Trích đăng

Chương 1 “Nắng Tháng Tám” – William Faulkner

Nắng Tháng Tám là vầng hào quang mang đầy những gương mặt người.

Published

on

Chi tiết tác phẩm

Trích từ: Nắng tháng Tám

Tác giả: William Faulkner

Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Tái bản: tháng 7.2018

1

Ngồi bên bờ đường, đưa mắt dõi theo chiếc xe la đang leo dần lên đồi về phía nàng, Lena nghĩ, ‘Mình đến từ Alabama1: thiệt là một quãng đường xa. Lội bộ suốt từ Alabama đến tận đây. Ui cha, xa quá trời luôn!’, trong khi nghĩ  dù lên đường chưa đầy một tháng mà mình đã đến được Mississippi2 rồi. Mình chưa hề đi xa nhà đến vậy. Mình chưa hề đi xa Doane’s Mill đến vậy, kể từ hồi mười hai tuổi tới nay.

Thuở đó nàng thậm chí chưa từng đặt chân đến Doane’s Mill cho đến khi cả cha lẫn mẹ nàng chết đi, dù mỗi năm nàng vẫn vào thị trấn sáu hay tám lần gì đó, vào ngày thứ bảy, ngồi trên chiếc xe la, mặc chiếc áo đầm may sẵn mua bằng đường bưu điện, hai bàn chân trần đặt nằm trên sàn xe còn đôi giày thì được gói kỹ trong giấy đặt trên ghế bên cạnh nàng. Chỉ lúc xe đến thị trấn nàng mới xỏ chân mang giày. Khi lớn hơn, nàng đòi cha cho ngừng xe ở ngoài rìa thị trấn, nàng bước xuống và đi bộ tiếp. Nàng không nói với cha tại sao nàng muốn đi bộ thay vì ngồi lại trên xe. Ông nghĩ là do những con đường phẳng phiu và do có những vỉa hè. Còn nàng thì tin là khi thấy nàng đi bộ như thế, những người đi qua nàng sẽ nghĩ nàng cũng cư ngụ trong thị trấn.

Nàng lên mười hai thì cha và mẹ nàng qua đời trong cùng một mùa hè, trong ngôi nhà vách làm bằng thân gỗ tròn có ba phòng và một hành lang, không có lưới chống muỗi ở cửa sổ, trong căn phòng được soi sáng bằng một ngọn đèn dầu lửa đầy thiêu thân bay quanh, sàn nhà trần trụi thì trơn nhẵn như đồ bạc cũ nhờ cọ xát nhiều với các bàn chân không. Nàng là đứa con nhỏ tuổi nhất còn sống. Mẹ nàng chết đầu tiên. Bà nói, “Chăm sóc cha nghe”. Và Lena đã làm theo. Rồi một ngày nọ, cha nàng nói, “Hãy đến Doane’s Mill với McKinley nghe con. Sửa soạn trước đi, nó đến là sẵn sàng đó nghe.” Rồi ông chết. McKinley, anh nàng, về nhà trong một chiếc xe la. Hai anh em chôn cất cha, vào một buổi chiều, dưới một lùm cây phía sau ngôi nhà thờ đồng quê, dựng một tấm ván thông thay cho bia đá. Sáng hôm sau nàng ra đi, có lẽ vào lúc đó nàng không biết là mình sẽ đi xa mãi mãi, cùng với McKinley trên chiếc xe la, nơi đến là Doane’s Mill. Anh nàng mượn cỗ xe đó và hứa trả lại nó khi đêm xuống.

Anh nàng làm việc ở xưởng cưa. Tất cả đám đàn ông trong làng đều làm việc ở xưởng cưa, hay làm cho nó. Người ta cưa xẻ những cây thông. Xưởng đã hoạt động ở đó được bảy năm và trong vòng bảy năm nữa thì cả rừng cây quanh vùng sẽ bị đốn ngã sạch bách. Vậy là vài bộ phận máy móc và phần lớn đám thợ từng làm chạy xưởng cưa, từng sống nhờ nó hay vì nó, sẽ được đưa lên các toa chở hàng và vận chuyển đi nơi khác. Nhưng một phần máy móc khác sẽ được bỏ lại, vì người ta bao giờ cũng có thể mua được các bộ phận thay thế tại chỗ mới bằng cách trả góp — những bánh xe chỉ còn trơ cốt sắt bất động nổi lên giữa những đống gạch vụn và đám cỏ dại lởm chởm, đăm đăm nhìn lên trời xanh với vẻ kinh ngạc tột cùng, và những nồi hơi lòi ruột chỏng các ống han gỉ không còn phun khói với vẻ bướng bỉnh, sững sờ và bối rối cùng lúc ngay giữa quang cảnh lỗ chỗ những gốc cây bị đẵn, một cảnh tan hoang nặng nề, im ắng, đất đai bỏ hoang, từ từ bị xói lở thành những khe nước ngầu đục, ứ đọng dưới những trận mưa dầm êm ả vào mùa thu và các cơn thịnh nộ sấm sét vào những ngày xuân phân. Rồi tới lúc cái xóm nhỏ này, ngay vào thời kỳ thịnh vượng nhất của nó mà đã không có tên trên danh bạ của Sở Bưu điện, cuối cùng thì sẽ bị ngay cả những tên mua vét lúc nhúc chấy rận trên người quên bẵng sau khi chúng phá đổ các nhà kho, nhà xưởng… để mang về đốt trong các lò bếp nhà chúng, hay trong lò sưởi vào mùa đông. 

Xóm có lẽ chỉ có năm gia đình khi Lena đặt chân đến. Một đường ray, một nhà ga, và mỗi ngày một lần có chuyến tàu lửa chở hàng lẫn khách chạy qua xóm, còi kéo đinh tai nhức óc. Tàu có thể bị chặn lại với một lá cờ đỏ nhưng thường thì nó hiện ra từ những ngọn đồi trụi cây một cách đột ngột như ma hiện hình và rền rĩ giống tiếng than khóc của mụ thần báo tử3 khi chạy ngang cái xóm nhỏ ơi là nhỏ này như một hạt chuỗi bị bỏ quên từ cái dây xâu bị đứt. Người anh lớn hơn nàng hai mươi tuổi. Nàng hầu như không nhớ đến anh chút nào trước khi nàng đến ở với anh. Anh sống trong căn nhà bằng gỗ thô, có bốn phòng, với bà vợ kiệt sức vì sinh đẻ quá nhiều. Mỗi năm thì có gần đến sáu tháng bà chị dâu này hoặc ở cữ hoặc nằm dưỡng bệnh. Trong suốt thời gian đó Lena làm mọi việc nhà và chăm sóc các đứa bé khác. Sau này nàng tự nhủ, ‘Mình nghĩ chính vì vậy mà bụng mình dính bầu nhanh quá cỡ!’

Chỗ ngủ của nàng là cái phòng dưới mái che nằm đằng sau căn nhà. Nó có một cửa sổ nàng học được cách mở và đóng trong bóng tối mà không gây ra tiếng động, dù nàng phải chia sẻ cái phòng dưới mái che này, trước tiên với đứa cháu đầu, rồi thêm đứa cháu thứ hai, rồi cả ba đứa cùng lúc.

Nàng ở được tám năm thì mới mở cánh cửa sổ đó lần đầu tiên. Nàng đã mở nó chưa đến mười hai lần thì nhận ra là nàng đáng lẽ không nên mở nó bao giờ. Nàng tự nhủ, ‘Thiệt đúng cái số mình!’

Bà chị dâu mách với người anh. Vậy là anh nhận ra thân hình nàng thay đổi, điều mà lẽ ra anh phải để ý từ lâu. Đó là một con người khắc nghiệt. Nỗi dịu dàng, lòng khoan dung và tuổi thanh xuân (anh mới bốn mươi tuổi) và gần như tất cả những thứ khác đã theo những giọt mồ hôi toát ra trên người mà biến mất, chỉ còn lại một thứ nghị lực bướng bỉnh và tuyệt vọng, và một di sản u ám từ niềm kiêu hãnh huyết thống. Anh xem nàng là đồ điếm. Anh buộc tội đúng chóc tên thủ phạm (khó gì đâu, những thanh niên độc thân hay Casanova4 “mạt cưa” thì thậm chí còn ít hơn các gia đình ở đây) nhưng nàng không muốn thừa nhận, dù chàng ta đã bỏ đi từ sáu tháng trước. Nàng chỉ lặp đi lặp lại một cách ương bướng, “Ảnh sẽ gọi cho mình. Ảnh đã nói ảnh sẽ gọi cho mình mà”; nàng tỏ ra kiên trì nhưng dễ tính đến độ cả tin, nhờ dựa vào sức mạnh tích tụ của niềm chung thủy sắt son và nhẫn nại mà những người trong gia đình Lucas Burch luôn tùy thuộc và tin tưởng, dù cho họ không có ý định sẽ hiện diện ở đó một khi sự chung thủy này trở nên cần thiết. Hai tuần sau nàng lại còn leo qua cửa sổ đó. Lần này thì hơi khó. ‘Eo ơi, giá như mấy tháng trước đó mà cũng khó như vầy thì bây giờ mình đâu phải leo qua cho cực tấm thân’, nàng nghĩ. Nàng hẳn có thể đi khỏi nhà qua cửa chính, ngay giữa ban ngày. Không một ai chặn nàng lại đâu. Nàng biết điều đó, có lẽ vậy. Nhưng nàng chọn ra đi vào ban đêm, qua cửa sổ. Nàng mang theo một cái quạt bằng lá cọ và một cái bọc nhỏ được cột lại gọn gàng trong chiếc khăn tay màu sáng. Nó chứa, giữa các thứ khác, ba mươi lăm xen5 bằng đồng năm và mười xen. Nàng mang giày của người anh, cái đôi mà anh đã cho nàng. Còn gần như mới vì chẳng ai chịu xỏ chúng vào mùa hè. Khi cảm thấy có bụi đường dưới đôi bàn chân, nàng tháo giày và cầm trên tay.

Nàng đã đi bộ như thế đến nay gần được bốn tuần lễ rồi. Sau lưng nàng, bốn tuần lễ và cái cảm giác về cái gì xa xôi ấy kéo dài như một cái hành lang yên tĩnh được lát bằng niềm tin lặng lẽ, chắc nịch, và đầy những giọng nói, những khuôn mặt không tên nhưng tử tế: Lucas Burch? Tôi không biết. Tôi không biết ai mang tên đó quanh đây. Con lộ này à? Nó dẫn đến Pocahontas. Ờ, anh ta có thể ở dưới đấy. Có thể lắm. À, chiếc xe này đi xuống miệt đó. Nó sẽ đưa cô đến đó; giờ đây, đằng sau nàng là một chuỗi ngày đêm đều đặn, yên tĩnh nối đuôi nhau, lê thê và đơn điệu, những ngày, những đêm mà nàng đã đi về phía trước trong những chiếc xe la vô danh giống hệt nhau và thong thả như thể xuyên qua các biến dạng liên tiếp của những cái bánh xe cọt kẹt và những đôi tai la cụp lại, giống cái gì đó chuyển động không ngừng nhưng không tiến tới được, như thể đi vòng bên hông một cái vại.

Chiếc xe la leo đồi về phía nàng. Nàng qua mặt nó cách đây một dặm phía dưới con lộ. Nó đậu bên vệ đường, các con la say ngủ với cái ách còn trên cổ, đầu chúng chỉ về hướng mà nàng đang lầm lũi rảo bước. Nàng đã thấy nó và cũng thấy hai tên đàn ông ngồi xổm bên cạnh một chuồng ngựa đằng sau hàng rào. Nàng nhìn họ và chiếc xe, chỉ một lần: liếc một cái nhưng thấy mọi thứ, nhanh gọn, trong trắng và thâm trầm. Nàng không dừng bước; có thể là hai tên đàn ông phía sau hàng rào đã không thấy nàng nhìn họ cùng chiếc xe la. Nàng cũng không ngoái đầu lại. Nàng chậm rãi tiếp tục đi khuất mắt họ, giày cởi dây xung quanh mắt cá, cho đến khi nàng lên tới đỉnh đồi cách đấy một dặm. Rồi nàng ngồi bệt xuống bên mép cái rãnh thoát nước, để hai bàn chân trong cái rãnh lúc này cạn khô và lột giày. Một đỗi sau nàng bắt đầu nghe tiếng chiếc xe la. Nàng nghe được một lát, rồi thấy nó đang nặng nhọc leo đồi.

