Phía sau trang sách

Lưỡng giới: Thế đối ngẫu trác tuyệt

Những chuyện lớn chẳng bao giờ phụ thuộc vào tôi. Được sinh ra, ý tôi là thế, và chết đi. Và tình yêu. Và thứ mà tình yêu để lại cho chúng ta từ trước khi chúng ta chào đời.

Published

on

Chi tiết tác phẩm

Lưỡng giới đặt ra một thế chênh vênh cho người đọc hệt như tên gọi của nó. Ngập tràn trong những trang viết của Jeffrey Eugenides là những xung đột đè nén ở cả ngoại biên lẫn bên trong nội hàm. Dùng sự thiếu hụt enzyme 5-alpha-reductase ở nhân vật chính – Calliope Stephanides – Jeffrey lần về nguồn cội của hội chứng thiếu hụt nhiễm sắc thể như đầu mối khởi đầu cho tiểu thuyết này. Từ những mâu thuẫn nội hàm nằm riêng bên trong duy một cá thể, ông lần ngược quá trình sinh-rã tế bào theo chuyển động của dòng lịch sử, rồi từ đó tái hiện lại thế giới duy trên trang viết – thế giới của những đối ngẫu vẫn luôn hàm chứa trong mình. Lưỡng giới mang dáng vóc của một sử thi, khi nó không chỉ là chuyện của một cá nhân, mà đồng thời còn là những cú ngoặt lịch sử, là những đối kháng vẫn luôn hàm ẩn, và cũng là những đối nghịch vẫn luôn tồn tại bên trong bản thể con người, như lối thích nghi, như cách kình chống với cuộc đời này.

Những nhập nhằng về giới

Như từng chia sẻ trong bài phỏng vấn với tờ The New Yoker, Jeffrey viết Lưỡng giới dựa trên cảm hứng từ cuốn Memoirs of a 19th Century French Hermaphrodite của Michael Foucault, và điều này cũng giải thích cho lý do vì sao ông lại chọn một nhân vật đầy đặc biệt như Calliope làm trung tâm cho tiểu thuyết này. Bản thân Calliope mang trong mình đặc điểm của cả hai giới, và có lẽ thông qua nhân vật này, liệu Jeffrey muốn khắc họa một cách hài hòa những khác biệt và xung đột tiềm ẩn vẫn luôn nằm trong hai dạng bản giới? Khoan hãy nói về nhân vật chính với những chi tiết đặc biệt, ở một mặt nào đó, Lưỡng giới dường như đã làm rất tốt khi khai thác thấu đáo những khía cạnh đối xứng cơ bản. Ông tách biệt những cá thể đại diện vô cùng rõ ràng: nếu Desdemona, Sourmalina hay Tessie đầy những âu lo rào trước đón sau trong suốt chiều dài tiểu thuyết; thì phía bên kia: Lefty, Zizmo hay Milton lại vô cùng phóng khoáng trong phong cách sống. Hiếm có một tiểu thuyết gia nào chịu từ bỏ cái tôi cá nhân để trung hòa các nhân vật của mình, biến họ thành số đông và đại diện cho một mẫu lớn mà hy sinh đi cá tính riêng. Ở đây, Jeffrey dường như đã làm được điều này. Ông viết về những người đàn ông và những người đàn bà vô cùng trung dung, họ trơ trơ ra đấy nhưng vẫn mang trong mình những vốn liếng riêng tư. Ở bề nổi thể hiện ra ngoài, với ông, họ vẫn là những tiêu bản thí nghiệm vô cùng sơ khai. Như mâu thuẫn trong việc mang thai, ông viết cho những người đàn ông: “Việc mang thai hạ thấp vai trò của các ông chồng. Sau một tí tự hào đàn ông chóng vánh thoạt đầu, họ nhanh chóng nhận ra cái vai trò bé nhỏ mà tự nhiên phân cho họ trong vở kịch sinh nở”. Còn trong khi đó, về phía những người phụ nữ, mà Desdemona như một đại diện, họ lại thấy rằng: “Không ra khỏi giường, bà thơ thẩn lang thang trên các hành lang tối của việc mang thai, vấp phải xương của những phụ nữ đã đi qua lối đó trước bà. [..] Desdemona bắt đầu biết đến những phụ nữ này về mặt cơ thể, chia sẻ nỗi đau và cơn thở dài, nỗi sợ hãi và sự chở che, cơn thịnh nộ rồi kỳ vọng của họ”. Để rồi sau này ông giải thích hai mặt giới tính bằng những nấc thang tiến hóa: “Tại sao đàn ông không biết giao tiếp? (Bởi vì họ phải im lặng khi đi săn). Tại sao phụ nữ giao tiếp tốt như vậy? (Bởi họ phải gọi nhau để biết trái cây và hạt ở đâu)”. Lưỡng giới thật sự là một khảo cứu đi sâu (riêng về mặt văn chương) bản chất hai giới vô cùng lý thú.

