Phía sau trang sách

Một năm đọc sách

Âu bản tường trình này như một báo cáo cho năm vừa qua về mặt văn chương của bản thân, vì như Endo Shusaku viết, một con người – ai cũng có nhiều mặt.

Published

on

2019 là một năm tốt mặc cho cuốn đầu tiên trong tâm trí vẫn luôn muốn đọc hồi đầu năm nay là cái tên không tươi đẹp mấy – Diary of a Bad Year của J.M. Coetzee. Nhưng thật may vì năm qua là một năm thức thời. Không biết nên cám ơn nhà xuất bản hay là bản thân đã kịp “đú” trend như Tarzan đánh đu nhờ hít drama bổ sung đầy phổi suốt một năm qua. Nhìn lại list dài những cuốn sách theo chân, đắc thắng vì phần lớn là những cây viết nữ (cho hợp #MeToo), văn chương hiện thực vẫn chiếm đa số (có lẽ ảnh hưởng bởi Ký sinh trùng), Trung Quốc lại có khá nhiều (chắc lại vấn đề biên giới), ly hương chiễm chệ một chỗ (Trump cùng đồng bọn) và Mỹ Latin – dĩ nhiên vì thích Roma – vẫn còn đa số. Cũng có những cuốn không ưng gì mấy, cầm lên để xem sau rốt có nhai nổi không; có cuốn cười khẩy khi đọc, cũng có cuốn bám theo sát gót. Có cuốn đọc vì mê, có cuốn đọc để vạch lá tìm lỗi, có cuốn đọc để cộng tác, cũng có cuốn tự nhiên cầm lên vì… đọc thôi. Âu bản tường trình này như một báo cáo cho năm vừa qua về mặt văn chương của bản thân, vì như Endo Shusaku viết, một con người – ai cũng có nhiều mặt.

Theo dòng thiên di của những cánh chim không mỏi, Pachinko của Min Jin Lee mở đầu trào lưu tìm dòng của chủ đề này. Hơn 700 trang khổ 24 với câu chuyện về một gia đình lặn lội từ Bắc Hàn sang Nhật; ở đây ít nhất cuốn sách cũng đã khắc họa một cách ổn thỏa tạo hình vĩ đại của người phụ nữ, của lối ẩn dụ cuộc đời như một trò chơi; nhưng ngoài ra, Pachinko lại để rất ít không gian cho ta suy ngẫm. Cũng gần với đó, Đừng nói chúng ta không lợi quyền với cách xây dựng gần giống Pachinko, nhưng rối rắm và kết hợp nhiều mảng lĩnh vực hơn – như cuộc đọ sức quyền anh của bộ não để nhớ hết những dữ kiện trong này. Toán học, âm nhạc và văn chương như ba chân kiềng của tiểu thuyết– nhưng với riêng bản thân, thứ thích thú nhất ở tác phẩm này của Madeleine Thien là những tiến trình lịch sử. Đọc fiction như non-fiction, và bởi lịch sử luôn được viết ra bởi kẻ chiến thắng nên dưới góc nhìn của kẻ bại trận đồng thời là người đứng ngoài, ít ra Đừng nói chúng ta không lợi quyền đã cung cấp cho ta một góc nhìn phổ quát hơn về Đại cách mạng văn hóa, về vụ Thiên An Môn 1989 và mới mẻ thay, Madeleine Thien cũng tiết chế bớt những khốn khổ van xin niềm thương thường thấy của những tác phẩm văn chương Trung Quốc trong thời kì này. Nếu là một người yêu màu đỏ và không quá vướng bận khi kẹt xe, đây là cuốn sách rất đáng để thử.

Song song cùng đó, Đỗ Quyên Đỏ của Anchee Min như ngắt ra chỉ một quãng nhỏ nhưng tập trung hơn so với Đừng nói chúng ta không lợi quyền của thời kì chuyển đổi quyền lực giữa Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Không ấn tượng nhiều về phông nền lịch sử của cuốn sách này nhưng không thể không nhắc tới lối viết rất “phụ nữ” của Anchee Min – cuồng nhiệt và hoang dã. Cũng cùng sức bức phá đó, đối thủ bại trận “không rõ lý do” của cuộc đua Nobel năm nay – Tàn Tuyết, góp mặt vào danh sách bằng hai cuốn – Đào nguyên ngoài cõi thếBảng lảng trời xanh. Thật ra là lần thứ hai đọc lại và ở lần này lại ngẫm ra nhiều ý tưởng hơn về lối viết của bà. Không hiểu liệu có phải do tác động trước đó của hai cây viết nữ (Min Jin Lee và Madeleine Thien) cùng lối viết hoang dại của Anchee Min không mà lần đọc lại Tàn Tuyết này không quá khó khăn. Đọc rồi để hiểu, thật ra văn chương của bà không phải làm quá – nó chỉ đơn thuần phản ánh những việc rất cá nhân, và do lẽ đó, rất thiết thực. Dưới góc nhìn phân tán của một chiếc kính vạn hoa, một khi không hiểu những gì ẩn chứa đằng sau tầng tầng lớp lớp chữ nghĩa thì bùm – bạn sẽ chìm vào vũng tuyết mà bà phô ra. Tàn Tuyết là như thế, cô độc và đẹp đẽ. Văn chương bà thô mộc nhưng mạnh mẽ, bạo lực trong nền phi bạo lực và cũng có lẽ vì thiếu đi những họa tiết dễ cảm của Murakami, thành ra vẫn vô danh nằm phủ bụi trên những kệ sách Việt Nam.

