Trà chiều

Mọt sách chả phải là một loại cá tính đâu

Lịch sử ra đời của khái niệm “bookishness” (mọt sách), và nguyên nhân Marie Kondo có sức uy hiếp đến những người tin dùng từ này.

Published

on

LIKING BOOKS IS NOT A PERSONALITY
Hannah McGregor

Bạn có nhớ, vào năm 2017, từng tồn tại một xu hướng ngắn hạn là quay gáy sách vào trong chỉ để cho đẹp? Tài khoản Instagram của Apartment Therapy đã đăng một tấm hình chụp kệ sách có gáy sách quay ngược vào trong, và những phản hồi quá sức kịch liệt với hàng tá người lăng mạ xu hướng này là phản-tri-thức, thậm chí so sánh hành động trên với việc đốt sách, vào thời điểm ấy có vẻ như là ví dụ điển hình nhất cho khả năng nổi xung thiên của cộng đồng mọt sách online.

Cho đến khi Marie Kondo xuất hiện, uy hiếp những cuốn sách của ta, và mọt sách Internet chứng minh ước đoán của tôi trật lất rồi.

Dành cho những người lạc hậu, Marie Kondo là chuyên gia bài trí nhà cửa người Nhật; cô đạt đến đỉnh cao danh tiếng vào năm 2011 khi cuốn sách do cô chắp bút, The Life-Changing Magic of Tidying Up (Nghệ thuật bài trí của người Nhật), lọt vào danh sách bán chạy trên toàn thế giới. Cuốn sách quảng bá phương pháp KonMari: mọi người dọn dẹp nhà cửa bằng cách xếp chồng đồ đạc của mình lại, sau đó tự vấn rằng món nào trong số đó “khiến bạn cảm thấy hân hoan.” Năm 2019, Kondo đạt được những bước tiến cao hơn, từ nổi tiếng trong giới xuất bản đến nổi tiếng trên Netflix với sê-ri truyền hình thực tế tám tập Dọn nhà cùng Marie Kondo. Và bỗng nhiên, những luồng ý kiến trái chiều về đống bừa bộn bùng nổ trên Internet.

Ảnh: Business Insider

Cụ thể hơn, một nhóm phụ nữ da trắng đã đứng ra bào chữa cho đống bừa bộn nói chung và sách nói riêng, với một cách diễn đạt – thẳng thắn mà nói – là khá phân biệt chủng tộc. Tác giả nữ quyền Barbara Ehrenreich đã tweet (tweet này sau đó bị xóa) lời cáo buộc rằng thứ tiếng Anh pha khẩu âm Nhật của Kondo là dấu hiệu cho thấy vị thế thống trị của Mỹ đang dần sụp đổ, và theo sau với một câu tweet chẳng tốt đẹp gì hơn: “Tôi thú nhận: Tôi căm ghét Marie Kondo vì, nói theo quan điểm thẩm mỹ, tôi thiên về phe bừa bộn. Bàn về cách nói chuyện của cô ta: Tôi cảm thấy ổn khi cô ta không sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với lượng khán giả Mỹ khổng lồ, nhưng điều này rõ ràng ám chỉ việc siêu cường quốc Mỹ đang xuống dốc.”

Cách Ehrenreich chú trọng vào khía cạnh thẩm mỹ của đống bừa bộn dường như là lời hiệu triệu đến những người cùng quan điểm, dẫn đến những bình luận phân biệt chủng tộc và bài ngoại tương đương. Nhưng điều khiến Kondo trở thành con dê tế thần của cộng đồng mọt sách Internet chính là lời khuyên của cô trong tập năm, rằng mọi người nên vứt bỏ những cuốn sách không còn khiến họ hân hoan nữa.

Độc giả nổi điên lên, cho rằng mục đích của sách không phải là hân hoan. Như tác giả người Canada Anakana Schofield viết trong tờ The Guardian: “Cái thước đo mục đích chỉ giới hạn trong việc ‘tạo ra niềm hân hoan’ nảy sinh nhiều vấn đề sâu xa khi áp dụng với sách… Văn học không tồn tại chỉ để đánh thức những xúc cảm dễ chịu hoặc vỗ về chúng ta với những điều khoái chá; nghệ thuật còn thách thức và khiến chúng ta bối rối, nhiễu loạn.”

Ngôn từ phân biệt chủng tộc trong biện hộ cho đống bừa bộn của Ehrenreich cũng xuất hiện trong biện hộ cho một thư viện cá nhân không gạn lọc của Schofield. Bà đề cập đến việc Kondo gõ nhẹ lên bìa sách với “cử chỉ đầu ngón tay tựa tiên nữ” như một phần của “địa hạt siêu linh, huyễn tưởng mà ta lỡ chân bước vào.” Trọng tâm lời chỉ trích của Schofield dường như xuất phát từ việc hiểu lầm ý nghĩa chữ “hân hoan” của Kondo, một sự hiểu lầm căn bản mà Ellen Oh, nhà sáng lập của We Need Diverse Books (tạm dịch: Chúng ta cần những quyển sách đa dạng hơn), gọi là chủ đích:

“Có một sự nhấn mạnh quá đà lên chữ ‘khiến ta hân hoan’ mà không hề hiểu rằng [Kondo] đang nói đến điều gì. “Tokimeki” thực ra không có nghĩa là hân hoan. Nó mang nghĩa rung động, vui sướng, nhịp đập trái tim. Chỉ cần cái định nghĩa cơ bản này là đủ để triệt tiêu lập luận của Schofield rằng sách không chỉ nên khiến ta hân hoan mà còn thách thức và đảo lộn chúng ta. “Tokimeki” ám chỉ rằng nếu một cuốn sách thách thức và đảo lộn chúng ta, đồng thời cho ta một phản ứng xác thực, tại sao chúng ta phải vứt bỏ chúng chứ?”

