Trà chiều

Ngôn tình & Đam mỹ: Khi độc giả trở thành dịch giả

Văn học mạng: thực sự có giá trị hay chỉ là trào lưu?

Published

on

Khoảng nhiều năm trở lại đây, dòng sách văn học lãng mạn mới của Trung Quốc xuất hiện nhiều trên kệ sách dành cho giới trẻ Việt Nam, mang tên văn học ngôn tình và đam mỹ. Hàng loạt đầu sách viết về tình yêu cùng những diễn biến tâm lý phức tạp khi đối mặt với tình yêu và cuộc sống hiện đại của thanh thiếu niên được xuất bản rầm rộ. Ít ai biết rằng nguồn gốc dẫn đến cơn sốt xuất bản này đến từ văn học mạng – nơi hàng nghìn bạn trẻ tự edit (tạm dịch là biên tập) tác phẩm nguyên bản tiếng Trung sang tiếng Việt dù không biết một chữ tiếng Trung nào, với mong muốn chia sẻ niềm đam mê đọc sách của mình đến với mọi người.

Thiếu sách đọc, độc giả tự làm dịch giả

Ngôn tình là sách viết về tình yêu giữa nam và nữ, đam mỹ viết về tình yêu giữa nam và nam. Một editor (người biên tập) biệt danh Nguyệt Cầm cho biết: “Ban đầu mình cũng chỉ là độc giả thôi, mình tìm đọc các tác phẩm ngôn tình và đam mỹ có sẵn trên mạng, cảm thấy rất thích thú và phù hợp với cảm xúc của bản thân. Sau đó mình tìm hiểu và phát hiện ra có nhiều bộ truyện hay mà chưa có ai edit sang tiếng Việt nên mình rất muốn làm. Mục đích chỉ là muốn chia sẻ câu chuyện hay ấy đến với nhiều người.” Từ đó, bạn bắt đầu các bước tìm hiểu trở thành một editor. Công việc edit một tác phẩm ngôn tình, đam mỹ Trung Quốc sang tiếng Việt là một quá trình đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn, vì hầu như các editor đều không biết tiếng Trung. Cũng vì lí do này mà các bạn tự gọi mình là người biên tập chứ không phải dịch giả.

Một editor trước hết phải tìm được bản thảo gốc bằng tiếng Trung của cuốn truyện mình muốn biên tập. Sau đó phải cài phần mềm Quick Translator – một phần mềm dịch từ tiếng Trung sang tiếng Việt vào máy, và thả bản thảo gốc vào phần mềm này để cho ra một văn bản tiếng Việt. Tuy nhiên văn bản dịch thô này có câu cú, ngữ pháp và ngôn từ rất lộn xộn. Lúc này người biên tập mới thực sự làm việc của mình là sắp xếp lại câu chữ của tác phẩm sao cho đúng nhất, thuần Việt nhất và chứa đựng rõ nét nhất văn phong của tác giả. Có một số trang web chứa nguồn bản thảo đã được Quick Translator dịch sẵn như tangthuvien.net, vnsharing.net v.v… editor chỉ việc vào đây lấy truyện về biên tập. “Trung bình khoảng vài ngày biên tập sẽ hoàn thành một chương truyện, còn tùy vào chương truyện ngắn hay dài và người biên tập chăm chỉ hay không nữa kia,” một editor khác tên Hạnh Như cho biết. Khi được hỏi động lực nào giúp các bạn chăm chú biên tập phi lợi nhuận như vậy, cả hai bạn đều cho biết hoàn toàn vì tình cảm yêu mến đơn thuần dành cho văn học mạng. Ngoài ra, yếu tố thiếu nhạy cảm của các nhà xuất bản khi không bắt kịp dòng chảy của văn học các nước cũng là một lí do khiến các bạn trẻ “tự mình dịch lấy” sách hay để đọc. Đây hoàn toàn là việc dấn thân vào một thế giới “văn học edit” mới vì dù không biết một chữ tiếng Trung nào, độc giả cũng có thể trở thành dịch giả.

Văn học edit phát triển mạnh mẽ với hàng nghìn editor đã đánh động cho các nhà xuất bản Việt Nam, và đó là lí do khiến hàng trăm đầu sách ngôn tình, đam mỹ xuất hiện ồ ạt trên kệ sách như Anh có thích nước Mỹ không?, Hẹn đẹp như mơ, Này những phong hoa tuyết nguyệt v.v… Đây là nguồn tìm kiếm sách hay mà các nhà xuất bản ngôn tình, đam mỹ thường “tham khảo và thử phản ứng của độc giả trước khi quyết định mua bản quyền về dịch lại, xuất bản ra thị trường,” đại diện Công ty Cổ phần Sách Bách Việt cho biết. Nói cách khác, văn học mạng đã dẫn đường cho ngôn tình, đam mỹ bước vào xuất bản nước ta.