Năm cuốn sách tiếp theo, hai trong số đó là những phát hiện mới và ba quyển còn lại thật sự là những trải nghiệm rất tiếc khi phải nói là không quá tốt đẹp. Giải thưởng luôn được show ra như cách tri ân bản thân tác giả – tác phẩm, là cách PR bán hàng vô cùng hiệu nghiệm, và dĩ nhiên, cũng là cách lấy đi thời gian của những con bò ngáo ngơ thích thể nghiệm bản thân – như mình. Vì quá yêu Bệnh nhân người Anh hay Margaret Atwood nên khi nhìn thấy cái nhãn Shortlist của Man Booker, bản thân đã không ngần ngại đặt lên để rồi nhận ra dư vị đắng ngắt đằng sau. Thoát đến phương Tây (Exit West) của Mohsin Hamid không phải là cuốn sách tệ, vốn bản thân cốt truyện trong phông nền chiến sự Trung Đông không phải là không thu hút người đọc nhưng với cách phát triển tình tiết, gợi tạo nút thắt để đến cuối cùng khép lại bằng một cái kết không đâu vào đâu thì rõ ràng, nếu để hỏi đâu là cuốn sách “đầu voi đuôi chuột” nhất của năm nay, thì mình sẽ không ngần ngại (mặc dù cũng khá áy náy) trao cho quyển sách này. Á hậu 2, xin mạn phép trao cho Chiếc cặp của Hiromi Kawakami với chiếc nhãn giải thưởng Tanizaki. Đọc hết cuốn tiểu thuyết này mình chỉ có một mong muốn tột bậc là được ngồi cùng hai nhân vật chính để phá tan đội hình tuyệt diệu. Một câu chuyện bình thường dễ đoán của những con người không bình thường, và dĩ nhiên, nó là như thế. Nhẹ nhàng: có; nút thắt: có; cách giải quyết: tương tự Exit West; và nếu bạn là một đọc giả nữ, là người ưa nhẹ nhàng với những câu chuyện thơ mộng, thì vâng, rất hân hạnh để giới thiệu đến bạn Chiếc cặp. Nhưng với một thằng năm nay đã 23 ngấp mé 24, thì vâng, đây là một nỗ lực phi thường!

Cuốn thứ ba, không hay cũng không tệ, nội dung không mới nhưng cách viết khá ổn là Người đẹp say ngủ của Kawabata Yasunari. Có lẽ thành kiến ở việc quá lạm dụng cái chết của văn hóa Nhật đâm ra phần lớn văn chương Nhật thường khiến mình khá dè dặt khi chọn đọc. Với một đứa tâm hồn mỏng manh và hơn 70% cơ thể là nước như mình cùng những lý do không đáng để chết; Người đẹp say ngủ đành thoái lui ở vị trí này, mặc dầu ý nghĩa đằng sau và cách viết của cụ Kawabata rất đáng trải nghiệm. Và với hai trải nghiệm không như mong muốn ấy, khi cầm lên Bên dòng sông Hằng của Endo Shusaku đã khiến cho mình một phút phân vân, nhưng thây kệ, vì công sức của dịch giả yêu quý văn học Nhật (bác Nguyễn Văn Thực) cũng như trót thích Ấn Độ (vì Mùa tôm hay Cân bằng mong manh) thì thôi cũng liều mình, đi vào con đường giáo mác dao găm. Bên dòng sông Hằng đơn giản và dễ đọc hơn Silence (bác Thực từng dịch với tựa Sao Chúa lặng im và dĩ nhiên, vì vài lý do cao đẹp vẫn chưa và có lẽ sẽ không bao giờ được xuất hiện), vẫn chứa những chủ đề mà Endo Shusaku rất hay khai thác trong tác phẩm mình – những xung đột hạn chế, những tư duy hữu cựu và tác động của chúng. Cuốn tiểu thuyết này thoát khỏi những chủ đề sáo mòn, màu sắc u tối của văn chương đương đại Nhật trong kệ sách của mình; thoát ý và đến gần hơn với cách xây dựng văn chương phương Tây, và cũng có lẽ vì thế, Bên dòng sông Hằng là một phát hiện thú vị – không những ở mặt nguồn gốc mà còn là một tác giả vô cùng quan trọng sau này.

Theo sát Bên dòng sông HằngCông chúa Bari của Hwang Sok-Young. Sau một năm khá dài tạm rời xa văn học Hàn Quốc (2017 chỉ có Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi, 2018 là Bảy năm bóng tối và 2019 là quả bom xịt của bộ phim chuyển thể), nay mới có dịp cầm trên tay cuốn văn chương của xứ sở này. Văn chương Hàn Quốc và Nhật Bản có màu sắc khá tương đồng nhau; nhưng Hàn Quốc cụ thể, tỏ tường và không u sầu đến mức cực đoan như Nhật, và vì thế Hàn vẫn luôn là một lựa chọn ưu tiên của riêng bản thân mình. Nếu cuốn trước của Endo Shusaku mình từng e ngại vì nguồn gốc xuất thân, thì Công chúa Bari là bởi cái tên … khá củ chuối, nhưng khi chạm vào rồi lại rất khó vượt qua. Công chúa Bari sở hữu trong mình một câu chuyện không bao giờ cũ và một hành trình không bao giờ hết – đi tìm bản chất của người trong một phông nền đậm chất Bắc Hàn. Cuốn sách như áng sử thi dong buồm về câu hỏi lớn, cực ấn tượng và rất hoài nghi. Nếu để tìm một cuốn sách Hàn Quốc thoát khỏi phong trào Dân chủ, phong trào sinh viên, thì đây – Công chúa Bari rất đáng để thử.

