Phía sau trang sách

Người trong gương: Những siêu hình tâm trí

Trái tim cần phải tan vỡ, tâm trí phải lạc đi sau một cái nhìn, cảm xúc và trực giác thì mắc kẹt. Như thế mới có trái tim, mới có tâm hồn.

Published

on

Những mặt phản chiếu từ trước đến nay vẫn luôn đóng một vai trò quan trọng trong dòng chảy văn hóa. Nó không những xuất hiện đầy chuyển động trong văn chương, phim ảnh hay âm nhạc; mà ở mặt khác, với mọi lứa tuổi, những mặt phẳng này cũng chứa trong mình những bí ẩn đáng ngờ ở phía sau. Nên nhớ rằng, nếu không bước qua chiếc gương thần kì, ta đã không có một Alice ở xứ sở thần tiên; cũng càng nên nhớ rằng, nếu không soi mình dưới hồ để rồi chết vì tự yêu thái quá, thì hẳn câu chuyện về chàng Narcissus đã đổi rất khác. Và còn gì còn nữa? Nếu nhà gương ở Santa Cruz không hiện diện, ta hẳn đã không có Us đầy cảnh báo về nước Mỹ đương thời; và cũng sẽ không có một cuốn sách đầy tầng lớp ẩn chứa như Người trong gương.

Người trong gương của Will Eaves là một cuốn sách lạ kỳ, như thể nó bị bám bụi những lớp thời gian mang tính nhận thức, mà mỗi lần đọc, mỗi lần giở trang; ta lại thấy xuất hiện một góc nhìn mới, một cảm quan mới không chỉ ở phía bên ngoài, mà tận thẳm sâu bên trong ta cũng thay đổi theo. Người trong gương mỏng manh nhưng chất chứa, trần trụi nhưng thẳm sâu; Will Eaves một cách tài tình đã biến một cuốn tiểu sử cá nhân thành tiểu thuyết văn chương vô cùng cuốn hút và mạnh mẽ như thế.

Ảnh: I Love Books

Người trong gương kể về câu chuyện của nhà toán học, logic học và mật mã học Alan Turing những năm cuối đời. Mặc cho những đóng góp to lớn của ông trong việc giải mã những mật mã Đức giúp Thế chiến thứ hai rút ngắn hơn hai tháng; nhưng chỉ vì tính dục và sự hấp dẫn vô hại giữa hai người đàn ông, ông bị chính quyền Anh kết tội và buộc phải chấp nhận liệu pháp hormone nữ thay cho việc ngồi tù. Người trong gương viết về những thay đổi, biến tướng, những tưởng tượng và ngộ nhận, nỗi sợ hãi và đầy hoài nghi của Alan Turing trong những ngày này, khi mọi thứ với ông như được nhân đôi: giữa một bản thể duy nhất và nhiều bản sao ở khắp xung quanh, nhìn ngắm, theo dõi và quan sát ông. Ở đó, bằng phản ứng của thứ stilboestrol ức chế các hormone làm biến đổi cơ thể, ông chìm vào trong những giấc mơ – thực tại pha lẫn, để một lần nữa lại sống cuộc đời mình: trong gia đình bất hạnh, về cuộc tình với Christopher, người hôn phu June hay công việc giải mã và lập trình máy tính. Bằng tính siêu hình của văn chương và góc nhìn biến thể đầy biên giới của toán học, vật lý học; Will Eaves đã viết nên cuốn sách đầy mơ mộng pha lẫn, đầy ảo ảnh hoài nghi và trên hết, siêu hình đến vô nghĩa lý nhưng hợp lý cho những gì đã xảy ra với Alan Turing.

Với Người trong gương, điểm độc đáo và đặc biệt nhất mà Will Eaves đã khắc họa được chính là cuộc đấu tranh giữa bản thể Alan Turing và những cái tôi – những bản sao vẫn vần vũ trong đầu ông, nó có thể hiển hiện như một hình bóng khác trong gương, như những giọng nói, cổ máy điều khiển hay những ảo ảnh bị bẻ cong… Có cảm giác như, chỉ qua một đêm và một biến cố, căn phòng của riêng ta nơi Orlando thiếp ngủ để sáng hôm sau từ người đàn ông trở thành phụ nữ đã được tái hiện, lần này không mang danh Woolf mà là Eaves. Orlando cũng không phải nhân vật tưởng tượng, mà đó là Alan Turing – con người thật, con thú bị dồn ép đến chân tường, một bệnh nhân, một tù nhân bị đặt trong một hệ thống công lý phi logic nơi người đồng tính mang theo mình cái bóng đen u ám về hình ảnh yếu đuối của bản thân khi đi đâu cũng gặp phải chống đối và kỳ thị, của tình cảnh thảm bại cùng cực khi bị đuổi việc, của hàng quán không ai chịu bán hàng cho, còn người quen thì làm như không biết nếu lỡ gặp ngoài đường.

