Phía sau trang sách

Cô gái dưới tầng hầm: Khi khuôn mặt ra khỏi vành mũ

Published

on

Southern trees bear strange fruit
Blood on the leaves and blood at the root
Black bodies swinging in the southern breeze
Strange fruit hanging from the popular trees

Dạo này cây miền Nam nảy sinh loài quả lạ
Máu vương trên lá. Máu trào về cội
Hình hài da đen đong đưa theo ngọn gió

Đây loài quả lạ trĩu cành cây dương

Nước Mỹ những ngày vừa qua đã trải qua cơn bạo loạn lớn nhất trong lịch sử về vấn đề sắc tộc. Trước đó những vụ xả súng vào người da màu hay quyền bình đẳng bị xem nhẹ trong giai tầng xã hội hiện đại dường như đã trở thành bản lề cho cách vận hành lâu đời của xã hội tưởng dân chủ nhưng không hề dân chủ này. Nếu những năm 40 của thế kỷ trước, huyền thoại nhạc jazz Billie Holiday từng ghi âm Strange Fruit – bài hát dựa trên sự thật về những người da màu bị quy kết không qua xử án bị treo cổ trên những cành cây xứ Indiana như loài quả lạ; thì Stacey Lee bằng cách tìm về lịch sử, đã xây dựng nên xã hội nước Mỹ những năm 1890 thời Hậu tái thiết đầy biến động và gian truân không chỉ với người da màu, mà còn với tổ tiên cô – những người Trung Hoa. Cô gái dưới tầng hầm là cuốn sách dễ đọc, dễ cảm; nhưng cũng đồng thời trong đó, lịch sử cả một thời kỳ vẫn đang diễn ra với những dòng chảy sắc tộc âm ỉ sục sôi.

*

Đặt cuốn sách trong bối cảnh những luồng mâu thuẫn đan chặt lẫn nhau, Stacey Lee khai phá những bất công vẫn còn tồn tại thông qua nhân vật Jo – cô gái có lý lịch phức tạp nhưng đầy đặc biệt. Nước Mỹ những năm 1890 đầy biến động khi miền Bắc mới vừa bãi bỏ thành công chế độ nô lệ trong khi miền Nam đầy truyền thống và đối nghịch vẫn trong trạng thái nửa nắm nửa buông. Ở đó, thay vì những nô lệ da đen như trước kia, nay người Trung Quốc được thuê vì những phẩm chất được cho là hơn hẳn. Nhưng dẫu cho họ là người Trung Quốc hay châu lục cách đó cả Đại Tây Dương, họ vẫn là con người, khát khao tự do, cuộc sống đầm ấm. Từ đó họ trốn chạy, dẫn đến đạo luật Xua đuổi người Trung Quốc năm 1882 và trạng thái mắc kẹt.

Những người Trung Quốc đã một lần tin và đầy hy vọng về cuộc sống ấm êm nay không thể dẫn thêm gia đình vì thứ Đạo luật vô nghĩa lý, sống co cụm thành những nhóm nhỏ, dựa vào nhau mà sống và bị coi khinh không khác gì người da đen những năm về trước và cả bây giờ. Già Gin, Jo và những người chú gốc Hoa phải sống nhờ dưới tầng hầm của xưởng in nhà Bell, vì không ai cho họ một mái nhà để thuê (chẳng hạn một người da trắng đóng sập cửa lại và nói: “Cô là loại dễ loanh quanh ở những chỗ không ra gì; vả lại, tôi cá là cô hút thuốc phiện đen”). Cho dù họ có bao dung cho thuê đi nữa, Jo và mọi người cũng không đủ tiền khi họ sống với số tiền công được trả vô cùng bèo bọt, chỉ 50 xu mỗi giờ và còn bị đuổi việc không vì một lý do cụ thể nào, dù cho cô làm tốt và nhanh gấp đôi những người da trắng khác.

*

Với Cô gái dưới tầng hầm, Stacey Lee đã chọn một nhánh nhỏ của lịch sử không phải ai cũng biết nhưng rõ ràng vô cùng quan trọng nếu xét về căn cước của bản thân cô, một tác gia gốc Hoa đi ngược về lịch sử. Trong cuốn sách này, ta bắt gặp những bất công, phân biệt đối xử tương tự những cuốn tiểu thuyết khác viết về chế độ nô lệ cách đó hai hay ba mươi năm; cùng những quy ước khi vượt mặt người da trắng là một hành vi phạm pháp sẽ bị trừng phạt mà, mức độ quan trọng tùy thuộc vào ai là người bị lừa và bị lừa đến đâu hay luật ngầm ở miền Nam quy định cách giao tiếp giữa người da đen và da trắng, trong đó người da đen không được nhìn vào mắt người da trắng. Nếu phá luật, sẽ phải chịu hậu quả, đôi khi là hậu quả khôn lường.

