Sáng tác

Truyện ngắn: Vịnh Hanalei (Murakami Haruki)

Sachi đã mất đứa con trai 19 tuổi của cô khi thằng bé bị một con cá mập lớn tấn công trong lúc đang lướt sóng ở vịnh Hanalei. Nói đúng hơn, con cá mập không phải tác nhân chính đã giết chết nó.

Published

on

1

Sachi đã mất đứa con trai 19 tuổi của cô khi thằng bé bị một con cá mập lớn tấn công trong lúc đang lướt sóng ở vịnh Hanalei. Nói đúng hơn, con cá mập không phải tác nhân chính đã giết chết nó. Vì đơn độc, lại cách xa bờ, nên khi bị con vật rỉa vào cẳng chân phải, thằng bé đã bị kinh động rồi chết chìm. Do đó chết đuối đã trở thành nguyên nhân chính thức dẫn đến tử vong. Bọn cá mập thực chất chỉ cắn xé rách đôi tấm ván lướt của thằng bé là cùng. Cá mập không thích thịt người. Thường thì chúng chỉ cắn nhát đầu tiên rồi lại thất vọng bỏ đi. Đó là lý do trong rất nhiều trường hợp, có những người chỉ mất một cánh tay hoặc một chân nhưng vẫn sống sót, miễn là anh ta không bị kinh hãi. Tuy nhiên con trai của Sachi phải chịu đựng một cơn trụy tim, còn nuốt vào một lượng lớn nước biển, và chết chìm.

Lúc nhận thông báo từ tổng lãnh sự quán Nhật Bản ở Honolulu, Sachi đã đổ vật xuống sàn vì sốc nặng. Đầu cô trống hoác và không còn suy nghĩ được bất cứ chuyện gì khác. Tất cả những gì cô làm được là ngồi chết trân nhìn trừng trừng vào một điểm trên tường. Bao lâu đã trôi qua rồi, cô cũng không hề biết nữa. Nhưng rồi cuối cùng cô cũng cố lấy lại cảm xúc của mình, đủ để tìm số điện thoại của một hãng hàng không và đặt ngay chuyến bay đến Hawaii. Các nhân viên ở tổng lãnh sự đã giục cô đi càng sớm càng tốt để đến xác minh nạn nhân. Vẫn còn vài cơ hội để biết đâu đó không phải là con trai cô.

Do đó là kỳ nghỉ lễ, nên tất cả ghế ngồi đã được đặt kín hết cho ngày hôm ấy và cả ngày hôm sau nữa. Mọi hãng hàng không cô gọi đến đều thông báo với cô điều tương tự, nhưng khi cô giải thích hoàn cảnh mình, nhân viên phụ trách đăng ký liền nói: “Vậy chỉ cần đến phi trường càng sớm càng tốt, chúng tôi sẽ linh động tìm cho bà một chỗ ngồi.” Cô liền vội xếp vài thứ vào một cái túi nhỏ và đi ra sân bay Narita, ở đó người trưởng ca đã đưa cho cô một vé hạng thương gia. “Đây là tất cả những gì chúng tôi còn vào hôm nay, nhưng mà chúng tôi chỉ tính chị theo giá của hạng phổ thông thôi” bà nói. “Điều này quá khủng khiếp đối với chị. Xin chị hãy cố gắng chịu đựng nhé.” Sachi cảm ơn bà vì sự giúp đỡ.

Khi đặt chân đến phi trường Honolulu, Sachi nhận ra mình đã rất thất vọng vì trót quên thông báo cho lãnh sự quán Nhật Bản thời gian đến. Một thành viên của đội ngũ nhân viên lãnh sự quán được phái đi theo cô đến Kauai. Cô đành quyết định tiếp tục đến Kauai một mình còn hơn là phải đối phó với những biến chứng của việc sắp xếp muộn. Sachi thừa nhận rằng mọi thứ có khi đã xong xuôi cả một khi cô đã có mặt ở đó rồi. Vẫn còn là trước buổi trưa khi chuyến bay thứ hai đưa cô đến phi trường Lihue ở Kauai. Cô thuê một chiếc xe hơi tại quầy Avis và đi thẳng đến đồn cảnh sát gần đó. Ở đó, Sachi nói với họ rằng cô vừa mới đến từ Tokyo, sau khi nhận được tin báo con trai mình đã bị một con cá mập giết chết ở Vịnh Hanalei. Một sĩ quan cảnh sát già với cặp kính lão đưa cô đến nhà xác, giống hệt như một kho lạnh để bảo quản, và chỉ cho cô cơ thể của con trai mình với một chân bị cắn rách. Tất cả mọi thứ từ ngay trên đầu gối phải đã biến mất hoàn toàn, và chỉ có một khúc xương trắng rùng rợn nhô ra từ gốc. Đây là con trai cô – không còn gì nghi ngờ được nữa. Khuôn mặt thằng bé thực sự không còn dấu hiệu cảm xúc gì ; vẫn trông như thường lệ mỗi khi nó ngủ say. Cô làm sao tin nổi rằng thằng bé đã là người chết rồi. Hẳn đã có ai đó đã sắp xếp cho nó ra được những nét đặc trưng như thế này. Nhìn thằng bé cứ như thể chỉ cần lay mạnh vai nó, thì nó sẽ tỉnh dậy và càm ràm như kiểu nó vẫn thường làm vào mỗi buổi sáng.

Ở một căn phòng khác, Sachi đã ký một văn bản xác nhận rằng thi thể là của con trai cô. Viên cảnh sát hỏi cô về những chuyện cô dự tính làm với thi thể thằng bé. “Tôi không biết,” cô nói. “Mọi người thường làm những gì?” Họ thường hỏa táng và lấy tro về nhà nhiều nhất, ông ta nói với cô. Cô cũng có thể vận chuyển thi thể về Nhật Bản, nhưng điều này đòi hỏi một số thỏa thuận khó khăn và sẽ đắt hơn nhiều. Một khả năng khác là cô sẽ được phép chôn cất con trai mình trên đất Kauai.

“Xin hãy hỏa táng con tôi,” cô nói. “Tôi sẽ mang tro về cùng mình về lại Tokyo.” Sau tất cả, con trai của cô đã chết. Chẳng còn hy vọng gì để đưa nó quay về với cuộc sống. Là một nắm tro tàn hay một bộ xương trắng thì cũng có khác gì nhau? Cô ký văn bản cho phép hỏa táng và được nghe phổ biến về lệ phí.

“Tôi chỉ có thẻ tín dụng của American Express thôi,” cô nói. “Được thôi mà thưa bà,” viên cảnh sát đáp. Mình đang ngồi đây, và thanh toán chi phí hỏa táng cho con trai mình bằng thẻ American Express, Sachi nghĩ. Cảm giác quá vô thực với cô, vô thực như việc con trai cô đã bị giết bởi một con cá mập. Lễ hỏa táng sẽ diễn ra vào sáng hôm sau, cảnh sát nói với cô.

 “Tiếng Anh của bà rất tốt, thưa bà,” viên cảnh sát vừa nói vừa đặt các tài liệu theo thứ tự. Ông là một người Mỹ gốc Nhật tên là Sakata.

 “Hồi còn trẻ tôi có sống ở Hoa Kỳ một thời gian,” Sachi nói.

 “Tôi không có gì thắc mắc nữa,” viên cảnh sát đáp. Sau đó ông trao lại cho Sachi những món đồ thuộc về con trai cô: Quần áo, hộ chiếu, vé khứ hồi, ví tiền, máy nghe Walkman, tạp chí, kính mát, dao cạo râu. Tất cả đều được đựng vừa vặn trong một chiếc túi nhỏ hiệu Boston. Sachi phải ký một tờ giấy biên nhận liệt kê danh sách số tài sản ít ỏi này.

“Bà còn cháu nào nữa không?” Viên cảnh sát hỏi.

“Không, thằng bé là con trai duy nhất của tôi,” Sachi trả lời.

 “Chồng của bà không thể đi cùng được ư?”

 “Chồng tôi đã chết cách đây lâu lắm rồi.”

Viên cảnh sát buông ra một tiếng thở dài. “Tôi rất tiếc khi phải nghe điều đó, hãy nói cho chúng tôi biết nếu có điều gì chúng tôi làm được cho bà nhé.”

“Tôi sẽ rất biết ơn, nếu ông có thể cho tôi biết làm cách nào để đến nơi con trai tôi gặp nạn và cả chỗ thằng bé đã lưu lại. Tôi đoán là có một hóa đơn khách sạn cần thanh toán. Và tôi cũng cần phải liên lạc với tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Honolulu, tôi có thể mượn điện thoại của ông được không ạ?”

Ông ta đưa cho cô một tấm bản đồ, dùng bút dạ quang đánh dấu nơi con trai cô lướt ván và cả khách sạn nơi cậu bé nghỉ. Đêm đó cô đã ngủ trong một khách sạn nhỏ ở Lihue mà viên cảnh sát gợi ý.

Khi Sachi rời khỏi đồn cảnh sát, viên cảnh sát luống tuổi Sakata đã nói với cô rằng, “Tôi có cảm tính riêng để xin được đề nghị với bà. Thiên nhiên đã nắm giữ cuộc sống của con người ở ngay lúc này và cả về sau nữa. Ở đây, trên đất Kauai này. Bà có thể thấy hòn đảo này tuyệt đẹp nhưng đôi lúc nó cũng ngập tràn sự hoang dã và chết chóc. Chúng tôi đã sống ở đây với những tiềm năng ấy. Tôi rất tiếc vì sự việc của con trai bà. Tôi cũng có thể cảm nhận được nỗi niềm của bà ra sao. Nhưng tôi mong rằng bà sẽ không vì chuyện đó mà ghét hận hòn đảo của chúng tôi. Điều này nghe có vẻ quá ích kỷ với những gì mà bà đã phải trải qua. Nhưng tôi thật sự mong ý đó, từ tận đáy lòng.”

Sachi gật đầu.

