Book trailer

Nguồn gốc của ngoại tộc: Cuộc truy nguyên căn tính loài người

Nạn phân biệt chủng tộc, nỗi sợ hãi, ranh giới, những cuộc đại di cư, niềm khao khát thuộc về nơi nào đó… là những chủ đề được Toni Morrison (tác giả đoạt giải Nobel Văn chương năm 1993) khảo sát kĩ lưỡng trong “Nguồn Gốc Của Ngoại Tộc”.

Published

on

Chi tiết tác phẩm

Nguồn gốc của ngoại tộc tập hợp những bài diễn văn của Toni Morrison năm 2016 trong khuôn khổ chương trình thường niên Charles Eliot Norton Lectures do đại học Harvard tổ chức. Qua đó, Morrison bàn về những chủ đề chính yếu trong tác phẩm của bà và đây cũng là những chủ đề ngày càng có sức ảnh hưởng lớn trên bản đồ chính trị thế giới: nạn phân biệt chủng tộc, nỗi sợ hãi, ranh giới, những cuộc đại di cư, niềm khao khát thuộc về nơi nào đó.

Sự khác biệt chủng tộc là gì và tại sao điều đó lại quan trọng? Động cơ nào thúc đẩy con người có khuynh hướng tự xây dựng những Kẻ Ngoại Tộc? Tại sao sự hiện diện của Kẻ Ngoại Tộc lại khiến chúng ta lo sợ? Qua Nguồn gốc của ngoại tộc, Toni Morrison khơi gợi những câu hỏi ấy cùng những nghi vấn thiết yếu khác về căn tính con người. Trong quá trình tìm kiếm câu trả lời, Morrison không chỉ soi chiếu vào lịch sử, chính trị mà còn vào chính ký ức cá nhân của bà, và đặc biệt là văn học. Harriet Beecher Stowe, Ernest Hemingway, William Faulkner, Flannery O’Connor, và Camara Laye là những tác giả được bà thăm dò.

Khi đọc những phân tích của bà, ta sẽ khám phá lại lần nữa các tác phẩm quen thuộc dưới chiều kích về chủng tộc, hay nói như thuật ngữ của bà là Sự Ngoại Tộc Hóa (Othering). Trong tác phẩm Túp lều bác Tom của nhà văn Harriet Beecher Stowe, có lẽ với những dòng miêu tả khoảnh vườn ngập tràn hoa lá xinh tươi trước túp lều bác Tom (một người da đen) khi cậu chủ George (một thiếu niên da trắng) đến viếng thăm, phần lớn chúng ta sẽ chỉ đơn thuần đắm chìm trước vẻ đẹp thiên nhiên. Nhưng Morrison đã nhận ra trong những dòng văn “được tỉa tót, đầy mời gọi, thu hút” ấy là nỗi sợ hãi của một người da trắng khi bước vào lãnh địa của người da đen: phải có thật nhiều dấu hiệu ôn hòa cho thấy anh được hoan nghênh và an toàn, anh mới dám bước vào khu vực của Kẻ Ngoại Tộc.

Thông qua những phân tích sắc sảo, Morrison chỉ ra cách thức văn chương đã vô tình thao túng nhận thức của người đọc về việc phân biệt đối xử dựa trên màu da hình thành như thế nào. Không chỉ dựa trên một đoạn văn như trong tác phẩm Túp lều bác Tom, đôi khi nó nằm ở ngay cách nhà văn lựa chọn từ ngữ. Morrison dẫn ra ví dụ trong tác phẩm To Have and Have Not của Hemingway. Harry Morgan – một người buôn lậu rượu mía và là nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, khi trò chuyện với người da đen độc nhất trên thuyền, ông gọi người đó bằng tên là Wesley. Nhưng ở ngôi trần thuật thứ ba để kể chuyện với người đọc, Hemingway lại sử dụng từ “tay mọi đen” cho nhân vật Wesley. Morrison đặt ra câu hỏi: tại sao Hemingway không sử dụng tên thật của người da đen để dẫn dắt câu chuyện, tại sao ông cần nhấn mạnh yếu tố màu da để trần thuật? Và bà đưa ra một nhận định rất đáng suy ngẫm, rằng Hemingway đã “chủ ý nhấn vào lòng trắc ẩn người kể chuyện dành cho người đàn ông da đen, thứ tình thương có thể khiến cho kẻ buôn rượu lậu này trở nên thân thiết với người đọc.” Chính sự thương hại đó đã cho thấy tâm thức kẻ trên người dưới.

Không chỉ phân tích tác phẩm người khác, Morrison còn chia sẻ những dụng ý về lựa chọn nghệ thuật trong tác phẩm của mình. Qua đó, những độc giả yêu mến bà vừa hiểu thêm quá trình sáng tạo của bà, vừa nắm rõ hơn những quan niệm của bà về Sự Ngoại Tộc Hóa trong văn chương hư cấu. Khi viết Yêu dấu (Beloved), bà lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về Margaret Garner – một người mẹ nô lệ ở thế kỷ 19 đã giết con mình vì không muốn con phải chịu những hành hạ đau đớn của kiếp nô lệ. Điều lí thú là Morrison hoàn toàn không quan tâm đến vụ xử án tai tiếng của sự kiện này như nhiều người, với tấm lòng nhân đạo của một nhà văn lớn, bà hướng sự chú ý đến việc người mẹ chồng đã không thể lên án hành vi giết người của con dâu và tiếng nói không thể cất lên của đứa trẻ đã khuất. “Chuyện của Margaret Garner thực dù có thuyết phục đến đâu, thì trung tâm và sức ảnh hưởng của cuốn tiểu thuyết vẫn là đứa bé bị hạ sát. Tưởng tượng về bé đối với tôi là linh hồn và cốt cách của nghệ thuật.” Thông qua đó, bà khẳng định một trong những vai trò quan trọng của văn chương là: “Tiểu thuyết tự sự cung ứng một nơi chốn hoang dã có kiểm soát, một cơ hội để là và để trở thành Kẻ Ngoại Tộc. Kẻ xa lạ. Với sự đồng cảm, sự minh bạch, và rủi ro của việc khảo sát tự thân. Để nhắc lại, đối với tôi – tác giả, bé gái Yêu Dấu, cái sinh linh ám ảnh, là Ngoại Tộc tối hậu. Lên tiếng đòi, đòi mãi mãi một nụ hôn.”

