Phía sau trang sách

Phía nam biên giới, phía tây mặt trời: Ranh giới mong manh giữa trái tim và lý trí, hiện thực và mộng tưởng

Chúng ta hiểu gì về thế giới này?
Chúng ta hiểu gì về cuộc đời này?
Và chúng ta hiểu gì về chúng ta?

Published

on

Phía nam biên giới, phía tây mặt trời kết thúc, tôi gấp những trang cuối cùng của cuốn sách lại, thoáng nhìn qua ô cửa sổ dài, thấy một nỗi buồn vừa đọng lại nơi mi mắt của mình, và hoàng hôn đã phảng phất ngoài kia, rực rỡ. Trong một khoảnh khắc mơ hồ nào đó, khi bản thân vẫn còn đang nhập nhằng sống giữa thực và hư, giữa đời và mộng tưởng, tôi thấy mình tựa như một áng mây, trôi bãng lãng, bâng quơ ngang qua bầu trời rộng lớn, hay đang ngang qua một kiếp sống cô độc. Thảng hoặc, tôi nhìn lại, thấy xung quanh mình sao lắm nỗi cô đơn, và những muộn phiền cùng khổ đau đến từ trái tim đã chẳng còn non trẻ cứ đầy rẫy ra đó. Tôi muốn khóc, như là khóc cho chính mình, như là khóc cho người, hoặc là khóc cho tất cả những ai đang tồn tại giữa cuộc đời này, một cách cô độc. À, trong đó có cả Hajime.

Hajime, ôi cái gã trai bao lần cứ hoang hoải trong chính cuộc đời của mình, từ khi còn là một đứa trẻ cho đến khi đã lập gia đình, từ khi trái tim còn non dại nghĩ suy cho đến khi muộn phiền đã ngủ ngầm và chất chứa trong tim. Chẳng hiểu sao khi đọc cuốn sách này, tôi lại thấy Hajime thật là đáng thương, dẫu gã đã có những hành động và suy nghĩ khác biệt mà tôi vẫn luôn cho đó là sai lầm. Tôi cảm giác như Hajime là một con người cô độc, cực kì cô độc. Hajime lớn lên trong một gia đình chỉ có duy nhất một đứa con. Hajime chẳng có nhiều bạn. Người bạn thân thiết thời thơ ấu của Hajime là Shimamoto cũng là con một, và cô ấy cũng chẳng có bạn bè. Cảm giác như những kẻ cô đơn sẽ có cùng một từ trường thu hút, để tìm về, để gắn kết, để thấu hiểu và để sẻ chia. Rồi từ thuở ấu thơ, Hajime bắt đầu lớn dần lên. Cuộc sống của anh cũng chẳng có bất cứ điều gì là đặc sắc. Công việc của anh khô khan như cái cách mà anh đang sống. Mọi thứ đều tẻ nhạt, nhàm chán, vô vị và buồn bã đến mức ngày tháng trôi qua chẳng có lấy một niềm vui chân chính. Nhưng khoan, suy cho cùng, làm gì có một niềm vui chân chính nào trên cõi đời này? Vì mọi thứ đều chỉ là giả tạm. Vì mọi thứ đều chỉ là thoáng qua. Như cơn mưa thấm nhạt vào đất. Rồi bốc hơi, và biến mất.

Vì mọi thứ đều chỉ là giả tạm. Vì mọi thứ đều chỉ là thoáng qua. Như cơn mưa thấm nhạt vào đất. Rồi bốc hơi, và biến mất.

Rồi Hajime kết hôn. Ngoảnh đầu nhìn lại, anh đã đi qua một quãng đời rất dài. Bầu trời vẫn dài rộng và cuộc đời vẫn che đậy những biến số ngỡ ngàng. Hajime có một mái ấm gia đình hạnh phúc với Yukiko cùng những đứa con nhỏ. Ai cũng mong ước, ai cũng ghen tị với cuộc sống của anh. Vợ hiền, con ngoan, việc kinh doanh ổn định, cuộc sống dư dả thoải mái, được làm điều mình thích… Như có một phép màu đã mang điều may mắn đến với cuộc đời của Hajime, anh dần thoát khỏi những vô vị của quá khứ và rẽ sang một trang mới diệu kì. Tưởng chừng như sau khi kết hôn rồi, Hajime sẽ không còn thấy cô đơn nữa. Thế nhưng, nỗi cô đơn cứ bám víu lấy cuộc đời anh một cách lạ kì. Và dù cho hiểu rất rõ về nó, anh vẫn không khi nào có thể rời khỏi nó. Anh luôn cô đơn, anh luôn hoang hoải. Anh luôn thấy bản thân mình như ngạt thở và những ngổn ngang ẩn giấu tiềm tàng trong lòng anh cứ trỗi dậy một cách âm ỉ và mãnh liệt như từng đợt sóng. Anh vẫn chưa thấy hài lòng với cuộc sống của mình. Anh luôn muốn tìm kiếm một lí tưởng nào đó. Một tia hi vọng nào đó. Một niềm hạnh phúc nào đó, mà anh luôn cho là nó giản đơn hơn, nó chân thành hơn, và nó khiến cho anh được sống, dẫu chỉ là sống trong một khoảnh khắc bé nhỏ, rồi phải tan đi…