*

Ở mảng non-fiction năm nay tạm hài lòng với 4 cuốn sách: Ngàn năm một tiếng thở dài, Sốc – Sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản thảm họa, Kẻ ly hương và bản đọc lại của Nào tối nay ăn gì. Bốn cuốn sách là bốn chủ đề khác nhau, nhưng tựu hình chung đều là những vấn đề thời đại lý thú. Ngàn năm một tiếng thở dài nói đơn giản là một cuốn du ký, nhưng khác ở đây là du ký về miền quá vãng, về quãng dài lịch sử đã qua. Bạn sẽ không tìm thấy những miền đất xinh đẹp trong này, những câu chuyện trải nghiệm thú vị ở đây; nhưng ở đó tràn ngập tiếng thở dài của những vĩ đại đã từng, cảnh đẹp đã qua trong ngòi bút cô đọng của nhà nghiên cứu văn hóa Dư Thu Vũ. Một cuốn sách rất đáng để đọc, để biết những thế hệ trước loài người đã từng vĩ đại đến mức độ nào và dĩ nhiên, cũng từng manh mún ra sao; như thể Kẻ ly hương sừng sững đứng đó như chứng nhân cho tính chất này của xã hội loài người. Tập tiểu luận với 17 bài viết của những cây viết tha hương, và nhờ sự đa dạng của ngọn nguồn câu chuyện và các phông nền văn hóa ít nhiều đã cung cấp cho ta góc nhìn của người trong cuộc về những câu chuyện xung quanh trên thế giới này, từng ngày, từng giờ; khắc phục cách nhìn duy nhất và khá văn chương của Người tị nạn trước đó; cuốn sách thức thời và khá lý thú.

Sốc – Sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản thảm họaNào tối nay ăn gì – Thế lưỡng nan của loài ăn tạp là hai quyển sách nghiên cứu xã hội vô cùng cuốn hút, đầy đủ. Nếu Sốc gắn liệu pháp trị liệu sốc điện những năm 50 vào cơn trỗi dậy của thị trường thương mại tự do tháo xích, thì Nào tối nay ăn gì như cuộc phiêu lưu từ cánh đồng ngô đến chuỗi thực phẩm cuối cùng; từ đây cho thấy hiện trạng của ngành công nghiệp thực phẩm, thói quen ăn uống của con người, sự độc chiếm của loài ngô hay mẫu số chung của những xung đột chính trị trong lịch sử. Ta sẽ gặp lại Margaret Thatcher với trận chiến Falkland, Pinochet với thời gian cầm quyền của chế độc độc tài Chile, hậu cơn bão Katrina quét sạch sành sanh ban New Orleans, chính quyền Bush và chiến tranh Afganistan, Đặng Tiểu Bình và sự kiện năm 1989,… Tất cả được Naomi Klein lý giải dước góc nhìn kinh tế, và mỗi chúng ta sẽ nhận ra những sự thật vẫn đang chôn giấu trong từng cuối hồi ký, từng bài phục dựng. Một cách nhìn sâu hơn vào thế giới vẫn đang vận hành.

Ở mảng văn chương phương Tây, không hiểu do trùng hợp hay một lý do nào đó mà sự xoay trục vào văn chương Đông Âu năm nay lại trùng đúng vào khu vực của giải Nobel văn chương vừa qua. Đọc Dưới cánh thiên thần rượu của Jerzy Pilch trong cơn chuếnh choáng một ngày chia tay vì tình, và cứ thế nó đến. Cuốn tiểu thuyết của nhà văn Ba Lan này có một thời lượng không lớn, nhưng chứa trong nó là cả vấn đề thời đại, từng câu từng chữ dường như chưa bao giờ thừa thãi. Nếu đọc cuốn sách chưa đến 200 trang này một cách tập trung cao độ và thật đồng cảm, bạn sẽ quote ra được hàng tá câu văn ngập tràn sổ tay về những luân lí của ông trong này. Một tên tuổi lớn mà chỉ giải Nike 2001 thôi không bao giờ đủ.

Trẻ hơn Jerzy Pilch nhưng độ biếng nhác và tầng sâu những lớp ý nghĩa không hề thua kém là Ngoài vùng phủ sóng của Marta Dzido. Người trẻ thị thành – những con sâu biếng lười còn bò lòm ngòm trên sân chơi cuộc đời, những kẻ mộng mơ muốn tìm cái chết; chắc hẳn sẽ là những đọc giả trung thành của cô trong tác phẩm này. Một tiểu thuyết biếng nhác (rất mỏng) cho những con người biếng nhác (những ai vẫn muốn tìm lại phương hướng). Rất ổn. Cùng đó là việc đọc lại Cánh cửa của Szabó Magda – một việc dằn xé lương tâm trong cơn thỏa mãn vì cây viết Hungari vô cùng cuốn hút này. Cuốn tiểu thuyết hay và sẽ không ngừng khiến mình đọc đi đọc lại, bên cạnh Doris Lessing và Jack Kerouac đành trễ hẹn năm nay.

Con sẻ vàng, Những người nuôi giữ bồ câu, Nửa mặt trời vàngLưỡng giới là bốn cuốn tiểu thuyết với thời lượng khủng mình đã gặm nhắm trong một năm vừa qua. Bốn cuốn sách với một điểm chung đều là phương tiện cho cuộc hành trình tìm lại bản thân, nguồn gốc, bản lai diện mục. Có cuốn dữ dội về mặt tâm tư (Con sẻ vàng, Lưỡng giới); có cuốn dậy sóng ở mặt phông nền; nhưng nhìn chung đều là những tiểu thuyết quan trọng. Những người nuôi giữ bồ câu viết về cuộc tàn sát người Do thái của quân La Mã, Nửa mặt trời vàng về cuộc nội chiến Biafra; và đây dường như là hai yếu tố góp phần làm nên thành công, là sự thú vị của tác phẩm này. Trong khi đó, Con sẻ vàng ngập tràn những tâm tư của Donna Tartt; Lưỡng giới lại khá dàn trải – hai điểm yếu khi những góc nhìn tác giả chiếm một phần lớn.

