Trích đăng

Trích đăng “Kẻ ly hương” – Viet Thanh Nguyen

Trở thành một người tị nạn là biết chắc chắn rằng quá khứ không chỉ được đánh dấu bởi quãng thời gian đã trôi qua, mà còn bởi sự mất mát – mất mát những người thân yêu, quê cha đất tổ, bản sắc, bản ngã.

Published

on

Chi tiết tác phẩm

Trích từ: Kẻ ly hương

Tác giả: Viet Thanh Nguyen

Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 11.2019

Lời giới thiệu

NGUYỄN THANH VIỆT

Tôi đã từng là người tị nạn, mặc dù bây giờ chắc không ai còn nhìn lầm tôi với một nạn dân nữa. Chính vì lẽ này, tôi cứ nhất quyết muốn được gọi là một nạn dân, vì nỗi cám dỗ để giả vờ rằng mình chưa từng bao giờ là một người tị nạn thật là mãnh liệt. Sẽ thật dễ dàng hơn nếu tôi tự gọi mình là người nhập cư, vờ như mình thuộc về một kiểu nhân loại du cư rày đây mai đó vốn ít gây tranh cãi hơn, ít rầy rà hơn, và ít dọa dẫm hơn những người tị nạn.

Tôi chào đời như một công dân và như một con người. Năm lên bốn tuổi tôi đã trở thành một cái gì đó thấp kém hơn con người, ít ra trong mắt những kẻ không nghĩ về các nạn dân như là con người. Giờ đây khi nhìn lại, tôi chẳng nhớ gì về trải nghiệm đã biến tôi thành một người tị nạn. Nó bắt đầu với việc mẹ tôi đã tự mình ra một quyết định sinh tử. Ba tôi bấy giờ đang ở Sài Gòn, và mọi đường dây liên lạc đã bị cắt đứt. Tôi không nhớ việc mẹ tôi đã chạy trốn khỏi quê nhà với anh trai mười tuổi của tôi và tôi, để lại phía sau người chị nuôi mới mười sáu tuổi của chúng tôi để trông coi sản nghiệp gia đình. Tôi không nhớ chị tôi, người mà ba mẹ tôi sẽ không được gặp lại trong gần hai mươi năm trời, người mà tôi sẽ không còn gặp lại trong gần ba mươi năm.

Anh trai tôi nhớ những xác lính dù treo lủng lẳng trên cây trong hành trình trốn chạy của chúng tôi, mặc dù tôi không nhớ gì về chuyện đó. Tôi cũng không nhớ liệu mình có đi bộ hết một trăm tám mươi tư cây số tới Nha Trang, hay mẹ tôi có bồng tôi không, hay chúng tôi có xoay xở leo lên được một trong những chiếc xe hơi, xe tải, xe ngựa, xe bò, xe mô tô, và xe đạp nằm ngổn ngang la liệt trên đường không. Có lẽ mẹ tôi nhớ nhưng tôi chưa bao giờ hỏi về cuộc di tản thảm khốc đó, hoặc về mười ngàn nạn dân và binh lính đang táo tác tháo chạy, hay cuộc tranh cướp tuyệt vọng để lên được một chiếc thuyền ở Nha Trang, hay vụ vài binh lính nổ súng vào thường dân để mở đường chạy lên thuyền, như về sau tôi đọc được trong những ghi chép về thời kỳ này.

Tôi không nhớ việc đã tìm gặp ba ở Sài Gòn, hoặc chúng tôi đã nơm nớp suốt một tháng chờ đợi ngày quân đội Cộng sản tiến đến rìa thành phố ra sao, hoặc chúng tôi đã xoay xở mọi cách để đến phi trường, rồi đến Đại sứ quán Mỹ, và cuối cùng đã bằng cách nào chen lấn qua những đám đông tại bến tàu để tìm tới một con thuyền, hoặc việc ba tôi đã bị thất lạc với chúng tôi nhưng vẫn quyết định tự mình lên một chiếc thuyền dù sao mặc lòng, và việc mẹ tôi đã quyết định một điều tương tự, hoặc làm thế nào chúng tôi đã cuối cùng tái hợp trên một con tàu lớn hơn. Tôi nhớ rằng chúng tôi đã gặp may mắn một cách khó tin, tìm được đường rời khỏi đất nước, khi mà nhiều triệu người không thể, và không lạc mất một ai, khi mà nhiều ngàn người đã bị như vậy. Không ai cả, ngoại trừ chị tôi.

Trong hầu hết quãng đời đã qua của mình, tôi đều nhớ chuyện những binh lính trên thuyền chúng tôi nổ súng vào một chiếc thuyền nhỏ hơn chứa đầy người tị nạn đang cố sấn lại gần. Nhưng khi tôi nhắc chuyện đó với anh trai nhiều năm sau, anh nói rằng không bao giờ có việc nổ súng cả.

Tôi không nhớ rất nhiều chuyện, và tôi lấy làm biết ơn vì điều ấy, bởi lẽ những chuyện tôi nhớ được đã đủ làm tôi tổn thương lắm rồi. Ký ức của tôi bắt đầu sau những lần dừng chân của chúng tôi tại một chuỗi các căn cứ quân sự của Mỹ ở Philippines, đảo Guam, và sau cùng là Pennsylvania. Để được rời trại tị nạn ở Pennsylvania, những người Việt tị nạn cần những người Mỹ đỡ đầu. Một người đỡ đầu đã nhận bảo trợ ba mẹ tôi, một người khác nhận nuôi anh tôi, một người khác nữa nuôi tôi. Trong hầu hết cuộc đời mình, tôi đã cố không nhớ về thời khắc này ngoại trừ ghi nhận nó như một sự kiện hiển nhiên, như một chuyện đã xảy ra với chúng tôi nhưng không để lại thiệt hại nào cả, nhưng sự thật không phải vậy. Là một nhà văn và cha của một bé trai bốn tuổi, cùng độ tuổi mà tôi đã trở thành người tị nạn, tôi phải nhớ, hoặc đôi khi tưởng tượng, không chỉ những gì đã xảy ra, mà cả cảm giác đã được trải nghiệm. Tôi phải hình dung đến tình cảnh của một người cha và một người mẹ có những đứa con bị bắt khỏi vòng tay mình. Tôi phải tưởng tượng cảm nhận của mình lúc bấy giờ, mặc dù tôi nhớ đến việc đã bị người cha đỡ đầu bắt đưa đi thăm cha mẹ tôi và khóc thét mỗi khi chia tay ra về.

Tôi nhớ đến cảnh sum họp với cha mẹ sau vài tháng và tuyết và sự giá lạnh và việc mẹ tôi biến mất khỏi cuộc đời chúng tôi trong một quãng thời gian tôi không thể nhớ và vì những lý do tôi không thể hiểu, và với một nhận biết mơ hồ rằng nó có gì đó liên quan tới vết thương nhói lòng của một người mất nước, mất gia đình, của cải, sự an toàn, và có lẽ cả chính bản thân mình. Nhớ lại điều này, tôi biết rằng tôi cũng đang tiên báo một thứ tương lai u ám nhất có thể, về những gì sẽ xảy đến với mẹ trong nhiều thập kỷ sắp tới. Mặc cho sự vắng mặt ngắn ngủi, hoặc có lẽ là rất lâu của mẹ, tôi nhớ mình đã tận hưởng cuộc sống ở Harrisburg, Pennsylvania, vì trẻ con có thể vui thú với những thứ mà người lớn không thể miễn là chúng có thể nô đùa, và tôi nhớ về chiếc ghế tràng kỷ nằm ở sân sau và những đứa trẻ hàng xóm lấy trộm kẹo Halloween của chúng tôi và anh trai đã giận dữ dắt tôi về nhà trước khi tự mình đánh bạo đi lấy lại những thứ đã mất.

