Phía sau trang sách

Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ: Chúng ta tưởng mình đã biết hết về chiến tranh

“Mẹ kiếp, hòa bình chẳng qua là thứ cây mọc lên từ máu thịt bao anh em mình”

Published

on

Tôi gấp cuốn sách lại trong một ngày giáp Tết, khi không khí của mùa xuân tràn vào nhà nhà, từng góc phố con đường. Nắng vàng nhưng không khí có chút se lạnh. Tôi nhìn đồng hồ, những vòng thời gian liên tiếp qua đi, cứ thế, đều đặn. Thời gian, tuổi trẻ, cuộc đời, con người,… tất cả tạo nên cuộc sống. Thật may mắn khi giờ đây chúng ta được sống trong hòa bình. Tiếng súng bom đã dứt nhưng đâu đó dư âm của nó vẫn còn.

Có rất nhiều câu chuyện, cuốn sách viết về chiến tranh. Ở Việt Nam tiêu biểu nhất có lẽ là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh; ở nước ngoài lại có Những thứ họ mang của Tim O’Brien, Phía Tây không có gì lạ của Erich Maria Remarque, Cuộc chiến đã qua – Niềm đau và nỗi nhớ vẫn còn của Anthony Loyd, Hẹn gặp lại trên kia của Pierre Lemaitre,… Mỗi cuốn sách mang một câu chuyện, một góc nhìn, nhưng có bao nhiêu cuốn sách là lời của nhân vật nữ, câu chuyện của phụ nữ và góc nhìn nữ từ chiến tranh?

Ở Việt Nam, năm 40 Hai Bà Trưng đã cưỡi voi khởi nghĩa. “Từ thế kỷ thứ tư TCN, ở Athens và Spartes đã có phụ nữ chiến đấu trong những binh đoàn Hy Lạp. Sau đó họ tham gia các chiến dịch của Alexandre de Macédoine.” Thế nhưng, trong văn chương, ai mà muốn nghe đàn bà kể về chiến tranh khi những người đàn ông đã viết được những thiên sử chói loà? Ai đó bảo tôi: “Đàn ông kể về chiến tranh bằng chiến thắng, phụ nữ kể chiến tranh bằng cảm xúc.” Thực sự có đúng như người ta nói hay không? Tôi muốn tự mình kiểm chứng qua Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ của nữ nhà văn, nhà báo Svetlana Alexievich. Đây là tác phẩm lệch giữa hai bờ vực: một nửa là văn chương, một nửa là báo chí. Nó giống như tuyển tập những câu chuyện đi trên dấu vết của đời sống nội tâm và ghi âm lại tâm hồn của những người phụ nữ trở về sau Thế chiến thứ hai, nơi cuộc chiến của những người phụ nữ có ngôn ngữ riêng của nó. Không phải lịch sử chiến tranh hay lịch sử nước nhà mà là lịch sử của những con người bình thường với cuộc sống bình thường, thời đại họ bị xô vào những biến cố khổng lồ.

Lúc Svetlana Alexievich tìm đến xí nghiệp kéo sợi, nơi một nữ xạ thủ bắn tỉa hiện đang làm việc thì đã nghe những người đàn ông bình luận: “Hết đàn ông hay để hỏi rồi sao? Tại sao cô lại cần đàn bà? Nghe họ nói mê… nghe chuyện đàn bà nạ dòng thì phỏng được gì…” Đến một gia đình khác, chồng và vợ đều tham gia chiến tranh. Họ gặp và cưới nhau ở ngoài mặt trận. Khi tác giả hỏi chuyện người vợ, ông chồng dặn bà: “Kể như tôi đã bày cho bà ấy. Không có nước mắt, cũng đừng có kể những chi tiết ngu ngốc, kiểu: ‘Tôi cứ muốn đẹp. Tôi đã khóc khi bị người ta cắt mất bím tóc.’” Người vợ đã thú nhận rằng: “Ông ấy đã nhồi nhét cho tôi suốt đêm cuộc Chiến tranh ái quốc vĩ đại. Ông ấy lo cho tôi. Ngay cả bây giờ nữa, ông ấy lo tôi không nói được các kí ức cần thiết.”

Hình như những người phụ nữ đã náu mình lãng quên trong chiến tranh. Những câu chuyện về họ vẫn chưa được kể, hoặc đâu đó một vài câu chuyện được kể nhưng là những người mẹ kể cho con, người bà kể cho cháu. Đó là những câu chuyện đậm dấu ấn cá nhân chứ chưa có một tổng quan đúng nghĩa thật sự ở phương diện xã hội.

Cuộc chiến tranh của những người phụ nữ có ngôn ngữ riêng của nó. Quả thật là đàn ông náu mình sau các sự kiện, chiến tranh thu hút họ; còn phụ nữ cảm nhận chiến tranh qua cảm xúc. “Cuộc sống của con người trở thành lịch sử và lịch sử được cắt ra thành hàng trăm, hàng ngày cuộc đời con người. Người ta bắn và người ta chết, người ta có lòng tin và người ta vỡ mộng.” Những mảnh ghép, những montage về mặt tự sự được ghi lại bởi Alexievich. Những buổi phỏng vấn với một máy ghi âm, một cuốn sổ, những người phụ nữ và câu chuyện được kể. Nó như một bộ phim tài liệu cảm xúc vẽ cuộc sống của những người phụ nữ Liên Xô trước, trong và sau chiến tranh.

Hành trình qua hơn 100 vùng từ nông thôn đến thành phố, các khu dân cư, làng mạc, những gương mặt phụ nữ lần lượt hiện ra, họ kể những câu chuyện của họ, đủ các câu chuyện với các cung bậc cảm xúc, từ một cô bé 12, 13 tuổi khi nghe tin chiến tranh, đến những cô gái 15, 16 khai sai tuổi để được đi đánh giặc, điều kiện sống thiếu thốn, chứng kiến cái chết, cứu người, lần đầu giết người (địch), những người mẹ đã hi sinh đứa con mình vừa mới sinh, tình yêu trong quân đội, ám ảnh lúc hoà bình,… tất cả đều được ghi lại với cái nhìn nhân bản nhất. “Tôi đã ghi âm hàng trăm câu chuyện, trên cái giá của tôi xếp hàng trăm băng cát xét và hàng nghìn trang in. Tôi chông tai và tôi đắm mình đọc.”