Vậy cái niềm hạnh phúc mà anh luôn tìm kiếm là gì? Là Shimamoto, người con gái đầu tiên khiến cho anh hiểu được những xúc cảm của tình yêu. Nó không phải là một thứ tình cảm đơn thuần. Nó là kỉ niệm. Nó là điều thiêng liêng. Nó là những khát khao và chờ đợi của Hajime suốt cả một cuộc đời. Vì sao Hajime luôn nhắc nhở và chờ đợi Shimamoto, khi anh đã có gia đình, khi cô đã không còn cạnh kề bên anh nữa, khi thời gian đã ngang qua nhuốm màu kí ức và xô đẩy bao phận người trôi dạt về từng bờ bến khác nhau? Phải chăng “con người ta luôn mơ ước về mối tình đầu?”, vì đó chính là thứ đẹp đẽ và đáng nhớ nhất? Hoặc phải chăng, vì chưa có được một cách tròn vẹn nên người ta cứ luôn khao khát. Một cách mù quáng. Một cách bất chấp. Một cách mờ mịt và tối tăm.

Tôi gọi Hajime là một gã đáng thương là vì sao? Vì gã có rất là nhiều sai lầm. Sai lầm này nối tiếp sai lầm kia. Gã đã bao lần khiến cho những cô gái yêu thương gã phải khổ đau và tổn thương một cách sâu sắc. Gã biết điều đó. Gã hiểu điều đó. Gã luôn ý thức được những việc gã làm. Thế nhưng, gã cho đó là một điều bình thường. “Mình không thể chỉ gặp gỡ cô gái này bình thường như thế này được, nếu không mình sẽ phải hối tiếc cả đời.”, gã tự nhủ. Khi hẹn hò với Izumi, gã lại nhẫn tâm làm tình với chị họ của cô. Khi đã có Yukiko làm vợ, gã vẫn lừa dối cô để qua lại với Shimamoto. Những lời nói dối, những sự lừa lọc… gã có thấy mệt mỏi không. Có bao giờ gã cảm thấy hổ thẹn và xấu hổ với chính bản thân mình. Chắc chỉ có gã biết điều đó! Nhưng tôi không trách gã và oán gã. Vì như đã nói, gã luôn đáng thương. Bởi đôi khi người ta sẽ chẳng thể nào biết được đâu là đúng là sai, là nên làm và không nên làm. Cái tâm thèm khát và chứa đầy dục vọng bao giờ cũng chạy nhanh hơn lí trí, và để có thể thấu hiểu và kiểm soát được cái tâm ô uế đấy lại mất cả một thời gian dài, có khi là trải qua hàng vạn cuộc đời. Tôi mong, nếu như Hajime là một nhân vật có thật trên cuộc đời này, hoặc nếu có bất kì ai đang sống một cuộc đời giống như Hajime, thì họ sẽ hiểu được tâm trí của mình. Với tôi, đó luôn là một điều quan trọng. Hãy thử một lần ngồi lại và lắng nghe tâm trí, rồi ta sẽ thấy nó ô nhiễm và đầy rẫy dục vọng như thế nào. Nghĩ đến thôi, tôi bỗng thấy sợ hãi…

Cái tâm thèm khát và chứa đầy dục vọng bao giờ cũng chạy nhanh hơn lí trí, và để có thể thấu hiểu và kiểm soát được cái tâm ô uế đấy lại mất cả một thời gian dài, có khi là trải qua hàng vạn cuộc đời.

Và khi đặt cuộc đời đáng thương của Hajime vào cuộc đời của những cô gái khác, tôi lại thấy những con người ấy đều vô cùng tội nghiệp giống như nhau. Họ gặp gỡ nhau, họ trôi vào nhau và tìm đến nhau bằng một sợi dây liên kết nào đó. Họ có với nhau những năm tháng đầy kỉ niệm. Họ cho nhau hạnh phúc, rồi họ làm tổn thương nhau, không bằng cách này thì bằng cách khác. Xem ra, ai cũng đau khổ, ai cũng muộn phiền, ai cũng mệt mỏi và khốn cùng với những câu chuyện dông dài trôi dạt biết bao là thế kỉ. Nhưng chẳng ai can tâm từ bỏ, bởi có lẽ tình yêu là một thứ ma thuật lạ kì, khiến con người ta dù biết đau khổ vẫn cứ đâm đầu vào.

“Em không trách gì anh hết. Khi người ta bắt đầu yêu một người, thì là như thế đấy, không thể làm gì cả. Người ta yêu người mà người ta yêu. Em không đủ cho anh, chỉ vậy thôi… Chính vì thế mà em không trách anh đã yêu một người khác. Thật là lạ, điều đó không còn làm em tức tối. Chỉ rất nặng nề để chịu đựng thôi. Vô cùng nặng nề…”, Yukiko.

“Lẽ ra em không nên gặp lại anh. Em đã biết điều đó ngay từ đầu. Lẽ ra em nên để mọi chuyện nguyên xi như thế. Dĩ nhiên, em đã không ngăn nổi mình. Em chỉ muốn nhìn thấy anh và ngay sau đó đi khỏi ngay lập tức. Nhưng, tất nhiên, khi đã nhìn thấy anh, em lại không sao quyết định đi khỏi được nữa…”, Shimamoto.