Tôi nhớ việc di chuyển tới San Jose, California, vào năm 1978 và cha mẹ tôi mở một cửa hàng tạp hóa Việt thứ hai trong thành phố và tôi nhớ cuộc gọi vào ngày lễ Giáng Sinh mà anh tôi nhận được, báo cho anh biết rằng cha mẹ tôi đã bị bắn trong một vụ cướp có vũ trang, và tôi nhớ sự tình không đến nỗi tồi tệ lắm, chỉ là những vết thương phần mềm, họ đã trở lại làm việc không lâu sau đó, và tôi nhớ rằng những người duy nhất muốn mở cửa hàng trong khu buôn bán xập xệ San Jose là những người Việt tị nạn, và tôi nhớ đã bước xuống đường phố từ cửa hàng của ba mẹ tôi và trông thấy tấm bảng trên một tủ kính bày hàng ghi MỘT NGƯỜI MỸ NỮA ĐÃ SẬP TIỆM VÌ NGƯỜI VIỆT NAM, và tôi nhớ một tên găng-xtơ lẽo đẽo theo chúng tôi về đến nhà và gõ cửa và vung vẩy khẩu súng vào mặt tất cả chúng tôi và mẹ đã cứu chúng tôi với việc chạy vụt qua mặt y và lao ra ngoài vệ đường, nhưng tôi không nhớ chuyện hai cảnh sát bị bắn chết trước cửa tiệm của cha mẹ chúng tôi vì bấy giờ tôi đã đi học đại học xa nhà và cha mẹ tôi không muốn gọi điện làm tôi lo lắng.

Tôi nhớ tất cả những điều này vì nếu tôi không nhớ và viết chúng ra ắt có lẽ tất cả chúng sẽ tan biến vào hư vô, cũng như tất cả những cửa hàng Việt Nam đã biến mất, vì sau khi họ đã giúp hồi sinh khu buôn bán mà chẳng ai buồn đầu tư vào, thành phố San Jose nhận ra rằng khu buôn bán ấy còn có thể tốt hơn thế nhiều bèn bắt buộc tất cả chủ cửa hàng bán lại mọi sản nghiệp của họ và nếu bạn ghé thăm khu thương mại San Jose ngày nay bạn sẽ nhìn thấy một tòa thị chính khổng lồ, lấp lánh, mới tinh biểu trưng cho sự thịnh vượng của Thung lũng Silicon chỉ vừa vặn bắt đầu tồn tại năm 1978 nhưng bạn sẽ không thấy cửa tiệm của ba mẹ tôi vốn nằm bên kia đường đối diện tòa thị chính mới. Cái bạn sẽ thấy thay vì vậy là một bãi đỗ xe với vài chiếc xe hơi ở đó vì hội đồng thành phố nghĩ rằng quang cảnh một bãi đỗ xe trống trơn nhìn từ những cửa sổ và phòng giải lao của tòa thị chính hấp dẫn hơn quang cảnh một tiệm tạp hóa gia đình của người Việt phục vụ những người tị nạn.

Là những nạn dân không chỉ một mà đến hai lần, từ miền Bắc chạy vào miền Nam năm 1954 khi quốc gia bị chia đôi, cha mẹ tôi đã trải nghiệm một tình thế lưỡng phân đau đớn thường thấy của một người bị coi là kẻ xa lạ. Kẻ khác lạ tồn tại trong sự mâu thuẫn, hoặc có lẽ trong sự nghịch lý, hoặc như một thứ người vô hình, hoặc bị săm soi tận chân tơ kẽ tóc, nhưng hiếm khi được nhìn nhận một cách đàng hoàng tử tế. Trong hầu hết thời gian chúng ta không thấy kẻ khác hoặc là nhìn xuyên qua họ, bất kể kẻ khác ấy là ai với chúng ta, vì mỗi chúng ta – ngay cho dù bị một số người coi là kẻ khác lạ – vẫn có những kẻ khác lạ của riêng mình. Khi chúng ta nhìn kẻ khác lạ, kẻ khác lạ ấy không thật sự là con người đối với chúng ta, bởi cùng cách thức chúng ta định nghĩa về kẻ khác lạ, mà thay vào đó là một ấn tượng bất di bất dịch, một trò đùa, hay một nỗi ghê sợ. Trong trường hợp của người Việt tị nạn ở Mỹ, chúng tôi hiện thân cho bóng ma Á châu đến để phục vụ hoặc để đe dọa.

Vô hình và hiện diện mọi lúc khắp nơi, những người tị nạn bị thờ ơ và quên lãng bởi những người không phải người tị nạn cho đến khi họ biến thành một mối đe dọa. Những người tị nạn, như tất cả những người khác, bị coi là vô hình cho đến khi họ bị nhìn thấy ở khắp nơi, đe dọa tràn vào biên giới của chúng ta, xâm lấn văn hóa chúng ta, cưỡng hiếp phụ nữ chúng ta, dọa nạt con cái chúng ta, hủy hoại nền kinh tế chúng ta. Chúng ta những người làm ngơ và lãng quên thường không nhận thức đó là hành xử thô bạo, vì chúng ta không biết mình đang làm điều đó. Nhưng đôi khi chúng ta cố tình thờ ơ và lãng quên người khác. Khi chúng ta làm vậy, chúng ta chắc chắn ý thức rằng chúng ta đang gây tổn thương, đang hành xử thô bạo, dù đó là ở trên sân trường khi còn là những đứa trẻ hay là trên bình diện quốc gia. Khi những kẻ khác lạ này chống trả vì nhu cầu được nhìn thấy và nghe thấy – như những người tị nạn đôi khi làm – họ có thể trông giống như những bóng ma hăm dọa mà số phận của họ chính chúng ta đã gây ra và đã phủ nhận. Vậy thì chẳng có gì là lạ khi chúng ta không muốn thấy họ.

Khi tôi nói chúng ta, tôi muốn kể cả những người từng là những nạn dân. Có một vài cựu nạn dân đang cảm thấy yên ổn thoải mái trong sự vô hình của họ, trong sự an toàn với tư cách công dân mới của họ, vốn nhìn những người tị nạn hiện diện khắp nơi như những mối đe dọa và nói, “Đủ rồi.” Những cựu nạn dân này nghĩ rằng họ là những người tị nạn tốt, những người tị nạn đặc biệt, trong khi rất có thể họ chỉ đơn giản là những người may mắn, những người tị nạn có số phận tương hợp với bối cảnh chính trị của đất nước tiếp nhận họ. Những người Việt tị nạn đến Mỹ đã may mắn nhận được thiện tâm phát sinh từ một nước Mỹ mang nặng mặc cảm tội lỗi về cuộc chiến, và còn từ nỗi khao khát của một nước Mỹ muốn chứng tỏ rằng quốc gia tư bản chủ nghĩa và dân chủ tốt hơn nhiều so với quốc gia cộng sản chủ nghĩa mới thành hình mà những nạn dân đang sống chết tháo chạy. Những người tị nạn Cuba trong thập niên 1970 và 1980 được hưởng lợi từ một bối cảnh chính trị Mỹ tương tự, nhưng những nạn dân Haiti trong thời của mình thì không. Màu da đen của họ đã ngăn trở họ, cũng như việc là người Hồi giáo làm tổn thương nhiều nạn dân Syria ngày nay khi họ tìm kiếm nơi lánh nạn vậy.

Từ mọi điều tôi nhớ và mọi điều tôi không nhớ, tôi tin vào sự tương đồng về số phận con người giữa tôi và những nạn dân Syria và với 65,6 triệu người mà Liên Hiệp Quốc định nghĩa là người lưu vong. Trong số đó, 40,3 triệu là những người mất nhà mất cửa, lưu lạc tha hương ngay trong xứ sở; 22,5 triệu là những nạn dân phải trốn chạy liên miên trong đất nước mình; 2,8 triệu là những người tìm kiếm nơi lánh nạn. Nếu 65,6 triệu người này có quốc gia, quốc gia của họ sẽ lớn thứ hai mươi mốt thế giới, nhỏ hơn Thái Lan nhưng lớn hơn Pháp. Ấy vậy mà, họ không có một xứ sở cho riêng mình. Thay vì vậy, họ – để mượn cách diễn giải của sử gia nghệ thuật Robert Storr, người đang viết về vai trò của những người Việt Nam trong tâm thức nước Mỹ – là những kẻ phiêu bạt vô sở trú của lương tâm thế giới.