“Bà biết không, thưa bà, anh trai tôi đã hy sinh trong chiến tranh năm 1944. Tại Bỉ, gần chỗ biên giới nước Đức, anh ấy là một thành viên của Đội Chiến dịch 442, và hoàn toàn là tình nguyện viên người Mỹ gốc Nhật. Họ ở đó để giải cứu Tiểu đoàn Texas bị bao vây bởi bọn phát xít khi đánh xáp lá cà, và anh bị giết chết. Chẳng còn gì ngoài tấm thẻ bài quân nhân trơ lại với vài mảnh thịt nằm vung vãi trong tuyết cả. Mẹ tôi thương anh ghê lắm, họ nói với tôi rằng bà đã giống như một con người khác sau chuyện đó. Hồi đó tôi mới là một thằng nhóc thò lò mũi xanh, vì vậy tôi chỉ nhận thức được mẹ tôi sau cơn biến động ấy. Cứ nghĩ tới là lòng lại quặn thắt.”

Viên cảnh sát Sakata lắc lắc đầu và tiếp tục:

“Bất kể là bởi “nguyên nhân cao quý” nào có liên quan, người tử trận cũng chỉ xảy ra từ sự hằn học và thù địch của đôi bên. Nhưng thiên nhiên thì không có “bên” nào cả. Tôi biết đây là một trải nghiệm đau đớn cho bà, nhưng xin bà hãy nghĩ về nó như thế này : Con trai của bà đã quay lại vòng luân hồi của Mẹ Thiên Nhiên, nó không liên quan gì đến “nguyên nhân”, tức giận hay là thù hận cả.”

Sachi làm lễ hỏa táng vào ngày hôm sau và mang tro theo cùng mình bằng một chiếc tiểu nhôm nhỏ khi lái xe đến vịnh Hanalei ở bờ phía bắc của hòn đảo. Chuyến đi xuất phát từ đồn cảnh sát Lihue chỉ mất hơn một giờ. Hầu như mọi cây cối trên đảo đã bị biến dạng bởi một trận bão lớn xảy ra vài năm trước đó. Sachi nhận thấy phần còn lại của những căn nhà gỗ cũng đã bị gió thổi tốc mái. Thậm chí nhiều ngọn núi còn có dấu hiệu biến chuyển từ cơn bão. Thiên nhiên thật quá sức khắc nghiệt trong môi trường này.

Cô tiếp tục đi qua thị trấn nhỏ yên tĩnh Hanalei để đến khu lướt sóng, nơi con trai mình bị cá mập tấn công. Dừng chân ở bãi đậu xe gần đó, cô ngồi xuống bờ biển và xem vài người lướt sóng – có thể là năm – đang cưỡi sóng. Những người kia đi xa khỏi bờ biển, cố leo lên trên ván lướt sóng của mình, cho đến khi có một đợt sóng mạnh mẽ đi qua. Rồi họ sẽ cố bắt lấy sóng, đẩy mạnh và ôm chặt lấy ván lướt, cưỡi sát lại gần bờ. Khi lực của sóng phát ra, đám ấy bèn mất thăng bằng và ngã dúi dụi cả xuống. Sau đó lại cố chụp lại những tấm ván của mình và trượt xuống dưới những con sóng khi đang nhảy ra biển, nơi toàn bộ quá trình ấy sẽ bắt đầu lại lần nữa. Sachi khó mà hiểu nổi đám người này. Những người đó không sợ cá mập à? Hay họ đã không nghe đồn rằng con trai cô đã bị một con cá mập giết chết tại nơi này vài ngày trước đó?

Sachi tiếp tục ngồi đó, thong thả nhìn cảnh này hơn một tiếng đồng hồ. Tâm trí cô không thể nắm bắt được bất kỳ điều gì nữa. Quá khứ nặng nề đã đơn thuần biến mất, và tương lai nằm rải rác đâu đó trong nỗi ảm đạm xa xôi. Ngay cả sự căng thẳng bây giờ cũng chẳng liên quan gì tới cô. Cô đang ngồi trong thứ hiện tại biến đổi liên tục, đôi mắt theo dõi cơ học một cách ngẫu nhiên từng đợt sóng vỗ và cả đám người đang lướt sóng. Có một thời điểm, một ý nghĩ chợt lóe lên trong cô: Điều mình cần nhất bây giờ chính là thời gian.

Sau đó, Sachi đến khách sạn nơi con trai cô trú lại, một nơi rất tồi tàn với mảnh vườn bị bỏ hoang. Có hai gã đàn ông da trắng tóc dài đang cởi trần ngồi trên ghế bạt và uống bia. Vài vỏ chai Rolling Rock xanh rỗng nằm lăn lóc giữa đám cỏ dại dưới chân họ. Một gã tóc vàng, gã kia tóc đen. Mặt khác, cả hai có cùng một kiểu khuôn mặt cùng vóc người thể thao với những hình xăm rối rắm chằng chịt hai cánh tay. Mùi bồ đà thoang thoảng trong không khí, trộn lẫn với cả mùi cứt chó. Khi cô lại gần tiếp cận, hai gã liền nhìn cô nghi ngờ.

“Con trai tôi từng lưu lại đây,” cô nói. “Nó đã bị một con cá mập giết chết ba ngày trước.”

 Hai gã đàn ông nhìn nhau. “Ý bà là Takashi?”

 “Phải,” Sachi nói. “Takashi.”

 “Thằng nhóc ấy là một tên rất được,” gã tóc vàng nói. “Vụ ấy tệ quá.”

Gã tóc đen giải thích bằng chất giọng rúm lại: “Buổi sáng đó vịnh tự dưng đầy rùa, bọn cá mập đi săn lũ rùa, nhưng bà biết đấy, bọn ấy thường hay tách khỏi mấy người lướt ván một mình lắm. Tụi này thì cũng chơi được với bọn chúng thôi. Nhưng tôi không chắc nữa, tôi đoán là bữa đó chắc còn nhiều loại cá mập khác…”

Sachi cho biết cô đến đây để trả hóa đơn khách sạn cho Takashi. Bởi cô đồ rằng vẫn còn một khoản tiền chưa được thanh toán cho căn phòng của thằng bé.

Gã tóc vàng cau mày và vung vẩy cái chai trong không khí. “Không đâu bà cô ạ, bà đếch hiểu gì hết, chỉ có mấy đứa ưa lướt sóng là hay ở lại khách sạn này thôi, và chúng làm chó gì có tiền. Bà phải trả trước để ở lại đây, chứ tụi này không có chuyện “số còn lại chưa thanh toán” gì đâu.

Tiếp, gã tóc đen nói, “Bà nói luôn đi, có phải bà muốn lấy lại tấm ván lướt của Takashi không? Mẹ nó, lũ cá mập đã xẻ nó ra làm hai rồi, xé nát bươm. Nó là một tấm Dick Brewer cũ thôi, bọn cớm cũng cóc buồn mang nó đi.Tôi nghĩ nó, ờ hớ, ở đâu đó quanh đây thôi… “

Sachi lắc đầu. Cô không hề muốn nhìn thấy tấm ván.

“Cứt thật,” gã đàn ông tóc vàng lặp lại như thể đó là biểu hiện duy nhất y có thể nghĩ đến.

 “Thằng nhóc thật sự là một tay rất chất,” gã tóc đen nói. “Ngon lành cành đào. Lướt sóng cũng nghệ nữa. Nghĩ thử coi, nó đã ở cạnh tụi này nguyên đêm trước đó, cùng nhậu Tequila. Má…”

Sachi đã lưu lại Hanalei trong một tuần. Cô thuê căn nhà đẹp nhất mà cô có thể tìm ra được và nấu các bữa ăn đơn giản cho mình. Bằng cách này hay cách khác, cô phải lấy lại được bản thân cũ của mình trước khi trở về Nhật Bản. Cô mua một chiếc ghế bọc vinyl, kính râm, nón và kem chống nắng, và ngồi trên bờ biển mỗi ngày để xem người ta lướt sóng. Mưa rơi nhiều lần mỗi ngày – một cách dữ dội, như thể có ai đó đang đổ một bát nước lớn ra khỏi vòm trời. Thời tiết mùa thu ở bờ phía bắc của đảo Kauai không ổn định. Khi cơn mưa bắt đầu nặng hạt, cô sẽ ngồi ở trong xe, nhìn mưa tuôn xuống. Và đến lúc trời tạnh, cô liền đi ra ngoài ngồi trên bờ cát thêm lần nữa, để ngắm biển.

Sachi bắt đầu ghé thăm Hanalei vào mùa này mỗi năm. Cô sẽ đến từ vài ngày trước ngày giỗ của con trai và ở lại ba tuần, nhìn người ta lướt sóng từ chiếc ghế bọc vinyl đặt trên bãi biển. Đó là tất cả những gì cô  làm mỗi ngày, thường ngày. Nó cứ tiếp diễn như thế trong vòng chục năm. Sẽ ở cùng một ngôi nhà và dùng bữa trong cùng một tiệm ăn, rồi đọc một quyển sách. Khi chuyến đi của cô đã trở thành một khuôn mẫu được thiết lập sẵn, cô có tìm thấy được vài người mình có thể tâm tình chuyện riêng. Nhiều người dân ở thị trấn nhỏ ấy đã quá quen mặt cô. Sachi được biết đến như mẹ của cậu trai trẻ đã chết vì bị cá mập tấn công ở gần đó.

2

Một ngày nọ, trên đường trở lại từ sân bay Lihue, nơi cô đi đổi lại chiếc xe quá khổ lỡ thuê, Sachi đã nhìn thấy hai thanh niên Nhật Bản xin được quá giang ở thị trấn Kapaa. Họ đang đứng bên ngoài nhà hàng gia đình Ono với những chiếc túi thể thao lớn đeo trên vai, đối mặt với những ngón tay cái chìa ra đầy trông đợi. Một người cao lêu nghêu và gầy như cây sậy, người còn lại thấp đậm. Cả hai đều có mái tóc dài ngang vai nhuộm màu đỏ như gỉ sắt, mặc áo thun cộc tay, quần đùi, đi dép quai hậu. Sachi lướt qua họ, nhưng nhanh chóng đổi ý và quay lại.

Hạ cửa sổ xuống, cô hỏi họ bằng tiếng Nhật, “Mấy cậu đi đến đâu đấy?”

“Hê, cô nói tiếng Nhật này!” Cao-kều thốt lên.

“Phải, dĩ nhiên rồi, tôi là người Nhật mà. Các cậu định đi đến đâu?”