Stacey Lee khôn ngoan khi xây dựng được đồng minh ở cuốn sách này: giữa một dòng giống đã không kiên trì mệt mỏi đấu tranh cho quyền lợi của mình – những người da đen như Robby hay Noemi; với một sắc vàng chỉ vừa chân ướt chân ráo đến Atlanta – tiểu bang miền Nam đầy những định kiến và nghi kị. Sự thân thiết và gắn bó giữa Jo và những con người chất phác da ngăm ấy như tượng trưng cho sức mạnh của thế yếu được nhân lên gấp bội, trở thành ánh sáng chói lòa chắn trước những định kiến hữu cựu vẫn còn tồn tại. Từ chính cách đối xử đã ăn sâu vào từng nếp gấp não bộ hay trong mỗi phần tử không khí, những người da trắng không theo kịp thời đại ấy tự cho mình trên hết, nhưng có lẽ họ quên mất một điều rằng khi đặt mình lên trên người khác, họ đã từ bỏ tâm tính của mình.

*

Luật lệ đối xử trên xe điện, luật bất thành văn khi người gốc Á hay da màu phải đi cửa sau, hôn nhân liên chủng tộc được coi là điều không thể… Tất cả hiện diện trong cuốn sách này như phông nền cho cách xã hội vận hành. Một điểm khác Stacey Lee đã làm rất tốt và tạo được khác biệt cho tác phẩm của mình đó là cô đã đi sâu khai phá những mặt sâu sắc và trực diện hơn, không chỉ những tảng băng nổi người ta vẫn thường hay thấy. Cách những người da trắng giàu sang coi khinh những chủng tộc khác đã quá thường tình, ở đây Stacey còn khai thác thẳm sâu hơn thế, trong chính nội tại của mối quan hệ này.

Ở đó, những người giúp việc, nấu bếp, cắt tỉa… bị chủ da trắng bóc lột công sức tưởng như là người cùng khổ với Jo hay Già Gin; nhưng không, họ cũng dữ tợn và căm ghét những chủng tộc khác như chủ của họ. Cùng xếp tận cùng dưới đáy giai cấp trong xã hội ấy, nhưng giữa họ với nhau không có một sự đồng cảm. Hình ảnh người cắt tỉa vườn ngăn không cho bà cụ vắt sữa bò sưởi ấm trên xe điện khi trời quá rét hay lão gác xe nhìn thẳng Già Gin rồi phán rằng – ông không đen cũng không trắng; tất cả tạo nên không khí xã hội ngột ngạt khi nhân quyền bị chà đạp và con người không thấu hiểu nhau, đồng cảm cùng nhau. Một xã hội vô tri không chỉ xuất hiện ở những dòng giống cúi đầu nhìn vào smartphone trong những ngày này, mà qua cánh cửa thời gian, nó cũng ở đó đã từ rất lâu những năm 1890.

Tầng lớp dưới cùng cư xử như thế là điều dễ hiểu, nhưng những tri thức, phụ nữ tiến bộ hành động ra sao? Họ vì cái cớ là những người đòi bình quyền, đòi được phiếu bầu về trong tay mình để cũng công bằng như với đàn ông; thế nhưng, để đòi được những quyền uy đấy, bắt buộc những người tham gia không phải da màu. Jo, Noemi tham gia góp sức vào trong phong trào đòi bình quyền bằng chính sự ngây ngô về ảo tưởng vô cùng đẹp đẽ, thế nhưng đáp lại những điều ấy chỉ là ánh mắt ngờ vực và cho ra rìa của những phụ nữ tự nhận tân tiến. Như câu mà Noemi một lần thốt ra: “Chúng ta cùng chung vai trò hoạt động như những phụ nữ khác, nhưng nỗi căm ghét của họ còn quan trọng hơn cả việc giành được quyền bầu cử”.

Phụ nữ da màu, phụ nữ Á Đông đã quá khổ sở vì những áp lực đè nén lên mình, khi đó vừa là vấn nạn phân biệt chủng tộc, vừa là phân biệt giới tính; họ đi tìm tiếng nói nơi những người đồng cam cộng khổ cùng trải qua ách áp bức, nhưng dội ngược vào họ chỉ là cái dửng dưng của những con người quan tâm đến bản thân nhiều hơn nhân quyền, dân quyền thuần túy. Stacey Lee vô cùng khéo léo khi dập nổi được những đối ngẫu này, mâu thuẫn lồng trong mâu thuẫn để rồi từ đó cả một xã hội nhiễu nhương hiện ra và cái nhỏ nhen, tị hiềm vẫn luôn ngự trị.