Hajime yêu Shimamoto. Hajime yêu Izumi. Hajime yêu Yukiko. Và còn có khá nhiều những cô gái không tên khác nữa. Rồi tình yêu. Rồi dục vọng. Rồi nhập nhằng ranh giới giữa lí trí và trái tim. Ngay cả Shimamoto – khi đã qua đi rất nhiều năm tháng dài, vẫn muốn được qua lại với Hajime để khỏa lấp nỗi trống hoắc trong lòng. Họ tìm đến nhau. Họ vụng trộm. Họ bừng lên những suy nghĩ chạy trốn. Họ muốn được giải thoát khỏi cuộc sống này. Họ muốn được tan biến. Họ muốn được rã rời. Sao cũng được, dẫu là cái chết, chỉ cần họ được là của nhau, tan vào nhau, bất tận. Khi cảm xúc đã lấn át lí trí, con người ta khó có thể kiềm chế lại được những gì đang diễn ra trong cuộc sống của mình. Đáng thương, thật sự. Rồi những ngây thơ chân thành đầy thuần khiết của Izumi dành cho Hajime, rồi tình yêu chung thủy đầy sự tha thứ và bao dung của Yukiko dành cho Hajime, tất cả đều chỉ đánh đổi bằng khổ đau và nước mắt. Hajime có lẽ chính là gã đàn ông may mắn khi lúc nào cũng được những người phụ nữ yêu thương hết lòng, chờ đợi, tha thứ và hi sinh. Dẫu là ai đi nữa thì họ cũng đều có chung một đặc điểm, đó là đau khổ vì tình yêu. Vậy họ không đáng thương thì là gì?

Tôi mãi nhớ hoài cảnh tượng vào một ngày buồn đến thê lương, khi Hajime chở Shimamoto trên chuyến xe về lại thành phố của những nỗi buồn, khi trong lòng của cả hai đều ngổn ngang cảm xúc, họ khởi lên trong tâm những ý nghĩ lạ kì. Hay là mình bỏ hết tất cả để theo đuổi hạnh phúc trước mặt này. Hay là mình mặc kệ những điều bàn tán ở sau lưng. Hay là mình chạy trốn. Hay là mình giải thoát nhau để cả hai đều được vẹn tròn hạnh phúc, dẫu chiếc xe kia có tan biến vào hư không, thân xác của nhau có rã rời thành tro bụi. Chỉ cần được ở cạnh bên nhau. Chỉ cần được hòa quyện vào nhau, ngay khoảnh khắc này, khi mà tình yêu rực cháy trong lồng ngực. Cảnh tượng ấy buồn lắm. Câu chuyện ấy buồn lắm. Sao lại nhiều phiền muộn đến thế này. Tôi tự nghĩ, và tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời.

Chỉ là thấy thương một Hajime khổ tâm giữa những sự lựa chọn sai trái.

Chỉ là thấy thương Shimamoto khờ dại với trái tim đầy lầm lỗi.

Chỉ là thấy thương Yukiko vẫn thiết tha chân thành tin tưởng người chồng mình hết mực yêu.

Nhưng họ có làm gì khác được đâu. Số phận đã đặt lên mỗi con người những câu chuyện như thế. Họ chẳng thể nào trốn chạy nữa rồi. Đã đến lúc họ nhìn nhận lại chính mình, và đối diện, và can đảm để vượt qua…

Vẫn như những tác phẩm khác của Haruki Murakami, cốt truyện chưa bao giờ là một điều đặc sắc và độc đáo trong Phía nam biên giới, phía tây mặt trời. Mọi diễn biến trong truyện đều chầm chậm và lả lướt như một thước phim quay chậm, băng ngang qua cuộc đời của Hajime một cách khẽ khàng. Cuộc đời ấy chẳng có gì ngoài những người bạn gái, ngoài tình yêu, tình dục, sai lầm và tâm tư suy nghĩ. Thế nhưng, điều nổi bật ở đây chính là, khi nhìn vào những giản đơn tiểu tiết ấy, ta lại thấy cả một thế giới rộng mở trước mặt mình: thế giới nội tâm. Thật hay khi mà những hình ảnh giản đơn trong truyện lại hiện ra rất hài hòa cùng vơi những phân đoạn cảm xúc của nội tâm nhân vật. Khi những kẻ cô đơn cùng buồn bã, âm thanh của những bản nhạc jazz sẽ lên tiếng. Trước khi ai đó muốn nói một điều gì đó, những cuốn sách sẽ xuất hiện. Trước khi có một lỗi lầm xuất hiện, những ly cocktail và rượu sẽ là chất xúc tác để điều đó xảy ra. Tôi vẫn luôn cho rằng Haruki Murakami chính là một nhà văn tài ba khi có khả năng dùng con chữ để vẽ ra những bức tranh phân tích và miêu tả tâm lí nhân vật rất tốt. Các nhân vật không hề bộc lộ những điều đó rõ ràng, nhưng người đọc lại vô tình hóa thân thành các nhân vật ấy và bước chân vào hành trình khám phá những khắc khoải suy nghĩ thường tình kia. Cũng chẳng cần một phương tiện gì xa vời và lạ lẫm, hãy cứ gạt bỏ mọi suy nghĩ và phán xét khi đọc văn của Haruki Murakami đi, vì sự đồng cảm đã làm tốt mọi thứ rồi, tôi vẫn tin.