Cuốn sách là nỗ lực của tác giả và những thanh âm thầm lặng bấy lâu chưa một lần lên tiếng. Hồi ức của họ nhìn thẳng vào chiến tranh, nhìn thẳng vào cái chết, có những gương mặt chưa từng được kể, để khi biết chúng ta nhận ra mình sai khi nghĩ mình đã biết hết về chiến tranh. Chiến tranh bắt đầu khi “Sương còn chưa kịp khô trên lá cây mà người ta báo tin chiến tranh đã được tuyên bố, và giọt sương khi tôi đột ngột nhận ra trên cây khi người ta đột ngột báo tin chiến tranh thường trở lại trong tâm trí tôi khi ở ngoài mặt trận.” Cái khoảnh khắc đó, lúc cuộc sống vẫn đang bình thường, mặt trời rạng rỡ, cây ra hoa, cây ra lá, những giọt sương long lanh, thiên nhiên bỗng đối kháng với những gì đang xảy ra ngoài mặt trận, sống trong doanh trại, chiến đấu với quân thù thì chiến tranh vẫn là sự việc người ta không tin được và sững sờ khi nhớ đến giọt sương.

Và họ, những cô gái trẻ vì lòng yêu nước, họ bỏ lại tất cả. Những bím tóc dài bị cắt ngắn đi, những chiếc váy xếp cất vào tủ và khoác lên mình chiếc áo varơi cùng ủng chiến đấu, họ mặc những chiếc áo quá rộng, đi giày quá size. Họ trở thành những bác sĩ, y tá, xạ thủ bắn tỉa, xạ thủ phòng không, trung sĩ cận vệ, thợ máy không quân, điện thoại viên, lái xe, liên lạc, du kích,… họ có thể làm được tất cả, trong môi trường sống và điều kiện đầy những thiếu thốn. Thiếu ăn, thiếu mặc, ba ngày chỉ có bánh mì dã chiến để ăn, ăn đến rộp lưỡi lên không còn nói được, thậm chí chẳng có gì để ăn, chết đói.

“Người ta cắt tóc họ như con trai. Chi tiết ấy không ai quên nhắc lại: và bao giờ cũng là chuyện bím tóc dài bỏ lại trên sàn nhà bẩn thỉu của phòng tuyển quân. Người ta mặc cho họ bộ quân phục may cho đàn ông, áo khoác, ủng, vớ portianki, khó khăn tìm cho ra một kiểu hòa hợp coi được, rất thường cung cấp những thứ quá cỡ hai đến ba số. Ủng số 40 thay vì 36…”

Chiến tranh lúc đầu chỉ để dành cho đàn ông. Phụ nữ bị cuốn vào, môi trường quân đội mặc định người phụ nữ giống như những người đàn ông, chẳng có một chế độ riêng nào dành cho họ. Có những cảnh tưởng chừng như chẳng thể tưởng tượng nổi.

“Chúng tôi đi bộ bốn mươi cây số… cả một tiểu đoàn phần lớn là phụ nữ. Nóng chết người. Đến ba mươi độ. Nhiều cô gái đang có… Nói thế nào… cái thứ mà phụ nữ nào cũng có… chảy nhỏ giọt dọc chân… Người ta chẳng cấp gì cho chúng tôi cả, đúng không? Chẳng cách gì chữa được. Chúng tôi đến một điểm có nước. Chúng tôi nhìn thấy một con sông… và những cô gái ấy, tất cả họ lao xuống sông. Nhưng bọn Đức bên kia nổ súng ngay. Chúng ngắm chính xác… Chúng tôi cần tắm rửa, vì chúng tôi quá xấu hổ trước mặt đàn ông. Chúng tôi không muốn ra khỏi nước, và một cô gái đã bị bắn chết …” 1  

“Tôi sẽ không bao giờ quên cái ngày, sau một trận đánh trở về anh hỏi tôi: “Em có một cái áo ngực không? Mặc vào đi, xin em. Hãy để cho anh được nhìn em khi em mặc áo ngực.” Nhưng tôi chẳng có chiếc áo nào cả, ngoài cái áo varơi tôi đang mặc.”

Trong cái “nghề” nam tính là “chiến tranh”, họ vẫn là chính họ, họ vẫn giữ một lãnh địa bên trong mình, thậm chí một số người bảo vệ thiên tính nữ bằng cách thêu thùa, buộc ruy băng đỏ. Trong một lần hành quân, một nữ xạ thủ bắn tỉa rất giỏi vì muốn buộc sợ ruy bay đỏ giữa nền tuyết trắng màu đỏ nổi bật, cô đã bị quân địch phát hiện và bắn chết. Có vẻ như chiến tranh biến phụ nữ không còn là phụ nữ, khát khao làm đẹp bé nhỏ của họ, của nữ xạ thủ là được buộc chiếc ruy băng đỏ cũng là lí do cho cái chết của cô. Ngoài ấy, mọi cái đều ở cạnh nhau, cái cao cả và cái thấp hèn, cái bình dị và cái hung bạo, sự sống và cả cái chết. Tôi khám phá ra cái chết, nó đơn giản và chẳng có chút đắn đo nào.

Khắc nghiệt, ngả nghiêng, cán cân lịch sử tồn tại hay không tồn tại. Người phụ nữ đến với thế giới cùng thiên chức tạo ra con người, nhưng chiến tranh buộc họ phải giết người. Có nỗi đau nào hơn một người mẹ giết con? Người ta thường bảo bản năng làm mẹ mạnh hơn tất cả. Nhưng ở đây lí tưởng còn mạnh hơn.