Văn học mạng: thực sự có giá trị hay chỉ là trào lưu?

Các editor và các độc giả đều tự nhận định rằng ngôn tình và đam mỹ chỉ mang tính chất giải trí. Chúng là những câu chuyện nhẹ nhàng với văn phong giản dị, đôi khi hơi mơ mộng nhưng cũng chứa đựng nhiều bài học sâu sắc về cuộc đời, lại dễ khiến người đọc đồng cảm và giúp họ phần nào giải tỏa được cảm xúc của bản thân. Vì giá trị đó, một lợi ích không thể chối cãi của phong trào này là thúc đẩy lòng ham mê đọc sách trong giới trẻ và giúp nền văn học mạng phát triển. Nền văn học nước ta nhìn chung buồn tẻ vì người trẻ không hề đọc sách, thay vào đó họ đi cafe, xem phim, lướt web mua sắm… Việc những câu chuyện hay, giản dị, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người đến với nhiều độc giả sẽ khơi gợi ở họ hứng thú với sách và năng động hơn là biên tập sách.

Không chỉ vậy, nó còn giúp cho không ít người trẻ bắt đầu mày mò việc tự sáng tác truyện. Lê Thị Phượng Nhung, admin một diễn đàn có hoạt động tự sáng tác truyện sôi nổi cho biết: “Mình bắt đầu có hứng thú viết truyện từ sau khi đọc ngôn tình. Sau những lúc làm việc mệt mỏi, đối mặt với xã hội hiện thực thì ngôn tình nhẹ nhàng giúp mình thư thả hơn nhiều, có thêm niềm tin rằng vẫn còn có người tốt đang chờ đợi mình phía trước.” Cô cho biết việc yêu thích tiểu thuyết ngôn tình, đam mỹ… đã giúp mình có kiên nhẫn hơn trong việc sáng tác truyện dài: cứ mỗi ngày sau giờ làm, cô đều viết và mất khoảng một tuần cho một chương truyện chừng 10 trang A4. Đến nay, Nhung đã hoàn thành hơn 20 chương truyện. Quỳnh Vy, sinh viên năm cuối trường Đại học Mở – một tác giả được nhiều bạn trẻ yêu thích lại cho rằng điểm hấp dẫn ở thể loại tiểu thuyết này là “lời thoại và những đoạn đặc tả nội tâm dễ khiến người đọc đồng cảm với thực tế và dễ đi vào lòng người”. Tuy nhiên, cô cũng tự nhận ra những ảnh hưởng không tích cực khi đọc quá nhiều ngôn tình: “Ảnh hưởng đầu tiên là thế giới và tình yêu trong phần nhiều truyện đều quá đẹp, khi đọc xong hầu như ai cũng có cảm giác lâng lâng mơ mộng, với tầm lớn như mình thì đủ lý trí để kiểm soát nhưng một số các em nhỏ hơn dễ ảnh hưởng đến thế giới quan, có những ảo tưởng không thật về cuộc sống, hạn chế sự phấn đấu của cá nhân.”

Tình yêu đối với ngôn tình, đam mỹ và các hoạt động sôi nổi của các nhóm, hội, diễn đàn này phần nào giúp các bạn trẻ đam mê sáng tác hơn, đồng nghĩa với việc giúp cho văn học mạng Việt Nam có thêm yếu tố phát triển. Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Công ty sách Chibooks cho biết: “Việc các bạn trẻ tự edit truyện cho thấy nhu cầu đọc rất lớn đối với dòng văn học này, trong khi các nguồn xuất bản trong nước không đáp ứng kịp điều đó. Việc tự edit truyện và phát tán trên mạng cho thấy mặt tích cực là giúp độc giả nhanh chóng tiếp cận được tác phẩm hay đồng thời kích thích được hứng thú đọc sách đối với một dòng văn học nhất định. Mặt tiêu cực của việc làm này là chúng ta không thẩm định được chất lượng dịch của tác phẩm khi đến tay bạn đọc.”

Bên cạnh đó, nhiều nhóm edit vướng phải vấn đề rắc rối về tác quyền khi những tác phẩm họ edit được nhà xuất bản mua bản quyền từ chính tác giả để dịch lại và xuất bản. Tiểu Châu, một thành viên sáng lập một hội rất nổi tiếng trong cộng đồng giới trẻ tự edit truyện trên mạng cho rằng khi những nhà xuất bản đã mua bản quyền, các nhóm dịch cần phải tự giác xóa đi và ngừng phát tán bản dịch của mình trên mạng, hoặc chỉ lưu lại 20-30% nội dung để kích thích người đọc mua sách ủng hộ tác giả, ủng hộ vấn đề bản quyền.