Có một câu mà tôi rất thích trong cuốn sách này, đó chính là những dòng cuối cùng, khi cuốn sách khép lại, là lời tự tình của Hajime, trong một buổi sáng đầu ngày vắng lặng giữa hơi mây lãng đãng trôi ngang qua khu nghĩa trang Aoyama. “Ở tận sâu trong bóng tối đó, tôi nghĩ đến mặt biển dưới cơn mưa. Trời mưa không tiếng động trên đại dương rộng lớn, mà không ai biết cả. Những giọt nước đập lên mặt nước im lặng, và ngay cả những con cá cũng không có chút ý thức nào về điều đó…”. Với tôi, khung cảnh ấy đẹp lắm, tôi có thể tưởng tượng ra được điều đó. Nó giống như một lời thức tỉnh. Phải chăng rằng vẫn luôn có những giông bão đang chực chờ nổi dậy giữa mặt biển yên bình tĩnh lặng. Hãy cứ chuẩn bị sẵn sàng và đón nhận hết tất cả vào lòng, dù là chuyện gì đi chăng nữa. Rồi cũng sẽ qua, sẽ qua thôi. Cuộc đời này vốn vô thường, kể cả niềm vui, kể cả nỗi buồn. Rồi ta lại quay về với những ngổn ngang trong lòng mình. Ta lại hoang mang chẳng biết có một biên giới nào không ở phía nam kia, và có một mặt trời nào không đang sống giữa bến bờ phía tây.

Và chúng ta là ai?

Và cuộc đời này là gì?

Và thế giới này ra sao?

Bất chợt, một giai điệu nào đó văng vẳng trong đầu tôi những ca từ quen thuộc.

Pretend you’re happy when you’re blue

It isn’t very hard to do…

Hết.

Lâm Lâm

Xem tất cả những bài viết của Lâm Lâm tại đây.


Muôn màu của Haruki Murakami





Click to comment

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Phía sau trang sách

Trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình với Metahuman – Siêu nhân loại

Published

on

By

Những khi nhìn lại chính bản thân mình, những điều đã hoàn thành lẫn những điều còn dở dang, nếu đâu đó trong bạn xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực về chính mình, có lẽ tác phẩm Metahuman – Siêu nhân loại của bác sĩ Deepak Chopra sẽ giúp bạn điều chỉnh lại suy nghĩ ấy, để thấy rằng tiềm năng của con người là vô hạn.

Có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao những phim hài lãng mạn dù lặp lại các kiểu mô típ quen thuộc về câu chuyện, nhân vật thường vẫn dễ dàng thu phục được công chúng? Trong Metahuman – Siêu nhân loại, Deepak Chopra – tác giả người Ấn Độ từng được tạp chí Time vinh danh là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất ở thế kỉ 20 – đã có cách lí giải vô cùng thuyết phục dựa trên cơ chế tâm lí, ý thức về hiện thực của con người.

Dòng phim hài lãng mạn thường kể câu chuyện về một anh chàng hay cãi nhau với một cô nàng, để rồi cuối phim anh mới nhận ra cô chính là tình yêu đích thực của đời mình. Chopra cho rằng tất cả chúng ta đều yêu thích khoảnh khắc giác ngộ của nhân vật trong phim: “Giờ tôi đã hiểu rồi. Đó là người tôi yêu.”

Chính vì thực tại ta đang sống là một thứ khó hiểu, khó nắm bắt nên ta lại càng tìm được nhiều niềm vui khi chứng kiến nhân vật có thể hiểu được một vấn đề nan giải, thấy được sự thật bấy lâu nay cứ chìm khuất trong lớp sương mờ trước mắt anh hay cô ta. Và tác phẩm Metahuman – Siêu nhân loại cũng có thể mang đến cho người đọc niềm vui tương tự khi lần lượt giải mã nhiều vấn đề về hiện thực ta đang sống.

Những giới hạn của bản thân không phải là điều tiêu cực như bạn nghĩ

Deepak Chopra

Chúng ta vẫn thường quen thuộc với quan niệm thế giới chia làm hai phần gồm: vật chất và ý thức. Từ đây, hình thành hai trường phái triết học chủ đạo là duy vật và duy lí. Nhưng trong Metahuman – Siêu nhân loại, Deepak Chopra đã định nghĩa lại về thế giới. Ông cho rằng thế giới chỉ có duy nhất một thứ là ý thức, và vật chất cũng là do ý thức tạo nên. Vật chất, hay những gì chúng ta nghĩ là rắn chắc, bền vững, khó thay đổi – bao gồm cả cơ thể, tâm trí và những tiềm năng của chúng ta – kì thực đều là do ý thức quyết định. Vì thế, chừng nào ý thức còn muốn tiếp tục điều chỉnh, chừng đó tiềm năng của con người còn vô hạn và có thể mở rộng đến khôn cùng.