“Một nơi gọi là Hanalei,” Cao-kều tiếp tục trả lời.

“Muốn quá giang không? Tôi đang trên đường về có một mình thôi.”

“Dzách lầu! Nãy giờ bọn này chỉ mong có chừng đó!” Thấp-đậm cảm thán.

Chúng đặt túi xách của mình vào cốp xe và bắt đầu leo lên băng ghế sau chiếc Neon Sachi đang lái.

“Chờ chút đã,” cô nói. “Tôi sẽ không để cả hai ngồi cả ở băng sau đâu. Rốt cuộc thì đây đâu phải là xe taxi. Một trong hai cậu phải lên ngồi ở phía trước. Đó là cách cư xử phải phép đấy.”

Cả hai quyết định Cao-kều sẽ ngồi ở phía trước, và thật rụt rè, gã ngồi xuống cạnh Sachi, cố nhét đôi chân dài lòng thòng của mình vào khoảng trống có sẵn. “Xe này thuộc dòng nào vậy?” Gã hỏi.

“Là một chiếc Dodge Neon. Của hãng Chrysler,” Sachi trả lời.

“Hừm, hình như bọn Mẽo có những chiếc xe nhỏ chật chội quá, hử? Con Corolla của bà chị cháu có khi còn rộng rãi hơn này.”

“Phải, nó không hề to nếu tất cả người Mỹ đều lái xe xung quanh một chiếc Cadillac khủng rồi.”

“Vâng, nhưng mà cái xe này thực sự là rất bé mà.”

“Cậu có thể xuống đường luôn tại đây nếu cậu không ưa nó,” Sachi đáp.

“Quào, Ý cháu đâu phải vậy!” Gã nói. “Cháu chỉ hơi ngạc nhiên vì nó nhỏ thế này, vậy thôi à. Cháu cứ tưởng là hầu hết ô-tô Mỹ hẳn phải to lắm.”

“Thôi được rồi, dù sao thì các cậu định đến Hanalei hả?” Sachi hỏi khi cô cho xe chạy dọc đường dài.

“Vâng, để lướt sóng, chỉ duy nhất việc đó thôi.”

“Thế ván lướt của các cậu đâu rồi?”

“Chúng cháu sẽ đến lấy ván ở đó,” Thấp-đậm đáp.

“Đúng đấy cô ạ, thật ê cả người khi phải lê mấy tấm ván theo vòng quanh nước Nhật, trong khi cháu nghe đồn ở đây mình có thể mua hàng second-hand với giá rẻ rề như cho”, Cao-kều chõ mồm vào nói thêm.

“Còn cô thì sao ạ, cô cũng đến đây nghỉ hè hay sao?”

“À há.”

“Một mình thôi á?”

“Một mình,” Sachi nhẹ nhàng đáp.

“Cháu không cho rằng cô đây chính là siêu sao lướt ván trong truyền thuyết phỏng ạ?”

“Đừng có mà nhăng cuội!” Sachi nói, “Dù sao thì, các cậu đã có chỗ nào trú lại ở Hanalei chưa?”

“Chưa ạ, bọn cháu đồ rằng phải vạch ra một kế hoạch tỉ mỉ khi đặt chân tới đó thôi,” Cao-kều lên tiếng.

“Chuẩn đấy, hai đứa chúng cháu nghĩ là chắc đành ngủ luôn ngoài bãi biển nếu phải đến nước đấy mất.” Thấp-đậm tiếp lời. “Với lại, bọn cháu cũng chả có nhiều tiền.”

Sachi lắc đầu: “Buổi tối ở bờ biển phía Bắc thời gian này trời đổ lạnh đủ để mặc được áo len trong nhà, nếu ngủ ở bên ngoài các cậu sẽ bị ốm đấy.”

“Ô thế không phải Hawaii lúc nào cũng là mùa hè à?” Cao-kều thắc mắc.

“Hawaii ở ngay phía Bắc bán cầu, cậu biết rồi đấy. Nó có bốn mùa, mùa hè thì nóng, và mùa đông có thể rất lạnh.”

“Ừm, thế nên bọn mình nên tìm được một mái nhà để trú chân thôi,” Thấp-đậm khoanh tay nói.

“Cô ơi, cô nói đi, liệu cô có thể giúp chúng cháu tìm lấy một mái ấm tình thương để lưu lại không ạ?” Cao-kều hỏi, “Tiếng Anh của bọn cháu như là mít đặc ấy cô ạ.”

“Phải đấy, phải đấy”, Thấp-đậm reo lên. “Chúng cháu nghe đồn là có thể sử dụng tiếng Nhật ở bất cứ nơi nào ở Hawaii, nhưng cho đến giờ vẫn có thấy có ma nào xài đâu.”

“Dĩ nhiên là không rồi!” Sachi đáp, giọng bực bội: “Nơi duy nhất các cậu có thể dùng tiếng Nhật là Oahu, và chỉ là một phần nào đấy của Waikiki thôi. Họ đón tiếp những khách du lịch Nhật Bản muốn mua túi Louis Vuitton và nước hoa Chanel No. 5 nên mới phải mướn nhân viên biết nói tiếng Nhật. Cả Hyatt và Sheraton cũng thế, nhưng ở ngoài các khách sạn người ta chỉ nói độc một thứ tiếng Anh thôi. Ý tôi là thế đấy, cuối cùng thì đây vẫn là nước Mỹ cơ mà. Chả lẽ các cậu đi đến tận xứ Kauai này mà không thủng được điều đó à?”

“Cháu có biết đâu. Mẹ cháu cứ bảo ở Hawaii ai cũng nói tiếng Nhật cả mà.”

Sachi rên rỉ.

“Dù sao đi nữa, chúng cháu có thể trú lại khách sạn rẻ nhất trong thị trấn,” Thấp-đậm nói. “Như cháu đã nói rồi đấy, chúng cháu không có tiền.”

“Những người vừa mới đến không hề muốn lưu lại khách sạn rẻ nhất ở Hanalei đâu,” Sachi cảnh báo chúng. “Có thể nguy hiểm đấy.”

“Sao thế cô?” Cao-kều hỏi.

“Chủ yếu là ma túy,” Sachi trả lời. “Một vài người trong đám lướt ván là thành phần bất hảo. Cần sa thì cũng ô kê thôi, nhưng phải xem chừng “đá”. “

 “Đá? Là cái gì vậy?”

 “Tao cũng chưa nghe về nó bao giờ”, Cao-kều đáp.

 “Hai người không biết gì cả, đúng không? Các cậu sẽ thành những con bồ câu ngon ngọt cho đám kẻ xấu đấy mất thôi. “Đá” là một loại ma túy hạng nặng, và nó nhan nhản khắp mọi nơi trong Hawaii. Tôi không biết chính xác, nhưng nó là một loại tinh thể gây phấn khích vô độ. Nó rẻ và dễ sử dụng, nó cũng khiến cho các cậu cảm thấy bốc lên, nhưng một khi các cậu đã bị mắc kẹt vào đó, thì các cậu cũng dễ đi đời nhà ma ngay.”

“Sợ vãi,” Cao-kều thốt lên.

“Ý cô bảo là cần sa thì ô kê ạ?”, Thấp-đậm hỏi.

“Tôi không biết nó có ô kê thật không, nhưng ít ra nó sẽ không giết cậu. Không giống như thuốc lá. Nó có thể làm rối loạn đầu óc của cậu một chút, nhưng các cậu sẽ không nhận thấy sự khác biệt. “

“Ể, nghe gai cả người!” Thấp-đậm nói.

Bỗng nhiên, Cao-kều quay sang hỏi Sachi, “Cô có phải là một thành viên nằm trong thế hệ boomer không ạ?”

“Ý cậu là…”

“Vâng, là một thành viên của thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh ấy.”

“Tôi chả phải là “thành viên” nằm trong cái tổ chức hay hội nhóm nào sất. Tôi chỉ là tôi thôi. Làm ơn đừng có đặt tôi ngồi chung chiếu với bất cứ hội nhóm nào cả.”

“Đấy! Cô rõ là một boomer còn gì!”, Thấp-đậm reo lên. “Cô lập tức nghiêm trọng hóa mọi thứ ngay tắp lự. Y xì như mẹ cháu ấy!”

“Và cũng đừng có xếp tôi cạnh những danh từ mỹ miều của cậu như là “Mẹ” đi”, Sachi buông ra câu trả lời. “Dù sao đi nữa thì vì lợi ích của chính bản thân, các cậu cũng nên ở lại một chỗ nào đó an toàn của Hanalei. Nhiều vấn đề có thể xảy ra… Đôi khi có thể là giết chóc cũng nên.”

“Ô chính xác thì nó không phải là thiên đường dịu êm như trong tưởng tượng ạ?” Thấp-đậm tò mò.

“Không đâu các ông tướng ạ,” Sachi thừa nhận. “Thời đại của Elvis đã trôi xa lâu lắm rồi.”

“Cháu thì không dám chắc về hầu hết những chuyện này”, Cao-kều góp chuyện, “Nhưng cháu biết Elvis Costello đã là một cụ Khốt già quéo từ đời nảo đời nào rồi.”

Sachi tiếp tục lái xe mà không nói thêm câu nào một lúc lâu sau đó.

Sachi nói với người quản lý ngôi nhà của cô, và người ta đã tìm cho hai cậu trai một căn phòng. Nhờ cô giới thiệu nên cả hai đã giảm được một số tiền đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều hơn mức mà chúng đã dự toán.

“Không được đâu,” Cao-kều nói. “Chúng cháu không có nhiều tiền đến mức ấy.”

“Đúng rồi đấy cô ạ, khéo kế tiếp là sạch bách sành sanh mất,” Thấp-đậm đồng tình.

“Các cậu phải có khoản gì đó để dành trong trường hợp khẩn cấp chứ,” Sachi khăng khăng.