Văn chương Mỹ Latin năm nay cũng chiếm phần lớn trong danh sách đọc, với những tên tuổi nổi trội – Juan Rulfo, Marquéz, Carlos Fuentes và Alejo Carpetier. Như sự cộng hưởng của quá trình đọc, quá trình biến đổi nền kinh tế thảm họa của khu vực Nón phương Nam mà Naomi Klein phơi bày trong Sốc trở thành bệ đỡ chính cho những tiểu thuyết này. Vì thế với Pedro Páramo, Sự tráo trở của phương pháp hay những truyện ngắn Marquéz; ta vẫn thấy đâu đó dáng hình của chế độ độc tài, sự nổi dậy của khởi nghĩa nhân dân trong một lối viết vô cùng thân thuộc của hiện thực kỳ ảo – trào lưu được khởi đầu bởi Alejo Carpetier và được Juan Rulfo cũng như Gábriel Marquez hay Carlos Fuentes vận dụng một cách nhuần nhuyễn. Đọc văn chương Mỹ Latin ta không những hiểu được những vấn đề chính trị như trọng tâm của khuynh hướng văn học trước đó – văn học cách mạng; mà đồng thời còn là vẻ đẹp con người, thiên nhiên, phông nền văn hóa và bản sắc quốc gia. Những trải nghiệm vô cùng thú vị.

Phát hiện thú vị của năm nay (tuy trễ hơn gần thập kỉ so với thời đại) thuộc về Nhan sắc (Zadie Smith), Những nụ hôn điện ảnh (Éric Fottorio) và Nghiệt tử (Bạch Tiên Dũng). Những tưởng đây là những quyển sách đi theo lối mòn của nạn phân biệt đối xử, của cộng da màu và những lề thói xã hội, của tiểu thuyết tình yêu nhàm chán, của những con người đặc biệt long đong; nhưng không, cả ba tác giả đã tự làm khó khi quăng chính những xung đột vào trong xã hội nhiễu nhương, của những tình tiết và mối quan hệ tréo ngoe khó mà tưởng tượng nó xảy ra thật. Từng lớp từng lớp phơi bày như lớp vỏ của củ hành tây, vô cùng xứng đáng khi nói Zadie Smith như một cây viết bước ra từ củ hành tây (như thần Vệ nữ từ trong vỏ sò). Duyên dáng, thẳng thắn và phơi bày, Nhan sắc là một tiểu thuyết quan trọng như thế. Trong khi với Những nụ hôn điện ảnh, Éric Fottorio đã chứng tỏ cảm quan của mình bằng một vẻ đẹp rất La La Land. Và cuối cùng, Nghiệt tử như mở đầu câu chuyện về những con người đặc biệt trong văn chương châu Á, Bạch Tiên Dũng bằng cảm quan nhạy cảm đã mở cánh cửa của những thương đau đã từng như thế.

Bệnh nhân người Anh và lần thứ ba đọc lại vẫn đẹp đẽ trường tồn mặc sự phá nát của bản điện ảnh. Michael Ondaatje và cuốn tiểu thuyết này tỏ ra xứng đáng với double giải Man Booker danh giá, một tưởng đài khó có thể vượt qua. Giấc mơ Mỹ (Steven Millhauser) và Giữa lòng tăm tối (Joseph Conrad) như đại diện cho những ước mơ phi thường của dòng giống người, và dĩ nhiên, xuất hiện một chút không tưởng đâm ra khá thiếu thực tế.

Ở mảng trinh thám, năm nay lại là một năm thất bát với vỏn vẹn bốn cuốn tiểu thuyết: Hành khách bí ẩn (Georges Simenon), Đứa trẻ thứ 44 (Tom Rob Smith), Cú săn đêm (Samuel Bjørk) và Mùi Adam (Jean – Christophe Rufin). Georges Simenon vẫn thế, vẫn chứng tỏ mình ở mảng trinh thám xã hội. Trong khi Đứa trẻ thứ 44Cú săn đêm có cách xây dựng khá tương đồng nhau: Tom Rob Smith một cách hài hòa thêm thắt vào đó yếu tố hành động rất Mỹ; Samuel Bjørk lại bổ sung thêm yếu tố thần thoại đậm chất Bắc Âu. Nhưng việc cố tạo ra chồng chồng lớp lớp tình tiết đa góc nhìn, đảo ngược thời gian, sử dụng phương cách hòng làm rối trí người đọc; cả hai cuốn tiểu thuyết này đều để lộ ra chính cách sắp xếp trong từng bước đi. Còn với Mùi Adam, một sự thất vọng thảm hại so với những mong chờ trước đó từ tác giả của Brésil đỏ.

Ngoài ra, văn chương thiếu nhi (Con mèo trời, Wonder), thanh – thiếu niên (172 giờ trên mặt trăng, The curious charm of Aurthor Pepper) và văn học Việt Nam (Giông tố, Hai khối tình, Như núi như mây) cũng mang đến những trải nghiệm thú vị. Trong đó nổi bật hơn hết là 172 giờ trên mặt trăng – cuốn thriller fiction đã lâu mới có cảm giác hoảng sợ như thế và Con mèo trời với cách xây dựng đối ngẫu con người – đức tin tương tự Bên dòng sông Hằng vô cùng duyên dáng,… tất cả làm nên một bức tranh trọn vẹn của hành trình đọc sách năm nay.