Quay lại với Calliope, việc mang trong mình sự thiếu hụt thứ enzyme chết tiệt ấy làm đời cô xoay vòng như chiếc lá chực chờ rơi xuống. Ở một mặt nào đấy, Jeffrey cung cấp cho ta những đặc trưng đương lúc cô vẫn mang bản dạng giới nữ; và sau đó là lúc cô đã trở thành Cal. Những sự giằng xé trong con người ấy như cuộc kình chống dưới sức ảnh hưởng của hai giới tính, chênh vênh và đầy chìm nổi. Với tiểu thuyết này, ta thấy rất rõ Jeffrey không can thiệp quá sâu vào trong tâm lý nhân vật, ông chỉ ở đó cung cấp bằng chứng và tiểu thuyết hóa những bằng chứng này. Những lát cắt về trò tò mò với Clementine Starks lúc nhỏ hay những câu chuyện ái tình với Đối tượng sau này; tất cả thể hiện một tính nữ không thể chối bỏ ở Calliope dưới con mắt vô cùng thấu đáo khi quan sát của ông. Dĩ nhiên việc đòi hỏi một tác gia không có bất cứ một điểm chung nào (hay chưa từng trải qua bước ngoặt nào như nhân vật chính) khai thác tình tiết một cách toàn diện là điều không tưởng. Và do đó, Jeffrey chọn cho mình đường hướng quan sát tỉ mỉ thay vì miêu tả tâm lý. Sự chọn lựa này đôi khi thông minh nhưng cũng đồng thời chính là góc chết rất dễ nhận ra cho ai mong đợi điều gì đó hay ho hơn thế – vụ nổ Big Bang trong tâm trí Calliope hay cuộc nổi dậy của những giằng xé nội tâm chẳng hạn. Nhưng dù thế nào đi nữa, Jeffrey đã hoàn thành rất tốt vai trò của mình khi dẫn dắt người đọc men bờ vực thẳm giữa những chênh vênh của nhân vật chính, không hoàn toàn toàn diện nhưng lại rõ ràng và khá đầy đủ.

