FICTION

Truyện ngắn: Thư viện Babel (Jorge Luis Borges)

Published

on

Bằng nghệ thuật này, bạn có thể chiêm ngưỡng sự biến hoá của hai mươi ba mẫu tự…
Giải phẫu U sầu, phần 2, đoạn II, hồi IV

Vũ trụ (mà người khác gọi là Thư viện) bao gồm một lượng không xác định và có lẽ là vô hạn các phòng trưng bày hình lục giác, với những tháp thông khí đồ sộ xen giữa, bao quanh bởi hàng lan can thấp tè. Từ bất kỳ lục giác nào người ta cũng đều thấy được vô hạn những tầng phía trên và dưới. Các phòng trưng bày được bố cục không đổi. Hai mươi kệ, dài năm kệ mỗi mặt, phủ tất cả các mặt ngoại trừ hai mặt; chiều cao của chúng, là khoảng cách từ sàn đến trần, hiếm khi vượt quá chiều cao của một tủ sách thông thường. Một trong hai mặt tự do dẫn tới một hành lang hẹp mở ra một phòng trưng bày khác, giống hệt phòng đầu tiên và tất cả phần còn lại. Bên trái và phải của hành lang có hai căn buồng rất nhỏ. Buồng thứ nhất là nơi ai đó có thể ngủ đứng bên trong; buồng kia giúp thoả mãn nhu cầu đại tiện của ai khác. Cũng thông qua hành lang băng tới một cầu thang xoắn, sâu xuống vô cùng và vút lên cao vời nhằm tách biệt các khoảng không. Trong hành lang có một tấm gương nhân bản trung thực mọi diện mạo. Con người thường suy ra từ tấm gương này rằng Thư viện chẳng phải vô hạn (nếu nó thực sự (vô hạn) như thế, tại sao lại có sự nhân bản viển vông này?); tôi những muốn tin rằng bề ngoài bóng bẩy của nó đặc trưng và hứa hẹn sự vô hạn… Ánh sáng được cấp bởi một số trái hình cầu mang tên là đèn. Có hai cái, đặt đối nhau, trong mỗi hình lục giác. Chúng toả ra ánh sáng mờ mờ không dứt.

Giống như tất cả con người trong Thư viện, tôi từng du ngoạn thời trẻ tuổi; tôi lang thang kiếm tìm một cuốn sách, có lẽ là cuốn danh mục của các danh mục; giờ đây mắt tôi khó có thể giải mã những gì mình viết, tôi chuẩn bị chết đi chỉ cách vài lý từ phòng lục giác mà tôi ra đời. Một khi tôi chết, sẽ không thiếu những bàn tay ngoan đạo ném tôi qua lan can; mộ phần tôi là không khí vô lượng; cơ thể tôi chìm vào bất tận và phân hủy và tan biến trong cơn gió sinh ra từ cú rơi vô hạn. Tôi nói rằng Thư viện trường tồn. Nhà duy tâm cho hay những căn phòng lục giác là một dạng cần thiết của không gian tuyệt đối hoặc ít nhất, của trực giác chúng ta về không gian. Họ lý luận một căn phòng tam giác hay ngũ giác là không tưởng. (Những người thần bí tuyên bố trạng thái xuất thần nhập định hé lộ cho họ một khoảng hình tròn chứa một cuốn sách vĩ đại hình tròn, có gáy sách liên tục và men theo bức tường trọn vẹn thành hình tròn; nhưng lời chứng của họ đáng ngờ còn từ ngữ thì tối nghĩa. Quyển sách tuần hoàn đó là Chúa.) Giờ đây đã đến lúc tôi lặp lại châm ngôn kinh điển: Thư viện là một hình cầu có tâm chính xác là bất kỳ lục giác nào của nó và có chu vi vô hạn.

Mỗi bức tường lục giác có năm kệ; mỗi kệ chứa ba mươi lăm cuốn sách khổ đồng nhất; mỗi cuốn bốn trăm mười trang; mỗi trang bốn mươi dòng; mỗi dòng tám mươi mẫu tự màu đen. Ngoài ra còn có các mẫu tự trên gáy sách; những mẫu tự này không chỉ ra hay định hình trước những gì các trang sẽ nói. Tôi biết sự ngắc ngứ đó đã có lúc dường như bí hiểm. Trước khi tóm lược lời giải (mà khám phá của nó, mặc cho phô ra những bi kịch, có lẽ là sự thật chính yếu trong lịch sử) tôi muốn gợi lại vài tiên đề.

Thứ nhất: Thư viện tồn tại ab aeterno. Sự thật này, hệ quả trước mắt là tương lai vĩnh hằng của thế giới, không thể bị nghi ngờ bởi bất kỳ đầu óc bình thường nào. Con người, người thủ thư bất toàn, có thể là sản phẩm đầy ác ý hay tình cờ của tạo hoá; vũ trụ, với những kệ sách thanh nhã, những tập sách bí ẩn, những bậc thang vô tận cho khách lãng du và những nhà xí cho thủ thư an toạ, chỉ có thể là tạo vật của thần. Để hiểu được khoảng cách giữa thần thánh và người phàm, đủ để đối sánh những biểu tượng thô thiển chập chờn mà đôi bàn tay run rẩy này của tôi nguệch ngoạc trên bìa một cuốn sách, với những mẫu tự hữu cơ bên trong chúng: ngăn nắp, tinh tế, màu đen tuyệt hảo, cân đối không thể bắt chước được.

Thứ hai: Các ký hiệu chính thống có số lượng là hai mươi lăm.¹ Ba trăm năm trước, phát hiện này giúp hình thành nên một lý thuyết chung khả dĩ về Thư viện và giải quyết thoả đáng vấn đề mà không một phỏng đoán nào giải mã được: bản chất bất định và hỗn độn của hầu hết các cuốn sách. Cha tôi đã thấy một quyển trong một lục giác tại chu trình một năm chín tư được tạo thành từ các chữ cái M C V, ương ngạnh lặp đi lặp lại từ dòng đầu tiên tới dòng cuối cùng. Một quyển khác (được tham khảo rất nhiều trong vùng này), đơn thuần là mê cung các ký tự, song trang áp chót nói Ôi thời kim tự tháp của ngươi. Điều này nhiều người đã biết: với mỗi dòng trình bày đơn giản dễ hiểu, sẽ kèm một lô những lộn xộn vô nghĩa, từ ngữ lung tung và rời rạc. (Tôi biết một miền hoang vu nơi các thủ thư khước từ tục lệ rỗng tuếch và mê tín trong việc kiếm tìm ý nghĩa những cuốn sách và đánh đồng nó với việc tìm kiếm ý nghĩa những giấc mơ hay nơi đường chỉ tay hỗn loạn của ai đó… Họ thừa nhận rằng những nhà phát minh ra chữ viết đã bắt chước hai mươi lăm biểu tượng tự nhiên, song vẫn khẳng định rằng sự ứng dụng đó chỉ là ngẫu nhiên và rằng những cuốn sách chẳng báo hiệu bất cứ điều gì về chính bản thân họ. Tuyên bố này, chúng ta sẽ thấy, không hoàn toàn sai.)

Trong một thời gian dài người ta tin những cuốn sách không thể lĩnh hội này tương ứng với những ngôn ngữ xa xăm hay quá vãng. Quả đúng là những người cổ xưa nhất, những thủ thư đầu tiên, sử dụng thứ ngôn ngữ khác biệt khá nhiều so với thứ chúng ta nói hiện nay; quả đúng là đi vài dặm sang bên phải tiếng nói đã mang nét phương ngữ và rằng chín mươi tầng xa phía trên, là không thể hiểu được. Tất cả chuyện này, tôi nhắc lại, là đúng, nhưng bốn trăm mười trang M C V bất biến không thể tương ứng với bất kỳ ngôn ngữ nào, bất kể là phương ngữ hay ngôn ngữ đơn sơ đến thế nào chăng nữa. Vài người bóng gió rằng mỗi ký tự có thể ảnh hưởng đến ký tự đứng sau và giá trị của M C V ở dòng thứ ba trang bảy mốt không phải là giá trị của cùng chuỗi đó ở một vị trí khác trên một trang khác, nhưng luận điểm mập mờ này không chiếm ưu thế. Những người khác liên tưởng đến mật mã; nói chung, phỏng đoán này được chấp nhận, mặc dù không phải theo nghĩa mà những người khởi xướng nó đưa ra.

