Trà chiều

Tôi là một cây cầu

Một chiếc cầu nếu tồn tại độc lập thì tự thân nó không có giá trị. Nó chỉ có giá trị dựa trên nhu cầu di chuyển của những người muốn sử dụng nó. Khi nhu cầu đó kết thúc, người sử dụng đã đi đến bờ bên kia thì nó không còn giá trị nữa.

Published

on

Trước khi chính thức đặt tay lên bàn phím để gõ những dòng này, trên thực tế, tôi đã suy nghĩ về những gì mình sẽ viết từ rất lâu trước đó, có lẽ từ nhiều tháng trước cũng không chừng. Hơn nữa, tôi cũng suy nghĩ mình sẽ viết bằng thứ tiếng nào. Tôi muốn viết bằng tiếng Nhật để tập làm quen lại với cảm giác đặt câu trong tiếng Nhật. Tôi cũng muốn viết bằng tiếng Anh chỉ đơn giản vì nhớ. Nhưng quả nhiên là tình trạng thiếu ngủ nhiều ngày khiến tôi không thể cưỡng lại thôi thúc viết bằng tiếng Việt như mọi năm để đỡ mệt mỏi, cũng là để thư giãn.

Khoảng thời gian ba tháng học lại tiếng Nhật liên tục vừa qua, mỗi ngày học hơn 8 tiếng, sử dụng tiếng Anh ít đi, tiếng Nhật nhiều hơn khiến tôi nhận ra hình như tôi yêu tiếng Anh nhiều hơn tôi tưởng. Một tháng đầu tiên khi mới ôn luyện lại tiếng Nhật, tôi cảm giác giống như một người bị mất kí ức đang tìm lại những mảnh rời rạc để chắp ghép. Khi ấy, sự bỡ ngỡ và bẽ bàng vì mình đã quên khá nhiều kiến thức cũ xâm chiếm lấy tôi, nhưng đồng thời cũng có một chút cảm giác quen thuộc, một làn hơi ấm từ quá khứ len lỏi vào trong tâm trí, dường như thấm sâu xuống các rãnh ghi nhớ trong não tôi, lưu lại ở đó mùi hương nhẹ nhàng trong thoáng chốc, không trì tục quá lâu nhưng dai dẳng – có lẽ giống như mùi hương từ các que giấy lưu lại mẫu nước hoa thường được các nhân viên cửa hàng phát cho khách vãng lai để tiếp thị; tôi thường tiện tay ép các que giấy ấy vào trong những cuốn tập, sổ hay sách có trong ba lô của mình ở thời điểm ấy để lưu giữ – tôi nghĩ nó là trú sở thích hợp nhất cho loài sinh vật giấy mảnh mai, mong manh và có số phận hơi éo le khi thử suy nghĩ và gán ghép cho nó một câu chuyện: bản thân nó tuy chứa đựng dư hương của một thứ thường được bày bán trong các cửa hàng cư tọa tại những cao ốc sang trọng với giá trị thường tính bằng triệu đồng trở lên nhưng chính nó thì lại miễn phí, có vòng đời ngắn hạn: nhanh chóng được trao vào tay người sau khi trở thành điểm dừng chân tạm thời cho vài giọt nước hoa, và cũng rất nhanh chóng mất đi giá trị sau khi mùi hương mấy triệu đồng ướm trên người nó bay đi mất, rồi nó lại kết thúc đời mình trong sọt rác. Tôi vừa cố gắng thử thách chính mình, những người có thể đọc được những dòng này, đồng thời là chính tôi của sau này khi tìm đọc lại những dòng này bằng cách viết một câu so sánh thật dài ở phía trên, cho phép mình đi một đường vòng thật xa khỏi luận ý có-vẻ-như-là-chính. Có lẽ, vì trong vô thức, đôi khi tôi cũng có cảm giác mình giống như những tờ giấy lưu mẫu thử nước hoa đó. Dù đã có đôi lúc, tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc vì có mặt trên cuộc đời này, có thể làm được một số việc mà ở thời điểm ấy, tôi cảm thấy là có giá trị; nhưng không hiểu sao, từ trong thâm tâm, tôi luôn cảm thấy (tôi đã dùng từ “cảm thấy” đến ba lần trong cùng một câu, lỗi lặp lại này là tối kị khi viết văn, và nếu như được trao cương vị biên tập viên, không phải người viết, đứng trên quan điểm của mình, tôi buộc sẽ phải thay đổi từ “cảm thấy” ở lần lặp lại thứ hai, thứ ba thành những động từ tương tự khác để câu văn có sự đa dạng, phong phú hơn, đem lại cảm giác trơn tru, liền mạch cho người đọc. Thế nhưng, bằng việc phân thân và tự kiểm định lại câu mình viết dưới cương vị biên tập viên rồi để trong ngoặc đơn chú thích, mở rộng thêm nghĩa như thế này, trên thực tế thì tôi đã khiến cho từ “cảm thấy” được lặp lại đến sáu lần. Phải sáu lần không? Tôi có đếm sót lần nào không nhỉ? Cũng có thể, thực tế tôi đang muốn thực hành trò chơi với dấu ngoặc đơn trong đoạn văn bằng cách viết nó dài quá mức cho phép. Nếu là tôi của trước đây, tôi sẽ tìm cách xóa dấu ngoặc đơn tôi vừa viết ở trên, ngay sau chữ “cảm thấy” và làm cách nào đó để cho nội dung của những gì mình viết trong đoạn ngoặc đơn này liền lạc với phần bên ngoài như thể dấu ngoặc đơn ấy chưa bao giờ xuất hiện trên cuộc đời này. Nhưng tôi của bây giờ lại cho phép mình làm việc này. Đây cũng chẳng phải là lối viết gì đặc biệt. Có thể gọi nó là trò chơi mà tôi nhớ rằng Milan Kundera đã thực hành rất nhiều, hình như trong cuốn Đời nhẹ khôn kham có đôi chỗ ông tự viết về việc viết như thế này, xen giữa các phân đoạn miêu tả tình tiết câu chuyện và tâm lí nhân vật. Nhưng tôi chẳng có ý niệm gì về metafiction khi cố tình viết như thế này mà không sửa chữa. Chỉ đơn thuần là tôi đã quá mệt mỏi. Mệt mỏi với chính bản thân mình và mệt mỏi với việc sửa chữa. Mà cuộc đời thì có bao giờ cho ta sửa sai những điều ta vừa làm bằng cách quay lại quá khứ, thu hồi việc mình vừa làm đâu. Ta chỉ có thể sửa sai ở những lần tiếp theo, hoặc nếu vẫn muốn sửa sai lầm cũ thì ta làm một hành động mới với kết quả mà ta nghĩ rằng sẽ tốt hơn để bồi vào ảnh hưởng của sai lầm cũ, giống như là thêm một dấu cộng vào kết quả âm của phép tính trước đó, nếu may mắn vừa đủ thì ta sẽ được con số 0 cân bằng lại mọi thứ, nếu may mắn hơn nữa thì ta có một con số dương. Bởi vì cuộc đời không thể thu hồi được hành động, không thể đi lùi mà chỉ có thể tiếp tục tiến lên, từ những sai lầm của quá khứ mà làm tiếp các hành động mới ở phía trước để sửa sai nên tôi trộm nghĩ rằng tại sao văn chương, hoặc đơn giản hơn là một văn bản thường nhật trong đời sống mình viết lại không thể có khả năng đó. Chẳng có câu văn nào là viết sai hay đi chệch khỏi ý chính. Ta không thể xóa bỏ nó. Ta chỉ có thể lưu lại nó ở đó, tiếp tục viết để làm mọi thứ có vẻ như đã sai ở trước đó trở thành hợp lí về sau. Giống như Herbie Hancock trong một video trên Master Class về Jazz, chẳng có nốt nhạc nào là đánh sai trong Jazz cả, nếu như bạn vô tình đánh một nốt mà bạn nghĩ là sai khi đàn Jazz thì không cần phải hoảng loạn, không cần dừng lại, đàn lại đoạn ấy để sửa sai, việc của bạn là cứ tiếp tục đàn thêm những nốt phụ họa khác quanh nốt mà bạn nghĩ là đã đàn sai, khi nó được điểm trang trong một quần thể gồm những yếu tố phù hợp với nó, nó sẽ tìm được nhịp cầu để quay về phần còn lại của bản nhạc, khi đó nó không còn lạc quẻ nữa, nốt sai trở thành đúng vì nó đã tìm được sự hợp lí của nó. Tôi cũng đang viết những dòng này với tâm niệm như thế. Tôi không bôi bôi xóa xóa và viết lại như trước nữa. Tôi cứ viết dù những gì diễn ra trong ngoặc đơn này có vẻ đang đi khá xa luận ý ban đầu của tôi; trên thực tế, quả thật nó đang dần dẫn về những ý cốt lõi mà tôi muốn lưu giữ cho nhiều năm sau này khi đọc lại. Tuy nhiên, một đứa trẻ dù quyến luyến tử cung ấm áp trong lòng mẹ như thế nào rồi cũng sẽ có lúc phải bước ra khỏi thế giới an toàn đó để đón những ánh sáng đầu tiên của cuộc đời; những câu văn trong ngoặc đơn này cũng vậy. Đã đến lúc đóng lại dấu ngoặc đơn dài dằng dặc, cứ trì hoãn việc kết thúc nhiệm vụ của nó để quay trở lại đoạn văn chính bên ngoài trần trụi, không có một dấu nào che thân) mình không khác gì những tờ giấy đó: việc trở thành nơi cư trú tạm thời cho một thứ giá trị không khiến chính nó trở nên có giá trị hơn. Và khi thứ giá trị đó bay mất – một vật chứa như nó lại trở thành thứ vô giá trị.

