Book trailer

“Ellie yêu dấu” và nỗi đau của loài chim chích

Published

on

Trong thế giới tự nhiên, tu hú có lẽ là loài chim có tập tính sinh học kỳ lạ và tàn ác nhất mà ta từng biết tới. Vì chim non không thể chuyển hóa độc tính có trong thức ăn (thường là sâu bọ), nên những bà mẹ phải gửi con mình ở tổ khác – mà một trong số những loài chim được các bà mẹ tu hú yêu thích là loài chim chích. Để đảm bảo số trứng vẫn còn toàn vẹn (để bầy chim chích không phát hiện ra), thì trước khi giao phó nghĩa vụ thiêng liêng, bà mẹ tu hú nhà ta cũng kịp đánh chén một quả trứng non từ giống khác loài. Chim chích nuôi lớn tu hú non mà không hề biết rằng, sau khi nở ra từ lớp vỏ trứng, việc đầu tiên chim ta làm là đẩy những anh chị em không hề ruột rà lọt ra khỏi ổ để mà độc chiếm sự săn sóc. Khi chích oằn mình nuôi lớn con non có khi đã lớn gấp hai lần mình, thì vào một ngày chim ta sẽ vỗ cánh bay đi, không lời từ biệt hay báo đáp.

Trong tình huống này, khi người ta vẫn hay chú ý tới chính tội ác và sự kỳ lạ ở loài tu hú thì nỗi đau của chim chích mẹ khi phát hiện ra con mình đã bị đánh tráo, đã bị ăn thịt còn bản thân mình lại đi cung phụng một tên vong ân bạc nghĩa lại thường trôi qua tưởng như dĩ vãng. Tự nhiên luôn chứa những điều kỳ lạ tưởng chừng vô song, và để hoàn thiện bức tranh đau đớn đầy màu nước mắt; chí ít mẹ thiên nhiên cũng biến chim chích tỏ ra ngu ngơ trước sự nhận biết đứa con của mình – không như loài chim yến đâm đầu vào vách núi khi tổ đã bị dời đi. Thế nhưng, liệu có tồn tại trường hợp nào đó khi loài tu hú đóng vai điểu nhân, còn loài chim chích là một bà mẹ tưởng như bình thường nhưng bỗng sinh ra lại thêm đầu óc, thì nỗi đau ấy sẽ thành ra sao?

Đó chính là những gì Ellie yêu dấu cố gắng phác họa – về nỗi đau, mất mát, hy vọng và cả niềm tin khi bi kịch ập đến vào trong cuộc đời. Tác phẩm là câu chuyện kể về ba phụ nữ đứng trước bi kịch trong cuộc đời mình. Đó là Laurel, người mẹ trải qua bi kịch quá lớn khi cô con gái mình yêu thương nhất bỗng nhiên mất tích. Đó là Hana khi phải oằn mình gánh chịu cú sốc sau bi kịch ấy, khi bố mẹ ly thân còn chính mẹ mình chỉ ôm mãi bóng hình em gái. Còn là Noelle – một người phụ nữ thất bại ở mặt ngoại vi, người khao khát yêu đương từ trong bản chất và những đau đớn mà bất cứ một phụ nữ nào cũng không cần phải trải qua. Ba con người này đứng đó như ba nữ thần số mệnh đối với Ellie, những người sẽ một lần nữa quyết định chính số mệnh cô, chính vận mệnh cô mà không hề biết chính sự ích kỷ và nỗi tha hóa có thể biến con người ta tàn ác đến mức độ nào.