Thiếu dầu bôi trơn, và biến dạng vì mưa nắng, gỗ và sắt thép của xe khi rung lắc chầm chậm thì kêu cọt kẹt, nghe khô giòn đến chói tai kinh khủng: một loạt tiếng động nổ ra khô khốc, uể oải vang xa đến nửa dặm xuyên qua sự tĩnh lặng nóng bức, đứng gió và đượm mùi nhựa thông của buổi chiều tháng tám này. Mặc dù các con la dầm dãi cất bước như thể ở trong tình trạng thôi miên ổn định và không mệt mỏi, chiếc xe hình như không tiến tới được. Vì bánh xe quay cực kỳ chậm, nó có vẻ như bị treo lơ lửng mãi mãi ở nửa chừng, như một hạt chuỗi tồi tàn trên sợi dây đỏ nhạt là con lộ. Và cảnh tượng này thì thực đến mức mà, dù theo dõi nó, cặp mắt người ta không thấy nó nữa khi thị giác và các giác quan khác nhập chung và trộn lẫn trong sự ngầy ngật, như chính con lộ, với chuỗi ngày đêm yên tĩnh và đơn điệu nối tiếp nhau, giống như sợi chỉ đo sẵn được quấn vào ống một lần nữa. Nó thực đến mức mà cuối cùng người ta có thể tưởng rằng tiếng xe đó dường như đến từ một vùng đất tầm thường, nhỏ nhoi, và bất chấp khoảng cách, nó đến chậm chạp, kinh khủng và vô nghĩa, như thể nó là cái bóng ma đi trước thân xác của chính mình cả nửa dặm đường. ‘Mình có thể nghe nó từ xa đến vậy trước khi thấy nó’, Lena nghĩ. Nàng thấy mình đã di chuyển trên đường, đã ngồi trong chiếc xe lần nữa, trong khi nghĩ   rồi cứ như thể là nó chở mình đi được nửa dặm ngay cả trước khi bước lên xe, ngay cả trước khi xe đến chỗ mình đang chờ đây, và sau khi mình bước xuống xe, nó vẫn còn chở mình bên trong thêm nửa dặm nữa. Nàng đợi, thậm chí không đưa mắt dõi theo chiếc xe lúc này, trong khi các ý tưởng trong đầu nàng trở nên vu vơ, êm ả và nhanh lẹ, đầy những giọng nói, những khuôn mặt không tên nhưng tử tế: Lucas Burch? Cô nói cô đã đi tìm ở Pocahontas à? Con lộ này sao? Nó chạy xuống Springvale đó. Chờ đây nghe. Có chiếc xe sắp sửa qua đây sẽ đưa cô đi một đoạn đường   vẫn trong khi nghĩ, ‘A, nếu Lucas Burch đi tuốt lên Jefferson thì ảnh sẽ nghe mình đến ngay cả trước khi thấy mình. Ảnh sẽ nghe được tiếng xe, nhưng ảnh sẽ không tài nào biết được. Vậy là sẽ có ai đó đến trong tầm tai trước khi đến trong tầm mắt ảnh. Và lúc đó thì ảnh sẽ thấy mình và ảnh sẽ phấn khởi. Vậy là ảnh sẽ thấy hai người trước khi ảnh nhớ ra được.’

Ngồi bệt trong bóng mát, lưng tựa vào bức tường chuồng ngựa của Winterbottom, Armstid và Winterbottom thấy nàng đi qua trên đường. Hai người nhận ra tức khắc là nàng trẻ, có chửa và không phải là người trong vùng. “Tao tự hỏi con nhỏ dính bầu đó ở đâu?” Winterbottom nói.

“Tao tự hỏi nó ễnh bụng bao lâu rồi?” Armstid nói.

“Tao cho là con nhỏ đi thăm ai phía dưới con lộ,” Winterbottom nói.

“Tao không tin vậy. Nếu đúng thì tao đã nghe nói rồi. Cũng đâu phải người vùng mình. Tao hẳn đã nghe nói rồi.”

“Tao cho là con nhỏ biết mình đi đâu,” Winterbottom nói. “Qua cách đi đó, nó có vẻ biết mình đi đâu.”

“Không bao lâu nữa chắc nó sẽ có bạn đồng hành,” Armstid nói. Người đàn bà đi xa dần, chậm chạp với gánh nặng căng ra trước bụng mà ai thấy cũng biết. Cả hai tên đàn ông đều không thấy nàng liếc nhìn họ một lần khi nàng đi ngang qua, trên người mặc chiếc áo đầm xanh bạc phếch và không còn hình thù gì hết, tay mang một cái quạt bằng lá cọ và một bọc vải nhỏ. “Nó không đến từ miệt nào gần đây đâu,” Armstid nói. “Theo cách đi đó thì nó chắc đã lặn lội trên đường nhiều ngày rồi và chắc còn lội thêm một đoạn đường dài nữa à nghe.”

“Chắc là con nhỏ đi thăm ai đó quanh miệt này,” Winterbottom nói.

“Nếu vậy thì tao đã nghe nói rồi,” Armstid nói.

Người đàn bà cứ bước đi. Không ngoảnh mặt nhìn lại. Nàng ra khỏi tầm mắt khi lên đến đỉnh con đường dốc: bụng căng to, chậm chạp, kiên quyết, không vội vã, không mệt mỏi, giống như buổi chiều đang dần dần tiến tới. Nàng cũng ra khỏi câu chuyện của họ, có lẽ ra khỏi tâm trí họ nữa. Bởi vì sau một lúc thì Armstid mở miệng nói cái chuyện mà hắn đến đây để nói. Trước đó hắn đã có hai chuyến đi bằng xe la, năm dặm đường từ nhà đến đây chớ ít sao, chỉ để ngồi xổm và khạc nhổ suốt ba tiếng đồng hồ dưới bóng bức tường chuồng ngựa của Winterbottom, với sự dùng dằng chậm rãi của những loại người như hắn luôn xem thì giờ là không đáng xu teng gì, để mà nói cái chuyện đó. À, chính là để mặc cả cái máy xới đất của Winterbottom mà tay này muốn bán. Rồi cuối cùng Armstid nhìn mặt trời và đưa ra cái giá mà khi nằm trong giường ba đêm trước đây hắn đã quyết định đưa ra. “Tao biết có một cái máy giống như của mày ở Jefferson mà tao có thể mua với cái giá này,” hắn nói.

“Tao nghĩ mày nên mua nó đi thì hơn,” Winterbottom nói. “Có vẻ rẻ mạt đó.”

“Hẳn vậy rồi,” Armstid nói. Hắn nhổ nước miếng. Hắn lại nhìn mặt trời rồi đứng dậy. “Thôi được, giờ thì tao phải quay về nhà đây.”

Hắn leo lên xe của mình và đánh thức các con la. Hay đúng hơn, hắn cho chúng di chuyển, bởi vì chỉ có dân da đen mới có thể biết khi nào con la ngủ hay thức. Winterbottom đi theo hắn đến tận hàng rào, chống cùi chỏ lên đó. “Đúng vậy đó,” Winterbottom nói. “Chắc là tao sẽ mua cái máy xới đất mày vừa nói với cái giá đó. Nếu mày không lấy nó, tao là đồ chó nếu tao không ba chân bốn cẳng xách đít đi mua nó. Và cái thằng cha có cái máy đó, nó lại không có một cặp la để bán với giá khoảng năm đô-la hay sao?”

“Hẳn vậy rồi,” Armstid nói. Hắn bỏ đi, chiếc xe bắt đầu vang lên tiếng lọc cọc chậm chạp nuốt dần các dặm đường. Hắn không ngoái đầu nhìn lại. Và hình như hắn cũng không nhìn về phía trước, vì hắn không thấy người đàn bà ngồi ở cái rãnh bên vệ đường cho tới khi chiếc xe lên gần sát đỉnh đồi. Vào lúc nhận ra cái áo đầm màu xanh, hắn không biết được là nàng có bao giờ thấy chiếc xe la này không. Và hẳn không ai có thể biết là hắn có bao giờ nhìn nàng không khi thấy hai người càng lúc càng gần nhau một cách chậm chạp quá sức, có vẻ như không tiến tới chút nào, trong khi chiếc xe cứ mải miết bò về phía nàng, nó thì được bao bọc trong một vầng sáng uể oải và có thể chạm tới được của tình trạng ngủ gà ngủ gật và của bụi đỏ mà trong đó những bàn chân cứng cáp của các con la di chuyển như trong một giấc mơ, theo nhịp rời rạc của các bộ cương kêu lách cách và của các đôi tai như tai thỏ rừng ve vẩy một cách mềm mại. Khi hắn cho các con la dừng bước, chúng vẫn không ngủ mà cũng chẳng thức.

Bên dưới cái mũ che nắng màu xanh đã phai, giờ lại bạc thêm bởi cái gì khác hơn là xà bông và nước giặt, nàng ngước lên nhìn hắn một cách bình thản và dễ thương: khuôn mặt nàng trẻ, dễ gần, thẳng thắn, thân thiện và lanh lợi. Nàng cứ ngồi yên. Bên dưới tấm áo đầm phai màu, cùng một sắc xanh bạc phếch, thân thể bị biến dạng của nàng vẫn bất động. Quạt và bọc vải đặt trên hai đùi. Nàng không mang tất dài. Hai bàn chân trần nghỉ ngơi bên nhau trong cái rãnh cạn. Nằm trơ ra cạnh đó là đôi giày đàn ông nặng nề và lấm bụi. Trên chiếc xe la đã ngừng, Armstid ngồi, lưng khòm và đôi mắt nhợt nhạt. Hắn thấy chiếc quạt được viền kỹ lưỡng bằng cùng một màu xanh bạc phếch như cái mũ che nắng và chiếc áo đầm.

“Đi xa đến đâu?” hắn nói.

“Tôi cố đi thêm một quãng trước khi trời tối,” nàng nói. Nàng đứng lên, đưa tay cầm đôi giày. Nàng leo lên mặt đường, cố ý chậm rãi, và đến gần chiếc xe. Armstid không bước xuống để giúp nàng. Hắn chỉ giữ cỗ xe đứng yên trong khi nàng nắm bánh xe mà trèo lên một cách nặng nhọc và đặt đôi giày dưới ghế ngồi. Rồi xe chuyển bánh lại. “Cám ơn chú,” nàng nói. “Lội bộ như vầy mệt thiệt.”

Armstid hình như không hề nhìn kỹ nàng. Vậy mà hắn đã thấy nàng không đeo nhẫn cưới. Bây giờ hắn không nhìn nàng. Chiếc xe la lại vang lên tiếng lọc cọc chậm chạp. “Từ xa đến phải không?” hắn nói.

Nàng thở ra. Đó không phải là tiếng thở dài mà đúng hơn là tiếng thở ra thanh thản, như thể để diễn tả một nỗi kinh ngạc thầm lặng. “Bây giờ nhìn lại thì trông như một quãng đường xa thiệt đó. Tôi đến từ Alabama.” Nàng đáp.

“Từ Alabama thiệt sao? Với cái bụng ễnh như vầy sao? Gia đình ở đâu?”

Nàng cũng không nhìn hắn. “Tôi cố sức đi gặp ảnh ở miệt trên đó. Biết đâu chú biết ảnh. Ảnh tên là Lucas Burch. Ở miệt dưới đó họ nói với tôi ảnh ở Jefferson, làm việc trong một xưởng bào.”

“Lucas Burch?” Giọng của Armstid gần như giống hệt giọng nàng. Hai người ngồi bên cạnh nhau, trên chiếc ghế bị lõm xuống vì các lò xo đã đứt. Hắn có thể thấy hai bàn tay nàng để trên đùi và gương mặt nhìn nghiêng của nàng dưới cái mũ che nắng. Hắn thấy các thứ này từ khóe mắt mình. Nàng có vẻ quan sát con lộ trải dần ra giữa những cái tai mềm của các con la. “Và đã lội bộ suốt cả chặng đường dài như vầy, một thân một mình, chỉ để lùng kiếm thằng chả sao?”

Nàng không mở miệng trả lời ngay. Một lát sau, nàng nói: “Bà con cô bác tốt bụng lắm. Họ tốt bụng lắm, thiệt tình.”

“Đàn bà cũng vậy à?” Từ khóe mắt hắn quan sát gương mặt nhìn nghiêng của nàng, nghĩ   Mình không biết mụ Martha sắp sửa nói gì    trong khi nghĩ: ‘Chắc là mình biết rõ mụ Martha sắp sửa nói gì rồi. Mình cho là đám đàn bà có thể tốt bụng mà không thực sự có lòng trắc ẩn. Đám đàn ông bây giờ cũng vậy, có lẽ. Nhưng chỉ có những mụ đàn bà xấu tính mới có thể tỏ ra tốt bụng với một người đàn bà khác đang cần lòng trắc ẩn’. Hắn nghĩ tiếp   Đúng vậy, mình biết mà. Mình biết y bon mụ Martha sắp nói gì đây

 Nàng ngồi rất yên, hơi dịch ra phía trước một chút, gương mặt nhìn nghiêng của nàng cũng rất yên, và đôi má… “Thiệt lạ lùng,” nàng nói.

“Làm sao mà khi nhìn một cô gái trẻ lạ nước lạ cái lội bộ trên đường với cái bụng bầu như cô đây, thiên hạ có thể biết được là thằng chồng đã bỏ rơi cổ?” Nàng không cử động. Chiếc xe la giờ đây di chuyển theo một thứ nhịp điệu nào đó. Bánh gỗ đã mòn và khô dầu nhập lại làm một với buổi chiều chậm chạp, với con lộ, với hơi nóng. “Và cô định tìm thằng chả ở miệt trên này à?”