Với những vấn đề bất ổn trên thế giới hiện nay, Nguồn gốc của ngoại tộc như một tấm gương soi chiếu giúp ta nhận thức được những nỗi sợ hãi thuộc về căn tính khi đối diện với tha nhân. Qua đó, ta biết được vị thế của mình, biết cách điều chỉnh nhận thức và hành vi khi sống trong thời đại toàn cầu hóa. Và Toni Morrison cũng nhắc ta nhớ rằng văn chương sẽ luôn luôn là chốn cư ngụ vĩnh hằng cho những Kẻ Ngoại Tộc, là mái nhà thân thương mà ta không thấy mình là kẻ xa lạ khi sống trong nó.

Thông tin tác giả

Toni Morrison là nhà văn Mỹ đã nhận được nhiều giải thưởng văn học uy tín, trong đó có giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 1988. Năm 1993, bà được nhận giải Nobel Văn chương và trở thành phụ nữ da đen đầu tiên được trao giải thưởng cao quý này. Bà tích cực tham gia các phong trào đòi bình quyền phụ nữ, thường phát biểu trong những đại hội của phụ nữ da đen. Tác phẩm của bà được dịch ra nhiều thứ tiếng và là đối tượng của nhiều công trình nghiên cứu. Những tác phẩm tiêu biểu: The Bluest Eye (1970), Beloved (1987), A Mercy (2008)…

Book trailer

Thịnh Vượng – Con Đường Dẫn Đến Sự Giàu Có Và Sung Túc Từ Bên Trong

Published

on

By

Thịnh Vượng – quyển sách tâm lí của tác giả nổi tiếng Deepak Chopra vừa được Phương Nam Book phát hành – tập hợp rất nhiều chỉ dẫn hữu ích cho những ai đang muốn hướng đến sự giàu có và sung túc từ bên trong, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Trong tác phẩm Thịnh Vượng, Deepak Chopra đã mô tả một con đường có thể biến chuyển những cảm xúc sợ hãi mà chúng ta đang tự giới hạn mình thành những điều tích cực hơn; dẫn dắt người đọc nhìn vào bên trong để tìm ra tài sản nội tại và sự giàu có thực sự trong mọi lĩnh vực của cuộc sống; giúp chúng ta tập trung nhằm đạt được sự ổn định, cân bằng, tình yêu và sức sáng tạo.

Kiến giải độc đáo về sự thịnh vượng từ góc nhìn hợp nhất giữa hai thế giới riêng biệt

Có rất nhiều sách dạy về việc kiếm tiền, và cũng có rất nhiều sách bàn về đời sống tâm linh. Tuy nhiên, hiếm khi nào hai chủ đề này cùng được kết hợp mổ xẻ trong một cuốn sách. Theo Deepak Chopra, nguyên nhân là vì ta có khuynh hướng tách rời riêng rẽ giữa thế giới bên ngoài và thế giới bên trong.

Thế giới bên ngoài là “thế giới của vạn vật và những người khác”. Thế giới bên trong là “nơi tâm trí thường xuyên hoạt động, tạo ra những suy nghĩ và cảm giác”. Phần lớn chúng ta đều đau khổ vì không biết cách kết nối hai thế giới này lại với nhau; hoặc để cho chúng bị xung đột, mâu thuẫn lẫn nhau. Có những người sẽ quan tâm đến thế giới bên ngoài nhiều hơn; và ngược lại, cũng có những người quan tâm đến thế giới bên trong nhiều hơn. Chính vì vậy, hai thể loại sách dạy về việc kiếm tiền (thuộc thế giới bên ngoài) và sách tâm linh (thuộc thế giới bên trong) thường được phân tách để phục vụ hai đối tượng riêng biệt. Tuy nhiên, theo Deepak Chopra, việc chỉ quan tâm đến một trong hai thế giới sẽ làm cho đời sống của ta mất đi sự cân bằng.

Với tâm niệm ấy, Deepak Chopra đã viết nên cuốn sách Thịnh Vượng – một tác phẩm độc đáo khi kết hợp cùng lúc hai chủ đề thường được tách rời. Từ đó, Thịnh Vượng giúp người đọc tiến gần hơn đến điểm cốt lõi nhất của hai chữ “làm giàu” theo cả nghĩa đen (về vật chất) và nghĩa bóng (về tinh thần).   

Mối liên hệ không thể ngờ đến giữa Yoga và tiền

Theo Deepak Chopra, Yoga chính là chiếc cầu nối cần thiết để gắn kết hai thế giới mà chúng ta thường tự tách rời riêng rẽ. Ông cho rằng khi sự hợp nhất đó diễn ra, ta sẽ có được cả thành công và hạnh phúc.