Nhưng trong cuộc sống hằng ngày, giới hạn an toàn lại là thứ khiến chúng ta thấy thoải mái, đồng thời đây cũng là cơ chế để bảo vệ con người. Chopra lấy ví dụ nếu một người muốn trở thành họa sĩ, anh tham dự một lớp học mĩ thuật. Giả sử lớp học đó có thể cho anh xem hết tất thảy mọi bức tranh đã được vẽ trong lịch sử nhân loại, cảm thấu được vẻ đẹp của từng bức thì khả năng cao là sau khi học xong, anh sẽ không thể vẽ được nữa. Ở đây, chính giới hạn về hiểu biết mĩ thuật có thể lại là động lực khiến người họa sĩ muốn sáng tạo.

Như vậy, bản thân sự giới hạn không phải là một điều tiêu cực. Nó chỉ tiêu cực khi bị cố định trong một cái khuôn. Ngược lại, nếu ta biết được giới hạn nhưng vẫn có nhận thức rằng biên độ của giới hạn có thể thay đổi thì tiềm năng của con người sẽ không ngừng mở rộng.

Không chỉ quá khứ, tương lai; hiện tại cũng là thứ không thể nắm bắt

Phần lớn chúng ta có một quan niệm phổ biến rằng: “Tương lai, quá khứ là thứ chúng ta không thể nắm bắt. Tương lai thì chưa đến. Quá khứ thì đã qua. Chỉ có hiện tại là thứ duy nhất ta có thể nắm bắt được.” Quan niệm này có lẽ hợp lí đến nỗi không nhiều người trong chúng ta đặt nghi vấn về tính đúng đắn của nó, hay thử tự một lần phản biện lại.

Tuy nhiên, Deepak Chopra lại có suy nghĩ hoàn toàn khác biệt về vấn đề này. Ông cho rằng không chỉ tương lai và quá khứ, ngay cả hiện tại – mà ta nghĩ là mình đang sống trong nó – cũng là thứ khó nắm bắt. Bởi lẽ, hiện tại cũng giống như sự im lặng. Khi bạn cất lời, sự im lặng biến mất; tương tự, khi bạn có nhận thức về hiện tại dù là dưới dạng hình ảnh, cảm xúc, hay suy nghĩ, nó cũng đã biến mất ở khoảnh khắc ấy, nhường chỗ cho một hiện tại khác ở ngay sau đó. Vì vậy, nếu nói rằng thực tại là thứ có thể nắm bắt thì chẳng khác nào nói là bạn có thể biết trước suy nghĩ tiếp theo của mình.

Phản biện này có lẽ cũng là tư duy nền tảng cho khái niệm về thực tế ảo được trình bày trong sách. Thực tế mà chúng ta đang sống, ta nghĩ rằng đó là một thực tế vững chắc, được kết cấu dựa trên những nhu cầu đầu tiên về vật chất, sau đó là tinh thần – thực tế ấy, hóa ra lại không vững chắc như ta nghĩ. Rất có thể, đó chỉ là một thực tế do ý thức, nhu cầu của chúng ta tạo ra, thứ mà Chopra gọi rằng đó là thực tế ảo. Để vươn đến tầm vóc siêu nhân loại, ta phải học cách vượt qua thực tế ảo ấy, hướng đến một thực tế thật – đó chính là thứ thực tế mà tác giả gọi là siêu hiện thực.

Trong Metahuman – Siêu nhân loại, Deepak Chopra không cố gắng áp đặt độc giả phải đồng thuận quan điểm của mình. Ông luôn đưa ra nhiều ý kiến, quan điểm đối lập từ những học giả, các nguồn kiến thức khác nhau về cùng một vấn đề để người đọc có thể rộng đường tư duy, tiếp nhận nhiều luồng tư tưởng, tự lựa chọn đáp án cho những câu hỏi cá nhân của chính mình. Thông qua đó, Deepak Chopra cung cấp một cách nhìn khác về hiện thực, giúp mỗi người chúng ta xua tan lớp sương ảo ảnh do tự thân tạo ra từ những định kiến, trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Nguồn: L'Officiel

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Thành phố những lục địa bay: Khi Đà Lạt không là Đà Lạt

Published

on

By

Đà Lạt luôn là điểm dừng chân lí tưởng cho những tâm hồn yêu cái lạnh. Nếu không thể đến Đà Lạt ngay lúc này, quyển sách Thành phố những lục địa bay – tác phẩm viết về Đà Lạt mới nhất của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo để người đọc tận hưởng không khí Đà Lạt ngay tại nhà.

Dù tuổi thơ gắn liền với quê hương Ninh Thuận và chỉ đến Đà Lạt khi trở thành sinh viên Văn khoa Đại học Đà Lạt, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã dành cho Đà Lạt một tình yêu tha thiết với nhiều tác phẩm ghi dấu trong lòng bạn đọc như: Đà Lạt, một thời hương xa; Đà Lạt, bên dưới sương mù; Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách Lần này trở lại với Thành phố những lục địa bay, anh tiếp tục viết về Đà Lạt với nhiều khám phá, tìm tòi mới trong nghệ thuật kể chuyện.