Năm trăm năm trước, chủ quản một phòng lục giác tít trên cao² bắt gặp một cuốn sách khó hiểu như những cuốn khác, song có gần hai trang chứa những dòng thuần nhất. Anh ta đưa phát hiện của mình cho một người giải mã lang bạt, người ấy nói với anh những dòng đó viết bằng tiếng Bồ Đào Nha; những người khác cho rằng chúng là tiếng Yiddish. Ngôn ngữ đó đã được xác minh trong vòng một thế kỷ: một phương ngữ của sắc dân Samoyed Lithuania xứ Guarani, biến tấu thêm với tiếng A Rập cổ. Nội dung cũng được giải mã: một số khái niệm phân tích tổ hợp, minh họa bằng các ví dụ biến thiên vô hạn tuần hoàn. Những ví dụ đó có thể đã giúp một thủ thư thiên tài khám phá ra quy luật cơ bản của Thư viện. Nhà tư tưởng ấy nhận xét rằng tất cả các cuốn sách, bất kể chúng có đa dạng đến đâu, đều được tạo thành từ các yếu tố giống nhau: dấu cách, dấu chấm, dấu phẩy, hai mươi hai ký tự trong bảng chữ cái. Ông cũng dẫn ra một sự thật được các nhà du hành xác nhận: Trong Thư viện vô biên không có hai cuốn sách giống hệt nhau. Từ hai tiền đề không thể chối cãi này, ông suy ra rằng Thư viện là tuyệt đối và các kệ của nó ghi lại tất cả các tổ hợp khả dĩ của hai mươi có lẻ mẫu tự chính thống (một con số, mặc dù vô cùng lớn, nhưng không vô hạn): nói cách khác, là tất cả những gì có thể biểu đạt được, trong mọi ngôn ngữ. Mọi thứ: lịch sử tương lai chi li cặn kẽ, tự truyện của tổng lãnh thiên thần, danh mục chân thực của Thư viện, hàng ngàn và hàng ngàn danh mục giả, văn bản chứng minh tính ngụy tạo của những danh mục (giả) đó, văn bản chứng minh tính ngụy tạo của những danh mục thật, phúc âm phái Ngộ đạo theo Basilides, diễn giải phúc âm đó, diễn giải về diễn giải phúc âm đó, câu chuyện chuẩn xác về cái chết của anh, bản dịch mọi cuốn sách trong tất cả các ngôn ngữ, kết luận nội suy mọi cuốn sách từ tất cả các cuốn sách, luận thuyết Bede đáng lẽ viết được (nhưng không viết) về thần thoại của người Saxon, những cuốn sách thất truyền của Tacitus.

Khi người ta tuyên bố Thư viện chứa tất cả mọi cuốn sách, cảm tưởng đầu tiên là niềm hạnh phúc tột độ. Người ta cảm thấy mình là chủ nhân của một kho tàng tinh nguyên và bí mật. Chẳng có vấn đề cá nhân hay thế giới nào mà không tồn tại giải pháp thuyết phục trong những phòng lục giác nào đó. Vũ trụ được minh định, vũ trụ đột nhiên soán ngôi vô hạn chiều kích của hy vọng. Lúc đó nhiều người xôn xao về bộ Biện minh: những cuốn sách biện hộ và tiên tri mà biện minh cho mọi hành vi ở mọi thời điểm của mọi người trong vũ trụ và giữ lại những mật ngữ phi thường cho tương lai anh ta. Hàng ngàn kẻ tham lam đã từ bỏ phòng lục giác ngọt vị quê hương rồi lao lên cầu thang, bị thôi thúc bởi ý định sáo rỗng là tìm kiếm bộ Biện minh cho riêng mình. Những kẻ hành hương này ẩu đả trong hành lang hẹp, lập ra những lời nguyền tối tăm, bóp cổ nhau trên cầu thang thánh, liệng những cuốn sách dối trá vào tháp thông khí, bắt gặp cái chết theo cách tương tự của chính mình gây ra bởi những cư dân miền xa lạ. Những người khác phát điên lên… Bộ Biện minh có tồn tại (tôi bắt gặp hai cuốn nói về những con người tương lai, những người có lẽ không chỉ là tưởng tượng) nhưng những kẻ truy tìm quên mất rằng khả năng một người tìm thấy Biện minh của anh ta, hay vài biến thể sai lạc của nó, gần như bằng không.

Thời điểm đó, người ta cũng hy vọng những bí ẩn cơ bản của nhân loại – nguồn gốc Thư viện và thời gian – có thể được khám phá tường tận. Có vẻ thật sự những bí ẩn quan yếu này có thể được giải thích bằng lời: nếu ngôn ngữ của các triết gia không đủ, thì Thư viện đa tầng sẽ tạo ra thứ ngôn ngữ cần thiết mà chưa ai biết đến, cùng với từ vựng và ngữ pháp của nó. Trong bốn thế kỷ tới nay con người đã dốc cạn các lục giác… Có những viên chức chuyên tìm kiếm, những thanh tra. Tôi từng thấy họ thi hành công vụ: họ luôn mỏi mệt quá độ sau chuyến công tác; họ nói một cầu thang bị hỏng gần như giết chết mình; họ chuyện trò với thủ thư ở các phòng trưng bày và cầu thang; đôi khi họ nhặt quyển gần nhất và lướt qua nó, tìm kiếm những từ nổi tiếng. Rõ ràng là chẳng ai hoài mong khám phá ra bất cứ điều gì.

Lẽ tự nhiên, hy vọng mong manh này kéo theo sự chán nản quá mức. Chắc chắn rằng một số kệ nào đó trong lục giác nào đó chứa những tàng thư và những tàng thư này chẳng thể với tới được, chuyện đó dường như không thể chấp nhận nổi. Một giáo phái báng bổ đề xuất nên dừng các cuộc tìm kiếm lại rồi mọi người nên ghép các chữ cái và biểu tượng cho đến khi hoàn thành chúng, những cuốn sách quy chuẩn ấy, bằng sự may rủi viển vông nào đó. Nhà chức trách buộc phải ban hành các mệnh lệnh hà khắc. Giáo phái giải tán, nhưng thời thơ ấu, tôi đã thấy mấy ông già, những người một thời gian dài trốn trong nhà xí với mấy cái đĩa kim loại cùng mấy cái ly xí ngầu bị cấm và yếu ớt bắt chước sự hỗn loạn thần thánh.

Ngược lại, những người khác lại quan niệm loại bỏ những công chuyện vô ích là điều bức thiết. Họ thâm nhập vào mấy lục giác, đưa ra các tài liệu không phải khi nào cũng sai lạc, không hài lòng lướt qua một quyển và kết án toàn bộ mọi kệ sách: sự cuồng nhiệt đầy khổ hạnh và dọn dẹp sạch sẽ của họ đã làm diệt vong hàng triệu cuốn sách trong vô nghĩa. Họ bị chửi rủa thậm tệ, nhưng những ai tiếc nuối “kho tàng” bị sự cuồng điên kia hủy hoại đã bỏ qua hai sự thật đáng chú ý. Điều thứ nhất: Thư viện khổng lồ tới mức bất kể sự suy giảm nguồn gốc con người nào đều là vô cùng nhỏ. Điều còn lại: mỗi bản là duy nhất, không thể thay thế, song (vì Thư viện là tuyệt đối) luôn có vài trăm nghìn bản sao lục không hoàn hảo: các tác phẩm chỉ khác nhau ở một chữ cái hoặc một dấu phẩy. Ngược lại với ý kiến chung, tôi mạo muội tin rằng chuyện hạ bệ những Kẻ thanh trừng bị cường điệu lên quá mức hệ trọng bởi nỗi kinh hoàng mà bọn cuồng tín đó gây ra. Họ bị niềm đam mê cố gắng tiếp cận những cuốn sách trong Lục giác Đỏ thôi thúc: những cuốn sách khổ nhỏ hơn bình thường, toàn năng, được minh họa và có sức lôi cuốn.

Thời đó chúng ta còn biết tới một sự mê tín khác: là Người Sách. Trên kệ sách bất kỳ trong lục giác bất kỳ (người ta lý luận) phải tồn tại một cuốn sách làm cách thức và là bản khái lược hoàn hảo của tất cả mọi cuốn còn lại: một thủ thư nào đó đã đọc qua nó và anh ta trông như một vị chúa. Trong ngôn ngữ xứ này, dấu tích của tệ sùng bái viên chức lánh đời ấy vẫn còn dai dẳng. Nhiều người lang thang tìm kiếm Ngài. Trong một thế kỷ, họ hoài công dốc cạn những khu vực đa dạng nhất. Làm thế nào người ta có thể xác định được phòng lục giác thiêng liêng và kín đáo nào là nhà của Ngài? Ai đó đề xuất một phương pháp hồi quy: Để biết vị trí sách A, trước hết tra cứu sách B chỉ dấu vị trí của A; để biết vị trí sách B, trước hết tra cứu sách C, và cứ như vậy đến vô cùng… Tôi đã tiêu hoang và uổng phí những năm tháng đời mình trong những chuyến phiêu lưu như thế. Đối với tôi dường như chẳng có một cuốn sách tuyệt đối nào trên bất cứ kệ sách nào trong toàn cõi vũ trụ;³ tôi nguyện cầu với các vị thần vô danh rằng một người – chỉ cần một thôi, mặc cho tồn tại từ hàng ngàn năm trước! – có thể kinh qua và đọc được nó. Nếu danh dự và trí tuệ và hạnh phúc không dành cho tôi, hãy để chúng dành cho kẻ khác. Hãy để thiên đường tồn tại, dù tôi ngụ chốn địa ngục. Hãy để tôi bị xúc phạm và thủ tiêu, nhưng ngay tắp lự, ngay tức khắc, hãy để Thư viện khổng lồ của Anh được minh định. Những kẻ phản tín duy trì quan niệm rằng vô nghĩa là chuyện thường trong Thư viện và rằng sự hợp lý (mặc cho khiêm nhường và thuần túy mạch lạc) là một ngoại lệ gần như huyền diệu. Chúng nói (tôi biết) về “Thư viện sôi sục, nơi những quyển sách ngẫu nhiên liên tục có nguy cơ biến đổi thành những quyển khác và khẳng định, phủ định rồi nhầm lẫn mọi thứ như một vị thánh mê sảng.” Những từ này, không chỉ vạch mặt sự bệnh hoạn mà còn là ví dụ tuyệt vời, minh chứng thuyết phục cho khẩu vị ghê tởm và đầu óc ngu dốt tuyệt vọng của người nói. Trên thực tế, Thư viện bao gồm tất cả các cấu trúc bằng lời, tất cả các biến thể khả dĩ của hai mươi lăm biểu tượng chính thống, nhưng không phải là ví dụ đơn độc về sự vô nghĩa tuyệt đối. Thật vô nghĩa khi nhận xét rằng quyển hay nhất trong mấy phòng lục giác mà tôi quản lý có tiêu đề Thung lũng Sấm, một quyển khác là Chuột rút Vữa, quyển khác nữa là Axaxaxasmlö. Những cụm từ này, thoạt nhìn không mạch lạc, lại chắc chắn có thể được biện giải theo lối mật ngữ hay ngụ ngôn; sự biện minh như vậy phải bằng lời nói và, ex hypothesi như giả thiết, đã nằm sẵn trong Thư viện. Tôi không thể tổ hợp các mẫu tự nào

