Sáng tác

Truyện ngắn: Người mẹ trong công viên (Emmanuelle Pagano)

Published

on

Vào những ngày Chủ nhật, tôi luôn muốn kéo mẹ ra công viên chơi. Mẹ lại thích đến bờ sông hơn nhưng không phải để đi tắm nắng mà là kiếm nơi nào đó ít người lai vãng. Những chốn bình yên. Tôi thì ngược lại, chỉ muốn mở trận đá banh với lũ bạn. Đối với mẹ, chốn thanh bình là nơi bà có thể yên lặng đọc sách. Bà chưa bao giờ chơi đùa với tôi, thảng hoặc mới nói vài câu và cũng chẳng mấy khi ra lời với người khác trừ khi cần thiết hoặc nói chuyện với đám con. Tôi là đứa út ít trong ba cậu nhóc – những cậu bé con đang tuổi ăn tuổi quậy.

Mẹ không thích công viên vì ở đấy đông người, nhưng thực ra không chỉ vì vậy, cũng chẳng phải vì bà muốn ở một mình mà bởi những người ở công viên này nhếch nhác hơn ở nơi khác. Họ lấm lem, hơi thở khò khè, thơ thơ thẩn thẩn và hay quấy rầy dai dẳng. Tất cả đều nghèo rớt mùng tơi, nghèo tới mức chẳng có nổi tấm bằng lái chứ chưa nói gì đến xe hơi. Cứ đến ngày chủ nhật, họ lại dạt về công viên, xúm xít quanh gốc cây chanh sừng sững, bao quanh là những băng ghế nguệch ngoạc hình vẽ graffiti. Trên các băng ghế gỗ chằng chịt những dòng chữ sai lỗi chính tả nhưng trên lớp vỏ cây cứng cáp thì tuyệt không thấy gì. Đám trẻ hiếu động rượt nhau chạy vòng quanh ghế, nhảy tót lên rồi chui xuống lăn lộn dưới gầm. Tôi rất muốn nhập hội với chúng, còn mẹ thì muốn tôi vui nên bà chiều lòng đưa tôi ra đây, bỏ lại cái êm đềm của dòng sông, âm thanh dịu dàng, đều đều của làn gió, tiếng sột soạt của những trang sách giở ra và âm thanh cô đơn của những trận đá banh một-cầu-thủ. Kết quả chung cuộc, mẹ lúc nào cũng nhượng bộ gật đầu. Mẹ sẽ ngồi dưới tán cây, tay ôm quyển sách mà bà biết rằng chẳng đời nào đọc nổi giữa không khí chộn rộn này, nhưng bà hạnh phúc khi thấy tôi cười ngoác miệng và nhiệt tình nhập hội với đám bạn.

Chủ nhật hôm ấy, bọn trẻ ra công viên khá đông. Chúng chơi đùa dưới sự giám sát của những ông bố bà mẹ đầy vẻ nghi ngại. Nhưng dưới tán cây chanh, vẫn có vài người trẻ tuổi hơn không dắt theo trẻ nhỏ, họ nằm ườn trên ghế, đánh một giấc ngon lành từ khuya hôm trước đến tận trưa hôm sau, dùng chân canh chừng chú chó cưng và những lon bia. Tôi có thể nhận ra cái nhìn dè dặt, sợ sệt trên khuôn mặt mẹ khi bà cố tìm chỗ ngồi càng xa họ càng tốt. Trong số đó, có một người thức giấc, với vẻ chán nản và sầu đời đã bắt chuyện với mẹ. Bà đáp trả với cung cách lịch sự, rằng bà muốn đọc sách và bắt đầu mở sách ra đọc thật. Mẹ giục tôi lấy banh ra khỏi giỏ (một trái bóng rổ và một trái bóng đá) rồi đi làm quen với những bạn khác. Chẳng khác gì tôi, chúng cũng đang ôm một mớ banh và háo hức tìm “đồng đội”. Nhưng tôi muốn nói chuyện với Jérémie hơn. Bác ấy vừa mới tự giới thiệu và chìa đôi tay rám nắng ra, nhờ vậy tôi mới biết tên bác. Bác đang tìm đứa con trạc tuổi anh tôi (bác nói với mẹ: Cô biết không, con tôi cũng lớn cỡ thằng bé nhà cô) và mẹ đã tìm được nó. Trông bác Jérémie có vẻ tử tế và thận trọng. Nhưng nếu bác muốn “đá lông nheo” với mẹ thì dứt khoát phải bước qua ải của tôi đã. Bác bắt đầu giải thích cho tôi về những kiểu rê bóng, chuyền bóng, tất tần tật về bóng đá và bóng rổ, thậm chí rất nhiều thứ chẳng “dây mơ rễ má” gì tới hai món này, chẳng hạn như thể thao sẽ dạy cho ta nhiều bài học về cuộc sống: lòng vị tha, tinh thần đồng đội, chơi đẹp, tuân thủ đúng luật, biết sống hòa đồng với người khác. Bác còn tâm sự với tôi về chuyện đời, về quãng đời đã qua với tấm bằng nghiên cứu thể thao bị xếp xó, về công việc của một huấn luyện viên nhiều môn thể thao và những vấn đề ngổn ngang. Tôi dám chắc rằng thật ra, bác đang kể những chuyện này cho mẹ tôi nghe chứ chẳng phải nói với tôi, nhưng chỉ sau mấy phút, bác đã trở thành ông bạn già chí thân của tôi ở chốn công viên này.