Có điều gì trong lời khuyên của Kondo, rằng người ta nên cân nhắc việc vứt bỏ một vài quyển sách một khi chúng biến thành đống bừa bộn gây căng thẳng, lại có sức uy hiếp, khiến những nhà nữ quyền da trắng trên mạng xã hội sinh ra những phán xét tệ hại như vậy? Việc này liên quan đến địa vị đặc thù do những người-yêu-sách-tự-phong gán cho sách, và cơn giận tương quan của họ khi những kẻ như Kondo đề xuất rằng sách chỉ là những vật thể ngang hàng với nội y và miếng lót ly. Đáp lại cơn giận của Schofield, vấn đề nằm ở việc quan điểm “phi lý” của Kondo khác biệt với quan điểm “phi lý” của Schofield, người cho rằng “cách đánh thức những quyển sách là mở nó ra và đọc to lên.” Cớ gì việc gõ nhẹ tay lên bìa sách là vớ vẩn, nhưng việc đối xử với sách hệt như chúng là một kho tàng ma thuật sẵn sàng được kích hoạt lại không vớ vẩn?

Chúng ta có thể dành cả ngày để phân tích sự bài ngoại, phân biệt chủng tộc, bài phương Đông và phân biệt giai cấp hiện diện trong những lời chê trách trên, nhưng tôi muốn tập trung vào cách mà những mọt sách tự phong phản ứng với chuyện liên tưởng sách là đống bừa bộn, sự giáng chức của chúng từ vật linh thiêng đến tầm thường – hay, chính xác hơn, sự khăng khăng rằng chúng chẳng có linh thiêng gì hơn những đồ vật khác. Đây là một cuộc hội thoại mà tôi cho rằng vừa tiêu biểu mà vừa khai sáng:


Brenna Clarke Gray (@brennacgray): Ok. Sách chỉ là đồ vật thôi.

They’re Taking Your Kids Next (@MidianiteManna): À, không. Đối với tôi chúng là những trải nghiệm. Nói vậy thì chẳng khác nào bảo một chuyến du ngoạn đến Paris chỉ là một đồ vật.

Brenna Clarke Gray: Ok.


Ngoài việc kinh ngạc trước kỹ năng né-tránh-khẩu-chiến-Twitter của học giả văn hóa đại chúng Brenna Clarke Gray, ta hãy xem xét việc gọi sách là một “trải nghiệm” liệu có ý nghĩa gì. Vị thế của sách như một đồ vật từng cùng lúc bị phủ nhận và gán cho quá nhiều trọng trách: bản in vật lý này là thế thân cho hành động đọc, đồng thời là chiến tích để phô diễn rằng bạn có quan hệ cảm xúc và tư duy đúng đắn với việc đọc. Người sở hữu sách đơn thuần có lẽ xem sách như một thứ có thể được tái sử dụng để trang trí hoặc cho đi khi chúng trở nên không cần thiết, nhưng độc giả thì biết sách chứa đựng cả thế giới – và bộ sưu tập sách của họ trở thành biểu tượng của đẳng cấp, dấu hiệu của sự thông thái cấp cao.

Chẳng có gì mới mẻ trong mối tương quan giữa việc yêu thích sách và đọc sách giữa thanh thiên bạch nhật. Đã có lịch sử lâu dài ghi nhận việc tiêu thụ sách như là điệu bộ xã hội. Như học giả người Mỹ Lisa Nakamura chỉ ra, trưng bày sách cho người khác xem từ lâu đã được xem là “một hình thức tiêu dùng công cộng để thiết lập và quảng bá hình ảnh một cá nhân ham đọc.” Nhưng văn hóa đọc đương đại đã mở rộng việc tiêu dùng công cộng ngoài phạm vi sách, rộng ra những hàng hóa phong cách sống. Nền văn hóa của chúng ta cắm rễ trong mối quan tâm cảm xúc sâu sắc dành cho sách, và người tiêu dùng đã học được cách thể hiện mối quan tâm này thông qua hành vi mua sắm. Ta có thể nhận thấy điều này trong lịch sử tiêu thụ sách, từ những người cuồng sách thời kỳ đầu đến lời đề xuất của Câu lạc bộ Mỗi-tháng-một-quyển-sách giúp bạn xây dựng một thư viện cá nhân vào giữa thế kỷ, đến những blog dành cho thế hệ millennial đã biến thói quen đọc sách thành một hành vi tiêu thụ. Theo tôi, một khi bạn am hiểu quá trình phát triển của thuật ngữ “mọt sách”, bạn sẽ hiểu chuyện gì đã xảy ra khi Marie Kondo nhăm nhe giải quyết những đống lộn xộn đầy sách.

Trong Loving Literature: A Cultural History (tạm dịch Đam mê văn chương: Một lịch sử văn hóa), Deidre Lynch đã lần theo dấu vết lịch sử lâu dài của nỗi ám ảnh về sách, hay bibliomania. Vào cuối thế kỷ 18, việc công nghiệp hóa ngành sản xuất giấy và sau đó là ngành in đã tạo ra một thị trường sách sống động đầy mới mẻ. Thị trường này chủ động đầu tư vào việc nhân tính hóa sách, biến sách trở thành một phần của “thế giới sống” để mọi người có thể yêu chúng (bằng cách mua chúng). Xuất hiện cùng lúc với đam mê tiêu thụ dành cho sách là sự biến đổi của không gian nhà cửa: “không gian bán-công cộng, thương mại của nhà cửa trước kia nay trở thành chốn trú ẩn cá nhân” – và việc đọc càng ngày càng trở thành một hoạt động riêng tư, hoạt động mà một quý ông trung lưu thực hiện trong ngôi nhà ấm áp, từ nguồn cung cấp là chính thư viện nhà anh ta.

Chú ý đến việc sử dụng giới tính chủ đích trên. Bibliophile (người cuồng sách) là một người đàn ông. Anh ta không tùy tiện thu thập sách; trái lại, anh để ý rất nhiều đến địa vị, giá trị và khả năng sưu tầm của chúng. Nhưng như Lynch đã chỉ ra, phụ nữ vẫn kết nối với văn hóa đọc, chỉ là không thông qua quyết định mua hàng. (Phụ nữ sẽ càng ngày càng chịu trách nhiệm cho những quyết định mua hàng tiêu dùng trong nhà trong thế kỷ 20, cũng là khi thị trường sách bắt đầu chủ động chuyển hướng sang độc giả nữ.) Vậy, một bibliophile nữ có chân dung như thế nào? Lynch đã mô tả một dạng album văn học rất giống với thế giới fan fictionfan art đương đại:

“Những tập bản thảo thơ nhà làm – một tổng hợp văn thơ tự sáng tác xen kẽ với các đoạn trích chép tay từ những nguồn đã được xuất bản, thỉnh thoảng lại kèm thêm những bài cắt dán từ báo chí và tạp chí định kỳ, tranh phong cảnh màu nước không chuyên (thi thoảng là kỷ niệm từ những chuyến du lịch), những bức chân dung giả tưởng của nhân vật tiểu thuyết và thơ ca (đặc biệt của Walter Scott), tranh pastel trên giấy gạo đạt đến trình độ chính xác về động vật học và thực vật học, vẽ sò biển, bươm bướm, và/ hoặc những bông hoa, nhiều những tác phẩm khác được thực hiện bởi một bàn tay nữ tính thời thượng; thiệp dán với hoa và dương xỉ ép, những nắm tóc, thiệp tưởng nhớ ai đó vừa qua đời.”