“Cùng chúng tôi có một nữ điện báo viên. Cô vừa sinh dậy. Đứa bé còn rất nhỏ, phải cho bú. Nhưng người mẹ không đủ ăn, thiếu sữa là đứa bé khóc. Bọn SS 2 ở rất gần… Với cả chó. Nếu chúng nghe được, thì chúng tôi chết hết. Cả đội. Ba chục người… Cô hiểu không?

Chúng tôi có một quyết định…

Không ai dám truyền đạt lệnh của người chỉ huy nhưng tự người mẹ đoán ra. Cô nhận đứa bé địu trên người xuống nước và giữ hồi lâu… Đứa bé không còn rống lên nữa. nó đã chết. Và chúng tôi không ai dám ngước mắt lên nữa. Về phía người mẹ và bất cứ người nào trong chúng tôi…”

Người kiểm duyệt đã nói với tác giả rằng: “Tất cả những chi tiết sinh học này để làm gì? Cô hạ thấp người phụ nữ với thứ chủ nghĩa tự nhiện sơ đẳng. Người phụ nữ anh hùng. Cô tước vòng hào quang của họ. Cô biến họ thành phụ nữ tầm thường.

Chủ nghĩa anh hùng khiến con người ta chỉ nhìn được mặt hào quang. Nó không quan tâm đến sinh lí, sinh học, không chỉ có tinh thần bị thử thách mà cả cơ thể nữa – cái vỏ vật chất của con người. Tất nhiên, đó là những thứ trước giờ không ai kể đến cả. Họ đều kể về chiến thắng, về ánh hào quang, đồng nhất con người với lí tưởng, chiến tranh là nơi con người ta trở nên anh hùng. Những người phụ nữ trên kia, tất cả họ đều có chiến công của riêng mình, tất cả họ đều giỏi. Nhưng sao phải theo cái lối mòn kể về ánh sáng chiến tranh mà không phải là góc khuất đau thương? Trước khi là anh hùng, là hào kiệt, ai cũng là con người trước cả.

“Tôi có thể kể cho cô nghe tôi đã chiến đấu thế nào. Nhưng tôi đã khóc ra sao thì không thể. Cái ấy sẽ mãi mãi không nói được.

Cô là nhà văn. Hãy sáng tạo một cái gì đó. Một cái gì đó đẹp. Không tàn bạo như cuộc đời.”

Một đôi mắt trần chẳng đủ để nhìn tất cả và làm sao chỉ đơn thuần là sáng tạo không thôi, sáng tạo cũng trên cơ sở, căn cứ chứ, nhưng tôi biết, các bà ấy đã quá khổ, quá mệt mỏi khi nghĩ về nó rồi.

Hoà bình trở lại, nhưng ai đâu biết rằng vẫn đang còn một cuộc chiến đợi họ kể từ phút giây hoà bình. Chiến tranh có thật sự diễn ra một lần trên chiến trường? Những người lính trở về cuộc sống thường nhật nhưng không thể nào hòa mình với nhịp sống bình yên. Đó là lúc một nữ xạ thủ bắn tỉa mua bánh mì nhưng quên trả tiền vì họ đã quen với chế độ cấp phát. Cô ấy rất xấu hổ và chẳng biết làm sao để thoát khỏi những thói quen quân đội. Những người đàn ông không muốn lấy những cô gái từ chiến trường trở về, những bà mẹ cũng không muốn con trai mình lấy những cô gái đó, có người còn xé cả giấy tờ để không ai biết mình từng là chiến sĩ. Dù họ là những người anh hùng – những cô gái đã hi sinh tuổi trẻ, khát khao, máu xương của mình cho tổ quốc, quê hương và cả những con người đang xa lánh họ – thế giới vẫn không chấp nhận họ, lịch sử đang bỏ quên họ chăng hay họ đã bị tước đi một thế giới? Lục địa của những người phụ nữ, điều gì ngăn cản cái sự bình thường đến với cuộc sống của họ?

“Bà không có gia đình, tất cả người thân trong gia đình bà đều đã mất. Bà sống khó khăn, bà làm thuê các công việc nội trợ để có miếng ăn. Nhưng bà không cho ai biết bà là thương binh chiến tranh. Bà đã xé hết giấy tờ quân đội của bà. Một hôm, tôi hỏi bà: ‘Tại sao bà lại xé giấy tờ đi?’ Bà òa khóc: ‘Nhưng ai sẽ lấy tôi? – Ôi, đúng rồi, bà đã làm đúng.’ Nhưng bà càng nức nở: ‘Hôm nay, tôi lại cần chúng, các giấy tờ ấy. Tôi ốm nặng. Cô có hình dung ra không?’”

Những vết sẹo là những kỉ niệm chiến tranh, khi họ bay trên đầu mục tiêu thì ở dưới là địa ngục. Khi họ bắn địch thì kẻ chết tiếp theo cũng có thể là họ. Ngày mai đó, ai còn, ai đã mất. Có người may mắn trở về, còn lành lặn đủ tay đủ chân, có thể lập gia đình, họ vẫn còn người thân, nhưng có nhiều người không may mắn như vậy, họ trở về được người thân đưa cho xem giấy báo tử, cả những người mẹ không nhận ra con của mình, có những người sống cô đơn đến lúc chết, ôm theo tháng ngày những kí ức chiến tranh…

Ngực đỏ huy chương sẽ tốt hơn hay cỏ xanh nấm mồ sẽ tốt hơn? Thực sự chiến tranh chưa từng chấm dứt, vinh quang chỉ thuộc về những người lính vĩnh viễn bị chôn sâu…

Tình yêu là sự kiện cá nhân duy nhất trong chiến tranh. Tất cả những cái khác đều là của tập thể, kể cả cái chết. Nhưng tôi đồ rằng ngay đến cả tình yêu cũng chẳng còn lại bao nhiêu chất cá nhân nữa. Từ sâu bên trong nó, có lẽ cái sự tập thể hóa, xã hội hóa đã biến nó thành một mô-típ kiểu tuyên giáo – khi tình yêu bị đem đi phục vụ mục đích chiến tranh. Dù sao thì cái vỏ tình yêu cũng thật đẹp.

Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữBạn nghĩ gì về nhan đề đó?

Ở cái vẻ bề ngoài, tôi cho rằng nhan đề hướng đến gì khác ngoài sự đề cao đến vô lý cái giá trị “đàn ông” của nam giới. Ớ đó, chiến tranh hiển nhiên không có khuôn mặt phụ nữ. Từ ngàn xưa, phụ nữ đã bị cấm (một luật bất thành văn nhưng rất hiệu quả) tham gia vào bất cứ công việc gì có tính chất xã hội: từ chính trị, quân sự cho tới chuyện học hành, khoa cử. Khi thời đại nông nghiệp thay cho thời nguyên thủy, khi hái lượm không còn là nguồn nuôi sống chính cho xã hội, vai trò của người phụ nữ bị xóa mờ đến cùng cực, và trong chiến tranh, nó hoàn toàn không hiện diện. Tôi cho rằng đó là sự bảo vệ của đàn ông dành cho phụ nữ mà sâu xa hơn, tôi đồ rằng đó là sự thương hại cho cái yếu đuối trời sinh của phụ nữ (đàn ông thường nghĩ vậy), cũng là để bảo vệ cho cái vị thế người chủ gia đình, đất nước, xã hội của nam giới. Plato từng nói rằng con người được cấu thành từ hai nửa nam và nữ, nhưng Chúa trời đã chia cắt chúng ra để rồi chúng mãi đi tìm nhau. Tôi thì cho rằng chính con người, chứ chẳng phải Chúa trời đã từ bỏ nửa kia của mình.

Ở đây có một phần là trong chiến tranh, người phụ nữ, cũng như nam giới đều cắt tóc ngắn, quân phục giống nhau, những người phụ nữ hi sinh thiên tính nữ của mình nên họ không còn là phụ nữ, mà cũng chẳng phân biệt nam nữ nữa.

Và một điều nữa, những câu chuyện ghi lại đều có tên, chức vụ của người kể, mỗi người một câu chuyện, một hoàn cảnh nhưng bạn có nhận ra rằng khi đọc chúng, ta không còn quá quan tâm đến tên tuổi, chức vụ của họ không? Những gương mặt của họ như bị xoá nhoà, dù ám ảnh về câu chuyện vẫn còn trong người đọc. Những người phụ nữ trở về thời bình thường xưng chúng tôi hơn là xưng tôi – có lẽ môi trường tập thể đã làm thay đổi họ nhiều.

Chiến tranh là thế, bao giờ cũng gieo đau thương lên mọi người, chẳng trừ một ai, nó cướp đi nhiều thứ và để lại nhiều ám ảnh. Ngày tháng máu tanh, đêm nằm mộng mị mơ về xác chết nơi chiến trường của quân thù và những người đồng đội. Bác sĩ nào có thể chữa khỏi cho họ? Họ bị bệnh gì? Họ nằm mơ những gì và có thể không mơ về chiến tranh không? Làm sao để trở lại một cuộc sống bình thường như những con người bình thường… một cách thực sự.

“Sau chiến tranh tôi mất nhiều năm để xua đi mùi máu. Nó bám theo tôi khắp nơi. Tôi giặt quần áo, tôi nấu ăn, nó vẫn ở đấy… Có ai cho tôi một cái áo sơ mi màu đỏ, thời thiếu vải ấy là của rất hiếm. Nhưng tôi không bao giờ mặc, nó khiến tôi buồn nôn. Tôi không thể đi mua đồ ở các cửa hàng nữa. Ở quầy thịt, nhất là vào mùa hè… Và nhìn thấy thịt gia cầm… Cô hiểu đấy… Nó rất giống… Nó cũng trắng như thịt người…”

Cái ta thấy và hiểu về chiến tranh tổng quát hơn là cuộc sống và cái chết. Cuốn sách một đóng góp lớn cho dòng văn học hậu chấn thương. “Mẹ kiếp, hòa bình chẳng qua là thứ cây mọc lên từ máu thịt bao anh em mình” 3. Vậy nên người lính, những người phụ nữ trở về sau chiến tranh họ lại có một cuộc chiến khác, trong tâm trí họ không có được hoà bình. Chúng ta nhìn chiến thắng bằng hào quang, vậy ai sẽ nhìn những khuôn mặt con người đây? Những người lính hay những người phụ nữ, ai cũng có quyền được hạnh phúc, họ sinh ra trên cuộc đời lẽ ra là để yêu và được yêu. Chiến tranh sau cùng nó cũng là một thử thách, nó tồn tại như sự bất tận của nhân loại vậy, có vận hành, có thay đổi, có phát triển, tất cả những vận hành đôi khi xỉn màu của lịch sử, chiến tranh trở thành bình thường của bình thường và con người đôi khi cũng chỉ là công cụ để chiến đấu. Thời đại đã tạo nên những con người như thế.

Tôi đã nói với mẹ tôi rằng tôi muốn cắt tóc ngắn, mẹ tôi không đồng ý. Thật ra tóc của tôi, tôi nghĩ mình muốn làm gì cũng được, nên… tôi đã cắt, nhưng không ngắn lắm. Vì đọc xong cuốn sách, tôi đã suy nghĩ lại khá nhiều thứ, về cả chiến tranh, về câu chuyện của những người phụ nữ đó, về tính nữ bên trong con người mình, và các thứ khác. Tôi hi vọng bạn sẽ một lần đọc nó, và viết nên cảm nhận của riêng mình.

Cảm ơn vì bạn đã đọc bài viết.

Hết.

Hoàng Anh

Chú thích:

  1. Là phần bị kiểm duyệt
  2. Bọn SS (Schutzstaffel)  “đội cận vệ” là tổ chức vũ trang của Đảng Quốc xã, mặc đồng phục màu đen nên còn được gọi là “Quân áo đen” để phân biệt với lực lượng SA là “Quân áo nâu”.
  3. “Mẹ kiếp, hòa bình chẳng qua là thứ cây mọc lên từ máu thịt bao anh em mình” là câu nói trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh.

Tất cả ảnh trong bài viết đều là của người viết.

