Phía sau trang sách

Call Me By Your Name: Còn gì để kể ngoài tiểu thuyết tuổi mới lớn?

Tại sao lại là “gọi em bằng tên anh”? Đó là “anh” đang thuyết phục “em” trong một nụ cười buồn hay “em” đang gợi ý cho “anh” trên đôi môi sau nụ hôn vui đây?

Published

on

Tôi tin vào một câu của các bạn trẻ “Huấn luyện viên thì không ra sân” và mù quáng cộng thêm niềm tin vào cả cái mệnh đề ngược của nó. Ít có nhà văn nào thực sự nổi lên khi đang trong giảng đường hay làm ngành báo chí in ấn. Họ đều là những gã tay ngang bộc phát trong một cơn hoành hành của xúc cảm và diễn tiến tâm lý phức tạp tiềm ẩn. Cứ viết rồi được tung hê. Nhưng André Aciman là một ca thú vị nhưng không hoàn toàn là quá hiếm, và ông cũng không phải thực sự kinh điển gì cho lắm để mà lôi ngành nghiệp ra làm thú đặc biệt. Thực sự, cách mà André đến với ta mới đáng kinh ngạc. Đọc tiểu thuyết đầu tay của ông, ta chắc ngẩm đây là của một tay viết trẻ trung năng nổ, mới vào nghề và lập cú đúp như kiểu Old Town Road đây, nhưng không. Lần giở tiểu sử và ông khiến kẻ đọc rong chơi như tôi ngạc nhiên khi một nhà báo, giảng viên và học giả như ông lại lấn sân một cách đáng sợ như vậy. Và cú đúp Call Me By Your Name là điều phải có, là thứ nội lực ông đã tiềm tàng trong Out of Egypt, về một tính văn chương bùng nổ hơn, đi nguy hiểm hơn so với khi vận áo vest quần tây lên giảng đường và tốn nước bọt (tôi thích cà khịa những vị giáo sư kiểu vậy, nó vui). Đó là giọng văn trữ tình, lai láng ẩn sau cuốn hồi ký đạt giải Whiting trên, và một loạt truyện ngắn vô danh (với tôi, với độc giả Việt Nam) nữa. Gọi em bằng tên anh xuất hiện không quá bất ngờ với những ai đã theo dõi hoặc biết ông thầy này.

André Aciman trong buổi phỏng vấn với Charles Shafaieh.
Nguồn ảnh: Kinfolk Magazine

André Aciman đủ sức biết mình đang làm gì khi từ một ông giáo làng ngoan ngoãn (mà sau này là giáo New York, giáo Princeton) chuyên viết các loại bài xã luận, khảo cứu sang hồi ký, rồi tiếp tục đánh một cú home-run vào các tầng lớp khán giả thấp hơn một tí. Như một sự tính toán kiểu Haruki, và hoàn hảo thay, ông tới với độc giả trong con mắt ngưỡng mộ chỉ với một cuốn gay-fiction: Call Me By Your Name. Con người đó đủ sức tạo ra một sự mê hoặc đáng kể khi thể hiện nó dưới cú pháp viết tương tự của Proust, một nhà văn ông biết rõ hơn ai hết. Rõ ràng, trong Gọi em bằng tên anh, ông ta hiểu rõ một tiểu thuyết diễm tình thì sẽ khác với hồi ký như thế nào. Ta hiếm thấy một cuốn gay-fiction nào được nhắc tới và biết đến rộng rãi như tác phẩm này của André: ở quê nhà với cả truyện lẫn phim bom tấn khuấy đảo giới LGBT+ và ở Pháp, cái nôi của sự lãng mạn, nơi cuốn này được đọc đi đọc lại bởi hàng chục ngàn người mỗi năm và in đi in lại mệt nghỉ.

Nói Call Me By Your Name diễm tình từ ngay cái bìa (của Trẻ lẫn của Farrar, Straus and Giroux) không ngoa, nhưng có lẽ ta sẽ chọn mua bởi vì cái tên sặc mùi ngôn tình giới trẻ. Tại sao lại là “gọi em bằng tên anh”? Đó là “anh” đang thuyết phục “em” trong một nụ cười buồn hay “em” đang gợi ý cho “anh” trên đôi môi sau nụ hôn vui đây? Sở dĩ, quá nhiều câu hỏi được đưa ra xoay quanh cái tựa khá romantic lần mới này – nó gợi ý ta về một cuốn ngôn tình còn ướt át hơn Sài Gòn mấy ngày mưa.

Nhưng ngay từ lúc đầu tiên, André đã chứng tỏ mình không thuộc đẳng cấp đó. Một đẳng cấp cao hơn (hoặc chống chế để lắt léo hơn). Sở hữu một cốt truyện cũ nhạt, tình yêu giữa Elio – mười bảy tuổi, con của một gia đình chữ tràn cả ra ao và Oliver – một học giả luyên thuyên về chữ nghĩa và Heraclitus. Có vài yếu tố ngoại cảnh và có vẻ lãng mạn nữa xen vào, nhưng ý định của André chắc chắn là không để cốt truyện thêm drama tí nào, chỉ là họ cần thiết được đặt ở đó. Ông bà Pearlman, già Anchise, dì Mafalda, con bé Chiara, đứa bé bệnh bạch tạng bị bắt đội mũ vành rộng ngồi trên tảng đá Vimini,… Họ không được đưa vào với nghĩa vụ làm kịch tích cốt truyện, xoắn não gì, họ ở đó để làm rõ ràng tình yêu của hai người trẻ này, thứ mà chính tác giả luôn nỗ lực làm cho mờ đi bằng ngôn từ dài dòng kiểu Proust của mình (!?).

1. Trong tấm gương của Proust, đọc Gọi em bằng tên anh.

“Tuyệt nhiên có thứ gì bắt đầu sớm sủa hơn tôi nghĩ rất lâu, một sự dao động tôi cũng không nhận ra được. Bạn thấy ai đó, nhưng thực sự bạn đâu có thấu, anh ta như núp sau sân khấu hoành tráng, sau tấm mành. Hoặc bạn có thể để ý anh ta, nhưng chẳng có thứ gì xảy ra nữa, dù nắm bắt hay đuổi dạo cũng không. Chỉ chớm khi bạn nhận thức được sự hiện diện ấy hoặc điều làm bạn băn khoăn đôi chút thì sáu tuần đã trôi qua như gió, đến lúc anh đi rồi hoặc sắp sửa đi, và bạn đành vật lộn để chấp nhận rằng đã có một điều gì đó vô thức nung nấu hàng tuần ngay dưới mũi bạn, có đầy đủ triệu chứng của thứ bạn buộc phải gọi là tôi muốn. Bạn hỏi tại sao tôi lại không biết? Tôi biết khát khao là gì, nhưng lần này, nó trượt qua tôi hoàn toàn. Tôi mải kiếm tìm nụ cười ma mãnh đột nhiên bừng lên trên gương mặt anh khi đoán được tôi đang nghĩ gì, trong khi thứ tôi thực sự muốn giờ đây chỉ là da, chỉ là da, hoặc da trên da.”