*

Nhưng vẫn còn đó là những tia sáng phía cuối đường hầm. Gia đình nhà Bell là những con người ủng hộ hết mình những người có tài nhưng bị phán xét. Việc Stacey khắc họa nhân vật Jo với tính cách và hoạt động của một nhà báo, một người nằm vùng, một Quý Cô Ngọt Ngào không hẳn chỉ là trùng hợp – mà thay vào đó ẩn đằng sâu từng dòng phản hồi, từng dòng mực in cũng như căn hầm tối tăm nơi cô thường trú; phụ nữ da trắng cuối cùng rồi thì cũng bị khuấy theo những dòng tư vấn của một cô nàng Trung Quốc mà nếu ai đó phát hiện ra được, cô sẽ vĩnh viễn phải ngồi trong khám. Cô tự do, phóng khoáng và hơn ai hết hiểu mình cần gì. Nếu những người da trắng phải thông qua cô để biết phụ nữ có thể tự mời những chàng trai đến trận đua ngựa, họ cũng có thể tùy ý hủy bỏ hôn ước vì một cuộc sống tươi đẹp còn ở phía trước hay chiếc xe đạp tự do có ý nghĩ thế nào với những cô nàng thức thời… thì Jo hay Quý Cô Ngọt Ngào đã tự nhận ra rất lâu về trước, bằng chính cảm quan và những ngẫm nghĩ cho số phận mình. Họ có bộ óc, có tư duy và hơn hết có hai bàn tay lao động; họ không ăn bám như loài côn trùng sâu bọ rệp rít phá hoại mùa màng. Nhớ kỹ điều đó và nếu không nhớ, chính họ sẽ nhắc cho người da trắng phải nhớ.

Hình ảnh cuối cùng khi Jo cưỡi con Khoai Lang chiến thắng cuộc đua như khúc khải hoàn cho những đấu tranh. Chiếc mũ trao cho cô vẻ ngoài để được lộ diện. Quý Cô Ngọt Ngào trao cho cô tiếng nói để được lắng nghe. Nhưng có lẽ, điều cần nhất trong tất cả là tự do được bước ra khỏi cái bóng che khuất của vành mũ. Jo – một cô gái Trung Quốc không danh không phận, Khoai Lang – một cô ngựa non đầy khiếm khuyết phía trên đấu trường của những ngựa đực với dòng giống tuyển; thế nhưng, cả hai người họ đã đều mạnh mẽ vươn lên và giành chiến thắng mặc cho khiếm khuyết, mặc cho gốc gác. Vì sao Jo đã luôn không thắng trước người kỵ sĩ mà lại đồng hạng ở cùng một giải? Dễ thấy Stacey Lee ngầm ngụ ý rằng, người da trắng sẽ không bao giờ chịu thua và không bao giờ thừa nhận chính những khiếm khuyết của mình. Nó hằn sâu trong ADN họ, khi đúng thời cơ, chúng sẽ phát tán. Và vụ George Floyd là một ví dụ vô cùng điển hình.

Cô gái dưới tầng hầm là cuốn sách chứa nhiều bão giông, của thời đại, của đấu tranh, của con người. Bằng lối kể chuyện vô cùng mộc mạc, Stacey Lee một cách từ từ dẫn dụ người đọc vào cuốn tiểu thuyết nhịp nhàng nhưng ẩn đằng sau là những ngầm ý cho người đọc tự mình rút ra ý nghĩa chính. Vẫn như thường lệ, cuốn tiểu thuyết này vẫn không thoát khỏi những dài dòng của chuyện tình cảm, của những trường đoạn về mối quan hệ cố tạo kịch tích; nhưng đến cuối cùng khi khép lại cuốn sách, những gì lịch sử vẫn luôn hằng giữ là điều tốt đẹp và thành công nhất mà Stacey Lee đã mang đến được.

Hết.

minh.


Bài viết có liên quan


Phía sau trang sách

Sách tư liệu báo chí độc đáo từ di cảo của Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Published

on

Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Thu Giang Nguyễn Duy Cần: Những bài đăng báo và tiểu luận tổng hợp những tư liệu lần đầu tiên được sưu tầm và công bố bên cạnh những di cảo của Nguyễn Duy Cần đã được NXB Trẻ xuất bản những năm vừa qua.

Sách được chia làm hai phần. Phần 1 là những bài viết của học giả Nguyễn Duy Cần với bút danh Thu Giang đăng trên bán nguyệt san Nay năm 1937. 

Tạp chí Nay xuất bản nửa tháng/kỳ với bốn mục chính: Triết học, Khoa học, Y học và Văn chương. Đây là tạp chí đầu tiên do học giả Nguyễn Duy Cần làm giám đốc - tổng biên tập. Từ đây, bút danh Thu Giang gắn liền với cuộc đời nghiên cứu của học giả Nguyễn Duy Cần.