*

Đầu tiên trước hết là một bản sao – người trong gương. Khi tác dụng của thứ hormone chuyển đổi giới tính bắt đầu kích hoạt, cũng là khi Alan nhận thức được sự thay đổi của bản thân mình. Những giấc mơ chập chờn kéo đến trong cơn mê sảng, nơi ông và người tình Christopher với mối tình thầm kín chưa kịp nói ra – cùng nhau bơi sang sông, nơi những ngôi nhà sang trọng trồng đầy mâm xôi nhiều màu sắc. Mối tình duy nhất từ thuở thiếu thời ám ảnh Turing trong mọi chi tiết, như điểm hội tụ cho từng câu chuyện phân kì, để rồi trở đi trở lại, ta thấy những ảo ảnh chòng chành khác dường như đều tỏa ra từ bữa tối hôm ấy – trên chiếc thuyền nơi C.C.Molyneaux lặn sâu xuống đáy sông của những phế tích tráng lệ một thời. Dòng sông phải chăng là một mặt phản chiếu khác, nơi cả Molyneaux và Alan đều bị hút vào, mà hành động xuẩn ngốc trong một giây phút? Cuộc tình cô độc ấy được Will Eaves khắc họa đẹp đến mức những liên tưởng liền quy về Bệnh nhân người Anh, nơi người phi công già hồi tưởng về những phiên chợ phương Đông bên rìa sa mạc sực nức mùi hương trên chiếc giường bệnh, hay một cảnh khác, khi Elio và Oliver đạp xe trên những phiến đá lát đường xứ Ý, đẹp đẽ đến độ nao lòng.

Bây giờ anh tắm chậm lắm, vì cơ thể anh đau đớn. Da anh nhức nhối, nhưng anh cũng quen dần với cái đau nhói khi chạm vào nước và cảm giác ngượng ngùng khi thấy hình dáng của mình sao mà thay đổi, với vết thâm dưới cánh tay, dấu vết của tính đàn ông dần biến mất trong anh, với cái hông phình ra béo núc ních […] Một con người với những nỗi đau […] Rồi khi ăn, anh lại chỉ dẫn cho acid trong dạ dày mình hoạt động. Mọi thứ tác động lên anh để có được phản hồi như người ta đã lập trình và đôi khi anh không thể tưởng tượng ra cách nào để lấy lại tự chủ. Có lẽ cũng có một lần ngoại lệ, bằng cách đo lường cực đoan đáng xấu hổ của việc gợi ý cho họ một cơ chế tạm dừng. Đó có lẽ cũng là lý do vì sao khi bình minh vừa rạng và người thầy giáo (trong mơ) cũng là bác sỹ tâm lý cho Alan (đời thực) cùng người góa phụ phụ tá đến căn nhà, Alan hay Molyneaux – lúc này ta không phân biệt nổi – đã trùm cái sọ hươu trống rỗng làm một biến thể người – hươu chạy trốn ánh sáng (hay sự thật khi cơ thể đã rành rành thay đổi). Chú hươu bơi sang sông, nhưng nỗi sợ nhấn chìm nó, nó càng vùng vẫy cặp sừng tráng lệ, nó chỉ càng chìm nhanh hơn. Những giấc mơ của Alan như tiên đoán trước một điều, và như câu văn trên – một cơ chế tạm dừng – rất có thể là chất cyanua ở phía cuối đời, dù cho vô tình hay là hữu ý. Một điềm báo thâm sâu, như bầy quạ xé toạc khoảng trời mười bảy năm tuổi. Cùng tuổi với Christopher, khi ông qua đời vì bệnh lao bò.

Bố là tổng hợp của rất nhiều người, rất nhiều thứ, khác nhau, cùng một lúc […] Một cậu bé sắp chết, một người phụ nữ trẻ, một hòn đảo với nhiều quạ đen, một người đàn ông đội gạc hươu lên đầu, một con thiên nga bay lên không, một cô y tá đang giơ kim tiêm lên… Nguồn: Đặng Xuân Lương

Không chỉ hình ảnh xuất hiện ở nơi hốc mắt, những bóng ma tiếp tục ám ảnh Alan đến độ siêu hình ở nơi âm thanh và những chuyển động. Không bất ngờ khi tên gốc của cuốn sách này (Murmur – Tiếng thì thào) cũng trùng khớp với Pedro Páramo (tên ban đầu – Los murmullos – Những tiếng thì thầm). Nếu Juan Rulfo khắc họa một địa ngục nóng đến cùng cực, nơi không có gió chỉ toàn đi xuống và xung quanh không có gì hơn ngoài tạp âm trắng của tiếng gió, tiếng sỏi lạo xạo; thì trong đầu Alan Turing, một nghĩa trang nơi linh hồn chết đã đến trú ngụ. Những linh hồn này – theo đúng nghĩa đen – đều chết, vì đó là khi Alan nghi ngại có một hệ thống máy móc làm việc bên trong mình. Không đến mức thành thực như H.G. Wells hay Karel Čapek để dựng lên một thế giới nơi máy móc ngự trị, con người bị đẩy thành thứ yếu; ở đây Will Eaves dường như khắc họa chính nỗi cơ đơn cùng cực của công việc giải mã mật mã – một trong những công việc tuyệt mật – làm nỗi đau đớn chịu tội của Alan càng thêm dày xé vì không thể chia sẻ cùng ai. Alan đến một mức độ chỉ hành động theo kiểu nhị phân, giữa 0 và 1, giữa những cỗ máy do ông tạo ra và không nghi ngờ gì nữa, một ngày nào đó sẽ trở nên thống trị trên chính thế giới mà ta đang sống.