Trong những năm qua, tôi đã nhiều lần suy nghĩ về hình ảnh này: chiếc cầu. Hình như vai trò của tôi trong cuộc sống chỉ đơn giản là một chiếc cầu. Một chiếc cầu nếu tồn tại độc lập thì tự thân nó không có giá trị. Nó chỉ có giá trị dựa trên nhu cầu di chuyển của những người muốn sử dụng nó. Khi nhu cầu đó kết thúc, người sử dụng đã đi đến bờ bên kia thì nó không còn giá trị nữa. Điều này không mang hàm ý tiêu cực hay tích cực, nó chỉ là sự nhìn nhận trung tính không chứa nhiều cảm xúc của tôi. Trước đây, tôi từng mong muốn những người đã đi qua cầu sẽ lưu lại đó lâu hơn, để nhìn ngắm dòng nước hay vực thẳm bên dưới cầu – đó cũng là lí do ban đầu khiến cây cầu được sinh ra, sự cản trở và bóng tối là tiền đề của nó. Nhưng cây cầu có mặt là để được đi qua, không phải là để được lưu lại. Mỗi người đều có một hành trình với những con đường và những trạm dừng chân khác nhau, đến một lúc nào đó, những ngã rẽ xuất hiện thì sự chia cách là điều không thể tránh khỏi. Vậy nên, vấn đề không phải là việc lưu lại ngắn hay dài, để tình cờ trùng một quãng đường trên những hành trình khác nhau đã là điều may mắn. Hiểu được điều ấy, tôi hầu như đã không còn cảm xúc tiêu cực về việc này nữa. Tôi trân trọng và biết ơn mọi luồng di chuyển đến và đi trong cuộc đời mình. Có một luồng di chuyển đến, tôi hạnh phúc. Có một luồng di chuyển đi, tôi cũng hạnh phúc. Dù như thế nào cũng hạnh phúc giống như một cây cầu. Không cố gắng mời gọi người đến, cũng không cố gắng níu kéo người đi. Cứ đơn thuần nằm ở đó, tồn tại, đôi khi không cần đến cả đam mê – đấy cũng đã là sống. Những tháng qua, đôi lúc sự mệt mỏi trong tâm trí tôi lên đến cực đỉnh, và rồi sau đó là những điểm chùng, tôi lại càng thấm nhuần hơn suy nghĩ này: có khi chẳng cần làm nghệ thuật hay làm những điều mình nghĩ là to tát nữa, cứ làm những điều nhạt nhẽo bình thường hằng ngày nhưng thực sự tận hưởng khoảnh khắc nó trôi qua thì cũng đã là sống rồi. Thế nên, tôi thực sự rất thích phim Soul, tôi ngỡ ngàng và rồi ấm lòng, xúc động trước cách bộ phim xử lí vấn đề. Tôi đã xem trailer của Soul từ rất sớm. Hình như từ những tháng đầu năm nay, vào tầm tháng ba hoặc tháng tư. Ngay từ poster và trailer, tôi đã có cảm tình với phim, đã có dự cảm phim sẽ rất hay, hoặc chí ít sẽ đem lại cảm giác dễ chịu khi xem. Ban đầu, hình như phim dự định khởi chiếu vào mùa hè, tầm tháng năm hoặc tháng sáu. Nhưng rồi vì dịch mà cũng như bao phim khác, Soul nhiều lần dời lịch khởi chiếu. Tuy nhiên, sự chờ đợi này quả là xứng đáng. Như nhiều người đã nhận xét: một cái kết đẹp đối với những tâm hồn yêu điện ảnh cho một năm nhiều biến động như năm nay. Vậy nên, tôi sẽ tiếp ý bằng một câu không liên quan lắm với cái kết đẹp này: tôi là một cây cầu hạnh phúc.