Nàng không cử động. Nàng có vẻ quan sát con lộ, chậm rãi hiện dần ra giữa những cái tai của các con la, và khoảng cách thì có lẽ được tạc theo hình dạng con đường đi, rõ ràng vậy mà. “Tôi nghĩ tôi sẽ tìm ra ảnh. Không khó lắm đâu. Ảnh sẽ ở chỗ nào mà nhiều người cùng nhau tụ họp, cười giỡn với nhau. Ảnh thì giỏi đàn đúm lắm.”

Armstid buột miệng càu nhàu, giọng nghe thô lỗ và hung dữ. “La, đi tụi mày!” hắn nói; hắn tự nói với mình, nửa suy nghĩ trong đầu, nửa phát ra ở cửa miệng: ‘Tui nghĩ cô ta có lý. Chắc là thằng chả sẽ nhận ra là nó đã sai lầm thậm tệ khi nó dừng chân ở phía bên này Arkansas6, hay ngay cả Texas7.’

Mặt trời nghiêng dần, hiện chỉ còn độ một giờ ở trên đường chân trời, trước khi bóng đêm mùa hè nhanh chóng buông xuống. Một đường làng hiện ra, xuất phát từ con lộ nhưng còn im ắng hơn nó. “Đến rồi đó,” Armstid nói.

Người đàn bà cử động ngay lập tức. Nàng khom người lấy đôi giày. Và hình như nàng không muốn làm chậm trễ chiếc xe, dù chỉ vài giây ngắn ngủi để xỏ giày. “Tôi thiệt bụng cám ơn chú,” nàng nói. “Đi được một đoạn như vầy thiệt đỡ cho tôi quá.”

Chiếc xe ngừng lại lần nữa. Người đàn bà sửa soạn bước xuống. “Ngay cả khi cô đến được cửa tiệm Varner trước khi trời tối thì cô vẫn còn cách Jefferson đến mười hai dặm đó,” Armsitd nói.

Nàng luống cuống cầm cả đôi giày, cái bọc và chiếc quạt bằng một tay, còn tay kia thì nắm cái gì đó để xuống xe. “Tôi đi tiếp thì hơn,” nàng nói.

Armstid không chạm đến người nàng. “Cô đến qua đêm ở nhà tui đi,” hắn nói. “Nhà có đàn bà mà… có một bà có thể… nếu cô… Đến cho rồi nghe. Sáng mai tui sẽ chở cô đến cửa tiệm Varner rất sớm, rồi cô có thể đi xe tiếp vào thành phố. Ngày thứ bảy nào cũng có người lên đó. Không lẽ thằng chả sẽ thoát được tay cô vì cô ngủ lại một đêm ở đây à? Nếu như thằng chả ở Jefferson thiệt thì chắc là thằng chả sẽ còn ở đó ngày mai mà.”

Nàng ngồi yên, một tay nắm giữ các vật dụng của mình, sẵn sàng xuống xe. Nàng nhìn thẳng phía trước, tới chỗ mà con lộ cong mình rồi xa dần, với bóng tối đổ nghiêng trên mặt đường. “Tôi cho là tôi vẫn còn vài ngày.”

“Hẳn vậy rồi. Cô hãy còn nhiều thì giờ lắm đó. Có điều là bất cứ lúc nào từ nay cô cũng có thể rơi vào hoàn cảnh có thêm một bạn đồng hành chưa thể tự mình bước đi được.” 

Không chờ trả lời, hắn cho các con la cất bước. Chiếc xe rẽ vào con đường làng đã lờ mờ tối. Người đàn bà ngồi thụt vào, tay vẫn cầm chặt chiếc quạt, cái bọc vải, đôi giày. 

“Tôi không muốn mang ơn,” nàng nói. “Tôi không muốn làm phiền.”

“Hẳn vậy rồi,” Armstid nói. “Đến nhà với tui nghe.” Lần đầu tiên các con la đi nhanh theo ý chúng. “Chúng có mùi bắp,” Armstid nói, và nghĩ: ‘Nhờ đó mà ta nhận ra đàn bà. Và đàn bà, nó sẽ là kẻ đầu tiên nói xấu một con đàn bà khác, nhưng lại không biết xấu hổ lượn lên lượn xuống trước mặt thiên hạ bởi vì nó biết là người ta, nhất là đám đàn ông, sẽ chăm lo cho nó. Phần nó thì nó chẳng quan tâm mẹ gì đến những con đàn bà khác. Đâu có phải một con đàn bà đã đẩy nó vào cái hoàn cảnh rắc rối mà chính nó cũng chẳng thèm lo nghĩ đến. Đúng quá cha rồi gì nữa. Cứ để cho một đứa trong tụi nó lấy chồng hay có chửa mà không chồng, vậy là ngay tức khắc người ta thấy nó lìa bỏ giống đàn bà, ra khỏi loài cái, và trải qua phần còn lại của đời nó tìm cách gia nhập vào giống đàn ông. Đó là lý do tại sao tụi nó hít thuốc lá bột, tại sao tụi nó hút thuốc lá, và tại sao tụi nó đòi quyền bỏ phiếu.’

Khi chiếc xe đi ngang trước ngôi nhà về phía sân đất có chuồng la, bà vợ hắn đứng ở cửa ra vào đưa mắt dõi theo nó. Hắn không nhìn về phía bà ta; hắn không cần nhìn để biết là bà sẽ ở đó, là bà ở đó. ‘Đúng rồi,’ hắn nghĩ với sự hối tiếc đượm vẻ mỉa mai trong khi đưa các con la quẹo vào cánh cổng đã mở sẵn, ‘Mình biết y bon bả sắp nói gì rồi. Mình biết y bon mà.’ Hắn dừng xe; hắn không cần nhìn để biết là bà vợ hắn đang ở trong bếp — bả bây giờ không còn nhìn nữa, chỉ đợi thôi. Hắn dừng xe. “Cô vào nhà đi,” hắn nói; hắn đã xuống xe rồi và người đàn bà trẻ bây giờ chậm chạp leo xuống với sự thận trọng như thể nó xuất phát ngay từ bên trong người nàng. “Khi cô gặp ai trong nhà, thì chính là Martha đó. Tui sẽ vào sau khi cho mấy con la ăn uống đã.”

Hắn không nhìn nàng đi ngang qua sân, về phía nhà bếp. Hắn không cần nhìn đâu. Nhưng hắn hình dung mình đi theo sau nàng từng bước, cũng vào cửa bếp và đối mặt với bà vợ giờ đang nhìn cái cửa bếp y như bà đã nhìn trước đó, từ cửa ra vào, chiếc xe đi ngang. ‘Mình biết y bon bả sẽ nói gì rồi,’ hắn nghĩ.

Hắn tháo ách các con la, cho uống nước, dẫn vào chuồng và cho ăn. Rồi hắn ra ngoài cánh đồng, lùa các con bò cái về chuồng. Sau đó, hắn đi vào bếp. Bà vẫn còn đứng đó, một người đàn bà tóc muối tiêu với bộ mặt lạnh lùng, nghiêm khắc, nóng tính, trong vòng sáu năm mà đã đẻ cho hắn những năm đứa con và nuôi dưỡng chúng thành đàn ông và đàn bà. Bà đâu có ăn không ngồi rồi. Hắn không nhìn bà. Hắn đến bên bồn rửa bát, lấy xô nước đổ vào chậu rồi xăn tay áo. “Họ của cổ là Burch8”, hắn nói. “Ít ra đó là theo lời cổ, cái họ của thằng đực rựa mà cổ đang lùng kiếm. Lucas Burch. Ở miệt phía dưới con lộ, ai đó đã nói với cổ là thằng chả hiện đang ở Jefferson.” Quay lưng về phía vợ, hắn bắt đầu rửa ráy. “Cổ đến từ Alabama. Một mình lội bộ đến tận đây, cổ nói vậy đó.”

Bà Armstid không nhìn xung quanh mình. Bà đang bận rộn sửa soạn bàn ăn. “Con nhỏ này, sắp tới đây, không sống một mình nữa trong một thời gian dài trước khi quay lại Alabama,” bà nói.

“Thì thằng cha Burch đó cũng vậy thôi.” Hắn bận tay với nước và xà bông ở bồn rửa bát. Và hắn có thể cảm thấy bà vợ đang nhìn hắn, nhìn gáy và hai vai hắn dưới lớp áo sơ-mi xanh bạc màu vì mồ hôi. “Cổ nói ai đó dưới chỗ lão Samson biểu là có thằng cha mang họ Burch hay gì đó làm việc ở xưởng bào trên Jefferson.”

“Và con nhỏ trông mong tìm thấy thằng chả trên đó. Đang ngồi chờ cục cưng của mình… với căn nhà sắm sửa sẵn đủ thứ đồ đạc!”

Hắn không thể biết, dựa theo giọng nói của bà, là lúc này bà còn nhìn hắn hay không. Hắn lau tay với tấm khăn làm bằng bao đựng bột mì cắt làm đôi.

“Có lẽ cổ sẽ tìm ra thằng chả. Và nếu thằng chả thực sự muốn bỏ rơi cổ, tui cho rằng chẳng chóng thì chầy thằng chả sẽ nhận ra là thằng chả đã phạm sai lầm do đã dừng chân quá sớm, trước khi đặt con sông Mississippi cách trở giữa thằng chả và cổ.”

Và bây giờ hắn biết là bà đang nhìn hắn: người đàn bà tóc muối tiêu, chẳng mập chẳng ốm, nghiệt ngã với đàn ông, làm việc cật lực, thô lỗ và hung dữ trong cái áo đầm tiện lợi màu xám, hai tay chống nạnh, bộ mặt trông giống như mấy tên tướng lãnh bại trận.

— Ôi, đàn ông các ông! bà nói.

— Bà tính sao về chuyện này? Đuổi cổ ra ngoài à? Hay có lẽ để cổ ngủ trong chuồng với mấy con la?

— Ôi, đàn ông các ông! bà nói. Đám đàn ông trời đánh thánh vật các ông! 

Họ cùng nhau vào nhà bếp, dù bà Armstid đi trước. Bà đi thẳng tới cái bếp lò. Lena đứng ở gần cửa. Nàng đã dỡ mũ, mái tóc được chải thẳng thớm. Ngay cả chiếc áo đầm màu xanh cũng trông tươi mát và nhẹ nhàng hẳn ra. Nàng đứng xem trong khi bà Armstid ở bếp lò làm va đập các nắp vung bằng kim loại vào nhau và huơ các thanh gỗ với sự hung dữ thô kệch của đàn ông. “Cháu muốn giúp một tay,” Lena nói.

Bà Armstid không quay đầu lại. Bà cời lò một cách hung hăng. “Mày cứ ở yên tại chỗ nghe. Bây giờ mà mày để cho cặp giò nghỉ ngơi thì có lẽ mày sẽ không phải ngả lưng nằm đẻ sớm đâu.” 

“Dì có tốt bụng thì hãy để cháu giúp một tay.”

“Mày cứ ở yên tại chỗ đi. Tao làm việc này mỗi ngày ba lần đến nay đã ba mươi năm rồi đó. Cái thời mà tao cần người ta giúp đã qua rồi.”(Bà cứ làm liền tay ở cái bếp lò, không quay đầu lại). “Lão Armstid nói họ mày là Burch?”

“Dạ đúng,” Lena đáp. Giọng nàng lúc này nghe khá trịnh trọng nhưng từ tốn. Nàng ngồi yên, hai bàn tay bất động để trên đùi. Và bà Armstid cũng không quay đầu lại. Bà vẫn còn bận rộn nơi cái bếp lò. Hình như nó đòi hỏi sự chăm chú không tương xứng chút nào với sự hung hăng mà bà phô trương để nhóm lửa. Hình như nó thu hút sự chú ý của bà chẳng kém gì một cái đồng hồ đeo tay đắt tiền.

“Mày mang họ Burch chưa?” bà Armstid nói.

Người đàn bà trẻ không trả lời ngay lập tức. Bà Armstid bây giờ không cời lò nữa, nhưng vẫn quay lưng về phía Lena. Rồi bà quay mặt lại. Hai người nhìn nhau, quan sát lẫn nhau, người này bỗng dưng trần trụi dưới mắt người kia: người đàn bà trẻ ngồi trên ghế, đầu tóc gọn gàng, hai bàn tay bất động trên đùi, và người đàn bà nhiều tuổi hơn đứng bên cạnh lò bếp, người mới quay một nửa, cũng bất động nữa, với một lọn tóc rối bu màu xám ở sau ót và một khuôn mặt tưởng như được tạc trong sa thạch. Rồi người đàn bà trẻ hơn nói:

“Cháu đã không nói thật với dì. Họ cháu chưa phải là Burch đâu. Tên và họ của cháu là Lena Grove.”