Xin hãy lưu tâm đến sự đối lập giữa một dạng thư viện tuyển tập sáng suốt (của bibliophile nam) và một dạng tương tác rất đỗi riêng tư và say mê (của bibliophile nữ). Tôi nghĩ rằng phương thức sau là hình mẫu đường hướng cho văn hóa đọc thế kỷ 21, đặc biệt khi mua sách trở thành một hoạt động phần nhiều là nữ tính.

Xu hướng bibliomania vào thế kỷ 19 vạch đường dẫn lối cho sự cố chấp của giới trung lưu thế kỷ 20 trong việc thu thập một thư viện đàng hoàng, như những gì Janice Radway phác thảo trong A Feeling For Books (tạm dịch Cảm xúc cho những quyển sách). Radway giải thích cách mà Câu lạc bộ Mỗi-tháng-một-cuốn-sách (thành lập năm 1926) trở thành khuôn mẫu cho cuộc hôn nhân giữa thương mại và văn hóa trong nền văn hóa đọc tại Mỹ. Tổ chức này tận dụng sức mua đang bành trướng của người Mỹ sau Thế chiến thứ II, cũng như sự tăng trưởng của tầng lớp quản trị – lành nghề, những người mà Radway miêu tả là “lao động tri thức và chuyên nghiệp, có vai trò quan trọng trong việc lưu chuyển lượng lớn thông tin thiết yếu trong nền kinh tế tiêu dùng tích hợp.” Con cái của tầng lớp này được “dạy dỗ để trân trọng sách vở và hướng đến những ngành nghề tri thức,” nhưng cách thức họ được dạy dỗ để trân trọng sách có điểm khác biệt với những người cuồng sách thông thường trong thế kỷ trước. Radway nhấn mạnh, Câu lạc bộ Mỗi-tháng-một-cuốn-sách, đầu tư rất nhiều vào ý tưởng một “người đọc tổng quát, thông minh.” Danh tính độc giả này liên quan chặt chẽ đến sự chú trọng mà ngành sách dành cho danh mục marketing con. Theo Radway, đây là khái niệm “đọc sách” theo cách hiểu của Câu lạc bộ:

“Tại Câu lạc bộ Mỗi-tháng-một-cuốn-sách, nhiệm vụ đánh giá hàng ngày có nền tảng từ một lý thuyết ngầm liên quan đến việc đọc sách. Đọc sách không được coi là một hoạt động đồng nhất, và sách cũng không được đánh giá dựa theo một bộ tiêu chuẩn đơn nhất. Thay vào đó, việc đọc được cân nhắc là hành động tinh vi và hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh. Đôi khi người ta đọc để thư giãn, thỉnh thoảng người ta đọc để dễ ngủ, thỉnh thoảng người ta đọc để tìm hiểu cách thức ăn uống, và thỉnh thoảng người ta đọc để sống những cuộc sống khác, nghĩ những suy nghĩ khác, để cảm xúc được nồng nhiệt hơn… Để đo lường thành công của bất cứ cuốn sách nào, biên tập viên của Câu lạc bộ Mỗi-tháng-một-cuốn-sách không chỉ đánh giá những đặc điểm từ bản thân văn bản, mà còn dựa vào việc cuốn sách đưa ra giá trị gì, có phù hợp với những điều độc giả tiềm năng yêu cầu không.”

Những điều trên rất hợp lý khi sử dụng trong chiến lược marketing, và chúng hiện diện rõ ràng trong cách thức Câu lạc bộ Mỗi-tháng-một-cuốn-sách đưa ra các lựa chọn sách: gom lại tác phẩm kinh điển, phi hư cấu nặng nề cùng với tiểu thuyết lãng mạn nhẹ nhàng dưới cái cớ như là “nâng cao” trải nghiệm đọc nói chung. Hình tượng “người đọc tổng quát, thông minh” có quyền tự do đọc hết tất cả danh mục đóng vai trò sống còn với sự phát triển của văn hóa mọt sách đương đại; nó cho phép thị trường sách đạo đức hóa việc đọc và sách nói chung, đồng thời phản đối sự kiêu căng của một vài cuốn sách – hoặc thể loại – nhất định. Là độc giả thì tốt hơn việc không là độc giả, và (việc đọc) một thể loại này cũng không tốt hơn (việc đọc) một thể loại khác. Phương thức đọc sách này được Radway định nghĩa là có trình độ hiểu biết vừa phải, và nó rất liên quan đến những cảm xúc mà sách mang đến cho ta.

Beth Driscoll cho rằng cảm xúc vẫn là mục đích của những độc giả có trình độ hiểu biết vừa phải đương đại. Driscoll đưa ra tám đặc điểm với những người này: trung lưu, tôn kính, thương mại, trung gian, nữ tính, giải trí, chân thành, và cảm xúc. Chúng ta có thể thấy trong danh sách này, dấu vết của bibliophilia thế kỷ 18 và 19 đã chuyển biến thành văn hóa văn chương thời nay – mối liên kết giữa việc đọc và không gian trung lưu, những nỗ lực để diễn giải mối quan hệ tôn kính với một vật phẩm thương mại. Tất cả những điều này – nhận thức về tầng lớp, siêu-trung gian, liên kết giữa sùng kính và thương mại, sự nữ tính hóa việc tiêu thụ sách, và đặc biệt là hình tượng độc giả tổng quát, thông minh – tựu trung lại thành những cá nhân “mọt sách” thế kỷ 21.