– Trang 15, Gọi em bằng tên anh1

“Linh hồn của Marcel Proust đóng đô ở đây… “, Erich Ormsby (who?) đã nhận xét như thế và tôi đồng ý. Với một người thích Proust, tôi không biết ông này muốn khen hay muốn khẩy (tôi nghĩ là khen vì khẩy đời nào người ta cho vào đầu sách), nhưng thực sự, chất của Proust một phần làm nên sự thành công trong lòng người đọc của cuốn truyện này. Ở đó, ta bắt gặp những dòng ý thức tràn từ trang này sang trang khác, chương này sang chương khác bằng suy nghĩ miên man của Elio. Cấu tứ hoàn toàn toại nguyện, cách huy động trạng từ một cách triệt để trong cuộc đối thoại với cái mặt thứ ba (khán giả). Tác giả huy động tới hơn năm trạng từ kiểu Conrad rất phiếm chỉ và ít cần thiết trong một đoạn văn nhỏ trên: really (thực sự), by completely (hoàn toàn), suddenly (bất chợt),… hay chuyển đổi cảm giác một cách lý tính, đều là phong cách của Đi tìm thời gian đã mất. Elio có quyền, André có quyền hành người đọc của mình vật ra bằng những dòng văn không đầu không cuối, và toàn là những tư liệu hình như là quá ít và quá cá nhân để ta có thể tựa vào một cốt truyện vững chãi. Đó đơn giản chỉ là một buổi chiều và thằng trai tơ này nhìn vào các loại màu quần của “crush” và suy nghĩ, hoặc là chỉ cảm tác về một từ “gặp sau” ở cả chục trang phân đều ra các chương trong toàn tiểu thuyết. Và tiếp tục, ông lại kéo ta vào trong màn mưa mịt mờ của ngôn từ khi đưa cho chúng ta quá nhiều kiến thức hàn lâm: văn học, ngôn ngữ học, hội họa, nhạc lý. Ý tôi là, Elio chủ ý gì khi cứ một tí lại có một đoạn ta cảm giác ta quá ngu để hiểu một số kiến thức khá hàn lâm (với tôi). Điều này, trôi qua tôi như nước lũ mùa hạ và tuột luốt sang bờ biển Địa Trung Hải ngay lần đọc đầu tiên. Tại sao ông già này lại phải hành tôi bằng Heraclitus, bằng Liszt, Bach, Monet, apricot, mimish, bằng tiếng Đức, tiếng Ý? Ông đang cố chứng tỏ điều gì với một độc giả tầm tệ như tôi thì tôi chẳng biết, nhưng tôi đã vứt ngay cuốn sách khi có vài đoạn y như André nói chưa đã trên giảng đường và bê nguyên đống sắt đó vào trong tôi.

Nhưng trong một ngày đẹp trời nào đó, tôi nhận ra, chúng ta không cần phải hiểu tất cả những gì André viết, ta chỉ cần cảm. Đó là một hiệu ứng khá tâm lý, kiểu Freud hoặc Jung gì đó. Đại loại, thủ pháp khi đưa lần lượt và từ từ vào đầu người cảm nhận một số loại kiến thức khó hiểu cùng với nhân vật và cốt truyện (dù ít) thì tạo ra một hiệu ứng mù mờ (blur effection) trong văn chương. Ta chỉ có thể để ý những chi tiết nhỏ để lộ về cảm xúc và từ dân dã mà tác giả bỏ nhỏ ra, để quyết định cấu tứ chủ đạo của phân cạnh. Rõ ràng, ông rất khéo léo khi mà không chỉ đem lại sự mù mờ và vô định trong tác phẩm (đối với nhân vật) mà còn đem những cảm xúc thực với (đối với người thưởng thức). Và điều này thú vị thay, khi ta như có được một phần đồng cảm mà không phải là con người quá đa cảm đa sầu. Tức là ông ta đã tính toán theo hai chiều song song, nếu bạn chai sạn, bạn rơi vào lưới mù mờ vì bạn chỉ đi phân tích xem ở đây ông ta ý đồ gì; nếu bạn đa mang, bạn lọt một lần hai hố: ngôn từ tú lệ và hiệu ứng kể trên. Chỉ khi nó trôi qua bạn và vô hiệu khi bạn nắm được tất cả kiến thức tác giả bung ra (hơi khó). Nhưng nói gì thì nói, André chỉ là một người phân tích tập tành ứng dụng lý thuyết, là Proust con. Tính thô cứng của một vị giáo sư đôi khi làm tôi không khỏi chán chường với những đoạn ý thức dài dằng và không thể nào đọc nổi. Mà dù có đọc cũng chỉ thấy mệt mỏi thêm. Ở đây, tôi xin phép lấy những trang đầu tiên của chương ba (Hội chứng San Clemente) làm dẫn chứng khá là bi quan. Trong khi chương liền trước (Gò vẽ của Monet) với đoạn cuối làm tôi khá hài lòng, và nếu được tôi chỉ muốn cắt phần đầu của chương ba để gắn vào đuôi chương này. Ta thấy cuối chương hai, người kể là Elio bỏ lửng và kể ít về chuyến tàu làm tốt hiệu ứng gây tò mò, thì chương ba, ông này lại phá đi cái tính nghệ thuật đã dày công xây từ trước, chỉ để một vài dòng ý thức vô vị chán chường. Trong khi tôi cần Rome, thì anh kể về xe. Tôi chán văn anh. Đối với Proust, ta can tâm tình nguyện đọc ngàn trang Đi tìm thời gian đã mất vì ở đó ông ta làm ta mãn nguyện khi bị vật bởi ngôn từ hào phóng và quyến rũ, nhưng nếu ông tiếp tục làm như thế thì chẳng khác nào làm độc giả mệt mỏi. Và tôi thì quá lười biếng để chịu đựng quá ba bốn trang.