Vẻ đẹp thành phố sương mù hiện ra trong sự mơ hồ của chữ “và”

Trong lối tường thuật của Thành phố những lục địa bay, Nguyễn Vĩnh Nguyên đặt rất nhiều ý nghĩa trong chữ “và”. “Và” không chỉ là sự bao hàm giữa cái này và cái kia. “Và” còn có thể vừa mang ý nghĩa liệt kê, vừa mang ý nghĩa đồng thời. Chính vì vậy, những chi tiết nối liền bằng “và” theo cách Nguyễn Vĩnh Nguyên sử dụng cho người đọc cảm giác chúng có thể lần lượt xuất hiện, hoặc song song tồn tại. Sương mù hay chính bản thân Đà Lạt dường như đã trở thành một câu văn có cấu trúc gắn kết bởi chữ “và”. Ngay từ lời ghi chú ngắn ở đầu truyện, tác giả đã dụng công viết những câu văn có sự xuất hiện của nhiều chữ “và” để tạo ra cảm giác mơ hồ về ranh giới. Ta hãy thử khảo sát một vài trường hợp.

Có khi “và” đảm nhận nhiệm vụ liệt kê hai chức năng đồng thời tồn tại:
“Mặt nước cất giữ trong nó những bí mật bị vùi chôn và trang sức cho thành phố một vẻ mơ màng hư ảo. 

Có khi “và” là một trạng thái ở giữa như cách tác giả mô tả tầm nhìn của một người khi quan sát hồ nước chìm trong sương mù.
“Hồ, vì thế nằm giữa cái thấy và không thấy.”

Đôi khi, “và” còn mang nghĩa không hẳn là “cái này”, cũng không hẳn là “cái kia” như trong câu văn sau đây:
“Còn thi sĩ, anh là kẻ đã đến đây vào Thời đại Buồn nôn với sự thơ mộng và giả thơ mộng được vẽ vời và phóng đại.”

Như vậy ở đây, Đà Lạt hiện ra là một thành phố vừa thơ mộng, vừa không hẳn thơ mộng. Chính vì không có tính chất nào vẹn toàn thuộc về chủ thể – chủ thể ở đây có thể hiểu là cả một thành phố –  nên mới cần có nhiều chữ “và”. “Và” như một phương thức để khẳng định thành phố luôn mang trong mình từng tính chất đã được liệt kê, nhưng đồng thời cũng không hoàn toàn nắm giữ trọn vẹn bất kì tính chất nào. Chính vì lẽ đó, tác giả đã đưa ra nhận định chung về hình ảnh Đà Lạt được tái hiện trong Thành phố những lục địa bay là: “Đà Lạt chính là Đà Lạt. Nhưng Đà Lạt cũng không là Đà Lạt.”  

Trò chơi giữa có và không khiến người đọc say mê

Những chuỗi truyện trong Thành phố những lục địa bay cho người đọc thấy một điều rằng: Sự thật và giai thoại luôn đan xen lẫn nhau về cùng một đối tượng. Ở tác phẩm này, hồ nước chính là khởi nguồn cho mọi sự nhòa lẫn, bất phân định về ranh giới.

Có lẽ, tác giả chọn hồ làm đối tượng để khởi đầu tác phẩm cũng vì hồ là thứ có thể phản chiếu như gương, tạo ra phiên bản thứ hai của thế giới, tạo ra lằn ranh giữa thực và ảo. Hiểu theo cách đó, ta có thể thấy rằng hồ cũng có nhiệm vụ tương tự như chức năng ngữ pháp của chữ “và” trong cấu trúc câu. Nếu “và” là cầu nối trên câu chữ thì “hồ” chính là một phóng chiếu sang hình ảnh của “và”, là sự gắn kết giữa những miền “thực” và “ảo” trong tác phẩm. Và vì vậy, với tác giả, hồ là: “Một thứ nước đôi, không chắc hư cấu, cũng chẳng hiện thực.” 

Hầu hết những con người xuất hiện trong tác phẩm đều vô danh, họ chỉ được gọi bằng các chức danh nghề nghiệp như: thi sĩ, nhà nhân học, quy hoạch gia, chàng nhạc sĩ, nhà thám hiểm, ngài khâm sứ, đan sĩ, hoàng đế, nhà biên khảo, nhà văn… Bằng cách đó, con người hòa vào những địa danh vốn cũng không được đặt tên riêng trong tác phẩm như: Hồ, Suối, Thác, Đồi, con đập…

Giữa những mơ hồ về thân phận của con người và nơi chốn, nước – một “nhân vật” vô danh khác trong tác phẩm – lại nổi lên như một đối tượng dẫn lối cho tất cả mọi thứ. “Nước đã xuyên qua vách ngăn của da thịt, để con người trở nên trong suốt và tự do.” Có lẽ vì thẩm thấu được mọi thứ nên nước dường như là phương tiện duy nhất có thể xuyên qua vách ngăn phân định giữa thực và ảo được tạo ra bởi những lớp sương mù – vốn cũng là thứ thoát thai từ nước mà thành.

Và theo dòng chảy của nước, trò chơi giữa có và không trong Thành phố những lục địa bay cứ thế diễn ra khoan thai, chậm rãi, nhưng nhiều day dứt. Tuy nhiên, dẫu có nhiều màn sương mơ hồ được giăng ra, người đọc cũng sẽ khó mà hoặc thậm chí là không muốn thoát ra khỏi thứ khiến mình đang băn khoăn ấy. Bởi lẽ, bằng chính việc không chối bỏ sự mơ hồ, dần dần ta sẽ nhìn rõ được mọi thứ. Thành phố những lục địa bay chính là một cái nhìn thấu suốt về Đà Lạt giống như thế.