dhcmrlchtdj

mà Thư viện thần thánh lại không lường trước được, mà trong những tiếng bí mật của nó không chứa đựng một ý nghĩa ghê gớm nào. Không ai có thể thốt ra một âm tiết mà không đong đầy dịu dàng và kính sợ, mà không phải là cái tên hùng mạnh của một vị thần trong ngôn ngữ nào đó. Lời vừa mới nói đã rơi vào trùng lặp. Mớ truyền thư dài dòng và vô ích này nằm ở một trong ba mươi lăm quyển của một trong năm kệ của một trong hằng hà sa số các phòng lục giác – và phản đề của nó cũng vậy. (Một tập n hữu hạn các ngôn ngữ sử dụng chung vốn từ; một số trong chúng, cho rằng biểu tượng thư viện thừa nhận định nghĩa chuẩn xác là một hệ thống phòng trưng bày hình lục giác bất biến và trường tồn, nhưng một thư viện hình bánh  hay kim tự tháp hay bất cứ hình thù nào khác thì bảy* từ đó sẽ chuẩn xác theo những biến thể khác. Anh, người đọc tôi, Anh có chắc rằng mình hiểu được ngôn ngữ của tôi?)

Viết lách có phương pháp khiến tôi xao nhãng khỏi tình hình nhân loại hiện tại. Ắt hẳn rằng mọi thứ được viết ra đều phủ nhận ta hoặc cố biến ta thành bóng ma. Tôi có biết vài quận mà ở đó những người trẻ phủ phục trước sách rồi hôn mấy trang sách theo lối hoang dại, song họ chẳng hề biết giải mã một chữ nào. Dịch bệnh, xung đột tà phái, các cuộc hành hương mà rồi sẽ biến chất thành cướp cạn, đã làm dân số suy sụt. Tôi tin mình đã nói đến những vụ tự tử, ngày càng thường xuyên hơn trong những năm qua. Có lẽ tuổi già và nỗi sợ đã đánh lừa tôi, nhưng tôi ngờ rằng loài người – giống loài độc nhất – sắp sửa bị diệt vong, còn Thư viện sẽ mãi trường tồn: được chiếu sáng, đơn độc, vô tận, bất động tuyệt đối, được trang bị những tập sách quý giá, vô dụng, bất hoại, bí mật.

Tôi vừa viết từ “vô hạn”. Tôi không bỏ tính từ đó ra đây như một thói quen tu từ; tôi muốn nói rằng chẳng hề phi lô-gích khi nói thế giới vô hạn. Những người phán nó hữu hạn mặc định rằng ở những nơi xa mãi hành lang và cầu thang và phòng lục giác có thể mở ra viễn cảnh kết thúc – điều này thật vô lý. Những ai tưởng tượng nó vô hạn quên mất rằng lượng sách khả dĩ như vậy là hữu hạn. Tôi mạo muội đề xuất giải pháp cho vấn đề cổ xưa này: Thư viện là vô hạn tuần hoàn. Nếu một nhà du hành vĩnh viễn băng qua thư viện theo bất kỳ hướng nào, sau nhiều thế kỷ, anh ta sẽ thấy rằng các tập truyện giống nhau được lặp lại theo cùng một cách thức hỗn loạn (do đó sự lặp lại sẽ trở thành trật tự: Trật Tự). Nỗi cô độc của tôi được hoan hỉ nhờ niềm hy vọng cao nhã này.⁴

Hết.

Mar del Plata, 1941

Chú thích:

  1. Bản thảo gốc không có chữ số hoặc chữ viết hoa. Dấu câu giới hạn ở dấu phẩy và dấu chấm. Hai dấu câu, khoảng trắng và hai mươi hai chữ cái trong bảng chữ cái là hai mươi lăm ký hiệu được tác giả vô danh này coi như đủ. (Chú thích của biên tập viên.)
  2. Trước đây, cứ ba phòng lục giác thì có một người. Tự tử và các bệnh phổi đã phá nát tỷ lệ đó. Một kỷ niệm u sầu khôn tả: đôi khi tôi bơ vơ nhiều đêm qua các hành lang và dọc theo những cầu thang bóng bẩy mà không tìm thấy thủ thư nào.
  3. Tôi nhắc lại: chỉ cần sách tồn tại là đủ. Chỉ loại trừ những điều bất khả thi. Ví dụ: không có cuốn sách nào có thể là một cái thang, mặc dù chắc chắn có những cuốn sách thảo luận và phủ định và chứng minh khả năng này cùng những khả năng khác có cấu trúc tương ứng với cấu trúc của một cái thang.
  4. Letizia Álvarez de Toledo nhận thấy rằng Thư viện vô biên này là vô dụng: nghiêm túc mà nói, chỉ một quyển là đủ, một quyển khổ thông thường, in cỡ chữ chín hoặc mười, chứa vô số lá mỏng đến vô hạn. (Vào đầu thế kỷ XVII, Cavalieri nói rằng tất cả các vật thể rắn đều là sự chất chồng vô số mặt phẳng.) Việc xử lý những vade mecum óng ánh này không được thuận tiện: mỗi trang ta nhìn thấy sẽ mở ra thành các trang tương tự khác; trang chính giữa – không thể tưởng tượng ra được – sẽ không có trang nghịch đảo.

* Bản gốc tiếng Tây Ban Nha ubicuo y perdurable sistema de galerías hexagonales gồm 7 từ. (Chú thích của người dịch.)

3V

Dịch từ The Library of Babel của Jorge Luis Borges, bản dịch của James E. Irby năm 1962, có tham khảo bản dịch của Andrew Hurley.

Click to comment

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trích đăng

Nếp trên bản đồ ẩm thực dân gian Việt Nam

Nếp là một nguyên liệu chính làm nên vô vàn món xôi, bánh, chè ở khắp các vùng miền, tăng thêm sự phong phú cho ẩm thực dân gian Việt Nam.

Published

on

By

Trích từ: Thơm thảo xôi chè
Tác giả: Trần Thị Hiền Minh
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book
Phát hành: tháng 4.2023

Là đất nước nông nghiệp, ngoài hai vựa lúa lớn là đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam còn có những vùng canh tác lúa ở Đông Bắc, Tây Bắc, Trung bộ, Đông Nam bộ. Gạo góp cho kho tàng ẩm thực Việt Nam rất nhiều món ăn hằng ngày và hàng trăm món bánh làm từ bột gạo. Nếp là một nguyên liệu chính làm nên vô vàn món xôi, bánh, chè ở khắp các vùng miền, tăng thêm sự phong phú cho ẩm thực dân gian Việt Nam.

Không ít tỉnh, thành đã tạo ra những loại gạo, nếp đặc trưng cho vùng miền. Riêng về nếp, có thể nói đặc tính nếp của từng vùng miền đôi khi buộc người chế biến phải lựa chọn đúng mới tạo ra hương vị chuẩn cho món ăn.

Bắc bộ

Nếp cái hoa vàng

Đến Hà Nội mà được mời dùng xôi hay bánh chưng, bà con miền Nam thường được nghe kèm lời giới thiệu “xôi này được nấu, bánh chưng này được gói bằng nếp cái hoa vàng đấy” như để đảm bảo độ ngon của xôi, của bánh, dù có để 4 - 5 ngày vẫn dẻo mềm, không bị “lại gạo”.

Tên “nếp cái hoa vàng” (còn gọi là nếp ả hay nếp hoa vàng) được người làm nông đặt dựa trên đặc tính của giống nếp này khi lúa trổ đòng thì phấn hoa có màu vàng. Đây là gạo nếp ngon được trồng nhiều ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Hạt nếp cái hoa vàng tròn đầy, màu trắng đục nhưng khi đồ xôi, làm bánh thì hạt nếp trở nên trong, dẻo, vị nếp ngọt, hương thơm lâu nên từ các bà nội trợ gia đình đến người làm hàng bán đều thích chọn sử dụng. Nếp cái hoa vàng đã được một số địa phương chọn làm giống nếp đặc sản, tạo thành vùng chuyên canh và xây dựng thương hiệu như nếp cái hoa vàng Kinh Môn (Hải Dương), nếp cái hoa vàng Gia Miêu ngoại trang tại xã Hà Long, huyện Hà Trung (Thanh Hóa).