Cuốc sách về học giả Nguyễn Duy Cần vừa được giới thiệu. Ảnh: NXB Trẻ

Ở mục Triết học, Thu Giang trình bày các vấn đề trong"Toàn chân triết luận" (đã được xuất bản) dưới góc độ sâu rộng hơn. Ở mục Y học, ông viết về cách ăn uống đúng quy luật âm dương, khảo cứu về các loại rau củ mang dược tính trong y học cổ truyền.

Mục Khoa học trình bày sự liên quan mật thiết giữa cơ thể con người với sự vận hành của vũ trụ. Nổi trội nhất là mục Văn chương với các bản dịch từ trang văn của Trang tử, Lão Tử sang tiếng Việt. Ngoài ra, Thu Giang còn sáng tác tiểu thuyết đăng nhiều kỳ.

Bán nguyệt san Nay ngoài cây bút chủ lực bút danh Thu Giang còn thu hút được những học giả có uy tín thời đó gửi bài cộng tác như: Sư Thiện Chiếu, họa sĩ Nguyễn Phi Hoanh, Tùng Chi, Phương Thảo…

Nội dung bên trong quyển sách. Ảnh: NXB Trẻ

Phần 2 là tiểu luận "Văn hóa và giáo dục miền Nam Việt Nam đi về đâu?", được tác giả hoàn thành năm 1960. Do bản thảo có nội dung đụng chạm đến đường lối văn hóa và giáo dục của các nha, bộ thuộc chính quyền Ngô Đình Diệm thời điểm đó nên không được xuất bản. 

Mãi 10 năm sau, tập tiểu luận "Văn hóa giáo dục miền Nam Việt Nam đi về đâu?" mới được Nhà xuất bản Nam Hà - Sài Gòn in lần đầu năm 1970.

Trong bản thảo, một số từ ngữ theo lối chính tả xưa được giữ nguyên. Ngoài ra, những từ tác giả cố ý viết chệch đi cũng được giữ nguyên như di cảo.

Về tác giả

Nguyễn Duy Cần (1907-1998) hiệu là Thu Giang, là học giả, nhà văn, nhà biên khảo kỳ cựu giữa thế kỷ XX. Ông viết sách, dạy học, làm lương y, nghiên cứu Đạo học, Kinh dịch.. Ngoài ra, ông còn biết đến với các biệt hiệu như: Hoàng Hạc, Linh Chi, Bảo Quang Tử...

Nguyễn Duy Cần nổi bật không chỉ về lượng tác phẩm đồ sộ mà còn ở độ sâu của học thuật và sức ảnh hưởng về mặt tư tưởng đến các tầng lớp thanh niên trí thức thời bấy giờ.

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Danh ca Elvis Phương ra mắt hồi ký mới, trải lòng nhiều chuyện hậu trường thú vị

Published

on

Ai đó đã từng nói rằng mỗi một nghệ sĩ đối với bản “hit” của mình luôn có những mối lương duyên đặc biệt. Với Elvis Phương điều đó rất đúng, khi suốt đời mình ông đã sống như một "chú ngựa hoang" với những vết thù mà mình mang theo. Hồi ký Dòng đời vừa mới ra mắt không chỉ mang đến những câu chuyện riêng phía sau hậu trường, mà còn cho thấy cả một thời đoạn âm nhạc liên tục thay đổi.

Trải qua gần 60 năm cuộc đời, Elvis Phương là một tượng đài giúp đưa dòng Rock’n’Roll và nhiều cách tân độc đáo vào âm nhạc Việt. Lấy tựa Dòng đời theo tên bài jazz nổi tiếng My Way, nam danh ca đã có những giãi bày riêng qua lời kể chân thành, từ đó tiết lộ rất nhiều câu chuyện, hình ảnh, tư liệu sống động mà trên ánh đèn sân khấu ít người biết đến.

Thời thơ ấu và tiếng gọi của âm nhạc

Được viết theo dòng thời gian từ khi sinh ra đến khi lớn lên, ở những chương đầu, Elvis Phương cho thấy được niềm đam mê âm nhạc ngay từ rất sớm. Như mối lương duyên đã được số phận sắp đặt, đó là việc ông thích phim ảnh và đã xem nhiều thể loại, thế nhưng tác phẩm để lại ấn tượng sâu nhất vẫn là bộ phim cao bồi O’Cangaceiro, nơi tiếng harmonica ở phần cuối phim vẫn luôn đọng lại. Từ chiếc harmonica ấy, ông dần sở hữu những “gia tài” khác, như chiếc radio, máy phát đĩa than, cây guitar bị hỏng dây… và cũng từ đó mà niềm khát khao đối với âm nhạc ngày càng đậm thêm.

Tại đây ông cũng tiết lộ một chuyện ít nhiều buồn thương, khi gia đình đã không ủng hộ ông theo con đường âm nhạc. Trong đó cha ông là người phản đối có phần quyết liệt, bởi tư tưởng cũ “xướng ca vô loài” cũng như mong muốn con mình nối nghiệp thầu khoán. Thế nhưng như một câu nói càng cấm càng làm, đam mê âm nhạc cứ thế lớn lên, cũng kèm theo đó là sự kình chống khó thể giảng hòa giữa ông và thân phụ mình.