Mẹ vẫn cố chăm chú vào cuốn sách, thỉnh thoảng, bà thoáng liếc qua trông chừng tôi, thật nhanh và kín đáo để Jérémie không tài nào bắt được ánh mắt của mẹ. Nhưng mỗi lần chạm được ánh mắt đó, bác liền bắt đầu tung ra hàng tá lời khen có cánh về đôi mắt xanh của bà. Đôi mắt mà tôi may mắn được thừa hưởng. Một màu xanh thuần khiết, trong trẻo hơn cả dòng sông ngày nắng ấm, thăm thẳm hơn cả nền trời ngày không gợn áng mây. Đôi mắt sáng thắp sáng khuôn mặt có tuổi vốn đã nhuốm màu thời gian và phiền muộn của bà. Chút cảm giác đố kỵ dấy lên trong lòng tôi nhưng chỉ một chút thôi, vì tôi biết mẹ thương tôi nhất. Tôi biết người đàn ông ấy chẳng đời nào có cơ hội lại gần mẹ. Và tôi tận dụng triệt để sự cô đơn đó để chơi đùa với bác. Vì mẹ có bao giờ muốn chơi với tôi đâu.

Mẹ đã dùng hết kiên nhẫn cho anh chị của tôi nên tôi không nghĩ bà có thể chịu nổi bất kỳ trận bóng nào nữa. Bà chỉ muốn đắm chìm vào những trang sách và đi bộ. Mẹ thích ở bên cạnh tôi, thả bộ cùng với tôi. Mẹ thương tôi. Chỉ là mẹ không ưa thành phố này, không thích những con người thành thị, những con đường và công viên nhếch nhác. Vốn là con gái nông thôn, mẹ luôn tâm sự rằng hy vọng có một lúc nào đó được về thăm quê, trong khi chị em tôi lại bí xị vì chúng tôi thích ở đây hơn, nơi có nhiều cửa hàng và khu phố sầm uất, những cột bóng rổ và khung thành. Theo lời mẹ kể, anh trai tôi từng sống ở một thị trấn thậm chí còn to hơn nữa, một vùng đất trong mơ hay một chốn thần tiên.

Hồi còn bé, mẹ không chơi những trò chơi như chúng tôi bây giờ. Mẹ dành cả ngày mơ mộng dưới gốc cây, mê mải ghép tranh không biết chán, mẹ vẽ và đọc biết bao nhiêu sách. Mẹ sống một mình với ông ngoại ở một nơi xa xôi hẻo lánh, cách chỗ bà ngoại đến mấy tiếng đồng hồ đi đường. Nơi ấy xa lánh chốn thành thị lao xao đến mức bạn có thể biết được lúc nào có người hàng xóm đang đi qua chỉ bằng cách lắng nghe tiếng chân họ bước trên tuyết, đếm từng bước chân – một âm thanh khô, đanh, lạnh lẽo giữa không gian thinh lặng. Mẹ từng nói trên đời này không hề có sự im lặng tuyệt đối mà lúc nào cũng tồn tại những âm thanh tí hon, bị giấu đi và hiếm có thể nhận ra. Mẹ là chuyên gia trong việc cảm nhận những thứ không thể cảm nhận ấy. Toàn bộ tuổi thơ của bà được làm nên từ đó. Mẹ có đôi tay đỏ ửng, nhăn nheo trước tuổi, cứ như thể bà từng là lao công, là công nhân hay nông dân, dù thực tế bà chưa từng làm bất kỳ việc nào trong số đó. Chỉ là bà hiếm khi để mắt săn sóc bản thân, đôi tay, gương mặt, hay mọi thứ liên quan đến dung nhan của mình, bà vô tình đến mức có chút lạ kỳ, như thể mẹ muốn người ta nghĩ rằng mình là một người nào khác. Tôi chăm chú nhìn đôi tay đang cầm quyển sách của mẹ nên bỏ lỡ cú chuyền bóng của bác Jérémie. Chú chó nhỏ của bác bắt đầu sủa vang và nhảy lòng vòng một cách đầy phấn khích.

