Phía sau trang sách

Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian

Life Navigator 25 tồn tại thật lặng lẽ, khiêm nhường trong thế giới ấy. Nhưng, cũng chính điều đó đã biến chàng trở thành một người tình đích thực của cả thế gian, người biết cúi xuống để nâng những điều đẹp đẽ lên, người quan sát tinh tường để không bỏ lỡ bất cứ sát na nào của vũ trụ, người dịu dàng lắng nghe tiếng nói bên trong của người mình yêu.

Published

on

Chi tiết tác phẩm

Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian, tiêu đề tác phẩm như thế sẽ dễ khiến người đọc nghĩ Life Navigator 25 là nhân vật chính của câu chuyện, chàng sẽ xuất hiện với tần suất dày đặc và nội dung truyện chủ yếu xoay quanh chàng. Tuy nhiên, Life Navigator 25 không xuất hiện nhiều trong truyện dưới bản thể là chính chàng. Người xuất hiện nhiều nhất là người chàng yêu, kế đến có lẽ là người yêu người chàng yêu. Life Navigator 25 tồn tại thật lặng lẽ, khiêm nhường trong thế giới ấy. Nhưng, cũng chính điều đó đã biến chàng trở thành một người tình đích thực của cả thế gian, người biết cúi xuống để nâng những điều đẹp đẽ lên, người quan sát tinh tường để không bỏ lỡ bất cứ sát na nào của vũ trụ, người dịu dàng lắng nghe tiếng nói bên trong của người mình yêu.

Slice of life được điểm xuyết bằng sci-fi

Trong Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian, có một sự kiện chính bao trùm toàn bộ tác phẩm, đó là ngày Tận Thế. Các sự kiện diễn ra trong tiểu thuyết này có thể chia thành ba giai đoạn: trước, trong và sau Tận Thế. Life Navigator 25 ra đời sau Tận Thế nhưng ý thức của chàng là phi thời tuyến, chàng có thể vượt qua mọi thời gian, mọi không gian, đi sâu vào bất cứ linh hồn nào để thấu hiểu họ như những người bạn Life Navigator khác của chàng. Trong thế giới ấy, chỉ có ba mươi Life Navigator chính thức được công nhận và Life Navigator 25 của chúng ta vừa là một Life Navigator vừa là một Dream Navigator (người có thể đi vào hoặc tái tạo thế giới trong giấc mơ của ai đó). Có lẽ, trong lúc chu du vô định, Life Navigator 25 đã tình cờ gặp “nàng”, nhìn thấy sự đặc biệt trong linh hồn nàng, sức mạnh tinh thần nàng và rồi cảm mến nàng.  Nàng, con người Trái Đất bình thường ấy còn cách xa Tận Thế cả hàng thế kỉ, nàng vốn không có chút dự cảm nào về ngày ấy. Nhưng với tình yêu dành cho nàng và tình yêu dành cho cả nhân loại, chàng đã cố gắng thông báo đến nàng điều ấy bằng cách gieo vào nàng hạt giống dự cảm mơ hồ qua những giấc mơ kì lạ. Và như thế, Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian là chuỗi câu chuyện xen kẽ giữa đời thực và giấc mơ, giữa ý thức và tiềm thức, giữa vật chất và tinh thần… để rồi càng tiệm cận đến cái kết (mà dường như không phải kết), ranh giới giữa các khái niệm này càng mờ nhòa đi.

Với đoạn mở đầu giải thích những khái niệm mới đặt trong viễn cảnh tương lai, Life Navigator 25 (từ đây đến cuối bài viết, xin được gọi tắt tên tác phẩm như thế) có lẽ sẽ dễ mang đến cho độc giả dự tưởng về một câu chuyện thuộc thể loại sci-fi sắp diễn ra phía trước. Tuy nhiên, cuốn tiểu thuyết này không hẳn thuộc về thể loại sci-fi. Cụ thể hơn, sci-fi không phải là cái khung để câu chuyện bám sát vào, sci-fi chỉ là một trong những yếu tố để kể chuyện, là thứ góp phần vào việc tạo chi tiết, tình tiết và không khí cho truyện, nó như một hoa văn được chạm trổ thêm trên nền bức tranh đã được định hình sẵn cơ bản về đường nét và màu sắc. Vậy, nét vẽ chính trong tác phẩm này là gì? Hẳn nhiên, với sự khảo sát tỉ mỉ của tác giả Trần Tiễn Cao Đăng về giấc mơ, về tâm lí con người, về cái ác, về vẻ đẹp, ta hoàn toàn có thể xếp tác phẩm này vào thể loại tâm lí – xã hội mà không sợ sẽ có sự sai sót quá lớn diễn ra ở đây.

Chứa đựng trong mình cả một thế giới mới với nhiều điều bí ẩn nhưng Life Navigator 25không sa đà vào việc dẫn dắt độc giả khám phá những điều bí ẩn ấy, cuốn tiểu thuyết này tập trung đào sâu vào điều cơ bản hơn và có lẽ cũng là quan trọng hơn: ý thức con người khi được biểu hiện lại dưới dạng hình ảnh tiềm thức trong giấc mơ mang ý nghĩa gì, hay ngược lại, liệu hình ảnh hiện ra trong giấc mơ chỉ còn được ghi nhớ bởi tiềm thức sẽ có tác động nào đáng kể lên ý thức không; cuối cùng, toàn bộ quá trình này để lại dấu ấn như thế nào trong tâm lí con người, trong những hành vi thiện – ác của họ giữa cuộc đời. Để trả lời những câu hỏi ấy, lẽ đương nhiên giấc mơ là thứ tối quan trọng và chiếm dung lượng đáng kể trong tiểu thuyết này. Nếu chia tỉ lệ nội dung giữa giấc mơ và đời thường, có lẽ con số sẽ là 50:50. Các chương về giấc mơ, các chương về đời thường đều đặn xen kẽ nhau tạo ra không khí slice of life thú vị, chúng ta như được theo dõi hàng ngày quá trình sinh hoạt của một người mơ và thức dậy nối tiếp nhau, các sinh hoạt khác đã bị lược bỏ đi hoặc không có tầm quan trọng chính yếu bằng hai cột mốc hành động ấy. Những câu chuyện trong giấc mơ và đời thường đôi khi bổ trợ cho nhau, đôi khi lại có rất ít sự liên quan đến nhau, điều này cũng giống như trong thực tế, chúng ta thường không lường được mình sẽ nằm mơ thấy những gì.