“Văn học đam mỹ, văn học ngôn tình là hai thể loại nằm trong dòng chảy văn học lãng mạn đương đại Trung Quốc. Cả hai đều có nguồn gốc phát triển là văn học mạng. Ngôn tình là những chuyện kể  viết về tình yêu giữa nam và nữ, đam mỹ viết vể tình yêu giữa nam và nam. Bối cảnh và nhân vật trong hai thể loại này vô cùng đa dạng, ngoài hai bối cảnh chính là cổ đại và hiện đại còn có xuyên không (người hiện đại lạc về thời cổ đại và ngược lại), võng du (những câu chuyện phát sinh từ các trò chơi trên mạng), huyền huyễn (viết về thần tiên)… Đa số ngôn tình và đam mỹ là do các tác giả trẻ sáng tác, do đó thấm nhuần tư tưởng và tình cảm cùa thanh niên hiện đại Trung Quốc cũng như được thanh thiếu niên các nước cùng khu vực yêu mến.”

Hết.

Trang Trần – Kodaki


Bài viết cùng chủ đề


Trà chiều

Mặt trái của “Manifest”: Khi tư duy tích cực có thể phản tác dụng

“Manifest” – từ khóa của năm 2024 do từ điển Cambridge bình chọn, đã trở thành một cơn sốt trong giới trẻ, lan tỏa mạnh mẽ trên khắp các nền tảng mạng xã hội. Nhưng liệu manifest có thực sự là con đường thần kỳ dẫn đến hạnh phúc?

Published

on

Manifest, hay luật hấp dẫn, đại diện cho một niềm tin vào sức hút kỳ diệu của vũ trụ, vào một thế lực lớn lao và quyền năng hơn chính bản thân, có thể giúp ta đạt được mọi mong muốn. Từ ước mơ về một cuộc sống giàu sang, một tình yêu viên mãn đến khát khao thành công trong sự nghiệp, tất cả dường như đều nằm trong tầm tay chỉ với sức mạnh của suy nghĩ tích cực.

Nhằm mang đến cho bạn đọc một cái nhìn đa chiều về trào lưu này, Bookish xin giới thiệu bài viết được dịch từ tạp chí Psychology Today, phân tích những mặt trái tiềm ẩn của manifest, giúp chúng ta tránh sa vào những cạm bẫy tư duy.

***


“Manifest” đang là một trong những trào lưu thịnh hành nhất ở lĩnh vực sách self-help. Tác phẩm MANIFEST - 7 Bước Để Thay Đổi Cuộc Đời Bạn Mãi Mãi (2022) của Roxie Nafousi đã ngay lập tức trở thành hiện tượng bán chạy toàn cầu khi vừa ra mắt. Cuốn sách này từng có mặt trong danh sách bán chạy nhất của Sunday Times nhiều tuần liền, và được không ít người nổi tiếng tìm đọc.

Tuy nhiên, cuốn sách của Nafousi lại thuộc về một trường phái self-help lâu đời hơn, vốn cổ súy cho ý tưởng về “luật hấp dẫn”. Luật này cho rằng chính suy nghĩ của chúng ta quyết định những gì ta thu hút trong cuộc sống như may rủi, giàu nghèo, ốm đau hay khỏe mạnh, những mối quan hệ độc hại hay tốt đẹp. Tôi cho rằng mặc dù việc nhiều người thích những cuốn sách kiểu này là điều dễ hiểu, nhưng manifest lại là một xu hướng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Những ví dụ tiêu biểu nhất về sách self-help theo luật hấp dẫn là The Secret - Bí Mật (2006) của Rhonda Byrne và Think and Grow Rich - Nghĩ Giàu Và Làm Giàu (1937) của Napoleon Hill. Những cuốn sách này đẩy ý tưởng kiểm soát tâm trí (được ủng hộ bởi nhiều trường phái triết học cổ đại như Khắc kỷ, cũng như các chuyên gia trị liệu nhận thức hành vi – CBT) đi xa hơn. Các tác giả đưa ra quan niệm có thể tạm gọi là học thuyết “tâm trí chế ngự vật chất”, khẳng định rằng suy nghĩ của chúng ta có sức mạnh toàn năng, không chỉ quyết định cảm xúc mà còn định hình cả thế giới bên ngoài.

Đúng là có bằng chứng cho thấy rằng tư duy lạc quan tốt hơn tư duy bi quan; và ở một mức độ nào đó, tâm thế và thái độ tích cực có thể dễ khiến ta thành công hơn, ít gặp vấn đề về sức khỏe và các mối quan hệ hơn – nhìn chung là ta có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đơn cử là, cha đẻ của tâm lý học tích cực, Martin Seligman, đã viết rất nhiều về chủ đề này. Seligman cho rằng tư duy bi quan và cái mà ông gọi là “sự bất lực tự ứng nghiệm” chính là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, khiến ta bị giảm tuổi thọ, đạt thành tích kém cỏi hơn và gặp nhiều tai họa hơn trong cuộc đời – bởi lẽ, luôn lo sợ những điều này xảy ra có thể biến chúng thành sự thật. [i] Lợi ích của việc hình dung những mục tiêu tích cực và việc chúng ta đạt được kết quả mong muốn cũng đã được nghiên cứu rộng rãi.