Sự thiếu tập trung của tôi càng khiến chú chó nhỏ hứng chí, cứ như thể mỗi lần đá hụt của tôi đã chạm vào nút bấm của chiếc điều khiển từ xa có liên kết với thân hình bé nhỏ của chú. Chú chó cắm cúi rượt theo trái bóng bị văng ra với sự ồn ào dư thừa năng lượng. Tôi cũng mải chạy theo sinh vật tí hon tràn trề niềm vui ấy mà quên bẵng mẹ trong chốc lát. Nhưng khi bác Jérémie kể rằng ngày hôm qua, chú chó này đã đánh hơi được mùi của cáo trong thùng rác, tôi liền quay sang mẹ, nở một nụ cười “ẩn ý”. Hồi còn nhỏ, mẹ đã dùng tay không kết liễu một chú cáo để chấm dứt sự đau đớn mà nó phải chịu. Mẹ vẫn thường kể cho chúng tôi nghe về kỷ niệm đó và chúng tôi cũng thường đòi mẹ kể đi kể lại. Có lẽ đối với tôi, việc con cáo có thể đi lạc vào thành phố là một sự kiện khác thường nhưng câu chuyện đó giống như một cách làm lành với mẹ. Mẹ nhìn tôi, cười đáp lại nhưng đưa ngón tay lên miệng, ra dấu tôi nên giữ bí mật của mấy mẹ con. Tôi cũng cảm thấy nên vậy. Mẹ lấy trong giỏ ra một gói bánh snack. Mẹ chưa bao giờ quên mang theo bánh, nước hay sách. Và cả những trái bóng cho tôi nữa.

Tôi chạy lại ngồi cạnh mẹ, và bác Jérémie nỗ lực thêm lần cuối những mong xin được số điện thoại của bà. Bác đưa cho chúng tôi một thùng nước ép táo rồi cuối cùng tạm biệt chúng tôi. Bác đánh thức những người bạn và huýt sáo gọi mấy con chó. Họ đều rời khỏi công viên mà không đóng cổng. Khi họ đi khỏi, một chú chó khác lại đến. Nó có bộ lông trắng, trông có vẻ già nua và đôi chân sau đi khập khiễng. Dù tiếng sủa của nó chẳng ồn ào nhặng xị như mấy cậu chó choai choai nhưng điều đó không ngăn nó nhiệt tình rượt theo trái banh của tôi. Tôi đã ăn xong miếng bánh và mẹ lại cầm sách lên.

Hết.

Phương Hạ dịch

Nguyên tác Mum at the Park (Emmaneulle Pagano), đăng tại Literary Hub.

*

Về tác giả: Emmanuelle Pagano là một tác giả người Pháp. Cô đã viết khá nhiều tác phẩm, trong đó có một số tiểu thuyết đã được dịch ra hơn mười thứ tiếng. Cô đạt được nhiều giải thưởng trong văn nghiệp của mình, gần đây nhất là giải thưởng EU về Văn học với tác phẩm Les Adolescents Troglodytes và giải Tiểu thuyết về đề tài sinh thái học của Pháp.

Mum at the Park (tạm dịch Người mẹ trong công viên) là một truyện ngắn nằm trong tuyển tập Faces on the Tip of My Tongue, quyển sách thứ hai của Emmanuelle được dịch sang tiếng Anh, do Sophie Lewis và Jennifer Higgins chuyển ngữ, nhà xuất bản Peirene Press phát hành.