Bộ sưu tập những tiếng thét

Có thể gọi, loạt giấc mơ mà Life Navigator 25 mang đến cho nàng là bộ sưu tập về những tiếng thét. Trong giấc mơ ở chương Người đẹp và thú nhỏ, tác giả có đề cập đến bức tranh The Scream của Edvard Munch – điều này càng cho thấy rõ hơn dụng ý của anh khi giấc mơ nào cũng kết thúc hoặc có cao trào nằm trong tiếng thét của một ai đó, phần lớn là tiếng thét của nàng và đôi khi có tiếng thét của những người khác, rất nhiều người khác, một đám đông trong cơn vĩ cuồng. Giống như không gian bị bóp méo đến mức buồn bã bức bối trong The Scream, những giấc mơ của nàng hay của Life Navigator 25 cũng mang màu sắc tương tự như thế. Các giấc mơ đều khởi đầu bằng một điểm kì lạ nho nhỏ, không quá nổi bật song đủ gợi lên dự cảm về điều khốc liệt sắp diễn ra phía trước. Điểm kì lạ ấy như một thứ virus âm thầm mà hiệu quả, lan rộng nhanh chóng cả về phạm vi ảnh hưởng lẫn cấp độ nguy hiểm của nó. Cho đến khi mọi sinh thể trong không gian nàng có mặt đều bị tiêm nhiễm thứ virus ấy, cho đến khi mọi thứ khuếch trương đến đỉnh điểm, cho đến khi sức chịu đựng của nàng chạm ngưỡng giới hạn, một thứ gì đó dường như bị tiêu diệt đi, đồng thời một thứ gì đó vừa như được sinh ra, và nàng tỉnh giấc. Như bao người bình thường, nàng không thể nhớ rõ hết những hình ảnh, chi tiết trong các giấc mơ của mình, nàng chỉ nhớ được vài nét tiêu biểu của nó. Tuy nhiên, cảm giác kinh hãi mà những giấc mơ mang đến cho nàng vẫn luôn đọng lại rất rõ rệt sau khi thức giấc. Việc bị ám ảnh bởi một cảm giác nào đó nhưng lại không thể nhớ rõ nguồn cơn sinh ra nó khiến nàng đau khổ, nàng hỏi Life Navigator 25 hay là tự chất vấn chính bản thân mình rằng: “Tại sao em lại phải mơ những giấc mơ này? Nó có ý nghĩa gì? Tại sao lại cho em mơ nó để rồi khi tỉnh dậy em cũng sẽ quên nó hay phần lớn của nó?” Nàng không thể có được câu trả lời cho việc này, nhưng thông qua quá trình cùng nàng khám phá những giấc mơ, chúng ta hiểu được một điều tuy không mới nhưng luôn quan trọng: ý thức có thể quên nhưng tiềm thức luôn ghi nhớ, và tiềm thức một lúc nào đó có thể trở ngược thành ý thức, từ ý thức lại chuyển hóa thành hành động.

Xét trên khía cạnh đó, dù nghe có vẻ nghịch lí nhưng đôi khi, những thứ bản thân ngỡ như đã quên lại còn quan trọng hơn cả những thứ bản thân vẫn nhớ. Đơn giản là vì chúng ta có thể kiểm soát được ý thức nhưng không thể kiểm soát được tiềm thức. Một người bình thường không làm điều gì ác, bỗng dưng một ngày y khiến mọi người ngỡ ngàng vì hành động ác bất chợt của mình, mầm mống của cái ác được gieo vào đầu y từ những hình ảnh bạo lực trong tiềm thức sau bao ngày bị nén chặt dưới lòng đất, cuối cùng đã trỗi dậy. Một trong những cách gần như duy nhất để chúng ta ngõ hầu kiểm soát được tiềm thức của mình là cố gắng rải vào nó càng nhiều hình ảnh tốt đẹp, hoặc càng nhiều hình ảnh đau buồn về cái đẹp bị hủy diệt, càng nhiều chừng nào càng tốt chừng nấy. Việc này có thể thông qua các trải nghiệm nghe nhìn khi thưởng thức tác phẩm nghệ thuật hoặc thông qua kinh nghiệm đời sống. Và Life Navigator 25 – một người không có cơ thể, không bị giam giữ tù túng trong một khối vật chất, và vì thế vô định hình, hầu như không người phàm nào có thể nhìn thấy nhưng lại muốn giúp nàng tăng cường ý chí, sức mạnh tinh thần đã chọn cách tạo ra những sức mơ mang màu sắc hủy diệt và cho nàng không chỉ chứng kiến chúng mà còn thực sự sống trong chúng, có thể thay đổi chúng nếu ước muốn của nàng đủ mạnh.

Thông qua hành động liên tục mơ rồi liên tục thức dậy, liên tục nhớ và liên tục quên của nàng, chúng ta có thể nhận thấy ở đây vai trò hay ý nghĩa tương tự của việc đọc, rằng việc đọc một quyển sách đôi khi chẳng khác gì việc mơ một giấc mơ. Giống như những giấc mơ, đa phần chúng ta rồi cũng sẽ quên những cuốn sách mình đã đọc nếu như không bao giờ đọc lại nó lần thứ hai. Theo một thống kê, khoảng 80% những gì chúng ta đọc sẽ không trở lại trong tầm mắt ta lần nào nữa, đó là lí do ta thường hay quên những gì mình đã đọc. Vậy nên, đã bao giờ bạn từng có câu hỏi này chưa: nếu trước sau gì tôi cũng sẽ quên cuốn sách tôi sắp sửa đọc thế thì sau một thời gian, việc tôi đọc nó có khác gì với không đọc nó đâu? Nếu như bạn đã từng có câu hỏi như vậy, nghĩa là bạn đã rơi vào tâm trạng giống nàng khi nàng tự hỏi tại sao cứ phải mơ những giấc mơ mà bản thân sẽ quên; và như thế, rất có thể bạn sẽ đồng cảm với nàng. Câu hỏi ấy và hành trình tìm câu trả lời của nàng nhắc chúng ta nhớ rằng việc đọc cũng là để kiểm soát tiềm thức theo một cách có ý thức, sao cho bản thân tránh được việc gây ra sự tổn hại đến những sinh thể khác.