“Trong tiếng Phạn, từ Yoga có nghĩa là tham dự, hoặc hợp nhất. Từ tiếng Anh yoke (cái ách buộc vào cổ gia súc) có nguồn gốc từ đây, nhưng khi yoke gợi nhớ đến hình ảnh một chiếc xe đẩy thời Trung cổ được một cặp bò đực kéo đi, thì Yoga soi sáng cho ta một thực tại hoàn toàn mới.”

Bằng việc bắt đầu với nguồn gốc sâu xa của từ Yoga, Deepak Chopra đã dùng chính Yoga để lí giải về tiền bạc – một sự kết hợp đầy bất ngờ.

“Tôi biết Yoga hiếm khi gắn liền với tiền bạc. Ở phương Tây, người ta chỉ biết đến một nhánh của Yoga – hatha yoga. Đây là hình thức luyện tập thể chất được định danh cùng với lớp học yoga – lớp học này đang trải qua làn sóng phổ biến chưa từng được biết đến trong quá khứ.”

Nhưng trong tác phẩm Thịnh Vượng, Deepak Chopra không bàn nhiều về hata yoga mà chủ yếu tập trung vào triết lí tổng quan rộng lớn hơn của tinh thần Yoga. Chính vì vậy, tác giả chọn cách viết hoa chữ Yoga trong sách để độc giả không bị nhầm lẫn với những bài tập rèn luyện thường được dạy trong các lớp yoga.

Từ nền văn hóa Vệ Đà cổ đại, Yoga đã xuất hiện để hướng dẫn người Ấn Độ cách sống giữa cuộc đời qua suốt nhiều thế kỉ. Trong những hướng dẫn đó, có bao gồm cả lĩnh vực tiền bạc. “Thịnh Vượng” – hay sự hưng thịnh, giàu có – dịch sang tiếng Phạn là từ Artha. Artha được xem là thành tựu đầu tiên trong cuộc đời mỗi người. Nhưng điều đó không có nghĩa là khi tiền bạc đến thì ta mới hạnh phúc. Nguyên tắc của Yoga là ngược lại: khi ta có thể sống hạnh phúc trong cuộc đời mình muốn sống, tiền bạc sẽ đến. 

Tìm niềm vui từ bên trong để đạt được thịnh vượng toàn diện

Trước nhiều biến động xã hội đầy khó khăn trong những năm gần đây, tinh thần cốt lõi của Yoga về tiền bạc rằng “khi ta hạnh phúc, tiền sẽ đến” có phần khiến nhiều người hoài nghi. Bởi lẽ, ta hầu như không thể có được tiền theo cách dễ dàng mà phải lao động cật lực, siêng năng, tốn nhiều thời gian, công sức. Bối cảnh thực tế đó dường như đang cho thấy điều ngược lại: ta phải có tiền trước rồi mới được hạnh phúc. Nhiều người trong chúng ta nghĩ như thế.

Thế nhưng, Deepak Chopra đã gợi ra nhiều câu hỏi suy tư đầy thú vị cho người đọc. Vậy thì, ta sẽ trì hoãn thời điểm cho phép bản thân mình được bình yên, thảnh thơi, hạnh phúc đến bao lâu? Phải kiếm được bao nhiêu tiền mới khiến ta thấy yên tâm? Câu trả lời chung thường là đợi đến năm 60 tuổi, ta sẽ hạnh phúc với số tiền tiết kiệm mình đã để dành sau nhiều năm tháng miệt mài lao động. Ngày nay, với một số người, con số đó thậm chí còn có thể kéo dài đến năm 70, 80 tuổi.

Tuy nhiên, cũng không có gì đảm bảo là đến khi đó, kế hoạch sẽ thành công và ta được hạnh phúc. Deepak Chopra đã có một nhận xét vô cùng thấu đáo: “Tuổi già là một canh bạc trên mọi mặt trận, nhưng chủ yếu là mặt trận sức khỏe và tiền bạc.” Từ đó, ông định nghĩa lại về tiền bạc theo nguyên tắc Yoga: niềm vui bên trong mới là “thước đó thành công đích thực duy nhất”. Khi ta có thể thay đổi nhận thức của chính mình, hợp nhất được thế giới tinh thần và thế giới vật chất, đó cũng là lúc ta sẽ tìm được sự thịnh vượng trọn vẹn, toàn diện. Và tác phẩm Thịnh Vượng của Deepak Chopra sẽ đồng hành cùng người đọc trên con đường đó với nhiều chỉ dẫn cụ thể, mang tính ứng dụng cao.

Trích đoạn

“Để đạt được sự giàu có lâu dài, kiểu lâu dài mang lại cho cuộc sống của bạn ý nghĩa, giá trị và nguồn nuôi dưỡng, hãy dựa vào sự hào phóng của tinh thần. Mọi điều mong muốn khác, theo cách riêng, sẽ đến sau.”

***

“Giữa tất cả những gì bạn thực sự coi trọng trong cuộc sống hiện tại của mình – một mối quan hệ yêu thương, một gia đình tốt, công việc xứng đáng và được tưởng thưởng, thời gian để tận hưởng những thứ này – không gì đến một cách tình cờ. Tất cả được sinh ra từ mong muốn và ý định. Tại cội nguồn của bạn, trong nhận thức thuần túy, sức mạnh này mở rộng không giới hạn.”