Sáng tác

Thơ: Lau nước mắt và lại đi… (Lavender So Blue)

Published

on

Em có biết không?
Tự do từ đâu mà có
Câu chuyện từ đâu mà được kể
Những bài báo vui buồn từ đâu mà viết ra
Em có biết không?
Niềm tin từ đâu mà có
Mảnh đất này còn bao sự diệu kỳ
Đâu phải chỉ có những xót xa
Lấy trời làm nhà
Đất làm chăn ấm
Gió gội mái đầu xanh và biển bạc tắm ướt đẫm da vàng
Chốn thị phi
Người cô độc than khóc
Kẻ lỡ làng đi tìm tri kỷ
Còn ta chỉ là người hay khóc
Lau nước mắt và lại đi…

Lavender So Blue

Đọc bài viết

Sáng tác

Truyện ngắn: Những chiếc lá zombie (Điển Tuyết)

Published

on

Tôi quyết định đổi nơi làm việc, dù Wyandotte là một nơi chốn vô cùng bình yên suốt 5 năm qua. Tôi không định nói lời chia tay đồng nghiệp. Bọn họ quá bận rộn để đọc và hồi đáp một email chia tay giữa mùa Covid. Ai cần tôi thì họ sẽ vẫn liên lạc thôi.

Trong căn hộ này, mỗi một inch đều chất chứa nhiều kỉ niệm, kỉ niệm của tôi những năm tháng hậu chia tay Stovall. Lúc này là vào cuối đông, nhưng cây phong ngoài cửa sổ vẫn còn nguyên những chiếc lá khô cong như hồi cuối thu. Gió vùng này thổi rất mạnh, nhưng lạ lùng làm sao, những chiếc lá phong khô héo, chết lâu ngày kia vẫn không chịu lìa cành. Cứ như thể chúng vẫn đang sống, sống đời zombie của giống loài thực vật. Màu nâu, màu nâu cong, là màu mới của sự sinh tồn chăng?

Căn hộ của tôi chất đầy thùng các tông để mở. Thật khó quyết định những gì cần mang theo đến nơi ở mới. Mất cả tuần liền, tôi chỉ ngồi phân loại mọi thứ ra thành hai loại: cần và rất cần. Thật, có thứ gì trong căn hộ này mà tôi không cần đâu?

Soạn mãi soạn mãi, rồi không rõ thế nào mà tôi vớ phải tập ảnh Stovall chụp khi chúng tôi còn chung sống. Mới chừng hai chục năm trước đây thôi. Có một tấm tôi mỉm cười với khuôn miệng rộng, gương mặt rạng rỡ, phía sau là vườn mai vàng lộng lẫy. Lúc đó, chúng tôi vừa cưới xong, đang bắt tay vào trang trí căn nhà đầu tiên của cả hai. Stovall chụp lại mọi thứ trong nhà, kể cả những vật dụng bình thường nhất, chẳng hạn như chiếc bàn chải đánh răng bằng gỗ tre của tôi. Cảm giác hạnh phúc chầm chậm dâng lên trong tôi, Stovall luôn luôn đáng tin cậy, luôn luôn hết lòng yêu thương tôi. Làm sao tôi có thể bỏ đi kỉ niệm đầu tiên êm ấm này? Đã bao lần, tôi đã định bỏ tập ảnh nhưng...

Năm năm trước, chúng tôi ly hôn. Stovall hỏi tôi liệu có cách nào khác không vì chuyện đâu có đến nỗi nào, tình yêu của chúng tôi chỉ nhạt đi như bất kỳ đôi lứa nào, rồi sẽ ấm áp lại nhanh thôi mà.

Tôi nhìn sâu vào mắt anh, trả lời: “Em biết điều anh muốn là gì.” Và tôi dọn ra khỏi nhà, mặc cho Stovall ôm đầu đau khổ. Anh vẫn gọi cho tôi thường xuyên trong năm đầu tiên, cố thuyết phục tôi quay trở lại, ngay cả khi biết tôi đã có mối quan hệ mới. Anh thôi làm chuyện vô vọng khi tôi qua lại đến người đàn ông thứ ba. Dù vậy, mỗi khi cần nhau tư vấn về thiết kế mĩ thuật, chúng tôi vẫn ôm điện thoại sôi nổi như không hề có bất kỳ xáo trộn gì trong đời sống tình cảm. Chúng tôi rất hòa hợp với nhau trong nghề nghiệp. À, kỳ thực là trong hầu như tất cả mọi mặt, ngoại trừ việc tôi không thể...

Stovall vừa lấy vợ hồi năm ngoái. Họ kết hôn khi bé Hermes vừa chập chững bước đi. Tôi đã bật khóc như mưa khi biết tin anh yêu Ariana, một người bạn thân thiết của cả hai. Tôi thấy tim mình đau đớn đến không khóc được khi Hermes ra đời, và phải nói là tận cùng của sụp đổ khi nhận được thiệp cưới của hai người họ.