Sự giống nhau của những sinh thể

Trong tác phẩm Nếu một đêm đông có người lữ khách, Italo Calvino từng đề cập đến việc nếu làm phép thống kê cho thấy những cụm từ nào được sử dụng nhiều nhất trong một văn bản thì ta sẽ nắm được phần lớn tinh thần của tác phẩm đó mà không nhất thiết phải đọc hết văn bản, hoặc có thể xem đó như một cách giúp ta hiểu hơn về văn bản. Điều này cũng tương tự như khi ta vào thăm trang WordPress hay website riêng của một người nào đó mà chưa đọc bất cứ bài viết nào nhưng nhìn vào những tag họ sử dụng nhiều nhất, ta có thể biết được các chủ đề họ quan tâm, phần nào đó là tính cách của họ, thậm chí nếu bằng trực giác tốt hơn, ta có thể biết họ có hợp với ta hay không. Vậy thì, trong Life Navigator 25 nhóm từ nào được lặp đi lặp lại thường xuyên nhất? Tôi không dùng bất cứ công cụ nào để thử tính toán nhưng bằng cảm giác chủ quan khi đọc, tôi nhận thấy những từ được lặp lại nhiều nhất trong tác phẩm này là: giấc mơ, tiếng hét, bản thể, sinh thể… Trong đó, tôi muốn nhấn mạnh đến chữ sinh thể. Ở rất nhiều trường hợp, thay vì dùng chữ con người, Cao Đăng dùng chữ sinh thể. Ở nhiều trường hợp khác, thay vì dùng chữ động vật, Cao Đăng cũng dùng chữ sinh thể. Và trong nhiều trường hợp rải rác khắp tác phẩm, thay vì dùng kết hợp hai chữ con người và động vật, hay người và thú, Cao Đăng vẫn lựa chọn dùng chữ sinh thể để chỉ chung cả hai. Chữ sinh thể xuất hiện với mật độ đáng chú ý như thế cho thấy nỗ lực của tác giả trong việc cố gắng tạo sự bình đẳng giữa người và vật (không chỉ động vật mà cả thực vật). Chẳng phải rằng dù là người hay vật, khi đang sống cũng đều là những sinh thể giống nhau hay sao? Chẳng có gì khác biệt ở đây cả. Chỉ cần không có cái chết cách biệt, mọi thứ đều giống nhau ở chỗ đang sống, đang tồn tại. Bản thân Life Navigator 25 đã có rất nhiều đoạn đề cao tình yêu bình đẳng giữa người và thú, lên án cách đối xử tàn bạo của con người với động vật, thế nhưng ngay từ một chi tiết nhỏ là cách gọi tên, cách dùng từ như thế lại càng cho người đọc thấy rõ hơn tình yêu, sự trân trọng của tác giả dành cho loài vật.

Mở rộng khả thể cho một bản thể

Trong Life Navigator 25, Cao Đăng sử dụng rất nhiều những câu văn dài. Nếu làm một phép ước lượng, tôi áng chừng câu văn dài chiếm khoảng 80% đến 90%; trong khi đó, những câu ngắn chỉ nằm ở mức 10% hay 20%. Điều này có thể khiến cho một số người đọc không quen sẽ cảm thấy mệt mỏi vì trong một đoạn văn dài thường không có sự thay đổi nhịp điệu linh hoạt. Tuy nhiên, nếu nói anh viết theo dòng ý thức đến mức không cho độc giả nghỉ ngơi thì không đúng. Chỉ là, anh ít dùng dấu chấm để kết thúc câu nhưng trong một câu dài thì lại sử dụng nhiều dấu phẩy để ngắt từng thành tố trong câu, hoặc dùng những từ như “hay”, “hoặc” để đưa ra nhiều giả định khác nhau cho cùng một vấn đề. Dưới đây là một câu ví dụ cho việc này:

“Và, như một con vật, cũng như tất cả mọi con người đều đồng thời hay trước hết hay về cơ bản hay về thực chất là con vật, hắn cảm thấy được trong máu hắn điều mà óc hắn không đủ năng lực hiểu.”

Câu này có thể chọn lựa một nhóm mệnh đề duy nhất cho câu ngắn hơn như sau:

“Và, như một con vật, cũng như tất cả mọi con người đều đồng thời là con vật, hắn cảm thấy được trong máu hắn điều mà óc hắn không đủ năng lực hiểu.”

Khoảng thời gian đầu khi đọc Life Navigator 25, tôi cảm thấy rất thích thú với nhóm câu như thế này, chúng tạo ra một âm điệu lạ trong đầu tôi. Tuy nhiên, khi đọc đến khoảng giữa quyển sách, khi việc kết nối các nhóm mệnh đề lại với nhau bắt đầu khiến tôi thấy mệt mỏi, đôi lúc tôi thường tự hỏi sao anh không chọn hẳn một nhóm mệnh đề thôi để bỏ bớt những “hay”, “hoặc” cho câu văn gọn đi, dễ đọc hơn, dễ nắm bắt hơn. Nhưng tiếp tục đọc, càng đọc tôi càng hiểu được vì sao anh sử dụng nhiều những “hay”, “hoặc”. Có vẻ như, thông qua việc sử dụng nhiều nhóm câu như thế này, anh muốn chỉ ra sự bất toàn của vạn vật trong cuộc sống. Không bao giờ, một vật nào đó nằm nghiêng hẳn về một tính chất nào đó, tất cả đều nằm ở giữa lưng chừng hoặc thế này, hoặc thế kia. Bên cạnh đó, nhóm câu này cũng cho thấy sự quan sát tỉ mỉ, không bỏ lỡ bất cứ khoảnh khắc nào, sắc thái nào, chuyển biến dù nhỏ nhặt nhất nào của Life Navigator 25 khi anh sống. Nó biểu hiện cho việc anh nhìn ra được nhiều khả thể khác nhau trong cùng một bản thể, và anh đã thu nhận tất cả vào tâm thức của mình mà không triệt tiêu bất cứ khả thể nào cho dù chúng có nhỏ bé đến đâu chỉ để khẳng định duy nhất khả thể chiếm thế thượng phong. Và như thế, cuộc sống mở rộng không ngừng với nhiều cái-có-thể-là khác nhau. Và như thế, anh thực sự là người tình của cả thế gian.