***

“Hai thứ lớn nhất mà ta giữ riêng biệt là hai thế giới mà mỗi người chúng ta đều đang sinh sống. Một thế giới là ‘ngoài kia’, thế giới vật chất của vạn vật và của những người khác. Thế giới còn lại là thế giới ‘trong này’, nơi tâm trí thường xuyên hoạt động, tạo ra những suy nghĩ và cảm giác. Mục đích của Yoga là gắn kết hai thế giới này lại với nhau. Nếu bạn làm được điều đó, bạn sẽ hạnh phúc và thành công.”

Nhận xét của báo chí

“Quyển sổ tay thú vị dẫn đường chúng ta ‘chuyển đổi ý thức thành sự thịnh vượng’ thông qua Yoga và thiền định.”

– Publishers Weekly

Về tác giả

•  Deepak Chopra sinh năm 1946, là người Mỹ gốc Ấn Độ.

•  Bác sĩ y khoa, người tiên phong nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực y học tích hợp và chuyển đổi cá nhân, có bằng chứng nhận về y học nội khoa, nội tiết và trao đổi chất.

•  Thành viên của Trường Đại học Bác sĩ Mỹ (FACP), nhà sáng lập của The Chopra Foundation và Chopra Global.

•  Tác giả của hơn 90 cuốn sách đã được dịch ra hơn 43 ngôn ngữ, thường xuyên có tên trong danh sách bán chạy nhất của New York Times.

•  Tạp chí Time gọi ông là “1 trong 100 anh hùng và biểu tượng hàng đầu thế kỷ”.

TÁC PHẨM BÁN CHẠY ĐÃ XUẤT BẢN - ‘Metahuman – Siêu nhân loại

Đọc bài viết

Book trailer

Ôm giữ không gian – Nghệ thuật yêu thương không phán xét

Published

on

By

Ôm giữ Không gian – sách nghiên cứu tâm lí vừa được Phương Nam Book phát hành – là cẩm nang cần thiết đối với những ai đang muốn học cách giúp người khác xoa dịu các tổn thương về mặt tinh thần.

Ôm giữ Không gian giới thiệu đến độc giả một khái niệm mới về phương pháp đồng hành của nhà khai vấn đối với một người bị tổn thương hoặc đang ở trong các giai đoạn chuyển giao tâm lí vô cùng nhạy cảm. Tuy nhiên, tác phẩm này không chỉ hữu ích cho những ai quan tâm đến mảng tâm lí, khai vấn, mà còn cần thiết cho tất cả mọi người. Bởi lẽ, yêu thương và được yêu thương không phán xét luôn là một nhu cầu quan trọng.

Ôm giữ không gian không phải cho riêng mình

Trong cuộc đời mỗi người, ai rồi cũng sẽ phải đối diện với những lằn ranh – đó là một bước ngoặt đánh dấu sự chuyển giao giữa tình trạng cũ và tình trạng mới, con người cũ và con người mới khi ta phải đương đầu trước một biến cố lớn trong cuộc đời. Với tác giả Heather Plett, đó chính là chuỗi ngày bà phải đối diện với việc mẹ mình sắp từ giã cõi đời. Chính sự kiện này đã góp phần khiến bà quyết định thôi giữ chức vụ Giám đốc Nguồn lực và Quan hệ Công chúng tại Ngân hàng Lương thực Canada để chuyển sang mảng khai vấn và trở thành nhà đồng sáng lập  Trung tâm Tổ chức Ôm giữ Không gian (The International Centre for Holding Space).

Khi trải qua sự kiện đau buồn đó, Heather Plett đã hiểu hơn về ngưỡng chuyển giao. Ngưỡng chuyển giao (liminal space) – được sinh ra từ những lằn ranh biến cố – là một từ khóa quan trọng được lặp lại xuyên suốt trong tác phẩm Ôm giữ Không gian. Đối với tác giả thì ngưỡng chuyển giao “tồn tại cả sự tan vỡ lẫn cơ hội, cả sự trống rỗng lẫn rộng mở để đón nhận những điều mới. Một danh tính cũ đã rời đi và một danh tính mới đang dần khởi lộ. Khi một câu chuyện kết thúc, một câu chuyện mới chuẩn bị ra đời.”

Ôm giữ không gian thường dễ bị hiểu nhầm là ôm giữ không gian cho riêng mình. Nhưng trong tác phẩm này, phương pháp Ôm giữ Không gian không phải là để thực hiện cho chính mình, mà là để mình thực hiện cho người khác.

Như một chiếc bát ôm giữ yêu thương

Khi đối diện với những ngưỡng chuyển giao, sẽ đến một lúc người ta nhận thấy cái tôi cũ không còn phù hợp với thời điểm hiện tại. Biến cố tạo ra cơ hội giúp họ nảy sinh cái tôi mới – hay còn gọi là danh tính mới. Tác giả ví việc chuyển đổi này giống như chuyển từ một ngôi nhà cũ sang một ngôi nhà mới. Nhưng ở đây – với một con người, ta không thể đơn giản đập bỏ đi hết những gì thuộc về ngôi nhà danh tính cũ trước khi chuyển sang ngôi nhà danh tính mới xây.

Theo Heather Plett, để làm được điều ấy, ta cần xây một cây cầu để người đó di chuyển. Trong quá trình này, chắc chắn khó tránh khỏi chuyện những mảnh tôi cũ bị thất lạc, giẫm đạp, thậm chí là vỡ vụn. Và nhiệm vụ của người ôm giữ không gian chính là đảm bảo điều đó sẽ không xảy ra. Họ đóng vai trò như một cái bát, một chiếc hộp cất giữ những mảnh tôi cũ được nguyên vẹn cho đến khi người ở ngưỡng chuyển giao hoàn toàn trở thành một con người mới.