21.06.2019


Đọc những bài viết của Hoàng Anh


Click to comment

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Phía sau trang sách

Trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình với Metahuman – Siêu nhân loại

Published

on

By

Những khi nhìn lại chính bản thân mình, những điều đã hoàn thành lẫn những điều còn dở dang, nếu đâu đó trong bạn xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực về chính mình, có lẽ tác phẩm Metahuman – Siêu nhân loại của bác sĩ Deepak Chopra sẽ giúp bạn điều chỉnh lại suy nghĩ ấy, để thấy rằng tiềm năng của con người là vô hạn.

Có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao những phim hài lãng mạn dù lặp lại các kiểu mô típ quen thuộc về câu chuyện, nhân vật thường vẫn dễ dàng thu phục được công chúng? Trong Metahuman – Siêu nhân loại, Deepak Chopra – tác giả người Ấn Độ từng được tạp chí Time vinh danh là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất ở thế kỉ 20 – đã có cách lí giải vô cùng thuyết phục dựa trên cơ chế tâm lí, ý thức về hiện thực của con người.

Dòng phim hài lãng mạn thường kể câu chuyện về một anh chàng hay cãi nhau với một cô nàng, để rồi cuối phim anh mới nhận ra cô chính là tình yêu đích thực của đời mình. Chopra cho rằng tất cả chúng ta đều yêu thích khoảnh khắc giác ngộ của nhân vật trong phim: “Giờ tôi đã hiểu rồi. Đó là người tôi yêu.”

Chính vì thực tại ta đang sống là một thứ khó hiểu, khó nắm bắt nên ta lại càng tìm được nhiều niềm vui khi chứng kiến nhân vật có thể hiểu được một vấn đề nan giải, thấy được sự thật bấy lâu nay cứ chìm khuất trong lớp sương mờ trước mắt anh hay cô ta. Và tác phẩm Metahuman – Siêu nhân loại cũng có thể mang đến cho người đọc niềm vui tương tự khi lần lượt giải mã nhiều vấn đề về hiện thực ta đang sống.

Những giới hạn của bản thân không phải là điều tiêu cực như bạn nghĩ

Deepak Chopra

Chúng ta vẫn thường quen thuộc với quan niệm thế giới chia làm hai phần gồm: vật chất và ý thức. Từ đây, hình thành hai trường phái triết học chủ đạo là duy vật và duy lí. Nhưng trong Metahuman – Siêu nhân loại, Deepak Chopra đã định nghĩa lại về thế giới. Ông cho rằng thế giới chỉ có duy nhất một thứ là ý thức, và vật chất cũng là do ý thức tạo nên. Vật chất, hay những gì chúng ta nghĩ là rắn chắc, bền vững, khó thay đổi – bao gồm cả cơ thể, tâm trí và những tiềm năng của chúng ta – kì thực đều là do ý thức quyết định. Vì thế, chừng nào ý thức còn muốn tiếp tục điều chỉnh, chừng đó tiềm năng của con người còn vô hạn và có thể mở rộng đến khôn cùng.

Nhưng trong cuộc sống hằng ngày, giới hạn an toàn lại là thứ khiến chúng ta thấy thoải mái, đồng thời đây cũng là cơ chế để bảo vệ con người. Chopra lấy ví dụ nếu một người muốn trở thành họa sĩ, anh tham dự một lớp học mĩ thuật. Giả sử lớp học đó có thể cho anh xem hết tất thảy mọi bức tranh đã được vẽ trong lịch sử nhân loại, cảm thấu được vẻ đẹp của từng bức thì khả năng cao là sau khi học xong, anh sẽ không thể vẽ được nữa. Ở đây, chính giới hạn về hiểu biết mĩ thuật có thể lại là động lực khiến người họa sĩ muốn sáng tạo.

Như vậy, bản thân sự giới hạn không phải là một điều tiêu cực. Nó chỉ tiêu cực khi bị cố định trong một cái khuôn. Ngược lại, nếu ta biết được giới hạn nhưng vẫn có nhận thức rằng biên độ của giới hạn có thể thay đổi thì tiềm năng của con người sẽ không ngừng mở rộng.

Không chỉ quá khứ, tương lai; hiện tại cũng là thứ không thể nắm bắt

Phần lớn chúng ta có một quan niệm phổ biến rằng: “Tương lai, quá khứ là thứ chúng ta không thể nắm bắt. Tương lai thì chưa đến. Quá khứ thì đã qua. Chỉ có hiện tại là thứ duy nhất ta có thể nắm bắt được.” Quan niệm này có lẽ hợp lí đến nỗi không nhiều người trong chúng ta đặt nghi vấn về tính đúng đắn của nó, hay thử tự một lần phản biện lại.

Tuy nhiên, Deepak Chopra lại có suy nghĩ hoàn toàn khác biệt về vấn đề này. Ông cho rằng không chỉ tương lai và quá khứ, ngay cả hiện tại – mà ta nghĩ là mình đang sống trong nó – cũng là thứ khó nắm bắt. Bởi lẽ, hiện tại cũng giống như sự im lặng. Khi bạn cất lời, sự im lặng biến mất; tương tự, khi bạn có nhận thức về hiện tại dù là dưới dạng hình ảnh, cảm xúc, hay suy nghĩ, nó cũng đã biến mất ở khoảnh khắc ấy, nhường chỗ cho một hiện tại khác ở ngay sau đó. Vì vậy, nếu nói rằng thực tại là thứ có thể nắm bắt thì chẳng khác nào nói là bạn có thể biết trước suy nghĩ tiếp theo của mình.

Phản biện này có lẽ cũng là tư duy nền tảng cho khái niệm về thực tế ảo được trình bày trong sách. Thực tế mà chúng ta đang sống, ta nghĩ rằng đó là một thực tế vững chắc, được kết cấu dựa trên những nhu cầu đầu tiên về vật chất, sau đó là tinh thần – thực tế ấy, hóa ra lại không vững chắc như ta nghĩ. Rất có thể, đó chỉ là một thực tế do ý thức, nhu cầu của chúng ta tạo ra, thứ mà Chopra gọi rằng đó là thực tế ảo. Để vươn đến tầm vóc siêu nhân loại, ta phải học cách vượt qua thực tế ảo ấy, hướng đến một thực tế thật – đó chính là thứ thực tế mà tác giả gọi là siêu hiện thực.