2. Tính điện ảnh của Call Me By Your Name và sự tương tác giữa phim và truyện.

Như trên tôi đã nói, Gọi em bằng tên anh đủ sức thu hút giới trẻ bằng những khung cảnh và phân đoạn được dàn dựng thơ mộng như điện ảnh Hollywood, một mỹ cảm đẹp đẽ xa lạ đầy lôi cuốn:

“Tôi đã say đắm cái kiểu thời tiết tháng Tám. Thị trấn vắng vẻ và yêu kiều hơn thường lệ bởi vì kỳ nghỉ, nhất là trong những tuần lễ cuối cùng của tháng mùa. Lúc ấy, những cư dân rời thủ phủ của mình cho những ngày ‘la vacanze’, và những đợt du hí theo mùa thường đem khách của họ rời khỏi trước bảy giờ tối. Tôi đã yêu những buổi chiều hơn hết, mùi của những loài hương thảo, cái nóng râm ran, những loài thiên di bằng đôi cánh, hay những loài ở lại với tiếng kêu hè còn sót. Thân cọ đu đưa tấm hình dìu dặt, sự im lặng vắt qua cõi thế như tấm khăn choàng lụa lanh mỏng tanh khi nắng sớm làm ta phải kinh hãi. Tất cả những thứ này làm việc thả bộ xuống bãi biển và trở lại phòng tắm trên lầu thêm phần ý vị. Tôi cũng đã thích việc nhìn chung quanh ngôi nhà mình từ sân tennis và tưởng tới những nơi ban công vắng nhúng mình trong ánh nắng chiều hôm, biết từ ai trong số bọn họ, bạn có thể phát hiện ra biển là vô tận. Ban công của tôi, mênh mông thế giới của tôi. Từ chỗ tôi đang ngồi bấy giờ, tôi có thể kể: đây là sân tennis, kia là mảnh vườn, vườn quả mọng của chúng tôi, kho chứa đồ của chúng tôi, nhà cửa, và những thứ ở thấp hơn là cầu gỗ bước ra mé sông, cũng của chúng tôi, những thứ tôi cần và tôi quan tâm đều hiển lộ ở đây. Gia đình, đàn nhạc, sách báo, dì Mafalda, Marzia, và anh, Oliver.”

– Trang 260-261-262, Gọi em bằng tên anh

Timotheé Chalamet trong một cảnh phim Call Me By Your Name
Nguồn ảnh: nme.com

Rõ ràng, tác giả đem tới một phong các ngụ tình kiểu Jane Eyre khi miêu tả chính xác tâm cảnh khi đan xen hình cảnh, mà ở đó quá đẹp khi dàn trải trong trí tượng tượng. Cách chọn bối cảnh là một mùa hè Địa Trung Hải nóng bỏng nhưng trải dài với những bãi bờ lau sậy và đường cỏ phơi phới làm câu chuyện có vẻ đầy sôi động và cháy bỏng. Ta có những le vancaze (kì nghỉ dài), rosemary (cây hương thảo), the sway of palm fronds (cái đu đưa của những lược lá cọ), empty balconies bask in the sun (những hành lang vắng tắm nắng), limitless sea (biển vô tận). Hay cao cấp hơn với phép liên tưởng độc đáo: dải lụa lanh như một sự im lặng phủ mờ cảnh sáng nóng kinh hãi, con đường vào nhà với lối kiến trúc cổ xưa mà nhạc piano làm chuẩn,… Một cách chuẩn xác thay, tĩnh và động nhịp nhàng kết hợp với tính từ đặt trước đem lại thứ văn chương màu mỡ về chất dựng hình. Nhưng tempo truyện dường như chậm và không nhịp nhàng bắt khớp với bối cảnh thuần điệu. Ở đó, hoạt động của các nhân vật luôn cũ cổ, rất chậm rãi và thong dong: cảnh làm bếp, cảnh những con phố xe qua,… Điều đó làm rối nhiễu tư duy tiếp cận và buộc ta phải lựa chọn một đức tin chính; và đa phần, ta chọn cảnh trầm lắng, chầm chậm, thong thả. Đó là tư duy rất điện ảnh, rót vào người xem những phong cảnh đẹp mà chậm, đủ để người ta có thời gian chiêm ngưỡng và thưởng nguyện sự tưởng tượng được khơi mào rất tốt của chính mình.

Chủ nghĩa hoàn hảo được ứng dụng trong phép dựng cảnh. Bối cảnh hiện ra đôi lúc phi lý trong cách đưa vào thực tế (đôi khi các cảnh trí được bố trí một cách phi logic nếu trải lời văn ra mặt đất), nhưng nó hướng tới một mục đích cao cả hơn, tạo mỹ cảm cho người đọc cảm nhận được chất hoàn hảo mà tác giả cố gắng đem lại. Và cũng là đất để nhân vật tự do thể hiện tình cảm và hoạt động theo tuyến tính chia nhỏ của mình. Chúng phù hợp cho nụ hôn, chúng phù hợp cho cái ôm bởi vì cách thúc đẩy họ, một động lực vừa đủ, vừa vặn. Đôi khi ta bắt gặp chủ nghĩa hoàn hảo tương tự như Oscar Wilde, trữ tình thuần túy của Walt Whitman, nhất là khi Elio nghĩ về Oliver sau những giờ hạnh ngộ trĩu nặng tâm tư.

Như Chicago Tribune3 đã thống kê, gần nửa số người đọc Call Me By Your Name sau khi đã xem qua phim hai đến ba lần. Dễ dàng hiểu được, phim tạo mới sức vang quá lớn và lời PR to chưa hề có cho cuốn tiểu thuyết này của André. Thắng giải Oscar, cảnh quay quá đẹp và lãng mạn, dàn cast thủ vai nhập tâm cùng bộ phận xử lý âm thanh thiên tài làm ta phải tìm đến ngọn nguồn của bộ phim để mà đọc truyện. Nhưng nó mang lại một hiệu ứng khác, hiệu ứng mà có lẽ André đã mong chờ và Luca Guadagnino đã đoán được. Tư duy tưởng tượng về khung cảnh và nhan sắc định hình nhân vật bị chặn đứng vì có người đã nghĩ giùm ta, nhưng nó hoàn toàn đẹp đẽ và chẳng ảnh hưởng gì mấy. Cảnh phim sát với cảnh truyện, và André chắc mãn nguyện vì sự thiếu hụt này, Luca chặn đứng tưởng tượng của người đọc tốt, và tôi thích bị chặn bởi những cảnh phim và dàn cast như vậy.