Hết.

Ngô Thuận Phát


Đọc những bài viết của Ngô Thuật Phát.


Tìm hiểu về những cuốn sách xuất hiện trong bài viết



Phía sau trang sách

Cánh cửa mở vào nội tâm của Maupassant

Published

on

By

Cùng với Chekhov, Guy de Maupassant từ lâu đã được suy tôn là “bậc thầy của thể loại truyện ngắn”. Điều này không chỉ bởi văn phong độc đáo, mà còn nằm ở sự đa dạng về thể loại. Trong đó Horla và những truyện ngắn khác ra mắt gần đây chính là minh chứng cho nhận định này.

Tuy chỉ viết trong vỏn vẹn có 4 thập kỷ, nhưng những di sản mà Maupassant để lại là tương đối lớn. Ông nổi tiếng nhất với các tiểu thuyết cũng như truyện ngắn mang tính hiện thực, hài hước, lãng mạn, như những tập truyện Sáng trăng, Nơi nhà người bạn

Nhà văn nổi tiếng Guy de Maupassant

Nhưng ít người biết ông cũng bén duyên với thể loại kinh dị, và nó cũng truyền cảm hứng cho nhiều tác giả sau này, trong đó có H.P.Lovecraft với Lời hiệu triệu của Cthulhu. Vừa mới ra mắt trong thời gian qua, Horla và những truyện ngắn khác tập hợp 5 tác phẩm có màu sắc kinh dị, siêu nhiên, được Maupassant viết trải dài từ năm 1875 – 1890.

Trí tưởng tượng phong phú

Trong tập truyện Horla và những truyện ngắn khác, bạn đọc có thể thấy rõ 2 giai đoạn mà Maupassant tiến hành tiếp cận thể loại kinh dị. Trong 3 truyện ngắn được viết sớm nhất là Bàn tay bị lột da (1875), Hắn? (1883) và Nỗi sợ (1884), ta đơn thuần thấy đây là một tác phẩm ẩn chứa yếu tố siêu nhiên mà vị tác giả cố gắng khai thác.

Chúng đơn giản xoay quanh những nỗi ám ảnh mà các cá nhân yếu bóng vía hay là nhạy cảm thường cảm nhận được. Chẳng hạn như trong truyện Hắn?, một người đàn ông vì bị ám ảnh bởi một bóng ma trong căn phòng của mình mà đã cưới lấy một người vợ mới, hay ở Nỗi sợ, chỉ vì trên tuyến tàu lửa khi nhìn thấy có 2 người đàn ông xuất hiện trong khu rừng vắng, mà nhân vật chính bỗng dưng cảm thấy trong mình trỗi dậy nỗi sợ chỉ vì không thể lý giải được động cơ của câu chuyện ấy…

Horla và những truyện ngắn khác là tác phẩm mới từ Maupassant

Đây đều là các nhân vật hoàn toàn tỉnh táo, họ nhận thức được những gì xảy ra và khó có thể nói họ có vấn đề riêng về tâm lý. Và vì tính hiện thực đó, Maupassant qua các tác phẩm cũng gửi gắm được bài học của mình. Chẳng hạn trong truyện Bàn tay bị lột da, thông qua nhân vật Pierre B. – một sinh viên trường luật, người xuất thân từ một trong những gia đình danh giá nhất xứ Normandie – ông đã cho thấy chỉ vì chính thói hư vinh cũng như trưởng giả mà y đã mạo phạm đến một phần thân thể của vị phù thủy, từ đó phải chịu cái chết có phần đau đớn.

Hay trong Nỗi sợ, Maupassant cũng khẳng định “cùng với những điều siêu nhiên, nỗi sợ hãi đích thực đã biến mất khỏi hành tinh này, bởi con người ta chỉ thực sự sợ những gì nằm ngoài tầm hiểu biết của mình”. Câu nói này như đại diện cho tất cả những gì ông muốn nhắm tới, về sự nhỏ bé và đầy mông muội của con người với những kỳ bí chưa được lý giải.

Như vậy những tác phẩm này đều được viết bởi một Maupassant khách quan, đứng ở bên ngoài, từ đó đưa ra những lời lý giải hoàn toàn hợp lý. Thế nhưng ở 2 truyện sau là Horla viết năm 1887 và Ai mà biết được? viết năm 1890, thì ta lại thấy có phần ngược lại, khi chính nhà văn dường như không thể thoát được cái bóng của bản thân mình.

Bi kịch của Maupassant

Hai truyện ngắn này có được điểm chung khi nhân vật chính đều là người đàn ông rơi vào loạn trí. Nhân vật chính này đã từng không dưới một lần thừa nhận chính mình như có đến 2 bản thể cùng nhau tồn tại. Một bên kêu gào giữ lại lý trí, trong khi phía còn lại đòi hỏi rất nhiều hành động mang tính tàn phá.

Sự chia đôi này gợi ta nhớ đến trường hợp của bác sĩ Jekyll và ông Hyde tương đối kinh điển trong tác phẩm nổi tiếng của Stevenson. Như vậy chủ đề của Maupassant đã chuyển từ những nỗi sợ tương đối hữu hình thành ra vô hình và khó lý giải, khi được bao bọc bởi những vấn đề có liên quan đến thần kinh cũng như tinh thần.