Những kẻ tha hương này hầu hết không được hoan nghênh ở nơi từ đó họ trốn chạy; không được hoan nghênh nơi họ đang ở, trong những trại tị nạn; và không được hoan nghênh nơi họ muốn đến. Họ đã phải chạy trốn dưới những điều kiện hết sức nghiệt ngã; họ mất hết thân bằng, quyến thuộc, nhà cửa, quê hương; họ bị giam cầm trong những trại tị nạn với những điều kiện dưới mức con người, không một kết cục rõ ràng về nơi lưu trú, và không một lối thoát dứt khoát nào; họ thường bị đe dọa trục xuất về bản thổ; và rất nhiều khả năng họ sẽ bị lãng quên, vốn là chỗ mà công việc của các nhà văn trở nên quan trọng, nhất là những nhà văn là người tị nạn hoặc từng là người tị nạn – nếu có thể vạch ra một sự khác biệt như vậy.

Liên Hiệp Quốc nói rằng người tị nạn sẽ thôi là người tị nạn nếu họ tìm được một ngôi nhà mới và cố định. Đã rất lâu kể từ khi tôi còn là một người tị nạn theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc: “người bị buộc trốn chạy khỏi quê hương vì lý do bị bức hại, chiến tranh, hay bạo lực.” Nhưng tôi vẫn khắc sâu trong lòng mình những ký ức vỡ vụn của việc chính mình là một nạn dân, vì nơi mà một nhà văn nên đặt chân đến là nơi khổ đau mất mát, và vì một nhà văn cần phải biết đến cái cảm nhận của một kẻ xa lạ lạc lõng là như thế nào. Công việc của một nhà văn là bất khả nếu ông ta hay bà ta không thể khơi gợi trong tâm tưởng độc giả những thân phận con người, và chỉ thông qua những hành động ghi nhớ, tưởng tượng, và cảm thông như thế chúng ta mới có thể làm lớn lên trong chính mình khả năng cảm nhận người khác.

Nhiều nhà văn, có lẽ hầu hết nhà văn hay thậm chí là tất cả các nhà văn, là những người không cảm thấy hoàn toàn thoải mái yên ổn. Họ thường khi là những kẻ lạc lõng, những kẻ ly hương thất tán về mặt cảm xúc hoặc tinh thần hoặc xã hội ở mức độ này hay mức độ khác, vào lúc này hay lúc khác. Hay có lẽ chỉ riêng tôi cảm nhận như vậy chăng. Nhưng tôi không thể không nghi ngờ rằng chính là vì trạng huống lưu vong đày ải này mà các nhà văn bắt đầu hiện hữu, và chính đây là lý do nhiều nhà văn có mối đồng cảm và thông hiểu đến vậy với những kẻ ly hương thất tán cách này hay cách khác, dù đó là một kẻ thất cơ lỡ vận trong xã hội hay là cả một làn sóng hàng triệu con người vô gia cư gây ra bởi những thế lực ngoài tầm kiểm soát của họ. Trong trường hợp của tôi, tôi nhớ rõ thân phận lưu vong của mình đến nỗi mà giờ đây tôi có thể cảm nhận nguyên vẹn cảm giác của những phận đời ly hương. Tôi ghi nhớ nỗi bất công của cuộc sống lưu vong đến độ tôi có thể hình dung tác phẩm của tôi như một nỗ lực thực thi phần nào công lý cho những người bị bức bách ra đi. Điều không công bằng với những cuộc đời tị nạn, những con người vô tổ quốc, những kẻ tìm nơi nương náu, những kẻ không còn có mái nhà để về là gì đây? Khi nói tới công bằng, điều quan trọng không phải là liệu người dân ở đất nước cưu mang có nghĩ rằng họ không có nghĩa vụ hay nợ nần gì với các nạn dân hay là ngược lại. Giam giữ con người trong trại tập trung là trừng phạt họ khi mà họ không phạm một tội nào ngoài việc cố gắng cứu lấy sinh mệnh của chính mình và của người thân. Trại tị nạn là một người anh em họ hàng bất nhân đồng hạng với trại giam, trại tập trung, trại tử thần. Trại là nơi để chúng ta giam giữ những kẻ chúng ta không coi là con người hoàn toàn, và nếu chúng ta không chủ tâm tìm cách đưa họ đến chỗ chết trong hầu hết trường hợp, chúng ta cũng thường không tích cực tìm cách trả lại cho họ cuộc sống mà họ đã có trước kia, cuộc sống mà chúng ta đang có.

Chúng ta nên nhớ rằng công lý không giống như luật pháp. Nhiều điều luật nói rằng biên giới là bất khả xâm phạm, và rằng vượt biên trái phép là tội hình sự. Những người nhập cư trái phép vì lẽ ấy là những tội phạm và trại tị nạn là một thứ nhà tù. Nhưng nếu những đường biên giới là hợp pháp, liệu chúng cũng có công bằng chăng? Những khái niệm của chúng ta về biên giới đã thay đổi qua nhiều thế kỷ, cũng như những quan niệm về công lý và lòng nhân đạo của chúng ta vậy. Ngày nay chúng ta thường có thể di chuyển tự do giữa các thành phố trong một đất nước, ngay cho dù những thành phố ấy đã từng là những thực thể với những đường biên giới riêng của chúng và đã từng đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Giờ đây chúng ta hãy quay nhìn lại thời kỳ của những thành bang – nếu chúng ta còn nhớ về chúng – và tôi ngờ rằng sẽ chẳng mấy ai trong chúng ta có mong muốn trở lại một điều kiện sống như thế.

Cũng vậy, chúng ta nên nhìn vào hiện trạng của những biên giới quốc gia và chúng ta nên hình dung về một thế giới công bình hơn nơi những ranh giới này là những cột mốc biểu thị văn hóa và bản sắc, quan trọng nhưng dễ dàng vượt qua, thay vì những biên giới pháp lý bày đặt ra để khoác lên bản sắc quốc gia chúng ta một diện mạo nghiệt ngã, sẵn sàng gây hấn và chiến tranh, chia rẽ chúng ta với những người khác. Sự tan rã của những biên giới là viễn kiến về một thế giới chủ nghĩa không tưởng, về nền hòa bình toàn cầu và một nơi chốn toàn cầu nơi không ai phải sống lưu vong, về nhân loại như một cộng đồng toàn cầu vốn cho phép những dị biệt văn hóa nhưng không phải loại dị biệt dẫn chúng ta đến chỗ áp bức, trừng phạt, hoặc giết chóc. Làm cho những đường biên giới trở nên dễ vượt qua, ấy là chúng ta đang đưa chúng ta lại gần hơn với người khác, và đưa người khác lại gần chúng ta hơn. Tôi thấy phấn chấn với một viễn cảnh như thế, nhưng vài người nhận thấy sự gần gũi này là điều vô cùng gây kinh hãi.

Nếu chưa thành tựu được cộng đồng toàn cầu này, ấy không phải tại vì đó là một giấc mơ hoàn toàn không tưởng, một cõi trời hư vô không được vẽ ra bởi bất kỳ biên giới nào. Có những thời khắc trong lịch sử nhân loại – và nhiều lần trong những tác phẩm văn học và văn hóa dân gian và thần học của mình – chúng ta đã đạt đến cảnh giới cao thượng nhất của phẩm cách trong khả năng mở lòng với tha nhân, cho kẻ đói ăn, cho kẻ rách rưới áo mặc, cho khách trọ nhà. Đây là điều chúng ta cần ghi nhớ khi chúng ta ấp ủ hy vọng và ra sức vì một tương lai, nơi mà thứ quan trọng không phải là biên cương, mà là con người. Đây là loại ký ức, ký ức về lòng nhân đạo của chúng ta, và sự bất nhân của chúng ta, mà các nhà văn có thể khơi dậy.

Chúng ta cần những câu chuyện để biểu đạt viễn kiến của một nhà văn, nhưng đồng thời để có thể thốt lên tiếng lòng của những người phải biền biệt câm nín. Nỗi khao khát lắng nghe sự câm lặng vô thanh này là một phép tu từ mãnh liệt đồng thời ẩn tàng nguy hiểm nếu nó ngăn chúng ta làm nhiều hơn là chỉ lắng nghe một câu chuyện hay đọc một quyển sách. Chỉ vì chúng ta đã nghe câu chuyện đó hay đọc quyển sách đó không có nghĩa đã có bất kỳ thay đổi gì cho những kẻ câm lặng. Những độc giả và nhà văn không nên tự đánh lừa mình rằng văn chương có thể thay đổi thế giới. Văn chương thay đổi thế giới của các độc giả và nhà văn, nhưng văn chương không thay đổi thế giới cho đến khi người ta nhảy ra khỏi ghế bành, lăn xả vào cuộc đời, và làm điều gì đó để đổi thay những tình cảnh mà văn chương đã nói lên. Bằng không văn chương sẽ chỉ là một vật thờ lố lăng đối với các độc giả và nhà văn, cho phép họ nghĩ rằng họ đang lắng nghe những kẻ câm lặng, trong khi thật ra họ chỉ đang nghe tiếng nói cá nhân của nhà văn mà thôi.