Nói như vậy không có nghĩa là một nỗi thiệt cho những người tiếp cận truyện bằng phim, André không thể lường trước truyện mình mười năm sau khi viết lại được tung hê đến vậy, ông đã tự tính cho mình bằng những cách viết rất điện ảnh, rất hiển lộ đã kể trên. Và khi đã có phim, tôi cũng nghĩ đó là một sự trợ giúp đáng khen ngợi từ phía tác giả trong việc nỗ lực để người đọc tự suy nghĩ ra bối cảnh bằng những trang viết gợi ý có vẻ khá dài và khá đẹp.

3. Gọi em bằng tên anh liệu có phải là một bước đi bốc đồng không?

Tôi nghĩ lý trí của một kẻ đứng giảng đường cùng cái đầu lạnh của André không cho phép ông lơ là dù ta đang đòi hỏi một câu chuyện thực sự khêu gợi và thả dòng cho tự trôi tự chảy. Dù có những đoạn dường như chỉ có cảm xúc mới thi triển được thì ông chen vào đó gần như là lý trí để mó tay thêm thắt một vài thứ nghệ thuật tâm lý học. Có thể đổ cho bệnh nghề nghiệp nhưng nó tạo cho ta nhiều thứ còn vui hơn để cảm xúc thành dòng như vậy.

Không phải trùng hợp và đột nhiên mà cả mấy cuốn sách về chủ đề này luôn để nhân vật ở độ tuổi tầm mười bảy, mười tám đổ lại. Dường như ở đó, con người ta tập trung đủ mọi cảm xúc khi yêu đương. Có thể một chút hân hoan kiểu nhục cảm khi kề trái ngọt bên môi, sợ sệt vì bị phát hiện hoặc lo lắng, bồn chồn đến kinh hãi. Elio cũng vậy, từ ghét chuyển sang yêu, qua một đêm chuyển sang ghét và nỗi đau chuyển hóa không ngừng nghỉ sang mọi dạng thức khác nhau của tính sợ cô đơn của một kẻ chớm trưởng thành. Ở cậu có một cảm xúc khác, sự chiến đấu giữa lý trí và tình cảm. Với sự hiểu biết về tình yêu và ý thức được Oliver là ai và sẽ thuộc về đâu, cậu chống lại toàn bộ cảm xúc của mình. Gây ra một sự mâu thuẫn đáng yêu. Luôn muốn yêu thật nồng nhiệt nhưng biết chắc chắn càng nồng nhiệt sẽ càng đau đớn về sau. Nỗi tiềm thức sợ đau đớn và nỗi cô đơn và mong muốn yêu hết mình xâm lấn không ngừng nghỉ, biến đổi linh hoạt bằng dòng tâm tư không rõ làm người đọc không biết mình đang ở đâu trong dòng chảy đó.

Với tôi, một con người cổ hủ truyền thống tập bú mớm truyền thông, tôi ưa thích cảnh Elio và Chiara làm tình trên gác. Tôi bất ngờ về cảnh đó vì nó đáng lý phải đặt ở chỗ sớm hơn hoặc trễ hơn một tí. Khi nỗi đau không có hoặc nỗi đau quá lớn thì sẽ giải thích một cách dễ dàng hơn: bằng lý lẽ là phủ nhận hoặc phủ lấp khoảng trống. Nhưng việc đưa vào chính giữa tập hợp được cả hai lý lẽ trên. Đó là, khi tình cảm của mình với Oliver đã rõ mươi mười, Elio sử dụng Chiara như một que thử thai. Nhưng không thử bằng nước tiểu mà thử lòng mình, ta có thể hiểu nỗ lực đó là sự xác nhận lại bản thân mình, hoặc bất lực của một thân xác, hoặc trần trụi hơn, sự lên ngôi của tính dục và mong muốn chiếm hữu lên cao.

Tiếp theo, khi hai người đã có nhau, tình yêu đó được làm rõ bằng một buổi làm tình với nhau đầy khoái cảm thì ta bất ngờ bị chính Elio đánh ót. Tâm lý lại biến chuyển thành sự ghê tởm chính người tình trong mơ của mình. Đó là thứ mặc cảm độc hại, nó sẽ xâm chiếm và ta sợ nó sẽ không kiềm chân được một khách bộ hành như Oliver. Ta thấp thỏm lo sợ, nhưng sau đó André làm ta thở phào. Họ tiếp tục, họ lại yêu nhau bằng những tuần cuối cùng ngắn ngủi.

Thứ dụng ý nghệ thuật tôi thấy thú vị nhất mà André cố tình chen lý trí vào dòng tâm tưởng chính là đoạn chia tay. Ông ta không để Elio yên bằng một cuộc tiễn đưa Oliver, mà chính Elio sẽ phải bị bỏ lại trong sân ga đầy mùi nước uế và tạp phẩm, nhìn chuyến tàu đó đi xa mãi. Họ lao vào cuộc chia tay tạm bợ, cái bẫy trêu ngươi đầy dụng ý của tác giả, thỏa mãn và vui thú ở Rome, San Clemente, hội quán sách trong một nỗi chia lìa sắp tới. Niềm vui họ có ở Ý đã quá lớn, Elio rồi phải bị bỏ lại và ký ức đó sẽ tấn công cậu chàng và phương hại anh ta trong nỗi đau của người ở lại.

Đến đây, khi tới tận cùng của nỗi đơn côi và dòng tâm tưởng miên man của Elio, ta bỗng nhận ra sự thiếu hụt tư liệu cảm xúc của Oliver. Ta nhận ra ngôi thứ nhất thuộc về Elio chặn đứng nỗ lực ta tiếp cận với đối phương bên kia. Oliver bản thân đã là một vùng đất khó tiếp cận, ngôi một lại không thuộc về anh và không quá đi sâu về anh ta, làm ta cảm giác mù mờ trong tâm lý anh này. Hai mươi năm sau đó, cảm xúc này được đưa lên đỉnh điểm bằng một cú sốc mà ta tưởng sẽ chẳng bao giờ xảy ra: anh này cưới vợ và tái ngộ Elio. Hai người đã là hai ông già, và đến như thế thì ta vẫn thiếu thông tin về nhân vật chính này. Chỉ biết đó là một người đã có vợ, già nua xấu xí và khú đế, một kẻ tư tưởng hết thời.