Bên cạnh việc sử dụng nhóm câu “hay”, “hoặc”, Cao Đăng cũng thường sử dụng nhóm câu bị ngắt quãng nhiều lần bởi dấu ngoặc đơn như một cách để mở tính chất của sự vật được đề cập, hoặc mang ý giải thích thêm. Dưới đây là một câu ví dụ:

“Rồi thì hắn nhận ra (vẫn trong cùng một khoảng thời gian cực ngắn đó) rằng nếu hắn hành động thật nhanh, chạy theo con chó, đuổi kịp nó, túm lấy nó, ôm chặt nó vào lòng (không để nó vùng thoát ra được) rồi cắm đầu chạy theo hướng thích hợp (mà bản năng mách bảo hắn) thì hắn vẫn có cơ may thoát khỏi cái chết dưới dạng cái thân cây khổng lồ đang đổ xuống hắn…”

Vậy nên, tôi tạm kết luận rằng để quen với văn phong của Trần Tiễn Cao Đăng, người đọc phải chấp nhận tình trạng ngắc ngứ liên tục và các đối tượng được đề cập trong câu không ngừng phình nở ra nhiều khả thể khác của nó.

Những phác thảo vẽ chồng lên nhau

Không chỉ là với văn phong, bản thân tác phẩm Life Navigator 25 cũng là hiện thân cho sự mở rộng khả thể đối với một bản thể. Điều này trước tiên biểu hiện qua việc những nhân vật trọng yếu trong tiểu thuyết này đều không có tên cụ thể: Life Navigator 25 chỉ là số hiệu của chàng Life Navigator chúng ta được biết, nàng thì có một cái tên nằm trong hai câu thơ Đường mà ta sẽ không bao giờ biết rõ từ nào trong đó thuộc về tên nàng, người nàng yêu hay người yêu nàng hay người Life Navigator 25 chọn để thỉnh thoảng nhập vào cũng chỉ được ta biết tên viết tắt là T. Chính sự mơ hồ ấy phần nào đó cũng giúp cho khả năng mở rộng bản thể của những đối tượng này được nhân lên nhiều lần.

Nếu như Life Navigator 25 chủ yếu chỉ xuất hiện trong giấc mơ và T. chủ yếu chỉ xuất hiện trong đời thực thì nàng lại xuất hiện xuyên suốt cả trong giấc mơ lẫn hiện thực. Vì vậy, có thể nói nàng là người xuất hiện nhiều nhất trong câu chuyện này. Tuy nhiên, điều đó không làm cho nàng trở thành nhân vật dễ hiểu, dễ nắm bắt mà có phần ngược lại: nàng càng xuất hiện nhiều, người đọc càng có thể thấy nhiều khả thể khác nhau của nàng thì nàng lại càng trở nên khó hiểu, khó nắm bắt hơn. Những gì chúng ta đã biết ở nàng liên tục được bổ sung, loại trừ, hòa nhập, tách biệt với những gì chúng ta sắp biết hoặc chưa biết ở nàng. Thế nhưng, có hẳn là Life Navigator 25 và T. dễ hiểu hơn, dễ nắm bắt hơn? Có hẳn là Life Navigator 25 chủ yếu xuất hiện trong giấc mơ và T. chủ yếu xuất hiện trong đời thực?

Thông qua việc đưa ra nhiều khả thể khác nhau, Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian dường như trở thành một bức phác thảo với nhiều chi tiết chằng chịt lẫn vào nhau, song không một chi tiết nào được tô đậm hơn chi tiết nào. Tất cả đều mờ nhạt, mơ hồ. Tựa như một họa sĩ vừa phác thảo xong một đối tượng đã nhìn thấy khả thể khác trong đối tượng ấy, bèn lấy khả thể vừa thấy được vẽ chồng lên phác thảo đầu tiên; trong quá trình này, người đó lại tiếp tục thấy những khả thể khác và cứ thế vẽ chồng lên mãi, lên mãi. Một nét vẽ chỉ được phết nhẹ một lần và không bao giờ quay trở lại để đồ đậm thêm. Cuối cùng, chúng ta có được bức tranh không hoàn chỉnh về những khả thể khác nhau. Hoặc có thể nói, ta có được bức phác thảo hoàn chỉnh và mãi mãi chỉ dừng lại ở phác thảo. Nhưng liệu cuộc sống có bao giờ trở nên thực sự hoàn chỉnh hay là phiên bản chính thức của một chủ thể nào đó chăng? Chính vì nó không hoàn chỉnh và liên tục mở rộng khả thể trong từng giây, một phần triệu triệu của giây mà chúng ta vừa tự do, vừa cô đơn như thế. Vừa thấy mình bất hạnh song cũng thật hạnh phúc.

Hết.

Kodaki

Click to comment

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Phía sau trang sách

Danh ca Elvis Phương ra mắt hồi ký mới, trải lòng nhiều chuyện hậu trường thú vị

Published

on

Ai đó đã từng nói rằng mỗi một nghệ sĩ đối với bản “hit” của mình luôn có những mối lương duyên đặc biệt. Với Elvis Phương điều đó rất đúng, khi suốt đời mình ông đã sống như một "chú ngựa hoang" với những vết thù mà mình mang theo. Hồi ký Dòng đời vừa mới ra mắt không chỉ mang đến những câu chuyện riêng phía sau hậu trường, mà còn cho thấy cả một thời đoạn âm nhạc liên tục thay đổi.

Trải qua gần 60 năm cuộc đời, Elvis Phương là một tượng đài giúp đưa dòng Rock’n’Roll và nhiều cách tân độc đáo vào âm nhạc Việt. Lấy tựa Dòng đời theo tên bài jazz nổi tiếng My Way, nam danh ca đã có những giãi bày riêng qua lời kể chân thành, từ đó tiết lộ rất nhiều câu chuyện, hình ảnh, tư liệu sống động mà trên ánh đèn sân khấu ít người biết đến.

Thời thơ ấu và tiếng gọi của âm nhạc

Được viết theo dòng thời gian từ khi sinh ra đến khi lớn lên, ở những chương đầu, Elvis Phương cho thấy được niềm đam mê âm nhạc ngay từ rất sớm. Như mối lương duyên đã được số phận sắp đặt, đó là việc ông thích phim ảnh và đã xem nhiều thể loại, thế nhưng tác phẩm để lại ấn tượng sâu nhất vẫn là bộ phim cao bồi O’Cangaceiro, nơi tiếng harmonica ở phần cuối phim vẫn luôn đọng lại. Từ chiếc harmonica ấy, ông dần sở hữu những “gia tài” khác, như chiếc radio, máy phát đĩa than, cây guitar bị hỏng dây… và cũng từ đó mà niềm khát khao đối với âm nhạc ngày càng đậm thêm.