Vấn đề ở đây là những người mà chúng ta gọi là câm lặng thường khi không thật sự câm lặng. Nhiều người câm lặng thật ra đang luôn luôn giãi bày. Họ nói rất to, nếu bạn đến đủ gần để nghe họ, nếu bạn có khả năng lắng nghe, nếu bạn ý thức về những gì bạn không thể nghe. Vấn đề là phần lớn thế giới không muốn lắng nghe những kẻ câm lặng hoặc không thể nghe họ. Sự công bình chân chính là tạo ra một thế giới của những cơ hội xã hội, kinh tế, văn hóa, và chính trị vốn sẽ cho phép tất cả những con người câm nín này kể lại câu chuyện của họ và được nghe thấy, thay vì lệ thuộc vào một nhà văn hay một kiểu người đại diện nào đó. Không có sự công bình như thế, sẽ không bao giờ có hồi kết cho những làn sóng người lưu vong, cho việc tạo ra những con người càng câm lặng hơn nữa, hoặc, chính xác hơn, cho sự câm lặng khôn cùng của hàng triệu tiếng nói. Sự công bình chân chính sẽ là khi chúng ta không còn cần một tiếng nói cho những ai câm nín nữa.

Trong khi chờ đợi, chúng ta có quyển sách với những tiếng nói vang vọng mãnh liệt này, từ những cây bút vốn dĩ là những người tị nạn. Joseph Azam, đến từ Afghanistan, kể về quá trình tự chuyển biến dài lâu rốt cuộc đã dẫn tới việc tỉa tót cái tên cúng cơm của mình theo một hơi hướng rất Mỹ. David Bezmozgis, đến từ Liên bang Xô Viết, định cư ở Canada, nơi anh mô tả quá trình vun đắp mối tình đoàn kết thầm lặng với một người tị nạn mới đang cố gắng xin phép được ở lại. Fatima Bhutto, chào đời ở Afghanistan, có cha là một người Pakistan xuất thân từ một gia thế có bề dày làm chính trị, đã tự mình kinh qua những trải nghiệm của một nạn dân trong phiên bản thực tại ảo, và bất ngờ bị xúc động mãnh liệt. Bùi Thi, người trốn chạy cuộc chiến tranh Việt Nam để đến Hoa Kỳ, đã suy ngẫm về hành trang và những mảnh vỡ rời rạc của cuộc đời tị nạn qua những bức tranh được khắc họa sắc nét. Ariel Dorfman rời Chile và định cư ở Bắc Carolina, nơi ông bài xích đường lối chính trị của Donald Trump và tìm thấy hy vọng trong một siêu thị liên Mỹ La-tinh. Reyna Grande, người đến Mỹ như một người nhập cư không giấy tờ từ Mexico, đã nêu ra những câu hỏi quyết liệt về vấn đề định nghĩa: Điều gì làm cho anh trở thành người tị nạn thay vì người nhập cư?

Lev Golinkin, một người Liên Xô gốc Do Thái qua bao gian khổ đã tị nạn được ở Vienna, đã mô tả cuộc gắng sức triền miên tháng ngày để giữ lại được nhân tính khi trải nghiệm tị nạn hóa thành một bóng ma ghê khiếp. Meron Hadero, người đã đến Đức từ Ethiopia khi còn đỏ hỏn, quay trở lại Đức khi trưởng thành để tìm lại những trải nghiệm của phận đời lưu vong và nhập cư mà cô không còn nhớ.

Aleksandar Hemon, một người Chicago đến từ Bosnia, kể lại những trải nghiệm như nhân vật Candide của một đồng hương người Bosnia đã phải sống một cuộc đời quá đỗi bi tráng nhưng khôn cùng bất hạnh. Joseph một người tị nạn gốc Do Thái đến từ Hungary, miêu tả vị thế độc nhất vô nhị của Canada như một xứ sở dành cho những người ngoại cuộc, sau Mỹ, nhưng không hoàn toàn giống Mỹ (trong ý nghĩa tích cực). Porochista Khakpour cung cấp một tự truyện chân thực về cuộc hành trình của cô từ Iran đến Mỹ, bao gồm thân phận bấp bênh của cô với tư cách người Hồi giáo, người da nâu, và người Mỹ trong thời chiến. Marina Lewycka, sinh ra bởi một cặp vợ chồng người Ukrainia trong một trại “lưu vong”, định cư ở Anh với một căn cước Anh đàng hoàng tử tế – cho đến khi tâm cảm bài xích người nhập cư ngày một dâng cao khiến cô hoài nghi căn cước ấy. Maaza Mengiste, một nhà văn Mỹ đến từ Ethiopia, lần nọ trong một quán cà-phê Ý quan sát thấy hình ảnh khổ sở tàn tạ của một thanh niên da đen nhập cư, và cảm nhận nỗi đau của sự gắn bó giữa cô với anh ta và với nhiều người bị bức bách tha hương khác.

Dina Nayeri, sinh ra ở Iran, lớn lên ở Mỹ, và hiện là một cư dân Anh quốc, đã thách thức cái ý niệm rất phổ biến rằng những người tị nạn phải biết ơn bằng việc cho thấy lòng biết ơn là một cái bẫy như thế nào. Trần Vũ, một người Việt tị nạn đã đến Oklahoma, đưa ra một bảng phân loại nhiều lốt vỏ của người tị nạn: trẻ mồ côi, diễn viên, bóng ma. Novuyo Rosa Tshuma, có gia đình đã rời Zimbabwe để đặt chân đến một Nam Phi vừa hiếu khách vừa thù địch, mô tả nỗi sợ bị bức hại của người tị nạn như là nguồn cơn của nỗi khao khát tỏ ra khác thường, và vì lẽ ấy được chấp nhận. Kao Kalia Yang, một người tị nạn gốc Hmong đã cùng với gia đình đến Minnesota từ Lào, mãi ám ảnh với ký ức về những trẻ em tị nạn trong trại của cô đã vật lộn và chiến đấu để sinh tồn như thế nào.

Tất cả những nhà văn này chắc chắn đã viện đến những ký ức về quá khứ của chính họ và gia đình họ. Trở thành một người tị nạn là biết chắc chắn rằng quá khứ không chỉ được đánh dấu bởi quãng thời gian đã trôi qua, mà còn bởi sự mất mát – mất mát những người thân yêu, quê cha đất tổ, bản sắc, bản ngã. Chúng tôi muốn giãi bày tất cả những nỗi mất mát đau thương mà lẽ ra hãy còn chưa được nghe thấy ngoại trừ bởi chúng ta và những ai gần gụi và thân thương với chúng ta. Trong trường hợp của tôi, tôi nhớ đến những mất mát của cha mẹ tôi, và tôi nhớ giọng nói của họ. Tôi nhớ giọng nói của tất cả những người Việt tị nạn mà tôi đã gặp trong thời tuổi trẻ, khản cổ vì phải nhiều lần kể đi kể lại câu chuyện của mình. Nhưng tôi không nhớ giọng chị tôi. Tôi không nhớ giọng nói của tất cả những nạn dân đã chia sẻ cuộc di cư bi thảm với tôi và không đến được bến bờ, hoặc không sống sót. Nhưng tôi có thể hình dung về họ, và nếu tôi có thể hình dung về họ, ắt tôi cũng có thể nghe thấy họ. Đó là giấc mộng của nhà văn, rằng chỉ cần chúng tôi có thể nghe thấy những con người mà không ai khác muốn nghe này, ắt là chúng tôi cũng có thể khiến cho bạn nghe thấy họ.

-Còn tiếp-

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.