Cao-kều gại gại tai và thú thật, “Thì đúng thế, cháu có thẻ gia đình của Diners Club, nhưng ông bô cháu đã nói cháu hoàn toàn không được sử dụng nó ngoại trừ trường hợp-khẩn-cấp-thực -sự. Ông ấy lo một khi cháu bắt đầu xài nó thì cháu sẽ không ngưng tay được. Nếu cháu sử dụng thẻ cho bất cứ chuyện gì, dù là một vấn đề khẩn, cháu sẽ phải xơi ngay một trận tả tơi hoa lá, tàn tạ mùa đông khi cháu trở về Nhật Bản mất. “

“Đừng có ngu xuẩn thế,” Sachi nói. “Đây là trường hợp khẩn cấp. Nếu cậu còn muốn sống, thì hãy lấy thẻ đó ra ngay bây giờ. Hay là cuối cùng cậu muốn bị đám cảnh sát ném vào nhà giam và “được” một đống dân Hawaii lôi ra làm “bạn gái giải khuây” của họ? Dĩ nhiên, nếu cậu thích chơi loại hình đó thì đó là một câu chuyện khác, nhưng nó thốn lắm à nghen.”

Cao-kều lật đật tìm cái thẻ trong ví và trao nó ngay cho người quản lý. Sachi hỏi tên của một cửa tiệm có thể mua ván lướt sóng giá rẻ đã qua sử dụng. Người quản lý nói thêm với cô, “À và đến khi nào các cô rời khỏi đây, thì họ sẽ mua lại mấy tấm ván từ chỗ các cô đấy.” Hai thằng con trai liền vứt hành lý của chúng vào trong phòng và vội vã phóng luôn đến cửa hàng.

Sachi ngồi trên bãi biển, ngắm biển như thường lệ vào sáng hôm sau, khi hai cậu trai trẻ người Nhật vừa xuất hiện và bắt đầu lướt sóng. Kỹ năng lướt sóng của chúng khá vững, trái ngược với sự bất lực chúng thể hiện trên đất liền. Chúng sẽ nhìn thấy một đợt sóng mạnh mẽ, bám chặt lấy nó, và hướng những tấm ván lướt của mình về phía bờ biển với một sự điều khiển uyển chuyển mà chắc chắn. Chúng giữ chặt ván trong nhiều giờ đồng hồ không hề ngơi nghỉ. Trông cả hai thật sự sống động khi đang cưỡi sóng: đôi mắt của chúng sáng rực lên, tràn đầy tự tin. Không còn chút dấu hiệu của sự nhút nhát của ngày hôm qua. Khi quay về nhà, có lẽ cả hai đã dành cả ngày trên mặt nước, chẳng bao giờ chịu học hành gì cả – giống như đứa con trai đã mất của cô.

3

Sachi bắt đầu chơi piano ở trường trung học – một khởi đầu khá muộn cho một nghệ sĩ dương cầm. Cô chưa bao giờ chạm vào nhạc cụ này trước đây. Cô chỉ bắt đầu nghịch ngợm nó trong phòng nhạc sau mỗi giờ học, và chẳng mấy chốc đã tự mình chơi rất thuần thục. Hóa ra cô có được một độ cảm âm tuyệt đối, và đôi tai vượt xa hơn ngưỡng thông thường rất nhiều. Cô có thể chỉ nghe giai điệu nọ một lần và biến nó thành các mẫu âm trên phím đàn. Cô cũng có thể tìm thấy ngay những hợp âm chính xác cho giai điệu. Chẳng cần đến ai dạy dỗ, cô liền nhanh chóng học thạo lối di chuyển những ngón tay của mình một cách trơn tru. Rõ ràng cô đã nhận được một món quà trời phú bẩm sinh cho môn dương cầm.

Một ngày nọ, vị thầy giáo trẻ dạy âm nhạc đã vô tình nghe thấy cô chơi đàn, thầy cảm thấy rất thích tai, và giúp cô sửa một số lỗi cơ bản về ngón tay. “Em có thể chơi theo cách đó, nhưng em còn có thể tăng tốc nếu em làm như thế này này,” thầy nói, và biểu diễn cho cô xem. Cô tiếp thu nó ngay lập tức. Là một fan hâm mộ vĩ đại của nhạc Jazz, thầy đã hướng dẫn cô bằng những lý thuyết bí ẩn của nhạc Jazz sau giờ học: Sự hình thành và phát triển của các hợp âm, sử dụng bàn đạp, khái niệm ứng tác. Còn cô liền hau háu hấp thu hết mọi thứ. Rồi thầy cho cô mượn các bản thâu-âm mình có: Red Garland, Bill Evans, Wynton Kelly. Cô sẽ lắng nghe họ hết lần này đến lần khác cho đến khi cô có thể sao chép chúng một cách hoàn hảo. Một khi cô đã ám ảnh vì nó, thì nó lại càng trở nên dễ dàng hơn đối với cô. Cô có thể tái tạo lại thanh âm nhạc điệu và chơi trôi chảy liền mạch trực tiếp bằng tay mà không cần phải ghi lại bất cứ thứ gì. “Em thực sự có năng khiếu đấy,” thầy giáo bảo với cô. “Nếu em chịu khổ luyện chăm chỉ hơn nữa, em có thể trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp.”

Nhưng Sachi không tin lắm lời thầy. Tất cả những gì cô có thể làm được là tạo ra những bản sao bắt chước chính xác chứ không phải là âm nhạc của riêng cô. Khi được yêu cầu diễn ngẫu hứng, cô thường không biết mình phải chơi cái gì. Rồi cô sẽ lại bắt đầu ứng tác và kết thúc bằng việc nhái lại một bản solo của người khác. Đọc nhạc là một trong những chướng ngại vật của cô. Những ký hiệu chi tiết trên bảng nhạc lý khiến cô cảm thấy không thở nổi. Với cô, việc chuyển trực tiếp những gì mình nghe được qua phím đàn còn dễ hơn nhiều. Không được rồi, cô thầm nghĩ: Vô phương cho mình để có thể trở thành một dương cầm thủ chuyên nghiệp.

Thay vào đó, cô quyết định theo học nấu ăn sau khi tốt nghiệp trung học. Không phải cô quan tâm gì đến môn này, nhưng cha cô có sở hữu một nhà hàng, và căn bản vì cô cũng chẳng có gì khác đặc biệt hơn muốn làm, nên cô nghĩ mình sẽ tiếp tục nghiệp kinh doanh tiếp nối ông. Cô đã bay đến Chicago để nhập học một trường nấu ăn chuyên nghiệp. Chicago không phải là một thành phố nổi tiếng với những món ăn tinh xảo, nhưng phía gia đình lại có người thân sống ở đó đồng ý bảo trợ cho cô.

Một người bạn cùng lớp ở trường nấu ăn đã giới thiệu cô đến một quán rượu chơi Piano nhỏ ở trung tâm thành phố, và rất nhanh cô đã được nhận chơi ở đó. Lúc đầu, cô chỉ nghĩ đó là công việc bán thời gian để kiếm được một khoản tiêu vặt bỏ túi thôi. Nhưng vì khoản tiền còm giật gấu vá vai chỉ vừa đủ tiêu ở nhà gửi lên, nên cô đã rất sung sướng với khoản thu nhập kiếm thêm được này. Người chủ quán bar rất thưởng thức lối cô có thể chơi bất kỳ giai điệu nào mọi lúc. Một khi cô đã nghe được một ca khúc, cô sẽ không bao giờ quên nó, và thậm chí với một bài hát mà cô chưa bao giờ nghe trước đó, nếu có ai đó ngân nga nó cho cô nghe, cô cũng có thể chơi nó ngay tại chỗ. Không phải thuộc hàng tuyệt sắc giai nhân, nhưng cô có cái duyên thu hút người khác, và sự có mặt của cô bắt đầu đưa nhiều khách hàng hơn đến quán bar. Những món tiền boa mà họ tặng lại cho cô cũng dần dần tăng lên. Cuối cùng cô quyết định ngừng hẳn việc đến trường. Ngồi ở phía trước cây đàn Piano còn dễ chịu và vui thích hơn là phải lọc sạch một miếng thịt lợn còn nguyên tơ máu, xẻ cho bằng được tảng phó-mát cứng như đá, hay chà sạch bã cặn đen xì từ một cái chảo rán nặng trịch.

Bởi thế, khi con trai cô trở thành một đứa trẻ bỏ học trung học để thực sự dành hết thời gian cho việc lướt sóng, Sachi đành phải chấp nhận. Hồi còn trẻ mình cũng làm việc này rồi còn gì. Làm sao mình có thể đổ hết tội trạng lên đầu nó được. Cái này chắc là, con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.

Cô đã chơi trong quán bar suốt một năm rưỡi. Khi tiếng Anh được cải thiện, Sachi xin nghỉ việc với một khoản tiền kha khá, và đã có bồ trai – một tay diễn viên đầy tham vọng người Mỹ gốc Phi. (Sau đó Sachi đã phát hiện ra anh này từng đóng vai phụ trong phần 2 phim Die Hard) Một ngày nọ, một sĩ quan quản lý nhập cư có huy hiệu trên ngực xuất hiện tại quầy bar. Cô lập tức ăn ngay một quả giật gân gây rúng động lớn. Người sĩ quan yêu cầu kiểm tra hộ chiếu của cô và bắt cô ngay tại trận vì lao động bất hợp pháp. Vài ngày sau, cô thấy mình đang ngồi trên một chiếc máy bay cỡ lớn bay về phi trường Narita – với một chiếc vé cô phải trả bằng chính khoản tiền tiết kiệm của cô. Thế là xong, kết thúc luôn cuộc sống ở Mỹ của Sachi.

Quay lại Tokyo, Sachi đêm ngày trăn trở về những khả năng mở ra cho cô suốt quãng đời còn lại của mình, nhưng chơi đàn Piano là cách duy nhất cô có thể nghĩ tới để thực hiện nó. Những cơ hội của cô đã bị giới hạn vì khuyết điểm trong việc viết nhạc, nhưng lại có những nơi mà tài năng chơi-nhạc-qua-tai cô có lại được tán thưởng nhiệt liệt – các phòng khách, hộp đêm và những quán bar Piano nữa. Cô có thể chơi theo bất cứ phong cách nào tùy theo bầu không khí của các nơi này, của mọi kiểu khách hàng, hoặc cả những lời yêu cầu được đưa đến . Sachi có thể là một “tắc kè hoa âm nhạc” chính hiệu, nhưng  bù lại, cô sẽ không bao giờ gặp phải khó khăn khi kiếm cơm.