Cũng chính những ung mủ chịu quá sức căng này làm câu chuyện Bạch Tuyết và bảy chú lùn hiện về trong giấc mơ ông đầy méo mó và quá sức chịu đựng. Nơi mẹ ông – người phụ nữ pha chế thuốc độc cho người thợ săn – June – chỗ dựa cuối cùng mà ông có – để giết chết ông. Người anh cay cú về vị trí hèn kém của mình, tị hiềm vì những công việc chân tay so với trí óc mà Alan có, người mẹ không thể đồng cảm vì những tuyệt mật công việc ông không thể nói; tất cả làm toàn cõi Alan mục ruỗng đau thương, để hiện về câu chuyện cổ tích thường thức là một cuộn phim kinh dị đến rợn người. Nơi đó mọi thứ với ông đều hiểm nguy, như một bầy ong đang cố bảo vệ thành lũy của mình – nhìn sâu bên trong đầy ắp mật ngọt, nhưng để vượt qua đó là những chông gai.

*

Hình tượng thứ ba, căn phòng – nơi ngàn con mắt đang theo dõi ông. Cảnh đồi mờ xám một ngày sương giăng nào đó Alan lần đầu tiên bắt gặp hiện thân thứ hai của mình, cũng chính trong căn phòng của cuộc sống – một thể đa bội đơn, nhưng mỗi người lại trang hoàng nó nội thất khác nhau và không ai trong chúng ta nhớ được nó đến từ đâu, dù trong sâu thẳm chúng ta đều cảm nhận rằng nó chứa đựng bên trong sự thật. Căn phòng của chúng ta là tất cả với chúng ta, là cả thế giới nội lẫn ngoại tâm, là vũ trụ và là mọi khả năng có thể của tự nhiên, của cảm xúc, giai đoạn và suy nghĩ. Mở rộng ra hơn định nghĩa một căn phòng hay một chiếc lồng, bất cứ một không gian kín nào đều cho Alan cảm nhận mình bị giam cầm, là bệnh xá nơi ông đến để chịu hình phạt để sau này trừu tượng lên thành phòng phỏng vấn; thành ngôi trường cùng học với Chris để sau này một cơn hồng thủy nhấn chìm tất cả trở về tro bụi – cũng chính là nơi con quỷ lần đầu hiện ra, vươn những xúc tu, nắm lấy chú hươu đang bơi qua sông.

Căn phòng thẩm vấn nơi Alan đối mặt với con người không có nhân dạng, nơi người điều tra và cô y tá lăm le những ống tiêm thuốc, cũng là lần đầu Alan hiểu được tình trạng của bản thân mình. Căn cước của ông lần đầu lộ diện, và đó là biến số x không hơn không kém. x là nơi ngã tư, x là nụ hôn cuối, x là một chữ cái… x là bất cứ những thứ gì đã từng tồn tại hoặc không tồn tại. x sẽ không bao giờ là một hằng số, như cuộc đời ông không là đường thẳng, chúng lên chúng xuống, cuối cùng là nỗi tuyệt vọng. như lời bộc bạch ở phía sau chót: “Tôi nghĩ mình giống như biến số x trong phép toán […] Vì sao chúng ta cứ loay hoay đi giải hết phương trình này sang phương trình khác?”

Để rồi cuối cùng mọi thứ xảy ra đều có kết thúc, căn phòng hiệu trưởng nơi Alan thọc sâu bàn tay vào cuống họng y, từ đó thoái trào một con quái vật đã dần lộ diện. Bóng nước từ đâu xuất hiện dìm hết tất cả, những thứ đẹp đẽ rồi thành phế tích. Trong căn phòng nơi tầng lầu Alan nhìn thấy Christopher rời đi cùng bố mẹ cậu, cũng là khi một sức mạnh nào đó nhen nhóm trong ông, dẫn đến hành động bạo liệt thọc sâu bàn tay. Căn phòng hiệu trưởng của người đứng đầu, liệu phải ám chỉ hệ thống xã hội vô cùng phi lý? Nơi công bằng đáng lẽ hiện diện cũng là nơi thực chất quái vật ngự trị âm mưu. Tiếng thét sau cuối là tiếng nước đổ nhấn chìm tất cả như thể tia sét sau cùng lấy lại công bằng, khi quái vật bị dìm chết và mọi thứ trở thành một kỷ nguyên sơ. Nhưng ở đó, chiếc thuyền Noah liệu có chứa nổi Alan mang đi trên mình? Hay chính chiếc thuyền vào đêm trăng sáng cả hai trèo tường vào hái mâm xôi là một dấu chỉ khi Noah xuất hiện? Nhưng đáng thương thay, vẫn là mất mát, vẫn là Molyneaux lội xuống nước sâu, để mãi mãi mất đi một nửa của mình.