Nguồn: L'Officiel

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Tiếng Kiều đồng vọng: Thế giới như một khoảng không chật hẹp

Published

on

By

Sự tổn thương sẽ mang lại những tia lấp lánh cho con người trưởng thành dường như chưa bao giờ là bài học cũ kĩ. Tiểu thuyết Tiếng Kiều đồng vọng (tên cũ Mưa ở kiếp sau) của Đoàn Minh Phượng chính là tiếng vọng đến từ một cuộc đời như thế.

Tiếng Kiều đồng vọng kể về cuộc đời của Mai. Mai sinh ra và lớn lên với mẹ Liên ở Hà Nội. Từ nhỏ, cô không biết cha mình là ai và luôn mong muốn được gặp cha. Cơ hội cuối cùng cũng đến khi dì Lan – em gái của Liên từ Huế vào Hà Nội thăm hai mẹ con đã tiết lộ cho Mai địa chỉ của cha Mai ở Sài Gòn. Từ đây, Mai phải lựa chọn rời xa tổ ấm để lên nơi phồn hoa đô thị nhiều cạm bẫy dối trá với ước vọng được đón nhận tình yêu thương từ cha mà bấy lâu cô thiếu thốn.

Trưởng thành từ sự tổn thương

Ảnh: Facebook Tao Đàn

Thông qua hành trình tìm cha của Mai, ta còn thấy xuất hiện một hành trình khác, cũng quan trọng không kém: hành trình tìm lại bản ngã của chính cô - một người luôn bị mắc kẹt trong những câu hỏi thuộc về quá khứ. Có lẽ, khi người ta bắt đầu học cách đưa ra câu trả lời cho những nghi vấn trớ trêu mà số phận đặt ra, dù tiếng vọng cuối cùng chưa hẳn là một đáp án tiệm cận nhất với sự thật thì rốt cuộc, ta cũng dần tiến đến sự trưởng thành bản ngã - thời khắc cái tôi cá nhân phải tự phá vỡ vỏ trứng bảo bọc an toàn tưởng chừng vững chắc như một thành trì nhưng hóa ra lại chỉ mong manh như một làn sương dệt từ những mơ hồ bất quyết. Chỉ khi thành trì ấy sụp đổ, làn sương ấy lùi lại phía sau con người vừa bước ra từ sự tổn thương, chính khi ấy ta mới có thể nhìn rõ hơn thế giới với trọn vẹn hương sắc của nó. Tiếng Kiều đồng vọng chính là tiếng vọng đến từ một cuộc đời như thế. Sự tổn thương sẽ mang lại những tia lấp lánh cho con người trưởng thành dường như chưa bao giờ là bài học cũ kĩ.

Nội dung cơ bản của Tiếng Kiều đồng vọng có nhiều yếu tố tương tự với bộ phim Hạt mưa rơi bao lâu do Đoàn Minh Phượng làm đạo diễn và biên kịch, sản xuất năm 2005. Cả hai người con trong tác phẩm này đều không rõ cha mình là ai, đều tự thân tìm hiểu câu chuyện quá khứ vì cùng có người mẹ trung thành tuyệt đối với sự im lặng. “Những kỷ niệm khác nằm trong niềm im lặng của mẹ tôi, niềm im lặng dài hai mươi hai năm, dài bằng đời tôi và nửa đời của mẹ.” Mai đã từng cảm thán như thế về sự im lặng của mẹ. Im lặng là một từ khóa quan trọng, được lặp lại nhiều lần trong Tiếng Kiều đồng vọng. Bản thân Hạt mưa rơi bao lâu cũng có tên phim trong tiếng Anh là Bride of Silence. Như vậy, có thể thấy rằng, sự im lặng hay thân phận của người phụ nữ bị mất tiếng nói trong xã hội là chủ đề có sức ám ảnh lớn với tác giả Đoàn Minh Phượng. Khi những người con sống dưới cái bóng im lặng của người mẹ, họ càng có thôi thúc mạnh mẽ hơn trong việc đi tìm câu trả lời cho một quá khứ bất minh. Thoát khỏi sự im lặng, tự cất lên tiếng nói cho chính mình – đó là một trong những bước đầu tiên để trưởng thành, như cách Mai đã dứt khoát nói với mẹ vào ngày cô rời đi rằng: "Con hai mươi hai tuổi, con trưởng thành đã bốn năm rồi mẹ."

Nước bao bọc kí ức để tiếng nói được cất lên

Ảnh: Facebook Tao Đàn

Mưa ở kiếp sau (tên cũ của Tiếng Kiều đồng vọng) là một tiêu đề gợi hình; trong khi đó, Tiếng Kiều đồng vọng lại là một tiêu đề gợi âm. Thử tìm cách lí giải sự thay đổi này, ta sẽ nhận ra một số điều thú vị.

Ở phần mở đầu tác phẩm, Đoàn Minh Phượng có trích dẫn lời bài hát Within you, Without you của nhóm The Beatles do George Harrison sáng tác với phần lời như sau:

“Ngày sẽ đến khi em nhận ra chúng ta đều là nước.
Cuộc đời trôi bên trong em và bên ngoài em...”