Một điều rất đáng nhắc tới và làm nên sự cuốn hút khôn cưỡng của Lưỡng giới nằm ở chính Jeffrey. Ông đã có trước một nhân vật mang rất nhiều mặt để mà khai thác, có một bối cảnh trải dài qua ba lục địa; và cuối cùng để thêm vào sự thành công chung, ông góp phần mình đạo diễn để cuốn phim ấy bắt đầu ghép nối. Ta thấy một sự cố gắng của Jeffrey khi luôn tìm những mạch nguồn mới dẫn dắt câu chuyện. Ngôi thứ nhất và thứ ba chen nhau kể chuyện như những cú lia máy mà đi cùng đó là những chuyển cảnh vô cùng mãn nhãn. Đôi lúc theo nhịp quả bóng khúc côn cầu, đôi chỗ là những tua ngược theo cơn đột quỵ của Lefty, rồi những đời xe Cadillac đi cùng thăng trầm của nhà Stephanides,… tất cả tạo ra một sự dẫn dắt mới lạ nhưng lại ngăn nắp đầy tính biểu tượng. Đọc Lưỡng giới, ta dễ dàng bắt gặp một sự tương đồng với “phù thủy văn chương” Salman Rushdie, khi cả hai cùng theo đuổi lối viết thả trôi suy nghĩ đi theo mạch truyện. Jeffrey xây dựng Lưỡng giới theo lối đồng hiện – những chuyện cũ và mới đan xen lẫn nhau, đôi khi ông tạt ngang những dòng xưa cũ bằng chuyện đương thời; rồi cũng có khi ông từ đương thời quá giang về lại quá khứ chỉ bằng một mảnh trí nhớ hay một hình tượng. Chỉ khác ở chỗ, như đã nói trên, Lưỡng giới được kết cấu như một cuốn phim, và một khi đã làm thành phim thì kịch bản đã chực chờ sẵn. Jeffrey chuẩn bị kĩ càng cho từng phân cảnh nên dẫu có trôi đi đâu thì đó cũng là những sắp xếp được toan định trước. Bỏ đi râu ria lởm chởm, xen lẫn đồng hiện, rất tiện theo dõi mà không nhạt nhòa.

Nếu là một bộ phim, Lưỡng giới hoàn toàn có thể là cuốn hài kịch đen (humour noir) khi đồng hành cùng cái chua chát của Calliope là giọng giễu nhại của Jeffrey trong từng chi tiết nhỏ. Giả dụ như khi nói về sự đồng hóa văn hóa những năm 60, ông dùng hình ảnh vô cùng tượng trưng “nồi lẩu Anh ngữ Ford” để khắc họa nên cái xung đột giữa văn hóa bám sâu gốc rễ với những thói quen Tây phương; hay như Zizmo khi đối mặt với lối phân biệt chủng tộc cũng đã lên tiếng châm biếm bọn lợn da trắng thế này: “Từ cái hồi bọn Ăng lô Xắc xông còn mặc da thú thì dân Hy Lạp đã xây đền Partheon còn dân Ai Cập xây kim tự tháp rồi đấy”; và cả chi tiết cuộc điều tra về mối liên hệ giữa thức ăn Địa Trung Hải với việc kéo dài tuổi thọ trong khi Desdemona già cỗi chỉ mong mở lối đi vào thiên đàng,… Jeffrey không quá câu nệ vẻ đẹp hoa mỹ trong từng chi tiết tác phẩm mình, ông tha hồ buông ra cho nó hòa vào văn hóa đại chúng, văn hóa hippie, vào khu ổ chuột tồi tàn Black Bottom – nơi chứa thứ “văn hóa lùn” và lối sống phóng túng. Bằng sự thả mình không màng vẻ đẹp ấy, Lưỡng giới không chỉ là cuốn tiểu thuyết của riêng Calliope, mà nó dường như còn là áng sử thi của thời đại này với những chuyện không mới nhưng chưa hề cũ kéo dài bất tận.

Những xung đột khác

Lấy Calliope làm trung tâm câu chuyện, Jeffrey truy ngược về căn nguyên căn bệnh bắt đầu ở đời thứ nhất, Desdemona và Lefty ở bán đảo Tiểu Á. Ở những khoảnh khắc mở đầu này, ông gợi lên một không khí vô cùng thần thoại, là vẻ đẹp của Hy Lạp, của làng quê, của Smyrma và của cái làng Bithynios. Hôn phối cận huyết được coi như sự khởi đầu cho những thiếu hụt về sau này của Calliope trong cơn ngỡ ngàng: “Giờ đây ta biết mình mang cái bản đồ gen của mình đi khắp mọi nơi”. Tương tự như cuốn tiểu thuyết vô cùng ám ảnh của Virginia Andrews – Những bông hoa trên tầng áp mái, tình cảm nảy nở giữa người cùng sinh đều được bắt nguồn từ những thiếu hụt tình thương hay sự cách ly về mặt xã hội nào đó. Dừng bút ở đây, ông miêu tả tiếp theo là cuộc xâm lược của đế chế Ottoman vào Hy Lạp, và từ đây mở ra những câu chuyện khác.