Bên cạnh nếp cái hoa vàng, ở đồng bằng Bắc bộ còn có nếp nhung và nếp bắc. Nếp nhung hạt tròn đều cũng được chuộng để nấu xôi, làm bánh bởi nếp có độ dẻo, mùi thơm dịu tỏa ra ngay khi đang nấu xôi, bánh. Gạo nếp nhung xay thành bột còn được chuộng làm bánh dày, bánh đúc bởi tính hơi nở nhưng dẻo bột, làm cho bánh khi nguội vẫn giữ được độ mềm. Nếu như nếp cái hoa vàng và nếp nhung chủ yếu dùng nấu xôi, làm bánh; thì nếp bắc còn được dùng để nấu chè, đặc biệt là chè con ong cần hạt nếp thật dẻo nhưng không bị dính nát khi nấu.

Nói đến nếp trong ẩm thực dân gian ở Bắc bộ, không thể bỏ qua một số loại nếp nổi tiếng ở các vùng Tây Bắc và Đông Bắc.

Những thửa ruộng bậc thang trải khắp Tây Bắc và Đông Bắc trông như những bức tranh phong cảnh tuyệt mỹ khiến khách du lịch ngất ngây, nhất là vào mùa lúa chín. Chính trên những thửa ruộng tuyệt mỹ ấy, bà con vùng cao đã bỏ công khó nhọc trồng những loại gạo nếp dẻo thơm, ngọt bùi. Có những nơi bà con chỉ dùng nếp nấu cơm, khách du lịch đến ăn cơm nếp vài ngày cũng không thấy ngán nên hỏi han, rồi mua về nấu thử hoặc làm quà.

Nếp Tú Lệ

Nếp ở Tây Bắc nổi tiếng sớm là nếp Tú Lệ được trồng ở thung lũng xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, xếp vào một trong những loại nếp ngon nhất nước ta. Nếp Tú Lệ tròn mẩy hạt, khi đồ chín cho hạt xôi trắng bóng trông hấp dẫn, xôi rất dẻo nhưng tơi hạt. Bà con Yên Bái bảo đồ xôi bằng nếp Tú Lệ không cần phải thêm đỗ (đậu), thêm dừa gì cả, ăn xôi nếp thôi để cảm nhận đúng vị ngọt tự nhiên, mùi thơm mát như thể tinh túy núi rừng hòa vào trong từng hạt nếp. Ăn rồi còn muốn mang theo, thế là bà con gói cho nắm xôi, để từ sáng đến tối mà xôi vẫn dẻo.

Nếp nương

Nếp nương là đặc sản của Điện Biên. Nếu như các loại nếp ở Bắc bộ có đặc trưng hạt ngắn, tròn thì nếp nương Điện Biên lại là hạt thon dài, chắc. Nếp nương Điện Biên chưa nấu đã có mùi thơm thoang thoảng. Bà con Điện Biên bảo do được trồng trên nương, uống nước núi rừng mà lớn, có bao nhiêu hương thơm rừng núi thì hạt gạo ôm hết bấy nhiêu, nên nếp nương Điện Biên cũng là đặc sản nổi tiếng của vùng Tây Bắc. Người dân ở đây thường dùng nếp nương đồ xôi ngũ sắc ăn kèm với thịt nướng, cá nướng chấm chẩm chéo. Nếp nương nấu xôi trông như xôi khô nhưng khi ăn mới cảm được hết vị ngọt, độ dẻo, thơm của hạt nếp.

Nếp cẩm

Loại nếp đặc sản nữa của vùng Tây Bắc phải kể là nếp cẩm, hạt nếp to tròn có màu tím thẫm, pha chút màu vàng nhạt ở bụng hạt. Không phải nơi nào cũng có thể trồng được gạo nếp cẩm. Lai Châu, Điện Biên được cho là nơi có thể trồng ra loại nếp cẩm chất lượng nhất. So với các loại gạo nếp khác ở Tây Bắc thì gạo nếp cẩm nổi trội hơn về mặt dinh dưỡng nên được dùng như một loại thực phẩm bồi bổ, tăng cường sức đề kháng và kích thích tiêu hóa. Khi nấu thành xôi, nếp cẩm có màu tím thẫm, mùi thơm ngào ngạt đặc trưng. Những năm gần đây, xôi nếp cẩm được kết hợp với sữa chua nguyên chất đã tạo nên món ăn thơm ngon được nhiều người ưa chuộng.

Nếp Pì Pất

Tuy không nổi tiếng và phổ biến bằng, nhưng các loại nếp vùng Đông Bắc đang góp mặt trong danh mục nếp để làm các món xôi, chè, bánh Việt Nam là nếp Gà gáy Mỹ Lung và nếp Pì Pất. Nếp Gà gáy Mỹ Lung của người Mường ở huyện Yên Lập (Phú Thọ) có màu nửa trắng, nửa trong đồ xôi dẻo mà lại không dính tay. hương thơm ngọt bùi. Người nào từng ăn qua nếp Gà gáy sẽ không quên được vị ngọt mộc mạc ấy. Nếp Pì Pất được người dân huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng trồng. Nếp Pì Pất có mùi thơm từ khi còn là hạt thóc, đến khi xát thành gạo, mùi thơm động trong từng hạt trắng. Nếp Pì Pất đồ xôi mềm nhưng không nát hạt, bột nếp thơm, làm được nhiều loại bánh.

Nam bộ

Ở Nam bộ, lúa nếp được trồng nhiều ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nếp cũng được các bà nội trợ dùng nấu xôi, gói bánh tét, bánh ú, làm nhiều loại bánh dân gian, còn dùng nấu nhiều loại chè. Những loại nếp được biết, được chuộng nhất ở Nam bộ phải kể đến là nếp ngỗng, nếp sáp, nếp than.

Nếp ngỗng

Nếp ngỗng thường được dùng để nấu xôi. Hạt nếp ngỗng dài, thuôn tròn, màu trắng sữa; khi nấu chín, hạt nếp nở vừa, dẻo mềm, thơm dịu, để nguội xôi vẫn dẻo thơm. Nếp ngỗng mà làm xôi vị, nấu chè khoai môn, chè đậu trắng, chè hạt me... thì ngon hết biết, có thể ăn quên thôi.

Nếp sáp

Nếp sáp được trồng trên vùng đất màu mỡ, giàu phù sa của vùng Đồng Tháp Mười, tạo nên nếp mẩy hạt, thon dài, đầy tròn với màu trắng sữa, mặt nếp mịn với hương thơm tự nhiên. Tính chất hạt nếp đúng như tên gọi, khi nấu chín tới, nếp dẻo vừa phải như sáp, tỏa ngát hương thơm, vị ngọt hậu, đặc biệt ngon khi nấu xôi, chè, gói bánh tét, bánh chưng, bánh ủ. Nếp sáp dường như hợp với các loại đậu xanh, đậu phộng nên các món xôi đậu xanh, xôi đậu phộng nấu bằng nếp sáp đều làm nên vị bùi, với mùi thơm đặc biệt.

Xôi nếp than nhân đậu xanh nước cốt dừa

Xôi nếp than nhân đậu xanh nước cốt dừa là một món ăn dân dã thơm ngon khó tả, cách chế biến nhiều công đoạn nhưng không quá khó làm. Nguyên liệu chính làm nên món ngon này là nếp than, loại nếp được trồng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nếp than ở Nam bộ và nếp cẩm Tây Bắc đều có màu sắc đặc biệt hơn các loại nếp khác. Nhưng ở hai vùng địa lý khác nhau rất nhiều về địa hình, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng,... dẫn đến sự khác nhau về sinh trưởng của mỗi loại lúa nếp, hình dáng và màu sắc hạt nếp cũng khác nhau đôi chút. Hạt gạo nếp cẩm có màu tím thẫm, bụng màu vàng nhạt, hình dáng to tròn trong khi gạo nếp than có hạt nhỏ dài và màu đen gần như kín cả hạt.

Xôi xoài Thái Lan

Nông dân đồng bằng sông Cửu Long cũng trồng thêm giống nếp Thái đề làm phong phú nguồn nguyên liệu cho các bà nội trợ sử dụng, khi cần nguyên liệu đặc biệt để làm những món như xôi xoài Thái Lan thì nấu nếp Thái là “chuẩn bài”.

Trung bộ

Nếp ngự Sa Huỳnh

Bắc bộ, Nam bộ có lắm loại nếp ngon, nổi tiếng, Trung bộ có vẻ khó canh tác nên không nhiều lúa nếp. Tuy vậy, góp mặt trong danh mục nếp ngon Việt Nam thì Trung bộ có nếp ngự được trồng ở vùng ven biển Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Tương truyền loại nếp này khi xưa dẻo thơm nức tiếng, được mang tiến vua nên gọi là nếp ngự. Dẫu Trung bộ khí hậu khá khắc nghiệt, nhưng nông dân vùng Sa Huỳnh cũng trồng được giống nếp này vào vụ đông- xuân và vụ mùa, khoảng thời gian dịu mát trong năm. Tự tin với chất lượng hạt nếp kết tinh dinh dưỡng từ đất ven biển và nắng gió khơi xa tụ vào, địa phương đã giúp người dân xây dựng thương hiệu “nếp ngự Sa Huỳnh”.

Người dân ở đây bảo khi cây lúa vừa làm đòng, họ đã ngửi được hương thơm nếp ngự lan tỏa trong gió. Gặt về gánh nếp thơm, chà xát rồi vẫn còn thơm. Xôi nếp ngự vừa chín tới, mùi xôi dẻo thơm phức thật kích thích bao tử. Với đặc tính như vậy, nếp ngự thường được dùng để gói bánh tét, chế biến nhiều loại bánh thơm ngon; đặc biệt dùng nấu xôi đậu đen, làm bánh nổ, bánh rò vào dịp Tết. Tết ở Quảng Ngãi không thể thiếu các món xôi và bánh làm từ nếp ngự, trông mộc mạc nhưng hương thơm dân dã, thanh khiết như tấm lòng thành kính dâng lên tổ tiên.