Tuy nhiên, nhóm người ủng hộ trào lưu manifest lại đưa ra những tuyên bố cực đoan hơn nhiều. Thông thường, các tác phẩm của họ đều dựa trên những niềm tin huyền bí đáng ngờ, được cho là đúc kết từ một số nguyên lý vật lý lượng tử (mặc dù chưa từng có bằng chứng khoa học nào củng cố cho những tuyên bố này).

Truyền thống self-help này bắt nguồn từ khoảng mấy chục năm cuối thế kỷ 19, khởi đầu với phong trào “chữa lành bằng tâm trí” ở Mỹ. Những người theo phong trào này tin rằng mọi bệnh tật đều bắt nguồn từ tâm trí. Do đó, suy nghĩ lành mạnh sẽ có tác dụng chữa lành. Người thợ đồng hồ Mỹ Phineas Parkhurst Quimby (1802–1866) là một trong những người đầu tiên nêu rõ ý tưởng này. [ii] Quimby cho rằng tất cả bệnh tật chẳng qua chỉ là một niềm tin sai lầm biểu hiện ra thành các triệu chứng vật lý. Nếu chấp nhận rằng bệnh tật chỉ nằm trong tâm trí, chúng ta có thể dễ dàng tự chữa lành cho mình.

Giáo phái chữa bệnh bằng tâm trí nổi bật nhất là Giáo hội Khoa học Kitô giáo, do Mary Baker Eddy (1821–1910) sáng lập. Cuốn kinh thánh trước tác của Eddy, Science and Health with Key to the Scriptures (1875) (Tạm dịch: Khoa học và Sức khỏe với Chìa khóa giải mã Kinh Thánh), hiện đã bán được hơn 9 triệu bản. Giống như Quimby, các tín đồ Khoa học Kitô giáo tin rằng bệnh tật có thể chữa khỏi chỉ bằng cầu nguyện. Thần học của Eddy dựa trên quan niệm thần bí cổ xưa rằng thực tại thuần túy là tâm linh và thế giới vật chất chỉ là ảo ảnh. [iii] Do đó, bệnh tật không gì khác hơn là một lỗi lầm của tâm trí – hậu quả của việc sai lầm khi đặt niềm tin vào vật chất và giác quan. Những tín đồ Khoa học Kitô giáo cực đoan hoàn toàn bác bỏ mọi can thiệp y tế và phẫu thuật. Không có gì ngạc nhiên khi phương pháp chăm sóc sức khỏe này đã khiến cho nhiều thành viên giáo phái và con cái của họ phải vong mạng.

Nhà triết học và tâm lý học William James (1842–1910) cũng rất quan tâm đến ý tưởng về nguồn gốc tâm lý của bệnh tật. Trong The Varieties of Religious Experience (1902) (Tạm dịch: Muôn mặt kinh nghiệm tôn giáo), ông mô tả phong trào chữa lành bằng tâm trí là một “quan điểm sống lạc quan”:

Những người dẫn dắt phong trào này tin tưởng sâu sắc vào năng lực chữa lành của một tâm trí khỏe mạnh, vào khả năng chiến thắng của lòng can đảm, hy vọng và niềm tin, đồng thời khinh miệt sự nghi ngờ, sợ hãi, lo lắng và mọi trạng thái tinh thần căng thẳng, dè dặt thái quá.. [iv]

Chúng ta có thể thấy rõ ràng là trong các nguyên lý của phong trào chữa lành bằng tâm trí có chứa đựng hạt giống của tư duy tích cực. Tư duy tích cực lần đầu tiên được phổ biến là trong tác phẩm The Power of Positive Thinking (1952) (Tạm dịch: Sức mạnh của tư duy tích cực) của mục sư người Mỹ Norman Vincent Peale. Cuốn sách này có tầm ảnh hưởng, nhưng đồng thời cũng gây tranh cãi.

Một nhà tư tưởng “chữa lành bằng tâm trí” quan trọng khác là Prentice Mulford (1834–1892) –  ông đã đặt ra các nguyên tắc của “luật hấp dẫn”. Trong Thoughts are Things (1889) (Tạm dịch: Tư duy là Vạn vật), Mulford giải thích rằng suy nghĩ tích cực thu hút kết quả tích cực và suy nghĩ tiêu cực thu hút kết quả tiêu cực. William Walker Atkinson sau đó cũng đưa ra những tuyên bố tương tự trong Thought Vibration or the Law of Attraction in the Thought World (1906) (Tạm dịch: Sóng Tư tưởng và Luật hấp dẫn trong Thế giới Tinh thần). Tác giả self-help đầu tiên kết hợp ý tưởng tâm linh của luật hấp dẫn với khát vọng vật chất hữu hình là Napoleon Hill. Công thức này hóa ra lại cực kỳ sinh lời. Hill đã xuất bản cuốn sách bán chạy nhất của trong sự nghiệp của ông là Think and Grow Rich! vào năm 1937. Tác phẩm này đã trở thành khuôn mẫu cho một loại sách self-help mới khi tập trung vào việc theo đuổi tiền bạc.