Hai người nhìn nhau. Giọng nói bà Armstid thì không lạnh, không ấm. Nó chẳng là gì hết. “Vậy là mày muốn đuổi kịp thằng đó để mày có thể mang họ Burch trước khi quá trễ. Có phải vậy không?”

Lena bây giờ hạ ánh mắt xuống, như thể quan sát hai bàn tay đặt trên đùi. Giọng nàng êm ả, hơi lì lợm. Tuy nhiên, nó vẫn lộ vẻ bình tâm. “Cháu không cho là cháu cần Lucas hứa này hứa nọ với cháu. Chỉ tình cờ vì xui xẻo mà ảnh phải ra đi. Công việc làm ăn của ảnh lại không bao giờ thuận buồm xuôi gió để ảnh quay lại tìm cháu như ảnh tính. Cháu nghĩ giữa ảnh và cháu thì không cần hứa hẹn ngoài miệng làm gì. Khi ảnh biết ra đêm ấy là ảnh phải ra đi, ảnh…”

“Biết ra đêm nào? Cái đêm mà mày nói với thằng chả về cái thai trong bụng phải không?”

Lena không trả lời trong một lát. Vẻ mặt nàng thì bình lặng như đá, nhưng không khô cứng. Có vẻ gan góc nhưng không phải là không dịu dàng; nó phản chiếu một thứ ánh sáng nội tâm, bình thản, lặng lẽ và dửng dưng quá đỗi. Bà Armstid nhìn nàng chằm chằm. Lena không nhìn người đàn bà kia trong khi nói chuyện. “Người ta đã bảo ảnh là có thể ảnh phải ra đi, trước cái chuyện đó lâu lắm. Nhưng ảnh lại không bao giờ chịu nói với cháu sớm hơn vì ảnh không muốn làm cháu lo. Ngay khi ảnh biết là có thể ảnh phải ra đi, ảnh hiểu hay nhất là ảnh nên ra đi, là ảnh có cơ may thành công nhanh hơn ở nơi khác, nơi mà các cai thợ sẽ không tỏ ra khó chịu với ảnh. Nhưng ảnh cứ chần chừ mãi. Nhưng rồi khi cháu bị chuyện này đây thì bọn cháu không thể chần chừ được nữa. Tên cai thợ cứ tỏ ra khó chịu với ảnh vì hắn không thích ảnh, vì Lucas thì trẻ trung, lúc nào cũng rất hiếu động, và vì tên cai thợ muốn giựt việc của Lucas để cho một trong những đứa em họ của hắn. Nhưng ảnh đã không muốn nói ra với cháu để cháu khỏi lo lắng. Nhưng rồi khi cháu bị chuyện này đây thì bọn cháu không thể chờ thêm được nữa. Chính cháu đã khuyên ảnh ra đi. Ảnh nói ảnh sẽ ở lại nếu cháu muốn vậy, dù tên cai thợ có đối xử với ảnh đúng hay không. Nhưng cháu biểu ảnh đi. Mặc dù vậy, ảnh không bao giờ muốn bỏ đi chút nào. Nhưng cháu cứ biểu ảnh đi đi. Và chỉ cần báo tin cho cháu biết khi nào thì ảnh sẵn sàng để cháu đến đoàn tụ với ảnh. Rồi công việc của ảnh lại không xuôi chèo mát mái để ảnh cho gọi cháu đến như ảnh tính. Một thanh niên ra đi như vậy, đến giữa đám người xa lạ thì cần thời gian để ổn định cuộc sống mà. Ảnh đâu bao giờ biết tới chuyện này khi ảnh bỏ đi, tức là ảnh cần nhiều thời gian để ổn định cuộc sống hơn ảnh tưởng. Nhất là đối với một thanh niên đầy sức sống như Lucas, thích đàn đúm vui chơi với mọi người và mọi người cũng thích ảnh lắm. Ảnh đã không biết là cần nhiều thời gian hơn ảnh tính, vì ảnh trẻ trung và người ta cứ tìm theo ảnh vì ảnh luôn sẵn sàng cười đùa, đấu hót, gây trở ngại cho công việc mặc dù ảnh không muốn, vì ảnh không bao giờ muốn làm phật ý ai cả. Và cháu muốn ảnh cứ vui chơi cho thỏa chí một lần cuối cùng, bởi vì một khi cưới nhau rồi thì không còn như trước nữa, đối với đàn bà cũng như đối với thanh niên, trẻ trung và sôi nổi. Nó kéo dài lâu như vậy đối với một anh trai trẻ đầy sức sống. Dì không nghĩ vậy sao?”

Bà Armstid không trả lời. Bà nhìn nàng ngồi trên ghế với mái tóc mượt mà, hai bàn tay bất động trên đùi, khuôn mặt dịu dàng và thoáng chút trầm ngâm. “Có thể là ảnh đã gửi tin cho cháu biết nhưng nó bị thất lạc trên đường. Thiệt là một quãng đường xa, chỉ tính từ đây tới Alabama thôi đó, và cháu vẫn chưa đến Jefferson. Cháu biểu ảnh cháu không trông mong ảnh viết cho cháu vì thư từ là không phải việc ảnh làm giỏi. ‘Chừng nào anh thấy sẵn sàng đón em thì anh nhờ ai đó báo cho em biết,’ cháu nói với ảnh. ‘Em sẽ đợi’. Lúc đầu, sau khi ảnh bỏ đi, thì cháu cũng lo lắng đôi chút, bởi vì cháu chưa mang họ Burch mà, và ông anh cháu và gia đình trong nhà thì không biết rõ Lucas bằng cháu. Làm sao mà họ có thể biết chớ?” Từ từ trên khuôn mặt nàng hiện ra vẻ ngạc nhiên, dịu dàng và rạng rỡ, như thể nàng vừa nghĩ tới điều gì đó mà nàng cũng không ý thức là nàng không biết nó tới giờ. “Dì thấy đấy, làm sao mình có thể mong họ biết được chớ? Nhưng trước tiên ảnh phải ổn định cuộc sống đã; chính ảnh phải chịu đựng mọi thứ rắc rối khi sống giữa đám người xa lạ, và về phần cháu thì không có gì phải bận tâm cả ngoài việc nằm nhà mà chờ đợi trong khi ảnh gặp đủ thứ phiền phức và lôi thôi. Nhưng sau một thời gian cháu thấy mình quá bận bịu chăm sóc đứa bé trong bụng cho đến khi nó ra đời để mà lo lắng về chuyện cháu mang họ gì hay thiên hạ nghĩ gì. Chắc là có chuyện gì không lường trước đã xảy ra, hay là ảnh cũng đã bắn tin và cái tin đó thất lạc. Vậy là, một ngày nọ cháu chỉ việc quyết định không chờ thêm nữa.”       

“Làm sao mày biết đi về hướng nào khi mày mới lên đường?”

Lena nhìn hai bàn tay mình. Chúng bây giờ động đậy, mải mê vân vê cái vạt áo đầm trong sự bối rối kéo dài. Đó không phải là sự thiếu tự tin, sự bẽn lẽn. Hình như đó là cái phản xạ lơ đãng của chỉ một bàn tay.

“Cháu cứ việc hỏi người này, người nọ thôi. Dì biết đấy, Lucas là một chàng trai trẻ trung, đầy sinh lực, kết thân với người khác dễ dàng và nhanh chóng, cho nên cháu biết là ảnh đi đến đâu thì người ta đều nhớ đến ảnh. Vậy là cháu tiếp tục hỏi thăm. Và bà con cô bác thiệt là tốt bụng. Và đúng y chang là cách đây hai hôm, trên đường đi, người ta nói với cháu rằng ảnh đang ở Jefferson, làm việc ở xưởng bào.”

Bà Armstid quan sát khuôn mặt đang cúi xuống. Bà đứng chống nạnh, ánh mắt nhìn Lena thì mang vẻ khinh bỉ lạnh lùng và vô cảm. “Và mày tin rằng khi mày đến đó thì thằng chả có ở đó à? Cứ cho là thằng chả bao giờ cũng ở đó đi. Mày tin rằng một khi biết mày ở trong cùng thành phố với thằng chả thì thằng chả vẫn còn ở đó vào giờ mặt trời lặn hay sao?”

Khuôn mặt cúi xuống của Lena có vẻ nghiêm trang và thanh thản. Một bàn tay của nàng bây giờ ngừng cử động. Nó nằm im trên đùi nàng, như thể đã chết ở đó. Giọng nói nàng có vẻ bình thản, nhỏ nhẹ và bướng bỉnh. “Cháu cho là mọi người trong gia đình phải đoàn tụ khi đứa bé ra đời. Nhất là đứa con đầu. Cháu tin là Chúa sẽ ra tay lo liệu việc đó.”

“Và tôi cho là Chúa buộc phải làm vậy,” bà Armstid nói một cách dữ tợn, ác nghiệt. Armstid nằm trên giường, đầu gối lên cao một chút, nhìn bà vợ qua tấm bảng chân giường, bà vẫn chưa thay đồ ngủ, đang khom người dưới ánh sáng ngọn đèn đặt trên tủ com-mốt, hai tay lục lọi trong cái ngăn kéo một cách hung hăng. Bà lấy ra một cái hộp kim loại và mở nó bằng cái chìa khóa bà đeo ở cổ, rồi cầm lên một gói vải, mở và lấy ra một con gà trống nhỏ bằng sứ có khe ở trên lưng. Những đồng tiền kêu xủng xoẻng bên trong. Bà cầm và lật ngược rồi lắc nó dữ dội ở trên tủ com-mốt. Từ khe lọt ra một cách khó khăn những đồng tiền ít ỏi. Armstid đưa mắt nhìn theo bà từ giường.

“Bà muốn làm gì với cái tiền bán trứng của bà đêm hôm khuya khoắc như vầy?” hắn nói.

“Tiền của tôi thì tôi thích làm gì thì làm.” Bà khom người dưới ánh đèn, bộ mặt khắc nghiệt, cay đắng. “Chúa biết là chính tôi đã cực khổ nuôi chúng. Còn ông thì chẳng đụng đến cái móng tay.”

“Hẳn vậy rồi,” hắn nói. “Tui cho là không có con nào, thằng nào trong cái xứ sở này dám tranh giành mấy con gà mái đó với bà, ngoài các con rắn và chồn túi9. Và cái ông nội gà trống này cũng vậy,” hắn nói.

Quả nhiên, bà bỗng dưng cúi người xuống, lột một chiếc giày và quật mạnh một cú lên cái ống sứ khiến nó bể tan. Nằm tựa trên giường, Armstid vẫn trơ mắt nhìn bà nhặt những đồng tiền còn lại giữa những mảnh sứ vỡ và bỏ chúng chung với các đồng tiền khác vào trong một cái bao rồi cột đi cột lại những ba bốn lần một cách căng thẳng và bực dọc.

“Ông cho con nhỏ đó cái này,” bà nói. “Và khi mặt trời mọc, ông đóng cỗ xe và đưa nó đi từ đây. Đưa nó đến tận Jefferson, nếu ông muốn.”

“Tui cho là ở cửa tiệm Varner cổ có thể tìm ra xe đi tiếp,” hắn nói.

Bà Armstid đã dậy trước hừng đông và nấu bữa ăn sáng. Nó được bày sẵn trên bàn lúc Armstid bước vào nhà sau khi vắt sữa bò.

“Đi kêu con nhỏ đến ăn,” bà Armstid nói.

Khi Lena và hắn trở vào bếp, bà Armstid không còn đó nữa. Lena đưa mắt nhìn quanh một lần, bước chân ngập ngừng ở ngưỡng cửa, vẻ mặt sựng lại ngay trước khi nàng kịp cười, kịp thốt ra lời nào, những lời được sửa soạn trước, Armstid chắc thế. Đôi môi tưởng chừng mở ra nhưng nàng không nói gì cả.

“Ăn rồi đi,” Armstid nói. “Cô còn cả một đoạn đường dài đó.”

Hắn nhìn nàng ăn, cũng với vẻ chững chạc lặng lẽ và thật lòng mà nàng đã tỏ ra vào buổi ăn tối hôm qua. Nhưng lúc này thì sự chững chạc đó bị thoái hóa vì trông nàng dè dặt một cách lễ độ và gần như kiểu cách quá. Rồi hắn đưa cho nàng cái bao vải đã buộc chặt. Nàng cầm lấy, mặt lộ vẻ hài lòng, ấm áp, dù không ngạc nhiên lắm.

“Sao! Dì ấy tốt bụng quá,” nàng nói. “Nhưng thiệt tình tôi sẽ không cần đến. Tôi gần tới nơi rồi mà.”

“Tui cho là cô nên giữ lấy thì hơn. Cô chắc để ý thấy là Martha không thích người khác làm trái ý bả lắm.”

“Dì ấy tốt bụng thiệt,” Lena nói. Nàng buộc bao tiền vào cái bọc vải rồi đội mũ che nắng lên đầu. Chiếc xe la đang chờ. Khi họ đi xuống con đường làng, nàng ngoái đầu nhìn lại ngôi nhà. “Thiệt là tốt bụng, cả dì ấy, cả chú nữa,” nàng nói.