– Còn tiếp –

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Đọc bài viết

Trích đăng

Con bướm mắc kẹt trong đĩa thủy tinh

Con bướm nằm bất động trong đĩa, giống như người đang giả chết hay một bậc thầy về khoa nín thở.

Published

on

By

Trích từ: Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm
Tác giả: Le Thi Diem Thuy
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book
Phát hành: tháng 4.2023
Đoạn trích nằm trong chương 1 “Xì-tốp!”.
Tiêu đề đoạn trích do BTV Bookish tự đặt.

– – –

Trong nhiều năm ròng, ông bà Russell đã sưu tập những con thú nhỏ bằng thủy tinh, chủ yếu là ngựa. Những con vật với cẳng chân thủy tinh khẳng khiu mà bạn có thể nhìn xuyên qua như nhìn một ô cửa sổ sạch sẽ. Sau khi chồng qua đời, bà Russell quyết định rằng bác Melvin, con trai ông bà, nên giữ một số con vật thủy tinh này, cùng với những thứ khác từng thuộc về cha bác.

Một chiều Chủ nhật nọ, mẹ con bác Mel tấp xe qua nhà và bác Mel gọi Ba với các chú ra phụ một tay. Cốp xe để mở của bác đang lèn chặt một chiếc tủ kính trưng bày. Sau khi hướng dẫn hai chú nhấc tủ khỏi cốp sao cho cẩn thận, bác Mel bảo Ba và hai chú còn lại khiêng ba thùng cạc-tông đang nằm trên băng ghế sau, xong xuôi bác khoát tay ra hiệu mọi người đi theo. Bà Russell đang giữ cửa trước cho họ và bác Mel dẫn Ba với các chú lên năm bậc thang so le để đi vào nhà. Họ khiêng tủ và ba cái thùng dọc hành lang dài và vòng ra phía sau ngôi nhà để đến căn phòng nơi bác Mel làm việc. Tôi theo sau họ, hai tay đút trong túi sau quần jean.

Văn phòng bác Mel nhỏ xíu và chật ních. Những chiếc thùng rỗng một nửa nằm trên sàn, còn những cái giá thì oằn mình dưới sức nặng của sách và hồ sơ xếp dựa vào tường. Giữa phòng đặt một chiếc bàn vuông lớn, mặt bàn bị bao phủ trong cơ man nào là bút, giấy, tiền lẻ, sổ biên lai và một khay đựng chìa khóa. Đằng sau bàn có một chiếc ghế xoay bọc da.

Bác Mel hướng dẫn các chú đặt tủ kính ở một góc phòng phía xa, để khi ngồi tại bàn, bác có thể ngước lên và nhìn vào bên trong tủ.

Chúng tôi đứng xem mẹ con bác Mel dỡ những thứ bên trong ba thùng cạc-tông ra và cẩn thận đặt chúng vào tủ kính. Đầu tiên chúng tôi thấy năm món đồ sứ màu trắng và xanh dương, sau đó đến những cuốn sách bìa da màu đỏ. Bác Mel xoay các bánh xe của một chiếc xe cứu hỏa đồ chơi trước khi đặt nó vào tủ. Mẹ bác tháo ra một chiếc tẩu vẫn còn vương sợi thuốc lá đưa cho bác và bác sẽ sàng đặt nó nằm nghiêng. Thứ cuối cùng ra khỏi thùng là những con thú thủy tinh. Có khoảng hai mươi con và chúng được xếp thành từng cặp, giống như những con vật trong một buổi diễu hành.

Chúng tôi được mời nhìn vào bên trong tủ kính. Trong lúc chúng tôi đứng săm soi các đồ vật, bà lão bảo Mel nhờ Ba truyền đạt lại cho tôi và bốn người chú rằng những thứ bên trong không phải để đụng vào.

Ba không nói gì với chúng tôi, chỉ hỏi: “Mọi người hiểu không?”, bốn người chú và tôi đáp: “Có”. Tất cả chúng tôi đều cảm thấy những thứ bên trong chiếc tủ rất quý, không phải vì chúng trông có vẻ quý giá với chúng tôi, mà vì chúng tách biệt hẳn khỏi sự lộn xộn của phần còn lại căn phòng cũng như của ngôi nhà.

Khi chúng tôi rời khỏi văn phòng bác Mel, tôi để ý trên bàn bác có một con bướm màu nâu vàng nằm phía trên đầu một số giấy tờ. Tôi với người tới để chạm vào nó, nhưng thay vì lớp bột thường bay ra từ cánh bướm, những ngón tay tôi quét qua mặt kính lạnh. Tôi dừng lại chỗ ngưỡng cửa và liếc qua vai về phía cái bàn. Cái gì thế nhỉ?

Vào đầu và cuối mỗi ngày đến trường, hai học sinh lớp lớn sẽ đứng ở giữa đường đối diện cổng trường; họ cầm biển báo và bắt chéo chúng như những thanh kiếm trong chiến trận. Điều này có nghĩa là xe hơi - tất tần tật mọi chiếc - kể cả những chiếc buýt lớn màu vàng cũng phải dừng lại nhường cho bọn trẻ băng qua đường đến trường hay rời trường về nhà ở bất kỳ đâu.

Mỗi buổi chiều tôi đều chạy qua mấy tấm biển báo bắt chéo để gặp chú nào đó đến đón tôi về nhà bác Mel. Khi chúng tôi đi ngang tấm biển nền đỏ chữ trắng mà cha con tôi hay dừng lại trước mỗi buổi sáng, tôi sẽ chạm nhẹ những ngón tay vào thân cột và thầm thì: “Xin chào”.

Chú dẫn tôi vào nhà và tôi sẽ chạy ào dọc hành lang về phòng để thay bộ váy ngứa ngáy ra quần jean và áo phông. Thường tôi sẽ có một tiếng đồng hồ ở một mình trước khi Ba hoặc một trong số các chú về nhà và bắt đầu chuẩn bị bữa tối.

Lúc đầu tôi hay dành thời gian đó để tô màu hoặc nghiên cứu quyển sách tập đọc có hình hai cô cậu bé cùng con chó Spot của họ thích đuổi theo bóng nảy trên sàn. Nhưng sau hôm chúng tôi xem bác Mel cất đồ vào tủ kính, tôi lẻn vào văn phòng bác và dành thời gian đó trò chuyện với con bướm và bọn thú thủy tinh.

Tôi thấy con bướm màu nâu vàng vẫn nằm trên bàn bác Mel như trước, bên trong đĩa thủy tinh dày phía trên chồng thư và biên lai tiền thuê nhà. Khi nhấc đĩa lên, tôi thấy con bướm bị kẹt trong một vũng thạch màu vàng. Dù đã lật qua lật lại đĩa thủy tinh, tôi vẫn không tìm ra chỗ con bướm đã bay vào hay có thể thoát lại ra ngoài. 

Tôi giơ chiếc đĩa lên tai và lắng nghe. Thoạt tiên, tôi chỉ nghe thấy độc tiếng thở của chính mình, nhưng rồi tôi nghe một tiếng sột soạt mơ hồ, như tiếng đôi cánh chạm vào một ô kính cửa sổ. Tiếng sột soạt là một bài hát thầm thì. Đó là cách con bướm giao tiếp và tôi nghĩ mình hiểu được.

Tôi giữ chiếc đĩa trong hai lòng bàn tay khum lại và nhìn xuống con bướm, sau đó mang nó lại chỗ cửa sổ trông ra khu vườn sau nhà. Khi tôi giơ chiếc đĩa lên chỗ ánh nắng, nó rực lên màu vàng loá mắt, và tại trung tâm khối màu là hình dáng con bướm màu nâu đất đậm đà.

Tôi mang đĩa về bàn và đặt nó lại phía bên trên chồng thư và biên lai tiền thuê nhà. Nó đè xuống đám giấy tờ như cách mái đầu nặng trĩu suy tư của Ba đè xuống gối mỗi đêm và kéo ông vào những cơn ác mộng, trong khi điều ông mong mỏi chỉ là một giấc mơ ngọt ngào và hạnh phúc như vị que kem mít.

Một đêm nọ khi hai cha con đang nằm ngủ, tôi thầm thì vào tai Ba: “Con tìm thấy một con bướm đang gặp rắc rối”.
“Rắc rối gì?” Ba hỏi.
“Con bướm còn sống…”
“Tốt”, Ba nói.
“Nhưng nó bị kẹt”.
“Ở đâu?”
“Bên trong một đĩa thủy tinh”.
Ba không nói gì.
“Nhưng nó muốn thoát ra ngoài”.
“Làm sao con biết?”
“Vì nó nói với con thế này: ‘xườ-xườ/xườ-xườ’ ”.

Ba ngồi dậy, lắc qua lắc lại mái đầu nặng nề và gõ vào một bên tai rồi đến bên kia.

“Ba đang làm gì vậy?” Tôi hỏi ông.
“Ba phải tống hết những lời bướm biếc này ra khỏi đầu trước khi chúng lớn lên”, Ba đáp và nghiêng đầu sang một bên để các từ ngữ có thể chảy ra như nước.
“Aaa…” ông thở dài, day day dái tai. “Sạch hết tất cả bướm với biếc. Giờ thì Ba ngủ được rồi”.