Rất nhanh, tôi chúc mừng Stovall. Anh và Ariana không thể tìm thấy người bạn nào tốt hơn tôi nữa, tôi chứng minh cho cả thế giới thấy mình là một người cũ văn minh. Tôi thậm chí còn tay trong tay với Greg, người tình thứ 6, thứ 7 gì đó, đến dự đám cưới của Stovall và vẽ các họa tiết trên váy cưới giúp Ariana.

Tập ảnh này là thứ duy nhất còn sót lại về cuộc hôn nhân đầu tiên và duy nhất của tôi. Chỉ cần bỏ nó vào trong đống lửa dưới sân chung cư thì tôi có thể thực sự kết thúc cơn đau kéo dài suốt 20 năm của mình rồi.

Nhưng không, không, Stovall và tôi của ngày xưa không có tội tình gì để bị đốt cháy thành than tro như vậy cả. Ký ức đó vẫn có đời sống riêng của nó, như những chiếc lá phong khô đét trên cành kia, tuy khô tàn héo rũ nhưng thượng đế vẫn xót thương gìn giữ chúng bình yên xuyên suốt mùa đông dập dìu mưa tuyết và gió bão. Vào mùa thu, bằng một phép màu nào đó, những chiếc lá sẽ lại xanh tươi, sẽ lại đỏ rực trên cành. Chỉ là không biết những chiếc lá nâu khô cong kia sẽ biến đi đâu và biến đi vào lúc nào mà thôi.

Khi dọn đến nơi ở mới, Boize, tôi tìm mãi không thấy tập ảnh cũ của Stovall, dù đã lục tung tất cả các thùng các-tông và cẩn thận bài trí lại mọi thứ y nguyên như trong căn hộ cũ ở Wyandotte.

Bằng một phép màu nào đó, tập ảnh đã không cánh mà bay. Tôi chắc chắn mình không vì say khướt mà ném nó vào đống lửa ngoài sân. Chỉ nhớ mang máng vào buổi chiều cuối cùng tôi đã ngồi tựa đầu vào cây phong lộng gió rất lâu. Với tập ảnh trong tay.

Điển Tuyết

Đọc bài viết

Sáng tác

Truyện ngắn: Hồi ức (Điển Tuyết)

Published

on

Đôi mắt của Hắc Ám không rõ đang buồn hay đang vui. Bầu trời từ từ sầm tối. Âm nhạc của những buổi chiều muộn nhân lên nỗi niềm trong cô. Những thước phim buồn trong đời chiếu lại trong tâm trí. Cuộc đời nhiều phút bất ngờ quá, và lòng người, như ngàn năm vẫn vậy, là thứ ẩn tiềm nhiều bất trắc.

Một cuộc gọi. Phía đầu dây bên kia là một khách hàng cần sự giúp đỡ.

“Cảm ơn cô! Không có cô tôi không biết làm sao!” Người khách hàng trẻ tuổi nói sau khi xong việc.

Hắc Ám vui nhẹ, tạm quên những đau đớn hằn sâu trong lòng. Tình người của những năm tháng này xa xôi như vậy đó, xa như một ngọn nến leo lét cháy trong đêm mịt mù, chỉ nhoi nhói lên chút hy vọng.

Một cuộc gọi khác. Phía đầu dây bên kia là một người quen cần nói một điều gì đó. Những lời nói như cứa vào lòng Hắc Ám, khiến cô toàn thân run rẩy. Cô bấm nút tắt, chặn và không quên xóa luôn số của người ta.

Danh bạ của cô bây giờ chỉ còn những cuộc gọi của khách hàng và những số điện thoại tiếp thị. Cô đã đến tình trạng bất kỳ lời nói chớm trách hờn, chớm mỉa mai, chớm châm chọc nào cũng làm cho bản thân thấy phẫn uất.

“Sao ngươi ghét người quá vậy?” Ai đó hiện ra trong giấc mơ.

“Ừ! Kệ đi!” Hắc Ám buồn rầu.

Nếu sự im lặng có tác dụng làm cho ai đó đỡ phải ngại ngùng mở lời hoặc đỡ phải ngượng ngùng nhận sai, nó có tác dụng hủy diệt đi tình thương và niềm tin của Hắc Ám – người phải chịu đựng sự im lặng phi lý và đôi khi, cả những lời lẽ không thể tàn nhẫn hơn mà con người đã dành cho nhau.

Điều khủng khiếp nhất chưa dừng lại đó. Hắc Ám của những năm tháng về sau này cũng lấy phương thức tệ hại đó để áp dụng với người khác. Còn tàn nhẫn hơn.

Điển Tuyết

Đọc bài viết

Cafe sáng