*

Hãy bàn về từ “mọt sách” (“bookishness”). OED cho rằng từ này bắt nguồn từ thế kỷ 16; thời bấy giờ, nó có nghĩa là “nghiêm túc về việc đọc sách” hay “ham học hỏi” (không ngạc nhiên mấy). Mặc dù vậy, bên cạnh những định nghĩa trung lập trên, từng có thời gian thuật ngữ này mang ý nghĩa hơi miệt thị, ám chỉ những người bị ám ảnh bởi sách vở và tách rời khỏi thế giới thực. Cái cách từ “mọt sách” được sử dụng trong văn hóa đọc đương đại chẳng khác gì một sự tái khẳng định đắc thắng, một sự khăng khăng rằng mối quan tâm quá lố dành cho sách hẳn nhiên là một việc tốt. BookRiot, một công ty truyền thông mới ra đời năm 2011 như là một điểm đến văn hóa cho người yêu sách, là ví dụ để thấu hiểu được cách thức thuật ngữ này bị chuyển nghĩa.

Bài đăng vào ngày 30.05.2018 mang tên “Đến tuổi 35: Phiên bản mọt sách” cho ta biết rất nhiều về định nghĩa mọt sách của BookRiot. Bài đăng này vừa phản nghịch mà vừa soi sáng. Nó tập trung vào sự tiêu dùng lộ liễu – “bạn nên nhờ bạn đời củng cố nền căn phòng bạn dùng để chứa sách” – cũng như việc coi trọng số lượng hơn chất lượng, khuyên rằng bạn nên mua lại những cuốn sách ưa thích thời thơ bé, lấp đầy giá sách bằng tiểu thuyết lãng mạn, “sách lịch sử chèn cửa,” và một “tủ sách mà bạn biết chắc mình không bao giờ thèm đọc, nhưng bạn muốn khách viếng thăm biết rằng bạn sở hữu chúng.” Sự pha trộn giữa sách lãng mạn, lịch sử và kinh điển trong cùng một tủ sách (quá khổ) phản ánh tinh thần của những thành viên tổng quát, thông minh trong Câu lạc bộ Cuốn-sách-của-tháng, những người biết rằng chẳng quan trọng là bạn đọc cái gì, chỉ cần bạn đang đọc (hay đang mua) rất nhiều sách là được. Một bài đăng vào ngày 09.01.2019 đưa ra thử thách “Danh sách ước nguyện của dân mọt sách,” bao gồm việc du lịch đến một địa điểm mọt sách, gặp gỡ một tác giả mình yêu thích, và lan tỏa văn hóa đọc khắp cộng đồng của bạn “bằng cách giúp ai đó yêu thích việc đọc sách.” Bạn có thể thấy từ ngữ chuyển đổi ý nghĩa, từ việc “rất thích đọc sách” sang một thể loại phong cách sống hay là nhãn danh tính, trong đó việc “rất rất thích sách” (sách gì cũng được!) có thể trở thành toàn bộ danh tính của một người.

“Bạn có thể nhận thấy những từ này bắt đầu chuyển đổi thành nhãn danh tính, một cái nhãn mà trong đó ‘rất thích sách’ trở thành toàn bộ danh tính của một người.”

Theo tôi, một dạng biểu hiện danh tính mọt sách lý thú nhất xuất hiện trong mục “Book Fetish” (tạm dịch “Sùng Bái Sách”). Book Fetish là minh chứng cho việc mọt-sách nay gần như đã mở rộng ra phạm trù tiêu dùng. Rõ ràng, Book Fetish không viết về sách mà là về những thứ phụ kiện họ-hàng-gần-với-sách có sức hấp dẫn với người khác (đặc biệt là phụ nữ), những người tự nhận mình là mọt sách. Nhìn lướt qua, ta bắt gặp một loạt những đồ vật, gồm bút chì, sổ tay và bookmark (hiển nhiên rồi), nhưng còn có vải thêu chữ thập, ấm trà, áo thun, trang sức,… và còn nhiều hơn nữa.

Đặc điểm nổi bật của “thói bái vật” góp nhặt này là việc sách không chỉ là vật sở hữu thông thường – điểm này đưa ta quay lại với Marie Kondo và những lời chối bỏ mang tính gây hấn nhắm đến quan điểm của cô. Khá mỉa mai khi Book Fetish quảng cáo những vật-dụng-tiêu-dùng-không-phải-là-sách để quảng cáo cho cái ý tưởng rằng sách-không-phải-là-vật-dụng-tiêu-dùng. Để tôi giải thích rõ hơn: địa vị đặc biệt của sách – xuất phát từ tham vọng nhân tính hóa sách để phục vụ cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của thị trường sách thế kỷ 18 – phủ sóng khắp Book Fetish. Nhưng bản thân những bài viết này cũng chứng thực cho mối quan tâm sâu sắc mà nền văn hóa mọt sách dành cho thị trường sách: nó hân hoan tán tụng sự tiêu dùng sách lộ liễu, đồng thời những thứ phụ kiện để quảng cáo sự tiêu thụ sách lộ liễu của bạn.

*

Nakamura, khi viết về vai trò quan trọng của Goodreads trong văn hóa đọc đương đại, chỉ ra rằng những nền tảng này đã đẩy mạnh quá trình biến sách và độc giả trở thành một loại hàng hóa:

“Goodreads cho ta thấy cách thức những trang mạng xã hội về sách đã trở thành một loại hàng hóa, một loại hình kinh doanh khống chế nội dung từ tất cả người dùng, không thừa nhận nghĩa vụ pháp lý, giữ quyền xóa bỏ hồ sơ và dữ liệu người dùng mà không cần bất cứ lý do gì. Những tủ sách ta giữ gìn cẩn thận trên Goodreads một số chứa cả ngàn cuốn sách – có thể đột ngột biến mất bất cứ lúc nào.”

Tuy nhiên, những phong trào của cộng đồng mọt sách trực tuyến – từ mua sách trên Amazon đến đọc sách trên Kindle và rồi bình luận trên Goodreads – không hề biến sách thành một thứ hàng hóa tầm thường; thay vào đó, nó đã nâng sách lên một tầm cao mà những bibliophile thế kỷ 18 không bao giờ tưởng tượng nổi. Sự sát nhập của Goodreads vào đế chế Amazon đã khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn – bằng cách nào đó, địa vị đặc thù của sách nay góp phần tung hỏa mù, khỏa lấp mục đích thực sự của Amazon.