Cô kết hôn ở tuổi 24, và hai năm sau đó đã cho ra đời một cậu con trai. Chồng cô là một tay chơi guitar Jazz trẻ hơn Sachi một tuổi. Thu nhập của gã hầu như không tồn tại. Gã nghiện ma túy, và là một tên Sở Khanh chính hiệu. Hầu hết mọi thời gian gã đều đi lang chạ bên ngoài, và khi trở về nhà, gã lại lên cơn giở trò vũ phu bạo lực. Tất cả mọi người đều phản đối gay gắt cuộc hôn nhân này, và sau đó toàn bộ số họ đều lên tiếng khuyên lơn Sachi hãy ly hôn phứt ngay tên đàn ông tệ bạc ấy đi. Dù gã không có gì đáng để mê hoặc, nhưng chồng của Sachi sở hữu một tài năng thuần túy, và trong thế giới nhạc Jazz, gã đã hấp dẫn mọi sự chú ý như một ngôi sao sắp vụt sáng chói lọi. Đây có lẽ là điều đã cuốn hút Sachi đến với gã ngay từ  lần đầu tiên. Nhưng cuộc hôn nhân này chỉ sống lắt lẻo được 5 năm. Cuối cùng gã gặp phải một cơn chấn động tim vào một buổi tối trong căn phòng của người đàn bà khác, và lăn ra ngoẻo giữa trạng thái trần truồng không mảnh vải che thân khi cả hai cố lết xác đưa gã đến bệnh viện. Có lẽ là một cơn sốc thuốc quá liều.

Chẳng lâu sau khi người chồng qua đời, Sachi mở một quán bar Piano giữa khu phố Roppongi thời thượng. Cô có một khoản tiền tiết kiệm, và cũng nhận về một món tiền bảo hiểm vốn đã bí mật tách ra khỏi cuộc sống của chồng mình. Cô cố chạy chọt để có được một khoản vay ngân hàng. Một khách hàng ở quán bar Sachi đang chơi vốn đứng đầu chi nhánh nên đã đỡ đần cho cô được vụ này. Cô bèn cho lắp đặt một cây Piano lớn ở đó, và dựng lên một quầy tính tiền theo hình dáng của nhạc cụ. Để điều hành công việc kinh doanh, cô trả lương cao cho một người quản lý kiêm bartender đầy năng lực mà cô quyết định thuê từ một quán bar khác. Cô chơi đàn mỗi đêm, nhận các yêu cầu từ khách hàng và đệm nhạc cho họ mỗi khi họ hát. Một bể cá tròn được đặt trên cây Piano để đựng tiền boa. Các nhạc sĩ xuất hiện tại các câu lạc bộ nhạc Jazz trong khu vực sẽ dừng chân lại lúc này và chơi nhanh một, hai giai điệu ngay sau đó. Quán bar rất sớm đã có khách ruột, và công việc kinh doanh trở nên khởi sắc hơn đối với Sachi. Cô đã có thể trả nợ vay đúng kỳ hạn. Vốn đã chán mớ đời với cuộc sống hôn nhân như rành rẽ sáu câu vọng cổ trước đó, cô không tái hôn, nhưng cô có qua lại với nhiều người bạn trai từ đó đến nay. Hầu hết họ đều đã lập gia đình, điều này càng dễ dàng với cô hơn. Thời gian trôi qua, cậu con trai đã lớn, rồi trở thành một tay lướt sóng, và thông báo với cô thằng bé sẽ tới Hanalei ở Kauai. Cô không mặn mà gì thứ ý tưởng này, nhưng cô đã quá mệt mỏi vì phải cãi nhau với nó và đành miễn cưỡng cho tiền. Những cuộc chiến tranh lạnh kéo dài không phải là chuyên môn của cô. Và thế đấy, trong khi chờ đợi một cơn sóng tốt, thằng con trai cô đã bị tấn công bởi một con cá mập bơi vào vịnh để đuổi theo lũ rùa, và kết thúc cuộc đời ngắn ngủi mười chín năm của nó.

Sachi làm việc cần mẫn hơn bao giờ hết khi con trai qua đời. Cô đã chơi và chơi và chỉ biết chơi nhạc trong năm đầu tiên, hầu như không để trống chút thời gian nào. Và khi mùa thu đã điểm hồi kết thúc, cô liền nghỉ ngơi ba tuần, mua vé hạng thương gia của hãng United Airlines, và đi đến Kauai. Một nghệ sĩ Piano khác đã thay thế Sachi trong lúc cô đi.

4

Thi thoảng Sachi cũng sẽ chơi đàn khi ở Hanalei. Có một nhà hàng sở hữu một cây Piano cỡ nhỏ luôn được một nhạc công Piano nghiệp dư trạc độ ngũ tuần chơi vào những dịp cuối tuần. Ông ta thường sẽ biểu diễn hầu hết những giai điệu vô thưởng vô phạt như khúc “Bali Hai” và “Blue Hawaii”. Ông không có nét gì đặc biệt như một dương cầm thủ, nhưng tính tình ấm áp dịu dàng của ông vẫn được hiển lộ qua cách ông chơi. Sachi luôn tỏ vẻ thân thiện với ông, và ngồi cạnh chơi bồi ông suốt từ đấy đến nay. Cô làm thế chỉ cho vui thôi, nên dĩ nhiên nhà hàng sẽ không trả công cho cô, nhưng chủ tiệm sẽ đãi cô uống rượu và mời cô một đĩa mì ống. Cảm xúc chỉ có thể tuyệt vời hơn khi cô đặt những ngón tay mình lên các phím đàn: Nó khiến cô mở rộng lòng mình ra. Đây không phải là một câu hỏi về tài năng, sự linh hoạt hay bất cứ thứ gì hữu ích khác. Sachi đã mường tượng ra rằng, hẳn thằng bé con trai cô cũng phải cảm thấy giống vậy khi nó đang cưỡi sóng.

Có điều, kỳ thực mà nói, Sachi chưa bao giờ thực sự thích con trai mình. Tất nhiên, là cô yêu thương nó – thằng bé là người quan trọng nhất trên đời này đối với cô – nhưng với tư cách cá nhân, cô thường xuyên phải gặp cả núi rắc rối vì nó, cô nhận ra rằng phải mất một quãng thời gian rất lâu mới có thể chạm vào được. Hẳn cô sẽ không có chút quan hệ gì với thằng bé nếu họ không chia sẻ cùng một huyết thống. Nó luôn tự coi mình là cái rốn của vũ trụ, không bao giờ thèm để ý đến bất cứ điều gì, không bao giờ chịu làm việc đến nơi đến chốn. Cô cũng không bao giờ có thể nói chuyện nghiêm túc với nó về bất cứ điều gì; thằng bé sẽ ngay lập tức bôi ra ngay một đống lời ngụy biện giả dối để tránh phải nói chuyện như vậy. Hầu như nó cũng không chịu học hành lấy một chữ, đồng nghĩa với việc điểm số của nó luôn be bét. Điều duy nhất thằng bé chịu dụng tâm làm chính là lướt sóng, và cũng khó mà nói nổi nó có thể giữ được đam mê ấy bao lâu. Là một cậu trai với gương mặt ưa nhìn, thằng bé không bao giờ thiếu bạn gái, nhưng sau khi nó đã vui vẻ với con người ta chán chê mê mỏi rồi, nó sẽ lập tức đá con bé như thảy đi một món đồ chơi cũ. Có lẽ chính mình mới là người làm hỏng nó, Sachi nghĩ. Chắc vì mình đã cho nó quá nhiều tiền. Đáng lẽ mình phải nghiêm khắc với nó hơn. Nhưng cô lại không có ý tưởng cụ thể về những gì cô phải làm để nghiêm khắc hơn với thằng bé. Công việc đã làm cô bận đến đầu tắt mặt tối, và cô không hề biết gì về đám con trai – tâm lý, hay về cơ thể của chúng.

Một buổi tối, Sachi đang chơi đàn ở nhà hàng đúng lúc hai cậu trai trẻ tìm đến ăn. Đó là ngày thứ sáu kể từ khi chúng đi đến Hanalei. Làn da cả hai hoàn toàn rám nắng, và trông chúng có vẻ rắn rỏi, thuận mắt hơn ở hiện tại.

“Á, cô chơi đàn Piano kìa!” Thấp-đậm reo lên.

“Và cô chơi hay quá – đúng thật là dân chuyên nghiệp có khác,” Cao-kều cũng hùa theo ngay.

“Tôi chỉ chơi cho vui thôi,” cô đáp.

“Cô có biết bài nào của nhóm B’z không?”

“Không nhạc trẻ nhạc trâu Nhật Bản gì đâu nhé, cảm ơn!” Sachi nói. “Nhưng này, chờ một chút, tôi cứ tưởng hai cậu đã bị phá sản rồi chứ nhỉ. Hai cậu vẫn có đủ khả năng để ăn ở một nơi như thế này à?”

“Chắc chắn rồi, cháu có thẻ Diners Card mà lị!” Cao-kều hùng hồn tuyên bố.

“À vâng, chỉ trong trường hợp khẩn cấp…”

“Ôi giồi, cháu chả lo. Ông già nhà cháu nói chuẩn phết đấy. Đã xài nó một lần là thành ra quen tay luôn. “

 “Đúng thế, nên bây giờ cậu có thể dễ thở hơn rồi đấy,” Sachi nói.

“Bọn cháu nghĩ bọn cháu nên chiêu đãi cô bữa tối,” Thấp-đậm nói. “Cảm ơn cô lắm lắm. Cô đã giúp chúng cháu rất nhiều. Với lại ngày mai bọn cháu cũng sẽ về nhà rồi. “

“Ồ Yê,” Cao-kều hô lên. “Còn bây giờ thì sao? Chúng ta gọi rượu nhé. Đây là niềm vinh hạnh của bọn cháu!”

 “Tôi đã ăn tối rồi,” Sachi nói, nhấc ly vang đỏ lên. “Và ly này mừng các cậu trở về nhà. Dù sao thì tôi cũng xin được nhận lời cảm ơn của hai cậu. Tôi đánh giá cao tình cảm lắm. “

Ngay lúc đó, một người đàn ông da trắng cao lớn tiến tới bàn của họ và đứng cạnh Sachi với một ly whisky trong tay. Anh ta khoảng bốn mươi tuổi và có mái tóc ngắn. Cánh tay anh ta nom như những cây cột điện thoại tí hin, và một bên cổ anh có một hình xăm rồng lớn nằm giữa các chữ cái “USMC”. Xét theo màu sắc đã phai mờ của nó, có lẽ hình xăm đã được lên da nhiều năm trước đó.

