Phía sau trang sách

Jane Eyre: Bức họa về ý chí và nghị lực vượt lên số phận của con người

Published

on

Có đôi ba lần thế kỉ trôi qua, những đóm sao đêm đã sáng rồi lại tắt, những cuộc đời nối dài rong ruổi và miên man, bể dâu và đổi khác, tưởng rằng sẽ làm phôi phai đi tất cả những gì từng gọi là đẹp đẽ của một quá khứ huy hoàng, ấy vậy mà, Jane Eyre – một biểu tượng vững chãi của sự kiên cường và bất khuất – vẫn hiện lên thật rạng ngời và rực rỡ qua từng trang sách chứa đầy những hồi ức tự sự thật thà – bất chấp rằng thời đại đã đổi dời, bất chấp rằng thời gian đã cuồng quay. Jane Eyre, hơn cả một cuốn tiểu thuyết đã bao lần làm thổn thức trái tim độc giả, đó còn là một bức họa tuyệt đẹp về ý chí và nghị lực vươn lên số phận của con người.

Thật kì lạ là dù cuốn sách đã được nữ sĩ Charlotte Bronte viết cách đây gần hai trăm năm, ấy vậy mà, những câu chuyện, những sự kiện, những niềm vui hoặc chăng là sự đau khổ của mỗi nhân vật đều thân thuộc và tương đồng với những gì đang vận hành và xảy ra xung quanh con người thời đại này. Đó như là một tấm gương phản chiếu những mảnh đời, những số phận, những biến cố và trở ngại trong suốt hành trình làm người – của từng con người. Vậy phải chăng, con người dù ở bất kì thời điểm nào trong suốt chiều dài lịch sử – đều phải gặp và trải qua những hỉ nộ ái ố muôn thuở như những bậc tiền nhân đã từng?

“Jane Eyre”

Khi nghĩ về cái tên này, dù chỉ là cái tên trong một cuốn tiểu thuyết (hư cấu), nhưng tôi lại bỗng thấy xót xa lạ kì. Cô gái này vì sao lại bất hạnh đến như vậy? Bất hạnh như thể mọi thứ tồi tệ nhất trên đời đều đổ dồn về phía cô. Cô không có gia đình, không có người thân, cũng không có bạn bè gì cả. Những người mà cô còn có thể bám víu được suốt cả thời thơ ấu của mình lại chính là những người không hề muốn nhìn thấy sự hiện diện của cô. Chỉ vì lời hứa với người chồng đã mất, người mợ cay nghiệt đành phải cưu mang cô trong sự oán hận. Bà ghét cô. Bà khinh bỉ cô. Bà trừng phạt cô. Đến cả những đứa con của bà cũng đều khiến cho cô cảm thấy đau đớn. Chưa bao giờ cô thôi sợ hãi. Chưa bao giờ cô có quyền nói lên tiếng lòng mình, hoặc cũng thật khó để có thể chống lại tất cả bọn họ. Thứ duy nhất cô có thể làm chính là chấp nhận sống trong những thù hằn của đám người kia.

Tại sao cô không chạy đi?

Chạy? Chạy đi đâu bây giờ, khi cô chỉ là một đứa trẻ chẳng hay biết gì về cuộc đời ở bên ngoài, và có muôn vàn câu hỏi rằng thế giới xa lạ này ra sao. Cô bé đáng thương tội nghiệp ấy chỉ là một hạt cát nhỏ nhoi giữa sa mạc, chẳng tiếng nói, chẳng sức mạnh, cũng chẳng có ai để dựa vào…

Nhưng!

Jane Eyre! Cô bé nhỏ như một ngọn cỏ ven đường. Nhưng ngọn cỏ không yếu đuối bao giờ. Khi bão giông ập đến hay có ai tàn nhẫn giày xéo lên tấm thân mỏng manh ấy, ngọn cỏ vẫn sống và kiên cường vươn lên. Ngọn cỏ âm ỉ một sức mạnh phi thường – sức mạnh của nghị lực và niềm tin về sự sống của chính bản thân mình. Và Jane cũng vậy. Ai ngờ đâu đằng sau một cô gái trầm lặng ấy lại chính là một ý chí vươn lên không bao giờ ngơi nghỉ. Ý chí rằng mình sẽ được hạnh phúc. Nhất định sẽ được hạnh phúc.

“Tôi không phải là chim, không có chiếc lồng nào có thể bẫy được tôi. Tôi là một người tự do, với ý chí độc lập.”