Tại đây ông cũng tiết lộ một chuyện ít nhiều buồn thương, khi gia đình đã không ủng hộ ông theo con đường âm nhạc. Trong đó cha ông là người phản đối có phần quyết liệt, bởi tư tưởng cũ “xướng ca vô loài” cũng như mong muốn con mình nối nghiệp thầu khoán. Thế nhưng như một câu nói càng cấm càng làm, đam mê âm nhạc cứ thế lớn lên, cũng kèm theo đó là sự kình chống khó thể giảng hòa giữa ông và thân phụ mình.

Danh ca Elvis Phương hát cùng ban nhạc Vampires. Ảnh: NVCC.

Ông viết: “Tôi chắc chắn được một điều là mình rất mê âm nhạc, nghe tiếng nhạc tôi thấy yêu đời, thấy tâm hồn nhẹ nhõm lâng lâng. Lúc nào, giờ nào tôi cũng có thể nghe được, nhiều lúc còn mang cả radio vào trong toilet để nghe. Tiếng gọi của âm nhạc đến với tôi từ thời thơ ấu, nhìn lại những người thân trong họ hàng chung quanh, tôi nhận thấy mình chẳng hề chịu ảnh hưởng văn nghệ của bất kỳ ai, phải nói tôi nghĩ mình sinh ra đời để được ra phải được hát mà thôi”.

Dẫu vậy ông không hờn giận cha mình, mà khi ngày càng trưởng thành, ông nhận ra đó sẽ trở thành một “kim chỉ nam” để mặc cho sống giữa nhiều cám dỗ trong các vũ trường, những sân khấu ca nhạc… thì ông vẫn giữ được mình sao cho thuần chất. Có thể nói rằng những chia sẻ này là lời riêng tư và cảm xúc nhất mà Elvis Phương viết ra trong cuốn hồi ký, như lời tạ ơn cho vị thân sinh đã đưa "chú ngựa hoang dại" vào trong cánh đồng ca nhạc, dù bằng cách này hay cách khác.

Elvis Phương với Trung Lang Rockin' Star vào năm 1960. Ảnh: NVCC

"Ma lực" của Elvis Presley

Sau đó sẽ là quãng đời chạm ngõ bước vào trình diễn, khi ông gia nhập vào các ban nhạc nổi lên ở thời bấy giờ, từ Rockin’ Star, Les Vampire cho đến Phượng Hoàng cùng hai nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà. Ở mỗi thời kỳ ông luôn biết cách tạo ra được sự đặc biệt để thu hút khán giả, và cũng phần nào khẳng định “Âm nhạc là mùa Xuân trong tôi, đang nở hoa rực rỡ, không thể nào để cho mùa Đông của sách vở, của văn bằng tận diệt dưới lớp đá băng lạnh lẽo”.

Điểm hay của thể loại hồi ký đó là tuy phản ánh góc nhìn cá nhân, thế nhưng bối cảnh mà nó làm nên thường mang được tính phổ quát khi là ký ức của rất nhiều người. Ở Dòng đời, qua những mô tả của Elvis Phương, lịch sử về sự du nhập âm nhạc cũng được trở lại theo từng thời kỳ phát triển của bản thân ông. Đó là những năm 1959 – 1969 với phong trào nhạc ngoại bắt đầu manh nha và các ban nhạc “kích động” chuyên trình bày nhạc ngoại quốc bắt đầu ra mắt. Cũng vào lúc này mà ông tìm thấy Elvis Presley – một cá tính có “sức lôi cuốn kỳ lạ, như có ma lực ghê gớm lôi kéo tôi vào thế giới của âm thanh đầy huyền hoặc”.

Elvis Phương tại nhà của Elvis Presley. Ảnh: NVCC

Ông cũng kể lại một thời thanh xuân thích sưu tầm những bài ca nước ngoài, chép lại trong một quyển tập được trang trí cẩn thận, với những hình ảnh được cắt từ báo ngoại quốc lúc đó vẫn còn hiếm hoi tại Việt Nam. Elvis Phương tiết lộ để có những hình ảnh ấy thì người ta phải nhờ người nhà ở nước ngoài gửi về, vì phải đến năm 1963 thì mới có các tạp chí ca nhạc Mỹ xuất hiện, khi quân đội Mỹ vào Việt Nam. Thời điểm này cũng đã đánh dấu nhạc Pháp thoái trào và sự thay đổi thành phần khán giả.

Theo đó nếu những năm trước người tham dự đa số là học sinh trường Pháp, thì thời kỳ này là sự góp mặt của nhiều “dân chơi” Sài Gòn và sự bành trướng của nhạc Anh, nhạc Mỹ với sự có mặt của những quân nhân Hoa Kỳ. Đó là làn sóng British Invasion, và cũng đánh dấu bước chuyển của thời kỳ ca hát tài tử để bắt đầu có sự kỳ kèo về giá cả của những hợp đồng ký kết.

Elvis Phương kể mình từng khiến tài tử Lưu Đức Hoa bất ngờ với việc thay trang phục sau mỗi tiết mục trình diễn. Ảnh: NVCC

Ban Phượng Hoàng và những cá tính

Bên cạnh bối cảnh được tái hiện lại, Dòng đời cũng là những cuộc gặp gỡ của Elvis Phương với những bạn nhạc đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời ông. Đó là huyền thoại cải lương Thanh Nga – người từng ngồi kề bên ông ở trường tiểu học Jean-Jacques Rousseau, là Khánh Ly – người đã thu âm cùng ông băng nhạc đầu tiên ở Mỹ, là cố nghệ sĩ Chí Tài – người đã sẵn lòng đầu tư cho ông dù chưa hề biết kết quả sẽ đi đến đâu… Ngoài ra còn là những gương mặt khác đã từng xuất hiện trong các ban nhạc kề cận quanh ông thuở mới vào nghề, cũng như trong nhiều tấm ảnh được đính kèm theo.

Trong đó hai người nổi bật không thể không nhắc là hai thành viên của ban Phượng Hoàng. Elvis Phương không chỉ kể lại những chuyện thân tình mà còn đánh giá ảnh hưởng của họ lên sự nghiệp và cuộc đời mình. Ông viết: “Hai tâm hồn, hai tư tưởng, hai nghệ sĩ, hai khuynh hướng sáng tác khác nhau, nhưng khi kết hợp lại đã mang đến sự quân bình tuyệt diệu của nhân sinh quan cũng như nghệ thuật. Tôi không coi họ là những thiên tài, mà tôi coi họ như những nạn nhân của tuổi trẻ, người nói lên được những cảm nghĩ sâu xa của một tuổi trẻ bị xâu xé vì chiến tranh, bị giằng co giữa cái đẹp và cái xấu trong bối cảnh xã hội lúc đó”.