“Chúng ta ôm giữ sự vụn vỡ của họ với lòng thấu cảm. Chúng ta thì thầm rằng: ‘bạn không ở một mình trong mớ hỗn độn ngổn ngang này đâu’. Chúng ta khoanh tạo ngưỡng chuyển giao giúp bảo vệ họ không phải chịu thêm bất kỳ đau đớn nào nữa. Chúng ta cho họ không gian, nơi họ trải qua sự chờ đợi trước khi có bất kỳ sự chuyển hóa nào diễn ra.”

Nghệ thuật tạo không gian an toàn cho những người bị tổn thương

Khi có cơ hội trở thành chiếc bát ôm giữ không gian cho ai đó tại một thời điểm nào đó trong cuộc sống của họ, không phải lúc nào ta cũng biết cách thực hiện nhiệm vụ này sao cho suôn sẻ. Chính vì vậy, tác giả Heather Plett đã đưa ra rất nhiều câu chuyện và trường hợp cụ thể về thực hành Ôm giữ Không gian trong sách để người đọc có cơ hội đối chiếu với bản thân, tự lựa chọn cho mình cách thức phù hợp. Tuy vậy, bà cũng đúc kết một số yếu tố – theo bà là cốt lõi – trong việc ôm giữ không gian cho người khác.

Một trong những điều quan trọng đầu tiên là người ôm giữ không gian cần buông bỏ cái tôi và nhu cầu kiểm soát của chính mình. Thông thường, với những kinh nghiệm của bản thân, ta dễ bị cám dỗ trước việc tác động đến những quyết định của người khác. Nhưng để trở thành người ôm giữ không gian đem lại cảm giác an toàn cho mọi người, ta cần từ bỏ sự phán xét của mình trước quyết định của họ – dù quyết định đó hoàn toàn khác biệt so với quyết định ta đã từng thực hiện ở hoàn cảnh tương tự.

Trong quá trình phát triển bản thân, chuyển đổi thành con người mới, thất bại là điều khó tránh khỏi. Nhưng những người đang ở trong ngưỡng chuyển giao thường dễ bị tổn thương và ám ảnh trước thất bại. Công việc của người ôm giữ không gian là giúp họ nhìn sâu vào bên trong bản thân mình, đối diện với nỗi sợ hãi của chính họ. Từ đó, họ có thể chấp nhận thất bại là một phần tất yếu trong quá trình trưởng thành, và biết cách học hỏi những lỗi lầm từ thất bại đó để tiến bước vững vàng cho tương lai. 

Trích đoạn

“Ôm giữ không gian là món quà chúng ta cho đi và nhận lại, hết lần này đến lần khác, trong suốt cuộc đời mình. Đôi khi chúng ta làm rất tốt, nhưng đôi khi lại chưa đủ để có thể giúp ai đó. Đôi khi việc ôm giữ này đòi hỏi ở chúng ta nhiều thời gian và công sức, nhưng đôi khi tất cả những gì chúng ta cần làm đơn giản là gọi một cuộc điện thoại cho người đó.”

***

“Ôm giữ không gian nghĩa là chúng ta sẵn lòng đồng hành cùng ai đó hoặc một nhóm người nào đó xuyên suốt hành trình đi qua ngưỡng chuyển giao của họ. Chúng ta làm điều này mà không khiến họ cảm thấy mình không xứng đáng, không cố gắng sửa chữa họ, cũng như không cố tác động tới kết quả của việc chuyển hóa. Thay vào đó, chúng ta đến bên họ với trái tim rộng mở, trao đi sự hỗ trợ vô điều kiện, và buông bỏ sự phán xét cùng nhu cầu kiểm soát của chính mình.”

Nhận xét của giới chuyên môn

 “Sự cần thiết của cộng đồng gìn giữ vòng tròn an toàn cho từng cá nhân trong giai đoạn chuyển hóa đầy khó khăn, những thách thức mang tính hệ thống mà chúng ta luôn phải đối mặt trong cuộc sống, những cuộc vật lộn đau đớn trong quá trình khám phá ra căn tính bản thân… được Heather Plett trình bày thật rõ ràng và thuyết phục trong cuốn sách Ôm giữ không gian – Nghệ thuật yêu thương không phán xét. Tôi vô cùng biết ơn tầm nhìn đầy hy vọng được nêu trong cuốn sách này – một tầm nhìn bao trùm từ các phương pháp kết nối linh thiêng cổ xưa đến những bước thực thi khai vấn thật cụ thể. Mong muốn chân thành của tôi là cuốn sách rất hợp thời đại này sẽ truyền cảm hứng đến thật nhiều độc giả, để chúng ta mạnh dạn tiếp cận những điều không chắc chắn đang chờ đợi phía trước với khối óc rộng mở, trái tim được kết nối ấm áp, và đôi tay vững vàng để ôm giữ yêu thương.”

– Vũ Phi Yên

Tiến sĩ, bậc sĩ, chuyên gia tâm lý tại trung tâm Better Living Life

Ôm giữ không gian đã cung cấp mắt xích còn thiếu cho những đối tượng đang băn khoăn trước ngưỡng chuyển giao. Đây là quyển sách mà bất kỳ ai đang làm công việc liên quan đến con người đều cần phải đọc. ”

– Pamela Slim

tác giả Body of Work

“Quyển sách tuyệt hay này giúp bạn hiểu được tại sao cần phải khám phá căn tính bản thân, cũng như ôm giữ không gian cho chính mình cùng những người xung quanh. Thế giới đang chuyển động không ngừng và ôm giữ không gian chính là lộ trình để chúng ta đàm phán với tương lai.”