Không chấp nhận quẩn quanh trong một giới hạn bị người ta rào cản, Jane luôn khao khát được bay đi, tìm kiếm cho mình những lí tưởng sống mới. Trên hành trình đi tìm kiếm tự do và hạnh phúc ấy, lắm khi, Jane đau khổ và thất vọng thật nhiều. Cái cay nghiệt đâu chỉ mãi quẩn quanh trong gia đình bà Reed, nó còn xuất hiện và liên tục lặp đi lặp lại mãi suốt cả quãng đời sau này của Jane: từ khi còn là nữ sinh ở trường Lowood cho đến khi về làm việc tại nhà của ông Rochester. Khi đã tưởng được yên bình rồi, thì bão giông lại bất ngờ ập đến. Khi đã tưởng kiếm tìm được hạnh phúc, thì đau khổ lại bỗng chốc lên ngôi. Cô gái bé nhỏ ấy cứ liên tục gặp phải những chuyện đau lòng. Đã từng đi qua mùa dịch bệnh, đã từng đói, từng khát, từng trở thành người vô gia cư – không thức ăn, không tài sản, từng hi vọng và bị cướp mất đi hi vọng, từng hạnh phúc vô bờ rồi bỗng rơi xuống đáy của nỗi đau… Những điều ấy, những tưởng sẽ quật ngã và giết chết Jane Eyre. Nhưng lạ thường thay, càng khó khăn, Jane lại càng vươn lên mạnh mẽ. Jane không bao giờ cam chịu hay chấp nhận những uất ức cuộc đời. Jane học được nhiều điều từ chính những khó khăn ấy. Jane phản kháng quyết liệt với những bất công mà cuộc đời đem lại. Tại sao chứ? Sao lại cúi đầu để nghiệt ngã lên ngôi, trong khi chính mình phải trở nên hiên ngang mới đúng?

“Nếu người ta lúc nào cũng tử tế và vâng lời những kẻ độc ác bất công, thì chỉ tổ làm cho kẻ ác tha hồ được thể, chúng sẽ chẳng bao giờ e dè gì cả, và như vậy thì bao giờ mà chúng tay đổi được; trái lại, chúng sẽ ngày càng trở nên quá quắt.”

“Khi nào bị đánh đòn một cách vô lý, ta cần phải chống cự lại, thật táo bạo vào. Tôi cam đoan phải làm như thế, chống cự mạnh đến mức làm cho kẻ đánh đập chúng ta phải kệch hẳn.”

“Tôi phải kháng cự lại những kẻ phạt tôi một cách bất công. Điều đó cũng tự nhiên như tôi yêu một người nào tỏ ra yêu mến tôi, và phải chịu trừng phạt khi tôi thấy là đáng phạt.”

Vì đâu mà Jane lại có thể thốt ra những lý lẽ như vậy? Phải chăng là do đã bị chà đạp quá nhiều và dìm sâu xuống tận cùng sự khổ, cô ấy mới phải tự mình đứng dậy để tìm một lối thoát cho chính mình, và chống cự lại những kẻ đã luôn đay nghiến cô? Tức nước thì vỡ bờ. Cũng giống như câu chuyện của bao kẻ khốn cùng khác, khi không còn sự lựa chọn nào cho cuộc đời đau khổ của mình, họ đành chọn mạnh mẽ!

Jane mạnh mẽ để vượt qua sóng gió, nhưng sự mạnh mẽ đó không hề biến Jane trở thành một con người vô cảm và lạnh lùng. Jane vẫn là Jane, với trái tim nồng ấm yêu thương, biết cảm thông và chia sẻ, biết thấu hiểu và quên hết hận thù.

Giống như Jane từng nghĩ rằng mình sẽ căm ghét và thù hằn bà Reed đến cuối cuộc đời – sau những điều tồi tệ bà từng làm với mình, thế nhưng, khi gặp lại bà sau nhiều năm xa cách, Jane đã chẳng còn hận thù gì thêm nữa. Jane hiểu rằng quá khứ đã mãi mãi nằm lại ở phía sau, và hiện tại, những ân oán này đã không còn ý nghĩa gì hết. Jane bỗng muốn gọi bà Reed bằng tiếng gọi thân thương, “Mợ!”, để rồi sau đó, hận thù sẽ nhường chỗ cho yêu thương.