Trích đăng

Vào bếp nấu chè trôi nước ngũ sắc đưa ông Táo về trời – Trích “Thơm thảo xôi chè”

Published

on

Vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, ông Công ông Táo sẽ cưỡi cá chép lên Trời để báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng đế tất cả những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian cả việc tốt lẫn việc xấu và những gì chưa làm được. Từ đó, Thiên đình sẽ đưa ra thưởng phạt rõ ràng cho từng gia đình. Xuất phát từ tín ngưỡng đó, lễ đưa ông Công ông Táo về trời (hoặc gọi ngắn gọn là đưa ông Táo về trời) luôn được tiến hành trọng thể.

Trong ngày này, các gia đình thường làm lễ tiễn ông Táo về trời bằng cách thả cá chép. Ngoài ra, mọi người cũng làm mâm cỗ cúng để bày tỏ lòng thành kính với Táo Quân. Trong Thơm Thảo Xôi Chè, nghệ nhân bánh dân gian Trần Thị Hiền Minh đã khéo léo chia sẻ công thức nấu chè trôi nước ngũ sắc, một món ăn vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng và rất thích hợp để bày mâm cỗ cúng ông Táo. Cùng Phương Nam Book tìm hiểu cách làm món này nhé!

CHUẨN BỊ NGUYÊN LIỆU
500g bột nếp
100g khoai lang tím
150g bí đỏ
300g khoai lang trắng
Nước cốt lá dứa, nước lá cẩm
400g đậu xanh bóc vỏ
150g đường cát
10g muối
100ml nước cốt dừa
Phần nước cốt dừa:
300ml nước cốt dừa
700ml nước dão dừa
20g bột gạo
20g bột bắp
5g hành lá
800g đường cát (nấu chè)
150g đường cát (nấu nước cốt dừa)
100g mè trắng
3g muối
100g gừng sẻ

THỰC HIỆN

Sơ chế:
• Mè rửa sạch, rang hoặc nướng trong lò nướng nhiệt 150 độ C đến khi vàng thơm.
• Gừng gọt vỏ, rửa sạch, xắt khoanh mỏng.
• Khoai lang, bí đỏ luộc chín, giã nhuyễn, để riêng từng phần. Chia bột thành 5 phần bằng nhau. Mỗi phần nhồi khoai lang và màu tương ứng cho hòa quyện.
• Dùng nước ấm nhồi với bột nếp đã trộn kỹ theo từng màu, nhồi nhanh tay để bột dẻo. Khi bột gần mịn đều, thêm nước từ từ tránh làm nhão bột, rồi để bột nghỉ 30 phút.
• Đậu xanh vo sạch, ngâm nở 2 giờ, vo lại cho hết nước chua rồi nấu chín, giã nhuyễn. Xào đậu xanh với 100ml nước cốt dừa và 100g đường trên lửa vừa, thêm 10g muối vào cho đậu béo bùi, đậm vị hơn. Khi đậu xanh không dính tay thì tắt bếp, cho hành lá cắt nhuyễn vào trộn đều. Vo viên đậu bằng cỡ trái chanh nhỏ.

Gói viên chè:
• Chia đều bột nếp, mỗi viên khoảng 30g, gói nhân đã chuẩn bị sẵn.
• Bắc nồi nước sôi luộc các viên chè. Khi chín viên chè sẽ nổi lên mặt nước, nấu thêm 2 phút cho viên chè chín kỹ rồi vớt ra ngâm vào nước lạnh.

Nấu chè:
• Cho 2 lít nước vào nồi cùng với 600g đường và vài lát gừng, bắc lên bếp nấu sôi.
• Cho các viên chè vào nồi nấu sôi chừng 5 phút để viên chè thấm đường và vị gừng, nhắc xuống.

Nấu nước cốt dừa:
• Cho nước dão dừa, đường cát, bột gạo, bột bắp, muối và vài cọng lá dứa vào nồi khuấy đều rồi mở bếp ở mức lửa nhỏ, nấu đến khi sôi, khuấy đều tay.
• Tiếp theo chế thêm nước cốt dừa, để hỗn hợp sôi lại, tắt bếp liền.

YÊU CẦU THÀNH PHẨM
• Nước đường trong, ngọt thanh, thơm dịu mùi lá dứa.
• Các viên chè dẻo mềm, không bị nứt hay nhão bề mặt.

Khi ăn, múc chè ra chén, chan nước cốt dừa vào, rắc thêm ít mè rang.

Chè trôi nước ngũ sắc không chỉ đẹp mắt mà còn mang ý nghĩa tượng trưng cho sự đầy đủ, may mắn và sự hòa hợp của năm mới. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh của đường, vị béo của nước cốt dừa và độ dẻo dai của vỏ bánh trôi kết hợp hài hòa với nhân đậu xanh thơm ngon.

Thơm Thảo Xôi Chè là món quà dễ thương dành tặng những ai đam mê nấu nướng bởi nó không chỉ đẹp về hình thức mà còn hấp dẫn về nội dung. Ngoài việc hướng dẫn tỉ mỉ các công thức nấu, tác giả còn khéo léo thuật lại cuộc phiêu lưu ẩm thực qua hành trình tìm kiếm các sản vật quý địa phương. Cuốn sách dù đơn sơ, mộc mạc nhưng đã phần nào truyền tải thành công tình yêu nghề của người đầu bếp và trên tất cả là sự tinh tế của nền ẩm thực nước nhà.

Mời bạn tìm mua sách tại đây. Nếu có làm theo các công thức trong sách thì bạn nhớ chia sẻ cho Bookish biết với nha!

Chúc bạn một mùa Tết bình an và sung túc bên gia đình.

Đọc bài viết

Trích đăng

Trích đăng “Hành trình người viết” – Christopher Vogler

Published

on

Trích từ: Hành Trình Người Viết
Tác giả: Christopher Vogler
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 11.2024
Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

./.

HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH

“Loài người thật ra chỉ có tầm hai hay ba câu chuyện thôi,

và chúng được lặp đi lặp lại mải miết cứ như lần đầu được kể.”

— Willa Cather, trong O Pioneers!

Về lâu dài mà nói, Người Hùng Mang Ngàn Gương Mặt của Joseph Campbell là một trong những quyển sách có sức ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20.

Những tư tưởng mà quyển sách truyền tải đang ảnh hưởng to lớn tới cách thức kể chuyện. Các tay viết đang dần nhận thức rõ hơn về các hình mẫu trường tồn mà Campbell đã đưa ra, và góp phần làm giàu thêm bằng chính công sức của họ.

Hiển nhiên Hollywood cũng đã nhận ra công trình của Campbell hữu ích thế nào. Những nhà làm phim như George Lucas và George Miller đều bày tỏ lòng biết ơn tới Campbell, tầm ảnh hưởng của ông còn được thể hiện trong các phim của Steven Spielberg, John Boorman, Francis Coppola, Darren Aronofsky, Jon Favreau, và nhiều người khác.

Không có gì ngạc nhiên khi Hollywood rất ưng các tư tưởng mà Campbell trình bày trong tác phẩm của mình. Những khái niệm ông đưa ra như hộp dụng cụ vào nghề cho biên kịch, nhà sản xuất, nhà thiết kế… Chúng ẩn chứa đầy đủ các công cụ chắc chắn để phục vụ hoàn hảo cho mục đích sáng tác. Những công cụ này cho phép người dùng dựng nên câu chuyện đáp ứng đủ loại tình huống, một câu chuyện vừa có thể ẩn chứa bi kịch, lại vừa mang tính giải trí, và còn chuẩn xác về mặt tâm lý. Chúng cho phép người dùng chẩn đoán mọi vấn đề ẩn chứa trong các kịch bản khó nhằn, cũng như cung cấp giải pháp chỉnh sửa để đưa kịch bản lên tới tầm khả thi đỉnh cao của nó.

Thời gian là bảo chứng rõ ràng nhất cho tác dụng của hộp đồ nghề này. Chúng tồn tại lâu đời hơn cả những kim tự tháp, vòng tròn đá Stonehenge hay những hình vẽ sơ khai trên vách hang động.

Bộ công cụ này được Joseph Campbell hoàn thành khi ông bỏ công sức góp nhặt và quy mọi nhánh tư tưởng về một mối, sau đó nhìn nhận, diễn giải, đặt tên, và sắp xếp lại toàn bộ. Chính ông là người đầu tiên đem những hình mẫu chứa đựng trong các câu chuyện ra ánh sáng.