Tị nạn, vấn đề muôn thuở. Chính cuộc thảm sát đẩy con người ta vào những bất định, vào đến tận cùng. Trên con thuyền vượt biển Aegean đến vùng đất hứa, Jeffrey miêu tả câu chuyện những năm 50 nhưng chưa bao giờ lỗi thời: “Căng thẳng tột độ, mù chữ học cách giả vờ biết đọc; đa thê thừa nhận chỉ có một vợ duy nhất; vô chính phủ chối đã từng đọc chính trị gia Proundhon; bệnh nhân tim giả vờ tráng kiện; động kinh thì chối không bị co giật; còn kẻ mang bệnh di truyền thì xí xóa bỏ qua không nhắc tới”. Nhưng cuộc vượt biên ấy chưa bao giờ được phép, mỗi một người họ lại đang chơi đùa với cuộc đời mình, như một canh bạc, hoặc được tất cả hoặc ngã về không. Cũng chính từ trên con tàu vượt biển ấy, từ nơi chôn rau cắt rốn nhìn sang khi len đã xoay hết vòng, là khi con người dễ dàng chối từ căn nguyên, làm nên một căn cước mới, một con người mới, một cuộc đời mới. Và những sai lạc vẫn thế tiếp tục.

Nước Mỹ những năm 60 trải qua những cơn bạo động về mặt sắc tộc. Những người da màu ở khu Black Bottom mà Desdemona hằng ngày đi qua như những con người dưới đáy xã hội. Cùng sự lớn mạnh của chế độ phân tách chủng tộc, khoảng cách giữa họ – những người da màu và tầng lớp da trắng ngày càng lên cao. Nuôi giữ trong sự thù hằn là những nhen nhóm xung đột văn hóa – thứ xung đột nguy hiểm nhất, hơn cả chính trị – mà ở đó bọn khích tướng dễ dàng nâng lên trở thành cực đoan. Như Fard Muhammad ở Quốc gia Hồi giáo, người truyền tư tưởng của mình để biến những người cuồng tín ngày càng cực đoan, một lần nói rằng: “Sinh ra từ dối trá. Sinh ra từ việc giết người. Một chủng tộc những con quỷ mắt xanh”. Xuyên suốt tiểu thuyết của mình, Jeffrey cho thấy ngột ngạt đè nén xã hội là những xung đột chưa bao giờ mới nhưng không lỗi thời. Tầm vóc lớn của một tác phẩm cũng hệt như thế, tuy được viết từ lâu nhưng rõ ràng vẫn phản ánh đúng một mặt nào đó xã hội đương thời, ở lúc đó và cả lúc này, khi Nhà Trắng vẫn đang rúng động những xung lực mới.

Jeffrey lặng lẽ dẫn người đọc đi qua thời kì đen tối cuộc khủng hoảng kinh tế, thời Đại suy thoái, thời cấm rượu ở nước Mỹ vĩ đại. Từ cuốn tiểu thuyết này, ta dễ hình dung một xã hội ngột ngạt lúc ấy ra sao, nhưng dẫu có xuống tận dốc, “Giấc mơ Mỹ” vẫn luôn là thứ mà con người ta không dễ từ bỏ. Có mặt trên chuyến tàu Pháp cứu viện từ bãi biển Hy Lạp ấy, bao nhiêu người đi là bấy nhiêu giấc mộng. Nhưng rồi giấc mộng tan tành, đời người chìm sâu vào bãi cát lún. Jeffrey miêu tả đầy đủ chật vật mà cả Lefty hay Milton sau này đã phải trải qua khi mơ giấc mộng hoang đường. Hay những cô gái phường vẫy mỏng manh trong tiết sương mù Detroit thật đến xơ xác – như một đại diện bộc trực nhất cho giấc mơ Mỹ để nhận ra rằng, không ai dễ dàng trở thành Martin Dressler của Steven Millhauser để xây nên một Đại Thế Giới tầm cỡ. Giấc mơ Mỹ là một thứ gì đó cao xa, mang chút vời vợi hệt như miền đất mà nó mang tên.