*

Lisa Jewell xây dựng cuốn tiểu thuyết này theo motif trinh thám – dẫn đến tàn ngày để lại ở trong Ellie là những kỷ niệm, mà người nắm rõ nhất lại không ai khác ngoài mẹ của cô, bà Laurel, người nắm vai trò dẫn dắt toàn bộ cốt truyện. Với Laurel, Lisa Jewell đã xây dựng nên hình dáng bà mẹ điển hình hệt như Elizabeth Gilbert từng xây dựng trong Người đàn ông Mỹ cuối cùng. Đó là bà mẹ tất bật lo toan mọi chuyện trong một gia đình đông đúc bầy con và một ông chồng hờ hững không quan tâm mấy. Sau khi rơi vào bi kịch của sự mất tích, bà ngày càng trở nên bi quan và mỏi mệt với mớ mùi mẽ khó chịu và bầu không khí của căn nhà – trong một trạng thái kinh khủng, tuyệt vọng, khiếp hãi, hoảng loạn…  Từ một bà mẹ có vẻ chán chường nhưng vẫn còn đâu đó động lực thúc đẩy trong cuộc sống; nay mọi lý tưởng tắt ngấm, bà sống cho hết thời giờ, làm những công việc không quan trọng mấy và vẫn đi gặp những người bà từng không hề đoái hoài ở trong quá khứ.

Sự mất tích của cô con gái, mối quan hệ đi đến đường cùng của cuộc hôn nhân… tất cả khiến bà chìm dần vào sự vô hồn. Nhưng rồi bi kịch không dừng ở đó. Chúng trở đi trở lại và được mở ra những hướng khác nhau, tưởng chừng ta không thể ngờ.

Review sách: Ellie yêu dấu (Lisa Jewell)
Ảnh: AZ Việt Nam

Khi Laurel lâm vào buồn đau bởi đứa con bà yêu thương nhất không thể trở về thì Hana là đứa trẻ bỗng chốc đánh mất tuổi thơ bởi sự mất tích của cô em gái. Hình tượng Hana thật ra không hề hiếm thấy trong mọi gia đình. Khi một ngôi nhà có nhiều đứa con, sự sẻ chia tình cảm theo nhiều nấc thang gắn bó là điều hiển nhiên và là rõ ràng. Như A. S. Byatt từng viết trong Truyện trẻ con: “Tình cảm đó phụ thuộc vào khoảng cách tuổi giữa các đứa con, vào sức khỏe của cha mẹ, vào cái chết, vào việc đứa con nào có thể sống qua dịch bệnh hay tai nạn và đứa nào không.”

Hana là một đứa trẻ thiếu thốn tình thương, làm thành vách ngăn không thể lấp đầy giữa cô và mẹ. Việc có bạn trai, những rắc rối trong công việc, áp lực hay trách nhiệm tuổi trẻ; tất cả đều khó nắm bắt đối với bà mẹ kiểu như Laurel. Thay vì một sự gắn kết từ trong máu thịt, nay hai người họ dè chừng với nhau, không dám đặt trọn bàn chân vào trong lãnh địa ở nơi người kia – cộng thêm kết cấu gia đình ngày càng phức tạp – đã khiến mối quan hệ ấy lâm vào đường cùng.

Và không ai khác, người quan trọng nhất và chủ chốt nhất là Noelle – chị cả Atropos, người dùng cây kéo cắt đứt sợi tơ sinh mệnh của mọi sinh linh và vạn vật. Những dòng Lisa Jewell miêu tả về người phụ nữ đầy vẻ bí ẩn này vô cùng khó chịu, mang vẻ ngột ngạt. Phải thừa nhận rằng, đối với Ellie yêu dấu, tuy rằng được xây dựng với kết cấu của một tiểu thuyết trinh thám; nhưng điều hay nhất và thành công nhất mà Lisa Jewell làm được lại là khắc họa tâm lý, đặc biệt nhất ở những người phụ nữ. Một sự thấu cảm, một nỗi đồng điệu, dường như có lẽ?