Hãy quay trở lại những tờ giấy tiếp thị lưu hương nước hoa. Chẳng phải bản thân nó cũng giống như những cây cầu hạnh phúc? Nhiệm vụ của nó là kết nối những khách hàng tiềm năng với hương thơm từ những lọ nước hoa mà họ có thể sở hữu sau đó hoặc không. Và trên thực tế, trong trải nghiệm của tôi, thời gian nó lưu lại cũng không phải quá ngắn ngủi. Khi bắt đầu kẹp những tờ giấy vào trong sổ, sách, tôi nhận ra mùi hương của nó đã lan vào các sinh thể mới chứa chấp nó. Việc ở bên trong và bị một thứ khác chèn ép trên thực tế không rút ngắn sự tồn tại của nó mà mối cộng sinh này còn khiến cho sự tồn tại của cả hai được kéo dài hơn, hoặc thêm phần hương sắc. Kể cả khi bản thân những tờ giấy đã hết mùi hương, để lại trên bàn học chỉ khiến quang cảnh thêm lộn xộn và tôi buộc phải vứt hết chúng vào thùng rác thì những sổ, những sách vẫn còn lưu lại rất lâu sau đó. Tôi nghĩ, trên cương vị của những tờ giấy lưu nước hoa, nó cũng đã hạnh phúc. Dù mạnh mẽ hay độc lập, hay đã quen với cô đơn như thế nào, không ai có thể tự mình tồn tại riêng lẻ được. Vì vậy, tìm sự tồn tại của mình dựa trên những sự tồn tại khác không phải là điều gì quá bạc nhược. Những sự tồn tại đều phải cộng sinh với nhau trong khoảng thời gian dài hay ngắn. Chỉ là đừng quá mong cầu, cũng đừng quá tiếc nuối một mối cộng sinh nào đến hoặc đi. Ồ, tuy là khác cách diễn đạt nhưng tôi đã viết cùng một ý đến hai lần rồi. Về cây cầu. Về tờ giấy lưu hương nước hoa. Chúng khác mà hóa ra giống nhau ở ý nghĩa này – một thứ tôi tự gán ghép cho chúng.

Quay trở lại vấn đề ngôn ngữ, tiếng Nhật, tiếng Anh và tiếng Việt. Lần này tôi sẽ cố gắng viết một cách rành mạch và lưu loát để chốt hạ vấn đề khi thời gian không còn nhiều nữa.

Đầu tiên là tiếng Nhật.

Sau trải nghiệm một tháng học tiếng Nhật liên tục từ thứ hai đến thứ sáu, mỗi ngày từ 8 tiếng đồng hồ trở lên (nếu tính luôn cả thời gian tự học ở nhà), tôi bắt đầu tìm lại được cảm giác thân thuộc, thoải mái, những kí ức ngôn ngữ ùa về nhanh hơn tôi tưởng tượng. Và tôi nhớ đến câu chuyện của một cô giáo từng dạy tôi tiếng Nhật trước đây. Khi ngẫm lại, tôi ngạc nhiên vì thấy bây giờ mình cũng đang rơi vào hoàn cảnh giống cô ngày xưa. Cô kể rằng ngay sau khi được N2 (thời điểm đó là 2kyu), vì một lí do nào đó, dòng đời xô đẩy, cô đã không làm công việc liên quan đến tiếng Nhật, không sử dụng tiếng Nhật một thời gian dài. Tôi nhớ là khoảng ba hay bốn năm. Sau đó, cô bỗng cảm thấy nhớ tiếng Nhật và muốn làm công việc liên quan đến tiếng Nhật. Nhưng rồi khi thử đụng lại tiếng Nhật, cô hoang mang và đau buồn nhận ra dù trước đó mình đã học tiếng Nhật rất lâu, đã được N2 mà mấy năm không đụng đến, bây giờ hình như cô không còn nhớ gì nữa, chỉ nhớ được những kiến thức rất cơ bản, mọi thứ cứ như mới, đầu óc cô hoàn toàn trống rỗng. Thế rồi cô quyết định phải cấp tốc khôi phục lại tiếng Nhật trong thời gian ngắn. Cô theo học một khóa cấp tốc tiếng Nhật từ trình độ cỡ N4, học cả tuần từ thứ hai đến thứ sáu, từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối. Ban đầu, cô sợ mình sẽ mất nhiều thời gian hơn để khôi phục lại kiến thức cũ từ N4 – N2, nhưng không ngờ chỉ sau khoảng hai hoặc ba tháng, cô đã gần như nhớ lại toàn bộ. Sau đó, khoảng thời gian còn lại cô học N1, tôi không nhớ cụ thể là bao lâu nhưng có lẽ ít hơn sáu tháng, cô đã thi và đậu N1. Cô là một trong số những người tôi ngưỡng mộ khi còn học tiếng Nhật ngày xưa bởi sự nghiêm túc và tận tâm, phát âm chuẩn và kiến thức đồ sộ. Cô kể ra câu chuyện đó rồi kết luận rằng: “Tôi tưởng rằng mình đã quên. Tưởng mọi công sức ngày xưa mình từng học đổ sông đổ bể hết rồi, mình phải học lại từ đầu. Nhưng hóa ra là nó vẫn ở đó. Đúng là do ngày xưa tôi đã rất cố gắng chăm chỉ nên nền tảng vẫn còn đó. Dù có phải học lại từ đầu thì vẫn nhanh và chỉ cần khơi gợi một chút là nhớ rất nhiều. Vậy nên, khi các bạn học một ngoại ngữ gì đó, hãy cố gắng học đến trình độ trung – thượng cấp của nó. Nếu dòng đời xô đẩy hoặc vì lí do gì đó mà bạn không làm công việc liên quan đến tiếng Nhật được sau khi học xong giống như tôi ngày đó thì hãy cố gắng học lên đến N2, lấy được bằng N2 cái đã rồi muốn nghỉ thì nghỉ. Nếu được N2 rồi thì dù bạn bỏ tiếng Nhật lâu như thế nào, sau này cần dùng lại cho công việc, chỉ cần ôn luyện liên tục từ sáng đến tối trong vòng hai, ba tháng như tôi ngày đó là hồi phục được ngay. Còn nếu các bạn chỉ mới học đến trình độ N4, N3 mà nghỉ giữa chừng thì cái nền xây không vững, sau này học lại sẽ rất khó, như là học mới từ đầu luôn. Hãy tin lời tôi và hãy cố gắng học đến trình độ N2 nhé, lấy được bằng N2 nhé.”