“Chỉ mình bả làm chuyện này thôi,” Armstid nói. “Tui chẳng có công lao gì ráo.”

“Dù sao đi nữa cũng thiệt là tốt bụng. Chú nói dùm là tôi gửi lời chào dì ấy nghe. Tôi tưởng gặp lại dì ấy sáng nay, nhưng…”

“Hẳn vậy rồi,” Armstid nói. “Bả chắc bận việc gì đó. Tui sẽ nói lại.”

Hai người đến cửa tiệm Varner khi mặt trời vừa mọc. Những người đàn ông ngồi bệt ở hàng hiên, khạc nhổ lên các bậc tam cấp cũ mòn. Họ nhìn nàng bước xuống xe, chậm chạp và thận trọng, tay cầm cái bọc vải và chiếc quạt. Armstid lại không làm gì để giúp nàng. Hắn nói to từ chỗ đang ngồi trên xe: “Đây là bà Burch. Bả muốn đi Jefferson. Nếu có ai đi đến đó thì làm ơn cho bả đi cùng.”

Hai chân nàng chạm mặt đất, trong đôi giày nặng nề lấm bụi. Nàng ngước mắt nhìn Armstid, vẻ mặt thanh thản, hiền hậu. “Chú tốt bụng thiệt,” nàng nói.

“Hẳn vậy rồi,” Armstid nói. “Bây giờ thì cô có thể đến thành phố rồi đó.”

Hắn nhìn xuống nàng. Rồi hình như có một thời gian bất tận trôi qua trong khi hắn theo dõi cái lưỡi mày mò tìm chữ, đầu óc suy nghĩ thật nhanh và lặng lẽ, ý tưởng trốn đâu mất tiêu Con người. Tất cả mọi người. Nó sẽ khước từ cả trăm cơ hội để làm điều thiện chỉ cốt đổi lấy một cơ hội xía vào việc người khác mà không ai mở miệng yêu cầu. Nó sẽ bỏ qua và quên thấy các cơ may, các thời cơ để làm ra tiền tài, danh vọng và việc thiện, và đôi khi cả việc ác nữa. Nhưng nó sẽ không bao giờ bỏ qua một dịp nào để xía vào việc người khác  Rồi lưỡi hắn tìm được chữ, hắn nghe chính mình nói ra, có lẽ cùng với nỗi ngạc nhiên như Lena: “Có điều tui sẽ không tin quá vào… không tin quá ở…” trong khi nghĩ Cổ không nghe mình nói đâu. Nếu mà cổ nghe được những chữ nghĩa như vầy thì cổ hẳn đã không leo xuống xe đâu, với cái bụng ễnh đó, với cái quạt đó và với cái bọc nhỏ đó, một thân một mình, lê bước đến một nơi hoàn toàn lạ nước lạ cái, đi tìm một thằng đực rựa mà cổ sẽ không bao giờ gặp lại và cổ đã gặp một lần là quá nhiều lắm rồi”— nếu có bao giờ cô quay lại miệt này, ngày mai hay thậm chí đêm nay…”

“Tôi cho là mọi sự sẽ ổn thôi,” nàng nói. “Họ biểu tôi là ảnh ở đó mà.”

Hắn cho xe quành lại và ngược đường cũ về nhà, cặp mắt nhợt nhạt, ngồi khòm lưng trên chiếc ghế lõm sâu, nghĩ, ‘Làm vậy thì hẳn là không đi tới đâu. Giá như cổ nghe mình mở miệng nói ra điều này thì cổ sẽ không tin chút nào, cổ đâu tin nó hơn tin những ý nghĩ cứ hiện ra dài dài xung quanh cổ từ khi… Nay thì đã bốn tuần lễ rồi, cổ nói vậy. Cổ cũng sẽ không cảm thấy nó hay tin nó lúc này. Và cổ ngồi đó, trên bậc cấp cao nhất ở hàng hiên, hai bàn tay để trên đùi, và đám đàn ông ngồi bệt ở đó và khạc nhổ xuống đường, gần bên cổ. Và cổ thậm chí không cần chờ bọn họ mở miệng hỏi, cổ cứ khơi khơi kể trước. Tự ý kể cho bọn họ nghe về cái thằng tồi tệ đó, như thể cổ chẳng bao giờ có cái gì đặc biệt trong quá khứ để che giấu hay bày ra, ngay cả khi Jody Varner hay tên nào trong đám đó sẽ nói với cổ là thằng cha làm trong xưởng cưa ở Jefferson có họ là Bunch chớ không phải Burch. Và điều này thì cũng sẽ không làm cổ lo lắng chút nào. Mình cho là cổ biết nhiều hơn cả Martha, như tối hôm qua cổ bảo Martha là việc nào đúng thì sẽ được Chúa lo liệu để nó được thực hiện.’

Chỉ cần một hay hai câu hỏi là đủ. Rồi, ngồi trên bậc cao nhất ở hàng hiên, quạt và bọc vải đặt trên đùi, Lena kể ra câu chuyện của nàng thêm một lần nữa, với sự tóm tắt rõ ràng và kiên nhẫn của một đứa bé nói dối, và đám đàn ông mặc quần yếm ngồi bệt bên cạnh im lặng nghe.

“Họ của thằng đó là Bunch,” Varner nói. “Nó làm việc ở xưởng bào khoảng bảy năm nay. Làm sao cô biết là thằng cha Burch cũng ở đó?”

Nàng đưa mắt nhìn ra con lộ, theo hướng đi về Jefferson. Khuôn mặt nàng mang vẻ điềm tĩnh, chờ đợi, hơi thờ ơ nhưng không bối rối. “Tôi tin là ảnh ở đó mà. Ở xưởng bào đó hay các xưởng nào khác. Lucas lúc nào cũng thích cái gì mới, cái gì kích thích. Ảnh không bao giờ thích sống yên lặng cả. Đó là lý do tại sao Doane’s Mill không bao giờ hợp với ảnh. Lý do tại sao ảnh — hai đứa tụi tôi quyết định thay đổi, vì tiền bạc và cái gì hứng thú.”

“Vì tiền bạc và cái gì hứng thú,” Varner nói. “Lucas không phải thằng hỉ mũi chưa sạch đầu tiên vứt bỏ những gì nó được nuôi dạy để làm và bỏ rơi những người tùy thuộc vào những gì nó làm, chỉ vì tiền bạc và cái gì hứng thú đâu.”

Nhưng chắc là nàng không nghe. Nàng ngồi yên lặng trên bậc cao nhất của hàng hiên, nhìn con lộ từ từ lên dốc rồi quẹo, trống trải và xa dần, về phía Jefferson. Những tên đàn ông, ngồi bệt lưng dựa vào tường, nhìn khuôn mặt lặng lẽ và bình thản của nàng và nghĩ như Armstid đã nghĩ và như Varner nghĩ: là nàng đang nghĩ đến cái thằng vô lại đã “bỏ của chạy lấy người” ấy, để lại nàng cái bụng ễnh đó, cái thằng mà họ tin là nàng sẽ chẳng bao giờ gặp lại, có lẽ chỉ thấy được cái đít quần của nó khi bỏ chạy. ‘Hay trừ phi con nhỏ này nghĩ đến xưởng cưa Sloane hay xưởng Bone,’ Varner nghĩ. ‘Tôi cho là ngay cả một đứa con gái ngu ngốc không cần phải đi xa như đến tận bang Mississippi này để nhận ra là nơi chốn mà nó bỏ đi thì đâu khác gì hay không tệ hơn nơi chốn mà nó hiện đang có mặt. Ngay cả khi ở đó có một người anh phản đối đứa em gái mình ban đêm cứ lảng vảng ngoài đường,’ trong khi nghĩ lẽ ra mình nên làm như người anh đó; lẽ ra người cha cũng làm như vậy. Cô ta không có mẹ, bởi vì máu của người cha căm ghét, với lòng thương yêu và kiêu hãnh, nhưng máu người mẹ, với lòng căm ghét, thì thương yêu và chung sống.

Nàng chẳng nghĩ đến tất cả mấy điều này chút nào. Nàng đang nghĩ đến những đồng tiền buộc trong cái bọc vải nằm dưới hai bàn tay nàng. Nàng đang nhớ đến bữa ăn sáng, nàng nghĩ như thế nào nàng có thể vào trong tiệm ngay lúc này và mua phó mát, bánh bích quy và ngay cả cá mòi hộp, nếu nàng thích. Ở nhà Armstid, nàng chỉ uống một tách cà phê và ăn một miếng bánh đậu bắp, có vậy thôi, dù Armstid ân cần mời nàng ăn thêm. ‘Mình đã xực một cách lễ phép’, nàng nghĩ, hai bàn tay nằm trên cái bọc vải, biết là nó chứa các đồng tiền được giấu kín, nhớ lại tách cà phê độc nhất và chỉ một miếng bánh xa lạ mà nàng ăn cho phải phép, nàng nghĩ với một thứ gì đó như niềm kiêu hãnh thanh thản: ‘Mình đã xực như một quý bà. Như một quý bà trên đường đi chơi xa. Nhưng bây giờ thì mình cũng có thể mua cá mòi hộp nữa nếu mình muốn vậy.’

Nên chi nàng có vẻ mơ màng, đưa mắt dõi theo con lộ bắt đầu lên dốc trong khi những tên đàn ông ngồi bệt vừa chậm rãi khạc nhổ vừa nhìn trộm nàng, họ tin là nàng đang suy nghĩ về thằng tình nhân và sự sinh nở đang đến gần, khi mà trong thực tế nàng chỉ đang tiến hành một trận đánh không có gì là gay gắt lắm với sự thận trọng trời cho đó đến từ cái trái đất xưa cũ này mà từ nó, do nó, với nó, nàng sống. Lần này, nàng thắng trận. Nàng đứng lên, và với những bước chân hơi vụng về, hơi cẩn thận, nàng đi xuyên qua một loạt cặp mắt đàn ông săm soi và bước vào trong cửa hàng;  tên bán hàng theo sau. ‘Mình sắp sửa làm chuyện đó’, nàng nghĩ, ngay trong khi gọi mua phó mát và bánh quy; ‘Mình sắp sửa làm chuyện đó’, và nàng nói to: “Và một hộp cá mòi.” Nàng phát âm sour10-deens. “Hộp năm xen đó nghe.”

“Tụi tôi không có cá mòi năm xen,” tên bán hàng nói. “Chỉ có loại mười lăm xen thôi.” Hắn cũng phát âm sour-deens.

Nàng do dự. “Anh có đồ hộp gì mà năm xen không?”

“Không có gì cả, trừ hộp xi đánh giày. Tôi cho là không phải thứ cô muốn. Có phải để ăn đâu!”

“Vậy thì tôi mua loại hộp mười lăm xen đó.” Nàng mở cái bọc vải và tháo giây buộc cái bao đựng tiền. Phải khá lâu nàng mới mở được mấy cái nút thắt. Nhưng nàng tháo chúng một cách kiên nhẫn, từng cái một. Nàng trả tiền rồi buộc lại cái bao và cái bọc vải, và nhận đồ đã mua. Khi nàng trở ra ngoài hàng hiên thì đã có một chiếc xe la đậu bên bậc tam cấp. Một người đàn ông ngồi sẵn trên đó.

“Xe này đi lên phố đó,” họ nói với nàng. “Thằng cha này cho cô đi theo đó.”

Khuôn mặt nàng từ từ sáng ra, ấm áp và thanh thản.

“Sao! Các chú tốt bụng quá đi,” nàng nói.

Chiếc xe di chuyển không ngừng nhưng chậm chạp, như thể ở đây, trong nỗi cô đơn đầy ánh nắng của vùng đất mênh mông này, nó nằm ngoài, vượt ra khỏi giới hạn của thời gian và mọi sự vội vã. Từ cửa tiệm Varner đến Jefferson là mười hai dặm. “Mình tới Jefferson trước giờ ăn tối chớ?” nàng nói.

Tên đánh xe nhổ nước miếng. “Hên lắm thì…,” hắn nói.

Hình như hắn chẳng khi nào nhìn nàng, ngay cả lúc nàng leo lên xe. Hình như nàng cũng chẳng khi nào nhìn hắn. Bây giờ nàng vẫn không nhìn hắn: “Tôi cho là chú đi Jefferson thường lắm.”

Hắn nói: “Nhiều lần.” Chiếc xe vừa đi, vừa kêu cọt kẹt. Các cánh đồng và các khu rừng nhỏ có vẻ như treo lơ lửng ở giữa chừng, không thể lẩn tránh được. Chúng có vẻ tĩnh và động cùng lúc, và lẹ làng như ảo ảnh. Tuy vậy, chiếc xe vẫn vượt qua chúng.

“Chú biết ai ở Jefferson tên là Lucas Burch không?”

“Burch à?”

“Tôi đi lên đó để tìm ảnh. Ảnh làm việc ở xưởng bào.”