Thông điệp của Hill rất đơn giản: Tất cả chúng ta đều có thể trở nên giàu có nếu khao khát đủ lớn. Nếu tập trung chuyên chú vào những suy nghĩ về tiền bạc và sự sung túc, vũ trụ sẽ tạo ra sự cộng hưởng kỳ diệu với tiềm thức và gửi đến vô vàn tài lộc. [v] Để trở nên giàu có, chúng ta chỉ cần nuôi dưỡng một khát khao rõ ràng. Khi đó, suy nghĩ của chúng ta, “như những thỏi nam châm, sẽ thu hút vô số nguồn lực, con người và hoàn cảnh phù hợp với bản chất của những suy nghĩ chủ đạo đó.” Nếu “từ tính hóa tâm trí” và trở nên “nhạy bén với tiền bạc”, chúng ta sẽ trở thành triệu phú ngay lập tức.

Không có gì ngạc nhiên khi một thông điệp như vậy lại an ủi những độc giả đang vật lộn với hoàn cảnh kinh tế suy thoái trong cuộc Đại khủng hoảng. Nhưng thông điệp còn nhiều mơ hồ này vẫn tiếp tục hấp dẫn cho đến tận ngày nay. The Secret của Byrne đã xào nấu lại ý tưởng này. “Bí thuật” của cô ấy, không gì xa lạ, chính là luật hấp dẫn. Các nguyên tắc của luật này cứ được nhắc đi nhắc lại. Suy nghĩ của chúng ta, rõ ràng là có tần số riêng. Chúng ta phát ra tần số này vào vũ trụ và từ đó thu hút mọi thứ cùng tần số với suy nghĩ của mình. The Secret tràn ngập những câu chuyện về việc bất ngờ nhận được séc qua thư và những biến chuyển kỳ diệu trong cuộc sống cá nhân của một người. Cuốn sách đưa ra lời hứa hẹn rằng rằng độc giả có thể dễ dàng thu hút 10 triệu đô la, bởi vì “Bí thuật có thể cho bạn bất cứ điều gì bạn muốn.” Bởi “Bạn là thỏi nam châm mạnh mẽ nhất trong Vũ trụ!… Suy nghĩ của bạn sẽ trở thành hiện thực!” [viii]

Nhiều người trong chúng ta có thể thấy những lời hứa hẹn thái quá về sự chuyển đổi dễ dàng này là đáng ngờ. Nhưng tệ hơn nữa, học thuyết của Byrne và những người ủng hộ nguyên lý “tâm trí chế ngự vật chất” lại có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân. Về cốt lõi, họ quan niệm rằng những người gánh chịu bất hạnh phải tự nhận trách nhiệm cho những đau khổ của mình, bao gồm cả chuyện ung thư, hiếp dâm, tai nạn xe hơi và bạo lực. Chẳng hạn như, Byrne thẳng thừng cho rằng mọi tai ương trong cuộc sống là do chúng ta không chịu suy nghĩ tích cực và không truyền tải đủ mạnh mẽ những mong muốn về vật chất xa xỉ vào vũ trụ. Byrne và nhiều chuyên gia làm giàu đã đóng góp cho cuốn sách của cô còn khẳng định chắc nịch rằng quy luật hấp dẫn cũng có thể áp dụng với 6 triệu người Do Thái bị sát hại trong thảm họa Holocaust. Rõ ràng, chính “những suy nghĩ về nỗi sợ hãi, sự chia ly và bất lực” của người Do Thái đã khiến họ “hiện diện ở nơi lầm lạc vào một thời điểm sai trái”. [ix] Tác giả của The Secret khẳng định chắc nịch: “Mọi trải nghiệm đều bắt nguồn từ những suy nghĩ dai dẳng trong chính bạn.” [x] Đây rõ ràng là những luận điệu vô cùng đáng lo ngại, và tôi ngạc nhiên rằng những tuyên bố dối trá, hoàn toàn không thể biện minh này lại không vấp phải quá nhiều chỉ trích.