Tôi xin kết thúc bài viết bằng cách quay trở lại điểm xuất phát: vì sao quá nhiều người (da trắng) lại nổi điên lên trước ý kiến của Marie Kondo rằng sách cũng chỉ như bao thứ đồ vật khác mà thôi. Thứ tình yêu mãnh liệt mà những mọt-sách-tự-phong dành cho sách hoàn toàn không phải “lẽ thường”: nó là cao trào từ tập hợp những đổi thay kinh tế và văn hóa trong 300 năm qua, nhân tính hóa sách và đồng thời cũng ổn định tình hình tiêu thụ sách, biến việc-yêu-thích-sách trở thành danh tính người dùng rõ rệt, đến nỗi khi một quan niệm mới về sách xuất hiện, đề xuất một mối quan hệ mới giữa sách và người đọc, những cá nhân “mọt sách” này cảm thấy bị đe dọa đến gần như mất trí.

Hết.

Aki-ten lược dịch.

Bài viết gốc được thực hiện bởi Hannah McGregor, đăng tại Electric Lit.


Đọc tất cả những bài viết của Aki-ten.


Những bài viết có cùng chủ đề



Trà chiều

Văn hóa đọc tại Việt Nam: Hành trình tỉnh thức trong thời đại mất tập trung

Khi cả thế giới đang quay cuồng trong cơn lốc của tốc độ, của công nghệ số và mạng xã hội, văn hóa đọc – vốn là một hoạt động tĩnh tại, cô độc và đòi hỏi sự kiên nhẫn – bỗng trở thành hiện tượng lạ giữa đời sống hiện đại.

Published

on

Một cú chạm màn hình có thể đưa bạn tới bất kỳ đâu: từ buổi hòa nhạc ở Vienna đến một bữa ăn đường phố ở Bangkok, từ những khoảnh khắc riêng tư của người xa lạ đến bản tin thời sự lúc rạng đông. Nhưng càng dễ dàng kết nối, chúng ta lại càng khó khăn trong việc lắng nghe chính mình. 

Và trong cuộc hành trình ấy, đọc sách - hành động tưởng như đã cũ kỹ, đang âm thầm trở lại như một nơi trú ẩn cuối cùng của tâm hồn hiện đại.

Văn hóa đọc không chỉ là việc “đọc sách”

Văn hóa đọc không nên được định nghĩa đơn giản chỉ là hành vi tiếp nhận văn bản in ấn, cần phải nhìn nó như là một cấu trúc hệ giá trị, nơi người đọc không chỉ tiêu thụ thông tin, mà còn tương tác với tri thức, phản tư, và từ đó tạo ra tầng sâu văn hóa cá nhân. Nên hiểu đọc là một hành vi văn hóa, không chỉ là kỹ năng.

Thế nhưng, tại Việt Nam, hành vi đọc nhiều khi bị giản lược thành “hoạt động học thuộc”. Cái gốc của việc đọc để hiểu mình và hiểu thế giới vẫn còn mờ nhạt trong đời sống học đường lẫn đời sống đô thị.

Chúng ta từng được dạy rằng đọc là để biết nhiều hơn. Nhưng biết không đồng nghĩa với hiểu. “Biết” là quá trình tiếp nhận và lưu trữ dữ liệu dưới dạng thông tin. “Hiểu” vượt lên trên điều đó - nó đòi hỏi sự tham gia của trải nghiệm cá nhân, khả năng phân tích, đồng cảm và cả những va chạm nội tâm. Một tác phẩm có giá trị không chỉ cung cấp tri thức ngoại tại, mà còn tạo điều kiện cho chủ thể tiếp nhận được soi chiếu, phản tỉnh từ đó nhận diện những lớp ẩn sâu của bản thể qua hình ảnh của người khác trong trang sách. 

Khi một đứa trẻ đọc Những tấm lòng cao cả, em sẽ không chỉ học đạo đức, mà bắt đầu cảm nhận được trái tim nhân loại. Khi một thiếu niên lần đầu đọc Người xa lạ của Camus, cậu ấy có thể không lý giải nổi thế giới, nhưng sẽ bắt đầu đặt câu hỏi về nó và về chính mình.

Vấn đề không nằm ở việc thiếu sách, mà thiếu “thái độ văn hóa” với sách

Mặc dù Việt Nam có hơn 30.000 đầu sách xuất bản mỗi năm (theo Cục Xuất bản), thế nhưng lượng sách bán ra tập trung chủ yếu ở thể loại giải trí, ngôn tình, self-help, còn các dòng sách triết học, văn hóa, nhân văn… chiếm tỷ lệ nhỏ hơn. Ta không thiếu sách, ta thiếu một nền tảng thẩm mỹ và nhân văn để lựa chọn sách một cách có chủ đích.

Nguyên nhân không chỉ nằm ở thời đại số làm thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin, mà còn nằm ở cách giáo dục về đọc sách. Tại nhiều trường học, việc đọc vẫn gắn liền với hình thức kiểm tra, chấm điểm, làm bài văn nghị luận sách giáo khoa - điều khiến đọc sách trở thành một “nghĩa vụ” hơn là một hành trình khám phá. Gia đình, các bậc phụ huynh còn chưa thực sự nghiên cứu và đặt mối quan tâm lớn lao cho việc giáo dục con trẻ dẫn đến việc các em phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị công nghệ. 

Nhưng tín hiệu đáng mừng là trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự nở rộ của các phong trào đọc sách tự phát, không phải từ chỉ đạo hành chính, mà từ những con người đang đi tìm lại bản thân giữa cơn hỗn loạn của thông tin.

Đáng chú ý, sự phát triển của nền tảng số cũng không còn là lực cản, mà đang dần trở thành đòn bẩy cho việc tiếp cận sách: audio book, book podcast, nền tảng chia sẻ tóm tắt sách hay các cộng đồng đọc sách online đang lan tỏa mạnh mẽ. Sách không còn là một vật thể bất động mà trở thành dòng chảy đồng hành với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, âm thanh và cảm xúc.

Tất cả đang làm sống lại một giá trị xưa cũ: sự tĩnh lặng nội tâm. Đọc sách giờ đây không chỉ là tiếp nhận thông tin, mà là một hành động phản kháng với sự phân tán, ồn ào, và tiêu dùng giải trí mang tính chất "mì ăn liền".