“Mợ Reed thân mến, mợ đừng nghĩ đến những chuyện cũ ấy làm gì nữa, xin mợ hãy quên đi…”

“Mợ ơi, giá mợ có thể quên những điều đó đi, và nhìn cháu với một lòng khoan dung thương mến…”

“Hồi còn bé, nhiều lần cháu rất muốn được yêu quý mợ nếu mợ cho phép. Và bây giờ cháu hết sức mong mỏi được làm lành với mợ, mợ ơi, mợ hôn cháu đi.”

Với Jane, yêu thương là một điều thiêng liêng mà cô đã dành cả tuổi trẻ của mình để tìm kiếm. Vậy nên, khi có được những yêu thương ấy từ người đàn ông mà cô có tình cảm, cô luôn biết ơn và trân trọng. Tuy vậy, Jane không bao giờ cho phép bản thân mình sở hữu thứ yêu thương “dễ dãi” và “tầm thường”, nếu hạnh phúc mà cô có được là điều không xứng đáng. Cô nào chấp nhận mình trở thành một người phụ nữ “rẻ tiền” khi kết hôn cùng một người đã có vợ, cùng làm chuyện bất hợp pháp và khinh thường đạo lí như vậy.

“Tôi càng cô độc, càng không bè bạn, càng không nơi nương tựa, thì tôi lại càng tự trọng.”

“Luật pháp và những nguyên tắc đạo đức đâu phải đặt ra cho lúc bình thường không có sự cám dỗ, mà là cho những lúc như thế này, khi thể xác và linh hồn nổi lên chống lại sự khe khắt của chúng. Chúng khe khắt, chúng sẽ không bị vi phạm. Nhưng vì thuận tiện cho mình mà tôi phá bỏ chúng thì chẳng hóa chúng không có giá trị gì ư?”

Thật xót xa ngay phút giây trong lễ đường, Jane đã phơi phới niềm tin về một hạnh phúc căng tràn trong lồng ngực, để rồi bỗng chốc, sự thật ập đến tai, hạnh phúc vỡ tan tành như bọt sóng giữa đại dương… Chính khoảnh khắc Jane Eyre quyết định rời đi khỏi căn biệt thự Thornfield sau khi biết người mình yêu thương đã có vợ, cũng là khi độc giả tìm thấy được hình ảnh của một con người can đảm, dũng cảm, và độc lập – dẫu đằng sau đó là những giọt nước mắt ê chề và đau khổ tận tâm can. Nhưng vì đã dũng cảm yêu thương, thì khi yêu thương không còn ý nghĩa nữa, chúng ta phải dũng cảm để từ bỏ mà thôi…

“Trên đời chưa ai có thể mong ước được yêu như tôi đã được yêu, và tôi tuyệt đối phụng thờ con người đã yêu tôi như vậy, ấy thế mà tôi phải từ bỏ tình yêu với thần tượng đó. Bổn phận khốc liệt của tôi nằm gọn trọng một chữ buồn rầu: Đi!”

“Vĩnh biệt”, đó là tiếng kêu của trái tim tôi lúc tôi rời ông. Sự tuyệt vọng nói: “Đời đời vĩnh biệt.”

Nhưng sẽ chẳng có đau khổ nào là mãi mãi, khi mà sau tất cả, cuối cùng thì hạnh phúc cũng đã đến bên Jane. Đó không phải là một điều may mắn. Đó là điều tất nhiên – phần thưởng dành cho những ai biết cố gắng, biết nỗ lực và vươn lên số phận. Biết sống không hoang phí – dẫu cuộc đời đầy rẫy nỗi trầm luân. Rồi khi giọt nắng đậu bên thềm, khi cơn bão qua đi và trời xanh trở lại, cũng là lúc hạnh phúc chạm đến. Sẽ có ai đó ở cạnh bên và lắng nghe những câu chuyện của Jane, sẽ lau khô giọt nước mắt đã bao lần cô từng khóc, sẽ an ủi và yêu thương cô. Sẽ đền đáp cho cô sau năm tháng khổ cực. Cuối cùng, và nhất định, hạnh phúc đã ghé qua!