Khi cô kể câu chuyện ấy, cô kể rất chân thành và từng câu từng từ cô kể, kết luận ấy thấm sâu vào lòng tôi. Thời điểm cô kể câu chuyện này là lúc cô đang dạy chúng tôi học N3. Sau đó, tôi thi rớt N3 nên cũng có phần hơi nản. Nhưng tôi là một người hiếu thắng, tôi thẳng thắn thừa nhận điều này. Mặc dù tính hiếu thắng này theo luân lí thông thường là không tốt, và chính tôi cũng đã thấy những hệ quả tiêu cực của nó qua các lần tự nhiên có động lực rồi cố gắng đến đổ bệnh, nhưng tôi vẫn muốn giữ lại sự hiếu thắng này như một ngọn lửa giúp tôi sống ngày qua ngày. Nhờ sự hiếu thắng đó mà tôi đã đậu được trường đại học với ngành mình mong muốn, dù rằng khi biết tin đậu thì cơ thể cũng tôi cũng đã rã rời và mang đủ thứ bệnh, tôi nhớ rằng di chứng đau ở bên bả vai trái do ngồi học quá lâu đó hình như kéo dài âm ỉ đến gần một năm. Và ngẫm lại chuyện quá khứ, tôi mới thấy là nhờ sự hiếu thắng đó mà mình đã đậu N2. Khi rớt N3, một số thầy cô bảo là cứ cố gắng lấy N3 trước đã, học lại kiến thức N3 cho vững rồi hẵng hướng tới N2. Một số thầy cô lại có ý kiến khác, rằng dù gì cũng quá nhiều người có N3 rồi nên thôi cứ học lên tiếp N2 ở trường rồi tự ôn lại N3 ở nhà, đến khi thi thì thi N2 luôn. Tôi cũng phân vân giữa hai luồng ý kiến này. Là người hiếu thắng, nghĩ đến chuyện tốn tiền học lại N3, thi lại N3, tôi có phần nản, tôi sợ sự nản đó sẽ khiến tôi bỏ tiếng Nhật giữa chừng. Rồi tôi nhớ lại câu chuyện của cô giáo và quyết định rớt N3 thì kệ, mình học lên N2 và cố gắng lấy bằng N2 luôn. Kết quả sau đó là tôi hai lần thi rớt N2, đến lần thứ ba mới đậu. Hồi tưởng lại tôi vẫn còn nhớ cảm giác hạnh phúc, bồi hồi, xúc động của mình khi đó. Thế nhưng cũng vì một số lí do, tôi đã rơi vào hoàn cảnh giống như cô: bỏ tiếng Nhật nhiều năm không sử dụng. Vào tháng 9 năm nay, khi quyết định học lại tiếng Nhật (đúng hơn là ôn lại), thời gian ban đầu tôi đã có chút buồn bã, phiền não, cảm thấy 5 năm trời học tiếng Nhật ngày xưa của mình thế là vứt đi hết, thật công cốc, thật lãng phí. Nhưng quả thật, lời cô nói ngày xưa không sai chút nào. Đến thời điểm này, sau ba tháng học tiếng Nhật liên tục 8 tiếng mỗi ngày, tôi đã dần lấy lại sự tự tin, cảm giác quen thuộc, một khối lượng kiến thức ngày xưa như nước chảy bỗng nhiên ùa về. Có những từ, những điểm ngữ pháp tôi nghĩ mình đã quên nhưng hóa ra vẫn còn nhớ, chỉ cần khơi lại một thứ quen thuộc là tôi có thể nhớ đến ba, bốn thứ khác xoay quanh nó nữa. Hóa ra nó vẫn nằm ở đó, tự tôi lấy ra thì không được nhưng có ai đó khơi gợi một chút thì tôi sẽ nhớ lại nó, nhớ lại những dữ liệu ở các hộc tủ kế bên nó. Cách đây ba tháng, tôi đã nghĩ rất chắc chắn rằng vào tháng bảy năm sau, tôi sẽ thi lại N2, chỉ cần lấy lại trình độ N2 là mừng rồi. Nhưng bây giờ tôi lại nghĩ khác, nhớ đến câu chuyện của cô cùng việc hằng ngày chứng kiến bạn bè xung quanh mình học hành chăm chỉ, quyết tâm cao độ ra sao, tôi bỗng có thêm nguồn động lực và được truyền cảm hứng, mục tiêu của tôi thay đổi theo hướng mà tôi của ba tháng trước đây không dám nghĩ tới: tôi sẽ đặt mục tiêu là N1, vào tháng bảy năm sau, tôi sẽ thi N1. Tôi sẽ cố gắng nỗ lực hết sức cho kì thi này. Chỉ cần nghĩ đến N1 – một mục tiêu khó khăn hơn như thế, tôi bỗng nhiên cũng có động lực học nhiều hơn. Quả thực, học một ngoại ngữ thông dụng ở nơi mình đang sống đúng là không bao giờ thừa. Tôi thấy biết ơn mình của ngày xưa đã nỗ lực học tiếng Nhật như thế, biết ơn mình trong quá khứ đã có được N2 để bây giờ cảm thấy đỡ bơ vơ, luôn biết là mình có một chiếc phao cứu sinh ở đó. Còn bây giờ thì nhắm đến N1 thôi nào.

Tiếp theo là tiếng Anh.
Thời gian sắp hết nên có lẽ tôi cũng không viết các phần còn lại quá dài nữa.