Văn hóa đọc trong thời đại “siêu dữ liệu”

Thách thức lớn nhất với văn hóa đọc trong thời đại kỹ thuật số không phải là sự biến mất của sách giấy, mà là sự thoái hóa khả năng tập trung, năng lực phản tư và thái độ nghiêm túc của con người với tri thức. Chúng ta sống trong thời đại mà nội dung có thể bị tiêu thụ như thức ăn nhanh, nơi mọi người “đọc để phản ứng”, thay vì “đọc để cảm nghiệm”. Bởi vậy, chọn đọc - nhất là đọc sâu, đọc chậm giờ đây không chỉ là một lựa chọn mang tính trí tuệ, mà còn là một cách gìn giữ bản thân trước sự xao nhãng của thế giới hiện đại.

Đọc là kháng cự lại tốc độ. Là từ chối cái dễ. Là chọn cái sâu - dù biết nó chậm.

Văn hóa đọc giờ đây không chỉ là sách, mà còn là cách ta sống. Không chỉ là hành động cá nhân. Nó phản ánh cả một văn hóa. Một đất nước biết trân trọng sách là một đất nước không dễ bị lãng quên ký ức. Một thế hệ đọc sách là một thế hệ có nội lực.

Ở Việt Nam, từng có một thế kỷ mà sách được đọc bằng ánh đèn dầu, được chép tay, được truyền tay như những báu vật. Sách đi qua chiến tranh, qua đói nghèo, qua đạn bom, nhưng vẫn sống. Vấn đề của hôm nay không phải là thiếu sách, mà là quá nhiều thứ giành giật tâm trí ta khỏi sách.

Vấn đề sâu xa hơn: ta không còn coi đọc là một phần của việc sống đẹp. Thế giới đang dần lãng quên sự im lặng, sự chậm rãi, sự suy tư. Trong truyền thống tư tưởng phương Đông, đọc không phải là phương tiện để đạt được cái bên ngoài, mà là trở về với cái bên trong. Từ thời Lão - Trang, việc học, việc đọc vốn gắn liền với sự tĩnh tại của tâm. Đọc là tu thân. Đọc là dưỡng khí. Đọc là hành động đi ngược lại với sự xao động của đời sống, để khơi mở “minh tâm kiến tánh”, thấy lại chân diện mục của chính mình. 

Ngày xưa, các nho sĩ khi đọc sách thường đặt một bát nước trong veo bên cạnh, để “nếu tâm xao động thì nước đục” như một cách tự phản tỉnh. Người đọc không chỉ là kẻ truy cầu tri thức, mà còn là người gìn giữ đạo lý, tiết tháo và sự lặng thầm bền bỉ của văn hóa.

Trong thời đại siêu kết nối hiện nay, nghịch lý lớn nhất là con người càng lúc càng rỗng hơn giữa vô số dữ liệu. Chúng ta “biết” rất nhiều thứ nhưng lại hiểu rất ít điều, và càng ít sống sâu. Văn hóa đọc nếu được xem là một hệ sinh thái văn hóa bền vững - chính là cơ chế tự phòng vệ của trí tuệ trước sự tha hóa của thị hiếu và tốc độ.

Bởi vì đọc không chỉ là để “biết”, mà để nghi ngờ cái mình biết. Không chỉ để “giỏi lên”, mà để hiểu mình và hiểu người hơn. Và không chỉ để có tri thức, mà để trở nên người hơn trong thế giới ngày càng thiếu vắng chất người. 

Đọc - tự bản thân nó là một hành động kháng cự lại sự lãng quên, sự cạn mỏng và cả sự dễ dãi. Nó khơi mở lại điều tưởng như đã mất: một chiều sâu văn hóa không thể số hóa, không thể sao chép, thứ văn hóa được chưng cất từ mỗi lần lật trang, từ mỗi khoảnh khắc im lặng tự đối diện chính mình. Để được sống với một trái tim có lớp lang. 

Và nếu phải chọn một hành động lặng lẽ nào đó để định nghĩa tinh thần của một dân tộc đang muốn trở mình từ bên trong, thì đó hẳn phải là: đọc sách.

Ngọc Trâm

Đọc bài viết

Trà chiều

Vẻ đẹp từ những cuộc đời bình thường

Không cần phải nổi bật, bạn vẫn có thể sống một đời ý nghĩa.

Published

on

Làm người bình thường giờ đây bị ngầm hiểu là một thất bại trong một thế giới say mê những con người xuất chúng. Từ những giải vàng trong các trường tiểu học đến danh hiệu “nhân viên xuất sắc của tháng”; từ những tấm hình, thước phim được chọn lựa kĩ càng để đăng trên Instagram đến cuộc đua trở thành “phiên bản rực rỡ nhất của chính mình”, văn hóa của chúng ta không ngừng nâng cao chuẩn mực cho những tính từ “thành công”, “xứng đáng” hoặc thậm chí là “đủ”. Nhưng liên tục chạy đua để trở thành người xuất chúng liệu có khiến chúng ta hạnh phúc hơn hay chỉ đang gieo thêm lo âu, mặc cảm và đứt gãy trong kết nối giữa người với người?

Ẩn giấu trong những cuộc đời không mấy nổi bật vẫn tồn tại sự bình yên sâu lắng, đích đến đáng quý, thậm chí là vẻ đẹp đáng tôn vinh. Có lẽ đã đến lúc ta nên giành lại chân lý ấy - rằng không cần rực rỡ để sống một đời đáng sống.

Những chuẩn mực ngày càng leo cao

Ngay cả trẻ con giờ đây cũng không thoát khỏi chuỗi dài những kì vọng từ gia đình và xã hội. Trước kia, thời chúng ta đi học, “trung bình” được coi là nền tảng để phấn đấu, không có gì đáng xấu hổ. Nhưng nhìn xem, lũ trẻ bây giờ đang bị áp lực phải trở thành những người có thành tựu từ khi còn chưa học được cách chơi đùa vô tư. Giành được điểm A vẫn bị coi là chưa đủ tốt nếu chúng không mang thêm giải thưởng, tham gia hoạt động ngoại khóa và trong vai những người dẫn dắt, lãnh đạo đội nhóm. Những rào chắn vô hình không ngừng cao lên, vì thế chẳng ngạc nhiên khi những sinh viên mới bước vào ngưỡng cửa đại học hay thị trường lao động đã kiệt sức thay vì hạnh phúc. 