Ban Phượng Hoàng (từ trái qua): Elvis Phương, Trung Vinh, Nguyễn Trung Cang, Châu và Lê Hựu Hà. Ảnh NVCC.

Ở đó có một Lê Hựu Hà lạc quan với lòng yêu thiên nhiên, yêu người, yêu đời, còn Nguyễn Trung Cang thì sống trong sự bi quan, dằn vặt, nhìn cuộc đời này bằng một màu đen tang tóc, ảm đạm. Và chính sự quân bình ấy đã tạo nên ban Phượng Hoàng như tên tuổi lớn của một giai đoạn nhạc trẻ Việt Nam bắt đầu thành hình. Và không chỉ có cơ may được hợp tác cùng và làm việc với những yếu nhân, mà bản thân ông cũng là một người hướng mình đến sự hoàn hảo, để đáp lại lòng thương yêu của khán giả dành cho mình.

Ông kể về những lần mua sắm rất nhiều trang phục ở các kinh đô thời trang khác nhau với những nhà thiết kế nổi tiếng, không chỉ vì thích mặc đẹp mà còn vì để tôn trọng khán giả. Ông cũng nói về nỗ lực của mình trong việc tìm ra một lối đi mới, trong việc tiên phong hát các liên khúc, phối trộn chất liệu dân gian cũng như cách hát bày tỏ cảm xúc khác biệt… Chính những điều đó làm nên một Elvis Phương của ngày hiện tại, rằng dẫu chìm nổi theo dòng thời gian ở nhiều bối cảnh khác nhau, thì ông vẫn luôn thích nghi và tìm thấy được lối riêng cho bản thân mình.

Bìa cuốn hồi ký Dòng đời. Ảnh: Phương Nam Books

Xuyên suốt tác phẩm ông đã ví mình như chú ngựa hoang “phóng vào đồng cỏ mênh mông, bát ngát để khám phá biết bao điều mới lạ, được nhìn thấy đủ muôn mặt của cuộc đời này, từ những khuôn mặt khả ố đến những khuôn mặt đẹp đẽ dễ thương, từ những khuôn mặt tính toán thâm hiểm cho đến những khuôn mặt đầy bao dung và nhân hậu…”

Và sau 60 năm vùng vẫy vẫn chưa thấm mệt, cho đến giờ đây, ông vẫn là một tượng đài trong âm nhạc Việt Nam không chỉ trong quá trình làm nghề, mà còn là thái độ sống và lòng bao dung với cuộc đời này. Dòng đời chính là những trải lòng ấy, để "ngựa hoang" giờ đã tìm thấy tình yêu cũng như chính mình.

Nguồn: Người Đô Thị | Minh Anh

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Từ câu chuyện quạ và bình nước đến giải mã bí mật bộ não thiên tài của loài chim

Quyển sách Chim chóc chưa bao giờ ngốc, tác giả sách, nhà nghiên cứu Jennifer Ackerman giúp độc giả hiểu biết thêm vô vàn năng lực kỳ diệu, đời sống hoang dã đầy thú vị của loài chim. 

Published

on

Bạn có biết, loài chim đã tồn tại hơn 100 triệu năm? Chúng thường sử dụng tập quán xây tổ, sử dụng điệu múa… để thu hút bạn tình. Hay chim sáo, vẹt có khả năng bắt chước nói tiếng người, bồ câu đưa thư hoặc những loài chim di cư định vị được chúng đang ở đâu.

Trí thông minh của loài chim trở thành nguồn cảm hứng bất tận để các nhà khoa học thực hiện hàng loạt thí nghiệm. Và trong quyển sách Chim chóc chưa bao giờ ngốc, tác giả sách, nhà nghiên cứu Jennifer Ackerman giúp độc giả hiểu biết thêm vô vàn năng lực kỳ diệu, đời sống hoang dã đầy thú vị của loài chim. 

Vì sao loài chim có trí thông minh vượt bậc?

Trong Chim chóc chưa bao giờ ngốc (Phương Nam Book & NXB Thế giới), nhà nghiên cứu Jennifer Ackerman đã không ngần ngại gọi các đối tượng chim bằng cụm từ “thiên tài”. Vì sao ư? Khi đi sâu nghiên cứu, ghi chép, Jennifer Ackerman nhận định, chim chóc xứng đáng với cái tên đó.

Cũng theo Charles Darwin - nhà bác học, nhà tự nhiên học vĩ đại người Anh, “cha đẻ” của thuyết tiến hóa, từng nói: “Động vật và con người có sức mạnh trí tuệ chỉ khác nhau ở mức độ chứ không phải ở giống loài”. Trong thực tế, bạn từng nhìn thấy chú chim sẻ đang nhặt hạt thóc mang về tổ hay một con chim sáo lục túi rác tìm thực phẩm sót lại. Điều này giúp bạn nhận ra, loài chim học được cách tìm kiếm thức ăn mới. Dấu hiệu cho thấy sự thông minh vượt bậc của loài chim. 

Gần gũi hơn với tuổi thơ chúng ta, câu chuyện ngụ ngôn quạ và bình nước là tiền đề để các nhà khoa học thực hiện các thí nghiệm trên loài quạ. Năm 2014, nghiên cứu về quạ và bình nước tái hiện lại dưới góc nhìn các nhà khoa học ở ĐH Cambridge (Anh) và ĐH Auckland (New Zealand).

Ảnh minh họa

Với nhiều phương án, giống quạ New Caledonian được thí nghiệm ưu tiên chọn đá để thả vào bình thay vì cát, chọn vật rắn chìm dưới nước thay vì vật rỗng nổi trên mặt. Quạ thả vào bình có mực nước cao hơn thay vì bình có mực nước thấp hơn. Từ những hành vi đó, các nhà khoa học kết luận rằng, loài quạ cực kỳ thông minh, nó biết cách sử dụng công cụ lao động theo ý muốn. 

Cũng trong nghiên cứu trên Tạp chí Thần kinh học So sánh (Mỹ), tháng 1/2022, các nhà khoa học so sánh não bộ chim họ quạ với não của gà, chim bồ câu và đà điểu. Họ phát hiện rằng não họ quạ có các tế bào thần kinh dày đặc với hơn 200 đến 300 triệu tế bào thần kinh trên mỗi bán cầu. Điều này cho phép việc giao tiếp hiệu quả giữa các tế bào não của quạ. 