Ngày xưa, tôi học tiếng Nhật lúc chưa có thói quen viết trên mạng xã hội bằng tiếng Anh. Vậy nên việc học tiếng Nhật không khiến tôi nhớ tiếng Anh. Tiếng Anh ngày xưa với tôi là một ngôn ngữ yêu thích nhưng không có cảm giác thân mật, thoải mái. Từ năm 2014, để hạn chế việc thường xuyên viết dài dòng kể lể tâm trạng trên mạng xã hội, tôi quyết định sẽ viết tiếng Anh bất cứ khi nào mình muốn đăng một status gì đó trên Facebook. Khi đó, tôi nghĩ việc này sẽ giúp tôi vừa luyện được tiếng Anh vừa hạn chế bản thân đăng quá nhiều status lên mạng xã hội với dung lượng quá dài vì đơn giản là viết tiếng Anh sẽ không cho tôi có cảm giác thoải mái như viết tiếng Việt, tôi sẽ không thể kể lể nhiều, phải viết ngắn vì cứ vừa viết vừa tra từ điển thì rồi cũng mất hứng viết dài. Một năm đầu tiên, việc viết bằng tiếng Anh quả thực rất khó khăn với tôi và cũng tỏ ra hiệu quả trong việc hạn chế tật kể lể, than thở dông dài của tôi trên mạng xã hội – một điều mà ngày nay tôi thấy quả thực rất không cần thiết nữa, tôi của ngày xưa không làm được, cứ buông những lời dông dài ở nơi đây, còn tôi của bây giờ thì có lẽ đã làm được rồi. Nhớ lại một năm đầu tiên khi viết tiếng Anh, tôi ép mình là dù buồn thế nào thì cũng phải viết bằng tiếng Anh, kể lể nỗi buồn đó ra bằng tiếng Anh. Một năm đó, tôi vẫn còn bị mắc lỗi cứ nghĩ sẵn câu tiếng Việt trong đầu trước rồi dịch sang tiếng Anh và sau đó, từ nào không biết thì tra từ điển nếu như đang gõ trên máy tính. Việc đó khiến tôi phải tra từ điển liên tục, khi tra xong, viết xong thì nỗi buồn hoặc hứng để kể về nỗi buồn đó cũng đã qua đi. Tuy nhiên về sau, có một số lần tôi buồn đến mức không thể chịu được đến giây phút mở máy tính ra để viết, tôi phải mở điện thoại và viết ngay lập tức. Viết trên điện thoại có hạn chế là không thể vừa viết vừa tra từ điển thoải mái như trên máy tính, tôi sợ vài thao tác nhầm khi cố mở app từ điển để dò tìm từ là sẽ mất hết nội dung mình viết. Những khi đó, tôi đã phải rất cố gắng kiềm nén để không viết tiếng Việt. Những lần ấy, tôi nhớ là có khi mình đã khóc nhưng vẫn tự nhủ thôi mình viết tiếng Anh đi, để đỡ phải kể lể dài dòng. Và những khi viết trên điện thoại, tôi bắt đầu không tra từ điển nữa, thay vì tư duy bằng tiếng Việt một tính từ rất hoa mĩ để diễn tả nỗi buồn của mình rồi nghĩ ngược lại tiếng Anh là từ nào và tra từ điển chọn từ, tôi cố gắng viết luôn những từ đơn giản bằng vốn tiếng Anh ít ỏi của mình để có thể diễn đạt được ý cơ bản nỗi buồn của mình. Ban đầu, khi viết bằng tiếng Anh, tôi đã viết rất ngắn, nhưng tôi không ngờ những lần buồn quá chịu không nổi rồi cố gắng viết bằng tiếng Anh trên điện thoại mà không dò từ điển hóa ra đã dần giúp tôi quen thuộc với việc viết tiếng Anh hơn và dẫn đến việc tư duy thẳng bằng tiếng Anh trong đầu luôn nữa. Khi bắt đầu viết một status nào với ý nghĩ là sẽ viết bằng tiếng Anh, tôi bật luôn công tắc tiếng Anh trong đầu và cứ thế viết. Từ nào phức tạp để diễn tả tâm trạng, cảm nghĩ sâu thẳm trong lòng mà tôi không biết đích xác tiếng Anh là từ nào, tôi sẽ lách bằng cách dùng những từ đơn giản, miêu tả thêm vài câu cho dông dài để cuối cùng vẫn thể hiện được suy nghĩ, cảm xúc mình mong muốn mà không cần phải tìm một từ tiếng Anh nào đó tương ứng với từ tiếng Việt. Thế rồi độ dài khi tôi viết bằng tiếng Anh tăng dần. Từ những status 100 – 200 chữ, thành 300 – 400 chữ, rồi 1000 chữ. Đến một lúc, tôi nhận ra thì thấy là khi buồn, tôi đã viết kể lể bằng tiếng Anh cũng dài không khác gì khi tôi viết tiếng Việt rồi, có những bài lên đến 7, 8 trang A4. Trong vòng 6 năm vừa qua viết tiếng Anh liên tục gần như 80% những gì đăng trên Facebook, không biết từ lúc nào đó, tiếng Anh đã trở thành một môi trường thân quen, thoải mái, dễ chịu cho tôi rút xả nỗi buồn, nó không còn khiến tôi thấy hạn chế hay bất tiện nữa. Rốt cuộc, việc dùng tiếng Anh để hạn chế kể lể dông dài nỗi buồn của tôi chẳng những không thành công mà hình như ngược lại, nó còn khiến tôi khi viết bằng tiếng Việt, lại viết còn dài hơn hẳn trước đây. Kể cả trong tiếng Việt, tôi bắt đầu có xu hướng không dùng những tính từ phức tạp nữa mà dùng những từ đơn giản nhưng lại tìm cách liên kết những từ, hình ảnh, đơn giản khác lại với nhau sao cho vẫn diễn tả được tính từ phức tạp đó (mà tôi đã quên mất không nhớ nó là tính từ gì nữa rồi). Ngày xưa, tôi đã mơ hồ nhận ra, việc viết bằng tiếng Anh nhiều chắc chắn sẽ có chút ảnh hưởng nào đó khi tôi viết tiếng Việt. Nhưng ngày ấy, tôi không thể diễn tả rõ nó là như thế này. Bây giờ thì tôi đã nhận thấy rõ ảnh hưởng của nó là như thế. Tôi không muốn kết luận đơn giản đây là việc có lợi hay không có lợi. Với nhiều người đọc trong tiếng Việt, đây có lẽ là một điểm trừ. Sự đơn giản, ngắn gọn, súc tích luôn có vẻ đẹp của nó. Tôi cũng thích điều ấy. Nhưng thực lòng thừa nhận, không tự đánh lừa bản thân thì tôi cũng thích sự dài dòng này nữa, mặc dù tôi hay tự phê phán tính dài dòng của mình khi viết. Tôi của những năm về trước sẽ tự trách móc bản thân mình và tuyệt đối ngả lòng vòng những góp ý của người khác về việc viết ngắn lại. Viết ngắn lại là việc tôi đã từng thử bằng cách viết tiếng Anh và thất bại, thậm chí còn làm tô đậm hơn sự dài dòng khi viết bằng tiếng Việt, giống như cá được về với nguồn nước thủy tổ ban đầu của nó còn bơi mạnh mẽ hơn nữa. Ngày xưa, tôi trách mình nhiều lắm. Nhưng bây giờ, tôi càng thấm nhuần hơn chân lí không có điều gì là tuyệt đối (kể cả chính mệnh đề không có điều gì là tuyệt đối thực ra cũng là tương đối luôn, nghĩa là vẫn có điều có thể chấp nhận nó ở mức tuyệt đối – thế là ta tự rơi vào vòng mâu thuẫn không dứt). Tôi biết viết dài là bầu khí quyển của tôi và mỗi người có một bầu khí quyển sống khác nhau. Vậy nên, tôi chấp nhận sự dài dòng này như chấp nhận chính bản thân mình mà không cần sự cho phép của người khác nữa. Dù sao, trong suốt một năm, tôi cũng không viết dài như thế này nhiều lần mà chỉ viết vài lần trong những dịp đặc biệt; ngày thường, tôi nén lại, không nói, không viết; tôi muốn giữ vai trò lắng nghe hơn là nói. Nếu việc nghe của tôi giúp ích cho người khác thì tôi thích lắng nghe hơn. Có lẽ vì tích tụ lâu ngày, chỉ cho phép mình một năm trải lòng vài lần vào những dịp đặc biệt nên tôi mới viết dài như thế này, như một cơn thác lũ mà đôi lần, khi tôi đọc lại những gì mình viết vào dịp đặc biệt của những năm trước, chính tôi cũng choáng ngợp. Nhưng một lần nữa, tôi cũng lại biết ơn sự dài dòng này. Nhờ đó mà những lần đọc lại về sau, tôi nhớ rõ mình trong quá khứ từng tâm niệm điều gì, nhận ra sự thay đổi của những điều trước đây mình cho là quan trọng nhưng bây giờ không quan trọng nữa và ngược lại. Đôi khi, tôi thấy quá cô đơn, không có ai để trò chuyện, hoặc không muốn làm phiền ai, tôi sẽ đọc lại những dòng như thế này mình từng viết trong quá khứ và có cảm giác như tìm được một người bạn tâm giao, rất hiểu mình, an ủi và động viên mình. Người duy nhất không thể làm tổn thương chính mình thực ra là chỉ có bản thân mình trong quá khứ thôi. Cái con người đã sống trong quá khứ và chết vào hôm nay thực ra sẽ không chết nếu tâm tư được lưu lại bằng văn bản rõ ràng; nhờ cách đó, tôi luôn có sẵn một người bạn trong quá khứ để đối thoại mà không làm phiền đến ai. Đó là với những loại văn bản như thế này, còn đối với các văn bản quan trọng, đơn cử như những sáng tác văn chương, thực ra ta vẫn luôn có thể biên tập lại. Đối với tôi, viết dài rối cắt ngắn sau vẫn luôn dễ hơn là viết ngắn ra ngay từ đầu. Chất liệu phải nên tuôn ào ạt, bày biện ra thành vóc dáng trước mắt rồi chỉnh sửa sau sẽ dễ hơn là bóp nắn khối đất sét vô hình trong đầu. Với tôi là như thế. Thực ra, tôi không phải là người quá giỏi tưởng tượng và làm việc với những hình dung thuần túy trong đầu. Cứ phải tuôn ra ào ạt trước để có nguyên liệu thô cái đã.