Noelle chất chứa trong mình nỗi dồn nén mà – như đã nói – không người đàn bà nào xứng đáng phải chịu. Với vẻ ngoài không hề cuốn hút, việc lớn lên trong một gia đình Ireland đầy vẻ ngoan đạo với phần nào đó có chút mục ruỗng, việc mất đi người em từ nhỏ và đau hơn hết là hai cái thai chết lưu với người đàn ông mà mình khao khát; Noelle và bà Laurel là hai hình tượng trái ngược hoàn toàn. Một bên cuốn hút với những đường cong, một bên khô khan như chính môn toán mà cô theo đuổi. Một bên hạnh phúc với ba người con, một bên không hạt giống nào có thể nảy mầm. Một bên tràn ngập tươi sáng được sống cuộc đời giản dị, một bên ngay từ ban đầu đã phải oằn mình với tới được hai chữ “bình thường”. Hai người họ là hình bóng của một chiếc gương, họ soi chiếu lẫn nhau, thể hiện vị thế của hai phụ nữ ở hai địa hạt – một người với những giá trị truyền thống và người kia vật lộn từ chủng tộc khác, từ miền đất khác; mong muốn hòa nhập, được sống hết mình.

*

Để hỏi trong ba người họ ai đau đớn nhất, ai đáng thương nhất, thì không một ai nhiều hơn ai cả. Cả ba người họ như đang đứng trên ba đỉnh một tam giác đều – soi chiếu lẫn nhau, lặn vào trong nhau. Có cái tổn thương từ trong tuổi thơ của Hana, có cái mất mát trong bà Laurel và cái đáng thương trở thành động cơ rất khó chấp nhận ở trong Noelle. Cả ba người họ đều tuôn trào ra một sự đáng thương nhưng cũng đáng trách. Lisa Jewell thành công khi lột tả được bước đi sóng đôi của trạng thái này, để từ trong đó ta dễ thấy được nạn nhân hay là kẻ thù cũng đau như nhau, có chăng là khác ở mặt động cơ hay là mức độ.

Lisa Jewell, bằng những nút thắt đầy tính gợi mở trong một kết cấu tiểu thuyết trinh thám cùng sự thấu hiểu tâm lý vô cùng nổi trội, đã tạo nên được cuốn sách của những bi kịch đầy cảm động mà xót xa. Điểm nổi bật nhất của cuốn sách này, như đã nói trên, là những nhân vật tưởng như bình thường bỗng chốc bị lôi ra khỏi dòng sống thường ngày một cách kịch tích mà đầy khó hiểu. Để sau những bi kịch ấy; hy vọng, tình thương, tha thứ là cuộc phục hưng từ trong đời sống của mỗi người họ, để vượt qua mất mát, buông bỏ, kinh hoàng, khiếp hãi. Một cuốn trinh thám tâm lý vô cùng đáng đọc, và nhất là cho những người phụ nữ của đời sống này.

Hết.


Đọc tất cả bài viết của bí


Book trailer

Niên lịch miền gió cát bàn cách sống hòa hợp thiên nhiên

Published

on

Sách Niên lịch miền gió cát là ghi chép của Aldo Leopold - nhà sinh thái học hoang dã - về các con người tôn trọng thiên nhiên.

Aldo Leopold là nhà địa chất học, nhà môi trường học. Năm 1935, gia đình ông mua một trang trại cũ gần sông Wisconsin (Mỹ), trồng cây và cứu sống cánh đồng đã chết. Ông ghi nhận những thay đổi của sinh, thực vật trong quá trình phục hồi. Các bản thảo sau đó được tập hợp thành quyển Niên lịch miền gió cátxuất bản tháng 4/1948, một tuần sau khi tác giả mất do đau tim.

Niên lịch miền gió cát do Dương Mạnh Hùng chuyển ngữ. Sách Phương Nam phát hành. Ảnh: Phương Nam Book.

Sách gồm ba phần. Phần một là quan sát sinh vật thay đổi theo từng tháng tại trang trại ở Wisconsin. Phần hai là ghi chép hành trình khám phá đời sống hoang dã của ông trong 40 năm. Phần cuối là nhận định về việc bảo tồn thiên nhiên. Thông qua thể văn xuôi đậm chất hóm hỉnh kết hợp yếu tố lịch sử, khoa học, Leopold truyền tải ý nghĩa về mối liên hệ giữa con người với môi trường, hy vọng độc giả yêu, tôn trọng thiên nhiên.