*

Với Người trong gương, Will Eaves một cách tài tình đã khắc họa được một Alan Turing đầy những nghi hoặc trong cơn đau đớn bởi những áp bức phi lý của xã hội Anh những năm 50 áp đặt. Câu chuyện của Alan Turing không chỉ là một và là duy nhất, mà nó còn là tiếng nói cho những quyền lợi con người đã, đang và sẽ luôn bị áp bức; là tiếng thét khi sợi xích bất công vẫn còn quấn chặt và là tiếng nói của cơn tự hoặc tìm về bản thân. Bằng tính siêu hình văn chương vô cùng độc đáo kết hợp với những biên giới toán học vô biên, Người trong gương là cuốn sách vô cùng đáng đọc, để ngẫm, để hiểu và thẩm thấu. Không hẳn là một hành trình dễ dàng cho ai vốn ngại mạo hiểm, nhưng nếu vượt qua khúc sông cùng với chú hươu chiến thắng bạch tuộc thì Người trong gương sẽ mãi còn đó, và hành trình tìm về bản thân của mỗi chúng ta có thể bắt đầu. Một tiểu thuyết văn chương vô cùng giá trị.

Hết.


Đọc tất cả bài viết của .


Phía sau trang sách

Sứ đoàn Iwakura và những người phụ nữ đầu tiên rời khỏi Nhật Bản

Published

on

Sứ đoàn Iwakura là một phái đoàn ngoại giao quan trọng của Nhật Bản được thành lập vào năm 1871, nhằm mục đích tìm hiểu về các quốc gia phương Tây, thu thập kiến thức về công nghệ, khoa học, và hệ thống chính trị của các quốc gia này để áp dụng vào việc cải cách Nhật Bản.

Phái đoàn này được tổ chức dưới sự lãnh đạo của Iwakura Tomomi, một quan chức cao cấp của chính phủ Minh Trị. Được đánh giá là một trong những sự kiện lớn nhất của lịch sử châu Á cuối thế kỷ 19, sứ mệnh Iwakura chủ trương “Bunmei kaika” (văn minh khai sáng) đã chuyển sức mạnh của lưỡi gươm samurai sang năng lực của trí tuệ. Sứ đoàn gồm khoảng 100 thành viên, trong đó có nhiều nhân vật chính phủ cao cấp. Ngoài số kể trên còn có các du học sinh phục vụ cho việc thông dịch, thông tin. Họ đã đi thăm Hoa Kỳ và hàng chục các quốc gia châu Âu khác nhau như Anh, Pháp, Đức, Áo, Ý, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển và Nga.

Bản đồ quãng đường đã đi của sứ đoàn Iwakura. Ảnh: Digital museum of the history of Japanese in New York.

Đoàn cũng có nhiều nữ sinh trẻ tuổi theo du học, phục vụ cho việc giáo dục phụ nữ sau này. Trong số những người thuộc sứ đoàn có năm cô gái rất trẻ tham gia vào chuyến đi. Chuyến công du này đã thay đổi vận mệnh của từng người trong số họ nói riêng và cả dân tộc Nhật Bản nói chung.

Năm cô gái đồng hành cùng Sứ đoàn Iwakura gồm: Tsuda Umeko, Nagai Shigeko, Yoshimasu Ryoko, Yamakawa Sutematsu và Ueda Teiko. Trong đó, nhỏ nhất là Tsuda Umeko, lúc đó chỉ mới 6 tuổi, lớn nhất là Ueda Teiko và Yoshimasu Ryoko, 14 tuổi. Trong chuyến công du này, họ không có quyền quyết định theo ý mình mà phải nghe theo sự sắp xếp của cha mẹ và gia đình để đến một vùng đất xa lạ, gánh trên vai trách nhiệm lớn lao với nước nhà.

Trước khi được đưa sang Mỹ, họ không được học tiếng Anh hay văn hóa để thích nghi với môi trường sống ở nước ngoài. Đặt chân lên đất khách, họ bị báo chí bủa vây và gọi là "những cô công chúa kỳ lạ đến từ phương Đông". Những cô gái trẻ cảm thấy lạc lõng, cô đơn và sợ hãi khi tiếp nhận nền văn minh mới. Tệ hơn, sau đó họ phải tách nhau ra và được gửi đến các nhà nuôi dưỡng khác nhau. Sau một thời gian, hai người chị lớn tuổi nhất dần không chịu được cuộc sống ở nơi đất khách quê người và được đưa trở lại về quê nhà. Ba cô gái còn lại bao gồm Yamakawa Sutematsu, Nagai Shigeko và Tsuda Umeko đã kiên cường trụ lại, chăm chỉ nỗ lực học tập và làm nên lịch sử. Họ chính là ba trong số năm người phụ nữ đầu tiên rời khỏi Nhật Bản và cũng là những người phụ nữ thành công nhất thời Minh Trị.