Vậy là tôi đã viết xong ý về tiếng Anh và tiếng Việt, hoặc nếu thực sự chưa xong hết thì tôi cũng không còn hơi sức để viết nữa vì đã quá mỏi tay khi gõ liên tục sáu tiếng đồng hồ (lúc bắt đầu là đúng bảy giờ tối, bây giờ đã là một giờ sáng, qua mất thời khắc giao thừa mà tôi vốn đã định sẽ dừng lại tại thời điểm đó). Nhưng trước khi kết thúc hẳn, tôi vẫn muốn chốt thêm vài ý sau cùng còn dở dang nữa. Việc tôi cảm thấy mình giống như tờ giấy tiếp thị nước hoa không hẳn chỉ vì bản thân cũng cảm thấy mình giống cây cầu. Lí do còn nằm ở câu so sánh dài dòng ngay từ đầu đã là điểm khởi nguồn cho một chuỗi lê thê sau đó: ngôn ngữ. Đối với tôi, tiếng Anh và tiếng Nhật không phải là ngoại ngữ, mà là ngôn ngữ. Tôi thích gọi nó là ngôn ngữ hơn là ngoại ngữ, vì đó là một từ trung tính, khách quan hơn, không phân biệt trong ngoài. Hơn nữa, trong lòng tôi, ba ngôn ngữ này ở một vị trí như nhau, là thứ không thuộc về tôi, là thứ tôi không hẳn ở bên ngoài nhưng cũng không hẳn ở bên trong, là mùi hương nước hoa tôi muốn lưu giữ trong trí não như tờ giấy phẳng lì, nhỏ bé, dễ rách ấy. Tờ giấy được tẩm mùi hương nước hoa thì khó mà nói hương thơm đó đã trở thành một tính chất của tờ giấy, nhưng cũng khó mà nói tờ giấy hoàn toàn không liên can gì đến mùi hương nó lưu trữ, dù là kể cả sau khi mùi hương đó không còn nữa. Trong tình thế này, tờ giấy vừa ở bên trong vừa bên ngoài tập hợp các chủ sở hữu của mùi hương đó. Với tôi, ngôn ngữ cũng vậy. Không chỉ tiếng Anh, tiếng Nhật mà cả tiếng Việt, không sử dụng lâu ngày sẽ quên hoặc rất hoài niệm, không có chuyện nó tuyệt đối thuộc về mình dù qua bao biến động vật đổi sao dời như thế nào. Cũng vì thế, tôi mới hình dung chi tiết hơn sắc thái, vóc dáng nỗi cô đơn của mình. Cô đơn có lẽ không phải là một tính từ chính xác để diễn tả vì nó gợi nhiều nỗi buồn. Cảm giác của tôi không hẳn là như thế. Đôi khi, chỉ đơn thuần là trôi bồng bềnh không có điểm tựa, giữa các ngành nghệ thuật, giữa những bản dạng giới khác nhau, và giữa những ngôn ngữ khác nhau – thứ cơ bản nhất để nói lên nỗi lòng của mình. Tôi không thuộc về bất cứ đâu cả. Như tờ giấy trắng đó, đón hương thơm bay đến, và cũng nhẹ nhàng tiễn hương bay đi, không chút níu kéo. Tôi có thể giống như lời một người bạn trước đây từng nói với tôi rằng: mãi mãi không chuyên sâu bất cứ thứ gì, trình độ với mọi thứ dừng lại như một đứa trẻ, mãi mãi ở cấp độ vỡ lòng. Tôi đã từng buồn với những lời nhận xét tương tự như thế vì chính bản thân tôi cũng suy nghĩ nhiều về việc này và thấy đó là một tội lỗi. Nhưng ở thời điểm này, dẫu cho điều đó là sự thật, tôi cũng không buồn bã nữa. Tôi vẫn luôn nghĩ cái hay của một đứa trẻ là có thể thấy sự tươi mới trong bất kì điều gì. Vì cho có nhiều trải nghiệm nên nó sẽ không đánh đồng mọi sự vật xảy ra nếu nằm trong nhóm A thì sẽ dẫn đến hệ lụy sau đó như thế nào nằm trong nhóm B. Nó không có sự mặc định đó để tiện rút ra kết luận nhanh chóng. Trong thế giới của nó, mọi thứ đều có thể. Nó là một điều hay nhưng cũng là thứ khiến nó đau đớn không ngừng vì những sai lầm, mất mát sau đó. Ngay từ đầu, nếu một đứa trẻ học theo những định nghĩa của người lớn về thế giới, có thể nó sẽ ít phải chịu tổn thương; nhưng thực ra, nếu chưa từng trải nghiệm mọi thứ với sự ngây thơ hoàn toàn để rồi đổ vỡ, nó sẽ không bao giờ có cảm giác vững vàng về hiện thực đang tồn tại dưới đôi chân của nó. Sẽ là một sự chông chênh khác khi đứng trên hiện thực tạo ra từ kinh nghiệm của những người khác, dù đó là thứ kinh nghiệm đúng đắn. Vậy nên, nếu có phải là một đứa trẻ, nếu phải ở trình độ sơ cấp với bất cứ mọi điều, tôi không còn cảm thấy đó là việc quá kinh khủng nữa. Tôi chấp nhận điều này. Chẳng phải vì tôi đã tìm được chân lí nào đó làm nền móng vững chắc. Chỉ đơn thuần là tôi đã quá mệt mỏi. Và tôi cũng dần thay đổi suy nghĩ về các cụm khái niệm như đam mê, thành công, thất bại. Có lẽ, chẳng ai sinh ra muốn mình là người thất bại. Nhưng nếu tất cả mọi người đều thành công theo đúng những gì chuẩn mực mà xã hội định nghĩa, khi đó họ không còn cảm thấy mình đang thành công nữa, sự thành công trở thành một sự bình thường mới. Nếu như nỗi buồn là thứ cần có để cảm nhận hạnh phúc, vậy thì thất bại cũng là một thứ tương tự để cảm nhận thành công. Người thất bại cũng có vai trò trong xã hội: họ là tấm gương để người thành công nhìn vào biết mình đang thành công, những người thất bại khác nhìn vào họ cũng đỡ thấy bơ vơ, các bài viết hay sách self-help, dạy làm giàu có thêm ví dụ cụ thể minh họa để khuyến cáo người xem không làm theo lối sống của người thất bại… Và có thể còn nhiều đóng góp khác nữa mà tôi chưa liệt kê đủ hay nhớ ra hết. Nếu vậy thì việc tôi là người thất bại cũng không phải điều gì quá hệ trọng. Viết những dòng này lại khiến tôi nhớ đến “Soul”.