Ông đề ra đạo đức môi trường tự nhiên (land ethic): "Một hành động là đúng đắn là khi hướng tới bảo tồn tính toàn vẹn, ổn định của cộng đồng sinh vật". Leopold viết: "Con người sẽ có ý thức bảo tồn khi tiếp xúc, hiểu, cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên". Khi sống gần các sinh, thực vật, mỗi người sẽ hình thành đạo đức - cơ chế tự kiểm duyệt trước khi hành động tổn hại môi trường. Con người cần khám phá, kết nối với tự nhiên để có lòng yêu thương, quan tâm thế giới tạo hóa ban tặng.

Theo Buddy Huffaker, chủ tịch của Aldo Leopold Foundation (tổ chức nâng cao ý thức bảo vệ môi trường dựa trên lý luận của Leopold): "Nhờ lập luận về đạo đức môi trường tự nhiên nên Niên lịch miền gió cát được săn đón vào năm 1970 - lần đầu tiên tổ chức Ngày Trái đất. Các ghi chép về đạo đức của tác giả được áp dụng rộng rãi và vô tình trở thành chuẩn mực ứng xử với thiên nhiên". The Boston Globe nhận định sách là "một trong những tác phẩm có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào môi trường".

Aldo Leopold là nhà khoa học, nhà địa chất học, nhà triết học, nhà môi trường học người Mỹ. Ảnh: aldoleopold.

Aldo Leopold (1887-1948) trải qua thời thơ ấu tại Burlington, gần dòng sông Mississippi - nơi dấu chân của ông trải khắp các khu rừng, đồng cỏ. Leopold học lâm nghiệp tại trường dạy về rừng của Yale. Sau khi tốt nghiêp năm 1909, ông làm việc tại Cục Kiểm lâm Mỹ, đồng thời nghiên cứu sinh thái học, đề ra đạo đức môi trường tự nhiên. Năm 1933, tập sách về quản lý động vật hoang dã Game Management được xuất bản. Năm 1982, vợ và năm người con thành lập The Aldo Leopold Foundation nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường hoang dã dựa trên di sản trí tuệ tác giả để lại.

Theo VNexpress

Đọc bài viết

Book trailer

Người đẹp ngủ mê – tiểu thuyết kinh điển về nỗi buồn

Published

on

Người đẹp ngủ mê của nhà văn Nhật Kawabata Yasunari khắc họa nỗi buồn qua những suy nghĩ về sự sống và hoài niệm.

Người đẹp ngủ mê do dịch giả Quế Sơn chuyển ngữ, tái bản trong nước cuối tháng 11. Tác phẩm xuất bản lần đầu năm 1961, dựa trên kịch bản sân khấu kabuki Những mỹ nữ, công diễn vào khoảng thế kỷ 17 ở Nhật Bản.

Bìa sách Người đẹp ngủ mê. Tác phẩm dày 160 trang, tái bản trong nước cuối tháng 11. Ảnh: Phương Nam Book
Bìa sách Người đẹp ngủ mê. Tác phẩm dày 160 trang, tái bản trong nước. Ảnh: Phương Nam Book

Tác phẩm xoay quanh năm lần ông lão Eguchi ghé thăm ngôi nhà của những trinh nữ xinh đẹp tuổi chưa đầy 20. Họ bị gây mê bằng thuốc ngủ liều cao, khỏa thân trong tình trạng ngủ say. "Nếu chỉ cần lay nhẹ mà cô gái đã thức dậy thì ngôi nhà này đâu còn gì bí ẩn nữa. Các vị khách đến đây 'giống như ngủ với một ông Bụt vô hình'. Đối với các ông già, ngủ với một người đẹp không khi nào tỉnh thức là một mối cám dỗ, một cuộc phiêu lưu, một niềm vui thú mà họ tin mình còn thực hiện được", tác giả viết.

Mỗi chương là một lần Eguchi đến ngôi nhà ngủ cùng cô gái khác nhau. Khi màn đêm buông xuống, nhiều tiếng động kết hợp tạo nên bản nhạc của thiên nhiên, con người. Hơi thở của những cô gái, cộng với tiếng gió thổi qua mái nhà và âm thanh sóng biển đập vào vách đá. Từ đó, Eguchi hồi tưởng quá khứ, nhớ về những người đàn bà đi qua đời ông.