Tsuda Umeko

Tsuda Umeko sinh ra trong một gia đình quan chức và được cử tham gia vào Sứ đoàn Iwakura sang Mỹ du học vào năm 1871 khi chỉ mới 6 tuổi. Dù phải học cách tự lập khi còn quá nhỏ, bà đã nỗ lực không ngừng và tốt nghiệp Học viện Aarcher Institute. Bà về nước vào năm 1892 và làm giáo viên dạy tiếng Anh của trường chuyên dành cho các nữ quý tộc.

Umeko đã dành cả cuộc đời mình để cống hiến cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục nữ giới. Năm 1900, với sự trợ giúp của hai người bạn, bà mở trường Joshi Eigaku Juku (Trường Anh ngữ cho nữ sinh), chính là tiền thân của Đại học Tsuda hiện nay. Những cống hiến lớn lao của bà đã được chính phủ Nhật Bản ghi nhận, hình ảnh của bà cũng được in trên tờ tiền 5000 yên phát hành vào năm 2024.

Nagai Shigeko

Nagai Shigeko sinh năm 1862 trong một gia đình quan chức Mạc phủ Tokugawa. Năm 1871, bà được đưa sang Mỹ sinh sống và học tập tại nhà của nhà sử học John Stevens Cabot Abbott. Năm 1878, bà nhập học trường Nghệ thuật tại Đại học Vassar và theo học chuyên ngành âm nhạc.

Khi trở về nước, bà kết hôn với Uryu Sotokichi và trở thành một trong những những giáo viên dạy piano đầu tiên ở Nhật Bản. Bà cũng là một trong những người sáng lập, dạy âm nhạc phương Tây tại Đại học Nghệ thuật Tokyo.

Yamakawa Sutematsu

Yamakawa Sutematsu sinh ra trong một gia đình Samurai truyền thống hỗ trợ Mạc phủ Tokugawa trong Chiến tranh Boshin. Gia đình bà ở phe thua trận trong cuộc nội chiến cuối cùng kết thúc thời kỳ Samurai của Nhật Bản và rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Để giảm bớt miệng ăn trong nhà, người anh trai đã tự ý quyết định đưa bà tới Mỹ mà không hỏi ý kiến của bà.

Ở Mỹ, bà đã cố gắng học tập và đạt thành tích xuất sắc, sau đó ghi danh lịch sử khi trở thành người phụ nữ có học vị cao nhất Nhật Bản lúc bấy giờ. Bà là người phụ nữ Nhật đầu tiên có bằng Đại học.

Sau khi tốt nghiệp, bà học thêm về nghiệp vụ y tá và trở về Nhật Bản vào tháng 10 năm 1882. Khi trở lại quê nhà, Sutematsu gặp khó khăn trong việc giao tiếp khi không thể đọc hoặc viết tiếng Nhật. Sau đó, bà kết hôn với Oyama Iwao. Khi chồng bà được thăng chức, bà được cũng thăng cấp theo và trở thành Công chúa Oyama vào năm 1905. Thuở ấy, bà là một người có địa vị cao trong xã hội. Bằng kiến thức của mình, Sutematsu đã tư vấn cho Hoàng hậu về các phong tục phương Tây. Bà cũng sử dụng vị trí xã hội của mình để kêu gọi, quyên góp cho giáo dục phụ nữ. Bà là người góp công lớn trong việc thành lập nên Đại học Tsuda cùng với hai người bạn Tsuda Umeko và Nagai Shigeko.

Yamakawa Sutematsu, Nagai Shigeko và Tsuda Umeko đã mang kiến thức học được từ chuyến đi cùng Sứ đoàn Iwakura để truyền bá cho nữ giới ở quê nhà. Họ cùng nhau thực hiện một kế hoạch lớn lao, đó là mở trường học dành cho phụ nữ thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. Dù ngay từ lúc bắt đầu đã gặp rất nhiều khó khăn, nhưng họ vô cùng quyết tâm và đã thành công. Họ là những người đã đặt nên nền móng để xây dựng nên nền giáo dục vì phụ nữ tại Nhật Bản, phất lên ngọn cờ chiến đấu vì nữ quyền, quyền được học tập làm việc, theo đuổi đam mê của bản thân.

Phỏng theo bài viết của Ái Thương trên Kilala.vn

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Patrick Hogan: “Những gì xảy ra ở Việt Nam sẽ không ở lại Việt Nam”

Published

on

By

Mockup_Mua_xuan_vang_lang_Mua_thu_chet_choc_cua_chien_tranh_VN

Patrick Hogan đóng quân tại miền Nam Việt Nam từ tháng 9.1966 đến tháng 6.1969 tại Cam Ranh (Khánh Hòa). Sau khi giải ngũ, ông được bổ nhiệm vào Sở cảnh sát Teaneck với tư cách là nhân viên thực thi pháp luật. Vào năm 2012, sau khi nghe bài phát biểu của cựu Tổng thống Barack Obama về chiến tranh Việt Nam, ông bỗng cảm thấy vô cùng cấp bách để điều tra về việc phơi nhiễm chất độc màu da cam và những hóa chất mà chính quyền Mỹ đã rải xuống Việt Nam trong giai đoạn này.