Tôi lại nhớ đến cái tên quán là “Half Note” trong Soul. Mỗi người xem có thể sẽ có một diễn giải khác nhau về cái tên này. Nhưng với tôi, Half Note không phải là nốt nhạc nửa vời, chẳng đi đến đâu. Ngay từ lần đầu tiên, khi nhìn thấy tên quán lướt qua trước mắt, tôi đã rất thích cái tên này vì liên hệ nó với Jazz. Ở những bài nhạc dựa trên điệu thức trưởng, thứ tự nhiên thì thông thường dễ tạo cho người nghe cảm giác trọn vẹn bởi nó có đến năm vị trí giữa hai note có khoảng cách là một cung (tone) và chỉ có hai vị trí có khoảng cách là nửa cung (semi-tone). Nhưng điều tinh túy và cốt lõi của Jazz chính là ở nửa cung, không phải một cung (tôi đã từng đọc hay xem video ở đâu đó, có ai nói như thế). Những hợp âm hoặc giai điệu của Jazz tạo tension liên tục từ nửa cung để giải quyết về vị trí ổn định, cứ bất ổn rồi ổn định, và lại bất ổn rồi ổn định. Quãng hai thứ (nửa cung) không phải là một quãng dễ chịu, những bài nhạc không phải Jazz, Blues thường tránh giai đi quãng hai thứ quá nhiều, có một số bài còn không có quãng hai thứ. Nhưng rồi giai điệu của Jazz cho ta thấy quãng hai thứ có thể nghe lạ lẫm và hay vô cùng nếu tìm được cách thích hợp giải quyết nó sau đó. Nửa cung (semi-tone) chính là một trong những đặc trưng cơ bản trong Jazz. Tên quán Jazz trong Soul không phải là Half Tone mà là Half Note, tuy nhiên tôi nghĩ rằng có lẽ ý nghĩa cũng tương tự. Khoảng năm, sáu năm về trước, khi mới bắt đầu tự tìm hiểu sơ về Jazz qua YouTube, tôi nhớ rằng ý nghĩa về semi-tone trong Jazz có khiến tôi đôi phần xúc động. Chính nhờ thêm các note semi-tone này (b3, b5, b7 – còn gọi là Blues Note) mà âm nhạc được mở rộng hơn, tự do hơn, phóng khoáng hơn, nếu chỉ chơi trưởng thứ tự nhiên và lâu lâu có rải rác thêm vài note ngoài điệu thức thì vẫn còn chút bó hẹp. Nhưng không chỉ có b3, b5, b7, về note giai điệu thì thực ra với Jazz, mọi thứ đều được phép, miễn là tìm ra cách giải quyết phù hợp này sau đó. Tôi nghĩ tên quán trong “Soul” chính là thể hiện tinh thần này. Và cả bộ phim cũng đề cao sự phóng khoáng đó. Nếu không có một đam mê đặc biệt, hay mục tiêu cụ thể thì trước tiên cứ sống, hoặc tồn tại cũng được, cứ đơn giản là đi từ note này sang note khác, không quá khắt khe và sửa sai bằng cách đi tiếp.

Giống như nửa cung, sự dở dang không hẳn là một điều tiêu cực. Nó là tiếng gọi ta tiếp tục cất bước. Tuy vậy, tiếng gọi này không mang sự thúc ép cưỡng cầu bí bách. Nó chỉ là một lời gợi ý nhẹ nhàng. Đôi khi, cứ mắc kẹt lại ở quãng hai thứ đó, ở nửa cung đó cũng là một điều hay. Giống như hai nốt nhạc mở đầu của bản Fur Elise cứ ngân nga mãi, lắng đọng trong khoảnh khắc đó, không thể kết thúc. Giống như điều Josee thường tự nhủ:

“Dù đôi lúc, em ước mình có thể cùng anh đến những nơi tận cùng xa xôi nhất; đôi lúc, em lại chỉ muốn mình cứ bị mắc kẹt mãi như thế này.”

Kodaki

Click to comment

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Trà chiều

Sứ Đoàn Iwakura đạt Giải thưởng sách Quốc Gia 2024

Published

on

Giải thưởng Sách Quốc gia là giải thưởng do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hàng năm, trao giải cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ nhằm tôn vinh tác giả, dịch giả, nhà khoa học và người làm công tác xuất bản.

Tối ngày 29.11.2024 tại lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII, tác phẩm Sứ Đoàn Iwakura - Chuyến Tây Du Khảo Cứu Nhằm Canh Tân Nhật Bản Thời Minh Trị (Ian Nish biên soạn, Nguyễn Hoàng Mai - Nguyên Tâm dịch) hân hạnh được vinh danh giải Khuyến khích.

Sứ Đoàn Iwakura là tác phẩm nghiên cứu tập hợp nhiều tư liệu giá trị, giúp độc giả hiểu rõ hơn về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị dưới góc nhìn của người phương Tây. Để có một đường lối phát triển đất nước hoàn toàn mới, người Nhật đã khởi động chuyến công du gọi là Sứ mệnh Iwakura thăm Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu. Đây là một chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng đến mức khi nhắc về Minh Trị Duy Tân, người ta lập tức nhớ đến chuyến đi này.

Sách dày 427 trang, gồm 11 chương tổng hợp các bài viết của Ian Nish và 12 chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế khu vực Nhật Bản và Đông Á. Tám chương đầu, độc giả sẽ cùng phái đoàn đi qua tám cường quốc từ Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Nga, Thụy Điển và Italy. Bản ghi chép của những học giả góp phần tái hiện hành trình tìm kiếm “văn minh khai sáng” của sứ đoàn Iwakura tại trời Âu dưới góc nhìn của người phương Tây. Ba phần còn lại trong ấn phẩm là bài phân tích, nhận định của chuyên gia lịch sử, đánh giá tình hình nước Nhật sau chuyến công du.