Mạng xã hội chỉ đổ thêm dầu vào lửa, đốt cháy cuộc đua kì vọng ấy hơn. Không dừng lại ở việc lướt xem những khoảnh khắc rực rỡ của người khác, chúng ta bắt đầu so sánh với cuộc đời chưa được đánh bóng của bản thân. Đọc được câu chuyện về những bạn trẻ 22 tuổi khởi nghiệp, đi du lịch vòng quanh thế giới, tự sắm nhà riêng - ta cảm thấy mình tụt lại vì mỗi ngày chỉ dậy đi làm và thanh toán hóa đơn. Những điều ấy trước kia từng được coi là phi thường, nay bỗng hóa tiêu chuẩn tối thiểu.

Ngay cả trong đời sống riêng, áp lực vẫn len lỏi. Ta phải là những người yêu lý tưởng, cha mẹ dịu dàng, giỏi chăm sóc bản thân và công dân đầy chánh niệm - tốt nhất là xong hết trước 9 giờ sáng. Người ta truyền nhau một quan niệm hiện đại, rằng: bạn đang lãng phí tiềm năng nếu không tối ưu từng giây phút của cuộc đời mình.

Nhưng nếu tiềm năng không phải là một chiếc thang để leo, mà là một không gian để ta an trú thì sao?

Phẩm giá ẩn sau lựa chọn một đời an yên

Hãy đổi cách ta kể câu chuyện. Sẽ ra sao nếu một cuộc sống “tầm trung” lại chính là một công việc đủ nuôi sống bản thân, những mối quan hệ đầy yêu thương, và một mái nhà rộn tiếng cười xen lẫn tiếng bát đũa? Không phải thứ để ta trốn chạy khi nhắc đến, mà là điều đáng để gìn giữ và trân trọng đúng không?

Thật tuyệt khi bạn xuất hiện trên mạng xã hội với những khoảnh khắc như vậy, dù cho chẳng có lời tán dương nào. Chúng ta vẫn luôn cần một người bạn chân thành, một người lạ biết cảm thông, và một đồng nghiệp đáng tin cậy. Những vai trò ấy hiếm khi xuất hiện trên mạng xã hội, nhưng chúng là sợi chỉ âm thầm dệt nên kết cấu bền chặt của xã hội -  điều mà danh vọng và tiền bạc đôi khi không thể làm được.

Hãy nghĩ về những giáo viên, lao công, y tá, tài xế, đầu bếp, điều dưỡng - những con người mà công việc thầm lặng của họ vẫn đang giữ cho thế giới vận hành. Họ có thể không bao giờ được gọi tên rộng rãi, nhưng công sức của họ chạm đến cuộc sống của biết bao người. Những tên gọi nghề nghiệp nghe có vẻ “bình thường”, nhưng những gì họ làm được thì không hề nhỏ bé.

Bình thường không có nghĩa là tầm thường. Đó là sự biết đủ với những gì bạn có, thay vì liên tục đem so với những cuộc đời khác. Đó là việc bạn hiểu rằng mình không thất bại chỉ vì không xuất chúng - chỉ cần là một con người đã luôn là điều đặc biệt. 

Những đánh đổi phía sau niềm tin phải trở nên xuất chúng

Bị cuốn vào cuộc đua theo đuổi sự vĩ đại thường dẫn ta đến tình trạng kiệt sức, lo âu và cô đơn. Chủ nghĩa cầu toàn gây ra chứng tê liệt cảm xúc, còn việc so sánh khiến ta đánh mất niềm vui. Ai cũng có thể “trên mức trung bình” - rõ ràng về mặt thống kê quan niệm này sai. Ấy vậy mà xã hội vẫn tiếp tục bán giấc mơ ấy, và ta vẫn tiếp tục mua nó, rồi cảm thấy mình chưa bao giờ đủ.

Ở một góc độ khác, việc tôn vinh thành công thái quá cũng hình thành một tâm thức thiếu hoàn thiện: nếu chỉ có một vài người ở đỉnh cao, thì phần còn lại ắt phải là kẻ thua cuộc. Nhưng cuộc sống đâu phải là một bảng xếp hạng, nó là bức tranh khảm đầy những niềm vui nhỏ bé, những khoảnh khắc yên tĩnh, và những kết nối thành thật giữa con người với nhau.

Ta chỉ thực sự sống trong hiện tại khi ngừng đuổi theo những cột mốc tiếp theo. Ta có thể tìm thấy sự đủ đầy, không phải trong việc trở nên khác biệt, mà trong cảm giác được thuộc về gia đình, cộng đồng và chính bản thân mình.

Viết lại định nghĩa “cuộc đời ý nghĩa”

Định hình lại những gì là cốt lõi của cuộc sống đòi hỏi sự can đảm - nhất là trong nền văn hóa đầy rẫy phô trương. Nó đồng nghĩa với việc khước từ lối sống "cày cuốc", chọn thầm lặng thay vì tiếng tăm, chọn sống sâu thay vì sống gấp, chọn sống đúng với hệ giá trị riêng của bản thân thay vì đứng trên những tiếng vỗ tay hào nhoáng.

Một cuộc đời ý nghĩa không được xây nên từ giải thưởng hay thuật toán mà được dệt từ những cuộc trò chuyện chân thật, những thói quen bồi đắp nên chúng ta, những bữa cơm trong gian bếp, những bước đi chậm rãi, những cử chỉ tử tế nhỏ nhoi - và nghỉ ngơi mà không mang theo cảm giác tội lỗi.

Hà Nhi dịch từ Psychology Today

Đọc bài viết

Trà chiều

“Cạm bẫy tiện lợi” của AI

Published

on

Vào thứ Sáu ngay trước ngày khai mạc Hội sách Thiếu nhi Bologna, OpenAI đã tung ra công nghệ tạo hình ảnh mới tích hợp trong GPT-4o. Công nghệ này giới thiệu các khả năng đa phương thức tiên tiến, cho phép người dùng tạo ra những hình ảnh vô cùng chi tiết bằng nhiều phong cách nghệ thuật đa dạng. Gần như ngay lập tức, người dùng đã thử tạo hình ảnh theo phong cách thẩm mỹ đặc trưng của Studio Ghibli và thử nghiệm với nhiều phong cách minh họa sách thiếu nhi kinh điển. Độ chính xác của kết quả và khả năng bắt chước các họa sĩ minh họa nổi tiếng của công nghệ này đã thực sự gây sốc cho những người đang tề tựu tại Bologna.