Câu gốc bài này trong tiếng Anh là:

“And the time will come when you see we're all one.
And life flows on within you and without you.”

Thông qua đó, có thể thấy tác giả đã có dụng ý khi thay “one” bằng “nước”. Nước rõ ràng là một hình ảnh rất quan trọng với Đoàn Minh Phượng trong tác phẩm này vì bản thân “mưa” ở tiêu đề cũ cũng là một yếu tố thuộc nước. Vậy dưới ngòi bút của tác giả, nước mang ý nghĩa gì?

“Một câu chuyện không có lời giống như một cơn mưa không có giọt nước từ trời. Tôi sẽ đi tìm lời cho những gì tôi biết.”

Như vậy, nước trong tác phẩm này tượng trưng cho “lời,” cho kí ức – là điều Mai luôn tìm kiếm, đồng thời cũng là điều bao bọc Mai như cách cô ví von: “Tôi còn là loài cá đầu to nằm còng queo trong lòng đại dương chật hẹp, trong bụng của người mẹ chửa hoang.” Vì “sự im lặng” của mẹ Mai là nguồn cơn khởi phát cho hành trình của Mai nên có thể xem như “nước” – một  hiện thân của “lời” – chính là đích đến, đồng thời là phương tiện để Mai hiện thực hóa mục tiêu của mình.

Do đó, so với Mưa ở kiếp sau, Tiếng Kiều đồng vọng là một tiêu đề thể hiện sự chuyển biến tích cực. Mai không còn chờ “mưa”/ “lời giải đáp” ở kiếp sau nữa, cô tìm nó ngay trong kiếp này để cất lên thành một tiếng vọng, phá tan sự im lặng của mẹ cô, của những phận nữ nhi bị mất đi tiếng nói ở thế hệ trước.

Một giọng văn mềm mại nhưng ngầm cuộn sóng bên trong

Tiếng Kiều đồng vọng vẫn kể chuyện theo lối tuyến tính, nhưng khi trình bày các sự kiện diễn ra trong cái khuôn đó, Đoàn Minh Phượng vẫn cho phép dòng tự sự của nhân vật chảy miên man tự do, đi đi về về giữa quá khứ và hiện tại. Chính vì thế, dòng chảy tâm thức của nhân vật tuy được giọng văn mềm mại dẫn dắt nhưng vẫn ngầm cuộn sóng bên trong bởi lẽ chỉ cần rẽ qua một bước ngoặt nhỏ, sự kiện đau lòng nào đó trong quá khứ lại đột ngột ập đến; hoặc ngược lại, khi đang đắm chìm trong hồi tưởng êm đềm, bất thình lình hiện thực phũ phàng xâm chiếm và hủy hoại ta. Người đọc như bước đi trong mê cung, chỉ có thể tri nhận thế giới như một khoảng không chật hẹp trước mắt, không thể biết điều gì sẽ chờ đợi mình trong ngã rẽ kế tiếp.

Ở một thế giới mơ hồ thì những cái tên - vốn dĩ là phép định danh chống lại sự mơ hồ - càng được Đoàn Minh Phượng dụng công để có thể hòa quyện trong bầu không khí hư ảo. Ta có thể thấy tác giả không vội vàng giới thiệu tên họ, lai lịch đầy đủ của nhân vật ngay từ đầu theo lối kể chuyện tiểu sử quen thuộc. Nhân vật hiện lên thoạt tiên với những tâm tư, cuộc sống ập ngay trước mắt độc giả. Những thông tin bên lề sẽ đến sau. Mãi đến chương bốn, trong đoạn đối thoại với mẹ, người đọc mới biết nhân vật chính tên Mai. Nếu để ý kĩ, ta sẽ thấy hầu như những nhân vật trong truyện đều có tên gắn với một loài hoa: Mai, Liên, Lan, Quỳnh... Và Chi - một nhân vật đặc biệt trong tác phẩm này thì tên cô lại có nghĩa là “cành”, không phải là loài hoa đích thực mà có thể là cành cho bất cứ loài hoa nào.  

Những giấc mơ cũng là một yếu tố quan trọng trong Tiếng Kiều đồng vọng. Thông qua đó, Đoàn Minh Phượng xây dựng một thế giới tổn thương, quái lạ với những buổi tiệc kì dị của giới nhà giàu, có phần nào đó mang không khí tương đồng buổi tiệc của hội kín quí tộc mà Stanley Kubrick đã đặc tả rất kĩ lưỡng trong phim Eye Wide Shut (1999).

Sống trong thế giới hiện đại, những cô Kiều dưới ánh sáng thị thành dường như không còn giữ nổi tâm trí tỉnh táo. Họ hồ như đều có chung một dòng máu điên loạn và chỉ biết lặng nhìn dòng chảy ấy trôi qua nhiều kiếp người. Vì vậy, tiếng kêu của họ có thể không đứt ruột như người xưa do nỗ lực chôn vùi cảm xúc, nhưng lại trở thành những tiếng vọng được cộng hưởng vào nhau nên còn mãi ngân nga rất lâu sau khi Tiếng Kiều đồng vọng đã kết thúc.

Đọc bài viết

Cafe sáng