Sáng hôm sau, tôi đi ra góc vườn sau nhà nơi các chú làm việc. Họ đang tỉa cây, nhổ cỏ dại và đổ thức ăn vào máng cho chim. Khi một chú hỏi vì sao mặt tôi trông nghiêm trọng vậy, tôi bảo chú ấy rằng mình cần giúp đỡ. Tất cả các chú đồng loạt ngưng tay và muốn biết có gì không ổn.

Với những ngón tay uốn cong tạo thành một vòng tròn không đều, tôi giải thích rằng có một con bướm bị kẹt trong đĩa thủy tinh, và khi ta cầm chiếc đĩa giơ lên chỗ ánh sáng - bây giờ hai cánh tay tôi đang rướn về phía mặt trời - con bướm sẽ rực lên màu nâu vàng.

Tôi nhờ các chú giúp tôi giải thoát cho con bướm.

“Không thể nào được!”
“Con bướm đó tự chuốc lấy rắc rối khi bay vào một cái đĩa”.
“Nhưng đây là rắc rối mà bọn chú đành bó tay”.
“Đúng vậy, bọn chú có biết gì về bướm bị kẹt trong kính đâu. Chú chưa bao giờ thấy cái gì giống như thế ở Việt Nam”.
“Nhưng nghe không kinh khủng sao ạ?” tôi hỏi.
“Hẳn là giờ nó đã chết rồi, con bướm ấy”.
“Không thể làm gì nhiều với một con bướm chết”.
“Không ạ, cháu nghe nó sột soạt cánh. Nó muốn thoát ra ngoài!”
“Nghe này con gái, không con bướm nào có thể sống sót bên trong đĩa thủy tinh. Thậm chí nếu cơ thể nó còn sống, chú chắc là hồn nó đã bay đi từ đời tám hoánh”.
“Đúng vậy, chú cũng nghĩ thế. Không còn hồn vía nào bên trong đĩa thủy tinh đó”.
“Nếu không có hồn vía, sao con bướm có thể khóc lóc kêu cứu ạ?” tôi hỏi.
“Nhưng ở đất nước này việc khóc lóc đâu có nghĩa lý gì? Đêm nào Ba con cũng khóc trong vườn mà có ích lợi gì đâu”.
“Chỉ mất công tưới nước cho bãi cỏ của bác Mel”.
“Không có gì cả”.
Nói rồi họ quay trở lại làm việc.

Con bướm khóc nhè từng có thời bay lượn, nhưng bọn thú thủy tinh xếp cạnh nhau trên những ngăn tủ trưng bày của bác Mel chưa từng được chạy đi đâu cả. Chúng chưa từng có những móng guốc dày và nặng, loại có thể hất tung bụi và để lại vết hằn sâu hoắm trên những bờ sông ngập bùn. Chúng chưa từng đá bất cứ thứ gì hay cắn bất kỳ ai, dù chỉ để đùa vui. Chúng chưa từng cọ người vào thân cây hay lăn trên mặt đất với bốn chân quất vào không khí. Bọn chúng có những cái chân mà tôi có thể nhìn xuyên qua và những cái miệng thủy tinh nhỏ chưa từng hé ra để ăn hay uống. Bọn chúng chưa từng ngủ và chân chưa từng cong xuống. Bờm chúng cứng đờ. Một cơn gió nhẹ nhất cũng có thể xô chúng nghiêng ngả và trừ phi tôi sắp xếp lại, nếu không chúng vẫn sẽ nằm mãi như thế. Chúng là những con vật ngớ ngẩn nhất mà tôi từng gặp. Chúng thậm chí còn không biết mình đang bỏ lỡ những thứ gì.

Khi vào văn phòng bác Mel, tôi sẽ mở cửa tủ kính và giữ nguyên như vậy để bọn thú hít thở chút không khí. Tôi luôn chạm vào chúng. Tôi mang chúng đến bậu cửa sổ và để chúng ngồi trên gờ cửa đầy nắng, bên cạnh con bướm vàng óng của tôi. Tôi kể chuyện cho bọn chúng nghe. Tôi kể về đám bồ câu sống phía trên nhà Bà Sáu. Tôi ngồi xổm trên sàn phòng, bắt chước cách đám bồ câu đậu trên rìa mái nhà, chờ mổ những bụm cơm nguội mà Bà Sáu rải ra sân. Tôi đứng dậy và tạo thành tiếng chim bồ câu sà xuống những hạt cơm. Tôi kể về những con gà trống chạy cùng tôi dọc bãi biển và để lại những vết xước lạ lùng trên cát ướt. Tôi lấy bút và một mảnh giấy từ bàn bác Mel rồi vẽ bảng chữ cái hình gà trống cho bọn thú thủy tinh xem. Tôi kể chúng chuyện Má đã hứa rằng khi đủ lớn, tôi có thể đón tàu hoả vào thành phố với Má và bà sẽ dẫn tôi đi xem chợ lớn. Tôi giải thích rằng chợ thì lớn hơn cái tủ mà chúng đang sống, lớn hơn ngôi nhà bác Mel, lớn hơn cả khu vườn phía sau.

Tôi kể cho chúng nghe về bức ảnh con tàu đã đưa cha con tôi và bốn người chú đi tẩu thoát. Ai đó đứng trên boong chiếc tàu thủy đến đón chúng tôi đã chụp bức ảnh này. Tôi không biết tông tích người chụp hay làm thế nào mà một chú đã có được nó. Trong bức ảnh, tàu chúng tôi giống như chiếc tàu đồ chơi đang dập dềnh trong một bát nước lớn với đầy ắp những con người nhỏ tí xíu. Chúng tôi nằm trong số những người đó, nhưng tôi không phân biệt được ai với ai vì hết thảy mọi người đều bé tẹo. Những khuôn mặt nhỏ, những mái đầu nhỏ, những cánh tay nhỏ đang rướn tới để chạm vào những bàn tay nhỏ. Có lẽ những người Mỹ trên chiếc tàu thủy đã cười nhạo chúng tôi. Có lẽ đó là lý do mà họ mất khá nhiều thời gian để hạ thang xuống. Có lẽ trước hình ảnh bé tẹo của chúng tôi, họ đã cười ngặt nghẽo đến mức lăn quanh boong như những viên bi bị đổ. Họ phải đỡ nhau đứng dậy và nhớ lại tên của chính mình - Glen, Mike, Ron - và nơi họ đến - Abilene, Texas, Youngstown, Pennsylvania, Tacoma, Washington - trước khi để chúng tôi leo lên và giới thiệu tên mình - Lan, Cường, Hoàng - và nơi chúng tôi đến - Phan Thiết, Bình Thuận.

Tôi kể cho bọn chúng nghe những chuyện gì không quan trọng. Chuyện có thể diễn ra trong sân nhà chúng tôi ở Việt Nam hay trên boong tàu hải quân đã đón chúng tôi từ biển cả hay trên chiếc võng ở trại tị nạn Singapore hay trong bụng chiếc máy bay đã chở chúng tôi đến California; chuyện có thể diễn ra giữa trưa nóng nực hay buổi tối mát lạnh hay trong thời tiết lạ lùng từ một trong những cơn ác mộng của Ba; chuyện có thể thoảng mùi nước mắm hay mùi bánh hamburger hay mùi hoa nhài; chuyện có thể là lời mô tả về một giấc mơ của tôi hay một con chó tôi thấy hay một đứa con trai tôi nhớ; chuyện có thể nói về mái tóc của Má toả mùi ấm áp vào ban đêm hay cầu trượt sân chơi cảm giác lạnh lẽo vào buổi sáng hay cỏ trong khu vườn sau nhà cù vào mắt cá chân tôi nhột nhạt; chuyện có thể nói về tất thảy những gì đã xảy ra với cha con tôi và bốn người chú, xảy ra ‘Một cách đột ngột’, ‘Nhiều năm về trước’, và ‘Ở một nơi nào đó xa xôi’, - như trong những chuyện cổ tích mà thứ Sáu nào cô giáo cũng đọc cho cả lớp nghe.

Bọn thú thủy tinh không chớp mắt. Chúng không hề cười. Chúng không bao giờ nhướng một bên mày hay nghiêng đầu khi lắng nghe. Chúng không gật đầu đồng tình hay giậm chân xuống đất phản đối. Chúng không đặt câu hỏi. Chúng dường như không muốn biết bất cứ thứ gì. Tôi trở nên chán ngấy việc nói chuyện với chúng và cảm thấy rằng nếu bị phơi dưới nắng quá lâu, chúng có thể vỡ tan.

Tôi kéo căng gấu áo phông và nhấc bọn chúng khỏi gờ cửa sổ, đặt từng con vào chiếc áo đóng giả cánh buồm của mình. Khi đem chúng về tủ, tôi có thể cảm thấy những cái chân khẳng khiu của chúng chọc vào người mình qua lần vải áo. Tôi sẽ sắp xếp bọn thú theo thứ tự cao, thấp, cao, y hệt như mẹ bác Mel đã xếp chúng cho bác lúc đầu. Tôi đóng lại cửa chiếc tủ kính trưng bày với bọn thú thủy tinh đang nhìn về phía trước. Chúng không hề nhớ tôi là ai. Khi tôi trốn trong khoảng trống nhỏ giữa chiếc tủ và bức tường, chúng không một lần quay đầu lại hay ấn mặt vào cửa tủ kính để tìm tôi. Các chú không biết rằng không phải con bướm, mà đúng hơn là bọn thú thủy tinh mới không có hồn vía.