“Không,” tên đánh xe nói. “Tui không biết là tui biết nó. Nhưng chắc có rất nhiều người ở Jefferson mà tui không biết nữa. Chắc là nó ở đó.”

“Tôi mong vậy, hẳn rồi. Thiệt tình, cứ đi đường mãi thì chán quá.”

Tên đánh xe không nhìn nàng. “Cô từ xa đến đây tìm nó?”

“Từ Alabama đó chú. Thiệt là một quãng đường xa.” Hắn không nhìn nàng. Giọng hắn khá hững hờ.

“Làm sao mà cha mẹ cô lại để cô ra đi với cái bụng như vầy chớ?”

“Cha mẹ tôi chết rồi. Tôi sống với ông anh. Chính tôi quyết định ra đi đó.”

“Hiểu rồi. Nó nhắn tin biểu cô đến Jefferson chớ gì.”

Nàng không trả lời. Hắn có thể thấy gương mặt nhìn nghiêng bình thản của nàng dưới mũ che nắng. Chiếc xe tiếp tục lăn bánh, chậm chạp, nằm ngoài thời gian. Những dặm đường bụi đỏ và thong dong trải dài dưới các bàn chân cứng cáp của các con la, dưới các bánh xe kêu cọt kẹt và răng rắc. Mặt trời giờ đây ở cao trên đầu họ; cái mũ che nắng đổ bóng trên đùi nàng. Nàng ngước mắt nhìn lên mặt trời. “Đến lúc ăn trưa rồi đó chú,” nàng nói. Hắn nhìn nàng từ khóe mắt khi nàng mở phó mát, bánh quy, cá mòi và mời hắn.

“Tui không muốn ăn chút nào,” hắn nói.

“Chú làm ơn ăn chung với tôi cho vui.”

“Tui không muốn ăn. Cô cứ tự nhiên đi.”

Nàng bắt đầu ăn. Nàng ăn từ từ và liên tục, đưa lưỡi liếm dầu cá mòi béo ngậy dính ở đầu các ngón tay với một sự hứng thú chậm rãi và trọn vẹn. Rồi nàng ngừng hẳn, một cách nhẹ nhàng, cái hàm giữ yên khi đang nhai nửa chừng, miếng bánh quy đã cắn còn cầm trên tay và mặt nàng cúi xuống một chút, đôi mắt đờ đẫn, như thể nàng đang nghe cái gì ở rất xa hay ở rất gần đến độ nàng cảm thấy nó bên trong người nàng. Mặt nàng mất sắc, mất sự nồng nhiệt và đủ đầy của máu huyết, và nàng ngồi yên, nghe và cảm thấy quả đất ngàn đời xưa cũ và da diết, nhưng không sợ hãi hay hốt hoảng. ‘Hai đứa sinh đôi là ít nhất’, nàng tự nói với mình, không động đậy đôi môi, không phát ra thành tiếng. Rồi sự co thắt qua đi. Nàng tiếp tục ăn. Chiếc xe la đã không dừng lại. Thời gian đã không dừng lại. Chiếc xe lên tới đỉnh ngọn đồi cuối cùng và họ thấy khói.

“Jefferson đó,” tên đánh xe nói.

“Ủa, thật sao?” nàng nói. “Mình sắp tới nơi rồi hả?”

Lần này, chính người đàn ông không nghe. Hắn nhìn thẳng về phía trước, xuyên qua thung lũng bên dưới, hướng về thành phố nằm ở triền đồi đối diện. Nhìn theo ngọn roi hắn chỉ, nàng thấy hai cột khói: một cái thì ở trên một ống khói lò sưởi lớn, dày đặc và nặng nề giống như khói than đá, cái kia là một cột khói vàng lớn hình như thoát ra từ một khóm cây cách phía bên kia thành phố một quãng. “Một cái nhà đang cháy đó,” tên đánh xe nói. “Thấy không?”

Nhưng nàng, đến lượt mình, lại có vẻ không đang lắng nghe và cũng không nghe. “Ôi  trời, ôi trời,” nàng nói. “Mình đi chưa đầy bốn tuần lễ mà bây giờ mình đã ở Jefferson rồi. Ôi trời, ôi trời! Thân thể té ra cũng vượt qua được mọi thứ đó chớ.”


Chú thích:

  1. Một tiểu bang ở miền Nam nước Mỹ, thủ phủ là Montgomery – ND. Xin ghi thêm về cụm từ “Light in August”: ngoài nghĩa cụ thể là “ánh sáng tháng tám”, nó còn là một thành ngữ ở vùng quê miền Nam nước Mỹ, có nghĩa là trạng thái hay thời kỳ thai nghén (pregnancy), theo sách “The Oxford Companion to Twentieth-Century Literature in English”, trích dẫn bởi John P. Anderson trong cuốn “The poltergeist in William Faulkner’s Light in August”, Universal. Publishers, USA, 2002, trang 16 – ND.
  2. Một tiểu bang ở miền Nam nước Mỹ, nằm bên bờ đông sông Mississippi, cận kề bang Alabama, thủ phủ là Jackson – ND.
  3. Banshee: nữ thần có tiếng khóc than đặc biệt, được người ta tin là báo trước cái chết trong một gia đình – ND.
  4. Casanova (1725-1798), người thành Venice (Ý), nổi tiếng giỏi chinh phục đàn bà con gái – ND.
  5. Một đô-la Mỹ có 100 xen (cent) – ND.
  6. Một tiểu bang ở miền Nam nước Mỹ, nằm ở phía Tây sông Mississippi.
    Bên kia sông là bang Mississippi – ND.
  7. Một tiểu bang lớn, nằm ở phía Nam bang Arkansas và cũng ở phía Tây sông Mississippi – ND.
  8. Ngày trước ở Mỹ, cô gái khi lấy chồng thường phải đổi họ riêng của mình sang họ của chồng – ND.
  9. Possum (còn viết là opossum), một động vật nhỏ hơi giống con chồn, ở Mỹ hay Úc, sống trên cây và mang con trong một cái túi – ND.
  10. Viết là “sardines” (cá mòi). Từ “sour” có nghĩa là chua – ND.

-Còn tiếp-

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Trích đăng

Sứ đoàn Iwakura – Chuyến Tây du khảo cứu nhằm canh tân dưới thời Duy Tân Minh Trị

Published

on

Trích từ: Sứ đoàn Iwakura
Tác giả: Ian Nish
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 11.2023

Nhắc đến Duy Tân Minh Trị, không gì ý nghĩa hơn khi lật lại trang sử về Sứ mệnh Iwakura vì tính khai sáng như Columbus đi tìm Tân thế giới. Họ đem Văn minh khai sáng về trồng trên mảnh đất Phù Tang, để mãi mãi là di sản chung của châu Á. 

Minh Trị Duy Tân có tác động cách mạng không chỉ cho Nhật Bản, mà cho cả châu Á trong tiến trình phát triển và tìm lại mình, với đầy những kịch tính. 

Chuyến công du Iwakura với khẩu hiệu nước giàu quân mạnh và độc lập dân tộc

Cải cách Minh Trị tôn Hoàng đế Minh Trị lên ngôi năm 1868 (lúc đó ông mới 16 tuổi), xoá bỏ chế độ Mạc Phủ, xoá bỏ các bất bình đẳng giữa các đẳng cấp xã hội, thành lập chính truyền trung ương, tái lập mối quan hệ hàng dọc và hàng ngang trong xã hội, người Nhật tạo điều kiện cho cuộc thay đổi một cách triệt để và hệ thống trong việc xây dựng một nhà nước hiện đại và một nền khoa học công nghệ hiện đại. Khẩu hiệu chính của họ là Fukoku kyohei (Nước giàu quân mạnh), và độc lập dân tộc, từng bước ngang bằng với các cường quốc phương Tây.

Iwakura Tomoki (người mặc trang phục truyền thống Nhật Bản) bên cạnh 4 phó sứ, từ trái sang phải, Kido Takayoshi, Yamaguchi Masuka, Ito Hirobumi và Okubo Toshimichi. Hình ảnh được Ishiguro Keisho sưu tầm).

Họ bắt đầu bằng Sứ mệnh Iwakura do công tước Iwakura Tomomi (1835-1883) dẫn đầu với khoảng 50 thành viên gồm nhiều nhân vật chính phủ cao cấp, trong đó có Ito Hirobumi, lúc đó mới 30 tuổi và là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, chưa tính khoảng 60 du học sinh phục vụ việc thông dịch, thông tin. Họ đi thăm Hoa Kỳ và hàng chục các quốc gia châu Âu, như Anh, Pháp, Đức, Áo, Ý, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Nga. Chuyến đi được thực hiện chỉ ba năm sau cuộc cách mạng Minh Trị, giữa lúc một cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra tại quê nhà về bán đảo Triều Tiên.

Để động viên các sứ thần, Nhật hoàng Minh Trị đã đọc một bài diễn văn:

“Sau khi nghiên cứu và quan sát kỹ, “trẫm” có ấn tượng sâu sắc và tin rằng các quốc gia hùng mạnh và khai sáng nhất của thế giới là những quốc gia đã có những nỗ lực cần cù để vun xới trí tuệ, và tìm cách phát triển đất nước họ một cách đầy đủ và hoàn hảo... Nếu muốn ứng dụng khoa học, các kỹ xảo và những điều kiện của xã hội đang thịnh hành tại các quốc gia khai sáng, chúng ta hoặc phải tự học hỏi, hoặc gửi một đoàn nghiên cứu gồm những quan sát viên có óc thực tế đến các nước khác, tiếp thu những gì nhân dân đang thiếu để làm lợi cho quốc gia.”

Rõ ràng đây là trọng tâm của chuyến công du. Họ sẽ đi thăm từ nhà máy, công xưởng, đến trường học, đại học, bệnh viện, bảo tàng, thư viện, toà án; nghiên cứu đời sống tính tình dân chúng, làng xã, thành thị, đặc thù của mỗi quốc gia, sự phồn vinh thời Victoria của Anh quốc, các thể chế chính trị khác nhau, các cơ quan chính trị, quân sự. Họ gặp tất cả đại diện giới thương mại, công nghiệp, thượng lưu, cầm quyền, chính khách, quân sự, vua chúa, Tổng thống Grant của Hoa Kỳ (người hùng trong cuộc chiến tranh Nam Bắc dưới thời Tổng thống A. Lincoln), Nữ hoàng Victoria của Anh, Vua Wilhelm I và Thủ tướng Bismarck của Phố (Đức), Tổng thống Thiers của Pháp... Họ xuất hiện trong những bộ Âu phục quý phái. 

Họ muốn làm rõ nền tảng của “văn minh khai sáng”, các nguồn gốc sức mạnh và sự phồn vinh của phương Tây. Trong giáo dục, một lĩnh vực hết sức quan trọng, họ muốn học hỏi các mô hình tổ chức giáo dục tiểu học, trung học và đại học. Đó là chuyến công du lịch sử đi tìm khai sáng (khai minh) cho Nhật Bản.

Nhật Bản cởi mở chấp nhận những giá trị phương Tây

Sau chuyến công du kết thúc các nhà lãnh đạo Nhật Bản nhận định rằng, nguy cơ trực tiếp cho nền độc lập Nhật Bản không cấp bách như họ nghĩ. Sự ưu việt của phương Tây chưa lâu, và Nhật Bản có thể đuổi kịp. Kume chỉ ra trong nhật ký hành trình: “Của cải và sự phồn vinh ở mức độ đáng kể mà người ta nhìn thấy tại châu Âu xuất hiện sau 1800... Năm 1830, tàu thủy hơi nước và xe lửa mới xuất hiện. Đó là sự thay đổi đột ngột trong nền thương mại châu Âu, và người Anh là người đầu tiên dồn hết năng lượng đầu tư vào sự đổi mới.”

Nhật Bản do đó chưa phải là tuyệt vọng. Tuy nhiên, phải nhanh chóng thay đổi toàn diện. Sự đối đầu quân sự chưa phải lúc, mà phải chấn hưng đất nước trước (như Phan Châu Trinh sau này). Đoàn có mang theo một số người bảo thủ, để cho họ thấy, phải cải cách đất nước trước, và một số người quá khích để họ thấy đối đầu quân sự là vô vọng. Những năm 1863-1864, dưới thời Hoàng đế Komei, bố của Minh Trị, người rất thù ghét phương Tây, Nhật Bản đã gây chiến với hải quân các nước Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Hà Lan, nhưng đại bại, và phải bồi thường $3.000.000, một bài học đắt giá. Khác với những chuyến công du khác trong lịch sử có đích đến là Trung Hoa, chuyến đi này hướng về phương Tây.