Để hiểu thêm về một lát cắt lịch sử quan trọng của Nhật Bản, cũng như đọc thêm về chuyến đi được mệnh danh là “Chuyến công du lịch sử thay đổi nước Nhật”, mời bạn tìm đọc sách tại đây hoặc tại hệ thống các nhà sách Phương Nam trên toàn quốc.

Đọc bài viết

Trà chiều

Nhà Sách Phương Nam đồng hành cùng các bạn học sinh tham gia cuộc thi ‘F1 in Schools’

Published

on

F1 in Schools là một giải đấu mang tính giáo dục, cạnh tranh toàn cầu do Formula One kết hợp với chương trình quốc tế STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Giải đấu được tổ chức hàng năm dành cho học sinh trung học với mục đích giới thiệu kỹ thuật cho những người trẻ tuổi trong một môi trường thú vị. Mỗi đội thi (từ 3 - 6 học sinh) phải thiết kế và chế tạo một chiếc xe đua Công thức 1 cỡ nhỏ từ Khối mô hình F1 chính thức bằng các công cụ thiết kế CAD/CAM.

Năm 2024, ADUA Racing - đội bao gồm các học sinh cấp 2 của trường British International School Ho Chi Minh City đã vinh hạnh giành được cơ hội tham gia vòng chung kết cuộc thi F1 in Schools ở Dubai, Ả Rập Saudi. Đây là đội duy nhất đại diện Việt Nam tham gia vòng chung kết năm nay.

Những nỗ lực rèn luyện, khả năng sáng tạo, tư duy học tập đáng ngưỡng mộ của các em học sinh trong giải đấu này phù hợp với định hướng và giá trị cốt lõi mà Nhà Sách Phương Nam luôn muốn đem lại cho các bạn đọc và khách hàng trên toàn quốc.

Vì vậy, Nhà Sách Phương Nam hân hạnh trở thành nhà tài trợ đồng hành cùng đội thi ADUA Racing trên hành trình vươn ra thế giới. Nhà Sách Phương Nam hy vọng nỗ lực này sẽ góp phần ươm mầm cho những tài năng tương lai, khuyến khích người trẻ phát triển tư duy độc lập, sáng tạo.

Nhà Sách Phương Nam luôn chú trọng hỗ trợ, khuyến khích thế hệ trẻ phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Bên cạnh đó, hệ thống Nhà Sách Phương Nam vẫn luôn nỗ lực trên hành trình kết nối bạn đọc đến với thế giới tri thức thông qua những cuốn sách hay và các hoạt động ý nghĩa.

Cảm ơn sự ủng hộ của các độc giả và khách hàng đã tạo điều kiện để Nhà Sách Phương Nam tiếp tục đồng hành cùng thế hệ trẻ trên những chặng đường đầy ý nghĩa trong tương lai.

Đọc bài viết

Trà chiều

Sự kiện giao lưu & ký tặng: Bước Qua Nước Mắt, Tự Khắc Trưởng Thành

Published

on

Nhân dịp ra mắt tác phẩm mới Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành, Nhà Sách Phương Nam và Phương Nam Book phối hợp cùng tác giả Anh Khang tổ chức sự kiện giao lưu và ký tặng vào lúc 16g00, thứ Bảy ngày 16.11.2024 tại sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM).

Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành là tác phẩm kỷ niệm hơn một thập kỷ viết văn của tác giả Anh Khang. Anh gọi đây là một “cuốn sách làm lành” – thay vì “chữa lành” như cách gọi thường thấy trong xã hội hiện đại. Tác phẩm được chia làm hai phần, mở đầu bằng “Độc thoại” với những dòng tư lự đơn lẻ như tự trấn an “đứa trẻ bên trong đang ăn vạ trên đường trưởng thành”, rồi sang đến “Đối thoại” là những lời tâm can san sẻ cùng Gen Z lẫn Gen Z(à) để tìm sự ủi an. Mỗi câu, mỗi lời tâm tình thủ thỉ đều quá đỗi chân thành, như chính lời tác giả tự nhận thì đây “chính là những ghi chép trong lúc ‘khóc một trận đã đời’, rồi từ nay, chỉ nhìn về phía trước”.

Kể từ khi xuất bản tác phẩm đầu tay Ngày trôi về phía cũ… vào năm 2012, đến nay Anh Khang đã trở thành “tác giả triệu bản” với nhiều tác phẩm nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả. Anh còn được bạn đọc thương tặng tên gọi “nhà văn của những nỗi buồn tuổi trẻ” vì những chia sẻ sâu sắc và đầy cảm thông trong từng trang sách. Sách Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành đánh dấu sự trở lại của Anh Khang sau 4 năm tạm vắng mặt trên văn đàn, đồng thời cũng là món quà tri ân dành tặng cho thế hệ độc giả đã trưởng thành cùng những bài viết của anh.

Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành – tác phẩm mới nhất của tác giả Anh Khang do Phương Nam Book liên kết xuất bản.

Đến với sự kiện giao lưu và ký tặng, độc giả sẽ có cơ hội trò chuyện cùng nhà văn Anh Khang và lắng nghe anh chia sẻ về những thăng trầm trong quá trình sáng tác cuốn Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành. Đặc biệt, sự kiện còn chào đón sự góp mặt của ca sĩ - nhà văn Hamlet Trương.

Giao Lưu & Ký Tặng: Bước Qua Nước Mắt, Tự Khắc Trưởng Thành

  • Thời gian: 16:00 – Thứ bảy, ngày 16.11.2024
  • Địa điểm: Sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM)
  • Vào cửa tự do

Về tác giả: Quách Lê Anh Khang

  • Công việc chính là làm báo, công việc phụ là làm mệt mình bằng những cảm xúc đa mang. Mọi nghề nghiệp đã và đang làm như phóng viên, biên tập viên, PR, MC... đều có vẻ khá nghiệp dư, nhưng lại rất chuyên nghiệp trong vai trò làm “người độc thân nhạy cảm”.
  • Ngày sinh: 11/8
  • Cung Hoàng đạo: Sư Tử (Leo)
  • Cử nhân khoa Báo chí & Truyền thông – Đại học KHXH&NV TP.HCM
  • Sách đã xuất bản:
    • Ngày trôi về phía cũ... (2012)
    • Đường hai ngả, người thương thành lạ (2013)
    • Buồn làm sao buông (2014)
    • Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và... Em (2015)
    • Thương mấy cũng là người dưng (2016)
    • Trời vẫn còn xanh, em vẫn còn anh (2017)
    • Người xưa đã quên ngày xưa (2018)
    • Những năm tháng đó, có tôi yêu người (2019)
    • Thả thính chân kinh (2020)
    • Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành (mới xuất bản – năm 2024)
Đọc bài viết

Cafe sáng