Đồng thời ở đây, Jeffrey cũng không bỏ qua tính nữ để gợi một mặt nào đó chủ nghĩa nữ quyền. Khái niệm “phụ nữ tự do” của Doris Lessing được Jeffrey mang vào Lưỡng giới như một tuyên ngôn, một phong cách mới. Mượn hình tượng Sourmalina và lối so sánh kép với Desdemona, Jeffrey vạch ra trước mắc người đọc là hai con đường: “Cả hai đã ngoài bảy mươi nhưng Desdemona là góa phụ tóc bạc, già lão chờ chết trong khi Lina, một kiểu góa phụ trái ngược hoàn toàn, thì lại là một mái tóc nhuộm đỏ lái con Firebird và nặc váy jean đeo thắt lưng có khóa màu ngọc lam”. Thế nhưng nữ quyền không chỉ xuất phát từ đây, mà là bản chất, là lời tái khẳng định mà ông muốn nói với cả thế giới ngoài kia: Nếu Calliope mang đủ quyền năng làm cuộc hành trình hệt thế hệ Beat khi mới 14 ở xứ Cali, thì những phụ nữ đâu đó ngoài kia hoàn toàn có thể tự mình đứng lên. Như Sourmalina những năm 60 mặc kệ thiên hạ để rồi gây nên vụ xì căng đan vô tiền khoáng hậu – diện bộ váy cam tươi rói chỉ sau vỏn vẹn có bốn mươi ngày để tang chồng mình: “Bốn mươi ngày là đủ rồi”. Tự do là khi bà sống, chẳng màng đến ai.

Cố hương vẫn luôn là nơi mà con người ta mong muốn trở về, và với Lưỡng giới, Jeffrey dường như cũng đang buông neo chính tâm tình mình. Lưỡng giới sử dụng rất nhiều điển tích thần thoại Hy Lạp, về Tiresias, về Apollo, về Dionysus,… Jeffrey đan cài lời hứa của Desdemona với thánh Christopher về việc sơn sửa đền đài để đổi lấy sự an toàn cho Milton như sự gắn chặt cố hương, hay dẫu Desdemona đi qua biết bao năm tháng cuộc đời, bà vẫn không thể nào quên những vườn dâu tằm, đĩa nhạc rebetika, trò chơi thỏ cáo hay mùi quả vả oi nồng cháy đượm vào hôm quân Thổ xâm chiếm,… tất cả luôn mang bà về những năm 50 thuở ấy, khi từ sườn núi Olympus bà phóng tầm mắt nhìn xuống cố đô Bursa của đế chế Ottoman trong chiều đầy gió. Cùng đó là nỗi luyến nhớ vùng đất Smyrna đẹp đẽ vẫn luôn ẩn hiện để rồi chôn vùi vào trong quên lãng, tựa Atlantic chìm xuống dưới đáy biển sâu.

Kết

Lưỡng giới lấy Calliope và câu chuyện của cô làm xương sống chính, thế nhưng những điểm cuốn hút lại nằm ở chuyện bên lề và ở bối cảnh lịch sử trải dài qua nhiều thế hệ. Như Jeffrey từng chia sẻ, ông định viết Lưỡng giới đơn thuần dưới dạng một cuốn tự truyện như bản Foucault; thế nhưng khi khai thác sâu hơn, ông lại nhận ra số mệnh của nó không chỉ đơn thuần thuật lại cuộc đời. Đọc Lưỡng giới, ta thấy cánh tay mà nó bao trùm mỗi lúc một rộng ra hơn, lại vươn dài thêm; dù cuộc thảm sát không đậm nét như Những người nuôi giữ bồ câu; nhen nhóm xung đột sắc tộc không khắc nghiệt bằng Nửa mặt trời vàng; phụ nữ vẫn chưa khai phá tận cùng như Doris Lessing, bồng bột tuổi trẻ vẫn chưa đắm mình hoang dã như Jack Kerouac hay giấc mơ Mỹ vẫn chưa hùng vĩ như Steven Millhauser; thế nhưng Lưỡng giới chứa đựng trong mình đầy những thành tố khắc họa lịch sử, và một tác phẩm chứng kiến lịch sử biến động lên xuống không ngừng sẽ lại chất chứa trong mình chính thứ danh định sử thi to tát.