Khi bắt đầu nghiên cứu, ông chưa từng nghĩ mình sẽ chạm đến những bí mật khổng lồ về các loại hóa chất này. Nhưng sau cái chết của người bạn và cũng là cựu chiến binh Larry White, ý tưởng về Mùa xuân vắng lặng - Mùa thu chết chóc của Chiến tranh Việt Nam đã ra đời. Tác phẩm vừa được Phương Nam Books và NXB Thế giới ấn hành, qua việc chuyển ngữ của dịch giả Nguyễn Văn Minh. Cuộc phỏng vấn sau đây sẽ nói nhiều hơn về tác phẩm ông đã “thai nghén” trong nhiều năm qua.

- “Mùa xuân vắng lặng - Mùa thu chết chóc của Chiến tranh Việt Nam” nói về điều gì, thưa ông?

- Đây là câu chuyện về chiến tranh, câu chuyện về sự giận dữ và cuồng nộ, một cuốn biên niên sử được viết trong đau buồn và hy vọng. Đó là câu chuyện của vô số cựu binh từng phục vụ tại Việt Nam. Đó là một cuốn sách đi sâu vào các hóa chất chết người đã được sử dụng trong suốt cuộc chiến và ảnh hưởng của chúng lên các cựu binh. Nhiều trong số đó vẫn đang được sử dụng trên khắp nước Mỹ, thậm chí cho đến ngày nay. Đó là hành trình phơi bày mọi điều mà chính phủ Hoa Kỳ chưa từng và chưa bao giờ muốn phơi bày ra ánh sáng.

- Điều gì đã truyền cảm hứng cho ông viết về chiến tranh Việt Nam?

- Thực ra tôi chưa bao giờ nung nấu ý định trở thành nhà văn. Cuốn sách ra đời trong một hoàn cảnh gần như ngẫu nhiên. Điều tốt nhất tôi có thể làm gần nửa thế kỷ sau chiến tranh là viết lại “sự phản bội” mà chúng tôi nhận được khi bị buộc phải tiếp xúc với thuốc trừ sâu độc hại và những điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh Việt Nam. Tất cả là nỗ lực đưa ra ánh sáng những gì đã xảy ra ở đó để chúng sẽ không bao giờ có khả năng lặp lại với các thế hệ quân nhân mới, với cả gia đình và con cháu họ, thậm chí là cả cháu chắt nữa.

Mùa Xuân Vắng Lặng - Mùa Thu Chết Chóc Của Chiến Tranh Việt Nam

Ban đầu, việc viết sách hay trở thành tác giả là điều xa vời trong tâm trí tôi. Tuy nhiên, ngay sau khi tôi từ Việt Nam trở về, cha tôi đã thúc giục tôi nộp đơn yêu cầu bồi thường khuyết tật lên Bộ Cựu chiến binh (DVA) vì những vấn đề y tế mà tôi gặp phải trong thời gian phục vụ quân ngũ. Tôi bắt đầu quá trình này không mấy nhiệt tình và nhanh chóng bị cuốn hút bởi cuộc sống dân sự mới.

Tôi không truy tầm lại chúng suốt nhiều thập kỷ, cho đến vào một ngày tháng 5 của năm 2012, sau khi xem Tổng thống Barack Obama phát biểu về sự khủng khiếp của Chiến tranh Việt Nam, thì điều gì đó trong con người tôi bất chợt “sống dậy”. Từ đó dấn thân nghiên cứu và điều tra mối liên hệ nhân quả giữa vô số vấn đề về sức khỏe và việc tôi bị phơi nhiễm chất độc màu da cam ở Việt Nam.

- Ông có thể chia sẻ về quá trình nghiên cứu của mình không? Đâu là khía cạnh thú vị nhất?

- Nghiên cứu của tôi kéo dài vài năm vì sự phức tạp của tất cả các hóa chất độc hại mà chúng tôi đã tiếp xúc và tương tác. Càng điều tra, tôi càng nhìn lại và cân nhắc tất cả những sinh mạng đã bị rút ngắn một cách không cần thiết - bị lấy đi, bị hủy diệt và chết dần mòn do việc sử dụng tràn lan thuốc trừ sâu. Tôi tức giận và quyết tâm hoàn thành cuốn sách.

Chúng tôi không chỉ bị phơi nhiễm chất độc màu da cam mà còn vô số hóa chất độc hại chết người. Thật đáng xấu hổ khi có biết bao nhiêu sinh mạng đã thiệt mạng trong nửa thế kỷ qua mà không ai biết sự thật về chúng. Một trong những điều hối tiếc lớn nhất của tôi là đã mất quá nhiều thời gian để thức tỉnh và viết cuốn sách này.