“Này, thưa quý cô, tôi rất thích cách cô em chơi dương cầm,” anh ta nói.

Sachi liếc mắt lên và đáp, “Cảm ơn.”

“Cô em là người Nhật đấy à?”

“Chắc chắn rồi.”

“Tôi đã từng đến Nhật một lần. Một thời gian dài trước đây rồi. Đóng quân hai năm ở Iwakuni. Lâu lắc lâu lơ từ thuở xa xưa.”

“Vâng, thế ông có biết gì không? Tôi cũng từng ở Chicago một lần suốt hai năm rồi. Cũng lâu lắc lâu lơ từ thuở xa xưa ấy. Chắc điều này sẽ san bằng tỉ số giữa chúng ta nhỉ.”

Người đàn ông suy nghĩ về câu này trong một phút, dường như anh ta cho rằng cô đang nói đùa, và bật cười.

“Chơi bản gì đó cho tôi đi. Một bài nào thật rộn ấy. Cô em có biết bài “Phía bên kia đại dương” của Bobby Darin không? Tôi muốn hát nó.”

“Tôi không có làm việc ở đây, ông biết đấy,” cô nói. “Và ngay bây giờ tôi đang bận trò chuyện với hai cậu bé này. Ông có thấy cái ông gầy gò với kiểu tóc mỏng đang ngồi gần cây đàn Piano kia không? Ông ấy mới là tay chơi dương cầm ở đây. Nhẽ ra ông nên đưa lời yêu cầu của mình cho ông ấy mới phải. Và đừng quên để lại cho ông ta một ít tiền boa.”

Người đàn ông lắc đầu. “Cái miếng bánh xốp hoa hòe hoa sói ấy chả chơi được thứ gì ra hồn ngoài ba thứ thổ tả. Tôi chỉ muốn nghe cô em chơi thôi – một bản gì đó bừng bừng khí thế lên. Xin được gửi tặng cô mười đô nhé.”

 “Có năm trăm đô bà đây cũng chả thèm chơi, nhá.”

“Vậy ra là thế này đấy hử?” Người đàn ông nói.

“Phải, là thế đó,” Sachi đáp gọn.

“Nói thử tôi nghe xem, thế tiếp theo, cô muốn cái gì? Tại sao không phải là đám người Nhật nước cô nên sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ đất nước của họ? Tại sao bọn tôi phải đi kéo lừa của mình đến tận Iwakuni chỉ để giữ bình yên cho các cô?”

“À vì thế nên bà đây phải ngậm mồm vào và thun thút xách váy ra chơi đàn ngay lập tức chứ gì?”

“Chứ còn gì nữa,” người đàn ông trả lời. Anh ta liếc qua chỗ hai đứa con trai. “Và nhìn hai đứa tụi bây xem – một cặp ma cà bông vô công rỗi nghề Nhựt Bủn ăn ngày chỉ biết đến lướt sóng. Mau biến đến Hawaii đi – Vì lẽ quái gì? Hồi còn ở Iraq, bọn tao đã…”

“Để tôi hỏi ông anh đây một câu nhé,” Sachi xen vào. “Một câu tôi cứ băn khoăn mãi kể từ khi ông anh vác xác đến đây.”

“Chắc chắn rồi. Cô em hỏi đi.”

Khẽ vặn cần cổ, Sachi nhìn thẳng vào mặt người đàn ông. “Tôi đây đã thắc mắc suốt cả buổi đấy,” cô nói, “Làm thế nào để người ta có thể trở thành thể loại người như ông đây nhỉ? Là đẻ ra bẩm sinh ông anh đã thế, hay do ăn ở bầy hầy tệ hại như nào để phải trở thành cái dạng này? Ông anh nghĩ sao, hả? “

Người đàn ông ngẩn ngợi một lúc rồi đập mạnh cốc whisky xuống mặt bàn. “Con kia, ông cho mày xem…”

Người chủ nhà hàng đã nghe thấy giọng hét của người đàn ông và nhanh chân chạy đến. Ông ta là một người nhỏ thó, nhưng rất nhanh ông đã chụp lấy được cánh tay vạm vỡ của tay cựu thủy thủ kia và đưa anh ta ra ngoài. Rõ ràng họ là bạn bè với nhau, nên tay cựu thủy thủ không hề biểu lộ sự phản kháng nào ngoài việc cố đẩy ông ta ra một hoặc hai lần gì đó.

Người chủ quay trở lại ngay sau đó và rối rít xin lỗi Sachi. “Cậu ta không phải là một người xấu đâu, nhưng rượu vào khiến cậu ta biến tính. Xin bà đừng lo lắng, tôi sẽ giáo huấn lại cậu ta ngay. Trong lúc đó, hãy để tôi được mời bà món gì đó nhé. Xin bà hãy quên điều vừa xảy ra đi ạ. “

“Được rồi,” Sachi nói. “Tôi quen với kiểu này rồi.”

Thấp-đậm cau mày hỏi Sachi, “Lão ta nói gì thế cô?”

“Phải đấy, tao cũng chả nghe được chữ khỉ gì,” Cao-kều nói, Cao-kều nói, “ngoại trừ ‘Nhật Bản’”

“Thôi được rồi,” Sachi nói. “Đừng bận tâm làm gì. Các cậu đã có đủ thời gian vui vẻ ở Hanalei chưa? Tôi đồ rằng các cậu đã lướt sóng đến sung sướng bay cả não ấy chứ!”

“S-Ư-Ớ-N-G V-Ã-I L-I-N-H H-Ồ-N!” Thấp-đậm phấn khích.

“Chỉ có cực cực cực sướng thôi ạ,” Cao-kều nói. “Nó đã thay đổi cuộc đời cháu. Không giỡn tẹo nào luôn.”

“Tuyệt vời gớm nhỉ” Sachi nói. “Hãy tận hưởng niềm vui tẹt ga trong khi vẫn còn có thể. Người ta sẽ sớm gửi hóa đơn đến cho các cậu nhanh thôi.”

“Chuyện nhỏ,” Cao-kều nói. “Cháu có tấm thẻ hộ mệnh rồi.”

“Thế đấy,” Sachi nói, lắc đầu. “Thật tốt đẹp và dễ dàng quá nhỉ.”

Sau đó Cao-kều chợt lên tiếng, “Cháu muốn hỏi cô một chuyện này, nếu cô không để bụng.”

“Về chuyện gì?”

“Cháu chỉ tự hỏi cô đã bao giờ nhìn thấy một người Nhật cụt một chân đi lướt sóng chưa?”

“Một người Nhật cụt một chân lướt sóng?” Sachi nhìn thẳng vào mặt cậu trai với đôi mắt nheo lại. “Không, tôi chưa bao giờ thấy.”

“Bọn cháu đã nhìn thấy anh ấy hai lần. Anh đứng ở chỗ bờ biển đó cô, còn nhìn chằm chằm vào bọn cháu nữa. Anh ấy có một chiếc ván lướt đỏ hiệu Dick Brewer, và chân anh biến mất từ ​​đây xuống.” Cậu bé cúi người di ngón tay lên một vài phân trên đầu gối. “Giống như nó đã bị cắt vậy. Anh ấy biến mất khi bọn cháu ra khỏi mặt nước. Tự dưng biến mất luôn. Bọn cháu rất muốn nói chuyện với anh ta, thế nên cả hai đứa đã cố gắng đi tìm anh ấy, nhưng không thấy anh ấy ở bất cứ chỗ nào hết. Cháu đoán là anh ấy cũng trạc cỡ độ tuổi của bọn cháu thôi.”

“Chân nào đã biến mất? Chân phải hay chân còn lại? ” Sachi dồn dập hỏi.

Cậu bé Thấp-đậm suy nghĩ một lát và nói, “Cháu chắc rằng đó là chân phải. Đúng không mày?”

“Trăm phần trăm luôn. Chính xác là chân phải”, Cao-kều nói.

“Hừm…,” Sachi nói và thấm ướt môi mình bằng một ngụm rượu. Cô có thể nghe tiếng tim đập thình thịch, khô khốc trong lồng ngực. “Các cậu chắc chắn cậu ta là người Nhật? Chứ không phải là người Mỹ gốc Nhật chứ?”

“Không hề,” cậu bé Cao-kều nói. “Cô có thể thấy sự khác biệt ngay lập tức luôn. Không, anh chàng này là một người lướt sóng đến từ Nhật Bản. Giống như bọn cháu.”

Sachi cắn môi dưới, và nhìn chằm chằm vào họ trong một lúc. Sau đó, với chất giọng sượng cứng, cô bảo với họ: “Dù sao thì cũng lạ lùng thật nhỉ. Đây là một thị trấn nhỏ, mình cũng không thể bỏ lỡ việc nhìn thấy một người nào đó như thế ngay cả khi cố ý: Một người Nhật lướt sóng cụt một chân.”

“Vâng,” Thấp-đậm tiếp lời. “Cháu thừa biết điều đó thật quái dị mà. Một gã như thế ắt hẳn sẽ nổi bần bật hẳn ra như một ngón cái bị sưng ấy. Nhưng anh ấy có ở đó, cháu dám chắc chắn điều đó. Cả hai bọn cháu đều trông thấy anh ấy mà.”

Cậu trai Cao-kều nhìn Sachi và nói, “Cô vẫn luôn ngồi bên bờ biển, phỏng ạ? Anh ta thường đứng đó trên một chân, cách xa nơi cô vẫn thường ngồi. Và anh ấy nhìn thẳng vào bọn cháu, giống như để người tựa vào thân cây. Anh thường đứng ngay dưới lùm cây bằng sắt ở phía bên kia chiếc bàn ăn dã ngoại ngoài trời ấy.”

Sachi lặng lẽ nuốt cốc rượu của cô.