Tình tiết của những câu chuyện cũng khó nắm bắt. Ở Ai mà biết được?, đó là một người gần như điên loạn bởi sự xuất hiện và rồi biến mất của những vật dụng ngay trong nhà mình một cách liên tục. Còn ở Horla, đó là một sinh vật gần như trong suốt, thứ được nuôi sống bằng sữa và nước, luôn luôn theo dõi vật chủ mà nó bám theo, từ đó khiến họ “sống không bằng chết”.

Maupassant và những ám ảnh tâm trí của bản thân mình

Theo Charlotte Mandell – dịch giả của truyện ngắn này cho nhà xuất bản Melville House, thì “horla” là từ ghép của “hors” (“bên ngoài”), và “la” (“ở đó”). Vì vậy “horla” có nghĩa là “người ngoài cuộc”, “người bên ngoài”, và có thể được dịch theo nghĩa đen là “cái gì ở ngoài đó”. Thế nhưng cũng có những lý giải khác, khi nhiều người xem đây là một sự kết hợp của cụm “hors-la-loi” (tức “ngoài vòng pháp luật”) và “horsain” (có nghĩa là “thứ lạ lùng”).

Thế nhưng dù có là gì, thì Maupassant như đang cảm nhận những nỗi ám ảnh đến từ sâu hơn và khó lý giải hơn. Xét về bối cảnh của chính tác giả, thì những truyện này tương đối trùng khớp với thời kỳ mà ông có những dấu hiệu đầu tiên của chứng điên loạn, khi ông xuất hiện nhân cách kép và ngày càng gặp nhiều ảo giác do bệnh giang mai. Một năm sau đó, vào năm 1891, ông có dấu hiệu của chứng hoang tưởng.

Có thể là bởi xuất phát từ những trải nghiệm chính ông kinh qua, nên 2 truyện này trở nên chân thật và đầy ám ảnh đối với người đọc. Nếu được viết từ một người tỉnh táo, thì đây chính là tài năng của sự tưởng tượng. Nhưng với Maupassant thì đó là nỗi đau và sự sợ hãi mà bản thân ông mong muốn giải bày thông qua việc viết.

Như vậy đi từ mục đích sáng tạo ở buổi ban đầu, Maupassant dần dần chuyển sang hành động kể lại điều đã trải qua, và làm sáng tỏ chứng bệnh tâm lý mà thời kỳ đó còn bị che khuất bởi những định kiến mà những quan điểm mang tính thủ cựu. Có thể nói Horla và những truyện ngắn khác không chỉ mở ra cánh cửa khám phá một Maupassant rất khác, mà có thể nói cũng đã góp phần giúp ta hiểu được những gì đã từng xảy đến với một trong những nhà văn lớn của nhân loại.

Anh Đoàn

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Tư duy tích cực tạo thành công: Chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng

Published

on

Tác phẩm Tư duy tích cực tạo thành công của Napoleon Hill và William Clement Stone là một cẩm nang hữu ích cho bất kỳ ai muốn đạt được thành công trong cuộc sống. Cuốn sách không chỉ cung cấp những nguyên tắc và chiến lược hiệu quả để phát triển bản thân mà còn truyền cảm hứng giúp người đọc có một thái độ tích cực hơn trong cuộc sống.

Tư duy tích cực tạo thành công là một tác phẩm kinh điển về chủ đề phát triển bản thân, đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới kể từ khi xuất bản lần đầu tiên vào năm 1959, khẳng định vị trí là một trong những tác phẩm self-help bán chạy nhất mọi thời đại. Cuốn sách vén màn bí mật về sức mạnh của tư duy tích cực, giúp người đọc khai phá tiềm năng bản thân và đạt được những thành tựu phi thường trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Tìm kiếm hình mẫu thành công làm ngọn đuốc soi sáng

Để có thêm động lực và định hướng rõ ràng cho bản thân, tác giả gợi ý rằng người đọc có thể xây dựng cho riêng mình một hình mẫu thành công từ những câu chuyện về người thật, việc thật trong sách báo. Khi dành thời gian tìm hiểu về hành trình của họ, những khó khăn họ đã trải qua và cách họ vượt qua những thử thách đó, ta sẽ có thể biến kinh nghiệm của họ trở thành ngọn đuốc soi sáng cho con đường của chính mình.

Bên cạnh đó, người đọc còn có thể chọn một bức ảnh có ý nghĩa đặc biệt với mình để đặt câu hỏi khi nhìn bức ảnh đó rồi lắng nghe câu trả lời từ chính tâm thức bật ra. Bức ảnh ấy có thể là hình ảnh về mục tiêu ta muốn đạt được, về một giá trị sống mà ta trân trọng, hoặc đơn giản là một khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống. Chẳng hạn, nếu người đọc muốn mua nhà nhưng chưa có đủ tài chính thì có thể chọn bức ảnh về một mái ấm khang trang để ngắm nhìn và tự đặt câu hỏi rằng mình phải làm gì để đạt được số tiền sở hữu căn nhà đó. Không phải lúc nào câu trả lời cũng đến ngay lập tức, nhưng việc cụ thể hóa mục tiêu bằng một hình ảnh rõ ràng sẽ giúp người đọc tăng cường ý chí nỗ lực.

Ngoài ra, niềm tin chính là nguồn động lực mạnh mẽ giúp mỗi người vượt qua mọi khó khăn và chinh phục mục tiêu. Trong Tư duy tích cực tạo thành công, có một công thức thường được lặp lại nhiều lần để người đọc ghi nhớ là: “Khi con người người nghĩ đến và tin tưởng vào điều gì, họ sẽ có thể đạt được điều đó với thái độ tích cực.” Đây cũng là một biện pháp tự truyền cảm hứng.

Hai mặt của tình thế bức bách: Thành công hay tội ác?

