hơn.

2. Đặt mốc thời gian: Mốc thời gian giúp bạn chia mục tiêu lớn thành những mục tiêu nhỏ hơn, dễ quản lý hơn. Việc này giúp bạn có động lực để hoàn thành từng bước và tiến đến mục tiêu cuối cùng.

3. Đặt tiêu chuẩn thật cao: Khi đặt tiêu chuẩn cao, bạn sẽ buộc bản thân phải nỗ lực hết mình và phát huy tiềm năng tối đa.

4. Đặt mục tiêu cao: Mục tiêu cao sẽ giúp bạn có tầm nhìn xa và thúc đẩy bạn không ngừng phát triển.

Nhìn chung, Tư duy tích cực tạo thành công đã mang đến cho người đọc những bài học quý giá về sức mạnh của tư duy tích cực trong việc gặt hái thành công và hạnh phúc. Hãy nhớ rằng, thành công không phải là đích đến mà là hành trình. Hành trình chinh phục thành công bắt đầu từ việc nuôi dưỡng tư duy tích cực. Ta cần tin tưởng vào bản thân và những điều kỳ diệu mà cuộc sống có thể mang lại. Từ đó, ước mơ sẽ thành hiện thực bằng chính những hành động mà ta lựa chọn ngay từ hôm nay.

Hoàng Đức Nhiên

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Tình yêu đích thực từ góc nhìn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Published

on

Trong vô vàn những định nghĩa về tình yêu, quan điểm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh về “tình yêu đích thực” được trình bày trong cuốn tiểu luận True Love đã mang đến một sự giản dị, mộc mạc nhưng lại ẩn chứa sức mạnh lay động tâm hồn sâu sắc.

Tình yêu là một trong những chủ đề muôn thuở của nhân loại, luôn ẩn chứa sức hút mãnh liệt và khơi gợi những cảm xúc dạt dào. Nhưng không phải ai cũng hiểu được bản chất của tình yêu. Trong True Love, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã kể lại câu chuyện Thiếu phụ Nam Xương, rồi từ đó rút ra một kết luận mà thoạt nghe sẽ có vẻ vô cùng đơn giản nhưng càng ngẫm nghĩ thì ta càng thấy sự đơn giản ấy chính là vẻ đẹp của minh triết.

Thông điệp ý nghĩa từ ba câu khẳng định trong tình yêu

Đối với thầy, câu chuyện Thiếu phụ Nam Xương có kết cuộc đau lòng là vì người chồng đã không chịu lắng nghe người vợ, anh cứ gạt phăng lời vợ nói, cơn nóng giận đã che mờ tình yêu và cả lí trí. Vợ anh cũng đã không cố gắng hơn để giải thích rõ ràng cho anh hiểu. Chính vì vậy, cả hai người đều không thực sự hiện diện khi ở trước mặt đối phương, họ ở đó nhưng không thực sự ở đó, mà ở trong khoảnh khắc khác, trong những chiều không gian khác. Bi kịch của họ đơn giản chỉ là như thế.

Từ đó, Thiền sư Thích Nhất Hạnh rút ra kết luận là tình yêu thực sự chỉ đơn giản nằm gói gọn trong ba câu sau đây: “Anh ở đây. Em ở đây. Và anh ở đây vì em.” (I’m here. You’re here. And I’m here for you.)

Câu khẳng định đầu tiên mang hàm ý rằng anh đang ở đây ngay giây phút này khi đối diện với em, bằng trăm phần trăm con người anh, không hề có sự tản mác, phân mảnh đi bất cứ nơi đâu. Một điều tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra trong cuộc sống bộn bề lo toan này, việc một người có thể tập trung hoàn toàn tinh lực của mình khi đối diện trước một người mà không bị vướng bận tâm trí bởi điều gì khác cũng thật khó khăn.

Câu khẳng định thứ hai là sự tiếp nối ý từ câu đầu tiên. Anh ở đây, và em cũng đang ở đây. Anh ghi nhận sự tồn tại của em, em ghi nhận sự tồn tại của anh. Vì em cũng đang ở đây cùng anh trong giây phút này nên em không cô đơn, em không tản mác, em không phân mảnh.

Câu khẳng định cuối cùng là một sự quả quyết mạnh mẽ: Anh ở đây, anh dành hết trăm phần trăm sự tồn tại của mình ở đây là vì chính em, không vì ai khác cả. Vậy nên, em có thể yên tâm mà thổ lộ tất cả mọi điều với anh, vì trong giây phút này, hai ta đều cùng hiện diện.

Thông qua đó, ba câu khẳng định này có thể diễn dịch lại thành thông điệp phổ quát như sau:

“I’m here”: Khẳng định sự hiện diện trọn vẹn của bản thân, tập trung toàn bộ sự chú ý và tinh thần vào người mình yêu thương. Trong cuộc sống bận rộn, việc dành trọn vẹn tâm trí cho đối phương là điều không dễ dàng, nhưng lại vô cùng quan trọng để xây dựng một mối quan hệ bền vững.

“You’re here”: Ghi nhận sự tồn tại của đối phương, trân trọng và thấu hiểu cảm xúc, suy nghĩ của họ. Khi cả hai cùng “ở đây”, họ sẽ cảm nhận được sự kết nối sâu sắc, chia sẻ và đồng hành trong từng khoảnh khắc.

“And I’m here for you”: Thể hiện sự cam kết, dành trọn vẹn tình yêu và sự quan tâm cho người mình yêu thương. Lời khẳng định này mang đến sự an toàn, tin tưởng và là động lực để cả hai cùng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Ba câu khẳng định tưởng chừng đơn giản nhưng lại là chìa khóa cho một tình yêu đích thực. Khi cả hai cùng thực hiện được điều này, họ sẽ tạo dựng được một mối quan hệ bền chặt, hạnh phúc và viên mãn.

Chìa khóa cho một mối quan hệ tốt đẹp

Để thực sự “ở đây”, mỗi người cần học cách chánh niệm, tập trung vào hiện tại, gạt bỏ những lo toan, phiền muộn và dành trọn vẹn sự chú ý cho đối phương. Khi ta thực sự “ở đây”, ta sẽ cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp của người mình yêu thương, thấu hiểu những cảm xúc và suy nghĩ của họ. Tình yêu đích thực không chỉ là những khoảnh khắc lãng mạn, mà còn là sự cam kết và hy sinh cho nhau. Khi yêu thương ai đó, ta sẵn sàng dành thời gian, tâm sức và cả những hy sinh để cùng nhau xây dựng hạnh phúc.

Giao tiếp là yếu tố quan trọng trong bất kỳ mối quan hệ nào. Lắng nghe cởi mở và thấu hiểu là cách để hai người kết nối tâm hồn, chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ và vun đắp tình cảm ngày càng sâu sắc.

Tình yêu đích thực không phải là điều viển vông hay khó kiếm tìm. Nó ẩn chứa trong chính những khoảnh khắc bình dị của cuộc sống, chỉ cần ta biết trân trọng và gìn giữ. Ba câu khẳng định của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về cách để vun đắp và nuôi dưỡng một tình yêu thương bền chặt, viên mãn.

Hoàng Đức Nhiên

Đọc bài viết

Cafe sáng