Jane Eyre chính là tấm gương phản phất hình ảnh của một cô gái bé nhỏ với một nghị lực sống phi thường giữa muôn vàn trắc trở của cuộc đời. Dẫu bị xã hội đương thời ruồng rẫy hay ghét bỏ, thế nào, Jane vẫn kiên cường và bất khuất như một ngọn cỏ dại hiên ngang trước bão. Đọc Jane Eyre để tìm thấy những phẩm chất cao cả của một con người, để tự soi lại bản thân mình trong suốt hành trình sống, và để thấy, xen lẫn những chất liệu thi ca lãng mạn hay khắc tạc hiện thực khắc nghiệt, thì tình yêu vẫn đẹp biết bao: tình yêu nhân loại, và tình yêu giữa người với người…

Thật khó để có thể kể hết những điều thật sự có ý nghĩa với tôi trong cuốn sách này, bởi qua từng giai đoạn, từng chi tiết khác nhau, thì tôi lại cảm nhận được những giá trị riêng biệt cho riêng mình. Tôi học được từ Jane một ý chí mạnh mẽ vô cùng. Đã có lúc tôi nghĩ, nếu tôi là Jane, liệu rằng tôi có thể mạnh mẽ được như cô ấy, liệu rằng tôi có dám đương đầu vươn lên giông bão, liệu rằng tôi có vượt qua được cám dỗ để theo đuổi một niềm hạnh phúc thật sự của riêng mình. Tôi không biết tôi sẽ thế nào. Nhưng tôi biết, thứ tôi đang suy nghĩ là gì…

“Bạn đọc thân mến, cầu cho bạn đừng bao giờ cảm nghĩ như tôi lúc ấy! Cầu cho mắt bạn đừng bao giờ phải nhỏ những giọt lệ nóng hổi, tràn trề, xé ruột xé gan như tôi. Cầu cho bạn đừng bao giờ phải cầu xin Chúa một cách tuyệt vọng và đay khổ như tôi đã cầu xin trong giờ phút ấy, Cầu cho bạn đừng bao giờ lo sợ như tôi, phải trở thành nguồn đau khổ cho người mà mình yêu với tất cả tâm hồn.”

Jane Eyre!

Hết.

Lâm Lâm

*

Đọc tất cả bài viết của Lâm Lâm

Phía sau trang sách

Nắng Tháng Tám: Màn trình diễn ấn tượng của William Faulkner

Published

on

By

Nắng tháng Tám diễn ra ở vùng Nam Mỹ vào những năm 1930 và trung tâm câu chuyện xoay quanh vụ án mưu sát một người phụ nữ tên Joanna Burden, người địa chủ bị hầu hết những người dân trong vùng khinh ghét vì quá khứ gia đình. Thông qua quá trình kể câu chuyện này, bí mật của những nhân vật khác cũng dần được tiết lộ. Truyện được viết với thời gian phi tuyến tính, gợi nhớ đến lối kể truyện truyền miệng, đường dây câu chuyện thường xuyên bị ngắt giữa chừng và những nhân vật khác thay phiên nhau tiếp nối mạch truyện. Các nhân vật đều là những con người bị gạt ra khỏi xã hội. Vì vậy, câu chuyện là cái nhìn về xã hội từ ngoài rìa của những con người không còn thuộc về nó nữa.

Tiểu thuyết chia làm ba đường dây câu chuyện riêng biệt, cuối cùng tất cả đều liên kết nhau bằng kết thúc bùng nổ với bạo lực. Một phong cách rất Faulkner. Nhưng khác với những tiểu thuyết khác viết theo phong cách này ở chỗ: cuối cùng nhân vật chính trong mỗi câu chuyện thường gặp nhau thì Faulkner lại không bao giờ tạo ra một cảnh chung có cả Christmas và Lena – hai trong số ba nhân vật chính. Mặc dù dường như họ được kết nối với nhau một cách vô hình: có thể Chirstmas vừa là hóa thân ẩn dụ cho người cha của đứa trẻ trong bụng Lena, đồng thời lại chính là đứa trẻ đó. Đứa trẻ là câu trả lời của Faulkner cho định mệnh tàn bạo không thể tránh khỏi đã nguyền rủa vùng đất phía Nam ấy. Chẳng có lối thoát nào cho những tổn thương quá khứ ngoài việc tự tạo nên những mầm hi vọng mới. Và Faulkner để cho chúng ta tìm ra điều ấy ở đứa trẻ của Lena.