Thấp-đậm nói tiếp: “Cháu cũng tự thắc mắc liệu bọn cháu có thể đứng vững trên ván lướt của mình bằng một chân không? Nó đủ cứng với cả hai người. “

Mỗi ngày sau đó, từ sáng sớm đến tối mịt, Sachi đều đi dọc theo chiều dài của bờ biển trải dài khắp Hanalei, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy dấu vết nào của một người lướt sóng cụt một chân. Cô hỏi hết những người lướt sóng địa phương, “Các bạn có bao giờ nhìn thấy một người lướt sóng cụt một chân người Nhật chưa?” Nhưng tất cả bọn họ đều nhìn cô lạ lẫm và lắc đầu nguầy nguậy. Một tay lướt sóng cụt một chân người Nhật ư? Bọn này chưa bao giờ thấy ai trông như vậy. Nếu có, bọn tôi chắc chắn sẽ nhớ ngay. Người như thế quá sức nổi bật. Nhưng làm thế nào mà có thể lướt sóng với một chân cơ chứ?

Vào đêm trước khi trở về Nhật Bản, Sachi đã đóng gói hành lý xong và nằm lên giường. Giữa tiếng kêu của lũ tắc kè hòa lẫn với tiếng lướt sóng. Chẳng bao lâu, cô nhận ra rằng gối mình đã ướt đẫm: cô đang khóc. Tại sao mình không thể nhìn thấy được thằng bé? cô băn khoăn. Tại sao nó lại hiện ra với hai đứa trẻ lướt sóng đó – những người dưng khác máu tanh lòng với nó – mà lại không phải với mình? Thật không công bằng! Cô tự hình dung lại hình ảnh thi thể của con trai mình trong nhà xác. Giá như có thể, chắc cô sẽ lắc mạnh vai thằng bé cho đến khi nó tỉnh dậy, và cô sẽ hét vào mặt nó -Nói cho mẹ biết tại sao! Sao mày có thể làm như thế với mẹ?

Sachi vùi mặt vào chiếc gối ướt đẫm của mình một lúc lâu, nức nở nghẹn ngào. Hay chỉ là do mình không có đủ khả năng nhìn thấy nó? Cô vẫn tự hỏi, nhưng lại không biết câu trả lời cho câu hỏi của cô. Tất cả những gì cô biết chắc là vậy, bất cứ điều gì cô có thể làm, là cô phải chấp nhận hòn đảo này. Như viên cảnh sát Nhật Bản với giọng nói hiền từ đã gợi ý cho cô, cô phải chấp nhận mọi thứ trên hòn đảo này như nó vốn thế. Như nó vốn vẫn vậy: Công bằng hoặc không công bằng, đủ khả năng hay không đủ khả năng, điều đó không còn quan trọng nữa. Sachi tỉnh dậy vào sáng hôm sau với tư cách là một người phụ nữ trung niên khỏe khoắn. Cô đặt vali vào ghế sau của chiếc Dodge và rời khỏi Vịnh Hanalei.

5

Sachi đã quay về Nhật Bản được tám tháng khi cô gặp lại cậu bé Thấp-đậm giữa Tokyo. Để tránh cơn mưa tầm tã, cô bèn tạt vào uống cà phê ở quán Starbucks gần nhà ga tàu điện ngầm Roppongi. Thấp-đậm đang ngồi ở một cái bàn gần đó. Cậu ta ăn vận rất bảnh, khoác lên mình chiếc áo sơ-mi hiệu Ralph Lauren được là thẳng thớm và mặc quần tây mới coóng, ngồi bên cạnh cậu còn có một cô nàng nhỏ nhắn xinh xinh.

“Trùng hợp quá kìa!” Cậu ta kêu lên khi tiến đến chỗ bàn cô với một nụ cười toe toét.

“Bấy lâu nay cậu khỏe chứ?” Cô hỏi. “Nhìn mái tóc ngắn gọn gàng của cậu kìa!”

“À, cháu vừa mới tốt nghiệp đại học đấy ạ,” cậu ta đáp.

“Tôi không tin đâu! Cậu ấy hả?”

“À há. Ít ra là cháu đã cố gắng tự kiểm soát bản thân ghê lắm đấy “, cậu ta nói, kéo ghế ra ngồi đối diện với cô.

“Cậu đã bỏ lướt sóng chưa?”

“Vài cuối tuần cháu lại đi một lần, nhưng cũng không được lâu nữa đâu: đang đến mùa tuyển dụng rồi.”

“Còn cái cậu nhóc ốm nhom cao như cây sậy kia thì sao?”

“Ồi, nó còn dễ hơn cháu. Thằng đấy thì chả phải lo gì về công ăn việc làm cả. Ông bô của nó có một cửa hàng bánh ngọt kiểu Tây hoành tráng ở Akasaka, nhà nó còn hứa hẹn là họ sẽ mua cho nó một con BMW nếu nó chịu kế thừa công việc kinh doanh của gia đình. Thằng đấy số đỏ lắm!”

Sachi liếc nhìn ra ngoài. Những cơn mưa rào mùa hạ lướt qua đã thấm đen mọi con đường. Giao thông trở nên tắc nghẽn, và một tay lái xe taxi thiếu kiên nhẫn bắt đầu nhấn còi inh ỏi.

“Cô bé kia là bồ của cậu hử?” Sachi hỏi.

“À há … cháu cũng cho là thế. Thực ra bọn cháu đang thử tìm hiểu nhau, “cậu ta nói, gãi gãi đầu.

“Cô bé rất xinh. Quá thừa dễ thương đối với cậu đấy. Nhưng có thể cô nàng sẽ không cho cậu những gì cậu muốn đâu. “

Mắt cậu ta ngước lên trần nhà. “Quào! Cháu thấy cô vẫn luôn nói chính xác những gì cô suy nghĩ. Cô nói đúng rồi đấy. Cô có lời khuyên nào hay ho dành cho cháu không? Để cầu được ước thấy ấy, ý cháu là…”

“Chỉ có ba cách để có thể hòa hợp với một cô gái: Một, ngậm miệng vào và luôn lắng nghe những gì cô nàng nói; Hai, hãy khen cô nàng là cậu thích mê những gì cô ta diện lên người; và Ba, đối xử với cô ấy như những món cao lương mỹ vị. Dễ dàng quá, hửm? Còn nếu cậu đã làm tất cả điều đó mà vẫn không nhận được kết quả mong muốn, thì tốt hơn hết là bỏ cuộc đi. “

“Nghe tuyệt hay cô ạ: Đơn giản và thiết thực. Cô có bận tâm không nếu cháu chép lại nó trong sổ tay của cháu?”

“Tất nhiên là không rồi. Nhưng ý cậu nói là cậu không thể nhớ được nhiều à? “

“Hê, cháu giống như một con gà vậy: Đến ba bước tiến hành, và tâm trí của cháu như một khoảng trống ấy. Thế nên cháu phải viết hết mọi thứ vào. Cháu nghe đồn ông Einstein đã từng làm như vậy. “

“Ồ, hẳn là Einstein mới chịu.”

“Cháu không bận tâm nếu lỡ có quên mất đâu,” cậu ta nói. “Cháu vẫn thường quên sạch sành sanh những thứ cháu không thích mà.”

“Cứ làm theo ý cậu đi,” Sachi nói.

Thấp-đậm rút cuốn sổ tay của mình ra và viết vào đó những gì cô đã nói.

“Cô vẫn luôn cho cháu những lời khuyên bổ ích. Đa tạ cô thêm lần nữa ạ. “

“Tôi chỉ hy vọng nó sẽ hữu dụng thật.”

“Cháu sẽ áp dụng nó bằng tất cả sức trẻ trai lai láng của mình luôn,” cậu ta nói, và đứng lên để trở lại bàn của mình. Sau một vài giây suy nghĩ, cậu chìa tay ra. “Cô cũng thế, cô nhé,” cậu nói. “Hãy cố gắng bằng hết sức mình.”

Sachi nắm lấy tay cậu. “Tôi rất mừng vì bọn cá mập đã không ăn thịt cậu khi ở Vịnh Hanalei,” cô cười nói.

“Ý cô là có cá mập ở đó á? Cô nghiêm túc chứ ạ?”

“À há” cô đáp. “Nghiêm túc.”

Sachi ngồi bên bàn phím vào mỗi đêm, gần như tự động lướt những ngón tay của mình và không nghĩ gì khác. Chỉ có âm thanh của phím dương cầm trôi qua tâm trí cô – vào trong cánh cửa này và đi qua mặt cửa phía bên kia. Khi cô không chơi đàn, cô thường nghĩ về ba tuần lễ mình sẽ ở Hanalei vào cuối thu. Cô nghĩ về âm thanh của những đợt sóng đến và tiếng thở dài từ những bụi cây sắt. Về những đám mây trôi theo từng cơn gió mậu dịch, về những con hải âu bay ngang qua bầu trời, sải rộng những đôi cánh khổng lồ trên lưng. Và cô lại nghĩ về những điều chắc chắn phải chờ đợi cô ở đó. Đó là tất cả những gì cô có thể nghĩ đến lúc này. Vịnh Hanalei.

Hết.

(*) Baby boom:  Những người sinh ra vào Thời kì bùng nổ trẻ sơ sinh được gọi là Baby Boomer. Một người được gọi là Baby Boomer khi người đó sinh vào khoảng thời gian từ năm 1946 – 1964 ở Anh, Mỹ, Canada và Australia. Sau Chiến tranh thế giới thứ II, những nước này chứng kiến sự gia tăng đội ngột trong tỉ lệ sinh đẻ, vì vậy hiện tượng này được đặt tên là Thời kì bùng nổ trẻ sơ sinh. Có khoảng 76 triệu trẻ con Mỹ sinh ra trong thời kì 1945 – 1964. Vào năm 2007, thuật ngữ này dùng để chỉ những người có độ tuổi từ 43-62. Những người sinh ra ở thời kì Baby Boom chiếm gần 28% dân số Mỹ. Thuật ngữ Thế Hệ Sandwich đã được đưa ra vào những năm 1980 để chỉ những người thuộc thế hệ Baby Boom phải chăm sóc cả con cái lẫn bố mẹ của mình.