Danh ca Elvis Phương hát cùng ban nhạc Vampires. Ảnh: NVCC.

Ông viết: “Tôi chắc chắn được một điều là mình rất mê âm nhạc, nghe tiếng nhạc tôi thấy yêu đời, thấy tâm hồn nhẹ nhõm lâng lâng. Lúc nào, giờ nào tôi cũng có thể nghe được, nhiều lúc còn mang cả radio vào trong toilet để nghe. Tiếng gọi của âm nhạc đến với tôi từ thời thơ ấu, nhìn lại những người thân trong họ hàng chung quanh, tôi nhận thấy mình chẳng hề chịu ảnh hưởng văn nghệ của bất kỳ ai, phải nói tôi nghĩ mình sinh ra đời để được ra phải được hát mà thôi”.

Dẫu vậy ông không hờn giận cha mình, mà khi ngày càng trưởng thành, ông nhận ra đó sẽ trở thành một “kim chỉ nam” để mặc cho sống giữa nhiều cám dỗ trong các vũ trường, những sân khấu ca nhạc… thì ông vẫn giữ được mình sao cho thuần chất. Có thể nói rằng những chia sẻ này là lời riêng tư và cảm xúc nhất mà Elvis Phương viết ra trong cuốn hồi ký, như lời tạ ơn cho vị thân sinh đã đưa "chú ngựa hoang dại" vào trong cánh đồng ca nhạc, dù bằng cách này hay cách khác.

Elvis Phương với Trung Lang Rockin' Star vào năm 1960. Ảnh: NVCC

"Ma lực" của Elvis Presley

Sau đó sẽ là quãng đời chạm ngõ bước vào trình diễn, khi ông gia nhập vào các ban nhạc nổi lên ở thời bấy giờ, từ Rockin’ Star, Les Vampire cho đến Phượng Hoàng cùng hai nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà. Ở mỗi thời kỳ ông luôn biết cách tạo ra được sự đặc biệt để thu hút khán giả, và cũng phần nào khẳng định “Âm nhạc là mùa Xuân trong tôi, đang nở hoa rực rỡ, không thể nào để cho mùa Đông của sách vở, của văn bằng tận diệt dưới lớp đá băng lạnh lẽo”.

Điểm hay của thể loại hồi ký đó là tuy phản ánh góc nhìn cá nhân, thế nhưng bối cảnh mà nó làm nên thường mang được tính phổ quát khi là ký ức của rất nhiều người. Ở Dòng đời, qua những mô tả của Elvis Phương, lịch sử về sự du nhập âm nhạc cũng được trở lại theo từng thời kỳ phát triển của bản thân ông. Đó là những năm 1959 – 1969 với phong trào nhạc ngoại bắt đầu manh nha và các ban nhạc “kích động” chuyên trình bày nhạc ngoại quốc bắt đầu ra mắt. Cũng vào lúc này mà ông tìm thấy Elvis Presley – một cá tính có “sức lôi cuốn kỳ lạ, như có ma lực ghê gớm lôi kéo tôi vào thế giới của âm thanh đầy huyền hoặc”.

Elvis Phương tại nhà của Elvis Presley. Ảnh: NVCC

Ông cũng kể lại một thời thanh xuân thích sưu tầm những bài ca nước ngoài, chép lại trong một quyển tập được trang trí cẩn thận, với những hình ảnh được cắt từ báo ngoại quốc lúc đó vẫn còn hiếm hoi tại Việt Nam. Elvis Phương tiết lộ để có những hình ảnh ấy thì người ta phải nhờ người nhà ở nước ngoài gửi về, vì phải đến năm 1963 thì mới có các tạp chí ca nhạc Mỹ xuất hiện, khi quân đội Mỹ vào Việt Nam. Thời điểm này cũng đã đánh dấu nhạc Pháp thoái trào và sự thay đổi thành phần khán giả.

Theo đó nếu những năm trước người tham dự đa số là học sinh trường Pháp, thì thời kỳ này là sự góp mặt của nhiều “dân chơi” Sài Gòn và sự bành trướng của nhạc Anh, nhạc Mỹ với sự có mặt của những quân nhân Hoa Kỳ. Đó là làn sóng British Invasion, và cũng đánh dấu bước chuyển của thời kỳ ca hát tài tử để bắt đầu có sự kỳ kèo về giá cả của những hợp đồng ký kết.