Tác giả lấy những hoài niệm để ẩn dụ cho sự tiếc nuối vẻ đẹp văn hóa Nhật Bản. Kỷ niệm tái hiện qua không gian, hình ảnh thiên nhiên xung quanh ngôi nhà của các mỹ nữ. Việc ngủ cạnh những cô gái khiến Eguchi khám phá nhiều cung bậc cảm xúc, đồng thời nhận ra sự cô đơn của mình. "Một nỗi cô đơn buồn bã trào lên. Nhưng hơn cả nỗi cô đơn hay nỗi buồn rầu, chính là nỗi cô chiếc tuyệt vọng của tuổi già như thể đông lạnh hẳn trong ông", Kawabata viết.

Tác phẩm không chỉ tràn ngập những mỹ từ, như "bàn tay mịn và đẹp, mái tóc trinh trắng, đôi má ửng đỏ, cổ và vai trông tươi và trẻ", mà còn suy tưởng về quy luật của thời gian, sự sống và cái chết, nỗi hoài niệm quá khứ, khao khát tương lai. Đời sống xã hội mang nhiều tổn thương, khiến con người dễ rơi vào tâm trạng cô đơn, tiếc nhớ những tháng ngày quá khứ.

Bìa trong của tác phẩm Người đẹp ngủ mê năm 2023. Ảnh: Phương Nam Book
Bìa trong của tác phẩm Người đẹp ngủ mê năm 2023. Ảnh: Phương Nam Book

Càng về cuối, Kawabata càng đào sâu ký ức của nhân vật chính, nhằm giúp Eguchi tìm lại được cảm xúc thuần túy nhất. Eguchi tin những lão già như mình, khi có dịp trú ngụ tại ngôi nhà của các mỹ nữ, không chỉ nhìn lại thời trai trẻ mà cố quên đi những việc tiêu cực xảy ra trong cuộc đời. Từ khía cạnh này, Eguchi liên tưởng những người đẹp ngủ mê là hiện thân của thần tiên trong các truyền thuyết.

"Cô gái ngủ mê man như chết nhưng thời gian sinh tồn của nàng đâu có ngưng chảy, vậy nàng có giữ được thời gian đó không hay là nó chảy tuột vào một vực sâu không đáy? Nàng không phải là một búp bê sống, vì không thể có búp bê sống trên thế gian này; nàng được biến thành một đồ chơi sống, để các cụ già đã mất năng lực đàn ông không bị cảm thấy xấu hổ. Không, không phải một đồ chơi: đối với các cụ, nàng chính là cuộc sống. Một cuộc sống người ta có thể sờ mó được, một cách tự tin", Kawabata nhận định.

Trong một số tác phẩm, Kawabata thường lồng ghép quan điểm của mình để gợi nhớ cuộc sống mồ côi và những khó khăn thời trẻ tuổi trẻ. Đồng thời, nhà văn để lại nhiều khoảng trống để độc giả tự khám phá. Bằng sự khéo léo biến hóa ngôn từ, Kawabata dẫn dắt người đọc qua nhiều tình huống, tạo nên cảm nhận khác nhau khi đọc tác phẩm.

Tác phẩm được giới chuyên môn và nhiều độc giả đánh giá cao. Năm 1968, Người đẹp ngủ mê giúp Kawabata Yasunari trở thành tiểu thuyết gia người Nhật đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học. Đại diện Viện Hàn lâm Thụy Điển nhận xét: "Tác giả tôn vinh cái đẹp hư ảo, đồng thời khắc họa nỗi buồn hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và định mệnh con người".

Trên trang đánh giá sách Goodreads, độc giả Jim Fonseca viết: "Những dòng văn mở đầu câu chuyện góp phần che đậy nỗi khao khát và ký ức tình yêu trong quá khứ của nhân vật. Tác phẩm có chút kinh dị nhưng hấp dẫn, khắc sâu vào tâm trí tôi".