Người Hùng Mang Ngàn Gương Mặt là bản báo cáo của Campbell về cấu trúc bền vững nhất trong văn học, xét cả văn nói lẫn văn viết: thần thoại về người anh hùng. Trong nghiên cứu của mình về thế giới thần thoại, Campbell nhận ra rằng về bản chất mọi câu chuyện đều y hệt nhau, một cấu trúc lặp đi lặp lại bất tận với vô hạn biến thể.

Ông nhận ra rằng trong mọi cách kể chuyện, dù vô tình hay hữu ý, thì cũng theo các khuôn mẫu cổ đại từ thần thoại. Và mọi câu chuyện, từ những chuyện đùa thô thiển nhất cho tới đỉnh cao văn học, đều có thể diễn giải dựa trên Hành Trình Anh Hùng: vòng lặp hành trình cùng các nguyên tắc của nó.

Các hình mẫu trong Hành Trình Anh Hùng mang tính chung nhất, áp dụng ở bất kỳ nền văn hóa, bất kỳ thời điểm nào. Hệt như chính loài người chúng ta, khả năng biến thể tái lặp của các hình mẫu là vô hạn, dẫu cho bản chất nguyên thủy không hề thay đổi. Hành Trình Anh Hùng là một chuỗi các yếu tố bền bỉ bật lên từ sâu thẳm nhất trong tâm trí con người, có khác biệt qua các nền văn hóa, nhưng về bản chất vẫn là một.

Suy nghĩ của Campbell cũng song hành với nhà tâm lý học người Thụy Sỹ Carl G. Jung, người từng viết về các cổ mẫu (hoặc nguyên mẫu) như sau: chúng là những nhân vật hoặc nguồn năng lượng được lặp lại, liên tiếp, xuất hiện trong giấc mơ của mọi người và các câu chuyện thần thoại trong mọi nền văn hóa. Jung cũng gợi ý rằng những nguyên mẫu trên phản ánh những khía cạnh khác nhau của tâm trí con người, rằng bản dạng của chúng ta được phân thành nhiều tính cách để đối ứng với những thăng trầm khác nhau của cuộc đời. Ông nhận ra có sự tương thích mạnh mẽ giữa các hình ảnh trong giấc mơ của bệnh nhân mình chăm sóc với các cổ mẫu trong thần thoại. Ông cho rằng cả hai đều xuất phát từ những nguồn sâu thẳm hơn: vô thức tập thể (collective unconscious) của loài người.

Những nhân vật được lặp đi lặp lại trong thế giới thần thoại cũng chính là những thứ thường xuyên xuất hiện trong giấc mơ và tưởng tượng của chúng ta: các anh hùng trẻ tuổi, những bô lão thông thái, người biến hình, và các nhân vật phản diện núp trong bóng tối. Điều đó lý giải tại sao thần thoại và các câu chuyện được dựng nên từ hình mẫu của chúng đều chứa đựng triết lý về tâm lý.

Các câu chuyện như thế là những hình mẫu chính xác cho việc khai thác tâm trí con người, bản đồ chân thực của tâm hồn. Chúng chính xác về mặt tâm lý, và đưa ra cảm xúc chân thật ngay cả khi được dùng để diễn giải các sự kiện siêu phàm, phi thường, phi thực tế.

Vì lẽ đó, các câu chuyện trên đều sở hữu tính phổ quát. Bất cứ ai cũng có thể cảm thụ được sức hấp dẫn của những câu chuyện dựa trên mô hình Hành Trình Anh Hùng, chính bởi nguồn gốc phổ quát và phản ánh được vạn vật tự nhiên.

Chúng giải thích những câu hỏi phổ biến thuở còn trẻ thơ của mọi người: Tôi là ai? Tôi đến từ đâu? Khi chết rồi tôi sẽ tới đâu? Thiện ác là gì? Tôi phải đối phó với chúng ra sao? Ngày mai sẽ thế nào? Ngày hôm qua đã trôi về đâu? Bên ngoài kia còn ai không?

Những tư tưởng được lồng vào trong thần thoại, sau đó được Campbell định dạng lại trong tác phẩm Người Hùng Mang Ngàn Gương Mặt có thể được dùng để thấu hiểu hầu hết vấn đề nhân sinh. Chúng là chìa khóa hữu ích cho cuộc sống, cũng như công cụ hiệu quả để lôi cuốn đám đông khán giả.

Nếu bạn muốn hiểu rõ các tư tưởng đằng sau Hành Trình Anh Hùng, chẳng có cách nào khác ngoài việc tìm đọc tác phẩm của Campbell. Đó sẽ là trải nghiệm thay đổi đời người.

Đọc nhiều thần thoại cũng là ý hay, nhưng đọc sách của Campbell thì hiệu quả cũng chẳng khác là bao bởi lối kể chuyện bậc thầy, và ông cũng thích minh họa những luận điểm bằng ví dụ lấy từ chính kho tàng thần thoại đồ sộ.

Trong Chương 4 của Người Hùng Mang Ngàn Gương Mặt có tên “Những Chiếc Chìa Khóa”, Campbell đã đưa ra dàn bài cho Hành Trình Anh Hùng. Tôi đã mạn phép thay đổi dàn bài một chút, cố gắng phản ánh thêm về các chủ đề phổ biến trong điện ảnh bằng các minh họa trích từ các bộ phim đương đại, và cả một vài phim cổ điển khác. Độc giả có thể so sánh hai dàn bài và các thuật ngữ thông qua Bảng 1 ngay dưới đây.

HÀNH TRÌNH NGƯỜI VIẾTNGƯỜI HÙNG MANG NGÀN GƯƠNG MẶT
HỒI MỘTKHỞI HÀNH, LY BIỆT
Thế Giới Bình Phàm
Tiếng Gọi Phiêu Lưu
Lời Từ Chối
Gặp Gỡ Sư Phụ
Vượt Ải Đầu Tiên
Thế Giới Thường Nhật
Tiếng Gọi Phiêu Lưu
Lời Từ Chối
Sự Trợ Giúp Siêu Nhiên
Vượt Ải Đầu Tiên
Bụng Cá Voi
HỒI HAIDẤN THÂN, KHỞI ĐẦU, VƯỢT QUA
Thử Thách, Đồng Minh, Kẻ Thù
Tiếp Cận Hang Động Trong Cùng
Khổ Hình   



Phần Thưởng
Con Đường Thử Thách 

Gặp Gỡ Nữ Thần
Ải Mỹ Nhân
Chuộc Tội Cùng Thánh Thần
Sự Sùng Bái
Ân Huệ Tối Thượng
HỒI BATRỞ VỀ
Con Đường Trở Về




Hồi Sinh
Quay Về Cùng Thần Dược
Từ Chối Trở Về
Hành Trình Kì Diệu
Sự Giải Cứu
Vượt Qua Thử Thách
Trở Về
Bậc Thầy Ở Hai Thế Giới
Tự Do Để Sống
BẢNG 1
So sánh dàn bài và thuật ngữ

Tôi sẽ kể lại giai thoại Anh Hùng theo cách riêng mình, và độc giả cũng nên làm tương tự. Mọi tay viết đều có thể nhào nặn các hình mẫu thần thoại theo mục đích riêng, hoặc theo nhu cầu của một nền văn hóa cụ thể nào đó.

Đó là lý do tại sao người hùng lại có muôn vàn gương mặt.

Một chú thích về thuật ngữ “anh hùng” được dùng ở đây, cũng tương tự như “bác sĩ”, hay “nhà thơ”, hoàn toàn có thể chỉ bất kỳ giới tính nào.

HÀNH TRÌNH ANH HÙNG

Dẫu cho có muôn vàn biến thể, bản chất câu chuyện về Anh Hùng luôn là một hành trình. Họ từ bỏ cuộc sống dễ chịu quen thuộc cố hữu để dấn thân vào thế giới xa lạ đầy thử thách. Đó có thể là một hành trình hướng ngoại đến một địa điểm cụ thể nào đó: một mê cung, một khu rừng, hay một hang động, một thành phố, một quốc gia xa lạ, một địa điểm mới toanh, nơi sẽ trở thành võ đài cho chính họ chiến đấu với những thế lực phản diện khó nhằn.