Elvis Phương kể mình từng khiến tài tử Lưu Đức Hoa bất ngờ với việc thay trang phục sau mỗi tiết mục trình diễn. Ảnh: NVCC

Ban Phượng Hoàng và những cá tính

Bên cạnh bối cảnh được tái hiện lại, Dòng đời cũng là những cuộc gặp gỡ của Elvis Phương với những bạn nhạc đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời ông. Đó là huyền thoại cải lương Thanh Nga – người từng ngồi kề bên ông ở trường tiểu học Jean-Jacques Rousseau, là Khánh Ly – người đã thu âm cùng ông băng nhạc đầu tiên ở Mỹ, là cố nghệ sĩ Chí Tài – người đã sẵn lòng đầu tư cho ông dù chưa hề biết kết quả sẽ đi đến đâu… Ngoài ra còn là những gương mặt khác đã từng xuất hiện trong các ban nhạc kề cận quanh ông thuở mới vào nghề, cũng như trong nhiều tấm ảnh được đính kèm theo.

Trong đó hai người nổi bật không thể không nhắc là hai thành viên của ban Phượng Hoàng. Elvis Phương không chỉ kể lại những chuyện thân tình mà còn đánh giá ảnh hưởng của họ lên sự nghiệp và cuộc đời mình. Ông viết: “Hai tâm hồn, hai tư tưởng, hai nghệ sĩ, hai khuynh hướng sáng tác khác nhau, nhưng khi kết hợp lại đã mang đến sự quân bình tuyệt diệu của nhân sinh quan cũng như nghệ thuật. Tôi không coi họ là những thiên tài, mà tôi coi họ như những nạn nhân của tuổi trẻ, người nói lên được những cảm nghĩ sâu xa của một tuổi trẻ bị xâu xé vì chiến tranh, bị giằng co giữa cái đẹp và cái xấu trong bối cảnh xã hội lúc đó”.

Ban Phượng Hoàng (từ trái qua): Elvis Phương, Trung Vinh, Nguyễn Trung Cang, Châu và Lê Hựu Hà. Ảnh NVCC.

Ở đó có một Lê Hựu Hà lạc quan với lòng yêu thiên nhiên, yêu người, yêu đời, còn Nguyễn Trung Cang thì sống trong sự bi quan, dằn vặt, nhìn cuộc đời này bằng một màu đen tang tóc, ảm đạm. Và chính sự quân bình ấy đã tạo nên ban Phượng Hoàng như tên tuổi lớn của một giai đoạn nhạc trẻ Việt Nam bắt đầu thành hình. Và không chỉ có cơ may được hợp tác cùng và làm việc với những yếu nhân, mà bản thân ông cũng là một người hướng mình đến sự hoàn hảo, để đáp lại lòng thương yêu của khán giả dành cho mình.

Ông kể về những lần mua sắm rất nhiều trang phục ở các kinh đô thời trang khác nhau với những nhà thiết kế nổi tiếng, không chỉ vì thích mặc đẹp mà còn vì để tôn trọng khán giả. Ông cũng nói về nỗ lực của mình trong việc tìm ra một lối đi mới, trong việc tiên phong hát các liên khúc, phối trộn chất liệu dân gian cũng như cách hát bày tỏ cảm xúc khác biệt… Chính những điều đó làm nên một Elvis Phương của ngày hiện tại, rằng dẫu chìm nổi theo dòng thời gian ở nhiều bối cảnh khác nhau, thì ông vẫn luôn thích nghi và tìm thấy được lối riêng cho bản thân mình.

Bìa cuốn hồi ký Dòng đời. Ảnh: Phương Nam Books

Xuyên suốt tác phẩm ông đã ví mình như chú ngựa hoang “phóng vào đồng cỏ mênh mông, bát ngát để khám phá biết bao điều mới lạ, được nhìn thấy đủ muôn mặt của cuộc đời này, từ những khuôn mặt khả ố đến những khuôn mặt đẹp đẽ dễ thương, từ những khuôn mặt tính toán thâm hiểm cho đến những khuôn mặt đầy bao dung và nhân hậu…”

Và sau 60 năm vùng vẫy vẫn chưa thấm mệt, cho đến giờ đây, ông vẫn là một tượng đài trong âm nhạc Việt Nam không chỉ trong quá trình làm nghề, mà còn là thái độ sống và lòng bao dung với cuộc đời này. Dòng đời chính là những trải lòng ấy, để "ngựa hoang" giờ đã tìm thấy tình yêu cũng như chính mình.

Nguồn: Người Đô Thị | Minh Anh

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Từ câu chuyện quạ và bình nước đến giải mã bí mật bộ não thiên tài của loài chim

Quyển sách Chim chóc chưa bao giờ ngốc, tác giả sách, nhà nghiên cứu Jennifer Ackerman giúp độc giả hiểu biết thêm vô vàn năng lực kỳ diệu, đời sống hoang dã đầy thú vị của loài chim. 