- Ông là một cựu trung sĩ. Điều này đã ảnh hưởng đến việc viết như thế nào?

- Việc là một sĩ quan cảnh sát và điều tra viên đã nghỉ hưu thực sự có ích trong giai đoạn nghiên cứu và viết nó ra. Thực ra, tất cả kinh nghiệm sống của tôi đều được phát huy trong quá trình viết sách.

- Về thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ được sử dụng trong giai đoạn ấy, ông có nghĩ rằng tác động của chúng đã dần giảm đi trong những năm qua?

- Cuốn sách không chỉ thảo luận về các hóa chất đã được sử dụng ở Việt Nam mà còn về tất cả các loại thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu độc hại được dùng trong chiến tranh nói chung. Thật không may, ngày nay hầu hết mọi người đều tin rằng chất độc màu da cam là loại thuốc trừ sâu duy nhất mà chúng ta bị phơi nhiễm. Sự thật là chiến tranh Việt Nam đã bị chính phủ biến thành một chiến dịch truyền thông sai lệch nhằm hạ thấp hoặc phớt lờ tất cả các hóa chất khác mà chúng ta đã tiếp xúc ở đó.

- Ông cũng trích dẫn nhiều thông điệp tích cực từ “Kinh Thánh”. Vì sao trong một nghiên cứu đầy cuồng nộ vẫn có những niềm hy vọng như thế?

- Đối với tôi, ở cả thời điểm này, tôi vẫn khó có thể hiểu được động cơ của tội ác ấy, cũng như sự vụ che giấu trong nhiều thập kỷ. Nhưng dù thế nào thì vẫn có ánh sáng trong ngày tăm tối. Hy vọng trong tương lai những hồ sơ này sẽ được tiết lộ, và tội ác sẽ không xảy ra thêm lần nào nữa với thế hệ quân nhân khác.

- Xin ông chia sẻ khía cạnh thách thức nhất khi viết cuốn sách này là gì?

- Đó là nỗi buồn cá nhân khi viết câu chuyện của Larry – bạn tôi, và quay lại khoảng thời gian tôi ở Việt Nam cũng như rất nhiều căn bệnh mà tôi đã mắc trong những năm qua.

Patrick Hogan

Hồ sơ chính thức của chính phủ Hoa Kỳ ghi nhận hơn 58.280 quân nhân Hoa Kỳ đã chết ở Việt Nam. Đó là thương vong cuối cùng của cuộc chiến đó. Ngoài ra, có trên 300.000 quân nhân được ghi nhận là bị thương và tàn phế. Tuy nhiên, những số liệu thống kê nghiêm túc đó lại không ghi nhận hàng chục nghìn binh sĩ, thủy quân lục chiến và thủy thủ đã thiệt mạng, bị thương và bị thương tật do thuốc trừ sâu sử dụng ở Việt Nam. Ai sẽ ghi lại sự hy sinh và cái chết của họ? Mặc dù tôi không mong đợi cuốn sách của mình sẽ thay đổi những số liệu thống kê, nhưng tôi hy vọng có thể giúp ích một phần nào đó cho thế hệ tương lai.

- Ông có bao giờ rơi vào tình trạng bị bí ý tưởng?

- Không. Bản thảo ban đầu của cuốn sách dài khoảng 400 trang, ngoại trừ câu chuyện của Larry và việc hồi tưởng lại thời gian tôi ở Việt Nam thì mọi việc diễn ra suôn sẻ.

- Ông có phải là một tác giả có kỷ luật hay có lịch trình cụ thể không?

- Tôi tự coi mình là một tác giả có kỷ luật, nhưng ngay cả vậy tôi cũng thường mang theo tập giấy và bút vì sẽ có những cảm hứng sẽ đến bất chợt. Đặc biệt là sau sự tương tác căng thẳng của tôi với Bộ Cựu chiến binh (DVA) và vòng xoay hành chính.

Đọc thêm nội dung sách: tại đây!

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Khán giả học – vai trò của người xem phim

Published

on

Kevin Goetz và Darlene Hayman nghiên cứu tâm lý người xem nhằm lý giải sự thành bại của các phim Hollywood, trong sách "Khán giả học".

Cuốn sách xuất bản trong nước, Phương Nam Book phát hành, đưa ra cách tiếp cận mới khi khảo sát những điều khán giả chờ đợi ở một bộ phim. Hai tác giả đi sâu vào bóc tách tâm lý của khán giả trong 10 chương, từ đó đưa ra sự đúc kết về tầm ảnh hưởng của người xem đối với điện ảnh.

Kevin Goetz cho rằng những lời góp ý, nhận xét sẽ làm thay đổi diện mạo phim. Phản hồi từ khán giả trong các buổi chiếu thử có thể giúp tác phẩm được quảng bá rộng rãi, thậm chí nâng cao chất lượng về mặt nghệ thuật lẫn doanh thu. Goetz lấy ví dụ: "Tờ giấy khảo sát sau khi xem phim có khối lượng chưa đến 100 gr, song lại mang sức mạnh tựa như cú móc hàm phải của võ sĩ Tyson".