Nhưng cũng có nhiều câu chuyện đưa ra hành trình hướng nội, tìm về tâm trí, trái tim, linh hồn của con người. Trong bất kỳ câu chuyện hấp dẫn nào cũng chứa đựng hành trình trưởng thành và thay đổi của nhân vật chính: từ tuyệt vọng đến hy vọng, từ yếu ớt đến mạnh mẽ, từ điên cuồng đến khôn ngoan, từ yêu thành hận, và ngược lại. Những hành trình đầy cảm xúc này mê hoặc khán giả và tăng cường giá trị theo dõi của chính câu chuyện.

Có thể nhận ra các chặng đường trên Hành Trình Anh Hùng ở khắp mọi câu chuyện, không chỉ gói gọn trong các phiên bản phiêu lưu hành động nảy lửa. Nhân vật chính luôn là người hùng trong mọi hành trình, dù cho con đường phiêu lưu kia chỉ xoay quanh tâm lý hay những mảng quan hệ của họ.

Các chặng trong Hành Trình Anh Hùng xuất hiện và liên kết theo một lẽ tự nhiên, ngay cả khi người viết chẳng hề để ý tới, nhưng những kiến thức góp nhặt từ kho tàng xa xưa này vẫn chứng tỏ độ hữu dụng trong việc nhìn nhận vấn đề và cải thiện cách kể chuyện. Hãy xem 12 chặng đường này như một địa đồ cho Hành Trình Anh Hùng, không chỉ để soi rọi đường đi, mà còn là con đường bền bỉ, linh hoạt, và đáng tin cậy bậc nhất.

CÁC CHẶNG ĐƯỜNG TRONG HÀNH TRÌNH ANH HÙNG

1. THẾ GIỚI BÌNH PHÀM

2. TIẾNG GỌI PHIÊU LƯU

3. LỜI TỪ CHỐI

4. GẶP GỠ SƯ PHỤ

5. VƯỢT ẢI ĐẦU TIÊN

6. THỬ THÁCH, ĐỒNG MINH, KẺ THÙ

7. TIẾP CẬN HANG ĐỘNG TRONG CÙNG

8. KHỔ HÌNH

9. PHẦN THƯỞNG (ĐOẠT LẤY GƯƠM BÁU)

10. CON ĐƯỜNG TRỞ VỀ

11. HỒI SINH

12. QUAY VỀ CÙNG THẦN DƯỢC

Đọc bài viết

Trích đăng

Vài chuyện linh tinh mà cây cối dạy cho mình về tình yêu – Trích “Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành”

Published

on

Trích từ: Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành
Tác giả: Anh Khang
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 11.2024
Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Có một dạo, cứ mỗi lần nhớ người thương cũ, mình lại đi mua một cái cây, về trồng ngoài ban công.

Thói quen ấy đều đặn thành nếp sống. Đến một ngày, trước cửa sổ phòng, đã là cả một khu vườn nho nhỏ xinh xanh.

Những buổi sáng, tỉnh dậy, nắng len qua ô kính, dụi mắt đánh thức mình. Điều đầu tiên mình nhìn thấy, là cả một khoảng trời xanh mướt của từng phiến lá khẽ đung đưa, như vẫy tay chào, và bảo: “Ê, ngày mới tới rồi. Đừng nằm lì ở ngày hôm qua nữa. Dậy đi tưới cây, ngắm nắng, tỉa lá, chăm hoa,... Vườn nhà biết bao việc. Nằm đó nhớ nhung gì!”.

Đó là khi mình nhận ra, sau rất nhiều năm tháng chia tay, điều đầu tiên mình nghĩ đến khi thức dậy, không còn là người ấy nữa.

Mình bắt đầu nghĩ về bổn phận của một người làm vườn có trách nhiệm với mầm xanh trước cửa, của một người “nông dân cày xới trên mảnh đất tinh thần”. Và nhất là, không còn nghĩ về danh phận mà mình đã truy cầu suốt thời tuổi trẻ, khiến xói mòn tiêu hao rất nhiều “hạt giống niềm tin” vào quả ngọt mang tên “tình yêu” chưa bao giờ kết trái.

Hồi xưa, mình từng cho rằng bản thân chẳng có tay trồng cây, mọi hạt giống gieo xuống đều chẳng nảy lên xanh. Cũng giống như bản tính thích yêu và được-yêu, nhưng lại chẳng có duyên với mấy chuyện yêu đương. Nhưng, nhờ những ngày tháng hiện tại, bầu bạn cùng cỏ cây, quanh quẩn bên hoa lá, chăm chút từng mầm xanh,... mình học thêm được vài bài học mới, vài cách nghĩ khác đi, từ “người thầy” xanh màu diệp lục tố.

Như là, tại sao cứ mặc định bản thân là “vô năng bất khả”, tại sao cứ hạn định mọi nỗ lực và cố gắng của chính mình?

Dù là chuyện trồng cây.

Hay là chuyện yêu đương cũng thế.

#1

Càng bớt cố chấp, càng đỡ mệt thân

Mình có một chấp niệm, với cây hương thảo.

Loài thảo mộc bản địa của vùng Địa Trung Hải, vốn đã theo chân mình suốt dặm đường rong ruổi hồi trẻ qua biết bao thành phố ở vùng cựu lục địa. Thế nên, một trong những chậu cây đầu tiên mà mình mang về khu vườn nhỏ của mình, hiển nhiên, phải là hương thảo.

Dù đã được nhiều người chủ vựa cây kiểng dặn dò về thuộc tính đỏng đảnh “ưa nước nhưng ghét ẩm”, “thích nắng nhưng sợ hạn” của loài cây thơm lừng từ ngọn tới lá này, mình vẫn một mực tìm mua đủ mọi giống hương thảo. Từ loại giâm cành chiết ngọn ở miền Bắc đến miền Tây, rồi cả giống cây thuần khí hậu miền Nam, hay được dưỡng thân hóa gỗ thành dáng bonsai vững vàng...

Nhưng bất kể bao cố gắng kiên trì của mình, thì không một chậu cây hương thảo nào chịu sống đời dai dẳng, ở lại bên mình dài lâu được cả.

Mình càng cố, thì kết quả, vẫn chỉ là cành khô ngọn rủ, từng bụi hương thảo cứ thế héo hắt rời đi. Vì nhiều lý do, từ giá thể thổ nhưỡng đến vị trí trồng trọt, và còn hằng hà sa số điều kiện thiên thời địa lợi đã không thể chiều lòng chấp niệm “trồng hương thảo” của mình.

Không phải mình cứ cố gắng là sẽ đạt được ý nguyện ban đầu. Có những thứ mà ngay từ đầu, có lẽ, đã là chấp niệm viển vông của riêng bản thân. Chứ chẳng thể thành toàn viên mãn.

#2 

Nếu đã là duyên phận thuộc về bạn,

cơ bản bạn chẳng cần làm gì cũng viên mãn

Vẫn tiếp tục câu chuyện về hương thảo.

Trong rất nhiều bụi hương thảo đã bỏ mình đi, thì duy nhất, trong vườn còn lại một bụi thơm lừng, bền bỉ tỏa hương, nhẫn nại vươn cành.

Ban đầu, đây vốn chỉ là một bầu cây nhỏ xíu mình mua hú họa, chẳng dụng công trồng hay đặt nhiều hy vọng. Tiện tay, ướm vào chậu treo, thấy vừa khít, nên tùy ý móc lên mái tôn trước bệ cửa sổ. Ai ngờ, cây hương thảo bé nhỏ chẳng được chăm chút mấy, lại trở thành loài thảo mộc ở lại bên mình kiên tâm lâu dài nhất.

Ngẫm lại, cả khu vườn trải qua bao mùa cây cối tụ tán, hoa lá nở tàn, thì chỉ có duy nhất cây hương thảo treo đó, vẫn cam tâm tình nguyện cùng mình kết một đoạn duyên phận, lặng lẽ nhưng thâm tình, bình đạm nhưng thành tâm.

Để bây giờ, mỗi lần mở cửa sổ, hương thơm the mát vương mùi thảo mộc, thoảng đầy ý vị bình an, cứ thế len lỏi khắp phòng.

#3

Yêu thương khi không thấu hiểu,

chỉ gây thêm gánh nặng cho người mình yêu

Có một lần, quá nôn nóng vì cây hạnh ngọt chưa chịu ra hoa và hoa rụng trước kỳ đậu quả, mình bèn mua đủ loại phân bón.