Published

on

Bạn có biết, loài chim đã tồn tại hơn 100 triệu năm? Chúng thường sử dụng tập quán xây tổ, sử dụng điệu múa… để thu hút bạn tình. Hay chim sáo, vẹt có khả năng bắt chước nói tiếng người, bồ câu đưa thư hoặc những loài chim di cư định vị được chúng đang ở đâu.

Trí thông minh của loài chim trở thành nguồn cảm hứng bất tận để các nhà khoa học thực hiện hàng loạt thí nghiệm. Và trong quyển sách Chim chóc chưa bao giờ ngốc, tác giả sách, nhà nghiên cứu Jennifer Ackerman giúp độc giả hiểu biết thêm vô vàn năng lực kỳ diệu, đời sống hoang dã đầy thú vị của loài chim. 

Vì sao loài chim có trí thông minh vượt bậc?

Trong Chim chóc chưa bao giờ ngốc (Phương Nam Book & NXB Thế giới), nhà nghiên cứu Jennifer Ackerman đã không ngần ngại gọi các đối tượng chim bằng cụm từ “thiên tài”. Vì sao ư? Khi đi sâu nghiên cứu, ghi chép, Jennifer Ackerman nhận định, chim chóc xứng đáng với cái tên đó.

Cũng theo Charles Darwin - nhà bác học, nhà tự nhiên học vĩ đại người Anh, “cha đẻ” của thuyết tiến hóa, từng nói: “Động vật và con người có sức mạnh trí tuệ chỉ khác nhau ở mức độ chứ không phải ở giống loài”. Trong thực tế, bạn từng nhìn thấy chú chim sẻ đang nhặt hạt thóc mang về tổ hay một con chim sáo lục túi rác tìm thực phẩm sót lại. Điều này giúp bạn nhận ra, loài chim học được cách tìm kiếm thức ăn mới. Dấu hiệu cho thấy sự thông minh vượt bậc của loài chim. 

Gần gũi hơn với tuổi thơ chúng ta, câu chuyện ngụ ngôn quạ và bình nước là tiền đề để các nhà khoa học thực hiện các thí nghiệm trên loài quạ. Năm 2014, nghiên cứu về quạ và bình nước tái hiện lại dưới góc nhìn các nhà khoa học ở ĐH Cambridge (Anh) và ĐH Auckland (New Zealand).

Ảnh minh họa

Với nhiều phương án, giống quạ New Caledonian được thí nghiệm ưu tiên chọn đá để thả vào bình thay vì cát, chọn vật rắn chìm dưới nước thay vì vật rỗng nổi trên mặt. Quạ thả vào bình có mực nước cao hơn thay vì bình có mực nước thấp hơn. Từ những hành vi đó, các nhà khoa học kết luận rằng, loài quạ cực kỳ thông minh, nó biết cách sử dụng công cụ lao động theo ý muốn. 

Cũng trong nghiên cứu trên Tạp chí Thần kinh học So sánh (Mỹ), tháng 1/2022, các nhà khoa học so sánh não bộ chim họ quạ với não của gà, chim bồ câu và đà điểu. Họ phát hiện rằng não họ quạ có các tế bào thần kinh dày đặc với hơn 200 đến 300 triệu tế bào thần kinh trên mỗi bán cầu. Điều này cho phép việc giao tiếp hiệu quả giữa các tế bào não của quạ. 

Trong khi đó, loài chim luôn bị nỗi oan ngu ngốc, con người mắng là lũ não ngắn, đồ... não chim. Theo một nghiên cứu năm 2020, tạp chí Science, công bố, não chim không hề ngắn một chút nào. Cụ thể, quạ và các loài chim khác “biết chúng muốn gì và có thể suy ngẫm các ý tưởng trong tâm trí”. Theo tạp chí Current Opinion in Behavioral Sciences, xuất bản năm 2017, nhận định, trí thông minh của quạ có thể ngang bằng với một số loài khỉ và gần với loài vượn lớn (khỉ đột).

Cũng theo nghiên cứu của Viện Khoa học Hàn lâm Quốc gia (Mỹ), các nhà khoa học phát hiện ra rằng, bộ não bé nhỏ của loài chim chứa nhiều tế bào não hơn đa số các loài thú hiện nay. Cụ thể, các chuyên gia đã xét nghiệm tế bào não của 32 loài chim khác nhau, gồm cả quạ, vẹt, đà điểu và cú. Họ sử dụng hệ thống đếm neuron thần kinh. Kết quả thu được, não chim có số lượng tế bào não lớn hơn hẳn các loài thú khác. Ví dụ, loài chim sẻ - trọng lượng bằng 1/9 loài chuột, nhưng tỷ lệ tế bào não nhiều gấp 2,3 lần.