Đoàn cũng nhận ra sâu sắc rằng, không có sự tham gia của nhân dân vào các định chế đại nghị thì không thể có sự đồng thuận cho các hành động của chính quyền. Kido dẫn kinh nghiệm của Ba Lan để chứng minh rằng, thiếu vắng sự tham gia của dân chúng sẽ là tai họa cho nền độc lập quốc gia. Ông cho rằng Năm điều thề ước năm 1868 chính là nền tảng của Hiến pháp cho phép mọi người tham gia; rằng (điều 2) “tất cả các giai cấp, cao cũng như thấp, sẽ hợp lại thực hiện mạnh mẽ chương trình của chính quyền; (điều 3) “tất cả các giai cấp được quyền thực hiện những hoài bão của họ mà không gặp phải khó khăn nào”.

Họ hiểu và tỏ ra kính trọng hơn giá trị của tôn giáo trong đời sống công dân cũng như chính trị. Khi trở về họ đã bỏ lệnh cấm hành đạo Kitô giáo.

Nhật Bản sẽ chấp nhận những giá trị phương Tây: tham gia, cạnh tranh và luôn luôn mở rộng ảnh hưởng. Chỉ có phát triển nội lực mới bảo đảm sự tồn tại của mình. Nhật Bản chấp nhận cuộc chơi mới. Giáo dục là then chốt. Trong khoảng 1868-1902, Nhật Bản đã cấp 11.148 visa du học. Đó là đợt thủy triều du học đầu tiên từ châu Á. Tư nhân tự nỗ lực cho con du học rất nhiều. Bản thân Iwakura và Kido cũng có con trai du học tại Mỹ (ở Rutgers) trong thời gian công du của đoàn.

Năm nữ sinh được gửi đi du học theo Sứ tiết Iwakura, từ trái sang phải: Nagai Shigeko, Ueda Teiko, Yoshimasu Ryoko, Tsuda Umeko và Yamakawa Sutematsu.

Sau chuyến đi, phái đoàn Iwakura thuê ngay hai chuyên gia quan trọng: Giáo sư David Murray của Đại học Rutgers cho lĩnh vực giáo dục tổng quát; Kỹ sư Henry Dyer của Đại học Glasgow làm cố vấn quan trọng cho Nhật Bản về việc xây dựng Kobu Daigakko (Đại học Kỹ thuật).

Chuyến đi mở màn làn sóng thuê chuyên viên nước ngoài toàn diện và ồ ạt. Năm 1875 Nhật đã thuê tổng cộng 500-600 chuyên viên nước ngoài về làm việc cho chính phủ. Tính đến năm 1890 Nhật đã thuê khoảng 3.000 chuyên viên tư vấn thường xuyên làm việc tại Nhật, đủ mọi lĩnh vực, ngành nghề. Riêng trong giáo dục, trong vòng 50 năm Bộ Giáo dục Nhật Bản đã thuê khoảng 400 thầy giáo nước ngoài từ các quốc gia phương Tây để dạy ở các đại học và các tổ chức học thuật khác. Năm 1873, Bộ Giáo dục phải trả một số tiền bằng khoảng 14% ngân quỹ cho giáo viên nước ngoài. Năm 1877 một phần ba ngân quỹ của Đại học Tokyo là dành cho người nước ngoài. Nhật Bản lần lượt thực hiện hai cuộc cách mạng công nghiệp trọng tâm, thứ nhất là công nghiệp nhẹ, thứ hai là công nghiệp nặng. 

Sứ đoàn Iwakura thực hiện đúng điều thứ 5 trong Năm điều thề ước của Hoàng đế Minh Trị và các nhà lãnh đạo trẻ xung quanh ông, rằng: “Tri thức phải được tìm kiếm khắp nơi trên thế giới, để mở rộng và tăng cường quyền lực của đế chế”. 

Chuyến công du Iwakura là một bài học kinh điển cho công cuộc đi tìm mô hình phát triển từ các quốc gia phương Tây. Chưa có dân tộc nào có năng lực quan sát trung thực và đưa ra những ý tưởng dự phóng, cũng như đủ quyết tâm theo đuổi đến khi thành công như họ.

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Đọc bài viết

Trích đăng

Sứ đoàn Iwakura và bí mật từ chuyến Tây du lịch sử khiến nước Nhật phát triển thần kỳ

Published

on

Sứ đoàn Iwakura

Nhắc đến Minh Trị Duy Tân, không gì ý nghĩa hơn khi lật lại trang sử về Sứ mệnh Iwakura vì tính khai sáng như Columbus đi tìm Tân thế giới. Họ đem văn minh khai sáng “về trồng” trên mảnh đất Phù Tang, để mãi mãi là di sản chung của châu Á. 

Cải cách Minh Trị tôn Hoàng đế Minh Trị lên ngôi năm 1868 (lúc đó ông mới 16 tuổi), xoá bỏ chế độ Mạc Phủ, xoá bỏ các bất bình đẳng giữa các đẳng cấp xã hội, thành lập chính truyền trung ương, tái lập mối quan hệ hàng dọc và hàng ngang trong xã hội, người Nhật tạo điều kiện cho cuộc thay đổi một cách triệt để và hệ thống trong việc xây dựng một nhà nước hiện đại và một nền khoa học công nghệ hiện đại. Khẩu hiệu chính của họ là Fukoku kyohei (Nước giàu quân mạnh) và độc lập dân tộc, từng bước ngang bằng với các cường quốc phương Tây. 

Chuyến hải hành khám phá Hoa Kỳ và các nước châu Âu của sứ đoàn Iwakura kéo dài 1 năm 10 tháng (1871 - 1873), với một phái đoàn hùng hậu, gồm khoảng 100 người. Đoàn cũng có nhiều nữ sinh trẻ tuổi theo du học, phục vụ cho việc giáo dục phụ nữ sau này. 

Quyển sách Sứ đoàn Iwakura, tác giả Ian Nish biên soạn.

Ban đầu, họ lên kế hoạch đi thăm từ nhà máy, công xưởng, đến trường học, đại học, bệnh viện, bảo tàng, thư viện, toà án; nghiên cứu đời sống tính tình dân chúng, làng xã, thành thị, đặc thù của mỗi quốc gia, sự phồn vinh thời Victoria của Anh quốc, các thể chế chính trị khác nhau, các cơ quan chính trị, quân sự. Họ gặp tất cả đại diện giới thương mại, công nghiệp, thượng lưu, cầm quyền, chính khách, quân sự, vua chúa, Tổng thống Grant của Hoa Kỳ (người hùng trong cuộc chiến tranh Nam Bắc dưới thời Tổng thống A. Lincoln), Nữ hoàng Victoria của Anh, Vua Wilhelm I và Thủ tướng Bismarck của Phổ (Đức), Tổng thống Thiers của Pháp... Họ xuất hiện trong những bộ Âu phục quý phái.

Sứ đoàn Iwakura muốn làm rõ nền tảng của “văn minh khai sáng”, các nguồn gốc sức mạnh và sự phồn vinh của phương Tây. Trong giáo dục, một lĩnh vực hết sức quan trọng, họ muốn học hỏi các mô hình tổ chức giáo dục tiểu học, trung học và đại học. Đó là chuyến công du lịch sử đi tìm khai sáng (khai minh) cho Nhật Bản.

Nhà sử học Kume Kunitake nhìn thấy ở các viện bảo tàng Hoa Kỳ bản ghi chép về quá trình khai sáng, ông ý thức được rằng: “Nếu ý chí của con người không mạnh, họ không thể mở rộng quyền lực vươn ra khoảng cách lớn. Sự hưng vong của các quốc gia liên quan đến ý chí con người (dân tộc). Kỹ năng và sự giàu có, những điều này chỉ là thứ hai”.

Iwakura Tomomi (người mặc trang phục truyền thống) cùng 4 phó sứ (từ trái sang) Kido Takayoshi, Yamaguchi Masuka, Ito Hirobumi và Okubo Toshimichi. Ảnh: Ishiguro Keisho sưu tầm

Đối với phó sứ Kido không gì tạo ấn tượng cho ông bằng giáo dục ở Hoa Kỳ. Ông viết: “Không có gì khẩn trương đối với chúng ta hơn là các trường học, trừ khi chúng ta tạo được một nền tảng quốc gia vững vàng không lay chuyển được, chúng ta không thể nào nâng cao thanh thế đất nước trong nghìn năm tới... Dân tộc chúng ta không khác với các dân tộc Mỹ và châu Âu ngày nay; đó là vấn đề của giáo dục, hay sự thiếu hụt giáo dục”.

Nhật Bản sẽ chấp nhận những giá trị phương Tây: tham gia, cạnh tranh và luôn luôn mở rộng ảnh hưởng. Chỉ có phát triển nội lực mới bảo đảm sự tồn tại của mình. Nhật Bản chấp nhận cuộc chơi mới. Giáo dục là then chốt. Trong khoảng 1868-1902, Nhật Bản đã cấp 11.148 visa du học. Đó là đợt thủy triều du học đầu tiên từ châu Á. Tư nhân tự nỗ lực cho con du học rất nhiều. Bản thân Iwakura và Kido cũng có con trai du học tại Mỹ (ở Rutgers) trong thời gian công du của đoàn.

Sau chuyến đi, phái đoàn Iwakura thuê ngay hai chuyên gia quan trọng: Giáo sư David Murray của Đại học Rutgers cho lĩnh vực giáo dục tổng quát; Kỹ sư Henry Dyer của Đại học Glasgow làm cố vấn quan trọng cho Nhật Bản về việc xây dựng Kobu Daigakko (Đại học Kỹ thuật).

Chuyến đi mở màn làn sóng thuê chuyên viên nước ngoài toàn diện và ồ ạt. Năm 1875 Nhật đã thuê tổng cộng 500-600 chuyên viên nước ngoài về làm việc cho chính phủ. Tính đến năm 1890 Nhật đã thuê khoảng 3.000 chuyên viên tư vấn thường xuyên làm việc tại Nhật, đủ mọi lĩnh vực ngành nghề. Riêng trong giáo dục, trong vòng 50 năm Bộ giáo dục Nhật Bản đã thuê khoảng 400 thầy giáo nước ngoài từ các quốc gia phương Tây để dạy ở các trường đại học và các tổ chức học thuật khác. 

Hình ảnh đoàn cấp cao do nhà quý tộc Iwakura Tomomi dẫn đầu đến thăm Hoa Kỳ và các nước phương Tây vào năm 1871 với sứ mệnh Iwakura. Nguồn ảnh Kameda Kinuko.

Chuyến công du Iwakura là một bài học kinh điển cho công cuộc đi tìm mô hình phát triển từ các quốc gia phương Tây. Cuộc canh tân Nhật Bản theo mô hình phương Tây, như thực tế là con đường nhanh nhất. Năm 1895, Nhật Bản đã đánh thắng quân đội nhà Thanh của Trung Hoa. Cùng lúc, các quốc gia phương Tây chính thức chấp nhận các hiệp ước thương mại bình đẳng như giữa họ với nhau, có hiệu lực năm 1899, thay cho hiệp ước cũ bất bình đẳng. Điều đó mặc nhiên công nhận Nhật Bản bước vào “câu lạc bộ” các quốc gia phát triển. Chỉ vỏn vẹn sau 30 năm! Nhật Bản đã sao chép thành công mô hình xã hội phương Tây và cuộc công nghiệp hóa chỉ trong vòng ba thập niên mà không có mô hình phát triển nào trước đó làm tiền đề, quả thật là điều thần kỳ. 

Một trong những nhật báo, Kokunim Shimbun, hãnh diện đăng đàn rằng: “Như hệ quả của cuộc chiến (Trung - Nhật), vị thế của Nhật Bản trên thế giới đã thay đổi với sự lộ diện của ba đặc tính cơ bản của người Nhật. Trước hết, Nhật Bản vượt trội thế giới ở lòng ái quốc. Thứ hai, ở năng lực có một không hai là hấp thụ, sử dụng và ứng dụng nền văn minh hiện đại. Thứ ba, là bản chất hay tính khí mạnh mẽ và vững chắc”.

Nhắc đến Minh Trị Duy Tân, không gì ý nghĩa hơn khi lật lại trang sử về Sứ mệnh Iwakura vì tính khai sáng như Columbus đi tìm Tân thế giới. Họ đem Văn minh khai sáng về trồng trên mảnh đất Phù Tang, để mãi mãi là di sản chung của châu Á. Minh Trị Duy Tân có tác động cách mạng không chỉ cho Nhật Bản, mà cho cả châu Á trong tiến trình phát triển và tìm lại mình, với đầy những kịch tính. 

Năm 1878, biên bản hành trình của Kume Kunitake được xuất bản thành một bộ sách năm tập có tên Beio Kairan Jikki, gọi tắt là Kairan Jikki, được in lại nhiều lần từ năm 1977, có giá trị như bộ sử của chính phương Tây công nghiệp hóa thế kỷ XIX dưới cái nhìn sắc sảo của các lãnh đạo Nhật Bản. Đây là một bộ sách kinh điển rất đáng được tham khảo, nhất là cho những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Những bài học năm xưa đọc lại vẫn thấy còn nóng hổi.