– TuBears

nhà văn, nhà thơ, họa sĩ Canada

“Bằng lòng trắc ẩn và thấu hiểu sâu sắc, Heather Plett đã xoa dịu những tổn thương của riêng mình thông qua những chia sẻ đầy dũng cảm và chân thành. Quyển sách là món quà tuyệt diệu cho một thế giới hỗn loạn và đích xác là điều chúng ta cần ngay lúc này. ”

– Robin Youngson

tác giả Time to Care: How to Love Your Patients and Your Job

Về tác giả

Heather Plett là diễn giả quốc tế, người điều hành và nhà đồng sáng lập Trung tâm Tổ chức Ôm giữ Không gian (The International Centre for Holding Space). Các nghiên cứu của bà thường xuyên xuất hiện trên các ấn phẩm tạp chí Havard Business ReviewGrist.

Trước khi chuyển trọng tâm công việc sang mảng khai vấn Ôm giữ Không gian, Heather từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các tổ chức công Canada và tổ chức phi lợi nhuận quốc tế. Hiện bà đang sinh sống tại Winnipeg, Manitoba, Canada cùng ba cô con gái của mình.

Đọc bài viết

Book trailer

Câu chuyện thăng trầm của đạo diễn và nhà biên kịch đoạt 3 giải Oscar Oliver Stone

Published

on

By

Qua ‘Đuổi theo ánh sáng’, độc giả sẽ được theo chân đạo diễn và nhà biên kịch đoạt được 3 giải Oscar Oliver Stone đi lại từ đầu từ thuở ấu thơ huyền diệu cho đến rất nhiều trải nghiệm trong thời gian tại ngũ ở Việt Nam, và cả hành trình theo đuổi con đường điện ảnh đầy ắp thăng trầm.

Là người đứng sau 2 tác phẩm lấy bối cảnh chiến tranh Việt Nam là PlatoonBorn on the Fourth of July thành công vang dội, thế nhưng ít người biết rằng để vươn đến đỉnh cao của kinh đô điện ảnh Hollywood, nhà làm phim Oliver Stone đã phải trải qua không ít chìm nổi, nhưng cũng từ đó tiếp thêm sức mạnh cũng như nghị lực cho bản thân ông. Tất cả những điều nói trên sẽ được tái hiện trong cuốn hồi ký Đuổi theo ánh sáng mà ngay từ khi ra mắt, đã tạo ra tiếng vang lớn trong giới xuất bản cũng như điện ảnh.

Mở đầu cuốn sách, tác giả đi lại từ đầu về tuổi thơ huyền diệu của mình khi cha mẹ ông - những thanh thiếu niên sau cuộc Đại chiến - có dịp gặp nhau và đã đơm kết cuộc hôn nhân đẹp. Những tưởng mọi thứ đã rất hoàn hảo, thế nhưng cú sét đến nhanh với việc ly dị vì những tính cách quá khác biệt nhau.

Ôm lấy tổn thương từ đau đớn đó, Oliver Stone chọn đến với Việt Nam trong lần đầu tiên, tình nguyện dạy học tiếng Anh cho người bản xứ ngay tại Chợ Lớn (nay là TP. Hồ Chí Minh). Kết thúc một năm làm việc tại đây, ông đến Mexico chắp bút viết cuốn hồi ký về 20 năm đầu đời, ôm mộng trở thành một nhà văn lớn.

Tuy vậy với sự non nớt và thiếu “hào quang” của nhân vật chính, tác phẩm của ông không được xuất bản và bị xếp xó. Nhận thấy điều ấy cũng như không còn động lực để mà hướng đến, Stone thêm một lần nữa trở lại Việt Nam nhưng dưới vai trò là lính bộ binh tham gia tham chiến. 

Chính tại chiến trường đầy khốc liệt này, ông đã có được trải nghiệm với các trận cận chiến, có lúc đứng ở tuyến đầu, có khi bị thương suýt thì mất mạng… nhưng vẫn không muốn trở về quê hương quá sớm vì không còn gì chờ mình ở nơi chốn ấy. Có thể nói chính quãng thời gian đặc biệt và đáng nhớ này rồi sẽ giúp ông làm nên những bộ phim chân thật và sống động nhất về chiến tranh, sự tàn bạo và tham tàn quyền lực.

Trở về nước Mỹ, vì không có mục đích sống, ông sớm sa đọa vào chất kích thích mà đỉnh điểm là bị bắt giữ và phải nhờ cha đưa ra khỏi khám. Từ đó ông sống vẩn vơ nhưng cũng dần nuôi ý định viết kịch bản phim. Dẫu có khó khăn ngay từ buổi đầu, nhưng với niềm thích thú, ông đã vừa làm cũng như vừa viết.

Cơ hội dành đến cho ông ở bộ phim Midnight Express, kể về hành trình của nhân vật chính buôn bán các chất kích thích cố gắng thoát khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Có lẽ với những trải nghiệm có phần tương tự bản thân đã từng kinh qua, Oliver Stone đã thổi vào đây những sự sống động. Và vì lẽ đó, ông đã được vinh danh tại Quả cầu vàng cũng như Oscar với chiến thắng Biên kịch xuất sắc nhất.