Hết.

Ngô Thuận Phát


Xem tất cả những bài viết của Ngô Thuật Phát tại đây.


Tìm hiểu thêm về tác phẩm Lưỡng giới



2 Comments

2 Bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Phía sau trang sách

Nắng Tháng Tám: Màn trình diễn ấn tượng của William Faulkner

Published

on

By

Nắng tháng Tám diễn ra ở vùng Nam Mỹ vào những năm 1930 và trung tâm câu chuyện xoay quanh vụ án mưu sát một người phụ nữ tên Joanna Burden, người địa chủ bị hầu hết những người dân trong vùng khinh ghét vì quá khứ gia đình. Thông qua quá trình kể câu chuyện này, bí mật của những nhân vật khác cũng dần được tiết lộ. Truyện được viết với thời gian phi tuyến tính, gợi nhớ đến lối kể truyện truyền miệng, đường dây câu chuyện thường xuyên bị ngắt giữa chừng và những nhân vật khác thay phiên nhau tiếp nối mạch truyện. Các nhân vật đều là những con người bị gạt ra khỏi xã hội. Vì vậy, câu chuyện là cái nhìn về xã hội từ ngoài rìa của những con người không còn thuộc về nó nữa.

Tiểu thuyết chia làm ba đường dây câu chuyện riêng biệt, cuối cùng tất cả đều liên kết nhau bằng kết thúc bùng nổ với bạo lực. Một phong cách rất Faulkner. Nhưng khác với những tiểu thuyết khác viết theo phong cách này ở chỗ: cuối cùng nhân vật chính trong mỗi câu chuyện thường gặp nhau thì Faulkner lại không bao giờ tạo ra một cảnh chung có cả Christmas và Lena – hai trong số ba nhân vật chính. Mặc dù dường như họ được kết nối với nhau một cách vô hình: có thể Chirstmas vừa là hóa thân ẩn dụ cho người cha của đứa trẻ trong bụng Lena, đồng thời lại chính là đứa trẻ đó. Đứa trẻ là câu trả lời của Faulkner cho định mệnh tàn bạo không thể tránh khỏi đã nguyền rủa vùng đất phía Nam ấy. Chẳng có lối thoát nào cho những tổn thương quá khứ ngoài việc tự tạo nên những mầm hi vọng mới. Và Faulkner để cho chúng ta tìm ra điều ấy ở đứa trẻ của Lena.

Ở Nắng tháng Tám, Faulkner đã cho thấy một thế giới có chuẩn mực xã hội quá khắt khe, thiếu linh động, bảo thủ và con người phải chịu đựng bằng cách vờ như khuất phục khối bêtông hiện thực của ngoại giới, của những sự việc dường như chẳng liên quan đến họ. Đó là một thế giới chẳng có gì thích ứng với nhau, chẳng có điều gì kết nối, và Faulkner cũng không cố gắng tìm ra sự kết nối. Ông chỉ trộn lẫn chúng vào nhau trong hệ thống câu chuyện của mình để chúng ta cảm nhận những nghịch lí đó.

Nhận xét của báo chí thế giới

Nói rằng Nắng tháng Tám là một màn trình diễn ấn tượng thật chẳng phải là nói quá chút nào… Faulkner không chỉ tích hợp trong cuốn sách này thứ văn phong quyến rũ của sức mạnh và cái đẹp: ông còn cho phép một vài nhân vật của mình, nếu không phải là nhân vật chính, thỉnh thoảng được quyền hành động vô cớ, nằm ngoài những khuôn mẫu xã hội… Nghĩa là, Faulkner tự cho mình lí lẽ và sự thương cảm đối với hệ thống trong thế giới của ông.