(**) B’Z:  (ビーズ Bīzu) cách phát âm khác Beez là một nhóm hard Rock chỉ hai thành viên của Nhật được thành lập bởi Tak Matsumoto (松本孝弘 Matsumoto Takahiro, sáng tác, guitar) và Koshi Inaba (稲葉 浩志 Inaba Kōshi, lời bài hát, giọng ca chính). Nhiệt liệt đề cử bài “Callin’ (nhạc phim “Mặt nạ thủy tinh”) cho các bạn nghe.

Truyện ngắn Vịnh Hanalei (Hanarei Bei) được in lần đầu tiên trong tuyển tập truyện ngắn Cây liễu mù và cô gái ngủ (Mekurayanagi to, nemuru onna) xuất bản năm 1991. Sau đó được chọn vào tập truyện ngắn Hợp tuyển bí ẩn Tokyo (Tokyo Kitanshu) phát hành năm 2005.

Nguyễn Thảo Trang
dịch từ bản tiếng Anh của Jay Rubin

Click to comment

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Sáng tác

Thơ: Lau nước mắt và lại đi… (Lavender So Blue)

Published

on

Em có biết không?
Tự do từ đâu mà có
Câu chuyện từ đâu mà được kể
Những bài báo vui buồn từ đâu mà viết ra
Em có biết không?
Niềm tin từ đâu mà có
Mảnh đất này còn bao sự diệu kỳ
Đâu phải chỉ có những xót xa
Lấy trời làm nhà
Đất làm chăn ấm
Gió gội mái đầu xanh và biển bạc tắm ướt đẫm da vàng
Chốn thị phi
Người cô độc than khóc
Kẻ lỡ làng đi tìm tri kỷ
Còn ta chỉ là người hay khóc
Lau nước mắt và lại đi…

Lavender So Blue

Đọc bài viết

Sáng tác

Truyện ngắn: Những chiếc lá zombie (Điển Tuyết)

Published

on

Tôi quyết định đổi nơi làm việc, dù Wyandotte là một nơi chốn vô cùng bình yên suốt 5 năm qua. Tôi không định nói lời chia tay đồng nghiệp. Bọn họ quá bận rộn để đọc và hồi đáp một email chia tay giữa mùa Covid. Ai cần tôi thì họ sẽ vẫn liên lạc thôi.

Trong căn hộ này, mỗi một inch đều chất chứa nhiều kỉ niệm, kỉ niệm của tôi những năm tháng hậu chia tay Stovall. Lúc này là vào cuối đông, nhưng cây phong ngoài cửa sổ vẫn còn nguyên những chiếc lá khô cong như hồi cuối thu. Gió vùng này thổi rất mạnh, nhưng lạ lùng làm sao, những chiếc lá phong khô héo, chết lâu ngày kia vẫn không chịu lìa cành. Cứ như thể chúng vẫn đang sống, sống đời zombie của giống loài thực vật. Màu nâu, màu nâu cong, là màu mới của sự sinh tồn chăng?

Căn hộ của tôi chất đầy thùng các tông để mở. Thật khó quyết định những gì cần mang theo đến nơi ở mới. Mất cả tuần liền, tôi chỉ ngồi phân loại mọi thứ ra thành hai loại: cần và rất cần. Thật, có thứ gì trong căn hộ này mà tôi không cần đâu?

Soạn mãi soạn mãi, rồi không rõ thế nào mà tôi vớ phải tập ảnh Stovall chụp khi chúng tôi còn chung sống. Mới chừng hai chục năm trước đây thôi. Có một tấm tôi mỉm cười với khuôn miệng rộng, gương mặt rạng rỡ, phía sau là vườn mai vàng lộng lẫy. Lúc đó, chúng tôi vừa cưới xong, đang bắt tay vào trang trí căn nhà đầu tiên của cả hai. Stovall chụp lại mọi thứ trong nhà, kể cả những vật dụng bình thường nhất, chẳng hạn như chiếc bàn chải đánh răng bằng gỗ tre của tôi. Cảm giác hạnh phúc chầm chậm dâng lên trong tôi, Stovall luôn luôn đáng tin cậy, luôn luôn hết lòng yêu thương tôi. Làm sao tôi có thể bỏ đi kỉ niệm đầu tiên êm ấm này? Đã bao lần, tôi đã định bỏ tập ảnh nhưng...

Năm năm trước, chúng tôi ly hôn. Stovall hỏi tôi liệu có cách nào khác không vì chuyện đâu có đến nỗi nào, tình yêu của chúng tôi chỉ nhạt đi như bất kỳ đôi lứa nào, rồi sẽ ấm áp lại nhanh thôi mà.

Tôi nhìn sâu vào mắt anh, trả lời: “Em biết điều anh muốn là gì.” Và tôi dọn ra khỏi nhà, mặc cho Stovall ôm đầu đau khổ. Anh vẫn gọi cho tôi thường xuyên trong năm đầu tiên, cố thuyết phục tôi quay trở lại, ngay cả khi biết tôi đã có mối quan hệ mới. Anh thôi làm chuyện vô vọng khi tôi qua lại đến người đàn ông thứ ba. Dù vậy, mỗi khi cần nhau tư vấn về thiết kế mĩ thuật, chúng tôi vẫn ôm điện thoại sôi nổi như không hề có bất kỳ xáo trộn gì trong đời sống tình cảm. Chúng tôi rất hòa hợp với nhau trong nghề nghiệp. À, kỳ thực là trong hầu như tất cả mọi mặt, ngoại trừ việc tôi không thể...

Stovall vừa lấy vợ hồi năm ngoái. Họ kết hôn khi bé Hermes vừa chập chững bước đi. Tôi đã bật khóc như mưa khi biết tin anh yêu Ariana, một người bạn thân thiết của cả hai. Tôi thấy tim mình đau đớn đến không khóc được khi Hermes ra đời, và phải nói là tận cùng của sụp đổ khi nhận được thiệp cưới của hai người họ.

Rất nhanh, tôi chúc mừng Stovall. Anh và Ariana không thể tìm thấy người bạn nào tốt hơn tôi nữa, tôi chứng minh cho cả thế giới thấy mình là một người cũ văn minh. Tôi thậm chí còn tay trong tay với Greg, người tình thứ 6, thứ 7 gì đó, đến dự đám cưới của Stovall và vẽ các họa tiết trên váy cưới giúp Ariana.

Tập ảnh này là thứ duy nhất còn sót lại về cuộc hôn nhân đầu tiên và duy nhất của tôi. Chỉ cần bỏ nó vào trong đống lửa dưới sân chung cư thì tôi có thể thực sự kết thúc cơn đau kéo dài suốt 20 năm của mình rồi.

Nhưng không, không, Stovall và tôi của ngày xưa không có tội tình gì để bị đốt cháy thành than tro như vậy cả. Ký ức đó vẫn có đời sống riêng của nó, như những chiếc lá phong khô đét trên cành kia, tuy khô tàn héo rũ nhưng thượng đế vẫn xót thương gìn giữ chúng bình yên xuyên suốt mùa đông dập dìu mưa tuyết và gió bão. Vào mùa thu, bằng một phép màu nào đó, những chiếc lá sẽ lại xanh tươi, sẽ lại đỏ rực trên cành. Chỉ là không biết những chiếc lá nâu khô cong kia sẽ biến đi đâu và biến đi vào lúc nào mà thôi.

Khi dọn đến nơi ở mới, Boize, tôi tìm mãi không thấy tập ảnh cũ của Stovall, dù đã lục tung tất cả các thùng các-tông và cẩn thận bài trí lại mọi thứ y nguyên như trong căn hộ cũ ở Wyandotte.

Bằng một phép màu nào đó, tập ảnh đã không cánh mà bay. Tôi chắc chắn mình không vì say khướt mà ném nó vào đống lửa ngoài sân. Chỉ nhớ mang máng vào buổi chiều cuối cùng tôi đã ngồi tựa đầu vào cây phong lộng gió rất lâu. Với tập ảnh trong tay.

Điển Tuyết

Đọc bài viết

Sáng tác

Truyện ngắn: Hồi ức (Điển Tuyết)

Published

on

Đôi mắt của Hắc Ám không rõ đang buồn hay đang vui. Bầu trời từ từ sầm tối. Âm nhạc của những buổi chiều muộn nhân lên nỗi niềm trong cô. Những thước phim buồn trong đời chiếu lại trong tâm trí. Cuộc đời nhiều phút bất ngờ quá, và lòng người, như ngàn năm vẫn vậy, là thứ ẩn tiềm nhiều bất trắc.

Một cuộc gọi. Phía đầu dây bên kia là một khách hàng cần sự giúp đỡ.

“Cảm ơn cô! Không có cô tôi không biết làm sao!” Người khách hàng trẻ tuổi nói sau khi xong việc.

Hắc Ám vui nhẹ, tạm quên những đau đớn hằn sâu trong lòng. Tình người của những năm tháng này xa xôi như vậy đó, xa như một ngọn nến leo lét cháy trong đêm mịt mù, chỉ nhoi nhói lên chút hy vọng.

Một cuộc gọi khác. Phía đầu dây bên kia là một người quen cần nói một điều gì đó. Những lời nói như cứa vào lòng Hắc Ám, khiến cô toàn thân run rẩy. Cô bấm nút tắt, chặn và không quên xóa luôn số của người ta.

Danh bạ của cô bây giờ chỉ còn những cuộc gọi của khách hàng và những số điện thoại tiếp thị. Cô đã đến tình trạng bất kỳ lời nói chớm trách hờn, chớm mỉa mai, chớm châm chọc nào cũng làm cho bản thân thấy phẫn uất.

“Sao ngươi ghét người quá vậy?” Ai đó hiện ra trong giấc mơ.

“Ừ! Kệ đi!” Hắc Ám buồn rầu.

Nếu sự im lặng có tác dụng làm cho ai đó đỡ phải ngại ngùng mở lời hoặc đỡ phải ngượng ngùng nhận sai, nó có tác dụng hủy diệt đi tình thương và niềm tin của Hắc Ám – người phải chịu đựng sự im lặng phi lý và đôi khi, cả những lời lẽ không thể tàn nhẫn hơn mà con người đã dành cho nhau.

Điều khủng khiếp nhất chưa dừng lại đó. Hắc Ám của những năm tháng về sau này cũng lấy phương thức tệ hại đó để áp dụng với người khác. Còn tàn nhẫn hơn.

Điển Tuyết

Đọc bài viết

Cafe sáng