Thế nhưng hạnh phúc thì chẳng tày gang, liên tiếp các tác phẩm sau đó như The Hand, Conan the Barbarian, Scarface, Year of a Dragon… lại không thành công, khiến ông rơi vào trầm cảm và gặp khó khăn thêm một lần nữa. Quãng cuối 30 tuổi với những thất bại gần như liên tục và có gia đình cần phải nuôi sống, Oliver Stone đã tiến đến những quyết định lớn nhất đời mình.

Khi cả Hollywood từ chối sản xuất tác phẩm về một đất nước như Salvador, Stone đã dùng tất cả những gì mình có để tự đầu tư vào tác phẩm độc lập và kinh phí thấp cùng tên. Có lẽ bằng nhãn quan độc đáo và cách kể chuyện không khoan nhượng, mà chỉ một năm sau đó, cuốn phim trở thành hiện tượng, đưa tên tuổi ông thêm một lần nữa lên đỉnh vinh quang.

Thừa thắng xông lên, Platoon và ngay sau đó là Born on the Fourth of July về chiến tranh Việt Nam cũng được tiến hành thực hiện. Từ một kịch bản bị xếp xó trước đây, kết hợp với trào lưu về dòng phim này đang tăng trưởng mạnh, Stone tiếp tục gặt hái thành công, khiến ông thêm một lần nữa đã được vinh danh tại giải Oscar ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất, và là dấu mốc vô cùng chói lọi trong cả cuộc đời cũng như sự nghiệp của nhà làm phim.

Với những thăng trầm diễn ra trong suốt cuộc đời, Đuổi theo ánh sáng không chỉ đơn thuần là cuốn hồi ký ghi lại cuộc đời của Oliver Stone, mà cũng còn là câu chuyện về việc thực hiện ước mơ bằng mọi giá khi có niềm tin, dẫu gặp bao nhiêu khó khăn cũng như thất bại. Với Stone, gian truân tuổi trẻ tuy đầy khó khăn nhưng cũng tuyệt vời và rất đáng giá.

Ông tâm sự rằng: “Cho dù giai đoạn sau của cuộc đời tôi được mãn nguyện đến thế nào đi nữa, tôi không nghĩ rằng mình sẽ còn cảm thấy hào hứng và phấn khích nhiều như khi tôi không có tiền… Có những thời điểm nào đó tầm thường, nhưng cũng có những khoảnh khắc tỏa sáng khiến bạn trân trọng mãi mãi. Không thể xóa nhòa dù nó tốt đẹp hay khủng khiếp…”

Với cách viết chân thành, giản dị, không hoa mỹ hay lên gân, Đuổi theo ánh sáng là cuốn hồi ký vô cùng cảm động về cuộc đời của một nhà làm phim lớn, từ lúc thơ ấu đến tuổi trưởng thành, từ khi kiêu ngạo cho đến lúc thất bại, từ sa đọa trong nghiện ngập đến khi trở thành vị đạo diễn lớn trong lĩnh vực điện ảnh… 

Ngoài ra, cuốn sách còn nói đến những góc khuất, hậu trường thú vị khi làm phim và những va chạm khác trong giới điện ảnh. Có thể nói đây là cuốn hồi ký vô cùng độc đáo và rất đáng đọc cho ai có niềm đam mê điện ảnh mãnh liệt, những người đã và đang mong muốn trở thành đạo diễn, biên kịch tài ba.

Nhận xét về tác phẩm này, Anthony Hopkins - nam diễn viên kỳ cựu từng gây tiếng vang trong Sự im lặng của bầy cừu - nói: “Quyển hồi ký đã cho thấy đời sống nội tâm thu hút và nguồn năng lượng mạnh mẽ đến mức ngấu nghiến, nhưng đầy thiên tài của Stone. Chính điều này đã đưa ông trở thành một trong những nhà làm phim vĩ đại nhất thế giới. Đánh rắn động cỏ. Ông ta gây ra sự phẫn nộ. Thậm chí khuấy động tranh cãi. Chẳng thèm ở yên trong vùng an toàn. Oliver Stone là cá biệt. Đuổi theo ánh sáng đã nói lên tất cả”.

Trong thời gian qua, Phương Nam Books cũng cho ra mắt rất nhiều tựa sách có liên quan đến đề tài điện ảnh như Khán giả học (Kevin Goetz), Để trở thành nhà biên kịch phim truyện (Nguyễn Quang Lập)... Về đề tài chiến tranh Việt Nam, những tác phẩm như Mùa xuân vắng lặng - Mùa thu chết chóc của chiến tranh Việt Nam (Patrick Hogan), Đường 20 quyết thắng, Lực lượng mãnh hổ (Mitch Weiss)... là những tựa sách không nên bỏ qua.

THÔNG TIN TÁC GIẢ

William Oliver Stone sinh năm 1946, là đạo diễn và biên kịch nổi tiếng người Mỹ. Ông từng tham chiến tại Việt Nam từ tháng 4 năm 1967 đến tháng 11 năm 1968. Ông thắng hai giải Oscar cho Đạo diễn xuất sắc nhất (Platoon, Born on the Fourth of July) và một giải Oscar cho Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất (Midnight Express). Trong Wall Street (1987), ông cũng góp phần giúp Michael Douglas thắng giải Oscar cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