Sách có đoạn: "Qua nhiều năm, các nhà nghiên cứu và những người dày dặn kinh nghiệm trong ngành công nghiệp điện ảnh đều biết rõ, thước đo then chốt cho mức độ hấp dẫn của bất kỳ bộ phim thương mại nào cũng được xác định bởi các điểm số xuất sắc và rất hay mà phim nhận được từ phản hồi của khán giả tham dự buổi chiếu thử".

Bìa sách Khán giả học, tựa gốc Audience-ology: How Moviegoers Shape the Films We Love. Tác phẩm dày 364 trang, do Thanh Vy biên dịch. Ảnh: Phương Nam Book
Bìa cuốn "Khán giả học", tên gốc "Audience-ology: How Moviegoers Shape the Films We Love". Sách dày 364 trang, do Thanh Vy biên dịch. Ảnh: Phương Nam Book

Trong sách, hai nhà nghiên cứu thuật lại quy trình của buổi chiếu thử, từ việc chọn khán giả dựa theo số liệu nhân khẩu học, tiêu chí chọn địa điểm công chiếu, đến những khoảnh khắc trong phim khiến người xem bật cười hay òa khóc. Goetz nhấn mạnh việc lấy khảo sát từ khán giả có thể giúp biên kịch, nhà sản xuất và đạo diễn lược bỏ chi tiết thừa hoặc thêm yếu tố mới, nhằm đẩy câu chuyện lên cao trào, đồng thời giúp phim đạt hiệu quả tốt nhất.

Những lý giải nhằm chứng minh công việc sáng tạo giống như trò chơi "đỏ đen" có tên là tâm lý học. Sau buổi công chiếu thử, tiếng vỗ tay, hò hét hay phản ứng khóc, cười từ khán giả có thể trở thành tín hiệu dự báo mức độ thành công.

Tác phẩm còn cho thấy nền điện ảnh không chỉ có bề dày lịch sử, các đạo diễn gạo cội, phim bất hủ, mà là một ngành khoa học phải đối mặt với nhiều thử thách. Goetz đưa chuyện thực tế trong các buổi chiếu thử phim nhằm giúp độc giả có cơ hội chứng kiến hậu trường Hollywood từ nhiều khía cạnh.

Goetz mời một số nhân vật nổi tiếng để chia sẻ trải nghiệm của họ với các buổi chiếu thử, gồm chủ hãng phim Blumhouse Jason Blum, đạo diễn Ron Howard và nhà sáng lập công ty Illumination Chris Meledandri. Theo Variety, sách cũng cung cấp góc nhìn về tác động của khán giả đối với bản dựng phim cuối trước khi công chiếu, như trong một số tác phẩm biểu tượng Fatal AttractionThelma & Louise và Cocktail.

Tác giả cuốn Khán giả học: Kevin Goetz (trái) và Darlene Hayman. Ảnh: Simon & Schuster
Tác giả cuốn "Khán giả học": Kevin Goetz (trái) và Darlene Hayman. Ảnh: Simon & Schuster

Khán giả học nhận nhiều ý kiến tích cực từ giới chuyên môn. Theo trang Goodreads, sách được viết với giọng văn hài hước, pha lẫn kịch tính và bất ngờ, mang đến cho độc giả cái nhìn mới về lịch sử điện ảnh. Trang tin tức A Frame của giải Oscar xếp tác phẩm là một trong những cuốn sách phải đọc về điện ảnh hiện đại.

Cựu chủ tịch hãng phim Sony Amy Pascal đánh giá tác phẩm gây ấn tượng khi mang đến câu chuyện ngoài lề thú vị ở Hollywood. "Tôi ước quyển sách này xuất hiện lúc tôi bắt đầu sự nghiệp trong ngành điện ảnh", Pascal cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Chủ tịch Sony Pictures Entertainment Motion Picture Group - Tom Rothman - nhận xét: "Thấu hiểu những gì khán giả thực sự nghĩ không phải là điều dễ dàng. Và Kevin là bậc thầy trong việc lắng nghe người xem, như những gì được tiết lộ trong quyển sách của anh".

Kevin Goetz là nhà sáng lập công ty nghiên cứu phim Screen Engine, có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điện ảnh. Anh cũng là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ, Hiệp hội các nhà sản xuất phim Mỹ. Sách đầu tay của Goetz Khán giả học ra mắt lần đầu năm 2021.

Darlene Hayman là nhà phân tích nghiên cứu thị trường phim ảnh ở Mỹ, cộng tác với Kevin Goetz hơn 15 năm. Cô nổi tiếng vì hỗ trợ các đạo diễn trong việc nắm bắt thị hiếu khán giả, góp phần tinh chỉnh tác phẩm trong giai đoạn cuối quá trình hậu kỳ.

Theo Vnexpress

Đọc bài viết

Cafe sáng