Trong Metahuman – Siêu nhân loại, Deepak Chopra không cố gắng áp đặt độc giả phải đồng thuận quan điểm của mình. Ông luôn đưa ra nhiều ý kiến, quan điểm đối lập từ những học giả, các nguồn kiến thức khác nhau về cùng một vấn đề để người đọc có thể rộng đường tư duy, tiếp nhận nhiều luồng tư tưởng, tự lựa chọn đáp án cho những câu hỏi cá nhân của chính mình. Thông qua đó, Deepak Chopra cung cấp một cách nhìn khác về hiện thực, giúp mỗi người chúng ta xua tan lớp sương ảo ảnh do tự thân tạo ra từ những định kiến, trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Nguồn: L'Officiel

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Thành phố những lục địa bay: Khi Đà Lạt không là Đà Lạt

Published

on

By

Đà Lạt luôn là điểm dừng chân lí tưởng cho những tâm hồn yêu cái lạnh. Nếu không thể đến Đà Lạt ngay lúc này, quyển sách Thành phố những lục địa bay – tác phẩm viết về Đà Lạt mới nhất của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo để người đọc tận hưởng không khí Đà Lạt ngay tại nhà.

Dù tuổi thơ gắn liền với quê hương Ninh Thuận và chỉ đến Đà Lạt khi trở thành sinh viên Văn khoa Đại học Đà Lạt, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã dành cho Đà Lạt một tình yêu tha thiết với nhiều tác phẩm ghi dấu trong lòng bạn đọc như: Đà Lạt, một thời hương xa; Đà Lạt, bên dưới sương mù; Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách Lần này trở lại với Thành phố những lục địa bay, anh tiếp tục viết về Đà Lạt với nhiều khám phá, tìm tòi mới trong nghệ thuật kể chuyện.

Vẻ đẹp thành phố sương mù hiện ra trong sự mơ hồ của chữ “và”

Trong lối tường thuật của Thành phố những lục địa bay, Nguyễn Vĩnh Nguyên đặt rất nhiều ý nghĩa trong chữ “và”. “Và” không chỉ là sự bao hàm giữa cái này và cái kia. “Và” còn có thể vừa mang ý nghĩa liệt kê, vừa mang ý nghĩa đồng thời. Chính vì vậy, những chi tiết nối liền bằng “và” theo cách Nguyễn Vĩnh Nguyên sử dụng cho người đọc cảm giác chúng có thể lần lượt xuất hiện, hoặc song song tồn tại. Sương mù hay chính bản thân Đà Lạt dường như đã trở thành một câu văn có cấu trúc gắn kết bởi chữ “và”. Ngay từ lời ghi chú ngắn ở đầu truyện, tác giả đã dụng công viết những câu văn có sự xuất hiện của nhiều chữ “và” để tạo ra cảm giác mơ hồ về ranh giới. Ta hãy thử khảo sát một vài trường hợp.

Có khi “và” đảm nhận nhiệm vụ liệt kê hai chức năng đồng thời tồn tại:
“Mặt nước cất giữ trong nó những bí mật bị vùi chôn và trang sức cho thành phố một vẻ mơ màng hư ảo. 

Có khi “và” là một trạng thái ở giữa như cách tác giả mô tả tầm nhìn của một người khi quan sát hồ nước chìm trong sương mù.
“Hồ, vì thế nằm giữa cái thấy và không thấy.”

Đôi khi, “và” còn mang nghĩa không hẳn là “cái này”, cũng không hẳn là “cái kia” như trong câu văn sau đây:
“Còn thi sĩ, anh là kẻ đã đến đây vào Thời đại Buồn nôn với sự thơ mộng và giả thơ mộng được vẽ vời và phóng đại.”

Như vậy ở đây, Đà Lạt hiện ra là một thành phố vừa thơ mộng, vừa không hẳn thơ mộng. Chính vì không có tính chất nào vẹn toàn thuộc về chủ thể – chủ thể ở đây có thể hiểu là cả một thành phố –  nên mới cần có nhiều chữ “và”. “Và” như một phương thức để khẳng định thành phố luôn mang trong mình từng tính chất đã được liệt kê, nhưng đồng thời cũng không hoàn toàn nắm giữ trọn vẹn bất kì tính chất nào. Chính vì lẽ đó, tác giả đã đưa ra nhận định chung về hình ảnh Đà Lạt được tái hiện trong Thành phố những lục địa bay là: “Đà Lạt chính là Đà Lạt. Nhưng Đà Lạt cũng không là Đà Lạt.”  

Trò chơi giữa có và không khiến người đọc say mê

Những chuỗi truyện trong Thành phố những lục địa bay cho người đọc thấy một điều rằng: Sự thật và giai thoại luôn đan xen lẫn nhau về cùng một đối tượng. Ở tác phẩm này, hồ nước chính là khởi nguồn cho mọi sự nhòa lẫn, bất phân định về ranh giới.

Có lẽ, tác giả chọn hồ làm đối tượng để khởi đầu tác phẩm cũng vì hồ là thứ có thể phản chiếu như gương, tạo ra phiên bản thứ hai của thế giới, tạo ra lằn ranh giữa thực và ảo. Hiểu theo cách đó, ta có thể thấy rằng hồ cũng có nhiệm vụ tương tự như chức năng ngữ pháp của chữ “và” trong cấu trúc câu. Nếu “và” là cầu nối trên câu chữ thì “hồ” chính là một phóng chiếu sang hình ảnh của “và”, là sự gắn kết giữa những miền “thực” và “ảo” trong tác phẩm. Và vì vậy, với tác giả, hồ là: “Một thứ nước đôi, không chắc hư cấu, cũng chẳng hiện thực.” 