Nhà văn Kawabata Yasunari. Ảnh: Estate of Yousuf Karsh
Nhà văn Kawabata Yasunari. Ảnh: Estate of Yousuf Karsh

Kawabata Yasunari (1899-1972) sinh ra ở Osaka, mồ côi năm lên hai tuổi. Từ đó, ông và người chị ruột sống cùng ông bà ngoại và gia đình người dì. Qua thời gian, những sáng tác văn chương, tiểu luận mỹ học và phê bình văn học của Kawabata vẫn luôn hấp dẫn nhiều nhà nghiên cứu văn học khắp thế giới, do phản ánh nhiều phương diện văn hóa và đề cao tinh thần người Nhật. Nhiều tác phẩm của Kawabata từng xuất bản trong nước, gồm: Đẹp và buồnHồTiếng núiXứ tuyếtBồ công anh.

Theo Vnexpress

Đọc bài viết

Book trailer

Quán thiền trong Đường xưa mây trắng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Published

on

Đường xưa mây trắng là tác phẩm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Cuốn sách kể về cuộc đời Đức Phật, mà ai đọc vào cũng cảm nhận được điều hay lẽ phải. Giáo lý nhà Phật được tác giả phân tích dễ hiểu, dễ nắm bắt.

Thầy Thích Nhất Hạnh (tên khai sinh Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm 1926, tại Huế). Ông là Thiền sư nổi tiếng người Việt Nam. Ông hiện là nhà sư có ảnh hưởng lớn đến Phật giáo trên toàn thế giới. Không những là nhà tu hành, Thích Nhất Hạnh còn hiện diện là một nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu. Đến nay, ông đã viết được hơn 100 cuốn sách.

Hầu như tác phẩm nào của ông cũng gây được sự chú ý không chỉ ở những người theo Phật giáo, mà ở nhiều độc giả, ở mọi lứa tuổi, ngành nghề, tôn giáo khác. Tác phẩm Đường xưa mây trắng của Thầy Thích Nhất Hạnh có thể được coi như là một cuốn tiểu thuyết về cuộc đời Đức Phật, mà trong sách, tác giả gọi là Bụt. Bụt là phiên âm từ âm Buddha trong tiếng Phạn.

Quán thiền trong Đường xưa mây trắng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Tác phẩm Đường xưa mây trắng - Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Cuộc đời Đức Phật được kể qua con mắt của chú bé chăn trâu Svasti, sau xuất gia, trở thành một vị đệ tử của Phật. Svasti từng cúng dường cỏ bồ đề cho cho Đức Phật suốt 49 ngày trước khi thành đạo. Đây có thể là góc nhìn khác lạ của tác giả so với nhiều người kể về Đức Phật.

Qua đôi mắt đứa trẻ, mọi sự vật, sự việc sẽ được kể chân thật, hồn nhiên, không có gì phải giấu diếm. Đức Phật hiện diện lên trước hết, không phải là một thần linh, mà là một con người giản dị, có cuộc sống và mơ ước như bao người. Mơ ước của Đức Phật là làm lợi cho muôn loài.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Tác phẩm Đường xưa mây trắng được chia làm 81 chương, trong mỗi chương là những cảnh xưa, người xưa được hiện diện lên sống động. Giáo lý nhà Phật được nói dễ hiểu, gọn gàng. Những tập tục của người xuất gia xưa, hay cách quán thiền cũng được tác giả lồng ghép vào khéo léo.

Câu chuyện diễn ra tự nhiên, không có một gượng ép nào. Tác giả cho thấy sức tưởng tượng thiên tài của mình, người đọc có thể tưởng rằng, tác giả phải là người sống bên cạnh Đức Phật mới có thể viết tỉ mỉ, lý thú như vậy, nếu như không đọc tên người viết.