TRÍCH DẪN ẤN TƯỢNG

  • “Trái ngược với sự sáo rỗng, thành công là điều bạn có thể học hỏi. Trong số những thứ khác, nó còn dạy bạn cách ứng xử trong ngành quan hệ công chúng như phim ảnh, và cách xử lý tiền bạc, con người, cách nói chuyện trước công chúng - đồng thời mang lại cho bạn năng lực và mong muốn phát triển như một nghệ sĩ và một con người. Tuy nhiên, thất bại đã đã dạy tôi cách cảm nhận nỗi đau của mình, sự non nớt trong sự tức giận và tổn thương của tôi; nó cũng dạy cho tôi sự cay đắng và khao khát trả thù, sự vô ích của nó, và cuối cùng, nó dạy tôi kiên cường, mạnh mẽ và độc lập.”
  • “Sự thất bại rất đau đớn và được phóng đại bởi những viên đạn ná và những mũi tên của ngành kinh doanh đại chúng, trong đó nhiều thất bại xé nát tâm hồn cho đến khi bạn phát điên - tự sát - hoặc mất ý chí, hoặc thay đổi phong cách của mình. Hoặc nó dạy bạn thỏa hiệp theo một cách khác - bằng cách loại bỏ dây thanh âm và lương tâm của bạn cho đến khi bạn là một con chó không thể sủa được nữa”.
  • “Làm cho việc làm phim trở nên "cá nhân", nghĩa là, nó quan trọng đối với bạn, niềm đam mê của bạn, và nếu bạn tiếp xúc với cảm xúc của mình, bạn sẽ nhận ra sức mạnh của nó ngay cả khi nó đang dẫn bạn ra khỏi vách đá; bạn phải có sự điên rồ trong mình để theo nó đến cùng. Cũng với tinh thần đó mà tôi đã đến Việt Nam, hay bỏ Yale và viết tiểu thuyết của mình. Không phải là bất kỳ điều nào trong số này cũng thành công, nhưng đó là niềm đam mê và bản năng đã thúc đẩy tôi, và tôi vẫn còn đủ trẻ để thực hiện một cú hích khác vào bản năng đó. Và nếu tôi thất bại... đành vậy thôi. Tôi sẽ thích nghi với một cách sống khác.”
  • “Một trong những bài học cơ bản đầu tiên trong quay phim là đuổi theo ánh sáng. Không có nó, bạn chẳng có gì - không có sự phơi bày nào có thể được nhìn thấy; ngay cả những gì bạn nhìn thấy bằng mắt thường cũng cần được định hình và tăng cường bởi ánh sáng.”
  • “Nhưng nó sẽ không kiếm được tiền, và đó là điểm mấu chốt tàn nhẫn nhất ở Hollywood, luôn luôn như vậy. Bạn có thể "nói" tất cả những gì bạn muốn về một bộ phim, nhưng đó chỉ là "nói", không phải tiền”.
  • “Có một cái gì đó khác đang phát triển bên trong tôi, nhưng tôi không thể nói rõ. Tôi đã thấy nó ở Việt Nam. Là Mỹ luôn sẵn sàng giảng cho người khác về cách hành xử, có thể là về ma túy hoặc nhân quyền, trong khi phớt lờ sự thèm muốn ma túy khổng lồ của chúng ta ở quê nhà. Tôi đã luôn khinh thường những kẻ bắt nạt, ở trường học, trong chiến tranh, và bây giờ tôi đang thấy chúng ở đây, trong thành phố mơ ước của tôi - Hollywood. Nhưng tinh vi hơn rất nhiều. Những kẻ bắt nạt lớn nhất lặng lẽ kiểm soát phát sóng, nội dung, thái độ và bạn không thể đi quá xa so với những gì "có thể suy nghĩ được”.

NHỮNG LỜI KHEN TẶNG

  • “Oliver Stone là một kẻ khiêu khích phi thường giữa kinh đô điện ảnh Hollywood. Quyển hồi ký đã cho thấy đời sống nội tâm thu hút và nguồn năng lượng mạnh mẽ đến mức ngấu nghiến, nhưng đầy tính thiên tài của Stone. Chính điều này đã đưa ông trở thành một trong những nhà làm phim vĩ đại nhất thế giới. Đánh rắn động cỏ. Ông ta gây ra sự phẫn nộ. Thậm chí khuấy động tranh cãi. Chẳng thèm ở yên trong vùng an toàn. Oliver Stone là cá biệt. Đuổi theo ánh sáng đã nói lên tất cả.”

(Sir Anthony Hopkins - diễn viên nhiều lần đoạt giải Oscar)

  • “Tất cả đều mang dấu ấn và không biện giải, đôi khi tự nâng tầm như mọi người từng trông đợi nhìn thấy trong những bộ phim hoa mỹ của Stone… Quyển sách sẽ lôi cuốn được độc giả nếu những gì họ quan tâm là thời kỳ đầu tranh đấu của các nghệ sĩ thay vì giai đoạn huy hoàng.”

(Publishers Weekly)

  • “Thô và trung thực đến tàn nhẫn, kịch tính không kém bất kỳ bộ phim nào của ông ấy, quyển hồi ký của Oliver Stone bất chấp mọi khuôn sáo tồn tại ở Hollywood lâu nay.”

(Mail on Sunday (UK)

  • “Tuyệt vời… Chủ đề kép của việc theo đuổi ánh sáng và bị ánh sáng đuổi theo là trọng tâm trong câu chuyện cuộc đời của Oliver… Điều tuyệt vời xuyên suốt các trang của quyển hồi ký này là niềm đam mê của anh ấy đối với sự thật và cuộc sống. Ông ta túm lấy cổ áo bạn và hét lên: Ý thức! Tỉnh dậy nào! Đừng để giấc ngủ và sự quên lãng kết nạp bạn vào đoàn xác sống.”

(Edward Curtin, Global Research)

Đọc bài viết

Cafe sáng