Vậy tại sao những cuốn sách như Think and Grow Rich!, The Secret, và giờ là Manifest của Nafousi lại hấp dẫn nhiều người đến vậy? Tất nhiên, ai mà chẳng thích được nghe rằng mình có thể giàu sang mà không cần động tay động chân, rằng những tấm séc 10 triệu đô la sẽ tự động bay vào hộp thư chỉ cần ta nghĩ đủ nhiều về tiền. Những cuốn sách cho rằng mọi sự tự hoàn thiện bền vững đều đòi hỏi nỗ lực, kiên trì và thời gian thường ít hấp dẫn hơn – mặc dù có lẽ thông điệp đó lại thực tế hơn.

Tuy nhiên, tôi cho rằng không chỉ vì chúng ta khao khát những giải pháp nhanh chóng, dễ dàng mà những cuốn sách như thế này mới trở nên phổ biến; một yếu tố quan trọng khác là mong mỏi từ ngàn đời nay của con người về việc tự làm chủ cuộc sống. Tư duy vũ trụ kỳ diệu được cổ súy bởi những người theo trường phái “chữa bệnh bằng tâm trí” giúp chúng ta nuôi dưỡng khát vọng toàn năng, bất khả chiến bại và quyền làm chủ thế giới vật chất. Nó đánh vào mong muốn nguyên thủy của chúng ta là khả năng tự bảo vệ mình trước hai mối đe dọa là sự tổn thương và tình trạng mất kiểm soát.

Phép thuật tư duy trong những cuốn sách này cũng mang tính chất thoát ly thực tại. Nó cho phép ta mơ mộng về những cuộc đời khác, nơi ta là nhân vật chính trong truyện cổ tích – thành đạt, giàu có, quyến rũ và luôn tự tin trong giao tiếp xã hội. Ngoài ra, thời điểm những cuốn sách này được xuất bản và tạo nên tiếng vang cũng rất đáng chú ý: sách của Hill ra đời trong thời kỳ Đại khủng hoảng, sách của Byrne ra đời ngay trước khủng hoảng tài chính, còn sách của Nafousi nổi lên năm 2022 – một năm đầy biến động với những ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid, bất ổn kinh tế gia tăng, khủng hoảng chi phí sinh hoạt trầm trọng và chiến tranh Ukraine kinh hoàng.

Vấn đề tôi thấy là: Mặc dù đọc những cuốn sách này có thể mang lại cảm giác hy vọng nhất thời, thậm chí là sự kỳ vọng hão huyền, nhưng thực tế cuối cùng cũng sẽ ập đến. Chúng ta sẽ cảm thấy tồi tệ hơn khi những khoản tiền hứa hẹn không xuất hiện. Không một vấn đề nào được giải quyết. Ta chẳng học được gì mới mẻ về bản thân và cũng chẳng thu được bài học hữu ích nào để thực sự tiến bộ. Hơn nữa, việc đánh giá quá cao khả năng thay đổi tâm lý và năng lực cá nhân, đồng thời đánh giá thấp bối cảnh kinh tế và xã hội mà ta đang sống, sẽ khiến ta phải trả giá. Khi mọi thứ không diễn ra như mong đợi, ta sẽ chìm trong cảm giác tội lỗi và xấu hổ.

***

Tư liệu tham khảo

[i] See Martin Seligman, Learned Optimism: How to Change Your Mind and Your Life (London, Boston: Nicholas Brealey Publishing, 2006).

[ii] Phineas Parkhurst Quimby, The Quimby Manuscripts: Containing Messages of New Thought, Mesmerism and Spiritual Healing from the Author, edited by Horatio W. Dresser (s.p.: Pantianos Classics, 1921), p. 73

[iii] Mary Baker Eddy, Science and Health With Key to the Scriptures (Boston: The Writings of Mary Baker Eddy, 2000), p. viii.

[iv] William James, The Varieties of Religious Experience (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1985), pp. 92–3.

[v] Napoleon Hill, Think and Grow Rich!: The Original Version, Restored and Revised (Anderson, SC: The Mindpower Press, 2007), p. 9.

[vi] Ibid., p. 21.

[vii] Ibid.

[viii] Rhonda Byrne, The Secret, 10th anniversary edition (London and New York: Simon & Schuster, 2016), p. xv, 7, 9.

[ix] Ibid., p. 28.

[x] Ibid., p. 43.

***

Khi những ảo tưởng về một cuộc sống hoàn hảo nhờ manifest tan vỡ, ta thường chìm trong thất vọng và tự trách bản thân. Việc đánh giá quá cao sức mạnh của suy nghĩ mà quên đi nỗ lực thực tế chính là nguyên nhân dẫn đến thất bại. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sức hút và sự phổ biến của manifest. Nếu biết vận dụng một cách tỉnh táo, kết hợp với hành động thiết thực và kế hoạch rõ ràng, manifest có thể trở thành một công cụ hữu ích, giúp ta củng cố niềm tin, duy trì động lực và rút ngắn con đường đến với mục tiêu. Suy cho cùng, tư duy tích cực luôn là một yếu tố quan trọng trên hành trình hoàn thiện bản thân, nhưng chìa khóa then chốt vẫn nằm ở sự cân bằng giữa giấc mơ và hiện thực, giữa niềm tin và hành động. Đó cũng chính là thông điệp mà Bookish mong muốn gửi gắm đến bạn đọc.