Con bướm nằm trong túi áo ấn vào người tôi khi tôi đi xung quanh văn phòng bác Mel. Tôi thích sức nặng của nó. Tôi thích nó như tôi thích đứng tại khu vườn sau nhà, mắt nhắm và hai tay đút vào túi, trong lúc từ từ quay mặt về phía mặt trời. Màu sắc của con bướm lúc tôi giơ nó lên chỗ ánh sáng giống như mùi vị mặt trời vào những ngày đó, khi tôi đứng tại khu vườn sau nhà và thè lưỡi ra.

Một chiều thứ Sáu nọ của tháng Mười Hai, một tuần trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, tôi đã cố gắng giải thoát cho con bướm. Kết cục là bác Mel bảo cha con tôi và bốn người chú thu dọn đồ đạc ra khỏi nhà. Ba nói đó không phải lỗi của tôi, cũng chẳng phải lỗi của ai hết. Ba bảo chuyện thường tình ấy mà.

Ngày hôm đó tôi đã kể cho bọn thú thủy tinh nghe về giấc mơ đêm hôm trước của mình. Trong mơ, tôi đánh cắp một trong những tấm biển báo băng qua đường từ người cầm biển ở trường và mang về nhà bác Mel. Tôi kéo lê tấm biển xuôi theo hành lang dài và dựng đứng nó lên như cột buồm một con tàu. Ba và bốn chú đang ngủ. Tôi đánh thức họ dậy và bảo họ trèo lên trên tấm biển. Tôi cột họ vào thân trụ để họ không rơi ra; trong lúc họ đứng chờ, tôi chạy từ phòng này sang phòng khác và bật lên toàn bộ vòi nước trong nhà.

Tôi kể cho bọn chúng nghe rằng dòng nước cuồn cuộn trong giấc mơ đã nhấc cha con tôi và bốn chú ra khỏi nhà, xuống năm bậc thang, đi vào phố, ngang qua trường tôi học và khu chơi bi-a của các chú, rồi vượt quá những toà chung cư in hệt nhau mà bên trong có những căn phòng trắng loá. Khi chúng tôi giong buồm qua những con đường trên tấm biển báo, tôi giơ cái đĩa thủy tinh giống như chiếc kính viễn vọng lên mắt và qua cơ thể con bướm, tôi thấy Má đang đứng trên một bãi biển xa xăm.

Bọn thú thủy tinh kiên nhẫn lắng nghe nhưng không có ý kiến gì về giấc mơ của tôi. Tôi nhấc chúng khỏi bậu cửa sổ và mang trở về chiếc tủ trưng bày. Tôi đóng tủ lại rồi leo lên chiếc ghế xoay bọc da của bác Mel và cứ thế xoay vòng tròn. Tôi xoay người đến hoa mắt trong lúc nhớ lại khuôn mặt Má trong giấc mơ và cố nghĩ cách giải thoát con bướm của tôi khỏi chiếc đĩa thủy tinh.

Khi ghế ngừng quay, tôi để ý thấy mấy mảnh kính vỡ trên ngăn dưới cùng của một kệ sách gần tủ trưng bày. Tôi leo xuống chiếc ghế xoay và đi lại chỗ tủ sách. Con bướm đang nằm trong túi và nó trì áo tôi xuống khi tôi khom mình nghiên cứu những mảnh kính vỡ. Đó là một khung ảnh.

Khung kính đã vỡ tan nhưng bức ảnh bên dưới trông còn nguyên vẹn. Bác Mel và mẹ mình thời còn trẻ đang mỉm cười qua lớp kính vỡ. Vòng tay của họ quanh người nhau khá là chặt và tôi cảm thấy ôm như vậy thì thật khó thở, nhưng họ có vẻ thích điều đó. Mũi họ hồng hào và bóng lưỡng. Răng bà lão hồi đó sáng và đều một cách khó tin, còn những lọn tóc xoăn của bác Mel thì rực lên trong nắng. Tôi thấy hai mẹ con bác trông rất khoẻ khoắn.

Giống như cha con tôi, mẹ con bác Mel đang đứng ở một nơi đầy tuyết và tựa người vào chiếc xe hơi xanh dương. Trên nền tuyết thấp thoáng một cái bóng, hẳn là nó thuộc về người chụp ảnh.

Mắt tôi liếc lên cái tẩu thuốc nằm nghiêng trong tủ kính, trong nõ tẩu vẫn còn nhét vài sợi thuốc lá.

Tôi đứng dậy khỏi bức ảnh và nhìn quanh phòng, nó có cảm giác thật đông đúc. Trên các kệ nhồi nhét những chồng giấy lộn xộn, còn trên sàn la liệt những thùng sách đầy một nửa trong những tư thế kỳ quặc vì bị đẩy tới đẩy lui trong lúc bác Mel đi lại xung quanh. Những chiếc thùng rỗng thì bị dựng đứng lên.

Mắt tôi quét qua bốn bức tường trong văn phòng bác Mel trước khi đậu lại ở khoảng trống giữa tủ kính trưng bày và bức tường gần cửa. Tôi đi đến đó và dùng tay đo đạc nó, đầu tiên ấn một lòng bàn tay vào tường rồi đến lòng bàn tay kia.

Vẫn dán mắt vào khoảng trống, tôi lùi người khỏi bức tường cho đến khi đứng cạnh cái bàn ở giữa phòng. Tôi lấy chiếc đĩa ra khỏi túi áo và giữ nó trong lòng bàn tay khum lại. Tôi lắc nhẹ nó và cảm nhận sức nặng của nó trong tay mình.

Con bướm nằm bất động trong đĩa, giống như người đang giả chết hay một bậc thầy về khoa nín thở.

Tôi giơ chiếc đĩa lên tai và lắng nghe. Trái tim tôi đang đập và sẽ không chịu im lặng. Tôi giang cánh tay giơ chiếc đĩa ra xa, lắc đầu, rồi đưa nó về lại gần tai.

Ở đó có một tiếng động mơ hồ, như một bức màn nhẹ tênh, hầu như trong suốt đang khẽ lay động lao xao trên cửa sổ.

Tôi siết chặt những ngón tay quanh chiếc đĩa, giang cánh tay ra sau xa hết mức có thể, nhắm vào giữa khoảng trống nhỏ có bề ngang bằng ba gang tay đó, tôi dứ người lấy đà và vung cánh tay về trước, làm chiếc đĩa bay vèo.

Chiếc đĩa bay nhanh và mạnh nhưng không đáp xuống nơi tôi đã dự định mà đâm xuyên qua cửa tủ kính trưng bày. Đầu gối của bọn thú thủy tinh oằn xuống. Khi chúng ngã, một số con mất đầu trong khi cơ thể những con khác gãy làm đôi. Cơ thể vỡ vụn của một số con đã bảo vệ những con khác khỏi cảnh nát bấy hoàn toàn. Một số con nằm nghiêng và nhìn ra ngoài cửa sổ.

Chiếc đĩa đập vào phần sau tủ, dội vào đám đồ sứ trước khi bắn ngược trở lại phòng. Văn phòng bác Mel bị lấp đầy trong những âm thanh mà bọn thú tạo ra.

Ba và các chú giật tung cánh cửa.

Tôi đang xoay tròn trên ghế, mắt quét khắp trần để tìm con bướm.

“Xườ-xườ/xườ-xườ”.
“Xì-tốp!/Xì-tốp!”
“Xườ-xườ /xườ-xườ”.
“Xì-tốp!”

– Còn tiếp –

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Đọc bài viết

Trích đăng

Điều gì kìm hãm chúng ta?

Từ chốn công sở truyền thống đến các công ty khởi nghiệp hiện đại, những người giỏi nhất sẽ nhận được phần thưởng khổng lồ, trong khi những người chỉ kém họ một chút thì nhận phần tầm thường hơn nhiều.

Published

on

By

Trích từ: Think Big
Tác giả: Tiến sĩ Grace Lordan
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book
Phát hành: tháng 12.2022

Mơ lớn thì dễ, nhưng biến chúng thành hiện thực thì lại khó. Định hướng công việc ngày nay rất phức tạp, và các kỹ năng chúng ta cần có thì luôn thay đổi chóng mặt. Những tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ và quá trình toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng đang định hình những loại công việc đặc thù trong từng giai đoạn nào đó. Ngày càng nhiều người trong chúng ta nhận thấy nơi mình làm việc giống như một đấu trường mà “người thắng được tất”. Từ chốn công sở truyền thống đến các công ty khởi nghiệp hiện đại, những người giỏi nhất sẽ nhận được phần thưởng khổng lồ, trong khi những người chỉ kém họ một chút thì nhận phần tầm thường hơn nhiều.

Phấn đấu đến vạch đích cụ thể nào đó là một hành trình mệt mỏi, tuy nhiên mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn nếu bạn làm việc chăm chỉ nhưng không có phương hướng hoặc mục tiêu trong đầu. Để thành công, nhiều người trong chúng ta hy sinh cả việc chăm lo cho bản thân. Chúng ta bỏ lỡ các sự kiện gia đình, lờ đi các buổi khám sức khỏe, quên béng các dịp đặc biệt và nhiều điều khác nữa. Nếu chấp nhận đánh liều với sức khỏe và hạnh phúc, vậy chắc hẳn chúng ta phải được khen thưởng tương xứng với tầm ảnh hưởng, kỹ năng, năng lực và tài năng của mình chứ? Nếu không, những rủi ro mà chúng ta đang gánh đâu có được đền bù xứng đáng.