Tư duy tích cực tạo thành công nhấn mạnh tầm quan trọng của tính lương thiện trong hành trình chinh phục thành công. Cuốn sách khẳng định rằng thành công đích thực không chỉ dựa trên kết quả mà còn phải dựa trên phương tiện đạt được kết quả đó. Một người có thể đạt được thành công bằng mưu mô, thủ đoạn, nhưng đó chỉ là thành công giả tạo, thiếu bền vững và không mang lại hạnh phúc thực sự.

Ngoài ra, tác giả cũng bàn về vai trò của tình thế bức bách: nó như một con dao hai lưỡi, có thể đưa con người đến đỉnh cao thành công hoặc vực sâu tội ác. Tình thế bức bách là phép thử cho bản lĩnh, đạo đức và thái độ của mỗi cá nhân. Khi đó, thành công hay thất bại đều tùy thuộc vào thái độ:

Thái độ tích cực: Khi đối mặt với nghịch cảnh, người có thái độ tích cực sẽ biến nó thành cơ hội để học hỏi, rèn luyện và phát triển bản thân. Họ kiên trì nỗ lực, tìm kiếm giải pháp sáng tạo và không bao giờ bỏ cuộc. Nhờ vậy, họ có thể vượt qua mọi khó khăn và gặt hái thành công.

Thái độ tiêu cực: Ngược lại, người có thái độ tiêu cực sẽ dễ dàng gục ngã trước nghịch cảnh. Họ chìm trong lo âu, sợ hãi, nghi ngờ bản thân và tìm kiếm lối thoát bằng những hành vi sai trái. Hậu quả là họ đánh mất bản thân, vướng vào vòng xoáy tội ác và tự hủy hoại cuộc đời.

Từ đó, cuốn sách đưa ra hai công thức đơn giản nhưng đầy ý nghĩa:

Tình thế bức bách + Thái độ tích cực = Thành công
Tình thế bức bách + Thái độ tiêu cực = Tội ác.

Cân bằng cảm xúc, rèn luyện tư duy và đặt mục tiêu hiệu quả

Cảm xúc và lý trí đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, mỗi người cần học cách cân bằng hai yếu tố này để đưa ra những quyết định sáng suốt. Đôi khi, ta cũng nên lắng nghe tiếng nói con tim và hành động theo những gì mình mong muốn. Chẳng hạn, khi phải lựa chọn giữa một công việc ổn định và theo đuổi đam mê, ta cần cân nhắc kỹ lưỡng cả hai yếu tố cảm xúc và lý trí: ta thường dùng lý trí để đánh giá khả năng thực tế của bản thân, nhưng cũng đừng quên lắng nghe tiếng nói con tim.

Bên cạnh đó, tác giả cho rằng mỗi ngày, chúng ta chỉ cần dành 1% thời gian để nghiên cứu, suy nghĩ, lập kế hoạch là đã có nhiều cơ may tạo ra sự khác biệt để vươn đến thành công. Theo ước tính, một ngày có 1440 phút, 1% sẽ tương ứng với 14 phút. Trong 14 phút đó, nếu ta chú tâm suy nghĩ kế hoạch cho những gì mình muốn làm, ta sẽ dần hình thành được thói quen có thể suy nghĩ sáng tạo mọi lúc, mọi nơi: khi rửa chén, lúc ngồi trên xe bus, hay thậm chí là khi đang tắm.

Ngoài ra, đặt mục tiêu là bước đầu tiên và quan trọng nhất trên kế hoạch chinh phục thành công. Mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn tập trung nỗ lực, đưa ra quyết định sáng suốt và duy trì động lực để đạt được ước mơ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách đặt mục tiêu hiệu quả. Dưới đây là bốn điều quan trọng cần ghi nhớ khi đặt mục tiêu:

1. Viết mục tiêu ra giấy: Khi viết mục tiêu ra giấy, bạn sẽ buộc bản thân phải suy nghĩ cẩn thận về những gì mình muốn đạt được. Việc này giúp bạn tập trung và ghi nhớ mục tiêu tốt hơn.

2. Đặt mốc thời gian: Mốc thời gian giúp bạn chia mục tiêu lớn thành những mục tiêu nhỏ hơn, dễ quản lý hơn. Việc này giúp bạn có động lực để hoàn thành từng bước và tiến đến mục tiêu cuối cùng.

3. Đặt tiêu chuẩn thật cao: Khi đặt tiêu chuẩn cao, bạn sẽ buộc bản thân phải nỗ lực hết mình và phát huy tiềm năng tối đa.

4. Đặt mục tiêu cao: Mục tiêu cao sẽ giúp bạn có tầm nhìn xa và thúc đẩy bạn không ngừng phát triển.

Nhìn chung, Tư duy tích cực tạo thành công đã mang đến cho người đọc những bài học quý giá về sức mạnh của tư duy tích cực trong việc gặt hái thành công và hạnh phúc. Hãy nhớ rằng, thành công không phải là đích đến mà là hành trình. Hành trình chinh phục thành công bắt đầu từ việc nuôi dưỡng tư duy tích cực. Ta cần tin tưởng vào bản thân và những điều kỳ diệu mà cuộc sống có thể mang lại. Từ đó, ước mơ sẽ thành hiện thực bằng chính những hành động mà ta lựa chọn ngay từ hôm nay.

Hoàng Đức Nhiên

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Tình yêu đích thực từ góc nhìn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Published

on

Trong vô vàn những định nghĩa về tình yêu, quan điểm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh về “tình yêu đích thực” được trình bày trong cuốn tiểu luận True Love đã mang đến một sự giản dị, mộc mạc nhưng lại ẩn chứa sức mạnh lay động tâm hồn sâu sắc.