Trích đoạn

Không có sự phồn vinh, văn hóa của nhân dân không thể phát triển. Để cho lòng ái quốc tăng trưởng, nó phải phục vụ việc tạo ra của cải. Người ta nói, chúng ta phải bảo vệ đất nước, nhưng ích lợi gì nếu đất nước chỉ là mảnh đất cằn cỗi?

Chính sách quốc gia của Nhật Bản "mở cửa đất nước" không chỉ là một hành động mang tính ngoại giao. Nhiều quốc gia trên thế giới mở rộng cửa nhưng vẫn tiếp tục thực hành các tập quán man di, và bất lực trong cải cách, cũng như tu chỉnh các tập quán đó để có thể tiến lên trình độ văn minh", Ito Hirobumi - Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản.

***

"Chuyến đi có hai mục tiêu, thứ nhất là muốn giới thiệu với phương Tây về những gương mặt lãnh đạo mới của Nhật Bản và thương thảo lại các hiệp ước bất bình đẳng. Thứ hai là quan sát và đánh giá sự phát triển của phương Tây trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, quân sự, văn hóa đến khoa học, công nghệ, sản xuất, thương mai, giáo dục và cách tổ chức quốc gia. Qua đó, tìm một mô hình khả thi phù hợp cho Nhật Bản nhằm chuyển đổi xã hội phong kiến lâu đời sang một quốc gia hiện đại, điều chưa có tiền lệ ngoài khu vực phương Tây. Nói đến Minh Trị Duy Tân, người ta không thể không nhắc đến chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng chiến lược này", trích đoạn từ sách Sứ đoàn Iwakura, Ian Nish.

Về tác giả

Ian Nish (1926 – 2022) là học giả người Anh, nhà nghiên cứu Nhật Bản học, Giáo sư danh dự về Lịch sử Quốc tế tại Học viện Kinh tế và Chính trị London.

Đọc bài viết

Trích đăng

Tiếng đờn ca ở tiệm hớt tóc

Published

on

Hồi ức Phú Nhuận

Đầu thập niên 1960, dân cư quanh khu Bàn Cờ thấy có một tiệm hớt tóc được mở ra ở số 405B đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu - TP.HCM), đoạn giữa chợ Vườn Chuối và đường Cao Thắng. Tiệm có tên Đời Mới, bảng hiệu vẽ ba đầu tóc đàn ông chải bồng kiểu tăng gô không khác gì những mái tóc của kép Dũng Thanh Lâm, kép Minh Phụng sau này. Tiệm không có gì đặc biệt, bề ngang chỉ 2,2m, nhưng ai nấy đều chú ý vì ở đó thỉnh thoảng lại có tiếng đờn ca cổ...

Ban đờn ca tài tử này, tuy lúc rảnh mới tụ lại với nhau mà tồn tại hơn chục năm. Dấu ấn của nó sâu đậm tới mức đến giờ người vùng Bàn Cờ còn nhắc, dù đã hơn 40 năm và các nhân vật trong câu chuyện này hầu như không còn mấy ai.

Ông Tư Triều, chủ tiệm hớt tóc Đời Mới vốn dân gốc ở quận Củ Chi, tỉnh Hậu Nghĩa. Về Sài Gòn lập nghiệp giữa thập niên 1950 sau khi gãy đổ cuộc hôn nhân đầu, ông cưới vợ lần nữa và mở tiệm hớt tóc khi vừa có đứa con gái.

Tiệm cũng là nhà ở, ông sống cùng hai người thợ. Vì có máu văn nghệ, thích ca cổ lại có nghề làm nhạc cụ, ông biến tiệm hớt tóc của mình thành nơi đờn ca tài tử những lúc rảnh. Từ hồi trai trẻ, ông đã mê cải lương, đờn ca cổ nhạc bên cạnh những thú vui khác như đá gà, đua ngựa...

Bạn thân ông đều là người thích tiếng hát, tiếng đờn như bác Năm Trèo ở Hóc Môn, cha của nghệ sĩ cải lương Hoài Thanh. Trước khi có tiệm hớt tóc, giữa thập niên 50, ông chơi thân với nghệ sĩ tài danh Hữu Phước và danh hài Văn Hường. Lúc đó họ chưa nổi tiếng, ông gọi Hữu Phước là Ri vì ông này quốc tịch Pháp có tên Henry và nghệ danh Hữu Phước chưa xuất hiện.

Ông Tư Triều cắt tóc cho một người khách ái mộ cải lương (ảnh tư liệu gia đình ông Tư Triều)

Khách đến hớt tóc có đủ loại người, già trẻ lớn bé, từ người trong giới bình dân, trí thức, luật sư, cảnh sát, hoặc phục vụ trong quân đội Sài Gòn, có cả một vị bộ trưởng. Ông Tư Triều là người từng trải, lịch duyệt lại có máu nghệ sĩ nên giỏi ăn nói, rành chuyện cải lương, rành nhạc cụ cổ nhạc. Ông còn biết sửa chữa nhạc cụ. Thoạt đầu, ông mua đờn cũ mang về chỉnh sửa theo ý mình rồi đưa cho bạn bè trong nhóm đờn ca dùng thử. Đến khi cứng tay nghề, ông đến xưởng gỗ bên Chánh Hưng (quận 8) đặt từng thanh gỗ để làm cần đờn, mặt đờn.

Về nhà, ông tiếp tục gọt giũa từng chi tiết rất công phu. Ông tự chế keo dán gỗ, mua dây đàn nhập từ Tây Đức... Khi đờn hình thành, ông đem đi cẩn ốc xà cừ. Ông cầu kỳ đến mức mua đờn tranh, thấy 16 “con nhạn”(miếng gỗ kê dây đờn) không đẹp, đặt luôn những miếng gỗ hình tam giác mang về gọt giũa thành những “con nhạn” mới.

Từ khi nhóm đờn ca tài tử của ông bắt đầu tụ lại, khách đến đông thêm. Những người thường ghé chơi là mấy thầy dạy bên trường Quốc gia âm nhạc như bác Hai Khuê, bác giáo Thinh và bác Bảy Hàm, có nhạc sĩ Vĩnh Bảo, nghệ sĩ tiền phong Duy Lân, bác Mười Phú, chú Mười Hoa (nhạc phụ nghệ sĩ Viễn Sơn), nhạc sĩ nổi tiếng Văn Giỏi, anh Minh Hữu nghệ sĩ đờn kìm, bác Tư Tuất (nghệ sĩ đờn cò một thời của gánh Hương Mùa Thu, thân phụ các nghệ sĩ Hoài Dung, Hoài Mỹ)...

Trong số đó, ông Tư Triều thương anh Minh Hữu vì anh có tài và khiêm tốn, luôn nho nhã với sơ mi trắng và đeo kính cận. Sau này, khi gánh hát Phụng Hảo của nghệ sĩ Phùng Há lên tivi, bà mời anh Minh Hữu chơi đờn kìm cho tuồng của bà và ông Tư Triều rất sung sướng khi nhìn thấy cây đờn kìm ông làm được Minh Hữu dùng biểu diễn trên truyền hình.

Hầu hết họ đều là các nghệ sĩ đánh đờn, chỉ có vài giọng ca là anh Biện (hay Biền) to cao nhưng hiền lành. Một giọng khác là anh Ngọc, đẹp trai còn hơn nghệ sĩ với mái tóc chải ép, ca rất hay. Ngày đó không dễ gì liên lạc nhau nhưng không hiểu sao mấy nghệ sĩ tài tử này "đụng" nhau thường xuyên ở tiệm Đời Mới như đã hẹn hò từ trước. Mỗi tuần ông Tư Triều đều dành một buổi chơi đờn hay hòa đờn với nhau. Lâu lâu vào buổi tối ông mời bạn bè lên gác hát xướng, hòa điệu cho đến khuya.

Bà Tư niềm nở hiếu khách nên bạn bè ông Tư không ngại. Khách đến chơi, hứng thú khi nhìn chung quanh tiệm treo đầy những cây đờn. Ở nhà sau treo trên hai bên vách hơn 30 loại nhạc cụ (kìm, cò, tranh, sến, guitar, gáo, đoản...), có cây vĩ cầm trong chiếc hộp gỗ thiệt đẹp, bên trong lót vải nhung đỏ rực. Đó là tất cả gia tài và niềm đam mê của ông Tư Triều.

Chú bé Tâm, con trai út của ông Tư Triều nay đã ở tuổi năm mươi, sinh sống tại Đức còn nhớ những ngày vui đầu thập niên 1970 khi mới lên bảy. Lúc đó, cuộc sống còn dễ thở, khách đến đông và giới đờn ca tài tử thường xuyên đến góp vui. Mỗi lần tụ họp thường từ 9, 10 giờ sáng đến quá trưa rồi ai về nhà nấy. Khách qua đường thường đứng lại nghe đờn. Nếu có người ca thì người xem đông hơn.

Có chị hàng xóm dắt con đến cắt tóc, cũng xin ngồi vào ca vài bài, rất đúng nhịp trong khi đợi cậu con trai. Các chú các anh ít khi ca bài vọng cổ mà thường ca những bài cổ, khó hơn như Tây Thi, Lưu Thủy Trường, Xàng Xê, Tứ Đại Oán... Anh Ngọc, giọng ca chính có bài ca Phù Đổng Thiên Vương cách thể hiện rất hào hùng. Ông Tư Triều thỉnh thoảng cũng góp giọng, dù làn hơi yếu nhưng điệu ca lạ tai, vững nhịp.

Nhóm đờn ca tài tử ở tiệm hớt tóc Đời Mới (ảnh tư liệu gia đình ông Tư Triều)

Tâm còn nhớ nghệ sĩ Duy Lân thường chở cô học trò cưng Ngọc Hoa (bây giờ là nghệ sĩ Thoại Miêu) đến chơi. Thầy bảo hát gì là chị răm rắp nghe lời. Có lần, tàn cuộc thầy dắt chiếc xe Mobylette ra về, đạp hoài không nổ. Thầy bảo: “Phụ thầy đẩy đi con” là chị lập tức cột hai vạt áo dài trắng tinh, cong lưng đẩy ngay. Một lần Tâm chứng kiến ông Tư Triều đồng ý bán cây đờn do ông chế tác.

Số là trong số khách đến hớt tóc có trung tá X., luôn đi bằng xe Jeep. Anh này thích tiếng của cây đờn tranh, có mướn thầy về dạy riêng ở nhà. Anh kính mến ông Tư, nhiều khi tóc chưa dài cũng ghé cắt, chỉ để nói chuyện với ông. Anh mê một cây đờn tranh cẩn xà cừ rất đẹp của ông và sau nhiều lần thuyết phục, anh được ông Tư đồng ý đổi chiếc đờn lấy một tivi Sanyo 17 inch mới toanh, giá lúc ấy 90.000 đồng. Hẳn ông rất quý anh bạn trẻ và cũng muốn có tivi cho vợ con xem cải lương nên chấp nhận cho cây đờn ra đi.

Từ năm 1973, tiệm hớt tóc Đời Mới dần vắng khách. Kinh tế lúc đó bắt đầu đi xuống do người Mỹ rút đi. Chính quyền đặt ra loại thuế T.V.A (trị giá gia tăng), ngoài thuế môn bài. Tất cả cửa tiệm kinh doanh đều phải kê khai từ ngày thành lập cho đến thời điểm hiện tại và phải đóng một số tiền khổng lồ, nếu không thì dẹp. Ông Tư Triều quyết định đóng cửa tiệm lui về Củ Chi trồng rau nuôi gà và cắt tóc cho dân quanh vùng mưu sinh, cuối tuần lại về Sài Gòn thăm vợ con.

Mấy mươi năm theo tiếng đờn ca của những ban nhạc tài tử, ông gặp đủ loại người. Nhưng không bao giờ gặp lại những bạn bè cùng đi hát trên xe vespa từ khi họ nổi danh, thậm chí còn không nhận ra ông là người quen. Đó là lý do ông không thích đến rạp hát nữa. Nhóm đờn ca tài tử, nơi quy tụ những người cùng ngân nga những bài ca cổ đề cao nhân hiếu tiết nghĩa, cũng là nơi lui tới của những người “vui đâu chầu đó”, điều đó không có gì lạ.

Năm 1979, Tâm gặp lại anh trung tá năm xưa mua cây đờn tranh. Biết tin ông Tư đã về Củ Chi, anh buồn buồn chia tay. Sau đó vài năm, ông Tư Triều mất vì tai biến lúc Tâm đã ra nước ngoài.

Ông Tư Triều và ban đờn ca tài tử của ông chỉ là một mảnh nhỏ xíu trong đời sống văn hóa người Sài Gòn - Gia Định. Họ có thể vô danh hay hữu danh, yêu lời ca tiếng nhạc bằng tâm hồn rộng mở, hồn nhiên và tình cờ góp phần tạo nên mạch ngầm chảy âm ỉ nhưng đủ sức nuôi dưỡng vốn cổ văn hóa của ông bà, từ thời mở cõi vô Nam.

Hồi ức Phú Nhuận | Phạm Công Luận

Đọc bài viết

Cafe sáng