Thế là chúng ta nỗ lực và nâng cao kỹ năng của mình. Những kỹ năng mới này tạo ra một điều tuyệt vời nào đó: Nghiên cứu đột phá, chiến lược sáng tạo hoặc một sản phẩm giúp mọi người đều được hưởng lợi. Và rồi chúng ta cũng được tưởng thưởng hậu hĩnh. Đúng chứ?

Thật không may, quá trình xác định ai nhận phần thưởng gì, và tại sao lại thế lại không mấy chính xác và thường không công bằng. Những sản phẩm mới mẻ tuyệt vời vẫn thất bại hằng ngày, những tài năng thực sự không được chú ý, những đổi mới có giá trị bị gạt sang một bên. Những thiên kiến nhận thức thường là lý do khiến ý tưởng của chúng ta lung lay và sự nghiệp bị đình trệ. Chúng có thể ảnh hưởng đến bạn và sự nghiệp của bạn hết lần này đến lần khác, hay thậm chí tác động trắng trợn đến mức khiến bạn phát khóc. Thật khó chịu khi những người có ảnh hưởng đến sự nghiệp của bạn lại bộc lộ những điểm mù khiến tiến trình ấy thêm dài hơn – thậm chí là tệ hơn – và kém thú vị hơn. Bạn thấy nản chí khi những câu chuyện kiểu “ở đây thì phải làm thế” cản trở những ý tưởng đổi mới của mình, hoặc lãng phí thời gian vào những cuộc thảo luận liên tu bất tận nảy sinh bởi tệ quan liêu, cứng nhắc, và thói vận động hành lang. Bạn cảm thấy bực bội khi chứng kiến thiên kiến cản trở tiến trình sự nghiệp của những người thông minh phi thường chỉ vì họ không học ở những ngôi trường hàng đầu, không có mạng lưới quan hệ phù hợp hoặc không có ngoại hình hợp nhãn.

Nhưng thiên kiến nhận thức không chỉ liên quan đến các đối tượng xung quanh – ảnh hưởng của những thiên kiến đó không gói gọn trong hành động (hay hành vi thụ động) của người khác. Tự chúng ta cũng có những thiên kiến nhận thức kìm hãm chính mình.

Bạn nghĩ mình là người ra quyết định tốt. Bạn luôn suy nghĩ kỹ lưỡng về những lựa chọn đưa ra. Bạn không cho phép cảm xúc lấn lướt lý trí. Bạn khá logic, đúng chứ?

Sai rồi.

Khoa học hành vi khẳng định rằng, trong hầu hết thời gian, việc ra quyết định của chúng ta thường xuyên bị cản trở bởi thiên kiến và điểm mù nhận thức, bất kể chúng ta đã cân nhắc thấu đáo đến đâu. Chúng ta tin rằng bản thân đang hành động có mục đích trong khi sự thực không phải như vậy. Chúng ta không lý trí như mình tưởng đâu.

Làm thế nào mà những thiên kiến nhận thức lại kìm hãm chúng ta trong công việc? Để tôi lấy ví dụ nhé, với những ai đang làm việc trong công ty lớn, hãy tự hỏi bản thân tại sao bạn không định tự đề bạt mình vào năm tới. Có phải vì bạn không đáp ứng được hết các yêu cầu đề ra, hay vì (trong hầu hết các trường hợp) các tiêu chí thăng chức không rõ ràng và bạn muốn đảm bảo rằng mình vượt trội hơn hẳn những tiêu chí đó?

Thử lùi lại một bước nào. Quyết định lý trí lúc này là gì đây?

Nếu là người lý trí, tôi muốn nhận được những lợi ích từ việc thăng chức càng sớm càng tốt. Tôi muốn có thêm thu nhập, địa vị, và không muốn mất thì giờ vào những việc lặt vặt nữa. Trong trường hợp các tiêu chí không rõ ràng, vậy chẳng phải tôi càng nên nhắm đến việc thăng chức sớm hơn sao? Tôi nên nắm lấy cơ hội mới phải chứ?

Nhưng có lẽ tôi đang quá áp lực với cái giá phải trả khi bị từ chối.

Nếu bạn thấy chuyện này giống với tình huống của mình thì đó là vì thiên kiến nhận thức đang kìm hãm bạn đấy. Bạn đang đánh giá quá cao cái giá của việc bị từ chối (cảm giác đau đớn, xấu hổ, v.v.) và đánh giá quá thấp lợi ích của khả năng thành công.

Đối với hầu hết mọi người, nỗi lo sợ bị từ chối khủng khiếp đến nỗi chúng ta không dám ra quyết định thường xuyên, điều đáng lẽ chúng ta nên làm. Chúng ta lo mình bị chối bỏ, lo đến mức không dám nghĩ đến việc đối mặt với điều đó. Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế của việc bị từ chối không tệ như chúng ta nghĩ. Và chưa kể sau cơn mưa trời còn sáng hơn nữa mà. Với tôi, sau mỗi lần bị từ chối, thường tôi sẽ ngồi nhấm nháp một ly vang đỏ thượng hạng cùng một ít sôcôla để động viên bản thân trước khi thử lại lần nữa. Điều quan trọng hơn cả là, chúng ta sẽ học được rất nhiều điều từ việc cố gắng và thất bại. Đó chính là kinh nghiệm sống, không chỉ từ bản thân việc cố gắng và thất bại, mà còn là việc rút kinh nghiệm từ đó.

Để tôi nêu một ví dụ khác nhé. Bạn ghét công việc hiện tại và mơ ước thành lập một doanh nghiệp? Có thể bạn đang ấp ủ ý tưởng về một sản phẩm tuyệt vời, nhưng lại toát mồ hôi lạnh khi nghĩ đến viễn cảnh không còn nhận được khoản lương tháng đều đặn nữa. Thế là bạn tiếp tục ngày ngày đi làm, và mơ hồ lo lắng niềm đam mê thực sự đang lướt qua mình.

Đây có phải là suy nghĩ lý trí? Bạn có nhìn nhận quyết định này theo kiểu được ăn cả ngã về không? Bạn có đánh giá thấp cái giá phải trả của sự hối tiếc? Bạn có tính đến cái giá của những câu “giá mà” khi đã 80 tuổi mà vẫn chưa theo đuổi ước mơ của mình? Bạn thấy không, tự chúng ta cũng có những thiên kiến nhận thức kìm hãm chính mình. Trên thực tế, với hầu hết mọi người, đây là vấn đề mấu chốt. Nếu soi xét bản thân công bằng, tôi sẽ đặt cược ở tỉ lệ 80 (do tôi): 20 (do người khác). Tôi bị mắc kẹt với các dự án quá lâu khi đáng lý tôi phải dẹp bỏ chúng đi. Điều này khiến tôi trở thành nạn nhân của ảo tưởng chi phí chìm, đó là xu hướng tiếp tục thực hiện dự án chỉ vì tiếc các nguồn lực đã đầu tư trước đó. Tôi cũng đã đánh giá thấp thời gian cần thiết để thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản và trở thành nạn nhân của ảo tưởng lên kế hoạch, thứ sẽ ngóc đầu vùng dậy khi chúng ta tin rằng các mục tiêu mình theo đuổi sẽ luôn diễn ra trong tình huống khả quan nhất. Ở nhiều giai đoạn trong sự nghiệp, tôi còn cảm thấy mình hệt một kẻ giả tạo khi cố gắng thể hiện bản thân, mặc dù tôi có đủ bằng cấp và kinh nghiệm để có thể tự tin nêu ra quan điểm. Điều đó nói lên một điều là, ngay cả những người nhận thức được hội chứng kẻ mạo nhận cũng dễ dàng rơi vào cái bẫy này. Tôi cũng đã trì hoãn rất nhiều lần (kể cả việc viết cuốn sách này), để tránh cảm giác đau thấu tâm can khi thất bại hoặc bị từ chối.

Bản thân chúng ta là một phần nguyên nhân khiến cho tiến trình sự nghiệp bị kéo dài, bị va vấp, chững lại, đảo ngược và thậm chí lao tới mép vực rất nhiều lần. Khi nhận ra thực tế đó, chúng ta sẽ cảm thấy như được giải phóng. Việc thừa nhận nhiều khả năng chính những thiên kiến của bản thân đang kìm hãm chúng ta sẽ cho phép chúng ta trở nên chủ động hơn. Nếu nhìn vào tỉ lệ ở trên, tôi có thể kiểm soát đến 80% những thiên kiến nhận thức đó, điều ấy sẽ tác động rất lớn đến việc sự nghiệp của tôi tiến triển như thế nào. Và điều ấy cũng đúng với bạn – mặc dù tỉ lệ của bạn có thể khác hơn chút.

Kể từ hôm nay, tôi muốn bạn kiểm soát hành trình sự nghiệp của mình và áp dụng những hiểu biết khoa học hành vi để xác định và theo đuổi mục tiêu mới tương ứng với việc nghĩ lớn, hoặc vượt qua vạch đích và hiện thực hóa giấc mơ đã ấp ủ lâu nay.

– Còn tiếp –

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Đọc bài viết

Cafe sáng