Trong khi đó, loài chim luôn bị nỗi oan ngu ngốc, con người mắng là lũ não ngắn, đồ... não chim. Theo một nghiên cứu năm 2020, tạp chí Science, công bố, não chim không hề ngắn một chút nào. Cụ thể, quạ và các loài chim khác “biết chúng muốn gì và có thể suy ngẫm các ý tưởng trong tâm trí”. Theo tạp chí Current Opinion in Behavioral Sciences, xuất bản năm 2017, nhận định, trí thông minh của quạ có thể ngang bằng với một số loài khỉ và gần với loài vượn lớn (khỉ đột).

Cũng theo nghiên cứu của Viện Khoa học Hàn lâm Quốc gia (Mỹ), các nhà khoa học phát hiện ra rằng, bộ não bé nhỏ của loài chim chứa nhiều tế bào não hơn đa số các loài thú hiện nay. Cụ thể, các chuyên gia đã xét nghiệm tế bào não của 32 loài chim khác nhau, gồm cả quạ, vẹt, đà điểu và cú. Họ sử dụng hệ thống đếm neuron thần kinh. Kết quả thu được, não chim có số lượng tế bào não lớn hơn hẳn các loài thú khác. Ví dụ, loài chim sẻ - trọng lượng bằng 1/9 loài chuột, nhưng tỷ lệ tế bào não nhiều gấp 2,3 lần.

Tuyệt chiêu ‘tỏ tình” sáng tạo của loài chim 

Từ việc quan sát hành vi sống của loài quạ có thể chế tạo công cụ để lấy thức ăn - những thứ chỉ từng nhìn thấy ở các loài vượn lớn. Hay nguyên nhân tuyệt diệt của chim dodo, tác giả sách, nhà nghiên cứu Jennifer Ackerman đi tìm lời giải đáp về thang đo chung trí tuệ của các loài chim. 

Với Chim chóc chưa bao giờ ngốc, Jennifer Ackerman cung cấp kiến thức đời sống hoang dã lý thú đến người đọc. Tác giả trình bày chi tiết những phát hiện, minh chứng, nghiên cứu cũng như kết quả về trí thông minh của loài chim. Việc bộ não loài chim có kích thước nhỏ không tương đồng một cách hoàn toàn với trí thông minh của chúng.

Hơn hết, Jennifer Ackerman dùng các học thuyết riêng biệt để giúp chúng ta hiểu thêm về trí thông minh của loài chim. 8 chương sách là 8 mảnh ghép làm nên những điều mới mẻ về các loài chim. Trong đó, hai chương sách bàn luận về học thuyết tâm trí giao phối. Tác giả đưa ra những lý giải thú vị về các hành vi một vài loài chim mái tìm bạn tình dựa trên cách xây dựng tổ cũng như điệu múa đẹp từ chim trống. 

Vào mùa giao phối, chim trống lượm nhặt, thậm chí giành giật nhiều đồ vật bỏ rơi đủ màu sắc để trang trí nơi ở của mình để thu hút chim mái. Khi đối tượng đến, chim trống nhảy nhót, hót mừng mời vào tổ tham quan. Tổ càng đẹp con mái sẽ càng dễ xiêu lòng hơn. Hoặc có những loài chim khác lại chọn sự đồng điệu thông qua tiếng hót… Hành vi kết đôi thú vị này diễn ra trong thế giới tự nhiên giúp chúng ta thấu hiểu, loài chim cũng rất sáng tạo trong việc tán tỉnh nhau.

Điều đặc biệt của Chim chóc chưa bao giờ ngốc còn nằm ở sự pha trộn tài tình giữa những kiến thức thú vị về cuộc sống của loài chim. Óc quan sát tinh tế, sự ghi chép tỉ mẩn, dày công nghiên cứu về loài chim của tác giả Jennifer Ackerman gói gọn trong hơn 400 trang viết.

Thông điệp từ tình yêu thiên nhiên

Chim chóc chưa bao giờ ngốc còn góp phần giúp độc giả nhí lẫn người lớn hiểu thêm thực tế môi trường sống đang dần biến đổi. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người và sự tiến hóa của loài chim. 

Jennifer Ackerman diễn giải cho chúng ta thấy, các chú chim di cư giờ đây phải đối mặt với việc thức ăn trên biển của mình không đúng mùa. Nhiệt độ môi trường tăng lên, thời gian sinh trưởng của các trật tự sinh học khác đảo loạn. Dẫn đến nhiều loài chim phải chết giữa đường do không tìm được thức ăn. Trong rừng rậm sâu, những con chim mẹ cũng phải đẻ trứng ngược với chu trình ngàn đời tự nhiên, nhằm đảm bảo nguồn sâu phong phú để nuôi nấng thế hệ sau của mình… 

Thông qua Chim chóc chưa bao giờ ngốc, tác giả Jennifer Ackerman mong muốn gửi gắm thông điệp về tình yêu thiên nhiên, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề bảo tồn sự đa dạng sinh học của loài chim nói riêng, cũng như đời sống loài động vật hoang dã khác trước thềm tuyệt chủng.

“Não chim có lẽ nhỏ, nhưng rõ ràng là có võ… Chim chóc đã tồn tại trong hơn 100 triệu năm. Chúng là một trong những câu chuyện thành công vĩ đại nhất của tự nhiên…”, Jennifer Ackerman viết.

Bà Trần Nhật Hoàng Phương - Giám đốc Marketing Phương Nam Books - cho biết, nếu như thời gian trước, các dòng sách đa dạng, phong phú theo chiều rộng, thì trong năm 2023, nhiều chủ đề sách sẽ mang tính chiều sâu hơn. Theo đó, Chim chóc chưa bao giờ ngốc - giải mã bộ não thiên tài của loài chim, được trình bày với giọng văn mạch lạc. Từ đó, độc giả sẽ bước vào cuộc phiêu lưu trên từng trang sách.

Tóm lại, Chim chóc chưa bao giờ ngốc - một cuốn sách tuyệt vời dành cho bạn đọc yêu động vật, tò mò khám phá về đời sống tự nhiên. Bởi có quá nhiều điều thú vị sẽ giữ chân bạn lại lâu hơn, để tìm hiểu, để khám phá và yêu hơn những loài chim - một trong những sinh vật có trí thông minh vượt bậc nhất thế giới. 