Tuyệt chiêu ‘tỏ tình” sáng tạo của loài chim 

Từ việc quan sát hành vi sống của loài quạ có thể chế tạo công cụ để lấy thức ăn - những thứ chỉ từng nhìn thấy ở các loài vượn lớn. Hay nguyên nhân tuyệt diệt của chim dodo, tác giả sách, nhà nghiên cứu Jennifer Ackerman đi tìm lời giải đáp về thang đo chung trí tuệ của các loài chim. 

Với Chim chóc chưa bao giờ ngốc, Jennifer Ackerman cung cấp kiến thức đời sống hoang dã lý thú đến người đọc. Tác giả trình bày chi tiết những phát hiện, minh chứng, nghiên cứu cũng như kết quả về trí thông minh của loài chim. Việc bộ não loài chim có kích thước nhỏ không tương đồng một cách hoàn toàn với trí thông minh của chúng.

Hơn hết, Jennifer Ackerman dùng các học thuyết riêng biệt để giúp chúng ta hiểu thêm về trí thông minh của loài chim. 8 chương sách là 8 mảnh ghép làm nên những điều mới mẻ về các loài chim. Trong đó, hai chương sách bàn luận về học thuyết tâm trí giao phối. Tác giả đưa ra những lý giải thú vị về các hành vi một vài loài chim mái tìm bạn tình dựa trên cách xây dựng tổ cũng như điệu múa đẹp từ chim trống. 

Vào mùa giao phối, chim trống lượm nhặt, thậm chí giành giật nhiều đồ vật bỏ rơi đủ màu sắc để trang trí nơi ở của mình để thu hút chim mái. Khi đối tượng đến, chim trống nhảy nhót, hót mừng mời vào tổ tham quan. Tổ càng đẹp con mái sẽ càng dễ xiêu lòng hơn. Hoặc có những loài chim khác lại chọn sự đồng điệu thông qua tiếng hót… Hành vi kết đôi thú vị này diễn ra trong thế giới tự nhiên giúp chúng ta thấu hiểu, loài chim cũng rất sáng tạo trong việc tán tỉnh nhau.

Điều đặc biệt của Chim chóc chưa bao giờ ngốc còn nằm ở sự pha trộn tài tình giữa những kiến thức thú vị về cuộc sống của loài chim. Óc quan sát tinh tế, sự ghi chép tỉ mẩn, dày công nghiên cứu về loài chim của tác giả Jennifer Ackerman gói gọn trong hơn 400 trang viết.

Thông điệp từ tình yêu thiên nhiên

Chim chóc chưa bao giờ ngốc còn góp phần giúp độc giả nhí lẫn người lớn hiểu thêm thực tế môi trường sống đang dần biến đổi. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người và sự tiến hóa của loài chim. 

Jennifer Ackerman diễn giải cho chúng ta thấy, các chú chim di cư giờ đây phải đối mặt với việc thức ăn trên biển của mình không đúng mùa. Nhiệt độ môi trường tăng lên, thời gian sinh trưởng của các trật tự sinh học khác đảo loạn. Dẫn đến nhiều loài chim phải chết giữa đường do không tìm được thức ăn. Trong rừng rậm sâu, những con chim mẹ cũng phải đẻ trứng ngược với chu trình ngàn đời tự nhiên, nhằm đảm bảo nguồn sâu phong phú để nuôi nấng thế hệ sau của mình… 

Thông qua Chim chóc chưa bao giờ ngốc, tác giả Jennifer Ackerman mong muốn gửi gắm thông điệp về tình yêu thiên nhiên, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề bảo tồn sự đa dạng sinh học của loài chim nói riêng, cũng như đời sống loài động vật hoang dã khác trước thềm tuyệt chủng.

“Não chim có lẽ nhỏ, nhưng rõ ràng là có võ… Chim chóc đã tồn tại trong hơn 100 triệu năm. Chúng là một trong những câu chuyện thành công vĩ đại nhất của tự nhiên…”, Jennifer Ackerman viết.

Bà Trần Nhật Hoàng Phương - Giám đốc Marketing Phương Nam Books - cho biết, nếu như thời gian trước, các dòng sách đa dạng, phong phú theo chiều rộng, thì trong năm 2023, nhiều chủ đề sách sẽ mang tính chiều sâu hơn. Theo đó, Chim chóc chưa bao giờ ngốc - giải mã bộ não thiên tài của loài chim, được trình bày với giọng văn mạch lạc. Từ đó, độc giả sẽ bước vào cuộc phiêu lưu trên từng trang sách.

Tóm lại, Chim chóc chưa bao giờ ngốc - một cuốn sách tuyệt vời dành cho bạn đọc yêu động vật, tò mò khám phá về đời sống tự nhiên. Bởi có quá nhiều điều thú vị sẽ giữ chân bạn lại lâu hơn, để tìm hiểu, để khám phá và yêu hơn những loài chim - một trong những sinh vật có trí thông minh vượt bậc nhất thế giới. 

Đọc bài viết

Cafe sáng