Ở Nắng tháng Tám, Faulkner đã cho thấy một thế giới có chuẩn mực xã hội quá khắt khe, thiếu linh động, bảo thủ và con người phải chịu đựng bằng cách vờ như khuất phục khối bêtông hiện thực của ngoại giới, của những sự việc dường như chẳng liên quan đến họ. Đó là một thế giới chẳng có gì thích ứng với nhau, chẳng có điều gì kết nối, và Faulkner cũng không cố gắng tìm ra sự kết nối. Ông chỉ trộn lẫn chúng vào nhau trong hệ thống câu chuyện của mình để chúng ta cảm nhận những nghịch lí đó.

Nhận xét của báo chí thế giới

Nói rằng Nắng tháng Tám là một màn trình diễn ấn tượng thật chẳng phải là nói quá chút nào… Faulkner không chỉ tích hợp trong cuốn sách này thứ văn phong quyến rũ của sức mạnh và cái đẹp: ông còn cho phép một vài nhân vật của mình, nếu không phải là nhân vật chính, thỉnh thoảng được quyền hành động vô cớ, nằm ngoài những khuôn mẫu xã hội… Nghĩa là, Faulkner tự cho mình lí lẽ và sự thương cảm đối với hệ thống trong thế giới của ông.

J. Donald Adams | New York Times

Quyển sách như rực lửa với sự phẫn nộ dữ dội trước bạo lực, sự ngu ngốc và lòng kiêu hãnh – một quyển sách tuyệt vời.

Spectator

Faulkner có một sức sáng tạo không mệt mỏi, trí tưởng tượng phong phú, và ông thường viết như một thiên thần.

Arnold Bennett

Kodaki
dịch và tổng hợp từ nhiều nguồn

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Tình miệt thứ trong phù sa câu chữ

Published

on

By

Tập truyện ngắn này bao gồm những truyện mà tôi thích. Khi tập hợp để in thành sách, tôi ngồi lựa chọn lại thật kỹ càng, bởi tôi mong muốn trao gởi đi những điều trân quý nhất của mình dành cho độc giả, như một lời tri ân cho những người đã ưu ái đồng hành cùng văn chương của mình.

12 truyện ngắn này là những câu chuyện của miệt đồng bưng chín nhánh sông mà đâu đó trong cuộc đời chúng ta vẫn thường bắt gặp. Xoay quanh những câu chuyện là chữ “tình”. Tôi vẫn thường nghĩ, con người ta trong cuộc đời này chẳng ai thoát khỏi được chữ tình. Chữ tình quấn lấy chúng ta, dắt dìu chúng ta đi qua nỗi buồn, dẫn chúng ta chạm đến niềm vui. Chữ tình khiến chúng ta đắng đót với niềm đau nhưng cũng chính cái chữ tình đó lại là nỗi thương để chúng ta bám víu vào mà sống hết đoạn đời phù sinh thế thái này.

Người viết vì tình mà viết. Người đọc vì tình mà buồn vui theo từng con chữ, xa xót theo từng phận đời, và hả hê với điều thiện lành được hồi đáp sau bao đoạn trường trầm luân.

Có một lần ngồi trên chuyến phà đêm Châu Giang, tôi chợt nghĩ mình chỉ là một dòng phù sa của muôn triệu dòng phù sa đang chảy tràn khắp miệt đồng bưng châu thổ. Tôi đem đến những điều dung dị, chất phác và hào sảng như là bản tính vốn dĩ của người Cửu Long đã ăn sâu vào gốc rễ nội tâm và căn cơ chính mình.

Có bận tôi về Đồng Tháp, ghé cái chợ quê mà hồi nhỏ hay để dành năm trăm, một ngàn để mua dăm ba thứ bánh quê, tôi ngồi sụp xuống và lựa chục loại rồi hí hửng xách lên chạy về khoe với mấy cậu mấy dì. Tôi chẳng thể ăn hết được mớ bánh hôm đó, nhưng vui lạ lùng. Thể như tôi tìm thấy chính mình sau những đãi bôi thị thành. Tôi thấy niềm vui của mình sao giản đơn đến lạ! Hóa ra mỏi gót điêu linh nơi phố xá hào nhoáng thì cái gốc rạ chân quê vẫn là thứ mà tâm tưởng chính tôi luôn hoài vọng.