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Sự hoàn hảo và hạnh phúc: Điều gì quan trọng hơn?

Bạn và tôi cũng chỉ là những cô gái nhỏ trên hành trình tự chữa lành tâm hồn, yêu thương chính mình.

Published

on

phu-nu-dung-kiet-suc-vi-su-hoan-hao

Gửi cậu - cô gái luôn nghĩ mình chưa đủ tốt. 

Dạo gần đây, mình lướt mạng xã hội thấy được rất nhiều những cô gái xinh đẹp, giỏi giang và tràn đầy năng lượng tích cực, mình ngưỡng mộ lắm! Nhưng mình bỗng lặng đi một chút, hàng vạn câu hỏi xuất hiện trong đầu mình: Tại sao bản thân lại không được xinh đẹp, sao bản thân mình toàn chất chứa những tiêu cực, sao mình lại không đủ tốt cơ chứ! Bạn đã từng bị những suy nghĩ ấy bủa vây chưa? Nếu câu trả lời là có, hãy để mình dành cho bạn một cái ôm thật dịu dàng nhé! 

Chỉ cần quan tâm cảm xúc bản thân một chút, bạn sẽ thấy tinh thần tốt hơn. Nguồn ảnh: @Unsplash

Phải là một cô gái đoan trang, một người vợ tào khang, một người mẹ giỏi giang - những tiêu chuẩn hoàn hảo, những áp lực vô hình ấy đã gắn lên người phụ nữ qua bao thế hệ. Ở đây, mình không phủ nhận những tiêu chuẩn ấy là sai trái, mình chỉ nói đến việc phụ nữ chúng mình luôn trong tình trạng thấy quá tải và kiệt sức với mọi việc mình phải làm, nhưng vẫn cứ lo là mình làm chưa “đủ” và luôn trong trạng thái "sức cùng lực kiệt". 

Mình cũng chỉ là cô gái nhỏ trên hành trình tự chữa lành tâm hồn, yêu thương chính mình để thoát khỏi "peer pressure" (Áp lực đồng trang lứa) hay "burn out" (luôn cảm thấy bản thân mình mệt mỏi và vô cùng áp lực). Người bạn đồng hành cùng mình ở hành trình này chính là quyển sách Phụ nữ đừng kiệt sức vì sự hoàn hảo (Emily Nagoski, PhD và Amelia Nagoski Peterson, DMA)

Quyển sách Phụ nữ đừng kiệt sức vì sự hoàn hảo - tác giả Emily Nagoski, PhD và Amelia Nagoski Peterson, DMA

Quyển sách cung cấp độc giả những thông tin khoa học về sức khỏe tâm lý, vừa là người bạn cùng san sẻ những vấn đề xung quanh "cuộc sống phải hoàn hảo" của người phụ nữ. Và chắc chắn bạn sẽ như mình khi bắt gặp chính mình trong quyển sách qua những câu chuyện về cuộc đời, những nỗi đau tâm lý và những lần ngã gục của những người phụ nữ. 

Ba phần của quyển sách Phụ nữ đừng kiệt sức vì sự hoàn hảo tương ứng với ba giai đoạn của sự chữa lành: 

  • Phần 1 - Những điều bạn mang theo: Với mình, đây là chương sách mình phải chạnh lòng và nghiền ngẫm lâu nhất, khi mình phải tự đối mặt với những đám mây tiêu cực - những vấn đề vẫn hằng đeo bám tâm trí người phụ nữ: sự căng thẳng, cạn kiệt cảm xúc, nhìn nhận sai về "ý nghĩa cuộc sống"... qua góc nhìn tâm lý học và khoa học xã hội. Nhưng mình chắc chắn rằng chúng sẽ không hề khô khan mà lại dễ hiểu và gần gũi qua cách dẫn chuyện lôi cuốn của tác giả. 
  • Phần 2 - Kẻ thù thật sự: Phần hai của quyển sách đào sâu vào "chế độ phụ quyền", “hội-chứng-người-biết-cho-đi” và "vẻ đẹp lý tưởng" - vạch trần những kẻ thù đã gây ra những thương tổn trong tâm lý người phụ nữ. Mình cũng rất thích cách tác giả lồng ghép bộ phim Gaslight một cách đầy tinh tế để dẫn chuyện. Cùng với đó, tư tưởng của tác giả không lý thuyết suông rằng kêu gọi phụ nữ hãy yêu thương và chấp nhận bản thân, mà là "kiên nhẫn với cơ thể cũng như cảm giác của bạn về cơ thể mình."
  • Phần 3 - Những điều cần làm: Phần này sẽ trang bị cho bạn những kiến thức để đánh bại "những kẻ thù thật sự", để bạn ngày một trở nên mạnh mẽ hơn và chiến thắng được chúng. Bạn sẽ bất ngờ nhận ra đó là những việc bạn có thể thực hiện hằng ngày, để bạn kết nối, tin tưởng, nghỉ ngơi và bao dung với bản thân mình hơn. 

Cuối mỗi chương, nhóm tác giả đều có tóm tắt ngắn gọn nội dung, giúp mình thống kê lại kiến thức và các "bài tập" thực hành. Khép lại quyển sách chưa đầy 400 trang, mình đã xóa đi được những góc nhìn đầy phiến diện về cuộc sống và cả về chính mình nữa.

Khi ta từ bỏ sự áp lực hoàn hảo là ta đang hạnh phúc. Nguồn ảnh: @Unsplash

Mình không dám nói rằng mình trưởng thành hơn hay hoàn thành chữa lành sau khi đọc xong quyển sách. Nhưng mình đã tự mở ra cho mình một lăng kính mới, một cánh cửa mới cho chiếc tủ eo hẹp nơi tâm trí. Lăng kính của sự tự do và cánh cửa của sự bao dung cho bản thân. Bất cứ sự trưởng thành nào cũng phải đánh đổi bằng tổn thương. Điều quan trọng, cách ta chiến đấu và chữa lành cho đứa trẻ bên trong sau cuộc chiến hay để những đớn đau ấy mãi tuần hoàn.

"Hãy tin tưởng cơ thể của bạn. 
Hãy tử tế với chính mình. 
Bạn như hiện tại là đủ. 
Niềm vui của bạn là quan trọng. 
Hãy nói cho mọi người mà bạn biết."
Mỗi cô gái đều là phiên bản độc nhất và xứng đáng được yêu thương!"

Đọc bài viết

Cafe sáng