Nổi bật trong các tiếng nói quan ngại về những bước tiến mới này là Nurgül Senefe, họa sĩ minh họa người Thổ Nhĩ Kỳ. Bà là nhà sáng lập của tổ chức vận động Illustrator’s Platform và Mạng lưới ZNN, một công ty đại diện tác giả và họa sĩ minh họa, đồng thời là Tổng Thư ký của Diễn đàn Họa sĩ Minh họa Châu Âu. Bà Senefe chia sẻ với tờ Publisher Weekly rằng, “sự lười biếng trong nhận thức” đang đe dọa khiến con người ngày càng phụ thuộc vào AI.

Bà Nurgül Senefe. Nguồn: Diễn đàn Họa sĩ Minh họa.

Từ kinh nghiệm điều hành một tổ chức với 400 nhân sự đang tận tâm bảo vệ quyền của họa sĩ minh họa và xây dựng những phương thức kinh doanh bền vững, bà Senefe cho rằng: “Điểm yếu lớn nhất của con người là cảm giác vui sướng đến từ sự tiện lợi mà AI mang đến”.

Mạng lưới ZNN hoạt động như một cầu nối trung gian giữa họa sĩ và bên đặt hàng, giúp thiết lập các quy chuẩn tối ưu cho ngành, đồng thời giám sát quy trình đặt hàng tác phẩm. Công việc của họ nay càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi AI ngày một tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực sáng tạo.

“Đặc biệt với trí tuệ nhân tạo, chúng tôi đang nỗ lực xây dựng một nền tảng để đại diện cho quyền lợi của họa sĩ minh họa”, bà Senefe cho biết.

Khi khảo sát các thành viên trong tổ chức, bà Senefe thường đưa ra một câu hỏi lấy ví dụ từ bộ phim Ma trận (The Matrix), hỏi họ sẽ chọn viên thuốc nào – đỏ hay xanh. “Mọi người đều nói, ‘Tôi sẽ chọn viên màu đỏ’, bà kể lại, dùng phép ẩn dụ này để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ chính mình “tỉnh táo nhận thức về những gì đang diễn ra hôm nay”.

Mối bận tâm hàng đầu của bà Senefe xoay quanh chính bản chất của con người. “Nếu bạn không ý thức được hành vi của mình, nó sẽ dần định hình nên tính cách của bạn.” Dù vấp phải sự phản đối từ nhiều chuyên gia sáng tạo – “Mọi người nói chúng ta không sử dụng AI tạo sinh, chúng ta chống lại nó”, bà vẫn quan sát thấy người ta tiếp tục thử nghiệm công nghệ này và ghi nhận rằng một số người cho biết nó “khá tiện lợi”.

Bà Senefe nhận định: Yếu tố tiện lợi này chính là mấu chốt của vấn đề. Bà cũng đưa ra các ví dụ tương tự trong đời thực. “Nếu bạn để ý, tôi chắc chắn bạn sẽ thấy ở ga tàu điện hoặc nhà ga xe lửa, mọi người xếp hàng dài hàng mét chỉ để đi thang cuốn, nhưng tại sao họ không leo thang bộ cơ chứ?” Các ví dụ khác bao gồm sự lệ thuộc của xã hội vào thức ăn nhanh, bất chấp những rủi ro sức khỏe đã được chứng minh, hay việc nhiều bậc cha mẹ dùng máy tính bảng làm "người giữ trẻ kiểu mới cho con” khi quá tải hay xao nhãng.

Họa sĩ Hayao Miyazaki, đồng sáng lập Studio Ghibli luôn thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với AI trong sáng tạo. Trong bộ phim tài liệu Never - ending man: Hayao Miyazaki năm 2016, khi được giới thiệu về một dự án hoạt hình sử dụng AI, ông Hayao Miyazaki đã thẳng thừng chỉ trích công nghệ này. Ông gọi nó là "một sự xúc phạm đến cuộc sống" và nhấn mạnh rằng nghệ thuật không chỉ là kỹ thuật mà còn là cảm xúc, trải nghiệm và tinh thần con người.

Bà Senefe tỏ ra lo lắng về một khả năng trong tương lai, nơi những người làm sáng tạo cuối cùng sẽ phải “làm việc cho máy móc”, khi các nhà xuất bản có khả năng chọn AI thay vì sản phẩm của con người vì chúng “quá tiện lợi, rẻ, hiệu quả và nhanh chóng”.

“Dần dà, chúng ta sẽ quen xem cái ‘chưa đủ’ là đủ, ‘không đẹp’ là đẹp, ‘phi nghệ thuật’ là nghệ thuật. Điều này sẽ kéo tụt mặt bằng giá trị của nhận thức chung, hiểu biết và sự chấp nhận của xã hội, làm thay đổi cả một lĩnh vực mà chúng ta thậm chí không hề hay biết”.

Để mô tả quá trình bình thường hóa đáng lo ngại này, bà Senefe đã đặt hàng một bức tranh minh họa dựa trên ẩn dụ về con ếch trong nồi nước đang nóng dần lên, không nhận ra mối nguy hiểm đang cận kề. Bức tranh này đặt ra một câu hỏi nhức nhối: “Bạn sẽ dùng AI một cách có ý thức và để máy móc phục vụ cho bạn, hay bị AI thống trị và trở thành tay chân cho máy móc?”

“Thử thách lớn nhất của chúng ta trong cuộc đối đầu với AI chính là sự lười biếng trong nhận thức”, bà Senefe kết luận. Bà cho rằng, cũng như sự nghiện ngập và các thói quen độc hại khác, sự phụ thuộc vào AI có thể bén rễ từ từ và len lỏi vào đời sống một cách khó nhận biết nếu giới chuyên môn sáng tạo không duy trì cảnh giác.

Hoàng Thảo dịch từ Publishers Weekly

Đọc bài viết

Cafe sáng