Nguồn: Psychology Today

Kodaki dịch

Đọc bài viết

Trà chiều

Lễ hội Đường sách Tết Ất Tỵ 2025 thu hút đông đảo bạn đọc tại TP HCM

Published

on

Ngày 27.01.2025 (tức 28 Tết), Lễ hội Đường sách Tết Ất Tỵ 2025 chính thức khai mạc. Lễ hội thu hút sự quan tâm và yêu thích của người dân cũng như khách du lịch thành phố. Đường sách được tổ chức với quy mô lớn, có nhiều không gian văn hoá, nghệ thuật đặc sắc, hứa hẹn sẽ trở thành điểm vui chơi và mua sắm náo nhiệt trong mùa Tết.

Lễ hội lần thứ 15 có chủ đề Non sông gấm hoa, vui xuân thái hòa. Năm 2011, lễ hội Đường sách Tết lần đầu được tổ chức tại đoạn đường Mạc Thị Bưởi (nối Đồng Khởi và Nguyễn Huệ, quận 1). Từ năm 2023 đến nay, hoạt động này được tổ chức trên trục đường Lê Lợi, đoạn từ giao lộ Nguyễn Huệ đến bùng binh Quách Thị Trang, dài khoảng 400 m. Lễ hội tổ chức trên khu vực có tổng diện tích 11.200 m2, thu hút nhiều đơn vị tham gia kiến tạo không gian văn hóa, nghệ thuật, nổi bật trong số đó có Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam (gọi tắt là Công ty Phương Nam hoặc PNC).

Năm 2025 đánh dấu kỷ niệm 15 năm Công ty Phương Nam tham gia Lễ hội Đường sách Tết với gian hàng lớn, đẹp, giàu cảm xúc. Sau buổi lễ khai mạc, gian hàng của Phương Nam vinh dự đón tiếp các lãnh đạo Thành phố đến tham quan: ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Nghị - Phó Bí thư Thường Trực Thành ủy TP.HCM, ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cùng đại diện lãnh đạo Sở, ngành. Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cũng ghé thăm các gian hàng của Nhà Sách Phương Nam tại Lễ hội Đường sách Tết. Đại diện Công ty Phương Nam đón tiếp đoàn lãnh đạo và các vị khách quý là ông Nguyễn Hữu Hoạt - Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Đến với các gian hàng của PNC tại Đường sách Tết, khách tham quan có thể tìm mua những đầu sách best-seller giá trị và đầy ý nghĩa do Phương Nam Book liên kết xuất bản; trải nghiệm khu vực sách nói KOMO Audio tiện lợi và hiện đại; đắm chìm trong những giai điệu bất hủ tại quầy băng đĩa Phương Nam Film; cũng như mang về nhà những món đồ chơi, quà lưu niệm đa dạng mẫu mã đến từ các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Là thương hiệu có bề dày 43 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, Công ty Phương Nam tự hào là đơn vị uy tín, chất lượng và luôn nỗ lực để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Lễ hội Đường sách Tết Ất Tỵ 2025 là cơ hội để PNC tiếp tục phục vụ khách hàng và bạn đọc với những sản phẩm cũng như dịch vụ chất lượng cao.

Trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội Đường sách Tết Ất Tỵ 2025, khách tham quan sẽ có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với nhiều tên tuổi nổi tiếng trong làng sách, tham gia các chương trình thú vị để nhận nhiều lì xì hấp dẫn, và tận hưởng không khí du xuân tràn đầy niềm vui. Tết này, đừng quên ghé chơi với Nhà Sách Phương Nam nha!

Thời gian: Từ 27/01/2025 – 02/02/2025

Địa điểm: Đường Lê Lợi, Quận 1, TP HCM

Một số hình ảnh trong ngày khai mạc Lễ hội Đường sách Tết Ất Tỵ 2025:

Đọc bài viết

Trà chiều

Vũ Đằng kết đôi cùng “nàng Kiều” Trình Mỹ Duyên trong Chợ Tết Tình Quê

Published

on

By

Nam diễn viên Vũ Đằng sẽ sánh đôi cùng “nàng Kiều” Trình Mỹ Duyên trong bộ phim phát sóng vào ngày mùng một Tết nguyên đán Ất Tỵ.