J. Donald Adams | New York Times

Quyển sách như rực lửa với sự phẫn nộ dữ dội trước bạo lực, sự ngu ngốc và lòng kiêu hãnh – một quyển sách tuyệt vời.

Spectator

Faulkner có một sức sáng tạo không mệt mỏi, trí tưởng tượng phong phú, và ông thường viết như một thiên thần.

Arnold Bennett

Kodaki
dịch và tổng hợp từ nhiều nguồn

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Tình miệt thứ trong phù sa câu chữ

Published

on

By

Tập truyện ngắn này bao gồm những truyện mà tôi thích. Khi tập hợp để in thành sách, tôi ngồi lựa chọn lại thật kỹ càng, bởi tôi mong muốn trao gởi đi những điều trân quý nhất của mình dành cho độc giả, như một lời tri ân cho những người đã ưu ái đồng hành cùng văn chương của mình.

12 truyện ngắn này là những câu chuyện của miệt đồng bưng chín nhánh sông mà đâu đó trong cuộc đời chúng ta vẫn thường bắt gặp. Xoay quanh những câu chuyện là chữ “tình”. Tôi vẫn thường nghĩ, con người ta trong cuộc đời này chẳng ai thoát khỏi được chữ tình. Chữ tình quấn lấy chúng ta, dắt dìu chúng ta đi qua nỗi buồn, dẫn chúng ta chạm đến niềm vui. Chữ tình khiến chúng ta đắng đót với niềm đau nhưng cũng chính cái chữ tình đó lại là nỗi thương để chúng ta bám víu vào mà sống hết đoạn đời phù sinh thế thái này.

Người viết vì tình mà viết. Người đọc vì tình mà buồn vui theo từng con chữ, xa xót theo từng phận đời, và hả hê với điều thiện lành được hồi đáp sau bao đoạn trường trầm luân.

Có một lần ngồi trên chuyến phà đêm Châu Giang, tôi chợt nghĩ mình chỉ là một dòng phù sa của muôn triệu dòng phù sa đang chảy tràn khắp miệt đồng bưng châu thổ. Tôi đem đến những điều dung dị, chất phác và hào sảng như là bản tính vốn dĩ của người Cửu Long đã ăn sâu vào gốc rễ nội tâm và căn cơ chính mình.

Có bận tôi về Đồng Tháp, ghé cái chợ quê mà hồi nhỏ hay để dành năm trăm, một ngàn để mua dăm ba thứ bánh quê, tôi ngồi sụp xuống và lựa chục loại rồi hí hửng xách lên chạy về khoe với mấy cậu mấy dì. Tôi chẳng thể ăn hết được mớ bánh hôm đó, nhưng vui lạ lùng. Thể như tôi tìm thấy chính mình sau những đãi bôi thị thành. Tôi thấy niềm vui của mình sao giản đơn đến lạ! Hóa ra mỏi gót điêu linh nơi phố xá hào nhoáng thì cái gốc rạ chân quê vẫn là thứ mà tâm tưởng chính tôi luôn hoài vọng.

Có lẽ, dấu chân tôi chưa đi hết nổi dải đất bạt ngàn phù sa miền Tây, đôi tai chưa nghe hết chuyện hào sảng xứ này, đôi mắt chưa thể tận tường hết những thứ đẹp đẽ của sóng nước bưng biền, hay thâm tâm chưa thể trọn vẹn thấu hiểu hết vùng châu thổ, nhưng tôi vẫn luôn thích viết về xứ này. Cái xứ gì mà hổng hết chuyện để viết. Có lần tôi nói vậy với một bạn văn phía Bắc. Bạn nói, thì cứ viết đi, viết đến cạn cùng cuộc đời, chưa chắc viết hết trọn một vùng đất. Bởi đất ôm cả đời người. Người ta sống thác gì đó, gieo neo dâu bể thế nào thì cũng về với đất quê xứ mình mà thôi!