Có lẽ, dấu chân tôi chưa đi hết nổi dải đất bạt ngàn phù sa miền Tây, đôi tai chưa nghe hết chuyện hào sảng xứ này, đôi mắt chưa thể tận tường hết những thứ đẹp đẽ của sóng nước bưng biền, hay thâm tâm chưa thể trọn vẹn thấu hiểu hết vùng châu thổ, nhưng tôi vẫn luôn thích viết về xứ này. Cái xứ gì mà hổng hết chuyện để viết. Có lần tôi nói vậy với một bạn văn phía Bắc. Bạn nói, thì cứ viết đi, viết đến cạn cùng cuộc đời, chưa chắc viết hết trọn một vùng đất. Bởi đất ôm cả đời người. Người ta sống thác gì đó, gieo neo dâu bể thế nào thì cũng về với đất quê xứ mình mà thôi!

Vậy nên, tôi cứ viết hoài về miền đất này, ngõ hầu đem đến cho độc giả của mình cái “tình” miệt thứ, cái “thương” đồng bưng. Càng viết tôi lại càng thấy mình như mắc nợ vào sóng nước phù sa câu chữ. Viết hoài hổng hết. Viết hoài vẫn cứ muốn viết.

Viết và gởi đến độc giả đã thương yêu câu chữ của mình, cũng như nếu một ai đó hữu duyên cầm trên tay cuốn sách nhỏ này, thì mời bạn một lần lắng lòng lại, lật từng trang sách, nghe tôi kể chuyện buồn miệt thứ. Nhưng mà, người miệt thứ buồn đó rồi lại vui đó, như sóng nước xứ này vơi rồi lại đầy, như phù sa châu thổ muôn đời vẫn dâng người những mùa màng tốt tươi.

Tống Phước Bảo

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Hồ: Một nỗi buồn điềm tĩnh và dịu dàng

Published

on

By

Tiểu thuyết Hồ của Banana Yoshimoto viết về những nỗi đau, những mất mát của con người và cách họ vượt qua nó. Các nhân vật trong Hồ như Chihiro, Nakajima, Mino, Chii… đều có những thương tổn sâu sắc trong quá khứ. Với đề tài như thế, câu chuyện sẽ dễ sa đà vào nhiều trường đoạn cảm xúc nặng nề nhưng Banana vẫn luôn giữ được sự điềm tĩnh, dịu dàng trong văn phong giống như ở những tác phẩm trước đây đã quen thuộc với bạn đọc Việt Nam như: Kitchen, Vĩnh biệt Tugumi, N.P…

Hồ được Banana lấy cảm hứng từ câu chuyện của giáo phái Aum Shinrikyo. Độc giả có thể nhận thấy mô hình công xã mà Nakajima sống ngày còn nhỏ phần nào tương tự với mô hình của giáo phái này. Aum Shinrikyo cũng xuất hiện trong tác phẩm 1Q84 của Murakami Haruki dưới hình thức hư cấu. Qua đó, người đọc thấy được sự khác biệt trong cách khai thác cùng một chủ đề của hai nhà văn. Nếu như trong 1Q84, Haruki đề cập nhiều đến những tác động chính trị – xã hội xoay quanh mô hình phi nhân của Aum thì ở Hồ, Banana chọn một góc nhỏ để viết về hậu chấn tinh thần của những đứa trẻ khi phải chịu sự giáo dục tẩy não trong một cộng đồng không đề cao cái tôi cá nhân. Và chi tiết mà Banana chọn để khắc họa nỗi đau của những đứa trẻ ấy khi lớn lên vừa đơn giản, vừa ám ảnh: Nakajima kẹp vỉ nướng bánh dày vào nách khi ngủ mỗi lần “cảm thấy sắp mơ phải cái gì đáng sợ” bởi đó là vật mà mẹ cậu rất quí; Chii mãi chìm đắm trong những giấc ngủ; Mino sống lặng lẽ từng ngày và đôi khi truyền hộ thông điệp mà người em gái say ngủ muốn nói cho người khác…

Nỗi buồn của các nhân vật dù được Banana viết ra thật nhẹ nhàng nhưng không vì thế mà người đọc có cảm giác hời hợt. Bởi vì, cái đau của họ không phải là cái đau của một người vừa qua cơn khủng hoảng tâm lí, vẫn chưa hết bàng hoàng và không thể chấp nhận hiện thực. Ngược lại, họ tự tách mình ra khỏi chính bản thân mình, đứng ở một nơi xa để ngắm nhìn nỗi đau của mình, chịu đựng nó, chấp nhận nó. Đó là cách để họ vừa giữ lại những kỉ niệm tươi đẹp trong quá khứ, vừa giữ lại nỗi buồn đã tiềm ẩn trong kí ức ấm áp ấy.

Đọc bài viết

Cafe sáng