Khỏi nói cũng biết kết quả. Mình, chẳng chịu tìm hiểu kỹ lưỡng nguyên tắc dưỡng trồng, cứ vung tay quá trớn, sơ sẩy thiển cận. Thành ra, cây hạnh ngọt đang li ti hoa trắng, ngấp nghé vài quả non, chỉ sau một đêm, lập tức khô khốc trụi cành, hoàn toàn héo rũ.

Sau đó, mới nhận ra bản thân đã sai ngay từ đầu, trong những khâu cơ bản như tìm hiểu, chọn lựa thành phần, chế độ, liều lượng,... của các loại chế phẩm chăm cây. Hóa ra, chính sự yêu thương thiếu kiến thức của mình đã đẩy đối tượng mình yêu thương (là cái cây) đi đến chỗ đang xanh-màu thành xanh-cỏ.

Tình yêu, suy cho cùng, nếu thiếu đi sự thấu hiểu, sẽ chẳng thể đồng hành lâu dài, giúp nhau tăng tiến. Mù quáng trao đi yêu thương mà không nhận thức rõ ràng đâu là đủ-thiếu, đâu là đúng-sai, thì chỉ chuốc thêm đau lòng cho chính mình và phiền lòng cho người mình yêu.

#4

Có những kết thúc chính là để bắt đầu

Có mấy chậu cây, mình chăm dữ lắm, nhưng cứ được vài tháng là bắt đầu vàng lá mục cành.

Mình, bắt đầu chấp nhận sự đến-đi của vô thường, ngay cả cây cối cũng đâu thể tránh khỏi thành-trụ-hoại-không. Định bụng, chào cái cây lần cuối, xong sẽ bỏ đất, thay chậu, chôn cây, cho xong một vòng tuần hoàn của đời thảo mộc. Ai dè, ngay kế cành cây sắp mục ruỗng ngã đổ, một mầm xanh bé xíu đang gắng sức vươn lên. Chiếc lá non xanh biếc, giống hệt dáng hình của chiếc lá đang ngả vàng của nhánh cây héo rũ kế bên. Một sự tiếp nối, lặng lẽ diễn ra. Những mầm xanh bé nhỏ, còn bền bỉ tách đất vươn lên. Huống hồ tuổi trẻ, vốn chẳng có một giới hạn nào, sao chúng ta lại cứ ngại, sợ? Có kết thúc nào là mãi mãi dừng lại ở đó đâu, khi đằng sau nó luôn là cả một khởi đầu miên viễn. Bạt ngàn. Vô tận.

Đời sống luôn là một bản trường ca mà khi một nốt trầm lặng xuống thì chính là báo hiệu một đoạn tấu khúc réo rắt sắp bắt đầu khởi xướng.

#5

Rừng xanh nào cũng bắt đầu từ hoang sơ

Có những hôm trời bất chợt đổ mưa. Ngó ra khoảng không xanh mướt mắt đang ướt đẫm trong màn nước trong vắt bên ngoài. Mình bỗng mềm lòng, nhớ lại. Chỉ mới vài tháng trước, khoảnh sân này chỉ là một mái tôn trơ trọi xám lạnh. Giờ đã thành vườn xanh. Mấy bông hoa chanh đã đậu quả thành trái non lúc lỉu trên cành. Mấy trái tắc mới vài tuần trước còn li ti như những hạt sương lấm tấm xanh xanh giờ đã tượng hình thành trái múp míp. Và cả bụi hoa hồng đã rụng hết đợt hoa bừng sắc tháng trước, đến nay cũng đã ươm mầm mới nở thành nụ phơn phớt dịu dàng.

Và cái đứa từng nghĩ rằng bản thân không có tay trồng cây, không có thể ươm xanh nụ mầm... sau tất cả, cũng đã tự tay có được khu vườn của riêng mình.

Chỉ cần mình chịu bắt đầu. Từ một việc đơn giản nhất. Là gieo mầm. Thay vì cứ đứng đó trơ mắt nhìn vào trống trải tiêu sơ.

Trộm nghĩ, một khu rừng rậm rạp cách mấy, cũng đều phải khởi sự từ những nhánh cây mầm cỏ bé nhỏ ban đầu. Nếu không có hoang tàn trơ trọi lúc đó, thì làm sao có hùng vĩ trong lành hôm nay? Điều quan trọng là chúng ta đừng chỉ nhìn chăm chăm vào mớ hỗn độn ngổn ngang rồi chùng lòng chán nản, thoái thác tháo lui, mà phải chấp nhận dấn thân, lao tâm khổ tứ. Dù là trồng rừng, trồng cây, hay là trồng lại hy vọng, niềm tin của chính mình. Vào tình yêu. Vào con người.

#6

Ai rồi cũng sẽ có khoảng trời thuộc về mình

Ngồi viết những dòng này, khi bên ngoài, hoàng hôn vừa xuống. Cảm giác bình yên choáng ngợp trong lòng. Có điều, sự choáng ngợp này, không khiến bản thân kinh hãi, mà chỉ càng làm thấm thía trân trọng thêm khoảnh khắc hiện tại.

Đi khắp Đông-Tây-Nam-Bắc. Trải qua yêu-ghét-thương-hờn. Nếm đủ tụ-tan-ly-hợp. Đến giờ, đã có thể bình thản, một mình, ngồi ngắm hoàng hôn mà trong lòng không còn bất kỳ một lời đồng vọng. Dù là nhớ nhung chuyện cũ. Hay là trách cứ tình xưa.

Hoàng hôn để ôn chuyện cũ. Đã từng nghĩ như vậy suốt thời tuổi trẻ. Thế nên, từng có một giai đoạn bị ám ảnh hoảng loạn với hoàng hôn. Cứ thấy trời chiều, là lo lắng. Cứ thấy nắng tắt, là hoang mang. Bởi lẽ, buổi chiều, đã-từng là khi chúng ta hẹn hò, là khi chúng ta đợi chờ đến lúc gặp nhau, là khi anh cùng em rong ruổi phố phường, đuổi bắt hoàng hôn. Buổi chiều, cũng là khi chim về tổ, người về nhà, là khi ai cũng mong cầu tìm cho mình một chốn về nương náu yên thân.

Thế nhưng, bản thân ở hiện tại, đối diện buổi chiều, lại chỉ thấy bình yên. Một mình hay mấy mình, giờ đã không còn mấy quan trọng. Chỉ biết là trong khoảnh khắc mặt trời le lói, vẫn thấy lòng ngập tràn ánh sáng. Thứ ánh sáng của an vui hỉ lạc, của tự tại tùy duyên.

Hóa ra, huyền cơ của việc thuận theo ý trời, tuân lời thiên mệnh, chỉ nằm trong một khoảnh khắc như thế này.

Đó là nhìn trời chiều, không buồn không tiếc, không nấn ná dây dưa cũng không hối hả sợ sệt. Chỉ thấy biết ơn năm tháng dù hối hả trôi qua, ghi ân thời gian dù vội vã giục giã, nhưng vẫn luôn độ lượng khoan dung dành cho chúng ta một chốn về yên ả.

Anh và em. Tôi và người. Bạn và chúng ta. Tất cả rồi cũng đều sẽ có một khoảng trời riêng. Nơi mưa nắng bão dông đều trở nên dịu dàng. Nơi bình minh hay hoàng hôn đều đầy đặn ánh sáng. Nơi mình hiểu ra nhân duyên đẹp đẽ nhất mà ông trời ban tặng, không phải là gặp đúng ý trung nhân trọn kiếp chung tình, mà là được gặp gỡ và trở thành phiên bản trọn vẹn nhất, tốt đẹp nhất, bình an nhất, của chính mình.

Cũng giống như một cái cây, đâu phải vì muốn kết duyên đôi lứa với một cành cây cọng cỏ nào khác, nên mới sum suê xanh tốt. Cây cối, tự mình vươn cành, vì mình xanh mướt.

Việc của cây là xanh. Không bận tâm vì ai mà tươi tốt. Cũng không vì ai lìa bỏ mà héo tàn.

Vậy nên, việc của chúng ta,

là cứ bình an,

là cứ hạnh phúc.

Đọc bài viết

Cafe sáng