Vậy nên, tôi cứ viết hoài về miền đất này, ngõ hầu đem đến cho độc giả của mình cái “tình” miệt thứ, cái “thương” đồng bưng. Càng viết tôi lại càng thấy mình như mắc nợ vào sóng nước phù sa câu chữ. Viết hoài hổng hết. Viết hoài vẫn cứ muốn viết.

Viết và gởi đến độc giả đã thương yêu câu chữ của mình, cũng như nếu một ai đó hữu duyên cầm trên tay cuốn sách nhỏ này, thì mời bạn một lần lắng lòng lại, lật từng trang sách, nghe tôi kể chuyện buồn miệt thứ. Nhưng mà, người miệt thứ buồn đó rồi lại vui đó, như sóng nước xứ này vơi rồi lại đầy, như phù sa châu thổ muôn đời vẫn dâng người những mùa màng tốt tươi.

Tống Phước Bảo

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Hồ: Một nỗi buồn điềm tĩnh và dịu dàng

Published

on

By

Tiểu thuyết Hồ của Banana Yoshimoto viết về những nỗi đau, những mất mát của con người và cách họ vượt qua nó. Các nhân vật trong Hồ như Chihiro, Nakajima, Mino, Chii… đều có những thương tổn sâu sắc trong quá khứ. Với đề tài như thế, câu chuyện sẽ dễ sa đà vào nhiều trường đoạn cảm xúc nặng nề nhưng Banana vẫn luôn giữ được sự điềm tĩnh, dịu dàng trong văn phong giống như ở những tác phẩm trước đây đã quen thuộc với bạn đọc Việt Nam như: Kitchen, Vĩnh biệt Tugumi, N.P…

Hồ được Banana lấy cảm hứng từ câu chuyện của giáo phái Aum Shinrikyo. Độc giả có thể nhận thấy mô hình công xã mà Nakajima sống ngày còn nhỏ phần nào tương tự với mô hình của giáo phái này. Aum Shinrikyo cũng xuất hiện trong tác phẩm 1Q84 của Murakami Haruki dưới hình thức hư cấu. Qua đó, người đọc thấy được sự khác biệt trong cách khai thác cùng một chủ đề của hai nhà văn. Nếu như trong 1Q84, Haruki đề cập nhiều đến những tác động chính trị – xã hội xoay quanh mô hình phi nhân của Aum thì ở Hồ, Banana chọn một góc nhỏ để viết về hậu chấn tinh thần của những đứa trẻ khi phải chịu sự giáo dục tẩy não trong một cộng đồng không đề cao cái tôi cá nhân. Và chi tiết mà Banana chọn để khắc họa nỗi đau của những đứa trẻ ấy khi lớn lên vừa đơn giản, vừa ám ảnh: Nakajima kẹp vỉ nướng bánh dày vào nách khi ngủ mỗi lần “cảm thấy sắp mơ phải cái gì đáng sợ” bởi đó là vật mà mẹ cậu rất quí; Chii mãi chìm đắm trong những giấc ngủ; Mino sống lặng lẽ từng ngày và đôi khi truyền hộ thông điệp mà người em gái say ngủ muốn nói cho người khác…

Nỗi buồn của các nhân vật dù được Banana viết ra thật nhẹ nhàng nhưng không vì thế mà người đọc có cảm giác hời hợt. Bởi vì, cái đau của họ không phải là cái đau của một người vừa qua cơn khủng hoảng tâm lí, vẫn chưa hết bàng hoàng và không thể chấp nhận hiện thực. Ngược lại, họ tự tách mình ra khỏi chính bản thân mình, đứng ở một nơi xa để ngắm nhìn nỗi đau của mình, chịu đựng nó, chấp nhận nó. Đó là cách để họ vừa giữ lại những kỉ niệm tươi đẹp trong quá khứ, vừa giữ lại nỗi buồn đã tiềm ẩn trong kí ức ấm áp ấy.

Đọc bài viết

Cafe sáng