Tình yêu là một trong những chủ đề muôn thuở của nhân loại, luôn ẩn chứa sức hút mãnh liệt và khơi gợi những cảm xúc dạt dào. Nhưng không phải ai cũng hiểu được bản chất của tình yêu. Trong True Love, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã kể lại câu chuyện Thiếu phụ Nam Xương, rồi từ đó rút ra một kết luận mà thoạt nghe sẽ có vẻ vô cùng đơn giản nhưng càng ngẫm nghĩ thì ta càng thấy sự đơn giản ấy chính là vẻ đẹp của minh triết.

Thông điệp ý nghĩa từ ba câu khẳng định trong tình yêu

Đối với thầy, câu chuyện Thiếu phụ Nam Xương có kết cuộc đau lòng là vì người chồng đã không chịu lắng nghe người vợ, anh cứ gạt phăng lời vợ nói, cơn nóng giận đã che mờ tình yêu và cả lí trí. Vợ anh cũng đã không cố gắng hơn để giải thích rõ ràng cho anh hiểu. Chính vì vậy, cả hai người đều không thực sự hiện diện khi ở trước mặt đối phương, họ ở đó nhưng không thực sự ở đó, mà ở trong khoảnh khắc khác, trong những chiều không gian khác. Bi kịch của họ đơn giản chỉ là như thế.

Từ đó, Thiền sư Thích Nhất Hạnh rút ra kết luận là tình yêu thực sự chỉ đơn giản nằm gói gọn trong ba câu sau đây: “Anh ở đây. Em ở đây. Và anh ở đây vì em.” (I’m here. You’re here. And I’m here for you.)

Câu khẳng định đầu tiên mang hàm ý rằng anh đang ở đây ngay giây phút này khi đối diện với em, bằng trăm phần trăm con người anh, không hề có sự tản mác, phân mảnh đi bất cứ nơi đâu. Một điều tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra trong cuộc sống bộn bề lo toan này, việc một người có thể tập trung hoàn toàn tinh lực của mình khi đối diện trước một người mà không bị vướng bận tâm trí bởi điều gì khác cũng thật khó khăn.

Câu khẳng định thứ hai là sự tiếp nối ý từ câu đầu tiên. Anh ở đây, và em cũng đang ở đây. Anh ghi nhận sự tồn tại của em, em ghi nhận sự tồn tại của anh. Vì em cũng đang ở đây cùng anh trong giây phút này nên em không cô đơn, em không tản mác, em không phân mảnh.

Câu khẳng định cuối cùng là một sự quả quyết mạnh mẽ: Anh ở đây, anh dành hết trăm phần trăm sự tồn tại của mình ở đây là vì chính em, không vì ai khác cả. Vậy nên, em có thể yên tâm mà thổ lộ tất cả mọi điều với anh, vì trong giây phút này, hai ta đều cùng hiện diện.

Thông qua đó, ba câu khẳng định này có thể diễn dịch lại thành thông điệp phổ quát như sau:

“I’m here”: Khẳng định sự hiện diện trọn vẹn của bản thân, tập trung toàn bộ sự chú ý và tinh thần vào người mình yêu thương. Trong cuộc sống bận rộn, việc dành trọn vẹn tâm trí cho đối phương là điều không dễ dàng, nhưng lại vô cùng quan trọng để xây dựng một mối quan hệ bền vững.

“You’re here”: Ghi nhận sự tồn tại của đối phương, trân trọng và thấu hiểu cảm xúc, suy nghĩ của họ. Khi cả hai cùng “ở đây”, họ sẽ cảm nhận được sự kết nối sâu sắc, chia sẻ và đồng hành trong từng khoảnh khắc.

“And I’m here for you”: Thể hiện sự cam kết, dành trọn vẹn tình yêu và sự quan tâm cho người mình yêu thương. Lời khẳng định này mang đến sự an toàn, tin tưởng và là động lực để cả hai cùng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Ba câu khẳng định tưởng chừng đơn giản nhưng lại là chìa khóa cho một tình yêu đích thực. Khi cả hai cùng thực hiện được điều này, họ sẽ tạo dựng được một mối quan hệ bền chặt, hạnh phúc và viên mãn.

Chìa khóa cho một mối quan hệ tốt đẹp

Để thực sự “ở đây”, mỗi người cần học cách chánh niệm, tập trung vào hiện tại, gạt bỏ những lo toan, phiền muộn và dành trọn vẹn sự chú ý cho đối phương. Khi ta thực sự “ở đây”, ta sẽ cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp của người mình yêu thương, thấu hiểu những cảm xúc và suy nghĩ của họ. Tình yêu đích thực không chỉ là những khoảnh khắc lãng mạn, mà còn là sự cam kết và hy sinh cho nhau. Khi yêu thương ai đó, ta sẵn sàng dành thời gian, tâm sức và cả những hy sinh để cùng nhau xây dựng hạnh phúc.

Giao tiếp là yếu tố quan trọng trong bất kỳ mối quan hệ nào. Lắng nghe cởi mở và thấu hiểu là cách để hai người kết nối tâm hồn, chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ và vun đắp tình cảm ngày càng sâu sắc.

Tình yêu đích thực không phải là điều viển vông hay khó kiếm tìm. Nó ẩn chứa trong chính những khoảnh khắc bình dị của cuộc sống, chỉ cần ta biết trân trọng và gìn giữ. Ba câu khẳng định của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về cách để vun đắp và nuôi dưỡng một tình yêu thương bền chặt, viên mãn.

Hoàng Đức Nhiên

Đọc bài viết

Cafe sáng