Như thế, với một cốt truyện không mới và cách thể hiện dường như thuộc về tay của một nhà văn đi trước hơn trăm năm, nhà văn cũng biết cách tạo cho mình những lối đi riêng khá an toàn bằng sự tính toán của mình. Ông đủ vững chãi để dắt mũi người đọc đi qua con đường zigzag tâm lý của Elio, một cách đủ, đầy, và nên như vậy. Một sự khảo cứu chất lượng, ấn tượng và rõ ràng, bậc thầy.

4. Call Me By Your Name – Có vượt qua giới hạn của truyện tuổi mới lớn?

Tôi nghĩ là không. Xin lỗi phải từ chối mọi nỗ lực đem truyện tuổi mới lớn lên một tầm cao mới kiểu Salinger hay Charles Dickens thì tôi sẽ vẫn coi đây là một tiểu thuyết cho giới trẻ. Thật sự, André chưa có một cốt truyện thực sự ấn tượng và mang tính biểu tượng để có thể truyền cảm hứng và bật dậy mạnh mẽ như Bắt trẻ đồng xanh từng làm, cũng chẳng có sự tinh quái và twist độc đáo của David Copperfield. Nó nên hợp để dạy trẻ con xác định tâm lý, hoặc đọc để mà cảm động và du hành qua mọi cung bậc cảm xúc và sự mỹ mãn của thế giới tác giả dày công xây dựng. Vượt qua mọi tính nghệ thuật và ngôn từ khéo léo, tính tư tưởng và biểu tượng không cao của truyện làm nó sẽ lướt qua những người khó tính như bốn chai Aquafina hai lít nước mỗi ngày. Nhưng dù sao, Call Me By Your Name là một địa chỉ hay ho dễ cưng cho những người tìm tới văn học gaylit, nó đưa văn học trẻ đến với những mỹ cảm sâu xa hơn về tính dục, tình yêu và ý thức chiến đấu giữa lý trí và tình cảm. Và có lẽ, nó sẽ để qua trong lòng ta một thứ gì đó gọi là rung cảm, vì những điều tinh túy nhất tác giả đã cài vào, Find Me cũng phải tìm những tinh túy khác để thoát ra khỏi bóng của người anh trước. Song, tôi chân thành xin lỗi cả André lẫn Colm Tóibín khi nếu lần tới đây, khi tôi thấy Giovanni’s Room chung hàng với Call Me By Your Name, tôi sẽ lén tay để cuốn của André xuống một hàng, hoặc James lên hai hàng. Nếu nhà sách chịu. 

Hết.

Gia Bin

Chú thích:

  1. Mọi trích dẫn đều từ bản sách Call Me By Your Name của nhà xuất bản Picador. Phần biên dịch do người viết tự thực hiện dưới sự tham khảo bản dịch của Nhật Khoa.
  2. Theo bài viết ‘Call Me by Your Name’ review: At long last, first love của Chicago Tribube.

Đọc tất cả những bài viết của Gia Bin.


Bài viết có chủ đề liên quan



Phía sau trang sách

Sứ đoàn Iwakura và những người phụ nữ đầu tiên rời khỏi Nhật Bản

Published

on

Sứ đoàn Iwakura là một phái đoàn ngoại giao quan trọng của Nhật Bản được thành lập vào năm 1871, nhằm mục đích tìm hiểu về các quốc gia phương Tây, thu thập kiến thức về công nghệ, khoa học, và hệ thống chính trị của các quốc gia này để áp dụng vào việc cải cách Nhật Bản.

Phái đoàn này được tổ chức dưới sự lãnh đạo của Iwakura Tomomi, một quan chức cao cấp của chính phủ Minh Trị. Được đánh giá là một trong những sự kiện lớn nhất của lịch sử châu Á cuối thế kỷ 19, sứ mệnh Iwakura chủ trương “Bunmei kaika” (văn minh khai sáng) đã chuyển sức mạnh của lưỡi gươm samurai sang năng lực của trí tuệ. Sứ đoàn gồm khoảng 100 thành viên, trong đó có nhiều nhân vật chính phủ cao cấp. Ngoài số kể trên còn có các du học sinh phục vụ cho việc thông dịch, thông tin. Họ đã đi thăm Hoa Kỳ và hàng chục các quốc gia châu Âu khác nhau như Anh, Pháp, Đức, Áo, Ý, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển và Nga.

Bản đồ quãng đường đã đi của sứ đoàn Iwakura. Ảnh: Digital museum of the history of Japanese in New York.

Đoàn cũng có nhiều nữ sinh trẻ tuổi theo du học, phục vụ cho việc giáo dục phụ nữ sau này. Trong số những người thuộc sứ đoàn có năm cô gái rất trẻ tham gia vào chuyến đi. Chuyến công du này đã thay đổi vận mệnh của từng người trong số họ nói riêng và cả dân tộc Nhật Bản nói chung.

Năm cô gái đồng hành cùng Sứ đoàn Iwakura gồm: Tsuda Umeko, Nagai Shigeko, Yoshimasu Ryoko, Yamakawa Sutematsu và Ueda Teiko. Trong đó, nhỏ nhất là Tsuda Umeko, lúc đó chỉ mới 6 tuổi, lớn nhất là Ueda Teiko và Yoshimasu Ryoko, 14 tuổi. Trong chuyến công du này, họ không có quyền quyết định theo ý mình mà phải nghe theo sự sắp xếp của cha mẹ và gia đình để đến một vùng đất xa lạ, gánh trên vai trách nhiệm lớn lao với nước nhà.

Trước khi được đưa sang Mỹ, họ không được học tiếng Anh hay văn hóa để thích nghi với môi trường sống ở nước ngoài. Đặt chân lên đất khách, họ bị báo chí bủa vây và gọi là "những cô công chúa kỳ lạ đến từ phương Đông". Những cô gái trẻ cảm thấy lạc lõng, cô đơn và sợ hãi khi tiếp nhận nền văn minh mới. Tệ hơn, sau đó họ phải tách nhau ra và được gửi đến các nhà nuôi dưỡng khác nhau. Sau một thời gian, hai người chị lớn tuổi nhất dần không chịu được cuộc sống ở nơi đất khách quê người và được đưa trở lại về quê nhà. Ba cô gái còn lại bao gồm Yamakawa Sutematsu, Nagai Shigeko và Tsuda Umeko đã kiên cường trụ lại, chăm chỉ nỗ lực học tập và làm nên lịch sử. Họ chính là ba trong số năm người phụ nữ đầu tiên rời khỏi Nhật Bản và cũng là những người phụ nữ thành công nhất thời Minh Trị.