Tâm sự về cuốn sách này, Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng viết: “Tôi còn nhớ là tôi đã viết Đường xưa mây trắng ở trong cái quán của Xóm Thượng. Hồi đó chưa có lò sưởi trung ương, trong phòng chỉ có một cái lò sưởi đốt củi thôi và trời rất lạnh. Tay phải tôi viết còn tay trái thì đưa ra hơ trên lò sưởi. Tôi đã viết những chương của Đường xưa mây trắng với rất nhiều hạnh phúc.

Thỉnh thoảng tôi đứng dậy pha trà để uống. Mỗi ngày viết mấy giờ cũng như được ngồi uống trà với đức Thế Tôn. Và tôi biết trước người đọc sẽ rất có hạnh phúc vì khi viết mình cũng đang có rất nhiều hạnh phúc. Viết Đường Xưa Mây Trắng không phải là một lao động mệt nhọc mà là cả một niềm vui lớn. Đó là một quá trình khám phá. Có những đoạn tôi cho là khó viết, như đoạn Bụt độ cho ba anh em ông Ca Diếp.

Tài liệu thường nói là Bụt độ ba anh em đó nhờ thần thông của Ngài, nhưng khi viết thì tôi đã không để cho Bụt dùng thần thông mà cứ để Bụt sử dụng từ bi và trí tuệ của Ngài để độ ba ông ấy. Bụt có rất nhiều trí tuệ, rất nhiều từ bi, tại sao Bụt không dùng mà lại phải dùng thần thông? Và tôi có một niềm tin rất vững chắc là mình sẽ viết được chương đó. Chương này là một trong những chương khó nhất của Đường Xưa Mây Trắng nhưng cuối cùng tôi đã thành công. Chương khó thứ hai là chương nói về cuộc trở về của Bụt để thăm gia đình. Ngài đã thành Phật rồi, Ngài đã thành bậc toàn giác rồi, nhưng về thăm gia đình thì Ngài vẫn còn là một đứa con của cha, của mẹ, vẫn là một người anh của các em.

Viết như thế nào để Bụt vẫn còn giữ lại được tính người của Ngài. Cũng nhờ niềm tin đó mà tôi thành công. Quý vị đọc lại, sẽ thấy Bụt về thăm nhà rất tự nhiên. Cách Ngài nắm tay vua cha đi từ ngoài vào, cách Ngài đối xử với em gái, cách Ngài đối xử với Yasodhara và Rahula, rất tự nhiên. Tôi có cảm tưởng là có chư Tổ gia hộ nên tôi mới viết như vậy được. Trong Đường Xưa Mây Trắng chúng ta khám phá ra Bụt là một con người chứ không phải là một vị thần linh”.

Một trích dẫn hay trong tác phẩm Đường xưa mây trắng - Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Đường xưa mây trắng được biết đến là cuốn sách đã bán được nhiều triệu bản, được dịch ra hơn 20 tiếng trên thế giới. Sau khi đọc được cuốn sách này, nhà tỉ phú Ấn Độ Bhupendra Kuman Modi đã quyết định tài trợ 120 triệu USD để các nhà làm sản xuất dựa theo Đường Xưa Mây Trắng dựng thành phim.

Qua cuốn sách Đường xưa mây trắng, thầy Thích Nhất Hạnh đã vẽ lại phần nào khung cảnh xưa: “Trong bóng me im mát vị khất sĩ Svastika đang thực tập phép quán niệm hơi thở. Chú ngồi trong tư thế hoa sen. Từ hơn một tiếng đồng hồ, chú đã ngồi thực tập như thế một cách chăm chú. Đó đây trong tu viện Trúc Lâm, hàng trăm vị khất sĩ cũng đang ngồi thực tập thiền quán, hoặc trong bóng tre, hoặc tron những chiếc am lá nhỏ đựng rải rác khắp nơi trong tu viện, xen lẫn giữa những bụi tre xanh tươi và khỏe mạnh”.

Đọc cuốn sách này, chúng ta học được nhiều điều hay của Đức Phật, đó là cách nói chuyện, cách hành động, cách lý giải cuộc sống. Và đặc biệt, là cách quán thiền, cách tĩnh tâm trước những biến động của đời người.

Theo báo Pháp luật

Đọc bài viết

Cafe sáng