Hầu hết những con người xuất hiện trong tác phẩm đều vô danh, họ chỉ được gọi bằng các chức danh nghề nghiệp như: thi sĩ, nhà nhân học, quy hoạch gia, chàng nhạc sĩ, nhà thám hiểm, ngài khâm sứ, đan sĩ, hoàng đế, nhà biên khảo, nhà văn… Bằng cách đó, con người hòa vào những địa danh vốn cũng không được đặt tên riêng trong tác phẩm như: Hồ, Suối, Thác, Đồi, con đập…

Giữa những mơ hồ về thân phận của con người và nơi chốn, nước – một “nhân vật” vô danh khác trong tác phẩm – lại nổi lên như một đối tượng dẫn lối cho tất cả mọi thứ. “Nước đã xuyên qua vách ngăn của da thịt, để con người trở nên trong suốt và tự do.” Có lẽ vì thẩm thấu được mọi thứ nên nước dường như là phương tiện duy nhất có thể xuyên qua vách ngăn phân định giữa thực và ảo được tạo ra bởi những lớp sương mù – vốn cũng là thứ thoát thai từ nước mà thành.

Và theo dòng chảy của nước, trò chơi giữa có và không trong Thành phố những lục địa bay cứ thế diễn ra khoan thai, chậm rãi, nhưng nhiều day dứt. Tuy nhiên, dẫu có nhiều màn sương mơ hồ được giăng ra, người đọc cũng sẽ khó mà hoặc thậm chí là không muốn thoát ra khỏi thứ khiến mình đang băn khoăn ấy. Bởi lẽ, bằng chính việc không chối bỏ sự mơ hồ, dần dần ta sẽ nhìn rõ được mọi thứ. Thành phố những lục địa bay chính là một cái nhìn thấu suốt về Đà Lạt giống như thế.

Nguồn: L'Officiel

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Tiếng Kiều đồng vọng: Thế giới như một khoảng không chật hẹp

Published

on

By

Sự tổn thương sẽ mang lại những tia lấp lánh cho con người trưởng thành dường như chưa bao giờ là bài học cũ kĩ. Tiểu thuyết Tiếng Kiều đồng vọng (tên cũ Mưa ở kiếp sau) của Đoàn Minh Phượng chính là tiếng vọng đến từ một cuộc đời như thế.

Tiếng Kiều đồng vọng kể về cuộc đời của Mai. Mai sinh ra và lớn lên với mẹ Liên ở Hà Nội. Từ nhỏ, cô không biết cha mình là ai và luôn mong muốn được gặp cha. Cơ hội cuối cùng cũng đến khi dì Lan – em gái của Liên từ Huế vào Hà Nội thăm hai mẹ con đã tiết lộ cho Mai địa chỉ của cha Mai ở Sài Gòn. Từ đây, Mai phải lựa chọn rời xa tổ ấm để lên nơi phồn hoa đô thị nhiều cạm bẫy dối trá với ước vọng được đón nhận tình yêu thương từ cha mà bấy lâu cô thiếu thốn.

Trưởng thành từ sự tổn thương

Ảnh: Facebook Tao Đàn

Thông qua hành trình tìm cha của Mai, ta còn thấy xuất hiện một hành trình khác, cũng quan trọng không kém: hành trình tìm lại bản ngã của chính cô - một người luôn bị mắc kẹt trong những câu hỏi thuộc về quá khứ. Có lẽ, khi người ta bắt đầu học cách đưa ra câu trả lời cho những nghi vấn trớ trêu mà số phận đặt ra, dù tiếng vọng cuối cùng chưa hẳn là một đáp án tiệm cận nhất với sự thật thì rốt cuộc, ta cũng dần tiến đến sự trưởng thành bản ngã - thời khắc cái tôi cá nhân phải tự phá vỡ vỏ trứng bảo bọc an toàn tưởng chừng vững chắc như một thành trì nhưng hóa ra lại chỉ mong manh như một làn sương dệt từ những mơ hồ bất quyết. Chỉ khi thành trì ấy sụp đổ, làn sương ấy lùi lại phía sau con người vừa bước ra từ sự tổn thương, chính khi ấy ta mới có thể nhìn rõ hơn thế giới với trọn vẹn hương sắc của nó. Tiếng Kiều đồng vọng chính là tiếng vọng đến từ một cuộc đời như thế. Sự tổn thương sẽ mang lại những tia lấp lánh cho con người trưởng thành dường như chưa bao giờ là bài học cũ kĩ.

Nội dung cơ bản của Tiếng Kiều đồng vọng có nhiều yếu tố tương tự với bộ phim Hạt mưa rơi bao lâu do Đoàn Minh Phượng làm đạo diễn và biên kịch, sản xuất năm 2005. Cả hai người con trong tác phẩm này đều không rõ cha mình là ai, đều tự thân tìm hiểu câu chuyện quá khứ vì cùng có người mẹ trung thành tuyệt đối với sự im lặng. “Những kỷ niệm khác nằm trong niềm im lặng của mẹ tôi, niềm im lặng dài hai mươi hai năm, dài bằng đời tôi và nửa đời của mẹ.” Mai đã từng cảm thán như thế về sự im lặng của mẹ. Im lặng là một từ khóa quan trọng, được lặp lại nhiều lần trong Tiếng Kiều đồng vọng. Bản thân Hạt mưa rơi bao lâu cũng có tên phim trong tiếng Anh là Bride of Silence. Như vậy, có thể thấy rằng, sự im lặng hay thân phận của người phụ nữ bị mất tiếng nói trong xã hội là chủ đề có sức ám ảnh lớn với tác giả Đoàn Minh Phượng. Khi những người con sống dưới cái bóng im lặng của người mẹ, họ càng có thôi thúc mạnh mẽ hơn trong việc đi tìm câu trả lời cho một quá khứ bất minh. Thoát khỏi sự im lặng, tự cất lên tiếng nói cho chính mình – đó là một trong những bước đầu tiên để trưởng thành, như cách Mai đã dứt khoát nói với mẹ vào ngày cô rời đi rằng: "Con hai mươi hai tuổi, con trưởng thành đã bốn năm rồi mẹ."