Tsuda Umeko

Tsuda Umeko sinh ra trong một gia đình quan chức và được cử tham gia vào Sứ đoàn Iwakura sang Mỹ du học vào năm 1871 khi chỉ mới 6 tuổi. Dù phải học cách tự lập khi còn quá nhỏ, bà đã nỗ lực không ngừng và tốt nghiệp Học viện Aarcher Institute. Bà về nước vào năm 1892 và làm giáo viên dạy tiếng Anh của trường chuyên dành cho các nữ quý tộc.

Umeko đã dành cả cuộc đời mình để cống hiến cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục nữ giới. Năm 1900, với sự trợ giúp của hai người bạn, bà mở trường Joshi Eigaku Juku (Trường Anh ngữ cho nữ sinh), chính là tiền thân của Đại học Tsuda hiện nay. Những cống hiến lớn lao của bà đã được chính phủ Nhật Bản ghi nhận, hình ảnh của bà cũng được in trên tờ tiền 5000 yên phát hành vào năm 2024.

Nagai Shigeko

Nagai Shigeko sinh năm 1862 trong một gia đình quan chức Mạc phủ Tokugawa. Năm 1871, bà được đưa sang Mỹ sinh sống và học tập tại nhà của nhà sử học John Stevens Cabot Abbott. Năm 1878, bà nhập học trường Nghệ thuật tại Đại học Vassar và theo học chuyên ngành âm nhạc.

Khi trở về nước, bà kết hôn với Uryu Sotokichi và trở thành một trong những những giáo viên dạy piano đầu tiên ở Nhật Bản. Bà cũng là một trong những người sáng lập, dạy âm nhạc phương Tây tại Đại học Nghệ thuật Tokyo.

Yamakawa Sutematsu

Yamakawa Sutematsu sinh ra trong một gia đình Samurai truyền thống hỗ trợ Mạc phủ Tokugawa trong Chiến tranh Boshin. Gia đình bà ở phe thua trận trong cuộc nội chiến cuối cùng kết thúc thời kỳ Samurai của Nhật Bản và rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Để giảm bớt miệng ăn trong nhà, người anh trai đã tự ý quyết định đưa bà tới Mỹ mà không hỏi ý kiến của bà.

Ở Mỹ, bà đã cố gắng học tập và đạt thành tích xuất sắc, sau đó ghi danh lịch sử khi trở thành người phụ nữ có học vị cao nhất Nhật Bản lúc bấy giờ. Bà là người phụ nữ Nhật đầu tiên có bằng Đại học.

Sau khi tốt nghiệp, bà học thêm về nghiệp vụ y tá và trở về Nhật Bản vào tháng 10 năm 1882. Khi trở lại quê nhà, Sutematsu gặp khó khăn trong việc giao tiếp khi không thể đọc hoặc viết tiếng Nhật. Sau đó, bà kết hôn với Oyama Iwao. Khi chồng bà được thăng chức, bà được cũng thăng cấp theo và trở thành Công chúa Oyama vào năm 1905. Thuở ấy, bà là một người có địa vị cao trong xã hội. Bằng kiến thức của mình, Sutematsu đã tư vấn cho Hoàng hậu về các phong tục phương Tây. Bà cũng sử dụng vị trí xã hội của mình để kêu gọi, quyên góp cho giáo dục phụ nữ. Bà là người góp công lớn trong việc thành lập nên Đại học Tsuda cùng với hai người bạn Tsuda Umeko và Nagai Shigeko.

Yamakawa Sutematsu, Nagai Shigeko và Tsuda Umeko đã mang kiến thức học được từ chuyến đi cùng Sứ đoàn Iwakura để truyền bá cho nữ giới ở quê nhà. Họ cùng nhau thực hiện một kế hoạch lớn lao, đó là mở trường học dành cho phụ nữ thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. Dù ngay từ lúc bắt đầu đã gặp rất nhiều khó khăn, nhưng họ vô cùng quyết tâm và đã thành công. Họ là những người đã đặt nên nền móng để xây dựng nên nền giáo dục vì phụ nữ tại Nhật Bản, phất lên ngọn cờ chiến đấu vì nữ quyền, quyền được học tập làm việc, theo đuổi đam mê của bản thân.

Phỏng theo bài viết của Ái Thương trên Kilala.vn

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Patrick Hogan: “Những gì xảy ra ở Việt Nam sẽ không ở lại Việt Nam”

Published

on

By

Mockup_Mua_xuan_vang_lang_Mua_thu_chet_choc_cua_chien_tranh_VN

Patrick Hogan đóng quân tại miền Nam Việt Nam từ tháng 9.1966 đến tháng 6.1969 tại Cam Ranh (Khánh Hòa). Sau khi giải ngũ, ông được bổ nhiệm vào Sở cảnh sát Teaneck với tư cách là nhân viên thực thi pháp luật. Vào năm 2012, sau khi nghe bài phát biểu của cựu Tổng thống Barack Obama về chiến tranh Việt Nam, ông bỗng cảm thấy vô cùng cấp bách để điều tra về việc phơi nhiễm chất độc màu da cam và những hóa chất mà chính quyền Mỹ đã rải xuống Việt Nam trong giai đoạn này.

Khi bắt đầu nghiên cứu, ông chưa từng nghĩ mình sẽ chạm đến những bí mật khổng lồ về các loại hóa chất này. Nhưng sau cái chết của người bạn và cũng là cựu chiến binh Larry White, ý tưởng về Mùa xuân vắng lặng - Mùa thu chết chóc của Chiến tranh Việt Nam đã ra đời. Tác phẩm vừa được Phương Nam Books và NXB Thế giới ấn hành, qua việc chuyển ngữ của dịch giả Nguyễn Văn Minh. Cuộc phỏng vấn sau đây sẽ nói nhiều hơn về tác phẩm ông đã “thai nghén” trong nhiều năm qua.

- “Mùa xuân vắng lặng - Mùa thu chết chóc của Chiến tranh Việt Nam” nói về điều gì, thưa ông?

- Đây là câu chuyện về chiến tranh, câu chuyện về sự giận dữ và cuồng nộ, một cuốn biên niên sử được viết trong đau buồn và hy vọng. Đó là câu chuyện của vô số cựu binh từng phục vụ tại Việt Nam. Đó là một cuốn sách đi sâu vào các hóa chất chết người đã được sử dụng trong suốt cuộc chiến và ảnh hưởng của chúng lên các cựu binh. Nhiều trong số đó vẫn đang được sử dụng trên khắp nước Mỹ, thậm chí cho đến ngày nay. Đó là hành trình phơi bày mọi điều mà chính phủ Hoa Kỳ chưa từng và chưa bao giờ muốn phơi bày ra ánh sáng.