Chợ Tết Tình Quê là câu chuyện tình cảm của một đôi bạn trẻ diễn ra trong những ngày giáp Tết Ất Tỵ ở cù lao An Bình (tỉnh Vĩnh Long). Gia Bảo (Vũ Đằng đóng) là một chàng công tử chính hiệu, chán chường cuộc sống xa hoa, xô bồ nơi phố thị cũng như muốn thoát khỏi sự kìm kẹp của mẹ, Bảo bỏ nhà đi bụi vào một buổi chiều tháng chạp. Anh xuôi về miền Tây sông nước, nơi có làng nghề gốm đỏ, làm nhang, trồng trái cây, hoa kiểng để tìm lại những ký ức thời thơ ấu, khi gia đình còn trọn vẹn. Tình cờ gặp được Vũ Nghi (Trình Mỹ Duyên), Bảo choáng váng và thậm chí ghét bỏ, nhiều lần cản trở, gây tai họa cho cô vì hiểu lầm cô là người thực dụng, lợi dụng tình nghĩa của bà con dưới quê để kiếm danh.

Vũ Nghi vốn là người sinh ra ở cù lao An Bình. Cô mồ côi cha mẹ, sống với người cậu từ bé nên tính cách cứng cỏi, đạt giải một hoa khôi nhưng từ chối mọi sự săn đón của các đại gia mà muốn đi lên từ thực lực. Vũ Nghi hoạt động như một hot streamer trên mạng xã hội, sở hữu những trang cá nhân có lượt theo dõi khủng. Chương trình thực tế 100 nghề của cô nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng, trong đó có những tập quảng bá về ngành nghề truyền thống cũng như du lịch sinh thái ở quê hương Vĩnh Long. Hoàn cảnh đưa đẩy cả hai thành cặp đôi “oan gia ngõ hẹn”, ban đầu là ghét nhau, sau dần dần cảm mến rồi tiến tới tình yêu.

Bên cạnh chuyện tình của cặp trai tài gái sắc Gia Bảo – Vũ Nghi, đạo diễn Quách Khoa Nam và biên kịch Phan Ngọc Diễm Hân còn dẫn dắt khán giả màn ảnh nhỏ tham quan cù lao An Bình cũng như những miền quê xinh đẹp, trù phú của tỉnh Vĩnh Long. Người xem sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp bình dị của làng nghề gốm đỏ, làm nhang, những làng hoa Tết sum suê, vườn trái cây trĩu quả… Không khí của phim diễn ra trong những ngày giáp Tết, thời khắc mùa Xuân hiện hữu đẹp nhất với những màu sắc, mùi vị đặc trưng của xứ Nam Bộ.

Khi nhận được kịch bản Chợ Tết Tình Quê, diễn viên Vũ Đằng  cảm thấy rất lo lắng vì nhân vật không có chút gì giống mình ở ngoài đời. “Với một thanh niên 28 tuổi thì ai lại không muốn thành công và được nhiều cô gái vây quanh nhưng Gia Bảo thì ngược lại, anh trốn tránh hết tất cả. Tuy nhiên, tôi đọc kỹ kịch bản, tìm cách thấu hiểu và cảm thông với nhân vật. Tôi đặt ra những câu hỏi “Tại sao?” và tìm cách giải đáp để làm dày lý lịch  để khi ra bối cảnh không còn khúc mắc với nhân vật” – anh chia sẻ. Tuy nhiên, đây không phải là điều làm khó Vũ Đằng mà chính việc hóa trang mới tạo cho anh nhiều trở ngại nhất trong quá trình thực hiện phim. Trước đó ít lâu, anh vừa hoàn thành một phim cổ trang, phải cạo đầu ba vá cho phù hợp nên sang Chợ Tết Tình Quê, Vũ Đằng không kịp để tóc trở lại bình thường, vậy nên ekip thực hiện quyết định cho anh đội tóc giả. Việc hóa trang tóc cho anh trước khi vào cảnh quay mất hơn một giờ, thêm nữa, thời tiết cũng khá nóng nên Vũ Đằng cũng không thực sự thoải mái với bộ tóc khi diễn. “Nó có thể rớt ra bất cứ lúc nào hoặc sai phom dáng nếu mình xoay đầu quá nhiều. Có một số cảnh nặng về tâm lý hay cần động tác hình thể nhiều thì buộc mình phải quên đi chuyện đội tóc giả để nhập tâm hơn. Nếu đội quá lâu thì bộ tóc cũng làm tôi cảm thấy đau đầu. Khi diễn những cảnh cuối cùng của phim, tôi thực sự thở phào nhẹ nhõm vì… được cởi hẳn và tạm biệt bộ tóc giả từ đây!”- anh dí dỏm.

Ngoài ra, phim còn có sự tham gia của các diễn viên: Quang Thái, Hoài An, Thanh Bình, Lê Trang…

Bộ phim do PNF sản xuất kéo dài 20 tập, phát sóng lúc 20h từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần trên kênh THVL1, khởi chiếu từ mùng 1 Tết nguyên đán Ất Tỵ (tức 29.01.2025)

Đọc bài viết

Cafe sáng