Nước bao bọc kí ức để tiếng nói được cất lên

Ảnh: Facebook Tao Đàn

Mưa ở kiếp sau (tên cũ của Tiếng Kiều đồng vọng) là một tiêu đề gợi hình; trong khi đó, Tiếng Kiều đồng vọng lại là một tiêu đề gợi âm. Thử tìm cách lí giải sự thay đổi này, ta sẽ nhận ra một số điều thú vị.

Ở phần mở đầu tác phẩm, Đoàn Minh Phượng có trích dẫn lời bài hát Within you, Without you của nhóm The Beatles do George Harrison sáng tác với phần lời như sau:

“Ngày sẽ đến khi em nhận ra chúng ta đều là nước.
Cuộc đời trôi bên trong em và bên ngoài em...”

Câu gốc bài này trong tiếng Anh là:

“And the time will come when you see we're all one.
And life flows on within you and without you.”

Thông qua đó, có thể thấy tác giả đã có dụng ý khi thay “one” bằng “nước”. Nước rõ ràng là một hình ảnh rất quan trọng với Đoàn Minh Phượng trong tác phẩm này vì bản thân “mưa” ở tiêu đề cũ cũng là một yếu tố thuộc nước. Vậy dưới ngòi bút của tác giả, nước mang ý nghĩa gì?

“Một câu chuyện không có lời giống như một cơn mưa không có giọt nước từ trời. Tôi sẽ đi tìm lời cho những gì tôi biết.”

Như vậy, nước trong tác phẩm này tượng trưng cho “lời,” cho kí ức – là điều Mai luôn tìm kiếm, đồng thời cũng là điều bao bọc Mai như cách cô ví von: “Tôi còn là loài cá đầu to nằm còng queo trong lòng đại dương chật hẹp, trong bụng của người mẹ chửa hoang.” Vì “sự im lặng” của mẹ Mai là nguồn cơn khởi phát cho hành trình của Mai nên có thể xem như “nước” – một  hiện thân của “lời” – chính là đích đến, đồng thời là phương tiện để Mai hiện thực hóa mục tiêu của mình.

Do đó, so với Mưa ở kiếp sau, Tiếng Kiều đồng vọng là một tiêu đề thể hiện sự chuyển biến tích cực. Mai không còn chờ “mưa”/ “lời giải đáp” ở kiếp sau nữa, cô tìm nó ngay trong kiếp này để cất lên thành một tiếng vọng, phá tan sự im lặng của mẹ cô, của những phận nữ nhi bị mất đi tiếng nói ở thế hệ trước.

Một giọng văn mềm mại nhưng ngầm cuộn sóng bên trong

Tiếng Kiều đồng vọng vẫn kể chuyện theo lối tuyến tính, nhưng khi trình bày các sự kiện diễn ra trong cái khuôn đó, Đoàn Minh Phượng vẫn cho phép dòng tự sự của nhân vật chảy miên man tự do, đi đi về về giữa quá khứ và hiện tại. Chính vì thế, dòng chảy tâm thức của nhân vật tuy được giọng văn mềm mại dẫn dắt nhưng vẫn ngầm cuộn sóng bên trong bởi lẽ chỉ cần rẽ qua một bước ngoặt nhỏ, sự kiện đau lòng nào đó trong quá khứ lại đột ngột ập đến; hoặc ngược lại, khi đang đắm chìm trong hồi tưởng êm đềm, bất thình lình hiện thực phũ phàng xâm chiếm và hủy hoại ta. Người đọc như bước đi trong mê cung, chỉ có thể tri nhận thế giới như một khoảng không chật hẹp trước mắt, không thể biết điều gì sẽ chờ đợi mình trong ngã rẽ kế tiếp.

Ở một thế giới mơ hồ thì những cái tên - vốn dĩ là phép định danh chống lại sự mơ hồ - càng được Đoàn Minh Phượng dụng công để có thể hòa quyện trong bầu không khí hư ảo. Ta có thể thấy tác giả không vội vàng giới thiệu tên họ, lai lịch đầy đủ của nhân vật ngay từ đầu theo lối kể chuyện tiểu sử quen thuộc. Nhân vật hiện lên thoạt tiên với những tâm tư, cuộc sống ập ngay trước mắt độc giả. Những thông tin bên lề sẽ đến sau. Mãi đến chương bốn, trong đoạn đối thoại với mẹ, người đọc mới biết nhân vật chính tên Mai. Nếu để ý kĩ, ta sẽ thấy hầu như những nhân vật trong truyện đều có tên gắn với một loài hoa: Mai, Liên, Lan, Quỳnh... Và Chi - một nhân vật đặc biệt trong tác phẩm này thì tên cô lại có nghĩa là “cành”, không phải là loài hoa đích thực mà có thể là cành cho bất cứ loài hoa nào.  

Những giấc mơ cũng là một yếu tố quan trọng trong Tiếng Kiều đồng vọng. Thông qua đó, Đoàn Minh Phượng xây dựng một thế giới tổn thương, quái lạ với những buổi tiệc kì dị của giới nhà giàu, có phần nào đó mang không khí tương đồng buổi tiệc của hội kín quí tộc mà Stanley Kubrick đã đặc tả rất kĩ lưỡng trong phim Eye Wide Shut (1999).

Sống trong thế giới hiện đại, những cô Kiều dưới ánh sáng thị thành dường như không còn giữ nổi tâm trí tỉnh táo. Họ hồ như đều có chung một dòng máu điên loạn và chỉ biết lặng nhìn dòng chảy ấy trôi qua nhiều kiếp người. Vì vậy, tiếng kêu của họ có thể không đứt ruột như người xưa do nỗ lực chôn vùi cảm xúc, nhưng lại trở thành những tiếng vọng được cộng hưởng vào nhau nên còn mãi ngân nga rất lâu sau khi Tiếng Kiều đồng vọng đã kết thúc.

Đọc bài viết

Cafe sáng