- Điều gì đã truyền cảm hứng cho ông viết về chiến tranh Việt Nam?

- Thực ra tôi chưa bao giờ nung nấu ý định trở thành nhà văn. Cuốn sách ra đời trong một hoàn cảnh gần như ngẫu nhiên. Điều tốt nhất tôi có thể làm gần nửa thế kỷ sau chiến tranh là viết lại “sự phản bội” mà chúng tôi nhận được khi bị buộc phải tiếp xúc với thuốc trừ sâu độc hại và những điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh Việt Nam. Tất cả là nỗ lực đưa ra ánh sáng những gì đã xảy ra ở đó để chúng sẽ không bao giờ có khả năng lặp lại với các thế hệ quân nhân mới, với cả gia đình và con cháu họ, thậm chí là cả cháu chắt nữa.

Mùa Xuân Vắng Lặng - Mùa Thu Chết Chóc Của Chiến Tranh Việt Nam

Ban đầu, việc viết sách hay trở thành tác giả là điều xa vời trong tâm trí tôi. Tuy nhiên, ngay sau khi tôi từ Việt Nam trở về, cha tôi đã thúc giục tôi nộp đơn yêu cầu bồi thường khuyết tật lên Bộ Cựu chiến binh (DVA) vì những vấn đề y tế mà tôi gặp phải trong thời gian phục vụ quân ngũ. Tôi bắt đầu quá trình này không mấy nhiệt tình và nhanh chóng bị cuốn hút bởi cuộc sống dân sự mới.

Tôi không truy tầm lại chúng suốt nhiều thập kỷ, cho đến vào một ngày tháng 5 của năm 2012, sau khi xem Tổng thống Barack Obama phát biểu về sự khủng khiếp của Chiến tranh Việt Nam, thì điều gì đó trong con người tôi bất chợt “sống dậy”. Từ đó dấn thân nghiên cứu và điều tra mối liên hệ nhân quả giữa vô số vấn đề về sức khỏe và việc tôi bị phơi nhiễm chất độc màu da cam ở Việt Nam.

- Ông có thể chia sẻ về quá trình nghiên cứu của mình không? Đâu là khía cạnh thú vị nhất?

- Nghiên cứu của tôi kéo dài vài năm vì sự phức tạp của tất cả các hóa chất độc hại mà chúng tôi đã tiếp xúc và tương tác. Càng điều tra, tôi càng nhìn lại và cân nhắc tất cả những sinh mạng đã bị rút ngắn một cách không cần thiết - bị lấy đi, bị hủy diệt và chết dần mòn do việc sử dụng tràn lan thuốc trừ sâu. Tôi tức giận và quyết tâm hoàn thành cuốn sách.

Chúng tôi không chỉ bị phơi nhiễm chất độc màu da cam mà còn vô số hóa chất độc hại chết người. Thật đáng xấu hổ khi có biết bao nhiêu sinh mạng đã thiệt mạng trong nửa thế kỷ qua mà không ai biết sự thật về chúng. Một trong những điều hối tiếc lớn nhất của tôi là đã mất quá nhiều thời gian để thức tỉnh và viết cuốn sách này.

- Ông là một cựu trung sĩ. Điều này đã ảnh hưởng đến việc viết như thế nào?

- Việc là một sĩ quan cảnh sát và điều tra viên đã nghỉ hưu thực sự có ích trong giai đoạn nghiên cứu và viết nó ra. Thực ra, tất cả kinh nghiệm sống của tôi đều được phát huy trong quá trình viết sách.

- Về thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ được sử dụng trong giai đoạn ấy, ông có nghĩ rằng tác động của chúng đã dần giảm đi trong những năm qua?

- Cuốn sách không chỉ thảo luận về các hóa chất đã được sử dụng ở Việt Nam mà còn về tất cả các loại thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu độc hại được dùng trong chiến tranh nói chung. Thật không may, ngày nay hầu hết mọi người đều tin rằng chất độc màu da cam là loại thuốc trừ sâu duy nhất mà chúng ta bị phơi nhiễm. Sự thật là chiến tranh Việt Nam đã bị chính phủ biến thành một chiến dịch truyền thông sai lệch nhằm hạ thấp hoặc phớt lờ tất cả các hóa chất khác mà chúng ta đã tiếp xúc ở đó.

- Ông cũng trích dẫn nhiều thông điệp tích cực từ “Kinh Thánh”. Vì sao trong một nghiên cứu đầy cuồng nộ vẫn có những niềm hy vọng như thế?

- Đối với tôi, ở cả thời điểm này, tôi vẫn khó có thể hiểu được động cơ của tội ác ấy, cũng như sự vụ che giấu trong nhiều thập kỷ. Nhưng dù thế nào thì vẫn có ánh sáng trong ngày tăm tối. Hy vọng trong tương lai những hồ sơ này sẽ được tiết lộ, và tội ác sẽ không xảy ra thêm lần nào nữa với thế hệ quân nhân khác.

- Xin ông chia sẻ khía cạnh thách thức nhất khi viết cuốn sách này là gì?

- Đó là nỗi buồn cá nhân khi viết câu chuyện của Larry – bạn tôi, và quay lại khoảng thời gian tôi ở Việt Nam cũng như rất nhiều căn bệnh mà tôi đã mắc trong những năm qua.

Patrick Hogan

Hồ sơ chính thức của chính phủ Hoa Kỳ ghi nhận hơn 58.280 quân nhân Hoa Kỳ đã chết ở Việt Nam. Đó là thương vong cuối cùng của cuộc chiến đó. Ngoài ra, có trên 300.000 quân nhân được ghi nhận là bị thương và tàn phế. Tuy nhiên, những số liệu thống kê nghiêm túc đó lại không ghi nhận hàng chục nghìn binh sĩ, thủy quân lục chiến và thủy thủ đã thiệt mạng, bị thương và bị thương tật do thuốc trừ sâu sử dụng ở Việt Nam. Ai sẽ ghi lại sự hy sinh và cái chết của họ? Mặc dù tôi không mong đợi cuốn sách của mình sẽ thay đổi những số liệu thống kê, nhưng tôi hy vọng có thể giúp ích một phần nào đó cho thế hệ tương lai.

- Ông có bao giờ rơi vào tình trạng bị bí ý tưởng?

- Không. Bản thảo ban đầu của cuốn sách dài khoảng 400 trang, ngoại trừ câu chuyện của Larry và việc hồi tưởng lại thời gian tôi ở Việt Nam thì mọi việc diễn ra suôn sẻ.

- Ông có phải là một tác giả có kỷ luật hay có lịch trình cụ thể không?

- Tôi tự coi mình là một tác giả có kỷ luật, nhưng ngay cả vậy tôi cũng thường mang theo tập giấy và bút vì sẽ có những cảm hứng sẽ đến bất chợt. Đặc biệt là sau sự tương tác căng thẳng của tôi với Bộ Cựu chiến binh (DVA) và vòng xoay hành chính.

Đọc thêm nội dung sách: tại đây!

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Khán giả học – vai trò của người xem phim

Published

on

Kevin Goetz và Darlene Hayman nghiên cứu tâm lý người xem nhằm lý giải sự thành bại của các phim Hollywood, trong sách "Khán giả học".

Cuốn sách xuất bản trong nước, Phương Nam Book phát hành, đưa ra cách tiếp cận mới khi khảo sát những điều khán giả chờ đợi ở một bộ phim. Hai tác giả đi sâu vào bóc tách tâm lý của khán giả trong 10 chương, từ đó đưa ra sự đúc kết về tầm ảnh hưởng của người xem đối với điện ảnh.

Kevin Goetz cho rằng những lời góp ý, nhận xét sẽ làm thay đổi diện mạo phim. Phản hồi từ khán giả trong các buổi chiếu thử có thể giúp tác phẩm được quảng bá rộng rãi, thậm chí nâng cao chất lượng về mặt nghệ thuật lẫn doanh thu. Goetz lấy ví dụ: "Tờ giấy khảo sát sau khi xem phim có khối lượng chưa đến 100 gr, song lại mang sức mạnh tựa như cú móc hàm phải của võ sĩ Tyson".

Sách có đoạn: "Qua nhiều năm, các nhà nghiên cứu và những người dày dặn kinh nghiệm trong ngành công nghiệp điện ảnh đều biết rõ, thước đo then chốt cho mức độ hấp dẫn của bất kỳ bộ phim thương mại nào cũng được xác định bởi các điểm số xuất sắc và rất hay mà phim nhận được từ phản hồi của khán giả tham dự buổi chiếu thử".

Bìa sách Khán giả học, tựa gốc Audience-ology: How Moviegoers Shape the Films We Love. Tác phẩm dày 364 trang, do Thanh Vy biên dịch. Ảnh: Phương Nam Book
Bìa cuốn "Khán giả học", tên gốc "Audience-ology: How Moviegoers Shape the Films We Love". Sách dày 364 trang, do Thanh Vy biên dịch. Ảnh: Phương Nam Book

Trong sách, hai nhà nghiên cứu thuật lại quy trình của buổi chiếu thử, từ việc chọn khán giả dựa theo số liệu nhân khẩu học, tiêu chí chọn địa điểm công chiếu, đến những khoảnh khắc trong phim khiến người xem bật cười hay òa khóc. Goetz nhấn mạnh việc lấy khảo sát từ khán giả có thể giúp biên kịch, nhà sản xuất và đạo diễn lược bỏ chi tiết thừa hoặc thêm yếu tố mới, nhằm đẩy câu chuyện lên cao trào, đồng thời giúp phim đạt hiệu quả tốt nhất.

Những lý giải nhằm chứng minh công việc sáng tạo giống như trò chơi "đỏ đen" có tên là tâm lý học. Sau buổi công chiếu thử, tiếng vỗ tay, hò hét hay phản ứng khóc, cười từ khán giả có thể trở thành tín hiệu dự báo mức độ thành công.

Tác phẩm còn cho thấy nền điện ảnh không chỉ có bề dày lịch sử, các đạo diễn gạo cội, phim bất hủ, mà là một ngành khoa học phải đối mặt với nhiều thử thách. Goetz đưa chuyện thực tế trong các buổi chiếu thử phim nhằm giúp độc giả có cơ hội chứng kiến hậu trường Hollywood từ nhiều khía cạnh.

Goetz mời một số nhân vật nổi tiếng để chia sẻ trải nghiệm của họ với các buổi chiếu thử, gồm chủ hãng phim Blumhouse Jason Blum, đạo diễn Ron Howard và nhà sáng lập công ty Illumination Chris Meledandri. Theo Variety, sách cũng cung cấp góc nhìn về tác động của khán giả đối với bản dựng phim cuối trước khi công chiếu, như trong một số tác phẩm biểu tượng Fatal AttractionThelma & Louise và Cocktail.

Tác giả cuốn Khán giả học: Kevin Goetz (trái) và Darlene Hayman. Ảnh: Simon & Schuster
Tác giả cuốn "Khán giả học": Kevin Goetz (trái) và Darlene Hayman. Ảnh: Simon & Schuster

Khán giả học nhận nhiều ý kiến tích cực từ giới chuyên môn. Theo trang Goodreads, sách được viết với giọng văn hài hước, pha lẫn kịch tính và bất ngờ, mang đến cho độc giả cái nhìn mới về lịch sử điện ảnh. Trang tin tức A Frame của giải Oscar xếp tác phẩm là một trong những cuốn sách phải đọc về điện ảnh hiện đại.

Cựu chủ tịch hãng phim Sony Amy Pascal đánh giá tác phẩm gây ấn tượng khi mang đến câu chuyện ngoài lề thú vị ở Hollywood. "Tôi ước quyển sách này xuất hiện lúc tôi bắt đầu sự nghiệp trong ngành điện ảnh", Pascal cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Chủ tịch Sony Pictures Entertainment Motion Picture Group - Tom Rothman - nhận xét: "Thấu hiểu những gì khán giả thực sự nghĩ không phải là điều dễ dàng. Và Kevin là bậc thầy trong việc lắng nghe người xem, như những gì được tiết lộ trong quyển sách của anh".

Kevin Goetz là nhà sáng lập công ty nghiên cứu phim Screen Engine, có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điện ảnh. Anh cũng là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ, Hiệp hội các nhà sản xuất phim Mỹ. Sách đầu tay của Goetz Khán giả học ra mắt lần đầu năm 2021.

Darlene Hayman là nhà phân tích nghiên cứu thị trường phim ảnh ở Mỹ, cộng tác với Kevin Goetz hơn 15 năm. Cô nổi tiếng vì hỗ trợ các đạo diễn trong việc nắm bắt thị hiếu khán giả, góp phần tinh chỉnh tác phẩm trong giai đoạn cuối quá trình hậu kỳ.

Theo Vnexpress

Đọc bài viết

Cafe sáng